Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Hồ sơ điệp viên nguyên tử (kỳ 1)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

>> Hồ sơ điệp viên nguyên tử (kỳ 1)



"Khi năng lượng không thể giải phóng ra ngoài được thì nó không thể quan sát được”. (Albert Einstein)

Tháng 8/2011 đánh dấu kỷ niệm 66 năm lần đầu tiên năng lượng nguyên tử phục vụ mục tiêu bá quyền giương vuốt tử thần đe dọa nền văn minh nhân loại, đồng thời mở ra sau đó cuộc chạy đua không ngừng vừa để chinh phục thế giới hạt nhân bí ẩn, cũng là để kiềm chế nguồn năng lượng này không gây thêm tội ác.

Hành trình ấy có sự tác động không nhỏ của các điệp viên, mà mỗi người trong họ đều để lại những số phận và bài học đáng suy ngẫm. Để tưởng nhớ công lao cũng những con người này, nhóm biên soạn sách Lương Thế Vinh đã dựa theo các tài liệu bằng tiếng Việt, Anh, Nga đã được xuất bản ở một số quốc gia trên thế giới cho ra đời cuốn truyện "Băng qua chiến tuyến", được NXB Thời đại phát hành năm 2011.

Đất Việt xin trích đăng một số chương trong cuốn sách này, ngõ hầu giúp độc giả thêm thông tin về một cuộc đua âm thầm nhưng không kém phần li kỳ và khốc liệt từng diễn ra trong lịch sử nhân loại nửa cuối thế kỷ 20.

Dưới đây là nội dung chính trong cuốn sách:

Alex không đến chỗ hẹn

Buổi tối ngày 6/9/1945, một cuộc tiếp tân ngoại giao đã diễn ra trong dinh của Cao ủy Anh ở Canada. Buổi đại lễ được tổ chức nhân dịp Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc. Sau khi Nhật Bản ký hiệp ước đầu hàng lực lượng Đồng minh vô điều kiện, thế giới chuẩn bị thở phào nhẹ nhõm.

Đại diện chính thức của Nữ hoàng Anh, ông M.McDonald, trong bộ lễ phục được viền bằng chỉ vàng, đích thân ra đón những khách mời danh tiếng - những chính trị gia quan trọng, những Bộ trưởng của Chính phủ Canada, những doanh nhân cỡ bự. Hôm đó trời rất nóng nực và ở Ottawa thực sự ngột ngạt…

Thủ tướng Canada McKendi King cũng đến dự cuộc lễ tân đó. Theo sau ông là người đứng đầu các phái đoàn đại diện ngoại giao. Họ cứ lục tục kéo đến. Những nụ cười, những cái bắt tay, những vòng hạt xoàn kim cương long lanh trên cổ các vị đại sứ phu nhân khiến dinh thự chính thức của Cao ủy Anh quốc tràn đầy thứ ánh sáng lấp lánh của vẻ sang trọng và đầy đủ. Khó ai có thể tưởng tượng được khói thuốc súng vừa tan qua được ít thời gian trên toàn cầu.

Đúng một tháng trước, người Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Nhật Bản Hiroshima. Hơn hai trăm năm mươi nghìn người dân - gần tương đương với số dân sống ở Ottawa thời điểm đó- đã thiệt mạng mà không hay biết gì cả, (số người chết ngay sau khi bom nổ là 140.000); một số khá lớn người thiệt mạng đã không toàn thây, rất nhiều người trong số đó đã trở thành cát bụi thậm chí chỉ là làn khói trắng, xam xám gì đó, sau tiếng nổ nguyên tử khủng khiếp…. Nhưng lúc này đây chẳng mấy ai nhớ tới tấn thảm kịch lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ XX. Mọi người đang say sưa qua ly rượu chiến thắng…

Cùng với các nhà ngoại giao khác, vị đại sứ Liên Xô Georgi Zarubin cùng với phu nhân, một phụ nữ tóc đen xinh đẹp cũng đến dự. Cạnh Zarubin là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vitali Papov, người sử dụng tiếng Anh rất thạo và thực hiện nhiệm vụ phiên dịch riêng cho ngài Đạị sứ trong các hoạt động ngoại giao quan trọng.

Như mọi khi trong các dịp như vậy, các trưởng Phái đoàn đại diện lần lượt đến bên Ngài Cao ủy, cảm ơn vì lời mời, tán dương nhau thoải mái. Mac Donald đã dành cho mỗi nhà ngoại giao vài chục giây.

Khi đến lượt Đại sứ Liên Xô Zarubin, biết Ngài Cao ủy say sưa tiêu khiển với các chú chim hót, ông đã bất ngờ quan tâm:

- Liệu có chim non nào hôm qua đã thì thầm tiết lộ thông tin mật cho Ngài không?

Như mọi khi Ngài Cao ủy niềm nở trả lời phủ định câu hỏi của vị Đại sứ Liên Xô, và hỏi lại:

- Thế còn Ngài, thưa Ngài Đại sứ, Ngài có được may mắn trong buổi câu cá hôm qua không?

Zarubin cũng trả lời phủ định. Ông có vẻ mệt mỏi, nên không đi câu cá. Ông không còn tâm trạng nào để câu.

Đêm mùng 5, rạng ngày 6/9, mới vỡ lẽ ra rằng trong cơ quan Tùy viên Quân sự, nhân viên mật mã Igor Guzenko đã mất tích. Không ai biết anh ta đang ở đâu.

Nếu một mình anh ta mất tích, ông Đại sứ có thể giả thiết rằng tai nạn xảy ra và nhân viên cơ quan Tùy viên này sẽ được tìm thấy, còn sống hoặc đã chết, nhưng Guzenko biến mất cùng gia đình - người vợ đang có bầu và đứa con trai nhỏ.

Điều đó chứng tỏ anh ta đã đào tẩu sang phía đối phương - phía Canada. Ông Đại sứ được biết trong cơ quan Tùy viên, một số tài liệu mật cũng biến mất. Chỉ có kẻ đào tẩu mới lấy chúng đi.

Việc đào tẩu của một nhân viên mật mã là một tổn thất lớn đối với Đoàn Ngoại giao Liên Xô ở Canada. Guzenko biết rất nhiều. Giống như vết cắn của một con rắn độc, vụ đào tẩu của hắn có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng cho một số ngành của Tình báo Quân sự.

Chẳng bao nữa con rắn độc sẽ lao tới và cắn đau.

Trong buổi tiếp tân chính thức, Zarubin không thể hỏi thẳng Ngài Cao ủy là liệu ông ta có biết Guzenko đang ở đâu.

Ngài đại diện của Nữ hoàng Anh trước buổi tiếp đã biết việc đào tẩu của một nhân viên cơ quan Tùy viên Quân sự Xô-viết. Tuy nhiên, trong buổi tiếp tân ngoại giao, ông không nói gì với vị Đại sứ Liên Xô. Ngài Cao ủy đang chờ chỉ thị của London.

Trong khi ấy kẻ đào tẩu cùng gia đình đang được chính quyền Canada bảo vệ nghiêm ngặt.

Vụ tai tiếng quốc tế đã chín muồi. McDonald và Zarubin hiểu điều đó. Là những người ngoại giao có kinh nghiệm, họ cảm thấy một mối đe dọa nghiêm trọng đang treo trên mối quan hệ ngoại giao Liên Xô - Canada, một quan hệ ngoại giao đã được thiết lập từ mùa hè năm 1942 và hiện đang được củng cố tốt. Nếu quan hệ ngoại giao Liên Xô - Canada bị phá hoại thì mối liên hệ của Anh và Mỹ với Liên Xô cũng không tránh khỏi xấu đi. Những Đồng minh trong chiến tranh chống Hitler có thể trở thành những kẻ thù.

Quan hệ Liên Xô - Canada vào năm 1945, vẫn chưa có độ bền vững và kinh nghiệm giải quyết những tình huống tế nhị hoặc xung đột phức tạp. Mối quan hệ này được thiết lập sau khi ký hiệp định về trao đổi các đại diện ngoại giao năm 1942 ở London.Tháng 6 năm 1943, Đại tá Zarubin đến Ottawa, là Trưởng đại diện của cơ quan Tùy viên Quân sự ở Canada. N. Zabotin lãnh đạo cơ quan GRU ( Tổng cục Tình báo Quân sự) ở đó. Nhóm tình báo này có tên là “Giatxint”(thủy tiên tây), giatxint là tên một loài hoa trong thiên nhiên, loại hoa này đứng đầu trong các loại thực vật dùng để chưng cất tinh dầu. Nếu trồng bằng củ vào đầu tháng 9 nó sẽ ra hoa vào dịp Lễ Giáng sinh. Cụm hoa giatxint gồm những bông hoa nhỏ hình ngôi sao xếp dầy đặc, chúng rất lâu tàn. Có lẽ ai đó trong nhóm lãnh đạo Tình báo Quân sự tin rằng mạng lưới điệp viên Giatxint sẽ không bao giờ héo tàn.

Cũng trong năm 1943, theo Hiệp ước Mỹ - Anh ký tại Quebec, Canada được tham gia vào quá trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Nữ tình báo viên Sonya,- tức Ursula Kuczynski (người mà bạn đọc sẽ làm quen thêm trong các chương sau)- đã thông báo tin này từ London về Moxkva. Theo thỏa thuận mật tại Quebec, Canada trở thành nước tham gia Hiệp ước bí mật Mỹ - Anh, và điều đó đã làm thay đổi quan hệ với Canada. Người Nga cần biết rõ các nhà khoa học Anh đang nghiên cứu vấn đề gì ở Canada. Tình báo Liên Xô đang thắt chặt mối liên hệ với một số nhà khoa học quốc tịch Anh đang làm việc ở Canada…

Tháng 8/1945, các sĩ quan Xô-viết là Motinov, Rogov và Angelov đã đến Canada để hoạt động trong Tổ điệp báo ở đây. Trung úy Guzenko , người mà trong thư từ trao đổi với Trung tâm được ký dưới mật danh Clark là nhân viên mật mã của N. Zabotin. Clark là người đã mất tích cùng gia đình ngày 6/9/1945.

Kẻ đào tẩu đã tiết lộ cho cơ quan Tình báo Canada tên của các tình báo viên Quân sự Xô- viết, nhiệm vụ của Tổ Điệp báo và các số liệu về một số điệp viên vẫn cung cấp thông tin…

Guzenco (Clark) đã đánh cắp 29 bản mật mã, những hồ sơ cá nhân của ba điệp báo viên Bado, Bagley, Bacon và những tài liệu khác. Vết cắn của con rắn độc - kẻ đào tẩu Guzenco,- độc hơn bất kỳ một loại độc dược nào để giết người: đóa hoa “giatxint” héo tàn ngay lập tức.

Khi các tài liệu bị Clark đánh cắp rơi vào tay chính quyền Canada, Thủ tướng Mc Kendi King đã cấm đưa bất kỳ tin tức gì về kẻ đào tẩu cho báo chí thủ đô.

Khi bản dịch các tài liệu cơ bản do kẻ đào tẩu cung cấp đã được hoàn tất, M. King đáp máy bay sang London để thông báo cụ thể cho Thủ tướng Anh về những gì đã xảy ra ở Ottawa. Sau khi đàm phán ở London, ông bay sang Washington và thông báo cho Tổng thống mới Hoa Kỳ là Truman về sự kiện chính trị nổi bật khi cuộc chiến tranh nóng vừa kết thúc.

Chính quyền Canada sẽ bí mật điều tra và đến một lúc nào đó sẽ “khuấy động” dư luận bằng những tuyên bố giật gân.

Một ủy ban điều tra Hoàng gia được thành lập, trong đó có Chánh án Tòa án Tối cao Canada, cùng một số nhân viên điều tra giàu kinh nghiệm và các luật sư tài ba. ủy ban này có nhiệm vụ điều tra về “hoạt động gián điệp của Liên Xô”. Một bản báo cáo gồm 733 trang là kết quả làm việc của các thành viên thuộc ủy ban này. Không chỉ giới lãnh đạo Canada mà cả ủy ban điều tra các hoạt động chống Mỹ của hạ Nghị viên Mỹ cũng tham gia nghiên cứu tỷ mỷ báo cáo nói trên.

Ở Moskva, người ta hiểu rằng việc đào tẩu của Guzenco sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị nghiêm trọng và tai hại. Cần phải đề ra những biện pháp khẩn trương và hiệu quả, khoanh vùng sự phản bội, bảo toàn các bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Điều quan trọng là phải cảnh báo những phức tạp có thể nảy sinh trong mối quan hệ Liên Xô- Canada. Theo chỉ thị của G.Stalin, một ủy ban đặc biệt do G. Malencov làm Chủ tịch đã được thành lập. Thành phần của mó gồm có Bộ trưởng An ninh L.Beria, V.Abacumov, F.Kuznesov và V. Merculov.

Bánh xe lịch sử lăn trên con đường quan hệ quốc tế có nhiều ổ gà, và Ban lãnh đạo Liên Xô không thể sửa chữa được gì. Họ không có khả năng kiểm soát được những sự kiện diễn biến tiếp theo.

Ngày 16/2/1946, cảnh sát kỵ binh Canada bắt đầu bắt giữ các điệp viên Tình báo Quân sự ở Ottawa: 16 người bị bắt và 9 người trong số đó bị kết án nhiều năm tù.

Người Canada không thế xác định ai là người núp dưới bí danh Alex và chuyển giao những thông tin quan trọng về bom nguyên tử cho các điệp viên Xô- viết.

Trong một bức điện mà Guzenco (Kẻ đào tẩu) đánh cắp được có nói:

“Hãy soạn thảo và điện báo cho biết quy ước liên lạc giữa hai người chưa quen và mật khẩu liên lạc của Alex với người của chúng ta ở London. Cố gắng lấy dược ở ông ta thông tin cụ thể về tiến trình nghiên cứu vấn đề uranium trước khi ông ta lên đường. Hãy bàn với ông ta, liệu ông ấy có cho rằng ở lại (Canada) là hợp lý công việc của chúng ta hay là đi London là cần thiết và có lợi hơn cho ông ấy.”


http://nghiadx.blogspot.com
Allan Nunn May, nhà bác học nguyên tử người Anh, điệp viên tự nguyện của tình báo Liên Xô.


Qua nội dung của tài liệu các nhà phân tích của cơ quan phản gián Anh và Mỹ hiểu rằng Alex - một con người có thực, được phép tiếp cận tài liệu mật, và cơ bản nhất là ông đang định đáp máy bay đi London. Bản quy ước gặp gỡ ở London của Alex với tình báo Xô- viết cũng đã rơi vào tay FBI và cơ quan phản gián Anh MI-5. Người ta biết, Alex phải gặp người bắt liên lạc với mình vào 23 giờ địa phương ngày 7, 17 và 27 tháng 10 hoặc cũng vào những ngày đó của tháng kế tiếp. Nơi gặp gỡ là phía trước tòa nhà Viện Bảo tàng Anh quốc trên các ngã tư các phố Great Rassel và Museum Street.

Việc quan sát suốt ngày đêm ở vị trí này của 20 điệp viên thuộc cơ quan phản gián Anh đã được thiết lập. Người mang dấu hiệu nhận biết không xuất hiện tại nơi hẹn. Các nhân viên phản gián đã quan sát các phố thuộc ngã tư nói trên trong gần 6 tháng. Alex không xuất hiện ở đó. cả trong tháng 10, tháng 11 cũng không ai nghe thấy mật khẩu “ Ngài làm ơn cho biết con đường nào ngắn nhất để đến Strand?”Và điệp viên Alex phải trả lời:“ ồ, cứ đi thẳng, tôi cũng đi đến đó.” Nhưng khi bị bắt vào nhiều năm sau, Allan May kể rằng ông đã không đến chỗ hẹn vì đã được thông báo trước.

Các nhân viên phản gián MI-5 không biết rằng Trung tâm đã chỉ thị cho điệp viên Jack Chernyak của mình, người phải đến London để bắt liên lạc với Alex đã không bay đến nước Anh.

Thế là cơ quan phản gián Anh đã mất công toi “đón lừng” nhân viên tình báo Xô - viết.

Cũng vào thời gian đó ở Canada, cỗ máy của chiến dịch chống Liên Xô tiếp tục quay tít “hết công suất”. Ngày 15 tháng 2 năm 1946, Thủ tướng M. King phát biểu tại Nghị viện thông báo về cuộc điều tra hoạt động của tình báo Xô- viết ở Ottawa. Các thành viên của ủy ban Điều tra Hoàng gia đã thông báo kết quả điều tra ngày 2, 16 và 31/3/1946.

Các phương tiện thông tin đại chúng của Anh, Mỹ và Canada đầy ắp những tài liệu về hoạt động gián điệp nguyên tử của Liên Xô. Tất cả những điều ấy đều rất cần thiết cho ai đó.

Để cốt làm cho chiến dịch ồn ào chống Liên Xô có quy củ hơn, quy mô lớn hơn, cần bắt giữ Alex vào đúng lúc gặp gỡ với tình báo Xô-viết. Nhưng không ai đến bắt liên lạc với nhà khoa học, người liên lạc và cả nhà khoa học Alex nào đó hiện vẫn là kẻ giấu mặt với các nhân viên phản gián Anh, Mỹ và Canada. Alex là ai? Quốc tịch gì? Hiện đang là gì trong guồng máy chế tạo các vũ khí nguy hiểm?

Một trong các nhà khoa học đã nằm trong tầm ngắm của các nhân viên phản gián Anh: Tiến sĩ Allan Nunn May được mời đến Cục Năng lượng Nguyên tử. Khi ông đến nơi theo lời mời, nhân viên cơ quan An ninh, Trung tá Leonard Burt đến gặp ông . Người này là nhân viên phản gián thiên về tìm kiếm bằng chứng cụ thể, không có nhiều mẹo lắt léo và ít gây áp lực tâm lý.

Burt ngay từ đầu lần gặp đầu tiên đã “thông báo” cho May rằng một vụ rò rỉ thông tin lớn về bom nguyên tử vừa được phát hiện ở Canada. Ai đó trong số các nhà khoa học đã chuyển giao các thông tin cho người Nga. Khi nói những lời này, Burt nhìn chăm chú vào mắt Allan May. Nhưng không một cơ bắp trên khuân mặt nhà khoa học rung động. Ông bình tĩnh trả lời:

- Đó là một tin mới đối với tôi. Lần đầu tiên tôi nghe thấy điều này và nghĩ rằng không thể có chuyện đó được.

Burt quyết định tấn công tiếp, vừa chú ý qua sát thái độ của May, hắn vừa nói:

- Tôi có cơ sở để cho rằng ông đã duy trì liên lạc với một sĩ quan Nga mà cơ quan phản gián biết dưới cái tên là Baster.

- Tôi không hình dung được ông có ngụ ý gì và đang nói về cái gì ,- Allan May vẫn bình tĩnh đối đáp.

Trung tá Burt ngồi im lặng vài phút. Kế hoạch gây sức ép tâm lý tích cực của hắn lên người bị tình nghi đã thất bại. Hắn không biết làm cách nào để thoát khỏi tình huống bất lợi cho việc điều tra. Quyết định giữ nguyên những điều kiện ban đầu cho việc “ công tác tiếp theo” với người tình nghi và những khả năng cho cuộc đối đầu tâm lý sau này, nhà điều tra tiếp tục hỏi:

- Thưa Tiến sĩ May, ông hãy cho tôi biết liệu có thể có tình huống mà ông sẵn sàng giúp đỡ tôi điều tra không?

May trả lời không cần suy nghĩ:

- Không, nếu như thông tin mà ông hỏi sẽ được dùng không phải cho mục đích tốt đẹp.

Cuộc gặp đầu tiên của Trung tá L. Burt với Tiến sĩ A. May đã kết thúc ở đó. Tiếp theo là những cuộc gặp khác, nhưng cũng không thu được kết quả gì. Burt được phép lục soát căn hộ và phòng làm việc việc của May, nhưng cũng không mang lại điều gì.

Cơ quan phản gián thiết lập việc theo dõi ngoại tuyến. Nhưng việc theo dõi đó cũng không bổ sung thêm được cho những gì mà Burt đã biết. Thời gian cứ trôi…Sau này sau khi mọi bí mật đã được tiết lộ: cơ quan tình báo Anh đã nắm được rõ là Allan May chính là Alex nhưng họ muốn “cất một mẻ lưới lớn hơn nhiều”, họ đã chờ đợi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang