Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Wikileaks

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Wikileaks. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Wikileaks. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

>> Báo Nga: Mỹ muốn dùng lá chắn tên lửa ở Ấn Độ để chống Nga - Trung



[VITINFO news] Nhật báo Komsomoloskaya Pravda của Nga hôm 31/3 đưa tin, Mỹ đã và đang cố gắng tập trung vào kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu tại Ấn Độ để đe dọa Nga và Trung Quốc.

Theo thông tin do WikiLeaks tiết lộ, Mỹ không chỉ có kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa chống lại Nga tại châu Âu mà còn đang đàm phán với các quốc gia dọc biên giới của Nga, chẳng hạn như Nhật Bản và Ấn Độ, để phối hợp xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống này cũng để nhằm vào Nga.

“Chiếc dây thòng lọng quanh Nga đang bị thít chặt. Nhờ có WikiLeaks, Nga mới biết rằng Washington đã và đang đồng thời thực hiện nhiều cuộc hội đàm với các quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ của họ. Đó là những quốc gia khác nhau, nhưng những quốc gia này tạo thành một dây chuỗi quanh nước Nga”.



Một bức điện tín bí mật từ đại sứ quán Mỹ ở New Delhi đưa ra trong năm 2007 đã bác bỏ thông tin trên báo chí rằng Ấn Độ đã bất ngờ quay trở lại thỏa thuận kí năm 2005 với Mỹ để hợp tác về phòng thủ tên lửa. Theo bức điện tín này, báo chí Ấn Độ đã hiểu sai tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Pranab Mukherjee sau cuộc gặp đa phương Nga – Trung - Ấn vào ngày 24/10/2007. Ông Mukherjee khẳng định, thông tin Ấn Độ sẽ tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu là “không có cơ sở”.

Amandeep Singh Gill, người từng phụ trách vấn đề giải trừ quân bị và an ninh quốc tế đã xác nhận rằng bình luận của ông Mukherjee tại Harbin không thể được hiểu như một sự trệch hướng khỏi hiện trạng mối quan hệ hợp tác phòng thủ tên lửa hiện nay giữa Mỹ và Ấn Độ”.

Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ nhắc lại: “Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó là ông Mukherjee và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld đã nhất trí mở rộng hợp tác liên quan đến lĩnh vực phòng thủ tên lửa trong một thỏa thuận khung về quốc phòng Mỹ - Ấn tháng 7/2005”.

Hợp tác Mỹ - Ấn về phòng thủ tên lửa “đến nay đã giới hạn trong các cuộc thảo luận về công nghệ và tìm kiếm sự thật”, điện tín trên cho biết.

Nhật báo Komsomoloskaya Pravda cho biết, Mỹ đã “quăng lưới cá tại Ấn Độ” để nước này tham gia vào kế hoạch xây dựng vành đai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ bao quanh nước Nga.

“Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quanh nước Nga – trước hết ở châu Âu, sau đó là các khu vực khác - của Washington có thể nhằm mục đích buộc chúng tôi phải chia sẻ nguồn tài nguyên giàu có của mình”, nhật báo trên viết.


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

>> Tướng tình báo Liên Xô nói về những bí mật quá khứ và hiện tại



Trung tướng N.S. Leonov, nguyên cục trưởng Cục Phân tích KGB, đánh giá về chủ nhân trang WikiLeaks Julian Assange, nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, Iran, Trung Quốc...

Ngày 20.12 là tình báo Nga tròn 90 tuổi. Trung tướng về hưu Nikolai Sergeyevich Leonov, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục I (Tình báo đối ngoại) KGB (nay là Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR) từng phục vụ 33 năm trong ngành tình báo. Nhưng ông trao đổi không chỉ về những việc đã qua.

Julian Assange là người hùng máy tính Che Guevara
PV: Nikolai Sergeyevich, ông nghĩ thế nào về Julian Assange và trang web nổi danh tai tiếng của anh ta? Bởi lẽ người ta muốn gọi là Nhân vật của năm và thậm chí còn đề cử cho giải Nobel. Liệu đây có phải con mồi mà xung quanh đang diễn ra một trò chơi của các cơ quan tình báo không?

Tướng Leonov: Không có vẻ là có trò chơi ở đây. Trang web của anh ta là một sự kiện rất tồi tệ. Anh ta đã gây tổn hại to lớn cho nhiều cường quốc. Nước Nga cũng bị đụng chạm. Nhưng dính nặng nhất là Mỹ. Bởi vậy, rồi anh xem, người Mỹ sẽ trả thù anh ta. Tôi coi Assange là nhân vật bi kịch giống như Che Guevara, người mà tôi biết rất rõ. Bằng việc đăng tải một số lượng tài liệu mật như thế, Assange đã “đánh một đòn hạt nhân” trong cuộc chiến tranh thông tin. Tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới trong năm nay không đạt được kết quả như vậy.

PV: Thế còn các cơ quan tình báo Mỹ mà mùa hè năm nay đã khám phá ra 11 tình báo viên bất hợp pháp của Nga thì sao?

Tướng Leonov: Người Mỹ đã được tên phản bội Poteyev tiếp tay. Hắn thậm chí còn lấy đem đi cả hồ sơ cá nhân của Anh hùng Liên Xô Mikhail Vasenkov. Giờ thì người ta nói rằng, việc đó về mặt kỹ thuật là không thể làm được. Nhưng trong tình trạng thờ ơ, cẩu thả hiện thì tất cả đều có thể xảy ra. Chuyện phản bội vẫn thường xảy ra trong tình báo. Ta cần nhớ là cả Kim Philby, cả Molody đều là nạn nhân của những kẻ phản bội …

PV: Có đúng là các gián điệp bị bại lộ được tặng thưởng những huân chương cao quý nhất của Nga và được bố trí vào những “chỗ béo bở” không? Chẳng hạn, Anna Chapman đã trở thành cố vấn của giám đốc ngân hàng, còn một người tham gia khác của “scandal gián điệp” Nga-Mỹ ầm ĩ là Andrei Bezrukov vài ngày trước đã được bổ nhiệm làm cố vấn của Chủ tịch công ty dầu mỏ nhà nước Rosneft.



Trung tướng KGB N.S Leonov hiện nay

Tướng Leonov: Tôi muốn sửa lại một chút, đó không phải là các gián điệp mà là những cán bộ tình báo của chúng ta, không phải là bị bại lộ mà là bị phản bội. Nhà nước đang làm đúng khi quan tâm đến những người này. Nếu không thì ai sẽ còn chịu làm việc trong tình báo đối ngoại? Vì ở đó người ta phải mạo hiểm cả mạng sống.

Kẻ nào đã bán đứng Liên Xô?
PV: Nikolai Sergeyevich, xin ông nói về sự đối đầu giữa CIA và KGB. Tại sao các ông đã chịu tổn thất?

Tướng Leonov: Tổn thất cái gì?

PV: Liên Xô ấy. Chẳng lẽ không phải là Mỹ đã chiến thắng các ông trong chiến tranh lạnh sao? Thậm chí họ còn có huy chương cho sự kiện này cơ mà …

Tướng Leonov: KGB chẳng tổn thất gì. Liên Xô bị nhóm lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước bán đứng. Tôi với tư cách Cục trưởng Cục Phân tích KGB đã vô số lần báo cáo với Gorbachev là đường lối của ông ta đang dẫn tới sự sụp đổ. Bằng chứng cho điều đó là hàng chục, hàng trăm báo cáo của tôi mà kể cả hiện giờ vẫn được lưu giữ với dấu “Tuyệt mật”. Ở đó cũng có cả họ tên những điệp viên ảnh hưởng của Mỹ. Anh hãy tin là đó không chỉ có Yakovlev (Trưởng Ban Tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) và Shevardnadze (Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô) đâu…

PV: Thế thì tại sao KGB lại thụ động như thế trong tháng 8.1991?

Tướng Leonov: Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP) là nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu vãn tình hình của những con người thối nát với một tổng thống Liên Xô hoàn toàn thối nát. KGB cũng ở đó - nhưng vị thế nhỏ nhoi như chiếc nan hoa thứ bảy của cỗ xe. Trong những ngày đó, thậm chí tôi đã lệnh cho các sĩ quan dưới quyền giao nộp súng ngắn. Khi đó đã không thể cầm súng chống lại một đám đông sôi sục. Điều đó là vô nghĩa. Với một khẩu súng ngắn, anh có thể gây ra những chuyện khiến sẽ có những nạn nhân và chính anh vì thế cũng bị người ta xé xác. Tháng 8.1991 đòi hỏi ở chính quyền trí tuệ chứ không phải vũ lực. Nhưng ban lãnh đạo chính trị cấp cao đã chẳng có cái nọ lẫn cái kia.


Tướng Nikolai Sergeyevich Leonov

Sinh ngày 22.8.1928 tại làng Allmazovo, quận Gorlovsky, tỉnh Ryazan. Năm 1952, tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế Moskva. Từng làm phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha tại Nhà xuất bản Ngoại văn. Năm 1953-1956, sinh viên khoa Ngữ văn và triết học Đại học tổng hợp quốc gia Mexico. Năm 1956-1958, phiên dịch viên Nhà xuất bản Ngoại văn, nghiên cứu sinh hàm thụ Viện Lịch sử, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1958-1960, học nghiệp vụ tại Trường 101, KGB Liên Xô. Năm 1960-1961, cán bộ bộ máy trung ương Tổng cục I (PGU) KGB Liên Xô (tình báo đối ngoại). Năm 1961-1968, công tác tại Mexico dưới vỏ bọc bí thư thứ ba sứ quán. Tham gia làm việc với Fidel Castro và các nhà lãnh đạo Cuba khác với chức danh phiên dịch viên. Từ cuối năm 1968-1971, Phó trưởng phòng tại PGU. Có những chuyến công tác ngắn hạn ở Peru, Panama, Nicaragua, Afghanistan… Năm 1971-1973, Phó Cục trưởng Cục Phân tích tin PGU. Năm 1973-1984, Cục trưởng Cục Phân tích tin PGU. Năm 1984-1990, Phó Tổng cục trưởng PGU, KGB Liên Xô. Từ tháng 2-8.1991, Cục trưởng Cục Phân tích KGB Liên Xô. Năm 1991, về hưu. Năm 1994-2000, Giáo sư Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO). Năm 2003-2007, đại biểu Duma Quốc gia Nga. Trung tướng về hưu. Được tặng thưởng Huân chương Cách mạng tháng Mười, 2 Huân chương Lao động Cờ Đỏ, Huân chương Sao Đỏ, các Huân chương Che Guevara hạng nhất, Playa Giron của Cuba. Tiến sĩ sử học. Tác giả một số cuốn sách và nhiều bài báo. Đã lập gia đình và có 2 con.
Trứng cá không phải là quả táo gây bất hòa. Iran và Trung Quốc với Nga không phải là kẻ thù
PV: Những nguy cơ nào đang đe dọa nước Nga? Người ta nói tai họa sẽ đến từ phía Nam. Chúng ta có cần sự bảo vệ chống lại tên lửa của Iran không?

Tướng Leonov: Tên lửa chiến lược Iran, hơn nữa lại là với đầu đạn hạt nhân là hoàn toàn không có. Nhưng người Mỹ kiên trì lôi kéo chúng ta vào cuộc xung đột với người Ba Tư. Thế nhưng chúng ta và người Iran có chung cái gì? Trứng cá đen biển Caspie chăng? Trứng cá giờ có còn thì cũng quá ít rồi.

Nga luôn luôn hiểu rõ phương Đông Hồi giáo, còn ở Iran chúng tôi đã hoạt động từ lâu. Hãy nhớ lại lịch sử mà xem. Cuộc cách mạng ở Iran. Người Mỹ khi đó chỉ hiểu Hồi giáo lờ mờ nên đã quyết định chống lại và chém giết những người nổi dậy. Và họ đã giết hại 3 đến 5 ngàn người mỗi ngày trên đường phố Tehran! Nhưng sự việc kết thúc bằng việc quốc vương Iran bỏ chạy. Và điều đó xảy ra khi có mặt 30 ngàn cố vấn đủ loại của Mỹ ở nước này! Đối với CIA, đây là thảm họa to lớn nhất.

PV: Hiện nay, quốc gia hùng mạnh nhất sau Mỹ là Trung Quốc. Thế còn tình báo Trung Quốc có mạnh không?

Tướng Leonov: Tôi nghĩ rằng, tình báo Trung Quốc, cũng giống như các vận động viên Trung Quốc tại Thế vận hội Olympic, đang đứng ở một trong những vị trí có giải. Đặc thù công việc với Trung Quốc là ở chỗ thông tin về nước này luôn thiếu hơn thông tin về các nước khác.

Điều đó được lý giải là trong thời kỳ thành lập CHND Trung Hoa năm 1949-1951, lãnh đạo Liên Xô vì sự tốt bụng khó hiểu đã hạ lệnh giao cho lãnh đạo Trung Quốc toàn bộ lực lượng điệp viên của chúng ta mà tình báo của ta đã kỳ công xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc trong những năm dài chiến tranh với Nhật Bản và trong thời Thế chiến II. Đó là một lưới điệp báo cực kỳ rộng. Người ta đã đem cho đi mất. Không một điệp viên nào của chúng ta còn thấy được ánh sáng mặt trời nữa. Tất cả họ đã biến mất. Bởi vậy, trong thời kỳ sau chiến tranh, chúng ta không còn các nguồn tin ở Trung Quốc. Đây dĩ nhiên là một thảm kịch nghề nghiệp.

Sau đó, tất nhiên là chúng ta đã nắm được, điều gì đang diễn ra sau cái chết của Mao Trạch Đông. Còn về tình hình sức khỏe của Người cầm lái vĩ đại thì chúng tôi theo rất sát, viết báo cáo từng ngày tình hình sức khỏe của ông ta. Xuất hiện Đặng Tiểu Bình. Với ví dụ là ông này thì rõ ràng là vai trò của cá nhân trong lịch sử không được phép xem nhẹ.

Chúng tôi đã báo cáo cho ban lãnh đạo Liên Xô rằng, Trung Quốc “đã chuyển sang đường lối mới” trong phát triển kinh tế. Họ đã đưa ra những khẩu hiệu mới. Chẳng hạn, không quan trọng mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột. Nhưng ban lãnh đạo của chúng ta đã không muốn học hỏi kinh nghiệm của ông bạn láng giềng khổng lồ.

PV: Liệu có chiến tranh với Trung Quốc không?

Tướng Leonov: Theo quan điểm của tôi, trong tương lai gần chúng ta sẽ không công khai thù địch với Trung Quốc. Điều đó không nằm trong lợi ích của họ, cũng như của chúng ta. Bởi vì, trên thực tế, chúng ta là hai quốc gia tựa lưng vào nhau. Họ quay ra đại dương, ra khu vực Nam Á với cộng đồng người Hoa khổng lồ, quay sang Singapore, Malaysia, Philipinnes. Ở đó, họ có cùng một tôn giáo. Những chủng tộc giống nhau. Khí hậu. Tôi phản đối việc cổ súy thái độ bài Trung Quốc.

Tiếng chuông báo động trên quảng trường Manezhnaya
PV: Nhưng cũng có một thực tế khách quan. Trung Quốc có dân cư đông đúc, còn chúng ta có lãnh thổ rộng lớn. Liệu họ có đè bẹp chúng ta về nhân khẩu không?

Tướng Leonov: Hiện nay, nước Nga không bị ai đe dọa một cách hiện thực, trừ chính người Nga. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những sự kiện mới đây trên quảng trưởng Manezhnaya. Đó là tiếng chuông nhỏ nghiêm túc đối với chính quyền. Đừng có đùa giỡn với các cộng đồng dân Kavkaz mà làm tổn hại dân tộc Nga. Những mâu thuẫn dân tộc có thể phá tan đất nước thành những mảnh nhỏ. Mối đe dọa từ bên trong hiện thực hơn mối đe dọa từ bên ngoài.

Hiện thời, Nga có vũ khí hạt nhân. Nó có cả dầu mỏ và khí đốt. Những yếu tố đó dĩ nhiên không mang tính bất biến, nhưng nhờ chúng mà không ai, kể cả Trung Quốc, Mỹ, có khả năng lấn át nước Nga. Nhưng sau đó sẽ là cái gì? Sau 15-20 năm nữa? Từ năm 2012, các cô gái sinh sau năm 1991 sẽ bước vào lứa tuổi sinh con. Sự sụt giảm nhân số ở Nga sẽ đạt mức 1,5 triệu người/năm. Nếu sự việc sẽ cứ diễn ra tiếp như thế thì sẽ đến lúc khi mà cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ Trung Quốc, sẽ xâu xé các vùng lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Đã từng có những cuộc chiến tranh giành di sản của Tây Ban Nha, Áo-Hung.

Tuy nhiên, để nói tất cả những điều đó sẽ diễn ta ở những hình thức tổ chức nào vào ngày hôm nay thì dĩ nhiên là khó. Nhưng sự biến đổi của Nhà nước Nga là không tránh khỏi. Về mặt kết cấu quốc gia-sắc tộc. Về mặt suy thoái các thiết chế khoa học-kinh tế. Quá trình này sẽ mất bao lâu? Tôi không biết.

PV: Người ta nói rằng, quốc gia càng hùng mạnh, thì tình báo của nó càng giỏi. Vậy theo ông thì cơ quan tình báo nào là giỏi nhất?

Tướng Leonov: Đối với tôi thì dĩ nhiên là tình báo Liên Xô. Chẳng gì thì tôi cũng đã làm việc ở đó từ năm 1958 đến năm 1991. Tôi dám khẳng định: ngay cả hồi đó chúng tôi cũng không thua kém CIA.

Một việc dễ hiểu là từ giác độ kỹ thuật, người Mỹ luôn hơn chúng ta. CIA có micro tốt hơn, vệ tinh do thám tốt hơn, tình báo vô tuyến điện tốt hơn... Còn về tài chính thì chẳng còn gì để nói. Họ chi cho tình báo nhiều hơn chúng ta cả năm chục lần.

Còn liên quan đến yếu tố con người thì ở đó có thể nói là chúng ta có ưu thế trước người Mỹ nhờ những phẩm chất thiên phú của con người Nga... Chính là yếu tố con người Nga. Trong ngành tình báo, có tiếng nói quyết định và chiếm đa số áp đảo là người Nga. Mà người Nga thì có một nét đặc biệt mà Leskov đã nhận thấy rõ trong chuyện ngắn Levsha. Nét tính cách này bộc lộ đặc biệt rõ thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Từ chẳng có gì, chúng ta đã có thể làm được tất cả. Chúng ta có những nhà phân tích siêu việt nhất.

PV: Ông có thể nêu các ví dụ chứng minh không?

Tướng Leonov: Được thôi, cuộc cách mạng Cuba. Người Mỹ đã nói: vớ vẩn, tay Fidel rậm râu nào đó ư, anh ta là cái gì đâu, rồi anh ta phải lê gối đến. Còn chúng tôi nêu ra một đánh giá hoàn toàn khác: Cách mạng Cuba là một hiện tượng rất có triển vọng và thú vị. Hồi đó, tôi đã quan hệ gần gũi với Che Guevara và nhận được những thông tin từ gốc nóng hổi.

Còn Việt Nam?.. Cũng vậy. Người Mỹ có đặc điểm là dựa vào cho đến cùng những kết luận sai mà họ đi theo trong chính sách đối ngoại. Và họ làm điều đó cho đến khi chính sách đó bắt đầu có ảnh hưởng hủy hoại đối với chính nước Mỹ. Và tất cả là vì người Mỹ không có khả năng tư duy chiến lược khi nhúng mũi vào việc của các dân tộc khác. Nhân đây cũng nói là việc trao đổi thư từ của các nhà ngoại giao của họ mà Julian Assange đăng tải chứng minh rõ điều đó.

PV: Xin chúc mừng ông, Nikolai Sergeyevich! Nhân kỷ niệm 90 năm tình báo Nga.

(vietnamdefence news)

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

>> Tàu sân bay Mỹ sẽ thành 'mồi ngon' cho Trung Quốc?



Một bức điện tín gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây bị Wikileaks tiết lộ đề cập đến tên lửa chống vệ tinh tối mật của Trung Quốc.

“Tiến bộ chiến lược lớn”Trung Quốc từng sử dụng tên lửa chống vệ tinh tối mật SC-19 (ASAT) trong một cuộc thử nghiệm năm ngoái nhằm chống lại một mục tiêu tên lửa. Kế hoạch này là một phần hệ thống phòng thủ tên lửa hiện vẫn trong vòng bí mật.




Tên lửa ASAT ngắm bắn một tên lửa tầm trung loại mới và chi tiết vụ việc được báo cáo trong một bức điện tín gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây bị Wikileaks tiết lộ. Bức điện tín phác thảo phản đối ngoại giao với Bắc Kinh về các chương trình vũ khí Trung Quốc.

Bức điện tín lần đầu tiên cung cấp chi tiết những đánh giá của Mỹ về thứ mà các quan chức quốc phòng nói là một tiến bộ chiến lược lớn trong chương trình xây dựng quân sự của Trung Quốc. Nó cho thấy rằng, hệ thống chống vệ tinh của Trung Quốc được triển khai không chỉ nhằm chống lại các vệ tinh mà còn là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược lớn hơn.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M.Gates đề xuất hội đàm chiến lược với Trung Quốc về phòng thủ tên lửa, không gian, hạt nhân và chiến tranh ảo. Lời đề xuất này bị người đồng nhiệm Trung Quốc từ chối khi nhấn mạnh còn đang nghiên cứu vấn đề.

Các quan chức quốc phòng và chuyên gia phân tích cho biết, bức điện tín ngoại giao nhấn mạnh “sự hài lòng” của Trung Quốc khi vừa phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ và thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế để hạn chế các loại vũ khí trong không gian nhưng đồng thời lại bí mật theo đuổi các vũ khí không gian riêng cũng như những chương trình tên lửa phòng thủ.

Chi tiết vụ thử nghiệm SC-19 của Trung Quốc có thể không xuất hiện trong báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc đệ trình lên quốc hội Mỹ về quân sự Trung Quốc.

Khả năng hiện đại của Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc đưa tin về vụ thử nghiệm tháng 1/2010 cũng không đề cập tới việc sử dụng SC-19. Cuộc thử nghiệm thành công SC-19 đầu tiên khi phá hủy một vệ tinh thời tiết tháng 1/2007 khiến cộng đồng quốc tế rúng động.

Các tên lửa phòng thủ chiến lược của Mỹ gần đây không có khả năng trực tiếp bắn hạ vệ tinh. Tuy nhiên, tên lửa đánh chặn SM-3 được dùng để bắn hạ một vệ tinh Mỹ năm 2008.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Vương Bảo Đông nhắn lại bình luận của một người phát ngôn Bộ Ngoại giao, khẳng định vụ thử nghiệm năm 2010 là “chỉ hoàn toàn để phòng thủ và không nhằm vào nước nào”.

Bức điện tín gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá rằng, vào ngày 11/1/2010, Trung Quốc phóng một tên lửa SC-19 từ khu liên hợp thử nghiệm tên lửa Korla và thành công trong việc đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung CSS-X-11 được phóng gần như đồng thời từ Trung tâm tên lửa và không gian Shuangchengzi”.

Không có nhiều thông tin về CSS-X-11, chỉ biết nó có thể là biến thể của tên lửa tầm ngắn CSS-7. Hệ thống vệ tinh cảnh báo tên lửa của Mỹ phát hiện ra các vụ phóng và đánh chặn nhưng không nhận thấy các mảnh vụn, bức điện tín cho biết. “Một SC-19 được sử dụng trước đó trong ngày 11/1/2007, trực tiếp chống vệ tinh thời tiết FY-1C của Trung Quốc”, bức điện nhấn mạnh. “Các cuộc thử nghiệm SC-19 DA-ASAT được thực hiện vào năm 2005 và 2006. Động thái này nhằm đánh giá công nghệ của cả ASAT và tên lửa đạn đạo”.

Bức điện tín cho hay, Chính phủ Mỹ trong sự phản đối với Bắc Kinh không tiết lộ rằng, họ biết ASAT và chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc liên quan tới nhau. Phác thảo phản đối bao gồm yêu cầu biết rõ mục đích thử nghiệm, liệu đó có phải là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa; liệu Trung Quốc có kế hoạch triển khai hệ thống này cho các lực lượng quân sự hay trên lãnh thổ của mình; “lực lượng nước ngoài” nào mà Trung Quốc định ngắm tới với hệ thống phòng thủ tên lửa và liệu Trung Quốc có nỗ lực hạn chế những mảnh vụn để lại trong không gian.

Mark Stokes, một chuyên gia nghiên cứu vũ khí Trung Quốc đánh giá, hệ thống phòng thủ tên lửa rất đáng chú ý: “Cuộc thử nghiệm đánh chặn được thực hiện năm ngoái chứng minh hơn nữa khả năng hiện đại của Trung Quốc trong quá trình theo dõi và tham gia các mục tiêu trong không gian, cho dù đó là vệ tinh hay tên lửa đạn đạo”, Stokes nói.

John Tkacik, một cựu chuyên gia Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ rất ngạc nhiên là Lầu Năm Góc không tiết lộ về mối liên hệ giữa thử nghiệm tên lửa phòng thủ và hệ thống chặn vệ tinh của Trung Quốc. “Năm ngoái, tất cả những gì chúng ta có là tuyên bố của trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chip Gregson rằng, Mỹ đang tìm kiếm một lời giải thích”, Tkacik nhấn mạnh. “Dường như Washington đang cố hạ thấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc”.

Theo Tkacik, chính quyền Obama quá tập trung vào các cuộc hội đàm vũ khí với Nga để giảm bớt kho dự trữ hạt nhân mà lãng quên sự tiến bộ của Trung Quốc trong các loại vũ khí hiện đại. “Chúng ta phải bắt đầu nói tới các khả năng không gian của Trung Quốc một cách nghiêm túc”, ông khuyến cáo. “Người Trung Quốc có hàng chục học viện với các nhà khoa học tên lửa và không gian đẳng cấp thế giới, họ biết họ đang làm gì và không giới hạn ngân quỹ để làm việc đó”.

(vnn news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang