Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Italia

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Italia. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Italia. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

>> Vì sao F-22 vô dụng ở Libya?



[Vietnamdefence news] Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ không tham gia chiến dịch chống Liya vì không có khả năng tác chiến đối đất và không thể phối hợp tác chiến với máy bay khác.

Các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ không tham gia chiến dịch chống Libya mà nguyên nhân chính là khả năng hạn chế của F-22 về trao đổi dữ liệu với các máy bay khác và tấn công mục tiêu mặt đất, theo các chuyên gia Mỹ. Ông Loren Thompson, chuyên gia phân tích của Viện Lexington ở Arlington, Virginia, cho biết, Không quân Mỹ (USAF) đã quyết định không cho F-22 tham chiến vì máy bay này không dùng để tấn công mục tiêu mặt đất và không thể trao đổi thông tin với các tiêm kích tham gia chiến dịch do F-22 được phát triển để hoạt động chủ yếu trong điều kiện im lặng vô tuyến. Khi phát triển F-22, các kỹ sư đã phải lựa chọn giữa khả năng tàng hình của máy bay và khả năng trao đổi thông tin của nó.





F-22 Raptor (af.mil)

Người ta đã chọn ưu tiên khả năng tàng hình. Vì thế, máy bay chỉ được lắp đặt hệ thống liên lạc cho phép trao đổi thông tin trong khi bay với các máy bay F-22 khác. F-22 cũng được lắp hệ thống liên lạc tiêu chuẩn Link-16, nhưng nó chỉ hoạt động ở chế độ thu. Nhờ hệ thống này, F-22 có thể thu nhận thông tin từ các máy bay và trực thăng khác, song tự nó lại không thể truyền dữ liệu cho các máy bay, trực thăng đó.

Ông Loren Thompson nói rằng, “Các nhà thiết kế F-22 đã phải giải quyết vấn đề nan giải: trang bị cho tiêm kích này các hệ thống liên lạc để bảo đảm tính vạn năng trong sử dụng, hay là duy trì chế độ im lặng vô tuyến để tăng tính bí mật sử dụng máy bay. Kết quả là họ nghiêng về giải pháp sử dụng tổ hợp các hệ thống truyền dữ liệu hạn chế”.

Theo ông Thompson, “F-22 có thể liên lạc với các F-22 khác qua các hệ thống truyền dữ liệu trong khi bay. Qua hệ thống liên lạc tiêu chuẩn Link-16 được lắp trên đa số máy bay của các đồng minh của Mỹ, nó chỉ có thể nhận chứ không truyền dữ liệu” và “bức xạ vô tuyến từ các hệ thống truyền dữ liệu khác nhau về tiềm năng có thể làm lộ vị trí máy bay”.

Nhà phân tích này kết luận, “cùng với việc F-22 là máy bay “tàng hình” nhất trong số các máy bay chiến đấu của Mỹ, nó thiếu phần lớn các hệ thống truyền dữ liệu vốn đang sử dụng trên các máy bay chiến đấu khác”.

Máy bay cũng bị hạn chế về khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Hiện nay, F-22 có thể được trang bị 2 bom JDAM cỡ 1.000 bảng (458 kg) điều khiển bằng GPS , song bom này chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu tĩnh, không thể chống mục tiêu động.chống các mục tiêu tĩnh. Máy bay hiện chưa thể mang các bom đường kính nhỏ SDB cỡ 250 bảng (115 kg). Trong khi, 1 tiêm kích F-15E Strike Eagle có thể mang 24.000 bảng (gần 11 tấn) bom đạn.

Trước đó, người ta đã dự định bổ sung cho F-22 các bom SDB cỡ 113 kg có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu động, song chương trình này chưa được thực hiện. F-22 cũng không thể lập bản đồ địa hình giống như khả năng của các radar khẩu độ tổng hợp ở một số máy bay khác, vì thế F-22 không thể tự lựa chọn mục tiêu mặt đất.

Hiện nay, USF dự định hiện đại hóa F-22 theo chương trình Increment 3.1 vốn trù tính hoàn thiện thiết bị trên khoang, thiết bị avionics và phần mềm. Nhờ chương trình này, F-22 sẽ có khả năng lập bản đồ địa hình, lựa chọn mục tiêu mặt đất và sử dụng bom mới SDB.

Tuy vậy, sau khi hiện đại hóa, máy bay vẫn sẽ chỉ có khả năng lưaj chọn không quá 2 mục tiêu để dẫn cho 8 quả bom SDB.

Trước đó, người ta đã xem xét cả khả năng hiện đại hóa theo chương trình Increment 3.2 để mở rộng khả năng liên lạc của máy bay, song năm 2010, USAF đã từ chối cấp kinh phí cho chương trình này.

Trang airforcetimes.com cho biết, theo học thuyết sử dụng nhóm tác chiến tấn công toàn cầu của Mỹ, các máy bay F-22 được giao vai trò hộ tống các máy bay ném bom В-2 khi chúng xuyên phá hệ thống phòng không đối phương.

Tuy nhiên, Bộ chỉ huy châu Phi AFRICOM của Mỹ, cơ quan đang chỉ huy chiến dịch Odyssey Dawn đã xác nhận F-22 đã không được sử dụng trong các cuộc tập kích đường không chống Libya.

“Tôi không thấy các dấu hiệu cho thấy F-22 đã được sử dụng làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom B-2 và không thấy các dấu hiệu F-22 sẽ được sử dụng trong các phi vụ tương lai chống Libya”, - đại diện AFRICOM, thiếu tá không quân Eric Hilliard nói.

Trước đó, trước khi chiến dịch chống Libya bắt đầu, Tướng Norton Schwartz, Tham mưu trưởng USAF, khi phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ, đã nói rằng, trong giai đoạn đầu không kích nhằm vào các radar phòng không Libya, các tiêm kích F-22 sẽ được sử dụng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng “bênh vực” F-22. Họ cho rằng, một trong những nguyên nhân F-22 không được dùng đến trong các cuộc không kích là “đơn giản không cần đến máy bay này để chế áp hệ thống phòng không tương đối thô sơ và cổ lỗ của Libya”.

Chiến dịch quân sự của phương Tây ở Libya có mật danh Odyssey Dawn mở màn ngày 19.3.2011. Tham gia chiến dịch, từ phía liên quân có các tiêm kích F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, Rafale và Tornado của không quân Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Italia.

Nhiệm vụ chế áp điện tử chống các radar và hệ thống phòng không của quân đội Libya do các máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Hải quân Mỹ đảm nhiệm.


>> Khám phá 'sào huyệt' của đại tá Gadhafi



Hiện không ai có thể biết đại tá Muammar Gadhafi ở đâu, nhưng nhà lãnh đạo của Libya chắc hẳn sẽ rất nhớ khu Bab al-Azizia, nơi được coi là "sào huyệt" của ông suốt nhiều năm qua.

Trong tiếng Ảrập, Bab al-Azizia có nghĩa là "Chiếc cổng tráng lệ". Đây là trung tâm đầu não của chế độ Gadhafi và luôn được ví như một biểu tượng tranh đấu của nhà lãnh đạo đất nước Libya. Không chỉ phục vụ mục đích quân sự, Bab al-Azizia đồng thời cũng là nơi ở của gia đình Gadhafi và rất nhiều bữa tiệc linh đình đã được tổ chức tại đây.

Tuy nhiên, so với những dinh thự nguy nga của các ông hoàng Ảrập hay những gia tộc giàu có ở vùng Vịnh, đại bản doanh của đại tá Gadhafi có phần khiêm tốn hơn rất nhiều.




Cảnh đại tá Gadhafi thề chống lại Mỹ và phương Tây hôm 22/02, với nền phía sau là "Ngôi nhà kháng chiến" đổ nát. Ảnh: Shahidulnews.

Sở hữu khối tài sản được ước tính lên tới vài chục tỉ USD nhưng nhà lãnh đạo Libya không thể rảnh tay xây cho mình một lâu đài nguy nga bên bờ Địa Trung Hải. Vốn là cái gai từ lâu trong mắt Mỹ và nhiều nước phương Tây, Gadhafi luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công và sẽ chẳng ích gì khi cố sức xây một lâu đài khi biết rằng nó sẽ liên tục bị đánh phá.

Rộng 6 km2 và nằm cách không quá xa sân bay quốc tế Tripoli, Bab al-Azizia là một mục tiêu không quá khó để xác định trong các cuộc không kích. Ngày 15/4/1986, nhận lệnh trực tiếp từ cựu Tổng thống Ronald Reegan, 13 máy bay Mỹ đã ném bom khu nhà ở của gia đình Gadhafi ở khu vực trung tâm Bab al-Azizia.

Đây là hành động trả đũa của Mỹ sau vụ đánh bom tại một sàn nhảy ở Berlin khiến 2 công dân nước này thiệt mạng, vụ tấn công mà Libya bị cáo buộc thực hiện. Tuy nhiên, được sự cảnh báo từ Malta và Italia, Gadhafi đã kịp thoát khỏi khu nhà và chỉ bị thương nhẹ. Ngoài việc khu nhà bị phá hủy một phần, tổn thất đáng kể được Gadhafi khẳng định đó là cô con gái nuôi 15 tháng tuổi Hana thiệt mạng và 2 trong số những người con trai của ông bị thương.

Mặc dù vậy, sự thật về Hana vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi nhiều thông tin khẳng định cô con gái nuôi này của Gadhafi chỉ là câu chuyện được dựng lên nhằm tuyên truyền lòng căm thù Mỹ và phương Tây trong dân chúng Libya.

Cho tới nay, khu nhà này vẫn chưa được xây lại. Tuy nhiên, nó đã được mang một cái tên mới là "Ngôi nhà kháng chiến". Ngay phía trước khu nhà, Đại tá Gadhafi cho dựng lên một tượng đài lớn có hình cánh tay trái màu vàng đang bóp nát một chiến đấu cơ của Mỹ. Kể từ đó, "Ngôi nhà kháng chiến" thường xuyên được Gadhafi sử dụng làm nền cho những lần xuất hiện trên truyền hình, như khi ông lên tiếng phản đối phán quyết vụ Lockerbie vào năm 2001 hay gần đây là những tuyên bố chống lại Mỹ và phương Tây hồi tháng trước.

Cũng chính tại tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng này, nhiều thường dân Libya đã đến tụ tập và có những hành động thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Gadhafi. Họ được coi là lá chắn sống để bảo vệ nhà lãnh đạo Libya trước các cuộc không kích của liên quân.

Chếch lên phía tây bắc khoảng 400 mét so với "Ngôi nhà kháng chiến" là căn lều theo kiểu du mục Ảrập của nhà lãnh đạo 68 tuổi. Đây là 1 trong số 4 nơi ở chính của ông trong suốt hơn 4 thập kỷ nắm quyền tại Libya. Năm 2004, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Shroeder từng có mặt trong căn lều này khi thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức tới Libya.

Vụ không kích diễn ra tuần trước của liên quân đã đánh sập hầu như toàn bộ một tòa nhà chỉ huy trung tâm cao 50 mét và chỉ cách căn lều kể trên vài bước chân. Lực lượng liên quân cho hay họ coi tòa nhà này là mục tiêu đánh phá, nhằm cắt đứt liên lạc giữa Gadhafi và lực lượng quân đội trung thành với ông.

Ở phía đông nam của Bab al-Azizia là một sân bóng đá dành cho các gia đình sinh sống gần đó. Theo mô tả của BBC, khu nhà ở của các gia đình này gợi lại hình ảnh của những trại tập trung người tị nạn tại dải Gaza. Người ta cho rằng nhiều khả năng những ngôi nhà này không chỉ phục vụ mục đích dân sinh mà có cả mục đích quân sự.



Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

>> Nhật nhào zô cuộc đua thế hệ 5



Tokyo thực sự lao vào phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin.



Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin của hãng Mitsibishi

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trong tương lai không hoàn toàn dựa vào việc mua sắm vũ khí Mỹ cho không quân của mình và hoàn tất phát triển tiêm kích thế hệ 5 của Nhật. Theo các kế hoạch của Tokyo, mẫu chế thử tiêm kích Shinshin sẽ bay chuyến đầu tiên vào năm 2014. Điều đó thực tế có nghĩa là Nhật Bản đang lao vào cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực máy bay chiến đấu bùng lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc và Hàn Quốc.

Từ địa vị phụ thuộc
Trong lĩnh vực mua sắm vũ khí mới, trong suốt thời gian sau chiến tranh, Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Điều đó đặc biệt rõ ở Không quân phòng vệ Nhật, khi mà họ bay chủ yếu bằng các biến thể máy bay Mỹ dành cho Nhật. Nhật Bản hầu như không có nền sản xuất quốc phòng của riêng mình - chỉ có các công ty lớn nhất như Mitsubishi Heavy Industries hay Kawasaki thỉnh thoảng mới thực hiện các đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng Nhật để sản xuất các vũ khí trang bị do Mỹ phát triển nhưng có cải tiến đôi chút.

Tình trạng đó xuất hiện phần nhiều là do điều 9 Hiến pháp Nhật thông qua năm 1947. Điều này cấm Nhật tham gia các cuộc xung đột quân sự và có quân đội thường trực. Vì nguyên nhân này mà toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật là lực lượng phòng vệ, chỉ có quyền tham gia các sứ mệnh hòa bình, và với sự rào trước đón sau cẩn thận. Trong tình thế đó, Tokyo ngay từ đầu đã chọn chỗ dựa vào nhập khẩu quân sự để giảm tối đa chi phí cho quốc phòng.


Máy bay tiêm kích F-2A của Mitsubishi (f22fighter.com)

Kết quả là hiện nay Không quân Nhật Bản đang sử dụng 53 tiêm kích F-2A của Mitsubishi (biến thể cải tiến sản xuất theo giấy phép của F-16 Fighting Falcon của hãng Lockheed Martin), 92 F-4EJ Kai của Mitsubishi (F-4 Phantom II của McDonnell Douglas) và 152 F-15J của Mitsubishi (F-15 Eagle của Boeing). Không quân vận tải Nhật Bản, bao gồm cả trực thăng, chủ yếu cũng do Mỹ thiết kế và được các công ty Nhật chế tạo.

Ở đây, cần giải thích là khi mua vũ khí trang bị, Nhật Bản yêu cầu bắt buộc phải thành lập liên doanh để cải tiến các mẫu vũ khí “nguyên bản” theo yêu cầu của quân đội Nhật. Với cách làm như vậy, giá thành cuối cùng của vũ khí trang bị mua sắm về lại cao hơn nhiều so với mua thành phẩm từ Mỹ, nhưng nhờ các liên doanh mà chính phủ Nhật Bản hỗ trợ được cho nền kinh tế của mình: bằng cách đó, họ tạo ra thêm việc làm, nguồn đầu tư ổn định vào nền kinh tế, tài trợ cho hoạt động của các xí nghiệp.

Năm 2004, Nhật thông qua quyết định chế tạo tiêm kích thế hệ 5 nội địa ATD-X Shinshin, có sử dụng công nghệ tàng hình. Dự án này có quy chế mẫu trình diễn công nghệ và ngay từ đầu không dự định nhận vào trang bị máy bay hoàn chỉnh. Đơn giản là bằng cách đó, Nhật Bản muốn chứng tỏ khả năng sản xuất vũ khí trang bị công nghệ cao của mình. Vị trí chủ chốt trong Không quân Nhật đã được dành cho các tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor của Lockheed Martin, mà chính phủ Nhật đã đàm phán với Mỹ để mua.

Việc đàm phán diễn ra trồi sụt thất thường, và kết thúc thất bại vào năm 2009 - Mỹ đã từ chối vì Nhật Bản mà gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tiêm kích thế hệ 5 duy nhất của họ. Lệnh cấm này được áp đặt vào năm 2006 vì Mỹ lo ngại bị thất thoát những công nghệ then chốt nếu bán máy bay này ra nước ngoài. Cũng trong năm đó, dự án tiêm kích Shinshin của Nhật được trao quy chế thiết kế tiên tiến mà khi hoàn thành có thể được nhận vào trang bị.

Trên đường tới chuyến bay đầu tiên

Mô hình máy tính của máy bay ATD-X của Mitsubishi (mod.go.jp)

Hiện có rất ít thông tin về tiêm kích tiên tiến của Nhật, loại máy bay chiến đấu đầu tiên do nước này phát triển kể từ sau Thế chiến II. Người ta chỉ biết đến vài công nghệ dự định sử dụng ở máy bay mới, chứ không biết gì về các tính năng kỹ thuật của nó. Tháng 4.2010, chính phủ Nhật Bản đã mở thầu cung cấp động cơ phản lực cho ATD-X. Cuộc thầu này đã hoàn tất hay chưa và ai là người thắng thầu thì hiện chưa ai biết. Công ty Mitsubishi đang phát triển Shinshin cần có động cơ cho 2 mẫu chế thử ATD-X.

Theo yêu cầu, các động cơ phản lực phải có lực đẩy 44-89 kN ở chế độ không tăng lực. Người ta dự định cải tiến các động cơ để lắp thêm hệ thống điều khiển vector lực đẩy mọi góc độ. Việc điều khiển vector lực đẩy được thực hiện không phải bằng loa phụt di động mà bằng 3 tấm rộng. Công nghệ này đã được Mỹ áp dụng lần đầu năm 1990 trên máy bay X-31 của Rockwell.


X-31 của Rockwell (456fis.org)

Mitsubishi đặc biệt quan tâm tới các động cơ F404 của General Electric, M88-2 của Snecma và RM12 của Volvo Aero. Các động cơ này đang được sử dụng lần lượt trên các tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Boeing, Rafale của Dassualt và JAS 39 Gripen của Saab.

Tất cả những máy bay trên đều không được trang bị hệ thống điều khiển vector lực đẩy. Các động cơ nhập khẩu sẽ được sử dụng cho chính việc thử nghiệm các mẫu chế thử, còn các tiêm kích sản xuất loạt sẽ dùng động cơ XF5-1 do công ty Nhật Ishikawajima-Harima Heavy Industries phát triển.

Dự kiến, Shinshin sẽ ứng dụng một số công nghệ tàng hình, trong đó có hình dáng hình học tán xạ, vật liệu hấp thụ radar và sử dụng nhiều vật liệu compsite. Ở tiêm kích tương lai sẽ sử dụng công nghệ hệ thống điều khiển từ xa sợi quang với các kênh trao đổi dữ liệu đa lặp. Giải pháp này cho phép duy trì việc điều khiển máy bay khi có 1 trong 2 phân hệ bị trục trặc, cũng như khi bị chế áp điện tử.

Vào giữa thập niên 2000, được biết Nhật dự định sử dụng cho ATD-X công nghệ tự khôi phục khả năng điều khiển bay (SRFCC, Self Repairing Flight Control Capability). Điều đó có nghĩa là máy tính trên khoang của tiêm kích sẽ tự động xác định những hỏng hóc dính phải và điều chỉnh hoạt động của hệ thống điều khiển bay bằng cách đưa vào mạnh hoạt động các phân hệ dự phòng còn tốt.

Ngoài ra, dự kiến, máy tính sẽ còn xác định mức độ hư hỏng của các chi tiết kết cấu của máy bay - các cánh phụ, cánh lái độ cao, cánh lái hướng, bề mặt cánh nâng - và điều chỉnh hoạt động của các chi tiết còn nguyên ven để khôi phục hầu như hoàn toàn khả năng điều khiển máy bay. Các chi tiết khác về công nghệ SRFCC hiện chưa được tiết lộ. Cách thức hiện thực hóa công nghệ này cũng chưa được biết.

Ngoài ra, còn dự kiến lắp cho Shinshin một radar đã chế độ anten mạng pha chủ động phổ rộng, hệ thống đối phó điện tử, khí tài tác chiến điện tử, cũng như hệ thống trao đổi thông tin thống nhất. Một số báo chí Nhật trong năm 2009-2010 đưa tin rằng, trên máy bay mới có thể sẽ sử dụng cả vũ khí vi ba.

Ngày 8.3.2011, trung tướng Hideyuki Yoshioka, trưởng phòng phát triển các hệ thống tiên tiến của Không quân phòng vệ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đã tuyên bố rằng, việc thử nghiệm mẫu chế thử ATD-X đầu tiên dự định tiến hành vào năm 2014, nhưng không nói khi nào dự định nhận máy bay mớin vào trang bị. Theo các chuyên gia phương Tây, nếu Nhật Bản không từ bỏ việc thực hiện chương trình Shinshin, máy bay mới sẽ có thể được đưa vào trang bị vào năm 2018-2020.

Ráng chạy đua với Trung, Hàn
Việc giới quân sự bắt đầu nói về việc sắp bắt đầu thử nghiệm tiêm kích tiên tiến cho thấy, nước này đã bắt đầu có thái độ nghiêm túc đối với dự án Shinshin. Và nguyên nhân chính cho việc đó không phải là việc Mỹ từ chối bản F-22 cho Nhật Bản F-22, mà là nhịp độ vũ trang được đẩy nhanh của các nước láng giềng của Nhật, trước hết là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc vào đầu năm 2011 đã bắt đầu bay thử nghiệm tiêm kích-bom thế hệ mới J-20 của họ, khiến giới phân tích quân sự sững sờ.

Không lâu sau chuyến bay đầu của J-20, Mỹ đã tuyên bố nối lại dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược tiên tiến, còn Hàn Quốc thông báo đẩy nhanh tái trang bị không quân và chương trình chế tạo tiêm kích tàng hình nội địa KF-X hợp tác chế tạo với Indonesia. Hơn nữa, khi quyết định tăng tốc thực hiện các chương trình quân sự, Hàn Quốc không chỉ lo ngại Trung Quốc mà cả CHDCND Triều Tiên dù cho không quân nước này khá lạc hậu nhưng vẫn có ưu thế gấp đôi về số lượng so với Không quân Hàn Quốc.

Tháng 7.2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đặt hàng công ty Mitsubishi Heavy Industries 50 tiêm kích F-2A. Quyết định này được đưa ra sau khi vòng đàm phán mới mua F-22 của Mỹ thất bại, cũng như do chậm trễ trong việc phát triển và sản xuất F-35. Đơn giá của 1 máy bay F-2A cao gần gấp đôi 1 chiếc F-16 và lên tới gần 110 triệu USD/chiếc. Như vậy, ngân sách Nhật sẽ tốn 5,5 tỷ USD cho 50 chiếc F-2.

Bằng việc nghiêm túc nhảy vào thực hiện chương trình Shinshin, Nhật Bản thực tế đã lao vào cuộc chạy đua vũ khí hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo dự kiến, máy bay tiêm kích J-20 của Trung Quốc sẽ được nhận vào trang bị không sớm hơn năm 2018 (tình báo Mỹ thì cho rằng, không sớm hơn năm 2020), còn máy bay thế hệ 4++ KF-X ứng dụng công nghệ tàng hình của Hàn Quốc thì là sau năm 2020.



Quả thực là tất cả những điều đó sẽ chỉ đúng khi Nhật Bản không bỗng nhiên từ bỏ việc thực hiện dự án Shinshin. Dù sao, dự kiến năm 2011-2012, Nhật Bản sẽ mở thầu cung cấp tiêm kích cho không quân nước này. Các máy bay mới sẽ thay thế các máy bay già nua F-4EJ. Washington đã đề nghị Tokyo một số phương án với các máy bay F-15, F/A-18E/F và F-35 Lightning II.

Trong chuyến thăm Nhật ngày 13.1.2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói rằng, Bộ Quốc phòng Nhật nên lựa chọn trong số các máy bay này nếu muốn nâng cao tiềm lực của không quân của mình.

Cần lưu ý là Bộ Quốc phòng Nhật không giấu giếm là hiện nayy họ muốn mua F-35. Họ chọn máy bay này sau khi việc đàm phán mua F-22 bị thất bại. Nhưng với F-35 tình hình cũng chưa hoàn toàn rõ ràng. Một mặt, Nhật Bản muốn mua các máy bay này, song mặt khác thời hạn hoàn tất phát triển F-35 liên tục bị trì hoãn và giá thành sản phẩm cuối cùng liên tục tăng, trong khi Tokyo muốn đổi mới không quân ngay bây giờ.

Theo dự báo của Lầu Năm góc, việc nghiên cứu chế tạo F-35 sẽ hoàn thành vào năm 2016, điều đó có nghĩa là máy bay sẽ bắt đầu được xuất khẩu vào thời gian gần với năm 2020, muộn hơn. Hơn nữa, nhận được những lô F-35 sản xuất loạt đầu tiên lại là Mỹ và các nước đối tác của chương trình F-35 (Anh, Italia, Hà Lan, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Nauy và Đan Mạch). Còn các khách hàng khác sẽ phải đợi đến lượt mình. Vì thế, không loại trừ số phận của Shinshin sẽ phụ thuộc nhiều vào số phận của F-35 - việc trì hoãn và giá tăng của F-35 sẽ có nghĩa là sự khai sinh của Shinshin.

(vietnamdefence news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang