Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> 'Của hiếm' trong không quân các cường quốc

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

>> 'Của hiếm' trong không quân các cường quốc



Dù "lỗi mốt", nhưng máy bay cánh quạt vẫn có mặt trong biên chế nhiều cường quốc quân sự và trở thành "của hiếm" trong lực lượng không quân các nước này.

Trong hai cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) và lần thứ hai (1939 – 1945), hàng nghìn máy bay chiến đấu, ném bom động cơ cánh quạt đã tung hoành trên khắp thế giới.



Đội bay P-51 Mustang tung hoành trên khắp bầu trời Châu Âu trong thế chiến lần thứ hai.


Tuy nhiên, kể từ sau đại chiến lần hai, máy bay phản lực đã xuất hiện soán ngôi của máy bay cánh quạt. Dần dần, những máy bay chiến đấu sử dụng động cơ cánh quạt bị loại ra khỏi thành phần trang bị các quốc gia trên thế giới.

Đến ngày nay, việc tìm ra kiểu máy bay cánh quạt chiến đấu thực sự gần như “mò kim đáy bể”. Tuy nhiên, còn một số loại máy bay chiến đấu cánh quạt còn hoạt động đến tận ngày nay. Thực sự bất ngờ khi nó lại được tìm ra trong thành phần trang bị của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới như: Mĩ, Nga và Brazil.

Sau đây là ba loại máy bay chiến đấu cánh quạt hiện đại:

Máy bay chiến đấu cánh quạt AT – 6B (Mĩ)
Máy bay chiến đấu cánh quạt AT – 6B do hãng Hawker Beechcraft (Mĩ) phát triển dựa trên máy bay huấn luyện T – 6


Máy bay tấn công hạng nhẹ AT-6B..


AT – 6B được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ như: hỗ trợ tấn công tầm ngắn, tìm kiếm và cứu nạn trong chiến đấu, trinh thám và huấn luyện chiến đấu.

Dù là máy bay cánh quạt nhưng các thiết bị điện tử trang bị trên AT – 6B không hề thua kém so với máy bay chiến đấu phản lực hiện đại trên thế giới. Buồng lái được bọc giáp bảo vệ, phi công được lắp đặt màn hình hiển thị ngang tầm mắt (HUD); Ba màn hình tinh thể lỏng đa năng (MFD) hiển thị các thông số kĩ thuật bay trợ giúp phi công; Hệ thống cảnh báo cho phi công về tình trạng máy bay (liên quan tới động cơ, cánh máy bay, cánh quạt…) và đặc biệt là hệ thống đối phó trả đũa điện tử thường thấy trên các chiến đấu cơ phản lực hiện đại.


AT-6B có thể coi là máy bay đa nhiệm vụ được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại.


Vũ khí của AT – 6B mang trên 6 giá treo ở cánh máy bay bao gồm: súng máy, tên lửa không đối không AIM – 9, tên lửa không đối đất AGM – 65, bom dẫn đường Pageway, bom đường kính nhỏ và rocket.

Máy bay trang bị động cơ tuốc bin cánh quạt Pratt & Whitney Canada PT6A – 68 cho phép nó đạt tầm bay hơn 1.600km.

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu – 95 (Nga) Tu – 95 là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa sử dụng động cơ cánh quạt duy nhất còn hoạt động trên thế giới.

Ra đời từ những năm 1950, Tu – 95 có hơn 50 năm hoạt động liên tục trong đơn vị máy bay ném bom chiến lược của không quân Liên Xô và ngày nay là không quân Liên bang Nga.


Tu-95 do phòng thiết kế Tupolev nghiên cứu phát triển từ những năm 1950.


Kíp lái của Tu-95 gồm 7 thành viên. Máy bay được trang bị các thiết bị điện tử như ra đa thời tiết, ra đa điều khiển hỏa lực pháo (ở đuôi Tu – 95 được bố trí tháp pháo hai nòng cỡ 23mm), ra đa định vị và ném bom Obzor, ra đa ống kính đồng bộ và hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa Mak – UT IR.

Máy bay chiến lược tầm xa Tu – 95MS (phiên bản sử dụng rộng rãi) có khả năng mang 15 tấn vũ khí bao gồm: 6 tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân Kh – 55 (tầm bắn 3.000 km) hoặc lựa chọn mang 14 tên lửa không đối hạm Kh – SD (tầm bắn 600 km) hoặc tám tên lửa hành trình chứa trong ống phóng Kh – 101 (tầm bắn 3.000 km).

Tất cả các tên lửa cũng tương tự như Tu – 160 đều lắp trên các máy phóng quay chứa trong khoang bom.


Tu-95 trang bị bốn động cơ tuốc bin cánh quạt cực khỏe đưa cả chiếc máy bay lên bầu trời cùng 15 tấn vũ khí.



Máy bay tiếp dầu IL-78 chuẩn bị tiếp liệu cho Tu-95.


Tu – 95 trang bị bốn động cơ tuốc bin cánh quạt cực khỏe Samara Kuznetsov NK – 12MP cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 650 km/giờ, trần bay 13.000 mét, bán kính chiến đấu 6.400 km hoặc 8.200 km nếu được tiếp nhiên liệu trên không.

Máy bay chiến đấu cánh quạt hạng nhẹ EMB – 314 (Brazil)

Máy bay chiến đấu cánh quạt hạng nhẹ EMB – 314 được hãng Embrear (Brazil) phát triển và chế tạo.

EMB – 314 là phiên bản nâng cấp từ máy bay huấn luyện EMB – 312 với khả năng đạt tốc độ lớn hơn và trần bay cao hơn.


Máy bay chiến đấu cánh quạt Embrear EMB-314.


EMB – 314 là máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi, buồng lái được bọc giáp. Máy bay trang bị hệ thống điện tử do hãng Elbit System (Israel) cung cấp, gồm: màn hình HUD, hai màn hình màu tinh thể lỏng (MFD), máy tính đa nhiệm tiên tiến, hệ thống định vị GPS, hệ thống tấn công và định vị quán tính la de.

Ngoài khả năng thực hiện nhiệm vụ ban ngày, EMB – 314 cũng có khả năng tác chiến ban đêm nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị kính ngắm ảnh nhiệt.


EMB-314 vũ trang tên lửa và bom hoặc súng máy.


Vũ khí của EMB – 314 mang trên năm giá treo trên cánh và thân (tổng trọng lượng vũ khí khoảng 1.500 kg), bao gồm: hai súng máy 12,7mm (tốc độ bắn 1.100 viên/phút); tên lửa không đối không tầm ngắn AIM – 9 hoặc MAA – 1; tên lửa không đối đất; bom không điều khiển và rocket.

Máy bay trang bị một động cơ tuốc bin cánh quạt PT6A – 68A cho phép EMB – 314 đạt tốc độ tối đa 560 km/giờ, trần bay 10.000 mét và tầm bay 1.500 km/giờ.

[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang