Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Bình Nhưỡng

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bình Nhưỡng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bình Nhưỡng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

>> Hàn Quốc mua trực thăng theo dõi Triều Tiên



Chính phủ Hàn Quốc cho biết, nước này có kế hoạch mua 2 máy bay trực thăng trinh sát không người lái mang tên Camcopter S-100

Camcopter S-100 do Công ty Schiebel của Áo chế tạo, để tăng cường khả năng do thám tại vùng biển phía Tây, giáp với Triều Tiên.

Theo kế hoạch, 2 máy bay Camcopter S-100 sẽ được triển khai hoạt động gần với Đường biên giới phía Bắc NLL và trên biển Hoàng Hải để giám sát các hoạt động của Quân đội Triều Tiên.



Máy bay Camcopter S-100 là loại máy bay do thám mà Chính phủ Hàn Quốc đang quan tâm.


Đường biên giới phía Bắc NLL trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, được vạch ra bởi lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo, sau cuộc nội chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953. Triều Tiên không công nhận đường giới tuyến này và yêu cầu phải vẽ một đường ranh giới khác ăn sâu về phía Hàn Quốc.

Trực thăng Camcopter S-100 là loại máy bay do thám có trọng lượng cất cánh tối đa là 200 kg, máy bay có thể hoạt động liên tục trong 6 giờ với tốc độ tối đa lên tới 220 km/h, trần bay 5,5km.

Ngày 19/4, Cơ quan phụ trách các chương trình mua sắm của Hàn Quốc dự định khởi động việc đấu thầu mua máy bay chiến đấu thế hệ mới vào đầu năm 2012 và sẽ đưa ra kết quả ngay sau đó. Tổng giá trị của gói thầu là khoảng 9,1 tỷ USD.

Theo giai đoạn thứ ba của chương trình hiện đại Không quân Hàn Quốc FX-3, Seoul dự định mua 60 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình, được đưa vào thay thế các máy bay đã lạc hậu F-4E và F-5E/F F-4.


[BDV news]


Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

>> Triều Tiên nợ Hàn Quốc rất nhiều tiền



Theo thông tin xuất hiện hôm 19/4, CHDCND Triều Tiên đang nợ Hàn Quốc hơn 1 nghìn tỷ Won (hơn 1 tỷ USD) tiền thực phẩm và các khoản vay khác.

Triều Tiên phải bắt đầu thanh toán nợ từ tháng 6 năm tới nhưng do những khó khăn về kinh tế và mối quan hệ căng thẳng song phương, ít có khả năng Seoul sẽ nhận được tiền dù chỉ một xu.




Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, các chính quyền Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã cấp cho nước láng giềng phía bắc 2,4 triệu tấn gạo và 200.000 tấn ngô từ năm 2000 tới năm 2007 với điều kiện phải trả nợ trong vòng 20 năm, trong đó có 10 năm ân hạn ở mức lãi suất 1% hàng năm. Các khoản vay này lên tới 720,04 triệu USD, với tiền lãi lên tới 155,28 triệu USD.

Chính phủ Hàn quốc cũng chi 585,2 tỷ Won từ Quỹ Hợp tác Liên Triều để nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ thông biên giới từ năm 2002 tới năm 2008. Trong đó, 149,4 tỷ Won tiền vật liệu và thiết bị phục vụ xây dựng ở phía Triều Tiên cũng là các khoản vay phải trả với các điều kiện tương tự.

Bên cạnh đó, Seoul đã cấp cho Bình Nhưỡng 80 triệu USD tiền vật liệu thô cho sản xuất dệt may, giày dép và xà phòng trong năm 2007 và 2008. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng đã trả được 3% khoản vay bằng 1.005 tấn kẽm trị giá 2,4 triệu USD, còn lại 77,4 triệu USD.

Tổng số tiền của tất cả các khoản vay lên tới 1,02 nghìn tỷ Won và tổng nợ tính cả lãi là hơn 1,2 nghìn tỷ Won.

Đợt thanh toán đầu tiên 5,83 triệu USD tiền thực phẩm cấp từ tháng 10/2000 tới tháng 3/2001 sẽ được thực hiện vào ngày 7/6/2012. Theo một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, khoản này đã được tính vào kế hoạch tổng thu nhập của năm tới, với giả định nó sẽ được thanh toán.

Ngoài các khoản vay về thực phẩm và kinh tế, Hàn Quốc cũng cấp cho Triều Tiên 1,37 nghìn tỷ Won thông qua Tổ chức Phát triển Năng lượng bán đảo Triều Tiên (KEDO) từ năm 1998 tới 2006 để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ. Tiền này có được từ việc ban hành trái phiếu chính phủ.

Nhưng vì dự án KEDO bị hủy bỏ năm 2006, Seoul sẽ không có cách nào lấy lại số tiền đó. Và có vẻ tổng tiền này sẽ được xử lý như "những trái phiếu chính phủ không hoàn lại được" mà sẽ phải được bù đắp bằng tiền thuế.


[Vietnamnet news]


Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

>> Mỹ, Hàn sẵn sàng 'xử lý' Triều Tiên



[BDV news] Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẵn sàng bảo vệ Seoul trong trường hợp Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động khiêu khích, Tướng Walter của Mỹ cho hay.

Tướng Walter Sharp, lãnh đạo lực lượng liên quân Mỹ, Hàn khẳng định trước Thượng viện Mỹ rằng, giới chức quân sự của Washington và Seoul đang tích cực trau dồi "kỹ năng" để có thể sẵn sàng đáp trả cũng như chặn đứng mọi động thái “gây sự” của Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đang thảo luận đến mọi khả năng khiêu khích của Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng gây hấn, Seoul sẽ lập tức đáp trả để tự vệ bởi chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho mọi phương án”, ông Walter khẳng định.

Tướng Walter cũng nhấn mạnh, những cuộc tấn công mới đây của Triều Tiên đối với Hàn Quốc cũng như sự phát triển không ngừng trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ càng khiến cho liên minh giữa Washington và Seoul thêm gắn bó.

“Sự hợp tác chặt chẽ sẽ giúp liên minh Mỹ, Hàn có thể ngăn chặn một Triều Tiên hung hăng thích gây bất ổn cho khu vực và thế giới”, ông Walter quả quyết.



Mỹ, Hàn sẵn sàng đối phó Triều Tiên. Ảnh minh họa.


Bổ sung cho bài phát biểu của Tướng Walter, Ðô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Nhưỡng cho rằng, nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đang khiến quốc gia này trở thành một mối đe dọa thực sự.

“Tôi nhất trí với quan điểm rằng, Bình Nhưỡng đang trực tiếp đe dọa đến an ninh của Mỹ”, ông Willard nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang hướng tới khả năng tấn công mục tiêu xuyên lục địa.

Ðô đốc Willard khẳng định, cộng đồng quốc tế đang ngày càng mất kiên nhẫn với thái độ thù địch và bất thường của Triều Tiên. “Vấn đề quan trọng bây giờ là Trung Quốc cần nhận thức rõ về việc thế giới không còn có thể chịu đựng và bỏ qua cho các hành động của Triều Tiên”, ông Wilard tuyên bố.

Cũng theo quan chức này, chìa khóa để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như chặn đứng nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực là một cuộc đối thoại hiệu quả với Bắc Kinh.

Ông Willard cho rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc nên tập trung làm rõ vấn đề rằng, Hàn Quốc quá chán ngán với một Triều Tiên thích gây gổ.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi. Seoul giờ không còn nhường nhịn mà ngậm ngùi nhìn Bình Nhưỡng khiêu khích. Cộng đồng quốc tế cũng vậy. Tất cả đều đã mất kiên nhẫn với Triều Tiên. Chính vì vậy, Trung Quốc cần nhận thức rõ điều này để gia tăng ảnh hưởng đối với Triều Tiên trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn”, đô đốc khẳng định.


Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

>> Triều Tiên chuẩn bị tặng quà 'bất ngờ' cho Hàn Quốc?



[BDV news] Giới chuyên gia Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 nếu đàm phán liên Triều tiếp tục rơi vào bế tắc.

Theo những chuyên gia này, do bị “kìm kẹp” bởi hàng loạt lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế sau vụ chìm tàu chiến Cheonan và cuộc nã pháo lên hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc nên giờ Triều Tiên sử dụng đến chiến thuật “vừa đàm vừa đe”. Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi đàm phán của mình. Nếu lời kêu gọi đó không nhận được những hồi đáp mà Triều Tiên cho là thỏa đáng thì khả năng nước này sử dụng đến biện pháp mạnh tay hơn nhằm đe dọa cộng động quốc tế là rất cao.

“Triều Tiên sẽ tìm mọi cách nhằm tái khởi động các vòng đàm phán trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu quan hệ liên Triều không đạt được những bước tiến thiết thực và Mỹ không viện trợ lương thực thì Bình Nhưỡng sẽ sử dụng chiến lược ‘bên miệng hố chiến tranh’”, Yang Moo-jin, giáo sư tại ĐH Triều Tiên ở Thủ đô Seoul đánh giá.

Ông Yang nhấn mạnh, Triều Tiên có thể lại sử dụng các chiêu bài khiêu khích như tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân lần 3 hay gần hơn là các hành động chọc giận trên biển Hoàng Hải.

Thời gian gần đây Bình Nhưỡng liên tục gợi ý đến khả năng tiến hành các cuộc đàm phán mới với Seoul. Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định, nếu Triều Tiên không nhận trách nhiệm về vụ chìm tàu chiến và cuộc pháo kích hồi năm ngoái, đàm phán song phương “sẽ chẳng có nghĩa lý gì”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo, nếu Seoul tiếp tục lãng phí thời gian vào việc chờ đợi một lời xin lỗi chân thành thì Bình Nhưỡng sẽ mất kiên nhẫn mà “làm liều”.



Giới chuyên gia Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ có những hành động khiêu khích như vụ khai hỏa vào hòn đảo Yeonpyeong.


“Nhiều nguồn tin cho thấy, Triều Tiên vừa quyết định sẽ tái khởi động các nỗ lực khiêu chiến vào năm sau, thời điểm quốc gia này đặt mục tiêu trở thành một quốc gia giàu mạnh”, Park Hyeong-jung, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thống nhất liên Triều cho hay.

Tỏ ra bi quan hơn, một số chuyên gia còn cho rằng, Seoul nên chuẩn bị các phương án đối phó với những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

“Nhớ lại thời điểm trước khi xảy ra vụ chìm tàu chiến Cheonan, vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên đang chuẩn bị được tái khởi động. Sau đó, Bình Nhưỡng cũng nã pháo về phía đảo Yeonpyeong ngay trước khi Triều Tiên đưa ra tuyên bố về việc nối lại đàm phán liên Triều. Vì vậy, sự sốt sắng hiện giờ của Bình Nhưỡng trong việc tái khởi động đàm phán cũng đáng để cảnh giác. Chúng ta cần chuẩn bị tốt cho mọi tình huống”, Yoon Deok-min, chuyên gia tại Viện nghiên cứu đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh.

Những lo ngại của các chuyên gia Hàn Quốc không phải không có cơ sở. Triều Tiên hôm qua lên tiếng cảnh báo nước này sẽ nổ súng nếu các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn qua biên giới trong tuần này.

“Các binh lính Triều Tiên bảo vệ dọc toàn bộ biên giới với Hàn Quốc sẵn sàng nổ súng chống lại cái mà ông gọi là chiến tranh tâm lý liều lĩnh”, một quan chức Triều Tiên tuyên bố.

Ngoài ra, quan chức này cũng tố cáo quân đội Hàn Quốc đem “những tổ chức bảo thủ xấu xa” đến đảo biên giới cho một phần của chiến tranh tâm lý.

Hàn Quốc phải dừng ngay lập tức chiến thuật này nếu như nước này không muốn “nhận được bài học tương tự” như vụ pháo kích hồi tháng 11/2010, ông này khẳng định.


>> Người Hàn Quốc muốn có vũ khí hạt nhân



[ BDV news] Đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân hoặc triển khai lại các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 23/3.

Viện nghiên cứu chính sách ASAN đã tiến hành một cuộc khảo sát với người dân Hàn Quốc với hai ý tưởng được đưa ra: một là phát triển vũ khí hạt nhân trong nước, hai là triển khai lại các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ.

Kết quả cho thấy đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân trong nước thì có tới 68,6% người dân ủng hộ việc phát triển bom nguyên tử, 28,9% phản đối ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân và 2,5% còn lại không đưa ra ý kiến của mình.

Đối với việc triển khai lại các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ có 67,3% ủng hộ ý kiến này, 30,1% phản đối, và 2,6% không bình luận gì. Cuộc khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.000 người được mời tham gia trả lời.



Người dân Hàn Quốc mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân.

Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân nhưng một số chính trị gia bảo thủ đã kêu gọi một chương trình phát triển hạt nhân độc lập. Hay là tái triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ để đáp trả lại các hành động mà họ cho là khiêu khích của Triều Tiên.

Hiện tại, giới chức Hàn Quốc chưa có bình luận gì về kết quả của cuộc khảo sát này. Cuộc khảo sát này cũng không đại diện cho quan điểm của chính phủ Hàn Quốc về vấn đề vũ khí hạt nhân.

Quân đội Mỹ đã rút toàn bộ tên lửa hạt nhân chiến thuật ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 1991, khi hai miền Triều Tiên ký một thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong chuyến thăm Seoul vào ngày 2/3, ông Robert Einhorn - cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại Giao về vấn đề không phổ biến và quản lý vũ khí hạt nhân đã loại trừ khả năng tái triển khai các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Hàn Quốc.

Việc Bình Nhưỡng tiết lộ và cho các quan chức của Mỹ thăm nhà máy làm giàu Uranium của họ vào tháng 10/2010 đã làm dấy lên mối lo ngại về vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Bình Nhưỡng cho biết nhà máy làm giàu Uranium của họ để phục vụ cho mục đích hòa bình. Tuy nhiên các chuyên gia về hạt nhân cho biết, cơ sở này có thể gia tăng số lượng dự trữ plutonium để chế tạo bom nguyên tử.


Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

>> Tiềm lực quân sự của CHDCND Triều Tiên



Bấy lâu nay, Mỹ, Hàn Quốc và một số nước phương Tây luôn kêu gào về cái gọi là “sức mạnh quân sự của CHDCND Triều Tiên”. Điều đáng nói là cho đến nay rất ít thông tin được kiểm chứng xung quanh kho vũ khí của CHDCND Triều Tiên và tiềm lực quân sự của nước này hiện vẫn là điều bí ẩn.
Quân đội CHDCND Triều Tiên được thành lập ngày 8/2/1948 với 3 binh chủng Hải, Lục, Không quân. Theo sách trắng về quân sự năm 2006 của Hàn Quốc, việc phát triển vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của CHDCND Triều Tiên đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên có khoảng 3.700 xe tăng, 2.100 xe bọc thép, 4.800 bệ phóng tên lửa, 8.500 pháo tự hành 170 ly và 3.100 thiết bị vượt sông. CHDCND Triều Tiên có 9 sư đoàn thường trực, 4 sư đoàn cơ giới, 1 sư đoàn tăng, 1 sư đoàn pháo binh.

Lực lượng Không quân và Hải quân của CHDCND Triều Tiên không có gì đáng kể bởi trang thiết bị và vũ khí đều quá niên hạn sử dụng. Được biết, không quân có 30 máy bay ném bom và máy bay trinh sát, 510 máy bay vận tải bao gồm cả máy bay AN-2s và 310 chiếc trực thăng. Tuy nhiên, không quân phải huy động khoảng 30 chiếc máy bay chiến đấu trong tổng số 820 chiếc máy bay tiêm kích để tham gia tuần tiễu. Hải quân có khoảng 60 tàu ngầm, 420 tàu chiến, 260 tàu vận tải và 60 tàu khác cùng 2 sư đoàn đóng ở vùng biển phía đông và phía tây với 12 đội tàu chiến và 2 lữ đoàn bắn tỉa trên biển đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên còn sở hữu khoảng 2.500-5.000 tấn chất độc gây tê liệt hệ thần kinh, sát thương ngoài da, chất gây nôn và khí cay...

Tuy nhiên, giới quân sự trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm tới kho vũ khí hạt nhân cũng như các loại tên lửa khác của CHDCND Triều Tiên. Giới quân sự đều cho rằng, sau khoảng 30 năm phát triển, công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể.





Quân kỳ của quân đội CHDCND Triều Tiên

Scud - khởi nguồn của những vũ khí chiến lược
 Tuy tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo, có thể mang đầu đạn hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, nhưng sau khi được đưa tới sử dụng tại CHDCND Triều Tiên một thời gian, các nhà khoa học nước này đã nâng cấp và biến nó trở thành cơn ác mộng của những quốc gia hữu quan.

Theo giới truyền thông, mặc dù tiếp nhận tên lửa của Liên Xô từ năm 1969, nhưng những tên lửa Scud đầu tiên mà CHDCND Triều Tiên có được lại đến từ Ai Cập. Chính Ai Cập đã giúp CHDCND Triều Tiên nâng cấp, phát triển hệ thống tên lửa của mình. Đầu những năm 80, Ai Cập đã cung cấp cho CHDCND Triều Tiên một số tên lửa Scud-B của Liên Xô, có thể mang đầu đạn nặng tới 200kg cùng tầm bắn 300 km. Nhờ đó các nhà máy nghiên cứu, chế tạo tên lửa được xây dựng gần biên giới Trung Quốc đã sản xuất thành công loại tên lửa tự tạo đầu tiên được biết tới dưới tên gọi Hwasong-5 (năm 1984).

Ba năm sau (1987), CHDCND Triều Tiên đã ký với Iran một hợp đồng mua bán vũ khí với tổng trị giá 500 triệu USD, trong đó có khoảng 100 tên lửa Hwasong-5. Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất cũng từng mua 25 tên lửa Hwasong-5 cùng một số vũ khí khác của CHDCND Triều Tiên (năm 1989).

Giới chuyên môn cho rằng, CHDCND Triều Tiên đã phát triển hai phiên bản mới từ Scud-B thành Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6). Trong khi Scud-B chỉ bắn ở cự ly 300km thì Scud-C bắn được 500km, còn Scud-D có thể bắn mục tiêu cách xa 700 km. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên còn thử nghiệm loại tên lửa KN-02 có thể bắn tới những mục tiêu ở Hàn Quốc. Sau đó, CHDCND Triều Tiên còn phát triển Scud thành Nodong, Taepodong-1 và Taepodong-2.

Nodong - sự nâng cấp đáng tự hào
Giới quân sự từng cho rằng, tên lửa Taepodong-1 tuy bắn tới Nhật Bản, nhưng không nguy hiểm bằng loại tên lửa Nodong (Rodong). Với tầm bắn 2.000 km, các tên lửa Nodong có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản và bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.

Theo nghiên cứu của một trung tâm hạt nhân Mỹ, Nodong có độ chính xác không cao - sai số từ 2 km đến 4 km so với mục tiêu. Tuy bắn không chính xác nhưng Nodong luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản bởi quốc gia này nằm trọn trong phạm vi "phát huy hiệu quả" của tên lửa này. Nhiều chuyên gia quân sự của Nhật Bản từng khẳng định, các loại tên lửa của CHDCND Triều Tiên đủ sức tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ đặt trên lãnh thổ 2 quốc gia kể trên.

Kể từ khi CHDCND Triều Tiên bắn thử tên lửa Nodong có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (tháng 3/1993), loại vũ khí này nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trong kho vũ khí của nước này. Sau đó (tháng 3/1994), CHDCND Triều Tiên còn mời chuyên gia quân sự Iran và Pakistan tới quan sát vụ bắn thử tên lửa Nodong. Được biết, tên lửa Nodong có thể mang theo một đầu đạn nặng 1.200 kg cùng tầm bắn 1.300 km, hoặc một đầu đạn nặng 1.000kg với tầm bắn 1.500km. Có tin nói rằng, tên lửa Ghauri (còn gọi là Hatf-5) của Pakistan được nghiên cứu, chế tạo thành công sau khi mua tên lửa Nodong của CHDCND Triều Tiên.

Taepodong-1 - lời cảnh cáo đầu tiên

 Tháng 8/1998, CHDCND Triều Tiên đã khiến cả thế giới phải sửng sốt sau khi phóng thử tên lửa Taepodong-1 với tầm bắn 2.000 km. Taepodong-1 được phóng đi (31/8/1998) từ bãi thử Musudan-ni ở bờ biển phía bắc Hamgyong. Sau khi bay được 1.090 km, Taepodong-1 đã bị rơi xuống Thái Bình Dương. Taepodong-1 là loại tên lửa được chế tạo từ sự tổng hợp các thành phần của Nodong và Scud. Tuy có thể bắn xa, nhưng Taepodong-1 còn thiếu độ chính xác hơn cả Nodong.

Giới chuyên môn cho biết, để bắn Taepodong-1, người ta cần một vị trí cố định, cũng như thời gian chuẩn bị khá lâu và điều này dễ bị đối phương phát hiện. Vệ tinh do thám của Mỹ và Nhật Bản không bỏ sót bất cứ động thái nào trong suốt quá trình phóng thử Taepodong-1. Tình báo Mỹ cũng như Hàn Quốc đều cho rằng, trong khi triển khai tên lửa tầm ngắn Nodong và Scud, CHDCND Triều Tiên vẫn không ngừng phát triển loại tên lửa có thể bắn xa từ 4.000 km đến 6.000 km.

Taepodong-2 - sự hoàn thiện của răn đe

 Theo giới chuyên môn, Taepodong-2 có tầm bắn từ 5.000 km đến 6.000 km, dùng động cơ nhiên liệu lỏng làm tầng đẩy 1 và tên lửa Nodong làm tầng đẩy 2. Mỹ cho rằng, Taepodong-2 đã được phóng thử hồi tháng 7-2006, nhưng thất bại. Giới chuyên môn nghi ngờ độ chính xác của Taepodong-2 cũng như khả năng mang đầu đạn lớn của nó. Ngoài ra, Taepodong-2 cũng có nhược điểm giống Taepodong-1, đó là phải có hệ thống phóng cố định khi bắn.

Có người nói rằng, Taepodong-2 có thể bắn tới thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Sau Taepodong-2, CHDCND Triều Tiên đang nghiên cứu Taepodong-3 có khả năng mang được đầu đạn nặng từ 500 kg đến 1.000 kg với tầm bắn từ 10.000 km đến 12.000 km. Nếu Taepodong-3 được thử nghiệm thành công thì điều này có nghĩa, Mỹ cũng giống như Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm trong tầm bắn của tên lửa CHDCND Triều Tiên. Giới quân sự cho biết, rất khó xác định và phá hủy kho vũ khí của CHDCND Triều Tiên vì nó không nằm cố định với số lượng không nhất định.

Theo giới truyền thông, ngay từ đầu năm 1999, vệ tinh do thám Mỹ đã phát hiện ra sự chuẩn bị của CHDCND Triều Tiên để phóng Taepodong-2 bởi giàn đỡ Taepodong-1 được nâng từ 22 lên 33. Nhưng việc chuẩn bị này bị hoãn lại vào cuối năm 1999 và mãi tới năm 2005 các thông số kỹ thuật của Taepodong-2 mới xuất hiện (lần đầu tiên) cho dù CHDCND Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu loại tên lửa này từ năm 1990.

Những thông tin khó kiểm chứng

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từng cho rằng, CHDCND Triều Tiên sở hữu khoảng 600 tên lửa Scud và 100 tên lửa Nodong. Trong khi đó các nước phương Tây lại tuyên bố, CHDCND Triều Tiên sở hữu hơn 800 tên lửa đạn đạo các loại, trong đó bao gồm cả Taepodong-2. Nhưng theo thông tin của Mỹ thì CHDCND Triều Tiên sở hữu hơn 1.000 tên lửa Nodong và tên lửa Scud. Ngay từ năm 1965, Chủ tịch Kim Nhật Thành lúc đó đã cho thành lập Học viện Quân sự Hamhung để nghiên cứu công nghệ tên lửa nhằm sản xuất loại tên lửa có khả năng bắn tới Nhật Bản.

Giới truyền thông từng đưa tin, tướng Park Jae-kyung, tướng Hyun Chul-hee và tướng Lee Myong-su, 3 người thường xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Kim Jong-il là "cha đẻ" của chương trình hạt nhân và tên lửa tại CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, còn phải kể tới 2 nhà khoa học Do Sang-rok và Seo Sang-guk. Cả 2 nhà khoa học này đều từng giảng dạy tại Trường đại học Kim Nhật Thành cho dù họ hơn kém nhau tới 30 tuổi. Được biết, ông Do Sang-rok tuy sinh ra (năm 1903) tại CHDCND Triều Tiên nhưng lại trưởng thành ở Hàn Quốc sau đó quay trở lại CHDCND Triều Tiên từ năm 1946 và đã chết năm 1990.




Những vũ khí hiện đại của CHDCND Triều Tiên
Ông Do Sang-rok được cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Kim Jong-il đặc biệt coi trọng, quý mến. Còn ông Seo Sang-guk (sinh năm 1938) được coi là người đi đầu trong việc chế tạo bom hạt nhân và từng được Chủ tịch Kim Jong-il gửi quà cách đây 11 năm (1998) vì những cống hiến cho công cuộc phát triển khoa học quốc gia.

Tình báo Mỹ cho rằng, Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan, người vừa được Tòa án tối cao Pakistan trả tự do hôm 6/2/2009 là người đã cung cấp cho CHDCND Triều Tiên công nghệ uranium để đổi lấy công nghệ tên lửa vào năm 1997. Giới truyền thông cho rằng, ngay từ năm 1984 CHDCND Triều Tiên đã xây dựng 2 lò tinh chế plutonium tại Trung tâm Khoa học hạt nhân Yongbyon, cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc. 10 năm sau (1994), Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng đã có đủ nguyên liệu để chế tạo 10 quả bom plutonium

(ANTG)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang