Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Khoảng tối sau 'nghĩa vụ thiêng liêng' ở Hàn Quốc

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

>> Khoảng tối sau 'nghĩa vụ thiêng liêng' ở Hàn Quốc



Những vụ bắn giết và tự sát xảy ra liên tục gần đây trong lực lượng thủy quân lục chiến của Hàn Quốc đã phơi bày những mặt trái của chính sách huấn luyện khắc khổ và kỷ luật từng là niềm tự hào của người dân nước này.


“Nếu ai cũng là lính thủy đánh bộ được thì tôi đã chẳng tham gia” – Đó là khẩu hiệu của các quân đoàn Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc, cho thấy ý thức của lực lượng này về vị trí ưu tú của mình tại một quốc gia mà hầu như mọi thanh niên khỏe mạnh đều phải phục vụ trong quân đội như một “nghĩa vụ thiêng liêng”.

Tuy nhiên giờ đây niềm kiêu hãnh đó, cùng với vấn đề kỷ luật trong quân đội Hàn Quốc nói chung đang bị đặt dưới ánh mắt dò xét đầy khó chịu của toàn xã hội sau những diễn biến vừa qua.

Hồi tháng 6/2011, một số lính thủy đánh bộ đã xả súng vào một máy bay chở khách đang tiếp cận sân bay Seoul vì tưởng nhầm đó là một máy bay của Triều Tiên. Vụ việc đã đặt dấu hỏi lớn về công tác huấn luyện cũng như mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị lính thủy đánh bộ.


http://nghiadx.blogspot.com

Một buổi tập khắc khổ điển hình của lính thủy đánh bộ Hàn Quốc

Không chỉ vậy, vào ngày 4/7, một hạ sĩ quan lính thủy đánh bộ bất ngờ xả súng bừa bãi trong trại lính, giết chết 4 người và làm bị thương một người. Gần 1 tuần sau, một lính thủy đánh bộ khác treo cổ tự sát. Chỉ 4 ngày sau lại có thêm một thượng sĩ tự sát, cũng bằng cách treo cổ.

Cả 3 vụ việc xảy ra trong tháng 7 đều có cùng một nguyên nhân. Các nhân viên điều tra cho biết người hạ sĩ quan gây ra vụ xả súng đã bị đối xử tàn tệ trong một thời gian dài, trong khi nhiều vết bầm do đánh đập được tìm thấy trên thi thể của người lính tự sát hôm 10/7.

Binh nhì Chung Joon – hyok, đồng phạm trong vụ xả súng ngày 4/7 và là sinh viên trường dòng, khai rằng mình bị đánh đập không tiếc tay và bị đốt cả cuốn kinh thánh mang theo. Người ta đã bắt giữ 2 binh sĩ tra tấn Joon – hyok ngay sau đó.

Không còn là “chuyện bình thường”

Sử dụng bạo lực để siết chặt kỷ luật quân đội không phải là điều mới trong đội quân 650.000 người của Hàn Quốc, nhưng thảm kịch xảy ra cho thấy kiểu huấn luyện như vậy – bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1953 – đã không còn phù hợp với xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Ngày càng có nhiều thanh niên trẻ gia nhập quân ngũ – những người chưa từng trải qua cảm giác chiến tranh. Không còn tôn thờ 21 tháng phục vụ trong quân đội là “nghĩa vụ thiêng liêng” như cha ông, các thanh niên Hàn Quốc giờ đây xem khoảng thời gian này như một sự gián đoạn khó chịu vào đời tư và sự nghiệp của họ.

Chính sự thay đổi này đã dẫn đến va chạm giữa các thế hệ trong quân đội Hàn Quốc, gây lo lắng cho những sĩ quan lớn tuổi luôn muốn xây dựng một lực lượng có tinh thần mạnh mẽ.

Nhiều ngưởi lính trẻ giờ đây không còn tình nguyện chịu đựng việc bị đối xử thô bạo kiểu đánh đập đến thủng màng nhĩ hoặc cắt sâu vào da thịt, vốn được khuyến khích trong quân đội Hàn Quốc như một cách tôi luyện binh sĩ cho chiến đấu.

Hồi tháng 3/2011, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia lên tiếng chỉ trích “những màn đánh đập và hành động tàn ác mang tính truyền thống và phổ biến trong quân đội”. Báo cáo của Trung tâm Nhân quyền Hàn Quốc về tình trạng bạo lực dựa trên phỏng vấn các binh sĩ đã và đang phục vụ trong lính thủy đánh bộ cho thấy tồn tại những kiểu trừng phạt như bị “đóng dấu” bằng đầu thuốc lá cháy đỏ, ăn côn trùng và tự làm nhục mình trước mặt cấp trên...

Chỉ trong vòng 2 năm từ 2009 đến nay, quân đội Hàn Quốc đã ghi nhận 943 trường hợp thủng màng nhĩ, nứt xương sườn và vô số chấn thương khác nghi ngờ là do đánh đập trong 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ. Nhiều binh sĩ kể lại với nỗi khiếp sợ về loại cuốc chim nặng gần 3kg mà các sĩ quan dùng để “dạy bảo” cấp dưới.

Một trong những hình phạt bị khiếp sợ nhất, được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm kịch ngày 4/7, đó là bị “tẩy chay”. “Đây là hình phạt dành cho những kẻ “chỉ điểm” – Kim Soong-nyong, một lính thủy đánh bộ giải ngũ năm 2008 cho biết – bạn bị xua đuổi và lăng nhục bởi cả những binh sĩ đồng trang lứa”.

Trò bạo lực hay truyền thống cần giữ gìn?

Tình hình nghiêm trọng đã buộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phải tuyên bố mở chiến dịch thanh trừng các vụ bạo lực và ức hiếp xảy ra trong quân đội. Đích thân Tổng thống Lee Myung-bak phát biểu rằng cần phải “thay đổi tận gốc” văn hóa trong quân ngũ Hàn Quốc.

Thế nhưng đối với nhiều cựu quân nhân lính thủy đánh bộ thì những biện pháp khắc khổ như trên là cần thiết. “Bạn phải tuân phục cấp trên như chúa trời vậy – Kim Jong – ryeol, một cựu binh 51 tuổi đến từ Seoul, nói – Đó là cách đảm bảo các binh sĩ sẽ xông pha lửa đạn trong thời chiến”.

Kim Soong-nyong cũng đồng ý với nhận định trên: “Bất kỳ ai xin gia nhập lính thủy đánh bộ cũng đã chuẩn bị tinh thần cho những kiểu tôi luyện như bị đánh đập. Bởi quân đội không phải là trại hè cho thiếu nhi”.

Ở một tầm vóc lớn hơn, chính loại “văn hóa quân đội” này được xem là động lực thúc đẩy xã hội Hàn Quốc đi lên trong những năm qua. Những tập đoàn và viện khoa học lớn của Hàn Quốc hoạt động hiệu quả, theo nhiều ý kiến, là bởi văn hóa phục tùng và tôn trọng cấp trên.

Nhưng các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng cũng chính thứ văn hóa này phải chịu trách nhiệm về việc bóp chết sức sáng tạo cá nhân, bạo lực học đường và việc làm ngơ cho tham nhũng.

Nhưng dù có tranh cãi thế nào thì điều quan trọng là ngăn chặn những thảm kịch khác xảy ra, như lời tâm sự trong nước mắt của bà mẹ phạm nhân Chung Joon-hyok: “Tôi lấy làm tiếc cho những người đã bị giết chết, nhưng con trai tôi cũng chỉ là một nạn nhân. Mong rằng đây sẽ là dịp để quân đội chấm dứt những hành động xấu xa đang tồn tại”.

[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang