Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Tên lửa chiến lược

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tên lửa chiến lược. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tên lửa chiến lược. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

>> Lộ diện vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc

Một trong những loại vũ khí chiến lược của Trung Quốc cho đến năm 2040 là tên lửa DF-31 và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2.

>> Tàu ngầm Trung Quốc tập trung gần Vịnh Bắc Bộ
>> 6 hệ thống tên lửa đang là tiêu điểm của thế giới
>> Vệ tinh Mỹ bị đe đọa bởi tên lửa hạt nhân TQ



http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc DF-31.


Hướng phát triển cũng như tốc độ phát triển các loại tên lửa chiến lược của Trung Quốc trong thế kỉ 21 luôn là một chủ đề hào hứng và hóc búa đối với các chuyên gia quân sự thế giới. Trung Quốc đã vận dụng rất nhiều những tiêu chuẩn để bảo đảm bí mật quân sự và Liên Xô trước đây đã gặp phải một vấn đề nan giải trong việc đánh giá khả năng quân sự và xu hướng phát triển lực lượng vũ trang cũng như vũ khí của Trung Quốc.

DF-31 là một trong những thành tựu nổi bật trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Công cuộc nghiên cứu loại tên lửa này bắt đầu từ giữa những năm 80, với mục đích thay đổi tên lửa thế hệ đầu của TQ là DF-4. Quá trình nghiên cứu được đặt trong 4 bức tường của Học viện hàng không vũ trụ số 4 và Viện Khoa học - cải tiến thuộc Quân đoàn pháo binh số 2. Ngay từ đầu, các nhà khoa học Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ phải tạo ra được bệ phóng di dộng cho loại tên lửa này, giống như Nga đã làm với tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà khoa học Trung Quốc là phải tạo ra nhiên liệu hỗn hợp rắn cho tên lửa. Đây cũng là lý do lần phóng thử đầu tiên của loại tên lửa này hồi đầu những năm 1990 bị trì hoãn nhiều lần.

Cho đến tận giữa những năm 1990, những thành tựu bước đầu trong quá trình nghiên cứu mới được ghi nhận (năm 1995, Trung Quốc lần đầu tiên đã tiến hành lần phóng thử trên bãi phóng, tuy nhiên kết quả không được công bố).

Đến 2/8/1999, hãng thông tấn Xinhua mới công bố cho toàn thế giới kết quả thử nghiệm thành công của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này. Lần phóng thử này được thực hiện tại bãi phóng của tỉnh Thượng Hải. Tháng 1/2001, cuộc thử nghiệm lần thứ 3 đã được tiến hành.

Tháng 1/10/1999, trong lễ mít tinh kỉ niệm 50 năm ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, họ đã “khoe” loại tên lửa mới này. Trên quảng trường Thiên An Môn, 3 chiếc xe HY473 cùng với container phóng có chứa tên lửa mới diễu qua lễ đài. Mọi người tin rằng đây chính là bệ phóng di động dạng sơ khởi. So với bệ phóng của tên lửa Topol thì những chiễc xe này chưa thể gọi là một hệ thống chiến đấu hoàn thiện được.

Một vài năm trước đây, giới tình báo quân sự phương Tây đã thấy những chiếc xe 6 trục, có khả năng vượt chướng ngại vật, MAZ-547B của Belarus có mặt tại Trung Quốc. Đây là bệ phóng di dộng cho tên lửa tầm trung Pioner. Theo Hiệp ước về loại trừ tên lửa tầm gần và trung đã được kí giữa Nga và Mỹ, tên lửa tầm trung, với tư cách là một loại vũ khí chiến lược đã bị loại trừ từ năm 1990.

Người ta cho rằng có khoảng 6 chiếc xe MAZ-547B được đưa đến Trung Quốc và thậm chí, Trung Quốc đã chuẩn bị để sản xuất hàng loạt loại xe này. Tuy nhiên, không có bất cứ một thông tin đáng tin cậy nào được đưa ra. Cũng đã từng có thông tin rằng Trung Quốc đã làm hẳn đường ray cho tên lửa DF-31, nhưng cũng như nhiều thông tin khác, tin này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.

DF-31 là một trong những bí mật quân sự lớn nhất của Trung Quốc. Người ta cho rằng đây là loại tên lửa 3 tầng, dùng nhiên liệu rắn, dài 13m, có đường kính 2,25m, có trọng lượng khoảng 42 tấn. Nó được lắp một hệ thống dẫn đường quán tính bên trong. Độ chính xác khi bắn là vào tầm từ 100m đến 1 km, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng con số này vào khoảng 300m.

Tên lửa có thể mang được đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn hoặc 3 đầu đạn có hệ thống dẫn đường riêng biệt, với trọng lượng từ 20 đến 150 kg. Về trọng lượng vật mang theo, tên lửa này gần giống Topol và Topol-M. Thời gian khai triển DF-31 mất khoảng từ 15 đến 30 phút. Có vẻ như, cũng giống như Topol, DF-31 sử dụng kiểu khởi động lạnh ( tên lửa sẽ được phóng ở độ cao 30m bằng áp lực do máy phát điện hơi nước tạo ra).

Theo báo chí, Trung Quốc đang phát triển biến thể cải tiến cho DF-31, là DF-41, với mục tiêu nâng cao tầm xa của tên lửa: từ 8.000 lên 12.000 km.

Ngoài ra, họ cũng đang tìm cách hoàn thiện bệ phóng di động cho loại tên lửa này. Nếu thành công, Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Đây cũng là một vũ khí quan trọng trợ lực cho Trung Quốc trong cuộc chiến dành ngôi vị bá chủ thế giới.

Dựa trên công nghệ của DF-31, Trung Quốc đã tiến hành chế tạo biến thể hải quân cho loại tên lửa này, có tên JL-2. Tên lửa JL-2 sẽ được trang bị cho tàu ngầm hạt nhận mang tên lửa đạn đạo Type 094. Chương trình này có tên “Tường thành Trung Quốc trên biển”. Mục tiêu của dự án này là tạo ra từ 4 đến 7 tàu ngầm có mang tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nếu sở hữu những loại tàu này thì Mỹ hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc, mà không phải đối mặt với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Nhật Bản.

Hiện nay, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc chỉ mới có một loại tàu là Xia. Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất loại tàu này, Trung Quốc đã gặp vô vàn khó khăn cả về công nghệ và kỹ thuật. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến họ không thể sản xuất được hàng loạt tàu ngầm hạt nhân cùng loại.

Tàu ngầm Xia mang tên lửa đạn đạo JL-1 với tầm bắn vào khoảng 1700 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có trọng lượng 1-2.000kg. Tuy nhiên loại tàu này đã khá lỗi thời. Theo thông tin mà tình báo hải quân có được thì tàu này chưa hề thực hiện một cuộc tuần tra đúng nghĩa nào cả.



http://nghiadx.blogspot.com
Một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo JL-1

Có vẻ như Trung Quốc đã đúng khi không cố gắng chế tạo tàu ngầm và tên lửa thế hệ cũ. Thay vào đó, họ đặt hi vọng vào thế hệ tàu ngầm Type 094 và tên lửa mới JL-2. Những tàu này sẽ có khả năng mang 16 tên lửa JL-2 với tầm bắn khoảng từ 7.500-8.000 km. Có thể chúng sẽ được trang bị 3 đầu đạn hạt nhân có hệ thống dẫn đường riêng biệt. Tất nhiên để làm được điều này thì Trung Quốc cần cải tiến rất nhiều về công nghệ và kỹ thuật.

Vậy, tại sao Trung Quốc lại đi theo con đường của Nga, khi lấy tên lửa với bệ phóng di động làm hình mẫu để phát triển hệ thống vũ khí chiến lược trên biển?

Báo chí phương Tây đã dành rất nhiều giấy mưc để bàn về vấn đề Trung Quốc lại chậm mở rộng kho vũ khí chiến lược của mình đến thế? Điều này được thể hiện ở số lượng những lần thử DF-31. Người ta biết rằng, Trung Quốc hiện có khoảng 20 tên lửa liên lục địa DF-5. Số lượng đạn hạt nhân không được cất giấu cùng với tên lửa. Bằng cách này, họ muốn chứng minh cho Mỹ thấy mình là những người yêu chuộng hoà bình và hoàn toàn không hề có ý định tranh giành ngôi vị với Mỹ.

Trung Quốc luôn tìm cách phủ nhận những thông tin trong bản báo cáo của Cơ quan tình báo Mỹ CIA về việc mở rộng và hiện đại hoá kho vũ khí chiến lược của mình. Để làm gì?

Có lẽ, họ đang trông chờ vào sự thành công của quá trình nghiên cứu chế tạo DF-31/DF-41 và JL-2. Họ đang làm việc này một cách hết sức cẩn trọng. Trong quyết định áp dụng vũ lực với Đài Loan, Trung Quốc cũng rất ít khi triển khai hệ thống vũ khí chiến lược của mình (nếu như tính đến khả năng kinh tế của Trung Quốc, thì việc này là không quá khó khăn để thực hiện).

(Nguồn :: Báo Đất Việt)

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

>> Trung Quốc có thêm lữ đoàn ICBM mới



Trung Quốc vừa hoàn thành việc biên chế lữ đoàn tên lửa chiến lược DF-31A mới, có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam.


Theo báo cáo của Washington Post, Trung Quốc có thêm một lữ đoàn tên lửa chiến lược liên lục địa cơ động mới.

Báo cáo cho biết, trang bị chính của lữ đoàn này là các tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM DF-31A, với số lượng khoảng 30 quả.

Trong khi đó báo cáo của tình báo Mỹ công bố năm 2009 cho biết, Trung Quốc có khoảng 15 tên lửa DF-31A, như vậy số lượng tên lửa DF-31A trong biên chế của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với báo cáo cách đây 2 năm.

http://nghiadx.blogspot.com
Khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc vừa được nâng lên tầm cao mới với sự ra đời của lữ đoàn ICBM DF-31A thứ 2.


Mark Stokes, tác giả của báo cáo cho biết, lữ đoàn ICBM mới này có trụ sở tại Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Biến thể nâng cấp DF-31A có tầm bắn lên đến 11.200km, có thể đánh bất cứ địa điểm nào của nước Mỹ.

Các tên lửa ICBM DF-31 đầu tiên được chế tạo tại Thủy Tiên, tỉnh Cam Túc. Các tên lửa này đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2001.

Trong năm 2006, quân đoàn pháo binh số 2 (cách gọi của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc) bắt đầu công tác chuẩn bị cho việc hình thành lữ đoàn ICBM đầu tiên.

Lữ đoàn ICBM đầu tiên được trang bị các tên lửa DF-31 có tầm bắn 7.200km, tên lửa này có khả năng bao phủ toàn bộ châu Á, thậm chí vươn tới bán đảo Alaska của Mỹ, Nga và cả Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam.


http://nghiadx.blogspot.com
Tốc độ phát triển của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc có thể vượt xa những dự đoán hiện tại.


Hiện tại, ICBM DF-31A chỉ mang theo một đầu đạn hạt nhân nên có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các báo cáo cũng chi ra, Trung Quốc đã bắt tay nghiên cứu công nghệ dẫn hướng nhiều đầu đạn độc lập MIRV.

Theo thông tin chưa được xác nhận, trong tương lai, DF-31A có khả năng mang 3 đầu đạn hạt nhận có đương lượng nổ từ 20-150 kiloton, có thể tấn công 3 mục tiêu khác nhau.

So với khả năng mang đầu đạn hạt của các ICBM của Mỹ, Nga từ 8-10 đầu đạn mỗi tên lửa, khả năng của DF-31A vẫn còn thua xa. Tuy nhiên, "sự khởi đầu này có thể làm thay đổi cuộc chơi trong tương lai", báo cáo của Mark Stokes có đoạn.

Từ đầu năm 2011, Trung Quốc cũng đã công bố việc phát triển một biến thể ICBM có khả đánh chìm tàu sân bay của Mỹ ở cự ly đến 3.000km là DF-21D.

Sự phát triển của tên lửa DF-21D vẫn chưa rõ ràng. Một số báo cáo cho rằng tên lửa đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu, một số lại cho rằng tên lửa vẫn trong quá trình phát triển.

Việc biên chế thêm một lữ đoàn ICBM mới cho thấy, năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ phát triển của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc có thể vượt ra ngoài những dự báo của quân đội Mỹ.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

>> Nga thay thế tên lửa 'Quỷ sa tăng' RS-20



Theo hãng tin Izvestia, cuối năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt hàng tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng mới nhằm thay thế thế hệ tên lửa RS-20 "Tướng quân".


Đây là loại tên lửa đường đạn nổi tiếng mà Phương Tây gọi là "Quỷ Sa tăng". Trong chương trình mua sắm vũ khí của Nhà nước, dự án mới này có tên “Đột phá” hoặc “Không tránh khỏi”.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga hoàn tất việc soạn thảo các thông số kỹ thuật cho tên lửa mới để phòng Thiết kế Makeev đưa ra thiết kế cuối cùng.

Phòng Thiết kế cho biết tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng này sẽ hơn hẳn RS–20 “Tướng quân”, nó có thể mang 15 đầu đạn loại trung bình hoặc 10 đầu đạn hạt nhân hạng nặng đi hơn 10.000km. Các đầu đạn này được dẫn độc lập vào các mục tiêu khác nhau.

Trong khi đó nó sẽ vẫn được bố trí trong các hầm phóng mà hiện nay các tên lửa “Tướng quân” đã 30 tuổi đang trực chiến. Các tên lửa “Đột phá” cũng sẽ được phóng lên tương tự như RS–20: một lượng thuốc phóng chuyên dùng đặc biệt sẽ đẩy tên lửa lên độ cao 20–30m phía trên hầm phóng, sau đó động cơ tầng thứ nhất sẽ được khởi động.

Điểm nhấn chủ yếu khi chế tạo tên lửa mới là khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa tương lai, kể cả các hệ thống đánh chặn laser,– cựu tham mưu trưởng bộ đội tên lửa chiến lược, chuyên viên trong lĩnh vực tên lửa vượt đại châu Viktor Esin nói với báo Izvestia. Để đạt được điều đó tên lửa mới sẽ sử dụng rất nhiều phương tiện kỹ thuật vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới hiện đại nhất.


http://nghiadx.blogspot.com

RS-20 chuẩn bị rời khỏi vị trí trực chiến vào viện bảo tàng.


Dự kiến tên lửa sẽ được sản xuất ở nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk, nơi hiện đang chế tạo các tên lửa nhiên liệu lỏng “Thanh thiên” (Azure) và “Con tàu” (Liner).

Chương trình trang bị vũ khí đến năm 2020 chi 77 tỷ Rub để tổ chức sản xuất hàng loạt các tổ hợp tên lửa mới. Trong số tiền này, riêng cho phát triển các xí nghiệp là 15 tỷ Rub.

Nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk sẽ nhận được một nửa số tiền này để hiện đại hoá sản xuất chuẩn bị chế tạo loại tên lửa mới. Những khoản đầu tư như vậy sẽ tăng mạnh số tên lửa được sản xuất trước năm 2013 từ 5-7 lên 20–30 quả/năm.

Đáng lưu ý là nhà máy chủ trì dự án – Phòng thiết kế mang tên Makeev đến nay chuyên nghiên cứu chế tạo tên lửa cho tàu ngầm và “Đột phá” sẽ trở thành dự án tên lửa phóng từ mặt đất đầu tiên.

Cách đây không lâu, phòng thiết kế này đã cung cấp cho hạm đội tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới RSM–54 “Thanh thiên”, trang bị cho tàu ngầm dự án 667BDRM loại “Cá heo”.

Tên lửa nhiên liệu lỏng này được coi là một trong những tên lửa tốt nhất trong những tên lửa cùng loại theo tiêu chí “khối lượng tên lửa so với khối lượng được phóng đi”. Với khối lượng 40 tấn, tên lửa mang được 10 đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu xa 11.000km.

Dựa trên tên lửa “Thanh thiên”, phòng thiết kế đã sản xuất một tổ hợp khác mang tên “Con tàu”, có những hệ thống vượt qua tuyến phòng thủ chống tên lửa tốt hơn. “Con tàu” đã thử nghiệm những đầu đạn mới, sức công phá lớn hơn, những đầu đạn này sẽ là loại chính khi chế tạo tên lửa “Đột phá”.

Đồng thời một cơ sở nghiên cứu chế tạo tên lửa Nga khác – Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow (MIT), nơi chuyên chế tạo tên lửa phóng từ mặt đất, đang gặp khó khăn khi hoàn tất dự án hải quân đầu tiên của mình – “Quả chuỳ” (Mace).

Giáo sư Học viện khoa học quân sự Vadim Kozyulin (Vadim Kozyulin) bày tỏ ý kiến: “Thật khó hiểu, là Phòng thiết kế “hải quân” lại nghiên cứu tên lửa “lục quân” (phóng từ mặt đất). Không rõ liệu chúng ta có sẽ gặp lại tình huống của “Quả chuỳ” lần nữa không, khi vì MIT thiếu kinh nghiệm về tên lửa “hải quân” mà thời hạn bàn giao “Quả chuỳ” đã mấy lần bị lùi lại”. Tag: Vũ khí chiến lược, vũ khí hủy diệt lớn, tên lửa đường đạn vượt đại châu

Tên lửa RS–20 “Tướng quân” được coi là tên lửa mạnh nhất và hiệu quả nhất trong số các tên lửa đường đạn vượt đại châu trên thế giới. Khối lượng của tên lửa là 200 tấn, tầm bắn 11 nghìn Km. Tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân sức công phá 550 kilôtôn mỗi đầu đạn.

Sức công phá của tên lửa đủ để san bằng khỏi mặt đất thành phố cỡ NewYork hoặc thậm chí cả một nước. Tên lửa không chịu tác động của xung điện từ, điều làm cho nó trở thành vũ khí tin cậy đế đánh trả trong trường hợp Nga bị xâm lược. Chính vì vậy mà phương Tây gọi nó là “Quỷ Sa tăng”– “hiệp sĩ của ngày tận thế”.

Tuy nhiên “Tướng quân” đang già đi. Những quả tên lửa đầu tiên được đưa vào trang bị cho quân đội năm 1970 và quả cuối cùng vào đầu những năm 1990 (nước Nga có tất cả 58 quả). Chúng được lắp 580 đầu đạn trong số 1,5 nghìn được phép theo hiệp ước mới Nga – Mỹ về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (tiếng Nga viết tắt là SNV (СНВ)). Tuy nhiên, các tên lửa “Tướng quân” có thể trực chiến cho đến khi có được những tên lửa thế hệ mới, vì tên lửa “Tướng quân” định kỳ vẫn được kéo dài niên hạn sử dụng.


[BDV news]


Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

>> Hải quân Nga không cần tên lửa bờ biển chiến thuật?



Sau khi hoàn tất phát triển và bắt đầu sản xuất loạt các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển Bastion và Bal, Nga đã trở thành nước dẫn đầu trên thị trường thế giới về lĩnh vực các hệ thống vũ khí này.





“Hải quân Liên bang Nga đang cực kỳ cần có các hệ thống vũ khí hiện đại
để chống các mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ và trung bình” (Andrei Sedykh)


Hải quân Nga chỉ mua sắm và trang bị hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion dùng để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước cỡ lớn và xem nhẹ việc mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật Bal kém uy lực hơn. Xét tới thực tế là xung đột cục bộ ở các vùng ven bờ nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc chiến quy mô lớn thì chính sách đó của Hải quân Nga xem ra là kém nhìn xa trông rộng.

Các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển hiện đại là các hệ thống vũ khí khá mạnh, có khả năng không chỉ giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển mà còn tiêu diệt các mục tiêu trên biển ở cự ly cách bờ hàng trăm kilômet. Thường được trang bị các phương tiện chỉ thị mục tiêu dành riêng, có khả năng hoạt động và cơ động cao, hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại có độ bền vững chiến đấu cao và khó bị tổn thương kể cả khi đối phó với kẻ địch ghê gớm nhất. Các bối cảnh đó là một trong những nguyên nhân của sự chú ý bùng nổ mà ta chứng kiến trên thị trường vũ khí thế giới đối với các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới. Khả năng đang được tạo ra nhằm sử dụng các hệ thống tên lửa bờ biển làm vũ khí tên lửa tấn công mặt đất chính xác cao cũng tạo ra thêm những triển vọng mới.
Các hệ thống vũ khí chủ yếu của nước ngoài

Hiện nay, trên thị trường thế giới có mặt nhiều hệ thống tên lửa bờ biển, được trang bị hầu như tất cả các loại tên lửa chống hạm.

Harpoon (Boeing, Mỹ): Mặc dù phổ dụng trên thế giới, tên lửa chống hạm này chỉ được sử dụng cho hệ thống tên lửa bờ biển ở một số ít quốc gia: Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ai Cập và Hàn Quốc. Riêng Đan Mạch tự chế tạo hệ thống tên lửa bờ biển bằng cách sử dụng lại các bệ phóng tên lửa Harpoon gỡ từ các frigate bị loại bỏ vào đầu thập niên 1990.

Exocet (MBDA, Pháp): các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm thế hệ 1 Exocet ММ38 trước đây từng có trong trang bị của Anh (hệ thống Excalibur ở Gibraltar, năm 1994 được bán cho Chile) và Argentina (kiểu cải tiến, được sử dụng trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982), hiện được sử dụng ở Chile và Hy Lạp. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng các tên lửa hiện đại hơn Exocet ММ40 hiện có trong trang bị của Hy Lạp, Síp, Qatar, Thái Lan, Saudi Arabia (được chuyển giao vào nửa cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990) và ở Chile (tự sản xuất).

Otomat (MBDA, Italia) được sử dụng cho các hệ thống tên lửa bờ biển chuyển giao trong thập niên 1980 cho Ai Cập và Saudi Arabia.

RBS-15 (Saab, Thụy Điển): Hệ thống này ở biến thể bờ biển RBS-15K hiện có trong trang bị của Thụy Điển và Phần Lan (được chuyển giao trong thập niên 1980), còn ở Croatia, tên lửa chống hạm RBS-15 đang được sử dụng trong thành phần hệ thống tên lửa bờ biển nội địa MOL vốn được phát triển trong thập niên 1990. Saab đang tiếp tục tiếp thị hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng biến thể tên lửa mới nhất RBS-15 Mk 3.

RBS-17 (Saab, Thụy Điển) - biến thể cải tiến của tên lửa chống tăng Mỹ Hellfire. Sử dụng các bệ phóng hạng nhẹ trên bờ hiện có trong trang bị của Thụy Điển và Nauy.

Penguin (Kongsberg, Nauy): Từ những năm 1970, tên lửa chống hạm này được sử dụng cho các bệ phóng cố định của lực lượng phòng thủ bờ biển Nauy. Hiện nay, hệ thống này đã lạc hậu và đang bị loại khỏi trang bị.

NSM (Kongsberg, Nauy): Tên lửa chống hạm mới của Nauy, được chào bán cả dưới dạng một biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động. Cuối năm 2008, Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 145 triệu USD để mua 1 tiểu đoàn tên lửa bờ biển NSM, chuyển giao năm 2012. Đây là hợp đồng đầu tiên được biết đến mua bán hệ thống tên lửa bờ biển của Tây Âu trong một thập kỷ gần đây. Sau này, có thể cả Nauy cũng mua biến thể tên lửa bờ biển NSM.

SSM-1A (Mitsubishi, Nhật Bản): Tên lửa chống hạm của Nhật, trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Type 88 của Nhật và không được xuất khẩu.

Hsiung Feng (Hùng Phong, Đài Loan): Họ tên lửa chống hạm mà Đài Loan sử dụng trong các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động và tĩnh tại cùng tên để phòng thủ bờ biển từ những năm 1970. Biến thể đầu tiên của tên lửa bờ biển này là Hsiung Feng I (HF-I) được chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm cải tiến Gabriel Mk 2 của Isael.

Từ năm 2002, Đài Loan nhận vào trang bị hệ thống tên lửa bờ biển dạng cơ động HF-II, sử dụng tên lửa tầm xa hơn do Đài Loan phát triển. Sau này, không loại trừ khả năng Đài Loan chế tạo hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm tối tân nhất của Đài Loan là HF-III. Các hệ thống này không được xuất khẩu.

HY-2 (Trung Quốc): Tên lửa chống hạm Trung Quốc (còn gọi là С-201), là mẫu cải tiến của tên lửa P-15 ra đời trong những năm 1960 của Liên Xô. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng HY-2 từ thập niên 1960 đã cấu thành nền tảng lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc, đồng thời được xuất khẩu sang Iraq, Iran, CHDCND Triều Tiên và Albania.

HY-4 (Trung Quốc): Biến thể cải tiến của HY-2, sử dụng động cơ turbine phản lực, được sử dụng trong lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc từ thập niên 1980. Sau năm 1991, các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng HY-4 đã được bán cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các mẫu tương tự tên lửa này dùng cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển được sản xuất ở Iran (có tên là Raad) và Triều Tiên (Mỹ đặt tên là AG-1 và KN-01). Tên lửa này nay đã quá lạc hậu.

YJ-62 (Trung Quốc), còn gọi là С-602 - biến thể chống hạm của họ tên lửa hành trình hiện đại СJ-10, tương tự Tomahawk của Mỹ. Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động С-602 được đưa vào trang bị trong những năm gần đây và là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển chủ lực. Hiện chưa có thông tin về việc xuất khẩu tên lửa này.

YJ-7 (Trung Quốc) - họ tên lửa chống hạm hạng nhẹ hiện đại, bao gồm các tên lửa từ С-701 đến С-705. Iran đang sản xuất theo giấy phép С-701 với tên gọi Kosar, kể cả biến thể tên lửa bờ biển, và С-704 với tên gọi Nasr.

YJ-8 (Trung Quốc) - dòng tên lửa đối hạm hiện đại của Trung Quốc, bao gồm các tên lửa С-801, С-802 và С-803. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng С-802 hiện có trong trang bị của Trung Quốc, năm 1990-2000 được cung cấp cho Iran và theo một số nguồn tin là cho cả CHDCND Triều Tiên.

Có tin Thái Lan hiện đang dự định mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển này. Iran đã tổ chức sản xuất theo giấy phép tên lửa С-802 với tên Noor, các hệ thống tên lửa bờ trang bị tên lửa này đã được chuyển giao cho Syria và tổ chức Hezbollah ở Lebanon và đã được Hezbollah sử dụng trong cuộc chiến tranh Israel-Lebanon năm 2006.

Tình hình phát triển tên lửa bờ biển ở Liên Xô và Nga

Thời Liên Xô

Liên Xô thường rất chú ý đến việc nghiên cứu chế tạo các hệ thống tên lửa bờ biển, bởi vì chúng được xem là phương tiện phòng thủ bờ biển quan trọng trong điều kiện phương Tây chiếm ưu thế về hải quân. Đặc biệt, Liên Xô chế tạo các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng không chỉ các tên lửa chống hạm chiến thuật mà cả tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm bắn trên 200 km.

Năm 1958, hệ thống tên lửa bờ biển cơ động đầu tiên của Liên Xô là 4К87 Sopka với tên lửa S-2 có tầm bắn đến 100 km (chi nhánh phân Viện thiết kế OKB-155, nay là MKB Raduga thuộc công ty “Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật [KTRV]ư, phát triển). Các tên lửa này đã được sử dụng cả cho các hệ thống tên lửa bờ biển cố định, kiên cố Strela (Utes), được xây dựng ở các hạm đội Biển Đen và Phương Bắc. Hệ thống Sopka là nền tảng lực lượng tên lửa-pháo bờ biển Liên Xô trong thập niên 1960 và được cung cấp cho nhiều nước thân hữu, nhưng đã bị loại bỏ hoàn toàn trong thập niên 1980.







Hệ thống tên lửa bờ biển Rubezh


Để thay thế hệ thống Sopka, Viện thiết kế chế tạo máy KGM ở Kolomna đã phát triển và đưa vào trang bị của Hải quân Liên Xô vào năm 1978 hệ thống tên lửa bờ biển cơ động 4К40 Rubezh, sử dụng loại tên lửa chống hạm phổ dụng của hải quân là P-15М có tầm bắn đến 80 km của Viện MKB Raduga.

Hệ thống Rubezh hoàn toàn tự hoạt và có bệ phóng và radar chỉ thị mục tiêu Garpun được lắp tích hợp trên cùng một xe ô tô (khung gầm MAZ-543М) theo đúng khái niệm “xuồng tên lửa trên bánh xe”.

Rubezh đã được hiện đại hóa trong thập niên 1980 và đến nay vẫn là hệ thống tên lửa bờ biển chủ lực của Hải quân Nga.

Trong thập niên 1980, biến thể xuất khẩu Rubezh-E đã được cung cấp cho CHDC Đức, Ba Lan, Rumani, Bulgaria, Nam Tư, Algeria, Libya, Syria, Yemen, Ấn Độ, Việt Nam và Cuba.


Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa hưởng một số hệ thống này, còn sau khi Nam Tư tan vỡ, các hệ thống Rubezh-E của họ thuộc quyền sở hữu của Montenegro và được nước này bán cho Ai Cập vào năm 2007.

Hiện nay, Rubezh được xem là đã lạc hậu hoàn toàn.

Liên Xô đã phát triển hệ thống tên lửa bờ biển 4К44B Redut trang bị tên lửa siêu âm P-35B có tầm bắn đến 270 km của OKB-52 (Nay là công ty NPO Mashinostroenia) với tư cách hệ thống cấp chiến dịch-chiến thuật cho Hải quân Liên Xô và đã nhận vào trang bị vào năm 1966.

Hệ thống sử dụng khung gầm cơ bản BAZ-135MB.



Hệ thống tên lửa bờ biển Redut


Sau này, Redut được hiện đại hóa và sử dụng tên lửa hiện đại hơn là 3M44 của hệ thống Progress vốn được nhận vào trang bị vào năm 1982 thay cho tên lửa P-35B.

Các hệ thống tên lửa bờ biển cố định Utes cũng được trang bị các tên lửa P-35B, sau đó là 3М44.

Trong thập niên 1980, các hệ thống Redut-E được cung cấp cho Bulgaria, Syria và Việt Nam.

Trong Hải quân Nga, Syria và Việt Nam, các hệ thống này tuy đã lạc hậu, song đến nay vẫn còn trong trang bị, trong đó các hệ thống của Việt Nam sau năm 2000 đã được hãng NPO Mashinostroenia hiện đại hóa theo chương trình Modern.

Hiện nay

Trong những năm 1980, để thay thế các hệ thống Redut và Rubezh, Liên Xô đã bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới sử dụng các tên lửa chống hạm tương lai (đó là các hệ thống Bastion và Bal), tuy nhiên do Liên Xô sụp đổ, mãi gần đây Nga mới hoàn thành các hệ thống này. Sau khi bắt đầu sản xuất loạt các hệ thống này, Nga đã trở thành nước dẫn đầu trên thị trường hệ thống tên lửa bờ biển và rõ ràng là sẽ giữ được ưu thế này trong thập niên tới, nhất là khi xét đến khả năng xúc tiến ra thị trường các hệ thống còn hiện đại hơn là Club-M và Bal-U.

Hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion do NPO Mashinostroenia phát triển sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm mới dòng 3М55 Oniks/Yakhont có tầm bắn đến 300 km. Hệ thống được chào bán dưới dạng cơ động (K300P Bastion-P) và cố định (Bastion-S), khi xuất khẩu hệ thống được trang bị tên lửa K310 Yakhont có tầm bắn đến 290 km.

Một hệ thống (tiểu đoàn) Bastion-P được biên chế 4 xe bệ phóng sử dụng khung gầm MZKT-7930 (mỗi bệ lắp 2 tên lửa), 1 xe điều khiển, cũng như có thể bố sung thêm các xe chỉ thị mục tiêu trang bị radar Monolit-B và các xe tiếp đạn.



Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion


Năm 2006, Nga đã ký các hợp đồng bán 1 tiểu đoàn Bastion-P cho Việt Nam (giá khoảng 150 triệu USD) và 2 tiểu đoàn cho Syria (gần 300 triệu USD), đồng thời hợp đồng với Việt Nam cũng hầu như bù đắp chi phí cho phần nghiên cứu hoàn tất. Hệ thống Bastion-P với tên lửa yakhont đã được NPO Mashinostroenia chuyển giao cho cả hai khách hàng vào năm 2010.

Năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với NPO Mashinostroenia hợp đồng cung cấp 3 hệ thống 3K55 Bastion-P với các tên lửa Oniks/Yakhont để trang bị cho Lữ tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, đóng ở khu vực Anapa. Cuối năm 2009-đầu năm 2010, lữ đoàn này được biên chế 2 hệ thống Bastion-P (trong cơ cấu quân đội Nga “diện mạo mới” chúng được gọi là các đại đội và được sát nhập thành 1 tiểu đoàn trong biên chế lữ đoàn), còn năm 2011, lữ này sẽ nhận hệ thống (đại đội) thứ ba.

Dự kiến hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật Rubezh trong Bộ đội tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga sẽ được thay thế bằng hệ thống tên lửa bờ biển cơ động 3К60 Bal sử dụng tên lửa chống hạm dưới âm, cỡ nhỏ 3М24 Uran có tầm bắn đến 120 km do hãng FGUP KB Mashinostroenia (nhà thầu chính) và các xí nghiệp thuộc KTRV nghiên cứu chế tạo.

Hệ thống Bal được biên chế 4 xe bệ phóng 3S60 lắp trên khung gầm MZKT-7930 (mỗi xe lắp 8 tên lửa); 2 đài điều khiển và liên lạc (SKPUS) với radar chỉ thị mục tiêu Garpun-Bal, lắp trên cùng loại khung gầm; 4 xe tiếp đạn. Tổng cơ số đạn tên lửa của hệ thống sẽ là 64 quả tên lửa chống hạm.

Để thử nghiệm và hoàn thiện, Nga đã sản xuất 1 hệ thống Bal ở cấu hình tối thiểu (1 xe SKPUS, 2 bệ phóng và 1 xe tiếp đạn), đã hoàn thành tốt đẹp thử nghiệm nhà nước vào mùa thu năm 2004. Hệ thống này được chuyển giao cho Hải quân Nga sử dụng thử và đang nằm trong biên chế Lữ đoàn tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, mặc dù nó không có cơ số đạn tên lửa 3М24. Mặc dù được chính thức nhận vào trang bị vào năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa ký các hợp đồng sản xuất loạt hệ thống Bal. Biến thể xuất khẩu của hệ thống là Bal-E trang bị tên lửa xuất khẩu 3M24E đang được chào bán ra nước ngoài, nhưng cũng chưa có hợp đồng xuất khẩu hệ thống này được ký kết, mặc dù nhiều nước tỏ ra quan tâm đến Bal-E.



Hệ thống tên lửa bờ biển Club-M


Một hệ thống tên lửa bờ biển khác do OKB Novator (thuộc Tập đoàn phòng hông Almaz-Antei) đề xuất là hệ thống cơ động Club-M sử dụng các tên lửa hành trình họ Club (Kalibr) là 3М14E, 3М54E và 3М54E1 với tầm bắn đến 290 km. Hệ thống đang được chào bán xuất khẩu ở dạng cơ động, sử dụng các loại khung gầm khác nhau mang 3-6 tên lửa trên một bệ phóng (kể cả dạng container), nhưng hiện chưa có đơn đặt hàng mua các hệ thống này.

Một thiết kế khác được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2006 là biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động của loại tên lửa hạm-đối-hạm xuất khẩu nổi tiếng Moskit-E, trang bị tên lửa siêu âm 3М80E tầm bắn đến 130 km của KTRV (MKB Raduga). Các nhược điểm của hệ thống này là sự cồng kềnh của các tên lửa không còn là mới nữa và tầm bắn không đủ xa. Hệ thống tên lửa bờ biển Moskit-E cũng chưa có khách hàng.

Triển vọng trang bị cho Hải quân Nga

Được xem là hệ thống tên lửa bờ biển tương lai cơ bản của Hải quân Nga là hệ thống vạn năng Bal-U đang được phát triển với NPO Mashinostroenia là nhà thầu chính, dự kiến sử dụng các dòng tên lửa Oniks/Yakhont và Kalibr (có khả năng thay thế lẫn nhau) phối hợp với các phương tiện chỉ thị mục tiêu mới. Rõ ràng là trong khi chờ đợi hệ thống Bal-U sẵn sàng, Bộ Quốc phòng Nga không chịu đặt mua thêm các hệ thống tên lửa bờ biển Bastion và không mua sắm các hệ thống Bal với tên lửa 3М24.

Cần lưu ý là nếu nhận vào trang bị hệ thống Bal-U làm hệ thống tiêu chuẩn của các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga thì toàn bộ vũ khí tên lửa của ác đơn vị này đều là các hệ thống chiến dịch-chiến thuật. Và trong mọi tình huống, người ta sẽ sử dụng các tên lửa chống hạm uy lực mạnh, cực kỳ đắt tiền (với đầu đạn hạng nặng), siêu âm (ở trường hợp hệ thống Kalibr là với tầng siêu âm), dùng để tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn.
Về nguyên tắc, Hải quân Nga sẽ không có các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật. Lựa chọn đó khó có thể coi là tối ưu cả từ giác độ quân sự, lẫn kinh tế.

Một khi xảy ra cuộc xung đột quy mô lớn thực sự, khó có khả năng các tàu chiến lớn của đối phương (ví dụ các tàu tuần dương và khu trục Mỹ trang bị hệ thống AEGIS, chứ chưa nói đến các tàu sân bay) xuất hiện trong vùng biển ven bờ biển Nga, tức là tự đặt mình vào tầm bắn của tên lửa bờ biển Nga. Đã qua từ lâu cái thời của phong tỏa đường biển gần, còn việc tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa hành trình phóng từ biển của Hải quân Mỹ sẽ chỉ có thể thực hiện từ cự ly cách khá xa bờ, nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa bờ biển hiện có của Nga. Rõ ràng là, các cụm tàu sân bay chiến đấu và tàu chiến lớn của đối phương chỉ có thể tiến vào vùng biển gần của Nga sau khi đối phương giành được ưu thế hoàn toàn trên biển và trên không và chỉ sau khi tiêu diệt được các lực lượng phòng thủ bờ biển bằng vũ khí hàng không chính xác cao và tên lửa hành trình trong một chiến dịch tác chiến không-hải.

Những cũng phải nói rằng, tầm bắn khá xa vốn được coi là một trong những ưu điểm chính của các hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật, sẽ khó đạt được một khi đối đầu với một địch thủ mạnh hơn do khó bảo đảm chỉ thị mục tiêu ở khoảng cách xa. Đối phương nếu như không ngăn chặn phá vỡ thì cũng sẽ gây khó khăn tối đa cho việc chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống tên lửa bờ biển ở cự ly xa được bảo đảm bằng các phương tiện bên ngoài.

Ở phương án tồi tệ nhất, các hệ thống tên lửa bờ biển sẽ chỉ còn cách dựa vào các phương tiện radar của mình mà tầm hoạt động bị hạn chế bởi đường chân trời radar, tức là triệt tiêu các ưu thế mong đợi khi ta sử dụng các tên lửa tầm xa, đắt tiền.

Như vậy, các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chiến dịch-chiến thuật uy lực lớn, vốn định hướng để dùng chủ yếu trong các cuộc xung đột quy mô lớn chống các mục tiêu trên biển cỡ lớn và “công nghệ cao”, trên thực tế trong điều kiện xung đột như vậy sẽ vấp phải những hạn chế lớn về hiệu quả và hoàn toàn có khả năng là sẽ không thể hiện thực hóa đầy đủ tiềm lực chiến đấu của mình. Việc sử dụng các tên lửa Oniks để bắn các mục tiêu nhỏ trên biển trong các cuộc xung đột hạn chế rõ ràng là không hợp lý.

Trong khi đó, sự phát triển hiện nay của hải quân các nước láng giềng của Nga, cũng như các xu hướng tiến triển chung của các phương tiện chiến đấu hải quân nước nông cho ta căn cứ để dự đoán các phương tiện chiến đấu nhỏ (trong đó có các xuồng chiến đấu cỡ nhỏ và trong tương lai là các phương tiện chiến đấu không người lái) sẽ có vai trò gia tăng khi tác chiến ở vùng biển gần. Kể cả Hải quân Mỹ cũng chú ý ngày càng nhiều hơn đến việc phát triển các phương tiện đó. Như vậy, trong các vùng biển ven bờ của Nga, kịch bản căn bản có khả năng nhất đối với Hải quân Nga có vẻ không phải là sự hiện diện của “một số lượng nhỏ các mục tiêu lớn” mà là sự hiện diện của “một số lượng lớn các mục tiêu nhỏ”. Rõ ràng là Hải quân Nga đang rất cần các hệ thống vũ khí để đối phó với các mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ và trung bình ở vùng biển gần, đặc biệt là ở các biển nội địa.

Một trong các hệ thống vũ khí chính để giải quyết loại nhiệm vụ đó phải là các tên lửa chống hạm dưới âm, cỡ nhỏ, rẻ tiền. Nga hiện có một hệ thống tên lửa đối hạm rất thành công và tin cậy là Uran với các tên lửa 3М24, cũng như biến thể bờ biển của nó là Bal.

Coi nhẹ việc mua sắm các hệ thống này cả dạng triển khai trên hạm tàu lẫn trên bờ là hoàn toàn không nhìn xa, trông rộng.

Việc tái định hướng Hải quân Nga sang đối phó với không chỉ các lực lượng lớn, mà cả các lực lượng nhỏ và xuồng (ít ra là ở Biển Đen, biển Baltic và biển Nhật Bản) phải được phản ánh trong việc xây dựng tất cả các binh chủng và lực lượng của Hải quân Nga, cả lực lượng hạm tàu, lẫn không quân hải quân và các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển. Với lực lượng tên lửa-pháo bờ biển, tối ưu nhất là kết hợp mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion-P và Bal-U với các tên lửa chống hạm uy lực mạnh và tốc độ cao Oniks và các hệ thống chiến thuật Bal với các tên lửa như Uran.

Cũng cần chỉ ra là giá của một quả tên lửa Oniks/Yakhont 3М55 đắt hơn một quả tên lửa Uran 3М24 khoảng 3-4 lần. Một đại đội tên lửa bờ biển Bastion-P với cơ số đạn tiêu chuẩn 16 tên lửa có giá gần tương đương (đúng ra là đắt hơn) một đại đội tên lửa bờ biển Bal với cơ số đạn tiêu chuẩn 64 tên lửa. Đồng thời, nếu để gây “tắc nghẽn” cho các kênh mục tiêu của các hệ thống phòng không hạm tàu hiện đại, thì một loạt 32 quả tên lửa dưới âm sẽ hiệu quả hơn là một loạt 8 quả tên lửa siêu âm.

Trên thực tế, giá cả cao của các hệ thống Bastion và Bal-U chắc chắn sẽ hạn chế việc mua sắm chúng hoặc kéo dài hơn thời gian chuyển giao chúng. Kết quả là nếu hải quân Nga không mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật thì các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga sau cả một thập kỷ nữa vẫn sẽ được trang bị chủ yếu là các hệ thống Redut và Rubezh, vốn sẽ hoàn toàn trở thành các “hiện vật trưng bày bảo ràng” vào lúc đó với hiệu quả chiến đấu không đáng kể. Cũng phải thấy rằng, tên lửa 3М24, như việc hiện đại hóa tên lửa này gần đây cho thấy, có tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho phép với chỉ phí không lớn nâng cao đáng kể tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng các hệ thống vũ khí tên lửa trang bị các tên lửa này.

[BDV news]


Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

>> Lực lượng tên lửa chiến lược Nga bị đe dọa



Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ không còn duy trì được lợi thế và khả năng răn đe cũng như đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào năm 2015.

Cuộc hội đàm song phương giữa Bộ quốc phòng Nga và NATO đã không đạt được bất kỳ sự thống nhất nào về lá chắn tên lửa mà khối quân sự này đang xây dựng tại châu Âu.

NATO đã bác bỏ đề xuất của Moscow về xây dựng một lá chắn tên lửa chung châu Âu, cũng như từ chối đưa ra đảm bảo bằng văn bản đối với lá chắn này không đe dọa đến Nga.

Về nguyên tắc cho dù có một sự đảm bảo bằng văn bản cũng không thể cho Nga một sự tin tưởng rằng lá chắn tên lửa này không đe dọa an ninh Nga.

Mỹ và NATO có thể cung cấp các bảo lãnh nhưng đảm bảo lợi ích cốt lõi của họ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Không có gì để đảm bảo một cuộc tấn công nhằm vào Nga sẽ không xảy ra.


Việc xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu đang gây ra mối lo ngại sâu sắc cho Nga.


Trong tình hình như vậy, sự đảm bảo chỉ có thể đến từ quân đội Nga, họcó đủ khả năng để đáp trả và gây tổn thất không thể chấp nhận được cho kẽ thù hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov phát biểu một cách đầy thất vọng sau cuộc hội đàm “Chúng tôi chưa nhận được một câu trả lời tích cực và rõ ràng, sự lo ngại của chúng tôi với lá chắn tên lửa này không hề giảm đi chút nào, NATO đã không quan tâm đến đề nghị của chúng tôi. NATO nhấn mạnh đến việc tạo ra 2 hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập, nếu như vậy, đến năm 2020 hệ thống này sẽ loại bỏ khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược Nga”.



Mỹ và NATO sẽ triển khai đến 900 tên lửa đánh chặn vào năm 2015, trong ảnh hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD.


Trong trường hợp thỏa thuận với NATO không đạt được, Nga sẽ buộc phải cải thiện khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược của mình lên một tầm cao mới, với khả năng đột phá lá chắn tên lửa của NATO, đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, họ không đồng ý với ý kiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung giữa châu Âu và Nga.

Mặc dù tình hình khá bế tắc song cả hai bên đều nhất trí sẳn sàng đàm phán tiếp về vấn đề này.

Nhận định của giới chuyên môn Nga

Theo chuyên gia quân sự Constantine Sivkova, Phó Chủ tịch Học viện Chính trị Nga cho rằng: “Phát biểu của Tổng thư ký NATO Rasmussen về lá chắn tên lửa là muốn nhắc nhở Nga không nên chuẩn bị cho một cuộc chay đua vũ trang hay các hành động làm nóng thêm tình hình. Đó là sự lựa chọn của Mỹ bằng cách sử dụng một cuộc chiến tranh để làm thế giới quên đi các vấn đề về tài chính của họ và có được một sự đảm bảo an ninh”.



Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ mất khả năng răn đe và đáp trả hạt nhân nếu lá chắn tên lửa tại châu Âu được hoàn thành.


Trong khi đó giáo sư Pavel S. Zolotarev phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada của Viện Hàn Lâm khoa học Nga, giáo sư của Học viện Khoa học Quân sự Nga cho rằng: “Hãy nhớ rằng, nhiều lực lượng đang muốn kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn nhằm làm suy yếu nền kinh tế của chúng tôi.

Đáp ứng các nhu cầu trên mặt trận ngoại giao, trì hoãn việc triển khai lá chắn tên lửa, cố gắng hợp tác sâu rộng hơn với NATO. Mặc khác, Nga cần phải đặt cược vào sự phát triển của một hệ thống vũ khí hiện đại chính xác”.

Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại nhà nước của Duma quốc gia Lev Kalashnikov cho biết: “Việc xây dựng lá chắn tên lửa sẽ được hoàn thành vào năm 2015, lúc đó Mỹ sẽ triển khai tới 900 tên lửa đánh chặn, trong đó có tới 400 tên lửa SM-3. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga, hệ thống này sẽ cho phép vô hiệu hóa khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Đối tượng của lá chắn tên lửa này là ai?

Rõ ràng Mỹ và NATO đang thổi phòng mối đe dọa về tên lửa từ Triều Tiên và Iran, thực tế Iran chưa có vũ khí hạt nhân, không có tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.

Triều Tiên chỉ có hạn chế một vài tên lửa tầm trung, ngay cả khi Bình Nhưỡng và Tehran hợp tác cùng nhau để tạo ra từ 15-30 tên lửa ICBM để đe dọa Israel châu Âu và Mỹ, 2 quốc gia này cũng chẳng dại gì mà bắn các tên lửa này vào Israel hay Mỹ. Điều đó sẽ khiến họ tự tay tiêu diệt đất nước mình. Khả năng của những tên lửa này là không đủ mạnh để có thể vượt qua được lá chắn tên lửa trên các tàu khu trục Aegis của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đang dự định triển khai đến 900 tên lửa đánh chặn vào năm 2015, vậy hệ thống đánh chặn khổng lồ này sẽ nhắm vào ai? Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ thống này được tạo ra để ngăn chặn lực lượng tên lửa chiến lược của Nga và một phần của Trung Quốc.

Đây là hệ thống đánh chặn tên lửa với khả năng cơ động rất cao. Đơn cử như hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD có khả năng kiểm soát đến một nửa khu vực của lá chắn tên lửa phức hợp này. Chúng có thể nhanh chóng được triển khai đến gần biên giới, bờ biển hoặc các căn cứ quân sự của Mỹ và đủ khả năng để can thiệp sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương.

Ngoài ra, Mỹ liên tục trau chuốt khả năng đánh chặn của các tên lửa, tuy rằng hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD chỉ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở tầm trung, nhưng các tên lửa SM-3 của hệ thống chiến đấu Aegis không ngừng được mở rộng tầm bắn và nâng cao độ chính xác.

Trong một kịch bản xấu nhất, hệ thống đánh chặn khổng lồ này đủ khả năng để vô hiệu hóa các ICBM của Nga ngay bên trong lãnh thổ để tạo điều kiện cho các tên lửa hạt nhân của họ tấn công.

Ngoài ra, cần phải xét đến khả năng to lớn từ hệ thống tên lửa hành trình tấn công chính xác như Tomahawk của Mỹ hay Storm Shadow của NATO, một cuộc tấn công đầu tiên bằng các tên lửa hành trình này có thể phá hủy một phần của hệ thống đánh chặn tên lửa của Nga.

Cho dù có đạt được sự đồng thuận với NATO hay không, Nga vẫn phải đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí tinh vi hơn để loại bỏ mối đe dọa từ lá chắn tên lửa này.


[BDV news]



Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc phát triển hệ thống chỉ huy tác chiến không gian



Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển Hệ thống Chỉ huy tác chiến không gian thông qua hệ thống C4ISR.

C4ISR là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát.

Hệ thống này có khả năng phòng thủ trước sự tấn công trong tác chiến điện tử, đồng thời có đủ khả năng chi viện trực tiếp, duy trì hiện đại hóa hệ thống vũ khí và các loại tên lửa của Quân đội Trung Quốc.

Hệ thống này có 3 ưu điểm nổi bật:

Một là, được trang bị loại máy bay cảnh báo đường không thế hệ mới. Hiện Quân đội Trung Quốc đã trang bị máy bay cảnh báo đường không thế hệ mới cho hệ thống C4ISR.

Hai là, kết hợp với tuyến cáp quang hiện đại sẽ duy trì được an ninh thông tin liên lạc ở tốc độ cao. Hệ thống này có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của hệ thống C4ISR trong Quân đội Trung Quốc.

Do hệ thống cáp quang được đặt sâu dưới lòng đất, nên cùng lúc có thể chuyển tải các tín hiệu và cung cấp các dải tần băng thông rộng cho Quân đội Trung Quốc theo yêu cầu nhiệm vụ, góp phần tăng cường khả năng tác chiến, đối phó kịp thời với các thủ đoạn gây nhiễu điện tử.

Ba là, C4ISR sẽ nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng tên lửa tiến công của Trung Quốc.


Mô phỏng hệ thống chỉ huy tác chiến không gian.


Hiện Quân đội Trung Quốc đã có khả năng sử dụng thành thạo hệ thống mạng cáp quang dưới lòng đất kết hợp với máy tản xạ được bố trí trên tầng đối lưu để chi viện cho hoạt động tác chiến của tên lửa phòng không.

Tuy nhiên, dù phạm vi trinh sát của hệ thống radar này rất rộng, nhưng lại chịu sự tác động rất lớn của điều kiện khí hậu.

Vì vây, lực lượng tên lửa Trung Quốc rất cần sự chi viện của hệ thống thông tin điện tử từ máy tản xạ trên tầng đối lưu, để định vị chính xác mục tiêu cần tiêu diệt; khả năng tác chiến điện tử của Quân đội Tung Quốc sẽ được nâng lên một tầm cao mới.


[BDV news]



Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

>> Vũ khí Nga trong ngày Chiến Thắng 9.5.2011



Trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng 9.5.2011 sẽ có sự tham gia của tất cả các quân binh chủng, xe tăng-thiết giáp và máy bay.



Tổng cộng sẽ có 20.000 quân nhân từ các nhà trường quân sự và các đơn vị quân đội, cũng như các cơ quan sức mạnh khác tham dự.

Bảo đảm âm nhạc cho cuộc duyệt binh là dàn quân nhạc gồm 1.500 nhạc công.

Chỉ huy cuộc duyệt binh là Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov, chủ trì là Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov.

Ngoài ra, còn có 100 phương tiện kỹ thuật, trong đó có các xe tăng Т-90, xe bọc thép chở quân BTR-80, xe trinh sát chiến đấu Tigr, pháo tự hành Msta-S, các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M, hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander, hệ thống tên lửa đường đạn chiến lược Topol-M và hệ thống tên lửa phòng không tầm trung-xa Triumf S-400 và hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1.




Hệ thống tên lửa chiến lược Topol-M trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa 15Zh65. Tầm bắn tối đa 11.000 km. Tên lửa mang 1 đầu đạn nhiệt hạch, đương lượng nổ 550 kT. Topol-M được triển khai trong giếng phóng và trên bệ phóng tự hành bánh lốp.



Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung-xa Triumf S-400 dùng để tiêu diệt tất cả các loại máy bay và phương tiện tiến công đường không-vũ trụ hiện đại. Mỗi hệ thống có thể đồng thời bắn 36 mục tiêu và dẫn 72 tên lửa đến các mục tiêu này. Tầm phát hiện mục tiêu 600 km, tầm bắn 400 km, độ cao tác chiến tối đa 30 km.



Hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander dùng để tiêu diệt các phương tiện hỏa lực, phương tiện phòng thủ tên lửa và phòng không, các sở chỉ huy và đầu mối thông tin cảu đối phương, máy bay và trực thăng trên các sân bay và các mục tiêu hạ tầng dân sự trọng yếu. Tên lửa có trọng lượng phóng 3.800 kg, chiều dài 7,2 m, đường kính 0,92 m. Trọng lượng phần chiến đấu 480 kg. Tầm bắn tối thiểu/tối đa: 50 - 500 km.



Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1-2 dùng để bảo vệ quân đội và các mục tiêu trên chiến trường trong quá trình tác chiến tiến công và phòng ngự chống các đòn tấn công cảu máy bay, trực thăng đối phương. Tầm phát hiện mục tiêu không dưới 100 km, đồng thời phát hiện 24 mục tiêu và bắn 10-12 mục tiêu trong số đó. Thời gian phản ứng 15 s.



Hệ thống pháo-tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1 dùng để bảo vệ các mục tiêu dân sự và quân sự chống tất cả các loại phương tiện tiến công đường không hiện đại. Vũ khí gồm các pháo tự động và tên lửa có điều khiển dẫn bằng lệnh vô tuyến. Hệ thống còng có thể tác chiến chống mục tiêu mặt đất bọc thép nhẹ, cũng như sinh lực đối phương. Tốc độ bắt mục tiêu tối đa là 10 mục tiêu/phút. Kíp chiến đấu 3 người. Trọng lượng 20 tấn. Thời gian triển khai 5 phút. Thời gian phản ứng 4-6 s.



Lựu pháo tự hành Msta-S dùng để tiêu diệt các vũ khí hạt nhân chiến thuật, các trận địa pháo/cối, xe tăng và xe bọc thép, vũ khí chống tăng, sinh lực, phương tiện phòng không, phòng thủ tên lửa... của đối phương. Tốc độ bắn 7-8 phát/phút. Cơ số đạn pháo 50 viên. Tầm bắn đến 30 km. Trọng lượng 42 tấn. Kíp chiến đấu 5-7 người. Cỡ nòng pháo: 152,4 mm. Tốc độ tối đa trên đường nhựa 60 km/h.



Tăng chủ lực Т-90 có trọng lượng chiến đấu 46 tấn, chiều dài thân 6,8 m, chiều rộng 3,4 m, trang bị 1 pháo nòng trơn 125 mm với cơ số đạn 45 viên. Tốc độ tối đa trên địa hình chia cắt 60 km/h. Kíp xe 3 người. Giáp dày 800-830 mm.



Xe bọc thép chở quân BTR-80 được sử dụng rộng rãi. Trọng lượng 13,6 tấn. Kíp xe 3 người, số lính chở theo 7 người. Giáp dày 7-10 mm. Tốc độ tối đa trên đường nhựa 80 km/h.



Xe ô tô địa hình bọc thép quân dụng Tigr là biến thể của ô tô GAZ-2330 Tigr. Được sản xuất tại Nhà máy ô tô Gorky và Nhà máy chế tạo máy Arzamas. Trọng lượng chiến đấu 5,3 tấn, chở được 2-10 người. Tốc độ tối đa 125-140 km/h.


Tham gia bay duyệt binh là 5 trực thăng vận tải chiến đấu Mi-8 mang theo quốc kỳ Liên bang Nga, quân kỳ quân đội Nga và quân kỳ của các quân chủng Hải, Lục, Không quân.

[VietnamDefence news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang