Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Ai Cập

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Ai Cập. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ai Cập. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

>> Ai thủ lợi từ cuộc chiến Libya?



[Internet] Các chuyên gia quốc tế cho rằng không khó để xác định những nước kiếm lợi từ cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Libya.

Theo chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi Pepe Escobar của báo Asia Times, Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ đã mở đường cho phương Tây và đồng minh bảo vệ một lực lượng vũ trang chống chính phủ. Ông này nhận định ngay cả “con nít” cũng biết rõ mục tiêu của chiến dịch quân sự là nhằm lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. 

 Chỉ huy chiến dịch Libya của NATO, trung tướng Charles Bouchard có thể quả quyết rằng sứ mệnh mà khối này vừa chính thức cầm trịch chỉ nhằm bảo vệ thường dân vô tội. Chỉ có điều những “thường dân vô tội” này lại lái xe tăng, bắn súng AK và giao tranh quyết liệt với quân chính phủ. Mặt khác, liên quân cũng chỉ bao gồm 12/28 nước thành viên NATO cộng với Qatar. 

Theo các chuyên gia, ít ra cho đến thời điểm này, người ta có thể dễ dàng nhận ra những bên hưởng lợi trong cuộc chiến ở Libya. Đó là Mỹ, NATO, Ả Rập Xê Út, Qatar, Pháp, Anh, các tập đoàn nước ngoài và thậm chí cả al-Qaeda.  

Mỹ: Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã liệt kê 3 nước bị cho là “bất hảo” ở Trung Đông và Bắc Phi là Iran, Syria và Libya. Trong chiến dịch lần này, Lầu Năm Góc nhắm vào mắt xích yếu nhất là Libya. 




Theo Asia Times, cuộc chiến Libya chính là cuộc vận hành thử nghiệm của Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom), vốn được thành lập dưới thời Tổng thống George W.Bush và được chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama củng cố. Đây là cuộc chiến đầu tiên của lực lượng Mỹ mà Africom chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành. Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh này lại đặt tại thành phố Stuttgart (Đức) do không quốc gia châu Phi nào chịu “chứa chấp”. Ngoài Libya, những nước châu Phi bị đặt vào tầm ngắm của Africom còn có Sudan, Bờ Biển Ngà, Eritrea và Zimbabwe.

Horace Campbell, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Syracuse (Mỹ) thì nhận định chiến dịch của Africom “về cơ bản là mặt trận của các nhà thầu quân sự Mỹ như Dincorp, MPRI và KBR đang hoạt động ở châu Phi”. Báo The Times hôm 30.3 dẫn các nguồn tin riêng cho biết Mỹ có thể huy động lực lượng “quân đội tư nhân” này sang Libya để tránh vi phạm cam kết không đưa bộ binh vào cuộc chiến.

NATO: Chiến dịch Libya chính là cơ hội để NATO biến Địa Trung Hải thành “ao nhà”. Đến nay, chỉ còn 3 nước ven Địa Trung Hải chưa là thành viên đầy đủ hoặc nằm trong danh sách đối tác của NATO. Đó là Libya, Li-băng và Syria. Sau Libya, rất có thể Syria là mục tiêu tiếp theo còn Li-băng bị NATO phong tỏa từ năm 2006. 

Ả Rập Xê Út: Nếu ông Gaddafi ra đi, Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út sẽ bớt được một đối thủ đáng gờm trong khu vực. Theo báo Daily Mail, không lâu trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến vào Iraq năm 2003, ông Gaddafi đã tranh cãi nảy lửa với ông Abdullah, khi đó còn là thái tử, tại một hội nghị cấp cao của khối Ả Rập xung quanh tính hợp pháp của cuộc chiến. Ông Abdullah ủng hộ hành động của phương Tây trong khi ông Gaddafi cực lực phản đối. Đến năm 2004, Ả Rập Xê Út tuyên bố phá được một âm mưu ám sát Thái tử Abdullah mà họ cho là có liên quan đến Libya.

Chuyên gia Escobar cho biết Ả Rập Xê Út là nước quảng bá mạnh mẽ việc Liên đoàn Ả Rập “nhất trí” kêu gọi thành lập vùng cấm bay trên không phận Libya. Trên thực tế, chỉ 11/22 nước thành viên của tổ chức này tham gia biểu quyết, trong đó có 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh do Ả Rập Xê Út thống lĩnh. Algeria và Syria thì bỏ phiếu chống. Nghĩa là chỉ có 9/22 thành viên Liên đoàn Ả Rập ủng hộ thành lập vùng cấm bay.

Qatar: Quyết định gửi 2 máy bay chiến đấu tham gia thực thi vùng cấm bay ở Libya được đưa ra trong khi Qatar tìm cách tiếp cận nguồn dầu lửa ở miền đông Libya. Việc chính thức công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời do lực lượng chống đối thành lập được Qatar đưa ra một ngày sau khi nước này giành quyền tiếp thị dầu lửa được khai thác ở miền đông Libya, theo Asia Times.

Pháp: Asia Times dẫn lời giới quan sát đánh giá vùng cấm bay là cơ hội để Pháp quảng bá các mẫu máy bay chiến đấu Mirage và Rafale trên thị trường vũ khí thế giới. Ngoài ra, còn phải kể đến sự phẫn nộ của Pháp trước việc ông Gaddafi hủy bỏ các hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale và hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân do nước này thiết kế. Nhiều ý kiến khác cho rằng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn gỡ thể diện sau khi bị chỉ trích là phản ứng chậm và yếu ớt trong vụ chính biến tại Tunisia và Ai Cập cũng như tranh thủ cử tri cho các kỳ bầu cử quan trọng. Pháp là nước đầu tiên công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời của phe chống đối và là nước đầu tiên dội bom xuống Libya.

Anh: Cùng với Pháp, Anh là nước ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya và khẳng định từ đầu là ông Gaddafi phải ra đi. Theo Daily Mail, 2 nước đã có “hận thù” từ lâu sau khi London cáo buộc Tripoli ủng hộ tài chính và huấn luyện các tay súng thuộc Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Quan trọng hơn phải kể đến vụ đánh bom chiếc máy bay của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1988 làm 270 người thiệt mạng. Ngoại trưởng vừa đào tẩu của Libya Moussa Koussa, khi đó còn là một lãnh đạo tình báo, bị cáo buộc là người đã vạch kế hoạch đánh bom. Ông Koussa cũng bị coi là mắt xích quan trọng giữa ông Gaddafi và kẻ thực hiện vụ đánh bom tên Abdulbaset Al Megrahi.

Al-Qaeda: Theo báo Telegraph, một thủ lĩnh của phe chống đối ở Libya là Abdel-Hakim al-Hasidi, vốn từng cùng Taliban đánh Mỹ ở Afghanistan, xác nhận rằng ông ta đã chiêu mộ được khoảng 25 “chiến binh tử vì đạo” ở miền đông Libya để đánh Mỹ ở Iraq và một số trong những người này “hiện đang chiến đấu ở thành phố Adjabiya”. Tờ The Washington Post thì đưa tin Mỹ đang tích cực làm rõ thông tin tình báo rằng có sự hiện diện của al-Qaeda giữa các tay súng thuộc quân chống đối ở Libya. Đó là chưa kể nghi ngờ về việc lực lượng chống Chính phủ Libya bán vũ khí cho Hamas và Hezbollah.

Trước đó, Tổng thống Idriss Deby của Chad, nước láng giềng phía nam Libya, quả quyết rằng các phần tử có liên hệ với al-Qaeda đã đột nhập nhiều kho vũ khí ở Cyrenaica, miền đông Libya và có thể đã cướp được một số tên lửa đất đối không. Đầu tháng 3, nhóm al-Qaeda ở vùng Maghreb, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố khét tiếng, đã lên tiếng ủng hộ lực lượng chống Chính phủ Libya.

RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới của Nga Igor Korotchenko cũng cảnh báo rằng những tên lửa đất đối không MANPADS mà quân đội Libya trang bị cho dân chúng cũng như những vũ khí mà phe chống đối chiếm được có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Các tập đoàn kinh doanh nước: Ít người biết rằng phía đông sa mạc Sahara chứa một bể nước ngầm khổng lồ có tên Hệ thống ngậm nước Nubian Sandstone (NSAS). Các nhà khoa học ước tính rằng trữ lượng nước ngọt của “đại dương ngầm” lớn nhất thế giới này tương đương với lượng nước chảy qua sông Nil trong 200 năm. Có diện tích bề mặt 2 triệu km2, NSAS trải dài qua 4 nước Suadan, Chad, Ai Cập và Libya, trong đó Libya và Ai Cập chiếm phần lớn nhất. Năm 1984, ông Gaddafi chính thức cho khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn nước khổng lồ GMMRP dài 4.000 km để lấy nước từ NSAS. Công trình này được hoàn thành theo từng phần và đến năm 2007, nó đã có thể cung cấp nước ngọt cho Tripoli, Benghazi và toàn bộ khu vực duyên hải của Libya.

Theo Asia Times, chi phí xây dựng GMMRP là 25 tỉ USD và ông Gaddafi từng tuyên bố số tiền này hoàn toàn từ ngân sách quốc gia chứ chính phủ không hề vay mượn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới. Giới quan sát cho rằng các tập đoàn nước Veolia, Suez Ondeo và Saur của Pháp, vốn đang kiểm soát 40% thị trường nước ngọt thế giới, rất muốn giành quyền khai thác nguồn tài nguyên chiến lược này của Libya.

Ngoài ra còn phải kể đến các bên nhằm vào trữ lượng dầu khí khổng lồ của Libya. Với nguồn dự trữ 46,5 tỉ thùng, Libya là nền kinh tế dầu mỏ lớn nhất châu Phi, xếp trên Nigeria và Algeria. Tập đoàn dầu mỏ quốc gia (NOC) của Libya nằm trong top 25 trong danh sách 100 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo website Globalresearch.ca.


Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

>> Thực lực quân sự của Libya



Bất ngờ với cuộc bạo loạn, thực tế ông Muammar Gaddafi đã không kịp chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Mỹ, phương Tây và đồng minh.

Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, để duy trì vùng cấm bay, Mỹ, phương Tây và đồng minh sẽ phải chế áp hệ thống phòng không và hủy diệt không quân Libya vốn phần nào vẫn còn sức chiến đấu bất chấp cuộc bạo loạn trong nước.

Một chiến dịch như vậy cần không dưới mấy trăm máy bay tiến công của Không quân Mỹ, phương Tây và đồng minh.

Còn ông Gaddafi có trong tay những lực lượng nào? Ông Gaddafi có thể chống chọi các kẻ thù của mình hay không?

Chỗ dựa của Gaddafi
Ngoài Lục quân, còn có 5 lữ đoàn Vệ binh Jamihiria, 1 lữ đoàn Cận vệ cách mạng và Lữ đoàn Vệ binh 32. Chính các đơn vị này cùng với 6 tiểu đoàn commando do các chuyên gia nước ngoài huấn luyện là những đơn vị có khả năng chiến đấu nhất và trung thành với ông Gaddafi. Các đơn vị này tuyển quân từ những người đồng hương và cùng bộ tộc với nhà lãnh đạo Libya. Lực lượng vệ sĩ riêng của Gaddafi, theo một số nguồn tin, là do các chuyên gia Nga và Belarus huấn luyện.

Trong các bản tin từ Libya, nhiều người thấy những binh lính da đen chiến đấu bên phía Gaddafi. Đó chính là các lính đánh thuê của lực lượng Lê dương Hồi giáo al-Failaka al-Islamiya (Islamic Legion hay Islamic Pan-African Legion) có quân số 7.000-15.000. Đó là những lính đánh thuê được trả lương rất cao, tuyển từ Chad, Nigeria, Mali, Sudan, có cả người Arab từ Ai Cập, Algeria, Tunisia, thậm chí từ Pakistan và nhiều nước khác. Họ cũng được chuyên gia nước ngoài huấn luyện.





Máy bay Tornado của Không lực Hoàng gia Anh cất cánh từ căn cứ không quân ở Lossiemouth ở Moray, phía Bắc Scotland tới căn cứ Akrotiri.(theo: báo đất việt)


Quân đội Libya
Quan điểm khác thường của ông Gaddafi về tổ chức nhà nước cũng thể hiện trong lĩnh vực quân sự. Libya giống như mọi nhà nước cũng có lực lượng vũ trang. Lực lượng này bao gồm bản thân quân đội và nhiều đơn vị quân sự và bán quân sự cấu thành cái gọi là lực lượng dân quân.

Quân đội Libya có gần 80.000 người và chiếm khoảng ½ là lính nghĩa vụ. Vũ khí chủ yếu là của Liên Xô, nhưng cũng có vũ khí của Czech, Pháp, Italia.

Về xe tăng, Libya có hơn 800 chiếc, trong đó có khoảng 200 Т-72М1, số còn lại là những xe tăng lạc hậu, ngoài ra còn có khoảng 1.300 đang được cất giữ.

Về tên lửa đường đạn chiến thuật, họ có tới 120 hệ thống đã cũ nhưng tin cậy là Elbrus (Scud) và Luna-M.

Quân đội Libya có rất nhiều pháo, đặc biệt là pháo phản lực.

Như vậy là quân đội Libya tuy nhỏ bé song lại không thiếu binh khí kỹ thuật. Nhưng phần lớn số vũ khí được lưu kho ở tình trạng không thuân thủ các quy định, tiêu chuẩn niêm cất và từ lâu không còn hoạt động được.

Ngoài ra, hiện chưa rõ bộ phận nào của quân đội còn trung thành với ông Gaddafi. Chắc chắn đó là các đơn vị đặc nhiệm và vệ binh do những sĩ quan đồng hương với “vị lãnh tụ cách mạng” chỉ huy.

Một bộ phận nhỏ các đơn vị quân đội thông thường nằm dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan cùng bộ tộc với phe nổi loạn đã chạy sang phía họ. Tham gia chiến đấu chống Gaddafi còn có các dân binh từ các tổ chức bán quân sự “Phòng vệ nhân dân địa phương” và “Đội dân binh vũ trang”

Nhiều khả năng, một bộ phận đáng kể quân đội chính quy vẫn chờ xem ai sẽ thắng và không chịu chấp hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy.

Không quân và phòng không lạc hậu nhưng vẫn còn sức chiến đấu
Theo chuẩn mực của Phi châu, Không quân Libya khá mạnh và đông quân, nhưng được trang bị vũ khí lạc hậu. Ngoài ra, trình độ kỹ năng bay của nhiều phi công là rất kém do tính bừa bãi và thái độ coi thường công tác huấn luyện chiến đấu.

Tổng cộng, họ có hơn 400 máy bay chiến đấu, trong đó có 7 máy bay ném bom tầm xa Tu-22B.

Lực lượng trực thăng có hơn 140 chiếc, trong đó có 35 trực thăng tiến công Mi-24.

Dĩ nhiên không phải toàn bộ số binh khí kỹ thuật này còn tốt và có thể bay, song chắc chắn là có 1/2 số máy bay có khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Hệ thống phòng không Libya do các chuyên gia Liên Xô xây dựng và khá mạnh, nhưng lạc hậu. Lực lượng tiến công chủ lực là 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-200VE có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 250 km.

Ngoài ra, còn có 3 lữ đoàn tên lửa phòng không S-125 và 5 lữ tên lửa phòng không quá lạc hậu S-75. Các hệ thống tên lửa phòng không cơ động bao gồm các loại Kvadrat, Osa và Strela của Liên Xô và Crotale của Pháp, tổng cộng có hơn 100 hệ thống.

Gaddafi không kịp chuẩn bị cho chiến tranh
Gần đây, quân đội Libya đã có kế hoạch hiện đại hóa mạnh vũ khí trang bị. Gaddafi muốn mua của Nga các hệ thống tên lửa phòng không Buk-М1-2E, Tor-М2E và kể cả S-300PMU-2.

Không quân Libya muốn mua tới 20 tiêm kích tối tân Su-35, máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130.

Lục quân Libya dự định hiện đại hóa các xe tăng Т-72М1 lên mức gần với tăng Т-90S, cũng như mua xe tăng Т-90SA. Họ cũng đã đặt hàng 3 tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya trang bị tên lửa Uran-E và dự kiến đặt mua 2 tàu ngầm Projekt 636М Kilo.

Nhưng cuộc bạo loạn và những biện pháp trừng phạt áp đặt sau khi cuộc bạo loạn nổ ra đã cản trở các kế hoạch này.

Lúc này, khi mà các cuộc không kích của kẻ thù đang đến gần, chắc ông Gaddafi phải hối tiếc về sự chậm trễ hiện đại hóa quân đội của ông.


(theo vietnamdefence news )

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang