Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 4)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 4)



>>Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 1)
>>Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 2)
>>Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 3)

Thế hệ pháo cối tự hành ưu việt của Phần Lan và các loại đạn cối thông minh có độ chính xác cao, sẵn sàng đương đầu với các thách thức trong chiến trường hiện đại.

AMOS (Phần Lan)

Được nghiên cứu bởi sự hợp tác của hai công ty Patria và Hagglunds từ năm 1996, hệ thống pháo cối tự hành AMOS - Advance MOrtar System nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị trong quân đội Phần Lan và Thụy Điển.

Trong đó, Patria lo phần nghiên cứu về hệ thống nạp đạn tự động từ phía cuối nòng pháo còn Hagglunds nghiên cứu chế tạo loại nòng súng cối thế hệ mới, có khả năng chịu được tốc đọ bắn cực cao.


Bản thử nghiệm đầu tiên của pháo cối AMOS được đặt trên thân xe thiết giáp bánh hơi AMV.



Pháo cối tự hành AMOS với thân xe thiết giáp bánh xích CV-90.


Tháp pháo của hệ thống AMOS bao gồm hai nòng pháo cối cỡ 120 mm . So với pháo cối thông thường, AMOS có tốc độ bắn vượt trội vì sở hữu tới hai nòng pháo và hệ thống nạp đạn hoàn toàn tự động, giúp nó có thể đạt tốc độ bắn duy trì tới 26 phát/phút.

Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng bắn MRSI (Multiple Rounds Simulteaneous-Impact), nghĩa là AMOS sẽ thay đổi góc bắn của nòng pháo cực nhanh khi bắn khiến tất cả các viên đạn đều rơi cùng một điểm trong cùng một lúc.

Trong chế độ MRSI, AMOS có thể bắn liên tiếp 16 quả đạn. Trong chế độ bắn và chạy (hit and run), AMOS có thể bắn xong 14 quả đạn và di chuyển trước khi quả đạn đầu tiên chạm đến mục tiêu khiến việc phản pháo trở nên cực kỳ khó khăn.



Video mô tả chế độ bắn MRSI.


Ngoài các khả năng trên, do sở hữu nòng pháo dài tới 3m, AMOS cũng có thể làm nhiệm vụ của pháo bắn thẳng với tầm bắn 1,5 km. Chức năng chính là một khẩu pháo cối, AMOS có thể bắn tất cả các loại đạn cối, kể cả các loại đạn cối “thông minh” điều khiển bằng laser với tầm bắn 10 km.

Trong biến thể của Thụy Điển, AMOS sử dụng loại đạn thông minh Strix dẫn đường hồng ngoại do Saab sản xuất với tầm bắn 7 km. Theo Saab, đạn Strix có khả năng bám đuổi các mục tiêu cơ giới và phân biệt được nguồn nhiệt giữa động cơ mục tiêu phát ra và nguồn nhiệt từ đạn mồi cũng như các đám cháy.

Tháp pháo AMOS hoàn toàn tự động được vận hành bởi binh lính ngồi trong thân xe, hơn nữa nó cũng được bọc giáp để chống lại các loại đạn súng bộ binh cũng như mảnh đạn pháo. Khối lượng tháp pháo thay đổi từ 3,6 tấn - 4,4 tấn tùy theo mức độ giáp bảo vệ.



AMOS lắp đặt trên tầu tuần duyên CB-90


Hiện nay, quân đội Phần Lan vận hành 4 hệ thống AMOS được lắp đặt trên thân xe thiết giáp bánh hơi AMV, xe thiết giáp bánh xích CV90 và tầu tuần tra bờ biển CB90. Ngoài ra, một hợp đồng cung cấp 20 hệ thống AMOS cho quân đội cũng đã được ký kết và đang trong giai đoạn chuyển giao.

NEMO (Phần Lan)

Đây là biến thể rút gọn chỉ dành cho xuất khẩu của pháo cối tự hành AMOS. Phiên bản NEMO (NEw MOrtar) đầu tiên lắp đặt trên thân xe thiết giáp bánh hơi AMV được Patria giới thiệu vào năm 2006.

Là biến thể rút gọn của AMOS, NEMO chỉ gồm một nòng pháo và có tốc độ bắn chỉ đạt 10 phát/phút và bắn chế độ MRSI với loạt bắn 6 quả đạn. Tuy vậy, tầm bắn và khả năng sử dụng đa dạng các loại đạn cối thông thường và thông minh của NEMO vẫn tương tự như phiên bản nội địa AMOS.



NEMO là phiên bản rút gọn của AMOS với một nòng pháo và chỉ có hệ thống nạp đạn bán tự động.


Ưu điểm của NEMO nằm ở khối lượng cực nhẹ của nó. Với toàn bộ khối lượng chỉ có 1,6 tấn, NEMO có thể được lắp đặt trên rất nhiều xe thiết giáp hạng nhẹ, kể cả xuồng tuần tra cao tốc.

Cho đến thời điểm hiện nay, NEMO đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các quốc gia trên thế giới. Slovenia là khách hàng đầu tiên của hệ hống này khi kí hợp đồng mua NEMO từ ăn 2006.

Năm 2009, lực lượng biên phòng Arab Saudi đã đặt mua 36 hệ thống NEMO lắp trên thân xe thiết giáp LAV, lô đầu tiên của số vũ khí này sẽ được bàn giao từ tháng 4/2011. Lực lượng tuần duyên Các tiểu vương quốc Arập thống nhất cũng đặt mua 6 hệ thống NEMO lắp trên các tầu tuần duyên



Hệ thống NEMO đặt trên tầu tuần duyên cao tốc.


Đạn cối thông minh

Công nghệ chế tạo đạn cối thông minh cũng không hề phát triển chậm hơn tốc độ ra đời của các loại pháo cối. Trong điều kiện các phương tiện chiến tranh hiện đại hầu hết đều có thể vận động liên tục trên chiến trường, các loại đạn cối thông minh được phát triển nhằm tiêu diệt các mục tiêu di động hoặc tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau trên chiến trường mà không phải điều chỉnh lại nòng pháo.

Một số những loại đạn cối thông minh được giới thiệu hiện nay bao gồm Strix của Thụy Điển, Kitolov-2 của Nga hay M935 (đạn cối dẫn đường chính xác, PGMM-Precision Mortar Munition) đang được Mỹ phát triển.

Thế hệ đạn cối đầu tiên sử dụng phương pháp dẫn đường bằng con quay hồi chuyển với độ lệch CEP tới 360 mét ở cự ky 12 km và 630 mét ở cự ly 15 km đã không làm hài lòng quân đội Mỹ. Thế hệ đạn cối mới sử dụng hệ thống dẫn đường GPS/INS cho phép giảm độ lệch xuống mức 100 mét ở cự ly 15 km. Thậm chí, biến thể M935 mới nhất có thể đạt CEP chỉ ở mức 2 mét trong cự ly 15 km.



Đạn cối M935 dẫn đường GPS/INS của Hoa Kỳ có khả năng đạt CEP chỉ 2 mét ở khoảng cách 15 km.


Khác với Hoa Kỳ, Nga sử dụng loại đạn cối dẫn đường bằng laser có tên Kitolov-2.

Khác với M-935, Kitolov-2 được chế tạo nhằm chống lại các phương tiện cơ giới di động. Điểm hạn chế của Kitolov-2 là mục tiêu phải luôn được chiếu laser đánh dấu trước khi đạn bay tới được mục tiêu.



Đạn cối dẫn đường bằng laser Kitolov-2 với bộ chỉ điểm laser.

Đầu dò của Kitolov-2 cho phép nó có thể nhận ra điểm được đánh dấu laser từ kkhoảng cách 7 km.

Trong điều kiện thực chiến, Kitolov-2 có thể đánh bại các mục tiêu nằm cách xa nhau 800 mét mà không phải điều chỉnh nòng súng. Viên đạn Kitolov-2 với đầu nổ nặng 10 kg tấn công từ nóc có thể đánh bại bất cứ phương tiện cơ giới nào.

Khác với hai loại đạn cối trên, loại đạn cối Strix của Thụy Điển lại sử dụng phương pháp dẫn đường hồng ngoại. Strix có thể đánh bại các phương tiện thiết giáp di động ở khoảng cách 7 km.



Đạn cối dẫn đường bằng hồng ngoại Strix do Saab (Thụy Điển) sản xuất.


Những khẩu pháo cối tự hành đã lấp đầy chỗ trống giữa hỏa lực chi viện của pháo tầm xa và hỏa lực bắn thẳng trong chiến trường hiện đại.

Ngày nay, với các công nghệ giúp pháo cối có tốc độ bắn cực cao, khả năng di chuyển linh hoạt cùng với các loại đạn thông minh, đây chắc chắn sẽ là thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm của lục quân các nước trong tương lai.

>>Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 1)
>>Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 2)
>>Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 3)


[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang