Được mệnh danh là “rồng lửa”, tên lửa S-300PMU1 đang là loại vũ khí tối tân nhất canh giữ bầu trời quê hương. Những chú "rồng lửa" ấy hiện do nhiều sĩ quan Việt Nam còn rất trẻ điều khiển.
10h, đoàn tên lửa phòng không 64 (Đoàn phòng không Hà Nội) nhận lệnh báo động, ngay lập tức toàn đoàn chuyển sang cấp 1 - sẵn sàng chiến đấu.
Ở tất cả vị trí chiến đấu, các hệ thống ăngten, bệ phóng tên lửa tự hành từ từ dựng lên trời đầy kiêu hãnh, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1. Chỉ chưa đầy năm phút sau khi nhận lệnh, toàn bộ tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 đã triển khai xong và sẵn sàng phóng tên lửa đến mục tiêu. Không bỏ sót mục tiêu Tại sở chỉ huy trên không, radar phát hiện mọi độ cao 96L6E nhanh chóng phát hiện nhiều tốp mục tiêu đang bay vào khu vực bảo vệ của đoàn. Chỉ huy bắn - đoàn trưởng - thiếu tá Nguyễn Quốc Văn yêu cầu kíp đài radar khẩn trương thiết lập quỹ đạo đường bay, xác định chính xác số lượng kiểu loại, các tham số về phương vị, cự ly, độ cao và vận tốc của mục tiêu để chỉ thị đài radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa đánh đúng đối tượng. Đài radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 30N6E được ví là “siêu mắt thần”. Bởi đây là đài radar đa kênh - đa chức năng, sử dụng hệ thống ăngten mạng pha xung dopler hiện đại có khả năng phát hiện được các loại mục tiêu chế tạo theo công nghệ “tàng hình” (kể cả mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng tới 0,02m2), khả năng chống nhiễu tốt với tất cả các dạng nhiễu tiêu cực và nhiễu tích cực. Các bộ phận trong kíp chiến đấu căng mắt nhìn vào các màn hình và liên tục thao tác. Hàng chục màn hình lớn nhỏ hiển thị liên tục những tham số về tốc độ di chuyển, hướng đi của mục tiêu; về tình trạng sẵn sàng bắn hỏa lực của hệ thống vũ khí khí tài... Từ trái qua: xe bệ phóng tên lửa tự hành và xe gắp ống phóng bảo quản đạn - Ảnh: Nguyễn Quốc Văn Đến lúc này, tôi mới cảm nhận chân thực và đầy đủ hơn câu nói của đoàn trưởng Nguyễn Quốc Văn trước đó: “Khi sử dụng S-300PMU1, sĩ quan chỉ huy tác chiến không cầm súng như bộ binh, không lái máy bay như phi công. Chúng tôi chiến đấu qua hệ thống điều khiển, màn hình, các tín hiệu...”. Cùng lúc đó, ở sở chỉ huy mặt đất, kíp tiêu đồ quản lý vùng trời đang tập trung liên lạc bằng các tín hiệu morse dồn dập đổ về. Trước mặt họ là hai bảng mạng tình báo khu vực và tình báo hỏa lực rất lớn. Cũng thời điểm này trong sở chỉ huy trên không, các sĩ quan liên tục thao tác, báo cáo, nhận lệnh... trong khi nhân viên tiêu đồ đang tập trung đi đường bay theo thông báo của mạng tình báo radar khu vực. Các mục tiêu trên không nhanh chóng được phát hiện, bắt và bám sát từng milimet. “Mục tiêu đã được bám sát và xác định được đầy đủ các phần tử mục tiêu” - sĩ quan bắt và bám sát mục tiêu báo cáo. “Đoàn quyết tâm tiêu diệt mục tiêu ném bom chiến lược bằng hai tên lửa” - chỉ huy bắn ra lệnh tiêu diệt mục tiêu. Sau khi xác định mục tiêu đã vào vùng phóng, sĩ quan phóng Nguyễn Thanh Nguyện nhấn nút điều khiển phóng hỏa lực. Hai quả tên lửa rời bệ phóng lao đi với vận tốc 1.900m/giây, tiêu diệt ngay mục tiêu trên không. Đó là một trong những tình huống tác chiến trên không giả định mà các cán bộ, chiến sĩ của đoàn tên lửa phòng không 64 thường xuyên huấn luyện. Vài nét về sư đoàn phòng không 361 Đoàn tên lửa phòng không 64 là một trong 13 đơn vị trực thuộc sư đoàn phòng không 361 (Đoàn phòng không Hà Nội). Sư đoàn 361 thành lập ngày 19-5-1965 với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Trong chiến dịch 12 ngày đêm (tháng 12/1972), sư đoàn là lực lượng phòng không chủ lực bảo vệ Hà Nội, bắn rơi 29 máy bay (trong đó có 25 máy bay B52)! Ngày 15/1/1976, sư đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Rồng lửa” hiện đại Đoàn trưởng Nguyễn Quốc Văn cho biết: “Khi được tiếp nhận và sử dụng S-300PMU1, chúng tôi coi đây là vinh dự lớn và càng nhận thức rõ trách nhiệm sâu sắc của từng người đối với loại khí tài rất hiện đại mà đất nước đã tin tưởng giao cho mình”. S-300PMU1 có khả năng tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch trong hiện tại và cả tương lai, các loại máy bay chiến lược, tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo trong tất cả khu vực hoạt động rộng lớn tới 1.600km2 (trong khi hệ thống tên lửa phòng không Patriot chỉ 300km2). Với xác suất tiêu diệt mục tiêu rất cao, S-300PMU1 thật sự là ác mộng với đối phương khi tác chiến trên không bởi hỏa lực của nó được coi là mạnh nhất trong hệ thống tên lửa phòng không hiện đại thế giới. Tầm quan sát, phát hiện mục tiêu của tổ hợp này lên đến 300km và tiêu diệt trong cự ly 150km. Cùng một lúc, S-300PMU1 có khả năng bám sát và tiêu diệt sáu mục tiêu, điều khiển đến 12 tên lửa và quản lý tới 100 mục tiêu. S-300PMU1 có khả năng bắn hạ mục tiêu ở độ cao lên đến 27.000m và thậm chí ở độ cao chỉ 10m. Ngay cả những mục tiêu vận tốc lên đến 10.000km/giờ cũng dễ dàng hóa thành con mồi dưới hỏa lực của S-300MPU1. Thời gian phản ứng của S-300PMU1 được coi là số 1 hiện nay. Khi đang hành quân, tổ hợp cơ động này có khả năng chuyển sang chế độ sẵn sàng chiến đấu chỉ trong thời gian nhỏ hơn 5 phút (con số này với hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng Patriot của Mỹ là 30 phút). Và chỉ mất 40 giây để S-300PMU1 chuyển sang chế độ chiến đấu từ chế độ trực ban. Toàn bộ hệ thống của đài radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa đa kênh, đa chức năng 30N6E được đặt trên xe đặc chủng có thể leo dốc 30O, vượt hào 2,5m, lội nước 1,3m, quãng đường hành quân liên tục 500km. Đặc biệt khi xe hỏng một bánh cho phép treo bánh và tiếp tục hành quân tới vị trí bảo dưỡng đến 40km. radar phát hiện mọi độ cao 96L6E thông minh có các hệ thống thăng bằng tự động. Xe bệ phóng tự hành có khả năng bảo dưỡng đạn tên lửa tại chỗ, có thể mang đạn đi khi hành quân và thời gian di dời chỉ trong 5 phút (với các loại hệ thống phòng không cũ phải mất 60-90 phút!). Mỗi xe bệ phóng tự hành gồm một chỉ huy và một lái xe kiêm trắc thủ. Thế nên ngay cả “tài xế” của đoàn tên lửa phòng không 64 cũng được đào tạo bài bản ở Nga và tham gia một số khóa huấn luyện khi về nước. Bên trong phòng điều khiển của sở chỉ huy trên không, tức đài radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 30N6E - Ảnh: Nguyễn Quốc Văn Sức trẻ điều khiển “rồng lửa” Đến đoàn tên lửa phòng không 64 lần đầu tiên sẽ rất ngạc nhiên khi luôn bắt gặp những gương mặt rất trẻ từ chỉ huy đến sĩ quan. Họ - những con người làm chủ được một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, đôi mắt luôn bừng lên sự tự tin, vững chãi khi trao đổi với các chuyên gia người Nga. Dù mới chỉ mang quân hàm thiếu tá, anh Nguyễn Quốc Văn đã được tin tưởng giao trọng trách đoàn trưởng. Năm 2009, chàng sĩ quan người Hà Nội có gương mặt rất thư sinh này khi đang là tham mưu trưởng của đoàn đã được cấp trên cho đi đào tạo lớp chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật - chiến dịch tại Học viện Phòng không - không quân. Tháng 9-2011, khi về đoàn tên lửa phòng không 64, Quốc Văn đã bắt đầu chỉ huy buổi diễn tập bắn đạn thật có sự tham gia của S-300PMU1. Phó đoàn trưởng - tham mưu trưởng Nguyễn Trần Luyện cũng mang quân hàm thiếu tá và 35 tuổi. Đó là chưa kể đội ngũ sĩ quan rất nhiều người thuộc thế hệ 8X, người trẻ nhất mới 24 tuổi. Còn chiến sĩ đa số thuộc thế hệ 9X! Từ tháng 7/2005, đoàn tên lửa 64 bắt đầu tiếp nhận toàn bộ vũ khí khí tài của tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 cơ động từ cảng Hải Phòng về. Sau hai lớp tập huấn do chuyên gia người Nga trực tiếp giảng dạy trong 120 ngày, các cán bộ, chiến sĩ của đoàn đã nắm vững tất cả thao tác sử dụng tổ hợp vũ khí tên lửa phòng không hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay trong thực hành chuẩn bị chiến đấu và cả bảo dưỡng kỹ thuật. Tham mưu trưởng Nguyễn Trần Luyện cho biết: “Từ tháng 10/2006, chúng tôi đã có thể tự huấn luyện chuyển loại toàn bộ cho sĩ quan trẻ”. “Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy rất vinh dự khi được làm việc với loại khí tài hiện đại nhất quân chủng và là một trong những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại thế giới” - sĩ quan phóng Nguyễn Thanh Nguyện 26 tuổi chia sẻ. Tất cả đều đạt điểm giỏi Đoàn tên lửa phòng không 64 ra đời ngày 20/9/2005 nhưng trước đó, từ tháng 10-2004 đã diễn ra cuộc tuyển chọn trong toàn sư đoàn phòng không 361 để chọn ra 46 người chuẩn bị tham gia học chuyển loại tên lửa S-300PMU1. Sau hai tháng huấn luyện chuyển loại ở Kim Bài (Hà Nội), tháng 1-2005 họ lên đường sang Nga tham gia một khóa học chuyển loại vũ khí khí tài mới kéo dài sáu tháng. Thiếu tá Lương Đình Thi - một trong những người từng được cử sang Nga học chuyển loại - cho biết: “Ngoài thời gian tám giờ học một ngày, chúng tôi luôn tận dụng hỏi chuyên gia ngay sau giờ học. Dù chỉ tranh thủ được khoảng 10 phút vì chuyên gia rất bận nhưng đó thật sự là những giây phút rất đáng quý. Tối về anh em còn thức đêm đọc nghiên cứu tài liệu, xem lại những phần chưa hiểu trao đổi với nhau...”. Kết thúc khóa học, 46 học viên đã tham gia diễn tập bắn đạn thật tại trường bắn Ka-pútrin-iar của Bộ Quốc phòng Nga. Những cán bộ, sĩ quan trẻ Việt Nam đã làm các thầy người Nga thán phục với kết quả diệt mục tiêu, đạt điểm giỏi và đảm bảo an toàn tuyệt đối. |
Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012
>> 'Rồng lửa' giữ trời Việt Nam
Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012
>> Tên lửa đạn đạo tầm gần Scud-B của Việt Nam
Scud là một serie các tên lửa đạn đạo chiến thuật được Liên bang Xô viết triển khai trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và xuất khẩu rộng rãi tới nhiều nước khác trên thế giới. Thuật ngữ này xuất phát từ tên hiệu NATO SS-1 Scud vốn được các cơ quan tình báo phương Tây gán cho loại tên lửa này. Những tên tiếng Nga của nó là R-11 (phiên bản đầu tiên) và R-300 Elbrus (những phiên bản phát triển sau này). Cái tên Scud đã được các phương tiện truyền thông và nhiều thực thể khác dùng để chỉ không chỉ những tên lửa này mà cả nhiều loại tên lửa khác được phát triển tại các quốc gia khác dựa trên thiết kế của người Sô viết. Thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông đại chúng Hoa Kỳ, Scud được dùng để gọi bất kỳ một tên lửa đạn đạo của bất kỳ một quốc gia nào không phải phương Tây.
Phát triển thời Sô Viết
Thuật ngữ Scud được sử dụng lần đầu tiên trong tên hiệu NATO SS-1b Scud-A, để chỉ loại tên lửa đạn đạo R-11. Tên lửa R-1 trước đó được NATO đặt tên hiệu SS-1 Scunner, nhưng là một bản thiết kế khác hẳn, hầu như copy trực tiếp từ loại V-2 của Đức. R-11 cũng sử dụng kỹ thuật học được từ V-2, nhưng có một thiết kế mới, nhỏ hơn và có hình dáng khác biệt so với V-2 và R-1. R-11 được Makeyev OKB thiết kế và bắt đầu đưa vào sử dụng năm 1957. Cải tiến mang tính cách mạng nhất của R-11 là động cơ, do A.M. Isaev thiết kế. Đơn giản hơn rất nhiều so với thiết kế nhiều buồng của V-2, và sử dụng một van đổi hướng chống dao động để ngăn chặn chugging, nó là nguyên mẫu đầu tiên của những động cơ lớn hơn được sử dụng trong các tên lửa vũ trụ Nga sau này. Cấu tạo Scud-B Các biến thể phát triển thêm là R-300 Elbrus / SS-1c Scud-B năm 1961 và SS-1d Scud-C băn 1965, cả hai đều có thể mang hoặc đầu nổ quy ước có sức nổ cao, hoặc một đầu đạn hạt nhân 5 tới 80 kiloton, hay một đầu đạn hóa học (VX nén). Biến thể SS-1e Scud-D được phát triển trong thập niên 1980 có thể mang đầu đạn quy ước có sức nổ mạnh, một đầu đạn fuel-air, 40 runway-penetrator sub-munition, hay 100 × 5 kg quả bom chống cá nhân nhỏ. Tất cả các mẫu đều dài 11.25 mét (ngoại trừ Scud-A ngắn hơn 1 mét) và có đường kính 0.88 mét. Chúng được đẩy bằng một động cơ duy nhất sử dụng nhiên liệu kerosene và nitric acid với Scud-A, hay UDMH và RFNA (tiếng Nga SG-02 Tonka 250) với các mẫu khác. Tác chiến Tên lửa Scud (và cả các biến thể của nó) là một trong số ít các tên lửa đạn đạo đã được sử dụng trong chiến tranh thực tế, chỉ đứng thứ hai sau loại V2 về số lượng sử dụng (SS-21 là loại tên lửa đạn đạo duy nhất khác được sử dụng "trong chiến tranh"). Libya đã trả đũa các vụ tấn công không quân của Hoa Kỳ (Chiến dịch El Dorado Canyon) năm 1986 bằng cách bắn nhiều tên lửa Scud vào một trạm đồn trú bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ tại hòn đảo Lampedusa thuộc Italia lân cận. Các tên lửa Scud cũng đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột gồm với bên sử dụng gồm cả Liên bang Xô viết và các lực lượng cộng sản Afghanistan tại nước này, Iran và Iraq chống lại nhau trong cái gọi là "Cuộc chiến tranh của các thành phố" trong thời Chiến tranh Iran-Iraq. Tên lửa Scud cũng được người Iraq sử dụng trong Chiến tranh Vùng Vịnh chống lại các mục tiêu của Israel và liên quân tại Ả rập Saudi. Hơn mười tên lửa Scuds đã được bắn từ Afghanistan vào các mục tiêu tại Pakistan năm 1988. Một số lượng nhỏ tên lửa Scud cũng được sử dụng trong cuộc nội chiến năm 1994 tại Yemen và bởi các lực lượng Nga tại Chechnya năm 1996 những năm sau đó. Các quốc gia sở hữu tên lửa Scud-B Các nước sở hữu hoặc từng sở hữu tên lửa Scud-B gồm: Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Georgia, Kazakhstan, Iran, Iraq, Libya, Ba Lan, Slovakia, Turkmenistan, Ukraina, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Việt Nam, Yemen và Nam Tư. Cộng hòa Dân chủ Congo và Ai Cập đã đặt mua thêm các tên lửa Scud-C thêm vào số Scud-B họ đã có. Syria đã muốn đặt hàng loại Scud-D, và tên lửa Al Hussein của Iraq cũng có tầm bắn tương tự Scud-D. Bắc Triều Tiên cũng có các tên lửa Scud sau các cuộc thử nghiệm tên lửa năm 2006. Số lượng Scud của VN khoảng 50 quả, mua của Bắc Triều Tiên cùng 2 em tàu ngầm "Ông già gân" giá 100 mil USD. Nhược điểm là độ chính xác kém (khoảng 500m) và Vẹt nhà mình đã cải tiến tầm bắn lên được 500km Thông số kỹ thuật: Xuất xứ: Nga Loại: SRBM Chiều dài: 11.25 m Đường kính: 0.88 m Tồng trọng lượng: 5900 kg Lượng chất nổ: Một đầu nổ, 985 kg Đầu nổ: Nuclear 5-70 kT, HE, chemical Động cơ đẩy: Single-stage liquid Tầm hoạt động: 300 km Sản xuất: 1962 Dưới đây là một số hình ảnh về tên lửa Scud-B của Việt Nam được đăng trên báo và các trang mạng Trung Quốc : |
>> S-400 Triumf chống lại Antei-2500
Vẫn còn tồn tại nhiều ranh cãi về các hệ thống tên lửa phòng không và phòng thủ tên lửa Nga. >> Hệ thống tên lửa S-500
Khi mới xuất hiện, không quân từng gây nhiều ầm ĩ đến nỗi một số cái đầu nóng thậm chí đã đề nghị tất cả các binh chủng khác vì không cần thiết. Nhưng thời gian đã cho thấy rằng, đó là những suy nghĩ sai lầm. Ngay sau không quân, các phương tiện phòng không cũng bắt đầu được phát triển và cuối cùng chúng đã trở thành một trong những phương tiện tiến hành chiến tranh và răn đe chủ yếu. Thời kỳ chói sáng trong cuộc chạy đua giữa máy bay và phương tiện phòng không bắt đầu vào thập kỷ 1950. Hồi đó đã ra đời các tên lửa phòng không có điều khiển mà dù mới ở giai đoạn đầu phát triển đã hoàn toàn có khả năng gây ra vô số những khó chịu cho không quân địch.
Điều mọi người đều biết là các vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm đầu tồn tại người tư đã dự định đưa tới mục tiêu bằng máy bay có tầm bay và trọng tải phù hợp. Nhưng sự phát triển vũ bão của tên lửa phòng không và không quân tiêm kích nhanh chóng đòi hỏi các siêu cường phải lấy tên lửa chiến lược làm chỗ dựa. Nhờ có quỹ đạo bay đường đạn, chúng sẽ hiệu quả hơn nhiều, ngoài ra, tiêu diệt các phương tiện mang phóng này là nhiệm vụ bất khả thi trong những năm 1960 hay 1970. Hơn nữa, không phải tất cả các nhiệm vụ chiến đấu đều có thể giải quyết bằng tên lửa đường đạn tầm xa. Điều đó đã dẫn tới sự xuất hiện của các tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn. Với hệ dẫn thích hợp, các tên lửa này cho phép tấn công các mục tiêu ở chiều sâu chiến thuật hoặc chiến dịch mà không chịu rủi ro lớn đối với bệ phóng và kíp chiến đấu. Liên quan đến máy bay thì do những lý do hoàn toàn dễ hiểu, cùng với thời gian, hướng phát triển máy bay chủ yếu là máy bay chiến thuật. Từ góc độ các nhiệm vụ mà chúng phải đảm nhận, gần như mọi sự sáng tạo mới đều hữu ích. Ví dụ, sự phổ biến rộng rãi vũ khí chính xác cao đã cho phép nâng cao đáng kể hiệu quả các đòn không kích và giảm thiệt hại của không quân. Chẳng hạn, trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1991), vũ khí có điều khiển đã được không quân Mỹ sử dụng trong dưới 10% phi suất, còn trong chiến tranh Nam Tư thì hầu như tất cả các tên lửa và bom được sử dụng đều là loại tinh khôn. Thật khó xem thường hiệu quả từ việc đó - ở chiến tranh Vùng Vịnh, người Mỹ mất 2 tá máy bay, còn tổn thất ở Nam Tư chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Tuy vậy, vũ khí có điều khiển chính xác cao có giá đắt hơn bom đạn thông thường, điều này lại được bù đắp bởi giá đắt của bản thân máy bay. Trở lại với phương tiện phòng không. Đặc điểm chủ yếu của vũ khí hàng không chính xác cao là ở chỗ có thể sử dụng nó từ khoảng cự ly xa. Nhờ đó, máy bay không bắt buộc phải tiến vào khu vực hoạt động của phòng không đối phương, nên giảm được nguy cơ tổn thất máy bay. Như vậy, để đối phó hiệu quả với các quân đội lấy các đòn không kích chính xác làm chỗ dựa, cần phải có hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly xa hơn tầm bắn của tên lửa có điều khiển đối phương. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều dùng phương thức tác chiến như thế. Không ít nước thích xem các cuộc tấn công chính xác ở chiều sâu chiến thuật và chiến dịch là nhiệm vụ của các tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn. Vì thế, để đối phó với mối đe dọa đó, hệ thống phòng không còn phải có khả năng bắn hạ cả tên lửa đường đạn. Như vậy, mộ hệ thống tên lửa phòng không lý tưởng phải có khả năng chặn đánh mọi loại mục tiêu có thể xuất hiện bên trên chiến trường. S-300VМ Antei-2500 (ký hiệu của Tổng cục Tên lửa-pháo binh, Bộ Quốc phòng Nga là 9K81M, Mỹ và NATO gọi là SA-23 Gladiator) Cần lưu ý là việc sở hữu những vũ khí trang bị đó là cực kỳ quan trọng đối với Nga, bởi lẽ đối phương tiềm tàng có thể mở các cuộc tấn công bằng không quân hay tên lửa tầm trung vào nước Nga hầu như từ mọi hướng. Nguyên nhân chủ yếu là yêu cầu của Hiệp ước Xô-Mỹ về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Chỉ các tên lửa đó của Liên Xô và Mỹ bị thủ tiêu, còn một số nước khác không tham gia hiệp ước, vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí này. Không may là một số nước trong số đó lại có biên giới chung với Nga như Iran, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Quan hệ của Nga với các nước này không thể gọi là căng thẳng, song cũng nên lơi lỏng khi có những vũ khí đó ở sát sườn mình. Bởi vậy mà các hệ thống tên lửa phòng bảo vệ lãnh thổ Nga phải có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu khí động lẫn đường đạn. Trở ngại chính để chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không đó là ở các tham số bay khác nhau của mục tiêu. Mục tiêu khí động có tốc độ tương đối thấp, quỹ đạo của nó hầu như luôn nằm ở phương ngang. Trong khi đó, phần chiến đấu của tên lửa đường đạn rơi xuống mục tiêu với tốc độ siêu âm, góc rơi nằm trong khoảng 30-80 độ. Tương ứng là tốc độ phần chiến đấu liên tục tăng, làm giảm đáng kể thời gian cho những hành động phản ứng. Cuối cùng, phần chiến đấu tên lửa có kích thước nhỏ và bề mặt tán xạ hiệu dụng cũng khá nhỏ nên rất khó bị phát hiện. Và đó là chưa tính đến khả năng tách đầu đạn, sử dụng các phương tiện đột phá phòng không/phòng thủ tên lửa… Vĩ những lý do đó, chỉ những nước phát triển mới có thể xây dựng được hệ thống hỗn hợp phòng không/phòng thủ tên lửa và việc đó cũng khiến họ mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, Mỹ mất gần 13 năm cho chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Trong suốt thời gian đó, các kỹ sư Mỹ đã làm đơn giản hóa tối đa có thể thiết bị điện tử của tên lửa và bảo đảm hiệu quả tác chiến chống các mục tiêu hiện tại và tương lai. Nhưng mọi nỗ lực vạn năng hóa hệ thống tên lửa phòng không này đã không mang lại kết quả mong đợi. Kết quả là Patriot chỉ bắn hạ được 1/3 số tên lửa Scud. Ngoài ra, Patriot không lần nào đánh chặn được Scud ở tầm xa hơn 13-15 km tính từ bệ phóng. Mà đó là với tên lửa bị bắn hạ (Scud) lạc hậu hơn nhiều tên lửa phòng không (Patriot) tiêu diệt nó. Sau đó, Mỹ đã mấy lần nâng cấp hệ thống Patriot, nhưng họ cũng không thể nâng cao đáng kể hiệu quả tiêu diệt mục tiêu đường đạn của nó. Có lẽ một phần vì thế mà các tên lửa đánh chặn dùng để phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ đã không dựa trên các vũ khí trang bị hiện có. S-400 Triumf Liên Xô trước đây cũng chú trọng vạn năng hóa, song không làm như Mỹ. Sau những nghiên cứu thăm dò ban đầu theo chuyên đề hệ thống tên lửa phòng không S-300, Liên Xô đã quyết định nghiên cứu chế tạo các dòng P và V với tư cách vũ khí phòng không, còn nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đường đạn được bổ sung chỉ khi có khả năng thích hợp. Những khả năng này như tương lai đã tho thấy là chẳng có nhiều. Thay đổi thành phần trang thiết bị của các hệ thống, bổ sung các tên lửa mới, nhưng vẫn không thể cải thiện đáng kể về khả năng tiêu diệt mục tiêu đường đạn. Đôi khi cũng nghe thấy nói rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-400 được chế tạo mới đây, bất kể các tuyên bố của những công trình sư, không thể dùng để phòng thủ tên lửa chiến thuật bởi vì nó có “gốc rễ” từ hệ thống S-300P. Mà hệ thống này như đã nói là chỉ đối phó ngon lành với các mục tiêu khí động. Hệ thống S-500 đang được phát triển cũng sớm bị chỉ thích giống như thế. Xét đến tính bảo mật thông tin về hai hệ thống này thì những phát biểu như vậy có thể coi là quá sớm và cũng có những điều không đúng sự thật. Tuy nhiên, việc kết hợp phòng không và phòng thủ tên lửa chiến thuật không hề đơn giản, trong khi các chi tiết về hoạt động của Tập đoàn Almaz-Antei lại ít hơn mong đợi. Cũng có ý kiến là lẽ ra nên lấy dòng S-300V làm cơ sở để phát triển các hệ thống mới. Hậu thuẫn cho ý kiến này là những đặc điểm của S-300V được nêu ra: trong thành phần vũ khí của nó có các tên lửa 9М82 ngay từ đầu được thiết kế để tấn công mục tiêu đường đạn. Tuy nhiên, các tên lửa mà 9М82 được thiết kế để đối phó từ lâu đã bị loại khỏi trang bị, còn khả năng của nó đánh chặn các phương tiện tiến công hiện đại hơn thì lại bị nghi ngờ. Tuy vậy, S-300V vẫn là nền tảng tốt nhất cho các hệ thống tên lửa phòng tương lai. Có thể đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến này. Nhưng chỉ chừng nào sự tranh cãi diễn ra trong khuôn khổ bình thường. Bởi lẽ, đôi khi một số người có liên hệ nhất định với việc chế tạo các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Nga đưa ra những phát biểu rất không xác thực. Chẳng hạn, có ý kiến nói rằng “các nhà quản lý từ Bộ Quốc phòng Nga” đơn giản là không hiểu được sự khác nhau giữa S-300P và S-300V vì thế họ bóp chết một nhánh phát triển phương tiện phòng không rất triển vọng. Cuối cùng, mấy tuần trước, một nữ nhà báo có tiếng trên làn sóng của một đài phát thanh có tiếng đã buộc tội S-400 là nửa vời. Logic buộc tội “cao hơn mọi lời khen”: đó là các tên lửa tầm xa hiện đang được thử nghiệm, còn trong trang bị hiện chỉ có các tên lửa tiêu chuẩn. Vì thế, hệ thống này kém cũng như tình trạng công việc ở Tập đoàn Almaz-Antei. Nhưng dẫu sao cũng vẫn phái chú ý đến các mẫu hệ thống tên lửa phòng không đời mới của dòng V, ví dụ như S-300VМ. Hệ thống này còn được gọi là Antei-2500. Chữ Antei là chỉ nhà thầu chính, còn con số 2500 chỉ tầm bắn tối đa của tên lửa đường đạn mà S-300VМ có thể bắn hạ. Ưu điểm chính của Antei-2500 mà những người ủng hộ ưu tiên phát triển dòng S-300V nói là hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu của nó. Trong thành phần trang thiết bị vô tuyến điện tử của S-300VМ có 2 radar: 1 radar nhìn vòng và 1 radar quan sát có lập trình. Radar nhìn vòng theo dõi toàn bộ không gian xung quanh và trước hết dùng để phát hiện các mục tiêu khí động, còn radar thứ hai quan sát vùng rẻ quạt 90 độ theo phương ngang (góc tà đến 50 độ) và phát hiện mục tiêu đường đạn. Radar quan sát có lập trình của S-300VМ có thể bắt bám đồng thời đến 16 mục tiêu. Cho đến nay, chưa quân đội nước nào khác có những hệ thống tương tự. Vì thế mà Mỹ từng buộc phải đối phó với tên lửa đối phương theo cách thức rất rắc rối. Chẳng hạn, vụ phóng tên lửa được phát hiện nhờ radar cảnh báo sớm tên lửa tấn công đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ; sau đó thông tin truyền đến sở chỉ huy Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ NORAD ở Mỹ, nơi xử lý thông tin thu được và tính toán đưa ra thông tin chỉ thị mục tiêu và chỉ sau đó, thông tin cần thiết mới được truyền đến hệ thống phòng không cụ thể. Antei-2500 có thể độc lập làm tất cả những chuyện đó mà không cần đến các hệ thống bên ngoài. Vũ khí của S-300VМ gồm 2 loại tên lửa: - 9М82М có khả năng bay với tốc độ đến 2.300-2.400 m/s và tấn công các mục tiêu đường đạn. Nó có thể tiêu diệt tên lửa đường đạn có tốc độ tối đa hơn 4,5 km/s. 9М82М cũng có thể chặn đánh cả mục tiêu khí động một khi tầm bắn tối đa đạt đến 200 km; - 9М83М có tốc độ bay đến 1.700 m/s, dùng để tiêu diệt mục tiêu khí động. Tính năng không khác mấy các loại tên lửa trước đó của họ S-300V. Các tên lửa 2 tầng được chuẩn hóa tối đa và sử dụng các động cơ nhiên liệu rắn. Điều thú vị là phần chiến đấu tên lửa khi phát nổ không văng đều các mảnh tiền chế về tất cả các hướng mà chỉ ở một rẻ quạt tương đối nhỏ. Kết hợp với dẫn tên lửa khá chính xác, điều này nâng cao xác suất tiêu diệt chắc chắn tất cả các loại mục tiêu. Theo thông tin hiện có, các tên lửa của Antei-2500 sử dụng hệ dẫn kết hợp: tên lửa bay đến điểm do máy móc mặt đất xác định nhờ hệ dẫn quán tính, còn ở giai đoạn cuối, hệ dẫn radar bán chủ động được kích hoạt. Việc điều khiển trực tiếp thực hiện nhờ các cánh lái động học khí phụt. Đó là vì tiêu diệt các tên lửa đường đạn hiệu quả nhất là ở các độ cao mà các cánh lái khí động truyền thống hầu như không có khả năng làm việc. Các cánh lái động học khí phụt được lắp cho cả tên lửa chống tên lửa SM-3 của Mỹ, có khả năng chống các mục tiêu ở ngoài khí quyển. Bất kể mọi ưu điểm của Antei-2500, không thật hiểu vì sao chính nó được đề xuất trang bị cho hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Nga. Antei-2500 thuộc dòng V của họ tên lửa S-300. Chữ V có nghĩa là dùng cho lục quân. Còn dòng P được phát triển cho bộ đội phòng không. Do đó, sử dụng S-300V(М) ở chỗ cần dùng S-300P và “con cháu” nó không phải là việc làm hoàn toàn logic, trong đó không tính đến những ưu thế của từng hệ. Tuy nhiên, chẳng có gì ngăn cản sử dụng trong S-400 hay S-500 những kết quả nghiên cứu có được khi phát triển Antei-2500. Điều đáng chú ý là S-300VМ thực tế là hệ thống đã lạc hậu. Sẽ thay thế nó là S-300V4 nên chẳng có thể trông đợi nhiều từ việc này. Hai tuần trước, quân đội Nga và Tập đoàn Almaz-Antei đã ký hợp đồng cung cấp S-300V4. Các hệ thống đầu tiên sẽ được chuyển giao cho quân đội trước cuối năm 2012. S-300V4 có các tính năng gần như của S-300VМ. Theo thông tin hiện có, sự khác biệt ở một số tham số là do khả năng cải tạo nâng cấp các hệ S-300V cũ lên tiêu chuẩn S-300V4. Tên lửa mới 40N6Е sẽ làm ngừng cuộc tranh cãi về tính hợp lý đưa S-400 (trước đây gọi là S-300PМ3) vào trang bị. Tên lửa này có tầm bắn tối đa 400 km và độ cao tác chiến tối đa 185 km trong tương lai sẽ có thể chứng tỏ hùng hồn vị thế số 1 của nó và S-400. Nhưng đáng tiếc là việc nghiên cứu chế tạo 40N6Е bị chậm trễ đáng kể nên bị nhiều người chỉ trích. Tên lửa mới sẽ hoàn thành thử nghiệm trong năm nay, sau đó được nhận vào trang bị. Nhờ 40N6Е, hệ thống S-400 Triumf cuối cùng sẽ có thể bảo vệ nước Nga không chỉ trước các mục tiêu khí động mà cả các mục tiêu đường đạn. Hy vọng, sau khi tên lửa mới được nhận vào trang bị thì cuộc tranh cãi về số phận hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Nga sẽ không nói về những nhược điểm của các hệ thống hiện có mà về việc phát triển những hệ thống mới. Bởi vì, hệ thống mới S-500 được hứa hẹn là sẽ ra đời sau 5 năm nữa. Nguồn: Ryabov Kirill // TW, 27.3.2012 . |
>> Cuộc đấu giữa "Rồng và Voi" ?
Vừa qua, Công ty RAND Mỹ đã dùng phương pháp khoa học hóa để đánh giá, dự đoán sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong 15 năm tới. Hiện nay, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển, sản xuất được nhiều loại máy bay chiến đấu, nhưng Ấn Độ thì chủ yếu mua sắm từ nước ngoài. Trong hình là máy bay chiến đấu tàng hình J-20 bay thử của Trung Quốc. Báo cáo của Công ty RAND cho biết, trong 15 năm tới, dân số Ấn Độ chiếm ưu thế, kinh tế vĩ mô không ngừng tiếp cận Trung Quốc, nhưng về khoa học công nghệ và quân sự sẽ tụt lại phía sau rất nhiều so với Trung Quốc. Đối với vấn đề này, báo cáo đề nghị Chính phủ Mỹ căn cứ vào lợi ích quốc gia, xác định chính sách đối với hai nước Trung Quốc và Ấn Độ. Là một nước lớn ở khu vực châu Á và thành viên quan trọng của BRICS, Trung Quốc và Ấn Độ luôn được coi là nhân tố then chốt cho sự thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu. Dưới vầng sáng của cuộc “cạnh tranh rồng-voi”, nhận thức của người dân hai nước Trung Quốc và Ấn Độ về đối phương đều có những sai lầm to lớn: người dân Trung Quốc phổ biến coi Ấn Độ là nước chậm phát triển, còn người dân Ấn Độ lại cho rằng Trung Quốc đã bị Ấn Độ tạo khoảng cách trên nhiều phương diện. Charles Wolf, nhà nghiên cứu của Công ty RAND Mỹ đã đưa ra báo cáo “So sánh, đánh giá Trung Quốc và Ấn Độ năm 2025” muốn tìm ra logic trong sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ, dự đoán xu hướng tăng giảm sức mạnh quốc gia của hai nước trong tương lai từ các phương diện dân số, kinh tế, khoa học công nghệ và quân sự, đồng thời trả lời câu hỏi ai có thể nắm được thời cơ trước trong cuộc “cạnh tranh rồng-voi”. Tàu tên lửa của Hải quân Ấn Độ phóng tên lửa phòng không Barak trong đêm. Nhìn vào xu thế tăng dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm 1,55% của Ấn Độ gấp gần 3 lần của Trung Quốc. Đến năm 2025, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, đồng thời tiếp tục tăng đến năm 2050, còn đỉnh dân số của Trung Quốc sẽ xuất hiện vào năm 2032. Thông thường, giá trị sáng tạo của người từ 15-64 tuổi cao hơn so với tiêu thụ, tạo chỗ dựa cho số người ở độ tuổi khác. Cùng với việc dân số tăng mới của Ấn Độ vượt Trung Quốc, so với Ấn Độ, tỷ lệ người cần nuôi dưỡng trong dân số Trung Quốc sẽ không ngừng tăng lên, và tốc độ lão hóa sẽ nhanh hơn. Mặc dù hiện nay trình độ giáo dục của Ấn Độ thấp, nhưng chỉ cần có thể gia tăng đầu tư, trình độ này sẽ vượt Trung Quốc trong 15 năm hoàn toàn không hề khó khăn. Vì vậy, Ấn Độ sẽ chiếm thời cơ trước về nguồn nhân lực. Đương nhiên, việc phát huy ưu thế này phụ thuộc vào mức độ mở cửa và khả năng sáng tạo của nền kinh tế Ấn Độ. Nhìn vào kinh tế vĩ mô, báo cáo của Công ty RAND đã tổng hợp các phương diện như vốn, sức lao động, năng suất toàn bộ các yếu tố (tỷ lệ các yếu tố đầu tư như tổng sản lượng và tiến bộ công nghệ, tổ chức sáng tạo, chuyên nghiệp hóa và đổi mới sản xuất) và GDP, thông qua phân tích tổng thể, báo cáo này cho rằng, Ấn Độ đang thu nhỏ khoảng cách về kinh tế với Trung Quốc. Biên đội hộ tống Trung Quốc tập trận ở biển Đông. Báo cáo cho biết, đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, việc phân tích từ các nguồn khác nhau đưa ra các kết luận khác nhau. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thường lạc quan về Ấn Độ, nhưng các học giả và tổ chức quốc tế thì cho rằng Trung Quốc sẽ giữ vững lợi thế. Công ty RAND phân tích về kinh tế vĩ mô của hai nước trong 15 năm tới cho biết, chỉ có Ấn Độ nằm trong trạng thái phát triển tốt nhất, Trung Quốc nằm trong trạng thái xấu nhất, thì GDP của Ấn Độ mới có khả năng tiếp cận Trung Quốc. Còn về phát triển khoa học công nghệ, báo cáo của Công ty RAND chủ yếu khảo sát trên hai khía cạnh, đó là “tiền” và “con người”. Tổng kim ngạch chi tiêu nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc hiện xếp thứ ba thế giới, những chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa thương mại chiếm hơn 1% giá trị GDP, còn con số này của Ấn Độ là 0,8%. Những người giành được học vị tiến sĩ kỹ thuật tốt nghiệp hàng năm của Trung Quốc nhiều hơn 70% so với Ấn Độ. Nhưng, “tỷ lệ có thể làm thuê” của những kỹ sư mới tốt nghiệp của Trung Quốc chỉ có 60%, thụt lùi so với Ấn Độ. Trong tình hình bình thường, sau 15 năm, số lượng các nhà nghiên cứu của Trung Quốc vẫn sẽ dẫn trước đáng kể so với Ấn Độ, mức độ vượt 8%. Còn số lượng thành quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ toàn cầu hoặc được giới xuất bản công bố, Trung Quốc cũng cao hơn Ấn Độ 13%. Ấn Độ tích cực nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu nội địa, nhưng thành quả rất hạn chế. Trong hình là máy bay LCA đang được Ấn Độ phát triển. Nhìn vào chi tiêu quân sự, cho dù tính theo phương pháp nào, Trung Quốc đều sẽ vượt xa Ấn Độ. Báo cáo áp dụng 2 cách để tính toán chi tiêu quân sự nhằm cân bằng sai số. Căn cứ vào tính tính theo tỷ lệ tăng trưởng hiện nay, xem xét sự biến động của giá trị đồng đô la Mỹ trong 15 năm qua, chi tiêu quân sự năm 2025 của Ấn Độ sẽ vào khoảng 94-277 tỷ USD; chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ gấp 4-7 lần của Ấn Độ. Căn cứ vào tỷ lệ chi tiêu quân sự trong GDP, chi tiêu quân sự năm 2025 của Ấn Độ vào khoảng 82-242 tỷ USD, còn chi tiêu quân sự của Trung Quốc gấp 3-4 lần Ấn Độ. Ngoài ra, chi tiêu dành cho mua sắm vũ khí trong số chi tiêu quân sự năm 2025 của Ấn Độ sẽ khoảng 6,3-18,6 tỷ USD, còn con số của Trung Quốc là gấp 2,6 lần Ấn Độ. Dựa trên những phân tích trên, Công ty RAND kết luận rằng, trong 15 năm tới, dân số của Ấn Độ chiếm ưu thế, kinh tế vĩ mô liên tục tiếp cận với Trung Quốc, nhưng về khoa học công nghệ và quân sự tụt lại đáng kể so với Trung Quốc. Theo đó, báo cáo khuyến nghị Chính phủ Mỹ căn cứ vào lợi ích quốc gia, xác định chính sách đối với hai nước Trung Quốc và Ấn Độ. Tên lửa hành trình siêu âm Brahmos phiên bản Lục quân do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển. Số liệu dùng trong báo cáo này của Công ty RAND phản ánh rất rõ sự khác nhau về sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời đã tiến hành so sánh theo con số khoa học tự nhiên, điều này đã phản ánh phương pháp nghiên cứu khoa học hóa mấy chục năm gần đây của khoa học chính trị Mỹ. Phương pháp khoa học hóa này có logic rõ ràng, nhưng cũng tồn tại vấn đề khá lớn. Đối với báo cáo này, sự đấu đá chính trị nội bộ, sự đổi thay về chính trị, môi trường quốc tế bên ngoài hoặc yếu tố thiên tai trong 15 năm tới của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ không được đưa vào xem xét, điều này làm cho kết luận của họ có sự hạn chế rất lớn. |
Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012
>> Báo Hoàn Cầu : Hải quân Việt Nam đang lớn mạnh nhanh chóng
Việt Nam đã triển khai 2 tàu hộ tống Gepard, mua một số tàu tên lửa cỡ nhỏ, 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo, 2 thuyền máy “Tia chớp”… Việt Nam mua tàu hộ tống lớp Gepard của Nga. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc loan tin, gần đây, Việt Nam liên tục mua sắm tàu chiến mới từ nước ngoài đã làm cho dư luận rất quan tâm. Hoàn Cầu báo trích dẫn tờ “Thời báo châu Á” Hồng Kông ngày 29/3 cho rằng, do sự dẫn dắt của tình hình tranh chấp biển Đông, Việt Nam đang tăng cường khả năng trên biển, trên không và tác chiến điện tử để tiến hành hiện đại hóa quân đội. "Những năm gần đây, Việt Nam đã tiến hành một loạt hoạt động mua sắm quân sự ồn ào, chương trình hải quân của Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh". - Hoàn Cầu báo viết. Bài báo cho biết, trang bị 10 năm trước của Hải quân Việt Nam vẫn chỉ là các thiết bị phần cứng của thời kỳ Liên Xô, nền tảng công nghệ phần lớn dừng lại ở trình độ thập niên 1960. Ngoài ra, thứ chỉ có là những tàu chiến do Mỹ chế tạo mà Việt Nam thu được từ ngụy quân Sài Gòn sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng, lực lượng hải quân lạc hậu này đã không thể đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ tuần tra trên biển của Việt Nam và việc “đòi hỏi chủ quyền” của Việt Nam - Hoàn Cầu báo. Tuy nhiên, những năm gần đây, thông qua tiến hành mua sắm vũ khí quy mô lớn từ các nước như Nga, Hàn Lan, Canada…, Việt Nam đã có rất nhiều trang bị quân sự mới đưa vào hoạt động, điều này cũng đã nâng cao rất lớn sức mạnh của Hải quân và Không quân Việt Nam. Tàu tên lửa cỡ lớn lớp "Tia chớp" của Hải quân Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam lần đầu tiên tiến hành triển khai 2 tàu hộ tống lớp Gepard. Tàu Gepard lớp 2.100 tấn được trang bị tên lửa chống hạm Uran-E, ngoài ra, nó còn có đường băng cho máy bay trực thăng và công nghệ tàng hình. Năm 2012, Việt Nam còn đặt mua 2 tàu Gepard trang bị vũ khí chống tàu ngầm. Kết hợp lại với nhau, trong mấy năm tới, chúng sẽ trở thành lực lượng xương sống của tàu chiến trên biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang mua sắm và triển khai một số tàu tên lửa cỡ nhỏ. Hiện nay, Việt Nam đã mua 2 tàu trang bị tên lửa lớp “Tia chớp”, đồng thời được cấp giấy phép tiếp tục chế tạo 10 chiếc tại Việt Nam. Bài viết còn cho biết, hoạt động mua sắm gây chú ý nhất của Việt Nam trong thời gian qua chính là Việt Nam bỏ ra 1,8 tỷ USD để mua 6 tàu ngầm động cơ diesel lớp Kilo của Nga. Những tàu ngầm này đã cải thiện rất lớn sức chiến đấu của lực lượng tàu ngầm Việt Nam, có thể triển khai ở khu vực biển Đông. Chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên dự kiến sẽ bàn giao cho Việt Nam vào năm 2013, đến trước năm 2018 sẽ tiếp tục bàn giao mỗi năm một chiếc. Tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo. Việt Nam muốn mua tàu hộ tống Sigma của Hà Lan. Tàu tuần tra do Việt Nam tự chế tạo. |
>> Tìm hiểu máy bay huấn luyện Yak-130
Yak-130 là một trong những máy bay huấn luyện hàng đầu thế giới bởi nó có khả năng đáp ứng những yêu cầu đào tạo các phi công đạt đến trình độ kỹ sư bay. >> Chi tiết máy bay huấn luyện Yak-130 >> 6-12 chiếc Yak-130UBS sắp về Việt Nam
Khi phát triển máy bay huấn luyện phi công, các chuyên gia quân sự đã tính đến xu hướng của thị trường máy bay huấn luyện và máy bay chiến đấu hạng nhẹ trên thế giới, ngoài nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện phi công, máy bay còn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong các cuộc xung đột khu vực và trong các hoạt động chống khủng bố với mọi điều kiện thời tiết, thời gian trong ngày.
'Bệ phóng' cho kỹ sư bay Năm 1991, hãng Yakovlev phát triển máy bay Yak-UTS và hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên vào tháng 9/1993. Trong thời gian này hãng đã ký với công ty Aemacchi của Italia để cùng nhau phát triển máy bay huấn luyện với tên gọi Yak/AEM-130. Thế nhưng cuộc tác hợp này đã nhanh chóng “đường ai nấy đi” vì không thống nhất được một số vấn đề trong thiết kế, hai bên tiếp tục phát triển phi cơ của mình trên nền tảng của thiết kế chung Yak/AEM-130, phía Nga phát triển với tên Yak-130, còn Italia chế tạo máy bay của riêng mình M-346 “bác sĩ”, thế nên chúng được gọi là “anh em song sinh”. Chuyến bay đầu tiên của Yak-130 diễn ra vào ngày 26/4/1996. Trong thời gian 32 phút của chuyến bay đầu tiên, máy bay đã đạt được tốc độ 350km/h ở độ cao 2.000m, thực hiện tiếp đất cất cánh với việc thả cánh cản, thực hiện chuyến bay thông trường với độ cao 200m cùng với bài bay vòng kín góc kẹp trong chương trình thử nghiệm của mình. Yak-130 có thể sử dụng cho các nhiệm vụ tiêm kích, cường kích khi cần thiết. Sau chuyến bay thử, Nga đã công bố hiệu suất bay, tính năng cất hạ cánh và khả năng điều khiển chuyến bay ở góc tấn công lên đến 40 độ. Yak-130 đã trải qua tổng cộng 300 chuyến bay an toàn trong suốt quá trình thử nghiệm các tính năng kỹ chiến thuật, khả năng chiến đấu và thử nghiệm các trang bị, vũ khí cũng như các hệ thống đảm bảo cho phi công, trong đó có cả những chuyến bay thử nghiệm trong chương trình phối hợp đặc biệt của Không quân Nga. Đa năng Yak-130 ra mắt trên thị trường thế giới bằng việc tham gia triển lãm Hàng không quốc tế ở Pháp năm 1997, 1999 và triển lãm Hàng không Vũ trụ ở Moskva năm 1999 (MAKS). Tháng 4/2002, Nga công bố Yak-130 là người chiến thắng trong cuộc “tranh hùng” cùng với Mig-AT, để phát triển và chế tạo máy bay huấn luyện đầu tiên cho Không quân Nga. Với kinh phí của chương trình phát triển Yak-130 chỉ vào khoảng 200 triệu USD, chẳng đáng là bao so với các dự án quân sự khổng lồ khác, nhưng chương trình này đã bắt đầu thể hiện tính hiệu quả của nó với những hợp đồng đã được ký kết và những kế hoạch tiềm năng không những của không quân Nga mà còn của một số nước trên thế giới. >> Irkutsk sắp ra lô Yak-130 mới Theo các nhà phân tích, tiềm năng xuất khẩu của máy bay này có thể đạt 300 chiếc đến 2025 và 500 chiếc đến 2050. Hiện tại Yak-130 đang được sản xuất hàng loạt tại Công ty cổ phần Naz Sokol thuộc TP.Nizhny Novogorod và đang được công ty Irkut và Rosoboronexport tích cực tiếp thị trên thị trường. Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 được thiết kế để đào tạo các học viên bay về kỹ năng lái máy bay cũng như thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu với mục tiêu trên mặt đất và trên không tương ứng với những tính năng của máy bay thế hệ 4+ và thứ 5. Buồng lái tiện nghi, hiện đại của phi công ngồi trước. Trong quá trình đào tạo, máy bay Yak-130 có khả năng chu cấp đầy đủ để đào tạo các phi công cho từng loại máy bay cụ thể và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu một cách toàn diện, ngoài ra, có thể sử dụng để đào tạo chuyển loại ngắn hạn, đào tạo bay theo đội hình chiến đấu với mục đích duy trì kỹ năng lái thuần thục và vận dụng hết khả năng tác chiến của các chiến đấu cơ, nắm vững nguyên lý hệ thống vô tuyến điện tử, hệ thống vũ khí trên máy bay cũng như khả năng làm việc của chúng. Yak-130 đáp ứng 80% chương trình huấn luyện thực hành cho các phi công, đây là một trong những chương trình chính trong toàn bộ giáo trình huấn luyện phi công, trong đó bao gồm huấn luyện vi tính, huấn luyện mô phỏng chuyên ngành, tích hợp kiểm tra khách quan giống như trên máy bay Yak-52M và Yak-152. Máy bay Yak-52 được sử dụng như là máy bay huấn luyện cơ bản của Không quân Việt Nam, thuộc Trung đoàn Không quân 920, Trường sĩ quan Không Quân, vì là máy bay huấn luyện cơ bản nên tất cả các phi công của Không quân Việt Nam đều phải trải qua những năm tháng “đi mây về gió” cùng với Yak-52. Khác biệt Máy bay huấn luyện Yak-130 có hình dáng khí động học tiên tiến, có lực đẩy lớn so với máy bay thế hệ trước cùng mục đích, cho phép máy bay thực hiện các bài bay ở mọi chế độ điển hình của các máy bay chiến đấu hiện đại trên thế giới cũng như hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Ngoài khả năng cơ động cao, máy bay này có những đặc tính nổi trội, hệ thống động lực mạnh, có khả năng bay ở tốc độ thấp, góc tấn công lớn đến 40 độ, tốc độ leo cao nhanh, đặc tính ổn định cao, hệ thống cất và hạ cánh vững chắc và có khả năng cất hạ cánh ở đường băng ngắn, tải trọng chiến đấu lớn và có khả năng thích nghi với vũ khí chính xác cao khác nhau. Ngoài ra, trên Yak-130 có hệ thống điều khiển tích hợp cao với khả năng tái lập trình, có thể chịu gia tốc trọng trường +8g tới -3g và có khả năng thực hiện các chuyến bay nhào lộn đặc biệt để huấn luyện phi công cho chiến đấu cơ thế hệ 4+, như Su-30, Mig-29, F-15 và F-16, Rafale, Typhoon và máy bay thế hệ thứ năm F-22, F-35, Sukhoi T-50. Tính ưu việt của Yak-130 là sự hiện đại trong thiết kế, tính chắc chắn của khung vỏ máy bay, động cơ có công suất lớn, độ tin cậy cao của các hệ thống, tuổi thọ lớn và khả năng tự động hoá cao của máy bay. Các thông số cơ bản: Kíp lái: 2 người Sải cánh: 9,72 m Chiều dài máy bay: 11,49 m Diện tích cánh: 23,52 m2 Khối lượng rỗng: 4.500kg Khối lượng cất cánh: 6.350 kg Khối lượng cất cánh tối đa: 9.000 kg Động cơ: hai động cơ tuốc bin phản lực tùy chọn (DR-35, AI-222-25 …) Tốc độ tối đa: 1.050 km/h Tầm hoạt động: 1.850 km Bán kính chiến đấu: 1.315km Với thiết kế khí động học tiên tiến, hệ thống điện tử hiện đại, vũ khí kết hợp "Nga - Mỹ - Âu", Yak-130 là một trong những máy bay huấn luyện - chiến đấu hiện đại hàng đầu. Yak-130 là dạng máy bay cánh đơn sơ đồ kinh điển có cánh hình mũi tên và được bố trí giữa thân như chiến đấu cơ thế hệ 4+ và 5 nhằm tận dụng lực nâng của cánh (chế tạo bằng hợp kim nhẹ, bề mặt là sợi carbon). Cánh đuôi được bố trí thấp hơn cánh chính làm cho mọi chuyển động của máy bay linh hoạt hơn và giúp phi công lựa chọn góc tấn công lớn. Độc đáo thiết kế Máy bay được thiết kế buồng lái hai chỗ ngồi và hai động cơ turbin phản lực, máy bay có tuổi thọ 10.000 giờ bay và có thể tăng hạn lên 15.000 giờ bay, tương ứng 20.000 lần cất hạ cánh với niên hạn sử dụng là 30 năm. Ngoài ra, các cửa hút khí của động cơ có khả năng đóng khi máy bay di chuyển trên mặt đất, nhằm tránh vật lạ rơi vào động cơ. Đặc trưng của Yak-130 là dạng ba càng được gia cường, có tấm chắn bụi ở càng trước. Máy bay có khả năng cất và hạ cánh trên đường băng đất nện nhỏ có bụi bẩn hoặc bằng bê tông có độ dài không lớn hơn 1.000m, chiều dài chạy đà cất cánh 380 m và chiều dài hạ cánh 670m nhờ có cánh cản. Là dạng máy bay huấn luyện nên ghế ngồi được thiết kế kiểu trước sau và vòm kính được đặt cao cho phép phi công có tầm quan sát rộng hơn và khả năng khóa mục tiêu tốt hơn, phi công phía trước có tầm nhìn qua mũi của máy bay -16 độ, còn phi công ngồi sau là -6 độ. Buồng lái máy bay được che hoàn toàn bằng kính thủy tinh có khả năng chống đạn, được trang bị hệ thống tạo khí oxy trên khoang lái và ghế phóng loại K-36TL3.5 zero-zero. Máy bay được trang bị hai động cơ turbin phản lực RD-35 với lực đẩy 2.200 kg cho mỗi động cơ, gấp gần ba lần lực đẩy máy bay L-39, được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số và giờ hoạt động lên đến 6.000 giờ. Ngoài ra, trên Yak-130 có thể được trang bị hai động cơ AI-222-25, lực đẩy mỗi chiếc là 2.500 kg, có thể đạt đến tốc độ cận âm 1.050km/h. Phiên bản xuất khẩu được trang bị động cơ theo nhu cầu của khách hàng. Động cơ công suất cao là thế mạnh của máy bay Yak-130 so với các loại cùng chức năng. Ngoài ra, nhằm cung cấp điện xoay chiều cho các hoạt động của máy bay trên mặt đất và có thể khởi động trên không trong trường hợp khẩn cấp trên máy bay trang bị động cơ phụ TA-14. Sát thực tế chiến đấu Yak-130 có thùng nhiên liệu chứa 1.750 kg được thiết kế bên trong. Ngoài ra máy bay có thể mang thùng nhiên liệu phụ. Đáng chú ý là máy bay có khả năng trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, khả năng hiếm có đối với các máy bay huấn luyện, nhưng lại là một trong các yêu cầu gần như là bắt buộc đối với máy bay chiến đấu hiện nay. Điều này giúp cho phi công tương lai của chiến đấu cơ thế hệ 4+ và 5 làm quen với những thao tác tiếp nhiên liệu trên không mà còn làm tăng hiệu quả huấn luyện vì không phải “đáp” để nạp nhiên liệu cũng như tăng bán kính hoạt động cho biến thể chiến đấu. Hệ thống điện tử hàng không trên máy bay cực kỳ hiện đại, bao gồm hệ thống điều khiển điện tử “fly-by-wire” với khả năng lập trình lại đặc tính ổn định và tính điều khiển, hệ thống hiển thị trên kính, hệ thống hiển thị thông tin trên màn hình LCD, hệ thống thông tin, đài đo cao, hệ thống dẫn đường vệ tinh tương tự chiến đấu cơ hiện đang sử dụng trên thế giới. Yak-130 có khả năng quan sát bằng video các hành vi của phi công cũng như không gian bên trong và bên ngoài buồng lái. Video tự động ghi hình liên tục các thông tin và hiển thị lên màn hình LCD. Màn hình chỉ thị của giáo viên và học viên bay gồm ba màn hình kỹ thuật số đa chức năng với kích thước 6-8 inch, không có các chỉ thị điện - cơ trên các máy bay huấn luyện trước kia, hệ thống hiển thị hình ảnh trên kính mũ phi công có thể được áp dụng. Hệ thống điện tử có kiến trúc mở với ba hệ thống trao đổi thông tin theo tiêu chuẩn MIL-STD-1553V. Vũ khí kết hợp "Nga - Mỹ - châu Âu" Yak-130 được thiết kế như là một cường kích hạng nhẹ. Do đó, máy bay có hệ thống vũ khí mở với khả năng tích hợp cao, có khả năng tương thích vũ khí Nga và phương Tây với lượng vũ khí lên đến 3.000 kg và được bố trí trên 9 giá treo bên ngoài. Tùy từng nhiệm vụ, Yak-130 có thể mang: tên lửa dẫn hướng không đối đất Kh-25ML, tên lửa dẫn hướng không đối không R-73 (hoặc tên lửa AIM-9L/M của Mỹ ), tên lửa chống tàu Mk-2A (Italia sản xuất), 4 quả bom điều khiển KAB-500L (hoặc Rockeye II của Mỹ), 4 quả bom không điều khiển nặng 500 kg hoặc 8 quả bom nặng 250 kg (hoặc loại Mk.82 và Mk.83 của Mỹ), rocket không điều khiển B-8M và B-13L (AL-25-50, LAU-51), pháo UPK-25-250 (DEFA, Aden), thiết bị trinh sát VICON-601 hoặc EW (ELT-55). Thiết kế mang các loại vũ khí Nga và Mỹ - Châu Âu sản xuất, Yak-130 nhắm tới khách hàng thường "ưa thích" sản phẩm Mỹ - châu Âu. Để giúp phi công lựa chọn phần mềm cho bài tập bay cụ thể, Yak-130 có trang bị hệ thống mô phỏng điều khiển trên máy tính, ngoài ra với hệ thống này phi công có thể lựa chọn kiểu bay khi đang bay để hoàn thành chuyến bay huấn luyện trong mọi điều kiện thời tiết. Radar trên Yak-130 có phạm vi dò tìm mục tiêu có diện tích phản xạ radar 5 m2 là 80 km ở phía trước và 40 km ở phía sau, ngoài ra có khả năng theo dõi đồng thời 8 mục tiêu, tiêu diệt cùng lúc 4 mục tiêu. Các phương tiện mô phỏng chế độ chiến đấu gồm: mô phỏng không gian chiến đấu, tìm kiếm, phát hiện, xác định và bắt các mục tiêu trên không, phóng tên lửa không đối không tầm nhiệt và dẫn hướng, phóng phương tiện gây nhiễu đối phương, hệ thống tương tác giữa các máy bay và với trạm kiểm soát mặt đất, hệ thống mô phỏng tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa không đối đất dẫn hướng… Cấu hình của Yak-130 có thể thay đổi theo chức năng huấn luyện - chiến đấu, tấn công hạng nhẹ và máy bay huấn luyện trên tầu sân bay cũng như đào tạo phi công cho các máy bay vận tải quân sự và dân sự. Mức độ chuẩn hóa giữa biến thể huấn luyện và huấn luyện - chiến đấu của Yak-130 đạt khoảng 90%. |
>> "Bom Nga" hay "Bom Mỹ" thông minh hơn ? (Phần 2)
Mới đây, Nga đã trình làng loại bom nhỏ gọn nhất, tối tân nhất của họ là KAB-250 do NPP Region (thuộc Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật KTRV, Nga) sản xuất. >> "Bom Nga" hay "Bom Mỹ" thông minh hơn ? (Phần 1)
Bom chính xác cao KAB-250
KAB-250 là bom “thông minh”, có tất cả các tính năng tiêu chuẩn cần thiết, đặc trưng cho cả bom không điều khiển thông thường, đồng thời là bom có điều khiển với hệ dẫn truyền hình hoặc hệ dẫn kết hợp vệ tinh và laser bán chủ động. Bom có đường kính chỉ là 225 mm, chiều dài 3,2 m, trọng lượng 250 kg, trong đó, 127 kg là trọng lượng thuốc nổ. KAB-250 có thân nhỏ, thuôn dài thích hợp để lắp trong khoang bom bên trong của T-50. Ảnh: ktrv.ru KAB-250 đủ nhỏ để lắp cả trong khoang bom bên trong, cũng như trên các mấu treo (khi cần mang nhiều bom hơn) dưới cánh của các tiêm kích-bom. Bom này đã được giới thiệu tại Triển lãm hàng không MAKS-2011 vào tháng 8.2011. NPP Region không cung cấp thông tin chi tiết nào về KAB-250 nên ta chỉ có thể đoán về hiệu quả của bom này. Tuy nhiên, có thể dự đoán KAB-250 có hệ dẫn kết hợp vệ tinh và laser bán chủ động. Đáng chú ý là thân bom dài có lẽ là được tối ưu hóa để bố trí trong các khoang vũ khí bên trong của máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA. Cần lưu ý là các bom có điều khiển của Nga đều có hiệu quả tốt trong tiêu diệt cả mục tiêu mặt nước và dưới mặt nước nên có thể tiêu diệt “ngon ơ” tàu ngầm. Ví dụ, bom có điều khiển Zagon-1 dùng để tiêu diệt tàu ngầm khi đang ở trạng thái nổi và lặn ở độ sâu đến 600 m. Bom này có thể sử dụng hiệu quả chống mục tiêu tàu ngầm ở độ sâu đến 150 m khi có sóng biển đến cấp 6, không hạn chế về khu vực trên đại dương thế giới. Zagon-1. Ảnh: ktrv.ru Zagon-1 được sử dụng chủ yếu ở các vịnh hẹp, vịnh và các khu vực khó sử dụng các vũ khí có điều khiển khác. Khi tấn công tàu ngầm, bom được thả bằng dù. Khi tiếp nước, bom tách khỏi dù, chìm xuống nhờ trọng lực và tự chuyển động đến mục tiêu nhờ các hệ thủy âm chủ động định vị mục tiêu dưới mặt nước và điều khiển chuyển động. Theo nhà sản xuất GNNP Region, Zagon-1 được chuẩn hóa để sử dụng cho các máy bay chống ngầm như Tu-142ME, Il-38 và các trực thăng chống ngầm như Ка-28... Bom có điều khiển của Nga có ưu thế về tiêu chí giá cả/hiệu quả, đơn giản trong sản xuất và tin cậy, bền chắc trong khai thác. Các bom có điều khiển đang được sản xuất ở Nga không đòi hỏi bảo dưỡng kỹ thuật và kiểm soát đặc biệt. Xét theo tiêu chí “chi phí/hiệu quả”, bom có điều khiển Zagon-1 rất hấp dẫn vì nhờ công nghệ chế tạo đơn giản và tốt bền trong khai thác, bom này có giá rẻ. Khi cất giữ, bom này không đòi hỏi bảo dưỡng kỹ thuật và kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng của nó lại cao hơn mấy lần so với các bom chống ngầm bình thường. KAB-250. Ảnh: ktrv.ru Bom nào tinh khôn hơn? Việc so sánh trực tiếp các loại bom có điều khiển hiện đại của Nga và Mỹ là không cần thiết và vô ích vì đó là các vũ khí rất khác nhau. Bom có điều khiển SDB của Mỹ về bản chất là đạn tên lửa không có động cơ, có khả năng vượt khoảng cách khá xa nhờ bay liệng. Chức năng chính của nó là tiêu diệt các boongke, sở chỉ huy, các tòa nhà bằng cách xuyên qua tường và nổ bên trong. Còn bom có điều khiển của Nga thường rẻ hơn và giống hơn với các bom thường. Đồng thời, chúng có trọng lượng phần chiến đấu lớn hơn nhiều và bán kính sử dụng cũng nhỏ hơn nhiều (SDB của Mỹ có tầm 110 km, còn bom KAB-500 của Nga chỉ có tầm 9 km). KAB-250 ra đời ngay sau bom cỡ nhỏ SDB GBU-39/B của Không quân Mỹ (USAF). Nhưng SDB có một số đặc điểm mà KAB-250 hiện không có. SDB nặng 130 kg và có giá gần 70.000 USD. Tức là nó nhẹ và đắt hơn KAB-250. Cũng như KAB-250, SDB được phát triển trước hết như một bom “thông minh”. Chỉ 5 năm trước, USAF cuối cùng đã đưa SDB vào sử dụng ở Iraq. SDB lẽ ra đã phải được sử dụng lần đầu tiên năm 2005, ngay sau khi nhận vào trang bị vào năm 2004 các bom cỡ nhỏ (227 kg) JDAM dẫn bằng GPS. Tuy nhiên, SDB có nhiều vấn đề kỹ thuật vì nó không đơn thuần là bom gắn thêm bộ thiết bị dẫn GPS. SDB có thiết kế đầu đạn và hệ dẫn hiệu quả hơn. Về hình dáng, nó giống với tên lửa hơn là bom (dài gần 2 m và đường kính 190 mm). SDB có ưu điểm khác biệt là khi nổ tạo ra sóng xung kích yếu hơn so với bom thông thường cùng cỡ, nên cho phép thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao và gây thương vong phụ ít hơn cho dân thường. Quân nhà có thể ở gần mục tiêu hơn khi bom SDB nổ. SDB và KAB-250 đều có những thế mạnh riêng. Ảnh: ausairpower.net, ktrv.ru Mặc dù các loại bom nặng khi sử dụng có hiệu quả dễ thấy, nhưng chúng lại thường là quá mạnh và thậm chí có thể gây thương vong không cần thiết. Binh sĩ dưới mặt đất thích có nhiều hơn bom cỡ nhỏ dẫn bằng GPS. Đây là nguyên nhân khiến bom JDAM 227 kg được phát triển và đưa vào sử dụng nhanh chóng. Nhưng nó vẫn quá lớn cho nhiều tình huống chiến đấu diễn ra trong các thành phố. Trong khi đó, SDB chỉ chứa có 17 kg thuốc nổ so với 127 kg ở bom 250 kg KAB-250. SDB là một tên lửa không động cơ, có thể liệng đi xa. Điều đó làm cho SDB gọn hơn, hiệu quả hơn và đắt tiền hơn. Chẳng hạn, JDAM (hệ dẫn sử dụng ở các bom thế hệ trước) giá chỉ có gần 26.000 USD. Các cánh nhỏ cho phép SDB liệng đi xa đến 70-80 km (từ độ cao lớn). KAB-250 cũng sử dụng những chiếc cánh nhỏ để bảo đảm tầm bay, nhưng không được xa như SDB, các chuyên gia Mỹ đánh giá. SDB cũng có phần đầu cứng, cho phép nó chuyên hơn 2 m đá hay bê tông, và phần chiến đấu có sức công phá mạnh hơn so với các bom không điều khiển thông thường (vốn chỉ là thuốc nổ bình thường trong vỏ kim loại). Như vậy, SDB là bom thông minh thế hệ mới. Kết cấu gọn hơn của SDB cho phép mang bom thuận tiện hơn. Chẳng hạn, các tiêm kích F-15/16/18 có thể mang 24 bom này hoặc nhiều hơn nữa. Hiện tại, USAF đang phát triển bom SDB II (GBU-53) có thêm kênh truyền dữ liệu mã hóa, cho phép tiêu diệt mục tiêu động. Kênh liên lạc đó cho phép điều khiển chuyển động của bom SDB nhờ mạng máy tính trên khoang. Khả năng này là một trong những cải tiến cơ bản cho SDB II, loại bom dự kiến chưa thể đưa vào sử dụng trong vài năm nữa. |
Nhãn:
Bom chính xác cao,
Bom thông minh,
KAB-250
>> Mục đích cuộc tập trận Nga - Trung
Cuộc tập trận hải quân giữa Trung Quốc và Nga sắp tới là để tăng cường hợp tác hữu nghị giữa hai nước, chứ không nhằm chống lại một nước thứ ba?
Về cuộc tập trận chung của Hải quân Nga và Trung Quốc sắp tới tại biển Hoảng Hải, hãng RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận lần này nằm trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thể hiện tình hợp tác hữu nghị trong quan hệ đối tác chiến lược giữa quân đội hai nước, chứ không nhằm chống lại bất kỳ một nước thứ ba nào.
Song, cuộc tập trận sắp tới của Hải quân Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại sự cảnh giác cao độ của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác. Tàu khu trục 136 Hàng Châu của Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận năm 2008 Các nhà phân tích cho rằng, đây sẽ là cuộc tập trận trên biển với quy mô lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. Trên thực tế, cuộc tập trận này là hành động đáp trả hàng loạt các cuộc tập trận mới đây giữa Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ với quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản. Dự kiến trong lần tập trận này, quân đội Nga và Trung Quốc sẽ điều đến những tàu chiến và máy bay chiến đấu hiện đại nhất để thể hiện sức mạnh của mình tại khu vực phía đông Thái Bình Dương. Đồng thời cuộc tập trận lần này cũng là lời cảnh báo cho chiến lược quay lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, đang cản trở lợi ích cốt lõi của Nga và Trung Quốc tại khu vực này. Khẳng định Nga và Trung Quốc sẽ là hai nhân tố mang lại mối quan ngại lớn cho Mỹ. Cho đến nay, mặc dù Nga và Trung Quốc đều đang kêu gọi một mối liên minh quân sự chặt chẽ giữa hai nước để đối phó với những áp lực ngày càng lớn từ các nước phương Tây. Song, lời kêu gọi này vẫn chưa đạt đến cấp độ quốc gia mà chỉ dừng lại trong lĩnh vực quốc phòng, bởi mối đe dọa về an ninh chung của hai nước vẫn chưa thật sự khẩn cấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, hợp tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc sẽ được đẩy lên cao hơn nữa trong thời gian tới, đi sâu vào nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng lĩnh vực quốc phòng. Tàu khu trục Varyag của Hải quân Nga dự kiến sẽ tham gia cuộc diễn tập lần sắp tới Từ Grudia đến quần đảo Điếu Ngư, từ quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là lãnh thổ phía Bắc) đến vấn đề Đài Loan, từ cuộc khủng hoảng Syria đến vấn đề Iran, từ Liên Hợp Quốc đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có thể nhìn thấy rõ sự nhất trí ngày càng cao giữa hai nước. Về phía Mỹ, đương nhiên nước này sẽ không muốn nhìn thấy sự hợp tác quân sự hay chiến lược chặt chẽ giữa hai nước. Bất luận thế nào, Mỹ cũng không hề muốn Nga và Trung Quôc gần gũi với nhau. Cuộc tập trận hải quân lớn nhất giữa Nga và Trung Quốc lần này chắc chắn sẽ kích thích quan hệ Mỹ-Nhật, sẽ khiến cho Mỹ và Nhật Bản biết thế nào là một áp lực lớn đang đè nặng. Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, cuộc tập trận chung lần này cũng là thể hiện sự hợp tác chặt chẽ của hai nước trong khối SCO, là hành động đầy thực tế. Nhìn vào sự bố trí của các tàu chiến của Nga và Trung Quốc chuẩn bị tham gia diễn tập có thể thấy, sẽ có 10 chiếc lần đầu tiên được đưa vào hoạt động tham gia tập trận lần này; điều này cho thấy quân đội Nga coi trọng cuộc tập trận này thế nào. Còn đối với Trung Quốc, trong các lần tập trận chung trước đây giữa Hải quân Trung Quốc với các nước khác, Trung Quốc chưa từng tham gia với một lưc lượng lớn như lần này. Về cơ bản, sự hợp tác ở cấp chiến lược giữa Nga và Trung Quốc có thể phát triển như ngày nay là do chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ mới công bố. Đối với Nga, tăng cường hợp tác quân sự chiến lược với Trung Quôc là có lợi cho an ninh chiến lược của Nga. Làm suy yếu khả năng của NATO trong việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau để đối phó với Mỹ? Còn đối với Trung Quốc cũng vậy, Trung Quốc cũng rất lo ngại bởi chính mới mới của Mỹ cũng sẽ tác động không nhỏ đến lợi ích của nước này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới. Nội dung chủ yếu của lần tập trận này là kế hoạch chống lại tàu ngầm của đối phương khi tàu sân bay bị tấn công, đồng thời nắm quyền kiểm soát được vùng biển. Hiện nay, Mỹ có đến 60% số lượng tàu sân bay, tàu ngầm và các loại tàu mặt nước đang hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương. Số tàu chiến này cũng vừa tham gia tập trận cùng Hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tạo ra áp lực mạnh lên Nga và Trung Quốc trong khu vực này. Theo phân tích, đến 10 năm nữa, bất kể là quân đội Nga hay quân đội Trung Quốc có mạnh thế nào nếu tách rời nhau ra, đều không phải là đối thủ của lực lượng hiện tại của Mỹ tại đây. Mặc dù, Nga và Trung Quôc vẫn chưa thể đạt đến mức liên minh quân sự, những cuộc tập trận sắp tới sẽ duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong một khoảng thời gian nhất định. |
Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012
>> Nguyên tắc cốt lõi trong thiết kế tàu chiến tàng hình
Các loại tàu chiến hiện đại đều được thiết kế ứng dụng những công nghệ hiện đại làm giảm dấu hiệu ra-đa; giảm dấu hiệu hồng ngoại cũng như âm thanh…
Các loại tàu chiến hiện đại đều được thiết kế ứng dụng những công nghệ hiện đại làm giảm dấu hiệu ra-đa; giảm dấu hiệu hồng ngoại cũng như âm thanh… nhằm làm cho tàu “vô hình” trước các hệ thống phát hiện của đối phương đồng thời nâng cao tính sống còn cho tàu chiến.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Stereguschy của Nga sử dụng nhiều công nghệ tàng hình hiện đại. Ảnh sưu tầm. Giảm dấu hiệu ra-đa và dấu hiệu hồng ngoại Để nâng cao hiệu quả “tàng hình” trước ra-đa, trong thiết kế tàu chiến, việc làm giảm tiết diện phản xạ ra-đa (RCS) là yêu cầu rất quan trọng. Kích thước, hình dáng, vật liệu đóng tàu… là những yếu tố chính có ảnh hưởng đến RCS. Theo đó, tàng hình ra-đa bao gồm các kỹ thuật cơ bản: Dùng vật liệu đóng tàu có hệ số phản xạ càng thấp càng tốt (sử dụng các vật liệu như nhựa, sợi thủy tinh…). Phủ lên vỏ tàu vật liệu có khả năng hấp thụ ra-đa (ví dụ như các loại sơn hoặc tấm phủ đặc biệt để biến sóng ra-đa thành nhiệt năng). Phủ lên các cửa sổ của tàu một lớp mỏng trong suốt có tính dẫn. Các lớp phủ này có thể làm lệch hướng tín hiệu ra-đa chiếu tới… Nhiều loại nhựa hấp thụ ra-đa, các loại vật liệu dựa trên các-bon và gốm đã được quân đội nhiều nước phát triển. Việc kết hợp những vật liệu này với hình dáng giảm dấu hiệu ra-đa góp phần làm tăng đáng kể tính tàng hình của tàu. Hình dáng của tàu là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến RCS. Các bề mặt phản xạ ra-đa chủ yếu là các “bộ phản xạ góc”. Đó là các nhị diện tạo thành từ hai mặt phẳng và tam diện (hợp thành từ ba mặt phẳng). Cả hai dạng hình học này đều phản xạ mạnh năng lượng ra-đa trở lại máy thu. Do đó, trong thiết kế tàu cần phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tạo ra các góc này. Các phương tiện mang trên không, trên bộ cũng như trên biển đều phát nhiệt trong vùng phổ hồng ngoại và có thể bị các sen-sơ của đối phương phát hiện. Với tàu mặt nước, phát xạ hồng ngoại được chia thành tiết diện hồng ngoại (IRCS)-là tổng năng lượng nhiệt được phát ra, và dấu hiệu hồng ngoại (IRS). Để tránh bị nhận dạng ảnh, vấn đề cơ bản trong thiết kế tàu là cần làm giảm cả tiết diện hồng ngoại và làm mờ dấu hiệu hồng ngoại của tàu. Phần lớn các kỹ thuật làm giảm IRCS đều hướng vào việc giảm sự bức xạ từ các vật thể nóng trên tàu (nhiệt từ khí thải động cơ đi-e-zen hoặc luồng phụt của động cơ tua bin khí...). Theo đó, các cửa dẫn khí thải nhiệt độ cao phải được bố trí một cách hợp lý. Một số cửa xả có thể được bố trí kèm theo các màn chắn nhiệt ở phía trước; hoặc có thể thổi hơi phía bên trong để tản nhiệt ra xung quanh… Âm thanh và tàng hình từ Tàu mặt nước là phương tiện luôn tạo ra tiếng ồn âm thanh khi di chuyển. Âm thanh có thể lan truyền dưới nước nên tàu ngầm, ngư lôi hoặc thậm chí cả sô-na cũng có thể phát hiện được sự có mặt của tàu. Thông thường, các hệ thống đẩy của tàu là bộ phận gây ra tiếng ồn lớn nhất vì khi cánh chân vịt quay, chúng sẽ tạo ra vùng trống về không gian. Các bọt khí sẽ hình thành trong vùng áp suất thấp phía sau cánh chân vịt. Và khi bọt khí vỡ sẽ giải phóng năng lượng tạo âm thanh. Một phương pháp hiệu quả làm giảm âm thanh trong trường hợp này là phun dòng khí có áp suất thấp vào vùng trống tạo ra phía sau cánh chân vịt. Tác dụng của dòng khí này sẽ làm giảm sự chênh lệch áp suất giữa bọt khí và nước bao quanh khiến bọt khí bị vỡ chậm và êm hơn. Tàu Visby của Thụy Điển tránh sự tan vỡ của bọt khí bằng cách dùng động cơ phụt nước thay cho các thiết bị đẩy kiểu chân vịt. Ngoài ra, sử dụng động cơ điện và vật liệu cách âm cũng giúp làm giảm lượng âm thanh phát ra... Một nguy cơ khác khiến tàu mặt nước có thể bị phát hiện bởi đối phương đến từ những “biến dạng” do tàu tạo ra trong từ trường của trái đất. Tàu mặt nước là vật thể lớn bằng kim loại có khả năng thu hút từ trường của trái đất. Kết quả là hình thành sự biến dạng cục bộ đủ mạnh để kích hoạt thuỷ lôi nằm sâu dưới đáy biển. Trên thực tế, các nhà công nghệ có thể giúp tàu trở nên “tàng hình” về từ bằng cách giảm sự biến dạng này tới mức thuỷ lôi từ không thể phát hiện được. Giải pháp thực hiện là từ hoá thân tàu theo hướng đối nghịch với từ trường trái đất. Tuy nhiên, cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ bị phát hiện bởi thuỷ lôi từ đối với các tàu mặt nước là sử dụng những vật liệu không nhiễm từ để đóng tàu. |
>> Báo Nga: Nên bán Su-35 cho Việt Nam,Kazakhstan hơn là Trung Quốc
Cách đây vài hôm, các bài viết cho biết các phương tiện truyền thông Nga đã chỉ trích việc Nga bán vũ khí tiên tiến Su-35 và các loại khác cho Trung Quốc…
Theo đó, hành động này sẽ không chỉ gây tổn hại cho Nga trong lợi ích thương mại, an ninh quốc gia Nga mà còn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng, bài viết kêu gọi Nga hủy bỏ việc bán 48 máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc, nhưng có thể bán cho Việt Nam và Kazakhstan.
Phương tiện truyền thông Nga nhận xét việc bán vũ khí cho Trung Quốc rằng: "Không được trang bị vũ khí tiên tiến cho các đối thủ tiềm năng." Nga nên bán Su-35 cho Việt Nam hơn là Trung Quốc Trong các doanh nghiệp quân sự và các tạp chí quân sự của Nga, theo báo Độc Lập cũng có một bài viết dài mới đây, cảnh báo rằng việc bán vũ khí tiên tiến và các trang thiết bị vũ khí khác sẽ đặt ra cho an ninh quốc gia Nga một mối đe dọa nghiêm trọng từ Trung Quốc. Bài báo này chỉ trích rằng sự sụp đổ của Liên Xô, bầu không khí xã hội Nga và các hoạt động khác bị bao trùm bởi tiền bạc, và đã gây ra việc Nga bán các trang thiết bị vũ khí cho Trung Quốc để kiếm tiền bạc để rồi bỏ qua lợi ích an ninh quốc gia. Đồng thời, vì lợi ích riêng của một số, Nga và một số các nhóm lợi ích cũng vận động hành lang để bán các loại vũ khí và trang thiết bị tiên tiến cho Trung Quốc. Bài viết cho biết, có thể thường thấy là Trung Quốc đã và đang mô phỏng theo các trang thiết bị vũ khí của Nga để bán trên thị trường quốc tế, có tác động xấu gây thiệt hại cho xuất khẩu vũ khí Nga và các lợi ích khác. Người Nga chắc vẫn chưa quên bài học Hồng Kỳ- 9 ( Hồng Kỳ- 9 là phiên bản tên lửa Trung Quốc là nhái hệ thống tên lửa S-300 của Nga) Nhưng điều này chỉ là một phần nhỏ của các tác động tiêu cực đối với Nga. Một mối đe dọa lớn hơn cho Nga, ngoài vũ khí của Nga, Trung Quốc còn bắt chước các loại vũ khí phương Tây, và sau đó Trung Quốc kết hợp và giả nâng cấp để cải thiện và đổi mới cho riêng mình, và làm cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã tăng cường rất nhiều. Bài báo cho biết Nga dự định bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc và các trang thiết bị vũ khí tiên tiến khác, đó là kẻ thù tiềm năng của lực lượng vũ trang Nga. Bài báo kêu gọi Nga hủy bỏ chương trình bán 48 chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc, hoặc bán cho Việt Nam, Kazakhstan, thay vì bán cho Trung Quốc, Việt Nam hoặc Kazakhstan có thể thị trường cung cấp máy bay chiến đấu thấp hơn, nhưng không thể là bán Su-35 cho Trung Quốc, không bán cũng là để tăng cường an ninh quốc gia của Nga. Bài học mang tên J-11 làm nhái Su-27 của Nga Nga và Trung Quốc đã và đang chính thức giải quyết vấn đề biên giới, nhưng Nga vẫn còn có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và các nước châu Á khác lo lắng về việc mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc. Xung quanh vấn đề bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc ở Nga đang có các cuộc tranh luận nóng bỏng và cũng có ý kiến ủng hộ. Giả thiết rằng việc hỗ trợ và bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc, quân đội Trung Quốc với các hệ thống vũ khí của Nga, điều đó có thể giúp Nga hiểu rõ hơn về quân đội Trung Quốc, để có thể giúp Nga hiệu quả hơn để bảo vệ mình chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Mặt khác, doanh số bán hàng của các vũ khí tiên tiến từ Nga sang Trung Quốc cũng có thể mang lại lợi ích chính trị. Trung Quốc đã cho người Nga thấy nhiều bài học vô cùng đau xót Việc sử dụng những vũ khí do Nga chế tạo được sử dụng để chống lại Đài Loan, đặc biệt, để Trung Quốc tập trung vào cuộc đối đầu với Hoa Kỳ có thể giúp Nga giảm áp lực từ Trung Quốc. Chuyên gia vũ khí Nga ông Piyatushen, cho biết, ông tin rằng Nga sẽ kéo thời gian và ít có khả năng bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc. Theo tin tức các cơ quan gần đây trích dẫn tin quốc phòng của Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã phủ nhận những tin tức về việc mua 48 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. |
>> CNQP Châu Âu sẽ sụp đổ ?
Nền công nghiệp quốc phòng Châu Âu sẽ phải đối mặt với những nguy cơ sụp đổ nhanh chóng nếu không có những chính sách cần thiết.
Một nghiên cứu mới đây cho biết, khả năng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của châu Âu sẽ gặp khó khăn, và có thể sẽ không thực hiện được trừ khi những quyết định cấp thêm kinh phí sớm được đưa ra.
Nhóm nghiên cứu của Cơ quan Quốc Phòng Châu Âu (EDA) về hệ thống hàng không tương lai (FAS4 Europe) cho rằng tình hình của các hệ thống này trong tương lai tương đối nghiêm trọng, với khả năng một số ngành công nghiệp và kỹ thuật quan trọng sẽ được đặt trong tình trạng báo động. Nếu không tăng cường đầu tư và xây dựng một chiến lược phát triển cần thiết thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhóm nghiên cứu còn cho biết thêm rằng "phát triển máy bay chiến đấu tương lai (có người lái và không người lái) và máy bay trực thăng tấn công" mang lại những rủi ro rất cao. Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon "Ngành công nghiệp phòng không của châu Âu vẫn còn tính cạnh tranh, tuy nhiên, vị trí hiện nay có được đều dựa trên những dự án đầu tư trong quá khứ," báo cáo cho biết. "Để phục hồi lại được sẽ tốn kém rất nhiều về cả thời gian và tiền bạc ". Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng trong một số trường hợp ngành công nghiệp sẽ không thể đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia thành viên trong EDA cho tới năm 2020. "Để có nhiều thời gian và chi phí cần thiết cho việc phát triển hệ thống hàng không tiên tiến trong tương lai, các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu phải thống nhất một kế hoạch chung, tuy nhiên trên thực tế lại chưa có một kế hoạch nào như vậy", nhóm nghiên cứu FAS4 Europe cho biết. Những chương trình thực dụng và ngắn hạn cần phải được thay thế bằng một chiến lược dài hạn để duy trì sức mạnh quân sự. Máy bay chiến đấu Saab Gripen Họ cũng chỉ ra rằng nền công nghiệp quốc phòng Châu Âu đang phải đối mặt với những sức ép rất lớn đến từ Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, và các cường quốc công nghiệp mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những lý do buộc họ phải hành động. Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu FAS4 Europ (bao gồm BAE Systems, Dassault, EADS, Hellenic Aerospage Industry, Saab và Thales) đã đề xuất một chiến lược ba giai đoạn từ năm 2012 tới 2017. Trong đó, giai đoạn đầu tiên sẽ thực hiện các dự án để "duy trì khả năng công nghiệp, hoàn thiện công nghệ, tăng cường hợp tác, phát triển các mô hình kinh doanh, cũng như đấu thầu cho các dự án chung châu Âu". Các nước thành viên cần phải cấp thêm nguồn kinh phí để tài trợ cho các dự án, bao gồm dự án phát triển hệ thống hàng không tương lai, báo cáo cho biết. Mới đây, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) công bố rằng lần đầu tiên trong lịch sử, chi phí dành cho công nghiệp quốc phòng của các quốc gia châu Á đã vượt qua khu vực châu Âu. Máy bay chiến đấu Dassault Rafale Trong báo cáo của IISS, tổng mức ngân sách quốc phòng của hai khu vực đã nhanh chóng “xích lại gần nhau” từ sau năm 2008. Các quốc gia châu Âu đang phải cắt giảm chi phí quốc phòng vì khủng hoảng kinh tế khu vực: trong giai đoạn 2008-2010, 16 quốc gia thành viên NATO đã phải cắt giảm đáng kể chi phí quốc phòng hàng năm. Trong năm 2011, các quốc gia NATO thuộc châu Âu chi ra 270 tỉ USD cho quốc phòng, còn các quốc gia châu Á (gồm cả Australia và New Zealand) đạt 262 tỉ USD. Trong khi đó, năm 2010, Mỹ đã chi 693 tỉ USD và Nga là 53 tỉ USD cho quốc phòng. Ở khu vực châu Á, chi phí quốc phòng của Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí quốc phòng của khu vực. Tạp chí quân sự Janes dự báo, tới năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ lớn hơn tổng chi phí quốc phòng của 8 quốc gia chủ chốt của NATO (trừ Mỹ) cộng lại, gồm: Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha và Ba Lan. Máy bay chiến đấu BAE Harrier Vào trung tuần tháng 3, Trung Quốc tuyên bố dự toán ngân sách quốc phòng của nước này năm 2012 sẽ tăng 11,2% so với năm 2011, đạt 106,4 tỉ USD. Mức tăng này trong năm 2011 là 12,7%. |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)