Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: j20

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn j20. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn j20. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

>> Chuyến bay thử nghiệm thứ 5 của J-20



Trang mạng China-defence cho biết, mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đã cất cánh lần thứ 5.


Sau khi thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào đầu năm 2011, J-20 đã thực hiện thêm 4 chuyến bay thử nghiệm khác. Mới đây những hình ảnh được cho là lần cất cánh thứ 5 của J-20 được rò rỉ trên các trang mạng Trung Quốc.



J-20 được kéo ra đường băng để chuẩn bị bay thử nghiệm.



Các kỹ sư đang tiến hành công tác kiểm tra cuối cùng trước khi cất cánh.



Tiến hành chạy đà trên đường băng, với động cơ đang sử dụng buồng đốt 2 lần. Động cơ cho tiêm kích này vẫn đang là đề tài cho nhiều sự đồn đoán.


Cất cánh và thu càng. Sự tiến triển của J-20 đang là mối quan tâm lớn của giới quân sự các nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Á.


Hiện tại, các thử nghiệm của J-20 chỉ giới hạn ở việc kiểm tra khả năng khí động học và lực đẩy của động cơ.



Cấu hình khí động học J-20 nhìn từ dưới lên. Hai cánh mũi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tàng hình của chiếc máy bay này. Các máy bay tàng hình đã, đang được chế tạo trên thế giới đều không có cánh mũi. Các kỹ sư của Trung Quốc sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào là một ẩn số lớn.



Nhìn từ góc độ này cho thấy J-20 chính là bản sao khí động học của Dự án Mig-1.44 của Nga đã bị hủy bỏ.

[BDV news]


Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

>> Nhật nhào zô cuộc đua thế hệ 5



Tokyo thực sự lao vào phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin.



Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin của hãng Mitsibishi

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trong tương lai không hoàn toàn dựa vào việc mua sắm vũ khí Mỹ cho không quân của mình và hoàn tất phát triển tiêm kích thế hệ 5 của Nhật. Theo các kế hoạch của Tokyo, mẫu chế thử tiêm kích Shinshin sẽ bay chuyến đầu tiên vào năm 2014. Điều đó thực tế có nghĩa là Nhật Bản đang lao vào cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực máy bay chiến đấu bùng lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc và Hàn Quốc.

Từ địa vị phụ thuộc
Trong lĩnh vực mua sắm vũ khí mới, trong suốt thời gian sau chiến tranh, Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Điều đó đặc biệt rõ ở Không quân phòng vệ Nhật, khi mà họ bay chủ yếu bằng các biến thể máy bay Mỹ dành cho Nhật. Nhật Bản hầu như không có nền sản xuất quốc phòng của riêng mình - chỉ có các công ty lớn nhất như Mitsubishi Heavy Industries hay Kawasaki thỉnh thoảng mới thực hiện các đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng Nhật để sản xuất các vũ khí trang bị do Mỹ phát triển nhưng có cải tiến đôi chút.

Tình trạng đó xuất hiện phần nhiều là do điều 9 Hiến pháp Nhật thông qua năm 1947. Điều này cấm Nhật tham gia các cuộc xung đột quân sự và có quân đội thường trực. Vì nguyên nhân này mà toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật là lực lượng phòng vệ, chỉ có quyền tham gia các sứ mệnh hòa bình, và với sự rào trước đón sau cẩn thận. Trong tình thế đó, Tokyo ngay từ đầu đã chọn chỗ dựa vào nhập khẩu quân sự để giảm tối đa chi phí cho quốc phòng.


Máy bay tiêm kích F-2A của Mitsubishi (f22fighter.com)

Kết quả là hiện nay Không quân Nhật Bản đang sử dụng 53 tiêm kích F-2A của Mitsubishi (biến thể cải tiến sản xuất theo giấy phép của F-16 Fighting Falcon của hãng Lockheed Martin), 92 F-4EJ Kai của Mitsubishi (F-4 Phantom II của McDonnell Douglas) và 152 F-15J của Mitsubishi (F-15 Eagle của Boeing). Không quân vận tải Nhật Bản, bao gồm cả trực thăng, chủ yếu cũng do Mỹ thiết kế và được các công ty Nhật chế tạo.

Ở đây, cần giải thích là khi mua vũ khí trang bị, Nhật Bản yêu cầu bắt buộc phải thành lập liên doanh để cải tiến các mẫu vũ khí “nguyên bản” theo yêu cầu của quân đội Nhật. Với cách làm như vậy, giá thành cuối cùng của vũ khí trang bị mua sắm về lại cao hơn nhiều so với mua thành phẩm từ Mỹ, nhưng nhờ các liên doanh mà chính phủ Nhật Bản hỗ trợ được cho nền kinh tế của mình: bằng cách đó, họ tạo ra thêm việc làm, nguồn đầu tư ổn định vào nền kinh tế, tài trợ cho hoạt động của các xí nghiệp.

Năm 2004, Nhật thông qua quyết định chế tạo tiêm kích thế hệ 5 nội địa ATD-X Shinshin, có sử dụng công nghệ tàng hình. Dự án này có quy chế mẫu trình diễn công nghệ và ngay từ đầu không dự định nhận vào trang bị máy bay hoàn chỉnh. Đơn giản là bằng cách đó, Nhật Bản muốn chứng tỏ khả năng sản xuất vũ khí trang bị công nghệ cao của mình. Vị trí chủ chốt trong Không quân Nhật đã được dành cho các tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor của Lockheed Martin, mà chính phủ Nhật đã đàm phán với Mỹ để mua.

Việc đàm phán diễn ra trồi sụt thất thường, và kết thúc thất bại vào năm 2009 - Mỹ đã từ chối vì Nhật Bản mà gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tiêm kích thế hệ 5 duy nhất của họ. Lệnh cấm này được áp đặt vào năm 2006 vì Mỹ lo ngại bị thất thoát những công nghệ then chốt nếu bán máy bay này ra nước ngoài. Cũng trong năm đó, dự án tiêm kích Shinshin của Nhật được trao quy chế thiết kế tiên tiến mà khi hoàn thành có thể được nhận vào trang bị.

Trên đường tới chuyến bay đầu tiên

Mô hình máy tính của máy bay ATD-X của Mitsubishi (mod.go.jp)

Hiện có rất ít thông tin về tiêm kích tiên tiến của Nhật, loại máy bay chiến đấu đầu tiên do nước này phát triển kể từ sau Thế chiến II. Người ta chỉ biết đến vài công nghệ dự định sử dụng ở máy bay mới, chứ không biết gì về các tính năng kỹ thuật của nó. Tháng 4.2010, chính phủ Nhật Bản đã mở thầu cung cấp động cơ phản lực cho ATD-X. Cuộc thầu này đã hoàn tất hay chưa và ai là người thắng thầu thì hiện chưa ai biết. Công ty Mitsubishi đang phát triển Shinshin cần có động cơ cho 2 mẫu chế thử ATD-X.

Theo yêu cầu, các động cơ phản lực phải có lực đẩy 44-89 kN ở chế độ không tăng lực. Người ta dự định cải tiến các động cơ để lắp thêm hệ thống điều khiển vector lực đẩy mọi góc độ. Việc điều khiển vector lực đẩy được thực hiện không phải bằng loa phụt di động mà bằng 3 tấm rộng. Công nghệ này đã được Mỹ áp dụng lần đầu năm 1990 trên máy bay X-31 của Rockwell.


X-31 của Rockwell (456fis.org)

Mitsubishi đặc biệt quan tâm tới các động cơ F404 của General Electric, M88-2 của Snecma và RM12 của Volvo Aero. Các động cơ này đang được sử dụng lần lượt trên các tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Boeing, Rafale của Dassualt và JAS 39 Gripen của Saab.

Tất cả những máy bay trên đều không được trang bị hệ thống điều khiển vector lực đẩy. Các động cơ nhập khẩu sẽ được sử dụng cho chính việc thử nghiệm các mẫu chế thử, còn các tiêm kích sản xuất loạt sẽ dùng động cơ XF5-1 do công ty Nhật Ishikawajima-Harima Heavy Industries phát triển.

Dự kiến, Shinshin sẽ ứng dụng một số công nghệ tàng hình, trong đó có hình dáng hình học tán xạ, vật liệu hấp thụ radar và sử dụng nhiều vật liệu compsite. Ở tiêm kích tương lai sẽ sử dụng công nghệ hệ thống điều khiển từ xa sợi quang với các kênh trao đổi dữ liệu đa lặp. Giải pháp này cho phép duy trì việc điều khiển máy bay khi có 1 trong 2 phân hệ bị trục trặc, cũng như khi bị chế áp điện tử.

Vào giữa thập niên 2000, được biết Nhật dự định sử dụng cho ATD-X công nghệ tự khôi phục khả năng điều khiển bay (SRFCC, Self Repairing Flight Control Capability). Điều đó có nghĩa là máy tính trên khoang của tiêm kích sẽ tự động xác định những hỏng hóc dính phải và điều chỉnh hoạt động của hệ thống điều khiển bay bằng cách đưa vào mạnh hoạt động các phân hệ dự phòng còn tốt.

Ngoài ra, dự kiến, máy tính sẽ còn xác định mức độ hư hỏng của các chi tiết kết cấu của máy bay - các cánh phụ, cánh lái độ cao, cánh lái hướng, bề mặt cánh nâng - và điều chỉnh hoạt động của các chi tiết còn nguyên ven để khôi phục hầu như hoàn toàn khả năng điều khiển máy bay. Các chi tiết khác về công nghệ SRFCC hiện chưa được tiết lộ. Cách thức hiện thực hóa công nghệ này cũng chưa được biết.

Ngoài ra, còn dự kiến lắp cho Shinshin một radar đã chế độ anten mạng pha chủ động phổ rộng, hệ thống đối phó điện tử, khí tài tác chiến điện tử, cũng như hệ thống trao đổi thông tin thống nhất. Một số báo chí Nhật trong năm 2009-2010 đưa tin rằng, trên máy bay mới có thể sẽ sử dụng cả vũ khí vi ba.

Ngày 8.3.2011, trung tướng Hideyuki Yoshioka, trưởng phòng phát triển các hệ thống tiên tiến của Không quân phòng vệ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đã tuyên bố rằng, việc thử nghiệm mẫu chế thử ATD-X đầu tiên dự định tiến hành vào năm 2014, nhưng không nói khi nào dự định nhận máy bay mớin vào trang bị. Theo các chuyên gia phương Tây, nếu Nhật Bản không từ bỏ việc thực hiện chương trình Shinshin, máy bay mới sẽ có thể được đưa vào trang bị vào năm 2018-2020.

Ráng chạy đua với Trung, Hàn
Việc giới quân sự bắt đầu nói về việc sắp bắt đầu thử nghiệm tiêm kích tiên tiến cho thấy, nước này đã bắt đầu có thái độ nghiêm túc đối với dự án Shinshin. Và nguyên nhân chính cho việc đó không phải là việc Mỹ từ chối bản F-22 cho Nhật Bản F-22, mà là nhịp độ vũ trang được đẩy nhanh của các nước láng giềng của Nhật, trước hết là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc vào đầu năm 2011 đã bắt đầu bay thử nghiệm tiêm kích-bom thế hệ mới J-20 của họ, khiến giới phân tích quân sự sững sờ.

Không lâu sau chuyến bay đầu của J-20, Mỹ đã tuyên bố nối lại dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược tiên tiến, còn Hàn Quốc thông báo đẩy nhanh tái trang bị không quân và chương trình chế tạo tiêm kích tàng hình nội địa KF-X hợp tác chế tạo với Indonesia. Hơn nữa, khi quyết định tăng tốc thực hiện các chương trình quân sự, Hàn Quốc không chỉ lo ngại Trung Quốc mà cả CHDCND Triều Tiên dù cho không quân nước này khá lạc hậu nhưng vẫn có ưu thế gấp đôi về số lượng so với Không quân Hàn Quốc.

Tháng 7.2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đặt hàng công ty Mitsubishi Heavy Industries 50 tiêm kích F-2A. Quyết định này được đưa ra sau khi vòng đàm phán mới mua F-22 của Mỹ thất bại, cũng như do chậm trễ trong việc phát triển và sản xuất F-35. Đơn giá của 1 máy bay F-2A cao gần gấp đôi 1 chiếc F-16 và lên tới gần 110 triệu USD/chiếc. Như vậy, ngân sách Nhật sẽ tốn 5,5 tỷ USD cho 50 chiếc F-2.

Bằng việc nghiêm túc nhảy vào thực hiện chương trình Shinshin, Nhật Bản thực tế đã lao vào cuộc chạy đua vũ khí hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo dự kiến, máy bay tiêm kích J-20 của Trung Quốc sẽ được nhận vào trang bị không sớm hơn năm 2018 (tình báo Mỹ thì cho rằng, không sớm hơn năm 2020), còn máy bay thế hệ 4++ KF-X ứng dụng công nghệ tàng hình của Hàn Quốc thì là sau năm 2020.



Quả thực là tất cả những điều đó sẽ chỉ đúng khi Nhật Bản không bỗng nhiên từ bỏ việc thực hiện dự án Shinshin. Dù sao, dự kiến năm 2011-2012, Nhật Bản sẽ mở thầu cung cấp tiêm kích cho không quân nước này. Các máy bay mới sẽ thay thế các máy bay già nua F-4EJ. Washington đã đề nghị Tokyo một số phương án với các máy bay F-15, F/A-18E/F và F-35 Lightning II.

Trong chuyến thăm Nhật ngày 13.1.2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói rằng, Bộ Quốc phòng Nhật nên lựa chọn trong số các máy bay này nếu muốn nâng cao tiềm lực của không quân của mình.

Cần lưu ý là Bộ Quốc phòng Nhật không giấu giếm là hiện nayy họ muốn mua F-35. Họ chọn máy bay này sau khi việc đàm phán mua F-22 bị thất bại. Nhưng với F-35 tình hình cũng chưa hoàn toàn rõ ràng. Một mặt, Nhật Bản muốn mua các máy bay này, song mặt khác thời hạn hoàn tất phát triển F-35 liên tục bị trì hoãn và giá thành sản phẩm cuối cùng liên tục tăng, trong khi Tokyo muốn đổi mới không quân ngay bây giờ.

Theo dự báo của Lầu Năm góc, việc nghiên cứu chế tạo F-35 sẽ hoàn thành vào năm 2016, điều đó có nghĩa là máy bay sẽ bắt đầu được xuất khẩu vào thời gian gần với năm 2020, muộn hơn. Hơn nữa, nhận được những lô F-35 sản xuất loạt đầu tiên lại là Mỹ và các nước đối tác của chương trình F-35 (Anh, Italia, Hà Lan, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Nauy và Đan Mạch). Còn các khách hàng khác sẽ phải đợi đến lượt mình. Vì thế, không loại trừ số phận của Shinshin sẽ phụ thuộc nhiều vào số phận của F-35 - việc trì hoãn và giá tăng của F-35 sẽ có nghĩa là sự khai sinh của Shinshin.

(vietnamdefence news)

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc đem quân đến Libya để thị uy phương Tây



Khoảng 600 năm sau khi Đô đốc Trịnh Hòa đưa hạm đội tàu của nhà Minh tới châu Phi, những chiếc tàu chiến của Trung Quốc một lần nữa xuất hiện ở lục địa Đen, với nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán người dân khỏi Libya.

Trong những năm qua, hải quân Trung Quốc ít khi “vươn ra biển lớn”, trừ lần cử tàu tham gia các nỗ lực chống cướp biển ở Somali hồi năm 2008. Tuy nhiên, không ít chuyên gia quan tâm tới thông tin Bắc Kinh cử các tàu khu trục đi hộ tống những chiếc tàu sang Libya sơ tán người dân nước này.



Không quân Trung Quốc cũng điều 4 máy bay vận tải quân sự IL-76 lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh minh họa.

Diễn tập quân sự ngay ở Libya?
Không chỉ với mục đích di tản người dân, những chiếc tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc sang Libya còn có mục đích thị uy. Một số chuyên gia nhận định rằng xét từ cách sử dụng lực lượng cứu viện, không loại trừ khả năng lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiến hành “luyện binh”.

Ông Erikson, chuyên gia vấn đề Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng hành động tích cực để bảo vệ và di tản kiều dân là một phần thể hiện thực lực, sự tồn tại và ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới đang tiếp tục tăng lên. Từ đây, khả năng hoạt động ở các vùng biển xa của Trung Quốc sẽ càng nổi bật hơn nữa.

Khẳng định sức mạnh quân sự
Theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, không chỉ tàu hộ tống Từ Châu, bốn chiếc máy bay vận tải quân sự IL-76 của Trung Quốc cũng cất cánh từ Urumqi, qua Pakistan, Oman, Saudi Arabia, Sudan tới Libya. Việc liên tiếp thực hiện các chặng bay xa lạ ở nhiều nước kiểm nghiệm năng lực vận tải tầm xa của không quân Trung Quốc. Những chuyến bay này cho thấy không quân Trung Quốc hiện đủ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài.

Giới phân tích quân sự cho rằng việc lập cầu hàng không sơ tán như trên ngay cả trong phạm vi hạn chế cũng làm tăng uy tín của không quân Trung Quốc và “tạo cơ hội cho công tác huấn luyện và rút kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện các hoạt động tầm xa của không quân”.

Như vậy là cùng với thông tin phát triển mẫu máy bay tàng hình J-20 và đang gấp rút hoàn thành ba chiếc tàu sân bay, quân đội Trung Quốc đang ngày càng thể hiện ý chí chính trị và khả năng quân sự để tự bảo vệ họ bằng vũ lực nếu cần.

(bee news)

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

>> 1.000 chiếc J-20 sẽ làm Nga, Mỹ điêu đứng?



Một chuyên gia quân sự của Trung Quốc đưa ra một giả thuyết rằng, nếu Trung Quốc chế tạo 1.000 máy bay J-20 Nga và Mỹ sẽ "điêu đứng".

"Trung Quốc có thật sự cần 1.000 máy bay chiến đấu J-20 và có đủ ngân sách nhà nước để phát triển hay không?", vị chuyên gia kia đặt ra câu hỏi.

Và chính ông đưa ra câu trả lời: "Đáp án là chắc chắn cần phải có, Trung Quốc còn vấn đề Đài Loan vẫn chưa giải quyết xong, ắt phải chuẩn bị cho chiến lược tương lai, chuẩn bị càng chu đáo thì khả năng giành thắng lợi càng lớn".

Dưới đây là một vài phân tích của vị chuyên gia giấu tên này:

Xét theo một góc độ khác, Trung Quốc đang phát triển sức mạnh không quân, 1.000 máy bay chiến đấu J-20 đối với Trung Quốc không phải là nhiều.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đảm bảo một số lượng lớn các máy bay chiến đấu dự phòng, 1.000 chiếc J-20 ngoài việc biên chế cho Không quân Trung Quốc còn phải bảo đảm việc dự phòng thay thế khi cần thiết.



Máy bay J-20 của Trung Quốc tạo ra "làn sóng" bình phẩm quốc tế.

Đối với vấn đề tài chính, Trung Quốc tuyên bố có đủ khả năng để phát triển 1.000 máy bay J-20. Máy bay chiến đấu F-22 có giá khoảng 240 triệu NDT, trong khi đó mỗi máy bay J-20 của Trung Quốc có giá khoảng 200 triệu NDT, 1.000 máy bay J-20 khoảng 200 tỷ NDT.

Số tiền này chỉ tính riêng các khoản nợ của Mỹ đối với Trung Quốc đã có đủ. Nếu như Mỹ không trả đủ cho Trung Quốc, Trung Quốc vẫn còn các ngân sách khác đủ để phát triển 1.000 máy bay J-20. Ngoài ra, còn chế tạo thêm một vài tàu sân bay mới để đe doạ Mỹ.

Mỹ đối phó thế nào?
Một điều dễ dàng nhận thấy rằng Mỹ, Trung Quốc và Nga đang chạy đua vũ trang.

Trung Quốc có 1.000 máy bay J-20 chắc chắn Mỹ sẽ chế tạo 1.000 hoặc 2.000 máy bay chiến đấu F-22 nhằn cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.


1.000 máy bay F-22 sẽ làm nền kinh tế Mỹ sụp đổ?

Tuy nhiên trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Mỹ đang rơi vào khủng hoảng tài chính. Nếu như chế tạo F-22 nhằm đối trọng với 1.000 máy bay J-20 chắc chắn chính phủ Mỹ phải cho in thêm tiền và điều này làm cho đồng USD rớt giá trên thị trường. Kế hoạch trang bị cho quân đội của Mỹ trong tương lai đã làm cho Bộ tài chính Mỹ phải “đau đầu”, thêm nữa Mỹ đã phải chi rất nhiều cho thương vụ F-35.

Do vậy Mỹ cứ tiếp tục chạy đua vũ trang với Trung Quốc sẽ làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Bên cạnh đó, sau khi chế tạo thành công một số lượng lớn máy bay chiến đấu để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc phía Mỹ sẽ phải tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế.

Sách lược của Nga?
Hiện nay không quân Nga đứng vị trí thứ 2 trên thế giới, nếu như Trung Quốc có 1.000 máy bay J-20 Nga cũng sẽ chế tạo 1.000 máy bay Su-T-50 hoặc các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 cùng loại để cân bằng với Trung Quốc. Đối với nền kinh tế của Nga hiện nay, việc chế tạo 1.000 máy bay T-50 sẽ làm cho nước Nga đến bên bờ vực phá sản.

Việc chế tạo 1.000 máy bay J-20 của Trung Quốc chỉ là giả thuyết, nhưng giả thuyết này rất có khả năng sẽ xảy ra vì Trung Quốc chỉ tuyên bố chế tạo 200 máy bay J-20 đã khiến cho Nga và Mỹ liên tục tăng chi phí quốc phòng. Cuộc chạy đua vũ trang một cách âm thầm này đã khiến cho nền kinh tế của Nga và Mỹ “điêu đứng”.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc chế tạo 1.000 máy bay J-20 sẽ tạo thành một cuộc chạy đua vũ trang lớn đối với Nga và Mỹ, nhưng sau đó Trung Quốc nên lùi lại vị trí thứ 2 hoặc 3 để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Nhật Bản và tại các khu vực ở Thái Bình Dương.

Chuyên gia này chỉ ra, sau khi thực hiện một cuộc chạy đua vũ trang như vậy, Nga và Mỹ sẽ khó lòng can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc vì còn phải khôi phục nền kinh tế đang trượt dốc của mình. Điều này sẽ tạo ra một sự thuận lợi lớn đối với Trung Quốc trong việc thống nhất đất nước và giải quyết các vấn đề tranh chấp.

(vitinfo news)

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

>> Mỹ: Không cho J-20 cơ hội cất cánh



Mỹ đang nghiên cứu và đưa ra ý tướng về một loạt vũ khí tác chiến đường không tối tân nhằm vào Trung Quốc.

Không quân Mỹ dự kiến chi 3,7 tỷ USD trong vòng 5 năm tới phát triển máy bay ném bom tầm xa, tàng hình mới với ý định có thể thâm nhập khu vực phòng không của Trung Quốc.

Kể từ đầu năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên trình làng nguyên mẫu máy bay tiêm kích tàng hình mới J-20, tuyên bố đưa tên lửa hành trình chống hạm vào biên chế và ít nhất tạm thời bắt kịp Mỹ về số lần phóng vệ tinh (15 lần).



Đáp lại các màn “trình diễn” của Trung Quốc, Mỹ cho triển khai các máy bay không người lái trinh sát tầm xa tại Guam, tiến hành bay thử máy bay không người lái có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay X-47B và bắt đầu phát triển tên lửa chống hạm siêu âm mới .

Đồng thời, Mỹ còn tuyên bố sản xuất máy bay ném bom thế hệ mới. Động thái này đánh dấu sự gia tăng chay đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo đó, kế hoạch nằm trong ngân sách năm 2012 của chính quyền Obama. Cụ thể, đến giữa những năm 2020, Mỹ sẽ chế tạo khoảng 100 máy bay ném bom thế hệ mới nhằm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực tại Thái Bình Dương.

Theo Phó Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng Phillip Breedlove, một máy bay ném bom thế hệ mới sẽ được vũ trang tên lửa hành trình không mang đầu đạn hạt nhân cùng với các loại đạn mới. Thậm chí, máy bay này sẽ mang theo 2 máy bay không người lái tàng hình (UAV), có thể điều khiển từ máy bay ném bom. Như vậy, có thể hình dung, tầm tác chiến của các UAV sẽ nới rộng hơn rất nhiều so với hiện nay.

Các tên lửa và máy bay thế hệ mới được hứa hẹn là sẽ rất hiện đại, đi trước công nghệ của các nước khác hàng thập kỷ.

Theo tướng William Fraser, Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến Không quân Mỹ, Không quân nước này có thể sẽ trang bị thêm hệ thống laser hủy diệt cho các máy bay ném bom thế hệ mới vào một thời điểm trong tương lai.

Chương trình phát triển máy bay ném bom thế hệ mới của Lầu Năm Góc diễn ra đồng thời với việc phác thảo một kế hoạch tác chiến mới nhằm duy trì khả năng quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Kế hoach có tên gọi “Tác chiến đường không trên biển” có ý định tăng sự phối hợp giữa các tàu Hải quân Mỹ và máy bay của Không quân nước này nhằm bảo vệ Đài Loan tốt hơn trước các cuộc tấn công có thể xảy ra từ Trung Quốc, đồng thời, cản trở các nỗ lực của Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ra khỏi vùng lãnh hải của nước này.

Lực lượng Mỹ hiện nay có khoảng 160 máy bay B-1, B-2, B-52 được trang bị các loại bom và tên lửa dẫn đường là những nhân tố chính trong kế hoạch tác chiến tại Thái Bình Dương của Mỹ.

Tuy nhiên, trong số các máy bay trên, chỉ có B-2 (20 chiếc) có khả năng tránh được các radar của Trung Quốc; còn B-1 và B-52 có thể bị máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không của Trung Quốc “sờ gáy”.

Do đó, loại máy bay ném bom thế hệ mới có thể sẽ thay thế một số máy bay B-1 và B-52, tạo thành một lực lượng tác chiến tầm xa có khả năng sống sót cao hơn.

Không cho J-20 cất cánh
Theo tướng Gary North, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, căn cứ Không quân Mỹ tại Guam đã bố trí một đơn vị B-52 và B-2 luân phiên.

Khi máy bay ném bom thế hệ mới sắp đưa vào sử dụng, Không quân nước này sẽ xây dựng các hầm chứa máy bay vững chắc có thể ở sâu dưới đất hoặc bọc thép để bảo vệ các loại máy bay này khỏi các loại tên lửa của Trung Quốc.


Trong kịch bản của giới quân sự Mỹ, các sân bay Trung Quốc sẽ bị tấn công phủ đầu, khiến J-20 không có cơ hội cất cánh tham gia không chiến.

Ông North còn nói bóng gió về một trong những vai trò của máy bay ném bom thế hệ mới có thể đảm nhận trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Trung Quốc trong tương lai.

Theo ông, bí quyết để đánh bại J-20 là ngăn cản loại máy bay này cất cánh từ các căn cứ của Đại lục. Theo đó, Các máy bay ném bom thế hệ mới có thể được sử dụng để tấn công các sân bay Trung Quốc sớm trước hàng tiếng đồng hồ của cuộc xung đột.


(China Military)

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

>> Các thiết kế sai lầm của J-20





Trước khoảng thòi gian cuối năm 2010, đầu năm 2011, giới quân sự và phân tích từng nhiều lần bàn tán xung quanh việc phát triển tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc. Đến đầu năm nay, câu chuyện lại tiếp diễn.

Ngày 11/1/2011, video chuyến bay đầu của máy bay mà Trung Quốc gọi là J-20, “Đại bàng đen” lan truyền trên mạng. Khi mà Trung Quốc đưa máy bay ra phô diễn, giới chuyên môn có thêm những bình phẩm cụ thể.

Không hề có sự kỳ diệu nào cả, không hề ra đời đối thủ cạnh tranh nào của Т-50 hay F-22A nào cả. Và sự tụt hậu của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo tiêm kích thế hệ 5 không phải là 1 năm mà là 12-15 năm. Và máy bay do Trung Quốc làm ra một lần nữa là nhờ đồ cóp nhặt của người khác.

Cắt dán lung tung

J-20 là một máy bay tiêm kích lớn (dài 21-23 m) và nặng (trọng lượng cất cánh 35-40 tấn), có sơ đồ kiểu “vịt”. Cánh nâng hình tam giác với các gờ nổi ở gốc cánh và có cánh ngang phía trước quay toàn phần.

Cánh đứng đuôi kép, quay toàn phần nghiêng ra ngoài và có các tấm đứng dưới thân. Sơ đồ J-20 giống hệt MiG-1.44 và kích thước cũng gần như thế. Nhưng cũng có những khác biệt chi tiết.

Máy bay MiG có cánh diện tích lớn, bảo đảm tải trọng riêng nhỏ hơn lên cánh và khả năng cơ động tốt hơn. Các cánh đứng đuôi của máy bay Trung Quốc ngả ra ngoài, không giống với máy bay Nga. Nhưng những nét đó cũng đã có ở các thiết kế mà hãng MiG đã kiểm nghiệm sau thất bại với dự án MiG-1.44, cụ thể là ở thiết kế 1.46.

Kết cấu các gờ nổi của gốc cánh, cũng như hình dáng các cánh đứng đuôi và cánh ngang phía trước có vẻ là do Trung Quốc thiết kế. Phần mũi xem ra chép lại từ F-22A của Mỹ. Còn các bộ hút khí rõ ràng là nhái của F-35 lận đận.

Vòm kính buồng lái làm theo thiết kế hàng không tiên tiến và sao chép của Mỹ. Kết quả là có được một máy bay rất xấu được cắt dán, chắp nối từ các giải pháp của các thế hệ, các quốc gia và các trường phái thiết kế khác nhau.

Tóm lại, “đại bàng bay” (trước đó là cái tên rất kêu - Mãnh Long) là “cơ thể” Nga được khâu thêm “cái mõm” Mỹ, ở đây, khâu bằng "kim" và "chỉ" của Trung Quốc.

Hậu quả của sự cắt dán

Cùng với sơ đồ khí động của loại máy bay không may mắn 1.44, J-20 cũng ôm lấy những vấn đề của nó mà người Trung Quốc sẽ buộc phải tự mình giải quyết. Sơ đồ khí động với cánh ngang phía trước đối với một máy bay muốn có khả năng tàng hình là sai lầm ngay từ đầu.

Cánh ngang phía trước bản thân nó đã gây khó khăn cho vấn đề tàng hình, hơn nữa lại tăng thêm lực cản không khí và làm giảm tầm bay. Việc sử dụng các cánh đứng dưới thân chỉ có thể làm các đài radar đối phương vui mừng vì chúng cũng làm tăng độ bộc lộ radar của máy bay.

Đặc biệt, là một máy bay hạng nặng, có vai trò lực lượng đột kích chủ yếu của không quân, J-20 lại sử dụng các bộ hút khí sao chép từ F-35 tốc độ chậm, loại máy bay không hề được thiết kế cho tốc độ bay siêu âm cao.

Tuy kích thước của các bộ hút khí cho phép lắp các động cơ mạnh hơn, nhưng hình dáng của nó đơn giản là không cho phép J-20 đạt tốc độ cao quá Mach 1,6. Có lẽ, tốc độ tối đa của nó sẽ chỉ ở khoảng Mach 1,5 ở độ cao lớn, khoảng 1.600 km/h.

Bên cạnh đó, họ cũng phải quên đi tốc độ hành trình siêu âm vì máy bay này dù là với các động cơ mạnh hơn cũng sẽ không thể tăng tốc quá tốc độ âm thanh ở chế độ không tăng lực. Có cảm tưởng là Trung Quốc cứ nhắm mắt sao chép tứ lung tung vì nghĩ rằng, cái gì có ở các đối thủ thì cái đó là tốt và cần làm y xì như thế.

Căn cứ vào các bức ảnh, hệ thống thủy lực của máy bay,không được thiết kế cho các áp lực cao, như được làm ở các tiêm kích thế hệ 5 thực sự là Т-50 và F-22A. Vì thế, các bộ dẫn động thủy lực có được lại to và nặng, làm kết cấu trở nên quá nặng.

Các giải pháp về cánh đứng đuôi quay toàn phần và các khoang thu càng hoàn toàn khiến người ta nghi ngờ trình độ chuyên môn của những người thiết kế. Các chuyên gia Nga công khai cười cợt các giải pháp này.

Hiện tại, chưa nghe và chưa thấy bất kỳ thành tựu thật sự nào của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo các radar anten mạng pha có trình độ xứng đáng.

Mấy năm trước, Trung Quốc có hợp tác đôi chút với Nga trong lĩnh vực này, nhưng sau đó, việc này dường như đã đình chỉ. Bởi lẽ, Nga chẳng có lợi lộc gì khi giúp chế tạo radar cho một máy bay đối thủ cạnh tranh của tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 của mình mà bản thân muốn bán sang Trung Quốc.

Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất, đối với Trung Quốc đó là chuyện họ không có động cơ nội địa cho J-20. Động cơ tiên tiến thế hệ 5 WS-15 mới chỉ tồn tại trong giấc mơ và những kế hoạch xa xăm.

Động cơ nội địa thế hệ 4 hiện có WS-10A không có khả năng hoạt động. Nó có đặc tính động học cực kỳ tồi tệ và độ ổn định thấp ở các chế độ làm việc khác nhau mà một máy bay tiêm kích cần có. Và nó có dự trữ làm việc gần như bằng 0 (25-40 giờ, thay vì 400-800 giờ cần thiết). Việc giải quyết các vấn đề của động cơ hiện nằm ngoài khả năng của công nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc hiện không có các lá cánh bình thường cho động cơ máy bay cũng như nhiều thứ khác. Cả hệ thống điều khiển số động cơ cũng không có khả năng tăng dự trữ làm việc. Lắp một động cơ như vậy lên máy bay đơn giản chỉ là là thảm họa. Kết hợp với những vấn đề khác sẽ là dấu gạch chéo cho tương lai của máy bay này.

Hai chiếc J-20 cùng số hiệu

Trung Quốc hiện có 2 mẫu chế thử J-20, nhưng lại đánh số hiệu giống nhau - đây là mưu lược sáng tạo của Trung Quốc để đánh lạc hướng. Một mẫu được lắp các động cơ Trung Quốc và dường như nó đã cất cánh.

Nhưng tải làm việc chính sẽ do máy bay thứ hai lắp các động cơ AL-31FN mà Nga bán cho Trung Quốc để lắp cho tiêm kích J-10, gánh vác. Còn máy bay lắp các động cơ nội địa thì được cất kỹ trong hangar vì nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Việc các khoang máy của động cơ AL-31FN được bố trí thấp không cho phép Trung Quốc bố trí các khoang vũ khí có kích thước bình thường ở trong bụng máy bay dưới các động cơ. Nhưng có thể họ sẽ sắp xếp được một khoang vũ khí ở giữa 2 động cơ. Tuy nhiên, trên các mẫu máy bay đầu tiên, ta chẳng thấy khoang vũ khí nào cả.

Mức trang bị sức kéo của J-20 là thấp và nó rõ ràng thua kém cả Т-50, cả F-22A, thậm chí thua cả Su-35S và Su-30.

Cơ hội để Nga bán cho Trung Quốc để lắp trên J-20 các động cơ mạnh hơn, dù là loại động cơ quá độ Nga sang thế hệ mới như 117S là gần như bằng 0.

Có chăng thì là bán cả gói trong một lô Su-35 kha khá. Dĩ nhiên là cũng có những khả năng như Nga có thể bán nhiều động cơ hơn số máy bay nếu như hợp đồng được ký kết và nhắm mắt làm ngơ chuyện một số trong các động cơ đó được dùng không đúng quy định. Nhưng việc đó cũng sẽ không giải quyết được những khó khăn của Trung Quốc. Chừng nào chưa có loại động cơ nội địa mạnh và tin cậy thì mọi dự án máy bay thế hệ 5 chỉ là trò trẻ con.

Kết luận là Trung Quốc làm ra được một máy bay nặng nề, to xác, không tàng hình với khả năng cơ động và mức trang bị sức kéo thấp, thêm nữa là không có khả năng đạt tốc độ cao tới 2 lần tốc độ âm thanh trở lên.

Vì thế tốt nhất nên so sánh J-20 không phải với đại bàng, và thậm chí không phải là với cá voi răng kiếm mà là với con thú to xác Megateri. Thòi cổ xưa, quãng 10.000 năm trước, trên lục địa châu Mỹ từng sống một loại thú dài 6 m và cao hơn con voi, được gọi là Megateri, là họ hàng với con cu li hiện đại và ăn thức ăn cây cỏ.

Vậy thì một máy bay như vậy thì làm được gì? Làm máy bay đánh chặn thì không đủ tốc độ, làm máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không thì quá to, nặng và ì ạch, không cơ động. Kích thước phần mũi khá to, nhưng chẳng có radar để lắp vào đó. Có thể làm máy bay tiêm kích, nhưng chỉ có điều chưa rõ là vũ khí tiêu diệt mục tiêu mặt đất có bỏ vừa được vào các khoang vũ khí bên trong hay không?

Show diễn còn tiếp tục

Đặc biệt kinh ngạc là cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề bảo mật J-20.

Ở Nga, khi đang chuẩn bị cho Т-50 cất cánh, không có một bức ảnh nào lọt lên mặt báo và internet, còn đủ thứ rò rỉ thông tin từ những người trong cuộc, như sau đó người ta nhanh chóng tìm hiểu ra, phần lớn lại là thông tin giả về hình dáng bên ngoài của máy bay. Và đó là khi mà sân bay của nhà máy nằm ngay trong thành phố! Loại xe tăng bí mật Objekt 195 (T-95) của Nga tồn tại hơn chục năm cũng chỉ mới đây mới bộc lộ, còn lại là toàn xuất hiện trong các áo bọc và ở biến thể cũ!

Còn ở Trung Quốc, xung quanh sân bay mà J-20 chuẩn bị cất cánh, người ta cắm cả các khu lều trại, dân chúng đi xe đến, mang theo trẻ con, camera và máy ảnh. Tất cả cứ như một sự phô trương cố ý. Để khoe với thiên hạ là: Thấy chưa, chúng tôi cũng làm được như Nga và Mỹ.

Hơn nữa, họ lại phô diễn cho công chúng bình dân vốn luôn sẵn lòng phấn khởi với những thành tựu của đất nước mà chẳng hiểu tí gì những điều tế nhị đằng sau.

Công chúng và cả phần lớn báo chí Trung Quốc tất nhiên là sẽ không thể hiểu được rằng thay vì máy bay thế hệ 5 thật, họ đã bị giúi cho một đồ giả. Nhưng liệu ban lãnh đạo Trung Quốc có thể hiểu ra điều đó hay không?

(báo đất việt)

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

>> J-20 ám ảnh Đông Nam Á



Trung Quốc có nhiều chiến lược cũng như sự chuẩn bị về trang bị để vươn ra ngoài chuỗi đảo thứ hai

Dù có nhiều lời chê nhưng J-20 vẫn tạo ra sự e ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nơi có những vấn đề chưa được giải quyết với Trung Quốc.

Với nhiều quốc gia, phát triển một vũ khí mới là chuyện hết sức bình thường. Đó là nhu cầu chính đáng cho quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, phát triển công nghiệp quân sự và hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, do thể hiện nhiều tham vọng trong thời gian qua, việc Trung Quốc phát triển và giới thiệu J-20 được hiểu ngay là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các quốc gia cạnh tranh tiềm tàng và cả các nước láng giềng.

Tuy Trung Quốc luôn tuyên bố chương trình hiện đại hóa quân đội của họ không nhằm vào bất kỳ ai, song đối chiếu với những việc họ làm và phát ngôn thường thấy điều ngược lại. Thể hiện qua tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" chiếm đến 80% diện tích biển Đông, thái độ hung hăng trong cách xử lý các xung đột ngoại giao, kinh tế...

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc có nhiều chiến lược cũng như sự chuẩn bị về trang bị để vươn ra "ngoài chuỗi đảo thứ hai".


Trung Quốc có nhiều chiến lược cũng như sự chuẩn bị về trang bị để vươn ra ngoài chuỗi đảo thứ hai
Việc sản xuất thành công mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ 5, có thể mở rộng phạm vi tác chiến, nghĩa là nới rộng giới hạn can thiệp quân sự, cho phép nước này tiếp tục duy trì áp lực chính trị, quân sự lên các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải. Đồng thời, gián tiếp tạo ra áp lực đến quyền lợi Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Với đà phát triển hiện nay của Trung Quốc, siêu cường Mỹ cũng cần phải nghĩ đến Bắc Kinh trước khi quyết định các chiến lược của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Sự xuất hiện của J-20 làm cho tình hình an ninh khu vực châu Á càng trở nên phức tạp hơn.


Trong chiến lược hướng ra biển lớn của Trung Quốc, ASEAN có một vai trò cực kỳ quan trọng, ASEAN án ngữ trước mặt Trung Quốc.
Sự xuất hiện của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, đặt ra những thách thức rất lớn với mỗi nước ASEAN. Rõ ràng, các nước trong kh vực cần phải chuẩn bị tìm sự cân bằng với tiêm kích thế hệ 5 này của Trung Quốc. Một cuộc chạy đua mua sắm tiêm kích thế hệ 5 có thể được khởi động trong tương lai nếu như dự án J-20 tiếp tục có những tiến triển rõ rệt.

Mỹ hiểu rất rõ vị trí địa lý của ASEAN đối với chiến lược hướng ra biển lớn của Trung Quốc do đó họ luôn tìm mọi cách để gây ảnh hưởng đến khu vực này.

Sẽ là rất khó khăn để làm hài lòng hai cường quốc này. Từ trước đến nay, các nước trong khu vực vốn đã rất vất vả để "đi dây" trong mối quan hệ với hai nước lớn này. Sự xuất hiện của mẫu nghiên cứu chế tạo J-20 khiến các nước ASEAN phải tìm thế cân bằng động mới.

Với những quốc gia có mối quan hệ thân mật với Washington từ lâu như Singapore, Thái Lan, chắc chắn sẽ đề nghị Mỹ bán tiêm kích F-35.

Các nước có truyền thống mua vũ khí của Nga, chắc chắn cũng yêu cầu Nga bán tiêm kích thế hệ 5 cho mình. Đối với Nga, thực lực hiện tại không cho phép họ có nhiều tham vọng tranh giành ảnh hưởng trên thế giới. Họ xuất hiện tại khu vực châu Á, hiện tại, chỉ để bán vũ khí.

Thế nhưng, bất kỳ cuộc gia nào trong khu vực này tìm kiếm sức mạnh mới, đều đánh động đến ý thức phòng vệ của các nước láng giềng. Do đó, thị trường vũ khí khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ trở nên sôi động hơn.

Sự xuất hiện của J-20 đã mang lại một hình ảnh mới cho quân đội Trung Quốc. Song điều đó cũng đặt ra những khả năng sau:

+ Không muốn mất vị thế và ảnh hưởng, Mỹ có lý do để hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó càng khiến Trung Quốc tìm mọi cách để đẩy ảnh hưởng của Mỹ ra xa khu vực này, sẽ làm cho tình hình trong khu vực trở nên phức tạp hơn.

+ Mỹ sẽ tránh xa các bờ biển Trung Quốc, nhường cho Trung Quốc nữa phần còn lại của Thái Bình Dương. Đó thực sự là một thảm họa với các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN, khi đó biển Đông sẽ là "cái ao nhà" của Trung Quốc.

Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ mất đi hình ảnh về một khu vực ổn định và phát triển thịnh vượng, nếu các vấn đề an ninh trong khu vực không được giải quyết một cách thỏa đáng.

(vtc news)

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

>> 3 cơ sở để Mỹ đánh giá thấp J-20


Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc thật sự có làm cho Mỹ phải lo ngại?

Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates nói: Đến năm 2020, Trung Quốc chưa thể có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Năm 2010, ông thay đổi đôi chút: Năm 2020, Trung Quốc sẽ có vài chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Trong buổi trả lời phỏng vấn gần đây (đầu năm 2011) ông Gates lại sửa lại: “Tới năm 2020 hoặc 2025 khoảng cách về số lượng máy bay của Trung Quốc và Mỹ là rất lớn”.

Dù vậy, ông Robert Gates cho rằng có 3 yếu tố khiến J-20 của Trung Quốc chưa thể đe dọa được Mỹ.

Báo cáo ngày 11/1 của mạng AOL (Mỹ) cho biết, dù bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gate cho rằng tình báo Mỹ đánh giá sai về tốc độ phát triển máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay chiến đấu tàng hình J-20 bước đầu thử nghiệm thành công (trưa ngày 11/1) là có thật thì quân đội Mỹ cũng không cảm thấy sợ hãi đối với J-20.

Ba nguyên nhân mà ông Gates đưa ra là:

Thứ nhất: Hiện nay, dù J-20 có thể đã bay được nhưng nó vẫn chỉ là nguyên mẫu, đằng sau đó còn rất nhiều công tác phải chuẩn bị để nó là “máy bay chiến đấu của Trung Quốc”, hơn nữa để có thể điều khiển thành thạo J-20 thì không quân Trung Quốc còn phải mất nhiều thời gian.


Hình ảnh chiếc J-20 trong cuộc thử nghiệm gây tranh cãi trên mạng.


Thứ hai: Dù Trung Quốc bắt đầu phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 nhưng số lượng còn thua xa so với Mỹ.

Người đại diện của cơ quan Triển lãm hàng không Mỹ cho biết: “Đến năm 2025 số lượng máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ thứ 5 của Mỹ sẽ là 1.700 chiếc, trong khi đó Trung Quốc mới chỉ có vài chiếc”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự đoán đến năm 2020 số lượng máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ nhiều gấp Trung Quốc 20 lần!

Thứ ba: Tính năng của máy bay chiến đấu này cũng là một trong những nhân tố quan trọng. Dù máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể được trang bị những tính năng tiên tiến như khả năng tàng hình nhưng nó không phải là một tính năng then chốt của một máy bay chiến đấu, mà còn phải kể đến radar và hệ thống vũ khí.

Dù kế hoạch triển khai F-35, F-22 của Mỹ nhiều lần bị trì hoãn nhưng Mỹ đã đưa F-22 vào sử dụng. F-22 được trang bị hệ thống tích hợp vô cùng tinh vi như: Máy thu cảnh báo radar, cảnh báo phương pháp tiếp cận hệ thống tên lửa, hệ thống radar điện và hệ thống tên lửa không-đối-không, không-đối-đất. Những thông tin thu được phản ánh qua sự phát triển công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và những hình ảnh mới đây về J-20 phát tán trên internet chưa cho thấy khả năng này.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang