Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Tàu ngầm Lada: Niềm hy vọng bất thành

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

>> Tàu ngầm Lada: Niềm hy vọng bất thành



Tiếc thay, tàu ngầm mới Lada của Nga không phải là tàu ngầm điện-diesel thế hệ 4.

Tàu ngầm St. Petersburg lớp Projekt 677 Lada

Ngày 22.4.2010, tại St. Petersburg, các thành viên ủy ban nhà nước cuối cùng đã ký biên bản tiếp nhận từ công ty OAO “Admiralteiskye verfi” chiếc tàu ngầm điện-diesel đầu tiên thuộc lớp Projekt 677 Lada có tên St. Petersburg. Sự kiện này được Hải quân Nga - bên đặt hàng và “Admiralteiskye verfi” - bên thực hiện chờ đợi suốt 12 năm 4 tháng qua. Đó là quãng thời gian trôi qua kể từ khi khởi đóng tàu ngầm này vào tháng 12.1997.

Tàu ngầm điện-diesel Projekt 677 Lada do Viện Thiết kế kỹ thuật hải quân Trung ương (TsKB MT Rubin) thiết kế dưới sự lãnh đạo của tổng công trình sư Yuri Kormilitsin. Theo các quan chức, tàu ngầm này thuộc về thế hệ 4, song thực tế có phải thế không?

Cũng có cái để tự hào

Dĩ nhiên, tàu ngầm mới có những điểm hoàn toàn khác biệt với các tàu ngầm trước đó. Trước hết là trình độ tự động hóa cao các quá trình điều khiển tập trung hóa tất cả các hệ thống và vũ khí của tàu từ các bàn điều khiển tại sở chỉ huy chính.

Hệ thống tên lửa, ngư lôi có uy lực mạnh hơn. Việc này do các viện thiết kế, liên hiệp khoa học-sản xuất, viện nghiên cứu, trong đó có TsKB MT Rubin, NPO Avrora, FGUP TsNII Elektropribor, OKB Novator và NPO Agat. Thành quả lao động chung của họ là sự ra đời của hệ thống tên lửa chống hạm Club-S. Đây là hệ thống tên lửa tích hợp, độc đáo, không có loại tương tự trên thế giới.

Các nhà khoa học, công trình sư, chuyên gia đóng tàu thực chất đã thực hiện một cú đột phá về các thông số kỹ thuật-kinh tế và công nghệ đóng tàu ngầm lớp Lada. Trong quá trình thiết kế-thử nghiệm đã đề xuất hàng chục giải pháp mới. Toàn bộ vũ khí, các hệ thống và vật liệu đều là những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật.

Trên tàu ngầm này có hơn 170 thiết bị và hệ thống trước đó chưa từng được sản xuất ở Nga. Tàu có hệ thống đạo hàng mới với trọng lượng chỉ 50 kg. Trước đó thì chỉ riêng một cái la bàn con quay đã nặng từng đó. Lần đầu tiên, trong thiết kế tàu, người ta đã sử dụng các công nghệ trước đó chỉ sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ.

Ví dụ, hệ thống thủy âm được chế tạo dựa trên cơ sở linh kiện tối tân với phần mềm toán học mới nhất. Trong phần mũi bố trí anten định vị tiếng ồn cực nhạy. Tàu được lắp kính tiềm vọng đa năng vạn năng hoàn toàn mới. Các cơ cấu nâng cột tàu được làm kiểu ống lồng. Tất cả chúng, trừ cái dành cho chỉ huy, đều không đi qua vỏ chính của tàu. Tàu cũng được trang bị hệ thống mới thu tín hiệu vô tuyến điện từ trên bờ khi tàu lặn.



“Tử huyệt” của tất cả các tàu ngầm Nga, ngoại trừ tàu ngầm diesel Projekt 636 Kilo và tàu ngầm nguyên tử Projekt 971, là độ ồn cao khi lặn. Trong suốt 18 năm (1968-1986), UBTW ĐCS Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ra 4(!) nghị quyết về vấn đề này. Cứ 6 năm một lần, người ta lại giao nhiệm vụ giảm độ ồn đi 2-3 lần. 3 nghị quyết của cơ quan lãnh đạo đảng và nhà nước đã được hoàn thành.

Còn các yêu cầu trong văn kiện thứ tư thì vẫn bị treo đấy do dự án nghiên cứu không được cấp kinh phí. Cần nhấn mạnh rằng, trên các tàu ngầm nguyên tử Projekt 971А chẳng hạn, người ta đã giảm được mức ồn khi lặn đi 30dB, tức là giảm 30 lần về mức áp lực âm, 1000 lần(!) về công suất âm bức xạ.

Độ ồn của tàu St. Petersburg sẽ tiếp cận mức âm nền sóng biển. Còn về tính bí mật, nó vượt tất cả các tàu ngầm Liên Xô/Nga từng đóng, kể cả các tàu ngầm diesel Projekt 877 mà phương Tây gọi là “cái lỗ đen” - những tàu ngầm này phát ra tiếng ồn cực nhỏ khi chạy ngầm.

GS, TS KHKT Ernst Myshinsky, Trưởng Phòng âm học tàu thủy và công nghiệp cho biết, để làm được việc đó, Viện Nghiên cứu Trung ương mang tên viện sĩ A.N. Krylov đã chế tạo ra các lớp phủ cao su đặc biệt dày chỉ 40 mm hấp thụ tiếng ồn đến cả dải tần số thấp. Chúng mỏng hơn 2 lần so với những lớp phủ trước đó Nga đã sử dụng. Lớp phủ mới gồm có 7-8 lớp cao su đục lỗ, có biên dạng khác nhau khác nhau. Ý tưởng thật đơn giản: càng nhiều khoang không khí thì nó càng hấp thụ hiệu quả tiếng ồn ở các tần số và độ sâu khác nhau. Do đó, việc Phó Tổng giám đốc thứ nhất tập đoàn quốc doanh Rostechnologyy Aleksei Allioshin nói rằng, Lada là thiết kế tiên tiến chói sáng nhất có áp dụng hơn 120 công nghệ mới về cơ bản là chính xác. Nhưng chỉ đúng một phần nếu xét đến việc Lada bắt đầu được Viện Rubin thiết kế vào năm 1989. Có những cái 20 năm trước có thể là mới, hôm nay đã coi như của thế kỷ đã qua. Hơn nữa, không phải tất cả các ý tưởng của các công trình sư đều hiện thực hóa được thành thiết kế thực.

So với thiên hạ thì sao?

Dù sao chăng nữa, Lada cũng đã phá nhiều kỷ lục thế giới, trong đó có kỷ lục về thời gian đóng, dài chưa từng có đối với một tàu ngầm có lượng giãn nước 1.765 tấn.




Để so sánh, ta cần biết rằng, tàu ngầm điện-diesel đầu tiên của lớp Type 212A có số hiệu U-31 được khởi đóng ở xưởng đóng tàu Howaldtswerke Deutsche Werft AG (HDW) tại Kiel 1 năm sau tàu St. Petersburg (năm 1998), nhưng 6 năm sau (ngày 29.7.2004) đã được bàn giao cho Hải quân Đức. Lượng giãn nước khi nổi (bình thường) của tàu ngầm này gần như giống tàu ngầm Nga là 1.700 tấn.

Trong khi hãng Admiralteiskye verfi hì hụi đóng 1 tàu ngầm St. Petersburg thì lực lượng tàu ngầm Đức nhận được của HDW 4 tàu ngầm liền: U-31, U-32, U-33 và U-34.

Cũng không thể không lưu ý đến nhiều tính năng của 2 loại tàu ngầm Nga và Đức này. Tàu ngầm Nga có độ lặn sâu tối đa 300 m, tàu ngầm Đức - 400 m. Tàu ngầm Nga có thủy thủ đoàn 35 người, tàu ngầm Đức 27, tức là Nga đã bù đắp sự thiếu hoàn thiện kỹ thuật bằng cách tăng số người trên tàu lên 8 người.

Về vũ khí trang bị, St. Petersburg nếu đúng theo các nguồn tin chính thức thì cũng thua kém tàu ngầm Đức. Tàu ngầm Nga được trang bị 6 cơ cấu phóng lôi, tàu ngầm Đức - 8.

Hệ thống động lực của tàu ngầm Đức sử dụng các pin nhiên liệu mà người ta còn gọi là “acquy hydro”. Đó là hệ thống động lực không cần không khí của công ty Siemens. Năng lượng đi ra từ 11 ngăn nhiên liệu oxy-hydro công suất 120 kW mỗi ngăn và đi qua các màng trao đổi proton đi đến động cơ chính. Các “acquy hydro” cho phép tăng khả năng hoạt động độc lập của tàu ngầm lên mấy lần do với các tàu ngầm điện-diesel dùng acquy thông thường.

Nga có cái gì?

Từ 30 năm trước, Viện TsKB Lazurit, NPO Kvant và Kryogenmash đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo cho tàu ngầm các hệ thống động lực với các máy phát điện-hóa (EKhG).

Tàu ngầm S-273 Projekt 613 được cải tạo theo thiết kế Projekt 613E Katran. Nếu như các tàu ngầm thông thường chạy ở tốc độ 2 hải lý/h không có nạp điện thêm cho acquy có thể lặn không quá 4 ngày đêm thì khi sử dụng EkhG, thời gian lặn tăng lên đến 1 tháng.
Hướng nghiên cứu thứ hai của các công trình sư Nga là chế tạo các động cơ diesel làm việc theo chu trình kín.

Projekt 615 với 1 động cơ duy nhất được chế tạo thực tế từ giữa thế kỷ trước đã trở thành tàu ngầm độc đáo duy nhất trên toàn thế giới.

Từ năm 1978, cơ quan đứng đầu về phát triển các hệ thống động lực với EKhG là Viện thiết kế đặc biệt chế tạo nồi hơi TsKBK. Họ vận dụng kinh nghiệm của Tổ hợp Điện-hóa Ural và Liên hiệp NPO Energya trong chế tạo EKhG cho các khí cụ bay vũ trụ. Thế là xuất hiện động cơ tàu ngầm Kristall-20 sử dụng oxy và hydro. Hydro ở dạng hỗn hợp - trong hợp chất giữa các kim loại.

Người ta phỏng đoán rằng, tàu ngầm Lada sẽ được trang bị động cơ không cần không khí dựa trên EKhG. Tuy vậy, trên tàu ngầm St. Petersburg không có động cơ này. Điều đó có nghĩa là: Nước Nga đã không thể lần đầu tiên chế tạo tàu ngầm thế hệ mới.

Hãy chờ xem




Điều đó tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực đối với cả Hải quân Nga, lẫn với hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước khác.

Thất bại với việc chế tạo tàu ngầm thế hệ 4 sẽ làm lung layy dữ dội vị thế của Nga trên thị trường đóng tàu ngầm thế giới. Những khách hàng thường xuyên của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ hiện đã có khả năng tự lực đóng các tàu ngầm thế hệ 3. Venezuela đã có ý định mua tàu ngầm Lada của Nga. Nhưng thay vì Lada, chúng ta đã chào bán một tàu ngầm hoàn toàn khác là Projekt 636 thế hệ 3, vì thế mà Caracas đã lịch sự cảm ơn và không mở hầu bao.

Trong khi chúng ta không thể giải quyết vấn đề chế tạo tàu ngầm điện-diesel thế hệ 4, Thụy Điển, Nhật Bản và các nước khác đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu ngầm thế hệ 5.

Bên cạnh đó, đối với Nga thì việc đáp ứng nhu cầu tàu ngầm diesel của hạm đội tàu ngầm Nga là quan trọng hơn. Chúng chỉ còn lại dăm ba chiếc. Tại biển Barents may ra có thể có 4 tàu ngầm điện-diesel có thể đồng thời ra khơi, ở biển Baltic có 2 tàu, biển Đen có 1 tàu, ở Viễn Đông có 5 tàu.

Tất cả có thể thấy qua các con số so sánh. Năm 2003, khi còn chưa hình thành lực lượng tàu ngầm, trong biên chế các hạm đội có 21 tàu ngầm điện-diesel, trong đó có 19 tàu Projekt 877 và 2 tàu Projekt 641B. Trong số đó, nằm trong biên chế lực lượng sẵn sàng thường xuyên chỉ có 9 tàu. Nhưng đa số là có những hạn chế khác nhau trong khai thác. Trong 7 năm qua, Nga đã không đóng tàu ngầm mới, trong khi nhiều tàu cũ đã buộc phải loại bỏ.

Vào đầu thế kỷ, toàn bộ hạm đội tàu ngầm Nga chỉ bằng 15% quân số chiến đấu của lực lượng tàu ngầm của Hải quân Liên Xô. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, chỉ số này còn giảm hơn nữa. Bởi vậy, hiện nay Nga cần phải trang bị cho chính hạm đội của mình chứ không phải Ấn Độ và Trung Quốc. Và Chính phủ Nga đã có những kế hoạch đó.


Phát biểu tại lễ khởi đóng tàu ngầm Projekt 667 Kronshtadt vào năm 2006, Tổng giám đốc hãng GUP Admiralteiskye Verfi Vladimir Aleksandrov đã nói: “Hạm đội yêu cầu đóng thật nhanh 2 lữ đoàn, mỗi lữ 6 tàu ngầm”


Aleksandrov giải thích là các tàu ngầm đó thường phải đóng trong 28-32 tháng, tùy thuộc mức độ kinh phí được cấp. Nhiều tháng và năm dài hơn thời hạn đó đã trôi qua mà trong các hạm đội vẫn không có các tàu ngầm mới.

Hơn nữa, bản thân con số 12 tàu ngầm điện-diesel cũng khiến người ta nghi ngờ. Bởi vì, những tính toán sử dụng tàu ngầm trong chiến đấu cho ta cơ cấu biên chế lực lượng và phương tiện khác. Từ kinh nghiệm nhiều năm khai thác tàu ngầm tuần dương nguyên tử trang bị tên lửa chiến lược, được biết, để bảo đảm tính bền vững chiến đấu của chúng, mỗi tàu cần có 3 tàu ngầm nguyên tử đa năng. Mà để yểm trợ cho 3 tàu ngầm nguyên tử đa năng sẽ cần 3 tàu ngầm điện-diesel. Trong thực tế, tiêu chuẩn đó từ lâu đã không giữ được. Còn tương lai sẽ thế nào?

Hải quân Nga đến năm 2015 lẽ ra phải nhận được 40 tàu ngầm điện-diesel thế hệ 4. Tuy nhiên, sau “thiên hùng ca” kéo dài và không thật thành công như thế với việc chế tạo tàu ngầm St. Petersburg, chương trình này có lẽ sẽ bị xem xét lại.

Người ta dự định đóng loạt 8 tàu Projekt 677. Hiện nay đang nằm trên đà tàu ở mức độ sẵn sàng khác nhau có 2 tàu ngầm Kronshtadt và Sevastopol. Lúc này, khi mà việc hợp tác sản xuất đã được thiết lập và công nghệ đóng tàu đã được kiểm nghiệm, có thể hy vọng hạm đội Nga sẽ bắt đầu nhận được hằng năm ít ra 2 tàu ngầm chiến đấu. Thôi thì hãy chờ xem...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang