Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Hồ sơ tàu ngầm Đông Bắc Á (kỳ 3)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

>> Hồ sơ tàu ngầm Đông Bắc Á (kỳ 3)



Sau khi chinh phục thế giới nguyên tử, các nước trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc không chần chừ đưa nguồn năng lượng này vào vận hành tàu ngầm, nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng dưới mặt biển.

>> Hồ sơ tàu ngầm Đông Bắc Á (kỳ 1)
>> Hồ sơ tàu ngầm Đông Bắc Á (kỳ 2)


http://nghiadx.blogspot.com

Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, Type 091 (lớp Hán).


Kỳ 3: Giấc mơ đại gia tàu ngầm

20 năm cho bước đi đầu

Tham vọng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc “nhen nhóm” từ cuối những năm 1950 nhưng nước này gặp không ít khó khăn về động lực hạt nhân, yếu tố kỹ thuật, tài chính… Đặc biệt, Trung Quốc đánh mất quan hệ tốt đẹp với Liên Xô nên kế hoạch đề ra bị đầy lùi hơn 10 năm. Năm 1965, lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc “bật đèn xanh” tái triển khai chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân. Nhóm nhà khoa học hạt nhân và quan chức cấp cao chính phủ đã được thành lập để chỉ đạo phát triển tàu ngầm hạt nhân. Một loạt các cở sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được huy động cho dự án này.

Năm 1968, việc đóng tàu ngầm tấn công chạy động cơ hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, Type 091 (lớp Hán) bắn đầu. Năm 1970, lò phản ứng chế tạo trên đất liền sẵn sàng được lắp vào tàu. Tháng 12/1970, tàu ngầm Type 091 hạ thủy và lò phản ứng kích hoạt tháng 7/1971. Quá trình chạy thử nghiệm bắt đầu tháng 8/1971 và đi vào phục vụ trong Hải quân Trung Quốc năm 1974. Trên thực tế, cho đến thời điểm đó Type 091 chỉ là tàu ngầm hạt nhân “vô dụng” bởi nó không có hệ thống vũ khí phù hợp và hệ thống điều khiển hỏa lực. Giữa những năm 1980, mối quan hệ Trung Quốc – phương Tây ấm dần, Trung Quốc mua được công nghệ lò phản ứng, thiết bị điều khiển hỏa lực, sonar từ Pháp. Nhờ vậy, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã có “hồn” hơn.

Nếu như Trung Quốc bỏ phí 20 năm cho tàu ngầm hạt nhân Type 091 với nhiều lỗi thiết kế thì với tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ hai Type 093 (lớp Tống), Trung Quốc chỉ mất nửa thời gian. Đó là nhờ vào sự giúp đỡ đắc lực của Cục thiết kế Rubin – cơ quan chuyên phát triển tàu ngầm Nga, khi quan hệ giữa 2 nước được cải thiện.

Công việc chế tạo Type 093 bắt đầu vào năm 1995 hoặc 1996 ở nhà máy Bột Hải (Bohai). Type 093 chính thức hạ thủy tháng 12/2002 và đi vào hoạt động trong Hải quân Trung Quốc tháng 12/2006. Có nguồn tin cho rằng Type 093 là thiết kế dựa trên tàu ngầm tấn công lớp Victor III của Nga, nhưng giới chức Trung Quốc luôn phản đối điều này. Dù sao, họ không thể phủ nhận việc nhiều công nghệ Nga đã được tích hợp vào Type 093. Nhờ đó, trong suốt quá trình phát triển Trung Quốc không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Có "danh" mà chưa có "tiếng"

Tương tự kế hoạch phát triển tàu ngầm tấn công chạy động cơ hạt nhân. Trung Quốc lên chương trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo từ cuối những năm 1950. Năm 1959, Trung Quốc mua được một tàu ngầm chạy động cơ diesel – điện trang bị tên lửa đạn đạo lớp Golf (project 629) của Liên Xô. Loại tàu này có lượng giãn nước 3.553 tấn mang được 3 ống phóng tên lửa đạn đạo R-11FM.

Trung Quốc không sử dụng lớp Golf để chiến đấu mà để thử nghiệm, đánh giá. Đặc biệt cho dự án phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-1 (Cự Lãng 1) và cũng có thể là dùng cho bắn thử JL-2 (Cự Lãng 2). Tháng 9/1970, Trung Quốc khởi công đóng tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đầu tiên mang tên Type 092 (lớp Hạ). Con tàu này được chế tạo gần với thời gian Trung Quốc đóng tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 091. Ở đây, thay vì phát triển thiết kế hoàn toàn mới, Trung Quốc quyết định sử dụng khung thân Type 091 để chế tạo, họ đã kéo dài thân tàu dành chỗ chứa cho tên lửa.

Cũng như Type 091, Type 093 cũng gặp phải vấn đề kỹ thuật và chính trị, phải đến năm 1981, Trung Quốc mới hạ thủy Type 093 (lớp Hạ) và đưa vào phục vụ trong hải quân (năm 1983) nhưng thiếu vũ khí chính là tên lửa đạn đạo JL-1, do không hoàn thành đúng như kế hoạch.

Phải tới cuối những năm 1980, tàu ngầm hạt nhân Type 093 (lớp Hạ) mới vận hành đầy đủ theo đúng thiết kế. Giai đoạn 1995-2001, Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa Type 092 (lớp Hạ) trang bị cho nó tên lửa đạn JL-1A có tầm bắn 2.500km tăng độ chính xác. Giống hệt giai đoạn phát triển tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân, việc chế tạo thế hệ hai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc cực kỳ suôn sẻ. Tất nhiên, Trung Quốc phải nhờ tới sự giúp đỡ từ cục thiết kế Rubin.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 (lớn Tấn) bắt đầu chế tạo năm 1999, hạ thủy tháng 7/2004. Type 094 có nhiều điểm tương đồng với tàu ngầm Type 093 (lớp Tống), điều đó cho thấy cả hai lớp tàu được chia sẻ từ một thiết kế cơ sở.Tuy nhiên, kể từ khi hạ thủy tới nay người ta chưa ghi nhận bất kỳ lần phóng thử tên lửa JL-2 nào từ tàu ngầm Type 094. Trong khi, Type 094 vẫn chưa đi vào vận hành đầy đủ trong Hải quân Trung Quốc, đã có tin Trung quốc phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096 (lớp Đường) có thể mang 24 tên lửa JL-2.

Giấc mơ không chỉ từ phim ảnh

Giống với Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ hạt nhân và không chịu những ràng buộc quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu nghĩ tới việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Năm 1999, ở Hàn Quốc xuất hiện bộ phim Yuryeong (có tên tiếng Anh là Phantom: The Submarine), nói về việc hải quân nước này vận hành một tàu ngầm hạt nhân. Ngay lập tức, bộ phim đã giành được 6 giải thưởng cao quý của điện ảnh Hàn Quốc.


http://nghiadx.blogspot.com

Giấc mơ tàu ngầm hạt nhân Hàn Quốc xuất hiện trên phim.



http://nghiadx.blogspot.com

Hình ảnh mô phỏng tàu ngầm Chang Bogo III được cho là tàu ngầm tấn công động lực hạt nhân đầu tiên của Hàn Quốc.


Tuy nhiên, đây không phải giấc mơ của riêng đạo diễn Byung-chun Min mà là một chiến lược của giới quân sự Hàn Quốc. Theo một số thông tin đăng trên tờ Choson Ilbo (tháng 1/2004), nhà báo Yu Yong-won đã tiết lộ lãnh đạo quốc phòng Hàn Quốc hoàn toàn nghiêm túc với ý tưởng sở hữu tàu ngầm nguyên tử. Tháng 8/2004, nhà báo Kim Yong-Sam tái khẳng định thông tin trên bằng một bài viết đăng trên tạp chí Wolgan Choson.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xúc tiến thiết kế mẫu tàu ngầm nguyên từ từ tháng 6/2003. Trên mạng Global Security cũng nhắc tới dự án chế tạo SSX-N của Hàn Quốc như là một tàu ngầm động lực hạt nhân. Nếu quả thực như vậy, thế độc tôn tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong khu vực sẽ bị phá vỡ. Tag: Hải quân các nước trên thế giới.

Tàu ngầm Type 091 (lớp Hán) thiết kế với kiểu dáng “giọt nước”, thân tàu bố trí làm 7 khoang kín nước. Tàu có lượng giãn nước 5.500 tấn (khi lặn). Vũ khí chính của tàu gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm (bắn ngư lôi Yu-3 có cự ly 15km) và tên lửa hành trình đối hạm YJ-8 (tầm bắn 40 km, đầu đạn nặng 165kg). Từ 1977-1990, Trung Quốc đóng liên tiếp 4 tàu Type 091 (đánh số hiệu 401-405). Đầu năm 2000, Trung Quốc cho nghỉ hưu 2 chiếc 401 và 402.

Tàu ngầm Type 093 (lớp Tống) có lượng giãn nước 6.000-7.000 tấn (khi lặn). Vũ khí của Type 093 gồm: 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm có thể đáp ứng yêu cầu bắn ngư lôi hoặc tên lửa hành trình đối hạm YJ-82.

Tàu ngầm Type 092 (lớp Hạ) có lượng giãn nước 6.500 tấn. Vũ khí chính gồm: 6 ống phóng lôi 533mm (12 quả Yu-3, tầm bắn 15km) và 12 tên lửa đạn đạo JL-1 (Cự lãng 1) với tầm bắn tối đa 2.150km, mang đầu đạn hạt nhân 25-50 kiloton. Tên lửa JL-1 được phóng lần đầu tiên từ tàu ngầm Type 092 tháng 9/1987.

Type 094 có lượng giãn nước 8.000-9.000 tấn, chiều dài toàn thân 133m. Tàu được vũ trang 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm (12 quả loại Yu-3 có tầm bắn 15km) và tên lửa đạn đạo JL-2 (Cự lãng 2) có tầm bắn lên tới 7.000-8.000km, mang đầu đạn hạt nhân cỡ 1.000 kiloton.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang