Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Cuộc đua trên không gian xuất hiện Thần Long

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

>> Cuộc đua trên không gian xuất hiện Thần Long



Không lâu sau khi X-37B của Mỹ cất cánh vào không gian, Trung Quốc cũng đã đưa một mẫu thử nghiệm tàu không gian tương tự vào quỹ đạo.

Tàu vũ trụ không người lái này được Trung Quốc gọi là Shenlong (Thần Long), đưa vào quỹ đạo bằng máy bay ném bom H-6.

Đây là một chương trình phát triển không gian đầy bí mật của quân đội Trung Quốc. Rất ít thông tin về chương trình này được công bố. Viện Thiết kế 611 cùng với Tập đoàn máy bay Thành Đô được giao nhiệm vụ phát triển tàu không gian không người lái này.

Trước đó, theo một số nguồn tin tình báo phương Tây, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một tàu không gian với động cơ “siêu scramjet” được cho là đã hạ cánh thành công tại Ấn Độ Dương, vào cuối năm 2006.

Một mẫu thiết kế lai tạp

Một số nguồn tin khẳng định, Thần Long là thành quả của sự hợp tác của Viện 611 với chương trình phát triển tàu không gian của Pháp vào những năm 1980. Cụ thể, Viện 611 đã khai thác triệt để những gì hiểu biết được về chương trình tàu không gian Hermes của Pháp để phát triển tàu Thần Long.

Sự phát triển của Thần Long còn được cho là sử dụng một phiên bản của phần mềm thiết kế CATIA của Hãng Dassault, Pháp.

Thần Long có vẻ ngoài hiện đại, hệ thống định vị toàn cầu kiểu GPS, hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống điều khiển kỹ thuật số được phát triển bởi ĐH kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, kết cấu vật liệu composite được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật quân sự hải quân.

Thần Long có thể sử dụng một động cơ tubin cánh quạt D-30K của Nga, mang lại khả năng cơ động tại độ cao lớn.

Thần Long treo dưới "bụng" máy bay ném bom chiến lược H-6.

Thiết kế khí động học của Thần Long có dáng dấp tàu không gian X-34 và X-37 của Mỹ, cùng với tàu không gian Hope-X của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo quan sát kích thước của Thần Long chỉ bằng khoảng 2/3 so với X-37B. Dựa vào đây, có thể đưa ra nhận định, Thần Long chỉ hoạt động hạn chế trên vùng không gian của Trung Quốc.

Tham vọng to lớn

Cơ hội tiếp cận công nghệ hàng không vũ trụ của Trung Quốc bắt đầu với sự xuất hiện của nhà khoa học Tiền Học Sâm, người đồng sáng lập Phòng thí nghiệm Jet Propulsion tại Viện công nghệ California. Một trong những người có đóng góp to lớn cho công nghệ tên lửa của Mỹ những năm 1950.

Năm 1955, ông bị trục xuất sang Trung Quốc vì nghi nghờ làm gián điệp. Cuộc trở về Trung Hoa đại lục của ông mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ hàng không vũ trụ, cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đua chiếm lĩnh không gian.

Ngay từ những năm 1988, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng ý tưởng cho 3 mẫu tàu không gian không người lái khác nhau bao gồm Trường Thành - 1 của Học viện công nghệ vũ trụ Thượng Hải, mẫu CALT của Viện Hàn lâm công nghệ không gian Trung Quốc, cuối cùng là mẫu Thần Long của Viện 611, dự kiến sẽ đi vào hoạt động chính thức vào năm 2020.


Mẫu CALT của Trung Quốc.

Trong nhiều điểm gần gũi với X-37B, mục đích thực sự của Thần Long vẫn còn là một dấu hỏi. Giới quan sát vẫn chưa thể khẳng định, liệu tàu vũ trụ này của Trung Quốc đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu hay chưa? Thời gian hoạt động trong không gian của tàu vũ trụ này vẫn là một dấu hỏi.

Mặc dù, các thử nghiệm hiện tại được giới thiệu với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học. Song cũng chẳng ai phủ nhận khả năng Thần Long có thể được thiết kế cho các mục đích quân sự. Rất nhiều câu hỏi đặt ra quanh Thần Long, nhưng có một điều có thể khẳng định, đó là, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển tàu vũ trụ không người lái, tạo cơ sở vững chắc để phát triển các phương tiện chiến tranh không gian trong tương lai.

Cuộc chiến không gian?

Phó chỉ huy các chương trình không gian của Không quân Mỹ Gary Payton cho biết: “Nếu Trung Quốc phát triển các công nghệ tàu không gian một cách nhanh chóng, Mỹ buộc phải đẩy nhanh chương trình phát triển Máy bay chiến đấu không gian (Warfighter), nếu không muốn mất đi lợi thế trong tương lai”.

Tạp chí Hàng không Trung Quốc tuyên bố, cuộc đua phát triển các công nghệ vũ khí không gian giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một số quốc gia khác nữa sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân.

Như vậy, cùng với Nga, Mỹ, Trung Quốc đang hăng hái đi đầu trong công cuộc chiến chiếm lĩnh không gian. Các hệ thống vũ khí có khả năng bắn hạ vệ tinh cũng đang được phát triển nhộn nhịp. Trong khi thế giới nghi ngờ X-37B (Mỹ), Thần Long (Trung Quốc) thì Nga chưa hé lộ những dự án tương tự, nhưng nước này đang tiến đến rất gần việc sở hữu hệ thống phòng không S-500, được cho là có thể vươn tới không gian..

Trong khi cuộc đua phát triển các vũ khí cho cuộc chiến đối không, đối hải, đối đất chưa kết thúc, cuộc đua phát triển vũ khí cho cuộc chiến ngoài không gian đã bắt đầu. Diễn biến an ninh thế giới ngày càng tỏ ra phức tạp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang