Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Singapore

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Singapore. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Singapore. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc khó thuyết phục láng giềng



Tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói nhiều đến hợp tác và trấn an các nước láng giềng, nhưng các nước này vẫn phải nhắc lại yêu cầu Bắc Kinh 'biến lời nói thành việc làm" cụ thể.


Tạp chí Foreign Policy bình luận về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại hội nghị an ninh châu Á vừa rồi ở Singapore, như sau:

Lần đầu tiên dẫn một phái đoàn lớn đến Singapore, ông Lương Quang Liệt muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế về một nước Trung Quốc đang mạnh lên nhưng ôn hòa, không đe dọa ai, và muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong môi trường an ninh ở Đông Nam Á. Nhưng những câu từ to tát cộng với việc phủ nhận toàn bộ các hành động trong thời gian gần đây của Trung Quốc đối với các quốc gia nhỏ láng giềng, khiến các đại biểu, các chuyên gia và quan chức chính phủ cảm thấy không thuyết phục.

Ông Lương có bài phát biểu dài 45 phút, nói về các chính sách của Quân Giải phóng PLA đối với các vấn đề khu vực, trong đó có biển Đông; công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc; hợp tác an ninh trong vùng. Ông cũng nhận và trả lời câu hỏi của báo chí, tỏ ra rất vui mừng trước mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

"Hơn ai hết, Trung Quốc muốn có ổn định và hòa bình trong khu vực. Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến bất ổn khu vực hoặc làm giảm lòng tin giữa các nước láng giềng. Trung Quốc theo đuổi chính sách xây dựng tình hữu nghị và đối tác với các nước láng giềng", ông Lương nói.


Một tàu ngầm của Trung Quốc gần căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Vị trí của căn cứ tàu ngầm này cho phép các chiến hạm Trung Quốc nhanh chóng triển khai - trong vòng 20 phút - ra Biển Đông, nơi có các tuyến đường hàng hải bận rộn hạng nhất thế giới và là vùng biển rất giàu tài nguyên. Ảnh: FP.

Tuy thế ông Lương không công nhận bất kỳ hành động nào trong thời gian gần đây mà Trung Quốc đã thực hiện đối với các nước Đông Nam Á, khiến cử tọa gồm các quan chức quân sự và chuyên gia cao cấp đến từ 35 đoàn thất vọng. Hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Philippines, phát biểu ngay sau ông Lương, đã đưa ra những phản bác công khai và sắc bén đối với thái độ của Trung Quốc.

"Chúng tôi luôn luôn trông đợi Trung Quốc tôn trọng các chính sách mà họ đã công bố với thế giới, chúng tôi mong rằng những lời tuyên bố đó sẽ được biến thành sự thực", Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói. Ông đề cập việc tàu của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Tuvera Gazmin thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều, và kêu gọi sự hiện diện quân sự mạnh hơn của Mỹ trong khu vực. Gazmin tố cáo Trung Quốc nhiều lần có hành động đe dọa các thuyền đánh cá của Philippines ở gần các đảo mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa.

"Những hành động đó gây bất an không chỉ cho chính phủ, mà còn quấy rối những người dân thường, những người vốn phải dựa vào môi trường biển để mưu sinh", Gazmin nói.

Trung Quốc đang cố làm dịu hình ảnh của mình ở Đông Nam Á, sau sự thoái trào trong mối quan hệ gây ra bởi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với các vấn đề khu vực, chẳng hạn như các tuyên bố "đường lưỡi bò" hay "lợi ích cốt lõi".

"Đó là sự lấy lòng. Mục tiêu của ông Lương là tránh tấn công hay chiến đấu với bất cứ ai và cố xóa đi những dấu vết của thái độ mạnh bạo trong hai năm qua. Họ đã nhận ra rằng cách thức đó không có lợi cho họ", một đại biểu Mỹ nói.

Tuy nhiên các hành động trên thực địa lại khiến người ta khó tin rằng Trung Quốc đang dành sự quan tâm hoàn toàn cho việc thương thảo tìm giải pháp.

"Tôi không cho là bài phát biểu đó trấn an được ai. Nó không giải đáp được những câu hỏi và mối quan ngại mà các nước láng giềng đang đặt ra trước thái độ của Trung Quốc", đại biểu nói trên bình luận.

Trong Đối thoại lần này, cả Mỹ và Trung Quốc dùng những lời lẽ nồng ấm, không đả động đến chuyện gây bất đồng đôi bên là vấn đề Đài Loan. Hai thế lực quân sự lớn nhất ở châu Á Thái bình dương đã hết sức tránh không để mếch lòng nhau.

"Thông điệp của ông Lương nhấn mạnh quyết tâm đi theo con đường phát triển hòa bình và sẵn sàng ủng hộ an ninh khu vực", Bonnie Glaser, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận xét.

"Tất cả những lời to tát trong bài phát biểu của ông Lương là nhằm trấn an khu vực", một đại biểu khác của Mỹ nói. "Nhưng, theo dõi việc hỏi đáp, thì thấy có một số câu hỏi không được giải đáp và điều đó gây quan ngại, nó cho thấy khoảng cách giữa lời nói với việc làm trong thái độ của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và quá trình hiện đại hóa quân đội của họ".

[BDV news]


Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

>> Sức mạnh tên lửa chống tăng Spike của Israel



[BDV news] Quân đội Israel có một loại vũ khí chống tăng hiện đại do Hãng Rafael nghiên cứu, chế tạo mà trong suốt một thời gian dài không ai biết, kể cả Mỹ.

Tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS của Israel đã được giữ bí mật trong nhiều năm liền.

Đó chính là tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS, biến thể mới nhất thuộc dòng tên lửa Spike hiện đang có mặt trong biên chế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Chile, Columbia, Croatia, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Newzealand, Peru, Ba Lan, Rumania, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khác với các tên lửa cùng lớp thế hệ trước, Spike NLOS (Non Line Of Sight) không được giới thiệu rộng rãi trong triển lãm vũ khí mặc dù đã xuất xưởng từ vài năm trước.

Trong suốt một thời gian dài Israel đã giữ bí mật về loại tên lửa mới này, cất giữ nó trong kho vũ khí chuyên dụng. Chỉ mới cách đây một tuần Israel mới chính thức tiết lộ.

Ngay đến cả đồng minh thân cận như Mỹ cũng không được biết đến loại tên lửa này trong suốt một thời gian dài. Sau đó, Mỹ cũng đã phát hiện ra sự hiện diện của Spike NLOS nhờ bản đồ vệ tinh.

Thậm chí ngay đến tên của tên lửa này cũng được bảo mật khi cất giữ trong kho vũ khí chuyên dụng. Ở đây tên lửa Spike NLOS được gọi là Tamuz và chỉ có sỹ quan mới biết có sự hiện diện của nó trong kho.


Ngay từ khi xuất hiện trên thị trường vũ khí thế giới, Spike NLOS đã được nhiều nước ưu chuộng và tin dùng.

Spike NLOS lần đầu tiên được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến vào năm 2006 khi diễn ra chiến tranh Lebanon lần hai. Khi đó, Spike NLOS đã được sử dụng để tiêu diệt nhóm tay súng Hezbollah.

Sau khi thử nghiệm thành công, Israel đã quyết định cho triển khai Spike NLOS tại biên giới dải Gaza, đồng thời giới thiệu và xuất khẩu loại vũ khí này ra nước ngoài, đặc biệt là giới thiệu cho Ả Rập như một “món quà đặc biệt” phòng thân trong trường hợp xảy ra chiến tranh.


Cận cảnh hệ thống phóng tên lửa chống tăng Spike NLOS.

Spike NLOS lần đầu tiên được biết đến trên thị trường vũ khí thế giới vào cuối năm 2009 tại triển lãm vũ khí tổ chức tại Singapore.

Tuy nhiên, khi đó, Israel vẫn chưa chính thức khẳng định đã trang bị loại tên lửa hiện đại này cho quân đội của mình.

Theo tuyên bố của các nhà chế tạo, Spike NLOS là hệ thống tên lửa điện quang đa năng, đa dụng, có thể ứng dụng trên nhiều phương tiện tác chiến khác nhau (trên bộ, trên không, trên biển).

Tên lửa loại này có bán kính hoạt động 25 km, trọng lượng 71 kg, rất nhẹ mà giá thành lại rẻ cả trong bảo dưỡng lẫn khai thác, sử dụng nên vừa mới xuất hiện trên thị trường vũ khí thế giới đã được nhiều quốc gia ưa chuộng, tin dùng.


Dòng tên lửa chống tăng có điều khiển Spike thế hệ thứ 3.


Spike NLOS có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau: nổ phá mảnh, xuyên phá, thông minh, đa năng,…Nó có thể tích hợp với hệ thống dẫn đường vệ tinh hoặc máy bay không người lái, có hệ thống định vị mục tiêu riêng kết hợp điều khiển từ xa. 

[Vitinfo news] Ấn Độ chi 1 tỷ đôla mua tên lửa Spike của Israel
Theo thông tin của đại diện Bộ Quốc phòng Ấn Độ, thỏa thuận này xem xét việc cung cấp 321 máy phóng, 8356 tên lửa, 15 thiết bị huấn luyện và thiết bị khác. Hợp đồng có tổng trị giá là 1 tỷ đôla.

Rafael là công ty duy nhất tham gia vụ đấu thầu được tuyên bố vào tháng 6/2010. Công ty General Dynamics và Raytheon của Mỹ, MBDA của châu Âu và Rosoboronexport của Nga không tham gia đấu vì Ấn Độ đòi hỏi thực hiện một phần đơn hàng tại các doanh nghiệp quốc phòng nước này. Về phần mình, tập đoàn Rafael đã bày tỏ sẵn sàng chuyển một phần hợp đồng cho tập đoàn quốc doanh Bharat Dynamics của Ấn Độ.

Theo thông tin hiện có, cản trở chính đối với các công ty tham gia là yêu cầu chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Defense News không tiết lộ các công ty không tham gia đấu thầu có từ chối chuyển giao công nghệ của mình cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hay không cũng như quan điểm của Rafael về vấn đề này.

Lực lượng Lục quân Ấn Độ nhận tổ hợp tên lửa chống tăng Spike ở những dạng khác nhau gồm dạng tên lửa sẵn sàng sử dụng được lắp ráp tại Israel, dạng tên lửa được lắp ráp một phần, còn khâu lắp ráp cuối cùng sẽ diễn ra tại Ấn Độ và một số bộ phận tên lửa sẽ được sản xuất tại tập đoàn quốc doanh Bharat Dynamics của Ấn Độ.

Bộ Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ấn Độ dự định trang bị tên lửa chống tăng Spike này cho trang thiết bị bọc thép hiện có do Nga sản xuất. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, việc thử nghiệm tổ hợp tên lửa chống tăng trong điều kiện chiến đấu đã hoàn tất, đặc điểm tên lửa phù hợp với tất cả các yêu cầu của Lực lượng Lục quân Ấn Độ bao gồm tầm xa tiêu diệt mục tiêu không được dưới 2,5km trong điều kiện cả ban ngày và ban đêm và độ chính xác là 90%.

Việc Ấn Độ mua tổ hợp tên lửa chống tăng thế hệ 3 của nước ngoài xuất phát từ sự chậm trễ đưa tổ hợp tên lửa chống tăng Nag nội địa vào trang bị và từ dự định tiếp cận được những công nghệ hiện đại sản xuất tên lửa chống tăng.

Hiện nay, Lục quân Ấn Độ được trang bị tổ hợp tên lửa chống tăng Milan-2 – đây là hệ thống thế hệ 2 được sản xuất vào thập niên 70. Tổ hợp tên lửa chống tăng Milan-2 được sản xuất tại công ty Bharat Dynamics Limited từ đầu thập niên 80 theo thỏa thuận cấp phép về chuyển giao công nghệ với MBDA.

Tên lửa Spike đặt trên ô tô, tàu biển và trực thăng được trang bị 2 đầu đạn chiến đấu và hệ thống tự dẫn đường nâng cao tính chính xác khi bắn những mục tiêu di chuyển của kẻ địch. Theo nhiều thông số, tên lửa này giống với tên lửa FGM-148 Javelin của Mỹ. Tên lửa Spike có nhiều phiên bản khác nhau như tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và tầm xa hạng nặng cũng như phiên bản Spike NLOS (Non Line Of Sight).


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

>> 'Sát thủ' diệt hạm ở Đông Nam Á



Tên lửa hành trình diệt hạm là một loại vũ khí cực kỳ hiệu quả trong tác chiến chống hạm trên biển.

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều có vùng biển lớn vì vậy sức mạnh hải quân luôn luôn được chú trọng. Trong những năm qua, một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Brunei, Việt Nam… đầu tư mạnh ngân sách để hiện đại hóa lực lượng tàu chiến. Nhiều chiến hạm cỡ lớn được mua từ những công ty đóng tàu quân sự có uy tín trên thế giới. Tên lửa diệt hạm lựa chọn trang bị cho các tàu chiến chủ lực ở Đông Nam Á đều là mẫu thiết kế có tiếng. Sau đây là một số thông tin về tên lửa diệt hạm cũng như lớp tàu trang bị ở Đông Nam Á:  


MBDA Exocet


Exocet là “nhãn hiệu” tên lửa đối hạm hàng đầu của nước Pháp. Ra đời từ những năm 1960 nhưng phải đến năm 1982 nó mới vang danh thế giới trong trận chiến ở quần đảo Falklands. Khi đó, Exocet được quân đội Argentina sử dụng rộng rãi đã gây hư hỏng, đánh chìm nhiều chiến hạm của hải quân Anh. Đông Nam Á là nơi khá ưa chuộng dòng tên lửa diệt hạm Exocet. Hầu hết các chiến hạm hiện đại của Brunei, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều trang bị các biến thể của dòng Exocet. Các biến thể Exocet tương tự nhau về hình dáng chỉ khác về kích thước và trọng lượng. Giữa thân tên lửa có 4 cánh tam giác, đuôi tên lửa có 4 cánh định hướng. Tất cả các tên lửa Exocet đều lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 165 kg.



Tên lửa hành trình đối hạm Exocet MM40 Block II.

Phương thức dẫn đường của dòng Exocet giống nhau. Sau khi rời bệ phóng, tên lửa sẽ ổn định hướng tới mục tiêu cùng với độ cao bay phù hợp (vừa đủ để tránh bị đối phương phát hiện, vừa đủ để đầu dò radar chủ động bám bắt mục tiêu).

Ở pha giữa, tên lửa sử dụng hệ thống định vị quán tính cho phép bay lướt theo quỹ đạo nhắm tới mục tiêu. Radar chủ động tự dẫn ở pha cuối.

Ba biến thể Exocet được dùng ở Đông Nam Á là MM-38, MM-40 Block II và SM-39. Trong đó:

- Tên lửa hành trình đối hạm MM-38 có tầm bắn 40km trang bị cho các tàu cao tốc lớp Perdana (hải quân Malaysia); tàu cao tốc lớp Rajcharit (hải quân Thái Lan); tàu tuần tra mang tên lửa lớp Waspada (hải quân Brunei).

- Tên lửa hành trình đối hạm MM-40 Block II có tầm bắn 70km trang bị cho khinh hạm lớp Lekiu (hải quân Malaysia); hộ vệ hạm lớp Kapitan Patimura (hải quân Indonesia); hộ vệ hạm lớp Nakhodam Ragam (hải quân Brunei).

- Tên lửa đối hạm SM-39 trang bị cho các tàu ngầm Scorpene của hải quân Malaysia. Biến thể này đặt trong công te nơ bảo quản, có thể được bắn từ máy phóng ngư lôi cỡ 533mm. Sau khi rời khỏi mặt nước ở độ cao 30m, tên lửa “tách vỏ” bay tới mục tiêu. SM-39 có tầm bắn ngắn 50 km.

Boeing Harpoon

Harpoon là tên hiệu của loại tên lửa hành trình đối hạm tầm ngắn do tập đoàn Boeing (Mỹ) phát triển. Harpoon có ba biến thể chính là: AGM-84 (phóng từ trên máy bay), RGM-84 (phóng từ chiến hạm nổi), UGM-84 (phóng từ tàu ngầm).

Trong đó, RGM-84 được sử dụng khá nhiều cho các tàu chiến của hải quân các nước Đông Nam Á. RGM-84 trang bị cho các hai khinh hạm lớp Knox của hải quân Thái Lan, khinh hạm hiện đại bậc nhất Đông Nam Á lớp Formidable của Singapore, khinh hạm Van Speijk của Indonesia.

Biến thể RGM-84 Harpoon có chiều dài 4,64m, đường kính thân 0,34m, trọng lượng khi phóng 682kg. Nó được bắn từ hệ thống ống phóng Mk 131, Mk 10 hoặc Mk 112 (thường để bắn tên lửa chống ngầm RUR 5 ASROC).



Tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon.


Tên lửa UGM-84 phóng từ tàu ngầm.

RGM-84 trang bị hai động cơ, động cơ rocket nhiên liệu rắn hoạt động trong giai đoạn phóng, khi tên lửa đạt trạng thái ổn định, hết nhiên liệu động cơ sẽ tự tách bỏ. Ở giai đoạn bay chính tên lửa dùng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy.

Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) sẽ hướng dẫn tên lửa trong pha giữa, radar chủ động sẽ hoạt động ở pha cuối. RGM-84 lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 222kg, tầm bắn xa 130km.

Phiên bản phóng từ tàu ngầm UGM-84 chỉ có duy nhất tàu ngầm lớp Cakra của Indonesia sử dụng. Đặc điểm tính năng biến thể này hoàn toàn tương tự RGM-84, loại tên lửa này sẽ được phóng qua máy bắn ngư lôi.

Tên lửa chống hạm từ nước Nga

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á trang bị các loại tên lửa hành trình chống hạm trên các chiến hạm nổi của mình.

Tên lửa P-15M (NATO gọi là SS-N-2C) trang bị cho các tàu hộ vệ project 1241.1 và tàu tên lửa cỡ nhỏ OSA-II. P-15M dài 6,5m, đường kính thân 0,76m và tổng trọng lượng phóng là 2.500kg. Tên lửa được radar chủ động dẫn đường trong pha cuối. Tên lửa lắp động cơ nhiên liệu lỏng, tầm bắn 80km, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 513kg.



Hộ vệ hạm Project 1241.1 phóng tên lửa P-15M.

Tên lửa Kh-35 Uran (NATO gọi là SS-N-25) trang bị tàu hộ vệ project 1241.8 và khinh hạm Gepard 3.9. Tên lửa Uran được thiết kế với 4 cánh định hướng tam giác đặt giữa thân, 4 cánh điều khiển ở đuôi.

Uran dài 4,2m, đường kính thân 0,42m, trọng lượng khi phóng 630kg. Hệ thống định vị quán tính dẫn đường ở pha giữa và radar chủ động điều khiển ở pha cuối. Tên lửa trang bị hai động cơ: động cơ đẩy nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy. Tên lửa có tầm bắn 130kg, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh xuyên giáp nặng 145kg.

Tương lai không xa, một cái tên danh tiếng nữa trong đại gia đình tên lửa diệt hạm Nga có thể xuất hiện ở Đông Nam Á là hệ thống tên lửa hành trình Novator Club-S (SS-N-27) bắn tên lửa 3M54E1 (tầm bắn xa 220km, đầu đạn 450kg). SS-N-27 theo thiết kế của Nga sẽ trang bị trên các tàu ngầm tiến công lớp Kilo. Hải quân Việt Nam và Indonesia đã đặt mua một số tàu ngầm Kilo Type 636.

Tên lửa chống hạm từ Trung Quốc

Trung Quốc cũng sản xuất rất nhiều mẫu tên lửa hành trình chống hạm, tuy nhiên thiết kế duy nhất được sử dụng nhiều ở Đông Nam Á là loại C-802 (tên gọi phiên bản xuất khẩu của YJ-82).

C-802 có mặt nhiều nhất trong thành phần trang bị chiến hạm của hải quân Myanmar. Cụ thể, C-802 được vũ trang cho khinh hạm chủ lực lớp Azung Zeya, hộ vệ hạm lớp Nawarat, tàu cao tốc tên lửa lớp Houxin (Type 037IG) cùng một số tàu cỡ nhỏ khác.

Ngoài ra, hải quân Indonesia cũng lựa chọn trang bị cho tàu cao tốc FPB-57 Nav V. Hải quân Thái Lan ký hợp đồng với phía Trung Quốc mua C-802 cho các khinh hạm lớp Phraya.



Tên lửa C-802 rời bệ phóng.

Tên lửa hành trình đối hạm siêu âm C-802 dài 6,3m, đường kính thân 0,36m, trọng lượng phóng 715kg. Tên lửa được cấu tạo các cánh định hướng điểu khiển và cửa hút khí dành cho động cơ phản lực.

C-802 sử dụng hai động cơ, khi phóng động cơ nhiên liệu rắn làm việc và đẩy vận tốc tên lửa lên tới Mach 0,9. Sau khi cháy hết nhiên liệu, động cơ này sẽ tách khỏi thân tên lửa, động cơ tuốc bin phản lực bắt đầu khởi động cho hành trình bay hướng tới mục tiêu.

Hệ thống định vị quán tính hoạt động từ pha giữa, radar chủ động đảm nhiệm pha cuối. Tên lửa C-802 có tầm bắn xa 120km, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh 165kg.

Theo tạp chí Globalsecurity, tên lửa diệt hạm C-802 có diện tích phản xạ radar nhỏ, khi cách mục tiêu vài km nó sẽ hạ xuống độ cao 5-7m so với mặt nước biển, hệ thống dẫn đường chống nhiễu tốt, tàu mục tiêu khó có khả năng đánh chặn được tên lửa. Xác suất đánh trúng của C-802 là 98%.

Một số loại khác

Ít tiếng hơn so với các thiết kế Harpoon, Exocet, P-15M, Kh-35 Uran E, C-802 còn có 2 loại tên lửa tới từ Italia và Israel.

Hộ vệ hạm Laksamana của hải quân Malaysia trang bị 4 tên lửa hành trình chống hạm tầm xa Otomat MkII. Tên lửa do tập đoàn Oto Melara Italia và Matra Pháp hợp tác chế tạo. Otomat Mk II được dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính và radar chủ động.



Tên lửa diệt hạm Otomat MkII.

Nếu so với các loại tên lửa chống hạm trang bị trên tàu chiến nổi ở Đông Nam Á, thì Otomat MKII là tên lửa có tầm bắn xa nhất lên tới 180km.

Một vài tàu cao tốc tên lửa của Thái Lan lại trang bị tên lửa chống hạm tầm ngắn Gabriel của Israel. Gabriel có hai biến thể chính là: Mk I (tầm bắn 20km, đầu đạn nặng 430kg), Mk II (tầm bắn 36km, đầu đạn 522kg). Không rõ tàu Thái Lan trang bị phiên bản nào.
(bdv news)

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

>> Myanmar – thị trường vũ khí tiềm năng nhất Đông Nam Á?



Với tốc độ tăng ngân sách quốc phòng như hiện nay, cộng với việc triển khai dân chủ trong bộ máy chính quyền, Myanmar có thể trở thành một trong những thị trường vũ khí tiềm năng nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Theo tiết lộ của Trung tâm phân tích thương vụ vũ khí thế giới TSAMTO, trong tổng ngân khố quốc gia năm 2011 trị giá 7,6 nghìn tỷ kyat thì Myanmar đã quyết định sẽ chi 1,8 nghìn tỷ kyat (2 tỷ USD) cho quốc phòng, tương đương 23,6%, trong đó chi cho lực lượng an ninh khoảng 99,5 tỷ kyat (110 triệu USD – 1,3% ngân khố quốc gia).






Thông tin về ngân sách quốc gia của Myanmar trong suốt một thời gian dài không tiết lộ ra bên ngoài mà chỉ một vài năm trở lại đây mới bắt đầu hé lộ. Được biết, tổng chi phí cho quốc phòng của Myanmar trong năm 2009 là 1,5 tỷ USD tương đương 3,6% tổng thu nhập quốc nội GDP. Chính quyền Myanmar trong suốt một thời gian dài do tập đoàn quân phiệt lãnh đạo. Vào tháng 11/2010, Myanmar đã tiến hành bầu cử Nghị viện và vào ngày 4/2 vừa qua đã lựa chọn ra Tổng thống mới. Tổng thống Myanmar hiện nay là nguyên Thủ tướng Myanmar, tướng nghỉ hưu Thein Sein – Chủ tịch Đảng cầm quyền liên minh đoàn kết và phát triển (USDP).

Theo nhận định của các chuyên gia TSAMTO, chính việc tăng ngân sách quốc phòng và thực thi dân chủ trong bộ máy chính quyền nên trong thời gian tới Myanmar có thể sẽ trở thành thị trường vũ khí tiềm năng nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Không quân Myanmar hiện nay đang triển khai thực hiện mua đồng thời 20 máy bay tiêm kích Mig-29 của Nga với tổng trị giá gần 570 triệu USD và 50-60 chiếc máy bay UTS/UBS K-8 Karakorum của Trung Quốc với giá gần 700 triệu USD.

Đây là hai hợp đồng quân sự có trị giá lớn nhất hiện nay. Cả hai hợp đồng này đã được các bên ký kết vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, chưa rõ hiện hợp đồng này đã được triển khai tới đâu và bao giờ Myanmar sẽ nhận được máy bay theo ký kết.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay đang đặt ra cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng Myanmar là cần thiết phải nâng cấp và cải tiến vũ khí trang bị cho cả Hải, Lục và Không quân để bảo đảm khả năng phòng thủ đất nước ở mức cần thiết.

Xuất phát từ yêu cầu này, trong thời gian tới Myanmar có khả năng sẽ là nhà đặt hàng lớn các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự bởi vì công nghiệp quốc phòng của Myanmar hiện nay chưa đủ khả năng tự cung cấp cho quân đội nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp vũ khí từ bên ngoài.

Trên thị trường vũ khí của Myanmar hiện nay, Nga và Trung Quốc vẫn nổi lên là hai nhà cung cấp chính và chủ yếu. Rất có thể trong thời gian tới sẽ có thêm các nhà cung cấp mới như Ukraina, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Serbia, tiếp nữa là Hàn Quốc, Pakistan, Ba Lan và Singapore.

Liên minh châu Âu EU ngay từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh (1991) đã áp lệnh bao vây, cấm vận cung cấp vũ khí, đạn dược và huấn luyện, đào tạo binh lính cho quân đội Myanmar.

Đến năm 1993 Mỹ là quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí cho Myanmar. Tuy nhiên vào tháng 6/2010 Hạ viện Mỹ lại tiếp tục gia hạn thêm lệnh bao vây, cấm vận vũ khí đối với Myanmar.

Liên quan đến kết quả bầu cử Nghị viện và người đứng đầu nhà nước mới ở Myanmar lên nắm quyền, các chuyên gia phân tích nhận định, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tái xem xét khả năng rỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Myanmar.

Theo số liệu thống kê không đầy đủ, từ năm 1988 số binh lính trong quân đội Myanmar đã tăng lên gấp đôi và hiện nay đang có khoảng 406.000 quân

(Armstrade news )

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

>> 'Giải mã' vũ khí xuất hiện trong ngày Độc lập của Singapore



Trong ngày lễ Độc Lập, quân đội Singapore tiến hành duyệt binh kỷ niệm với sự tham gia của nhiều loại vũ khí hiện đại. Trong số đó, không ít trang thiết bị là do Singapore tự chế tạo.




Sở hữu nền kinh tế hàng đầu khu vực, Singapore đầu tư ngân sách không nhỏ cho quốc phòng. Có thể nói tốc độ hiện đại hóa vũ khí của Singapore nhanh nhất khu vực. Họ liên tục có các hợp đồng mua vũ khí từ một loạt quốc gia Châu Âu và Mỹ trong mấy năm gần đây. Ảnh: xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất của lục quân Singapore Leopard 2A4.



Một trong những sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, tổ hợp tên lửa phòng không MIM - 23B I - HAWK. Đây cũng là loại tên lửa quân đội Mỹ từng đưa sang tham chiến tại Việt Nam.



Một sự kết hợp "hoàn hảo" giữa thân xe thiết giáp M - 113 (Mỹ) và bốn tên lửa đối không Igla (Nga) tạo ra hệ thống phòng không tầm ngắn M - 113A2 Ultra Mechanised Igla. Đây có thể là sản phẩm mà Singapore tự cải tiến.



Thiết bị xe hỗ trợ thông tin.



Không chỉ nhập khẩu vũ khí, Singapore còn nỗ lực tự sản xuất nhiều trang thiết bị quân sự gồm các loại xe thiết giáp, pháo tự hành, pháo xe kéo, vũ khí cá nhân, tàu chiến cỡ nhỏ.



Ca nô tuần tiễu chuyên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, tuần tra ven biển của quân đội Singapore.



Xe sửa chữa Bionix, phiên bản cải tiến từ xe chiến đấu bộ binh Bionix do Singapore thiết kế và chế tạo. Bionix cũng là xe thiết giáp nội địa đầu tiên ra đời ở khu vực Đông Nam Á (chạy sau cùng).



Phương tiện ca nô không người lái vũ trang đầu tiên trên thế giới Protector do Israel phát triển. Theo "quảng cáo", Protector có khả năng tàng hình, khả năng cơ động cao, tốc độ nhanh. Hiện tại, Singapore chỉ có hai chiếc loại này, chúng đều vũ trang một súng máy tự động cỡ 12,7mm. Năm 2005, Protector cùng tàu đổ bộ Endurance thực hiện nhiệm vụ trên vùng vịnh Persian.



Xe chiến đấu hạng nhẹ Spider do Singapore sản xuất chuyên sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt hoặc đánh du kích. Spider là một trong những sản phẩm xuất khẩu thành công của Singapore, loại xe này hiện đang có mặt trong quân đội Mỹ, Hy Lạp, Tây Ban Nhan, Oman... . Spider có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau như: súng máy 12,7 mm, súng phóng lựu, hệ thống pháo cối 120 mm.



Xe thiết giáp chống mìn Maxxpro nhập khẩu từ Mỹ. Maxxpro cho quân đội Singapore mang một vài điểm cải tiến dễ nhận thấy nhất là tháp pháo bỏ đi tấm giáp bọc xung quanh xạ thủ.



Đoàn xe thiết giáp chống mìn Trailblazer, đây cũng là phiên bản cải tiến từ dòng xe chiến đấu bộ binh Bionix.



Phiên bản khác của Bionix, loại xe bắc cầu sử dụng cho lực lượng công binh. Xe trang bị loại cầu MLC30, khi mở rộng có chiều dài 22m. Công việc triển khai cầu dự tính trong vòng 7 phút, kíp lái gồm hai người điều khiển trong xe.


( theo bdv )

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

>> Những chú 'sư tử biển' của Hải quân Singapore



Được trang bị tàu chiến tối tân, Singapore hiện có lực lượng hải quân hiện đại hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Hầu như toàn bộ vũ khí này được mua từ các nước phương Tây.

Dưới đây là một số thành viên chủ chốt trong lực lượng hải quân Singapore:

Khu trục hạm lớp Formidable
Năm 2002, Bộ Quốc Phòng Singapore ký hợp đồng với Pháp đóng 6 tàu khu trục lớp Formidable. Tính đến năm 2009, tất cả 6 tàu loại này đều được chuyển giao cho Hải quân Singapore và được biên chế vào liên đội tàu chiến 185 (Hải quân Singapore-RSN).

Tàu khu trục lớp Formidable thiết kế hoàn toàn dựa trên chiến hạm lớp La Fayette của Pháp. Formidable là khu trục hạm đa năng có thể làm nhiêm vụ chống hạm, chống ngầm và phòng không. Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn, dài 114,8m.



Tàu chiến tàng hình lớp Formidable (RSS Steadfast) với trực thăng SH-60B "Seahawk" trên boong

Vũ khí chống hạm chủ lực là tổ hợp tên lửa chống tàu AGM-84 Harpoon, tên lửa có tầm bắn 130 km, dẫn đường bằng ra đa chủ động.

Đặc biệt, hệ thống tên lửa đối không của tàu được kết hợp giữa radar Thales Herakles với ống phóng Sylver A50 và khoảng từ 15-30 tên lửa MBDA Aster (tên lửa Aster có thể dùng để chống máy bay hoặc tên lửa hành trình).

Hệ thống chống ngầm của Formidable là ngư lôi hạng nhẹ Eurotop A244-S Mod 3, có tầm bắn 13,5km. Ngoài ra, Formidable còn được vũ trang pháo hạm Oto Melara 76mm rất hữu hiệu khi công kích các mục tiêu nhỏ, tầm gần trên biển.

Năm 2005, Bộ Quốc Phòng Singapore mua 6 chiếc trực thăng SH-60B từ Mỹ. Tất cả đều được chuyển giao trong thời gian từ 2008 tới 2010. SH-60B sẽ được trang bị cho khu trục hạm Formidable, có thể dùng để chống ngầm hoặc chống hạm.

Tàu chiến lớp Formidable được đánh giá là một trong những tàu chiến hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tàu hộ tống lớp Victory
Trước khi Formidable xuất hiện, các tàu hộ tống lớp Victory là lực lượng chống ngầm đầu tiên của Hải quân Singapore.

Năm 1983, Bộ Quốc phòng Singapore mua 6 chiếc loại này từ Đức. Lượng giãn nước của Victory là 600 tấn, dài 62m. Tàu có thể chạy với tốc độ tối đa 30 hải lý mỗi giờ.


RSS Victory đang bắn pháo 76mm trong cuộc diễn tập với hải quân Mỹ.

Hệ thống vũ khí trên tàu bao gồm tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa đối không Rafael Barak, ngư lôi chống ngầm Eurotop 2A44-S Mod 3, pháo hạm Oto Melara 76mm và cuối cùng là súng máy phòng không CIS 50 12,7mm.

Hiện tại, tất cả sáu chiếc loại này đều nằm trong biên chế liên đội tàu chiến 188 (Hải quân Singapore).

Tàu tuần tra lớp Fearless
Tàu tuần tra lớp Fearless được Hải quân Singapore tự đóng mới để thay thế những chiếc tàu tuần tiễu già cỗi.

Fearless có lượng giãn nước 500 tấn, tàu dài 55m. Vũ khí trang bị trên tàu bao gồm tên lửa đối không Mistral, ngư lôi chống ngầm Eurotop A244-S Mod 3 có tầm bắn 13,5km.

Tàu còn được trang bị pháo hạm Oto Melara 76mm và súng máy phòng không CIS 50 12,7 mm.


Tàu tuần tra lớp Fearless (RSS Resilience) trên biển.

Có tất cả 12 chiếc loại này được đóng, nhưng chỉ có sáu chiếc đầu tiên là được vũ trang ngư lôi A244 chống ngầm. Tất cả đều được biên chế trong hai liên đội tàu 182 và 189.

Tàu quét mìn lớp Bedok
Tàu quét mìn lớp Bedok được Thụy Sĩ thiết kế và chế tạo, có tất cả bốn chiếc đã được chuyển giao cho Hải quân Singapore. Hiện, Bedok được biên chế trong liên đội tàu chiến 194 của nước này.


Tàu quét mìn lớp Bedok tại quân cảng Changi.

Bedok có lượng giãn nước 360 tấn, tàu dài 47.5m. Tàu được vũ trang pháo phòng không Bofors 40mm, súng máy CIS 50 12.7mm. Đặc biệt, Bedok được lắp đặt máy xử lý bom mìn điều khiển từ xa ECA PAP 104 Mk5.

Tàu vận tải đổ bộ lớp Endurance
Tàu vận tải đổ bộ lớp Endurance được Hải quân Singapore tự thiết kế và đóng mới để thay thế tàu đổ bộ lớp County cũ kĩ. Endurance có lượng choán nước lên tới 6000 tấn, là loại tàu lớn nhất của nước này.

Tàu dài 141m, thủy thủ đoàn 65 người, Endurance đạt tốc độ tối đa 20 hải lý mỗi giờ. Tàu có khả năng chở 18 xe tăng và binh lính, đồng thời trên boong tàu phía sau còn có sân đỗ cho hai trực thăng hạng trung.

Hệ thống phòng vệ của tàu bao gồm tên lửa đối không Mistral, súng máy CIS 50 12.7mm và pháo hạm Oto Melara 76 mm.


Tàu vận tải đổ bộ lớp Endurance.

RSS Endurance đã trở thành chiếc tàu hải quân đầu tiên của Singapore thực hiện chuyến đi vòng quanh trái đất để tới tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế tại thành phố New York, Mỹ, năm 2000.

Chúng cũng tham gia tích cực vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo, điển hình như ở Đông Timor, vịnh Ba Tư và đợt sóng thần ở tỉnh Aceh, Indonesia.

Hiện nay, Hải quân Singapore đang sở hữu bốn chiếc tàu Endurance. Tất cả đều được biên chế chính thức trong liên đội tàu 191-Hải quân Singapore.

Tàu ngầm lớp Challenger
Năm 1995, Singapore đã mua được một tàu ngầm lớp Challenger từ Hải quân Thụy Điển. Năm 1997, thêm ba chiếc nữa đã được chuyển giao. Những chiếc Challenger là vốn liếng đầu tiên của lực lượng tàu ngầm Hải quân Singapore.

Challenger dài 51m, tàu có lượng choán nước 1.130 tấn (trên mặt biển) và 1.200 tấn (dưới mặt biển).


Tàu ngầm lớp Challenger.

Hệ thống vũ khí của Challenger bao gồm bốn máy phóng ngư lôi 533mm và hai máy phóng 400mm. Số lượng thủy thủ trên tàu gồm 18 thành viên.

Trước khi được chuyển giao cho Singapore, phía Thụy Điển đã thực hiện nâng cấp tàu để phù hợp với khí hậu vùng biển nhiệt đới, đồng thời cũng tiến hành lắp đặt thêm một số thiết bị khác như điều hòa không khí, hệ thống ống dẫn chống ăn mòn…

Hiện tại, cả bốn chiếc lớp Challenger đều nằm trong liên đội tàu số 171 của nước này.

Tàu ngầm lớp Archer
Tháng 4/2005, Bộ Quốc phòng Singapore ký hợp đồng đồng ý mua hai chiếc tàu ngầm lớp Archer từ Thụy Điển. Chiếc đầu tiên RSS Archer được hạ thủy ngày 16/9 vừa qua và đang thực hiện các cuộc thử nghiệm.

Tàu ngầm lớp Archer có lượng choán nước 1.400 tấn (trên mặt biển) và 1.500 tấn (dưới mặt biển). Chiều dài của con tàu là 60,5m. Số lượng thủy thủ đoàn trên tàu là 28.

Tốc độ tối đa của Archer khi lặn là 15 hải lý mỗi giờ. Đặc biệt, tàu được trang bị hệ thống động cơ chạy khí độc lập, nhờ đó cho phép tàu ngầm có khả năng lặn sâu và gây ra tiếng ồn thấp tăng thêm khả năng tàng hình.


Hạ thủy RSS Archer tại Thụy Điển.

Hệ thống định vị siêu âm tiên tiến giúp dò tìm mục tiêu ở khoảng cách xa. Và cuối cùng, Archer được trang bị 9 máy phóng ngư lôi cỡ 533 mm và 400 mm.

Thực tế, Archer đã phục vụ trong Hải quân Thụy Điển 20 năm, nên trước khi đến Singapore, nó đã được nâng cấp để phù hợp với khí hậu vùng biển nhiệt đới và lắp thêm một số trang thiết bị kĩ thuật khác.

Dự kiến, Archer sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm, sẽ đi vào hoạt động năm 2010. Archer sẽ dần thay thế đội tàu Challenger vốn có tuổi đời 40 năm.

(tổng hợp)

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến? (1)



Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc gần đây đối với biển Hoa Đông và Biển Đông và dọc biên giới Trung - Ấn đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Phải chăng Bắc Kinh cuối cùng sẽ chứng tỏ mong muốn đòi chiếm đất thực sự?

Phải chăng chỉ là cách thể hiện trong một thời gian ngắn của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh các lãnh đạo đang chạy đua vào các vị trí ở Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương Đảng năm 2012, hay đây là những đoạn hồi rời rạc cho thấy một sự tiếp diễn hơn là thay đổi?

Chính sách đối ngoại dựa trên phát triển hòa bình và hài hòa xã hội
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng việc đánh giá tình hình đối ngoại của chúng ta dựa trên các trụ cột cơ bản của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc, phát triển hòa bình và tạo một xã hội hài hòa. Ưu tiên cao nhất của chúng ta kể cả trong chính sách đối ngoại là củng cố các trụ cột này trong nước.



Những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là từ bên trong. Tôi không cần nhắc nhở các thành viên Ban lãnh đạo Đảng rằng mỗi năm chúng ta có hơn 20 triệu người di cư ra thành phố tìm việc làm, rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế ngày càng lớn giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Tây; rằng bức tranh dân số sẽ biến thiên nghiêm trọng trong thập kỷ tới; các vấn đề sinh thái và môi trường đang gia tăng; nguyên liệu đầu vào năng lượng và hàng hóa trong năm qua vẫn chưa chắc chắn; và chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước những bong bóng và sức nóng quá mức trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình.

Các mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng là từ bên trong, nhưng đó là nhờ các mối liên hệ bên ngoài nguy hiểm. Tôi muốn nói đến những nguy cơ của chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.

Cách đây hai năm, trong bài báo cáo của mình, tôi bắt đầu bằng vấn đề Đài Loan, nhưng nay người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã quay lưng lại với các hành động đòi độc lập nguy hiểm của chính quyền DPP tiền nhiệm, và hiện chiến lược của chúng ta nhấn mạnh tới sự phát triển hòa bình để thúc đẩy thống nhất đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trở thành những vấn đề cấp bách hơn, dù tình hình đã bình yên hơn trong một năm vừa qua tại các khu vực này.

Kiềm chế và đảo ngược các xu hướng ly khai này sẽ tiếp tục cho thấy các chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta trong bối cảnh các đồng nghiệp của tôi tại Ban Mặt trận Thống nhất và Văn phòng các vấn đề về Đài Loan đang nỗ lực bảo vệ chính sách một Trung Quốc và đề phòng một sự đảo ngược của các xu hướng có lợi trong 5 thập kỷ qua.

Chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta vận hành theo nguyên tắc phát triển hòa bình và xã hội hài hòa. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các thể chế và diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN + 3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các cuộc đàm phán sáu bên để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hoặc các cường quốc khác và bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì một xã hội quốc tế hài hòa và thế giới đa cực. Đồng thời, chúng ta sẽ khẳng định lại các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và các vùng lân cận phù hợp với sức mạnh đang lớn dần của chúng ta.

Quan hệ quan trọng nhất: Mỹ
Như Chủ tịch Hồ Cầm Đào đã tuyên bố tại cuộc gặp các Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm ngoái, cách xử lý thận trọng quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn là trụ cột chính cho một chiến lược chính sách đối ngoại thành công. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một "đối tác chiến lược" với Washington về lâu dài, dù phải thừa nhận rằng chính quyền của Obama không sẵn lòng sử dụng cụm từ này hơn Bush.

Chúng ta vẫn chống lại những lời kêu gọi của các chuyên gia nước ngoài về việc thành lập một G-2 giữa Mỹ với Trung Quốc, vì điều này sẽ đẩy chúng ta vào cái bẫy trách nhiệm quốc tế có thể không phù hợp với chủ trương phát triển hòa bình và xây dựng một xã hội hài hòa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới một chế độ quản lý chung hai cực với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, và sự nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm quyền lực quan trọng nhất ở châu Á.

Chúng ta cũng thận trọng đánh giá chính quyền Obama. Tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ ở phe đối lập, kể từ thời Nixon, đều sử dụng "quân bài Trung Quốc" - hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền hoặc Đài Loan nếu đắc cử. Các ứng cử viên McCain và Obama đã không động đến chiến lược đe dọa Trung Quốc và dường như sau khi trở thành tổng thống, Obama mới có khả năng xây dựng trên mối quan hệ ổn định mà Bush để lại.

Các dấu hiệu ban đầu từ Washington cho thấy Obama sẽ cam kết tự kiềm chế, thừa nhận gánh nặng lớn của Mỹ ở Iraq và Afghanistan và các xu hướng suy giảm trong nền kinh tế Mỹ. Obama cũng dường như lo lắng về các mâu thuẫn bên trong như hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ. Lời hứa đảm bảo chiến lược của ông và sự trì hoãn các cuộc gặp với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma, cũng như việc hoãn bán vũ khí cho Đài Loan có vẻ như cho thấy ông hiểu tương quan sức mạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng. Tuyên bố chung tháng 11/2009 với thỏa thuận tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của nhau là một thành tựu lớn trong bối cảnh chúng ta đang tìm cách ngăn cản Mỹ hoãn thực hiện Tuyên bố chung về việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hiểu sai về chính quyền Obama. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một đường lối cứng rắn hơn là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 6 vừa qua, mở lại cái được gọi là học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng Năm đã thành công, song quan điểm của chính quyền Mỹ còn cứng rắn hơn trước. Có vấn đề nhất là bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó bà đứng về phía Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Nam Hải (mà Việt Nam gọi là biển Đông - người dịch). Chúng ta sẽ có thể trung hòa Philippines trong cuộc tranh cãi này bằng cách sử dụng các kênh và quỹ thông thường, nhưng Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia dường như hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của bà Clinton và logic chiến tranh Lạnh của bà về quyền tự do hàng hải.

Cách tiếp cận mặt trận liên minh để ổn định các quan hệ với Washington cũng đang thay đổi. Trong quá khứ, cộng đồng doanh nhân Mỹ hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc và chống chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ các yếu tố bè phái hoặc chính sách ngăn chặn tại Mỹ. Nhưng gần đây, một số bộ phận trong cộng đồng doanh nhân đã tham gia học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" khi than phiền rằng các chính sách phát triển kinh tế hợp pháp, như cải tiến bản địa, là một dạng bảo hộ.


Ảnh: Telegraph.co.uk

Nói chung, chúng ta nên đánh giá sức mạnh Mỹ một cách thận trọng. Trong quá khứ chúng ta đôi lúc đã đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ - ví dụ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh - nhưng đôi khi cũng đánh giá thấp sức mạnh này. Chúng ta đã rất ngạc nhiên rằng chỉ vài năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Somalia, chính quyền Clinton đã huy động một lực lượng do NATO dẫn đầu tấn công Serbia dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự quyết và nhân quyền cho Kosovo. Đây là một tiền lệ đáng ngại.

Bài học cho chúng ta là Mỹ đã từng là một cường quốc kiên cường về lịch sử. Tình trạng suy yếu của Mỹ do tình hình tài chính hiện nay và các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan gây ra, rõ ràng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa cực. Chúng ta có thể đẩy nhanh xu hướng này, nhưng không phải là bất chấp nguy cơ đối đầu với Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào các trông chờ trong nước rằng có thể uốn Mỹ theo cách của mình.

Việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ đã đặt chúng ta vào một tình huống bấp bênh hơn nhiều so với Bộ Tài chính ở Washington. Chúng ta đã cho phép định giá lại đồng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường ấn định hay tạo ra lượng cầu hàng hóa nội địa để bù vào lãi suất tiết kiệm cao hơn của Mỹ.

Giả định thực tế của chúng ta phải là Mỹ sẽ vẫn là trung tâm quyền lực nhất trong một thế giới đa cực trong ít nhất một thập kỷ nữa và Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục trung thành với chỉ dẫn chiến lược của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời", trong khi tìm kiếm các cơ hội để "đạt được một điều gì đó".

(tổng hợp bdv)

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

>> Hải quân Malaysia: Ba loại chiến hạm chủ lực



Không chịu kém cạnh hải quân các nước Singapore, Thái Lan, Indonesia..., gần đây, Malaysia tăng cường hiện đại hóa hải quân bằng một loạt hợp đồng mua khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm.

Khu trục hạm lớp Lekiu

 Lekiu là chiến hạm mạnh nhất, hiện đại nhất của Hải quân Malaysia, được đóng tại nhà máy Yarrow (Glasgow, Anh) theo thiết kế tiêu chuẩn khu trục hạm hạng nhẹ F2000.

Khu trục hạm Lekiu có lượng giãn nước 2.270 tấn, chiều dài 106 mét, chiều rộng 12,75 m. Hệ thống động lực của tàu gồm 4 động cơ diesel MTU 20V 1163 TB93 cho phép đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 8.000 km. Thủy thủ đoàn của tàu là 146 người (18 sĩ quan).





Khu trục hạm hạng nhẹ lớp Lekiu của hải quân Malaysia

Lekiu trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn MM-40 Block II Exocet. MM-40 mang đầu đạn phá-mảnh nặng 165 kg, tốc độ hành trình 0,9M, tầm bắn 70 km. Ở giai đoạn bay hành trình, tên lửa sử dụng hệ dẫn quán tính (INS), giai đoạn cuối sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động.

Tên lửa MM - 40 Exocet rời bệ phóng (minh họa)

Vũ khí phòng không của Lekiu gồm hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Seawolf tầm bắn 6 km của hãng MBDA, dùng để đối phó với các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu siêu âm và tên lửa hành trình. Tên lửa Seawolf đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng (16 ống). Sau khi phóng, tên lửa bay tới mục tiêu với tốc độ 2,5M.


Tên lửa đối không Seawolf phóng thẳng đứng

Ngoài ra, trên tàu còn bố trí 2 pháo phòng không 30 mm, tầm bắn 10 km, tốc độ bắn 650 phát/phút; pháo hạm Bofors 57 mm, tầm bắn 17 km.

Lekiu còn lắp một cụm cơ cấu phóng lôi chống ngầm 324 mm.

Boong tàu phía sau bố trí một khoang chứa trực thăng và sân đáp cho trực thăng chống ngầm Lynx của hãng AgustaWestland.

Lekiu được trang bị hệ thống chỉ huy chiến đấu Nautis F, tương tự loại sử dụng trên tàu hộ tống Nakhoda Ragam của Brunei cùng các loại radar tìm kiếm, radar điều khiển hỏa lực, hệ thống định vị.

Nhìn chung, xét hệ thống chiến đấu thì Lekiu thua kém các khu trục hạm của Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam. Hệ thống tên lửa chống hạm MM-40 Exocet chỉ có tầm bắn 70km, kém xa các hệ thống RGM-84 Harpoon (140 km) và Kh-35 Uran (135 km), thường được trang bị cho các tàu chiến chủ lực như Formidable, Gepard...

Tàu hộ tống Laksamana

Năm 1981, chính phủ Iraq ký hợp đồng với Fincantieri mua 6 tàu tên lửa Assad. Tuy nhiên, tàu Assad không được chuyển giao sau khi có lệnh cấm vận quốc tế áp đặt với Iraq (năm 1991). Năm 1995, Malaysia ký hợp đồng mua lại 4 chiếc Assad và đặt tên mới là Laksamana. Từ 1997-1999, công việc chuyển giao số tàu này hoàn tất.


Tàu hộ tống lớp Laksamana

Lớp Laksamana trang bị tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm Otomat Mark2/Toseo. Tên lửa lắp một đầu đạn thuốc nổ mạnh 210kg, tốc độ hành trình Mach 0,9, tầm bắn hiệu quả 150km. Laksamana sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không Albatros trang bị tên lửa đối không Aspide để phòng chống máy bay và tên lửa diệt hạm. Aspide được dẫn đường bằng radar bán chủ động, tầm bắn 15km.


Tên lửa chống hạm Otomat rời bệ phóng

Trên tàu Laksamana bố trí 2 pháo tháp: 1 pháo Oto Melara 76 mm ở phía boong trước và 1 pháo Oto Melara 40 mm ở boong sau. Cả 2 pháo đều có khả năng tấn công mục tiêu cỡ nhỏ trên biển, trên đất liền và phòng không.
Để hỗ trợ chống ngầm, chống hạm, tàu còn được trang bị thêm 2 cụm cơ cấu phóng lôi ILAS-3 của Whitehead Alenia để phóng ngư lôi chống tàu ngầm A244/S lắp hệ dẫn hỗn hợp chủ động-thụ động, tầm bắn 7 km.

Hệ thống điện tử của tàu gồm: radar sục sạo trên không-trên biển RAN 12L/X, radar định vị Kelvin Hughes 1007, hệ thống đối phó điện tử (radar đánh chặn INS-3, radar gây nhiễu TQN-2), hệ thống định vị siêu âm ASO 94-41.

Hộ tống hạm lớp Laksamana có tốc độ tối đa 36 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.300 km.


Ở đuôi tàu Laksamana có bố trí 6 ống phóng tên lửa chống hạm Otomat và pháo tháp 40 mm

Tàu ngầm tiến công Scorpene

Tháng 6/2002, chính phủ Malaysia kí với DCNS của Pháp hợp đồng mua hai tàu ngầm tấn công lớp Scorpene. Chiếc đầu tiên mang tên KD Tunku Abdul Rahman hạ thủy năm 2007. Tháng 9/2009, Scorpene chuyển giao cho hải quân Malaysia.


Tàu ngầm Scorpene đầu tiên của Hải quân Malaysia

Tùy từng biến thể, Scorpene có chiều dài 66-76m, lượng giãn nước 1.500-2.000 tấn. Thân tàu làm bằng vật liệu thép ứng suất đặc biệt có độ giãn nở cao cho phép tàu lặn sâu, phần mũi tàu thiết kế mang hình dáng giống mũi cá ngừ có tác dụng giảm tiếng ồn phát ra khi lặn.

Thủy thủ đoàn của Scorpene gồm 31 người. Bên trong tàu phân thành các phòng điều khiển, phòng nghỉ ngơi của thủy thủ và phòng cách âm. Tất cả các phòng đều lắp điều hòa nhiệt độ cùng hệ thống bảo đảm sinh hoạt, cho phép thủy thủ đoàn tồn tại trong 7 ngày liên tục.

Scorpene trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu hiện đại SUBTICS và các hệ thống sonar dưới nước.

Tàu ngầm Scorpene được lắp 6 ống phóng ngư lôi 533 mm ở mũi tàu (với cơ số 18 ngư lôi hạng nặng Black Shark) và tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm SM-39 Exocet.

SM-39 là tên lửa chống hạm tầm ngắn do Pháp phát triển từ năm 1975. Trên tàu ngầm, SM-39 được đặt trong contenơ, phóng từ ống phóng lôi 533 mm. Khi thoát ly mặt nước, SM-39 tách khỏi contenơ ở độ cao 30 m và bay tới mục tiêu.


Contenơ chứa tên lửa SM-39 thoát khỏi mặt nước

SM-39 sử dụng hệ dẫn quán tính (INS) và đầu tìm radar chủ động giai đoạn cuối, mang đầu đạn 165 kg, tầm bắn 50 km.
Scorpene được trang bị động cơ diesel-điện, hệ thống động cơ không cần không khí (AIP). Tầm hoạt động khi chạy nổi khoảng 12.000 km (tốc độ 8 hải lý/h), chạy ngầm 1.000 km (tốc độ 5 hải lý/h), lặn sâu tối đa 300m, thời gian hoạt động trên biển trung bình 50 ngày. Chiếc tàu Scorpene thứ hai được hạ thủy và đang trong giai đoạn thử nghiệm.


(tổng hợp)

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

>> Một số hình ảnh về Cobra Gold 2011



Cuộc diễn tập Cobra Gold của Mỹ và 6 nước châu Á bao gồm: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore, đây được coi là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất Châu Á.

Tham gia cuộc diễn tập Cobra Gold lần thứ 30 gồm hơn 11.000 binh sĩ, trong đó có 7.200 quân Mỹ. Ngoài các khoa mục diễn tập “trên mặt đất, trên không và trên biển”, Cobra Gold 2011 cũng sẽ thực hiện 17 dự án hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 8 dự án kỹ thuật và chín chương trình trợ giúp y tế. Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc diễn tập này:



Ngày 11/02/2011, Lục quân Mỹ tiến hành các bài tập bắn súng cối 60 mm tại Thái Lan.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành làm nhiệm vụ có sự giám sát của trực thăng CH-46.

Lực lượng quân đội của Mỹ và Thái Lan đến nơi làm nhiệm vụ từ trực thăng CH-46.


Lính Mỹ được hỗ trợ hỏa lực từ trực thăng CH-53E. 

Lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc tham gia khóa huấn luyện đột kích tại cuộc diễn tập lần này. 

Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng bom khói tấn công các mục tiêu giả định. 

Một lính Thủy quân lục chiến Mỹ ngắm bắn mục tiêu. 

Thủy quân lục chiến Mỹ và Thái Lan hiệp đồng tác chiến. 

Lực lượng vũ trang Mỹ và Thái Lan trao đổi thông tin qua liên lạc vô tuyến điện. 

Mô phỏng giải cứu người bị thương. 

Thủy quân lục chiến Mỹ và lực lượng tác chến đặc biệt của Thái Lan chuẩn bị tiến hành tấn công đột kích. 

Sử dụng thuốc nổ để phá các tháp phát thanh gi định.


(tổng hợp báo đất việt )

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang