Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Đô đốc Mike Mullen

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Đô đốc Mike Mullen. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đô đốc Mike Mullen. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

>> Xung đột Trung - Mỹ khi nào xảy ra ?



Những nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự Trung - Mỹ gần đây được hoan nghênh. Tuy nhiên, những xung đột lợi ích cơ bản giữa hai nước vẫn luôn tiềm tàng khả năng xảy ra xung đột, tranh chấp trong tương lai.

Những thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ New York Times, Đô đốc Mike Mullen, người vừa thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 7 thừa nhận quan hệ Trung – Mỹ hầu như chìm trong các mối “hiểu lầm và nghi kỵ lẫn nhau”.

Đồng thời, Mullen cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về việc thường xuyên trút những cơn bất mãn lên quan hệ quốc phòng song phương như cách trả đũa mỗi khi quan hệ gặp trắc trở.

“Khi họ bất mãn với những gì chúng tôi làm. Họ cắt đứt quan hệ quân sự. Chuyện này không thể tiếp diễn nữa”, ông Mullen nhấn mạnh.

http://nghiadx.blogspot.com
Đô đốc Mike Mullen (thứ 2 từ phải sang) gặp giới chức Trung Quốc trong chuyến thăm nước này hồi tháng 7.

Nhìn lại trong quá khứ, việc cắt giảm, đình chỉ các chuyến thăm, trao đổi và hợp tác quân sự với Mỹ là việc thường được Trung Quốc áp dụng mỗi khi quan hệ song phương gặp vấn đề.
Không khó để kể ra một số ví dụ liên quan đến vấn đề này. Đơn cử như sau vụ máy bay Mỹ đánh bom nhầm Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999; vụ va chạm giữa máy bay gián điệp EP-3E Aries II của Hải quân Mỹ với máy bay quân sự Trung Quốc ngoài khơi bờ biển nước này năm 2000; đặc biệt, để phản đối các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan, Trung Quốc không ngần ngại đình chỉ các chuyến thăm quốc phòng cấp cao giữa hai nước, không cho các tàu Hải quân Mỹ cập cảng Trung Quốc, hủy bỏ các hội nghị về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và tỏ ra bất hợp tác trong nỗ lực không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đồng thời hủy bỏ hàng chục chương trình hợp tác quân sự Trung – Mỹ khác.

Tuy nhiên, không riêng gì Trung Quốc, phía Mỹ cũng nhiều lần hủy bỏ các dịp trao đổi song phương. Điển hình là việc chính quyền George H. W. Bush quyết định đình chỉ hợp tác quân sự và chuyền giao công nghệ quốc phòng; cũng như đóng băng vô thời hạn tất cả các chuyến thăm cấp cao với các lãnh đạo quân đội Trung Quốc nhằm phản đối nước này trong vụ Thiên An Môn năm 1989.

Và phải đến tháng 10/1993, khi Trợ lý Ngoại trưởng quốc phòng Mỹ đảm nhiệm các vấn đề an ninh quốc tế Chas W. Freeman Jr đến thăm Trung Quốc, quan hệ quốc phòng song phương Trung - Mỹ mới được nối lại.

Song, một thập kỷ sau đó, quan hệ Trung - Mỹ lại bị phủ bức màn đen tối khi Quốc hội Mỹ thể hiện sự giận dữ trước các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ bằng cách áp đặt và hạn chế khắt khe lên quan hệ hợp tác giữa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - Lầu Năm Góc.

Theo đó, luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2000 của Mỹ chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng không được phép thông qua bất cứ liên hệ về mặt quân sự nào với Trung Quốc.

Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài không liên quan đến các trao đổi quân sự (như việc Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc đàn áp tự do nhân quyền, các chính sách của nước này với Tây Tạng và Đài Loan cũng như các thương vụ mua bán tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân của Bắc Kinh với các nước nhỏ khác) cũng góp phần khiến Mỹ bất mãn và phản ứng bằng cách đình chỉ các quan hệ quốc phòng song phương với Trung Quốc.

Trung – Mỹ nỗ lực cải thiện quan hệ dù liên tiếp vấp phải mâu thuẫn lợi ích

Bất chấp những thăng trầm trong quan hệ xuyên suốt nhiều thập kỷ qua, hiện nay Trung – Mỹ đang bắt đầu giai đoạn nỗ lực cải thiện quan hệ trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực quốc phòng.

Đô đốc Mullen từng nhận định, việc cải thiện quan hệ quân sự giữa quân đội Mỹ và PLA đòi hỏi hai bên phát triển “niềm tin chiến lược lẫn nhau” thông qua các cuộc đối thoại nhằm xóa bỏ hiểu lầm.

“Một vài hiểu lầm giữa quân đội hai bên có thể được xóa bỏ bằng cách đối thoại và thái độ cùng hướng tới những mục đích chung", Đô đốc Mullen nhấn mạnh.

Lợi ích chung giữa Mỹ và Trung Quốc mà Mullen muốn ám chỉ là việc bảo vệ các tuyến hải vận khỏi nạn cướp biển, cùng nhau ngăn chặn nạn phổ biến vũ khí hủy hiệt hàng loạt, ngăn chặn sự gia tăng các hoạt động buôn bán thuốc phiện cũng như thúc đẩy ổn định khu vực ở hai miền Triều Tiên và Pakistan.

Nỗ lực cải thiện quan hệ Trung - Mỹ gần đây được thể hiện rõ bằng sự kiện Đô đốc Mullen thăm Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua sau chuyến thăm đến Mỹ trước đó Tổng tham mưu trưởng Đới Bỉnh Quốc, người đứng đầu PLA vào hồi tháng 5. Trong chuyến công du này, Đô đốc Mullen khẳng định những chuyến thăm cấp cao như thế này sẽ là công cụ trọng yếu nhằm khắc phục sự mất lòng tin giữa hai bên.

http://nghiadx.blogspot.com
Tướng Trung Quốc Trần Bính Đức (bên trái) nói chuyện với Đô đốc Mỹ Mike Mullen tại Washington ngày 17/5.


Tuy nhiên, thực tế là những cuộc gặp cấp cao của giới quân sự Trung – Mỹ không có gì là mới mẻ bởi trong hai thập kỷ qua, nhiều quan chức quốc phòng cấp cao của hai nước cũng từng có những chuyến thăm viếng lẫn nhau.

Chẳng hạn, Bắc Kinh từng thăm căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng và San Diego. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đáp trả bằng việc thăm cảng Hong Kong của Trung Quốc thường niên.

Ngoài ra, nhiều học viện quốc phòng cũng như các ĐH an ninh, quốc phòng hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật với nhau.

Chưa dừng lại, quan chức quân sự hai nước cũng liên tục thăm các cơ sở quân sự của nhau, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo bàn về lý luận quân sự và các vấn đề quân sự liên quan. Tuy nhiên, bất chấp mọi hoạt động đó, sự đối đầu và nghi kỵ lẫn nhau vẫn tiếp diễn.

Ví dụ điển hình cho nhận định trên là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Trung Quốc năm 1998, giới chức hai nước đi đến thống nhất về việc tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung.

Năm 2000, Trung Quốc cử quan sát viên quân sự tham dự cuộc tập trận RIMPAC do Mỹ dẫn đầu. Ngược lại, phía Mỹ cũng cử Tướng Henry Shelton, lúc đó đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tham dự cuộc tập trận của Trung Quốc tại Quân khu Nam Kinh.

Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ lần đầu tiên lên kế hoạch cho một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn quy mô với sự tham gia của các tàu chiến vào tháng 9/2006 ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và San Diego, Mỹ.

Tuy nhiên, sau đó, phía Trung Quốc tuyên bố đình chỉ tất cả các đợt diễn tập quân sự và cắt đứt liên hệ quân sự với Mỹ ngay khi chính quyền George W. Bush thông qua gói vũ khí kỷ lục bán cho Đài Loan tháng 10/2008.

Trước đó, trong mọi trường hợp, các cuộc diễn tập quân sự Trung - Mỹ luôn có quy mô nhỏ hơn so với các cuộc diễn tập tương tự của Trung Quốc với Nga và một số nước Trung Á.

Một điểm nữa đó là giới chức Trung Quốc luôn lo lắng việc nâng cao sự minh bạch trong chính sách quốc phòng có thể tạo điều kiện cho cơ quan tình báo quân sự Mỹ nhìn thấu những điểm yếu quốc phòng của họ.

Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc quyết tâm duy trì và kiểm soát chặt tất cả các cuộc đối thoại Trung – Mỹ, giám sát nghiêm ngặt các quan hệ quân sự với nước ngoài của PLA và không bao giờ tỏ ra mặn mà trong việc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa PLA với giới chức Mỹ.

Do vậy, dẫu trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Đô đốc Mullen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ quân sự Trung - Mỹ thì hai bên vẫn nhận thức rõ trong suốt nhiều thập kỷ qua và cho đến tận bây giờ, lợi ích cơ bản của họ là hoàn toàn khác biệt.

Các cuộc đối thoại Trung – Mỹ có thể làm giảm căng thẳng trong những thời điểm "hiểu lầm" nhưng cũng phơi bày một cách rõ ràng hơn bao giờ hết sự khác nhau cơ bản về mặt lợi ích của Trung Quốc và Mỹ.

Rốt cuộc thì, vấn đề của Trung Quốc và Mỹ là hai nước này hiện đang là đối thủ tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á và có khả năng là địch thủ cạnh tranh quyền bá chủ khu vực.

Sự bất đồng cơ bản nói chung giữa hai nước còn thể hiện ở khái niệm mở rộng chủ quyền quốc gia của Bắc Kinh đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích địa chiến lược của Mỹ. Điều này dẫn đến quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ không có khả năng cải thiện chừng nào hai nước vẫn tiếp tục đối đầu trong các vấn đề an ninh cơ bản. Kết quả là, các cam kết ngoại giao dễ dàng bị phá vỡ và đối đầu Trung – Mỹ sẽ vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, việc Trung Quốc chủ trương tăng cường sức mạnh toàn diện cho PLA bằng việc công bố ngân sách quốc phòng “khủng” trong vài năm trở lại đây; cùng với chủ trương và tham vọng mở rộng hoạt động quân sự trên phạm vi toàn cầu của nước này rõ ràng đang làm tăng nguy cơ một cuộc xung đột quân sự Trung – Mỹ trong tương lai.


Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

>> Hồ sơ cụm tàu sân bay chiến đấu Trung Quốc (kỳ 3)



Trong biên chế hoạt động một nhóm tác chiến tàu sân bay, không thể thiếu vai trò của trinh sát, tác chiến điện tử và công tác hậu cần.

Trinh sát và tác chiến điện tử

Trong bối cảnh bùng nỗ của khoa học công nghệ, tác chiến công nghệ cao đang trở thành một phương hướng chủ đạo của chiến tranh hiện đại. Ưu thế luôn nghiêng về bên nào sở hữu được nhiều công nghệ cao hơn.

Ngày nay, vũ khí công nghệ cao luôn được các cường quốc sử dụng làm đòn đánh đầu tiên trong tác chiến hiện đại, để phát huy tối đa năng lực của vũ khí. Trong đó, bộ phận tác chiến điện tử có một vai trò cực kỳ quan trọng và luôn là lực lượng đi tiên phong.


http://nghiadx.blogspot.com
Cụm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc thiếu vai trò của một máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng như E/A-18G của Hải quân Mỹ.

Khi bộ phận tác chiến điện tử "ra đòn" có thể làm “mù” các hệ thống trinh sát điện tử của đối phương, vừa tăng cường năng lực phòng thủ, phát hiện, ngăn chặn sớm sự xuất hiện, cũng như chống trả những đòn phản công điện tử của đối phương. Làm suy yếu và mất tính chính xác của các hệ thống vũ khí có dẫn đường của đối phương.

Trong biên chế nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ luôn có một phi đội chuyên đảm đương nhiệm vụ trinh sát và tác chiến điện tử, bao gồm các máy bay trinh sát P-3C Orion, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm AEW&C E-2C/D Harkeyes, máy bay tác chiến điện tử E/A-6B và E/A-18G.

http://nghiadx.blogspot.com
Việc không thể triển khai hoạt động máy bay AWACS KJ-2000 là một bất lợi lớn của tàu sân bay Thi Lang và cụm tác chiến của nó.


Cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc sẽ không nằm ngoài ngoại lệ này. Do đó, Trung Quốc cũng đã có những bước chuẩn bị tích cực cho việc xây dựng và hình thành lực lượng trinh sát và tác chiến điện tử.

Điển hình là Trung Quốc đã phát triển thành công máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không KJ-2000. Đây là loại máy bay AWACS được phát triển trên cở sở bộ khung của máy bay vận tải IL-76 của Nga.

Ngày 7/6/2006, một chiếc KJ-2000 đã bị rơi trong khi đang thử nghiệm làm toàn bộ phi hành đoàn 40 người thiệt mạng, vụ tại nạn này đã làm gián đoạn nỗ lực xây dựng lực lượng AWACS của Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng năng lực trinh sát và tác chiến điện tử cho cụm tác chiến tàu sân bay tương lai.

Trung Quốc chưa có máy bay nào được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến điện tử chuyên dụng như E/A-6B hay E/A-18G của Hải quân Mỹ và thiếu máy bay trinh sát điện tử chuyên dụng như P-3C Orion của Mỹ.

Một khó khăn nữa là tàu sân bay đang được cải tạo Thi Lang với đường băng kiểu nhảy cầu không cho phép triển khai hoạt động các máy bay cánh cố định tải trọng lớn.

Do đó, tàu sân bay này không có khả năng triển khai hoạt động các máy bay trinh sát, chỉ huy và cảnh báo trên không như Y-8X hay KJ-2000.

Để bù lại khuyết điểm này, Trung Quốc đã phát triển một trực thăng đảm đương nhiệm vụ chỉ huy và cảnh báo sớm trên không cho tàu sân bay Thi Lang là Z-8AEW, tương tự như trực thăng Ka-31 của Nga.

Tuy nhiên sự hạn chế về trần bay, tầm bay năng lực của radar so với các máy bay AEW&C cánh cố định là điều không phải bàn cãi. Loại trực thăng này phát huy vai trò cảnh báo sớm đường biển và dẫn đường cho tên lửa chống hạm hiệu quả hơn là cảnh báo sớm và chỉ huy tác chiến đường không. Như vậy, trong tương lai gần, cụm tàu sân bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề vừa thiếu, vừa yếu về năng lực trinh sát và tác chiến điện tử.

Trong bối cảnh tại châu Á xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại của Nga và một số nước khác, nếu không có một hệ thống tác chiến điện tử đủ mạnh. Cụm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ gặp nhiều bất lợi nếu có một cuộc đụng độ xảy ra.

Dịch vụ hậu cần

Để đảm đương công tác hậu cần phục vụ nhu yếu phẩm, tiếp tế nhiên liệu, vũ khí đạn được cho cụm tác chiến tàu sân bay này là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Đặc biệt, trong trường hợp tác chiến xa bờ ở những nơi không có các căn cứ thường trực.

Tuy nhiên có vẻ đây không phải là vấn đề quá lớn, công nghiệp hàng hải Trung Quốc đủ khả năng để phát triển một đội tàu hậu cần hùng hậu cho cụm tác chiến này. Nhưng có một khó khăn khác, hiện nay Trung Quốc gần như không có căn cứ hoặc cơ sở hải quân nào ở nước ngoài.

Nếu nhìn vào những vấn đề hiện tại của tàu sân bay Thi Lang, cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc chỉ có thể "lởn vởn" ở các vùng biển gần Trung Quốc. Chừng nào vấn đề động cơ cho tàu sân bay Thi Lang chưa được giải quyết, con tàu này sẽ khó lòng mà thực hiện được những chuyến công du xa bờ.

Tóm lại với 3 trở ngại lớn đang gặp phải về hệ thống động lực cho tàu sân bay, tiêm kích trên hạm, năng lực trinh sát và tác chiến điện tử, cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc còn quá nhiều điểm yếu cần phải khắc phục.

Chẳng vậy mà Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen tỏ ý nghi ngờ khả năng triển khai hoạt động một cách hiệu quả của tàu sân bay Thi Lang cùng với cụm tác chiến của nó.

Tuy rằng, cụm chiến đấu tàu sân bay của Trung Quốc chỉ yếu khi đem so sánh với cụm chiến đấu tàu sân bay của Hải quân Mỹ.



[BDV news]


Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

>> Gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông Obama khiêu khích Trung Quốc



Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma, thủ linh tinh thần lưu vong của Tây Tạng, bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc.

Cuộc gặp được công bố vào tối ngày 15/7/2011 sau một sự im lặng kéo dài từ Chính phủ Obama. Trước đó, về thời điểm Tổng thống Mỹ sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, thủ lĩnh tinh thần hiện đang lưu vong của Tây Tạng không hề được tiết lộ.

Thông cáo chính thức của Nhà Trắng cho hay: "Cuộc gặp nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống trong việc bảo tồn bản sắc của Tây Tạng như tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ cũng như việc bảo vệ nhân quyền cho người Tây Tạng".



Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2010.


Cũng theo thông cáo trên, tổng thống Mỹ sẽ hỗ trợ cuộc đối thoại giữa đại diện của Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Trung Quốc để giải quyết sự khác biệt giữa 2 bên về vấn đề Tây Tạng.

Trong cuộc gặp Đạt Lai Lạt Ma tháng 2/2010, tổng thống Obama không cho phép sự có mặt của các phỏng viên. Ngoài ra, Đạt Ma cũng được ông Obama tiếp trong phòng Bản Đồ chứ không phải phòng Bầu Dục vốn được sử dụng khi Tổng thống Mỹ tiếp các nguyên thủ quốc gia.

Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng bắt đầu cuộc sống lưu vong từ năm 1959. Ông tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Tây Tạng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn coi Đạt Ma như một phần tử ly khai và luôn lên tiếng phản đối các cuộc gặp các nhà lãnh đạo thế giới của ông này.

Trung Quốc phản đối cuộc gặp của Chính phủ Mỹ

Sau khi chính phủ Mỹ công bố cuộc gặp giữa Đạt Ma và Tổng thống Obama, Chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Mỹ hủy bỏ cuộc gặp nêu trên và cảnh báo, cuộc gặp trên sẽ làm tổn hại quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hồng Lỗi tuyên bố:"Vấn đề Tây Tạng liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất cứ cuộc gặp nào giữa quan chức nước ngoài với Đạt Lai Lạt Ma dưới bất kỳ hình thức nào".

Người phát ngôn bộ Ngoại Giao trung Quốc kêu gọi chính phủ Mỹ ngay lập tức thu hồi quyết định trong việc sắp xếp cuộc họp trên nhằm tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc cũng như những tổn hại trong quan hệ Mỹ và trung Quốc. Ông Hồng Lỗi còn kêu gọi Mỹ công nhận "Tây Tạng là một phần của Trung Quốc" và phản đối một "Tây Tạng độc lập".

Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng sau cuộc gặp giữa ông Obama và Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 2/2010. Chuyến thăm của Đạt Ma tới Washington diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc có hàng loạt các hoạt động quan trọng cho mối quan hệ giữa 2 cường quốc.

Sau chuyến thăm của Đô đốc Mike Mullen tới Trung Quốc, phó tổng thống Joe Biden cũng lên kế hoạch thăm Trung Quốc tháng 8/2011.

Dự kiến, ông Biden có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Clinton cũng có cuộc hội đàm với Trung Quốc ngày 25/7.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức trong cuộc gặp với Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen cũng đã lên tiếng chỉ trích Đạt Lai Lạt Ma: "Có những người ở Mỹ cố ý gây ra những rắc rối làm phức tạp thêm sự phát triển của quan hệ giữa hai quốc gia".

[BDV news]


Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

>> Đô đốc Mỹ thăm căn cứ tên lửa Trung Quốc



Trong khuôn khổ chuyến công du đến Bắc Kinh, đô đốc Mullen đã được mời thăm cơ sở của quân đoàn pháo binh số 2

Đô đốc Mullen đã được mời thăm trụ sở của quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc vào hôm chủ nhật 10/7/2011.

Tại trụ sở của quân đoàn pháo binh số 2, ông đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với chỉ huy của quân đoàn này tướng Jing Zhiyuan.

Tướng Jing đã giới thiệu cho đô đốc Mullen đôi nét về sự hình thành và quá trình phát triển của quân đoàn pháo binh số 2.

Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm công khai minh bạch về các chương trình phát triển quân sự của mình. Đô đốc Mullen hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa lực lượng tên lửa chiến lược của hai nước.

Trong khi đó, tướng Jing cũng hy vọng hai bên nghiêm túc thực hiện sự đồng thuận , gia tăng đối thoại và trao đổi thông tin nhằm duy trì quan hệ quân sự tốt đẹp giữa hai nước.

Trong biên chế của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, lực lượng tên lửa chiến lược được gọi một cái tên khá khiêm tốn “quân đoàn pháo binh số 2”.

Sự phát triển, cơ cấu tổ chức, vũ khí trang bị của lực lượng này vẫn là một ẩn số đối với thế giới.



Phòng điều khiển của "Vạn lý trường thành" trong lòng đất (ảnh: Clubchina)


Căn cứ ngầm cho lực lượng tên lửa

Theo một số thông tin rò rỉ trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc, nước này đã hoàn thành xây dựng một “Vạn lý trường thành” trong lòng đất cho quân đoàn pháo binh số 2.

“Vạn lý trường thành” trong lòng đất này vừa là kho cất giữ và bảo quản các tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Cũng là nơi đặt các giếng phóng cố định trong lòng đất.

Cơ sở trong lòng đất này đủ khả năng để chịu đựng một cuộc tấn công bằng hạt nhân của đối phương. Đây sẽ là điểm tựa để Trung Quốc tiến hành một cuộc đáp trả lại đợt tấn công bằng hạt nhân của đối phương.

Đường hầm này được xây dựng bên trong lòng núi tại khu vực Bắc Trung Quốc. Đây được coi là một “mê cung trong lòng đất”. Đến nay, số lượng tên lửa được triển khai tại đây vẫn là một ẩn số vô cùng lớn.



Cơ sở trong lòng đất này đủ sức chịu đựng một cuộc tấn công hạt nhân của đối phương (ảnh: Clubchina)


Theo báo cáo được đăng tải bởi Nti.org, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc có khoảng 400 thiết bị phóng, cùng với khoảng 100 đầu đạn hạt nhân. Tầm tác chiến của đơn vị này đủ sức "vươn tới mọi nơi" trên toàn thế giới.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng công bố bản danh sách đầu tiên của các nhà cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội Trung Quốc. Nhằm thể hiện sự cạnh tranh trong đấu thầu cung cấp trang thiết bị vũ khí cho quân đội.

Tổng cộng có hơn 1.600 nhà thầu nằm trong danh sách. Đây cũng là một nỗ lực nữa của Trung Quốc nhằm "minh bạch hóa" hơn các chương trình mua sắm quân sự đúng vào dịp người bạn Mỹ tới thăm. Các chương trình lâu nay vẫn là một ẩn số với thế giới.



Đường hầm được thiết kế cho cả xe lửa và xe cơ giới hoạt động (ảnh: Clubchina)


Sự úp mở, không công khai và thiếu thông tin về các chương trình mua sắm quốc phòng của Trung Quốc vốn làm cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm ở đây là liệu các dự án mua sắm quốc phòng lớn của Trung Quốc có được công bố cách công khai và minh bạch như các dự án mua sắm quốc phòng của Mỹ hay không. Bởi đến nay, sự phát triển các hệ thống vũ khí của Trung Quốc đều được thực hiện theo “chiều dọc” tất cả đều nằm dưới sự chỉ đạo từ phía nhà nước.

[BDV news]


>> Báo Trung Quốc: Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam



Mỹ đã một lần nữa tái khẳng định vai trò của mình ở châu Á-Thái Bình Dương bởi Mỹ là 1 quốc gia ở Thái Bình Dương và dĩ nhiên lợi ích của Mỹ cũng sẽ được gắn liền với khu vực.

Ngày 10/7/2011 Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã tham dự cuộc họp về an ninh hợp tác và ổn định khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương tại trường ĐH Nhân dân Trung Quốc .

Tại cuộc thảo luận, Chủ tịch tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen đã nhấn mạnh cam kết, Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của mình và duy trì sự hiện diện tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo Đô đốc Mike Mullen "Bây giờ, hơn bao giờ hết, Mỹ là một quốc gia ở Thái Bình Dương và dĩ nhiên lợi ích về kinh tế và quân sự của Mỹ cũng sẽ được gắn liền với châu Á - Thái Bình Dương”.



Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã tham dự cuộc họp về an ninh hợp tác và ổn định khu vực ở châu Á tại trường ĐH Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: AFP


Ông Mullen kêu gọi Trung Quốc nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Trung Quốc cần nhận thức về mối quan hệ quân sự và kinh tế giữa các bên là quan trọng, sức mạnh quân sự càng lớn thì cần thiết phải có trách nhiệm lớn hơn và minh bạch hơn. Mỹ luôn mong muốn giữa Mỹ và Trung Quốc có một mối quan hệ tích cực và hợp tác toàn diện.

Mỹ không bao giờ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa bởi đối với Mỹ, mà ngược lại, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ triển vọng phát triển của một Trung Quốc mạnh hơn, cũng như sự phát triển của các quốc gia khác trong khu vực.

Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen đến Bắc Kinh vào ngày 9/7/2011 theo lời mời của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức, nhằm đáp lại lời mời của ông Trần Bỉnh Đức trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5/2011.

Chuyến thăm lần này của phái đoàn quân sự cấp cao Mỹ đến Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy quan hệ quân sự Trung Quốc - Mỹ đã được cải thiện đáng kể.

Chuyến thăm của ông Trần Bỉnh Đức tới Washington hồi tháng 5/2011 là chuyến thăm của đại diện quân sự cấp cao nhất kể từ khi mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã bị rạn nứt vào đầu năm 2010 sau khi Mỹ đồng ý bán 6,4 tỷ USD vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.

Sau chuyến thăm trường ĐH Nhân dân, Đô đốc Mullen sẽ tiếp tục cuộc hội đàm với ông Trần Bỉnh Đức, và sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài ra, Đô đốc Mullen sẽ tới thăm các cơ sở công nghiệp quốc phòng, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Trung Quốc như không quân, lục quân, hải quân và pháo binh.

Động chạm nhiều vấn đề "nóng"

Trả lời một câu hỏi của phóng viên bên lề cuộc thảo luận tại ĐH Nhân dân Trung Quốc về việc Mỹ đã bán vũ khí cho Đài Loan, ông Mike Mullen khẳng định rằng, Washington luôn ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc, nhưng doanh số bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ cũng được cho phép bởi luật pháp Mỹ. Mỹ sẽ luôn cố gắng để có được sự cân bằng trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ và Mỹ - Đài Loan.

Đề cập đến một loạt các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và các nước ASEAN, ông Mike Mullen nói rằng, Mỹ sẽ không từ bỏ khu vực, mục đích của các cuộc tập trận quân sự chỉ là để mở rộng và làm sâu sắc hơn lợi ích và mối quan hệ của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Đặc biệt, đề cập đến những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền thời gian gần đây giữa Trung Quốc và một số nước như Philippines và Việt Nam, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn cho biết, xin trích đoạn: "Bất chấp những căng thẳng chưa được giải quyết về tranh chấp lãnh thổ, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này Đô đốc Mike Mullen vẫn nhấn mạnh, Mỹ vẫn sẽ cam kết hỗ trợ Việt Nam trên Biển Đông trong lĩnh vực khai thác dầu khí và đặc biệt là Philippines".

Nhận định các bài phát biểu trong chuyến thăm lần này Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc Shi Yinhong cho rằng, dù quan hệ quân sự Mỹ - Trung Quốc được cải thiện, song quan điểm của quan chức cấp cao 2 nước đã không che dấu thực tế rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang giữ lập trường đối lập trên một số vấn đề nhạy cảm quan trọng.

Ông Shi Yinhong còn rất để ý tới việc ông Mike Mullen lặp đi lặp lại cụm từ "Trung Quốc nên có trách nhiệm với các vấn đề trong khu vực", mang ý Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc làm xấu đi tình hình trong khu vực.

[BDV news]


Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

>> Không 'làm phiền' Trung Quốc



Đô đốc Mỹ hứa hẹn tiếp tục hiện diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng không làm ảnh hưởng tới Trung Quốc, đồng thời nhờ Trung Quốc cùng giải "bài toán" Triều Tiên.

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhấn mạnh Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian dài nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến Trung Quốc.

Ông Mullen cho hay: "Những thách thức toàn cầu cũng như trong khu vực quá lớn nên Mỹ và Trung Quốc phải tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Mỹ muốn Trung Quốc là một đối tác mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề này".


Đô đốc Mike Mullen.


Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho hay, ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức và thực hiện một số chuyến thăm các căn cứ quân sự của Trung Quốc nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh giữa 2 nước.

Phát biểu về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, ông Mullen cho biết Washington hoan nghênh sự phát triển quân sự của Trung Quốc nếu nó giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu như cướp biển. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Washington muốn làm rõ ý định của Bắc Kinh.

Ngân sách quân sự của Trung Quốc năm nay vào khoảng 95 tỷ USD, cao thứ hai thế giới nhưng thua xa Mỹ với kế hoạch chi khoảng 650 tỷ USD cho quốc phòng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang phát triển vũ khí như tên lửa DF 21D mà các nhà phân tích nói rằng có thể đe dọa các tàu chiến Mỹ và làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực. "Rõ ràng một số loại vũ khí được Trung Quốc phát triển để nhằm vào Mỹ", ông Mullen nhận xét.

Ông Mullen tới Bắc Kinh đúng vào lúc Mỹ và 2 đồng minh quân sự chính trong khu vực là Nhật Bản và Australia bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên ở Biển Đông.

Nhờ Trung Quốc giải 'bài toán' Triều Tiên

Trong cuộc phỏng vấn sau khi tới Bắc Kinh, đô đốc Mike Mullen cũng bóng gió thông báo về mục đích chính của chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày: "Triều Tiên sẽ tiếp tục các hành động mang tính khiêu khích với mức độ nguy hiểm cao hơn".

Căng thẳng ở Đông Bắc Á leo thang sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm tấn công tàu chiến của nước này vào tháng 3/2010 gây ra cái chết của 46 thủy thủ. Bình Nhưỡng phủ nhận lời buộc tội của Hàn Quốc và sau đó tiến hành 1 cuộc pháo kích vào hòn đảo ở biên giới 2 miền Triều Tiên làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng bao gồm cả 2 thường dân vào cuối năm 2010.

Các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân 6 bên giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật, Nga và Mỹ đã rơi vào tình trạng đình trệ từ khi Triều Tiên từ bỏ vào tháng 4/2009. Tháng 5/2009, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 2 của nước này.

"Cố gắng tìm kiếm sự ổn định liên quan xung quanh vấn đề Triều Tiên ngày càng gặp nhiều thách thức vì Bình Nhưỡng và hành động của họ" -Đô đốc Mullen nhận xét - "Tuy nhiên, Bắc Kinh có mối quan hệ mạnh mẽ với Bình Nhưỡng và mối quan hệ này không chỉ có được nhờ những sự giúp đỡ trong quá khứ mà còn được vun đắp thường xuyên".

[BDV news]


Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

>> Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Trung Quốc




Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cùng phái đoàn quan chức cấp cao quân đội Mỹ đã khởi hành đến Trung Quốc từ ngày 9-13/7/2011.


Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đây là chuyến đi nhằm đáp lại chuyến công du của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức tới Mỹ hồi tháng 5/2011.

Ngoài ra, đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ kể từ năm 2007.

Các quan chức Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đến Bắc Kinh để hội đàm với các sỹ quan cấp cao và thăm các đơn vị quân đội của Trung Quốc.



Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen và Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức họp báo tại Lầu Năm Góc hồi tháng 5/2011.


Chuyến thăm lần này của phái đoàn quân sự Mỹ đến Trung Quốc còn nhằm thúc đẩy cuộc đối thoại an ninh với Trung Quốc, giữa lúc Hải quân Mỹ tiến hành tập trận với Nhật Bản và Australia trên biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Theo Bộ quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của tàu khu trục Shimakaze của Nhật Bản, tàu khu trục Preble của Mỹ, và tàu hải tuần hoàng gia Australia. Các tàu sẽ thực hiện công tác huấn luyện thông tin liên lạc và các bài tập khác ngoài khơi Brunei.

Chuyến thăm của ông Mike Mullen cũng diễn ra sau khi Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập hải quân chung.

Cả Mỹ và Philippines khẳng định rằng cuộc tập trận đó chỉ nhằm thắt chặt mối quan hệ quân sự giữa hai nước và không liên quan đến những lo ngại của Trung Quốc.

Trước đó Trung Quốc vẫn luôn phản đối các cuộc tập trận của Mỹ tại biển Đông, và cáo buộc các cuộc tập trận của Mỹ ở khu vực này làm tăng thêm sự căng thẳng và nóng lên tình hình tại khu vực trong bối cảnh tranh chấp về lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết.

Mới đây, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Tô Hạo, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quản lý xung đột thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, cuộc tập trận lần này là hình thức phô diễn sự hiện diện quân sự cao độ của Mỹ ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Giáo sư Diệp Hải Lâm thuộc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Học viện Xã hội Trung Quốc đã lên án Mỹ đang tìm cách kích động các nước có liên quan đến tranh chấp ở biển Đông dấy xung đột trực tiếp với Trung Quốc và điều Mỹ thực sự muốn thấy là tình hình bất ổn trong khu vực để rồi Mỹ sẽ đóng vai trò như nước điều phối và dẫn dắt các cuộc đàm phán.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang