Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Hải quân Iran có thực sự mạnh?

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

>> Hải quân Iran có thực sự mạnh?



Vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn chủ quan và khả năng thực tế của Iran, do vậy, sức mạnh thực sự của hải quân Iran vẫn là một dấu hỏi đối với giới quan sát.

Tuyên bố về việc phá vỡ âm mưu bắt cóc của cướp biển Somali ở ngoài khơi bờ biển Yemen của Iran ngày 9/10 được giới thiệu như minh chứng về khả năng hải quân nước này có thể bảo vệ tàu chở hàng trên vùng biển xa.

Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính phủ Tehran tiết lộ đã điều động tàu hải quân và tàu ngầm tới Biển Đỏ để tham gia “cuộc hành quân đầu tiên của hải quân Iran tại khu vực biển xa”.

Tính toán của Iran

Ý định của Tehran là tăng cường tiềm lực hải quân để mở rộng sự hiện diện tại các vùng biển khu vực và biển xa. Từ đó gây sự chú ý của các cường quốc khu vực về sự mở rộng ảnh hưởng của Iran, giảm sự hiện diện của quân Mỹ tại các vùng biển quanh khu vực Tây Nam Á.

Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali bày tỏ: “Thời kỳ mà các cường quốc bá quyền quyết định số phận của các quốc gia khác bằng sự hiện diện quân sự đã chấm dứt”. “Iran không lùi bước và sẽ đẩy lùi bất cứ cường quốc quân sự, chính trị nào”.

Sự hiện diện của tàu Mỹ và châu Âu tại vịnh Ba Tư “có hại và tuỳ tiện”. Các vùng biển trong khu vực không phải là khu vực phụ thuộc “do sự hiện diện mạnh mẽ của Iran”.

Những con tàu tới Đại Tây Dương

Người Iran nhấn mạnh thông điệp nói trên bằng cách phô diễn tên lửa hành trình mới và ngư lôi. Tư lệnh hải quân Iran tuyên bố sẽ cử tàu đến Đại Tây Dương khi cần và duy trì hiện diện liên tục tại các vùng biển Địa Trung Hải, kênh đào Suez và Ấn Độ Dương.

Tuy vậy, các nhà phân tích vẫn hoài nghi về điều này. Bởi sức mạnh hiện thời của Hải quân Iran không thể đáp ứng được những tham vọng đó.

Hầu hết tàu hải quân đã có hơn 40 năm sử dụng và Tehran đang phải nỗ lực để duy trì hoạt động của chúng. Vài năm qua chỉ bổ sung thêm một tàu khu trục được chế tạo trong nước và 3 tàu ngầm do Nga chế tạo.

Mục đích thực sự trong chiến lược mới của Tehran là về chính trị hơn là quân sự. Iran đang cố gắng tận dụng những gì mà nước này cho rằng sẽ giúp làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.

Theo đó, những nhân tố đó gồm nỗ lực bất thành của NATO nhằm bình định Afghanistan, kế hoạch rút quân khỏi Iraq sắp tới của Mỹ, ảnh hưởng gia tăng của các đảng chính trị thân Iran ở Baghdad, ảnh hưởng ngày càng tăng của Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon...

Tehran đang tận dụng để cố gắng thúc đẩy hợp tác khu vực với việc thành lập một hệ thống an ninh mà không có sự tham gia của Hải quân Mỹ tại vịnh Ba Tư và các vùng biển tiếp giáp.


http://nghiadx.blogspot.com
Sức mạnh thực sự của Hải quân Iran còn là một dấu hỏi.


Tuy nhiên, theo giám đốc chương trình nghiên cứu Iran tại trung tâm phân tích hải quân ở Washington, Michael Connell, điều này nói dễ hơn làm.

“Iran mong muốn các nước Arab sẽ “đón nhận” Iran cũng như tham gia vào một số dàn xếp về an ninh”. “Nhưng các nước Arab không có “mong muốn” như vậy, đặc biệt là các nước vùng Vịnh. Lý do là sự hiện diện Mỹ tại đây, các nước Arab ở vùng Vịnh thấy rằng cán cân quyền lực khu vực sẽ thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho họ nhưng lại thuận lợi cho Iran nếu không có sự hiện diện của Mỹ. Vì vậy, Mỹ hiện giữ vai trò là người đảm bảo về an ninh”.

Sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ

Các nhà phân tích khác cho rằng mối quan tâm chung về tham vọng hạt nhân của Iran dẫn tới sự xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm các nước Arab tiếp giáp với Iran.

Nếu như vậy, những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Iran và tình trạng không rõ ràng tại vành đai Arab vẫn hiện hữu thì có thể xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi Mỹ hiện diện mạnh mẽ hơn tại vịnh Ba Tư.

Những chỉ trích của Tehran về sự can thiệp của GCC chống lại các cuộc biểu tình mà người Shiite chiếm đa số tại Bahrain đầu năm 2011 đã làm các nước láng giềng Arab ít có “thiện cảm” với Iran, một số nước cáo buộc Tehran tiếp tay cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở đó.

“Nhìn chung, trừ khi có thay đổi chính trị quan trọng ở một nước nào đó, chiều hướng chung sẽ là quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ và tăng cường sự can dự về an ninh của Mỹ trong khu vực”, ông Michael Eisenstadt, Viện chính sách Cận Đông Washington lập luận.

Một vài cuộc tập trận của hải quân Iran dường như có mục đích thắt chặt mối quan hệ ngoại giao hơn là củng cố sức mạnh quân sự. Tháng 2/1011, 2 tàu hải quân Iran đã cập cảng Latakia của Syria nhằm thúc đẩy quan hệ của Tehran với một trong các đồng minh thân cận nhất tại khu vực. Connell cho rằng các chuyến thăm này được tính toán để phô trương thanh thế của Iran.

“Tuyên truyền là chủ yếu”

Các chuyến thăm cảng là một phần trong nỗ lực của Tehran nhằm “hỗ trợ để tường thuật Iran như là một cường quốc đang trỗi dậy”, học giả Eisenstadt bày tỏ.

“Đây là các chuyến thăm ngắn hạn chỉ với một vài con tàu dễ bị tổn thương trong trường hợp nổ ra đối đầu quân sự”. “Vì vậy, động thái này có mục đích chủ yếu là: tuyên truyền, phô trương sức mạnh để tạo ra hình ảnh Iran là một cường quốc đang nổi lên; thu thập thông tin tình báo; và huấn luyện các đơn vị hải quân hoạt động ở xa các khu vực truyền thống.

“Tuy nhiên, để hoạt động xa bờ một cách vững chắc thì còn mất nhiều thời gian. Do vậy, những sự triển khai này nhằm xây dựng hình ảnh hơn là thể hiện khả năng thực chất”.

Rõ ràng giữa mong muốn chủ quan và khả năng thực tế của Iran vẫn còn một khoảng cách lớn. Việc mở rộng phạm vi hoạt động tới Đại Tây Dương vượt quá khả năng của Tehran, “ít nhất là trong tương lai gần”. Sự phát triển về quân sự của Iran đã được phóng đại quá mức, ông Connell nhận định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang