Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Bắc Kinh

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bắc Kinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bắc Kinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

>> Pakistan hợp tác với Trung Quốc chế tạo tàu ngầm



[BDV news]Hiện Hải quân Pakistan không ngừng tăng cường sức mạnh của mình nhằm đối trọng với Hải quân Ấn Độ.


Theo thời báo Hindu, gần đây Pakistan tỏ ra rất thân thiện với Trung Quốc và nhập khẩu nhiều máy bay chiến đấu của Bắc Kinh. Hiện nay Pakistan còn nhập khẩu 6 tàu ngầm tiên tiến nhất của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển.

Ngày 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan đã phê chuẩn kế hoạch nhập khẩu 6 tàu ngầm từ Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn tiến hành một cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Pakistan sau cuộc họp với Trung Quốc tuyên bố với giới báo chí rằng, Bắc Kinh đã đồng ý xuất khẩu sang Pakistan 6 tàu ngầm hiện đại và Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan sẽ hội đàm với phía Trung Quốc.

Đồng thời, ông còn nhấn mạnh rằng, do kế hoạch đang trong giai đoạn chuẩn bị nên các tình tiết không được tiết lộ.



Tàu ngầm lớp Agosta của Pakistan được nhập khẩu từ Pháp.


Theo báo cáo của hãng thông tấn Pakistan, Bộ Quốc phòng Pakistan có kế hoạch mua từ Trung Quốc 6 tàu ngầm đồng thời cũng yêu cầu phía Trung Quốc kết hợp chế tạo động cơ tàu ngầm thông thường. Báo cáo cũng cho biết,tàu ngầm tiên tiến sẽ được trang bị hệ thống động cơ AIP (*)

(*) Air-Independent propulsion: Động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập. Không khí để sử dụng cho động cơ được cung cấp qua một nguồn phụ trợ, không sử dụng ống thông hơi như các tàu ngầm cũ. Nguồn phụ trợ để tạo ra không khí dựa trên các phản ứng hóa học, thông qua các tế bào nhiên liệu chứa oxy hóa lỏng, hoặc sử dụng phản ứng hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Pakistan cho biết, số lượng tàu ngầm và các tàu chiến đấu khác chưa đủ để phục vục nhu cầu của Pakistan. Do đó, Hải quân nước này phải đối mặt với sự “mất cân bằng quân sự” một cách nghiêm trọng.

Pakistan hiện có 5 tàu ngầm Diesel và 3 tàu ngầm loại nhỏ. Trong đó, có 3 tàu ngầm lớp SSK được nhập khẩu từ Đức, ngoài ra còn có 2 tàu ngầm gần giống với tàu ngầm lớp Agosta của Pháp.

Islamabad hy vọng việc sử dụng kĩ thuật tiên tiến AIP sẽ có thể cạnh tranh cùng với Hải quân Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. Theo kế hoạch, năm 2013 Pakistan sẽ chế tạo được tàu ngầm lớp Scorpene, trang bị hệ thống AIP.

Quân đội Pakistan yêu cầu 6 tàu ngầm sử dụng động cơ AIP của Trung Quốc phải có khả năng "tác chiến trong điều kiện khí hậu nhiệt đới và trong môi trường có nhiều mối đe dọa", thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khác nhau và cũng có khả năng phóng ngư lôi, tên lửa.

Quân đội Pakistan sẽ sớm giao dịch với Công ty Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc để ký kết hợp tác phát triển sản xuất tàu ngầm và dự thảo các thỏa thuận liên quan khác. Pakistan hy vọng 4 tàu ngầm được chế tạo tại Trung Quốc, 2 chiếc còn lại sẽ được chế tạo tại Pakistan.


Kế hoạch mua 36 máy bay J-10 của Pakistan chính thức được triển khai.


Pakistan và Trung Quốc có những kế hoạch hợp tác phát triển kĩ thuật quân sự bí mật, Trung Quốc là quốc gia cung cấp phần lớn các loại vũ khí cho Islamabad.

Hiện nay, Hải quân Pakistan đã chính thức tiếp nhận tàu hộ vệ lớp F-22P do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất, phía Trung Quốc còn bày tỏ mong muốn giúp đỡ Hải quân Pakistan chế tạo 2 tàu ngầm phóng tên lửa khác.

Mối quan hệ quân sự giữa Bắc Kinh và Islamabad còn phải kể tới hợp đồng mua 36 máy bay chiến đấu J-10 vừa được chính thức được triển khai. Các hợp đồng này có trị giá lên tới 140.000.000 USD.

Ngoài ra, Pakistan cũng có kế hoạch nhập khẩu nhiều loại máy bay chiến đấu khác từ Trung Quốc. Điển hình trong các thương vụ hợp tác phát triển máy bay chiến đấu JF-17.



Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

>> VN nói cuộc tấn công Libya là 'tiền lệ xấu'






[BBC Vietnamese] Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại trước các diễn biến mới nhất ở Libya, trong khi Đảng Cộng sản nói việc liên quân tấn công là "không thể chấp nhận được".




Nhanh không kém nước lớn láng giềng Trung Quốc, vốn đã ngỏ ý "tiếc" về hoạt động quân sự của liên quân phương Tây tại Libya, hôm Chủ nhật 20/03, Chính phủ Việt Nam tuyên bố qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao:

"Việt Nam lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libya với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân Libya và hòa bình, ổn định ở khu vực."

Trước đó, cũng trong ngày Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nói nước này luôn phản đối việc "sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Nga và một số nước khác cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Bắc Kinh bày tỏ hy vọng "Libya sẽ sớm khôi phục ổn định và tránh thương vong cho người dân", đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc tôn trọng "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Bắc Phi.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia.”

Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không đề cập tới thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Libya và phe nổi dậy, mà các binh lính trung thành với Đại tá Gaddafi bị cáo buộc vi phạm.

'Khoác áo bảo vệ nhân quyền'
Trong khi đó, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm thứ Hai 21/03 chạy bài xã luận chỉ trích chiến dịch quân sự của Anh-Pháp-Mỹ tại Libya là "hành động quân sự khoác áo bảo vệ nhân quyền".

Bài xã luận viết rằng cuộc tấn công vào Libya, "một nước độc lập, có chủ quyền" đang "gây đau thương và chết chóc cho người dân vô tội".

Báo Nhân dân đặt câu hỏi: "Phải chăng đây chỉ là cái cớ để can thiệp tình hình nước này?" và trích dẫn một số phân tích gia nói rằng mục đích cuối cùng của chiến dịch quân sự hiện thời là "thiết lập một chính quyền thân phương Tây, tạo ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực".

Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công Libya là sự xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Ðây là điều không thể chấp nhận được vì tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.

Xã luận báo Nhân dân
Bài xã luận cũng nói "dư luận quốc tế tỏ rõ nghi ngờ mục tiêu chiến dịch quân sự" của phương Tây tại Libya.

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công Libya là sự xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền".

"Ðây là điều không thể chấp nhận được vì tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế."

Phản ứng của Việt Nam được cho là không bất ngờ vì Tripoli lâu nay giữ quan hệ khá mật thiết cả về chính trị và ngoại giao với Hà Nội.

Việt Nam và Libya có cơ chế tham khảo chính trị, cùng chia sẻ nhiều quan điểm chung về tình hình quốc tế, nhất là vai trò của Mỹ và các nước phương Tây.

Cũng là quốc gia 'Xã hội Chủ nghĩa', Libya của Đại tá Gaddafi và Việt Nam cùng phản đối can thiệp của nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực dân chủ-nhân quyền.

Truyền thông Việt Nam cũng cho hay đại sứ quán Việt Nam tại Tripoli vẫn an toàn tuy có thể sẽ sơ tán sang một nước láng giềng nếu bạo lực leo thang.


Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc đem quân đến Libya để thị uy phương Tây



Khoảng 600 năm sau khi Đô đốc Trịnh Hòa đưa hạm đội tàu của nhà Minh tới châu Phi, những chiếc tàu chiến của Trung Quốc một lần nữa xuất hiện ở lục địa Đen, với nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán người dân khỏi Libya.

Trong những năm qua, hải quân Trung Quốc ít khi “vươn ra biển lớn”, trừ lần cử tàu tham gia các nỗ lực chống cướp biển ở Somali hồi năm 2008. Tuy nhiên, không ít chuyên gia quan tâm tới thông tin Bắc Kinh cử các tàu khu trục đi hộ tống những chiếc tàu sang Libya sơ tán người dân nước này.



Không quân Trung Quốc cũng điều 4 máy bay vận tải quân sự IL-76 lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh minh họa.

Diễn tập quân sự ngay ở Libya?
Không chỉ với mục đích di tản người dân, những chiếc tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc sang Libya còn có mục đích thị uy. Một số chuyên gia nhận định rằng xét từ cách sử dụng lực lượng cứu viện, không loại trừ khả năng lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiến hành “luyện binh”.

Ông Erikson, chuyên gia vấn đề Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng hành động tích cực để bảo vệ và di tản kiều dân là một phần thể hiện thực lực, sự tồn tại và ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới đang tiếp tục tăng lên. Từ đây, khả năng hoạt động ở các vùng biển xa của Trung Quốc sẽ càng nổi bật hơn nữa.

Khẳng định sức mạnh quân sự
Theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, không chỉ tàu hộ tống Từ Châu, bốn chiếc máy bay vận tải quân sự IL-76 của Trung Quốc cũng cất cánh từ Urumqi, qua Pakistan, Oman, Saudi Arabia, Sudan tới Libya. Việc liên tiếp thực hiện các chặng bay xa lạ ở nhiều nước kiểm nghiệm năng lực vận tải tầm xa của không quân Trung Quốc. Những chuyến bay này cho thấy không quân Trung Quốc hiện đủ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài.

Giới phân tích quân sự cho rằng việc lập cầu hàng không sơ tán như trên ngay cả trong phạm vi hạn chế cũng làm tăng uy tín của không quân Trung Quốc và “tạo cơ hội cho công tác huấn luyện và rút kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện các hoạt động tầm xa của không quân”.

Như vậy là cùng với thông tin phát triển mẫu máy bay tàng hình J-20 và đang gấp rút hoàn thành ba chiếc tàu sân bay, quân đội Trung Quốc đang ngày càng thể hiện ý chí chính trị và khả năng quân sự để tự bảo vệ họ bằng vũ lực nếu cần.

(bee news)

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

>> Làn sóng nâng cấp vũ khí tối tân tại Châu á



Sau cuộc chạy đua vũ trang Mỹ - Nga thời Chiến tranh Lạnh, giới phân tích quân sự cho rằng, thế giới đang chứng kiến làn sóng nâng cấp vũ khí tối tân với tốc độ nhanh và quy mô lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.


Những con số…
Tháng 12/2010, Nhật Bản hiệu chỉnh Đại cương Phòng vệ mới, lên kế hoạch mua 5 tàu ngầm, 3 tàu khu trục, 12 máy bay chiến đấu, 10 máy bay tuần tra và 39 máy bay trực thăng.

Nhật Bản mới đây đã công bố kế hoạch triển khai thêm 3 giàn tên lửa đánh chặn Patriot và xúc tiến sản xuất các tàu chiến trang bị tên lửa thế hệ Aegis, tuyên bố chương trình này nhằm đối phó với Triều Tiên, đặc biệt sau khi xảy ra vụ đắm tàu Cheonan và Triều Tiên tiết lộ chương trình làm giàu urani.

Đồng thời, theo “Kế hoạch quốc phòng trung hạn” mới được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 17/12/2010 cho thấy trong vòng 5 năm tới Nhật Bản sẽ đầu tư 276 tỷ USD nhằm xây dựng lực lượng Phòng vệ, trong đó sẽ chú trọng cải cách biên chế quân đội và phát triển các loại kỹ thuật tiên tiến và vũ khí có độ chính xác cao.

Tháng 3/2009, Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh công bố Dự án 15B, theo đó Ấn Độ sẽ xây dựng các tàu chiến thế hệ tiếp theo trong các giai đoạn khác nhau. Ngoài ra, Ấn Độ xây dựng ít nhất 3 tàu khu trục lớp Kolkata theo Dự án 15A và hai tàu sân bay: INS Vikramaditya và INS Vikrant.

Để đạt được sự cân bằng tương đối, Hải quân Ấn Độ đang xây dựng hạm đội tàu khu trục hộ tống tàng hình và bắt đầu thực hiện một số dự án mới. Tàu Shivalik sẽ là chiếc khu trục tàng hình đầu tiên của Ấn Độ. Các tàu khu trục lớp Sahyadri và Satpura đang được xây dựng. Sau khi tất cả các kế hoạch của chính phủ được hoàn tất, Ấn Độ sẽ có hơn 140 tàu chiến.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã mua số vũ khí trị giá 150 tỷ USD. Động thái đáng chú ý hiện nay là các hoạt động trên biển gần đây của Hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh có ý định tăng cường kiểm soát các tuyến đường hàng hải trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hàng không mẫu hạm Varyag, thuộc lớp Kuznetsov, đang được xây dựng. Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng tất cả 3 hàng không mẫu hạm năm 2017. Các tàu sân bay này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc đạt được khả năng cạnh tranh trên biển với Hải quân Mỹ.

Gần đây, Trung Quốc cũng không ngừng phô trương các loại vũ khí mới - một tiêu chí nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Có chuyên gia nhận định nhiều khả năng sẽ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Đông Á, sau khi các phương tiện thông tin đưa hình ảnh Trung Quốc công bố loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ J-20.

Việc công bố công nghệ mới của Trung Quốc trùng hợp với thời điểm tại Seoul, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tìm kiếm một thỏa thuận quân sự song phương đầu tiên sau khi Mỹ hối thúc Hàn - Nhật tăng cường hợp tác để đối phó với Triều Tiên.

Trong khi tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản, quân đội Hàn Quốc cũng thông báo kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa dẫn đường diệt xe tăng do Israel chế tạo trên đảo YeonPyeong, hòn đảo vừa bị Triều Tiên pháo kích hồi cuối tháng 11/2010.

Hàn Quốc cũng đầu tư đáng kể cho sức mạnh quân sự. Ngoài việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Mỹ, quân đội Hàn Quốc còn gia tăng tổ chức các cuộc diễn tập quân sự giả định quy mô lớn.

Trong khi đó, nhập khẩu quân sự của Malaysia cũng đang tăng lên, Singapore cũng đang có kế hoạch mua 2 tàu ngầm; Australia đang lập kế hoạch chi 179 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để mua mới tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu.

Bên cạnh đó, Nga cũng có kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử tại khu vực Viễn Đông vào năm 2011, tăng cường sự hiện diện sức mạnh quân sự của Nga tại khu vực này.

Điểm đáng quan tâm là hiện nay, Mỹ đang tăng cường sức mạnh cho các lực lượng đồn trú tại khu vực Đông Bắc Á. Theo các phương tiện truyền thông của Anh, Mỹ có kế hoạch đầu tư 12,6 tỷ USD nhằm xây dựng và mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Guam - khoản đầu tư lớn nhất để xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, với mục đích là biến đảo Guam thành căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Tây Thái Bình Dương.

Chưa hết, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang chạy đua mạnh mẽ phát triển các tên lửa chống hạm, điều có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong chiến tranh trên biển và thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.

Ấn Độ và Nga đang bắt tay chế tạo tên lửa BrahMos thế hệ thứ hai, dự kiến có thể đạt tốc độ tới 7.300 km/h. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa chống hạm siêu âm như vậy của riêng mình, mang tên Đông Phong 21D (DF-21D). Được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, loại tên lửa này có thể được dùng để chống các tàu sân bay của Mỹ, qua đó hủy diệt uy quyền tối thượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Bản thân Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu tốc của mình mang tên X-51A WaveRider, sử dụng công nghệ phản lực tĩnh siêu âm.

… và “động cơ” kích động cuộc đua
 Sau khi xuất hiện một số sự kiện như vấn đề hạt nhân, phóng thử tên lửa đạn đạo và cái gọi là thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Triều Tiên đã trở thành một trong những nhân tố nổi bật tác động đến quyết định nâng cao sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đặc biệt là sau sự kiện tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và hai miền Triều Tiên pháo kích lẫn nhau, Hàn Quốc và Nhật Bản càng có các động thái tăng cường sức mạnh quân sự hơn nữa. Tương quan sức mạnh quân sự trong khu vực đang có những thay đổi.

Nhưng một lý do được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đua sức mạnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương là các nước trong khu vực đang lo ngại sự ngày càng trỗi dậy về kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong khi cho rằng Mỹ ít có khả năng can dự vào sự vụ khu vực.

Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang xúc tiến chính sách ngoại giao kinh tế, và vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc ngày nay chính là sức mạnh kinh tế, đặc biệt là dự trữ ngoại tệ.

Về quân sự, trước kia, các nước khác cho rằng, Trung Quốc phát triển quân sự chỉ để trấn áp “giặc cỏ”. Hiện nay, các nước bất ngờ phát hiện ra rằng, quân đội Trung Quốc đã đột phá chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra Thái Bình Dương.

Trong khi đó, toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ sẽ bước vào một thời kỳ “không xác định” chưa từng có: rối loạn trên bán đảoTriều Tiên, kinh tế phập phù khó đoán định và thời gian tại chức ngắn ngủi của nhiều vị Thủ tướng Nhật Bản, ngoài ra còn có vấn đề “chuyển giao quyền lực” ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… sắp diễn ra.

Đối với nhiều nhà quan sát, 2010 là một năm đầy thử thách đối với ngoại giao của Bắc Kinh do quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và những quan ngại trước việc Mỹ cam kết "quay trở lại" khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo của các cố vấn quân sự Australia cho rằng Australia cần một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tấn công cùng một loạt hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm đáp lại những mối đe dọa về an ninh từ việc xây dựng quân đội quy mô lớn của Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu khiến Ấn Độ đang ra sức mở rộng kho vũ khí cũng bắt nguồn từ Trung Quốc.

Trung Quốc nói nước này không phải là một mối đe dọa, nhưng lập trường ngoại giao và quân sự của họ ngày càng cứng rắn, đặc biệt là tại các vùng biển. Các tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động ngày càng thường xuyên tại các vùng biển xung quanh phía Nam Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các lực lượng của Trung Quốc và tăng cường hạm đội tàu ngầm.

Còn các chuyên gia về Nga cho rằng chính sách quân sự và các cuộc tập trận mà Nga đã tiến hành trong những tháng gần đây dường như chứng tỏ rằng Moscow đã bắt đầu cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2011 tăng khoảng 20% so với năm 2010.

Nhìn nhận sự thay đổi trong quan hệ quân sự giữa các bên có lợi ích an ninh trong khu vực và sự thay đổi sức mạnh giữa các bên, không khó phát hiện cục diện quân sự khu vực đang có sự thay đổi từng bước, mà nguyên nhân cơ bản chính là sức ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ở vị trí hàng đầu, tiếp đến là sức ảnh hưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc.

(internet info)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang