Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Hoàng Sa

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

>> Đang hình thành liên minh đối phó Trung Quốc



Lo ngại sự lớn mạnh và những hành động cứng rắn của Trung Quốc, nhiều láng giềng của Bắc Kinh đang dần đoàn kết lại với nhau để hình thành liên minh chống lại “gã khổng lồ” này, South China Morning Post đưa tin.

Đoàn kết vì Trung Quốc

Theo SCMP, GAPAC (viết tắt của Grouping of Asian Powers Around China - Nhóm các thế lực xung quanh Trung Quốc) đang trong giai đoạn hình thành.

Về thành viên, GAPAC gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia... những láng giềng lo ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc.



Nhiều láng giềng của Bắc Kinh đang đoàn kết lại với nhau. Ảnh minh họa.


Hiện GAPAC mới trong giai đoạn “phôi thai", ở mức là một tập hợp, được gắn lại với nhau nhờ “chất keo”: “kháng cự Trung Quốc”.
Do đó, họ chưa có ban thư ký, chẳng có hiến chương mà cũng chưa có các cuộc họp thường niên, thậm chí là một phát ngôn viên.

Tuy nhiên, các kênh liên lạc, sự hợp tác bí mật giữa các thành viên đang gia tăng, tỉ lệ thuận với những nguy cơ về chiến lược, an ninh mà Trung Quốc đặt ra.

Về hình thức, các cuộc gặp của các thành viên GAPAC ít khi được thông báo rầm rộ nhưng cũng không khó để nhận ra những mối liên hệ mang tính chiến lược giữa các thành viên.

Đơn cử như hai cường quốc Nhật Bản và Ấn Độ dù cách xa địa lý, khác biệt lớn về văn hóa... đang chủ động “tán tỉnh” lẫn nhau, hợp tác với nhau trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng... Hay như bộ đôi Hàn Quốc - Australia đang cùng nhau truyền sinh lực cho liên minh Đông Á vốn được Washington, Tokyo và Seoul ủng hộ...

Dễ thấy hơn nữa là những gì diễn ra tại hội nghị Đối thoại Shangri-La 10 vừa diễn ra tại Singapore. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt là “ngôi sao” của hội nghị, thu hút sự mọi “ánh đèn sân khấu” thì phía sau “tấm rèm” là hàng loạt cuộc họp không chính thức của các thành viên GAPAC mà.các phương tiện truyền thông vẫn gọi là các cuộc gặp bên lề Shangri-La, thậm chí một số còn không được đưa tin...


Hàng loạt cuộc gặp bên lề Shangri-La diễn ra. Ảnh minh họa.

Tính về “tuổi tác”, GAPAC rất non trẻ khi so với nhiều tổ chức, kể cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức định hình Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (liên kết các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nga...).

Tuy nhiên, xét về khả năng ra quyết định, GAPAC mạnh hơn ASEAN và dường như khối này phản ứng nhanh hơn với những diễn biến đang xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề cần được thử thách trong thời gian tới.

Về mục tiêu, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh chính sách ngoại giao quân sự, các thành viên GAPAC âm thầm phối hợp để chống lại nước này; giống như một quan chức an ninh Ấn Độ khẳng định: “ Chúng tôi đều hài lòng khi những quan chức như Tướng Lương Quang Liệt can dự nhiều hơn vào khu vực. Tuy nhiên, ở hậu trường, chúng tôi mới tìm thấy sự an toàn khi đoàn kết với nhau. Nói cách khác, các cường quốc châu Á xích lại gần nhau nhằm tìm đối sách với Trung Quốc”.

Cựu cố vấn cho Tổng thống Hàn Quốc là Tiến sĩ Lee Chung-min thì cho biết: “Trung Quốc đang đẩy chúng tôi lại với nhau. Bắc Kinh quá lớn để bị kiềm chế nhưng chúng tôi vẫn phải tìm cách khống chế họ. Chúng tôi phải hiểu, hỗ trợ và cân bằng với nhau”.

Tuy nhiên, GAPAC đang gặp khá nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là việc tất cả các thành viên đều đang trong tình thế lưỡng nan trong quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể thì mỗi thành viên đều có lợi khi Trung Quốc phát triển nhưng ngược lại, họ lo sợ chính việc Bắc Kinh lớn mạnh. Do đó, họ vừa phải ủng hộ Trung Quốc tiến lên, nhưng vẫn phải chuẩn bị để đứng lên kháng cự lại Bắc Kinh khi thấy cần thiết.

Trung Quốc đang đẩy ASEAN vào vòng tay Mỹ

Theo RUVR, với nhiều hành động cứng rắn công khai, Trung Quốc đang buộc nhiều láng giềng tìm kiếm đối trọng cân bằng. Riêng với ASEAN, Trung Quốc đang đẩy khối này vào vòng tay Mỹ.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là tranh chấp ở biển Đông. Cách đây chưa lâu, Philippines gửi Liên Hiệp Quốc công hàm chính thức, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Đó là phản ứng đối với hành động của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh công bố vùng lợi ích của mình bao trùm gần như toàn bộ biển Đông có trữ lượng dầu khí dồi dào và tài nguyên sinh vật biển rất phong phú.

Manila cũng đưa ra tuyên bố do thực tế là các tàu hải quân Trung Quốc lấn át tàu của Philippinnes đang thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp.

Trước đó, các nước ASEAN cố gắng giảm độ gay gắt của vấn đề. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử trong biển Đông.

Trong văn kiện quy định về sự sẵn sàng từ bỏ đối đầu và giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuần túy bằng con đường ngoại giao; quy nhận cần thiết hoạch định một cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ, để quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển xung quanh trở thành “khu vực của hòa bình và hợp tác”.

Cuộc tranh chấp xung quanh các quần đảo trên biển Đông cần và có thể giải quyết bằng nỗ lực của tất cả các thành viên hữu quan, Phó Giám đốc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Vasily Mikheev nêu ý kiến.

Ông cho biết: “Trung Quốc và ASEAN có thỏa thuận cơ bản về cùng chung sử dụng các quần đảo này, về việc tại đây là khu vực phi hạt nhân, khu vực hòa bình và v.v... Đó là Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông. Nhưng thỏa thuận này mang tính chất văn kiện khung, chỉ xác định những nguyên tắc quan hệ cơ bản. Nhiệm vụ giờ đây là ở chỗ, làm thế nào để biến thỏa thuận này thành cơ chế hành động thực tiễn, không chia rẽ mà liên kết các quốc gia lại với nhau".

"Dưới tác động tiêu cực thể hiện qua tất cả các động thái ngoại giao thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo các nước tuyên bố tham vọng chủ quyền với các quần đảo này cần thêm một lần nữa suy nghĩ kỹ lưỡng, có thái độ tiếp cận nghiêm túc hơn với vấn đề, làm thế nào để biến thỏa thuận khung thành những bước đi thực tế”, chuyên viên Nga nhận xét.

Tuy nhiên hiện thời Trung Quốc tỏ ra không vội gì tuân thủ tinh thần và văn bản của Tuyên bố. Các hành động cứng rắn công khai của Trung Quốc thực sự đang buộc các láng giềng phải tìm kiếm một đối trọng để cân bằng với thế lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Hôm nay, trong cuộc tìm kiếm đó, các nước ASEAN đang thể hiện sự quan tâm rằng Mỹ không chỉ duy trì mà còn tăng thêm sự hiện diện tại khu vực. Nguyện vọng đó hiển nhiên được Washington hoan nghênh.

Năm ngoái trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng nước Mỹ có “lợi ích quốc gia tới tự do hàng hải và sự tôn trọng pháp quyền quốc tế trong khu vực biển Đông”.

ASEAN hy vọng rằng đến 2012 – mốc đánh dấu 45 năm thành lập tổ chức – sẽ ký kết Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Luật phải mang tính bắt buộc đối với tất cả các quốc gia trong khu vực. Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, thì biển Đông sẽ có thể trở thành một khu vực của hòa bình và hợp tác.
[BDV news]



Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

>> Hồ sơ tranh chấp trên quần đảo Falkland (P1)



Xung đột giữa Anh và Argentina trên quần đảo Falkdland năm 1982 cảnh báo xu hướng các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước trên thế giới.

Hồ sơ về quần đảo này để lại cho thế giới bài học lớn về cách hành xử giữa các cuộc gia, sự thiệt hại không đáng có nếu giải quyết tranh chấp bằng vũ lực.

Vị trí chiến lược của quần đảo Falkland

Quần đảo Falkland, có tên tiếng Tây Ban Nha là Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Mỹ khoảng 460 km. Quần đảo Falkland gồm hai đảo chính của Đông Falkland và Tây Falkland, cùng với hơn 776 hòn đảo nhỏ hơn. Hiện tại, Falkland là lãnh thổ tự trị của Anh với thủ phủ Stanley, Đông Falkland. Tổng diện tích của quần đảo là 12.173 km2. Cho đến nay, dân số đạt khoảng 2.379 người, phần lớn tập trung tại thủ đô Stanley.

Falkland có lịch sử khá phức tạp. Những nhà thám hiểm người Anh phát hiện ra hòn đảo vào năm 1592, nhưng nước này chưa tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Mãi đến năm 1690, nơi đây được đặt tên theo một đô đốc Anh đầu tiên đặt chân tới đây.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, một nhóm người Pháp tới đây khai hoang và cư ngụ tại đây trong một thời gian ngắn, tiếp sau là Tây Ban Nha với việc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo.



Nằm ở gần Nam Mỹ, Falkland có vai trò chiến lược với Anh trong việc thực hiện nhiệm vụ ở Nam Cực và kiểm soát khu vực Nam Mỹ, cũng như khai thác nguồn lợi từ dầu mỏ tại đây.


Điểm nhấn chính là việc Argentina, lấy tư cách là người thừa kế của Tây Ban Nha để chiếm quyền sở hữu trên hòn đảo, nhưng quân đội Anh đã giành lại nó vào năm 1833.

Kể từ đó, người Anh định cư lâu dài ở đây với nghề nghiệp chính là sản xuất lông cừu. Mãi đến năm 1982, cuộc chiến Falkland nổ ra giữa Anh và Argentina trong vòng 2 tháng, rốt cuộc, Anh tiếp tục làm chủ quần đảo.

Vị trí chiến lược của quần đảo Falkland gần gũi với khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực. Nó là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ.

Vai trò của Falkland được minh chứng trong chiến thắng của Quân đội Anh đối với Hạm đội châu Á của Đức năm 1914, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến năm 1939, quần đảo trở thành nơi đóng quân của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia trận chiến River Plate.

Vai trò về giao thông và kinh tế cũng khẳng định tầm quan trọng của quần đảo Falkland. Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, những giếng dầu phong phú trong vùng lãnh hải của quần đảo là nhân tố giúp phát triển kinh tế cho bản thân người dân ở Falkland và Anh. Theo tính toán, trữ lượng của khu vực lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối).

Du lịch cũng dần trở thành thế mạnh của quần đảo này. Hàng năm, hàng chục nghìn du khách đến thăm quần đảo trên những chiếc tàu du lịch, hấp dẫn với hệ động/thực vật đa dạng cùng các cơ sở nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại.

Cuộc chiến Falkland năm 1982

Khơi mào chiến tranh:

Không phải ngẫu nhiên, Argentina khơi mào cuộc chiến và xung đột tại quần đảo Falkland. Nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi bộ máy cầm quyền của nước này.

Đầu năm 1982, sau cuộc đảo chính, Tổng thống Leopoldo Galtieri lên nắm quyền, là người đứng đầu nhóm sĩ quân quân sự cai trị đất nước Argentina. Ông này đã thông qua kế hoạch tấn công quần đảo Falkland.

Điều này sẽ gia tăng những giá trị quốc gia và có thể giành lại hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền nắm giữ từ trước đó.



Bằng việc công khai đổ bộ trên một hòn đảo thuộc quần đảo Falkland, Argentina đã khơi mào cuộc chiến với Anh.


Đầu tiên, Argentina đưa 60 công nhân được đưa lên hòn đảo Nam Georgia (thuộc quần đảo Falkland) ngày 19/3/1982. Họ tháo dỡ một trại săn cá voi bỏ hoang, sau đó dựng ngọn quốc kỳ của Argentina, chính thức thách thức chủ quyền với Anh.

Nhà cầm quyền Anh đã tuyên bố về sự chiếm đóng phi pháp của Argentina và yêu cầu rút lui. Thủ tướng Anh, Magaret Thatcher công kích mạnh mẽ trên kênh ngoại giao.

Việc tuyên bố chủ quyền từ hành động nhỏ đã nổ ra cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội Anh - Argentina trong vòng 2 tháng, cướp đi sinh mạng hàng trăm người. Mỗi bên tiêu tốn hàng tỷ USD. Cuộc chiến cũng đánh dấu những bước chuyển về kỹ thuật tác chiến quân sự, sử dụng vũ khí.

Cuộc chiến bắt đầu:

Đây là cuộc chiến lớn đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới 2 trên biển và trên không giữa hai lực lượng quân sự được trang bị hiện đại.

Trong khi Anh có lợi thế hơn về kinh nghiệm chiến đấu, còn Argentina có lợi thế về vị trí địa lý do ở gần quần đảo Falkland.

Về trang bị quân sự:

Anh: Hải quân hoàng gia Anh tham chiến 2 tàu sân bay là HMS Invincible và Hermes (tàu chỉ huy); 2 tàu đốc đổ bộ trực thăng (LPD) là HMS Fearless và Intrepid; các tàu khu trục HMS Bristol, Sheffield, Glasgow, Conventry…; tàu ngầm lớp Churchill như HMS Conqueror, Courageous; tàu phá băng Endurance…cùng hàng loạt tàu hỗ trợ khác.

Vũ khí trang bị chủ yếu là tên lửa đối không Sea Slug, Sea Cat, Sea Wolf; tên lửa đối hạm Exocet MM38, tên lửa diệt tàu ngầm Ikara; pháo Mark, Oelikon…; ngư lôi Mark 24 Tigerfish và Mark 8.

Lực lượng máy bay của Anh chủ yếu gồm máy bay chiến đấu Sea Harrier, Sea King, Wessex; Lynx; trực thăng Chinook; máy bay phản lực Phantom; máy bay ném bom chiến lược Vulcan, Victor; máy bay vận tải Hercules…

Ngoài ra, Anh đưa vào chiến trường 3 lữ đoàn biệt kích và 5 lữ đoàn bộ binh với trang bị vũ khí khá hiện đại như súng L1A1 SLR, súng phóng lựu M79…

Argentina:

Hải quân Argentina không có sức mạnh hùng hậu như Anh, chỉ có tàu sân bay duy nhất là Veinticinco de Mayo. Ngoài ra, là lực lượng tàu nhỏ hơn: 2 tàu khu trục Comodoro Py, Segui; tàu đổ bộ USS De Soto; tàu hộ tống Guerrico; nhiều tàu tuần tra; tàu ngầm Type 209

Sức mạnh chủ yếu của Argentina là lực lượng máy bay chiến đấu có khả năng tác chiến cao, gây ra thiệt hại đáng kể cho hạm đội tàu của Anh.

Một số máy bay chủ lực tham chiến của Argentina là máy bay chiến đấu Mirage IIIEA, IAI Dagger (do Israel cung cấp), Douglas A-4 Skyhawk; máy bay trinh sát Boeing 707; máy bay vận tải C-130 Hercules; máy bay dân dụng Fokker F28…

Hỏa lực của Argentina bao gồm: tên lửa không đối không Sidewinder tầm ngắn (trang bị cho Skyhawk); Shafrir 2(trang bị cho IAI Dagger); Matra R550/R530 (trang bị cho Mirage); tên lửa không đối hạm Exocet 39; rocket MB339 và Pucaras…

Lực lượng tác chiến trên bộ của Argentina gồm 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới chủ đạo với đội pháo binh; ngoài ra còn lực lượng quân đội hỗn tạp; lính thủy đánh bộ và hiến binh.

[BDV news]


>> Chia để trị - Chiến lược mới của Trung Quốc ở Đông Nam Á



Trong chiến lược hướng ra biển lớn của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có một vai trò cực kỳ quan trọng.


Có thể nói các nước Đông Nam Á đang nắm trong tay chiếc chìa khóa hướng ra biển lớn của Trung Quốc. Giải quyết mối quan hệ với các quốc Đông Nam Á đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia này.




Chia nhỏ các tranh chấp trong khu vực

Đông Nam Á án ngữ biển Đông (phía Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa hay Nam Hải), nơi có 21/39 tuyến hàng hải quốc tế từ Trung Quốc đi qua khu vực này. Đông Nam Á cũng là khu vực có các quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo trên biển Đông.

Từ lâu Trung Quốc luôn tìm mọi cách để phản đối sự đa phương hóa các vấn đề tranh chấp trong khu vực. Đa phương hóa các vấn đề tranh chấp trong khu vực là cơ hội để Mỹ can thiệp vào khu vực này. Họ luôn muốn giải quyết các tranh chấp theo phương thức đàm phán song phương. Lúc đó với sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự đang có họ sẽ có được kết quả có lợi nhất cho mình. Đồng thời, Bắc Kinh luôn phản đối sự hợp tác của các quốc gia Đông Nam Á với nước ngoài trong các dự án khai thác tài nguyên trên biển Đông.

Bên cạnh đó, các nước trong khối ASEAN chưa đạt được sự thống nhất cao trong cách giải quyết các tranh chấp, đây là cơ hội tốt để Trung Quốc chia nhỏ ASEAN.

Duy trì tranh chấp trong chiến lược "nước chảy đá mòn"

Từ lâu các nước Đông Nam Á muốn có được một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để các tranh chấp trong khu vực không lâm vào ngõ cụt, tránh các nguy cơ xung đột. Song Trung Quốc năm lần bảy lượt trì hoãn vấn đề này. Họ chỉ đáp ứng các yêu cầu của các nước Đông Nam Á một cách nhỏ giọt.

Mãi đến năm 2002, Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) mới được ký kết, và cả hai bên Trung Quốc và ASEAN mới chỉ thống nhất nâng cấp DOC thành một Bộ Quy tắc ứng xử COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng 9 năm trôi qua, Trung Quốc vẫn “án binh bất động”, bên cạnh đó các nước ASEAN cũng không thực đạt được sự nhất quán trong vấn đề này.

Đầu năm 2011, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết: “Các bên đã mất quá nhiều thời gian để xem xét các nguyên tắc chỉ đạo. Nếu chúng ta tiếp tục để tình hình im lìm và bất động, nó có thể tạo ra những phức tạp không cần thiết”. Đó là cơ hội trời cho với Trung Quốc, trong lúc ASEAN chưa tìm được lối ra cho chính mình, Bắc Kinh có thêm nhiều thời gian để cũng cố yêu sách của mình trên biển Đông.

Trong thời gian qua họ liên tục tổ chức, quảng cáo các chuyến du lịch trên biển Đông, gia tăng các hoạt động khai thác tài nguyên trên các vùng biển tranh chấp. Nếu ASEAN không nhanh, dần dần thế giới chỉ biết đến biển Đông như là một phần của Trung Quốc.

Trung Quốc đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc tấm bản đồ với đường “lưỡi bò”chiếm đến 80% diện tích biển Đông. Họ đưa ra những tuyên bố hết sức vô lý bất chấp sự phản đối của ASEAN. Bắc Kinh hiểu rõ tuyên bố này vi phạm công ước về Luật biển 1982, trái với tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), đồng thời, cũng biết chắc các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp với Trung Quốc về lãnh hải sẽ phản đối tới cùng yêu sách này. Điều đó có nghĩa họ không muốn kết thúc các vấn đề tranh chấp này.

Duy trì sự tranh chấp là cơ hội củng cố các yêu sách của mình. Một bên tiếp tục đưa ra yêu sách, một bên tiếp tục phản đối. Đồng nghĩa với các tranh chấp không có lối ra.

"Chia để trị"

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục cũng cố và nâng tầm đối tác chiến lược với một số nước Đông Nam Á không có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ, đặc biệt là các nước có nền kinh tế yếu trong ASEAN.

Tháng 12/2010, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai bên đã nhất trí nâng mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia. Trung Quốc cũng đã nâng mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược với Lào. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các quốc gia này, nhằm trói buộc các nền kinh tế non yếu này. Trung Quốc cũng có những động thái tích cực để đẩy mạnh quan hệ song phương với Myanmar.

Theo Tạp chí Kanwa, thời gian qua Trung Quốc liên tục gia tăng bán vũ khí cho các quốc gia ĐNA, đặc biệt là các quốc gia không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền biển, đảo.

Hiện tại, Thái Lan là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài hợp đồng bán 2 tàu tuần tra Type-053H3, Thái Lan cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mua tên lửa chống hạm C-802A tầm bắn 180km. Hai bên đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất pháo phản lực bắn loạt WS-1B. Đây là dự án hợp tác phát triển công nghệ tên lửa lớn nhất của quân đội Thái Lan. Một bạn hàng quan trọng khác của Trung Quốc ở khu vực là Myanmar, nước này có truyền thống hợp tác quân sự lâu đời với Trung Quốc. Nhiều vũ khí trong Quân đội Myanmar có nguồn gốc từ Trung Quốc như xe tăng MBT-2000, Type-69II, Type-59D, máy bay K-8, J-7, Q-5, Y-8... Với Campuchia, phần lớn các tàu chiến trong biên chế của Hải quân nước này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong các cuộc mua bán, “giá cả phải chăng” là điểm mạnh để vũ khí Trung Quốc len lỏi vào Đông Nam Á, qua đó gây ảnh hưởng tới các quốc gia mua.

Hiện tại, trong khu vực, chỉ có Việt Nam, Philippines và Brunei là 3 quốc gia duy nhất Trung Quốc không xúc tiến các hợp đồng bán vũ khí lớn.

Đã đến lúc ASEAN cần phải đoàn kết hơn, thống nhất trong cách giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Một ASEAN đoàn kết sẽ là đối trọng để giải quyết các tranh chấp trong khu vực với Trung Quốc.

Một chuyên gia nghiên cứu về biển Đông từng nói rằng “Chia nhỏ miếng bánh để mọi người cùng hưởng, còn hơn là cố giành lấy về mình để rồi mất trắng”.
[BDV news]


Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

>> Phép thử của Trung Quốc và giải pháp của Việt Nam



Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm.

Dưới đây là bài phân tích của nhóm tác giả Lê Vĩnh Trương, Nguyễn Đức Hùng, Dư Văn Toán, Nguyễn Trọng Bình, Phạm Thu Xuân (Quỹ Nghiên cứu biển Đông), trước hành động Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, cắt cáp địa chấn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ngày 26/5.

Trong suốt những năm qua, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, đánh đập và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng với sự kiện ngày 26/5, Trung Quốc đã leo thang từ bắt giữ tàu thuyền ngư nghiệp của Việt Nam tại các vùng nước xa bờ đến tấn công tàu khảo sát địa chấn trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vào ngày 26/5, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngay tại vùng biển của Việt Nam (12 độ 48’25” vĩ bắc, 111 độ 26’48” kinh đông), trong vòng 200 hải lý kể từ đường cơ sở, tức hoàn toàn không dính dáng gì đến các tranh chấp ngoài xa hơn là Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự kiện này diễn ra ngay sau chuyến thăm các nước Singapore, Indonesia và Philippines (từ 15/5) của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Trước đó, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức (16/5), Trung Quốc cũng đã đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trong biển Đông có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2011, trên vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền…

Thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà chính phủ Trung Quốc đã cùng ký kết và cam kết tại các hội nghị từ trước đến nay, bất chấp văn minh ứng xử của cộng đồng các quốc gia văn hiến, cho thấy một số tín hiệu phát đi của giới làm chính sách Trung Quốc.



Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp địa chấn. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thứ nhất, giới quân đội có tinh thần dân tộc cực đoan Trung Quốc đang cố chứng tỏ với ASEAN và cộng đồng thế giới rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phủ nhận các văn bản mà chính mình đã ký kết và kiên trì cách tiến xuống vùng biển Đông bằng chính sách vừa lấn vừa đàm. Những sự kiện nêu trên cho thấy các văn bản ký kết với các nước ASEAN có ít giá trị ràng buộc.

Chính sách tàm thực (tằm ăn dâu), vừa lấn vừa đàm, tuyên bố trước, hù dọa kèm và giành giật sau, đã được Trung Quốc thực hiện lâu dài từ nhiều năm. Từ giai đoạn sử liệu Trung Quốc nhìn nhận cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam cho đến lúc tuyên bố mập mờ cả vùng chữ U là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc đã tiến xa, tiến sâu ngay trước sự chứng kiến của ASEAN và thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc đang tiến đến cô lập và uy hiếp Việt Nam hơn nữa sau chuyến thăm Mỹ và ASEAN của giới quân sự nước này, bất chấp những động thái ôn hòa hơn của giới ngoại giao; đồng thời phát một tín hiệu đến Việt Nam và các nước ASEAN khác rằng họ đang tìm cách vừa làm thân với Mỹ và các cường quốc có lợi ích quốc gia về hàng hải tại khu vực, vừa cách ly Việt Nam với các quốc gia ASEAN. Thậm chí thái độ này của Trung Quốc còn là một nước cờ nhằm làm cho ASEAN bán tín bán nghi liệu họ đã thỏa thuận được với Mỹ và cho Việt Nam phỏng đoán liệu Trung Quốc đang mặc cả với Singapore, Philippines và Indonesia và cả Mỹ trên lưng Việt Nam.

Thứ ba, Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26/5 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.

Thứ tư, Trung Quốc đang chuyển hướng lưu ý của dư luận ra bên ngoài nhằm hạ nhiệt dư luận đối với các khó khăn xã hội trong nước. Các cuộc đình công của giới xe tải tại Thượng Hải vào cuối tháng 4/2010 và các cuộc đánh bom tại Giang Tây trong tuần vừa qua đã nói lên phần nào lý do thái độ gây hấn của Trung Quốc vừa qua.

Thứ năm, tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu về biển của Trung Quốc được sự tài trợ của chính phủ đã liên tiếp cho ra nhiều sách và xuất bản phẩm đưa thông tin sai lệch về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và lần này họ cũng đang tạo một tiền đề cho các học giả Trung Quốc “bảo vệ” hành động của các tàu hải giám, để dành cho những ngụy biện về sau.

Thứ sáu, Trung Quốc dùng sự kiện này để răn đe các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật, nước hiện có kế hoạch triển khai quân ra đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).

Trước những động thái vừa được phân tích trên, những nhà làm chính sách và nhân dân Việt Nam chúng ta cần làm gì?

Đầu tiên chúng ta cần có những phản ứng về ngoại giao ở cấp cao nhất tầm quốc tế (Liên Hợp Quốc) và quyết liệt như gửi kháng thư, yêu cầu bồi thường và thông tin kịp thời đến cho các giới kinh doanh, các hộ ngư dân làm thủy sản, các giàn khoan ngoài khơi để tránh bị động nếu giới quân sự của Trung Quốc lại leo thang xâm lấn. Việc minh bạch các thông tin này cũng là để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước thái độ hung hăng này.

Cần nhanh chóng xúc tiến xây dựng và ban hành Luật biển Việt Nam để có cơ sở bảo vệ ngư dân, lãnh hải trong khuôn khổ luật quốc tế và các cam kết đối với khu vực.



Lực lượng Hải quân bảo vệ đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Chúng ta cần luôn luôn tận dụng chữ ký của Trung Quốc tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và tại Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC 2002) cũng như có những biện pháp để ASEAN có ý kiến, vì đây là một vi phạm nghiêm trọng đến thể diện, lợi ích và những cam kết hòa bình mà ASEAN đã theo đuổi.

Chúng ta cũng cần có cách thức tác động đến nhân dân Trung Quốc là những giới bị thiếu thông tin trong vấn đề biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa. Họ đang ngày càng xa rời sự thật khách quan khi nhận nhiều thông tin có tính dân tộc cực đoan và bóp méo hiện trạng cũng như lịch sử từ giới quân sự.

Nhân dân Việt Nam cũng cần lên tiếng từ các hội đoàn, người Việt ở cả trong và ngoài nước. Đây cũng là lúc mà sự đoàn kết trong và ngoài nước sẽ có giá trị lớn để vượt qua khủng hoảng. Người Việt sẽ tiếp tục sử dụng những cách thức ôn hòa và văn minh để vượt qua thách thức này của đất nước.

Sau cùng, ngoài việc bảo vệ đất nước bằng ngoại giao, chúng ta có lẽ cũng cần tính đến việc buộc phải sử dụng cách thức bất khả kháng, khi có những tình huống xấu hơn nữa, mà không rơi vào tình thế bị động. Hành động xâm lấn không phải chỉ có thể xảy ra ở bờ biển nước nhà, khi người láng giềng lại tiếp tục leo thang với những hành động không thể biện minh được như vừa qua.

Tóm lại, sự việc 26/5 nghiêm trọng ở chỗ sự xâm lấn ngày càng sâu dần vào lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam, thách thức và thăm dò lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện để tìm giải pháp cho Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Các giải pháp hiện nay cần tiến hành đồng bộ, đồng loạt và đi sâu vào nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam.


[Vnexpress news]


Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc diễn tập ném bom trên biển Đông



Ngày 27/4, báo điện tử Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa tin, một trung đoàn không quân thuộc Hạm đội Nam hải của Hải quân Quân giải phóng Nhân Trung Quốc vừa tiến hành cuộc diễn tập ném bom tầm thấp trên biển Đông vào một ngày cuối tháng 4 này.



Tuy nhiên, tờ báo không cho biết rõ cuộc diễn tập này được tổ chức vào thời điểm cụ thể nào và diễn ra tại khu vực nào trên biển Đông.

Được biết, nhằm rèn luyện các kỹ năng của quân đội theo các điều kiện gần với thực tế chiến đấu, trung đoàn không quân này đã mời nhiều quân chủng và binh chủng bao gồm cả các chiến hạm và các đơn vị phòng không cùng tham gia cuộc diễn tập này.



Một chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc tham gia diễn tập ném bom.


Cuộc diễn tập đã đặt ra một loạt các tình huống chiến thuật như đánh chặn không quân, tấn công trên mặt biển và chống nhiễu điện từ.

Từ đầu năm, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập hải quân trên biển Đông gây nên mối quan ngại đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 25/2/2011, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin hôm 24/2/2011, biên đội tàu hộ vệ số 8 hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đó, mạng Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin, hạm đội Nam Hải của hải quân nước này đã tiến hành diễn tập phòng ngự đảo tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 3/2/2011.

Trước những sự kiện trên, ngày 2/3/2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối việc Trung Quốc cho tàu tới Quần đảo Trường Sa diễn tập. Phía Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai; cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, hoàn toàn trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và yêu cầu Trung Quốc không có những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, cùng các nước ASEAN thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.


[Vitinfo news]


>> Biển Đông dưới góc độ pháp luật quốc tế



Hiển nhiên là Biển Đông có sự đan xen rất chặt chẽ lợi ích của nhiều nước với các mức độ khác nhau. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.



Ngày 23/3, Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, đã phát bài viết “ Tranh chấp Nam Hải dưới góc độ của luật biển quốc tế ” của hai học giả Hạ Giám và Uông Cao, Đại học Tương Đàm, trong đó không những khẳng định cái gọi là “ chủ quyền ” của Trung Quốc mà còn vu cáo Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, “ bẻ cong ” Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và “ tranh giành chủ quyền của Trung Quốc ” ở Biển Đông.




Bài viết “Vấn đề Biển Đông dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế” của tác giả Hải Biên, nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam, đăng trên TTXVN, nhằm làm rõ vấn đề Biển Đông dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

1. Khái quát về Biển Đông

Biển Đông là một biển nửa kín ở khu vực Thái Bình Dương với diện tích hơn 3,5 triệu km2. Có 9 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bruney, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore. Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông lớn, đặc biệt là dầu, khí và hải sản. Gần đây, nhiều thông tin cho biết Biển Đông có trữ lượng khá lớn về băng cháy.

Biển Đông là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, sau tuyến Địa Trung Hải. Mỗi ngày có khoảng 150 - 200 tàu trọng tài lớn đi qua Biển Đông. Hàng hóa xuất nhập khẩu thiết yếu đối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công phụ thuộc rất nhiều vào tuyến đường biển này. Từ góc độ quân sự, Biển Đông là địa bàn hoạt động của hạm đội hải quân của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Tất cả những yếu tố này dẫn đến một hệ quả tất yếu và hiển nhiên là ở Biển Đông có sự đan xen rất chặt chẽ lợi ích của nhiều nước với các mức độ khác nhau. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

2. Các vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông theo luật biển quốc tế

Hội nghị Luật Biển lần thứ III của Liên hợp quốc (1967- 1982) đã thông qua Công ước Luật Biển năm 1982 với 320 điều khoản và 9 Phụ lục. Là thành quả của một cuộc thương lượng lâu dài giữa các nhóm nước khác nhau, Công ước là một giải pháp cả gói công bằng và đỉnh cao trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ ngành luật biển quốc tế. Công ước xác lập rõ ràng quy chế pháp lý của các vùng biển khác nhau thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khi tiến hành các hoạt động liên quan đến biển và thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến thực hiện Công ước và giải quyết tranh chấp biển như Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và Ủy ban Thềm lục địa. Tính đến nay, đã có 161 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, trong đó có 7 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Bruney.

Áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc vào điều kiện cụ thể của Biển Đông chúng ta thấy mấy điểm cơ bản sau đây.

Một là , các quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở của mình. Đáng lưu ý là theo luật biển quốc tế những năm 40 - 50 của thế kỷ trước, vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông chỉ có 3 hải lý và toàn bộ phía ngoài 3 hải lý đó là vùng biển quốc tế. Như vậy, Công ước đã mở rộng phạm vi vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông thêm 9 hải lý.

Hai là, mỗi quốc gia ven Biển Đông có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiếu 200 hải lý của mình. Chiều rộng của hai vùng biển này đều được đo từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Trong trường hợp thềm lục địa thực tế lớn hơn 200 hải lý thì quốc gia ven Biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý với điều kiện tuân thủ đúng các quy định và thủ tục nêu trong Công ước.

Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên trong các vùng biển của mình, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, để phục vụ đời sống nhân dân và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền quyết định cho phép hay không cho phép các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng biển của mình. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền đó của các quốc gia láng giềng khác ven Biển Đông. Đồng thời, phù hợp các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác được tự do hàng hải, tự do hàng không ở trong vùng đặc quyền kinh tế và ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

Ba là , xuất phát từ Công ước Luật Biển năm 1982 thì sự kiện Trung Quốc ký hợp đồng với Công ty Creston năm 1992 ở bãi Tư Chính của Việt Nam và chính thức đưa yêu sách “đường lưỡi bò ” ra Liên hợp quốc vào tháng 5 năm 2009 cần được nhìn nhận thế nào? Khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và đã được Việt Nam phân lô thăm dò dầu khí. Việc Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc vào năm 1992 ký với Công ty Creston của Mỹ hợp đồng thăm dò dầu khí tại khu vực bãi Tư Chính trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam (mà họ đặt tên là Vạn An Bắc) là sự vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Còn về yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”, thì các học giả Trung Quốc đều biết rõ là tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội (2009) và thành phố Hồ Chí Minh (2010) cũng như các Hội thảo quốc tế khác, các học giả Pháp, Bỉ, Mỹ và nhiều học giả quốc tế khác đã nêu rõ yêu sách “đường lưỡi bò” mơ hồ, không có cơ sở và cho rằng Trung Quốc cần giải thích rõ bản chất pháp lý của các vùng biển trong “đường lưỡi bò” đó. Nhưng cho đến nay, cả chính giới lẫn học giả Trung Quốc đều không thể đưa ra các câu trả lời thỏa đáng.

Dùng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia để đối chiếu thì ai cũng thấy rằng yêu sách này hoàn toàn trái với các quy định của Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách “đường lưỡi bò” . Đơn giản bởi vì vùng biển mà “đường lưỡi bò” ngoạm vào không thể nào là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung Quốc. Đó chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , Philippines, Malaysia, Indonesia và Bruney.

Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Chính vì vậy, mà Việt Nam , Malaysia, Indonesia và Philippines lần lượt gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách này.

Việc đưa yêu sách phi lý nói trên ra Liên hợp quốc và tiến hành các việc làm gần đây ở trên thực địa nhằm theo đuổi yêu sách này đang làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại thực sự cho cộng đồng thế giới và buộc dư luận phải lên tiếng. Không chỉ các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông mà dư luận của nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ ý kiến bất bình trước yêu sách này.

3. Các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế

Ở Biển Đông có hai loại tranh chấp, gồm tranh chấp về các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

a. Do chiều rộng của một số khu vực ở Biển Đông (như Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan) hẹp hơn 400 hải lý, nên một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia láng giềng chồng lấn lên nhau. Từ đó nảy sinh một số tranh chấp giữa các quốc gia ven Biển Đông về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Liên quan Việt Nam, ở phía Bắc chúng ta có vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và khu vực nhỏ phía ngoài cửa Vịnh, còn ở phía Nam có vùng chồng lấn với Campuchia, Thái Lan, Malaysia trong Vịnh Thái Lan và vùng chồng lấn với Indonesia ở nam Biển Đông. Các nước ven Biển Đông khác cũng có một số vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với nhau, như giữa Malaysia và Thái-Lan, giữa Thái Lan và Campuchia, giữa Indonesia và Malaysia. Các khu vực chồng lấn này đã và đang từng bước được Việt Nam và các nước hữu quan giải quyết thỏa đáng theo các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982.

b. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện nay, hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa liên quan Việt Nam và Trung Quốc, còn tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa liên quan 5 nước, 6 bên là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bruney (Bruney không yêu sách về chủ quyền các đảo) và Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở trên thế giới. Trong số đó, các vụ kinh điển thường được viện dẫn nhiều là vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, vụ Minquiers và Ecréhous giữa Anh và Pháp, vụ đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp, vụ Greenland giữa Na Uy và Đan Mạch v.v…

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi ngưòi đều thấy rằng Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm nay. Nói chính xác là nhà nước ta đã thực hiện chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình đối với hai quần đảo một cách liên tục và hòa bình.

Các bằng chứng mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều sách cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848) v.v… đều nói về việc nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác quần đảo này. Hai là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam . Ba là, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để tiến hành khai thác hai quần đảo (mỗi đội Hoàng Sa gồm 70 người, ra Hoàng Sa 6 tháng đánh bắt hải sản như đồi mồi, hải sâm, ốc qúy‎ và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm).

Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được nhà nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558-1783), đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn. Triều đình Nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia. Năm 2009, gia tộc họ Đặng ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vừa mới hiến tặng Nhà nước một sắc lệnh trong gia phả của dòng họ khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật, v.v…Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa (Trường Sa, An Bang, Ba Bình, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ).

Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26 - 7 - 1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.

Vào năm 1951, tại Hội nghị San Francisco có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị Trưởng đoàn quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.

Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Sài Gòn và nhà cầm quyền Sài Gòn đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20 tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Đó là, lợi dụng việc Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Trung Quốc đã chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền Sài Gòn kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội của chính quyền Sài Gòn đã đánh trả thắng lợi và bắt 82 “ngư dân” Trung Quốc.

Đối với nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Sài Gòn tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, lợi dụng việc quân đội Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của quân cách mạng, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam đã phản đối. Năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Nhà nước Việt Nam tiếp quản các đảo ở Trường Sa và lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa.

Một sự thật hiển nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14 - 3 - 1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận chiến không cân sức năm đó, 64 người con yêu quý của Tổ quốc Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Tóm lại, dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật lịch sử là Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và đến năm 1974 dùng vũ lực chiếm luôn phần phía Tây của quần đảo này. Còn ngày 14-3-1988 là ngày Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta.

4. Giải pháp cho các vấn đề liên quan Biển Đông

a. Các vấn đề liên quan Biển Đông rất phức tạp, hệ trọng và nhạy cảm đối với nhiều quốc gia liên quan. Các nguồn lợi trong các vùng biển ở Biển Đông rất quan trọng đối với kế sinh nhai và đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu con người của 9 quốc gia ven Biển Đông. Các tài nguyên thiên nhiên ở đây là một điều kiện cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của các nước liên quan. Các nước ven Biển Đông đang đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chủ quyền biển, đảo của mình. Đồng thời các hoạt động khác liên quan đến Biển Đông cũng hết sức đa dạng, phong phú (tự do, an toàn hàng hải, chống tội phạm trên biển..) và gắn với lợi ích của nhiều quốc gia khác nhau (cả trong và ngoài khu vực).

b. Từ đó, một yêu cầu hết sức khách quan đặt ra cho tất cả các nước có hoạt động liên quan Biển Đông là phải tuân thủ luật chơi chung mà cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia ven Biển Đông, đã dày công xây dựng - Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Khi vận dụng Công ước để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình như được quy định trong Công ước, quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác ven Biển Đông đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Đó là nghĩa vụ của quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đó là nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển năm 1982. Đó là nghĩa vụ theo Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước.

Sẽ là rất không công bằng và phi lý khi một quốc gia ven Biển Đông tùy tiện vẽ ra một đường yêu sách mơ hồ, trái với Công ước Luật Biển năm 1982, vi phạm các vùng biển của các quốc gia láng giềng, tạo ra “vùng tranh chấp” trong vùng biển của quốc gia láng giềng , để rồi đòi các quốc gia láng giềng bị nạn “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên chính thềm lục địa của họ. Tương tự, việc một quốc gia ven Biển Đông tự ý quy định cấm đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng khác cũng là việc làm trái với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Cách hành xử như vậy, rõ ràng là những sự vi phạm cam kết quốc tế của một nước thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.

c. Sự tồn tại các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tranh chấp về các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn là một thực tế khách quan. Việc giải quyết các tranh chấp này, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo, là một công việc khó khăn, phức tạp, nhưng không phải là không thể giải quyết được. Như đã nêu trên, giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và Cam-pu-chia có các khu vực chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Thời gian qua, căn cứ vào Công ước Luật Biển năm 1982 và với tinh thần hữu nghị, láng giềng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, Việt Nam đã phân định ranh giới các vùng biển với Thái Lan, ranh giới các vùng biển với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xia ở phía Nam Biển Đông. Các nước khác ven Biển Đông cũng đã giải quyết được một số tranh chấp trên biển với nhau bằng nỗ lực chung và trên cơ sở pháp luật quốc tế. Gần đây nhất, tranh chấp về chủ quyền đối với một số đảo nhỏ giữa Ma-lai-xia và Xinh-ga-po, giữa In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia cũng đã được giải quyết bằng các phán quyết của Tòa án quốc tế La Hay (ICJ).

Kinh nghiệm đó chỉ ra rằng các tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các tranh chấp về các vùng biển chồng lấn giữa các nước ven Biển Đông sẽ được giải quyết ổn thỏa khi pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, được tôn trọng và khi các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc được áp dụng. Đe dọa vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đã bị pháp luật quốc tế cấm. Đe dọa vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không phải là cách thức đúng đắn để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

d . Các tranh chấp liên quan đến Biển Đông dĩ nhiên là phức tạp. Con đường đi đến giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp mà các bên liên quan đều chấp nhận được sẽ không bằng phẳng và còn dài. Thực tế đó đòi hỏi các bên tranh chấp ở Biển Đông tăng cường nhiều nỗ lực hơn nữa. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp, các bên cần tuân thủ các cam kết đã được nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, đặc biệt là cam kết không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc cũng cần tăng cường các nỗ lực, cùng nhau phấn đấu để xây dựng một văn kiện có tính pháp lý cao hơn, có tính ràng buộc cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Về hình thức văn kiện này có thể có thể dưới dạng một Hiệp ước, hoặc một Hiệp định, hoặc một Thỏa thuận, hoặc cũng có thể là một MOU giữa ASEAN và Trung Quốc được các đại diện có thẩm quyền của ASEAN và Trung Quốc ký, sau đó được các cơ quan có thẩm quyền của ASEAN và Trung Quốc phê duyệt.

Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản (các nguyên tắc just cogent) của pháp luật quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ các cam kết trong DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, cùng chung sức theo hướng biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác chính là chìa khóa cho các vấn đề phức tạp ở Biển Đông hiện nay.


[Vietnamdefence news]


Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

>> Công bố tài liệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa



[Vnexpress news] Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.

>> Download !


Trích đoạn: ... "Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo ở ngoài khơi Việt Nam: quần đảo Hoàng Sa chỗ gần nhất cách đảo Ré, một đảo ven bờ của Việt Nam, khoảng 120 hải lý; cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý về phía Đông; quần đảo Trường Sa chỗ gần nhất cách Vịnh Cam Ranh khoảng 250 hải lý về phía Đông.

Nhận thức của các nhà hàng hải thời xưa về Hoàng Sa và Trường Sa lúc đầu mơ hồ; họ chỉ biết có một khu vực rộng lớn rất nguy hiểm cho tàu thuyền vì có những bãi đá ngầm. Ngày xưa người Việt Nam gọi là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ. Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một dưới cái tên Pracel, Parcel hay Paracels.

Về sau, với những tiến bộ của khoa học và hàng hải, người ta đã phân biệt có hai quần đảo: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mãi cho đến năm 1787 - 1788, cách đây hai trăm năm, đoàn khảo sát Kergariou-Locmaria mới xác định được rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Hoàng Sa (Paracel) như hiện nay, từ đó phân biệt quần đảo này với quần đảo Trường Sa ở phía Nam.

Các bản đồ trên nói chung đều xác định vị trí khu vực Pracel (tức là cả Hoàng Sa và Trường Sa) là ở giữa Biển Đông, phía đông Việt Nam, bên ngoài những đảo ven bờ của Việt Nam.

Hai quần đảo mà các bản đồ hàng hải quốc tế ngày nay ghi là Paracels và Spratley hoặc Spratly chính là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

Từ lâu nhân dân Việt Nam đã phát hiện quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó một cách thật sự, liên tục và hoà bình.

Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.



Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư


Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng Phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: "giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hoá vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".

Trong Giáp Ngọ bình nam đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Phủ biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776, viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi.

"Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi gọi là Cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hoá vật của tầu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải".


Đại Nam Nhất thống Toàn đồ.


... Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi, nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tầu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem số của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khối, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi.

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”. ...


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

>> Philippines đua sức mạnh quân sự với Trung Quốc và Malaysia ở Biển Đông


[Vitinfo news] Quân đội Philippines đang tụt hậu so với Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia, trong việc phát triển khả năng phòng thủ tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đang có tranh chấp.



Bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.


Theo nguồn tin, Quân đội Philippines cho biết các nước có tuyên bố chủ quyền - ngoại trừ Đài Loan và Brunei - đã tăng cường khả năng phòng thủ tại các đảo nhỏ và bãi cát ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước hết là Malaysia
Từ một đảo nhỏ bắt đầu chiếm đóng vào năm 1984, Quân đội Malaysia hiện đã triển khai các binh sĩ trên 5 hòn đảo.

Được biết, tại bãi cạn Swallow (bãi Hoa Lau) do Malaysia chiếm đóng, hiện đang có một đường băng dài 1.200 mét cùng với một căn cứ hải quân nhỏ trên hòn đảo được gọi là Layang-Layang, vốn đã được quy hoạch thành khu du lịch lặn cho du khách.

Theo các nguồn tin cho biết, đường băng có thể phục vụ các máy bay vận tải dân sự và quân sự hạng nặng. Sân bay này chỉ mất một giờ bay từ Kota Kinabalu và được xem là rất quan trọng để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của của Malaysia.

“Các căn cứ không quân của Malaysia đặt tại Kota Kinabalu và Labuan có thể được sử dụng để tiến hành xuất kích các máy bay hiện đại F-18 của Mỹ và MIG-29 Fulcrum của Nga. Tuy nhiên, các căn cứ này không đề cập đến việc triển khai các tàu khu trục mang tên lửa tầm trung và tầm xa của Malaysia,” theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Philipppines cho hay.

Đồng thời, báo cáo của Bộ Quốc phòng Philipppines cũng trích dẫn kế hoạch của Malaysia về việc mua sắm máy bay Sukhoi SU-35 mới từ Nga.

Tiếp đó là Trung Quốc

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết các bức ảnh chụp trong quá trình thực hiện tuần tra định kỳ quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phía Philippines gọi là quần đảo Kalayaan, cho thấy Bắc Kinh đã tăng cường xây dựng lực lượng quân sự trong khu vực bất chấp đã tham gia ký kết Tuyên bố ứng xử Biển Đông năm 2002.

Theo đó, các bức ảnh trinh sát mới nhất chụp trong năm 2010 cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều súng máy khác nhau và lắp đặt các thiết bị ăng-ten thông tin liên lạc, cũng như triển khai các tàu hải quân neo tại bãi đá Chigua (bãi đá Gạc Ma).

Chưa hết, Trung Quốc còn tiến hành phát triển khả năng giám sát quân sự ở bãi Cuarteron (bãi Châu Viên), trong khi xây dựng bãi Fiery Cross (bãi Chữ Thập) trở thành trung tâm thông tin liên lạc và nghiên cứu hải dương học.

“Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động quân sự nhằm xây dựng khả năng phòng thủ tại khu vực đảo tranh chấp,” báo cáo cho biết.

Hành động của Philippines
Hiện tại, Bộ Tư lệnh Miền Tây Philippines(Wescom) được yêu cầu khẩn trương sửa chữa đường băng trên đảo Pag-Asa (đảo Thị Tứ), hòn đảo lớn nhất trong số các đảo có binh sĩ quân đội Philippines đồn trú. Kể từ khi xây dựng sân bay trên đảo Thị Tứ từ những năm 1970, sân bay này chưa bao giờ được tiến hành sửa chữa lớn.

Các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Miền Tây Philipppines (Wescom) cho biết, công việc sửa chữa và phục hồi hoạt động của sân bay Rancudo phải được thực hiện càng sớm càng tốt, để không cho phép làm xói mòn đất gây thiệt hại hơn nữa cho đường băng.

“Sau khi sửa chữa, sân bay phải cho phép phục vụ các máy bay vận tải hạng nặng và máy bay chiến đấu, giống như đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam (Philippines gọi là đảo Lagos) và bãi Swallow (bãi Hoa Lau) của Malaysia,” một quan chức cấp cao của Wescom tiết lộ trong điều kiện giấu tên.

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

>> Sự thật về sự kiện Hoàng Sa 1974



Cách đây hơn 3 thập kỷ, ngày 19/01/1974, quân đội Trung Quốc đã tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc này đang do chính quyền Sài Gòn quản lý.


Vậy mà, ngày 19/1/2011, mạng Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (www.scio.gov.cn) đăng tin dưới dạng sự kiện về việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với nội dung như sau: "Ngày 19/1/1974, quân và dân quần đảo Tây Sa của ta (Trung Quốc) tiến hành tự vệ phản kích nguỵ quân miền Nam Việt Nam - kẻ đã liên tục xâm phạm lãnh hải, không phận, cướp chiếm các đảo và gây thương vong cho ngư dân ta, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ".

Vậy sự thật của sự kiện Hoàng Sa tháng 1/1974 là gì? Là một cuộc đáp trả tự vệ của quân dân Trung Quốc như mạng thông tin trên tuyên bố, hay là một cuộc xâm lược một vùng đất có chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam?

Chủ quyền không thể chối cãi
Hơn ba thập kỷ qua, trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung có những bước thăng trầm, Việt Nam vẫn luôn khẳng định Hoàng Sa cùng với Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của mình. Bởi vì chủ quyền ấy đã được minh chứng bằng thời gian và lịch sử của nhiều thế kỷ những cư dân và Nhà nước Việt Nam đã quản lý và khai thác vùng lãnh thổ trên biển Đông này.







Sơ đồ các hướng tấn công trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974

Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như với Trường Sa) được minh chứng không chỉ bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre(1749), J,Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)...; cũng như những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động của các Đội Hoàng Sa xưa ở cửa biển Sa kỳ và đảo Lý Sơn (Cù lao Ré), mà còn được ghi lại trên nhiều thư tịch, trong đó có những văn bản mang tính chất Nhà nước của Việt Nam.

Cho đến nay chúng ta vẫn có bằng chứng đầy đủ về chủ quyền của nhà nước Đại Việt (gồm cả Đàng Ngoài của các chúa Trịnh và Đàng Trong của các chúa Nguyễn đều tôn phò nhà Lê) qua Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (của Đỗ Bá Công soạn năm Chính Hoà thứ 7-1686) và sách Phủ Biên Tạp Lục của bác học Lê Quý Đôn (1776)...

Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng:

"Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm... Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn..."


Bia chủ quyền Hoàng Sa ở Việt Nam được dựng vào những năm 1930. Ảnh: chụp tại phòng lữu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng

Còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.

Với sách Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Hoàng Sa còn được mô tả kỹ hơn. Năm 1775, Lê Quý Đôn được Chúa Trịnh cử vào vùng đất Phú Xuân lãnh chức Hiệp trấn để lo việc bình định hai trấn mới thu hồi được từ Chúa Nguyễn là Thuận Hoá và Quảng Nam. Sách dành nhiều trang để mô tả về các "Đội Hoàng Sa" và "Bắc Hải" của chúa Nguyễn tổ chức cho dân vùng Tư Chính, Quảng Ngãi tổ chức thường kỳ việc vượt biển đến Hoàng Sa để thu luợm các sản vật đem về đất liền. Những tư liệu thu thập tại địa phương xã An Vĩnh (Cù lao Ré) còn nói tới "Đội Quế hương" cũng là một hình thức tổ chức do dân lập xin phép nhà nước được ra khai thác ở Hoàng Sa.

Qua thời Nguyễn, kể từ đầu thế kỷ XIX, trong điều kiện nước Việt Nam (dưới triều Gia Long) và Đại Nam (kể từ triều Minh Mạng) đã chấm dứt tình trạng cát cứ và phân tranh, thống nhất quốc gia thì việc quản lý lãnh thổ được ghi chép đầy đủ và lưu trữ tốt hơn. Tấm bản đồ được lập thời Minh Mạng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ rất rõ cả một dải lãnh thổ gồm những đảo trên biển Đông được ghi chú là "Vạn lý Trường Sa" (tên gọi chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quan niệm đương thời).

Hai bộ sách địa lý quan trọng của triều Nguyễn là phần Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) đều đề cập tới Hoàng Sa trong phần viết về phủ Tư Nghĩa và đều chép lại những nội dung của các tài liệu trước, trong đó có hoạt động của các "Đội Hoàng Sa".

Bộ chính sử Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn liên tục cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều nhiều lần ghi lại các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa như một bộ phận của lãnh thổ quốc gia. Ngay trong phần Tiền Biên chép về các tiên triều, bộ biên niên sử này cũng nêu lại những sự kiện từ thời các Chúa Nguyễn liên quan đến các quần đảo này.

Một thống kê cho thấy trên bộ sử này, trong phần chính biên ghi chép cho đến thời điểm in khắc đã có 11 đoạn viết về những sự kiện liên quan đến hai quần đảo này. Nội dung cụ thể như là việc nhà nước điều cho thuỷ quân và Đội Hoàng Sa ra đảo để "xem xét và đo đạc thuỷ trình" (quyển 50,52...đời Gia Long); cử người ra Hoàng Sa "dựng miếu, lập bia, trồng cây", "vẽ bản đồ về hình thế", "cắm bài gỗ dựng dấu mốc chủ quyền" (quyển số 104, 122, 154, 165 đời Minh Mạng).

Ngoài ra còn các bộ sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ(1851) cũng ghi rõ những công việc nhà nước Đại Nam đã thực thi trên lãnh thổ Hoàng Sa. Và đặc biệt quý giá là những châu bản của các vị vua triều Nguyễn (tức là có thủ bút của nhà vua) có liên quan đến Hoàng Sa. Giá trị của những văn bản gốc này là sự thể hiện quyền lực của người đứng đầu quốc gia đối với vùng lãnh thổ này. Ví như, phê vào phúc tấu của bộ Công ngày 12-2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua viết :"Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước (ta), rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân Minh Mạng thứ 17, họ tên cai đội thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu"; hay các châu phê về việc thưởng phạt người có công tội khi thực thi trách nhiệm ở Hoàng Sa, đạc vẽ bản đồ v.v...

Mãi đến năm 1909, lần đầu tiên Trung Quốc mới đề cập đến chủ quyền của mình đối với khu vực lãnh thổ này. Điều đó cho thấy, trong suốt 3 thế kỷ trước đó (XVII-XIX), các tài liệu thư tịch của Nhà nước Việt Nam kế thừa nhau đã liên tục thể hiện chủ quyền lịch sử và thực tiễn quản lý‎ đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

Đến cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, Pháp với tư cách bảo hộ Việt Nam đã tiến hành quản lý Hoàng Sa - Trường Sa. Trong những lần tranh cãi giữa chính quyền bảo hộ Pháp và Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, Pháp đã 2 lần yêu cầu Trung Quốc đưa vấn đề ra toà án quốc tế giải quyết, nhưng Trung Quốc không đồng ý.

Chủ quyền của Việt Nam còn được các nước thừa nhận ở một Hội nghị quốc tế quan trọng. Tháng 9/1951, tại Hội nghị Sanfrancisco, với 46/51 phiếu, các nước đã bác bỏ đề nghị trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Cũng tại Hội nghị này, đại diện chính quyền Việt Nam lúc đó đã tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có nước nào phản đối.

Chính phủ Sài Gòn, sau đó là cả Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Dưới đây là một vài bằng chứng:

Năm 1956, lực lượng hải quân của Chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Pháp rút quân về nước.

Năm 1956, Sở Hầm mỏ, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân của Chính quyền Sài Gòn trên 4 đảo: Hoàng Sa (Pattle), Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Duy Mộng (Drumond).

Ngày 22-10-1956, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

Ngày 13-7-1961, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.

Từ 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa như: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, v v...

Ngày 21-10-1969, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập xã Định Hải vào xã Hoà Long cũng thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam.

Tháng 7-1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Ai (Nam Yết) thuộc quần đảo Trường Sa.

Tháng 8-1973, với sự hợp tác của Công ty Nhật Maruben Corporation, Bộ Kế hoạch và phát triển quốc gia Sài Gòn tiến hành khảo sát phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6-9-1973, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Trận hải chiến sinh tử tháng 1/1974

Có ý thức về chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều bảo vệ chủ quyền đó mỗi khi có nước ngoài biểu thị ý đồ tranh giành hay xâm chiếm đảo nào đó trong hai quần đảo.

Ngày 16-6-1956, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đồng thời cũng trong năm này, Chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối việc Trung Quốc chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 22-2-1959, Chính quyền Sài Gòn bắt giữ trong một thời gian 82 "ngư dân" Trung Quốc đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hoa trong quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20-4-1971, Chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 13-7-1971 Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó trong cuộc họp báo ngày 10-7-1971.

Đỉnh điểm xung đột xảy ra vào tháng 1/1974, khi nhiều tàu chiến của quân đội Trung Quốc tiến hành đánh chiếm cụm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc

Ngày 16/1/1974, Chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố với những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo. Đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của lực lượng vũ trang Trung Quốc nhưng với thái độ ôn hoà, kiềm chế.

Ngày 18/01/1974, Trung Quốc tăng viện thêm quân, chiến hạm tới quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 19/01/1974, Trung Quốc và Việt Nam Cộng hoà đã có trận hải chiến ở khu vực đảo Quang Hoà.

Ông Lữ Công Bảy, người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước trong vai trò là thượng sĩ giám lộ trên chiến hạm HQ-4 hồi tưởng lại: “Đúng 8g30, phía Trung Quốc nổ súng trước. Một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, hạm trưởng Vũ Hữu San ra lệnh “bắn”. Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ-4 chạy uốn lượn như con rắn, hết sang phải lại sang trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác của đối phương. Thế rồi các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân trung úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu Trung Quốc qua màn hình rađa. Thượng sĩ nhất giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Trong bộ đàm tôi đã nghe tiếng bạn tôi, trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương, báo cáo: HQ-10 đã bị trúng đạn, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương, hạm phó Thành Trí trọng thương ngay bụng. Hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều bị tử thương và bị thương rất nặng” (Trích Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau: 30 phút và 35 năm - Nguồn: Tuổi Trẻ).

Trận hải chiến chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. 74 binh sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hi sinh.

Ngày 20/01/1974, Trung Quốc đã điều động thêm máy bay oanh tạc các đảo VNCH đóng giữ. Tính đến thượng tuần tháng 02/1974, Trung Quốc đã tạm chiếm quần đảo Hoàng SA và thiết lập căn cứ quân sự tại đây.


Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn đường tàu VN trên đường ra Hoàng Sa. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do VN quản lý, ngày 19-1-1974 và 14-2-1974 chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng định về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.

Ngày 20-1-1974, ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn cũng đã gọi điện và gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Trong khi đó, ngày 26-1-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN cũng đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của VN.

Hành động dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 của Hiến chương LHQ. Trước các hành động đó, các nước như Liên Xô, Hà Lan, New Zealand, Indonesia..., các tổ chức quốc tế như Tổng Liên đoàn Lao động thế giới, các lực lượng thanh niên Italia, Hội đồng công dân Australia, Viện Nghiên cứu xã hội Australia, Ủy ban Đại học Australia bảo vệ Đông Dương,...đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc. Đồng thời, cũng trong năm 1974, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 3314 định nghĩa về hành vi xâm lược bằng vũ lực.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của VN. Và ngày 5-6-1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam VN đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa - Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền VN, từ trước đến nay đều do người VN quản lý.

Vậy đã rõ sự thật lịch sử về sự kiện Hoàng Sa 19/01/1974. Lịch sử vốn không thể che đậy, càng không thể tô vẽ hay xuyên tạc. Sử liệu còn đó, nhân chứng vẫn còn đó.

Trong khi lãnh đạo hai Đảng, hai nước luôn nhấn mạnh phương châm mười sáu chữ vàng và "bốn tốt" trong quan hệ Việt - Trung, những bài viết như trên đáng phải phê phán bởi nó sẽ làm vẩn đục tình hữu nghị, hợp tác mà lãnh đạo và nhân dân hai nước đang nỗ lực xây dựng.


(vietnamdefence news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang