Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Hải quân Nhật

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hải quân Nhật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hải quân Nhật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

>> Trung Quốc điều UAV trinh sát biển Đông?



Trung Quốc có thể đã sử dụng máy bay không người lái có tên Silver Eagle trong cuộc tập trận của quân đội nước này ở biển Đông.


Theo trang mạng có địa chỉ tp.chinmil.com.cn được Quân đội Trung Quốc tài trợ, mẫu UAV được phóng lên từ bệ phóng di động trên xe tải và thực hiện nhiệm vụ mô phỏng một cuộc tấn công.

Mẫu Silver Eagle giống hệt với mẫu UAV ASN-209 của Quân đội Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm hàng không 2010 diễn ra tại Chu Hải.

Điểm khác biệt duy nhất giữa 2 mẫu UAV trên là 4 cánh phụ thẳng đứng trên mẫu Silver Eagle với 2 cánh phụ trên thân máy bay và mỗi chiếc còn lại ở 2 cánh chính.



Trong vùng giao tranh, Silver Eagle duy trì tốc độ 134km/h ở độ cao 3.000m. Trong ảnh, Silver Eagle cất cánh từ bệ phóng di động.


Trong chuyến bay kéo dài 3 giờ, Silver Eagle được điều khiển bằng hệ thống điều khiển từ xa dưới mặt đất với chuột và bàn phím, trang mạng trên cho biết.

Trong chuyến bay thử nghiệm, Silver Eagle đảm nhiệm vai trò phá sóng, làm gián đoạn liên lạc của đối phương đồng thời làm một nút chuyển tiếp thông tin giữa các lực lượng của quân đội Trung Quốc.

Khi một chiếc máy bay đối phương xuất hiện, hệ thống điều khiển dưới đất triển khai kế hoạch "chống giám sát" bằng cách hạ độ cao và thay đổi tần số radio nhằm tránh bị phát hiện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Silver Eagle quay trở lại điểm cất cánh và hạ cánh bằng một chiếc dù.

Tính năng kỹ chiến thuật

Theo catalogue giới thiệu của ASN-209, mẫu UAV ASN-209 có thể hoạt động được cả ban ngày và ban đêm, thực hiện trinh sát, giám sát chiến trường, vị trí mục tiêu và đánh giá thiệt hại của cuộc chiến.

ASN-209 cung cấp thông tin theo thời gian thực với thời lượng hoạt động lên đến 10 giờ trong vòng bán kính 200 km. Tuy vậy, catalogue không đề cập đến việc ASN-209 có thể hoạt động trên đại dương.

Việc Trung Quốc sử dụng Silver Eagle trong cuộc tập trận hải quân đánh dấu vai trò của UAV trong chiến thuật "từ chối truy cập" của Trung Quốc trong các cuộc đụng độ hải quân trên biển.

Hàng chục các mẫu UAV đã được trưng bày tại triển lãm Chu Hải bao gồm cả phiên bản cỡ lớn của mẫu WJ-600 có thể hoạt động ở tầm bán kính lớn.

Trên một bức tranh trên tường trong triển lãm, WJ-600 được thể hiện đang truyền tải thông tin về tàu sân bay Mỹ về cho hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển của Trung Quốc và giúp triển khai một chiếc tàu tên lửa.

Cuối tháng 6/2011, một chiếc tàu tuần tra của Nhật đã phát hiện một chiếc UAV cỡ nhỏ của Trung Quốc có vẻ như đang hoạt động xung quanh một tàu chiến của Trung Quốc.


[BDV news]


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

>> Hải quân Nhật Bản: Tìm lại niềm kiêu hãnh


Trong lịch sử, Hải quân Nhật Bản đã giành không ít vinh quang nhưng cũng từng nếm trải nhiều thất bại cay đắng.

Giờ đây, ít ai có thể hoài nghi về trình độ phát triển của hải quân nước này trong nỗ lực tìm lại chính mình.

Từ kiêu hãnh đến thảm bại

Ngay từ thời Thiên hoàng Nhật Bản Mutsuhito lên ngôi (năm 1868) thực hiện cuộc cải cách Minh Trị, quân đội Nhật Bản đã phát triển 2 lực lượng chính là lục quân và hải quân. Với lực lượng này, Nhật Bản đã đánh thắng đế quốc Nga trong cuộc chiến 1904-1905.

Ngày 7/12/1941, Hải quân Nhật tập kích vào căn cứ của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng, khiến hạm đội này tê liệt suốt 1 năm.

Nói tới Hải quân Nhật Bản trước 1945, không thể không nhắc tới chủ lực hạm Yamato, là soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản. Chiến hạm này có lượng giãn nước 72.800 tấn. Tàu được trang bị 9 pháo hạm cỡ nòng 460mm, loại pháo hạm lớn nhất từng được trang bị trên tàu chiến, tầm bắn 42km. Chỉ tính riêng tháp pháo và 6 khẩu pháo hạm 460mm ở trước mũi đã có tải trọng lên đến 3.000 tấn.

Yamato còn có các pháo hạm cỡ “khủng” khác như 155mm, 127mm... Đặc biệt, thân tàu được bọc giáp dày 650mm ở phía trước tháp pháo, thép dày 410mm ở hai bên hông, 200mm ở sàn tàu trung tâm, 230mm ở sàn tàu phía ngoài. Hệ thống động lực của tàu có công suất 150.000 mã lực với 4 chân vịt có đường kính là 6m.

Chiến hạm Yamato trong xưởng đóng tàu.




Niềm kiêu hãnh một thời của Hải quân Nhật Bản Yamato tung hoành trên biển.

Do chênh lệch về thế lực, nước Nhật và Hải quân Nhật Bản bị quân đồng minh khuất phục. Năm 1944, Hải quân Nhật thiệt hại nặng trong trận Leyte thuộc Philippines.

Tháng 4/1945, “kỳ quan” và là biểu tượng của Hải quân Nhật Bản, chiến hạm Yamato, bị bị đánh chìm. Sau khi nước Nhật tuyên bố đầu hàng (tháng 8/1945), lực lượng hải quân một thời làm mưa làm gió trên các đại dương bị buộc phải triệt tiêu.

Tái sinh từ “tro tàn”

Tháng 5/1948, được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật khôi phục lại hải quân với 1,5 vạn quân sĩ, 150 tàu chiến, 50 máy bay, chủ yếu do Mỹ cung cấp. Thế nhưng sau 63 năm, Hải quân Nhật không ngừng phát triển, trở thành lực lượng viễn dương hùng mạnh, với các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay… hiện đại.

Lực lượng này được ưu tiên đầu tư kinh phí với phương châm coi trọng chất lượng vũ khí với quân số phù hợp và lực lượng dự bị huấn luyện tốt, tập trung nhanh.

Từng bị “xóa sổ” sau thất bại trong chiến tranh thế giới 2 (năm 1945), nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản đã đảm nhiệm trang bị cho hải quân nói riêng và quân đội Nhật Bản nói chung với tỷ lệ 95%, đối lập hoàn toàn với con số 18% vào cuối những năm 1940. Ngành công nghiệp đóng tàu của Nhật rất phát triển và có công nghệ đóng tàu đứng đầu thế giới, chiếm 50% hợp đồng trên toàn thế giới.

Nhìn chung các tàu chiến và máy bay thuộc Hải quân Nhật Bản trên đều rất mới, có tuổi trung bình chỉ hơn 10 năm, tính năng ưu việt, khả năng cơ động cao.

Trong biên chế của Hải quân Nhật Bản có những “thành viên” đáng chú ý như chiến hạm Kongo, Oyashio và Osumi.

Khu trục hạm mang tên lửa Kongo thuộc loại tàu chiến cỡ lớn, tốc độ nhanh (lượng giãn nước 7.250 - 9.485 tấn, tốc độ 30 hải lý/giờ), được trang bị 8 tên lửa chống hạm Harpoon. Có kích thước to lớn, chiến hạm này đủ chỗ chứa 90 tên lửa phòng không Standard SM-2 và tên lửa chống ngầm ASROC.

Ngoài ra, các vũ khí uy lực khác của Kongo phải kể tới pháo 127mm, 2 pháo bắn nhanh 6 nòng Vulcan-Phalanx, ngư lôi 324mm và sân đỗ cho các trực thăng chống ngầm.


Tàu đổ bộ Oosumi - niềm tự hào mới của Hải quân Nhật Bản hiện đại.

Một niềm tự hào khác của Hải quân Nhật Bản là tàu đổ bộ Oosumi (lượng giãn nước 8.900 - 13.000 tấn) có thể chứa 2 trực thăng CH-47j, 3 tàu đổ bộ đệm khí, 10 xe tăng Type-90 cùng 330 lính hải quân đánh bộ.

Còn lực lượng tàu ngầm có đại diện tiêu biểu là tàu lớp Oyashio, có lượng giãn nước 1.750 – 3.000 tấn, tốc độ 26 hải lý/giờ, thời gian hoạt động 90 ngày đêm, trang bị 6 ống phóng lôi 533mm, tên lửa đối hạm Harpoon, quân số 69 người.

Không dừng lại ở đó, Hải quân Nhật Bản hướng tới phát triển tàu khu trục cỡ lớn (hơn 20.000 tấn), có thể chở máy bay đi biển xa và nâng số tàu ngầm lên 22 chiếc. Trong đó, tàu khu trục cỡ lớn 20.000 tấn được coi là biểu tượng mới của hải quân nước này.


Tàu ngầm tấn công lớp Oyashio.

Bên cạnh lực lượng tàu chiến, hải quân Nhật Bản có lực lượng không quân cũng rất đáng gờm với máy bay P-3C vừa làm nhiệm vụ trinh sát vừa có khả năng vũ trang để tham gia chiến đấu; Trực thăng chống ngầm HSS-2B tầm hoạt động 1.200 km, trang bị radar sục sạo ESM ALR-66(V)1, sonar AQS 13/18...

Trong tương lai gần, Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản) vừa chế tạo thành công máy bay cảnh báo P-1, trang bị thiết bị và các máy dò hồng ngoại của Nhật Bản chế tạo, với khả năng trinh sát chống tàu ngầm được đánh giá cao. Đối với vùng biển sâu, P1 có thể nhận dạng tàu ngầm một cách mạnh mẽ, được cho là hơn hẳn máy bay P-3C cùng loại của Mỹ. Truyền thông Nhật Bản đã “phong thánh” cho P-1 là “sát thủ tàu ngầm ghê gớm nhất”. Trong năm 2011, Nhật sẽ trang bị 4 máy bay trinh sát P-1 cho Hải quân phòng vệ, và nỗ lực để có thể thay thế toàn bộ P-3C trong tương lai gần nhất.



Khu trục hạm Kirishima thử nghiệm hệ thống Aegis.

Từ "phòng thủ" tới "phản ứng răn đe"

Có thành tựu kể trên ngoài việc có sẵn một nền tảng khoa học kỹ thuật với nghị lực và sức sáng tạo được vun đắp từ thời Minh Trị còn phải kể tới việc Nhật Bản có những chính sách phát triển đúng đắn, nắm bắt thời cơ chiến lược để vươn lên.

Sau khi hình thái chiến tranh lạnh chấm dứt (năm 1991), nhiều cường quốc mới nổi lên. Do đó, Mỹ không giữ chặt Nhật Bản trong “ô hạt nhân” như trước mà tạo điều kiện để nước này phát triển sức mạnh quân sự nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc.

Nhật Bản tiếp tục sửa đổi hiến pháp, nhất là điều 9 để tăng cường khả năng tham gia các hoạt động phòng thủ đa phương, tăng cường quyền hạn hạm đội, đối phó chiến tranh quy mô lớn, chú trọng ứng phó tình huống bị chiếm đảo ở xa.

Ngày nay, Hải quân Nhật Bản đang thực hiện phương châm chiến lược từ “phòng thủ” sang “phản ứng răn đe”, thực hiện “chủ động tiến công” can thiệp ra bên ngoài, đồng thời, phát triển theo hướng “tinh gọn, đa năng” linh hoạt và hiệu quả, “tích cực tham gia các hoạt động ở Đông Bắc Á và toàn cầu.

Hợp tác với Mỹ, Nhật Bản đã tiếp thu và làm chủ hệ thống Aegis, đánh chặn tên lửa đường đạn (BMD). Tháng 11/2011, 2 chiến hạm lớp Kongo và JS Kirishima đã phối hợp với nhau để phá hủy thành công một mục tiêu giả định là tên lửa đường đạn trên bầu khí quyển.

Sự kiện này đánh dấu khả năng đối phó hiệu quả với các mối nguy hiểm từ tên lửa đường đạn của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, cùng với Hải quân Mỹ tạo nên lá chắn vững chắc trước mọi nguy cơ với an ninh quốc gia.
Như vậy, sau một thời gian lặng lẽ, “chân quân sự” của Nhật Bản đang phát triển tương xứng với “chân kinh tế”, giúp nước này bước mạnh mẽ trở thành cường quốc toàn diện trên thế giới.

Hải quân Nhật Bản đảm trách 5 vùng hải quân (Regional District) có quân số: 43.000 người. Lực lượng: Có 21 tàu các loại, gồm 16 tàu ngầm, 44 tàu khu trục và khu trục tên lửa, 10 hộ vệ tên lửa, 25 tàu đổ bộ, gần 80 tàu phục vụ; 330 máy bay hải quân, trong đó có 80 chiếc trinh sát chống ngầm P-3C và 110 trực thăng chống ngầm SH-60J, SH-60K..., 70 máy bay huấn luyện MD-500 MD, MD-500ME...

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

>> Chủ lực hạm Missouri và khúc khải hoàn của Hải quân Mỹ



Nếu số phận Yamato gắn với sự sụp đổ của một đế chế thì chủ lực hạm Missouri lại gắn liền với vinh quang và sự trỗi dậy của siêu cường số một thế giới.

Chủ lực hạm Missouri thuộc lớp Iowa, được khởi xướng phát triển từ năm 1938. Chiến hạm đầu tiên thuộc lớp này được đưa vào trang bị ngày 29/5/1944, Trong lịch sử, có tất cả 4 chiếc loại này được hoàn thành.

Missouri là chủ giáp hạm được sử dụng lâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, tới tận năm 1992. Từ năm 1998, tất cả các chủ lực hạm thuộc lớp Iowa được ngưng sử dụng và trở thành điểm tham quan cho du khách.

Tuy không đồ sộ như Yamato của Nhật, chủ lực hạm Missouri vẫn được coi là một pháo đài trên biển, với hệ thống hỏa lực cực mạnh.

Chủ lực hạm Missouri được trang bị 9 pháo hạm hạng nặng cỡ nòng 410mm, pháo hạm này có thể bắn đạn xuyên giáp với cự ly tối đa là 32km. Ngoài ra, phải kể tới 20 pháo hạm 130mm, 80 khẩu pháo phòng không 40mm, 49 khẩu pháo phòng không 20mm.




Chủ lực hạm Missouri biểu tượng đầy uy lực của Hải quân Mỹ.


Chủ lực hạm Missouri được bọc giáp dày 500mm ở vỏ tàu phía trước tháp pháo, giáp dày 310mm ở thân tàu, dày 290mm tại các vách ngăn giữa tàu, còn lại là lớp vỏ thép dày 290-440 mm ở tháp pháo, thép dày 190mm ở boong tàu.

Để di chuyển, Missouri sử dụng hệ thống động lực gồm 8 nồi hơi, 4 động cơ tuabin hơi nước với tổng công suất lên tới 212.000 mã lực, 4 chân vịt, tốc độ tối đa theo lý thuyết là 36 hải lý/giờ, tốc độ trung bình 31 hải lý/giờ. Tốc độ tối đa thực tế của chủ lực hạm Missouri được ghi nhận là 35,2 hải lý/giờ vào năm 1968.

Thông số cơ bản: Dài 271 mét, rộng 33 mét, mớn nước 11 mét, tải trọng tiêu chuẩn 45.000 tấn, tải trọng đầy tải 52.000 tấn, thủy thủ đoàn 2.700 người.

Lịch sử tham chiến

Là thiết giáp hạm chủ lực của Hải quân Mỹ trong những năm chiến tranh thế giới thứ 2, chủ lực hạm Missouri tham gia tất cả các trận chiến lớn của Hải quân Mỹ chống lại Đế quốc Nhật Bản.



Mỗi lần chủ lực hạm Missouri khai hỏa tạo pháo hạm 410mm, một vùng nước phía trước họng súng bị lõm xuống.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2, Chủ lực hạm Missouri hoạt động trong biên chế của Hạm đội 3 với tư cách là soái hạm, đảm đương nhiệm vụ bảo vệ nhóm tác chiến của các tàu sân bay, yểm trợ và chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.

Do là soái hạm, nên chủ lực hạm Missouri không tham gia vào các trận đấu súng trực tiếp với tàu chiến của đối phương.

Tại mặt trận Thái Bình Dương, chủ lực hạm Missouri góp phần quan trọng trong việc đánh bại lực lượng Nhật Bản đồn trú trên đảo Okinawa.

Trong lịch sử tồn tại của mình, chủ lực hạm Missouri ghi dấu là nơi tổ chức và chứng kiến buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng của đế quốc Nhật, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.



Đô đốc Douglas MacArthur ký kết văn kiện đầu hàng của Đế quốc Nhật trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức cao cấp của quân đội đồng minh ngay trên boong của Chủ lực hạm Missouri.


Trong chiến tranh Triều Tiên giai đoạn 1950-1955, chủ lực hạm Missouri tiếp tục đảm đương vai trò soái hạm, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ của Mỹ lên bán đảo. Khi đó, Missouri sử dụng các pháo hạm 410mm của mình, pháo kích dữ dội lên lực lượng quân đội Triều Tiên.

Trong chiến tranh Việt Nam, Missouri được điều động sang phục vụ tại Hạm đội 7. Do yêu cầu nhiệm vụ lúc đó, toàn bộ pháo phòng không trên tàu được tháo bỏ, chỉ giữ lại các pháo hạm 410mm và 130mm.

Nhiệm vụ của chủ lực hạm Missouri trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam là pháo kích các mục tiêu dọc bờ biển. Đặc biệt là khu vực các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Ngệ An.

Năm 1984, chiến hạm này được tái trang bị, toàn bộ pháo phòng không bị tháo bỏ, thay vào đó tổ hợp 8 tên lửa chống hạm Harpoon, cùng với 32 tên lửa hành trình Tomahawk, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx. Các hệ thống điện tử được lắp mới để tương thích vớ hệ thống vũ khí hiện đại.

Năm 1991, Missouri tham chiến ở Iraq. Trong chiến dịch này, chủ lực hạm Missouri đã bắn 28 quả tên lửa Tomahwk, cùng 759 quả đạn pháo 410mm.



Chủ lực hạm Missouri bắn tên lửa chống hạm trong chiến tranh Iraq 1991.

Biểu tượng của sức mạnh tổng lực

Nếu có một cuộc “so găng” giữa chủ lực hạm Missouri và Yamato, trong cùng thời kỳ lịch sử của chúng, phần thắng nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Yamato. Xét trên tất cả các chỉ số, thiết giáp hạm Yamato đều vượt trội.

Tuy nhiên, trên thực tế, Missouri luôn thể hiện vai trò là “người săn đuổi”, còn Yamato tuy đầy "sức mạnh" nhưng lúc nào cũng ở vào cái thế của “kẻ bị săn đuổi”.

Điều làm nên sự vẻ vang cho chủ lực hạm Missouri đến từ sức mạnh tổng lực của quân đội Mỹ. Bản thân là soái hạm, lại được bảo vệ chặt chẽ bởi đội tàu hộ tống đông đảo. Missouri luôn được rảnh tay để thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả tác chiến cũng vì thế mà tăng lên.

Missouri cũng là nơi chứng kiến “ngày tàn” của một đế chế, điều đó cho thấy một điều: Chiến thắng trong mọi cuộc chiến phải dựa vào sức mạnh tổng lực của cả một quân đội, một dân tộc.
[BDV news]


Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

>> Soái hạm Yamato - Niềm tự hào 1 thời của Hải quân Nhật Bản



Là chủ lực hạm hùng mạnh nhất từng được chế tạo, Yamato gắn liền với trận hải chiến lớn nhất lịch sử.


Trong lịch sử quân sự thế giới, Yamato là đỉnh cao huy hoàng cũng là khởi đầu cho sự suy tàn của vai trò chủ lực hạm trong tác chiến trên biển.

Từng được kỳ vọng là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong tác chiến hải quân. Các nước lớn trên thế giới đua nhau cho ra đời các chủ lực hạm khổng lồ, với trang bị hỏa lực cực mạnh, được mệnh danh là “chúa tể của đại dương”. Trong số đó, có soái hạm - chủ lực hạm Yamato của Hải quân Nhật.

Tuy nhiên, những chủ lực hạm hùng vĩ nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu chết người: Nặng nề, xoay xở chậm, chi phí hoạt động quá tốn kém, trong khi đó lại dễ bị tiêu diệt từ trên không.

Thời gian tại vị của “chúa tể của đại dương” ngày tương đối ngắn, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Hải quân các nước trên thế giới đã dần loại bỏ các chủ lực hạm ra khỏi biên chế. Tuy nhiên, tại thời điểm tại vị, những chủ lực hạm đã để lại dấu ấn lớn với những trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử.

Sau đây là câu chuyện bi hùng về chủ lực hạm nổi tiếng nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2:

Chủ lực hạm Yamato (Nhật Bản)

Cùng với người "anh em" là Musashi, Yamato là chủ lực hạm mạnh nhất, lớn nhất từng được chế tạo. Tải trọng của Yamato lên đến 72.800 tấn (đầy tải), nặng hơn cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga hiện nay.



Yamato là nỗ lực rất lớn của Nhật trong cân bằng sức mạnh với Hải quân Mỹ. Bản vẽ thiết kế của Yamato, khu vực thượng tầng bố trí dày đặc các pháo phòng không.


Đây thực sự là một pháo đài trên biển với hệ thống hỏa lực cực mạnh bao gồm: 9 pháo hạm cỡ nòng 460mm, loại pháo hạm lớn nhất từng được trang bị trên tàu chiến, tầm bắn 42km. Chỉ tính riêng tháp pháo và 6 khẩu pháo hạm 460mm ở trước mũi đã có tải trọng lên đến 3.000 tấn.

Ban đầu Yamato được trang bị 12 pháo hạm 155mm, tuy nhiên sau lần sửa chữa vào năm 1944, giảm xuống còn 6 khẩu. Ngoài ra, phải kể tới 12 pháo hạm 127mm, 24 pháo phòng không 25mm. Sau sửa chữa năm 1944, số pháo phòng không 25mm trên tàu tăng lên 162 khẩu, 4 súng máy phòng không 13,2mm.

Thân tàu được bọc giáp dày 650mm ở phía trước tháp pháo, thép dày 410mm ở hai bên hông, 200mm ở sàn tàu trung tâm, 230mm ở sàn tàu phía ngoài.



Chủ lực hạm Yamato đang được chế tạo tại quân cảng Kure.


Yamato có thể mang theo 7 máy bay chiến đấu với 2 máy phóng ở cuối boong tàu. Thông số cơ bản: Dài 263 mét, rộng 36,9 mét, mớn nước 11 mét, tải trọng tiêu chuẩn 69,900 tấn tiêu chuẩn, đầy tải 72.800 tấn, thủy thủ đoàn lên đến 2800 người.

Để có thể đẩy chiếc chủ lực hạm khổng lồ này di chuyển trên biển với tốc độ tối đa là 27 hải lý/giờ, các nhà thiết kế Yamato bố trí 12 nồi hơi, 4 động cơ tuabin hơi nước. Tổng công suất của hệ thống động lực lên đến 150.000 mã lực với 4 chân vịt với đường kính là 6m.

Yamato là soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản trong suốt những năm chiến tranh thế giới thứ 2, chính thức tham chiến lần đầu tiên trong trận hải chiến tại Midway, quần đảo Hawaii.

Ngày 19/3/1945, Yamato chứng minh bản lĩnh của một trong những chủ lực hạm hàng đầu lúc đó. Dù phải hứng chịu đợt không kích dữ dội từ các máy bay chiến đấu cất cánh từ các tàu sân bay USS Enterprise, Yorktown và Intrepid nhưng nó chỉ bị hư hại nhẹ, hệ thống hỏa lực phòng không dày đặc, cùng với vỏ tàu bọc thép cực dày đã phần nào làm giảm thiệt hại từ đối phương.



Trong suốt thời gian tồn tại và tham chiến, Yamato luôn phải hứng chịu những đợt không kích dữ dội như thế này.

Thế nhưng, điều gì phải đến đã đến. Ngày 6/4/1945, trong cuộc hành quân Ten-go, sau khi rời cảng khỏi căn cứ Kure, Nhật Bản, Yamato có nhiệm vụ neo gần eo biển thuộc quần đảo Okinawa và chiến đấu như một pháo đài nổi.

Tuy nhiên, chủ lực hạm Yamato đã bị đánh chìm trước khi thực hiện dự định dùng pháo hạm 460mm trên tàu để "trút lửa" lên quân đội Mỹ đóng quân ở Okinawa. Tổng cộng đã có 380 máy bay chiến đấu của Mỹ được huy động trong 2 đợt không kích đã đánh chìm Yamato.

Chiếc chủ lực hạm uy lực nhất của mọi thời đại, biểu tượng của sức mạnh đế quốc Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2 bị đánh chìm tại tọa độ 30,22 độ vĩ Bắc, 128,04 độ kinh Đông. Trong tổng số 2.700 thủy thủ chiến đấu trên Yamato, 2.489 người đã thiệt mạng, trong đó có Phó đô đốc Seiichi Ito và Tư lệnh đệ nhị Hạm đội và Hạm trưởng của Yamato Kosaku Aruga.

Giá trị chiến lược

Là chủ lực hạm lớn nhất, từng được chế tạo trong lịch sử hải quân thế giới, Yamato là chủ lực hạm nổi tiếng nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên điều đó cũng chính là bất lợi lớn cho Yamato.

Do quá nổi tiếng, Yamato luôn là mục tiêu săn lùng số 1 của Không quân và Hải quân Mỹ. Đối với Mỹ, việc tiêu diệt Yamato có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến. Mỗi lần Yamato xuất hiện, quân đội Mỹ luôn huy động một lực lượng khổng lồ máy bay và tàu chiến để tiêu diệt chiếc chủ lực hạm mạnh nhất này.



Khối đạn dược bên trong Yamato bị kích nỗ sau khi trúng ngư lôi, vụ nỗ cắt đôi chủ lực hạm này và nó mãi mãi nằm dưới đáy đại dương.

Xét theo góc nhìn khác, sự có mặt của Yamato trong biên chế Hải quân Nhật mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là giá trị chiến lược. Yamato không có nhiều cơ hội và không gian để thể hiện uy lực của mình. Lần duy nhất chiến hạm này dùng tới các pháo hạm 460mm đầy uy lực của mình là trong trận hải chiến ngoài khơi Samar, một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử.

Yamato đã góp phần quan trọng trong việc đánh chìm 1 tàu hộ tống và 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ. Đây được xem là chiến tích lẫy lừng nhất trong thời gian tồn tại của Yamato.

Trong những trận hải chiến có sự tham gia của soái hạm Yamato, Hải quân Nhật chưa một lần giành chiến thắng. Do kích thước khổng lồ và không thể nhầm với chủ lực hạm khác. Yamato luôn bị phát hiện sớm từ xa bởi các máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ, và họ có đủ thời gian và lực lượng để "truy sát" Yamato.

Sự kết thúc vai trò của chủ lực hạm

Ngày 7/4/1945, 10 quả ngư lôi cùng 7 quả bom đã đánh trúng Yamato, hầm đạn của nó nổ tung từ bên trong.

Sự kiện chủ lực hạm uy lực nhất của mọi thời đại bị đánh chìm từ trên không cũng chính là hồi chuông báo hiệu cho “ngày tàn” của chủ lực hạm trong tác chiến hải quân. Kể từ sau sự kiện này, không một nước nào đóng mới những tàu chiến tương tự.



Hình ảnh cuối cùng của Yamato trước khi bị chìm.(ảnh National Archives)

Những chiếc chủ lực hạm còn lại trong biên chế hải quân các nước một phần được sử dụng, một số bị “xẻ thịt” bán sắt vụn, một số chiếc được sử dụng làm hiện vật trưng bày. Vào cuối những năm 1980, tất cả chủ lực hạm trên thế giới đều bị ngưng sử dụng.

Trong suốt thời gian tồn tại của mình, những chiếc chủ lực hạm luôn là đề tài tranh cãi của giới quân sự về vai trò và giá trị chiến lược của chúng.

Thực tế cho thấy rằng, để đóng mới, vận hành, duy trì, bảo dưỡng những chiếc chủ lực hạm là vô cùng tốn kém. Những chiếc chủ lực hạm, mang ý nghĩa phô trương sức mạnh quân sự và khoa học kỹ thuật nhiều hơn là tác chiến hiệu quả.
[BDV news]


Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

>> Hải quân Ấn Độ tại Biển Đông: Sự khởi đầu suôn sẻ



Tạp chí “Strategic Affairs” số ra tháng 4 cho rằng sự có mặt bước đầu của Hải quân Ấn Độ tại Biển Đông là sự khởi đầu suôn sẻ trong việc giúp nước này đạt được các mục tiêu chiến lược ở khu vực.

Theo bài báo, sự đột phá hồi đầu năm nay của Hải quân Ấn Độ vào Biển Đông để từ đó tới Thái Bình Dương bắt đầu bằng cuộc tập trận với hải quân Singapore cùng với một số máy bay F-16 của không quân nước này được tiến hành từ 18-25/3.

Không như những năm trước, cuộc tập trận chung SIMBEX-2011 gồm một số tàu khu trục mạnh nhất của Ấn Độ và máy bay F-16 của không quân Singapore chỉ khai hoả giả. Cả hai nước đều thể hiện sự nhạy cảm đối với Trung Quốc, nước thời gian gần đây bắt đầu thể hiện sự bực tức trước việc các cường quốc bên ngoài tiến hành các cuộc tập trận như vậy ở vùng biển lợi ích của họ.



Các tàu chiến của Ấn Độ đã tới Biển Đông và việc tham gia cuộc tập trận Malabar với Hải quân Mỹ đầu tháng 4 tại khu vực Tây Thái Binh Dương đã thể hiện Ấn Độ như một cường quốc biển ở khu vực mà tất cả các nước vùng duyên hải hiện đều muốn có quan hệ hợp tác về hải quân.

Ngoại giao hải quân

Cuộc diễn tập Malabar tiếp tục là đỉnh điểm về mối liên kết của hải quân Ấn Độ. Các tàu của Hải quân Nhật Bản cũng dự định sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar được tiến hành luân phiên hàng năm ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhật Bản vốn tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar trong 5 năm qua song do thảm họa động đất và sóng thần đầu tháng 3 vừa qua nên đã rút các tàu này về nước. Mặc dù vậy, cuộc tập trận này vẫn được tiến hành với sự tham gia của Mỹ và Ấn Độ.

Việc các tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông hiện đã trở thành những nét nổi bật quen thuộc hàng năm được các giới phân tích chiến lược chú ý là do Trung Quốc đòi hỏi lợi ích của họ ở vùng biển này. Sau Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên Hải quân Ấn Độ có thể mạo hiểm vượt ra ngoài khu vực lợi ích của mình là Ấn Độ Dương, tới khu vực gần Biển Đông nhất. Trong số các nước ven bờ Biển Đông, Singapore là nước đầu tiên mời Ấn Độ phát triển quan hệ hợp tác giữa hải quân hai nước từ đầu những năm 1990.

Hải quân Singapore hành xử như một chủ nhà tốt và tiến hành đều đặn các cuộc diễn tập SIMBEX luân phiên hàng năm với Ấn Độ kể từ năm 1994. Điều này đã khích lệ Hải quân Ấn Độ tiến dần hơn vào Thái Bình Dương, nơi cách đây ít năm Hải quân Ấn Độ đã có các cuộc tiếp xúc với Hải quân Nhật Bản. Điều đó đã trở thành đề tài thảo luận trong các giới phân tích chiến lược khi Hải quân Ấn Độ thường xuyên tới Thái Bình Dương.

Khi Trung Quốc có những hành động hung hăng trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông, các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ đã phản ứng bằng tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã nói với Mỹ rằng họ coi Biển Đông là một trong những khu vực “lợi ích cốt lõi” của họ và chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực này.

SIMBEX 2011

Tuy nhiên, khi Singapore mời Ấn Độ tham gia cuộc tập trận SIMBEX 2011, Hải quân Ấn Độ đã phái 3 tàu khu trục hàng đầu của mình gồm INS Delhi, INS Ranvijay, INS Ranveer, tàu chở dầu INS Jyoti và tàu hộ tống INS Kirch tham gia. Một máy bay liên lạc trên biển cũng được triển khai để xác định thời gian liên lạc thực tế và các tín hiệu trao đổi và phối hợp hoạt động giữa các tàu chiến.

Gần 1.400 lính thủy Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận, trong khi Hải quân Singapore phái 4 tàu chiến, một tàu ngầm và không quân nước này đã triển khai một số máy bay chiến đấu F-16 tham gia. Cuộc tập trận kéo dài khoảng 1 tuần, trong đó bao gồm giai đoạn ven bờ biển được tiến hành tại căn cứ hải quân Changi và giai đoạn sau tiến hành trên biển ở ngoài khơi Biển Đông. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ tham gia tiếp cuộc tập trận Malabar ở Thái Bình Dương.

SIMBEX được bắt đầu từ năm 1994 như một cuộc huấn luyện tập trung cho các cuộc tập trận chống tàu ngầm và từ đó ngày càng được tăng cường về quy mô cũng như mức độ phức tạp của cuộc tập trận, đồng thời nhấn mạnh các mối quan hệ quốc phòng giữa Hải quân Hoàng gia Singapore và Hải quân Ấn Độ. Hải quân hai nước có các cuộc trao đổi thường xuyên qua một loạt các hoạt động, trong đó có các chương trình trao đổi chuyên môn, các cuộc gặp gỡ giữa lính thuỷ và sĩ quan cũng như chương trình trao đổi các lớp đào tạo, huấn luyện. Theo Chuẩn Đô đốc Singapore Leong, hai nước hiểu biết lẫn nhau và có quan hệ tiếp xúc cấp cao trong quản lý an ninh hàng hải. Cuộc tập trận này được tiến hành hàng năm và luân phiên ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Từ Biển Đông, các tàu chiến Ấn Độ đã tiến sâu hơn vào vùng biển này và đã ghé thăm hàng loạt cảng của các nước vùng duyên hải, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh quan hệ không thật hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam, việc Ấn Độ phát triển sâu sắc các mối quan hệ chặt chẽ và mở rộng quan hệ với Hải quân Việt Nam khiến giới nghiên cứu chiến lược Trung Quốc tức giận cho dù họ không công khai phản ứng trước mối quan hệ ngày càng tăng lên này.

Trung Quốc tỏ ra rất bực tức khi cách đây 5 năm Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Ôxtrâylia tiến hành cuộc tập trận ở Thái Bình Dương ngay phía trước cửa ngõ lãnh hải Trung Quốc. Sau đó, Ôxtrâylia đã rút khỏi cuộc tập trận tương tự do lo ngại phản ứng của Trung Quốc. Trên thực tế, việc dư luận nói về liên minh 4 quốc gia ở Thái Bình Dương đã làm cho Trung Quốc nổi giận và Ôxtrâylia cùng Ấn Độ cảm thấy “e ngại”. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục tham gia nhóm 3 nước trong các cuộc tập trận ở Malabar. Cuộc tập trận này ban đầu chỉ có Ấn Độ và Mỹ, sau đó Nhật Bản tham gia và chấp nhận hình thức tập trận ba bên này.

Thế nhưng, do xảy ra thảm họa sóng thần và động đất tàn phá đất nước hôm 11/3, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã không tham gia cuộc tập trận năm nay. Malabar 2011 bao gồm các hoạt động của cả tàu nổi, tàu ngầm và không quân, trong đó các máy bay lên thẳng của hải quân của nước này cất và hạ cánh xuống các tàu chiến của hải quân nước kia. Các hoạt động khám xét, tấn công, tìm kiếm và truy bắt (VBSS), trong đó các đội VBSS Ấn Độ và Nhật Bản “tấn công” lên các tàu khu trục Mỹ để mô phỏng việc tìm kiếm một tàu buôn là đỉnh điểm của cuộc tập trận.

Hoạt động ngoại giao hải quân của Ấn Độ không chỉ hạn chế ở cuộc tập trận gồm ba quốc gia này. Cũng chính các tàu chiến Ấn Độ tham gia SIMBEX 2011 và Malabar 2011 đã giao lưu và tập trận với Hải quân Nga. Cuộc tập trận này mang tên INDRA phản ánh khát vọng mạnh mẽ của Ấn Độ muốn có quan hệ đối tác năng động với hải quân tất cả các nước khu vực này và các nhóm quốc tế.

Trên thực tế, các cuộc tập trận với một loạt nước thể hiện sự chấp nhận rộng rãi coi Ấn Độ như một cường quốc hải quân tốt, ôn hoà hiện có vai trò trong chính sách hàng hải, tìm kiếm cứu hộ trên biển và bảo vệ môi trường đại dương. Vai trò của Hải quân Ấn Độ trong cuộc chiến chống cướp biển được đánh giá cao trên thế giới cũng như các nước ven bờ Ấn Độ Dương đang ngày càng đòi hỏi Hải quân nước này phải hỗ trợ cho việc đối phó với các loại hình tội phạm khác nhau trên biển.

Tại Biển Đông, Hải quân Ấn Độ cũng có quan hệ với các nước khác như Inđônêxia và Malaixia. Việc phát triển quan hệ sâu sắc với các nước ASEAN bảo đảm cho Ấn Độ cơ hội tiến hành các chuyến thăm thường xuyên ở vùng biển gần lãnh hải Trung Quốc./.
[BDV news]


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

>> Những hung thần đáng sợ trên bầu trời



Fokker, A6M Zero, B – 29 hay nhiều cái tên khác chính là những cái tên gây nên nỗi khiếp sợ trên bầu trời trong những chiến trường lớn trên toàn thế giới.

Dưới sự giúp đỡ của một số chuyên gia hàng không và các cựu phi công chiến đấu, Popular Mechanics tổng kết lịch sử những chiếc máy bay sử chiến đấu. Dưới đây là danh sách 6 chiếc máy bay “tử thần” nhất trong suốt 100 năm qua, dựa trên sự thống trị bầu trời của loại máy bay trong thời kỳ nó còn hoạt động:

Fokker Eindecker


Những hình ảnh tư liệu về chiếc Fokker phục vụ quân đội Đức.


Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu sau khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên khoảng một thập kỷ. Kể từ đó, công nghệ hàng không đạt được nhiều bước phát triển vượt bậc.

Các kỹ sư trên khắp thế giới cùng nhau sáng tạo và thiết kế nên những chiếc máy bay có khả năng hoạt động lâu dài và cơ động. Nhà nghiên cứu lịch sử hàng không Walter Boyne nhận xét: “Vào thời điểm đó, sự bổ sung, cải tiến mới liên tiếp xuất hiện. Chẳng có một chiếc máy bay nào có thể giữ vai trò thống trị trong thời gian dài”.

Thế nhưng, trong suốt 8 tháng cuối năm 1915, máy bay Fokker Eindecker của Không quân Đức đã hoành hành trên bầu trời châu Âu. Nhiều nhà sử học gọi giai đoạn này là “Tai họa Fokker”. Boyne nói, chiếc máy bay mới và khủng khiếp của quân Đức đã gây ra cả sự sợ hãi lẫn căm phẫn đối với những chính phủ phe Hiệp ước.


Điểm vượt trội của Fokker là việc đồng bộ hóa súng máy và cánh quạt trước.


Cha đẻ của Eindecker là nhà thiết kế người Đức, Anthony Fokker; tên ông được đặt cho sản phẩm của mình. Anthony đã tìm cách đồng bộ bánh răng của cánh quạt và súng máy, giúp hỏa lực được bố trí hợp lý và thuận tiện cho việc không kích hơn mà không ảnh hưởng tới hoạt động bay. Trước đó, hầu hết các loại máy bay chiến đâu đều bố trí súng máy ở bên sườn do đó, phi công không thể bắn qua cánh quạt hoặc thân máy bay. Chính điều kỳ lạ này đã gây sốc cho những phi công Pháp và Anh.

Ngoài ra, Fokker còn gây nỗi sợ hãi về mặt tâm lý cho lực lượng dưới mặt đất. Bên cạnh việc phải đối mặt với xạ thủ, khí độc và pháo binh, lực lượng dưới mặt đất còn phải lo lắng với cái chết đến từ trên không.

Nhờ hoạt động tình báo, Pháp và Anh đã có được bản vẽ của Eindecker, thiết kế giúp thay đổi quan điểm về máy bay quân sự. Boyne nhận xét, Fokker chính là sự khởi đầu cho những chiếc máy bay giết người.


Thời kỳ đầu, Fokker chỉ được trang bị động cơ Oberursel U-1 100 mã lực.


Trang bị kỹ thuật:

Phi hành đoàn : 1người

Dài : 7,30 m; Sải cánh : 10,04 m; Cao : 2,49 m

Trọng lượng không tải : 399 kg; Tối đa khi cất cánh : 610 kg

Động cơ : 01 động cơ cánh quạt 09 xi-lanh Oberursel U-1 có 100 mã lực.

Tốc độ : 150 km/giờ; Trần bay: 3.600 m; Tầm hoạt động : 360 km

Hỏa lực : 01 súng máy 7,92mm MG.08.

Bay lần đầu : tháng 12/1915; Số lượng sản xuất : 249 chiếc.

A6M Zero

A6M Zero chính là con bài chủ lực trong giai đoạn đầu Thế chiến II của Nhật.


Theo John Parshall, tác giả cuốn Thanh kiếm vỡ: Câu chuyện chưa kể về trận chiến Midway, vào thời điểm bắt đầu nổ ra Thế chiến II, Hải quân Đế quốc Nhật đã vượt trội hơn nhiều so với Mỹ nhờ khai thác hiệu quả sức tàn phá hủy diệt của những chiếc máy bay ném bom bổ nhào và thủy phi cơ.

Parshall cho biết, sức mạnh thật sự của Hải quân Nhật nằm ở những chiến đấu cơ Zero do Mitshibishi sản xuất. Sức mạnh của Zero chính là sự cơ động. Các nhà thiết kế Nhật Bản đã đánh đổi thiết kế tiêu chuẩn như thùng xăng, vỏ bảo vệ để tạo nên mẫu máy bay cơ động, giảm khả năng trúng đạn.

Với Zero quân đội Nhật Bản sử dụng những phi công lão luyện nhất để khai thác những lợi thế triệt để sự cơ động khiến phi công của quân Đồng Minh phải học cách phản ứng thật nhanh với những chiếc Zero trong các cuộc hỗn chiến trên không.


Khả năng ưu việt nhất của Zero là tính cơ động cực cao.


Điều không may cho Hải quân Nhật là chiến tranh kéo dài, tiến bộ của công nghệ không cho phép bất kỳ loại máy bay nào mãi là ông hoàng trên bầu trời.

Các phi công của phe Đồng Minh vạch ra cách đối phó với Zero bằng cách dụ phi công Nhật không chiến ở độ cao 6,7 km, khiến khả năng cơ động của những chiếc Zero giảm sút đáng kể, thay vào đó là sự vượt trội của những chiếc máy bay động cơ mạnh của Mỹ. Người Mỹ không chỉ tạo ra những chiếc máy bay tốt hơn mà còn chế tạo với số lượng nhiều hơn. Trong khi đó, quân đội Nhật không đáp ứng được khả năng sản xuất để cạnh tranh. Nhất là, trong sản xuất các bộ phận của Zero đều được làm thủ công. Chính những sự thay đổi này đã đem đến những chiến thắng cho quân đội Mỹ trong trận Biển San Hô, trận Midway và trận đánh tại quần đảo Solomon.

Nhật Bản sử dụng những chiếc phi cơ Zero đến tận năm 1945. Khi đó, nó trở nên lỗi thời so với chiến đấu cơ mới như Spitfires, Hurricanes của Không quân Anh; P-51 và P-38 của Mỹ. Tuy nhiên, Parshall cho rằng, không thể phủ nhận tầm quan trọng và khả năng hủy diệt của những phi cơ Zero vào thời kỳ hoàng kim của nó.


Hình ảnh một chiếc A6M Zero xuất phát từ một tàu sân bay của Nhật.


Trang bị kỹ thuật:

Phi hành đoàn : 1 người

Dài : 9,06 m; Sải cánh : 12,0 m; Cao : 3,05 m

Trọng lượng không tải : 1.680 kg; Tối đa khi cất cánh : 2.410 kg.

Động cơ : 01 động cơ cánh quạt Nakajima Sakae 12 có 950 mã lực.

Tốc độ : 533 km/giờ; Trần bay: 10.000 m; Tầm hoạt động : 3.105 km.

Hỏa lực : 2 súng máy 7,7mm; 2 pháo 20mm; 2 bom 60kg, hoặc 2 bom 250kg gắn cố định khi tấn công cảm tử (kamikaze).

Bay lần đầu : 1/4/1939; Số lượng sản xuất : 11.000 chiếc.

Pháo đài bay B-29

B-29 thực sự là pháo đài bay với khả năng mang tới 6 tấn vũ khí.


Thời kỳ Chiến tranh thế giới lần I và giai đoạn đầu Thế Chiến II, những chiếc máy bay chiến đấu là nỗi sợ hãi với bất kỳ lực lượng nào, nhưng so với giai đoạn sau, chiến đấu cơ chỉ là một ván bài nhỏ. Đó là bình minh của những chiếc máy bay thả bom, kẻ phá hoại khủng khiếp từ bầu trời.

Có thể kể đến những cái tên như: Ju-87 và Ju-88 của Không quân Đức, những chiếc Avro Lancaster với khả năng thả bom hằng đêm trên đất Đức hoặc những chiếc B-17, B-24 của Mỹ có khả năng thả bom suốt ngày. Tuy nhiên, những kẻ hủy diệt này không thể sánh được với B-29, chiếc máy bay thả bom tầm xa đầu tiên của Mỹ.


Trong những trận dội bom, B-29 đi theo đội hình 20 chiếc.


B – 29 là sản phẩm của hãng hàng không Boeing, tham gia Thế chiến II khá muộn. Chiếc máy bay ném bom này bắt đầu tham gia chiến đấu vào năm 1944, là một phần của chiến dịch Matterhorn.

Theo đó, B- 29 sẽ tiến hành oanh tạc bom lên Nhật Bản với điểm xuất phát từ căn cứ đặt tại Trung Quốc. Mỗi pháo đài bay có thể mang tới 6 tấn bom và dội bom khi bay với đội hình có tới 20 chiếc trong một trận càn quét.

Theo thống kê, con số thiệt hại về người do những trận mưa bom mà B-29 dội xuống những thành phố như Tokyo, Yokohama lớn hơn nhiều tổn thất về người do vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và thành phố Nagasaki ngày 9/8/1945. Tính đến cuối năm 1945, pháo đài bay B – 29 đã giết hại hàng trăm nghìn người.

Pháo đài bay B – 29 tiếp tục phục vụ trong chiến tranh Triều Tiên và không thường xuyên cho đến năm 1960, khi dần bị thay thế bởi những loại máy bay ném bom mới hơn.

Boyne nhận xét, chính khả năng vận chuyển tầm xa và mang vũ khí hạt nhân của B-29 đã mở ra con đường phát triển rực rỡ của dòng máy bay ném bom chiến lược, đặc biệt trong Chiến tranh lạnh.


B-29 là tiền đề phát triển cho các loại máy bay thả bom trong Chiến tranh lạnh


Trang bị kỹ thuật:

Phi hành đoàn : 11 người Dài : 30,17 m; Sải cánh : 43,05 m; Cao : 8,46 m

Trọng lượng không tải : 33.800 kg; Tối đa khi cất cánh : 60.560 kg

Động cơ : 4 động cơ cánh quạt Wright R-3350-23/23A công suất 2.200 mã lực mỗi chiếc.

Tốc độ : 574 km/giờ; Trần bay: 10.200 m; Tầm hoạt động : 9.380 km

Hỏa lực : 12 súng máy 12,7mm M2 Browning điều khiển tự động ở các pháo tháp; 1 pháo 20mm M2 ở đuôi; 9.000 kg bom, có thể mang 2 bom 10.000kg T-14 Earthquake.

Bay lần đầu : 21/9/1942; Số lượng sản xuất : 3.970 chiếc.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang