Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: tàu khu trục

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn tàu khu trục. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tàu khu trục. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

>> Tàu quân sự Mỹ thăm cảng Vladivostok của Nga




Tàu khu trục của Mỹ bắt đầu chuyến thăm cảng Vladivostok của Nga từ ngày 2/7. Đây là một dấu hiệu thể hiện mối quan hệ đang “ấm dần” của hai cường quốc quân sự.


“Chuyến thăm của tàu USS Ford (FFG-54) – tàu khu trục lớp Oliver Perry diễn ra trùng với lễ kỷ niệm 151 năm thành lập thành phố Vladivostok vào ngày 2/7 và quốc khánh Mỹ vào ngày 4/7”, người phát ngôn của phái đoàn Mỹ tại Viễn Đông cho biết.


Tàu khu trục USS Ford có chuyến thăm tới Vladivostok từ ngày 2/7 tới 5/7.


Chuyến thăm kéo dài từ ngày 2-5/7, thủy thủ đoàn của Mỹ sẽ giao lưu với binh lính thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga và tham gia vào nhiều hoạt động thể thao và văn hóa. Thủy thủ của tàu USS Ford cũng tổ chức khám và chẩn đoán bệnh cho trẻ em Nga ngay trên tàu khu trục này.

Những chuyến thăm và giao lưu của hải quân Nga và Mỹ trong thời gian qua đã chứng tỏ sự ấm lên trong quan hệ của hai cường quốc.


Tàu mang tên lửa Varyag thăm cảng San Francisco hồi năm 2010.


Năm 2010, tàu phóng tên lửa Varyag của Nga cũng đã tới cảng San Francisco và trở thành tàu chiến đầu tiên của Nga tới thành phố này sau 147 năm.

Cùng lúc đó, một tàu quét ngư lôi và tàu khu trục Mỹ cũng tổ chức ăn mừng ngày thành lập hải quân Nga tại Vladivostok.

Theo kế hoạch, nhiều tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp tục tới thành phố cảng Murmansk và Vladivostok của Nga trong năm 2011.

[BDV news]


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

>> Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc





Nếu Đông Hải là hạm đội mạnh nhất thì Nam Hải SSF lại là hạm đội được ưu tiên trang bị nhiều tàu chiến mới nhất của Hải quân Trung Quốc.


Nam Hải là 1 trong 3 hạm đội thuộc Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLAN. Thành lập vào tháng 9/1950, PLAN ra đời sau ngày thành lập nước Trung Quốc mới gần 1 năm (1/10/1949).

Được giao nhiệm vụ phụ trách vùng biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), hạm đội Nam Hải là lực lượng chủ đạo trong việc bảo vệ lợi ích và đòi hỏi các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.

Trong lịch sử, hạm đội Nam Hải chính là lực lượng đã đánh chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa và một số đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Lực lượng tàu tuần tra thuộc Cơ quan Hải giám Trung Quốc, có hạm đội Nam Hải "đứng sau" chính là lực lượng đang gây ra những căng thẳng, tạo tâm lý lo lắng cho các nước trong khu vực trên biển Đông.

Thời gian gần đây, hạm đội Nam Hải lại là lực lượng được nhận nhiều tàu chiến mặt nước mới nhất do công nghiệp đóng tàu Trung Quốc sản xuất.

Toàn bộ các tàu khu trục có tên lửa mới nhất loại Type-052C đều được biên chế về hạm đội Nam Hải. Tàu khu trục nhỏ mới nhất loại Type-054A/D cũng được ưu tiên cho hạm đội này. Trong tổng số 11 chiếc tàu khu trục nhỏ Type-054 mới có đến 8 chiếc được điều động biên chế cho hạm đội Nam Hải.

Loại tàu đổ bộ mới nhất, lớp Ngọc Chiêu, của công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cũng được giao cho hạm đội Nam Hải. Không những thế, hạm đội Nam Hải còn "giúp đỡ" một đội tàu tuần tra hùng hậu thuộc lực lượng hải giám Trung Quốc.

Điều đó cho thấy, Trung Quốc coi biển Đông là một trong những địa bàn tối quan trọng trong chiến lược hướng ra biển lớn. Có ý kiến cho rằng, trong tương lai không xa, hạm đội Nam Hải sẽ trở thành lực lượng tác chiến mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc.

Căn cứ chính của các tàu mặt nước của hạm đội Nam Hải được đóng tại Trạm Giang tỉnh Quảng Đông. Trong khi đó tất cả các tàu ngầm của hạm đội đóng tại căn cứ Du Lâm thuộc đảo Hải Nam, căn cứ tàu ngầm lớn nhất trong khu vực.

Theo một số nguồn tin không chính thức và qua một số bức ảnh chụp vệ tinh, một tàu ngầm hạt nhân hiện đại của hải quân Trung Quốc loại Type-093 đang hoạt động tại đây.

Tương lai, nhiều khả năng loại tàu ngầm hiện đại nhất của loại Type-094 cũng sẽ được điều động xuống làm nhiệm vụ tại hạm đội Nam Hải. Soái hạm của hạm đội Nam Hải là tàu chỉ huy Nam Xương AOR/AK 953. Thông tin về soái hạm của hạm đội Nam Hải gần như không được công bố.

Sau đây là danh sách các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm trong biên chế của hạm đội Nam Hải:

- 2 chiếc tàu khu trục phòng không Type-052C (170 Lan Châu, 171 Hải Khẩu), 2 tàu khu trục Type-052B, (168 Quảng Châu, 169 Vũ H)án, 1 tàu khu trục Type-051B (176 Thẩm Quyến).
- 6 chiếc tàu khu trục Type-051 (161 Trường Sa – một địa danh trong nội địa Trung Quốc, 162 Nam Ninh, 163 Nam Xương, 164 Quế Lâm, 165 Trạm Giang, 166 Chu Hải).
- 8 chiếc tàu khu trục nhỏ Type-054 (530 Từ Châu, 529 Zhoushan, 570 Hoàng Sơn, 568 Chaohu, 571 Vân Thành, 569 Ngọc Lâm, 548 Ích Dương, 549 Thường Châu).
- 4 chiếc tàu khu trục Type-053H3 (564 Nghi Xương, 565 Ngọc Lâm, 566 Ngọc Khê, 567 Tương Phàn).
- 6 chiếc tàu khu trục Type-053H1G (558 Bắc Hải, 559 Khang Định, 560 Đông Quan, 561 Sán Đầu, 562 Giang Môn, 563 Phật Sơn). 4 chiếc tàu khu trục Type-052H1.
- 8 tàu ngầm điện diesle lớp Ming (lớp Minh), 4 tàu ngầm điện diesel lớp Romeo, 11 tàu đổ bộ thông thường Type-072II, 4 tàu đổ bộ lớp Type-073, đặc biệt là 1 chiếc tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng mới nhất Type-071 lớp Ngọc Chiêu mang số hiệu 998 Côn Lôn Sơn, cùng với 1 tàu bệnh viện.

Theo thông tin từ Jane’s Defence tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Jin (lớp Tấn) cũng đã được biên chế cho hạm đội Nam Hải.

Về không quân của hạm đội Nam Hải gồm có lữ đoàn không quân số 8, và số 9, với trang bị chính là các máy bay tiêm kích bom JH-7, đánh chặn J-8, tuần tra Y-8MPA, ném bom SH-5, 1 trung đoàn không quân độc lập sử dụng máy bay trực thăng.

Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 1 và 164, 1 trung đoàn thiết giáp lội nước, 1 lữ đoàn radar bờ biển, 2 tiểu đoàn tên lửa chống tàu đất đối hải, 1 trung đoàn phòng không.

Một số hình ảnh về Hạm đội Nam Hải:



Type-052C tàu khu trục phòng không hiện đại nhất hải quân Trung Quốc.




Type-054 tàu khu trục nhỏ hiện đại nhất Hải quân Trung Quốc.




Tàu ngầm điện diesel lớp Ming đang neo đậu tại căn cứ trên đảo Hải Nam.




Tiêm kích bom JH-7 loại máy bay chiến đấu chủ lực của hạm đội Nam Hải.




Tàu đổ bộ hiện đại nhất Hải quân Trung Quốc, Type-071 lớp Ngọc Chiêu.




Tàu khu trục phòng không Type-052B tiền thân của loại 052C.




Hầm trú ẩn cho tàu ngầm trên đảo Hải Nam.


[BDV news]


Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

>> Hạm đội Thái Bình Dương tròn 280 tuổi



Ngày 21/5/2011, đánh dấu một cột mốc quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội lâu đời nhất của Nga tròn 280 tuổi.

Ngày 21/5/1731, Thượng nghị viện Nga lúc đó quyết định thành lập một đội tàu quân sự tại cảng Okhotsk nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ của Nga tại vùng Viễn Đông. Đó là cơ sở quan trọng để xây dựng lực lượng hải quân Nga tại khu vực này, sau này đội tàu phát triển và được đổi tên là Hạm đội Thái Bình Dương.

Từ đó đến nay, ngày 21/5 trở thành ngày truyền thống của Hạm đội lâu đời nhất Hải quân Nga. Buổi lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng bắt đầu lúc 9h00 (giờ địa phương), đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm của Hạm đội Thái Bình Dương.

Đến buổi chiều cùng ngày, tại cầu tàu số 33, hạm đội sẽ tổ chức đón tiếp đoàn tàu khu trục vừa hoàn thành sứ mệnh tại Vinh Aden về dự lễ kỷ niệm 280 năm thành lập.

Trải qua 280 năm xây dựng và phát triển, từng tham gia nhiều cuộc chiến trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những năm tháng căng thẳng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đến hôm nay, Hạm đội Thái Bình Dương cùng với Hạm đội Biển Bắc là 2 hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga.

Hiện tại, căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương đặt tại Vladivostok, ngoài ra còn có các căn cứ tàu ngầm khác tại Vilyuchinsk. Trước đây, Hạm đội Thái Bình Dương từng đặt căn cứ tại Cam Ranh, Việt Nam.

Hạm đội Thái Bình Dương được Quân đội Nga ưu ái trang bị vũ khí nhiều hiện đại, trong đó có Soái hạm: Tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag lớp Slava, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy I/II, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Akula, Oscar-II, tàu ngầm tấn công lớp Kilo.

Không quân hải quân của hạm đội trang bị các máy bay ném bom chiến lược như Tu-22M3,Tu-142, đánh chặn Mig-31, chiến tranh chống ngầm IL-39, KA-27, KA-31, vận tải An-12/24/26.

Sau đây là một số hình ảnh về một số vũ khí tiêu biểu trong biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương:



Soái hạm, Tuần dương hạm Varyag.



Tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy.



Tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny.



Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III.



Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula.



Tàu ngầm tấn công lớp Kilo.



Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.



Tiêm kích đánh chặn Mig-31.



Trực thăng chống ngầm Ka-27PS.

[BDV news]


Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

>> Xu hướng tàu khu trục nhỏ trong thế kỉ 21



Các tàu khu trục nhỏ, tàng hình, đa chức năng sẽ là xu hướng chủ đạo của công nghiệp đóng tàu chiến mặt nước thế kỷ 21.


Chiến tranh thế giới thứ 2 và những năm chiến tranh lạnh, các thiết giáp hạm, tuần dương hạm hạng nặng đã bộc lộ nhiều điều bất cập và các điểm yếu chết người.

Dù được trang bị hệ thống hỏa lực cực mạnh, với thời gian hoạt động kéo dài hàng tháng trên biển, nhưng kích thước khổng lồ khiến các thiết giáp hạm, tuần dương hạm hạng nặng có chi phí vận hành tốn kém, khả năng xoay xở và tốc độ chậm khiến các chiến hạm này dễ bị tổn thương trong tác chiến.

Sự phát triển mạnh mẽ của các tên lửa chống hạm khiến tuần dương hạm hạng nặng dễ trở thành "miếng mồi ngon". Kích thước đồ sộ, độ bộc lộ radar lớn, chúng dễ dàng bị phát hiện và tấn công từ xa.

Ngày nay, các thiết giáp hạm đã ngưng sử dụng, chỉ còn tuần dương hạm hạng nặng chỉ còn trong trang bị của Nga và Mỹ.

Ưu điểm của tàu khu trục nhỏ

Ngày nay, các quốc gia ven biển có nhu cầu lớn trong việc tuần tra bảo vệ an toàn vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế, đảm bảo an ninh hàng hải, chống cướp biển, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập trái phép. Trong đó, nổi lên là nhu cầu sở hữu tàu chiến mới có thể đảm đương tất cả các vai trò nói trên.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng tài chính để trang bị cho mình một đội tàu chiến mặt nước hùng hậu. Quan điểm tác chiến hải quân mỗi nước cũng khác nhau nên nhu cầu cụ thể cũng rất khác nhau.

Nắm bắt được xu thế đó, các nhà thiết kế đã cho ra đời các tàu khu trục nhỏ, có lượng giãn nước dưới 7.000 tấn, có trang bị đáp ứng hầu hết nhu cầu của hải quân mỗi nước.


Tàu khu trục nhỏ tàng hình đa chức năng là lựa chọn số một của tác chiến hải quân hiện đại.

Có thiết kế nhỏ gọn hơn các tuần dương hạm, tàu khu trục có chi phí vận hành thấp, thời gian bảo trì giữa 2 lần được kéo dài hơn. Ngoài ra, các hệ thống điện tử được thiết kế theo dạng mô đun mở cho phép thực hiện các nâng cấp về sau, kéo dài tuổi thọ và thời gian sử dụng.

Tàu khu trục nhỏ có khả năng hoạt động tốt tại các vùng biển nông, thích hợp trong việc đảm bảo công tác tuần tra vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế.

Những tàu chiến này có tốc độ cao, độ bộ lộ radar thấp, thích hợp cho chiến thuật đột kích đánh nhanh rút gọn. Đây là sự lựa chọn hợp lý cho các quốc gia có năng lực tài chính hạn chế.

Xu hướng tàu khu trục nhỏ lan rộng

Pháp là quốc gia tiên phong trong thiết kế và phát triển các tàu khu trục nhỏ tàng hình đa chức năng. Điển hình là tàu khu trục tàng hình lớp La Fayette.

Hiện tại, chiến hạm lớp La Fayette tàu khu trục tấn công chủ đạo của Hải quân Pháp và được xuất khẩu cho nhiều nước khác như Singapone, Arab Saudi...

Nối bước theo Pháp, các quốc gia khác như Brazil, Canada, Israel và Anh đều cho ra đời các tàu khu trục nhỏ đa chức năng của riêng mình.

Trong khu vực châu Á, nhiều nước đã tiệm cận xu hướng này. Điển hình là chương trình tàu khu trục nhỏ Type-054D của Trung Quốc, gần đây là chương trình tàu khu trục FFX của Hàn Quốc.



Tàu khu trục nhỏ tàng hình đa chức năng Project 20380 của Hải quân Nga.


Là một nước có nền công nghiệp hàng hải mạnh, Đức cũng đầu tư phát triển chương trình tàu khu trục đa chức năng tàng hình mới mang tên F-125.

Ngay cả Nga, quốc gia có lực lượng hải quân mạnh với bề dày phát triển tàu khu trục cỡ lớn, tuần dương hạm hạng nặng cũng dần đi theo xu hướng này. Gần đây nhất, Hải quân Nga đã đầu tư đóng mới các tàu khu trục nhỏ tàng hình Project 20380. Hiện tại Nga đã hạ thủy một số tàu thuộc Project 20380.

Dương như chỉ còn Mỹ chưa chú trọng tới vai trò các loại tàu khu trục nhỏ tàng hình. Điều này có thể xuất phát từ quan điểm tác chiến của Hải quân Mỹ thấy rằng, các tàu khu trục lớn và các tuần dương hạm hạng nặng vẫn còn đảm bảo yêu cầu tác chiến toàn cầu của họ và nền kinh tế hàng đầu đủ sức duy trì những hạm đội tốn kém hư vậy.

Thế kỷ 20 từng được mệnh danh là thế kỷ của các thiết giáp hạm và tuần dương hạm hạng nặng. Thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của các tàu khu trục nhỏ tàng hình đa chức năng?

[BDV news]


Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

>> 333 tỷ USD được Mỹ chi để đóng tàu chiến



Hải quân Mỹ dự định đầu tư 333 tỷ USD trong 20 năm tới chỉ để đóng thêm tàu chiến trong bối cảnh chi phí đóng tàu tăng nhanh.



Quan chức cấp cao phụ trách mua sắm vũ khí trong hải quân Mỹ là Sean Stackley cho biết, chi phí trung bình để đóng tàu giai đoạn 2022-2031 sẽ là 17,5 tỷ USD một năm. Trong giai đoạn 2012-2021, con số này là 15,8 tỷ USD. Do chi phí đóng tàu tăng, số tàu chiến được đóng mới mỗi năm sẽ giảm

Một yếu tố khác làm giảm số tàu chiến mới được đóng là Mỹ dồn tiền để đóng tàu ngầm hạt nhân mới, thay thế các tàu hạt nhân lớp Ohio hiện tại.

Như vậy, số tàu được đóng mới sẽ giảm, từ mức 12 chiếc năm 2015 xuống 7 hoặc 8 chiếc từ năm 2024.




Mỹ đầu tư 333 tỷ USD chỉ để đóng thêm tàu chiến


Việc thay thế tàu hạt nhân lớp Ohio rất tốn kém (hiện ở mức 5,4 tỷ USD một chiếc). Do đó, dù có tiết kiệm, giảm chi phí thay thế xuống mức 4,9 tỷ USD một chiếc thì việc thay thế 12 tàu lớp Ohio vẫn rất lớn, là gánh nặng cho chương trình đóng tàu mới.

Bên cạnh đó, hải quân Mỹ còn có kế hoạc nâng cấp các tàu sân bay bằng tàu lớp Ford, hiện đại hóa tàu tuần duyên, tàu đổ bộ, tàu khu trục và tàu tiếp dầu…

Tàu ngầm lớp Ohio bắt đầu “nghỉ hưu” từ năm 2027 và tàu đầu tiên thay thế Ohio sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2029.


[BDV news]


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

>> Tàu chiến Nga thăm Đà Nẵng



Đây là các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa hoàn tất chiến dịch hộ tống các tàu hàng của Nga tại khu vực Sừng châu Phi trở về.

Interfax trích lời người phát ngôn của Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đại úy Roman Martov: “Hiện biên đội tàu hải quân Nga đang có mặt ở Ấn Độ Dương, khu vực biển Laccadive gần Ấn Độ. Trên đường trở về, biên đội tàu này sẽ thăm cảng Đà Nẵng từ ngày 7.5”.

Tờ Sự thật Moskva cũng dẫn lời Đại úy Roman Martov cho biết: “Biên đội tàu sẽ ghé thăm và làm việc tại Đà Nẵng từ ngày 7-12.5. Tại Đà Nẵng, thủy thủ đoàn sẽ tham dự các sự kiện kỷ niệm Ngày chiến thắng (9.5) trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”.





Chiến hạm Đô đốc Vinogradov là tàu săn ngầm cỡ lớn lớp Projekt 1155 của Liên Xô, được đóng từ năm 1987 và đưa vào biên chế Hạm đội Thái Bình Dương từ ngày 1.5.1989. Tàu có chiều dài 163 m, chiều rộng 19 m, chiều cao 7,8 m và có lượng giãn nước 7.480 tấn. Tàu có thủy thủ đoàn 293 người, được trang bị ngư lôi Rastrub, hệ thống tên lửa phòng không Kinzhal và mang theo 2 trực thăng Ka-27.

Mới đây, Nga tuyên bố sẽ chi hơn 150 tỷ USD cho việc hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương trong 10 năm tới. Giới chuyên gia cho rằng, một trong những lý do Nga bỏ tiền hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương là vì Moskva muốn cho Trung Quốc thấy Nga vẫn có lợi ích ở các vùng chiến lược ở châu Á.

[Vietnamdefence news]



Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

>> Tàu khu trục mới của Hàn Quốc gây thất vọng



Hàn Quốc đã quyết định đầu tư mạnh cho lực lượng hải quân bằng chương trình tàu khu trục FFX.

Sau khi hạ thủy và đưa vào sử dụng chiếc tàu khu trục Aegis thứ 3 thuộc chương trình KD III hay tàu khu trục lớp Sejiong Đại đế. Được đánh giá là một trong những chiếc tàu khu trục hiện đại bậc nhất khu vực châu Á.

Nhà máy đóng tàu Hyundai Heavy Industries tiếp tục bận rộn với chương trình đóng tàu khu trục đa chức năng lớp FFX. Theo giới thiệu của giới quân sự Hàn Quốc, các tàu khu trục của chương trình FFX sẽ thay thế cho các tàu khu trục thế hệ cũ đang hoạt động trong Hải quân Hàn Quốc.




Thiết kế ban đầu của FFX.


Cụ thể FFX sẽ thay thế cho các tàu khu trục lớp lớp Ulsan, tải trọng 2.200 tấn, tàu khu trục lớp Pohang tải trọng 1.200 tấn, và tàu hộ tống lớp Donghae tải trọng 1.000 tấn. Chiếc đầu tiên của chương trình đang được gấp rút hoàn thành, nhiều khả năng chiếc đầu tiên sẽ được hạ thủy vào đầu tháng 5/2011.

Qua các bức ảnh được công bố trên các trang mạng quân sự của Hàn Quốc, chiếc tàu khu trục đầu tiên của chương trình FFX khiến giới quân sự Hàn Quốc không mấy hài lòng.


Chiếc tàu khu trục FFX đang đóng với thiết kế gây thất vọng.


Ban đầu, giới quân sự Hàn Quốc kỳ vọng, các tàu khu trục FFX sẽ được đóng mới theo công nghệ hiện đại và có khả năng tàng hình. Thế nhưng, khả năng tàng hình của tàu không được như mong đợi.

Tàu được đóng với cấu hình khí động học thông thường, hai bên mạn tàu được thiết kế hơi nghiêng để làm giảm mặt cắt radar theo chiều ngang. Tuy nhiên, cấu trúc thượng tầng lại thiết kế theo kiểu truyền thống. Ngân sách hạn chế là lời giải thích cho những thiết kế bất cập trên.

Hải quân Hàn Quốc cho biết sẽ mở rộng năng lực của chương trình FFX trong các biến thể được phát triển sau.

Theo kế hoạch, Hải quân Hàn Quốc sẽ nhận được lô 6 chiếc sản xuất trong loạt đầu tiên của tàu khu trục lớp FFX vào năm 2015, hơn 14 chiếc sẽ được nhận vào trang bị cho đến năm 2018.

Tổng số của chương trình FFX sẽ vào khoảng 24 chiếc với 3-4 cấu hình khác nhau. Tính năng cơ bản của FFX

Các tàu khu trục trong chương trình FFX có tải trọng đầy tải là 3.200 tấn, được thiết kế dựa trên công nghệ bản địa của Hàn Quốc, trang bị hệ thống vũ khí hiện đại uy lực mạnh, hệ thống điện tử hiện đại với các radar 3D tầm xa.

Hệ thống điện tử dựa trên radar mảng pha đa chức năng 3D LIG Nex-1, radar kiểm soát bắn Saab CEROS 200 hoặc một loại tương tự được sản xuất trong nước. Hệ thống theo dõi mục tiêu quang-điện tử EOTS, hệ thống theo dõi mục tiêu hồng ngoại IRST được sản xuất bởi liên doanh Samsung-Thales.

Các tàu khu trục lớp FFX được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh, với pháo hạm WIA KMK-45 126mm, tổ hợp tên lửa đối không đa năng MK31 hay RIM-116.

Tổ hợp 8 tên lửa chống hạm SSM-700K Hae Sung I tầm bắn 150km và hệ thống ngư lôi chống ngầm 324mm.

Đây là tàu khu trục đầu tiên của Hàn Quốc được trang bị hệ thống phòng thủ tầm cực gần cải tiến Phalanx Block 1B.

Các biến thể được xây dựng sau này sẽ thay thế hệ thống RIM-116 bằng hệ thống phóng tên lửa đối không thẳng đứng Aster-15 hoặc Aster-30. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng chống ngầm.

Tàu được trang bị 2 động cơ đẩy tua bin khí GE LM2500 cùng 2 động cơ diesel MTU-12V 1164 TB83. Tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý.

Thông số cơ bản: Dài 114m, rộng 14m, tải trọng 3.200 tấn đầy tải, thủy thủ đoàn 145 người.

Dưới đây là một số hình ảnh về tàu khu trục FFX tại nhà máy đóng tàu Hyundai Heavy Industries:


Cấu trúc thượng tầng của FFX.



Chiếc tàu khu trục FFX đầu tiên đang được gấp rút hoàn thành.



Sàn đáp và nhà chứa máy bay trực thăng phía đuôi tàu.



Các thiết bị quan trọng đang được lắp ráp.



Phần mũi tàu và vị trí lắp đặt pháo chính.



[BDV news]


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

>> Khu trục hiện đại nhất hải quân Trung Quốc



Nhằm đáp ứng cho công cuộc hiện đại hóa, tăng cường sức mạnh hải quân, từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy và đưa vào sử dụng 7 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển Type-054A (*).

Đây là những chiến hạm được đánh giá là tàu khu trục mang tên lửa điều khiển hiện đại nhất trong biên chế của hải quân nước này, thể hiện nỗ lực lớn của ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, hướng tới mục tiêu rút ngắn khoảng cách với các tàu chiến cùng loại của Mỹ, Nga và các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản. 


Đặc điểm


Tàu khu trục mang tên lửa điều khiển Type-054A, còn gọi là tàu tên lửa lớp Giang Khải II, thuộc loại tàu khu trục đa chức năng mang tên lửa điều khiển được phát triển từ tàu khu trục Type-054. Tàu được đóng tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua, Thượng Hải và nhà máy đóng tàu Hoàng Phố tại Quảng Châu, (cả hai nhà máy đều thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc CSSC).



 Chiếc Type-054A mang số hiệu 529, có tên Châu Hán.

Khinh hạm La Fayette, nguyên mẫu thiết kế hình học của tàu khu trục lớp Giang Khải II .

Type-054A được được cho là sao chép từ thiết kế của khinh hạm La Fayette của Pháp, với những công nghệ tiên tiến nhất của mà Trung Quốc sở hữu, nhằm nâng cao khả năng “tàng hình”. Hai bên mạn tàu được thiết kế dốc nghiêng khoảng 10 độ nhằm giảm mặt cắt radar theo chiều ngang, thân tàu được sơn một lớp sơn có khả năng hấp thu sóng điện từ.

Type-054A được thiết kế chủ yếu cho vai trò đảm bảo phòng không hạm đội, song cũng có khả năng tấn công tàu nổi và chống ngầm.

Vũ khí

Với vai trò là đảm bảo phòng không hạm đội nên Type-054A được trang bị hỏa lực phòng không khá mạnh, sử dụng hệ thống 32 ống phóng thẳng đứng, dùng đạn tên lửa phòng không tầm trung đa kênh, loại tên lửa đối không tầm trung 9M317 Shtil, (NATO định danh là SA-N-12, tầm bắn 38km của Nga) hoặc loại sao chép tương tự do Trung Quốc tự phát triển có tên HQ-16.

Hệ thống được bố trí phía trước mũi tàu sau pháo chính. Bệ phóng thẳng đứng này cũng được cho là có khả năng dùng để phóng rocket chống ngầm Yu-8, phát triển từ ngư lôi Yu-7 (bản sao của ngư lôi Mk-46 của Mỹ).


 Vũ khí đáng kể nhất trên chiến hạm lớp Giang Khải II: Hệ thống ống phóng thẳng đứng, được cho là có thể phóng cả tên lửa đối không lẫn chống ngầm.

8 tên lửa chống tàu YJ-83 C-803, có đầu đạn nặng 165kg, tầm bắn 180 km, được bố trí trong 2 cụm phóng ở giữa thân. Tên lửa được dẫn đường bằng phương pháp quán tính và radar chủ động. Ngoài ra, tàu được trang bị pháo hạm 76mm (sao chép từ pháo hạm đa năng AK-176 của Nga), hai hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type-730 7 nòng cỡ 30mm, tầm bắn tối đa 3.000m, tốc độ bắn 5800 phát/phút,

Để chống ngầm, tàu có hai hệ thống phóng rocket chống ngầm Type-87,cơ số 36 quả rocket, cỡ nòng 240mm, đầu đạn nặng 34kg, tầm bắn 1.200m.

Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng chống ngầm Ka-28 của Nga hoặc Z-9C của Trung Quốc

Hệ thống điện tử
Hệ thống điện tử của Type-054A được xây dựng trên cơ sở hệ thống điện tử của tàu khu trục Project 956 Sovremenny của Nga (>> xem thêm); Radar tìm kiếm mục tiêu trên không 3D Fregat-MAE-5 (NATO định danh là Top Plate) băng tần E.

Radar này có khả năng theo dõi 40 mục tiêu cùng lúc, tầm phát hiện với máy bay là 120km, với tên lửa chống tàu là 50km.

4 radar MR-90 (NATO định danh Front Dome) băng tần F, kiểm soát hỏa lực cho hệ thống tên lửa đối không 9M317 Shtil, mỗi radar cung cấp 2 kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc, phạm vi từ 35-50km.

Radar tìm kiếm mục tiêu tàu nổi ở đường chân trời và dẫn hướng cho tên lửa chống tàu Mineral-ME của Nga, tầm phát hiện mục tiêu lên đến 450km, radar có khả năng phát hiện 200 mục tiêu, theo dõi 50 mục tiêu cùng lúc.


Hệ thống radar của chiến hạm lớp Giang Khải II.

3 hệ thống radar bản địa Type 347G băng tần I, 2 radar kiểm soát hỏa lực cho hai hệ thống phòng thủ tầm gần Type-730, 1 sử dụng kiểm soát hỏa lực cho pháo chính 76mm, ngoài ra còn có một radar tìm kiếm mục tiêu Type-364 (sao chép từ MR36 của Nga).

Trái tim của tàu là hệ thống dữ liệu chiến đấu ZKJ-4B/6 sao chép từ hệ thống dữ liệu chiến đấu TAVITAC của Pháp trang bị cho kinh hạm lớp La Fayette.

Hệ thống liên kết dữ liệu HN-900 được cho là tương đương với hệ thống liên kết dữ liệu TADIL-A/Link 11 được sử dụng trong khối NATO, hệ thống liên lạc vệ tinh SNTI-240 Satcom.

Radar cảnh báo Type 922-1, hệ thống đối phó điện tử và cung cấp thông tin tình báo HZ-100, hệ thống sonar kéo theo MGK-335 của Nga để phát hiện và định vị tàu ngầm, hai hệ thống phóng mồi bẫy với 18 ống phóng được bố trí ở giữa thân tàu.

Hệ thống động lực

Type-054A được trang bị hệ thống động cơ kết hợp diesel-diesel CODAD với 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PA6 STC, được sản xuất bởi Nhà máy động cơ Thiểm Tây Trung Quốc theo giấy phép của MAN diesel của Pháp, công suất 6.330 sức ngựa, mô men xoắn cực đại 1084 vòng/phút, cung cấp tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3800 dặm.

Thông số cơ bản: Dài 134m, rộng 16m, tải trọng 3600 tấn tiêu chuẩn, 4053 tấn đầy tải

(*) Hiện tại đã có 7 chiếc được hạ thủy và đưa vào sử dụng bao gồm, 530 Từ Châu, 529 Châu Hán, 570 Hoàng Sơn, 568 Sào Hồ, 571 Vận Thành, 569 Ngọc Lâm, 548 Ích Dương, 549 Thường Châu, hai chiếc nữa có thể được đưa vào sử dụng trong năm 2011. 

(BDV news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang