Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Lockheed Martin

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lockheed Martin. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lockheed Martin. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

>> Mỹ phát triển 'đòn tấn công nhanh toàn cầu'



Phòng thí nghiệm Không quân Mỹ AFRL đã công bố yêu cầu cung cấp thông tin về các dự án phát triển vũ khí động học hoặc phi động học.


Tất cả để thực hiện “đòn tấn công nhanh toàn cầu”.

AFRL chỉ nêu rằng, các hệ thống vũ khí mới phải đem lại khả năng thực hiện các đòn tấn công nhanh, chính xác cao chống các mục tiêu đối phương ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, không phụ thuộc vào việc ở khu vực đó có các căn cứ quân sự Mỹ hay không.

Đơn dự thầu đã được các công ty Northrop Grumman và Boeing của Mỹ nộp. Không loại trừ sẽ có cả sự tham gia của Lockheed Martin. Hiện chưa rõ, các công ty Mỹ sẽ đưa ra các loại vũ khí nào để dự thầu.

Boeing đang hợp tác với Không quân Mỹ phát triển tên lửa siêu vượt âm X-51A Waverider với động cơ phản lực không khí dòng thẳng siêu vượt âm. Lockheed Martin thì đang nghiên cứu chế tạo thiết bị bay siêu vượt âm Falcon HTV-2.



X-51A Waverider chuẩn bị lắp lên B-52 phóng thử nghiệm.


Hơn nữa, do trong bản giới thiệu cuộc thầu của AFRL không hề nhắc đến từ “siêu vượt âm” nên có thể người ta nói đến cả các tên lửa đường đạn mang đầu đạn thông thường.

Tháng 4/2010, có tin dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Mỹ, người ta đang phát triển tên lửa đường đạn xuyên lục địa mang đầu đạn thông thường dùng để tấn công bất cứ vị trí nào trên trái đất trong vòng 1 giờ. Loại vũ khí mới sẽ được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, còn các bệ phóng lại có thể mở cửa cho các thanh sát viên nước ngoài.

Dự đoán, loại tên lửa mới có biên dạng bay thay đổi của Mỹ sẽ được nhận vào trang bị sớm nhất là vào năm 2015. Năm 2011, Mỹ chi cho việc chế tạo vũ khí này 240 triệu USD.

Cần lưu ý là Mỹ sẽ phải đàm phán đồng thời với một số nước trước khi đưa tên lửa mới vào trang bị. Bởi lẽ, việc phóng một tên lửa đường đạn mang đầu đạn thông thường trên lãnh thổ Mỹ song bay ra ngoài biên giới nước này có thể đánh động hệ thống báo động tấn công tên lửa trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc.


[BDV news]



Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

>> 'Chi phí sản xuất F-35 là không thể kham nhổi'



Theo quan chức quốc phòng Mỹ chi phí sản xuất F-35 là “không kham nổi” và kêu gọi xem xét là toàn bộ dự án, dù chương trình này đạt được những tiến bộ rõ rệt.


“Sau một thập kỷ thực hiện chương trình thì giá của mỗi máy bay trong tổng số 2.443 chiếc F-35 mà chúng ta dự định sản xuất đã tăng gấp đôi”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carton nói.

Ông Carter cho rằng nếu cứ tiếp tục chương trình như hiện nay thì chi phí sẽ đội lên đến một mức “không thể chấp nhận được, và cũng không thể kham nổi”.

Chi phí dành cho F-35 đã đội lên đến 385 tỷ USD, tức là 103 triệu USD cho mỗi máy bay nếu tính theo giá trị đồng USD không đổi hoặc 113 triệu USD nếu tính theo giá trị đồng USD trong tài khóa 2011.


Mẫu máy bay F-35 được giới thiệu năm 2006


Ước tính tổng chi phí dành cho chương trình F-35 bao gồm thiết kế, sản xuất, mua, vận hành và sửa chữa máy bay sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nhận xét mức giá trên “thật sự đáng lo ngại”, nếu xét rằng chi phí ban đầu chỉ là 69 triệu USD cho mỗi máy bay. “Đã đến lúc chúng ta ít nhất phải tìm kiếm một giảm pháp thay thế”, ông McCain tuyên bố.

“Những số liệu liên quan tới chương trình này thật sự đáng lo ngại. Không có bất cứ chương trình nào nên được phép tiếp tục với một "bản lý lịch" như vậy, nhất là trong tình hình tài chính của chúng ta hiện nay”, ông nói.

Dự án máy bay F-35 hay máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) được phát triển bởi hãng Lockheed Martin, giờ đây đã trở thành dự án vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc. Chỉ riêng chi phí nghiên cứu phát triển đã ngốn hết 51 tỷ USD, con số mà Thượng nghị sĩ Carl Levin mô tả là “đáng sợ”.

Những khoản chi quá tay, việc trì hoãn liên tục để bổ sung 2 phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và cất cánh theo kiểu thẳng đứng, cũng như bổ sung thêm hệ thống giảm độ bộc lộ radarr và nhiều chi tiết phức tạp khác, theo Thứ trưởng Carter. Ông Carter cũng đổ lỗi cho "văn hóa chi tiêu" vô tội vạ của Lầu Năm Góc kể từ sau sự kiện 11/9.

Tờ Huffington Post nhận xét, dù các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates hay Thứ trưởng Carter vẫn bảo vệ dự án F-35 như một sự lựa chọn “không thể thay thế” và là “tương lai của năng lực tấn công chính xác của Quân đội Mỹ”, ngày càng có nhiều nhà chính trị Mỹ đặt dấu hỏi về dự án này.

Từng được hứa hẹn là loại máy bay “kinh tế” với chi phí bảo dưỡng chỉ bằng 1/3 so với máy bay F-16, giờ đây chi phí cho máy bay F-35 là 16.425 USD cho 1 giờ bay – đắt gấp 1,2 lần so với loại máy bay F-16 C/D, theo một báo cáo vừa rò rỉ ngày 12/5 của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Rõ ràng tương lai của loại máy bay chủ lực đang ngày càng trở nên phức tạp như bản thiết kế của nó vậy.

[BDV news]


Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

>> PAK F/A T-50 và F-35 sẽ 'đối đầu' năm 2025



Trung tâm phân tích mua bán vũ khí TSAMTO (Nga) nhận định, tiêm kích thế hệ 5 PAK P/A và F-35 sẽ là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thị trường máy bay thế giới.


Theo nhận định của TSAMTO, vào năm 2025, PAK F/A và F-35 sẽ thay thế cho tất cả các loại tiêm kích trên thị trường thế giới hiện nay.

Tại thời điểm hiện tại, trong biên chế của không quân các nước trên thế giới chủ yếu là các tiêm kích thế hệ 4++ và 4,5.

Một số quốc gia khác còn giữ lại các máy bay thế hệ thứ 3, tuy nhiên nhu cầu mua sắm hiện tại vẫn tập trung vào các máy bay thế hệ 4++ và 4,5.



Tiêm kích tiến công kết hợp thế hệ 5 JSF F-35.


Chiếc tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên F-22 Raptor phải trải qua quá trình phát triển kéo dài tới 20 năm. Tuy nhiên, cơ hội bước ra thị trường xuất khẩu của F-22 gần như bằng không, sau khi sản xuất được 183 chiếc. Dây chuyền sản xuất của F-22 sẽ bị đóng cửa vào năm 2012.

Quốc hội Mỹ đã thông qua sắc lệnh cấm xuất khẩu đối với siêu tiêm kích này cho dù rất nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ muốn sở hữu nó. Hiện tại, các máy bay F-22 còn bị cấm cất cánh do lý do kỹ thuật.

Như vậy, thị trường xuất khẩu tiêm kích thế hệ 5 sẽ là cuộc chiến giữa F-35 và PAK F/A T-50. Theo lộ trình sản xuất hiện tại, cuộc đua này sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2025.

Lợi thế của F-35 là đã sẵn sàng cho hoạt động sản xuất hàng loạt. 13 chiếc đầu tiên đã được chế tạo và chuyển giao cho Không quân Mỹ. Còn PAK F/A T-50 công việc sản xuất loạt sẽ bắt đầu sau ít nhất 5 năm nữa.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu F-35 có nhiều hạn chế trong gia đoạn trước năm 2025. Bởi Lockheed Martin phải hoàn thành giao hàng ưu tiên cho không quân, hải quân Mỹ, tiếp đến là các nước đồng minh tham gia chương trình phát triển.

Theo tính toán, các nước tham gia chương trình JSF chế tạo F-35 sẽ mua khoảng 772 chiếc. Trong đó, Australia mua 100 chiếc, Canada 60 chiếc, Đan Mạch 48 chiếc, Italy 131 chiếc, Hà Lan 85 chiếc, Na Uy 48 chiếc, Thổ Nhĩ Kỳ 100 chiếc, Anh 150 chiếc. Hai nước đối tác tiềm năng tiếp theo là Singapone và Israel với số lượng mua dự kiến là 100 và 75 chiếc. Cộng với số lượng sản xuất cho quân đội Mỹ, Lockheed Martin sẽ sản xuất 3.340 chiếc F-35.

Những khách hàng tiềm năng khác bao gồm, Tây Ban Nha, Đài Loan, Israel, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng họ sẽ phải chờ đợi khá lâu mới có thể mua được tiêm kích này. Tính đến năm 2050, số lượng sản xuất dự kiến vào khoảng 4.500 chiếc.

Đối với những khách hàng ngoài chương trình, trong lúc chờ đợi F-35 họ có thể mua tiêm kích F-15SE của Boeing như là một giải pháp tình thế. F-15SE cũng được trang bị một số công nghệ của tiêm kích thế hệ 5 gồm: lớp sơn hấp thụ sóng điện từ, hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động, hệ thống điện tử kỷ thuật số...

Boeing dự tính, số lượng đặt hàng của F-15SE vào khoảng 190 chiếc, và F-15SE sẽ là một thế hệ chuyển tiếp, có thể đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia.




Cùng với F-35, PAK F/A T-50 sẽ là 2 sản phẩm chủ lực của thị trường máy bay chiến đấu thế giới giai đoạn 2025-2050?

Đối với Sukhoi, dù PAK F/A T-50 có sự chậm trễ so với F-35, nhưng hãng này đã có giải pháp thay thế đầy triển vọng là Su-35. Su-35 cũng được áp dụng một số công nghệ của tiêm kích thế hệ 5.

Mặt cắt radar của Su-35 tương đối thấp, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Máy bay trang bị radar quét mảng pha điện tử bị động giúp nâng khả năng phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc ở cự ly xa. Su-35 còn cực kỳ cơ động với động cơ đẩy vector Saturn 117S.
Su-35 được đánh giá là vượt trội hơn cả so với các máy bay tiêm kích thế hệ 4 và 4++ hiện tại. Su-35 là giải pháp tạm thời để Sukhoi cạnh tranh với các máy bay thế hệ 5 trên thị trường xuất khẩu. Các quốc gia chưa, hoặc không thể mua tiêm kích thế hệ 5 sẽ chọn Su-35 như là một giải pháp để tạo sự cân bằng động.

Su-35 sẽ bắt đầu tiến hành xuất khẩu trong giai đoạn từ 2012-2020. Theo dự kiến số lượng sản xuất của Su-35 khoảng 340 chiếc. Trong đó 200 chiếc dành cho Không quân Nga, 140 chiếc dành cho xuất khẩu.

Khách hàng chủ yếu của Su-35 là các quốc gia khu vực Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ. Các quốc gia này sẽ có nhiều cơ hội để mua PAK F/A T-50 sau khi tiêm kích này được phép xuất khẩu.

Dự đoán, khối lượng sản xuất của PAK F/A T-50 khoảng 1.000 chiếc, trong đó Không quân Nga sẽ mua khoảng 200-250 chiếc. Với Ấn Độ, chương trình hợp tác FGFA sẽ sản xuất khoảng 250 chiếc trong giai đoạn đầu tiên. Sau đó có thể tăng lên tùy thuộc vào diễn biến của thị trường.

Theo đánh giá của TSAMTO khối lượng đặt hàng Su-35 và PAK F/A T-50 cho các khách hàng tiềm năng như sau:

Algeria 24-36 chiếc giao hàng trong khoảng từ năm 2025-2030.
Argentina 24-12 chiếc giao hàng khoảng từ năm 2040-2045.
Brazil 24-36 chiếc giao hàng khoảng từ năm 2030-2035.
Venezuela 24-36 chiếc giao hàng từ năm 2027-2032.
Việt Nam 24-12 chiếc giao hàng giai đoạn 2030-2035.
Ai Cập 24-12 chiếc giao hàng từ 2040-2045.
Indonesia 12-6 chiếc giao hàng từ năm 2028-2032.
Iran 36-48 giao hàng từ năm 2035-2040.
Malaysia 24-12 chiếc giao hàng từ năm 2035-2040.
Syria 24-12 chiếc giao hàng từ năm 2025-2030.

Với Trung Quốc nhiều khả năng họ sẽ tự phát triển tiêm kích thế hệ 5 J-20 riêng của mình, nhưng TSAMTO vẫn đánh gia Trung Quốc sẽ mua khoảng 100 chiếc trong trường hợp Bắc Kinh có nhu cầu "nghiên cứu" máy bay thế hệ 5 của Nga.

Đối với Pháp, họ không tham gia chương trình F-35 hay Eurofigher. Theo nhận định của TSAMTO Pháp không đủ khả năng để phát triển tiêm kích thế hệ 5 riêng của mình nên nhiều khả năng nước này sẽ hợp tác với Sukhoi để phát triển một biến thể sửa đổi theo nhu cầu của họ.

Việc sản xuất tiêm kích thế hệ 5 sẽ kết thúc vào giai đoạn khoảng năm 2050-2055, từ năm 2060 trở đi, các nước như Nga, Mỹ sẽ tập trung vào việc phát triển tiêm kích thế hệ 6 không người lái.

[BDV news]


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

>> Chương trình siêu tiêm kích F-35 đã về đích



Lockheed Martin đã bàn giao chiếc F-35 đầu tiên cho không quân Mỹ đánh dấu cột mốc quan trọng cho chương trình phát triển tiêm kích này.

Chiếc F-35A mang số hiệu AF-7 được bàn giao cho Không quân Mỹ tại nhà máy láp ráp cuối cùng trong dây chuyền sản xuất F-35 tại Fort Worth, bang Texas, Mỹ.

Sau đó, máy bay đã bay đến căn cứ không quân Edwards, bang California để tiến hành các hoạt động đánh giá khả năng hoạt động thực tế tại đây.

Việc bàn giao này đánh giấu một cột mốc quan trọng của chương trình phát triển tiêm kích tiến công kết hợp JSF.

Như vậy, phải sau 10 năm thử nghiệm, kể từ khi Lockheed Martin giành được hợp đồng cung cấp 1.763 chiếc F-35A cho Không quân Mỹ và 640 chiếc F-35B và F-35C cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, chiếc máy bay đầu tiên mới được chuyển giao cho Không quân Mỹ.

Larry Lawson, người quản lý chương trình phát triển F-35 của Lockheed Martin hồ hởi tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta bắt đầu một cột mốc quan trọng để thể hiện tầm nhìn của chính phủ chúng ta và các khách hàng quốc tế”.



Chiếc F-35A số hiệu AF-7 đang trên đường đến căn cứ không quân Edwards.

Chương trình phát triển tiêm kích tiến công kết hợp JSF từng được mạnh danh là “tiêm kích nhiều tiền, lắm tiếng”, phát triển liên tục bị trì hoãn với những lỗi trong thiết kế, còn kinh phí cho dự án liên tục bị đội lên.

Đây là chương trình phát triển máy bay có sự tham gia của nhiều quốc gia nhất từ trước đến nay, gồm 9 nước. Sự chậm trễ khiến các quốc gia tham gia liên tục phàn nàn và xem xét lại kế hoạch mua sắm vũ khí.

Quốc hội Mỹ cũng liệt chương trình JSF vào "tầm ngắm" do quá tốn kém, thậm chí, biến thể F-35B từng bị "khai tử" để chương trình sớm hoàn thành.

Với sự kiện ngày hôm nay, chương trình JSF đã đạt được những bước tiến quan trọng, vượt qua những sự chỉ trích gay gắt.

F-35A đã bước vào giai đoạn sản xuất đầu tiên, hiện tại đã có 8 trong tổng số 13 chiếc của đợt sản xuất đầu tiên được xuất xưởng. F-35B đã vượt qua các đợt thử nghiệm quan trọng, F-35C cũng đã sẳn sàng cho sản xuất loạt đầu tiên

Theo kế hoạch không quân Mỹ sẽ chính thức đưa phi đội F-35A đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2017-2018. Theo một báo cáo của Không quân Mỹ, đến cuối năm 2011, sẽ có 20 chiếc F-35A đầu tiên được sản xuất và bàn giao để huấn luyện phi công.

Song song với việc huấn luyện phi công, Không quân Mỹ sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ khả năng của máy bay. Các sửa đổi nếu có sẽ được tiến hành sau đợt đánh giá này.

Những chiếc F-35A đầu tiên này thuộc biến thể rút gọn, các thông tin về môi trường xung quanh, mục tiêu, giao diện vũ khí sẽ được hiển thị trên bảng điều khiển, thay vì mũ bay tích hợp như bản thiết kế ban đầu.

Hệ thống hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của chiếc F-35A sẽ được trang bị trong đợt sản xuất thứ hai. Lockheed Martin sẽ sản xuất F-35 theo nhiều block khác nhau, sau khi đưa vào hoạt động và đánh giá. Các thiếu sót (nếu có) sẽ được khắc phục cho block tiếp theo.

Lockheed Martin cho biết, việc hoàn thiện máy bay qua các bolck khác nhau sẽ cho kết quả tốt hơn và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn là cố gắng hoàn thiện ngay trong đợt sản xuất đầu tiên.
[BDV news]


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

>> Hàn Quốc chi đậm cho KF-X và AH-X



Nguồn tin từ Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết, những năm tới nước này sẽ chi hàng tỷ USD để nâng cao chất lượng trang bị cho lực lượng vũ trang.

Kế hoạch tái trang bị vũ trang cho quân đội sẽ tập trung chú ý tới khả năng gia tăng sức chiến đấu toàn diện của lực lượng thiết giáp, phòng không và hải quân.

Việc Hàn Quốc nỗ lực tăng cường vũ trang toàn diện xuất phát chủ yếu từ hai sự việc xảy ra trong năm 2010. Đó là vụ chìm tàu hộ tống Cheonan tháng 3/2010 và Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong tháng 11/2010. Cả hai sự việc trên đã khiến nhiều dân thường và binh lính của Hàn Quốc thiệt mạng.

Nếu Triều Tiên công nhận vụ pháo kích lên đảo Yeonpyeong, thì trong vụ chìm tàu hộ tống của Hải quân Hàn Quốc, phía Bình Nhưỡng kiên quyết phủ định bất kỳ sự dính líu nào. Phía Seoul luôn giữ lập trường cho rằng, tàu Cheonan chìm là do ngư lôi phóng từ tàu ngầm Triều Tiên.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các vụ việc trên đã buộc Hàn Quốc phải xem xét lại chiến lược phát triển lực lượng vũ trang của mình, cũng như quyết định tiếp tục mua sắm các loại vũ khí.

Hàn Quốc sẽ tập trung chú ý tới khả năng gia tăng sức chiến đấu toàn diện các lực lượng, trong đó có lực lượng thiết giáp, phòng không và hải quân.

Hai dự án nghiên cứu chính của Hàn Quốc mang tên KF-X và AH-X. Trong đó, dự án KF-X liên quan đến việc Hàn Quốc mua 60 chiếc máy bay chiến đấu mới, sử dụng công nghệ tàng hình.

Theo thông báo của các cơ quan truyền thông Hàn Quốc, có ba công ty tham gia cạnh tranh cung cấp vũ khí cho Hàn Quốc là Lockheed Martin (Mỹ) với máy bay chiến đầu F-35, tập đoàn Boeing với kế hoạch cung cấp F-15 SE, European Aerospace và Defense Group của Châu Âu sẽ cung cấp cho Hàn Quốc loại Eurofighter Typhoon.



Hàn Quốc cần phải tiến hành nghiên cứu so sánh các loại máy bay trên và điều kiện hợp đồng trong vài tháng tới. Hợp đồng cung cấp có thể sẽ được ký trước tháng 10/2012.


Đại diện giới lãnh đạo quân sự Hàn Quốc cho biết, hồ sơ dự thầu sẽ được công bố, nhưng nhiều khả năng lựa chọn sẽ thiên về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, F-35 của Mỹ.

Quyết định này gặp phải sự chỉ trích từ phía các chuyên gia quân sự độc lập tại Hàn Quốc. Họ cho biết, F-35 không được coi là máy bay chiến đấu hoàn hảo. Ngoài ra, các phi công cũng có ý kiến về đặc tính bay, cũng như về trang bị và tính cơ động của chiếc máy bay này.

Tờ Sinmun dẫn lời tổng biên tập tạp chí quân sự có uy tín tại Hàn Quốc D&D, ông Kim Dae, bất cứ ai có một chút kiến ​​thức trong lĩnh vực công nghệ quân sự, sẽ bị sốc bởi sự lựa chọn của Hàn Quốc đối với F-35.

Không quân Mỹ và Israel đã từ chối sử dụng loại máy bay này trong biên chế với lý do giá thành cao và những điểm yếu trong trang bị và các đặc tính bay.

Trước đó, Hàn Quốc đã xem xét một chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm khác của Mỹ là F-22. Tuy nhiên, phương án này đã bị loại bỏ với lý do giá thành quá cao, đồng thời, chính quyền Mỹ không cho phép xuất khẩu loại máy bay này.

Nếu chiến thắng, Lockheed Martin sẽ trở thành nhà cung cấp chính máy bay mới cho Không quân Hàn Quốc. Còn Boeing sẽ phục thù trong một dự án quân sự khác của Hàn Quốc, cũng rất hấp dẫn. Đó là dự án AH-X, sẽ nâng cấp phi đội trực thăng của Hàn Quốc. Hàn Quốc sẽ mua tối thiểu 36 chiếc máy bay mới.

[BDV news]


Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

>> Ấn Độ mua thêm 4 máy bay P-8I Poseidon



[BDV news] Hãng tin India Defence cho biết, Chính phủ Ấn Độ thông qua kế hoạch mua bổ sung thêm 4 máy bay tuần tra P-8I Poseidon.

Theo lời giám đốc hãng Boeing Military Chris Chadwick, các máy bay P-8I Poseidon mua bổ sung của Ấn Độ sẽ được chuyển giao từ sau năm 2015. Hiện, tổng giá trị của hợp đồng nói trên chưa được công bố.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố về khả năng mua bổ sung thêm các máy bay P-8I Poseidon mới từ tháng 9/2010. Theo đó, các máy bay tuần tra biển nói trên sẽ có giá tương đương với lô 8 máy bay P-8I Poseidon trị giá 2,1 tỷ USD mà quốc gia Nam Á này đặt mua từ năm 2009.

Như vậy, có thể dự đoán giá thành của 4 máy bay P-8I Poseidon bổ sung trong thời gian tới sẽ vào khoảng từ 1-1,5 tỷ USD. Quyết định mua bổ sung thêm máy bay P-8I Poseidon được coi là để củng cố và nâng cao khả năng tuần tra khu vực duyên hải của Ấn Độ.



P-8I Poseidon là biến thể dành riêng cho Ấn Độ.

Hiện tại, trong biên chế của Hải quân Ấn Độ có 8 máy bay Tu-142M và 5 máy bay IL-38SD cải tiến, 2 loại máy bay này vẫn đảm nhiệm chức năng tuần tra biển của Hải quân Ấn Độ.

Trong tương lai, các máy bay loại này đang đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra biển sẽ được thay thế P-8I Poseidon hiện đại hơn. Theo đó, máy bay mới sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ săn ngầm, tìm kiếm-cứu nạn, trinh sát và chị thỉ mục tiêu.

Quá trình lắp ráp máy bay P-8I Poseidon đầu tiên cho Ấn Độ đã được tiến hành từ tháng 12/2010. Trong đó, việc chuyển giao các máy bay P-8I Poseidon cho Ấn Độ sẽ diễn ra từ năm 2013-2015.

Giống như phiên bản P-8A dành cho hải quân Mỹ, P-8I Poseidon được phát triển dựa trên cơ sở máy bay chở khách Boeing 737. Máy bay khả năng đạt tốc độ tối đa tới 907 km/h và bay tuần tra khoảng 330 km/h, tầm hoạt động của P-8I Poseidon là 3.700 km.

Máy bay P-8I Poseidon được trang bị tên lửa gắn trên 5 giá treo bên trong thân máy bay và 6 giá treo bên ngoài.

Ngoài ra, máy bay còn được trang bị ngư lôi, thủy lôi tùy vào nhiệm vụ tác chiến và cả radar AN/APY-10. P-8I còn có khả năng theo dõi, phát hiện loại tàu ngầm, tàu nổi, trinh sát điện tử, giám sát các vùng biển và hỗ trợ cứu nạn.


P-8I Poseidon có hình dạng giồng như máy bay P-8A của Mỹ.

Máy bay P-8I Poseidon do công ty Boeing nghiên cứu và chế tạo dành riêng cho Ấn Độ. Ngoài việc chuyển giao máy bay, các chuyên gia của hãng Boeing còn chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ hậu cần, bảo trì - bảo dưỡng trong suốt vòng đời của dòng máy bay tuần tra hải quân này trong biên chế hải quân Ấn Độ.

Hiện tại, cả Boeing và Lockheed Martin của Mỹ đang tích cực bán vũ khí cho Ấn Độ. Dự kiến, quan hệ hợp tác của Boeing với Ấn Độ trong thời gian tới có thể đạt doanh thu tới 31 tỷ USD.

Trước đó, Quân đội Ấn Độ đã đặt hàng hãng chế tạo hàng không Mỹ 21 tên lửa đối hạm cận âm AGM-84L Harpoon II.

Tổng giá trị của hợp đồng mua đạn tên lửa Harpoon II ước tính vào khoảng 200 triệu USD. Dự kiến, sau khi được tiếp nhận, tên lửa AGM-84L sẽ được trang bị trên các máy bay Boeing P-8I Poseidon của Hải quân Ấn Độ.

Tên lửa Harpoon II trang bị đầu đạn nổ phân mảnh tadem nặng 226 kg và có khả năng tiêu diệt cả mục các mục tiêu trên biển, cũng như trên bộ. Dòng tên lửa đối hạm này có tầm bắn khoảng 278 km và tốc độ bay đạt tới 850 km/h

Với thời gian hoạt động trên không hơn 5 giờ và được trang bị vũ khí hiện đại, P-8I Poseidon sẽ nâng cao đáng kể khả năng tuần tra cũng như tầm hoạt động trên biển của quân đội Ấn Độ.


Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

>> Mỹ tăng số lượng hệ thống phòng không



[BDV news]Chiến dịch quân sự tại Libya đã làm nóng thị trường vũ khí thế giới, đặc biệt là thị trường tên lửa phòng không.


Ngày 31/3/2011, Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ MDA đã ký kết một bản hợp đồng cung cấp 6 tổ hợp tên lửa phòng không di động THAAD (Theatre High Altitude Area Defense) với công ty Lockheed Martin.

Tổng trị giá của bản hợp đồng lên tới 694,9 triệu USD. Dự kiến đến năm 2013 Quân đội mỹ sẽ đưa vào biên chế cho lực lượng phòng không hệ thống tên lửa di động hiện đại này.

Hiện nay trong biên chế của Quân đội Mỹ có hai tổ hợp THAAD với tên gọi Alpha. Trong đó, tổ hợp Alpha thứ nhất được biên chế cho Trung đoàn phòng không số 4, Tổ hợp Alpha thứ hai được biên chế Trung đoàn phòng không số 2 có căn cứ tại Fort Bliss bang Texas.

Tổ hợp THAAD bao gồm 3 bệ phòng với 24 tên lửa cùng với một hệ thống chỉ huy và hệ thống rađa band-X.



Tên lửa phòng không của hệ thống THAAD rời bệ phóng.


Tổ hợp THAAD thực hiện theo nguyên tắc tấn công trực tiếp các mục tiêu tên lửa, có khả năng trao đổi thông tin với các tổ hợp tên lửa đạn đạo bao gồm Aegis, tên lửa phòng không Patriot PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống phòng thủ THAAD được mệnh danh là "nỗi khiếp sợ" của tên lửa. Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm thấp, tầm trung như tên lửa Scud. Ngoài ra, THAAD cũng có khả năng tấn công lại các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Do khả năng của của hệ thống Patriot PAC-2 và PAC-3 đã không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tiên tiến, Quân đội Mỹ đã đưa ra đề xuất chính thức cho việc chế tạo hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới THAAD. Lockheed Martin được lựa chọn cho sự phát triển hệ thống phòng thủ tiên tiến THAAD.

THAAD là một phần của một mạng lưới phòng thủ tên lửa ba lớp. Trong đó, lớp phòng thủ thứ nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nếu lớp thứ nhất không ngăn chặn được thì đến hệ thống đánh chặn THAAD và lớp cuối cùng là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Patriot PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD có một phạm vi hoạt động khoảng 150-200 km và có thể đạt đến độ cao 25 km. Trong giây đầu tiên sau khi được phóng tên, lửa sẽ xoay vòng và sau đó mới tấn công mục tiêu.


THAAD là một phần của một mạng lưới phòng thủ tên lửa ba lớp.


Xe gắn bệ phóng THAAD gắn trên xe tải hạng nặng Oshkosh M1120 LHS có tính cơ động cao, mỗi xe có thể được mang được 8 ống phóng tên lửa, tên lửa có chiều dài 6,17 m, đường kính 0,34 m trọng lượng của tên lửa là 900 kg, vận tốc tối đa lên tới 100 km/h.

Xe được trang bị một động cơ diesel Detroit 8V92TA với công suất tối đa 450 mã lực.

Biên chế đủ của một đơn vị THAAD bao gồm một radar, một trung tâm kiểm soát-điều khiển và 4 xe phóng tên lửa.



>> Dự án quốc phòng Mỹ tăng 135 tỷ USD từ 2008-2011



[BDV news]Ngày 31/3, theo báo cáo của Cơ quan kiểm soát Chính phủ Mỹ (GAO), kinh phí đầu tư cho các dự án quốc phòng của Mỹ từ năm 2008 đến đầu năm 2011 đã tăng thêm 135 tỷ USD.


Mặc dù hồi tháng 2/2011, Lầu Năm Góc đã đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng theo thống kê của GAO, từ năm 2008 những dự án quốc phòng của Mỹ đã tăng từ 96 đến 98 dự án. Và tổng kinh phí để thực hiện những chương trình này ước tính lên tới 1,68 nghìn tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, ngân sách đầu tư quốc phòng của Mỹ đã tăng thêm 135 tỷ USD, trong đó bội chi 70 tỷ USD là do của việc mua sắm vũ khí.

Chỉ tính riêng năm 2008, Lầu Năm Góc đưa ra dự tính, giá trị thực hiện các hợp đồng quốc phòng là 407 tỷ USD, tuy nhiên đến năm 2010 con số này đã tăng lên mức 428 tỷ USD.

Cũng trong năm 2008, dự kiến tổng ngân sách mua sắm vũ khí mới và trang thiết bị quân sự sẽ ở mức 1,089 nghìn tỷ USD, nhưng đến năm 2010 đánh giá này đã tăng lên mức 1,219 nghìn tỷ USD.

Đặc biệt dự án chiến đấu cơ thế hệ 5, F-35 Lightning II ký kết với công ty Lockheed Martin nằm trong danh sách những dự án quốc phòng đắt nhất của Mỹ trong giai đoạn này.

Ngày từ khi khởi động chương trình F-35 từ năm 2008, quân đội Mỹ ước tính chi phí cho toàn bộ dự án chỉ ở mức 149,7 tỷ USD, nhưng trong năm 2010 con số này đã lên tới 263,7 tỷ USD. Trong khi đó, dự đoán giá một máy bay F-35 đã tăng từ 101,7 triệu USD lên 115,5 triệu USD.

Tiếp theo là chương trình đóng tàu khu trục thuộc dự án DDG 51 Arleigh Burke cũng là một trong những dự án bội chi. Tổng chi phí cho dự án này tăng từ 77,4 tỷ USD lên 94,3 tỷ USD, giá trị của một chiếc tàu khu trục loại này đã tăng từ 1,2 lên 1,3 tỷ USD.



Mô phỏng tàu khu trục DDG-1000 Zumwal.


Chương trình mua chiến đấu cơ F-22 Raptor cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tổng giá trị của chương trình này chỉ trong vòng 2 năm (2008-2010) đã tăng từ 75,2 lên 77,4 tỷ USD. Trong khi đó, giá mỗi chiếc F-22 trong giai đoạn này đã tăng từ 408,7 lên 411,7 triệu USD.

Khi đề cập đến giá thành mua mỗi sản phẩm quốc phòng, Cơ quan kiểm soát Chính phủ Mỹ không chỉ tính giá trị thực của sản phẩm mà cả tất cả những trang thiết bị và dịch vụ đi kèm bao gồm mua vũ khí, thiết bị bảo dưỡng, dịch vụ kỹ thuật đi kèm và đào tạo nhân viên.

Trong khi đó, Giám đốc chương trình thu mua và tính toán kinh phí của GAO, Michael Sullivan tuyên bố, trong 2 năm trở lại đây xuất hiện xu hướng gia tăng sự phá vỡ Quy chế Nunn-McCurdy (tổng chi phí thực tế của dự án vượt qua chi phí dự kiến 15%).

Từ năm 1997 tới nay đã ghi nhận 74 trường hợp vi phạm quy chế Nunn-McCurdy, trong đó có tới 47 dự án quân sự. Phần lớn các trường hợp vi phạm do Quốc hội Mỹ nghiên cứu xảy ra trong các năm 2001, 2005, 2006 và 2009.


Chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II.


Quy chế Nunn-McCurdy Chính phủ Mỹ ban hành từ năm 1982 và có hiệu lực vào năm 1983. Theo quy chế này, Lầu Năm Góc phải có trách nhiệm giải trình chi tiết cho Quốc hội Mỹ nếu tổng giá trị của dự án quốc phòng tăng lên hoặc giá cuối cùng của mỗi sản phẩm quốc phòng đưa ra tăng quá 15% so với dự kiến ban đầu.

Quy chế Nunn-McCurdy yêu cầu ngừng bất kỳ dự án nào do Lầu Năm Góc và các đơn vị của Lầu Năm Góc tiến hành nếu chi phí chương trình vượt quá 25% so với dự tính ban đầu.

Dự án máy bay chiến đấu F-35 đã vi phạm quy tắc Nunn-McCurdy. Lầu Năm Góc đã dự đoán một sự gia tăng chi phí cho chương trình F-35 tới 51 tỷ USD. Việc chi phí quá cao cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu trình F-35 được coi như là một kịch bản bi quan.

Lầu Năm Góc đã tổ chức một loạt các cuộc tham vấn từ Quốc hội Mỹ nhằm tiếp tục hoàn chương trình F-35. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thành công trong việc tái thiết dự án chiến đấu cơ F-35 bất chấp kinh phí phát triển dự án tăng quá 25% và chương trình này đứng trên bờ vực đóng cửa. Dự án đã được duy trì vì chứng minh được lợi ích của chương trình là quan trọng đối với an ninh quốc gia.



Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

>> Mỹ chuẩn bị phóng vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa



Defese Aerospace ngày 9/3 đưa tin, Không quân Mỹ phối hợp với Hãng Lockheed Martin đang chuẩn bị phóng vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa đạn đạo của đối phương SBIRS lên quỹ đạo địa tĩnh.

Vệ tinh đầu tiên GEO-1 thuộc hệ thống SBIRS (Space Based Infrared System) đã được đưa đến sân bay vũ trụ Canaveral để chuẩn bị phóng lên không gian dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5/2011 với sự trợ giúp của tên lửa phóng Atlas V.

Mỹ đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo hệ thống SBIRS 2 lớp vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ kết thúc vào năm 2010. Tuy nhiên sau đó thời hạn này đã bị chậm lại mất 1 năm.

Vào tháng 8/2008 Không quân Mỹ đã chấp nhận cho vệ tinh GEO-1 cùng các thành tố mặt đất có liên quan đến hệ thống cảnh báo sớm sự tấn công của tên lửa đối phương đưa vào khai thác thử nghiệm.





Theo kế hoạch của Mỹ, hệ thống SBIRS sẽ bao gồm 24 vệ tinh GEO triển khai ở tầm thấp để hình thành tầng thấp của hệ thống SBIRS, 5 vệ tinh GEO-1 sẽ triển khai ở tầm cao để hình thành tầng cao.

Hiện nay ở tầng cao đang có hai vệ tinh mang thiết bị của SBIRS hoạt động khá hiệu quả. Các vệ tinh này đã được phóng vào các năm 2006 và 2008.

Ngoài khả năng phát hiện và cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa đạn đạo của đối phương, hệ thống SBIRS còn có khả năng phân biệt đầu đạn tác chiến và các mục tiêu giả, từ đó đưa ra chỉ thị mục tiêu cho hỏa lực tiêu diệt, đồng thời SBIRS còn có khả năng tiến hành trinh sát chiến trường trong dải tần hồng ngoại.

(bdv news)

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

>> Mỹ thử nghiệm tàu con nhộng vũ trụ Orion



Tàu con nhộng Orion thế hệ mới đầu tiên vừa được chuyển đến cơ sở của Lockheed Martin tại Denver để tiến hành các thử nghiệm trên mặt đất.

Tại đây, các nhà khoa học và kỹ sư sẽ tiến hành thử nghiệm mô phỏng môi trường khắc nghiệt trong không gian, lắp đặt các lá chắn nhiệt để bảo vệ phi hành đoàn, kiểm tra hiệu suất trong buồng thử nghiệm âm thanh, khả năng đáp ứng các yêu cầu hoạt động trong không gian khi cất cánh và hạ cánh trở lại mặt đất.

Ông Cleon Lacefield, phó chủ tịch của Lockheed Martin kiêm giám đốc chương trình tàu con thoi Orion cho biết: “Đây là cột mốc quan trọng trong dự án tàu con thoi Orion, chúng tôi sẽ cố gắng để đạt mốc đưa Orion vào hoạt động trong năm 2016”.

Orion sẽ phải trải qua hàng loạt các thử nghiệm, chứng minh làm thế nào để một tàu con nhộng đáp ứng được các yêu cầu trong hoạt động như hoạt động ở những không gian xa xôi, thay đổi các quỹ đạo khi đang hoạt động, trở về trái đất an toàn ở tốc độ cao, triển khai dù và hạ cánh trong các quỹ đạo đã được xác định trước.

Orion là tàu vũ trụ thế hệ mới, kiểu con nhộng được phát triển để thay thế các tàu con thoi hiện nay vốn không đảm bảo được nhiều yêu cầu khắt khe trong hoạt động.

NASA hy vọng việc thử nghiệm thành công tàu Orion sẽ lấy lại niềm tin của Quốc Hội với các chương trình không gian của tổ chức này.

Thông số cơ bản: Đường kính 5m, tổng khối lượng ở trạng thái hoạt động: 21.250kg, khối lượng nhiên liệu đẩy: 7.907kg.

Một số hình ảnh của tàu Orion:









(theo Aviation Week)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang