Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Vũ khí sinh hóa

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ khí sinh hóa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ khí sinh hóa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

>> 10 vũ khí sinh học đáng sợ nhất (kỳ 4)




Nhiều loại vũ khí sinh học đã gắn với lịch sử loài người từ thời cổ đại. Trái lại, có một số tác nhân mới chỉ xuất hiện được ít năm, nhất là các virus.

Lý do, virus là loại sinh vật luôn thích nghi và tiến hóa với tốc độ chóng mặt. Đôi khi sự tiếp xúc gần gũi giữa người và động vật cũng chính là tác nhân tạo cơ hội cho virus tiếp cận nhanh chóng hơn.

9. Virus Nipah

Khi dân số loài người tăng lên nhanh chóng, sự xuất hiện của bệnh dịch mới là không thể tránh khỏi. Đồng thời mỗi khi một loại bệnh dịch mới xuất hiện, chắc chắn rằng sẽ có người tìm cách dùng nó làm vũ khí. Virus Nipah là một loại bệnh như vậy.

Căn bệnh này chỉ bắt đầu được thế giới chú ý đến từ năm 1999 khi nó hoành hành tại vùng Nipah của Malaysia, làm 265 người nhiễm bệnh và chết 105 người. 90% người nhiễm bệnh là người buôn bán lợn, tuy nhiên theo ngành y thì dơi quả mới là vật chủ tự nhiên của virus này.

Cơ chế truyền nhiễm vẫn chưa được nắm rõ, hiện tại các chuyên gia cho rằng bệnh này có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc với dịch cơ thể bị nhiễm. Hiện vẫn chưa có ca nào lây nhiễm từ người sang người được phát hiện.

Căn bệnh này điển hình kéo dài khoảng 6-10 ngày với các triệu chứng từ nhẹ nhàng dạng cúm như sốt và đau cơ cho tới nghiêm trọng như viêm sưng não.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân mơ màng, mất định hướng, co giật và cuối cùng dẫn đến hôn mê. Tỷ lệ tử vong là 50% và hiện tại không có cách chữa trị chính xác cho bệnh này.

Virus Nipah cùng với một số loại tác nhân gây bệnh mới khác nằm trong nhóm vũ khí sinh học loại C. Hiện tại vẫn chưa có nước nào bị phát hiện sử dụng virus này làm vũ khí sinh học nhưng khả năng lây nhiễm nhanh và tỷ lệ tử vong 50% là đủ để dè chừng.

10. Virus lai gien (Chimera virus)



Di truyền học hiện đai đem đến các công cụ thao tác và biến đổi gien sinh vật. Nếu không được kiểm soát, công cụ này sẽ là những vũ khí kinh hoàng trong tay kẻ xấu.


Dịch hạch, đậu mùa và bệnh than là những tác nhân sinh học nguy hiểm nhất rình rập xung quanh chúng ta. Tất cả các đặc tính gây hại của chúng đều là kết quả của quá trính tiến hóa tự nhiên. Còn điều gì sẽ xảy ra khi các nhà khoa học tìm kết hợp chất liệu di chuyền của chúng với nhau? Hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào nếu tham vọng chiến tranh của con người kết hợp với các thành tố dữ tợn đã có sẵn của tự nhiên? Viễn cảnh này thực tế đã không còn là chuyện viễn tưởng nữa, nó đang diễn ra.

Trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, quái vật Chimera hội tụ các thành phần của sư tử, dê và rắn trên cơ thể. Các họa sỹ cuối thời Trung cổ thường mượn hình ảnh biểu tượng của Chimera để miêu tả bản chất phức tạp của tự nhiên.

Trong di truyền học hiện đại, chimera hay sinh vật lai gien là dạng sinh vật có bộ gien chứa gen của các loài khác nhau. Từ cái tên của nó, chúng ta có thể hình dung các sinh vật lai gien như những ví dụ đáng ghê sợ về sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, bởi bàn tay con người, cho mục đích bất chính. May mắn là tiến bộ trong lai gien còn có những tác dụng tích cực khác chẳng hạn việc kết hợp virus cúm với virus bại liệt để chữa bệnh ung thư não.

Tuy nhiên chiến tranh sẽ tiếp tục là một phần của lịch sử loài người và do đó nhân loại khó tránh khỏi việc các tiến bộ khoa học bị lợi dụng. Chẳng hạn, tỷ lệ tử vong ở các vũ khí sinh học như đậu mùa và bệnh than có thể được các nhà di truyền học tăng lên bằng cách làm thay đổi cấu trúc di truyền của chúng.

Về mặt lý thuyết, việc kết hợp gien còn tạo ra được các sinh vật gây ra hai bệnh cùng một lúc. Chương trình nghiên cứu vũ khí lai gien của Liên Xô trong khoảng thời gian cuối những năm 1980 trên thực tế đã tìm các kết hợp virus đậu mùa và Ebola để tạo thành một loại siêu virus mới.

Khả năng tạo ra các chủng virus được hoạt hóa bằng những cách khác nhau cũng là một trong những cơn ác mộng có thể gặp của loài người. Các chủng virus tiềm tàng này có thể nằm yên trong một thời gian dài trước khi được kích hoạt bằng một dạng kích thích đã tính toán trước hoặc khi có sự kết hợp của hai yếu tố kích thích nhất định.

Để hiểu được vấn đề, chúng ta thử hình dung một loại chất độc botulinum có thể trở nên độc hơn khi tiếp xúc với chính chất giải độc dung để chữa cho bệnh nhân. Hình thức tấn công này không chỉ khiến người chết nhiều hơn mà còn làm cho công chúng không còn tin vào đội ngũ y tế, vào các nhân viên cứu hộ và phản ứng khẩn cấp của chính quyền.

Gieo nhân nào gặt quả nấy. Tất cả đúng sai tốt xấu đều do con người quyết định. Từ việc phân li từng phân tử đến giải đoán các bí ẩn của hệ gien sinh vật, khoa học thế kỷ qua đã mang đến khả năng lợi dụng và cải tạo tự nhiên. Loài người sẽ phải lựa chọn, hoặc là xây dựng thế giới tốt đẹp hơn cho mình, hoặc là phá hủy những gì chúng ta đang có

[BDV news]


Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

>> 10 vũ khí sinh học đáng sợ nhất (kỳ 3)



Vũ khí sinh học không chỉ có thể được ngụy trang trong những sinh vật hiện lành đáng yêu mà thậm chí không cần phải ngụy trang.


6. Chất độc Botulinum

Nếu không khí xung quanh chúng ta chứa chất độc Botulinum, chúng ta sẽ không có cách nào phát hiện ra được để phòng tránh.

Trong dạng dùng làm vũ khí tại môi trường không khí, vi khuẩn chết người Clostridium butolinum hoàn toàn không màu và không mùi. Sau khi hít vào từ 12 đến 36 giờ, các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện: mắt bị nhòe, nôn mửa và người bệnh nuốt vào rất khó khăn.

Lúc này, cơ hội duy nhất là chất giải độc botulinum và chất này buộc phải được sử dụng trước khi các triệu chứng tiêp theo xuất hiện. Nếu không, nạn nhân sẽ bị bại liệt, cơ bắp bị căng cứng và cuối cùng hệ hô hấp sẽ bị hủy hoại.

Nếu không được hỗ trợ hô hấp kịp thời, Clostridium botulinum có thể gây tử vong trong vòng 24 đến 72 giờ. Vì lý do này mà C. botulinum được xếp vào vị trí còn lại trong 6 vũ khí sinh học nhóm A.

Nếu có các dụng cụ hỗ trợ đưa không khí đến phổi, tỷ lệ tử vong có thể tụt từ 70% xuống 6%, tuy nhiên quá trình hồi phục cũng rất lâu. Lý do là chất độc này gắn với vị trí nơi các đầu dây thần kinh và cơ tiếp xúc với nhau để ngăn cản tín hiệu thần kinh từ não điều khiển các cơ.

Bệnh nhân hồi phục cần một quá trình dài để các đầu dây thần kinh mọc trở lại trong vòng vài tháng. Ngoài ra do các tác dụng phụ của việc sử dụng vaccine, liệu pháp vaccine đối với loại vi khuẩn này không được phát triển nhiều.

Đặc tính chữa bệnh của Botulinum

Dẫu gây ra tỷ lệ tử vong lớn tới 70%, nhưng botulism chưa hẳn đã hoàn toàn là có hại. Một lượng nhỏ chất độc botulinum nếu được sử dụng đúng cách có thể giúp ích trong điều trị các bệnh lý thần kinh, co giật cơ mặt hoặc thậm chí xử lý nếp nhăn. Tên loại thuốc sử dụng hoạt chất này là Botox.

Ngoài các triệu chứng đã nêu, C. botulinum còn một đặc tính nguy hiểm nữa là sự phổ biến của nó. Vi khuẩn này tồn tại khắp nơi trên thế giới đặc biệt trong đất và trầm tích đáy biển. Dạng bào tử của C. botulinum không gây hại trực tiếp và thường xuất hiện trên trái cây, rau và hải sản.

Vi khuẩn này chỉ gây hại khi nó sản xuất ra độc chất chết người, đó là điều kiện thường gặp khi chúng ta ăn phải thức ăn ôi hỏng nơi mà nhiệt độ và hóa chất bảo quản ở điều kiện không tốt lại phù hợp để các bào tử phát triển. Các vết thương sâu và môi trường ống tiêu hóa của trẻ sơ sinh cũng là những địa điểm phù hợp cho vi khuẩn này.

Sức mạnh, tính phổ biến và khả năng điều trị thấp là các yếu tố làm cho Botulinum được ưa thích trong các chương trình vũ khí của một số nước. May mắn là các kết quả nghiên cứu vũ khí trên Botulinum vẫn còn hạn chế.

Năm 1990 các thành viên của giáo phái Nhật Bản Aum Shinrinkyo đã tìm cách giải phóng chất độc botulinum dạng hơi để tấn công một số mục tiêu chính trị nhưng không thể gây ra được tỷ lệ tử vong mong muốn.

Sau đó khi giáo phái này chuyển sang dùng chất độc sarin năm 1995, họ đã giết hại hàng chục người và làm hàng ngàn người khác bị nhiễm độc.

7. Bệnh đạo ôn trên lúa

Vũ khí sinh học không cần phải tiêu diệt trực tiếp đối phương mà mục tiêu còn có thể là tài nguyên và nguồn sống. Bệnh đạo ôn hại lúa có thể được sử dụng để phá hoại mùa màng của đối thủ và là một tác nhân cực kỳ đáng chú ý tại Việt Nam.

Hủy diệt nguồn lương thực của kẻ thù là một chiến thuật đã được sử dụng lâu dài trong chiến tranh, cả trong kháng chiến chống xâm lược lẫn khi công thành chiếm đất. Khi không đủ thức ăn, hiển nhiên con người của đối thủ sẽ yếu đi, hoảng loạn, xảy ra bạo loạn và cuối cùng là chết chóc.

Một số quốc gia đặc biệt là Hoa Kỳ và Nga đã đầu tư khá nhiều công sức để nghiên cứu bệnh tật và thậm chí các côn trùng dùng để tấn công các cây lương thực chủ yếu của nhân loại.

Chiến thuật này có vẻ càng hứa hẹn hơn khi các nước hiện tại thiên về lựa chọn chiến lược độc canh một loại cây lương thực để đạt hiệu quả canh tác. Khi sử dụng vũ khí này, viễn cảnh nạn đói và thảm họa là không thể tránh khỏi.



Những cánh đồng lúa như ở Đông Nam Á là mục tiêu hoàn hảo để bệnh đạo ôn tấn công. (Ảnh 123fr.com)


Một trong các vũ khí dựa trên nguyên lý đó là bệnh đạo ôn, gây ra bởi loại nấm đạo ôn Pyricularia oryzae (còn có tên khác là Magnaporthe grisea). Lá của cây bị bệnh nhanh chóng xuất hiện các vết xước màu xám chứa hàng ngàn bào tử nấm.

Sau đó, các bào tử nhanh chóng lây từ cây này sang cây khác và làm tụt mạnh sản lượng lương thực. Các nhà khoa học đã nghiên cứu được cây có tính kháng với nấm đạo ôn, nhưng trớ trêu là có tới 219 chủng đạo ôn khác nhau và muốn kháng bệnh, cây phải được đề kháng với tất cả các chủng này.

Hậu quả của loại vũ khí này không phải là cái chết nhanh chóng như đậu mùa và Botulism mà lạ nạn đói, tổn thất kinh tế và các vấn đề xã hội cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Một số nước đã tìm cách dùng nấm đạo ôn làm vũ khí, trong đó có Hoa Kỳ. Khi quốc gia này quyết định dừng chương trình của mình, lượng nấm đạo ôn mà họ tích tụ được đã lên tới hàng tấn và châu Á là mục tiêu tiềm năng họ nhắm tới.

8. Dịch tả trâu bò

Gạo là một mục tiêu hủy diệt tiềm tàng, và thịt cũng không được loại trừ. Bệnh dịch tả trâu bò là loại vũ khí chọn gia súc làm đối tượng tấn công.

Khi Thành Cát Tư Hãn chiếm châu Âu vào thế kỷ 13, ông vĩnh viễn mang theo một loại vũ khí sinh học đáng sợ để nhân loại mãi ghi nhớ công cuộc chinh phục của mình. Đoàn gia súc cung cấp lương thực cho vị hoàng đế này đã chuyển đến một loại dịch gia súc mà ngày nay thế giới gọi tên theo tiếng Đức là Rinderpest, dịch tả trâu bò.

Dịch tả trâu bò được gây ra bởi một loại virus gần giống với virus sởi, gây hại cho trâu bò và các động vật nhai lại như dê, bò rừng và hươu cao cổ. Bệnh này lây lan rất mạnh, gây sốt, mất cảm giác ăn, kiết lỵ và viêm màng nhầy. Triệu chứng bệnh sẽ tiếp diễn trong vòng sáu đến 10 ngày cho đến khi con vật chết vì mất nước.

Qua thời gian, loài người đã vận chuyển động vật mang bệnh này tới tất cả mọi ngóc ngách trên trái đất, kèm theo đó thường là cái chết của hàng triệu gia súc cũng như gia cầm và các loại động vật hoang dã trong khu vực.

Đôi lúc tại châu Phi dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng đến mức sư tử không còn động vật hoang dã để săn mà chuyển sang ăn người và khiến cho các chủ trại súc vật tuyệt vọng mà tự vẫn.

Ngày nay nhờ công nghệ vaccine và khoanh vùng dịch, căn bệnh này có thể được kiểm soát khá hiệu quả ở nhiều vùng trên thế giới.

Thành Cát Tư Hãn dẫu sao cũng không cố ý làm lây truyền dịch bệnh. Còn các quốc gia hiện nay như Canada và Hoa Kỳ lại cố tìm cách sử dụng virus này cũng như phát triển các loại vũ khí dịch bệnh khác chọn gia súc gia cầm làm đối tượng tấn công

[BDV news]


Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

>> 10 vũ khí sinh học đáng sợ nhất (kỳ 2)



Sau đậu mùa, bệnh than đến lượt sốt xuất huyết Ebola, dịch hạch và bệnh sốt thỏ là những vũ khí sinh học nguy hiểm, được dùng như vũ khí nhóm A tiêu diệt kẻ thù.

3. Sốt xuất huyết Ebola

Sốt Ebola là một trong số hơn một chục dạng sốt xuất huyết do virus, gây ra những triệu chứng đáng sợ, đôi khi dẫn đến xuất huyết không kiểm soát được.

Thế giới bắt đầu ghi nhận dịch sốt Ebola khi dịch xảy ra vào những năm 1970, giết chết hàng trăm người tại Zaire (Congo hiện nay) và Sudan. Đến thập niên 1980, dịch bệnh tiếp tục xảy ra khắp châu Phi, thể hiện sức lan truyền đáng sợ của nó thậm chí ngay cả trong điều kiện kiểm soát ngặt nghèo. Cho đến nay, thống kê đã ghi nhận không dưới 7 đợt bùng phát đã diễn ra tại châu Phi, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Ebola vốn là tên một vùng đất tại Congo nơi virus này được phát hiện lần đầu tiên. Các nhà khoa học cho rằng virus này bình thường tồn tại trong một ký chủ là sinh vật bản địa vùng châu Phi, tuy nhiên nguồn gốc xuất xứ và môi trường tồn của nó vẫn chưa được biết chính xác. Chính vì vậy, con người chỉ có khả năng phát hiện virus này khi nó xâm nhập vào cơ thể người hoặc linh trưởng.

Một khi đã xuất hiện trong vật chủ, virus Ebola sẽ xâm nhiễm các cá thể khác qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể. Tại châu Phi, virus này đã chứng minh khả năng lây nhiễm đáng nể tại các bệnh viện và trạm y tế. Cá thể nhiễm virus sẽ bắt đầu nhận thấy các triệu chứng sau từ 2 cho đến 21 ngày. Dấu hiệu điển hình bao gồm đau đầu, đau cơ, đau họng và cơ thể mệt mỏi yếu ớt, tiếp sau đó là tiêu chảy và nôn mửa. Một số bệnh nhân còn bị xuất huyết ngoài hoặc xuất huyết trong. Khoảng từ 60 đến 90% người nhiễm virus sẽ tử vong sau 7 đến 16 ngày.

Các bác sỹ vẫn chưa biết cách chữa căn bệnh Ebola và họ cũng chưa rõ tại sao một số bệnh nhân có khả năng hồi phục nhanh hơn những người khác. Tệ hơn đậu mùa và bệnh than, Ebola chưa có vaccine phòng ngừa. Thực tế thì trong các bệnh thuộc nhóm sốt xuất huyết, chỉ có duy nhất bệnh sốt vàng là có vaccine.

Khi cả thế giới đang tìm cách điều trị và phòng chống dịch Ebola thì có một nhóm người Liên Xô lại tìm cách biến con virus này thành vũ khí. Đầu tiên họ gặp khó khăn trong việc nuôi cấy virus Ebola trong phòng thí nghiệm.

Đến đầu những năm 1990 họ đã gặt hái được một số thành công với virus này. Trong điều kiện phòng thí nghiệm các nhà nghiên cứu còn nhận thấy con virus này lan truyền qua đường không khí chứ không chỉ giới hạn ở tiếp xúc dịch tiết cơ thể. Rõ ràng khả năng được chuyển hóa thành dạng vũ khí lây lan qua đường không khí càng củng cố vị trí của Ebola trong danh sách các loại vũ khí nhóm A.

4. Dịch hạch



Để hiểu được dịch hạch có thể gây hoảng loạn như thế nào, chỉ cần nhìn vào bức tranh nổi tiếng của Pieter Brueghel the Elder vẽ năm 1562: Khúc Khải hoàn của Thần chết.


Dịch hạch, hay “cái chết đen”, đã giết hại một nửa dân số châu Âu trong thế kỷ 14, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đến tận bây giờ. Bệnh dịch này được đặt cho cái tên “cái chết dữ dội” mà nay dân tộc nào vô phúc bị dịch này quay trở lại hoành hành hoàn toàn có thể đứng trước bờ vực tiêu vong.

Trong tiếng Anh, thực tế dịch hạch và bệnh dịch đều được gọi bằng một từ (plague) dù theo các nhà hoa học thì sốt xuất huyết mới là bệnh dịch đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Và cho đến hiện nay từ tiếng Anh plague tiếp tục mang nghĩa của một loại vũ khi sinh học nhóm A đã được loài người nghi ngờ từ lâu: vi khuẩn Yersinia Petis.

Vi khuẩn dịch hạch tồn tại dưới hai chủng chính là dạng hạch và dạng gây viêm phổi. Bệnh dịch hạch điển hình lây lan qua các vết cắn từ bọ chét mang mầm bệnh nhưng cũng có thể được truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể.

Hạch là những tuyến sưng- tức là hạch bạch huyết, quanh vùng háng, nách và cổ. Kèm theo các hạch này sẽ là sốt, ớn lạnh, đau đầu và suy kiệt. Các triệu chứng xuất hiện trong vong hai đến ba ngày và tồn tại điển hình từ một đến sáu ngày. 70% bệnh nhân sẽ tử vong trừ khi có điều trị trong vùng 24 giờ sau khi nhiễm.

Dịch hạch dạng gây viêm phổi ít phổ biến hơn và được truyền qua đường không khi qua động tác ho, hắt hơi và giao tiếp với người bệnh. Các triệu chứng của nó bao gồm sốt, ho, khạc ra máu trong đờm và khó thở.

Ai đang tích trữ mầm dịch hạch?

Các quốc gia bị nghi ngờ sở hữu mầm bệnh dịch hạch làm vũ khí bao gồm Canada, Ai Cập, Đức, Nhật, Triều Tiên, Nga và Hoa Kỳ.

Bản thân các nạn nhân của bệnh dịch hạch, kể cả sau khi họ đã thành xác chết, cũng trở thành một phương tiện phát tán hoàn hảo cho loại vũ khí sinh học này.

Năm 1940, người Nhật đã gây ra một đợt dịch hạch tại Trung Quốc bằng cách thả các túi chứa bọ chét mang mầm bệnh từ trên máy bay xuống.

Ngày nay các chuyên gia dự đoán rằng bệnh dịch hạch dạng viêm phổi có khả năng bị biến thành vũ khí bằng cách tận dụng khả năng lây nhiễm qua không khí của nó. Ngoài ra, các dạng tấn công đơn giản dùng sinh vật trung gian và các biện pháp đơn giản vẫn chưa thể loại trừ.

Một số quốc gia đã tìm hiểu việc sử dụng dịch hạch làm vũ khí, nhất là khi các chủng vi khuẩn có thể được phân lập dễ dàng từ các dịch đang diễn ra tự nhiên khắp thế giới. Với cách điều trị phù hợp, may mắn là tỷ lệ tử vong có thể được đưa xuống dưới 5%. Tuy vậy, loài người vẫn chưa tìm ra vaccine phòng bệnh này.

5. Bệnh sốt thỏ (tularemia)

Bệnh sốt thỏ là minh chứng cho thấy không nhất thiết phải gây ra tỷ lệ tử vong cao mới là vũ khí sinh học ghê gớm.

Bệnh sốt thỏ chỉ gây tử vong ở 5% số bệnh nhân, tuy nhiên loại vi khuẩn gây bệnh này lại là một trong những sinh vật lây lan khủng khiếp nhất trên thế giới.

Năm 1941, Liên Xô thông báo có 10.000 ca mắc bệnh này và sau đó, khi người Đức chiếm Stalingrad vào năm 1942, con số mắc bệnh vọt lên đến 100.000. Phần lớn trong số các ca mắc thuộc về phe người Đức.

Ken Alibek, người nghiên cứu vũ khí sinh học của Liên Xô trước đây, cho rằng lượng lây nhiễm tăng vọt đó không phải là ngẫu nhiên mà là hậu quả của chiến tranh sinh học. Alibek sau đó tiếp tục nghiên cứu phát triển một chủng vi khuẩn sốt thỏ có khả năng kháng với vaccine, trước khi đào thoát sang Hoa Kỳ vào năm 1992.

Vi khuẩn gây bệnh là Francisella tularensis cư trú tự nhiên trong không quá 50 loài sinh vật, trong đó đặc biệt phổ biến ở các loài gặm nhấm, thỏ nhà và thỏ rừng. Con người bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với sinh vật mang mầm bệnh, bị cắn bởi sinh vật mang mầm bệnh, ăn thức ăn nhiễm vi khuẩn hoặc hít phải vi khuẩn lẫn trong không khí.

Triệu chứng điển hình xuất hiện trong vòng 3-5 ngày tùy thuộc vào con đường lây nhiễm. Bệnh nhân có thể bị sốt, ớn lạnh, đau đầu, tiêu chảy, đau cơ, đau khớp, ho khan và ngày càng yếu đi.

Các triệu chứng giống viêm phổi cũng có thể xuất hiện. Nếu không được chữa trị, bệnh nhân sẽ tiếp tục bị rối loạn hô hấp, sốc và tử vong. Bệnh tật thường không xảy ra quá 2 tuần tuy nhiên trong thời gian mắc bệnh, về cơ bản bệnh nhân phải nằm liệt giường.

Bệnh sốt thỏ không lây từ người qua người, có thể dễ dàng chữa bằng kháng sinh và phòng bệnh bằng vaccine. Tuy nhiên, bệnh có thể lây cực kỳ nhanh từ vật chủ là động vật qua người hoặc khi tồn tại trong không khí. Chính khả năng lây lan kinh khủng chứ không phải là tỷ lệ tử vong mới là yếu tố chủ chốt khiến cho F. tularensis được xếp vào nhóm vũ khí sinh học loại A.

Vi khuẩn này lại đặc biệt mạnh trong dạng không khí, do đó mà Hoa Kỳ, Anh, Canada và Liên Xô đều đã tìm cách dùng F. tularensis làm vũ khí sinh học từ sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.

[BDV news]


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

>> 10 vũ khí sinh học đáng sợ nhất (kỳ 1)



Chiến tranh là nơi con người sử dụng mọi công cụ có thể tìm ra trên trái đất để triệt hạ kẻ thù. Để chiến thắng, tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật tất cả đều có thể bị bóp méo hoặc bị lợi dụng bằng mọi phương án có thể.


Trong số đó, vũ khí sinh học chính là một trong những “sáng tạo” khủng khiếp nhất, bao gồm các loại virus, vi khuẩn, nấm, côn trùng được dùng để giết hại đối thủ, làm đối phương tê liệt hoặc hủy diệt tài nguyên của kẻ thù.

Ngay từ những năm 1.500 trước Công Nguyên, người Hittie ở Tiểu Á đã nhận ra sức mạnh của bệnh truyền nhiễm và tìm cách làm lây truyền bệnh dịch hạch tại vùng đất của kẻ thù. Các đội quân tìm cách bắn các xác chết mang dịch bệnh vào các pháo đài kiên cố hoặc đầu độc các giếng nước của đối phương.

Đáng chú ý hơn, nhiều nhà sử học còn cho rằng 10 loại bệnh dịch mà theo kinh thánh là của nhà tiên tri Moses làm phép chống lại người Ai Cập thực chất là vũ khí sinh học có thật chứ không phải thần thánh gì.

Đấy là câu chuyện về thời cổ. Từ đó đến nay kiến thức của loại người về các tác nhân gây bệnh và về hệ miễn dịch đã tăng lên chóng mặt cùng với sự tiến bộ của y học. Oái oăm thay, tri thức y học cũng đồng thời được ấp ủ để làm mầm mống vũ khí.

Nửa đầu thế kỷ 20 đã chứng kiến người Đức và người Nhật sử dụng bệnh Than trong chiến trận, sau đó Mỹ, Anh và Nga cũng nối gót phát triển loại vũ khí này.

Năm 1972, vì hậu quả thảm khốc của nó mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí thực thi hiệp ước về việc hủy diệt vũ khí sinh hóa và cấm phát triển, sản xuất cũng như tàng trữ vũ khí sinh học và hóa học. Tuy nhiên đến giờ, không có ai đảm bảo rằng không có quốc gia nào đang lén lút phát triển vũ khí sinh học, cũng như không có ai chắc chắn trong thực tế những kiến thức sinh hóa đang có sẽ không bị lợi dụng bởi các nhóm khủng bố dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Trong kịch bản kinh hoàng nhất mà các nhà khoa học đang lo ngại, bộ gien của đối phương có thể được sử dụng làm chỉ thị đặc hiệu để các sinh vật tấn công. Nói cách khác, vũ khí sinh học có thể khiến một dân tộc cụ thể biến mất một cách có chọn lọc.



Các chuyên gia chống độc có mặt tại toà nhà Hart Building của Thượng nghị viện Hoa Kỳ sau khi một bức thư chứa vi khuẩn than được gửi tới văn phòng của Thượng nghị sỹ Tom Daschle (AFP).


Trong loạt bài này xin tổng hợp 10 loại tác nhân đáng sợ nhất đã, đang hoặc sẽ có thể được sử dụng trong chiến tranh sinh học của loài người:

Vũ khí sinh học loại A:

Trung tâm phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) phân loại các vũ khí sinh học loại A với các tiêu chí:

Có thể lây lan dễ dàng với số nạn nhân lớn, có thể gây ra rối loạn đối với dân chúng, và cần được chuẩn bị phòng chống ở chế độ đặc biệt.

Hiện tại mới có 6 tác nhân sinh học được xếp vào nhóm A và tất cả đều đáng được xếp và danh sách mười vũ khí sinh học đáng sợ nhất. (nguồn: CDC).


1. Đậu mùa

Thuật ngữ “vũ khí sinh học” thường gợi ra hình ảnh về các phòng thí nghiệm sạch bong với những nhân viên mặc áo bảo hộ và các ống nghiệm chứa đầy các chất lỏng hủy diệt. Thực tế, trong lịch sử vũ khí sinh học có bộ mặt đời thường hơn nhiều: một kẻ đi đày lang thang trên vùng đất mới, vài cái túi đã được bổ sung bọ chét mang dịch hạch.

Thậm chí trong cuộc chiến giành thuộc địa giữa Anh và Pháp năm 1763, vũ khí sinh học đơn giả chỉ là một cái chăn. Theo lệnh của viên tướng nổi tiếng Jeffrey Amherst, Quân đội Anh đưa những chiếc chăn tẩm virus đậu mùa để triệt hạ các bộ lạc thổ dân Bắc Mỹ tại Ottawa lúc đó là đồng minh của Pháp.

Những người dân bản xứ này hoàn toàn không có khả miễn dịch với virus đậu mùa bởi họ chưa hề gặp bệnh dịch này như đối thủ của họ. Kết quả của chiến thuật này là dịch bệnh đã quét qua những bộ lạc khốn khổ đó không khác gì độ hủy diệt của một trận cháy rừng.

Bệnh đậu mùa có thủ phạm là virus variola trong đó chủng phổ biến nhất gây chết ở 30% số người mắc phải. Dấu hiệu nhận thấy bệnh bao gồm sốt, đau toàn thân và phát ban do các vết sưng chứa nước hoặc vảy, cuối cùng sẽ biến thành sẹo lõm suốt đời nếu như bệnh nhân còn sống.

Đậu mùa thường được lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm virus hoặc dịch cơ thể của họ nhưng cũng có thể được truyền qua không khí qua các môi trường kín và chật hẹp.

Năm 1967 tổ chức Y tế thế giới mở một chiến dịch để loại bỏ hoàn toàn bệnh đậu mùa bằng tiêm chủng hàng loạt. Chiến dịch đã thành công rực rỡ khi bệnh đậu mùa không còn lây lan tự nhiên sau ca bệnh cuối cùng ghi nhận năm 1977.

Tuy bệnh đã không còn trong tự nhiên nhưng các chủng virus vẫn được duy trì trong các phòng thí nghiệm ở Nga và Mỹ dưới sự đồng ý của WHO. Mặt khác do virus đậu mùa đã từng được quan tâm rất lớn trong các chương trình vũ khí của một số quốc gia, không ai dám chắc có nơi nào vẫn đang cất giấu loại virus chết người này.

CDC xếp đậu mùa vào nhóm vũ khí sinh học loại A do tỷ lệ tử vong cao và khả năng lan truyền qua không khí của nó. Hiện đã có vaccine phòng đậu mùa nhưng nhìn chung chỉ có các nhân viên y tế và quân sự là được tiêm phòng, đồng nghĩa với việc đa số dân chúng còn lại hứng chịu rủi ro cực lớn nếu xảy ra tấn công bằng virus đậu mùa. Virus có thể được phát tán dưới dạng hơi giống như phun thuốc sâu hoặc thậm chí bằng cách cổ điển nhất là đưa một người mang bệnh vào khu vực cần tấn công.

2. Bệnh Than

Mùa thu 2001, những bức thư chứa một loại bột trắng bí ẩn đã được gửi đến các văn phòng Thượng nghị sỹ và báo giới Mỹ. Khi những người có trách nhiệm thông báo chất bột đó là bào tử của loại vi khuẩn chết người Bacillus anthracis, cảm giáchoảng loạn bao trùm xã hội Mỹ.

Vụ tấn công này đã làm 22 người nhiễm virus và 5 người trong số đó tử vong. Bảy năm sau đó FBI mới lần đến được thủ phạm là nhà nghiên cứu Bruce Ivans, ông này được chính phủ trả lương để nghiên cứu bệnh than nhưng đã tự tử trước khi việc điều tra hoàn tất.

Với tỷ lệ tự vong cao và khả năng tồn tại lâu trong môi trường, hiển nhiên vi khuẩn than được xếp vào nhóm vũ khí sinh học loại A. Loại vi khuẩn này sống trong đất và do đó tiếp xúc và truyền bào tử sang các động vật ăn cỏ. Con người có thể nhiễm qua tiếp xúc, hít thở hoặc nuốt phải B. anthracis.



Con đường tấn công của Bacillus anthracis.


Phần lớn các ca nhiễm bệnh than là qua tiếp xúc ngoài da với vi khuẩn nhưng hình thức nguy hiểm nhất là hít vào qua đường hô hấp, trong đó bào tử xuất hiện tại phổi và được các tế bào miễn dịch mang đến các hạch bạch huyết. Tại đây các bào tử sẽ nhân lên và giải phóng độc tố dẫn đến các triệu chứng sốt, rối loạn hô hấp, đau mỏi cơ, sưng hạch bạch huyết, nôn, tả và xuất hiện các nhọt màu đen.

Nếu không được điều trị, chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, thậm chí cả khi có trợ giúp y tế cũng chỉ có một phần tư số bệnh nhân sống sót. Tất cả 5 ca tử vong năm 2001 đều là do lây nhiễm qua hình thức nguy hiểm này.

Bệnh than không dễ mắc phải trong các điều kiện bình thường và nó cũng không thể lây từ người sang người. Giống như đậu mùa, cũng lại chỉ có các nhân viên y tế, bác sỹ thú y và nhân viên quân đội là được chủng ngừa căn bệnh này. Phần còn lại luôn nằm trong nguy cơ khi có bất kỳ một cuộc tấn công tương tự xảy ra.

Cùng với việc không được tiêm chủng đầy đủ (điều kiện chung thấy ở hầu hết các tác nhân trong danh sách của chúng ta), khả năng sống dai cũng là một đặc điểm quan trọng của vi khuẩn bệnh than. Một số vi khuẩn Bacillus anthracis có thể được giữ 40 năm hoặc hơn mà vẫn không mất đi khả năng giết người, trong khi nhiều tác nhân sinh học khác chỉ có thể tồn tại một thời gian ngắn dưới điều kiện đặc biệt. Đặc tính này khiến cho vi khuẩn than chiếm ưu thế trong các chương trình vũ khí sinh học trên khắp thế giới.

Năm 1930 các nhà khoa học Nhật Bản đã thực hiện các thí nghiệm trên người với vi khuẩn than trong môi trường phun khí tại Đơn vị nghiên cứu vũ khí sinh học 731, một trạm nghiên cứu tai tiếng đặt tại vùng chiếm đóng Manchuria (Mãn Châu Lý, Trung Quốc) của người Nhật.

Quân đội Anh cũng làm thí nghiệm với bom vi khuẩn than vào năm 1942 khiến cho cả đảo Gruinard bị nhiễm khuẩn đến mức 44 năm sau người ta phải dùng đến 280 tấn formaldehyde để khử trùng khu vực này. Quân đội Liên Xô cũng vô tình để rò rỉ vi khuẩn than theo đường không khí khiến 66 người thiệt mạng.

Ngày nay, Bacillus anthracis vẫn là một trong những loại vũ khí sinh học đáng sợ và nổi tiếng nhất. Vô số chương trình vũ khí đã hợp sức sản xuất tác nhân chết người này, trong khi tiêm chủng hàng loạt chỉ có thể tiến hành khi đã xảy ra nhiễm khuẩn hàng loạt

[BDV news]


Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

>> Công nghệ gen – vũ khí “huỷ diệt” của tương lai (P.I)



Gen là chiếc chìa khoá để giải mã sinh mệnh con người. Những thành tựu thu được từ những công trình nghiên cứu về gen sẽ giúp cho con người có thể tự nắm giữ và quyết định sinh mệnh của mình.

Sự ra đời của chú cừu Dony bằng phương pháp nhân bản vô tính và sự thành công trong việc lập ra biểu đồ giải mã gen đã làm chấn động thế giới. Đây có thể coi là "thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử loài người", "cái mốc về khoa học nghiên cứu sinh mệnh con người" nguồn tư liệu sinh động nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay". Thành công của những phát kiến mới trong lĩnh vực gen di truyền được sánh ngang với việc chế tạo thành công bom nguyên tử đầu tiên và việc con người lần đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng.





Tương tự như những phát minh khoa học quan trọng khác, lĩnh vực ứng dụng đầu tiên của công nghệ gen chính là quân sự. Sự phát triển như vũ bão của các công trình gen đã tạo ra lĩnh vực mới để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu nhằm chế tạo một loại vũ khí sinh học mới, có tính sát thương lớn với những tính năng đặc biệt.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, trong thế kỉ 21, con người có khả năng phải đối mặt với cuộc chiến tranh còn đáng sợ hơn cả chiến tranh hạt nhân đó chính là "chiến tranh gen". Nhưng về bản chất vũ khí gen là loại vũ khí sinh học thế hệ mới - vũ khí sinh học thế hệ thứ 3.

Đặc điểm của vũ khí gen
- Uy lực sát thương cực lớn, giá thành sản xuất cực rẻ

Theo Tuần báo Thames số chủ nhật (1-10-1995), các nhà khoa học Nga đã thành công trong nghiên cứu tách ADN của một loại siêu vi trùng rồi kết hợp với ADN của siêu vi trùng khác để tạo nên chất cựu độc có tên là "Nhiệt độc tố". Chỉ cần dùng đầu kim gẩy một lượng rất nhỏ độc tố này thì cũng đủ để giết chết 500.000 người, với một lượng khoảng 20g thì cũng đủ giết chết 6 tỉ người trên thế giới trong giây lát. Loại “vũ khí này” hiện vẫn chưa có thuốc giải .

Các nhà khoa học tiến hành so sánh vũ khí gen với vũ khí hạt nhân uy lực mạnh. Theo tính toán, nếu bỏ ra 50 triệu đôla Mỹ để xây dựng một kho vũ khí gen thì khả năng sát thương còn lớn hơn rất nhiều so với đầu tư 5 tỉ đô la để xây dựng một kho vũ khí hạt nhân. Phạm vi sát thương (không có vật che chắn) của một quả bom hạt nhân 1kt (tương đương với 1 triệu tấn thuốc nổ TNT) là 300 km2. Trong khi phạm vi sát thương của 10 tấn chất chiến đấu sinh học thông thường là 100.000 km2, còn đối với vũ khí gen phạm vi sát thương có thể gấp hàng chục lần thậm chí trên trăm lần chất chiến đấu sinh học thông thường.


Vũ khí nguyên tử liệu đã lạc hậu?


- "Không có thuốc chữa"
Vũ khí gen đã vận dụng những thành tựu mới nhất của những công trình nghiên cứu về di truyền. Thông qua tổ hợp gen chính, người ta đã thay đổi một số gen di truyền của vi sinh vật gây bệnh để tạo ra chất chiến đấu sinh học nguy hại rất lớn. Do phải thay đổi "mật mã gen" của siêu vi trùng, vi khuẩn trong quá trình biến đổi gen (giống như quá trình pha chế thuốc theo đơn), nên chỉ có người chế tạo mới nắm bắt được những bí quyết của quá trình đó. Do đó, trong một thời gian ngắn sẽ rất khó phá giải, cũng như phòng vệ và trị liệu. Vì thế, nó trở thành vũ khí "vô phương cứu chữa nên sẽ gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cực độ cho đối phương.

- Vũ khí giết người không cần đổ máu

Khác với những vũ khí hiện đại khác, vũ khí gen thuộc loại vũ khí phi sát thương. Người ta sẽ chẳng thấy những tập đoàn quân với những trang bị hạng nặng, hạng nhẹ ầm ầm rung chuyển cả đất trời; sẽ chẳng có cảnh nhà tan, cửa nát, khói lửa mịt mùng nhưng hậu quả của nó thật khó lường.

Chiến tranh sẽ không phải huy động nhiều người mà chỉ cần đưa những vi khuẩn gây bệnh gen xâm nhập vào lãnh thổ nước khác bằng nhiều con đường và phương pháp khác nhau. Sau đó để chúng tự khuếch tán trong tự nhiên và sinh sôi nảy nở. Nó sẽ làm cho người, súc vật trong thời gian ngắn mắc phải những "căn bệnh kì lạ" vô phương cứu chữa. Nhẹ nhất thì cũng vô cùng khó điều trị, lặng lẽ tiêu hao và tan rã khả năng kháng cự của đối phương.

Chúng ta có thể hình dung ra viễn cảnh rằng, nếu đưa "vi khuẩn sốt xuất huyết cấp tính" xâm nhập vào nguồn nước của đối phương, sẽ làm cho đa số cư dân đang sử dụng nguồn nước đó mắc bệnh, làm tiêu hao phần lớn sức lực của họ, thậm chí dẫn đến tử vong. Điều đó cho thấy khả năng sát thương của vũ khí gen có thể cao hơn vũ khí hạt nhân hàng chục lần.

Người ta có thể thay đổi gen di truyền của vi sinh vật không gây bệnh, để tạo ra những vi khuẩn gây bệnh loại mới có tính kháng thuốc cao. Ngoài ra, có thể lợi dụng sự khác biệt về đặc trưng cấu trúc sinh lí của các chủng tộc người để tạo ra những vi khuẩn chỉ gây bệnh cho một nhóm người có đặc điểm di truyền riêng biệt, nhằm sát thương có trọng điểm sinh lực địch.

Theo tuần báo Thames số chủ nhật (15-11-1998), các nhà khoa học Israel đã gây và nuôi dưỡng những gen di truyền đặc biệt của siêu vi trùng, vi khuẩn của các chủng tộc người khác nhau nhằm mục đích nghiên cứu chế tạo ra vũ khí gen chỉ tác hại đối với người Ả Rập, không nguy hại đối với người Do Thái. Tuần báo Defence của Anh còn tiết lộ rằng, các nhà khoa học Israrel đã lợi dụng một số thành quả nghiên cứu của Nam Phi để tạo ra "vũ khí nhiễm sắc thể" có tác hại tới bộ gen cấu thành của người Ả Rập đặc biệt là của người Irắc. Phía Ixaren thì một mực bác bỏ nguồn tin này và tuyên bố rằng những nghiên cứu sinh học của họ chỉ mang tính phòng vệ đơn thuần.

Hiện trạng phát triển
Do vũ khí gen có thể chế ngự hoàn toàn đối phương trong các cuộc chiến phi sát thương. Bởi vậy, trong những năm gần đây, các nước phát triển và cường quốc quân sự trên thế giới đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu vũ khí gen, trong đó Mỹ và Nga là hai cường quốc đi đầu trong lĩnh vực này.


"Vũ khí" gen đang được các cường quốc đặc biệt quan tâm


Trong kế hoạch nghiên cứu vũ khí sinh học của Bộ Quốc phòng Mỹ, có 11 đề tài nghiên cứu do quân đội trực tiếp đảm nhiệm, 32 đề tài do các cơ quan ngoài quân đội tiến hành. Tất cả các đề tài đều do Bộ Quốc phòng Mỹ bảo hộ về kỹ thuật và tài chính. Từ năm 1983 đến nay, các nhà nghiên cứu của Mỹ đã bắt đầu áp dụng những kỹ thuật hiện đại để giải mật mã gen của khuẩn lị a-míp, độc tố của khuẩn bạch hầu, khuẩn dịch tả, khuẩn bệnh than. Ngoài ra, họ còn thử đưa những gen đặc biệt cấy vào những vi khuẩn vốn không gây bệnh để biến thành những vi khuẩn gây bệnh. Cục nghiên cứu y học quân sự của Mỹ đặt tại Maryland kì thực là trung tâm chuyên nghiên cứu về vũ khí gen.

Mỹ đã lưu ý đến mối đe doạ của vũ khí sinh học đối với an toàn quốc gia và đã có sự dự trữ vác xin phòng chiến tranh sinh hoá và vác xin chống độc tố sinh học để kịp thời ứng phó với vũ khí sinh học có thể tạo ra, đặc biệt là vũ khí gen.

Đầu năm 2000, Bộ Quốc phòng Mỹ điều chỉnh chiến lược phòng chống đối với vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh hoá như: đề xuất việc xây dựng kế hoạch liên hợp quân binh chủng trong việc phòng chống vũ khí sát thương lớn, đề cao khả năng tác chiến phi truyền thống; điều chỉnh việc bố trí nhân lực và kinh phí dành cho mua sắm, nghiên cứu chế tạo và phát triển trang bị phòng hộ. Từ năm 1999 đến năm 2003, Mỹ đã đầu tư 4 tỷ 600 triệu đô la cho phòng chống vũ khí sinh hoá.

Dưới thời của Tổng thống G. Bush, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch tăng thêm chi phí cho việc nghiên cứu để sản xuất ra loại vũ khí mới trong đó có vũ khí gen. Trước năm 2003, tất cả số quân hiện đang tại ngũ và số quân dự bị đều phải tiêm vác xin phòng sinh học.

Nga cũng rất coi trọng nghiên cứu về vũ khí gen. Cuối những năm 80 của thế kỉ 20 Trung tâm nghiên cứu Siberia của Nga đã nghiên cứu đưa gen của vi khuẩn bệnh sốt cấp tính xâm nhập vào men rượu thông thường để truyền bệnh sốt cấp tính ở mức độ nặng nhất, nghiên cứu vũ khí sinh học gây bệnh tiêu chảy. Cơ quan tình báo phương Tây cho rằng loại vũ khí gen này có thể làm mất tác dụng của các thiết bị phòng hoá mà NATO đang sử dụng và loại vũ khí này đã được tiến hành thử nghiệm trong một số trung tâm bí mật của Nga. Đặc biệt "Nhiệt độc tố" là một "kiệt tác" của các nhà khoa học Nga.

Hiện nay, Nga có 4 phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về vũ khí sinh học có liên quan đến gen. Họ đã sớm bắt tay nghiên cứu gen của độc tố có trong nọc rắn, kết hợp với gen của vi khuẩn gây bệnh cúm để tạo ra một siêu vi trùng cúm mới mang trong nó cả độc tố của loài rắn. Sau khi siêu vi trùng này được phát tán, người nhiễm bệnh vừa có triệu chứng của bệnh cúm lại vừa có triệu chứng giống như bị rắn độc cắn, khiến người bệnh tê liệt và dẫn đến tử vong.

Ngoài Mỹ và Nga, các nước Anh, Đức, Ixraen…vv cũng không cam chịu “đi sau” trong lĩnh vực nghiên cứu vũ khí gen. Các trung tâm phòng dịch sinh, hóa học do chính phủ Anh quản lý đang bí mật vận dụng những kĩ thuật gen để tập trung nghiên cứu nhằm biến đổi gen của các siêu vi trùng cấp tính. Bộ quốc phòng Đức đang tiến hành nghiên cứu để biến đổi gen của những vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, dịch tả và khuẩn đại tràng.
[QDND news]



Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

>> 'Kiếm' của Triều Tiên, 'khiên' của Hàn Quốc



Theo ước tính của các chuyên gia, tiềm lực của pháo binh Triều Tiên cho phép nước này nã 10.000 quả đạn pháo vào thủ đô Seoul trong mỗi phút.

Hiện nay, sức mạnh vũ khí của Triều Tiên bị suy giảm đáng kể do sự yếu kém của nền kinh tế. Hải quân và không quân Triều Tiên trở nên lạc hậu nhanh chóng, tuy nhiên sức mạnh quân sự của quốc gia này nằm ở pháo binh.

Vụ pháo kích vừa qua tại hòn đảo Yeonpyeong đã nhấn mạnh sự nguy hiểm của pháo binh Triều Tiên và Seoul – thủ đô của Hàn Quốc cách vùng phi quân sự khoảng 40 km dễ dàng bị “san bằng” bởi pháo binh của Triều Tiên.

Dưới đây là những vũ khí hủy diệt nguy hiểm nhất của pháo binh Triều Tiên:

Pháo phản lực


M1985 có tầm bắn khoảng 40 km.


Triều Tiên sở hữu nhiều pháo phản lực có thiết kế dựa trên các nguyên mẫu của Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, quân đội Triều Tiên cũng phát triển một số loại đạn dành cho pháo trên cỡ 240 mm, nặng tới 407kg, trong đó đầu đạn nặng 90kg có thể chứa thuốc nổ, chất cháy, khói hay chất độc hóa học. Thiết bị chuyên chở là xe tải, phiên bản do Triều Tiên tự chủ sản xuất.

Theo nhiều nguồn tin, loại vũ khí này của Triều Tiên còn được xuất khẩu sang Iran.

Hai phiên bản nổi tiếng nhất trong các pháo phản lực của Triều Tiên là M1985 và M1991 với loạt phóng 12-22 quả đạn trong một lần nạp.


Xe phóng tên lửa M1991 có khả năng mang 22 tên lửa.


Pháo tự hành

Pháo binh luôn là niềm tự hào của quân đội Triều Tiên.


Pháo tự hành cỡ nòng 170 mm với tên gọi M1978 và M1989 được thiết kế dựa trên nguyên mẫu là các súng phòng thủ bờ biển của Nga. Pháo tự hành được đặt trên xe thiết giáp, và sử dụng đạn có tầm xa lên tới 60 km.

Vào năm 1978, trong lần đầu tiên ra mắt, giới quân sự Triều Tiên giới thiệu pháo tự hành của nước này có tầm bắn xa nhất thế giới khi đó.

Iran đã nhập khẩu và sử dụng những khẩu pháo loại này trong Iran-Iraq.

Hệ thống lô cốt ngầm

Triều Tiên có rất nhiều hầm ngầm và lô cốt tại vùng phi quân sự giáp với Hàn Quốc.


Triều Tiên đã xây dựng hàng ngàn lô cốt nằm ngầm dưới lòng đất tại gần biên giới với Hàn Quốc và sử dụng chúng như một công cụ hữu hiệu để phòng thủ và tấn công.

Từ hệ thống lô cốt ngầm này, pháo binh Triều Tiên sẽ áp dụng chiến thuật “đánh du kích” để tiêu hao sinh lực của kẻ thù.

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia quân sự, một dàn pháo phản lực của Triều Tiên chỉ mất 75 giây để bắn và quay trở lại hầm trú ẩn.

Vũ khí sinh hóa

Diễn tập chống vũ khí sinh hóa luôn được phía Hàn Quốc đặt lên hàng đầu.


Tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hiện thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, tuy nhiên đây chưa phải là vũ khí có khả năng gây thiệt hại lớn nhất mà quốc gia này sở hữu.

Theo một nghiên cứu vào năm 2007, khả năng Triều Tiên sử dụng bom khí độc để bắn phá các mục tiêu dân sự là nguy hiểm và nghiêm trọng nhất.

Hiệp hội khoa học Mỹ và nhiều tổ chức khác cho rằng kho vũ khí của Triều Tiên chứa nhiều vũ khí sinh hóa như: vi khuẩn bệnh than, khí ngạt, khí độc sarin, phosgene và botulism.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc đã nỗ lực nghiên cứu và lập những kế hoạch ứng phó với hiểm họa đáng sợ từ phía Triều Tiên. Dựa vào những tiến bộ khoa học, chính phủ nước này các biện pháp mà họ chuẩn bị sẽ hạn chế tối đa thiệt hại đối với thủ đô Seoul và nhiều thành phố lớn khác nếu chiến tranh bùng nổ.

Cơ chế phản ứng nhanh

DMáy bay do thám không người lái là tai và mắt của quân đội Hàn Quốc.


Trong chiến tranh, thời gian luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Khi chiến tranh xảy ra, bên nào phản ứng càng nhanh thì sẽ càng hạn chế được khả năng tấn công của kẻ thù.

Do vậy, Hàn Quốc đầu tư nhiều tiền của để đầu tư vào hệ thống tác chiến. Nước này còn nghiên cứu công nghệ giúp tiêu diệt nhanh các dàn pháo phản lực, rút ngắn thời gian phản ứng từ 20 phút xuống còn 4 phút. Dự án được nghiệm thu vào năm 1998.

Tuy nhiên, sự trả đũa lúng túng trong vụ Triều Tiên tấn công đảo Yeonpyeong cho thấy, hệ thống này cần được cải thiện nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, các máy bay trinh thám không người lái của liên quân Mỹ - Hàn luôn theo dõi “nhất cử nhất động” của các giàn phóng tên lửa 240 mm và pháo tự hành 170 mm của quân đội Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo chống lô cốt

ATACMS-P có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm trong lô cốt vững chắc.


ATACMS-P là tên lửa đặc biệt dùng để tiêu diệt các mục tiêu nằm ngầm dưới lòng đất hoặc trong các lô cốt. ATACMS-P có tầm 220 km và được phóng từ các xe tải di động. Tên lửa có thiết kế đặc biệt để xuyên sâu xuống lòng đất trước khi phát nổ, từ đó phá hủy các mục tiêu nằm sâu trong hệ thống lô cốt của Triều Tiên. Mục tiêu chính mà loại tên lửa này nhắm tới chính là lực lượng pháo binh của Triều Tiên ẩn nấp trong các đường hầm.

Radar truy tìm vị trí địch

Hệ thống Radar dò tìm vị trí địch giúp Hàn Quốc xác định được nhanh chóng vị trí của pháo binh địch.


Ưu thế đặc biệt về công nghệ của Hàn Quốc được thể hiện ở “hệ thống dò tìm vị trí địch”. Phiên bản đơn giản được lắp đặt trên xe quân sự đặc chủng, có khả năng xác định được 20 khu vực pháo binh và mục tiêu của đối phương mỗi phút.

Ngoài ra, phiên bản lớn hơn được đặt trên các xe chuyên dụng cỡ lớn có thể dò tìm, tính toán và phát hiện vị trí của các dàn pháo phản lực ngay khi chúng khai hỏa.

Tuy nhiên, cũng giống cơ chế phản ứng nhanh kể trên, vụ pháo kích đảo Yeonpyeong là một bài kiểm tra mà hệ thống radar công phu của Hàn Quốc đã không cho kết quả tốt.

Pháo bắn đạn có điều khiển

Đạn pháo Excalibur 155 mm đã chứng minh được khả năng bắn chính xác tại chiến trường Iraq.


Tấn công mục tiêu di chuyển luôn là một nhiệm vụ khó khăn đối với pháo binh do sự bắt buộc phải thành công ngay trong lần bắn đầu tiên. Đạn pháo Excalibur 155 mm là một trong số rất ít vũ khí có khả năng thực hiện điều đó.

Với sự trợ giúp của công nghệ định vị toàn cầu GPS, đạn pháo Excalibur có độ sai lệch mục tiêu gần 20m. Do vậy, Excalibur 155mm sẽ dễ dàng tiêu diệt các xe chở pháo phản lực.

Trong chiến tranh tại Iraq, đạn pháo Excalibur 155mm đã có những màn trình diễn hết sức thuyết phục.

Như vậy trên lý thuyết, những nỗ lực trong công nghệ và vũ khí cho phép quân đội Hàn Quốc "khóa các họng pháo" của Triều Tiên hữu hiệu. Nhưng giải pháp có thể giúp thủ đô Seoul thoát khỏi “cơn thịnh nộ” đạn pháo Triều Tiên hiệu quả nhất vẫn là một chính đối sách khôn ngoan hơn so với những gì họ thể hiện thời gian vừa qua.


(bdv news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang