Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> CVS-401 Perseus - Tên lửa chống hạm hiện đại của Nato

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

>> CVS-401 Perseus - Tên lửa chống hạm hiện đại của Nato



Nhằm bắt kịp cuộc đua chế tạo tên lửa chống hạm siêu âm của Nga, tập đoàn MBDA cùng với Hải quân Anh và Pháp đã phát triển tên lửa chống hạm hiện đại CVS-401 Perseus.


http://nghiadx.blogspot.com

Mô hình tên lửa chống hạm CVS-401 Perseus tại triển lãm hàng không Paris 2011.


Trong lĩnh vực tên lửa chống hạm, tên lửa Exocet của tập đoàn nghiên cứu chế tạo tên lửa MBDA là niềm tự hào của nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Loại tên lửa này đã rất nổi tiếng với nhiều thành tích trên chiến trường như đánh chìm khu trục hạm HMS Sheffield và đánh bị thương nặng chiến hạm HMS Glamorgan của hải quân Anh trong chiến tranh đảo Falkland; đánh bị thương nặng hộ vệ hạm USS Stark trong chiến tranh Iran-Iraq.

Tuy nhiên, dưới áp lực hiện đại hóa của hải quân trên thế giới, Exocet đã dần dần trở nên lạc hậu khi so với các loại tên lửa chống hạm siêu âm tân tiến như Klub hay Yakhont của Nga.

Chính vì vậy, với sự hợp tác của Anh và Pháp, tập đoàn MBDA đã sẵn sàng cho ra đời phiên bản tên lửa chống hạm mới thay thế Exocet: CVS-401 Perseus.

Tập hợp mọi tinh hoa khoa học của hai cường quốc hải quân châu Âu, Perseus là loại tên lửa chống hạm rất cơ động, cấu tạo từ các mô đun có thể thay đổi dễ dàng tùy thuộc nhiệm vụ, có tầm bắn xa, tốc độ hành trình siêu âm và có thể phóng được từ các bệ phóng trên tầu ngầm, tầu nổi hay trên mặt đất.

Nhằm cho phép Perseus có thể dễ dàng lắp đặt trên các máy bay hiện nay, tên lửa sẽ có kích cỡ tương tự tên lửa Exocet với chiều dài 5 mét và có khối lượng phóng chỉ nằm ở mức 800 kg.

Động cơ đẩy của Perseus là loại động cơ ramjet được áp dụng công nghệ mới nhất CDWE (Continous Detonation Wave Engine), tức nhiên liệu và chất oxy hóa sẽ được trộn với nhau từng đợt liên tiếp nhờ sóng xung kích.

Cấu tạo động cơ này giúp đơn giản hóa cấu tạo động cơ, loại bỏ các cánh nén nhiên liệu giúp giảm kích cỡ động cơ. Đồng thời, công nghệ CDWE cũng giúp giảm khả năng nhiên liệu bị bắt cháy trước buồng đốt.


http://nghiadx.blogspot.com

Sơ đồ cấu tạo công nghệ phun nhiên liệu tiên tiến CDWE được áp dụng cho tên lửa Perseus.

Hình dạng đặc biệt của Perseus không những đảm bảo yêu cầu khí động học mà còn làm tiết diện phản xạ radar của tên lửa, khiến nó khó bị đánh chặn hơn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cực gần (CIWS) trên tầu.

Ngoài ra, với các cảm biến trên thân, Perseus có khả năng phát hiện cả những tên lửa đánh chặn đang hướng tới nó và né tránh với khả năng cơ động rất cao.

Không thua kém những tên lửa chống hạm siêu âm Nga đứng đầu thị trường vũ khí hiện nay là Klub và Yakhont, Perseus có tầm bắn 300km với tốc độ hành trình 1.020m/giây (Mach 3) ở độ cao lớn và 680m/giây (Mach 2) ở sát mặt biển.

Trong khi đó, tên lửa Yakhont có tầm bắn 300 km với tốc độ hành trình 850m/giây (Mach 2,5); tên lửa 3M54E Klub có tầm bắn 300 km với tốc độ hành trình pha cuối đạt 987m/giây (Mach 2,9).


http://nghiadx.blogspot.com

Perseus được trang bị một đầu đạn chính nặng 200 kg cùng hai đầu đạn phụ, mỗi đầu đạn nặng 40 kg để có thể ứng phó linh hoạt với nhiều loại mục tiêu.


Một điểm không kém phần thú vị là cấu tạo đầu đạn của Perseus.

Tên lửa này được trang bị một đầu đạn chính loại nổ lõm nặng 200 kg và hai đầu đạn phụ, mỗi đầu đạn nặng 40 kg có khả năng tách rời tên lửa chính ở pha cuối để tấn công nhiều mục tiêu hay nằm yên tại tên lửa để gia tăng sức công phá khi đánh phá các mục tiêu lớn.





Khối lượng đầu đạn này là tương đương với đầu đạn tên lửa Yakhont (nặng 300 kg) và nhỏ hơn đầu đạn tên lửa 3M54E Club một chút (400 kg), tuy nhiên Perseus lại gọn nhẹ hơn rất nhiều hai loại tên lửa trên. Khối lượng phóng của Perseus chỉ bằng một phần tư Yakhont (3.000 kg) hay một phần ba 3M54E Klub (2.300 kg).

Đây là ưu thế rất lớn nếu sử dụng tên lửa phóng đi từ máy bay. Khi đó một máy bay chiến đấu có trọng tải 8 tấn có khả năng mang theo đến 10 tên lửa Perseus thay cho con số hai tên lửa Yakhont hay ba tên lửa Klub.

Đầu dò của Perseus bao gồm nhiều bộ phận với các mục đích khác nhau. Các bộ phận này bao gồm hệ thống thám trắc địa hình bằng laser LADAR, radar AESA để phát hiện và bắt bám mục tiêu cùng đầu dò laser bán chủ động để tấn công các mục tiêu đã được chỉ điểm laser trên mặt đất.

Vào thời điểm này, mặc dù công việc phát triển CVS-401 Perseus vẫn chưa hoàn thành, tuy nhiên chủ nhiệm chương trình phát triển tên lửa, ông Lionel Mazenq cho biết Perseus sẽ được đưa vào phục vụ trong tương lai gần và nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ tên lửa chống hạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang