Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

>> 'Lính gác trời' của quân đội Ấn Độ



Ấn Độ vẫn thực hiện chương trình chế tạo các loại tên lửa có điều khiển bất chấp những rào cản về tài chính và những phản ứng tiêu cực từ các quốc gia khác.


Mục đích chiến lược của chương trình này là chế tạo và phát triển trung tâm sản xuất và nghiên cứu – khoa học, bảo đảm chế tạo các loại tên lửa hiệu quả nhất cho các lực lượng vũ trang đất nước.

Theo đơn đặt hàng của lực lượng không quân, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Akash đã ra đời vào những năm 1980 và được sản xuất hàng loạt. Nó dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên không trong điều kiện đối phương sử dụng các phương tiện chế áp vô tuyến chủ động. Tổ hợp cho phép bảo vệ các mục tiêu và các đơn vị quân đội.

Tổ hợp gồm bệ phóng (3 tên lửa có điều khiển Akash), radar đa năng Rajendra (trang bị anten mảng pha), trạm điều khiển, thiết bị hỗ trợ. Tất cả các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không được bố trí trên khung xe chiến đấu bộ binh BMP-2.



Bệ phóng của tổ hợp Akash


Về hình dạng bên ngoài và kết cấu, tên lửa phòng không có điều khiển Akash tương tự tên lửa thuộc tổ hợp tên lửa tầm trung Club của Nga.

Phần đuôi tên lửa lắp đặt cánh phụ, có chức năng thay đổi độ nghiêng của tên lửa. Tên lửa có thể đạt vận tốc gần 500m/giây chỉ trong vòng 4,5giây, sau đó động cơ RPD tăng tốc lên gấp đôi trong khoảng thời gian chỉ 30 giây.

Động cơ RPD sử dụng nhiên liệu rắn, thành phần gồm nitrat xenlulo, nitroglixerin, magie bột. Ôxy khí quyển được sử dụng như là một chất ôxy hóa.

Tên lửa phòng không có điều khiển được trang bị đầu đạn nổ mảnh (trọng lượng gần 60kg) với cự ly văng mảnh gần 20m. Việc kích nổ đầu đạn được tiến hành bởi đầu nổ xung hiệu ứng dopler vô tuyến hoặc tiếp xúc.

Trong tổ hợp Akash sử dụng phương pháp điều khiển hỗn hợp tên lửa có điều khiển: điều khiển bằng mệnh lệnh ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối quỹ đạo bay, điều khiển bằng radar bán chủ động ở giai đoạn cuối quỹ đạo bay (khoảng 3-4 giay trước khi gặp mục tiêu).

Tên lửa được trang bị bộ thu nhận tín hiệu điều khiển và máy phát. Anten của các thiết bị này được bố trí ở cánh đuôi.

Bệ phóng tự hành của tổ hợp có chức năng vận chuyển, bảo quản và phóng tên lửa Akash.

Với mục đích giảm trọng lượng, kết cấu các thành phần chính của bệ phóng được chế tạo từ hợp kim nhôm. Một máy phát tuabin khí chạy dòng điện xoay chiều 3 pha với tần số 400Hz (điện áp 200 và 115V) được sử dụng để bảo đảm bệ phóng hoạt động. Bệ phóng theo chiều dọc (8 - 60°) và chiều ngang (360°).

Bệ phóng được trang bị thiết bị điều khiển, liên kết trắc địa và định hướng, máy thu của hệ thống dẫn đường vô tuyến vũ trụ NAVSTAR. Thiết bị này được chế tạo dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ và được sản xuất ở bởi các nhà máy của Ấn Độ.



Trạm radar đa năng Rajendra.


Radar đa năng Rajendra bảo đảm sục sạo, đánh chặn và tự động bám các mục tiêu khí động học ở cự ly đến 60km, xác định nguồn gốc mục tiêu và dẫn hướng 4 trong số các tên lửa trong điều kiện bị đối phương chế áp vô tuyến mạnh.

Radar được tích hợp hệ thống kiểm soát hoạt động và xác định hỏng hóc.



Phóng thử nghiệm tên lửa Akash.


Trạm điều khiển điều phối hoạt động của tất cả các thành phần thuộc tổ hợp tên lửa phòng không; tiến hành thu thập, xử lý thông tin nhận được từ radar Rajendra và bệ pháo tự hành; bám đến 64 mục tiêu đồng thời; đánh giá mức độ nguy cơ; xử lý các dữ liệu bắn và điều khiển tên lửa…

Quá trình hoạt động tác chiến được tự động hóa tối đa nhờ vào việc sử dụng tổ hợp máy tính kỹ thuật số siêu nhanh, kết nối với các vị trí làm việc của chỉ huy và trắc thủ. Trạm điều khiển có thể làm việc độc lập hoặc trong chế độ tập trung.

Một đơn vị vận hành tổ hợp tên lửa phòng không Akash (cấp đại đội), được trang bị 4 bệ phóng, 1 trạm radar đa năng Rajendra và trạm điều khiển. Đại đội này có thể thuộc thành phần tiểu đoàn hoặc tác chiến độc lập.

Tiểu đoàn – đơn vị chiến thuật chính của tổ hợp, gồm 8 đại đội hỏa lực. Khi tác chiến độc lập, đại đội sẽ được bổ sung thêm radar 2 tọa độ quan sát trên không.

Các đặc tính kỹ - chiến thuật:

Cự ly bắn tối đa: 27km
Cự ly bắn tối thiểu: 3km
Vận tốc tối đa của mục tiêu: 700m/s
Số lượng các mục tiêu bắn đồng thời: 4
Thời gian phản ứng: 15 giây
Trọng lượng của tên lửa: 700kg

[BDV news]


>> ‘Leopad 2A7+’ biến Trung Đông thành chảo lửa?



Cuối tháng 6/2011, trong một cuộc họp kín Hội đồng An ninh Liên bang Đức đã thông qua quyết định bán cho Arab Saudi hơn 200 xe tăng Leopad 2A7+.


Quyết định này đã bị chỉ trích gay gắt không chỉ từ phe đối lập trước hết là Đảng Đối lập Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng Xanh mà còn từ phía các thành viên của các Đảng cầm quyền CDU/CSU và FDP.

Như vậy, tương lai của hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD vẫn còn là một đám mây mù, tuy nhiên một trong các nguồn tin thân cận từ Chính phủ Arab Saudi cho biết, tối thiểu nước này sẽ nhận được 44 xe tăng từ Đức. Còn về phần mình, Chính phủ Đức hiếm khi đưa ra bình luận về sự kiện trên.

Mới đây, Tạp chí Spiegel cho hay Đức đã đồng ý bán cho Arab Saudi các xe tăng mới nhất của nước này Leopad 2A7+.

Tạp chí khẳng định, với việc thông qua hợp đồng, Chính phủ Đức đã từ bỏ chính sách vốn bị “trì trệ” kéo dài trong hàng chục năm gần đây (không cung cấp cho Hoàng gia Arab Saudi các loại vũ khí hạng nặng).




Mới đây, Chính phủ Đức đã quyết định bán hơn 200 xe tăng Leopard 2A7+ cho Arab Saudi

Quan hệ địa chính trị phức tạp

Riyadh quan tâm đến Leopard từ đầu những năm 1980. Tuy nhiên, Chính phủ Đức lúc đó, dưới sự cầm quyền của ông Helmut Schmidt đã từ chối cung cấp lô hàng này cho Arab Saudi một phần vì quan ngại cho “số phận” của Israel. Trong giai đoạn này, Arab Saudi có thái độ chống Nhà nước Do Thái.

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran, gia đình Hoàng gia Arab Saudi lo ngại, tinh thần cách mạng Hồi giáo dòng Shiite từ Iran sẽ tràn sang Arab Saudi, trọng tâm là khu vực phía đông, nơi đang tiến hành khai thác dầu mỏ.

Đồng thời, Mỹ cũng muốn có đồng minh thân cận mới cho mình tại khu vực Vịnh Ba Tư. Sự lựa chọn này chính là Arab Saudi. Chính vì vậy, 2 nước đã có mối quan hệ kinh tế và chính trị khá thân thiết chặt chẽ. Arab Saudinày chuyển nhượng dầu cho các Công ty Standard Oil và Texas Oil của Mỹ.



Quyết định bán xe tăng Leopard 2A7+ của Chính phủ Đức đang gây nhiều dư luận trái chiều


Đến năm 1980 ở Arab Saudi có khoảng 300.000 chuyên gia quân sự Mỹ. Quân đội nước này đã được hiện đại hóa đến tận gốc, các cơ sở hạ tầng quốc phòng được xây dựng. Năm 1981, Mỹ đã đồng ý bán cho Arab Saudi 5 máy bay cảnh báo sớm đường không AWACS trị giá 5,5 tỷ USD.

Trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh (năm 1990), theo yêu cầu của vua Fahd, 200.000 quân đội Mỹ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu đã được điều đến Arab Saudi. Những người truyền đạo ở Mecca viết rằng: “Iraq đánh chiếm Kuwait, Mỹ đánh chiếm Arab Saudi”.

Trong các điều kiện này, cần phải nhận thấy rằng Arab Saudi có khuynh hướng đối đầu với Israel là không thể. Ngược lại, Arab Saudi và Israel có kẻ thù chung là Iran và mối nguy cơ chung là dòng Shiite ở các nước Iran, Iraq và Hezbolla của Lebanon.

Tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn sau quyết định cuối cùng về việc Mỹ rút quân khỏi Iraq: Đất nước mà sau khi lật đổ Saddam Hussein đã đặt dưới sự kiểm soát của đa số người dòng Shiite, có thể chịu sự ảnh hưởng của Iran.

Chính trường Đức bất đồng vì hợp đồng bán Leopard

Về vấn đề này, nhiều nhà quan sát Đức nhận thấy, Arab Saudi cần các xe tăng mới không phải để chống lại Israel mà là phòng thủ trước mối nguy cơ tiềm tàng là Iran. Nếu xét đến sự cô lập và trừng phạt quốc tế nhằm ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Iran thì “hành động” Đức bán hơn 200 xe tăng mới cho Arab Saudi được phương Tây coi là chính đáng và hợp pháp.

Việc phản đối có thể giải thích bằng các cuộc đấu tranh cụ thể giữa các Tập đoàn quốc phòng vì thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nhiều nhà chính trị Đức cho rằng, hiện nay chính phủ của họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tổng thư ký SPD, bà Andrea Nales tuyên bố rằng, hợp đồng cung cấp Leopad không có điều gì chung với chính sách đối ngoại trên cơ sở giá trị dân chủ. Theo lời bà, Arab Saudi đang ở tâm điểm khu vực có nguy cơ bùng nổ và “không nhất thiết phải mang que diêm cháy đặt cạnh thùng thuốc nổ”.

Chuyên gia phụ trách vấn đề đối ngoại thuộc SPD cho rằng, Đức không cần phải bán vũ khí (xe tăng) cho chế độ ở Arab Saudi bởi họ có thể sử dụng các cỗ máy tác chiến này chế áp các cuộc biểu tình của nhân dân.

Đồng Chủ tịch Đảng Xanh Claudia Roth gọi hợp đồng này “thảm họa” đối với chính sách đối ngoại của Đức. Chính vì vậy, Đảng SPD và Đảng Xanh đã yêu cầu cuộc điều trần quốc hội về vấn đề này.


Có thể nói rằng, vũ trang hóa cho Arab Saudi trước ngưỡng cửa có thể xảy ra cuộc xung đột quân sự với Iran là hết sức quan ngại ở Trung Đông


Trong Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel có nhiều người ủng hộ chống lại cáo buộc trên nhưng cũng có người lại im lặng.

Ngoại trưởng Đức Westerwelle tuyên bố, Hội đồng An ninh Liên bang (gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, những người đứng đầu các Bộ, Ngành…) đã xem xét hợp đồng với Arab Saudi khá khiêm túc và tính đến các vấn đề không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm dân sự.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Stefan Seibert từ chối tiết lộ bất kỳ các chi tiết nào liên quan đến việc cung cấp Leopard cho Arab Saudi với những lý do riêng. Ông chỉ cho biết, thực hiện hợp đồng này Chính phủ Đức đã tính đến các lợi ích của Israel và hứa sẽ thông báo trong bản báo cáo thường niên về xuất khẩu vũ khí của chính phủ nếu hợp đồng này thành công.

Chính phủ và các nhà bình luận tranh cãi rất gay gắt với những quan điểm khác biệt. Lực lượng đối lập tỏ ra quan ngại cho an ninh của Israel, đồng thời cho rằng, việc cung cấp xe tăng cho Chính phủ Arab Saudi giúp nước này đối phó với “mùa xuân Arab” tại Bahrain, tiếp tay cho chính phủ Bahrrain đàn áp người biểu tình đòi thay đổi chính trị.

Hãng tin Reuters cho biết, những người đứng đầu phe CDU/CSU chiều ngày 4/7 đã tổ chức một cuộc họp kín bày tỏ quan điểm chống lại việc bán xe tăng cho Arab Saudi bởi họ cho rằng, vấn đề này cần phải phải tính đến nhân quyền.

Tuy nhiên, nhà bình luận Welt Clemens Wergin cho rằng, việc cung cấp xe tăng cho Arab Saudi có thể sẽ kìm hãm cuộc chạy đua hạt nhân tại Vịnh Ba Tư. “Có thể tránh được các cuộc chạy đua vũ trang nếu giúp Arab Saudi tiến hành chính sách đe dọa nhờ sự vượt trội áp đảo về các loại vũ khí thông thường”, nhà bình luận Clemens Wergin nói.

Cuối tháng 6/2011, Hoàng tử Turki al-Faisal ám chỉ Arab Saudi không thể cho phép mình thiếu các phương tiện kiềm chế các trường hợp Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trợ lý của Hoàng tử Turki al-Faisal trả lời phỏng vấn của báo The Guardian (Anh) nói: “Chúng tôi không cho phép nước mình lâm vào tình trạng thụ động, khi Iran có bom mà chúng tôi không có”.

Các đặc tính của Leopard 2A7+

Dài 10,97m, rộng 4m, cao 2,64m; Công suất động cơ: 1.500 mã lực; Vận tốc: 72km/h;
Phạm vi hoạt động: 450km; Vũ khí: pháo nòng trơn 120mm L55, súng máy 12,7mm hoặc súng phóng lựu 40mm, súng máy đồng trục 7,62mm;
Cự ly tiêu diệt mục tiêu khi hành tiến: 2.500m; Kíp xe: 4 người;


[BDV news]


>> Nghệ thuật quân sự hải quân (kỳ 4)



Sự phát triển tiếp theo của Hải quân đã gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, tiềm lực kinh tế.



Theo đó, khoa học quân sự đã hình thành các lực lượng hải quân tác chiến trên biển xa và đại dương, được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và các loại vũ khí có khả năng hủy diệt lớn. Hạm đội đã trở thành lực lượng tác chiến chiến lược, có thể thực hiện một cuộc chiến tranh hạn chế và xung đột khu vực.


Lực lượng chủ lực của Hải quân xô viết bao gồm các tàu ngầm nguyên tử và không quân hải quân, được trang bị chủ yếu là tên lửa và ngư lôi hiện đại. Trong ảnh, tuần dương hạm tên lửa Moscow thuộc Hạm đội Biển Đen.


Sự phát triển của khoa học công nghệ quân sự tiên tiến, đặc biệt là tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với các đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học và nhiệt áp đã làm thay đổi căn bản nghệ thuật quân sự hải quân, hạm đội có thể tấn công đối phương trên toàn bộ diện tích lãnh thổ, tấn công các hạm tàu trên nhiều điểm khác nhau, tấn công các căn cứ hải quân với khoảng cách đến hàng ngàn km, các đòn tấn công của hạm đội có khả năng tiêu diệt các mục tiêu chiến lược của đối phương và các mục tiêu trong hải chiến tầm xa.

Nghệ thuật quân sự hải quân đã mang ý nghĩa chiến lược trong sử dụng hạm đội, đồng thời mang ý nghĩa chiến dịch trong xung đột khu vực, đấu tranh vũ trang trên biển. Những phương thức chiến thuật và kỹ thuật tác chiến mới được hình thành và phát triển trong nội dung chiến dịch sử dụng binh chủng hợp thành: binh chủng tàu ngầm có trang bị tên lửa và ngư lôi, không quân hải quân, các chiến hạm nổi các lớp từ tuần dương, khu trục, tàu phóng lôi, rải và quét mìn,…các đơn vị hải quân đánh bộ, lính thủy đánh bộ trong các chiến dịch và các trận hải chiến.

Đồng thời các giải pháp mới cũng được triển khai nhằm duy trì và phát triển sức mạnh của hải quân, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng đánh chặn mọi cuộc tấn công của kẻ thù, hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật mà nhà nước, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giao phó.

Nét đặc sắc trong quan điểm tác chiến hải quân Anh, Mỹ

Nghệ thuật quân sự hải quân của các hạm đội Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác, trọng tâm được chú ý đến là những phương án, kỹ chiến thuật tác chiến biển sâu của các tàu ngầm, những phương án kỹ chiến thuật tấn công từ tàu sân bay trong một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực hoặc hạn chế, đồng thời xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột khu vực.

Các chuyên gia hải quân có quan điểm cho rằng, kết quả của các nhiệm vụ tác chiến trên biển và đại dương phụ thuộc vào hiệu quả chiến đấu chống ngầm, do đó, Anh, Mỹ và các nước trong khối NATO tập trung vào nghiên cứu phương pháp đấu tranh chống các tàu ngầm nguyên tử, có trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Phương án tác chiến là triển khai các chiến dịch lớn với các loại vũ khí trang bị của hạm đội trên các tuyến chiến đấu chống tàu ngầm hoặc các khu vực tàu ngầm đối phương triển khai sẵn sàng chiến đấu. Không gian hải chiến chống tàu ngầm sẽ được diễn ra tại các khu vực tác chiến nhiều chiều, trên không, trên biển, đại dương và cuộc săn đuổi của các tàu ngầm.



Mô phỏng chiến trường săn đuổi và chống ngầm.


Ngày nay, các cường quốc quân sự hải dương rất quan tâm đến các đòn tấn công hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc nhiệt áp vào các căn cứ hải quân, tàu ngầm đối phương.

Không quân hải quân triển khai các hoạt động tác chiến, tiến hành chống ngầm trên khu vực tàu ngầm đối phương tiến ra biển hoặc trong khu vực có sử dụng lực lượng tác chiến hiệp đồng không - hải quân.

Lực lượng hải quân Mỹ xây dựng các đơn vị chuyên trách chống ngầm, các lực lượng này có thể tác chiến trong khu vực xảy ra hải chiến, hoặc tác chiến phục kích, tập kích chiến lược ngay tại vùng vịnh , cửa biển của đối phương.



Mô phỏng hệ thống phòng thủ biển của Hải quân Trung Quốc.


Như vậy, quá trình lịch sử phát triển của nghệ thuật quân sự hải quân cho thấy, lực lượng Hải quân từ nhiệm vụ yểm trợ và tác chiến độc lập, đã hình thành lực lượng tác chiến mang tính chiến lược, chiến lược hải quân thời bình và thời chiến phản ánh trung thành đường lối chính trị của quốc gia, dân tộc với mục tiêu phát triển và bảo vệ lợi ích biển, đại dương.

Chiến lược phát triển và sử dụng hải quân phụ thuộc vào đường lối phát triển kinh tế và đối ngoại, nhưng có ý nghĩa quyết định trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của quốc gia.

[BDV news]


>> Trung Quốc là đối tượng chiến lược quân sự của Australia



Chiến lược quân sự của Australia chuyển hướng tập trung về phía tây bắc, với mục đích bảo vệ khu vực biển nhiều dầu mỏ và chuẩn bị sẵn nếu phải đối đầu với Trung Quốc.


Bộ trưởng bộ quốc phòng Australia Stephen Smith đã tuyên bố kế hoạch đánh giá lại học thuyết quân sự và cho biết những nguy cơ mới sẽ quyết định khí tài quân sự mà quốc gia này sẽ mua.

Theo tờ Herald của New Zealand, Australia đang mua máy bay chiến đấu, tầu đổ bộ tấn công cỡ lớn.

“Tất cả những nguy cơ và đe dọa an ninh đều đến từ phía bắc, khi mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương cũng đang tăng lên. Trong Thế chiến thứ 2, chúng tôi xếp Townsvill, Cairns, Darwin và Perth là phòng tuyến thứ hai. Nhưng điều đó không còn phù hợp trong hiện tại”, ông Smith phát biểu.

Một trong những mục đích quan trọng nhất của quân đội Australia hiện nay là bảo vệ trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên ở bờ biển phía tây bắc và chống khủng bố tại biển Timor.

Dự kiến, Australia sẽ đầu tư 245 tỷ USD để khai thác trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên khổng lồ này.



Vùng biển phía tây bắc của Australia chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt.


Nhiệm vụ lớn tiếp theo là giám sát sức mạnh quân sự của Hải quân Trung Quốc. Bởi gần đây, nước này có thái độ bành trướng và áp đặt đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa, khiến cho giới chức quân sự Australia lo lắng, nguồn tin thông báo.

Những hành động gây hấn của Trung Quốc khiến các quốc gia khác cùng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa như Việt Nam, Malaysia, Bruinei, Philippine sẽ được lưu ý trong quá trình đánh giá lại chiến lược quân sự của Australia.

[Vitinfo news]


>> Sức mạnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga



Ra đời sớm nhất trong các hạm đội thuộc Hải quân Nga, với trang thiết bị vũ khí ngày càng hiện đại, Hạm đội Thái Bình Dương được coi là lực lượng cơ động chiến lược.


Lực lượng này sẽ giúp Moskva duy trì lợi ích và tăng cường ảnh hưởng đối với châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 21/5/1731, Thượng viện Nga quyết định thành lập đội tàu quân sự tại cảng Okhotsk với nhiệm vụ ban đầu là bảo vệ bờ biển, hải đảo và thám hiểm ở vùng Viễn Đông. Đây chính là tiền thân của Hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh ngày nay.

Vươn dài ảnh hưởng

Căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương hiện đặt tại Vladivostok. Dù chủ yếu đứng chân trên địa bàn châu Á – Thái Bình Dương, nhưng có thể nói nhiệm vụ của Hạm đội Thái Bình Dương được xác định rõ ràng trên phạm vi toàn cầu.

Thứ nhất, duy trì lực lượng hạt nhân chiến lược luôn ở tình trạng sẵn sàng cho hành động răn đe.
Thứ 2, bảo vệ các khu kinh tế và trung tâm công nghiệp, chặn đứng những hoạt động phi pháp.
Thứ 3, đảm bảo an toàn giao thông hàng hải.
Thứ 4, triển khai các hoạt động mang tính đối ngoại của Chính phủ trên các vùng biển thế giới như tham gia tập trận chung quốc tế, gìn giữ hòa bình...

Trong chương trình hiện đại hóa quốc phòng đầy tham vọng với tổng ngân sách 650 tỷ USD vừa được Moskva công bố tháng 3 vừa qua, Hạm đội Thái Bình Dương được nhận tới ¼ ngân sách mua sắm trang thiết bị.

Theo đánh giá của giới phân tích, một trong những lý do Nga bỏ tiền hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương là muốn chứng tỏ rằng họ vẫn có lợi ích quốc gia ở những khu vực địa chiến lược thuộc châu Á – Thái Bình Dương.



Hải quân Nga tập trận ở Thái Bình Dương.


Thực tế cho thấy: Hạm đội Thái Bình Dương được đặc biệt quan tâm để vươn dài tầm ảnh hưởng của Moskva không chỉ ở châu Á – Thái Bình Dương mà trên toàn cầu. Vì thế, tính đến tháng 5/2010, hạm đội này đã được biên chế các đội tàu hiện đại và hùng mạnh nhất: 3 tàu ngầm nguyên tử tuần dương mang tên lửa chiến lược, 5 tầu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình, 8 tầu ngầm thông thường (trong đó có 6 tầu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636), 1 tầu tuần dương mang tên lửa điều khiển Varyag, 2 tầu tuần dương, 8 tầu khu trục lớn, 7 tầu tên lửa nhỏ và 32 tầu chiến hoạt động gần bờ...

Ngày 27/3, hãng tin RIA còn loan báo rằng: tuần dương hạm mang tên lửa hành trình Ustinov của Hạm đội phương Bắc năm 2013 có thể được chuyển đến Hạm đội Thái Bình Dương nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Không quân hải quân trong biên chế của hạm đội Thái Bình Dương có các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3, Tu-142 Bear F, tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới hiện nay MiG-31 và các loại máy bay chống ngầm như Ka-27 Helix D, Ka-31 May và máy bay IL-38. Phòng không trên bờ là những tên lửa S-300P hiện đại.

Những “quả đấm thép"

Với khả năng bí mật và triển khai nhanh chóng, tấn công mạnh mẽ và bất ngờ từ dưới đại dương đến các mục tiêu trên biển và đất liền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đội tầu ngầm nguyên tử được coi là “quả đấm” thép của hạm đội.

Chúng được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, hệ thống định vị sonar cực mạnh và vũ khí có độ chính xác cao. Đội tàu này liên tục có mặt ở những vùng biển khác nhau trên đại dương, sẵn sàng tác chiến ngay lập tức như một mũi chủ công chiến lược.



Tàu ngầm mang tên lửa chiến lược Petropavlovlovsk.



Trong số đó, tàu ngầm tuần dương mang tên lửa chiến lược Petropavlovlovsk là tàu ngầm nguyên tử thế hệ thứ 2 thuộc dự án 667BDR Kalmar.

Được đưa vào biên chế trong hạm đội từ năm 1979, với thủy thủ đoàn 130 người, tàu Petropavlovlovsk có thể hoạt động ở tốc độ 14 hải lý/giờ trên mặt nước và 24 hải lý/giờ dưới nước, với độ sâu tối đa 560m và liên tục trong 90 ngày.

Vũ khí cơ bản trên tàu là 16 quả ngư lôi hoặc 24 quả mìn, 16 thiết bị phóng tên lửa đạn đạo R-29P (PCM-50) và 2 tổ hợp tên lửa phòng không Strela-2M.

Còn tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 có nhiệm vụ chống tàu chiến và chống tàu ngầm ở những vùng biển nước nông. Loại tàu ngầm, chuẩn bị được biên chế trong Hải quân Nhân dân Việt Nam, này được ví như “sát thủ vô hình” dưới biển, bởi nó là một trong những loại tàu ngầm diesel êm nhất thế giới. Nó có thể phát hiện ra một tàu ngầm khác ở khoảng cách xa gấp 3-4 lần trước khi bị đối phương phát hiện.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch biên chế tàu ngầm đầu tiên thuộc dự án 955 “Yuri Dolgoruky” cho Hạm đội Thái Bình Dương. Đây là tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại nhất Bulava. Sau lần phóng thử thành công thứ 15 gần đây, Bulava đã được quyết định sản xuất hàng loạt.

Biểu tượng sức mạnh

Trong lực lượng tàu mặt nước hùng hậu của Hạm đội TBD đáng gờm nhất là kỳ hạm Varyag mang tên lửa có điều khiển. Được coi là biểu tượng sức mạnh trên mặt biển không chỉ của hạm đội mà còn cả hải quân Nga, Varyag bắt đầu phục vụ tại Hạm đội Thái Bình Dương năm 2008.



Kỳ hạm Varyag.



Với tư cách là chiến hạm hạng nhất, tàu được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh và đầy uy lực: tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt cải tiến (SS-N-12 Sandbox theo NTAO) tầm bắn lên đến 550km, tên lửa được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động.

Các tham số về mục tiêu trong hành trình bay được hiệu chỉnh thông qua việc kết nối dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B.

Không những thế, Varyag còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại S-300F với số lượng lên đến 64 quả. Hệ thống tên lửa này có khả năng chống nhiễu cao và tiêu diệt máy bay ở cự ly 200km, tên lửa đạn đạo ở 40km.

Ngoài ra còn có một số tên lửa đối không phản ứng nhanh, pháo hạm đa năng, pháo siêu nhanh, hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800, radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA và một số hệ thống điện tử hiện đại khác.
Hải quân Nga là một trong lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới với hơn 140.000 quân nhân và 600 tàu chiến. Chiến lược mới của Hải quân Nga là tập trung ngân sách cho việc mua sắm trang bị theo hướng loại bỏ các tàu mặt nước quá cũ, tăng cường khả năng chiến đấu của các tàu tuần dương hạng nặng chạy bằng động cơ hạt nhân mang tên lửa chiến lược (TARKR), tàu ngầm chiến lược...

[BDV news]


>> 'Đặc nhiệm lục quân', niềm tự hào của Hàn Quốc



Trong hàng chục thập kỷ gần đây, Seoul đã thành lập nhiều đơn vị tác chiến đặc biệt thuộc vào dạng tinh nhuệ nhất thế giới. Một trong các lực lượng này của Hàn Quốc đầu tiên phải kể đến lực lượng đặc nhiệm lục quân.


Lịch sử thành lập

Đơn vị đặc nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập trong những năm 1950, được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc.

Thời gian đầu, đây là một đơn vị dù đặc nhiệm bí mật, có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động “luồn sâu” vào hậu phương của Triều Tiên, tiến hành đột và biệt kích, cũng như thu thập các tin tức tình báo.



Lực lượng đặc nhiệm lục quân Hàn Quốc được coi là một trong những lực lượng tác chiến tinh nhuệ nhất thế giới


Đến năm 1958, đơn vị này và một số đơn vị khác (được thành lập trong những năm chiến tranh) được biên chế trong thành phần của trung đoàn đổ bộ dù.

Sau đó, vào năm 1972 dưới sự huấn luyện của Mỹ, binh đoàn đặc nhiệm thường trực đã được thành lập. Binh đoàn này gồm Lữ đoàn dù 1,5 và 3 tiểu đoàn đột kích. Một vài trong số các đơn vị này cùng với các binh lính Mỹ đã tham gia chiến tranh tại Việt Nam.

Giữa những năm 1970, các đơn vị đột kích và lữ đoàn dù đã hợp nhất thành lữ đoàn đặc nhiệm. Sau đó, do xung đột giữa hai miền Triều Tiên nên quân số của lực lượng đặc nhiệm nước này tăng đáng kể.

Thành phần

Hiện nay, trong thành phần lực lượng tác chiến đặc biệt lục quân của Hàn Quốc có Bộ Tham mưu; Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt; các lữ đoàn đặc nhiệm1,3,5,7,9, 13. Lực lượng này có cơ cấu tổ chức thống nhất tương tự lực lượng tác chiến lục quân Mỹ.



Lực lượng này còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh nhân các sự kiện quan trọng của đất nước


Lữ đoàn đặc nhiệm lục quân gồm Bộ tham mưu, Đại đội Tham mưu, 5 Tiểu đoàn đặc nhiệm. Mỗi Tiểu đoàn gồm một vài đại đội đặc nhiệm và các nhóm yểm trợ. Số lượng nhân sự tối thiểu trong 1 đơn vị đặc nhiệm là 12 người.

Nhiệm vụ

Các lữ đoàn được giao các nhiệm vụ khá cụ thể. Lữ đoàn 1,3,5 được coi là các lữ đoàn chiến lược, có nhiệm vụ “luồn sâu” vào hậu phương đối phương. Lữ đoàn 1 đồn trú tại Kimpo, Lữ đoàn 3 – Songame, Lữ đoàn 5 – Inchon.

Lính của Lữ đoàn 1 chuyên thực hiện nhiệm vụ “luồn sâu” vào hậu phương địch bằng phương thức đổ bộ đường không và được đào tạo các kỹ thuật nhảy dù được giới thiệu là điêu luyện.



Để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, lực lượng đặc nhiệm lục quân được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất


Lữ đoàn 3 thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên bộ. Lính của Lữ đoàn 3 có khả năng vượt qua vật cản và chiến hào trên mặt trận. Lữ đoàn 5 “luồn sâu” vào hậu phương địch bằng đường biển.

4 lữ đoàn còn lại được coi là các lữ đoàn chiến thuật, có nhiệm vụ yểm trợ các đơn vị bộ đội thông thường. Các lữ đoàn này được sử dụng trong trường hợp đánh chiếm lãnh thổ của địch và tổ chức đánh du kích trong hậu phương địch.




Huấn luyện trong môi trường hết sức khắc nghiệt

Huấn luyện

Các lữ đoàn được bổ sung lính nghĩa vụ và lính tình nguyện. Lính đặc nhiệm lục quân Hàn Quốc hiện nay được đào tạo và huấn luyện các chương trình tương tự chương trình đào tạo của Mỹ.

Lính đặc nhiệm lục quân Hàn Quốc được luyện tập và huấn luyện chung với lính đặc nhiệm lục quân Mỹ, cũng như phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp Mỹ trong quá trình huấn luyện.

Giáo viên huấn luyện cũng là những người thuộc các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ. Học viên được huấn luyện theo các chương trình đặc biệt trong môi trường rất khắc nghiệt.

Tại trường huấn luyện đặc biệt (Seoul), lính đặc nhiệm được huấn luyện theo chương trình gồm các bài tập nhảy dù, lặn và các chương trình đặc biệt khác.

Chương trình huấn luyện đột kích cũng được huấn luyện tại trường này và trường bộ binh Hàn Quốc. Mỗi sư đoàn bộ binh đều có 1 tiểu đoàn trinh sát. Lính trinh sát thuộc tiểu đoàn này được huấn luyện các bài tập đổ bộ đường không và đột kích.


[BDV news]


Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

>> 'Chim già' trong Không quân Trung Quốc hiện đại



Không quân Trung Quốc hiện tại ngày càng được bổ sung nhiều thế hệ chiến đấu cơ hiện đại nhưng như thế là chưa đủ đối với quốc gia rộng lớn.

Vì vậy, họ bắt buộc phải duy trì đội ngũ phi cơ chế tạo theo công nghệ cũ cách đây 30-40 năm.

Những phi đội chiến đấu cơ đó là điển hình cho công nghệ sao chép của Trung Quốc. Các máy bay tiêm kích hạng nhẹ J-7, J-8, cường kích Q-5 và máy bay ném bom chiến lược H-6 đều dựa theo thiết kế của Liên Xô từ những năm 1950-1960.

Dù Trung Quốc cố gắng phát triển biến thể cải tiến tích hợp thiết bị hiện đại nhưng cơ bản vẫn phải dựa trên nền tảng cũ.

Dưới đây là một số hình ảnh "con chim già" hoạt động trong Không quân Trung Quốc:



Chiếm số lượng đông đảo nhất trong kho "hàng cũ" của Không quân Trung Quốc là máy bay tiêm kích hạng nhẹ J-7 (khoảng 500-700 chiếc). J-7 là thiết kế sao chép công nghệ từ mẫu MiG-21 của Liên Xô ra đời giữa những năm 1960.


Trong ảnh là chiếc J-7II - biến thể được sản xuất số lượng lớn trong dòng J-7 và được dùng làm nền tảng phát triển các mẫu tiếp sau của J-7.



Tiêm kích hạng nhẹ chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết J-7C thiết kế dựa theo mẫu MiG-21MF của Liên Xô.


J-7C là một trong những biến thể thất bại của dòng J-7, khi mà radar kiểm soát hỏa lực JL-7A không đáng tin cậy và mất tính cơ động do việc sửa đổi quá nhiều cấu trúc thân làm tăng trọng lượng máy bay.

Ngày nay, trong biên chế Không quân Trung Quốc chỉ có 20-30 chiếc hoạt động thuộc sư đoàn không quân số 15 đóng ở tỉnh Hà Bắc.



Sau sự thất bại của J-7C, Trung Quốc tiếp tục khắc phục các yếu kém đó bằng việc cho ra đời biến thể J-7D tích hợp radar kiểm soát hỏa lực JL-7A và mang tên lửa đối không tầm ngắn thế hệ mới.


Tiêm kích J-7D bắt đầu được sản xuất cuối năm 1994 tới năm 1999 thì dừng. Hiện nay, trong biên chế Không quân Trung Quốc chỉ có khoảng 20-30 chiếc loại này.



Biến thế J-7E đại diện cho thế hệ thứ 3 của "đại gia đình J-7". Biến thể này ra đời vào đầu những năm 1990, thiết kế hoàn toàn dựa theo khung thân J-7II có bổ sung cải tiến hệ thống điện tử hàng không và biến đổi phần cánh.


Về khả năng chiến đấu của J-7E không có nhiều điểm thay đổi lớn so với các biến thể trước, nó vẫn có nhiệm vụ chính là tiêm kích đánh chặn với 4 quả tên lửa không đối không tầm ngắn. Khả năng tấn công mặt đất hạn chế với bom và rocket.

Dây chuyền sản xuất J-7E chấm dứt năm 2002 và không rõ số lượng chế tạo.



Biến thể tiêm kích đánh chặn J-7G là mẫu cải tiến mới nhất và là cuối cùng của gia đình J-7. Cơ bản, J-7G mang đặc điểm tương tự trong thiết kế giống J-7E, có chăng là thay đổi thiết bị điện tử.


Tiêm kích J-7G bay lần đầu tháng 6/2002 và chính thức đi vào phục vụ trong Không quân Trung Quốc năm 2004. Tính tới tháng 11/2006 có 48 chiếc J-7G được chuyển giao cho không quân.



Đại diện tiếp theo trong "phi đội chim già" là máy bay cường kích Q-5 với 40 năm tuổi. Q-5 thiết kế dựa theo khung thân của tiêm kích hạng nhẹ J-6 (Trung Quốc sao chép Mig-19 của Liên Xô). Phần cánh và đuôi Q-5 tương tự J-6 trong khi cửa hút khí ở mũi máy bay chuyển sang hai bên thân.


Q-5 chế tạo với 10 giá treo mang được 2.000kg vũ khí các loại (bom và rocket không điều khiển). Hệ thống điện tử ban đầu khá "thô sơ", tiếp tục cải tiến trong những biến thể tiếp sau.

Trong quá trình phát triển biến thể cải tiến Q-5 thì Trung Quốc có sự hợp tác với một số nước phương Tây. Hầu hết, các nước này trợ giúp Trung Quốc trang bị hệ thống điện tử hàng không mới cho máy bay. Tuy nhiên, sự kiện Thiên An Môn 1989 đã chấm dứt tất cả các dự án đó.



Những chiếc máy bay cường kích Q-5 được sản xuất theo công nghệ quá cũ, Trung Quốc từng có ý định thay thế nhưng không thành công. Họ tiếp tục dùng công nghệ nội địa cải tiến khả năng ném bom của Q-5.


Trong ảnh là biến thể Q-5 có khả năng mang vũ khí dẫn đường chính xác cao. Những chiếc Q-5 này đang phục vụ trong sư đoàn không quân số 5.



Tiêm kích đánh chặn J-8 là phiên bản mở rộng của J-7 được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực. J-8 ra đời theo nhu cầu của giới lãnh đạo Quân đội Trung Quốc khi đó cho rằng tiêm kích J-7 không có khả năng đánh chặn hiệu quả máy bay ném bom tầm cao của Liên Xô và Mỹ.


Giới chức Trung Quốc đề ra mục tiêu có loại máy bay tiêm kích mạnh có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,2, trần bay 20.000 mét, bán kính chiến đấu 750-1.000km, mang được tên lửa đối không tầm trung.

Tuy nhiên, mục tiêu đề ra là một chuyện nhưng công nghệ có đáp ứng được không lại là chuyện khác. Thời điểm những năm 1970-1980, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn còn lạc hậu chưa thể theo kịp mục tiêu đặt ra cho thiết kế J-8. Radar kiểm soát hỏa lực mới, pháo và tên lửa dự kiến trang bị không thể hoàn thành kịp. Trung Quốc chấp nhận dùng công nghệ cũ hơn để tích hợp vào J-8.

J-8 không cải thiện khả năng chiến đấu tốt hơn so với J-7. Ngày nay, chỉ còn một số lượng rất nhỏ J-8 còn phục vụ trong Không quân Trung Quốc.



Trên ảnh là tiêm kích đánh chặn J-8II - thiết kế rút kinh nghiệm từ mẫu J-8 vào đầu những năm 1980. Thời điểm này, mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên "thân thiện" nên mục tiêu dành cho J-8II chỉ là đối phó với các máy bay ném bom chiến lược tầm cao của Liên Xô.


Thất bại J-8 giúp cho Trung Quốc rút ra nhiều kinh nghiệm cho quá trình phát triển J-8II. J-8II ngày nay phục vụ tích cực trong cả Không quân và Hải quân Trung Quốc, và là một trong các chiến đấu cơ chủ lực của nước này.

J-8II ngoài vai trò tiêm kích đánh chặn còn có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất. Ở các biến thể cải tiến hiện đại, J-8II mang được vũ khí dẫn đường chính xác cao.



Đứng sau J-7 về tuổi già là máy bay ném bom tầm trung H-6 với 40 năm phục vụ. H-6 là thiết kế Trung Quốc sao chép công nghệ máy bay Tu-16 của Liên Xô. Suốt từ thời điểm bắt đầu hoạt động trong Không Quân Trung Quốc cho tới tận ngày nay, H-6 luôn là máy bay ném bom chiến lược chủ lực của Trung Quốc.


Máy bay ném bom H-6 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cho phép đạt tốc độ tối đa 1.050km/h, tầm bay 6.000km (bán kính chiến đấu 1.800km), trần bay trên 12.000m. Trọng lượng tải bom của H-6 khoảng 9.000kg, biến thể cải tiến sau này có thể mang thêm tên lửa không đối đất, không đối hạm.

Trung Quốc tiến hành phát triển nhiều biến thể H-6 với các mục đích khác nhau như tuần thám biển, tiếp dầu trên không, trinh sát.



Trong ảnh là máy bay ném bom chiến lược H-6M thiết kế dành cho lực lượng Không quân thuộc Hải quân Trung Quốc. H-6M chế tạo với 4 giá treo trên cánh mang tên lửa hành trình đối hạm YJ-81 hoặc nó có thể sử dụng khoang bom mang tên lửa hành trình đối đất KD-88 nếu cần.




Nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược H-6K - biến thể mới nhất và có lẽ là cuối cùng của dòng H-6.


H-6K có một vài cải tiến gồm: chế tạo với 6 giá treo mang tên lửa hành trình trên cánh, dùng mũi cứng thay vì mũi "buồng kính" như các biến thế trước, sử dụng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy D-30PK...

H-6K cất cánh lần đầu tiên tháng 1/2007. Cho tới thời điểm hiện tại không rõ tình trạng của H-6K vẫn đang thử nghiệm hay được trang bị. Tuy nhiên, dự án H-6K không nhận được sự hỗ trợ của Quân đội Trung Quốc mà được rót vốn hoàn toàn là từ "cá nhân" của Tập đoàn Tây An.

Dự kiến, máy bay ném bom H-6 tiếp tục phục vụ dài lâu tới ngoài năm 2015.

[BDV news]


>> Nghệ thuật quân sự hải quân (kỳ 3)



Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp tư bản, khoa học công nghệ, kỹ thuật quân sự cũng cho phép hoàn thiện cấu trúc thân tàu chiến, hệ thống điều khiển buồm và pháo hạm.

>> Nghệ thuật quân sự hải quân (kỳ 2)

Kinh nghiệm của chiến tranh Crưm 1853 – 1856 đã chứng minh sự vượt trội của tàu hơi nước so với tàu buồm trong tác chiến vận động trên biển.

Nửa cuối thế kỷ 19 Anh, Pháp, Mỹ đã chế tạo các tàu chiến hơi nước và bọc thép. Lực lượng tấn công chủ lực của hạm đội là tàu hơi nước với giáp thép và pháo binh hạng nặng. Thời kỳ này cũng bắt đầu xuất hiện tàu tuần dương, tàu rải mìn, tàu khu trục.

Sự thay đổi cơ bản hạ tầng kỹ thuật của tàu chiến đã làm thay đổi quan điểm tác chiến, đòi hỏi phải có lý luận tác chiến của các liên đội tàu bọc thép trong hải chiến.

Một sự đóng góp to lớn vào nghệ thuật tác chiến hải quân là Đô đốc G.I.Butakov với tác phẩm "Những cơ sở lý luận mới cho tác chiến của tàu hơi nước" 1863. Trong tác phẩm đã trình bầy và tổng kết những kinh nghiệm tác chiến của tàu hơi nước trong chiến tranh Crưm.

Những cơ sở lý luận cơ bản đó đã trở thành nguyên tắc tác chiến tàu hơi nước và được áp dụng trên các hạm đội toàn thế giới.

Đô đốc G.I.Butakov trên kinh nghiệm của chiến tranh Crưm lần đầu tiên đã đánh giá cao vị trí của hạm đội tàu hơi nước trong các trân đánh trên biển. Đô đốc S.O.Macarov cũng đưa ra chiến thuật sử dụng ngư lôi, vũ khí chủ đạo của tác chiến biển.

Trong tác phẩm "Nghiên cứu những vấn đề về nghệ thuật Hải chiến”, ông đã phát triển chiến thuật của tàu hơi nước bọc thép, ở đó, Makarov đã đưa ra những lý luận cơ bản về việc cần thiết liên kết phối hợp giữa ngư lôi và pháo hạm, đưa ra lý thuyết áp dụng đội hình mũi nêm nối đuôi nhau của các liên đội tàu chiến bọc thép, đưa ra nguyên tắc công phá hệ thống phòng thủ, phương pháp chống chống thủy lôi, chống tàu ngầm và hệ thống vật cản chống tàu.

Vào những năm 1890, một trong những người xây dựng lên chiến lược hải quân Tướng 2 sao chuẩn Đô đốc Hải quân Rear Admiral A. Mahan và Trung tướng Hải quân F. Colomb cố gắng xây dựng lý thuyết "Thống trị biển khơi”.

Lý thuyết được xây dựng trên cơ sở xây dựng một lực lượng hải quân áp đảo bằng các tàu tuần dương bọc thép hơi nước, sẵn sàng tiêu diệt các hạm đội tàu chiến của đối phương trong một trận đánh lớn trên biển.

Kolomb tuyên truyền rộng rãi Điều lệnh tác chiến hải quân (Vĩnh viễn và không thay đổi), áp dụng một cách máy móc phương pháp và đội hình chiến đấu của tàu buồm vào tàu chiến hơi nước, không tính đến sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật và vũ khí trang bị hiện đại.

Điều lệnh tác chiến "thống lĩnh biển khơi” đi ngược lại sự phát triển của Hạm đội và Hải quân, không tính đến lực lượng lục quân, không tính đến toàn bộ cục diện chiến trường và kết quả của các hoạt động tác chiến trên bộ và trên biển.

Sau một thời gian dài của sự phát triển hải quân, các nhà lý luận chiến lược sau đại chiến thế giới lần thứ 2 1939 – 1945 lại quay trở lại với học thuyết "Thống trị biển khơi” của A.Mahan và Colomb với sự phát triển vượt trội về khoa học công nghệ, kỹ thuật quân sự và tiềm lực kinh tế quân sự.



Trận chiến Sicum với sự thảm bại của Hạm đội Nga hoàng trên biển Thái bình dương.


Trong chiến tranh Nga – Nhật 1904 – 1905 Nghệ thuật quân sự Hải quân được bổ sung kinh nghiệm tiến hành các hoạt động quân sự bảo vệ các căn cứ Hàng hải (phòng thủ Cảng Arthur).

Trong các chiến dịch này đã sử dụng các chiến hạm của hạm đội, pháo binh bờ biển, thủy lôi và ngư lôi. Sử dụng ngư lôi và thủy lôi đã chứng minh rằng, mặc dù pháo hạm vẫn đóng vai trò vũ khí chủ đạo của chiến trường, đã không còn là vũ khí duy nhất để chiến đấu với đối phương.

Cuộc chiến tranh đã làm xuất hiện các lớp chiến hạm mới như tuần dương, khu trục, tàu quét mìn và những tàu khác…đồng thời xuất hiện thêm nhiều loại ngư, thủy lôi và pháo hạm. Từ đó, hình thành cơ sở lý luận và áp dụng thực tiến kỹ chiến thuật hiệp đồng hải lực cho các trận đánh lớn trên biển với sự tham gia của các Tuần dương Thiết giáp trong trận đánh ở Tsushima, Biển Vàng (Yellow Sea), các hoạt động tác chiến của các liên đội tàu Viễn đông…

Lực lượng chủ lực quyết định chiến trường được công nhận là các thiết giáp pháo hạm hạng nặng. Kinh nghiệm chống mìn – thủy lôi đã đặt ra yêu cầu sống còn của Hải quân là phải tổ chức các hoạt động chống mìn, thủy lôi, đảm bảo hoạt động ổn định của các căn cứ hải quân bờ biển.

Để trinh sát, chiến đấu với các tàu khu trục và tác chiến trên các đường vận tải hàng hải của đối phương, ở lực lượng Hải quân các nước thường sử dụng các tàu chiến hạng nhẹ.

Tuy nhiên, học thuyết quân sự hải quân của các cường quốc biển đại dương sau chiến tranh Nga - Nhật vẫn chưa có những thay đổi lớn, vẫn là chiếm đoạt quyền thồng trị trên biển bằng những trận đánh lớn, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng lực lượng hạm tàu đối phương.

Trong đại chiến thế giới lần thứ 1, các chiến hạm đa dụng được đưa vào biên chế là nhưng tàu khu trục hạng nặng, sử dụng các tàu khu trục hộ tống pháo hạm hạng nhẹ, và đặc biệt là sự áp dụng các tàu ngầm. Từ đó, tàu ngầm đã trở thành một lực lượng tác chiến độc lập của Hải quân, phát huy tác dụng ưu việt của nó là bí mật, bất ngờ và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chiến dịch và chiến thuật được đặt ra.

Lực lượng tác chiến tàu ngầm đã làm xuất hiện các tàu tuần tiễu và các tàu săn ngầm, đồng thời lần lượt xuất hiện các loại chiến hạm đặc thù khác như tàu sân bay, xuồng phóng lôi, các phương tiện đổ bộ của lính thủy đánh bộ.

Điểm quan trọng nhất trong tác chiến hải quân giai đoạn này là các pháo hạm đã giảm giá trị trong hải chiến. Sự phát triển của máy bay đã hình thành một binh chủng mới trong hải quân, binh chủng không quân hải quân.

Xuất hiện nghệ thuật chiến dịch hải dương

Để thực hiện học thuyết "thống trị hải dương” bằng một trận hải chiến vĩ đại đã trở thành không tưởng trong tư duy chiến lược của các chuyên gia hải quân. Nghệ thuật tác chiến Hải quân bước sang một bước phát triển mới của những hoạt động chiến đấu trên hải dương- nghệ thuật tác chiến chiến dịch hải dương.

Nghệ thuật chiến dịch Hải dương đòi hỏi những giải pháp đảm bảo: Trinh sát chiến dịch, ngụy trang, bảo vệ các chiến hạm hạng nặng trên mặt nước trong quá trình cơ động và chiến đấu trước các cuộc tấn công của tàu ngầm, cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật.

Từ những hoạt động yểm trợ tác chiến và hậu cần kỹ thut, các hoạt động tác chiến hàng ngày của hạm đội có mục tiêu quan trọng là bảo đảm điều kiện an toàn, thuận lợi cho các hoạt động tác chiến trong khu vực căn cứ hải quân, tuyến phòng thủ bờ biển và khu vực hình thành chiến sự.

Nghệ thuật quân sự hải quân Nga đã đưa ra phương pháp tác chiến hải dương trước hết phải xây dựng và chuẩn bị thế trận bằng ngư - thủy lôi và pháo hạm, đây là phương phát bắt buộc phải áp dụng đối với những lực lượng đối kháng mạnh hơn. Thế trận này đã được xây dựng trên biển Ban Tích trên tuyến đảo Nargen đến bán đảo (Porkkala Udd) với mục đích chặn cuộc đột kích của hạm đội Đức vào khu vực phía đông của Vịnh Phần Lan.

Tuyến phòng thủ bao gồm những dãy thủy lôi được đặt trước của Vịnh, và nhưng trận địa pháo bờ biển bố trí bên sườn. Hậu phương của tuyến phòng thủ triển khai tuyến chiến đấu các hải đoàn chính của hạm đội. Kinh nghiệm của chiến tranh đã khẳng định hiệu quả phòng thủ của hạm đội trong khu vực gần bờ chống lại lực lượng hải quân đối phương mạnh hơn.

Những yếu tố cấu thành của nghệ thuật quân sự hải quân Xô viết được hình thành trong cuộc chiến tranh nội chiến và cuộc chiến chống can thiệp quân sự năm 1918 – 1920, khi lực lượng Hải quân công nông Xô viết mới được thành lập đã lập tuyến phòng thủ bảo vệ Petrograd trước những cuộc đột kích từ phía biển, hỗ trợ cho các đơn vị Hồng quân bằng pháo hạm, yểm trợ hỏa lực đập tan lực lượng bạch vệ nổi loạn trong pháo đài Krastnaia Gorka và Serai Losad, tiến hành đổ bộ và triển khai chiến đấu cùng với các lực lượng trên hồ và trên sông.

Lực lượng Hải quân Xô viết phát triển mạnh nhờ những thành quả cách mạng đạt được của quá trình công nghiệp hóa XHCN. Các hạm đội Hồng quân trong 5 năm trước chiến tranh đã đóng các tàu chiến hiện đại, tàu ngầm, xây dựng lực lượng không quân hải quân và pháo binh bờ biển.

Trong giai đoạn giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới, Quân đội Xô viết đã xây dựng những cơ sở lý luận cho Nghệ thuật quân sự hải quân và đưa ra nhưng mô hình tác chiến khác nhau của Hải quân Xô viết với sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Lục quân Hồng quân trên các hướng bên bờ biển, chiến thuật tác chiến của các binh chủng trong lực lượng, những phương thức cơ bản trong liên kết phối hợp tác chiến các lực lượng, các binh chủng trong Hải quân.

Những cơ sở lý luận tác chiến đó được ghi rõ trong chỉ thị hướng dẫn các hoạt động tác chiến trên biển, điều lệnh tác chiến của Hải quân Xô viết và những tài liệu lý luận khác, được xuất bản trước Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Thay đổi quan điểm sau chiến tranh thế giới 1, 2

Nghệ thuật quân sự hải quân các cường quốc biển sau chiến tranh thế giới lần thứ 1 có nhiều quan điểm, nhiều góc nhìn khác nhau về cách sử dụng Hải quân. Sức mạnh toàn năng của pháo hạm hạng nặng đã bị sụp đổ trong chiến tranh, các chuyên gia quân sự tìm kiếm các phương thức sử dụng các binh chủng trong Hải quân với các mục đích khác nhau, tìm kiếm các loại vũ khí trang bị giúp có thể duy trì sự "Thống trị trên hải dương”, học thuyết trận đánh quyết định trên đại dương, có thể thay đổi cục diện chiến trường cũng không có được ý nghĩa thực tế.

Những phương tiện chiến tranh mới, mạnh hơn và hiệu quả hơn xuất hiện đã trở thành nhu cầu làm thay đổi những quan điểm cũ của hải chiến. Trước thời điểm xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ 2, các hạm đội tiếp nhận vào biên chế các tàu sân bay, tàu tuần dương, các tàu khu trục hạng nặng, xuồng phóng ngư lôi, và không quân hải quân. Đây cũng là thời điểm xuất hiện radar và sonar.

Tuy nhiên, dù các học thuyết quân sự đã phát triển các lực lượng chiến đấu mới (không quân hải quân, tàu ngầm,…) nhưng những phương thức tác chiến mới hơn cũng không được phát triển.

Đại chiến thế giới thứ 2 1939 – 1945 với kết quả được quyết định bằng những trận đánh trên bộ, nhưng cho thấy những trận hải chiến đã vượt xa những cuộc chiến đấu trong giai đoạn trước.

Nhưng hoạt động tác chiến của Hải quân các nước tham chiến trên Thái bình dương (1941-1945) chủ yếu là tác chiến đổ bộ đường biển và chống đổ bộ đường biển, những đòn tấn công vào các hạm đội của đối phương trên đại dương, trong các căn cứ hải quân, và các cuộc chiến trên các tuyến đường vận tải biển.

Trên biển Thái bình dương đã có những cuộc chiến đấu đổ bộ của quân đội Mỹ và Austranlia lên đảo Leyte Gulf, quân đội Mỹ lên quần đảo Marshall, Marina Palluu, đảo Okinawa 1945. Khu vực Địa trung Hải với những cuộc đổ bộ của lính thủy đánh bộ lên Angery và Maroc năm 1942, Tấn công lên đảo Sicily của Itay năm 1943 và các trận đánh khác. Tổng số có 600 trận hải chiến, trong đó có 6 trận mang tính chiến lược.

Thời gian đầu của chiến tranh, hải quân các nước tham chiến như Nhật Bản, Mỹ đã tiếp nhận vào biên chế các tàu sân bay để tác chiến trên các vùng biển xa, các vùng biển kín là khu vực tác chiến của không quân hải quân có căn cứ cất cánh trên mặt đất, lực lượng không quân hải quân trên các tàu sân bay trở thành lực lượng tác chiến tiến công chủ lực của hải quân.

Những cuộc đối đầu của không quân hải quân trong các trận hải chiến lớn của chiến tranh thế giới lần thứ 2, trong quá trình trận chiến, lực lượng không quân hải quân là lực lượng chủ lực tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Sử dụng lực lượng không quân hải quân và các tàu sân bay cho phép trận đánh diễn ra trong một không gian rộng, các cụm tàu chiến hai bên cách nhau hàng trăm dặm. Các hải đoàn tàu chiến, được sự yểm trợ từ trên không của không quân hải quân, có thể tác chiến rất hiệu quả trong vùng nước ven bờ của đối phương.

Đặc biệt hải địa hình tại khu vực Thái bình dương có nhiều các cụm quần đảo lớn, cần tiến hành những chiến dịch tác chiến hải quân dài ngày trong khu vực quần đảo, phá hoại đường giao thông vận tải của đối phương, tấn công tiêu diệt lực lượng không quân trên đảo, bao vây cô lập các căn cứ phòng thủ cho đến khi đối phương kiệt sức kháng cự và đổ bộ lực lượng lính thủy đánh bộ.



Trận chiến Trân Châu cảng với sự tấn công của không quân, hải quân, tàu ngầm cảm tử. Hải quân Nhật đã đánh thiệt hại nặng Hạm đội Thái bình dương của Hải quân Mỹ.


Trong cuộc chiến tranh vệ quốc Vĩ đại năm 1941 – 1945, trên chiến trường Liên xô - Đức, nảy sinh yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.

Các hạm đội của hải quân Xô viết đã thành công trong các chiến dịch bảo vệ các căn cứ hải quân, bảo vệ các thành phố ven biển, phối hợp với không quân và lục quân tiến hành các chiến dịch lớn trên sông và trên biển yểm trợ tiêu diệt sinh lực quân đội phát xít.

Trong các chiến dịch này, pháo hạm và pháo phòng không hạm đội đã phối hợp tốt với không quân bẻ gẫy các mũi tiến công đường không của không quân Đức. Hạm đội tiến hành các chiến dịch độc lập nhằm tiêu diệt đường vận tải của đối phương và bảo vệ đường vận tải trên biển của Hồng quân.

Những hoạt động tác chiến của hạm đội mang tính đa dạng trong sử dụng lực lượng, từ tác chiến tàu ngầm, hỏa lực pháo hạm trong phòng thủ không - biển đến đổ bộ. và đặc biệt là lực lượng không quân hải quân, trong chiến tranh đã phát triển rất mạnh mẽ để trở thành một lực lượng tác chiến độc lập.

Nghệ thuật quân sự hải quân đã có được những kinh nghiệm có giá trị chiến lượng trong các chiến dịch đổ bộ như Novorossian, Kerch-Etigen 1943 Moonsund năm 1944. Đồng thời các chiến dịch sử dụng tàu ngầm và tiến hành cuộc chiến tranh chống tàu ngầm trên biển.



Phòng thủ căn cứ hải quân Khanco ngày 2/11/1941.




Hải đồ phòng thủ căn cứ Hải quân Sevastopol.


Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, nghệ thuật quân sự cấp chiến dịch là phương thức đa dạng hóa các lực lượng tác chiến của hạm đội để tiến hành các hoạt động trên biển.

Không gian hải chiến trải rộng trên biển và đại dương, chỉ đạo bởi một hệ tư duy tác chiến duy nhất và sự chỉ huy thống nhất, có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa các cụm hải đoàn (liên kết phối hợp cấp chiến dịch) liên kết phối hợp hiệp đồng binh chủng trong các trận đánh (hiệp đồng tác chiến) đòi hỏi kỹ năng điều khiển các lực lượng tham gia tác chiến cao trong chiến dịch và các trận đánh có tính quyết định.

Ý nghĩa quan trọng trong nghệ thuật quân sự hải quân là sự chuẩn bị phải đảm bảo bí mật, trinh sát chu đáo, chi tiết, tốc độ hành tiến và cơ động nhanh, linh hoạt, chủ động chiếm lĩnh và khống chế trên không trung trong khu vực tác chiến. Đồng thời công tác tổ chức phòng thủ bảo vệ, quản lý đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho lực lượng chiến đấu, các nhiệm vụ đặc biệt và căn cứ hậu cần kỹ thuật có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi trên chiến trường.



Hoạt động tác chiến của Hạm đội Vonga bảo vệ Stalingrad.


Lực lượng chủ lực của hạm đội được công nhận là lực lượng tàu ngầm và không quân hải quân. Nghệ thuật quân sự đã hình thành những cơ sở lý luận và thực tiễn các phương pháp, kỹ thuật tác chiến có sử dụng tàu ngầm (cụm tàu ngầm) và không quân hải quân (ngụy trang bay từ nhiều hướng khác nhau).

Với sự phát triển của radar hải quân và sonar, pháo hạm của các chiến hạm nổi hạng nặng đã nâng cao được hiệu quả hỏa lực trên biển, khả năng sử dụng hỏa lực cũng đa dạng hơn và trở thành vũ khí yểm trợ hỏa lực hiệu quả trên biển và tấn công bờ biển.

Tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công đặc nhiệm, nghệ thuật quân sự hải quân đã hình thành các phương pháp, kỹ thuật chiến đấu của tàu ngầm như tìm kiếm và tấn công mục tiêu trên biển, lẩn trốn đòn tấn công của không quân và các tàu săn ngầm, phục kích và tấn công các căn cứ hải quân đối phương.

Những cụm pháo hạm khổng lồ trên tàu trong hải chiến hiện đại đã mất đi ưu thế hỏa lực chủ đạo của mình trong các trận hải chiến trên biển do sự phát triển mạnh mẽ của tàu ngầm và không quân hải quân.

Mục đích sử dụng pháo hạm dần chuyển sang yểm trợ cho lục quân, tấn công các mục tiêu bờ biển và dọn đường cho đổ bộ lính thủy đánh bộ, hoặc dùng để tự vệ trước các đòn tấn công của các cụm tàu khu trục hạng nhẹ.



Chiến dịch đổ bộ lên Kren - Etigen năm 1943.


Tác chiến đổ bộ đường thủy đã hoàn thiện khả năng chiến đấu của lực lượng với sự phối hợp của lực lượng lục quân, hình thành các phương thức và kỹ thuật đổ bộ mới, kỹ chiến thuật độ bộ đánh chiến bàn đạp bờ biển, phát triển sâu với sự hiệp đồng của các binh chủng khác (thiết giáp, máy bay) và lực lượng lục quân được hoàn thiện.

Những tổng kết kinh nghiệm của chiến tranh hiện đại đã cho phép nghệ thuật quân sự hải quân rút ra kết luận: trong những khu vực hải chiến trên biển và trên đại dương. Những hoạt động tác chiến của các hạm đội có thể có những ảnh hưởng to lớn, có tính quyết định trong chiến tranh hiện đại.

[BDV news]


>> Kho vũ khí hạt nhân của Pakistan có an toàn?



Đang có những lo ngại là những kẻ Hồi giáo cực đoan, kể cả lực lượng khủng bố có thể xâm nhập vào các cơ sở hạt nhân của Pakistan .


Thế nhưng đây vẫn chưa phải là toàn bộ nỗi lo của chính quyền Pakistan. Nhưng chuyên gia của “Báo Độc lập” cho rằng không nên phóng đại sự nguy hiểm.

"Pakistan không thể bảo vệ kho vũ khí hạt nhân đang phát triển của mình chống lại các chiến binh Hồi giáo", Giáo sư Preves Hudboy giảng dạy ở các trường ĐH Tổng hợp Lahor và Islamabad, thủ đô Pakistan đã tuyên bố như vậy.



Tên lửa Hataf-2 của Pakistan


Theo ông, trong quân đội Pakistan có những người có cùng chí hướng với quân Taliban. Họ có thể giúp những kẻ cực đoan muốn trả thù cho Binladen có được nguyên liệu hạt nhân. Hơn nữa, các phần tử cực đoan đã xâm nhập vào quân đội.

Giáo sư Hudboy nói: “Chúng ta có cơ sở để lo ngại. Bởi vì các chiến binh Hồi giáo cực đoan đã tấn công vào được các công trình, căn cứ và sở chỉ huy được bảo vệ cẩn mật. Trong giới quân nhân có những kẻ có cảm tình với các chiến binh”.

Giáo sư nói tiếp: “Làm sao chứng minh được là những mục tiêu hạt nhân không phải chịu những nguy cơ bị tấn công như vậy? Tôi lo là không phải chỉ có sự xâm nhập vào các kho vũ khí hạt nhân, mà là sự xâm nhập vào các kho nguyên liệu hạt nhân”.

Theo Daily Telegraph, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan có khoảng 120 đầu đạn, con số này còn nhiều hơn số đầu đạn của Anh và Ấn Độ.

Các chuyên gia của Mỹ chia sẻ sự lo ngại của giáo sư Hudboy. "Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đã soạn thảo một báo cáo cho rằng khả năng những kẻ gọi là “Taliban mới” tấn công vào các mục tiêu hạt nhân đã tăng lên sau khi Binladen bị giết. Những kẻ cuồng tín muốn báo thù cho ông ta", cộng tác viên cao cấp của Trung tâm an ninh quốc tế thuộc Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Vladimia Sotnikov nói với báo Độc lập.

Sotnikov cho rằng, ảnh hưởng của ý thức hệ Hồi giáo lên đội ngũ nhân viên làm việc tại các cơ sở hạt nhân có thể là mạnh. “Và trong trường hợp đội ngũ nhân viên thông đồng với bọn khủng bố thì không thể loại trừ việc các cơ sở hạt nhân sẽ bị chiếm giữ. Vấn đề là ở chỗ những người chịu trách nhiệm về an ninh cho các phương tiện hạt nhân không thể biết được mức độ ảnh hưởng của các phần tử cực đoan đối với các nhân viên đến mức nào”, ông Sotnikov bình luận.

Trong khi đó, theo chuyên gia này, cũng không nên bi kịch hoá tình hình. Pakistan đã thiết lập 3 mức độ bảo vệ các kho vũ khí hạt nhân và phương tiện mang chúng đến mục tiêu.

Trước hết, đầu đạn được cất giữ riêng biệt với tên lửa và các phương tiện mang khác.

Thứ hai, tường rào các cơ sở được trang bị thiết bị theo dõi. Có một sự quản lý chặt chẽ đối với các tường rào.

Và thứ ba, Mỹ giúp thực hiện chương trình thanh lọc, hay là kiểm tra đội ngũ nhân viên. Cụ thể, có sử dụng máy phát hiện nói dối.

Phóng viên của tờ New York Times đã tới thăm nơi đóng quân của Phòng lập kế hoạch chiến lược, cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh cho kho vũ khí hạt nhân của chính phủ Pakistan.

Phòng này được bố trí trên các quả đồi ở cách Islamabad không xa. Tại đây, các sĩ quan của quân đội và Tình báo liên ngành ISI sống và làm việc trong các biệt thự nhỏ xung quanh có thảm cỏ được cắt tỉa cẩn thận.

Viên tướng chỉ huy phòng đã nói với phóng viên: “Một khi chúng tôi đã có thể chế tạo được bom hạt nhân và phương tiện mang chúng đến mục tiêu, anh có thể yên tâm là chúng tôi đủ khả năng bảo đảm an ninh cho chúng”.

Theo viên tướng này, có khoảng 2.000 người có kiến thức về cơ sở hạ tầng hạt nhân của Pakistan. Tất cả họ được quản lý chặt chẽ. Hoa Kỳ đã tiêu tốn gần 100 triệu USD để huấn luyện đội ngũ nhân viên của nước đồng minh cách giữ gìn cẩn mật các đầu đạn, ngòi nổ và tên lửa. Đây là việc tương đối không phức tạp lắm, một cán bộ đã nghỉ hưu của chính quyền Washington đã nói với phóng viên. Nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu muốn theo dõi xem các phòng thí nghiệm đã tạo ra bao nhiêu nguyên liệu hạt nhân. Và là hoàn toàn không thể việc ngăn cản một kỹ sư nào đó có khả năng tiếp cận quá trình làm giàu Uranium hoặc những bí mật khác chuyển giao chúng cho những kẻ cực đoan.

Đó là những lo ngại của người Mỹ. Còn đối với các tướng lĩnh Pakistan lo không chỉ việc đề phòng các chiến binh tấn công. Họ còn phải lo đối phó với cuộc tấn công của Mỹ. Không phải vô cớ mà các chỉ huy quân đội Pakistan cho rằng trong trường hợp đất nước của họ xảy ra mất ổn định, đặc nhiệm Mỹ ở Afganistan sẽ thực hiện cuộc hành quân nhằm vô hiệu hoá kho vũ khí hạt nhân của Pakistan.

[BDV news]


>> 'Bức màn sắt' bên bờ biển của Nga



Tổ hợp tên lửa bờ biển “Vũ hội-E” do Phòng thiết kế chế tạo máy (Moscow) sản xuất theo đơn đặt hàng của Hải quân Nga.


Mục đích Hải quân Nga đặt hàng chế tạo “Vũ hội-E” là để thay tổ hợp tên lửa bờ biển đã quá lạc hậu “Rubez” đang biên chế.

Từ khi ra đời, “Vũ hội-E” đã trải qua nhiều các cuộc thử nghiệm thành công, đặc biệt cuộc thử nghiệm quốc gia vào tháng 9/2004.

Theo một số nguồn tin, tổ hợp này đã được đưa vào trang bị cho hải quân Nga năm 2008.


"Vũ hội-E" thử nghiệm trên chiến trường năm 2004


“Vũ hội-E” dùng để kiểm soát lãnh hải và các vùng eo biển, bảo vệ các căn cứ hải quân, các công trình và cơ sở hạ tầng ven bờ, bảo vệ các khu vực ven biển trước sự xâm nhập từ hướng biển của đối phương.

Tổ hợp bảo đảm khả năng sử dụng trong các điều kiện khí tượng đơn giản và phức tạp ban ngày lẫn ban đêm, tự động dẫn hướng sau khi phóng, đặc biệt trong điều kiện bị đối phương chế áp hoả lực và sử dụng các phương tiện chế áp vô tuyến điện.



Mô hình "Vũ hội-E" tại Triển lãm năm 2009


Tổ hợp tên lửa bờ biển “Vũ hội-E” là hệ thống cơ động, được bố trí trên cơ sở khung xe MAZ 7930, tương tự khung xe của hệ thống tên lửa phòng không S-300P.

Hệ thống gồm 2 sở chỉ huy điều khiển và liên lạc cơ động, 4 bệ phóng tự hành, các tên lửa đối hạm loại Kh-35E (3М-24E) được lắp đặt trong container vận chuyển – phóng.

Sở chỉ huy bảo đảm trinh sát mục tiêu, chỉ thị mục tiêu và phân bố tối ưu giữa các bệ phóng.

Các kênh xử lý tín hiệu radar chủ động và thụ động của tổ hợp cho phép thực hiện chiến phát hiện mục tiêu một cách linh hoạt, trong đó có cả các mục tiêu bí mật.

Ngoài ra, nó còn có thể bí mật sục sạo, phân loại và bám các mục tiêu mặt nước ngay cả trong điều kiện nhiễu chủ động và thụ động.



Xe vận chuyển - phóng


Bệ phóng và xe vận chuyển - phóng có thể được bố trí ở trận địa bí mật ở cự ly cách xa bờ biển.

Vị trí chiến đấu của tổ hợp dù bố trí cách xa bờ biển và có thể bị bị nhiễu bởi các chướng ngại vật tự nhiên hoặc nhân tạo trên hướng bắn nhưng tổ hợp vẫn không bị hạn chế và giảm khả năng.

Tên lửa có thể bắn riêng lẻ hoặc theo loạt từ bất kỳ bệ phóng nào. Tổ hợp có khả năng nhận các thông tin tác chiến từ các sở chỉ huy khác và các phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu bên ngoài.

Số lượng tên lửa khi bắn loạt có thể lên tới 32 quả. Nhờ vậy, 1 loạt bắn có khả năng bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ trước sự tấn công tổng lực của các đội tàu, lực lượng đổ bộ bờ biển của đối phương.


Tên lửa Kh-35E có thể bắn riêng lẻ hoặc theo loạt từ bất kỳ bệ phóng nào

Xe vận chuyển – phóng thuộc thành phần của tổ hợp cho phép tiến hành các bắn loạt tiếp theo chỉ trong khoảng thời gian từ 30-40 phút.

Hệ thống điều khiển các phương tiện tác chiến của tổ hợp thực hiện nhiệm vụ nhờ việc sử dụng các phương pháp truyền tất cả các loại thông tin bằng kỹ thuật số, sử dụng hệ thống liên lạc tự động, xử lý thông tin, bảo mật thông tin.

Tổ hợp được trang bị thiết bị nhìn đêm, thiết bị dẫn đường, thiết bị kết nối trắc địa và định hướng. Nhờ vậy, tổ hợp luôn bảo đảm thay đổi một cách nhanh chóng vị trí phóng sau khi hoàn thành các nhiệm vụ tác chiến, cũng như tiến hành cơ động đến vùng tác chiến mới. Thời gian triển khai tổ hợp đến vị trí mới 10 phút.

Hệ thống phòng thủ bờ biển “Vũ hội-E” với nòng cốt là tên lửa đối hạm đa năng Kh-35E (3M-24E) nếu được tích hợp trên các tàu tuần tiễu hoạt động gần bờ và các phương tiện đường không có khả năng bảo đảm giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật - chiến dịch trong khi lại tiết kiệm tối thiểu về mặt kinh tế.

Hiện nay, “Vũ hội-E” đã được sản xuất hàng loạt, có nhiều tiềm năng cải tiến và bổ sung phát triển đạt hiệu quả hơn.

Các đặc tính kỹ - chiến thuật

Cự ly tiêu diệt: đến 120km
Cự ly bố trí cách bờ biển: 10km
Số lượng tên lửa bố trí trong mỗi bệ phóng tự hành và xe vận chuyển phóng: 8 quả
Thời gian bắn loạt mới: không quá 3 giây
Vận tốc cơ động tối đa: 60 km/h (đường nhựa), 20 km/h (đường lầy lội)
Trọng lượng tên lửa: 620kg
Tổng số cơ số đạn tác chiến: đến 64 tên lửa
Nguồn nhiên liệu dữ trữ hành trình: không ít hơn 850 lít

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang