Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Bộ Quốc phòng Đài Loan

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bộ Quốc phòng Đài Loan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bộ Quốc phòng Đài Loan. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

>> Mỹ có thể nâng cấp F-16 cho Đài Loan




Hôm 3/7, một nhà lập pháp Đài Loan tiết lộ Mỹ sẽ giúp Đài Loan nâng cấp máy bay F-16A/B hiện tại hơn là việc cho phép Đài Loan mua F-16C/D tiên tiến.

Theo các chuyên gia phân tích, thì việc chuyển sang hình thức nâng cấp F-16A/B sẽ tốt hơn là Mỹ bán F-16C/D hiện đại cho Đài Loan chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc.

“Đây là thỏa thuận mang tính thỏa hiệp,” ông Lâm Ngọc Phương, thành viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đài Loan nói. Ông Lâm cũng là người mà trong hai năm qua đã tới Mỹ để thảo luận các vấn đề mua bán vũ khí.

Chính quyền Đài Loan liên tục đề nghị với phía Mỹ đề nghị bán chiến đấu cơ đa năng F-16C/D tiên tiến nhằm đối phó với sức mạnh quân sự Trung Quốc tăng một cách nhanh chóng.

Nhưng việc này chắc chắn gây ra sự tức giận đối với Trung Quốc, điển hành là vụ việc tháng 1/2010 khi chính quyền Obama tuyên bố cung cấp gói vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD gồm: hệ thống tên lửa Patriot, trực thăng Black Hawk và chiến đấu cơ F-16. Điều này ngay lập tức làm cho chính quyền Trung Quốc giận dữ.



Chiến đấu cơ F-16A/B gói 20 của Đài Loan rất có thể sẽ được Mỹ nâng cấp lên chuẩn mới.


Trong tháng trước, các nhà lập pháp Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama thông qua việc bán F-16 cho Đài Loan. Đồng thời, họ cũng cáo buộc chính quyền ngày càng hy sinh lợi ích đồng minh để "vuốt ve" Trung Quốc.

“Dự kiến, chính phủ Mỹ sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc này trong vòng vài tháng tới. Chính quyền Tổng thống Obama chắc chắn không muốn thấy hợp đồng mua bán vũ khí này trở thành vấn đề trong cuộc vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2,” ông Lâm cho biết.

Hôm 30/6, Đài Loan chính thức giới thiệu biến thể nâng cấp mới của chiến đấu cơ nội địa Kinh Quốc F-CK-1. Đây là cứu cánh tạm thời cho Đài Loan trong điều kiện F-16C/D có thể không bao giờ được Mỹ đáp ứng.

Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên làm Tổng thống Đài Loan năm 2008 thì mối quan hệ Trung – Đài cải thiện khá nhiều. Mặc dù vây, chính quyền Đài Loan vẫn nhiều lần "nài nỉ" Mỹ bán F-16 với lý do là tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo này.

Hiện nay, Không quân Đài Loan đang sở hữu khoảng 145 chiếc F-16A/B gói 20. Biến thể F-16 này tích hợp radar xung – doppler AN/APG-66, lắp động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Pratt & Whitney F100-PW-200.

Hệ thống vũ khí của F-16A/B gói 20 có thể mang tên lửa chống radar AGM-45 hoặc AGM-88, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon. Hệ thống điện tử của F-16A/B gói 20 dành cho Đài Loan mạnh hơn, tốt hơn các gói 1/5/15 thuộc biến thể F-16A/B.

[BDV news]


Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

>> Đài Loan sẽ triển khai tàu mang tên lửa tại Trường Sa



Ngày 12/6, một phát ngôn viên quân sự Đài Loan cho biết, quân đội nước này có kế hoạch sẽ triển khai các tàu chiến mang tên lửa tại Biển Đông và xe tăng trên các hòn đảo đang tranh chấp khi căng thẳng đang leo thang tại khu vực.




Tàu chiến lớp Seagull của Đài Loan


Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay, họ lo ngại lực lượng bảo vệ bờ biển của họ hiện đang đóng quân tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và Quần đảo Đông Sa (Pratas), đang tranh chấp với Trung Quốc, có thể không được trang bị đủ mạnh để đối phó với các cuộc xung đột có thể xảy ra.

"Hiện tại, các lực lượng bảo vệ bờ biển ở Trường Sa và Đông Sa chỉ được trang bị các loại vũ khí hạng nhẹ," phát ngôn viên Bộ quốc phòng Đài Loan David Lo nói với hãng thông tấn AFP.

"Các tàu mang tên lửa và xe tăng là một lựa chọn mà chúng tôi cung cấp cho các lực lượng bảo vệ bờ biển," ông tiết lộ nhưng không nói rõ số lượng tàu. Ông cho biết thêm rằng lực lượng bảo vệ bờ biển vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, sự hiện diện của các tàu chiến mang tên lửa sẽ là sự răn đe trên vùng biển này.

Mỗi chiếc tàu chiến lớp Seagull 47 tấn của Đài Loan được trang bị hai quả tên lửa Hsiungfeng I, loại vũ khí hạm đối hạm có tầm bắn khoảng 40 km (24 dặm).

Tuyên bố trên diễn ra khi Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú và liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và Philippines, sau nhiều năm tương đối im lặng.

Hôm 11/6, Đài Loan đã nhắc lại tuyên bố chủ quyền của họ đối với Quần đảo Trường Sa, cùng với 3 nhóm đảo khác trên Biển Đông.

Xét cả về lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế, cả Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đều thuộc chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ giữa thế kỷ trước, còn Quần đảo Trường Sa cũng đang bị Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei tranh chấp và tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần quần đảo. Trong số các nước trên, chỉ có Brunei là không có sự hiện diện quân sự tại khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn này.

Hiện tại, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan có 130 binh lính đang đồn trú tại đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất tại Quần đảo Trường Sa. Đài Loan đã xây dựng một đường băng tại đây để tiếp tế hậu cần được thuận lợi.

Hồi tháng 4, Quân đội Philippines cũng đã tuyên bố kế hoạch sử dụng một chiếc tàu chiến mua của Mỹ để tăng cường tuần tra tại vùng biển tranh chấp này, sau khi một chiếc tàu thăm dò dầu khí của chính phủ Philippines bị các tàu tuần tra của Trung Quốc quấy rối tại khu vực mà Philippines cho là thuộc chủ quyền của họ.


[BDV news]



Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

>> Thượng viện Mỹ 'bật đèn xanh' cho Đài Loan mua F-16



Gần 50% các Thượng nghị sỹ của Thượng viện Mỹ đồng ý bán thêm máy bay chiến đấu F-16 mới cho Đài Loan.

Các Thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng, nếu không bán thêm các máy bay chiến đấu F-16 mới cho Đài Loan, hòn đảo này sẽ mất dần khả năng tự vệ trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.

Tại một buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thương mại Gary Locke làm đại sứ tại Trung Quốc, Thượng nghị sỹ Robert Menendez cho biết, 40 thành viên của Thượng viện sẽ gửi một lá thư cho Tổng thống Obama thúc giục bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan.

Ông Menendez cho biết rất quan tâm đến tốc độ chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc, Mỹ cần đưa ra một quyết định về việc bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan. “Nếu chúng ta rời bỏ Đài Loan, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình” Thượng nghị sỹ Menendez nói.

Rất hiếm khi cùng một lúc có nhiều nhà lập pháp gửi thư cho Tổng thống, do đó, Thượng nghị sỹ Menendez hy vọng rằng Bộ trưởng Locke sẽ ủng hộ việc bán F-16 cho Đài Loan.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Gary Locke cho biết: “Mỹ đứng bên cạnh Đài Loan để đảm bảo rằng họ có thể bảo vệ mình và khả năng tự vệ của họ sẽ không bị sói mòn”.

Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời, mọi khả năng đều được đặt ra, ngay cả một chiến dịch quân sự để thu phục hòn đảo này.



Đài Loan vẫn đang mong muốn sở hữu thêm các máy bay chiến đấu F-16 mới, nhằm duy trì khả năng tự vệ.

Mỹ đã thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979, cùng với thời điểm đó Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan. Trong đó, có điều khoản yêu cầu chính quyền cung cấp vũ khí để đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Bắc.

Năm 2010, Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Patriot, trực thăng Black Hawk, nhưng không có các máy bay chiến đấu F-16 mới. Hợp đồng này đã khiến Bắc Kinh tức giận, sau đó, quan hệ ngoại giao quân sự giữa đôi bên bị cắt đứt suốt năm 2010.

Dù quan hệ ngoại giao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang có những cải thiện rõ rệt, song Tổng thống Mã Anh Cữu vần nhiều lần yêu cầu Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 mới, thậm chí là cả tàu ngầm.

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Gates đến Bắc Kinh đầu năm 2011, các nhà phân tích chính trị cho rằng, nhiều khả năng Đài Bắc sẽ không còn cơ hội để sở hữu thêm các máy bay chiến đấu F-16 mới.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang đi theo chiều hướng ngược lại, kể từ sau chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bình Đức đến Mỹ. Đặc biệt sau những lời phát biểu của ông tại đây.

Như vậy, với việc đa số các Thượng nghị sỹ trong Thượng viện Mỹ “bật đèn xanh” bán F-16 cho Đài Loan, Đài Bắc đang đứng trước cơ hội hiến có để sở hữu thêm các máy bay chiến đấu mới. Nếu điều này được thông qua, Washington sẽ phải đối mặt thái độ của Bắc Kinh.
[BDV news]


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc khoe Thi Lang, Đài Loan khoe Hùng Phong



Đài Loan đã triển khai tên lửa siêu âm mới trên các tàu chiến của nước này để đáp trả việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh hải quân.



Tên lửa Hùng Phong III.


Giới chức quân sự Đài Loan cũng đang cân nhắc triển khai tên lửa Hùng Phong III - loại tên lửa siêu âm đầu tiên được phát triển trong nước - trên các dàn phóng di động, ông Lin Yu-fang, đảng viên Quốc dân Đảng Đài Loan dẫn lời Phó Đô đốc Lee Hao. "Một vài kiểu tàu chiến của chúng tôi đã được trang bị tên lửa Hùng Phong III", ông Lin tuyên bố.

Hiện chưa rõ bao nhiêu tên lửa Hùng Phong III sẽ được lắp đặt, tuy nhiên theo ông Lin, 8 tàu hộ tống lớp Perry và 7 tàu tuần tra sẽ được lắp đặt loại tên lửa này.

Tên lửa Hùng Phong III là kết quả của một dự án trị giá 413 triệu USD. Các chuyên gia cho biết Hùng Phong 3 có thể đạt vận tốc Mach 2, có tầm bắn lên tới 128km và rất khó bị tiêu diệt.

Bộ Quốc phòng Đài Loan gần đây đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh hải quân, mới đây nhất là việc "khoe" hàng không mẫu hạm tân trang Varyag từ Ukraine.

Ông Tsai Teh-sheng, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, phỏng đoán Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu sân bay loại máy bay chiến đấu nội địa nhái theo máy bay Su-33 của Nga và sẽ bắt đầu cho vận hành tàu sân bay trong năm nay.

Đài Loan đã công bố kế hoạch phát triển tàu chiến tàng hình thế hệ mới trang bị tên lửa dẫn đường như một động thái đáp trả, các quan chức Quốc phòng nước này cho biết.

[BDV news]


Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

>> Đài Loan phát triển kinh hạm mới



Đài Loan đang có kế hoạch phát triển kinh hạm tàng hình mới, có thể mang tên lửa có điều khiển Hùng Phong III.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Đài Loan đã cho biết về kế hoạch phát triển kinh hạm tàng hình mới này nhằm đối phó với những nguy cơ mới đối với an ninh quốc gia của Đài Loan.

Theo thông tin được tiết lộ, thiết kế của kinh hạm tàng hình mới có lượng giãn nước khoảng 500 tấn. Việc xây dựng nguyên mẫu đầu tiên sẽ được bắt đầu vào năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Lâm Ngọc Bảo, đã cho biết như vậy trong phiên trả lời các chất vấn của các nhà lập pháp Quốc Dân Đảng.

Kinh hạm mới sẽ được thiết kế theo công nghệ hiện đại, khó bị phát hiện bằng radar từ xa (tàng hình), được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh, tầm xa.

Kinh hạm mới sẽ được trang bị tổ hợp 8 tên lửa chống hạm Hùng Phong III. Đây là loại tên lửa chống hạm được thiết kế theo công nghệ hiện đại, tên lửa có tốc độ lên đến Mach 2, tầm bắn đến 300km. Tên lửa này có hình dáng khí động học tương tự như tên lửa P-270Moskit (SS-N-22 Sunburn) của Nga.



Tên lửa Hùng Phong III được giới thiệu vào năm 2008 Ảnh: Taiwan air Power


Theo một tin tức được đăng tải bởi Liberty Times, tên lửa chống hạm Hùng Phong III đã trải qua giai đoạn phát triển ban đầu. Tuy nhiên, đặc tính kỹ thuật, cơ chế dẫn đường của tên lửa được bảo mật thông tin rất chặt chẽ.

Các thử nghiệm đã được tiến hành thành công, các chuyên gia quân sự cho rằng Hùng Phong III được thiết kế để làm đối trọng với loại tên lửa chống hạm siêu âm P-270 Moskit SS-N-22 Sunburn của Nga đang có mặt trong khu vực.

Hiện tại tên lửa này đang được sản xuất thử nghiệm trước khi được phê duyệt cho sản xuất loạt.

Các nhà phân tích quân sự nhận định, việc phát triển kinh hạm tàng hình mới được trang bị tổ hợp tên lửa chống hạm hiện đại, nhằm làm đối trọng với sự xuất hiện của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang