Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Bộ trưởng Robert Gates

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bộ trưởng Robert Gates. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bộ trưởng Robert Gates. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

>> Mỹ “bộp chộp” ném 32 tỉ đô vào vũ khí




Quân đội Mỹ đã chi 32 tỷ USD trong 15 năm gần đây cho các dự án “khủng” dở dang mà không nhận được bấy kỳ một loại vũ khí và các trang thiết bị kỹ thuật quân sự nào.


Nguyên nhân là do Mỹ đã quá “bộp chộp” trong việc thực hiện các chương trình quốc phòng mà không cân nhắc kỹ lưỡng.

Từ năm 1995-2010, Quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc đã “đóng băng” 22 dự án quân sự, trong đó 15 dự án được thực hiện trong vòng 10 năm gần đây. Giữa tháng 5/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố, từ 11/9/2001, Lầu Năm Góc đã tăng gấp đôi ngân sách cho việc tái vũ trang, hơn 700 tỷ USD cho các dự án chế tạo và mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật quân sự mới.

25 tỷ đô cho dự án trực thăng và tác chiến dở dang

Trong số các dự án chưa hoàn thành mà Mỹ lại phải chi phí số tiền khổng lồ nhất là dự án “máy bay trực thăng trinh sát RAH-66 Comanche” và “các hệ thống tác chiến tương lai” (FCS). Chỉ 2 dự án này trên thực tế đã “ăn mất” 25 tỷ USD. Ngoài ra, còn các dự án dang dở khác như chế tạo hệ thống pháo tự hành Crusader 155mm, hệ thống tên lửa ATACMS BAT, Stinger RPM B


Dự án trực thăng trinh sát RAH-66 Comanche "đóng cửa" vào năm 2004.


Việc chế tạo trực thăng trinh sát RAH-66 Comanche được bắt đầu tiến hành vào năm 1998. Theo kế hoạch, trực thăng này được chế tạo trên cơ sở sử dụng công nghệ tàng hình và sẽ dùng để thay tất cả các loại trực thăng UH-1 Iroquois, AH-1 Cobra, OH-6 Cayuse và OH-58 Kiowa.

Theo ước tính, để sản xuất 650 trực thăng Comanche Mỹ cần phải chi 39 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đóng cửa vào năm 2004 bởi quyết định chung của Tư lệnh Quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc. Bởi theo dự tính của các quan chức quân đội Mỹ, nếu mua các máy bay không người lái và các mẫu trực thăng hiện có sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí chế tạo trực thăng Comanche. Tổng cộng, chi phí cho chương trình chế tạo RAH-66 tốn gần 8 tỷ USD, trong đó 6 tỷ USD được chi trong giai đoạn 1995-2004.

Vừa đóng cửa, vừa phải bồi thường

Việc đóng cửa trước thời hạn dự án này buộc Mỹ phải bồi thường 700 triệu USD cho Công ty Boeing và Sikorsky (đảm trách việc chế tạo Comanche). Nhưng nhờ việc đóng cửa dự án này, Quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc có cơ hội chuyển số tiền 15 triệu USD từ số tiền dùng cho chương trình chế tạo trực thăng RAH-66 sang các dự án khác.



Dự án UAV FCS Class IV


Từ năm 2004, với số tiền này, Mỹ đã chi 2,2 tỷ USD để mua UAV, 2,2 tỷ USD mua máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache và 1,5 tỷ USD để sửa chữa và hiện đại hoá các trực thăng vận tải CH-47 Chinook. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng từ dự án Comanche, Quân đội Mỹ đã thừa hưởng được nhiều công nghệ của cỗ máy siêu khủng này để ứng dụng cho việc chế tạo AH-64D Apache Longbow Block III, loại trực thăng được sản xuất hàng loạt vào mùa xuân năm 2011.

Cũng thật thú vị, thay cho số tiền đắt đỏ để sản xuất Comanche (gần 60 triệu USD/ chiếc), Mỹ đã quyết định chế tạo loại trực thăng trinh sát rẻ hơn là ARH-70 Arapaho. Hợp đồng này do Công ty Bell Helicopter (Mỹ) đảm nhận. Chuyến bay đầu tiên của trực thăng này được thực hiện vào năm 2006, nhưng vào tháng 10/2008, Lầu Năm Góc đã quyết định đóng cửa dự án vì giá cuối cùng chi phí sản xuất Arapaho cao hơn rất nhiều so với dự tính.

Cho đến thời điểm đó, chi phí cho dự án đã lên tới 533 triệu USD. Như vậy, so với RAH-66, tổng số tiền chi cho việc sản xuất Arapaho không lớn hơn nhưng các nhà quân sự Mỹ đã rút ra được bài học từ những sai lầm của mình và không cho phép tăng số tiền chi phí cho dự án này nữa.



Chương trình FCS được bắt đầu triển khai năm 2003, đến năm 2009 thì đóng cửa.

Muốn thay đổi mọi thứ…thì phải trả giá đắt

Tuy nhiên, bài học này có vẻ cũng chưa thực sự “thấm” với các nhà quân sự Mỹ khi họ quyết định thực hiện chương trình chế tạo tổ hợp các hệ thống tác chiến tương lai (FCS). Việc triển khai chế tạo FCS được bắt đầu triển khai từ năm 2003. Kết quả của dự án là nhằm chế tạo các trang thiết bị kỹ thuật quân sự (đầu tiên từ UAV và cuối cùng là pháo và xe tăng).

Đồng thời, ngoài các hệ thống pháo thông thường, súng máy và súng phóng lựu cần phải chế tạo thành công vũ khí lazer tương lai để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép và bay thấp. Dự án FCS trong tất cả thời gian thực hiện đã trải qua nhiều thay đổi và vào năm 2009, dự án này đóng cửa hoàn toàn.


UAV Class I trong khuôn khổ FCS dùng để trinh sát.


Bình luận về quyết định ngừng dự án, ông Robert Gates tuyên bố: “Theo kinh nghiệm của tôi, nếu bạn muốn thay đổi mọi thứ cùng một lúc và tạo ra một cái gì hoàn toàn mới thì bạn thường phải trả giá rất đắt. Nếu Google có khả năng tạo ra một cuộc cách mạng thì chúng tôi (quân đội) không có khả năng”.

Đến thời điểm có quyết định đóng cửa, chi phí cho dự án FCS mất 19 triệu USD. Kết quả, dự án FCS đã thay đổi hoàn toàn và hiện nay được gọi là chương trình hiện đại hoá quân đội Mỹ. Chương trình này chủ yếu là mua sắm các mẫu vũ khí hiện có và chế tạo một vài loại vũ khí mới nhưng theo các yêu cầu đơn giản.

[Bee news]


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

>> Nhật, Mỹ công bố chương trình hợp tác quốc phòng mới





Nhật và Mỹ vừa tuyên bố tiếp tục hợp tác trong chương trình phòng thủ tên lửa và những vấn đề an ninh chung.


Nhật Bản và Mỹ vừa ký cam kết tiếp tục hợp tác với nhau trong chương tình phòng thủ tên lửa, an ninh mạng, lĩnh vực không gian cũng như mở rộng chia sẻ thông tin tình báo, giám sát và các hoạt động thăm dò.

"Chúng tôi đã nhất trí về một khung hợp tác sản xuất để chuyển phòng thủ tên lửa đánh chặn cho các bên thứ ba, tăng cường hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như lĩnh vực không gian và an ninh mạng", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói trong cuộc họp ngày 21/6.




Trong chương trình lá chắn tên lửa, bộ trưởng Quốc Phòng của Nhật và Mỹ quyết định sẽ nghiên cứu kỹ thêm các vấn đề trước khi chuyển bản thiết kế tên lửa chống tên lửa SM-3 Block IIA cho các công ty sản xuất. Hai nước đồng ý cử ra Ủy ban chung về vũ khí và kỹ thuật quân sự để giám sát các hoạt động chuyển giao này.

Nhật và Mỹ cũng đồng ý thúc đẩy đối thoại về đa dạng hóa nguồn cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng, vật liệu bao gồm năng lượng và đất hiếm.

Tuyên bố của Ủy ban tư vấn an ninh Mỹ - Nhật cũng cho biết 2 bên đồng ý mở rộng các hoạt động đào tạo, tập huấn chung cũng như tiếp tục các hoạt động nghiên cứu chung của 2 bên.

Ngoài ra, 2 nước tiếp tục mở rộng và chia sẻ thông tin tình báo, các dữ liệu giám sát và trinh sát để ngăn chặn và chủ động đối phó với các tình huống khác nhau trong khu vực.

Mỹ cũng tái khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản cũng như hòa bình và an ninh trong khu vực bằng cả những cách thông thường và lực lượng hạt nhân. Cụ thể, Mỹ cam kết sẽ điều chỉnh thế trận phòng thủ khu vực để giúp Nhật giải quyết những thách thức như sự gia tăng của công nghệ hạt nhân, tên lửa đạo đạo và các mối đe dọa đang phát triển khác đến từ không gian, đại dương và internet.

Trong lĩnh vực không gian, 2 quốc gia thừa nhận tiềm năng hợp tác trong tương lai trong việc xây dựng hệ thống vệ tinh dẫn đường, nâng cao nhận thức về không gian dưa trên các vùng hàng hải và việc sử dụng các bộ cảm biến. 2 Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường khả năng phục hồi các cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm cả việc bảo mật hệ thống thông tin.

Đặc biệt, nhiều thỏa thuận chiến lược giữa Nhật và Mỹ có liên quan đến các hoạt động gần đây của Trung Quốc và Triều Tiên. Theo đó, Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay mà Mỹ xem là mối đe dọa cho hải quân nước này. Đồng thời, Triều Tiên cũng được xem có những bước thành công trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, 2 bên cũng đặt nhiều sự quan tâm tới các thử nghiệm của hệ thống chống vệ tinh của Trung Quốc trong những năm gần đây.


[BDV news]


Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

>> "Mỹ không muốn bất ổn với bạn bè Đông Nam Á"



Chúng tôi muốn xua tan bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á rằng chúng tôi xem đây là nơi cạnh tranh lớn mà có thể gây bất ổn và không giúp ích gì cho các bạn bè Đông Nam Á - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington D.C đã nhấn mạnh về việc Mỹ sẽ tìm cách làm việc với Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Ông khẳng định: "Chúng tôi muốn xua tan bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á rằng chúng tôi xem đây là nơi cạnh tranh lớn mà có thể gây bất ổn và không giúp ích gì cho các bạn bè Đông Nam Á. Rõ ràng là có mức độ cạnh tranh trong bất kỳ mối quan hệ nào, và ở đây là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trong một cách thích hợp ở khu vực Đông Nam Á”.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á là tâm điểm bài phát biểu của ông Campbell.




Ông Kurt Campbell. Ảnh: mbctv

Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ đẩy mạnh các cam kết của mình trong khu vực là nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh từng bất mãn khi Mỹ tuyên bố quan tâm tới việc thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á (Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines) đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc luôn khẳng định có quyền kiểm soát hầu hết vùng biển này. Đây là khu vực được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí. Bắc Kinh yêu cầu giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường song phương chứ không phải đa phương.

Khi được hỏi về vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, ông Campbell không đưa ra bình luận trực tiếp nào, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội đàm trong giải quyết các vấn đề như vậy. "Chính sách chung của chúng tôi vẫn như vậy, chúng tôi không khuyến khích sử dụng vũ lực hay đe dọa trong những trường hợp như thế. Chúng tôi muốn chứng kiến tiến trình đối thoại. Chúng tôi thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các nước có liên quan tới Biển Đông và chúng tôi muốn tiếp tục điều này”.

Theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ, kể từ khi bắt đầu nhậm chức hai năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Clinton đã nỗ lực làm việc để tăng cường sự tham gia của Mỹ ở Đông Nam Á. Trong năm 2009, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên họp với toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Ông Campbell nói, Ngoại trưởng Clinton đã bảy lần tới châu Á, trong đó có nhiều chuyến đi tới Đông Nam Á. Bà Clinton hy vọng sẽ tới thăm tất cả các nước Đông Nam Á trong thời gian đương nhiệm.

Một động thái quan trọng cho thấy nỗ lực này của Mỹ là lần đầu tiên Mỹ sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 này tại Bali, Indonesia. Ông Campbell cho biết, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton đều cảm thấy việc tham gia lần này là rất quan trọng.

Nhiều lần trong bài phát biểu, ông Campbell đã đề cao vai trò mà ASEAN đang nắm giữ và có thể nắm giữ trong khu vực. "Khối này đã trở thành một tổ chức quan trọng. Nó tham gia vào một số vấn đề khó khăn và thách thức nhất mà châu Á đối mặt trong nhiều năm qua, những vấn đề liên quan tới phương cách tốt nhất để thúc đẩy đối thoại trong các lĩnh vực, nhất là trong vấn đề an ninh hàng hải”, ông nói.

Ông Campbell nói rằng, Mỹ muốn nâng tầm quan hệ song phương với Indonesia - là Chủ tịch hiện tại của ASEAN. Ông ủng hộ việc Jakarta nỗ lực thúc đẩy đối thoại ASEAN – Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh, Mỹ đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với chính phủ mới của Philippines và đã làm những gì mà ông gọi là “tiến bộ quan trọng” trong quan hệ chiến lược song phương với Việt Nam.

Ông Campbell nhấn mạnh, mục tiêu chung của Mỹ trong khu vực là để đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ cam kết lâu dài với khu vực, không chỉ với Đông Bắc Á, mà còn ngày càng gia tăng với Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, một số chi tiết của cam kết này sẽ được phác thảo khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tham dự Hội nghị an ninh khu vực tại Singapore cuối tuần này.

[Vietnamnet news]


>> Sự đối lập trong chiến lược hàng hải Trung Quốc



Hai sự việc gần đây liên quan tới chiến lược hàng hải của Trung Quốc đã nhấn mạnh tính chất phức tạp từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong thế kỷ 21.

Câu chuyện thứ nhất, nói về sự kiềm chế của Trung Quốc, là việc Bắc Kinh từ chối tiếp nhận các hoạt động ở cảng biển Gwandar thuộc Baluchistan, Pakistan. Đây là lời đề nghị mà Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Ahmad Mukhtar đưa ra khi ông trở về sau một chuyến thăm Trung Quốc cùng với Thủ tướng Yousaf Reza.


Tàu hải giám Trung Quốc đã quấy nhiễu và gây thiệt hại với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam Ảnh: peopledaily


Lời từ chối của Bắc Kinh khiến tất cả mọi người ngạc nhiên. Sau mọi thứ, Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 200 triệu USD để xây dựng cảng này. Đây là một vị trí chiến lược, là thành phần quan trọng của chiến lược hải quân Trung Quốc mang tên “Chuỗi hạt trai”.
Như đã từng lập luận, việc mở rộng ngoại giao hàng hải của Trung Quốc cơ bản bắt nguồn từ tính cấp thiết phải đảm bảo sự tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng để đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này. Tác giả Robert Kaplan cũng đã có quan điểm tương tự.

Bất ngờ là, trong khi Trung Quốc thể hiện sự kiềm chế tham vọng tại Pakistan, thì lại gia tăng sự gây hấn, quả quyết ở Biển Đông. Biển Đông từ lâu là nơi phát sinh căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng Đông Nam Á. Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á đều đưa ra tuyên bố chủ quyền với vùng biển này. Vấn đề chủ quyền ở Biển Đông không đơn thuần là niềm tự hào hay kiêu hãnh, mà còn là những lợi ích kinh tế quan trọng do trữ lượng dầu khí khổng lồ, nguồn lợi cá ở vùng biển này.
Vụ việc mới nhất xảy ra ở Biển Đông bắt đầu từ thứ Năm trước, khi các tàu Trung Quốc quấy nhiễu và gây thiệt hại (cắt cáp dầu khí) cho tàu thăm dò địa chấn thuộc Petro Việt Nam khi tàu này tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức kiên quyết phản đối vụ việc này trong khi Trung Quốc giữ yên lặng cho tới sáng thứ Bảy khi người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bênh vực hành động của các tàu hải giảm. Bà Khương Du nói: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”, và thậm chí còn cảnh báo Việt Nam tránh gây ra những rắc rối mới.
Trong khi đó, Philippines, nước có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông cũng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí còn triệu tập đại diện sứ quán Trung Quốc ở Manila để đề cập tới những hành động của tàu thuyền Trung Quốc ở vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Những tranh cãi mới ở Biển Đông xảy ra vào lúc đại biểu các nước chuẩn bị tham dự Đối thoại Shangri-La – một hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ tham dự hội nghị và đây cũng là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông trước khi rời nhiệm sở. Cả ông Gates và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đều tham dự hội nghị. Trước đó, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Robert Willard đã không ngại ngần bày tỏ, ông “lo lắng” về cách hành xử gần đây của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không leo thang trở thành một cuộc xung đột toàn diện. Cách hành xử của Bắc Kinh ở vùng biển này cũng làm phức tạp hóa chiến lược “chia để trị” mà họ tính toán với ASEAN. Những năm gần đây, Mỹ cũng tiếp cận gần gũi hơn với ASEAN bởi quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ví dụ, tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton rằng, Biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ đã được ASEAN đánh giá cao. Hơn thế nữa, trong sự thúc giục của các thành viên nổi bật ở quốc hội, chính quyền của Tổng thống Obama đã quyết định bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại ASEAN hồi đầu năm nay.

[Vietnamnet news]


Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

>> Đối thoại Shangri-La 2011: Cơ hội ổn định và hòa bình



Đối thoại Shangri-La 2011 là cơ hội để các nước xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh cũng như để nâng cao sự minh bạch chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực.





Tiến sĩ John Chipman, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La

Tổng giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman cho biết, Hội nghị An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, được tổ chức tại Singapo từ ngày 3 đến ngày 5/6/2011.

Đối thoại Shangri-La tại Singapo tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải hay các lợi ích về an ninh của Trung Quốc.

Chủ đề liên quan đến Biển Đông cũng được nhắc đến nhiều trong chương trình nghị sự. Theo ông John Chipman, mối quan tâm của Trung Quốc đối với hội nghị thường niên về an ninh tại Singapore này được thể hiện ngay từ tháng 3, khi Bắc Kinh công bố Sách trắng quốc phòng có nhắc đến “tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La đối với hợp tác quốc phòng khu vực.

Đối thoại Shangri-La ra đời từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh.

Đối thoại Shangri-La tại Singapo được kỳ vọng sẽ là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Hội nghị thường niên quy tụ các quan chức hàng đầu về quốc phòng của 28 nước trong trong khu vực, gồm Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng đại diện của NATO và Nga, là nhân tố quan trọng trong việc định hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh vấn đề chung, các nước còn tổ chức các cuộc họp song phương bên lề. Phía Trung Quốc do Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tham dự Hội nghị An ninh châu Á. Đây là lần đầu tiên ông Lương Quang Liệt dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị này và phát biểu về hợp tác an ninh quốc tế của nước này.



Cuộc họp giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc bên lề hội nghị.


Trong khi đó, đại diện cho phái đoàn Mỹ tham dự Đối thoại Shangri-la là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhằm khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực, với sự tháp tùng của Tư lệnh Bộ tư lệnh chiến trường Thái Bình Dương Robert F. Willard.

Đây sẽ là lần cuối Bộ trưởng Robert Gates xuất hiện tại diễn đàn quốc tế trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, trước khi cơ quan này có ông chủ mới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ có cuộc thảo luận bên lề hội nghị với Bộ trưởng Quốc phòng của Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt nhằm cải thiện hợp tác và đối thoại giữa hai quân đội.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có kế hoạch tới thăm Manila và có thể sẽ thảo luận về việc đóng quân của Mỹ tại đây. Theo các quan chức chính phủ Mỹ cho biết, Bộ trưởng Robert Gates sẽ trấn an các đồng minh ở châu Á đang lo lắng về việc vai trò quân sự của Mỹ bị thu hẹp trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng nỗ lực hiện đại hóa quân sự và các lực lượng vũ trang của họ có lập trường quả quyết hơn.

Tại cuộc Đối thoại, Bộ trưởng Robert Gates sẽ đưa ra cam kết của Mỹ về việc, quân đội Mỹ sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực bất chấp kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng của nước này và sự thay đổi lãnh đạo hàng đầu trong Bộ Quốc phòng Mỹ

Nhận định của các chuyên gia về Đối thoại Shangri-La 2011

Giám đốc điều hành ISS-Asia, tiến sĩ Tim Huwley nhận định, Đối thoại Shangri-La 2011 diễn ra trong bối cảnh an ninh và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương vừa trải qua một số biến động.

Theo tiến sĩ Huwley, sự cạnh tranh về quân sự giữa các bên có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực này. Tài liệu thường niên The Military Balance của chi nhánh IISS tại Singapore cũng nhấn mạnh đến sự chuyển dịch về sức mạnh quân sự từ phương Tây sang châu Á.


Chủ đề về tranh chấp Biển Đông được đề cập rất nhiều tại hội nghị.


Trong khi khủng hoảng kinh tế đang làm giảm mức chi tiêu quân sự tại Mỹ và châu Âu, thì tại châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp ngân sách quốc phòng không bị ảnh hưởng. Điển hình là những phát triển của quân đội Trung Quốc, như việc công bố tàu sân bay đầu tiên Shi Lang, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cùng các chương trình về tên lửa chống hạm và tàu ngầm.

Theo tiến sĩ Huwley, bối cảnh chiến lược tại châu Á hiện nay với sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc giữa các nước và một loạt các cuộc xung đột tiềm tàng có thể tạo lý do để các nước mở rộng năng lực quân sự của mình.

Trong số này ông nhắc đến mối lo ngại về chương trình hiện đại hoá quân đội tại châu Á nguy hiểm ở chỗ nó thường phản ánh những nỗ lực không được công bố, dẫn đến gây mất ổn định cho các chiến lược và học thuyết quốc phòng.

Ông cho rằng việc Trung Quốc nâng cao sức mạnh quân sự có liên quan đến tranh chấp chủ quyền với các láng giềng tại Biển Đông. Ngược lại, một số nước Đông Nam Á nâng cấp sức mạnh quốc phòng cũng không chỉ vì các lý do được công bố công khai là hiện đại hoá quân đội, mà còn là vì họ muốn đối phó sự phiêu lưu của Trung Quốc.
[Vitinfo news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang