Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Lục quân Mỹ

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lục quân Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lục quân Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

>> Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới (kỳ 2)



Quá trình phát triển của xe tăng Mỹ luôn dựa trên quan điểm ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào thiết kế, tạo ra tiện nghi tối đa cho kíp lái trong vận hành và chiến đấu.

>> Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới (kỳ 1)

Ngày nay, vị thế của xe tăng trên chiến trường không còn như trước, nhưng đây vẫn là lực lượng tiến công quan trọng. Trong loạt bài này, Đất Việt sẽ giới thiệu những cỗ máy từng được mệnh danh là “vua chiến trường”.

Kỳ 2: Xe tăng Mỹ tìm lại danh dự

Ngôi sao xuất hiện từ những thất bại

Từ trước tới nay, Mỹ luôn ưu tiên phát triển không quân và hải quân, do đó, lực lượng tăng – thiết giáp của nước này không được thực sự coi trọng, đặc biệt từ sau tranh thế giới thứ 2, thời điểm các vũ khí chống tăng phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng lý giải cho thất bại của xe tăng Mỹ trước các đối thủ Nga suốt một thời gian dài. Trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan 1965, Pakistan mất hơn 100 chiếc M-48. Cuộc chiến tranh 6 ngày giữa Israel với khối Arab (năm 1967), M-48 của Jordan đã bị hạ gục đau đớn bởi những chiếc tăng cổ lỗ M-4 Sherman được nâng cấp pháo 105mm.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lực lượng xe tăng Mỹ không có “ngôi sao”. Đầu những năm 1960, gặp phải “ác mộng” T-62 của Liên Xô, Mỹ bắt tay với Đức phát triển dự án MBT-70.

Kiểu dáng MBT-70 khá thấp (chiều cao khoảng 1,9m) đi ngược lại thiết kế truyền thống của tăng Mỹ. Điểm mới đáng ngạc nhiên ở MBT-70 là nó được trang bị pháo cỡ 152mm tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng, thiết bị nạp đạn tự động… những kỹ thuật chưa bao giờ xuất hiện trên xe tăng Mỹ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp nảy sinh, chi phí dự án tốn nhiều hơn so với dự tính. Cuối cùng, Mỹ và Đức đã “đường ai nấy đi”. Đức tập trung phát triển dự án mới và cho ra đời xe tăng Leopard 2, còn Mỹ điều phối lại chi phí và phát triển dự án XM815. Sau này được đổi tên thành XM1 – mẫu chế thử của xe tăng chiến đấu chủ lực mang tính cách mạng M1 Abrams.

Tiện nghi và an toàn hơn xe tăng Nga

Nếu như xe tăng Nga thiết kế theo tiêu chí rẻ, bền, tốt, kíp lái được huấn luyện để sửa chữa tăng trong điều kiện cần thì xe tăng Mỹ thiết kế tích hợp thiết bị điện tử công nghệ cao, giá cả đắt đỏ, đi kèm luôn có đội hình hậu cần đông đảo. Đặc biệt, trường phái thiết kế xe tăng của Mỹ luôn đề cao khả năng sống sót của tổ lái lên hàng đầu.

M1 Abrams chính thức đi vào phục vụ trong Lục quân Mỹ từ đầu năm 1980, Xe được ứng công nghệ giáp, điện tử tiên tiến trên thế giới. Toàn thân xe và tháp pháo của M1 được bọc loại giáp phức hợp. Biến thể M1A1 sau này còn được trang bị thêm lớp giáp Uranium nghèo để tăng khả năng phòng vệ trước các vũ khí chống tăng.


http://nghiadx.blogspot.com
Bên trong xe tăng M1 Abrams.

Bên trong xe Abrams, khoang chứa đạn đặt sau tháp pháo cách biệt với khoang chiến đấu bằng lớp cửa thép. Khoang chứa đạn có hai tấm ván trên nóc, trong trường hợp đạn phát nổ thì sức nổ sẽ thổi bay các tấm ván trên nóc giải phóng toàn bộ năng lượng ra ngoài xe mà không gây ảnh hưởng cho tổ lái. Đây cũng là một trong những điểm mà các chuyên gia Phương Tây luôn đưa ra để chê xe tăng Nga (các mẫu T-54/55, T-62, T-72, T-80, T-90 thì khoang chứa đạn nằm chung với khoang chiến đấu). Mỹ cũng đưa vào M1 thiết bị phòng vệ AN/VLQ-8A “soft kill” có khả năng gây nhiễu các loại tên lửa chống tăng.

Tất cả các vị trí trên xe đều lắp các thiết bị chuyên dụng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mỗi người: trưởng xe có 6 kính quan sát bao quát 360 độ quanh xe, thiết bị quan sát hồng ngoại độc lập hoạt động cả ngày/đêm, tự động quét khu vực, tự chuyển thông tin về mục tiêu cho pháo thủ; pháo thủ có kính ngắm chính, khí tài ảnh nhiệt; lái xe quan sát qua màn hình hiển thị tình trạng nhiên liệu, điện năng, thiết bị điện tử và kính quan sát hỗ trợ thiết bị hồng ngoại.

Ngoài ra, cũng như các dòng xe tăng hiện đại, M1 Abrams lắp thiết bị đo xa laser và máy tính điều khiển hỏa lực. Loại máy tính đạn đạo trên M1 sẽ tự động tính toán phần tử bắn dựa trên những thông tin thu được từ các sensor.

Có thể nói, M1 Abram được tích hợp nhiều công nghệ điện tử tiên tiến trợ giúp tối đa cho tổ lái trong cuộc chiến tranh hiện đại cần có độ chính xác cao và tốc độ nhanh.

Từ chối mang tên lửa

Sở hữu nhiều tính năng tiên tiến nhưng M1 Abrams cũng từ chối không ít công nghệ hiện đại. Xét về sức mạnh hỏa lực, trong khi Nga luôn tìm cách phát triển vũ khí cho xe tăng thì Mỹ lại có xu hướng rút gọn. Hỏa lực của M1 Abrams là một pháo nòng trơn 120mm M256 có khả năng bắn được hầu hết các loại đạn nhưng các nhà thiết kế kiên quyết từ chối việc phóng tên lửa qua nòng pháo.


http://nghiadx.blogspot.com
Pháo 120mm thể hiện sức mạnh.

M1 cũng không sử dụng máy nạp đạn tự động, do đó tốc độ nạp đạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và sức khỏe của người nạp đạn, cũng như điều kiện địa hình.

M1 Abrams sử dụng loại động cơ tuốc bin khí đa nhiên liệu cho phép một xe tăng có trọng lượng lên tới gần 70 tấn di chuyển tốc độ 67km/h. Loại động cơ này có một nhược điểm lớn là tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu.

“Dòng tăng cuối cùng” của Mỹ?

Người ta thường thấy hình ảnh các loại xe tăng T-80, T-90 của Nga bay lên khỏi mặt đất khi vượt chướng ngại vật. Nhưng đối với M1 Abrams không có chuyện đó, bánh xích vẫn bám sát mặt đường. Tuy nhiên, thao diễn là một chuyện, chiến đấu lại là chuyện khác.

Một trong những cuộc chiến chứng minh hiệu quả của M1 Abrams là cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991. Tại đây, các sư đoàn tăng M1 của Mỹ đối đầu với các xe tăng của Quân đội tăng Iraq trang bị chủ yếu xe tăng do Liên Xô sản xuất (T-54/55, T-62, T-72). Các xe tăng M1 Abrams đã đánh bại hoàn toàn các đơn vị tăng Iraq với con số thiệt hại tối thiểu chưa từng thấy. Theo số liệu do phía Mỹ công bố, tổng kết cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chỉ có 18 chiếc M1 Abrams bị phá hủy (9 chiếc có thể khôi phục lại). Đồng thời, cần nhớ rằng T-72 mà Iraq sử dụng chưa hẳn là biến thể tiên tiến của T-72. Vì là biến thể xuất khẩu, T-72 của Iraq vẫn dụng giáp thép truyền thống (không có giáp phản ứng nổ, pháo tăng không có khả năng phóng tên lửa qua nòng, thiết bị ngắm bắn - quan sát có nhiều hạn chế…)

Tuy “tỏa sáng” nhưng M1 Abrams có thể là dòng tăng cuối cùng của Mỹ. Theo đó, Quân đội Mỹ có dự định dừng thiết kế xe tăng mới, chỉ duy trì cải tiến xe tăng M-1 Abrams. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của xe tăng đang có chiều hướng suy giảm. Ngay bản thân nước Nga – quốc gia có truyền thống coi trọng sức mạnh tăng – thiết giáp – số lượng xe tăng bị cắt giảm mạnh mẽ, sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

>> Choáng với quy mô của lực lượng đặc biệt Mỹ (kỳ 1)



Lặng lẽ âm thầm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, Mỹ đã triển khai lực lượng đặc biệt hoạt động ở hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới.


http://nghiadx.blogspot.com

Một cuộc hành quân huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm SEAL.


Bất cứ nơi nào trên hành tinh, mỗi ngày đều có những người lính đặc biệt của lực lượng bí mật của Mỹ đang hoạt động. Lầu Năm Góc vẫn đang tiến hành các cuộc chiến có quy mô toàn cầu với kích thước và phạm vi chưa bao giờ được tiết lộ.

Sau khi lực lượng đặc nhiệm SEAL găm một viên đạn hạ sát bin Laden, lực lượng bí mật nhất của Mỹ mới bất ngờ được tiết lộ. Đó chỉ là một điển hình nhỏ trong rất nhiều lực lượng đặc biệt của Mỹ được triển khai trên khắp thế giới và ở những nơi chiến trường khốc liệt như Iraq, Afghanistan, Yemen, Somalia. Mức độ ác liệt của các cuộc chiến này hoàn toàn chìm sâu trong bóng tối của sự im lặng và bí mật.

Năm 2010, trong một báo cáo được đăng tải trên Washington Post của hai tác giả Karen DeYoung và Greg Jaffe cho biết: Mỹ đã triển khai lực lượng đặc biệt hoạt động ở hơn 75 quốc gia so với con số 60 quốc gia ở cuối nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Bush.

Phát ngôn viên của lực lượng đặc biệt Mỹ, đại tá Tim Nye cho biết, đến cuối năm 2011, số lực lượng đặc biệt của Mỹ hoạt động tại các quốc gia sẽ lên con số 120 quốc gia, ông nói: “Chúng tôi đã làm rất nhiều những "chuyến du lịch đặc "biệt đến Iraq và Afghanistan”. Sự hiện diện của lực lượng đặc biệt Mỹ ở hơn 60% quốc gia trên thế giới cho thấy Lầu Năm Góc đang tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật trên toàn thế giới.

Gia tăng các hoạt động bí mật của quân đội

Mọi chuyện có lẽ được bắt đầu từ cuộc tấn công giải cứu con tin Mỹ bị bắt cóc tại Iraq năm 1980. Cuộc tấn công đã thất bại nặng nề, 8 thành viên trong đội giải cứu con tin bị bắn hạ.

Choáng váng trước thất bại này, năm 1987 Mỹ quyết định thành lập Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt (US Special Operations Command) viết tắt là SOCOM. Lực lượng này được xây dựng trên cơ sở những người lính đã từng tham gia các hoạt động đặc biệt tại chiến trường Việt Nam đang trong tình trạng "vô công rồi nghề".

Sự ra đời của SOCOM đã mang lại cho họ một ngôi nhà mới, một khoản ngân sách ổn định, và một chỉ huy 4 sao hết lòng ủng hộ họ. Kể từ đó SOCOM đã phát triển thành một lực lượng kết hợp đáng ngạc nhiên, SOCOM là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị như Green Berets, Rangers của lục quân, Navy SEAL của hải quân, Bộ chỉ huy tác chiến đường không đặc biệt của không quân và Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt của thủy quân lục chiến.

SOCOM được trang bị những khí tài quân sự tiên tiến nhất của quân đội Mỹ cùng với nhân lực là những quân nhân ưu tú được tuyển chọn rất gắt gao. Các thành viên của SOCOM đều phải trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt có một không hai trên thế giới, họ buộc phải hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra trước khi được đứng trong hàng ngũ của SOCOM. SOCOM được phép thực hiện các hoạt động chuyên môn thuộc hàng tốt mật nhất của quân đội Mỹ.

Họ thực hiện các hoạt động như ám sát, các cuộc tấn công tiêu diệt các phần tử khủng bố đặc biệt, trinh sát tầm xa, phân tích tình báo, huấn luyện cho quân đội nước ngoài, các hoạt động chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.


http://nghiadx.blogspot.com

Lực lượng đặc nhiệm Delta trong một bài tập giải cứu con tin.


Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của SOCOM là thực hiện công tác chỉ huy các hoạt động chống khủng bố đặc biệt hay còn gọi là JSOC. JSOC là một lực lượng bí mật chuyên thực hiện công tác theo dõi và tiêu diệt các nghi can khủng bố. Báo cáo trực tiếp với Tổng thống Mỹ về danh sách các nghi can khủng bố được xem là mối hiểm họa đối với nước Mỹ.

JSOC được phép thực hiện các hoạt động ngoài vòng pháp luật, chương trình ám sát được thực hiện bởi lực lượng đặc nhiệm như SEAL hay Delta, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cũng là một phần trong các chiến dịch đặc biệt của CIA. Ngoài ra họ còn điều hành một mạng lưới các nhà tù bí mật được sử dụng làm nơi giam giữ và thẩm vấn các mục tiêu có giá trị cao.

Tăng trưởng chóng mặt về nhân sự

Nhân lực phục vụ trong SOCOM vào những năm 1990 khoảng 37.000 người, tuy nhiên hiện tại con số này đã tăng lên gần đến 60.000 người. 1/3 trong số họ là những nhân viên chuyên nghiệp của SOCOM, phần còn lại núp bóng dưới các lĩnh vực khác nhau. Theo định kỳ họ được lệnh luân chuyển để thực hiện nhiệm vụ dưới nhiều hình thức khác nhau, đó cũng là một cách để che đậy thân phận thực sự của họ.

Ngân sách phân bổ cho SOCOM tăng trưởng theo cấp số nhân, đặc biệt từ sau sự kiện 11/9. Từ 2,3 tỷ USD lên đến 6,3 tỷ USD. Nếu cộng thêm chi phí cho các hoạt động đặc biệt tại Iraq và Afghanistan con số này lên đến 9,8 tỷ USD.

Cùng với đó, số lượng nhân viên được triển khai hoạt động tại nước ngoài cũng tăng lên đến 4 lần, các hoạt động được mở rộng hầu như khắp thế giới.

Trung tướng Dennis Hejlik cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt của thủy quân lục chiến Mỹ cho biết. Trước năm 2006, số binh sỹ trong đơn vị mà ông quản lý và 2600 người, sau năm 2006 con số này đã tăng lên đến 5000 người. Cùng với số lực lượng SEAL có mặt trên chiến trường khoảng 5000-6000 người. Trong kế hoạch dài hạn, số lượng nhân viên sẽ tăng thêm 1000 người nữa.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ gần đây, phó đô đốc William McRaven chỉ huy đặc biệt của JCOC, chính ông là người chỉ huy cuộc tấn công tiêu diệt bin Laden cho biết. Tốc độ tăng trưởng nhân lực ổn định của SOCOM vào khoảng từ 3-5% mỗi năm, cùng với đó là sự tăng cường bổ sung các máy bay không người lái và xây dựng các cơ sở hoạt động đặc biệt.

Phó Đô đốc McRaven tin tưởng rằng, mặc dù lực lượng quân đội thông thường được rút khỏi Iraq và Afghanistan, tuy nhiên lực lượng đặc biệt sẽ đảm đương vai trò tại đây. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị các hoạt động đặc biệt hàng năm của Hiệp hội công nghiệp quốc phòng Mỹ. Đô đốc Eric Olson, giám đốc chỉ huy các hoạt động đặc biệt đã chỉ vào một hình ảnh tổng hợp từ vệ tinh của thế giới vào ban đêm.

Trước sự kiện 11/9/2001, vùng ánh sáng về đêm của hành tinh chủ yếu tập trung ở các nước công nghiệp Bắc bán cầu, đây được xem là vùng trọng điểm. Tuy nhiên trong một thập kỷ qua thế giới đã thay đổi nhiều, trọng tâm chiến lược của chúng tôi đã chuyển phần lớn xuống phía Nam, chúng ta đang đối phó với những mối đe dọa đang nỗi lên từ những nơi không có ánh đèn về đêm.


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 2)



Hệ thống pháo cối tự hành hiện đại không những chỉ được đặt lên xe thiết giáp mà còn trang bị thêm hệ thống giảm giật, máy tính đường đạn, thậm chí là khả năng bắn các loại đạn pháo.

>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 1)

Tuy các hệ thống như M-106, M-125, 2S4 Tyulpan đã đưa pháo cối thành phương tiện chiến đấu có tính cơ động cao nhưng chúng vẫn chưa thể xứng đáng với tên gọi “pháo cối tự hành” vì nhiều nguyên nhân:

+ Pháo cối và thân xe vẫn chưa tích hợp với nhau thành một hệ thống đồng nhất;
+ Vẫn cần có một tổ vận hành pháo riêng, việc điều chỉnh, ngắm bắn và bắn pháo vẫn thực hiện bằng sức người nên độ chính xác của pháo chưa cao;
+ Pháo cối khi bắn vẫn thiếu sự che chắn bảo vệ.

Chính vì yêu cầu của chiến trường hiện đại, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu thế hệ pháo cối 120 mm mới, được tích hợp hệ thống chống giật hiện đại. Không những thế, một số loại pháo cối mới còn có thể được sử dụng làm hỏa lực bắn thẳng nhờ sử dụng đạn pháo bên cạnh đạn cối thông thường. Đây là tính năng rất hữu hiệu khi các hệ thống cối tự hành này phải tác chiến trong đô thị.

Ở đó, hệ thống pháo cối hiện đại thường đi kèm với tháp pháo riêng biệt, giúp kíp vận hành luôn ở trong tình trạng được bảo vệ. Ngoài một số hệ thống vẫn nạp đạn bằng tay, một số hệ thống pháo cối tự hành khác cũng đã trang bị hệ thống nạp đạn tự động có khả năng lựa chọn loại đạn khi bắn như loại 2S31 Vena của Nga.

Thêm nữa, các loại pháo cối tự hành hiện đại còn tích hợp thêm các khí tài trinh sát điện tử cùng hệ thống điều khiển bắn vi tính hóa khiến vai trò của chúng trên chiến trường ngày một quan trọng. Dưới đây là những loại pháo cối tự hành thuộc thế hệ này trong quân đội một số nước trên thế giới.

PLL-05 (Trung Quốc)

Pháo cối tư hành PLL-05 là sản phẩm của Tổng công ty công nghiệp Phương Bắc (NORINCO) dựa trên thân xe thiết giáp lội nước WZ-551, vốn là thân xe đã được Trung Quốc sử dụng để tích hợp rất nhiều loại vũ khí. Hệ thống này đã được trang bị tại Sư đoàn bộ binh cơ giới hạng nhẹ số 127, quân đoàn 54 của Trung Quốc từ năm 2008.

PLL-05 được trang bị một pháo cối 120 mm có khả năng bắn cả hai chế độ thẳng và bắn cầu vồng trong một tháp pháo chứa 36 viên đạn, bắn 2 loại đạn nổ phá và đạn HEAT chống tăng bắn ở chế độ bắn thẳng có tầm hiệu quả tới 1.200 mét.

Ở chế độ bắn cầu vồng, pháo có thể bắn 2 loại đạn nổ phá và đạn chùm - mang theo 30 quả đạn con với tầm bắn 8,5 km. Nếu sử dụng đạn pháo 120 mm ở chế độ này, PLL-05 đạt tầm bắn 9,5 km với đạn thường và 12,8 km với đạn có hỗ trợ động cơ tên lửa.



Pháo cối tư hành PLL-05 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm quốc khánh lần thứ 60 của Trung Quốc.



Với khả năng nâng nòng pháo lên một góc tới 85 độ, kết hợp với tầm bắn thẳng 1,2 km; PLL-05 cực kỳ hữu hiệu trong việc tiêu diệt các mục tiêu trên các tòa nhà cao tầng trong tác chiến đô thị



PLL-05 cũng được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động, giúp pháo có thể đạt tốc độ bắn 6-8 phát/phút với đạn pháo và 10 phát/phút đối với đạn cối. Hệ thống PLL-05 có tổng khối lượng chiến đấu là 16,5 tấn, có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h trên đường và 8 km/h khi ở chế độ lội nước. Hiện nay, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu phát triển loại đạn cối “thông minh” dẫn hướng bằng laser.

TDA 120 2R2M (Pháp)
Công ty TDA Armements (Pháp) đã tham gia vào việc thiết kế, phát triển và sản xuất rất nhiều hệ thống pháo cối cũng như đạn cối trong nhiều năm.

Trong đó, hệ thống pháo cối nòng xoắn 120mm MO 120-RT của công ty đã được sử dụng trong lực lượng của quân đội 25 nước, bao gồm cả lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Hệ thống pháo cối tự hành 120 2R2M đã được công ty bắt đầu nghiên cứu từ năm 1990 và cho đến năm 1993 thì ý tưởng thiết kế đã hoàn thành. Đến năm 1994, hệ thống 120 2R2M thử nghiệm đầu tiên đã hoàn thành và được tích hợp trên thân xe MOWAG Piranha 8x8 hay thân xe FNSS IFV của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi thế của hệ thống 120 2R2M là cả hệ thống có khối lượng chỉ nặng 1.500 kg cùng với hệ thống chống giật hiện đại khiến 120 2R2M có thể đặt trên các khung xe thiết giáp cỡ từ 10-15 tấn.

Hệ thống 2R2M được đặt trên đế riêng biệt có thể quay một góc 220 độ cùng một hệ thống nạp đạn bán tự động tích hợp giúp tóc độ bắn của hệ thống đạt từ 6-10 phát/phút.



Biến thể pháo cối tự hành 120mm 2R2M đặt trên thân xe Renault 6x6 xuất khẩu cho Oman.



Biến thể 2R2M đặt trên xe thiết giáp ACV-S của FNSS (Thổ Nhĩ Kỳ) được bán cho Malaysia với giá 2,4 triệu USD/xe.


Tầm bắn của 2R2M biến đổi tùy thuộc vào loại đạn. Tầm bắn tối đa của hệ thống khi sử dụng đạn HE tiêu chuẩn là 8,1 km và 13 km nếu sử dụng loại đạn được tăng lực tên lửa.

Hiện tại, chỉ hệ thống 2R2M với pháo cối nòng trơn mới có thể tích hợp được trên các thân xe tự hành. Tuy nhiên, theo TDA họ sẽ sớm cải tiến để đưa hệ thống MO 120-RT nòng xoắn lên xe thiết giáp vì đây là phiên bản có độ chính xác cao hơn.

Cho đến năm 2010, đã có 120 hệ thống 2R2M đã được xuất khẩu, thêm 30 hệ thống đã được ký hợp đồng nhưng chưa chuyển giao. 120 hệ thống trên đã được chuyển giao cho Oman năm 2008 để lắp đặt trên các xe thiết giáp Renault.

Tại châu Âu, Italy cũng mua 2 hệ thống lắp đặt trên xe Dardo và Freccia 8x8 với mục đích thử nghiệm. Ngoài ra, quân đội Malaysia cũng mua 8 hệ thống 2R2M 120mm kèm xe thiết giáp FNSS của Thổ Nhĩ Kỳ để lắp đặt. Toàn bộ gói hợp đồng này trị giá 19 triệu USD.

Rak (Ba Lan)

Hệ thống pháo cối tự hành 120 mm Rak của Ba Lan được phát triển bởi công ty vũ khí trong nước Huta Stalowa Wola (HSW), vốn đã có nhiều kinh nghiệm phát triển các hệ thống tên lửa và pháo cối.

Hệ thống này có tầm bắn 8 km với đạn thông thường và 12 km với đạn tăng tầm hỗ trợ động cơ tên lửa.

Được trang bị hệ thống nạp đạn tự động hoàn toàn, Rak có thể đạt tốc độ bắn tối đa từ 10 tới 12 phát/phút.



Hệ thống Rak được đặt trên thân xe bọc thép OT-64 Rys cũng do Ba Lan sản xuất.


Biến thể khác của Rak được đặt trên thân xe MT-LB của Nga.


Với cơ số đạn mang theo tới 60 viên, Rak có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ bắn áp chế địch trong thời gian dài. Với hệ thống điều khiển bắn điện tử Topaz, Rak vẫn có khả năng đạt độ chính xác cao ở cự ly bắn xa.

Hiện tại, hệ thống Rak có thể được lắp đặt trên thân xe MT-LB của Nga, AMV của Thụy Điển hoặc OT-64 Rys sản xuất trong nước.

[BDV news]


Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

>> Đài Loan - khách hàng đầu tiên mua trực thăng Apache phiên bản mới nhất



Defense News dẫn lời đại diện Lực lượng Lục quân Mỹ cho biết, Đài Loan sẽ nhận 30 trực thăng phiên bản mới nhất AH-64D Block-3 Apache Longbow trong khuôn khổ hợp đồng ký kết với chính quyền Mỹ.



Trực thăng AH-64D Apache của Mỹ. (Ảnh: Wikipedia)


Theo đánh giá của Flight International, hợp đồng tỏ rõ việc duy trì chính sách ủng hộ quân sự Đài Loan của Mỹ bất chấp sự phản đối gay gắt của Bắc Kinh.

Theo tuyên bố của giám đốc dự án AH-64, đại tá Shane Openshaw, việc sản xuất trực thăng đầu tiên dành cho Lực lượng Vũ trang Đài Loan sẽ được bắt đầu vào tháng 10 trong khuôn khổ giai đoạn sản xuất quy mô nhỏ trực thăng AH-64D Block 3 Apache dành cho Lục quân Mỹ. Dự kiến, việc cung cấp tất cả trực thăng Mỹ cho Đài Loan sẽ kết thúc trong năm 2012-2013.

Chương trình mua trực thăng AH-64D Apache Block-3 được biết đến ở Đài Loan với tên gọi Sky Eagle.

Tháng 10/2008, Cơ quan hợp tác quốc phòng và an ninh (DSCA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo lên Quốc hội Mỹ kế hoạch bán 30 trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow cho Đài Loan trong chương trình “Mua bán quân sự nước ngoài” trị giá 2,532 tỷ USD kèm theo vũ khí và thiết bị. Trực thăng AH-64D cần được trang bị tên lửa chống tăng AGM-114L Hellfire Longbow và tên lửa “không đối không” Stinger Block 1.

Đài Loan đã trở thành khách hàng nước ngoài chính thức đầu tiên mua trực thăng Apache phiên bản mới nhất. Tháng 10/2010, DSCA cũng thông báo lên Quốc hội việc khả năng bán cho Ả Rập Xê út 36 trực thăng AH-64D Block-3.

Trực thăng AH-64D Block-3 là phiên bản mới nhất của dòng trực thăng Apache.

Thỏa thuận máy bay trực thăng này “chắc chắn giúp tăng cường khả năng tác chiến hải quân, chống đổ bộ và tác chiến mặt đất” vào cả ban ngày lẫn ban đêm cũng như duy trì cân bằng quân sự trong khu vực.

Công ty Boeing dự định cung cấp trực thăng đầu tiên AH-64D Block-3 cho Lục quân Mỹ vào tháng 10/2011. Hiện nay, công ty đang hoàn thành việc lắp ráp 3 trực thăng đầu tiên. Đến năm 2026, Lực lượng Lục quân Mỹ có kế hoạch đưa 699 trực thăng phiên bản mới nhất vào sử dụng. Trong số này có 643 chiếc sẽ có được nhờ vào việc nâng cấp những trực thăng đang vận hành và 56 chiếc sẽ được chế tạo mới.



Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

>> Phát hiện kẻ thù qua “con mắt” của UAV



Trong cuộc tập trận của Lục quân Mỹ tại bãi tập Dugway, đã thử nghiệm thành công hệ thống không thám HART của công ty Northrop Grumman.

Lần đầu tiên, những khả năng của các phương tiện quan sát không người lái khác nhau đã được hợp nhất thành một tổ hợp đòi hỏi sự tham gia ít nhất của người lính và nâng cao đột biến khả năng nắm tình hình của binh sĩ.




Hệ thống HART (Heterogeneous Airborne Reconnaissance Team), ở chế độ tự động, điều khiển các loại máy bay có người lái và không người lái khác nhau, các sensor của chúng và sau đó theo yêu cầu thì cung cấp cho người lính bộ binh luồng tin video, dữ liệu ảnh và thông tin khác. Nói một cách khác, toàn bộ sự đa dạng của máy bay từ các máy bay trinh sát “chiến lược” có người lái E-8 JSTARS cho đến máy bay không người lái (UAV) hạng nhẹ Raven được hợp nhất vào một mạng ảo.

Người lính trên chiến trường không cần gánh vác công việc điều khiển UAV hay các sensor, mà chỉ cần từ máy tính xách tay gửi yêu cầu tới HART và hầu như nhận được toàn bộ thông tin thời gian thực chẳng hạn về các vị trí của đối phương ở sau ngọn đồi. HART cung cấp cho binh sĩ những khả năng thực sự hiếm có để tạo bức tranh 3 chiều chiến trường khi mà bất cứ người lính nào cũng có thể lập tức tận dụng những thông tin chi tiết về bất cứ điểm nào trong không gian. HART Đồng thời duy trì hoạt động với đến 50 máy bay và xử lý tới 50 yêu cầu.

HART cho phép không chỉ xem truyền trực tiếp từ phương tiện trinh sát trên không mà còn nhanh chóng nhận được thông tin địa lý cần thiết, điều giúp loại trừ gần như hoàn toàn ưu thế am hiểu địa hình của mình của đối phương. Bao vây, vu hồi, phục kích sẽ hầu như bất khả thi đối với những người lính sử dụng hệ thống HART. Hiển nhiên là để làm việc đó cần phải giành được ưu thế trên không và triển khai các UAV và máy bay trinh sát có người lái.

Trong cuộc tập trận, phần mềm và thiết bị của hệ thống HART đã có thể tự hoạt điều khiển một số hệ thống UAV chiến thuật, trong đó có các UAV Shadow, Raven, Hunter và Bat. HART cũng có khả năng làm việc với các UAV cỡ lớn như Global Hawk, Predator, Х-47В và trực thăng không người lái Fire Scout.

Một trong những phẩm chất chủ yếu của HART là nó không phụ thuộc vào phương tiện mang và không đòi hỏi bất kỳ sự sửa đổi nào đối với máy bay, trạm điều khiển UAV hay máy tính của binh lính. Điều đó cho phép triển khai hệ thống trong thời gian cực ngắn.




Dự định, các cấp chỉ huy phân đội nhỏ sẽ được trang bị các thiết bị đầu cuối của HART. Họ sẽ có thể nhận được toàn bộ thông tin từ UAV mà hiện nay chỉ có người điều khiển UAV có được. Ngoài ra, nhờ có thiết bị đầu cuối, sẽ có thể yêu cầu quan sát một khu vực nhất định, trong khi người chỉ huy không cần quan tâm đến việc điều khiển UAV vì nó sẽ làm việc hoàn toàn tự hoạt. Phần mềm của HART có khả năng thực hiện các chức năng chính của trinh sát viên: tuần tra khu vực ấn định, phát hiện các đối tượng khả nghi, tập trung vào chúng, theo dõi sự di chuyển của chúng.

Chương trình HART giải quyết được một trong những khó khăn chính trong sử dụng UAV cỡ nhỏ. Vấn đề là ở chỗ, trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đã vấp phải khó khăn khi sử dụng các UAV nhỏ gọn Raven. Được phóng lên từ bàn tay, chúng thường bị hỏng, còn những người lính thì cố sử dụng chúng để quan sát liên tục địa hình (tức là làm vai trò của UAV hạng nặng Predator), điều đó không đúng với chức năng của các UAV có thời gian bay ngắn này. Kết quả là các UAV thường không được sử dụng hoặc hỏng, không thể hoạt động, còn binh sĩ lại cố gắng theo khả năng sử dụng các sensor của các máy bay trinh sát lớn hơn và đắt tiền hơn. HART sẽ gỡ bỏ gánh nặng khai thác và điều khiển UAV này khỏi các cấp chỉ huy và cho phép hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ chính của mình.
[Vietnamdefence news]


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

>> 'Hùm xám' của Lục quân Mỹ



Tổ hợp tên lửa đa năng АDATS (*) , được sản xuất năm 1984, là sản phẩm hợp tác của Công ty Oerlikon Contraves (Thụy Sỹ) và Công ty Martin Marietta (Mỹ).


(*) Air Defense Anti Tank System

Tổ hợp tên lửa đa năng АDATS được sử dụng để tiêu diệt các máy bay, trực thăng, các phương tiện trinh sát không người lái cao tốc hoạt động ở tầm thấp và các mục tiêu thiết giáp mặt đất. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để phòng thủ trong trạng thái hành tiến hoặc cố định.

Thành phần

Tổ hợp được thiết kế chế tạo theo kết cấu module, cho phép lắp đặt trên các loại xe bánh xích và bánh lốp, gồm 8 tên lửa, trạm radar phát hiện các mục tiêu trên không, module quang - điện tử theo dõi mục tiêu và điều khiển tên lửa, máy tính điện tử và các trang thiết bị cần thiết khác...

Kíp chiến đấu gồm 3 người (chỉ huy, trắc thủ, thợ cơ khí kiêm lái xe).



Tổ hợp tên lửa đa năng АDATS.

Tên lửa siêu tốc

Tên lửa của hệ thống ADATS được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, có khả năng làm việc ở hai chế độ. Nhờ vận tốc bay tối đa cao (Mach 3), tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động ở cự ly tương đối xa và trong khoảng thời gian ngắn.

Tên lửa sử dụng đầu đạn nổ mảnh, có khả năng xuyên qua vỏ thép dày đến 900mm. Đầu nổ quả đạn gồm hai loại (phi tiếp xúc và tiếp xúc). Trong đó, đầu nổ phi tiếp xúc được sử dụng khi tiêu diệt các mục tiêu trên không. Đầu nổ tiếp xúc sử dụng khi tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.

Thời gian nạp lại tất cả các tên lửa, do 2 thành viên trong kíp tiến hành mà không cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng, chưa đến 10 phút.

Radar cải tiến hiện đại

Trạm radar áp dụng trên tổ hợp ADATS là biến thể cải tiến của trạm radar LPD-20 do chi nhánh tại Italy của Công ty Oerlikon Contraves chế tạo.

Trạm này có thể làm việc trong trạng thái cố định và cơ động, có khả năng phát hiện máy bay và trực thăng ở cự ly đến 24km. Tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình, đối với các mục tiêu thiết giáp mặt đất, radar có thể phát hiện ở độ cao đến 6km.

Thiết bị phát của radar làm việc ở dải sóng từ có tần số 5,2-10,9GHz, có khả năng tái lập tần nhanh. Bộ xử lý bảo đảm theo dõi đồng thời đến 6 mục tiêu.

Đặc biệt, trạm radar được tích hợp với hệ thống nhận biết “địch-ta”, có khả năng truyền các toạ độ mục tiêu (góc phương vị và cự ly), các dữ liệu có liên quan trên màn hình quan sát.



Tổ hợp ADATS khai hỏa.

Hệ thống theo dõi hiệu quả

Module theo dõi quang - điện tử được bố trí trên tháp nóc tổ hợp, gần điểm bố trí đạn tên lửa. Nó có bệ ổn định kiểu con quay, trên đó lắp đặt thiết bị quan sát nhiệt, camera truyền hình, hệ thống laser điều khiển tên lửa, thiết bị đo xa bằng laser... và máy xác định toạ độ tên lửa khi động cơ làm việc dựa vào hồng ngoại.

Module cho phép theo dõi mục tiêu theo góc tà từ -1° đến +90° với góc phương vị bất kỳ. Sở dĩ, thiết bị theo dõi hồng ngoại và truyền hình (thụ động) được lựa chọn là do chúng có trọng lượng và kích cỡ nhỏ, khả năng chống nhiễu cao trước các phương tiện tác chiến điện tử và phát huy tối đa tính hiệu quả khi theo dõi các mục tiêu trên không tầm thấp và mặt đất, bảo vệ tổ hợp trước các tên lửa chống radar tự dẫn.

Thiết bị quan sát truyền hình được sử dụng trong tổ hợp ADATS, có độ phân giải cao và thường được sử dụng như là một thiết bị chính để theo dõi các mục tiêu mặt đất. Các kênh quang học của nó được tích hợp với thiết bị đo xa bằng laser.

Khả năng tích hợp cao

Tổ hợp ADATS được lắp đặt trên khung xe bọc thép chở quân М113М2, có thể vận chuyển bằng đường không (máy bay C-130 Hercules). Qua quá trình thử nghiệm nhiều lần trong các điều kiện khí hậu khác nhau (từ -40°С đến +70°С), tổ hợp ADATS đã chứng tỏ được khả năng hoạt động bền bỉ của mình.

Ngoài ra, tổ hợp ADATS có thể tích hợp với các khung xe thiết giáp khác hoặc các hệ thống phòng không cố định. Một trong những thành công trong việc tích hợp ADATS là vào năm 1995. Khi đó, tổ hợp được tích hợp vào khung gầm xe loại MO WAG Piranha (biến thể bánh hơi 10x10) sử dụng cho nhiệm vụ bảo vệ các sân bay, các trạm điện và các mục tiêu quan trọng khác.

Dự kiến, tổ hợp ADATS sẽ được cải tiến để sử dụng trong thành phần đội hình hải quân như là một hệ thống phòng không độc lập và tích hợp với các loại vũ khí phòng không khác.

Tổ hợp ADATS, với sự hỗ trợ của hệ thống С3 (Command, Control and Communication: Chỉ huy, điều khiển và truyền tin) có thể tích hợp với kết cấu mạng gồm 6 tổ hợp. Đây được coi là một trung tâm chiến thuật, cho phép tổ hợp ADATS có khả năng liên lạc với các trạm radar khác và các hệ thống vũ khí cũng như các trung tâm chiến thuật tương tự.

Trong hệ thống đó, một trong 6 tổ hợp ADATS được coi là “trung tâm chỉ huy” để truyền các thông tin về toạ độ vị trí của mỗi tổ hợp và tình hình chiến thuật hiện tại cho người chỉ huy.

Ngoài ra, trong thành phần trung tâm chiến thuật có một hoặc một vài trạm radar quan sát, bảo đảm thông tin radar cho tất cả các tổ hợp.

Người chỉ huy trung tâm chiến thuật có trách nhiệm chỉ huy các hoạt động tác chiến của các tổ hợp, truyền mệnh lệnh tác chiến điều khiển vũ khí đến các tổ hợp, tiến hành phân bố mỗi tổ hợp theo các kệnh liên lạc thích hợp.

Qúa khứ và tương lai

Tháng 4/1986, nhà sản xuất đã ký hợp đồng chế tạo và cung cấp 36 tổ hợp tên lửa đa năng АDATS và 800 quả tên lửa đi kèm cho các lực lượng vũ trang Canada với thời hạn chuyển giao trong giai đoạn 1988-1989.

Vào năm 1987, tổ hợp АDATS đã trở thành một trong 4 hệ thống phòng không được tham gia và công nhận thắng thầu trong cuộc mở thầu do Bộ Tư lệnh phòng không Mỹ tổ chức.

Trong cuộc thi này, các sản phẩm phải trải qua các giai đoạn như đánh giá độ chính xác phát hiện và theo dõi mục tiêu, thực hiện các vụ tấn công mục tiêu theo kịch bản cho trước.

Do không đủ về ngân sách nên trong cuộc mở thầu này Mỹ chỉ lựa chọn 8 tổ hợp ADATS. Hiện nay, Hà Lan, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và hàng loạt các quốc gia khác được xem như là những khách hàng tiềm năng muốn sở hữu tổ hợp ADATS.

Các đặc tính kỹ - chiến thuật cơ bản

Cự ly tiêu diệt tối đa: 10km (các mục tiêu bay với vận tốc cao - 8km)
Độ cao tác chiến tối đa: 7km
Vận tốc tên lửa: hơn Mach 3
Chiều dài tên lửa: 2,05m
Đường kính tên lửa: 0,15m
Sải cánh tên lửa: 0,27m
Trọng lượng tên lửa: 51 kg
Trọng lượng tên lửa trong container vận chuyển – phóng: 67 kg
Trọng lượng đầu đạn: 12,5kg.
[BDV news]


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

>> ‘Quỷ xanh’ gia nhập Không quân Mỹ



Tháng 2/2012, Không quân Mỹ (USAF) sẽ nhận vào trang bị khinh khí cầu mềm mới Blue Devil 2, được chế tạo trong chương trình Blue Devil.

Hợp đồng chế tạo khinh khí cầu do thám - chỉ huy trị giá 82,6 triệu USD này được ký với công ty MAV6 vào tháng 10/2010. Chuyến bay đầu tiên của Blue Devil 2 được ấn định vào tháng 9/2011.

Blue Devil 2 được chế tạo dựa trên khinh khí cầu Polar 100. Khinh khí cầu mới sẽ có chế độ điều khiển tùy chọn: hoặc do phi công (ngồi trong khoang đặc biệt trên khí cầu) hoặc do nhân viên mặt đất điều khiển. Blue Devil 2 có chiều dài 7 m, chiều rộng 3m, chiều cao khoang thiết bị 2,1 m.



Sơ đồ sử dụng Blue Devil 2. Blue Devil 2 có một khoang chở hàng phía dưới và có thể tiến hành do thám trong vòng 5 ngày.


Blue Devil 2 có khả năng tiến hành trinh sát quang - điện tử và hồng ngoại với độ nét cao và dải tần hẹp để thu thập thông tin, cung cấp mốc định hướng, định vị mặt đất và nhận dạng mục tiêu.

Khinh khí cầu sẽ được trang bị nhiều loại sensor, camera quang - điện tử và hồng ngoại độ nét cao và hệ thống trinh sát điện tử nên nó có thể đảm nhiệm vai trò một phương tiện tương tự trạm điều khiển mặt đất.

Blue Devil 2 là thành quả hợp tác của USAF, Lục quân Mỹ và một cơ quan khác của Lầu Năm góc.

Trước đó, chương trình Blue Devil đã phát triển máy bay do thám Blue Devil 1 và chuyển giao cho Quân đội Mỹ vào tháng 12/2010. Máy bay này được chế tạo dựa trên cơ sở máy bay King Air 90, 2 động cơ turbine cánh quạt của Hawker Beechcraft và được trang bị các phương tiện do thám gần như tương tự Blue Devil 2.

Máy bay do thám không người lái Blue Devil 1 được USA coi như bước quá độ và dự định từ bỏ Blue Devil 1 sau khi đưa vào trang bị Blue Devil 2.

[BDV news]


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Trung Quốc khoe xe tăng thế hệ thứ 4



Cùng với tàu sân bay của hải quân và máy bay tàng thế hệ 5 của không quân, lục quân Trung Quốc mới đây đã giới thiệu xe tăng bậc nhất thế giới.

Thập niên thứ hai của thế kỷ 21, để khẳng định sức mạnh của một đất nước đang khát khao vị trí siêu cường, Trung Quốc đã đưa thế giới đi từ hết ngạc nhiên này đến hết ngạc nhiên khác.

Ngay từ đầu năm 2011, những tin tức dồn dập về máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J-20 cho đến tầu sân bay Shi Lang đã cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn.

Bên cạnh hải quân và không quân, Lục quân Trung Quốc, vốn bị coi chậm hiện đại hóa nhất, vẫn lấy số lượng để bù đắp chất lượng cũng không chịu bị lép vế. Ngay từ cuối năm 2010, những tin tức không chính thống từ báo mạng Trung Quốc đã hé lộ loại xe tăng mới nhất đang thử nghiệm của lục quân PLA: Type-99KM.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tự tin giới thiệu: “Một Type-99KM tương đương với ba xe tăng T-90 hay M1A2”; “ xe tăng Type-99KM đã đi trước thế giới đến cả chục năm”.

Đi sau Nga, Mỹ hay một số nước châu Âu trong cuộc đua chế tạo tầu sân bay hay máy bay thế hệ thứ 5, lần này Trung Quốc quyết đi đầu trong việc phát triển xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 4. Loại xe tăng thế hệ mới này phải đáp ứng được các yêu cầu như: tàng hình trước các phương tiện trinh sát và dò tìm của đối phương như hồng ngoại, radar; có súng chính cỡ nòng lớn (135 - 155 mm), có khả năng bắn các loại đạn xuyên (APFSDS), đạn nổ (HEAT) cũng như tên lửa chống tăng; có vỏ giáp hỗn hợp (composite, ERA...) , giáp trước phải chịu được các loại đạn pháo cũng như tên lửa chống tăng hiện đại); có hệ thống phòng vệ chủ động hoạt động hiệu quả và cuối cùng là phải có hệ thống điều khiển vi tính hóa với các cảm biến hiện đại, có khả năng nhận dạng mục tiêu từ xa, dành ưu thế khai hỏa trước bất kể ngày đêm, thời tiết.

Từ năm 2008, hình ảnh một mẫu thiết kế xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc đã rò rỉ lên internet với ngoại hình bên ngoài khá giống với xe tăng M1 Abram của Mỹ. Mẫu thiết kế này được cho biết có trang bị vỏ giáp hỗn hợp composite, với giáp trước có khả năng chống chịu được đạn xuyên APFSDS 120 mm với lõi uran nghèo (DU) hiện đại nhất của Hoa Kỳ là M829E3. Không những thế, pháo chính trang bị trên xe tăng này với cỡ nòng 140 - 152 mm có khả năng xuyên thủng bất kỳ giáp trước của bất kỳ loại xe tăng nào hiện có trên thế giới.





Mẫu thiết kế xe tăng thế hệ thứ 4 của Trung Quốc lộ diện năm 2008, với ngoại hình khá giống xe tăng M1 Abrams của Hoa Kỳ


Không giống như năm 2008, loại xe tăng mới chỉ dừng lại ở những hình ảnh và phỏng đoán, đầu năm 2011, Type-99KM đã được loan báo với các thông số kỹ thuật khá rõ ràng.

Theo đó, Type-99KM có khối lượng 75 tấn, nặng hơn cả phiên bản xe tăng nặng nhất thế giới hiện nay là M1A2 SEP đã trang bị TUSK (*) - 70 tấn. Type-99KM sử dụng pháo chính có cỡ nòng lên tới 155 mm, có khả năng bắn được các loại đạn APFSDS có sơ tốc cao hơn (do nạp được liều thuốc phóng nhiều hơn) và các loại tên lửa chống tăng có đầu nổ lớn hơn.

Vỏ giáp của Type-99KM sẽ được trang bị loại giáp composite thế hệ mới nhất với các tấm gia cố làm bằng corundum - nhôm oxit dạng tinh thể, có độ cứng hầu như chỉ thua kim cương.

(*) Tank Urban Survival Kit - Trang bị giúp tăng khả năng sống sót của xe tăng trong chiến trường đô thị)


Xe tăng Type-99KM (xuất hiện năm 2011) có các thông số kỹ thuật được công bố vượt xa các loai xe tăng hiện đại đang được vận hành trên thế giới


Không những thế, điểm nổi bật của Type-99KM là hệ thống phòng vệ laser JD-4. Hệ thống đặc biệt này chuyên để chống lại các thiết bị trinh sát quang học, tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại hay laser của đối phương.

Theo lý thuyết, khi bị chiếu laser, tháp pháo của Type-99KM sẽ ngay lập tức quay về phía nguồn chiếu, khi đó, hệ thống JD-4 sẽ chiếu một dải laser năng lượng thấp để xác định chính xác đối phương. Khi đối phương đã bị xác định, JD-4 sẽ chiếu một chùm laser năng lượng cực cao tới, phá hủy mọi khí tài trinh sát quang học hay dẫn đường, thậm chí ngay lập tức làm mù người vận hành thiết bị này.

Ngoài ra, Type-99KM cũng được trang bị cả hệ thống phòng vệ chủ động (APS) có khả năng bắn hạ tên lửa đang nhắm tới xe tăng tương tự như hệ thống Arena của Nga hay Trophy của Israel.


Hệ thống phòng vệ laser hiện được trang bị trên xe tăng Type-99, tiền thân của hệ thống JD-4 hiện đại hơn nhiều trang bị trên Type-99KM.


Cũng theo lời giới thiệu của các trang mạng Trung Quốc, Type-99KM được trang bị động cơ công suất 2.100 mã lực, mạnh hơn rất nhiều so với động cơ của các loại xe tăng hiện đại ngày nay (1.500 mã lực của M1A2, Leclerc, 1.100 mã lực của T-90 hay 1.200 mã lực của Challenger-2).

Type-99KM có thể đạt được tốc độ tối đa trên đường tới 80 km/h (vượt xa cả “xe tăng bay T-80U” vốn “chỉ” có tốc độ 70 km/h). Với dự trữ nhiên liệu lớn, Type-99KM có bán kính hoạt động tới 870 km, cũng vượt xa các loại xe tăng hiện đại khác.


Theo đúng kế hoạch, đến năm 2015, lục quân Trung Quốc sẽ được trang bị lượt Type-99KM đầu tiên gồm 200 chiếc.


Tuy nhiên, dù cho thông số kỹ thuật của Type-99KM được giới thiệu có thể hoàn toàn chính xác và "áp đảo" mọi đối thủ trên thế giới thì loại xe tăng này cũng chưa hẳn là bất khả xâm phạm.

Lớp giáp trước dày cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa cá nhân tấn công từ nóc xe như FGM-148 Javelin của Hoa Kỳ hay các loại tên lửa khác bắn từ trực thăng khác.

Hệ thống JD-4 cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa dẫn đường laser mới như AT-14 Kornet hay AT-16 Vikhr vì chùm laser được chiếu vào cảm biến ở đuôi tên lửa để điều chỉnh độ lệch chứ không chiếu trực tiếp vào xe tăng.

Hệ thống phòng vệ chủ động APS cũng “bó tay” trước những loại súng chống tăng thế hệ mới với đạn mồi giả như RPG-30.

Theo kế hoạch, có khả năng đến năm 2015, Trung Quốc sẽ sản xuất lô Type-99KM đầu tiên với 200 chiếc để bổ sung cho lực lượng lục quân khổng lồ của mình. Tới lúc đó, mới có thể bình luận thêm về khả năng thực chiến của Type-99KM.

Tham vọng chế tạo xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng là thật. Song mong muốn là một chuyện, khả năng thực hiện là một chuyện hoàn toàn khác. Riêng chuyện khoe khoang 1 chiếc Type-99KM bằng 3 chiếc M1A2 hay T-90, hay những tính năng 'trên trời' là rất hoang đường.

Thứ nhất, Trung Quốc chưa bao giờ là một cường quốc về thiết kế xe tăng. Đến nay, các xe tăng của họ, kể cả những loại hiện đại nhất hiện nay, phần lớn là sao chép các xe tăng T-54/T-55, T-72 của Liên Xô, rồi cải tiến chút ít. Các cường quốc xe tăng như Đức, Mỹ, Nga, Ukraine, Israel... vẫn không dám có hoặc phải từ bỏ chương trình phát triển xe tăng thế hệ mới mà vẫn chỉ là nâng cấp liên tục xe tăng thế hệ 3.

Thứ hai, những điểm yếu cơ bản hiện nay của công nghiệp xe tăng Trung Quốc là động cơ, pháo tăng - đạn pháo tăng, hệ thống điều khiển hỏa lực, vỏ giáp. Các xe tăng hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn sao chép phần lớn các giải pháp thiết kế của xe tăng Liên Xô (pháo 125 mm, tên lửa phóng qua nòng pháo, máy nạp đạn tự động... sao chép từ T-72 có thể có sự giúp đỡ của Nga, Ukraine), động cơ xe tăng công suất lớn vẫn phải mua từ Ukraine.

Vì thế, chuyện Trung Quốc làm được động cơ... 2.100 mã lực, hay pháo tăng 135-155 mm là không thể có.



[BDV news]


Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

>> 'Siêu tăng' T-95 bị chết yểu?



Giới quân sự Nga và thế giới từng kỳ vọng chứng kiến sự xuất hiện của “siêu tăng” T-95 tuy nhiên mong muốn này có thể không bao giờ thành hiện thực.

Tháng 12/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popotkin thông báo: Quân đội Nga sẽ chấm dứt tài trợ cho dự án phát triển loại tăng chiến đấu chủ lực mới được biết đến với tên gọi T-95. Tuyên bố trên làm thất vọng toàn bộ giới quân sự Nga và thế giới.

Rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi, tại sao một dự án được ấp ủ gần hai thập kỷ qua bỗng dưng chấm dứt một cách khó hiểu. Trước đó, từng có những tin đồn loại “siêu tăng” này đã hoàn tất giai đoạn phát triển cuối cùng.



Chiếc xe tăng đang trùm bạt này được cho là chở mẫu nghiên cứu của T-95.


Nguồn gốc và kỳ vọng về T-95
Dự án phát triển T-95 được gọi là Objekt 775, được manh nha phát triển từ thời Liên Xô. Ban đầu, mẫu tăng mới này dự định đưa và sử dụng trong những năm 1995. Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô khiến dòng vốn tài trợ cho dự án bị cắt đứt, dự án rơi vào tình trạng không xác định thời hạn.

Vào những năm 2000, Lục quân Nga đối mặt với tình trạng khủng hoảng xe tăng nghiêm trọng. Objekt 775 hay 195 được khởi động trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của giải pháp tạm thời T-90.

Theo dự kiến, sự xuất hiện của T-95 cùng với T-90 và những biến thể nâng cấp của T-80MU2 sẽ là nòng cốt cho lực lượng tăng thiết giáp của Nga. Dự kiến, T-95 sẽ trải qua thử nghiệm và trang bị cho quân đội vào năm 2010.


Hình ảnh thực sự về T-95 vẫn chưa xuất hiện bao giờ.


Theo một số thông tin rò rỉ từ giới quân sự Nga, T-95 là mẫu thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với các loại tăng hiện có.

Tháp pháo được trang bị pháo với cỡ nòng lên đến 135mm (thậm chí, có thể là 152mm), tích hợp khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, tháp pháo được điều khiển từ xa với cơ chế nạp đạn hoàn toàn tự động.

Được thiết kế theo kiểu phương Tây, tháp pháo có khả năng bảo vệ kíp xe trong trường hợp khối đạn dược bị kích nổ.

Giá xe thấp hơn tiêu chuẩn để tăng khả năng tàng hình, hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, dựa trên cơ chế tự động hóa cao.

T-95 được trang bị giáp thế hệ mới với khả năng chống chịu các loại đạn chống tăng hiện đại, cùng với đó là hệ thống phòng vệ chủ động tối ưu.

T-95 được cho là có khối lượng đến 50 tấn, trang bị động cơ 1.800 mã lực, tốc độ tối đa lên đến 75km/giờ, kíp xe 3 người. Ở bên trong, buồng lái được thiết kế phù hợp với công thái học, tạo sự thoải mái cho kíp xe.

Giới quân sự Nga tự hào cho rằng T-95 sẽ là một loại “siêu tăng” không có đối thủ. Tuy nhiên, “siêu tăng” sẽ không bao giờ xuất hiện, hoặc nếu có sẽ là một mẫu thiết kế khác với mong đợi về T-95.

Nguyên nhân hủy bỏ dự án
Lý giải cho sự hủy bỏ của dự án “siêu tăng” T-95 một số nhà phân tích quân sự Nga và các nước cho rằng: Ý tưởng về T-95 hay Objekt 775/195 ra đời hơn 2 thập kỷ. Dù vào thời điểm xây dựng, phát triển mẫu thiết kế là cực kỳ hiện đại và không có đối thủ nhưng T-95 không còn phù hợp với quan điểm tác chiến của chiến tranh hiện đại.

Theo như trình bày, T-95 là một mẫu thiết kế cực kỳ phức tạp, và có chi phí chế tạo cực kỳ đắt đỏ, tương tự như trường hợp của T-64 trước đây. Nền công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga rất khó để đảm đương được điều này. Nếu chế tạo hàng loạt, Nga sẽ không đủ kinh phí để có thể sản xuất T-95 trên quy mô lớn.


Xe tăng dù hiện đại đến mấy cũng rất khó có cơ hội sống sót trước những loại trực thăng chuyên làm nhiệm vụ chống tăng như AH-64D Apache.


Một góc nhìn khác, sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí chống tăng, đặc biệt là các tên lửa chống tăng được trang bị trên các máy bay chiến đấu khiến cho T-95 hiện đại đến mấy, được bảo vệ tốt đến mức nào, cũng có thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ bằng một phát bắn từ trên không.

Trong tác chiến hiện đại, vai trò của xe tăng đang ngày càng giảm dần, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí cho chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Ở đó, xe tăng là phương tiện dễ bị tiêu diệt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong môi trường tác chiến đô thị, nơi khả năng quan sát của xe tăng rất hạn chế.

Nếu biên chế T-95 trong Quân đội Nga cũng không thay đổi thực tế này. Khi đó, chế tạo hàng loạt T-95 sẽ là sự đầu tư lãng phí và kém hiệu quả so với giải pháp tạm thời T-90.

Mở rộng ra, nếu nhìn vào chiến lược hiện đại hóa quân đội Nga, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược được chú trọng đầu tư phát triển hơn. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của các lực lượng nói trên quyết định thành bại chứ không phải là xe tăng như thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia khác cũng không chú trọng đầu tư nhiều cho việc phát triển những mẫu tăng chiến đấu chủ lực mới, đơn giản là chỉ nâng cấp những mẫu tăng hiện có mà thôi. Do đó, việc hủy bỏ dự án “siêu tăng” T-95 cũng là một phần của xu hướng chung của giới quân sự thế giới.


[BDV news]


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

>> Iraq chọn mua radar pháo binh Fire Finder



Dù Mỹ giới thiệu hệ thống radar định vị pháo binh EQ-36 mới và hiệu quả hơn, nhưng Iraq từ chối và đặt hàng mua 6 hệ thống radar đời cũ là Fire Finder.

Năm 2010, trước khi gửi lời chào hàng tới Iraq, Mỹ từng đưa hệ thống radar định vị pháo và đạn cối thế hệ mới EQ-36 tới chiến trường Afghanistan để thực nghiệm khả năng. Hệ thống mới dễ sử dụng và sửa chữa cũng như đáng tin cậy hơn hệ thống tiền nhiệm là Fire Finder AN TPQ-36/37.

EQ-36 có khả năng quét 360 độ, thay vì góc 90 độ như Fire Finder với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Lục quân Mỹ có kế hoạch mua 180 hệ thống EQ-36 với giá 9 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, do ngân quỹ hạn hẹp, Mỹ chỉ có thể đặt hàng 33 chiếc.

Hệ thống Fire Finder tuy cũ và có nhiều điểm hạn chế nhưng có giá thành rẻ hơn mà vẫn đảm bảo tối thiểu nhiệm vụ. Đó là lý do Iraq chọn mua thay vì hệ thống mới tiên tiến hơn.



Với giá thành rẻ và đáng tin cậy, Iraq lựa chọn hệ thống định vị pháo Fire Finder thay vì hệ thống mới EQ-36.


Trước đây, khi trình diễn ở Iraq, hệ thống Fire Finder đã phạm phải những lỗi nghiêm trọng và không thể phát hiện đạn pháo cối bay đến. Nguyên nhân là do Fire Finder được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến trường Đông Nam Á, không phù hợp với thực tiễn mới. Sau đó, các kỹ sư Mỹ đã khắc phục lỗi này.

Biến thể mới nâng cấp của Fire Finder có có khả năng quét và phát hiện pháo trong tầm 18 km, tên lửa trong tầm 24 km với khả năng định vị 10 điểm vũ khí cùng lúc

Trong cuộc tấn công vào Iraq, hiệu quả của Fire Finder được chứng minh nên chúng được sử dụng rộng rãi. Sự gọn nhẹ trong thiết kế giúp các hệ thống có thể triển khai nhanh chóng trên các chiến trường nhờ vận chuyển đường không/đường bộ.

Hệ thống Fire Finder hoạt động dựa trên nguyên lý xác định địa điểm và thời gian của đạn bay đến, tính toán và gửi thông tin về các đơn vị quân đội, đặc biệt là pháo binh.

Biết được điểm xuất phát của pháo, quân đội sẽ tấn công dồn dập vào điểm đó. Quá trình phát hiện và tấn công chỉ khoảng 3-4 phút (có thể ít hơn với các đơn vị chuyên nghiệp và có kinh nghiệm).


[BDV news]


Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

>> Quân Mỹ ở Afghanistan nhận đạn cối 120 mm siêu chính xác



[VietnamDefence news]  Trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí ARDEC, Lục quân Mỹ, đã bắt đầu cung cấp cho quân đội Mỹ các lô thử nghiệm đầu tiên loại đạn cối dẫn bằng GPS dùng cho pháo cối 120 mm M120.




Đạn cối thông minh thử nghiệm APMI XM395 120 mm (army.mil)



Loại đạn mới có độ chính xác được khẳng định là cao hơn 7-13 lần so với các loại đạn tương tự nhưng không có khả năng tự định vị trên địa hình.

Hệ thống đạn cối thông minh APMI (Accelerated Precision Mortar Initiative) là loại đạn cối tiêu chuẩn dành cho cối M120, được lắp thêm sensor GPS và cánh ổn định ở phần đầu đạn điều khiển bằng máy tính.

Đạn cối thông thường có sai số vòng tròn xác suất trung bình khi bắn ở tầm đối đa từ 76-136 m. Vì thế, pháo cối thường chỉ dùng để tiêu diệt sinh lực đối phương ở địa hình trống trải. Còn đạn cối mới APMI, theo tài liệu kỹ thuật, có sai số vòng tròn xác suất không quá 10 m. Còn quan chức Cục mua sắm đạn dược (Program Executive Office Ammunition - PEO Ammo), Bộ Quốc phòng Mỹ, Peter Burke thì sai số của APMI trong thực tế là không quá 3 m.

Tháng 4.2011, APMI đã được trang bị cho một lữ đoàn bộ binh đóng tại Afghanistan, còn trong nửa năm tới sẽ bắt đầu trang bị cho 7 lữ đoàn nữa.

Việc sử dụng cối cỡ nòng lớn tại các khu phố gặp khó khăn vì đây là loại vũ khí dùng để đánh mục tiêu diện, khi mà độ chính xác điểm chạm của đạn được bù đắp bằng bán kính văng mảnh lớn theo quỹ đạo là là mặt đất.

Các tay súng đang lợi dụng đặc điểm này bằng cách ẩn náu trong các khu dân cư với hy vọng là quân đội sẽ không thể dễ dàng lôi cổ họ khỏi đó.

Trước đây, theo ông Peter Burke, trong những trường hợp đó, người ta buộc phải cử các phân đội lính đến khiến họ chịu thêm rủi ro.

Lục quân Mỹ không định dùng đạn APMI thay thế các đạn cối thường. APMI sẽ chỉ sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu điểm, nhằm giảm tổn thất phụ hoặc bắn các mục tiêu ở gần quân nhà.

Chuyên gia này cũng cho biết, giới quân sự hiện chưa dự định hiện đại hóa các đạn cối cỡ nhỏ hơn (81 và 60 mm).

Theo các chuyên gia, sử dụng đạn cối mới sẽ cho phép tiêu diệt chắc chắn và nhanh chóng các mục tiêu điểm như các hầm trú ẩn, hầm ngầm, xe bọc thép nhẹ.

Một máy tính vi hình nhận dữ liệu từ sensor GPS trên suốt quỹ đạo bay cho đến khi chạm mục tiêu. Trước khi bắn, hệ thống nhận thông tin tọa độ trận địa bắn nơi đặt pháo cối.

Việc ứng dụng hệ thống này sẽ cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng pháo cối hiện có tại các đơn vị. Thông thường, việc tính toán phần tử bắn là một nhiệm vụ phức tạp, biến việc bắn pháo thành một nghệ thuật.

Các thế hệ lính pháo binh đã từng sử dụng các công thức, bảng tính, các máy tính cơ và điện tử, nhưng không thể nhận thông tin tọa độ chính xác của quả đạn đang bay ở thời gian thực.

Nay thì việc dẫn quả đạn đến mục tiêu không chỉ có các khẩu đội pháo của các hệ thống tối tân nhất có thể làm được mà cả khi sử dụng các hệ thống vũ khí cũ đã được thời gian kiểm nghiệm.


Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

>> Phóng tên lửa chống tăng từ hệ thống phòng không



[BDV news] Lục quân Mỹ đã lần đầu tiên thử nghiệm phóng loại tên lửa Hellfire từ hệ thống tên lửa phòng không biến đổi Avenger.

Cuộc thử nghiệm diễn ra tại Căn cứ không quân Eglin ở bang Florida.

Phill Hillman, quản lý chương trình Avenger thuộc bộ phận Hệ thống chiến thuật và mạng lưới của Boeing phát biểu: “Những bệ phóng của Avenger có khả năng phóng tên lửa Hellfire, giúp cho người lính có thể tăng cường sức mạnh của hỏa lực mặt đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích hợp và thử nghiệm những khả năng khác cho hệ thống".

Ngoài ra, theo ông Hillman, việc nâng cấp Avenger thay vì phát triển một hệ thống mới giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. "Điều này vô cùng quan trọng trong tình hình căng thẳng về ngân sách như hiện nay”, ông Hillman nói.



Hệ thống tên lửa phòng không Avenger sẽ được dùng để phóng tên lửa tấn công mặt đất.


Cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá độ tin cậy của việc biến đổi hệ thống Avenger thích hợp với tên lửa Hellfire. Trong đó, Boeing chịu trách nhiệm nghiên cứu làm thế nào để phóng tên lửa Hellfire từ bệ phóng Avenger. Đây thực sự là bước tiến đáng kể. Bởi vì, thiết kế nguyên gốc của Avenger là hệ thống phòng không.

Các ống phóng trong hệ thống Avenger có thể đặt trên nhiều loại phương tiện, bao gồm cả các xe cơ giới được thiết kế bảo vệ chống mai phục và chống mìn (MRAP), các xe tự hành khác hoặc lắp cố định.


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

>> Lục quân Mỹ 'rót' 66 triệu USD mua XM25



[BDV news] Lục quân Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch phát triển kỹ thuật và sản xuất súng phóng lựu XM-25 và thông qua việc ký thỏa thuận với nhà sản xuất ATK mua XM-25.

Với biệt danh “The Punisher”, súng phóng lựu bán tự động XM-25 có một máy đo khoảng cách bằng laser và có thể bắn theo khoảng cách định sẵn. Điều này có nghĩa là loại súng phóng lựu này có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ bảo vệ máy bay chiến đấu của đối phương.

Súng phóng lựu XM-25 nặng 5,4kg, có thể bắn đạn 25 mm, tấn công chính xác mục tiêu trên không cách 500 mét hoặc 700 mét đối với mục tiêu trên bộ. Nhà sản xuất vũ khí ATK cũng có thể phát triển các loại đạn phá cửa và xuyên thép cho súng phóng lựu XM-25.



Súng phóng lựu tiên tiến XM-25 sẽ hỗ trợ hỏa lực đáng kể cho binh lính Mỹ.


Theo thỏa thuận thực hiện trong 30 tháng với Cục Quân huấn của Lục quân Mỹ, súng phóng lựu XM-25 sẽ được tiếp tục thiết kế và thử nghiệm để đảm bảo cho loại vũ khí này đáp ứng tất cả yêu cầu đề ra.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã tiến hành thử nghiệm súng phóng lựu XM-25 từ tháng 11/2010. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2011, Lục quân Mỹ mới chỉ có 5 súng phóng lựu XM-25.

Ngoài ra, Lục quân Mỹ muốn mua thêm 36 súng phóng lựu XM-25. Trong đó, lô súng phóng lựu đầu tiên có thể được triển khai trong năm 2011. Mặc dù quá trình sản xuất hàng loạt sẽ được thực hiện sớm nhất là sau 2013.

Từ năm 2012, quân đội sẽ đặt hàng khoảng 12.500 khẩu XM-25.

ATK là nhà sản xuất tên lửa, máy bay và vũ khí, có trụ sở tại Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ).


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang