Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến? (1)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến? (1)



Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc gần đây đối với biển Hoa Đông và Biển Đông và dọc biên giới Trung - Ấn đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Phải chăng Bắc Kinh cuối cùng sẽ chứng tỏ mong muốn đòi chiếm đất thực sự?

Phải chăng chỉ là cách thể hiện trong một thời gian ngắn của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh các lãnh đạo đang chạy đua vào các vị trí ở Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương Đảng năm 2012, hay đây là những đoạn hồi rời rạc cho thấy một sự tiếp diễn hơn là thay đổi?

Chính sách đối ngoại dựa trên phát triển hòa bình và hài hòa xã hội
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng việc đánh giá tình hình đối ngoại của chúng ta dựa trên các trụ cột cơ bản của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc, phát triển hòa bình và tạo một xã hội hài hòa. Ưu tiên cao nhất của chúng ta kể cả trong chính sách đối ngoại là củng cố các trụ cột này trong nước.



Những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là từ bên trong. Tôi không cần nhắc nhở các thành viên Ban lãnh đạo Đảng rằng mỗi năm chúng ta có hơn 20 triệu người di cư ra thành phố tìm việc làm, rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế ngày càng lớn giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Tây; rằng bức tranh dân số sẽ biến thiên nghiêm trọng trong thập kỷ tới; các vấn đề sinh thái và môi trường đang gia tăng; nguyên liệu đầu vào năng lượng và hàng hóa trong năm qua vẫn chưa chắc chắn; và chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước những bong bóng và sức nóng quá mức trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình.

Các mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng là từ bên trong, nhưng đó là nhờ các mối liên hệ bên ngoài nguy hiểm. Tôi muốn nói đến những nguy cơ của chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.

Cách đây hai năm, trong bài báo cáo của mình, tôi bắt đầu bằng vấn đề Đài Loan, nhưng nay người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã quay lưng lại với các hành động đòi độc lập nguy hiểm của chính quyền DPP tiền nhiệm, và hiện chiến lược của chúng ta nhấn mạnh tới sự phát triển hòa bình để thúc đẩy thống nhất đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trở thành những vấn đề cấp bách hơn, dù tình hình đã bình yên hơn trong một năm vừa qua tại các khu vực này.

Kiềm chế và đảo ngược các xu hướng ly khai này sẽ tiếp tục cho thấy các chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta trong bối cảnh các đồng nghiệp của tôi tại Ban Mặt trận Thống nhất và Văn phòng các vấn đề về Đài Loan đang nỗ lực bảo vệ chính sách một Trung Quốc và đề phòng một sự đảo ngược của các xu hướng có lợi trong 5 thập kỷ qua.

Chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta vận hành theo nguyên tắc phát triển hòa bình và xã hội hài hòa. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các thể chế và diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN + 3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các cuộc đàm phán sáu bên để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hoặc các cường quốc khác và bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì một xã hội quốc tế hài hòa và thế giới đa cực. Đồng thời, chúng ta sẽ khẳng định lại các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và các vùng lân cận phù hợp với sức mạnh đang lớn dần của chúng ta.

Quan hệ quan trọng nhất: Mỹ
Như Chủ tịch Hồ Cầm Đào đã tuyên bố tại cuộc gặp các Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm ngoái, cách xử lý thận trọng quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn là trụ cột chính cho một chiến lược chính sách đối ngoại thành công. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một "đối tác chiến lược" với Washington về lâu dài, dù phải thừa nhận rằng chính quyền của Obama không sẵn lòng sử dụng cụm từ này hơn Bush.

Chúng ta vẫn chống lại những lời kêu gọi của các chuyên gia nước ngoài về việc thành lập một G-2 giữa Mỹ với Trung Quốc, vì điều này sẽ đẩy chúng ta vào cái bẫy trách nhiệm quốc tế có thể không phù hợp với chủ trương phát triển hòa bình và xây dựng một xã hội hài hòa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới một chế độ quản lý chung hai cực với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, và sự nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm quyền lực quan trọng nhất ở châu Á.

Chúng ta cũng thận trọng đánh giá chính quyền Obama. Tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ ở phe đối lập, kể từ thời Nixon, đều sử dụng "quân bài Trung Quốc" - hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền hoặc Đài Loan nếu đắc cử. Các ứng cử viên McCain và Obama đã không động đến chiến lược đe dọa Trung Quốc và dường như sau khi trở thành tổng thống, Obama mới có khả năng xây dựng trên mối quan hệ ổn định mà Bush để lại.

Các dấu hiệu ban đầu từ Washington cho thấy Obama sẽ cam kết tự kiềm chế, thừa nhận gánh nặng lớn của Mỹ ở Iraq và Afghanistan và các xu hướng suy giảm trong nền kinh tế Mỹ. Obama cũng dường như lo lắng về các mâu thuẫn bên trong như hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ. Lời hứa đảm bảo chiến lược của ông và sự trì hoãn các cuộc gặp với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma, cũng như việc hoãn bán vũ khí cho Đài Loan có vẻ như cho thấy ông hiểu tương quan sức mạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng. Tuyên bố chung tháng 11/2009 với thỏa thuận tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của nhau là một thành tựu lớn trong bối cảnh chúng ta đang tìm cách ngăn cản Mỹ hoãn thực hiện Tuyên bố chung về việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hiểu sai về chính quyền Obama. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một đường lối cứng rắn hơn là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 6 vừa qua, mở lại cái được gọi là học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng Năm đã thành công, song quan điểm của chính quyền Mỹ còn cứng rắn hơn trước. Có vấn đề nhất là bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó bà đứng về phía Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Nam Hải (mà Việt Nam gọi là biển Đông - người dịch). Chúng ta sẽ có thể trung hòa Philippines trong cuộc tranh cãi này bằng cách sử dụng các kênh và quỹ thông thường, nhưng Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia dường như hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của bà Clinton và logic chiến tranh Lạnh của bà về quyền tự do hàng hải.

Cách tiếp cận mặt trận liên minh để ổn định các quan hệ với Washington cũng đang thay đổi. Trong quá khứ, cộng đồng doanh nhân Mỹ hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc và chống chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ các yếu tố bè phái hoặc chính sách ngăn chặn tại Mỹ. Nhưng gần đây, một số bộ phận trong cộng đồng doanh nhân đã tham gia học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" khi than phiền rằng các chính sách phát triển kinh tế hợp pháp, như cải tiến bản địa, là một dạng bảo hộ.


Ảnh: Telegraph.co.uk

Nói chung, chúng ta nên đánh giá sức mạnh Mỹ một cách thận trọng. Trong quá khứ chúng ta đôi lúc đã đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ - ví dụ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh - nhưng đôi khi cũng đánh giá thấp sức mạnh này. Chúng ta đã rất ngạc nhiên rằng chỉ vài năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Somalia, chính quyền Clinton đã huy động một lực lượng do NATO dẫn đầu tấn công Serbia dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự quyết và nhân quyền cho Kosovo. Đây là một tiền lệ đáng ngại.

Bài học cho chúng ta là Mỹ đã từng là một cường quốc kiên cường về lịch sử. Tình trạng suy yếu của Mỹ do tình hình tài chính hiện nay và các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan gây ra, rõ ràng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa cực. Chúng ta có thể đẩy nhanh xu hướng này, nhưng không phải là bất chấp nguy cơ đối đầu với Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào các trông chờ trong nước rằng có thể uốn Mỹ theo cách của mình.

Việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ đã đặt chúng ta vào một tình huống bấp bênh hơn nhiều so với Bộ Tài chính ở Washington. Chúng ta đã cho phép định giá lại đồng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường ấn định hay tạo ra lượng cầu hàng hóa nội địa để bù vào lãi suất tiết kiệm cao hơn của Mỹ.

Giả định thực tế của chúng ta phải là Mỹ sẽ vẫn là trung tâm quyền lực nhất trong một thế giới đa cực trong ít nhất một thập kỷ nữa và Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục trung thành với chỉ dẫn chiến lược của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời", trong khi tìm kiếm các cơ hội để "đạt được một điều gì đó".

(tổng hợp bdv)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang