Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

>> Phát hiện kẻ thù qua “con mắt” của UAV



Trong cuộc tập trận của Lục quân Mỹ tại bãi tập Dugway, đã thử nghiệm thành công hệ thống không thám HART của công ty Northrop Grumman.

Lần đầu tiên, những khả năng của các phương tiện quan sát không người lái khác nhau đã được hợp nhất thành một tổ hợp đòi hỏi sự tham gia ít nhất của người lính và nâng cao đột biến khả năng nắm tình hình của binh sĩ.




Hệ thống HART (Heterogeneous Airborne Reconnaissance Team), ở chế độ tự động, điều khiển các loại máy bay có người lái và không người lái khác nhau, các sensor của chúng và sau đó theo yêu cầu thì cung cấp cho người lính bộ binh luồng tin video, dữ liệu ảnh và thông tin khác. Nói một cách khác, toàn bộ sự đa dạng của máy bay từ các máy bay trinh sát “chiến lược” có người lái E-8 JSTARS cho đến máy bay không người lái (UAV) hạng nhẹ Raven được hợp nhất vào một mạng ảo.

Người lính trên chiến trường không cần gánh vác công việc điều khiển UAV hay các sensor, mà chỉ cần từ máy tính xách tay gửi yêu cầu tới HART và hầu như nhận được toàn bộ thông tin thời gian thực chẳng hạn về các vị trí của đối phương ở sau ngọn đồi. HART cung cấp cho binh sĩ những khả năng thực sự hiếm có để tạo bức tranh 3 chiều chiến trường khi mà bất cứ người lính nào cũng có thể lập tức tận dụng những thông tin chi tiết về bất cứ điểm nào trong không gian. HART Đồng thời duy trì hoạt động với đến 50 máy bay và xử lý tới 50 yêu cầu.

HART cho phép không chỉ xem truyền trực tiếp từ phương tiện trinh sát trên không mà còn nhanh chóng nhận được thông tin địa lý cần thiết, điều giúp loại trừ gần như hoàn toàn ưu thế am hiểu địa hình của mình của đối phương. Bao vây, vu hồi, phục kích sẽ hầu như bất khả thi đối với những người lính sử dụng hệ thống HART. Hiển nhiên là để làm việc đó cần phải giành được ưu thế trên không và triển khai các UAV và máy bay trinh sát có người lái.

Trong cuộc tập trận, phần mềm và thiết bị của hệ thống HART đã có thể tự hoạt điều khiển một số hệ thống UAV chiến thuật, trong đó có các UAV Shadow, Raven, Hunter và Bat. HART cũng có khả năng làm việc với các UAV cỡ lớn như Global Hawk, Predator, Х-47В và trực thăng không người lái Fire Scout.

Một trong những phẩm chất chủ yếu của HART là nó không phụ thuộc vào phương tiện mang và không đòi hỏi bất kỳ sự sửa đổi nào đối với máy bay, trạm điều khiển UAV hay máy tính của binh lính. Điều đó cho phép triển khai hệ thống trong thời gian cực ngắn.




Dự định, các cấp chỉ huy phân đội nhỏ sẽ được trang bị các thiết bị đầu cuối của HART. Họ sẽ có thể nhận được toàn bộ thông tin từ UAV mà hiện nay chỉ có người điều khiển UAV có được. Ngoài ra, nhờ có thiết bị đầu cuối, sẽ có thể yêu cầu quan sát một khu vực nhất định, trong khi người chỉ huy không cần quan tâm đến việc điều khiển UAV vì nó sẽ làm việc hoàn toàn tự hoạt. Phần mềm của HART có khả năng thực hiện các chức năng chính của trinh sát viên: tuần tra khu vực ấn định, phát hiện các đối tượng khả nghi, tập trung vào chúng, theo dõi sự di chuyển của chúng.

Chương trình HART giải quyết được một trong những khó khăn chính trong sử dụng UAV cỡ nhỏ. Vấn đề là ở chỗ, trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đã vấp phải khó khăn khi sử dụng các UAV nhỏ gọn Raven. Được phóng lên từ bàn tay, chúng thường bị hỏng, còn những người lính thì cố sử dụng chúng để quan sát liên tục địa hình (tức là làm vai trò của UAV hạng nặng Predator), điều đó không đúng với chức năng của các UAV có thời gian bay ngắn này. Kết quả là các UAV thường không được sử dụng hoặc hỏng, không thể hoạt động, còn binh sĩ lại cố gắng theo khả năng sử dụng các sensor của các máy bay trinh sát lớn hơn và đắt tiền hơn. HART sẽ gỡ bỏ gánh nặng khai thác và điều khiển UAV này khỏi các cấp chỉ huy và cho phép hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ chính của mình.
[Vietnamdefence news]


>> Chiến lược Liên châu và việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông



Phân tích động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây, trong không gian ngoài phạm vi Biển Đông, từ đó đề xuất một số giải pháp để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông và có tham khảo các giải pháp của các quốc gia khác đang tiến hành chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của nhóm tác giả Quỹ Nghiên cứu Biển Đông Lê Vĩnh Trương, Dư Văn Toán, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Trọng Bình, Đàm Quang Minh, Phạm Thu Xuân như một góc nhìn riêng để tham khảo.

Trong những năm gần đây Trung Quốc tiếp tục có những hành động xâm phạm nghiêm trọng đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và của các nước khác trên Biển Đông. Trung Quốc đơn phương tuyên bố một đường phân định ranh giới trên biển không có cơ sở pháp lý và chiếm gần hết Biển Đông. Trung Quốc đơn phương cho các tàu hải giám và kiểm ngư, những tàu thuyền quân sự và cảnh sát trá hình, vào những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và các nước khác.

Sự kiện gần đây nhất là một đội tàu hải giám đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở vị trí (vĩ độ, kinh độ) nằm cách đường cơ sở của Việt Nam chưa tới 120 hải lý, phá hoại và cản trở hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam. Hành động này vi phạm nghiêm trọng trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Sự việc không chỉ ở tầm Biển Đông nằm sát bên cạnh yết hầu kinh tế và quân sự của Việt Nam!

Sự việc nằm ở chiến lược Liên châu (Chuỗi ngọc trai) đầy toan tính của Trung Quốc nhằm gia tăng sức mạnh năng lượng, kinh tế và quân sự của mình.

Không gian chiến lược này sẽ khởi đầu từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, tiến ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), của Việt Nam và một số đảo tại quần đảo Trường Sa (của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm), xuống kênh đào Kra, ôm lấy Myanmar và dừng bước tại cảng Karachi của Pakistan. Con đường trên biển này sẽ bảo đảm về mặt tiếp liệu, vận tải nhiên liệu, sản phẩm và quân đội khi cần thiết. (Hình 1)



Vòng cung Liên châu: từ giao thông vận tải sang liên hoàn quân sự
(Nguồn: String of Pearls: Meeting the challenge of China's rising power across the Asian littoral - Christopher J. Pehrson)

Bài này sẽ phân tích động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây, trong không gian ngoài phạm vi Biển Đông, từ đó đề xuất một số giải pháp để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông và có tham khảo tới các giải pháp của các quốc gia khác đang tiến hành chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những gì đang diễn ra liên quan đến Trung Quốc?

Những bất ổn liên tục xảy ra tại Trung Quốc từ cuối tháng 4.2011 đến nay như cuộc đình công 5 ngày của các tài xế xe tải tại Thượng Hải, tiếp theo đó là các vụ đánh bom tại Giang Tây và những cuộc biểu tình tại Nội Mông.

Trong thời gian đó, Trung Quốc liên tục cử những phái đoàn quân sự ra nước ngoài trong tháng 5.2011.

Ngày 26.5.2011, Trung Quốc ngang ngược cắt đứt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngày 26.5.2011 mặc dù đã có sự phản đối của tàu biên phòng hộ tống và chính tàu Bình Minh 02 thuộc PVN.

Bộ ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố rằng, họ chỉ hoạt động trên vùng biển Trung Quốc một cách ngụy biện. Vậy chúng ta phải chỉ rõ cho nhân dân toàn thế giới thấy rằng, họ đã nói không đúng sự thật bằng các bản đồ và các bài viết của chúng ta.

Vào ngày 31.5.2011, 3 tàu quân sự Trung Quốc đã nổ sung uy hiếp, ngăn cản 4 tàu cá của tỉnh Phú Yên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, Việt Nam đã đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp.

Những hành động này là một hành động có tính toán Trung Quốc để vừa giảm nhiệt trong nước vừa phục vụ ý đồ tiến xuống phía nam để phục vụ cho chiến lược Liên châu nhằm khống chế cả Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Từ "China Garlands India with String of Pearls",
(Nguồn: Militarisation of China's Energy Security Policy - Defence Cooperation and WMD Proliferation Along its String of Pearls in the Indian Ocean, TS Christina Y. Lin

Do những nhu cầu bức thiết trên, Trung Quốc đã tạm thời hy sinh hình ảnh phát triển hòa bình để lấn xuống biển Đông một cách mạnh bạo. Không phải Trung Quốc không biết rằng, họ đang đứng trên luật pháp quốc tế, nhưng họ đang tận dụng thời cơ hiện tại bên ngoài và giải quyết những bất ổn nội bộ để đi nhanh hơn trên con đường bá quyền của mình.

Trung Quốc liên tục tác động đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar để phá vỡ nguyên tắc đồng thuận phát ngôn của ASEAN, mặt khác luôn muốn trói các nước trong tranh chấp biển Đông vào "khung giải quyết" là "thương lượng song phương" cho một vấn đề quốc tế. Trước Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN vào tháng 10/2009 tại Huahin, Thái Lan, bà Tiết Hán Cần, đại sứ Trung Quốc tại ASEAN đã phát biểu: "Trung Quốc cho rằng, đây là bất đồng giữa Trung Quốc và các nước riêng rẽ xung quanh Biển Đông, chứ không phải giữa Trung Quốc và ASEAN... Và bà cũng nói thêm: "Cuộc họp này của ASEAN phải là trong khuôn khổ hợp tác, chứ không phải là để tranh cãi". Đây là động tác hạn chế người khác nói, còn chính Trung Quốc thì vừa nói vừa hành động thô bạo.

Sau tuyên bố tại Hội nghị ARF tháng 7.2010 của ngoại trưởng Mỹ H. Clinton, Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, phát biểu của ngoại trưởng Mỹ là "Đưa vấn đề song phương thành vấn đề quốc tế, hoặc đa phương sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình và gây thêm khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này". Đây chỉ là một ngụy biện nhằm bẻ đũa từng chiếc.

Tháng 11.2010, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ hai, Hội thảo này là cơ hội cho Việt Nam để tìm kiếm những tiếng nói đa phương cho việc giải quyết tranh chấp. Trong Hội nghị có tính cách kênh hai lần này Trung Quốc đã làm giảm nhẹ tuyên bố "lợi ích cốt lõi" của mình. Tuy nhiên, việc không khẳng định và không phủ nhận tuyên bố vô lý này cho thấy ASEAN, Ấn Độ và thế giới cần cảnh giác cao hơn nữa.



Những căn cứ của Trung Quốc trong vòng cung Chuỗi Ngọc Trai
(Nguồn: Militarisation of China's Energy Security Policy - Defence Cooperation and WMD Proliferation Along its String of Pearls in the Indian Ocean Tiến Sĩ Christina Y. Lin)

Như tác giả Dương Danh Huy đã nhận xét, đây không phải hành động đầu tiên và không phải cuối cùng tại Biển Đông. Chúng tôi bổ sung, những hành động này sẽ không chỉ xảy ra trên Biển Đông và biển Nhật Bản mà sẽ sắp sửa xảy ra tại Ấn Độ Dương và các vùng nước khác trong tương lai rất gần.

Ngẫu nhiên không may mắn cho Việt Nam là ở ngay tâm điểm của chiến lược Liên châu của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết vận động sâu rộng đến nhân dân và chính phủ các nước ASEAN, Ấn Độ, Bangladesh và cả Pakistan, Afganistan, thì nguy cơ có thể sẽ biến thành cơ hội.

Việt Nam chúng ta sẽ cô độc nếu chỉ dừng sự đấu tranh tại biển Đông mà không mở rộng sang các nước vẫn đang nắm tình hình nhưng trù trừ không lên tiếng như ASEAN và cả Mỹ và Ấn Độ.

Những biện pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

Về ngoại giao

Ngoại giao nhân dân: Phổ biến thông tin về sự ngang ngược của Trung Quốc đến tất cả các tầng lớp nhân dân, hội đoàn dân sự trong một chiến lược lâu dài bằng tiếng Việt và nhiều thứ tiếng khác. Những hoạt động khoa học, văn hóa thể thao của Việt Nam tại các nơi trên thế giới sẽ được bổ sung nội dung bị ức hiếp của ngư dân và các công ty Việt Nam. Trong đó, nêu bật thái độ bất chấp UNCLOS 1982 và DOC 2002 của Trung Quốc.

Không giới hạn việc bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ ở trong nước mà cần phải có một sự vận động sâu rộng có tầm mức quốc tế. Không giới hạn việc tác động đến chính giới mà còn mở rộng ra đông đảo các tầng lớp nhân dân và học giả Trung Quốc bằng truyền thông và ngoại giao kênh hai.

Về sức mạnh tổng hợp:

- Trong đánh bắt và khai thác hải sản, Trung Quốc dùng chiêu bài hải giám và ngư chính để ngụy trang cho các hành động bạo lực của mình. Vậy, Việt Nam cũng cần có những đội tàu dân sự, nhưng được trang bị đủ mạnh để phản ứng lại tàu dân sự giả hiệu của Trung Quốc.

- Chiến lược biển của Việt Nam sẽ không tách rời các hoạt động hợp tác xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh thái hay công viên đại dương xuyên quốc gia với láng giềng. Và nếu cần thì các công tác khảo sát địa chấn và thềm lục địa có thể thuê các công ty nước ngoài kết hợp thực hiện. Cần có một bộ có đủ chức năng liên ngành để lo việc bảo vệ chủ quyền và phát triển và khai thác biển.

- Ðẩy mạnh và nhanh cùng quyết tâm hơn nữa trong việc hiện đại hoá nền kinh tế, quân sự, vũ trang toàn dân song song với việc tổ chức một xã hội và nền chính trị hiện đạị, tạo ra một sức mạnh vững chắc và đầy đủ thế và lực trên trường quốc tế, đủ sức đối phó với nước xâm lấn.

- Kiên quyết hơn trong sử dụng sức mạnh răn đe, nếu chúng ta chưa đủ sức mạnh như Nhật Bản để bắt giữ tàu Trung Quốc thì Việt Nam cũng phải có khả năng dùng máy bay chiến đấu để xua đuổi tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền như Philippines đã từng thực hiện..

- Nhanh chóng và dài hạn thực hiện một chiến lược liên kết toàn cầu, nhất là với các cường quốc kinh tế và quân sự với sách lược từng vùng, từng giai đoạn để tự phá vỡ vòng vây ngày càng thắt chặt này. Việc vận động nhân dân và chính phủ của các nước nằm trong "chuỗi ngọc trai" sẽ do một cơ quan chuyên trách của Chính phủ thực hiện cùng với sự đóng góp ý kiến của người dân Việt Nam. Cảnh báo cho nhân dân thế giới và nhân dân Ấn Độ về những tham vọng này của Trung Quốc cũng sẽ là một phần của ngoại giao nhân dân.

Kết luận

Tất cả những giải pháp đều có những mặt cần phải bổ sung và chuyển hướng chiến lược nhanh, đáp ứng, phản công kịp thời với sự biến động những biến động của tình thế. Để có một tổng thể các giải pháp, cần có một sự động não toàn dân, vận động toàn dân cùng sức người sức của khắp nơi trên thế giới.

Sự "trỗi dậy" của Trung Quốc và sự bộc lộ tham vọng to lớn của họ qua chiến lược Liên châu chứng tỏ họ đã bỏ qua giai đoạn "giấu mình chờ thời', khiến cả thế giới lo ngại, không chỉ ASEAN, và Ấn Độ mà Mỹ, Nhật Bản và các nước có lợi ích trong giao thông hàng hải trên toàn thế giới.

Thực chất của tình trạng căng thẳng trên Biển Đông, dẫn đến cuộc chiến về hoạt động đối ngoại vừa qua chính là việc Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng lên khu vực, đè bẹp các nước ASEAN, thăm dò phản ứng của Mỹ và Ấn Độ.

Do vậy, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực hay không một phần cũng sẽ do các nước có thái độ nhân nhượng quá đáng hay không và người Mỹ, người Ấn có thực hiện đúng tư thế của những nước có lợi ích quốc gia về hàng hải hay không.

[BDV news]


Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

>> Phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La



Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới tại Shangri-La 10.




Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Shangri-La

Thưa Ngài Chủ tịch!

Thưa các quí vị!

Tôi chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nước Chủ nhà Xinh-ga-po đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 và chia sẻ cùng các quí vị tại phiên họp này.

Tôi đồng tình với đánh giá của các quí vị về vai trò của Đối thoại Shangri-La trong 10 năm qua với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thưa các quí vị!

Chủ đề mà Ban tổ chức dành cho tôi “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói đến biển trong thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền.

Đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang tính chiến lược, sống còn.

Trong bối cảnh hiện nay, các mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột.

Vậy, chúng ta sẽ làm gì với cái nhìn rộng rãi, trên góc độ đa phương để ngày càng cải thiện tình hình, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, môi trường không gian biển, đem lại lợi ích cho từng quốc gia, cho khu vực, cũng như cho toàn thế giới?

Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung đúng về giá trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các quốc gia đều gặp phải. Sự xuất hiện hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống là vấn đề tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển của thế giới, từ đó càng cần hơn sự hợp tác rộng rãi, cả song phương và đa phương để cùng giải quyết là một ví dụ cho thấy tính đa dạng, sự đan xen giữa phát triển và thách thức, giữa lợi ích và xung đột… trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ… Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về luật biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, việc tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay ADMM+ cũng cho thấy nhu cầu và triển vọng hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác có chung lợi ích trong khu vực, nó sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.

Thứ ba, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.

Vùng biển Ma-lắc-ca vừa qua đã có sự ổn định, góp phần cho sự tăng trưởng của khu vực. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác hải quân giữa các nước trực tiếp có liên quan như Malaysia, Indonesia, Singapore và sự ủng hộ của những quốc gia trong và ngoài khu vực. Tương tự như vậy, việc tăng cường hợp tác hải quân như tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và tiến tới tuần tra chung với Malaysia và Indonesia cũng góp phần tăng cường an ninh, trật tự trên Biển Đông.

Thứ tư, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, chúng ta cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch; Và những diễn đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển.

Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26/05/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn.

Thưa các quí vị!

Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong Cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Cuối cùng, chúc các quí vị mạnh khỏe!
Chúc Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn!
[Vitinfo news]


>> "Mỹ không muốn bất ổn với bạn bè Đông Nam Á"



Chúng tôi muốn xua tan bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á rằng chúng tôi xem đây là nơi cạnh tranh lớn mà có thể gây bất ổn và không giúp ích gì cho các bạn bè Đông Nam Á - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington D.C đã nhấn mạnh về việc Mỹ sẽ tìm cách làm việc với Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Ông khẳng định: "Chúng tôi muốn xua tan bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á rằng chúng tôi xem đây là nơi cạnh tranh lớn mà có thể gây bất ổn và không giúp ích gì cho các bạn bè Đông Nam Á. Rõ ràng là có mức độ cạnh tranh trong bất kỳ mối quan hệ nào, và ở đây là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trong một cách thích hợp ở khu vực Đông Nam Á”.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á là tâm điểm bài phát biểu của ông Campbell.




Ông Kurt Campbell. Ảnh: mbctv

Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ đẩy mạnh các cam kết của mình trong khu vực là nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh từng bất mãn khi Mỹ tuyên bố quan tâm tới việc thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á (Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines) đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc luôn khẳng định có quyền kiểm soát hầu hết vùng biển này. Đây là khu vực được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí. Bắc Kinh yêu cầu giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường song phương chứ không phải đa phương.

Khi được hỏi về vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, ông Campbell không đưa ra bình luận trực tiếp nào, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội đàm trong giải quyết các vấn đề như vậy. "Chính sách chung của chúng tôi vẫn như vậy, chúng tôi không khuyến khích sử dụng vũ lực hay đe dọa trong những trường hợp như thế. Chúng tôi muốn chứng kiến tiến trình đối thoại. Chúng tôi thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các nước có liên quan tới Biển Đông và chúng tôi muốn tiếp tục điều này”.

Theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ, kể từ khi bắt đầu nhậm chức hai năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Clinton đã nỗ lực làm việc để tăng cường sự tham gia của Mỹ ở Đông Nam Á. Trong năm 2009, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên họp với toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Ông Campbell nói, Ngoại trưởng Clinton đã bảy lần tới châu Á, trong đó có nhiều chuyến đi tới Đông Nam Á. Bà Clinton hy vọng sẽ tới thăm tất cả các nước Đông Nam Á trong thời gian đương nhiệm.

Một động thái quan trọng cho thấy nỗ lực này của Mỹ là lần đầu tiên Mỹ sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 này tại Bali, Indonesia. Ông Campbell cho biết, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton đều cảm thấy việc tham gia lần này là rất quan trọng.

Nhiều lần trong bài phát biểu, ông Campbell đã đề cao vai trò mà ASEAN đang nắm giữ và có thể nắm giữ trong khu vực. "Khối này đã trở thành một tổ chức quan trọng. Nó tham gia vào một số vấn đề khó khăn và thách thức nhất mà châu Á đối mặt trong nhiều năm qua, những vấn đề liên quan tới phương cách tốt nhất để thúc đẩy đối thoại trong các lĩnh vực, nhất là trong vấn đề an ninh hàng hải”, ông nói.

Ông Campbell nói rằng, Mỹ muốn nâng tầm quan hệ song phương với Indonesia - là Chủ tịch hiện tại của ASEAN. Ông ủng hộ việc Jakarta nỗ lực thúc đẩy đối thoại ASEAN – Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh, Mỹ đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với chính phủ mới của Philippines và đã làm những gì mà ông gọi là “tiến bộ quan trọng” trong quan hệ chiến lược song phương với Việt Nam.

Ông Campbell nhấn mạnh, mục tiêu chung của Mỹ trong khu vực là để đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ cam kết lâu dài với khu vực, không chỉ với Đông Bắc Á, mà còn ngày càng gia tăng với Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, một số chi tiết của cam kết này sẽ được phác thảo khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tham dự Hội nghị an ninh khu vực tại Singapore cuối tuần này.

[Vietnamnet news]


>> Nghị sĩ Philippines: TQ chèn ép các nước Đông Nam Á



Tờ Philstar của Philippines mới đăng tải tuyên bố của thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago cho rằng, Trung Quốc luôn cố chèn ép Philippines và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiểm soát tài nguyên dầu khí khổng lồ ở Biển Đông.



Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago. Ảnh: ecowastecoalitio


Bà Santiago khuyến cáo, trong khi Philippines rõ ràng không đủ khả năng quốc phòng để chống lại một siêu cường như Trung Quốc, thì chính phủ nước này cần thận trọng và khôn ngoan hơn trong cách đối xử với nước láng giềng lớn. Cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines nhấn mạnh: “Trung Quốc thực sự sẽ cố gắng và chèn ép chúng ta cũng như những nước khác ở Đông Nam Á”.
Thậm chí, bà Santiago còn cảnh báo rằng, Philippines cuối cùng có thể trở thành một “quốc gia vệ tinh” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vấn đề khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, bà bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ cũng như các nước giàu ở Tây Âu sẽ không cho phép Trung Quốc giành lợi thế trong phát triển dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông.

“Họ sẽ không cho phép như vậy vì nó có thể dẫn tới mất cân bằng trong phân phối quyền lực trên thế giới một khi Trung Quốc có thể nắm giữ nguồn tài nguyên dầu khí tại Biển Đông”, bà Santiago nói.

Trước đó, ngày 24/5, tờ Philstar dẫn các tài liệu và hình ảnh của News5 cho biết, Trung Quốc đã xây dựng các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự ở sáu bãi đá ngầm trong Nhóm đảo Kalayaan. Philippines đang tuyên bố chủ quyền với Nhóm đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa).

Theo báo này, ngoài các đơn vị đồn trú, Trung Quốc còn tích cực thúc đẩy những dự án hàng hải quy mô lớn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ với Trường Sa. Đó là các dự án xây dựng cầu cảng, sân bay, hải đăng, đài quan sát hải dương và mạng lưới khí tượng học hàng hải.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (nhân chuyến thăm của ông Lương tới Philippines), Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã cảnh báo, những cáo buộc xâm nhập và đụng độ ở các hòn đảo tranh chấp tại khu vực Biển Đông có thể dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ngày 24/5, ông Aquino đã tiếp xúc với báo chí sau cuộc gặp một ngày trước đó với ông Lương Quang Liệt. Ông cho hay: “Tôi nói, ‘nếu xảy ra những vụ việc thì liệu nó có thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực? Khi chạy đua vũ trang xảy ra, nguy cơ xung đột có gia tăng? Và ai là người hưởng lợi?Tôi nói với họ, ‘Hiện tại, chúng tôi có thể không có khả năng nhưng tình thế sẽ bắt buộc chúng tôi phải tăng cường các khả năng của mình”.

Ông Aquino đã nhắc lại quan điểm của Philippines rằng, các quốc gia nên tập trung vào sự thịnh vượng của khu vực để tháo gỡ căng thẳng do tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông giữa Philippines, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
[Vitinfo news]


>> Sự đối lập trong chiến lược hàng hải Trung Quốc



Hai sự việc gần đây liên quan tới chiến lược hàng hải của Trung Quốc đã nhấn mạnh tính chất phức tạp từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong thế kỷ 21.

Câu chuyện thứ nhất, nói về sự kiềm chế của Trung Quốc, là việc Bắc Kinh từ chối tiếp nhận các hoạt động ở cảng biển Gwandar thuộc Baluchistan, Pakistan. Đây là lời đề nghị mà Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Ahmad Mukhtar đưa ra khi ông trở về sau một chuyến thăm Trung Quốc cùng với Thủ tướng Yousaf Reza.


Tàu hải giám Trung Quốc đã quấy nhiễu và gây thiệt hại với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam Ảnh: peopledaily


Lời từ chối của Bắc Kinh khiến tất cả mọi người ngạc nhiên. Sau mọi thứ, Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 200 triệu USD để xây dựng cảng này. Đây là một vị trí chiến lược, là thành phần quan trọng của chiến lược hải quân Trung Quốc mang tên “Chuỗi hạt trai”.
Như đã từng lập luận, việc mở rộng ngoại giao hàng hải của Trung Quốc cơ bản bắt nguồn từ tính cấp thiết phải đảm bảo sự tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng để đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này. Tác giả Robert Kaplan cũng đã có quan điểm tương tự.

Bất ngờ là, trong khi Trung Quốc thể hiện sự kiềm chế tham vọng tại Pakistan, thì lại gia tăng sự gây hấn, quả quyết ở Biển Đông. Biển Đông từ lâu là nơi phát sinh căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng Đông Nam Á. Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á đều đưa ra tuyên bố chủ quyền với vùng biển này. Vấn đề chủ quyền ở Biển Đông không đơn thuần là niềm tự hào hay kiêu hãnh, mà còn là những lợi ích kinh tế quan trọng do trữ lượng dầu khí khổng lồ, nguồn lợi cá ở vùng biển này.
Vụ việc mới nhất xảy ra ở Biển Đông bắt đầu từ thứ Năm trước, khi các tàu Trung Quốc quấy nhiễu và gây thiệt hại (cắt cáp dầu khí) cho tàu thăm dò địa chấn thuộc Petro Việt Nam khi tàu này tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức kiên quyết phản đối vụ việc này trong khi Trung Quốc giữ yên lặng cho tới sáng thứ Bảy khi người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bênh vực hành động của các tàu hải giảm. Bà Khương Du nói: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”, và thậm chí còn cảnh báo Việt Nam tránh gây ra những rắc rối mới.
Trong khi đó, Philippines, nước có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông cũng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí còn triệu tập đại diện sứ quán Trung Quốc ở Manila để đề cập tới những hành động của tàu thuyền Trung Quốc ở vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Những tranh cãi mới ở Biển Đông xảy ra vào lúc đại biểu các nước chuẩn bị tham dự Đối thoại Shangri-La – một hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ tham dự hội nghị và đây cũng là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông trước khi rời nhiệm sở. Cả ông Gates và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đều tham dự hội nghị. Trước đó, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Robert Willard đã không ngại ngần bày tỏ, ông “lo lắng” về cách hành xử gần đây của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không leo thang trở thành một cuộc xung đột toàn diện. Cách hành xử của Bắc Kinh ở vùng biển này cũng làm phức tạp hóa chiến lược “chia để trị” mà họ tính toán với ASEAN. Những năm gần đây, Mỹ cũng tiếp cận gần gũi hơn với ASEAN bởi quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ví dụ, tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton rằng, Biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ đã được ASEAN đánh giá cao. Hơn thế nữa, trong sự thúc giục của các thành viên nổi bật ở quốc hội, chính quyền của Tổng thống Obama đã quyết định bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại ASEAN hồi đầu năm nay.

[Vietnamnet news]


>> Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Biển Đông



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm 4/6 đã cảnh báo rằng, có những “quan ngại ngày càng gia tăng” về hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á.




Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates Ảnh: Reuters


Gần đây, cả Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc hành xử gây hấn ở Biển Đông, làm căng thẳng thêm leo thang ở vùng biển vốn luôn có tranh chấp này.
“Tôi e rằng nếu không có quy tắc của đường đi và phương pháp tiếp cận thống nhất để giải quyết những vấn đề này thì còn sẽ có đụng độ”, ông Gates nói tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh cấp cao châu Á.

Khi được hỏi liệu hành động của Trung Quốc có làm xói mòn “câu thần chú” của Bắc Kinh rằng, Trung Quốc đang theo đuổi “sự gia tăng hòa bình”, ông Gates nói: “Tôi không nghĩ rằng tới mức độ ấy”.

Chỉ một tuần trước đây, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp dầu khí một tàu thăm dò của Việt Nam lúc tàu này tiến hành khảo sát trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Sau đó, Manila đã phản đối Trung Quốc về việc một tàu nước này đã tháo dỡ vật liệu xây dựng ở bãi đá ngầm tại Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Philippines cho rằng, thực sự quan ngại khi Bắc Kinh có thể từ bỏ thỏa thuận từ chín năm trước rằng không bắt đầu xây dựng công trình mới ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông.

Trong khi ông Gates bày tỏ quan ngại về các vụ việc liên tục xảy ra gần đây, thì bình luận của ông dường như đã “dịu” hơn so với cách tiếp cận đầy cứng rắn trong năm ngoái của chính phủ Mỹ. Tại hội nghị tương tự vào năm 2010, ông Gates đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Tháng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi trong một chuyến thăm Việt Nam đã tuyên bố, Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Tuyên bố cứng rắn của Mỹ năm ngoái là một phần phản ứng lời kêu gọi của các quốc gia Đông Nam Á về vai trò mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực để cân bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sau đó lại làm dấy lên lo lắng rằng, một cường quốc hải quân hiện thời và một Trung Quốc đang trỗi dậy có thể đi vào một cuộc xung đột ở nước láng giềng của họ.
Hôm thứ Sáu, ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia, cũng nhấn mạnh sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông khi kêu gọi một trật tự an ninh mà không ép buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cam kết theo đuổi con đường “gia tăng hòa bình”. Học thuyết này bao gồm việc đảm bảo rằng sự gia tăng kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc sẽ không đặt ra mối đe dọa nào với các nước khác, và rằng Bắc Kinh sẽ không tìm kiếm vai trò bá quyền.

Ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và là đại biểu cấp cao nhất mà Bắc Kinh cử tới Đối thoại Shangri-La sẽ nhắc lại thông điệp trên khi ông phát biểu ở diễn đàn vào hôm nay (5/6).

Thái độ “dịu hơn” của Washington với Trung Quốc xuất hiện khi hai nước tìm kiếm các cuộc đối thoại quân sự sâu sắc hơn. Hôm thứ Sáu, các đại biểu Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành hội đàm song phương mà hai bên mô tả là “khá thân mật”. Tháng trước, ông Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã có chuyến công du kéo dài một tuần lễ tới Mỹ.

Ông Gates, người đang thực hiện chuyến thăm châu Á cuối cùng trước khi rời nhiệm sở vào cuối tháng này, nói tại diễn đàn an ninh cấp cao rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì “cam kết quân sự mạnh mẽ” và tăng cường các cuộc thăm cảng, các thỏa thuận hải quân trong khu vực. Ông cũng bác bỏ những quan ngại về áp lực ngân sách với Lầu Năm Góc khi Mỹ đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính trong khi ngân sách quân sự Trung Quốc lại tăng không ngừng nghĩa là ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ giảm sút.

Ông khẳng định: “Tôi đặt cược 100 USD rằng, năm năm kể từ bây giờ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này là mạnh nếu không phải là mạnh hơn như ngày nay”.
[Vietnamnet news]


Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

>> Xe chiến đấu bộ binh ZBL-09 "Báo Tuyết" của Trung Quốc



Loại xe chiến đấu bộ binh mới của Trung Quốc Type 07, còn được gọi là ZBL-09 “Báo Tuyết”, được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Phương bắc NORINCO, thuộc họ xe bọc thép bánh lốp 8x8.




Xe chiến đấu bộ binh ZBL-09

Loại xe này xuất hiện lần đầu năm 2006 trong các cuộc thử nghiệm trên đường. Nó có thể trở thành thế hệ kế tiếp của các kiểu xe bọc thép chở quân Type 92 APC và xe chiến đấu bộ binh Type 92 IFV. Nó cũng được đề xuất xuất khẩu với mã hiệu VN-1.




Xe chiến đấu bộ binh Type 07 8x8


Một biến thể 6x6 đã được tiết lộ năm 2006 và được nhắm vào thị trường xuất khẩu. Mặc dù không nhận được đơn đặt hàng sản xuất nào nhưng điều đáng nói là loại xe này có thiết kế kiểu mô-đun tiên tiến. Xe có 6 phần, gồm các khối động cơ, truyền động, điều khiển, hệ thống treo, thân xe và tháp pháo. Loại xe bọc thép chở quân 6x6 mới này đã sử dụng một số thành phần được phổ biến rộng rãi.

Loại xe chiến đấu bộ binh mới Type 07 8x8 IFV có một số tính năng chung với xe bọc thép chở quân 6x6 APC và có thể dùng cùng công nghệ.

Vỏ giáp của loại xe mới Type 07 có thể chống được đạn xuyên giáp cỡ 7,62mm ở mọi mặt. Vòng cung trước có thể chống đạn xuyên giáp cỡ 12,7mm. Vỏ giáp có thể được tăng cường bằng các tấm vỏ gốm composite được lắp thêm vào. Các nguồn tin Trung Quốc tuyên bố rằng các phụ kiện lắp thêm này có thể chống lại đạn xuyên giáp AP cỡ 12,7mm quanh xe và đạn xuyên giáp AP cỡ 25mm ở vòng cung trước. Xe có thể đã sử dụng các phần tử và công nghệ thiết kế để bảo vệ binh sĩ khỏi mìn và các thiết bị nổ tự tạo (IDE). Xe cũng có thể có bảo vệ chống vũ khí NBC và các hệ thống tự động chữa cháy.




Vỏ giáp của xe Type 07 có thể chống được đạn xuyên giáp cỡ 7,62mm ở mọi mặt


Loại xe chiến đấu bộ binh mới của Trung Quốc trang bị tháp pháo trên đó lắp pháo 30mm và súng máy đồng trục 7,62mm. Hầu như chắc chắn xe đã được trang bị hệ thống điện tử quản lý chiến trường.


Xe Type 07 được trang bị pháo 30mm và súng máy đồng trục 7,62mm


Loại xe Type 07 có kíp xe 3 người và có thể chở 7 đến 10 binh sĩ. Binh sĩ lên xuống xe qua bậc dẫn phía sau hoặc các cửa sập trên nóc xe. Có các lỗ châu mai để binh sĩ có thể bắn ra.


Xe có thể chở 7 đến 10 binh sĩ


Xe được dẫn động bằng động cơ diesel Deutz BF6M1015C công suất 440 mã lực. Khoang chứa động cơ được bố trí ở giữa thân xe, phía sau khoang lái. Xe được lắp một hệ thống bơm lốp để tăng cường khả năng cơ động đường dài. Loại xe chiến đấu bộ binh mới của Trung Quốc còn là loại xe đổ bộ đúng nghĩa. Nó chuyển động dưới nước bằng công nghệ waterjet với 2 luồng phụt.


Xe Type 07 còn là xe đổ bộ


Loại xe Type 07 được chế tạo với các phiên bản sau:

- Xe bọc thép chở quân.

- Xe chiến đấu bộ binh.

- Xe chỉ huy.

- Xe thu hồi.

- Xe hỗ trợ hỏa lực 105 mm.

- Pháo (nòng ngắn) tự hành 122 mm, 155 mm.

- Hệ thống cối 2 nòng 120 mm.




Phiên bản xe thu hồi





Type 07 có phiên bản dùng làm xe chỉ huy





Phiên bản pháo tự hành


Các thông số kỹ- chiến thuật cơ bản:

- Kích thước:

Dài: 8m; rộng: 3m; cao: 2.1m (kể cả tấm giáp đỉnh bằng gốm composite).

- Kíp xe: 3 người.

- Năng lực chở quân: 7 - 10 người.

- Động cơ: DEUTZ V6 BF6M1015C 440 mã lực.

- Tốc độ:

Lớn nhất trên đường bằng: 100km/h; tốc độ lội nước lớn nhất: 8km/h.

- Vũ khí trang bị:

Súng máy 2A72 30mm (Trung Quốc); hệ thống ngắm bắn 3 trong 1, máy nhìn toàn cảnh của chỉ huy.

- Bảo vệ:

Phía trước: Chống đạn xuyên giáp 12,7 mm ở khoảng cách 100m; chống đạn xuyên giáp 25mm ở khoảng cách 1000m (khi có tăng cường vỏ giáp gốm composite).

Bên sườn: Chống đạn xuyên giáp 7,62 mm ở khoảng cách 100m; Chống đạn xuyên giáp 12,7 mm ở khoảng cách 100m (khi có tăng cường vỏ giáp gốm composite);

Phía sau: Chống đạn xuyên giáp 7,62 mm ở khoảng cách 120m.
[Vitinfo news]


>> Nga: Trung Quốc sẽ tấn công Nga trong vài năm tới



Sự tăng trưởng về chất lượng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với Nga trong thập kỷ tới, và khả năng Trung Quốc tấn công nước Nga chỉ còn là vấn đề thời gian...





Trong thập kỷ vừa qua học thuyết quân sự của Trung Quốc đã hoàn toàn thay đổi: từ chiến thuật phòng thủ nay học thuyết quân sự của Trung Quốc đã mang định hướng tấn công bằng các quân đoàn có khả năng cơ động cao hơn trong các cuộc chiến tranh cục bộ. Quá trình trang bị lại của Quân đội Trung Quốc đang được triển khai mạnh mẽ, 80% trang bị là vũ khí của Nga. Mục tiêu chủ yếu của cuộc cải cách quân đội Trung Quốc là nhằm nâng cao khả năng chiến đấu và hiện đại hóa trang bị vũ khí.

So với Quân đội Nga Quân đội Trung Quốc đã có những ưu thế đáng kể: khả năng chiến đấu cao, số lượng đông, và được trang bị tốt hơn bằng chính vũ khí do Nga sản xuất. Điều này đã được các quan chức Nga chính thức thừa nhận, bởi vì Trung Quốc đã mua hầu hết tất cả các loại vũ khí mới nhất của Nga với số tiền, theo số liệu chính thức, là 30 tỷ USD hàng năm; còn theo số liệu không chính thức là 40-45 tỷ USD.

So với các nước láng giềng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc được tăng cường mạnh mẽ đến mức đã làm cho nhiều nước phải lo ngại. Quốc hội Nhật Bản - đối thủ địa chính trị truyền thống của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông - năm ngoái đã sửa đổi Hiến pháp để cho phép tăng cường khả năng xây dựng quốc phòng của Nhật Bản trước mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.

Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ dọc theo toàn bộ biên giới của mình và thực hiện chính sách bành trướng một cách đa dạng. Nếu đối với Đài Loan về mặt lãnh thổ chính sách của lãnh đạo Trung Quốc không thay đổi trong suốt 40 năm nay (luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc), thì đối các khu vực lãnh thổ tranh chấp khác trung Quốc lại sử dụng các chiến thuật khác nhau về cách thức và mức độ gây hấn. Như ở Nepal các nhóm bạo loạn theo chủ nghĩa Mao đã không ít lần đưa đất nước Nepal đến bờ vực của nội chiến. Còn Mông Cổ, tuy không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Trung Quốc, nhưng đất nước này có thể trở thành bàn đạp để Trung Quốc triển khai các cuộc tấn công vào vùng Đông Siberia và vùng Viễn Đông của Nga.

Sự tăng trưởng về chất lượng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với Nga trong thập kỷ tới. Sau khi giải quyết xong các vấn đề về lãnh thổ dọc biên giới, việc Trung Quốc tấn công nước Nga chỉ còn là vấn đề thời gian. Trung Quốc sẽ không dừng tấn công ngay cả khi Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi vì nhiều lần quân đội Trung Quốc đã từng xâm nhập chống lại Liên Xô khi Liên Xô đã có vũ khí hạt nhân; hơn nữa hiện nay Trung Quốc cũng đã có một số lượng lớn đầu đạn hạt nhân.

Hơn thế nữa, tham vọng của Trung Quốc đối với vùng Viễn Đông Nga có lý do không đơn giản từ trong quá khứ. Vùng đất gốc rễ của nước Nga này chỉ thật sự trở thành của Nga trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh thuốc phiện thứ hai từ 1856 đến1860, khi đó Anh và Pháp đã đánh bại Trung Quốc, còn nước Nga của Sa hoàng đã khôn khéo tham gia vào việc phân chia thành quả cuộc chiến để có được vùng lãnh thổ Viễn Đông rộng lớn. Ngay năm sau (1861) nước Nga đã xây dựng cảng biển Vladivostok.

Trung Quốc thường xuyên gây ra các cuộc xung đột biên giới gần như với tất cả các nước láng giềng. Năm 1969 giữa Liên Xô và Trung Quốc đã xảy ra xung đột trên đảo Damansky (trên sông Ussuri) và ở vùng Hồ Zhalanashkol thuộc Kazakhstan ngày nay. Vào những năm 70 của thế kỷ trước Trung Quốc đã gây ra các cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và Việt Nam. Các sự kiện này cho thấy Trung Quốc là nước hiếu chiến và nguy hiểm đối với các nước láng giềng.

Vào năm 2005, cuộc diễn tập quân sự Nga-Trung Quốc tại bán đảo Sơn Đông là lý do tạo ra sự lạc quan trên các phương tiện truyền thông của chính phủ Nga. Mặc dù kịch bản của cuộc diễn tập quân sự mang tính chất chống khủng bố, nhưng rõ ràng về thực chất đối với phía Trung Quốc đó là cuộc diễn tập cho việc chiếm lại đảo Đài Loan. Trung Quốc muốn tìm hiểu sức mạnh và khả năng của vũ khí Nga trước khi mua. Những lời nói rằng Trung Quốc là đối tác và đồng minh của Nga thật là nực cười, bởi vì chỉ có những kẻ thiển cận mới không thấy mối quan hệ này là bất bình đẳng, mới không thấy nước Nga đang đứng trước một nước láng giềng hiếu chiến. Nước Nga chỉ có một vài năm để trang bị lại và huấn luyện quân đội, và nếu chúng ta không làm điều đó thì chỉ sau một vài năm tới có thể mất tới một phần ba lãnh thổ!

Trong lịch sử thế giới có rất nhiều bài học khi cuộc tập trận chung được một bên coi là sự phối hợp giữa các đồng minh, còn một bên lại coi là cơ hội để tìm hiểu và đánh giá đối phương. Một ví dụ kinh điển là cuộc tập trận giữa Liên Xô và nước Đức phát xít trước Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai đã giúp cho nước Đức biết được vũ khí và khả năng tác chiến của Quân đội Liên Xô.

Lời bình của chuyên gia quân sự Anatoly Tsyganok Dmitrievich - giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quân sự, giám đốc Trung tâm dự báo quân sự trực thuộc Viện Phân tích Chính trị và quân sự:

Sau 15 năm nữa, thậm chí có thể sớm hơn. Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ quân sự nguy hiểm của nước Nga. Trong trường hợp Trung Quốc sụp đổ, giống như Liên Xô trước đây, nhiều vùng của Trung Quốc có thể tuyên bố trở thành các quốc gia độc lập, như từng đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử sóng gió của Trung Quốc, và các quốc gia này sẽ đòi hỏi mở rộng lãnh thổ sang các nước láng giềng.

Tập trận chung với Trung Quốc (lại còn phô diễn khả năng lực lượng máy bay ném bom chiến lược của chúng ta) là đi ngược lại với lợi ích quốc gia và an ninh của nước Nga.

Trung Quốc đã thông qua chương trình bành trướng dần sang lãnh thổ Nga – theo cách của Khổng Tử: nếu không bằng vũ lực, thì bằng sự khôn ngoan và trí thông minh. Điều này chúng ta thấy rõ ở vùng Viễn Đông, nơi hiện nay số lượng dân di cư Trung Quốc đang tăng lên một cách đáng sợ.

Trong cuộc diễn tập năm 2005 tại bán đảo Sơn Đông các chuyên gia quân sự Nga đã ngẫu nhiên nhìn thấy bản đồ tác chiến của phía Trung Quốc. Trên bản đồ màu vàng được phủ kín toàn bộ vùng Siberia, Kazakhstan và Trung Á. Trung Quốc coi các khu vực này bị nước Nga xâm chiếm hơn 300 năm trước đây.
[Vitinfo news]


>> Hồ sơ tranh chấp trên quần đảo Falkland (P 2)



>> Hồ sơ tranh chấp trên quần đảo Falkland (P1)

Cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Falkland đã gây ra những thiệt hại lớn cả về sinh mạng và của cải, nhưng vẫn không xóa đi được tranh cãi tiêp tục dai dẳng.

Con đường chuyển quân của quân đội Anh, với đảo Ascension làm điểm tập trung.

Các dấu mốc quan trọng của cuộc chiến

Ngày 2/4/1982, Argentina mở màn cuộc chiến bằng việc sử dụng tàu đổ bộ đưa một đơn vị với quân số gần 1.000, tấn công bờ biển gần cảng Stanley. Lực lượng này đụng độ với đơn vị lính thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh khoảng 80 người. Kết quả, lính Anh bị bắt giữ toàn bộ còn Argentina đổ bộ tiếp 3.000 lính.

Con đường chuyển quân của quân đội Anh, với đảo Ascension làm điểm tập trung.

Ngày 3/4/1982, biệt kích Argentina tiếp tục tràn lên hòn đảo Nam Georgia, đụng độ với đơn vị thủy quân lục chiến khác của Anh đang làm nhiệm vụ đuổi các công nhân đã dựng cờ Argentina tại đây. Vì số lượng ít ỏi, quân Anh tiếp tục thất bại và bị bắt giữ toàn bộ nhưng không có thương vong.

Từ 5 – 22/4/1982, chính quyền Anh bắt đầu huy động lực lượng Hải quân và Lục quân hùng hậu tiến về phía Nam để giành lại quyền kiểm soát quần đảo Falkland, với hành trình dài hơn 12.800 km.

Điểm nhấn chính là 2 chiếc tàu sân bay HMS Invicible và Hermes, trung tâm của lực lượng; tất cả lực lượng đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hải quân Woodward.

Đảo Ascension, nằm ở giữa con đường từ Anh tới Falkland là điểm tập trung quân. Chiến thuật của Anh là phong tỏa vùng biển bán kính 320 km quanh quần đảo, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ con tàu của Argentina xâm nhập vùng cấm.

Giai đoạn này, theo nhiều chuyên gia quân sự, các lãnh đạo quân đội Argentina đã mắc nhiều sai lầm chiến lược.

Thất bại tai hại nhất là việc người Argentina không nỗ lực xây dựng, mở rộng đường băng lớn để cho phép các máy bay Skyhawk, Mirage, Super Etendard cất hạ cánh trên các đảo. Từ đó, suy giảm về mặt sức mạnh chiến đấu cũng như không thể thực hiện không kích quy mô lớn vào hạm đội tàu của Anh.


Các máy bay của Argentina chỉ có thể xuất kích từ nội địa và sớm trở về đất liền với quãng đường gần 500 km, trong khi bị hạn chế nhiên liệu.


Trước tình hình nghiêm trọng, lãnh đạo Argentina đưa tàu sân bay Veinticinco de Mayo rời quân cảng Puerto Belgrano tiến về Falkland, cùng với 3 tàu ngầm, 1 tuần dương, 2 khu trục hạm và một số tàu khác. Tuy nhiên, tàu của Argentina chủ yếu ở ngoài khu vực phong toả của người Anh.

22-25/4/1982, quân đội Anh tiến hành tấn công chiếm lại đảo Nam Georgia, tiêu diệt tàu ngầm Santa Fe bằng 3 quả tên lửa diệt ngầm, bắt giữ gần 200 lính Argentina.

1/5/1982, chiến sự bước vào giai đoạn quyết liệt trên các đảo chính Đông và Tây Falkland. Dù máy bay chiến đấu của Argentina, bao gồm Mirage và máy bem ném bom Canberra làm hư hỏng 2 tàu chiến Anh, nhưng Harrier và máy bay ném bom Vulcan gây ra những tổn thất lớn hơn nhiều cho Argentina.

2/5/1982 diễn ra sự kiện đẫm máu nhất trong cuộc chiến, cũng như buộc hạm đội của Argentina bó buộc trong cảng trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến.

Tàu ngầm HMS Conquer của Anh đã phát hiện và tiêu diệt tàu tuần dương hạng nhẹ ARA General Belgro với 3 quả ngư lôi, khiến 320 lính Argentina thiệt mạng.




Tàu General Belgro dính ngư lôi và chìm dần, khiến 320 lính Argentina thiệt mạng. Ngay sau đó, Argentina trả thù bằng phá hỏng tàu Sheffield.


4/5/1982, quân đội Anh nếm đòn trả thù khi máy bay Argentina sử dụng tên lửa có điều khiển Exocet tấn công tàu khu trục Sheffield khiến chiếc tàu này hư hỏng nặng và 20 người chết.

Từ ngày 21/5, cục diện chuyển dần từ hải - không chiến sang chiến trường trên bộ khi quân đội Anh bắt đầu đổ bộ tái chiếm đảo. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ khiến Anh tổn thất khá nặng với các tàu HMS Ardent, Antelope, Conventry bị đánh chìm…

Với 4.000 lính dưới sự chỉ huy Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Julian Thompson, quân đội Anh tiến hành giành lại nhiều chiến trường: chiếm lại Darwin và Goose Green ngày 27-28/5; đánh bại quân Argentina ở núi Kent. 5.000 quân Anh được bổ sung, đảm bảo lực lượng để tấn công vào thủ phủ Stanley.

Từ đầu tháng 6, phía Anh chuyển đại pháo, súng cối, và những thiết bị khác lên vùng đất cao gần Stanley. Tàu chiến liên tục tấn công vị trí của quân Argentina. Những đơn vị biệt kích tinh nhuệ của Anh di chuyển ngang qua hòn đảo từ Darwin, Goose Green tới chiếm lĩnh những vị trí gần Stanley.



Bản đồ các hướng tấn công của quân đội Anh vào thủ phủ Stanley.


Tuy nhiên, quá trình xây dựng, củng cố lực lượng của Anh gặp phải sự công kích của Không quân Argentina. Ngày 8/6/1982, máy bay Skyhawk và Mirage liên tục dội bom khiến 2 chiếc tàu chở lính RFA Sir Galahad và Sir Tristam hư hỏng nặng, 56 lính thiệt mạng.

11-14/6/1982, cuộc chiến bắt đầu ngã ngũ. Những đơn vị Gurkha và Vệ binh cùng lính bộ binh, lính thủy đánh bộ Anh tiến vào thủ phủ Stanley. Hàng loạt các trận chiến dữ dội nổ ra giữa 2 bên. Các chiến trường chủ yếu là núi Harriet, Longdon, trận Wireless Ridge, Two Sisters.

Tuyến phòng thủ cuối cùng của quân đội Argentina tại núi Mount Tumbledown sụp đổ. Bị bao vây trên bộ và chặn đứng ở biển, tình thế này buộc chỉ huy quân đội Argentina, chuẩn tướng Mario Menendez phải đầu hàng cùng 9.800 lính của mình, chính thức kết thúc cuộc chiến trên quần đảo Falkland.

Hậu quả và thương vong

Tổng số, 907 người thiệt mạng trong 74 ngày diễn ra cuộc tranh chấp. Trong đó, con số bên Argentina là 649 người. Bên phía Anh, có 255 binh lính và sĩ quan thiệt mạng.

Số người bị thương lên tới 1.188 (phía Argentina) và 777 (phía Anh). Số người Argentina bị bắt làm tù binh là 11.313 người, còn phía Anh chỉ có 115 người.

Thiệt hại về khí tài:

Quân đội Anh mất 2 tàu khu trục (Conventry và Sheffield) và 2 tàu khinh hạm (Ardent và Antelope), 1 tàu đổ bộ, 1 tàu vận chuyển, 24 trực thăng và 10 máy bay chiến đấu.

Về phía Argentina, tàu tuần dương General Belgrano, tàu ngầm Santa Fe, 4 tàu chở 2 hàng, 2 thuyền tuần dương, 1 thuyền đánh cá do thám.

Tuy nhiên, thiệt hại nghiêm trọng nhất của Argentia là máy bay: mất 25 trực thăng, 35 máy bay chiến đấu, 2 máy bay ném bom, 4 máy bay vận tải, 9 máy bay huấn luyện có vũ trang, 25 máy bay.

Hệ quả gián tiếp giành cho 2 nước cũng khác biệt. Tại Argentina, 3 ngày sau thất bại tại Falkland, Tổng thống Galtieri bị hạ bệ, kết thúc giai đoạn lãnh đạo quân sự cầm quyền, phục hồi nền dân chủ.

Còn ở Anh, chiến thắng đã củng cố niềm tin quốc gia cũng như vị thế trên trường quốc tế, đảm bảo cho chiến thắng của chính quyền Thatcher trong kỳ bầu cử năm 1983.

Những tuyên bố hiện tại về chủ quyền của hai nước

Tuyên bố từ phía Argentia:

Từ sau cuộc chiến Falkland, chính quyền Argentina vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Falkdland. Mới đây nhất, trong Hiến pháp sửa đổi, nước này coi đây là một phần của tỉnh Tiera del Fuego cùng với quần đảo Nam Georgia, Nam Sandwich. Những lý do mà Argentina đưa ra:

+ Chủ quyền được chuyển từ Tây Ban Nha sang Argentina sau khi giành độc lập với nguyên tắc “uti possidetis juris” (sở hữu cái hiện có). Trong khi, bản thân Tây Ban Nha chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền, ngay cả khi có sự thuộc địa hóa của người Anh.
+ Anh đã từ bỏ thuộc địa này năm 1776, chính thức trong Công ước Nootka Sound, trong khi Argentina thì không.
+ Việc Anh quay trở lại năm 1833 là bất hợp pháp theo luật quốc tế, nên Argentina luôn phản đổi hành động này từ 17/6/1833 đến nay.
+ Nguyên tắc tự định đoạt mà Anh đưa ra không thích hợp, khi mà những người dân hiện tại không phải là dân bản xứ. Thực chất, Anh đã đưa công dân của mình tới thay thế người Argetina sau năm 1883.
+ Quần đảo nằm trong thềm lục địa của Argentia tuân theo Hiệp ước Liên hiệp quốc về thềm lục địa năm 1958.

Tuyên bố từ phía Anh:

+ Người Anh đã tuyên bố chủ quyền từ năm 1690 và chưa bao giờ từ bỏ.
+ Quần đảo được người Anh xây dựng cơ sở hạ tầng, liên tục và hòa bình từ năm 1833, trừ 2 tháng xung đột với Argentia năm 1982.
+ Những cố gắng của Argentia trong việc thành lập thuộc địa trên quần đảo giai đoạn 1820-1833 là không liên tục và vô ích.
+ Bản thân quần đảo không có người bản xứ trước khi Anh khai hoang lập địa tại đây.
+ Trong cuộc bỏ phiếu do Argetina khởi xướng năm 1994, 87 % dân số đảo từ chối bất kỳ thảo luận về chủ quyền trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
+ Hiệp ước Lisbon phê chuẩn, quần đảo Falkland thuộc về Anh.
[Vitinfo news]


>> Shangri-La khi Trung Quốc chơi rắn



Khai mạc ngày 3/6, Đối thoại Shangri-La 2011 được giới quan sát đánh giá là "không thể diễn ra vào thời điểm nào hay hơn".

Tâm điểm Biển Đông

Chưa đầy một tuần trước Shangri-La, Trung Quốc cho 3 tàu hải giám xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó 5 ngày, Trung Quốc cho tàu quân sự vào vùng biển của Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực. Chơi rắn với láng giềng, người phát ngôn Trung Quốc tuyên bố đó là "hành động bình thường", "hợp lý", thậm chí vu cáo nước khác tạo cớ, làm căng thẳng tình hình.

Giới phân tích cho rằng, thực chất những hành động đó là phép thử của Trung Quốc với từng quốc gia có tranh chấp chủ quyền, với ASEAN với tư cách
một khối thống nhất, với Mỹ với tư cách siêu cường luôn khẳng định sự hiện diện ở khu vực.

Với đặc tính: đối thoại thẳng thắn, tranh luận sắc bén, không ít người dự đoán, Shangri-La năm nay với Trung Quốc khó có thể là thiên đường hạ giới như tên gọi của nó (Shangri-La vốn là tên địa điểm hư cấu trong Lost Horizon của nhà văn Anh James Hilton). Một khi hành xử "vỗ mặt", "bề trên" với láng giềng khu vực, Trung Quốc khó có thể mong đợi gì khác.

Căng thẳng dâng cao được dự đoán sẽ đưa Biển Đông trở thành tâm điểm của nghị trình Shangri-La 2011. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh cho hay, ông sẽ chủ động nêu sự kiện 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cắt cáp dầu khí của Việt Nam, "để khu vực và thế giới hiểu đúng".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng nói rằng ông "sẽ đưa việc Trung Quốc gần đây liên tục xâm nhập trái phép vào vùng đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền ra trước Shangri-La".



Các quan chức tham dự Đối thoại Sangri-La 2011.

Trong nghị trình dự kiến Shangri-La sẽ dành riêng một phiên toàn thể thảo luận về việc ứng phó với các thách thức an ninh biển mới, và một phiên họp hẹp
về tranh chấp lãnh thổ.

Đó là chưa kể việc vấn đề Biển Đông có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc phân chia quyền lực mới ở châu Á (một chủ đề khác trong nghị trình Shangri-La 2011), với siêu cường Mỹ có quá nhiều mối bận tâm và gánh nặng ngân sách trong khủng hoảng và một cường quốc đang lên Trung Quốc đang muốn tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.

Và cũng không quên việc các quốc gia thành viên sẽ dành trọn một phiên để nghe Trung Quốc nói và nói với Trung Quốc về đóng góp an ninh quốc tế của Trung Quốc. Và việc Trung Quốc biến Biển Đông thực sự là "vùng biển dữ", như tên nhà hàng hải người Anh đặt cho vùng Biển Đông - với các hoạt động phát triển kinh tế, của Việt Nam và các nước, khó tránh bị đặt trên bàn cân.

Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc mạnh tay chi cho quốc phòng, trang bị vũ khí, khả năng về một cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ về xung đột nóng là điều các nước tính tới và muốn chặn.

Với cơ chế đối thoại, Shangri-La không chỉ đưa ra các tuyên bố chính sách mà cả các sáng kiến chính sách, không chỉ là những đối thoại mang tính tham vấn mà gồm các kế hoạch để cải thiện sự hợp tác.

Shangri-La mang lại không gian cho đối thoại, dù như giới phân tích nhận định, có thể sẽ không tránh được sự nổi nóng. Bởi mục tiêu của Shangri-La là tạo nên cơ chế để thảo luận minh bạch hơn về các chủ đề an ninh và quốc phòng nhạy cảm nhất.

Không phải ngẫu nhiên sau những cú "chơi rắn" của Trung Quốc ở Biển Đông, đối với Việt Nam và Philippines, ngày 3/6, khi Đối thoại Shangri-La khai mạc tại Singapore, tờ Nhân dân nhật báo của nước này chạy bài viết với tiêu đề, "Shangri-La nên tập trung vào hợp tác".

Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, Zhang Xuegang, tác giả bài báo cho rằng, sự khác biệt, thậm chí va chạm về quan điểm là điều bình thường trong các đối thoại Shangri-La trước đây và điều này có thể hiểu được.

Tuy nhiên, Zhang Xuegang cho rằng: "không nên được sử dụng Đối thoại Shangri-La như là diễn đàn để vài nước nào đó cố tình phê phán, chỉ trích quốc gia khác hay là công cụ để gây áp lực chính trị mang tính đơn phương".

Có lí do để vị học giả Trung Quốc lại sợ bị chỉ trích, nhất là khi nhìn vào hồ sơ Biển Đông. Còn nhớ, năm 2010, Trung Quốc đã từng rát mặt tại các hội nghị an ninh khu vực khi chủ đề Biển Đông liên tục được nhắc tới mà Trung Quốc được chỉ đích danh là thủ phạm gây bất ổn.

Ngay tại Shangri-La 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trực tiếp đề cập đến tranh chấp Biển Đông và khuyến nghị cách tiếp cận đa phương để giải quyết tranh chấp. "Các bên phải làm việc để giải quyết sự khác biệt thông qua hòa bình, những nỗ lực đa phương phù hợp với thông lệ luật pháp quốc tế".

Theo ông Gates, điều cần hướng tới là kết quả và giải pháp không phải là "zero sum game", khi lợi ích của một nước chống lại lợi ích của các quốc gia khác.

"Cây gậy và củ cà rốt" của Trung Quốc

Hành xử khiêu khích, gây hấn, nay lãnh đạo quân sự Trung Quốc tận dụng diễn đàn Đối thoại để trấn an và giải thích, để cam kết trên lời nói. Cây gậy và củ cà rốt được Trung Quốc đưa ra.

Thế nhưng, như nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từng nhấn mạnh, chơi với Trung Quốc, nói về hợp tác là đúng nhưng càng phải nói về những khác biệt.



Thủ tướng Malaysia: ASEAN không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Có đủ không gian cho các nước lớn.

Tập trung bàn về việc hợp tác như khuyến nghị của Zhang Xuegang nhưng nói như GS John Chipman, Shangri-La, "không bao giờ tìm cách đối đầu, nhưng cũng không bao giờ lảng tránh việc tranh luận". Và việc bàn chuyện hợp tác sẽ không có ý nghĩa một khi Trung Quốc vẫn hành xử thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm, khăng khăng tự định luật chơi riêng, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế.

Và chừng nào, Trung Quốc vẫn tiếp tục đeo bám chiến lược hiện thực hoá đường lưỡi bò vốn đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội, nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông thì chừng đó, Biển Đông vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, gây bất ổn cho cả khu vực.

Dư luận đang chờ xem liệu Trung Quốc sẽ nói sao với thế giới? Liệu ASEAN sẽ có một tiếng nói chung? Liệu Mỹ, Nhật Bản và các nước khác có lên tiếng đủ mạnh mẽ, để kìm cương "người láng giềng to xác xấu bụng", giữ Biển Đông trong tầm kiểm soát, tránh được xung đột nóng.
[Vitinfo news]


>> Đối thoại Shangri-La 2011: Cơ hội ổn định và hòa bình



Đối thoại Shangri-La 2011 là cơ hội để các nước xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh cũng như để nâng cao sự minh bạch chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực.





Tiến sĩ John Chipman, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La

Tổng giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman cho biết, Hội nghị An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, được tổ chức tại Singapo từ ngày 3 đến ngày 5/6/2011.

Đối thoại Shangri-La tại Singapo tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải hay các lợi ích về an ninh của Trung Quốc.

Chủ đề liên quan đến Biển Đông cũng được nhắc đến nhiều trong chương trình nghị sự. Theo ông John Chipman, mối quan tâm của Trung Quốc đối với hội nghị thường niên về an ninh tại Singapore này được thể hiện ngay từ tháng 3, khi Bắc Kinh công bố Sách trắng quốc phòng có nhắc đến “tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La đối với hợp tác quốc phòng khu vực.

Đối thoại Shangri-La ra đời từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh.

Đối thoại Shangri-La tại Singapo được kỳ vọng sẽ là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Hội nghị thường niên quy tụ các quan chức hàng đầu về quốc phòng của 28 nước trong trong khu vực, gồm Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng đại diện của NATO và Nga, là nhân tố quan trọng trong việc định hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh vấn đề chung, các nước còn tổ chức các cuộc họp song phương bên lề. Phía Trung Quốc do Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tham dự Hội nghị An ninh châu Á. Đây là lần đầu tiên ông Lương Quang Liệt dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị này và phát biểu về hợp tác an ninh quốc tế của nước này.



Cuộc họp giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc bên lề hội nghị.


Trong khi đó, đại diện cho phái đoàn Mỹ tham dự Đối thoại Shangri-la là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhằm khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực, với sự tháp tùng của Tư lệnh Bộ tư lệnh chiến trường Thái Bình Dương Robert F. Willard.

Đây sẽ là lần cuối Bộ trưởng Robert Gates xuất hiện tại diễn đàn quốc tế trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, trước khi cơ quan này có ông chủ mới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ có cuộc thảo luận bên lề hội nghị với Bộ trưởng Quốc phòng của Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt nhằm cải thiện hợp tác và đối thoại giữa hai quân đội.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có kế hoạch tới thăm Manila và có thể sẽ thảo luận về việc đóng quân của Mỹ tại đây. Theo các quan chức chính phủ Mỹ cho biết, Bộ trưởng Robert Gates sẽ trấn an các đồng minh ở châu Á đang lo lắng về việc vai trò quân sự của Mỹ bị thu hẹp trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng nỗ lực hiện đại hóa quân sự và các lực lượng vũ trang của họ có lập trường quả quyết hơn.

Tại cuộc Đối thoại, Bộ trưởng Robert Gates sẽ đưa ra cam kết của Mỹ về việc, quân đội Mỹ sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực bất chấp kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng của nước này và sự thay đổi lãnh đạo hàng đầu trong Bộ Quốc phòng Mỹ

Nhận định của các chuyên gia về Đối thoại Shangri-La 2011

Giám đốc điều hành ISS-Asia, tiến sĩ Tim Huwley nhận định, Đối thoại Shangri-La 2011 diễn ra trong bối cảnh an ninh và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương vừa trải qua một số biến động.

Theo tiến sĩ Huwley, sự cạnh tranh về quân sự giữa các bên có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực này. Tài liệu thường niên The Military Balance của chi nhánh IISS tại Singapore cũng nhấn mạnh đến sự chuyển dịch về sức mạnh quân sự từ phương Tây sang châu Á.


Chủ đề về tranh chấp Biển Đông được đề cập rất nhiều tại hội nghị.


Trong khi khủng hoảng kinh tế đang làm giảm mức chi tiêu quân sự tại Mỹ và châu Âu, thì tại châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp ngân sách quốc phòng không bị ảnh hưởng. Điển hình là những phát triển của quân đội Trung Quốc, như việc công bố tàu sân bay đầu tiên Shi Lang, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cùng các chương trình về tên lửa chống hạm và tàu ngầm.

Theo tiến sĩ Huwley, bối cảnh chiến lược tại châu Á hiện nay với sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc giữa các nước và một loạt các cuộc xung đột tiềm tàng có thể tạo lý do để các nước mở rộng năng lực quân sự của mình.

Trong số này ông nhắc đến mối lo ngại về chương trình hiện đại hoá quân đội tại châu Á nguy hiểm ở chỗ nó thường phản ánh những nỗ lực không được công bố, dẫn đến gây mất ổn định cho các chiến lược và học thuyết quốc phòng.

Ông cho rằng việc Trung Quốc nâng cao sức mạnh quân sự có liên quan đến tranh chấp chủ quyền với các láng giềng tại Biển Đông. Ngược lại, một số nước Đông Nam Á nâng cấp sức mạnh quốc phòng cũng không chỉ vì các lý do được công bố công khai là hiện đại hoá quân đội, mà còn là vì họ muốn đối phó sự phiêu lưu của Trung Quốc.
[Vitinfo news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang