Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

>> 'Nếu dùng hải quân, Việt Nam sẽ mắc mưu Trung Quốc'



“Trong quan hệ Việt - Trung cần nhớ một điều cốt tử: Khi Việt Nam lùi thì Trung Quốc tiến, khi chúng ta đứng vững thì họ không làm gì được”, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nhận xét.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Công an), trao đổi với VnExpress về ý đồ của Trung Quốc và những việc Việt Nam cần làm khi vùng đặc quyền kinh tế bị xâm lấn.

- Chỉ trong 2 tuần, các tàu của Trung Quốc liên tục phá cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Thiếu tướng nhận định như thế nào về những hành động này?

- Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ không dừng lại. Sau vụ 26/5 tôi đã nói là sẽ còn tái diễn và quả thực đúng như vậy. Nếu Việt Nam không có phản ứng thích đáng thì chỉ trong tuần tới sẽ lại xảy ra những sự kiện nghiêm trọng hơn.




Tàu Bình Minh 02 bị một trong 3 tàu hải giám Trung Quốc (ảnh dưới) phá hoại.


Trung Quốc khôn ngoan ở chỗ các vụ việc này đều thuộc chủ trì của cơ quan hành chính nhà nước, quân đội không nhúng tay. Tàu hải giám và ngư chính đều thuộc cơ quan nhà nước Trung Quốc, làm nhiệm vụ quản lý và xua đuổi. Hệ thống quản lý nhà nước trên biển Trung Quốc hùng mạnh như vậy trong khi tương quan Việt Nam chỉ có lực lượng cảnh sát biển mới thành lập.

- Vậy theo thiếu tướng, với tình hình hiện nay, lời giải nào dành cho Việt Nam khi các lực lượng dân sự, cảnh sát biển quá mỏng, trang bị thiếu?

- Nếu ta dùng hải quân đối phó thì mắc mưu của Trung Quốc, sa ngay vào bẫy mà họ giăng sẵn. Họ sẽ hô hoán với cả thế giới cũng như 1,3 tỷ dân Trung Quốc rằng Việt Nam gây xung đột trước.

Sau Hội nghị Shangri La 10, Trung Quốc thấy phản ứng không đủ độ của các nước ASEAN nên lập tức làm tới. Vụ tàu Viking II ngày 9/6 là hậu quả tất yếu. Để ngăn chặn và phòng ngừa hành động tiếp theo của Trung Quốc, Việt Nam phải thông báo cho người dân biết rõ âm mưu và hành động cụ thể của Trung Quốc; thông báo thế giới thông qua các kênh song phương đa phương, kể cả Liên Hợp quốc. Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc, nhưng Hiến pháp quy định người dân có quyền được biết thông tin và nhà nước phải có trách nhiệm thông báo rõ khi Tổ quốc bị xâm lấn.

Trong quan hệ Việt - Trung cần nhớ một điều cốt tử: Khi Việt Nam lùi thì Trung Quốc tiến, khi Việt Nam đứng vững thì Trung Quốc không làm gì được. Với Trung Quốc, ở tầm cao chiến lược, ta phải minh định 2 vấn đề: Dân tộc và giai cấp. Khi làm việc với lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc bao giờ cũng đưa vấn đề giai cấp lên trên hết, nhưng trong hành xử, Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.





Tàu Viking II và tàu ngư chính Trung Quốc (ảnh dưới).

- Thường xuyên theo dõi những tuyên bố và hành xử của Trung Quốc, điều ông lo ngại là gì?

- Trong khoảng 10 năm nay, từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các chính khách học giả Trung Quốc luôn tận dụng mọi cơ hội để quảng bá cái gọi là “Chiến lược phát triển hòa bình” mà lúc đầu họ gọi là chiến lược “Trỗi dậy hòa bình”. Họ gửi thông điệp tới toàn thế giới rằng Trung Quốc phát triển nhanh, mạnh nhưng không đe dọa ai mà chỉ tạo cơ hội phát triển cho các nước khác. Họ ký Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông DOC 2002 với ASEAN trong đó quy định rõ ràng các bên không làm gì gây căng thẳng trên khu vực Biển Đông. Chỉ cách đây vài tháng, lãnh đạo cấp cao của họ cũng vừa nhắc lại thông điệp khẳng định Trung Quốc cam kết hợp tác với các nước đảm bảo Biển Đông hòa bình, phát triển.

Nhưng trên thực tế, họ liên tục có những việc làm phi lý như đối với tàu Bình Minh 02, Viking II, bắt giữ tàu cá của Việt Nam và các nước... Điều đó chứng tỏ họ có chủ đích, nằm trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông.

Hai tuần nay tôi theo dõi cả đài truyền hình và phát thanh Trung Quốc, kể cả các trang mạng. Hàng trăm tờ báo, cơ quan phát thanh Trung Quốc nói rằng Việt Nam xâm phạm, gây hấn thậm chí xâm lược trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của họ vu cáo Việt Nam trong hai vụ cắt cáp vừa qua. Đây là những hành động không chấp nhận được. Nhà cầm quyền Trung Quốc vừa gây hấn, xâm phạm chủ quyền độc lập Việt Nam vừa vu cáo Việt Nam. Họ bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại lời tuyên bố của chính mình.

- Có ý kiến lo ngại quan hệ hợp tác Việt - Trung sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế nếu tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng?

- Chúng ta không nên nhầm lẫn cũng như lo ngại về quan hệ các mặt hiện có của hai nước. Cần phải lấy chủ quyền quốc gia làm cốt lõi. Chủ quyền là tối thượng, trường tồn, thiêng liêng bất khả xâm phạm. Không ai được có quyền mặc cả chủ quyền quốc gia cả.

Có người đã nói với tôi nếu ta làm căng, Trung Quốc có thể dùng đòn cấm vận kinh tế với Việt Nam. Tôi không loại trừ khả năng này, song cần phải thấy rằng, Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế lớn từ việc hợp tác Việt Nam.



"Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế cũng như chính những tuyên bố của họ" Ảnh: Nguyễn Hưng.


- Về lâu dài, theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi để Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển?

- Trong quá trình phát triển sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển thì lực lượng vũ trang cần củng cố. Nhưng cái cần thiết hơn là tổ chức lại hệ thống quản lý nhà nước trên biển, trong đó có kiểm ngư, quản ngư, tổ chức lại cảnh sát biển. Điều này chúng ta có thể học tập ngay từ Trung Quốc. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển, đầu tư cho ngư dân để tăng số lượng tàu cá, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ.

Còn về đầu tư cho quốc phòng theo tôi dù vẫn phải làm song không phải là thượng sách. Chúng ta ít tiền, cần đầu tư có trọng điểm. Theo tôi tính thì mỗi người Việt Nam bỏ ra khoảng 30 USD thì đã đủ để có hệ thống tên lửa bảo vệ vùng biển. Trên biển, ta nên lựa chọn trang bị phương tiện cần thiết nhất như tàu siêu tốc, ngư lôi. Tất cả trang bị nhằm tạo sức mạnh trước sự gây hấn.


[Vnexpress news]



>> Chiến thuật '2 không' của Trung Quốc ở biển Đông



Việc quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam là sự leo thang rất đáng lo ngại trong các chiến thuật “bắt nạt” đặc trưng của Chính phủ Trung Quốc trên biển Đông.


Phóng viên Đất Việt Online (ĐVO) đã liên hệ phỏng vấn với ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu. Ông Brown thường xuyên nghiên cứu và có nhiều bài viết về tình hình biển Đông và sông Mekong được đăng tải trên tờ Asia Times.

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

ĐVO - Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 và Viking-II thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khi hai tàu này đang hoạt động trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Ông David Brown - Sự quấy rối và phá hoại đối với tàu thăm dò dầu khí Binh Minh và Viking II của tàu Trung Quốc là một sự leo thang rất đáng lo ngại. Đây là một phần trong các chiến thuật bắt nạt đặc trưng của Bắc Kinh trên biển Đông.

Những sự kiện này để tại chút nghi ngờ rằng, mục tiêu của Trung Quốc là để đảm bảo kiểm soát lượng dầu mỏ và khí đốt tại biển Đông. Trung Quốc đã không quan tâm đến sự đàm phán với các quốc gia trong khu vực hay những vấn đề khác. Chiến thuật của Trung Quốc là 2 không:

- Không đàm phán đa phương và không có bên thứ 3 để đứng ra hòa giải.
- Không bao giờ phải chờ được phép mới tiến tới một giải pháp về lãnh thổ và lãnh hải.


Hoạt động của lực lượng Hải giám Trung Quốc đang gây quan ngại sâu sắc trong công đồng quốc tế.

- Theo ông, Chính phủ Việt Nam cũng như các nước ASEAN nên làm gì để giảm bớt sự căng thẳng hiện tại cũng như tránh các tình huống tương tự về sau?

- Việt Nam đã đặt hy vọng của mình trong sự tham vấn đa phương phối hợp với ASEAN, thể hiện sự sẵn sàng giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải theo công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Bất chấp những nỗ lực rất tốt của chủ tịch ASEAN hiện tại là Indonesia, đang có những nghi ngờ 10 quốc gia ASEAN có sẵn lòng để đứng lên đối trọng với Trung Quốc hay không? Theo quan điểm của tôi, nên dành thời gian xem xét và đàm phán một cách chân thành nhất giữa 5 nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc là Việt Nam, Phillippines, Brunei, Malaysia và Indonesia.

Nếu nhóm 5 này có thể sắp xếp và ra một tuyên bố chung về một quy tắc ứng xử, đó có thể coi là một xuất phát điểm hợp lý cho một cuộc đàm phán chung với Trung Quốc. Hội đàm với Trung Quốc nên nhấn mạnh đến quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và sự tham gia vào sự phát triển của khu vực biển Đông.

- Xin ông cho biết quan điểm của mình về vai trò của Mỹ tại ASEAN?

- Mỹ không có vai trò trong ASEAN, Mỹ không phải là một thành viên của tổ chức này, và điều đó là không nên. Nếu ASEAN hoặc một nhóm thành viên của ASEAN cần Mỹ hỗ trợ về kỹ thuật hay các quy phạm pháp luật, Mỹ có thể cung cấp.

Có thể Trung Quốc mong muốn hợp tác quân sự tốt hơn với Mỹ trên toàn cầu, điều đó có thể tránh được nhiều hành động khiêu khích trên biển Đông. Tuy nhiên tôi không lạc quan về khả năng này.

- Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời các câu hỏi phỏng vấn của chúng tôi.


[BĐV news]



Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

>> Philippines sẽ tập trận với hải quân Mỹ



Philippines và Mỹ diễn tập hải quân chung vào cuối tháng này trên vùng biển phía tây Philippines, nhưng các quan chức quốc đảo khẳng định việc này không phải do tình hình căng thẳng trên Biển Đông, mà đã có kế hoạch từ trước.


Quân đội Philippines thông báo việc tập trận trong lúc Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên dính dáng đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bởi "Mỹ không phải là một bên tranh chấp".

"Tập trận sẽ diễn ra từ ngày 28/6 với hải quân quân khu phía tây", phát ngôn viên quân đội Philippines Jose Miguel Rodriguez cho hay. "Cuộc diễn tập được lên kế hoạch từ năm ngoái".

Quân đội Philippines chưa thông báo địa điểm tập trận, nhưng thông thường quân khu phía tây hoạt động trên biển Sulu, ngăn cách với Biển Đông bằng đảo Palawan, và các vùng nước lân cận. Cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.

Tập trận năm nay nhằm kiểm tra khả năng của hai quân đội trong các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.

Cuộc diễn tập được công bố trong lúc căng thẳng đang lên cao ở Biển Đông do những vụ va chạm của tàu Trung Quốc với tàu của các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.



Tàu khu trục Chung-hoon của Mỹ. Ảnh: US Navy.


Trước đó một ngày, hải quân Mỹ cho biết họ điều động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon tới Tây Thái bình dương. Tàu Chung-hoon sẽ tham gia diễn tập với hải quân Philippines. Trung Quốc tuyên bố tập trận cũng ở Tây Thái bình dương.

Hai tuần qua, tàu của Trung Quốc đã hai lần quấy rối các tàu thăm dò của Việt Nam trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Philippines cũng tố cáo tàu Trung Quốc nhiều lần quấy phá hoạt động của phía Philippines và xây dựng công trình trên các vùng mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố qua lại của các bên đang khiến Biển Đông nóng.

Là một trong những con tàu mạnh nhất của hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke nói trên của Mỹ đã rời cảng nhà ở Hawaii và đang ở trong hải phận quốc tế gần biển Sulu. Tư lệnh quân đội Philippines Eduardo Oban Jr khẳng định việc tàu Chung-hoon tới Philippines không liên quan gì đến các căng thẳng mới đây ở Biển Đông.

Trong khi đó, phủ tổng thống Philippines bày tỏ tin tưởng nước này có thể dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ chủ quyền, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong giải quyết tranh chấp. Tờ Inquirer của Philippines dẫn lời phó phát ngôn viên tổng thống Philippines nói rằng: "Chúng tôi cam kết tìm giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao đến hết mức có thể. Tôi biết rằng là một đồng minh, Mỹ sẽ giúp chúng tôi nếu cần, bởi chúng tôi có Hiệp ước phòng thủ chung".

Trong khi đó Bắc Kinh cảnh báo Mỹ không nên nhúng tay vào vấn đề tranh chấp hiện nay.

"Những cái cần làm để giải quyết tranh chấp lãnh thổ nên được làm trên cơ sở song phương và Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp", đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu nói tại một hội nghị ở Manila hôm thứ năm.

"Tôi cho rằng mối lo ngại (của Mỹ) là không cần thiết. Nói cho cùng, vùng biển này luôn an toàn và hòa bình", ông Lưu nói.

"Chẳng có lý do nào để can thiệp vào khu vực này. Việc tranh chấp xảy ra giữa các bên tranh chấp, chứ không phải với một bên nào đó không ở khu vực này và không có lý do nào để tham gia".

Ông Lưu còn đe dọa rằng bất kỳ chuyến thăm nào của các nghị sĩ Philippines tới vùng tranh chấp sẽ chỉ khiến tình hình bùng lên mức nguy hiểm.

Sau đó một ngày, Mỹ tuyên bố họ lo ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và yêu cầu các bên hành động vì hòa bình. Các quan chức dân sự và quân sự Mỹ đều nhắc lại rằng Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, mong muốn các bên tuân thủ luật quốc tế và DOC, cũng như quyền tự do hàng hải trong khu vực.


[Vnexpress news]



>> Hải quân Indonesia sẽ bổ sung thêm 30 tàu ngầm



Lực lượng Hải quân Indonesia có nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ vùng biển rộng lớn, đảm bảo lợi ích quốc gia trên biển của đất nước.


Hải quân Indonesia hiện có quân số khoảng hơn 70.000 người, 136 tàu (bao gồm cả tàu ngầm), 2 hạm đội chính, 10 cảng, 1 quân đoàn thủy quân lục chiến, lực lượng không quân hải quân và lực lượng vận tải hàng hải.

Một điểm đáng chú ý là Hải quân Indonesia có 2 lực lượng đặc nhiệm: lực lượng đặc nhiệm Komando Pasukan Katak với các thành viên được tuyển chọn tử các thủy thủ; lực lượng đặc nhiệm Detasemen Jala Mangkara được tuyển chọn từ đơn vị người nhái biệt kích và tiểu đoàn trinh sát đổ bộ của Thủy quân lục chiến.

Đa số các tàu của Hải quân Indonesia đều có nguồn gốc từ Anh hoặc Hà Lan. Tuy nhiên, từ năm 2003, Indonesia đã tự sản xuất được nhiều tàu tuần tra, tàu cao tốc loại nhỏ để trang bị cho lực lượng hải quân của mình.

Đối với Không quân hải quân, lực lượng này của Indonesia hiện đang sở hữu 9 máy bay huấn luyện Socata TB mua của Pháp, 41 máy bay vận tải, 20 máy bay trực thăng các loại.

Hải quân Indonesia là một trong số ít lực lượng hải quân tại Đông Nam Á có sở hữu tàu ngầm. Trong biên chế, lực lượng này có 4 chiếc tàu ngầm trong đó có 2 tàu lớp Cakra mua của Đức năm 1981.

Tàu ngầm lớp Cakra được phát triển từ mẫu tàu 209/1400, lượng choán nước 1.810 tấn, chiều dài 64,4m, chiều rộng 6,5m, sử dụng động cơ diesel-điện. Tốc độ tối đa của tàu là 42km/g và tầm hoạt động tối đa là 20.000km, độ lặn sâu khoảng 500m. Tàu được trang bị 8 ống phóng ngư lôi 533mm với 14 quả ngư lôi, tàu có thể trang bị thêm các tên lửa chống hạm UGM-84. Dự kiến, Indonesia sẽ bổ sung vào trang bị thêm 2 chiếc Cakra.

Theo tuyên bố của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia thì quốc gia này sẽ tiếp tục bổ sung vào biên chế hơn 30 tàu ngầm nữa để bảo vệ quyền lợi trên biển của mình. Hiện tại, Indonesia đang quan tâm đến lớp tàu Kilo và lớp Lada của Nga.




















Trong biên chế, Hải quân Indonesia có 6 tàu khu trục thuộc lớp Van Speijk (Indonesia gọi là lớp Ahmad Yani) mua của Hà Lan từ những năm 1980 và hiện đang đóng mới 1 chiếc thuộc lớp Sigma, dự kiến đưa vào trang bị năm 2014. Các tàu lớp Van Speijk được Indonesia đặt theo tên các vị anh hùng.

Tàu lớp Van Speijk có lượng choán nước tiêu chuẩn là 2.200 tấn, dài 113,4m, rộng 12,5m, tốc độ tối đa đạt 28,5 hải lý/giờ với tầm hoạt động tối đa là 4.500 hải lý. Tàu được trang bị pháo 113mm QF 4,5 inch MkV, 2 hệ thống tên lửa phòng không Seacat, 1 hệ thống vũ khí chống ngầm Limbo ASW, 1 máy bay trực thăng Westland Wasp, 1 pháo 76mm Oto Melara, tên lửa chống hạm P-800 Onik… Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống radar, hệ thống thủy âm tương đối hiện đại.

Về tàu hộ tống, Indonesia có 3 chiếc thuộc lớp Fatahillah và 4 chiếc thuộc lớp Diponegoro mua của Hà Lan. Ngoài ra còn có 16 chiếc tàu thuộc lớp Parachim (Indonesia gọi là lớp Kapitan Patimura) được mang số hiệu từ 371 đến 386 và đều được đặt theo tên của các anh hùng.

Parachim là loại tàu hộ tống chống ngầm có lượng choán nước tiêu chuẩn 800 tấn, dài 72,5m, rộng 9,4m, sử dụng động cơ diesel với tốc độ tối đa là 24,7 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa 2.100 hải lý. Tàu được trang bị 1 pháo 2 nòng 57mm AK-725, 1 pháo 2 nòng 30mm AK-230, 2 hệ thống phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000, 2 hệ thống tên lửa phòng không SA-N-5, 4 ống phóng ngư lôi 400mm và một số hệ thống radar, thủy âm.

Trong biên chế, Hải quân Indonesia có 31 tàu tuần tiễu, bao gồm 4 tàu lớp Mandau mua của Hàn Quốc năm 1980, 4 tàu lớp Andau, 2 tàu lớp Pandrong, 4 tàu lớp Todak, 13 tàu lớp Boa, 4 tàu lớp Kakap đều do Indonesia tự sản xuất.

Ngoài ra, Hải quân Indonesia còn sở hữu số lượng lớn các tàu quét mìn, tàu đổ bộ, tàu huấn luyện… Trong tương lai, quốc gia này sẽ tiếp tục bổ sung một số lượng lớn tàu (bao gồm cả tàu ngầm) cho lực lượng Hải quân. Có thể nói, đây là lực lượng hải quân có số lượng tàu thuyền nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.


[Bee news]



>> Nguy cơ xung đột Việt-Trung có leo thang?



Sự kiện biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật để lại dư âm mạnh mẽ trong dư luận.



Biểu tình hôm 05/06 tại Hà Nội


Hàng trăm người đã xuống đường tuần hành một cách hòa bình để phản đối việc Trung Quốc gây hấn và phá hoại thiết bị tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam.
Cùng lúc, đại diện của Chính phủ Việt Nam cũng mạnh mẽ đề cập sự kiện này trên các diễn đàn quốc tế.

Hôm thứ Ba 07/06, Trung Quốc đã chính thức phản đối việc mà nước này gọi là "đợt bùng phát" xung quanh tranh chấp chủ quyền ̉ Biển Đông và yêu cầu Việt Nam có hành động xử lý và ngăn chặn những việc làm tương tự.

Liệu hành động của Việt Nam và phản đối của Trung Quốc có dẫn tới một sự leo thang xung đột hay không? BBC đã hỏi chuyện một số học giả và nhà nghiên cứu.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu: Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược ngoại giao nâng cấp nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền Biển Đông, chiến lược này luôn luôn mô tả Trung Quốc như là nạn nhân của các nước khác.

Nay mọi chỉ trích đang được Trung Quốc đổ về Hà Nội và Manila, trong khi Trung Quốc tuyên bố chỉ làm công việc "thực hiện" chủ quyền thông qua các hoạt động bình thường.

Hiện tại các tàu hải giám dân sự, chứ không phải tàu hải quân, tham gia các vụ mới rồi. Các tàu này nhằm vào tàu khảo sát dầu khí không có vũ trang của các quốc gia khác. Tuy nhiên theo Philippines thì hồi tháng Hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn cảnh cáo tàu cá của nước này.

Nếu như Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách hung hăng như hiện nay thì hậu quả sẽ là Hà Nội và Manila điều tàu hải quân có vũ trang hộ tống tàu thăm dò. Việt Nam thực tế đã tăng số tàu hộ tống tàu thăm dò Bình Minh 02 sau vụ rắc rối hôm 26/05.

Điều này làm tăng quan ngại và tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng hiện khả năng xảy ra đụng độ hải quân là thấp.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Về sự phản ứng của phía Trung Quốc trước dư luận của người Việt Nam trong và ngoài nước, đánh giá của tôi là không có gì khác so với các lần trước đây. Họ phải nói như vậy thôi.

Biểu lộ của người dân Việt Nam trước các hành động sai trái là tình cảm hết sức chính đáng, với điều kiện sự biểu lộ tình cảm đó tôn trọng luật pháp, không làm gì đáng tiếc để bị lợi dụng gây bất ổn chính trị-xã hội và ảnh hưởng công tác đối ngoại. Tôi theo dõi thì thấy các bạn tham gia biểu tình đã làm được việc đó, tuân thủ luật pháp, không làm xảy ra điều gì đáng ngại.

Có ý kiến cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ trong sự kiện tàu Bình Minh 02, thì nhận xét của tôi là những phát biểu chính thức của Nhà nước và các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng là hết sức hợp lý và đúng đắn trước hành động xâm phạm lần này của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Những gì xảy ra với tàu thăm dò Việt Nam hoàn toàn không ở trong vùng tranh chấp, mà Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố đây là vùng tranh chấp.

Vậy cho nên, tôi cho rằng, các tuyên bố vừa rồi hết sức hợp lý, đủ mức cần thiết để nói cho Trung Quốc và quốc tế biết là Việt Nam có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để bảo vệ chủ quyền. Thêm nữa, trong sự kiện vừa rồi Việt Nam đã hết sức kiềm chế với chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, để không xảy ra đụng độ, châm ngòi lửa ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tôi ca ngợi thái độ của Nhà nước chúng tôi trong vụ này.

Những điều cần làm theo tôi là phải tiếp tục tiến hành các hoạt động chính đáng trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Song song cần tiếp tục đấu tranh nếu có vi phạm theo đúng thủ tục luật pháp và thực tiễn quốc tế, sử dụng các công cụ luật pháp để thể hiện quyền của mình.

Đương nhiên Chính phủ cần phải tiếp tục tuyên truyền giải thích tính chất các vụ việc, vi phạm xảy ra và giải pháp ứng xử cho dư luận được biết.

TS Vương Hàn Lĩnh, Viện Luật pháp Quốc tế thuộc ĐH Khoa học Xã hội Trung Quốc: Tôi có được biết về các vụ biểu tình ở Việt Nam hôm Chủ nhật.

Vấn đề Biển Đông gây bức xúc cho cả hai bên, và trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng tỏ ra rất bất bình trước việc Việt Nam biểu tình.

Tôi cho là nếu không có việc chính phủ bật đèn xanh, thì biểu tình không thể xảy ra được ở Việt Nam. Hãy nhớ sau các cuộc biểu tình cuối năm 2007 Chính phủ Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn biểu tình như thế nào.

Quan điểm của tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước, thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này.


[Vietnamdefence news]



>> “ASEAN sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ những cam kết về Biển Đông"



Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 với sự tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để buộc Trung Quốc tuân thủ những cam kết ở Biển Đông.


Ngay từ những năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) - một tuyên bố về cách hành xử ở Biển Đông, trong đó cả hai bên cam kết sẽ không dùng đến vũ lực.


Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.


Cuối năm ngoái, trong cuộc họp nhóm làm việc hỗn hợp Trung Quốc - ASEAN bàn về việc triển khai DOC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã tuyên bố chính quyền Bắc Kinh và các nước ASEAN cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Biển Ðông. Thông cáo từ Bắc Kinh cho hay tất cả các bên tại cuộc họp này nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC đồng thời cam kết biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Nhưng ngay sau đó, Ðô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nhận định rằng Trung Quốc đang xúc tiến triển khai hệ thống tên lửa “chống tàu sân bay”. Vị chỉ huy này cũng nhận định rằng Trung Quốc nhắm mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu bằng cách mở rộng ảnh hưởng ra “bên ngoài lãnh hải khu vực”, ngoài những vùng biển mà Bắc Kinh hiện đặt trọng tâm, trong đó có Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc cho rằng họ luôn tôn trọng hòa bình tại vùng Biển Đông, những động thái có tính khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực này khiến nhiều quốc gia trong khu vực e ngại.

Nhận định về vai trò của ASEAN trong việc hòa giải các vụ tranh chấp lãnh thổ này, Giáo sư Carl Thayer thuộc Ðại Học New South Wales (Australia) - một chuyên gia nghiên cứu quân sự kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng, cho biết Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN đã có những bước đi chủ động.

Theo ông, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tới với sự có tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo những ký kết của mình.

Trong tuyên bố mới nhất từ Nhà trắng, Mỹ đã kêu gọi giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình. “Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung đều quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực, để bảo đảm sự tự do lưu thông, phát triển kinh tế và tôn trọng công pháp quốc tế”, người phát ngôn Nhà trắng hôm 10/6 nói.

Cuối tuần trước, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã cảnh báo là xung đột có thể bùng nổ trên Biển Đông, trừ phi các quốc gia tranh chấp chủ quyền thông qua một cơ chế giải quyết một cách hòa bình.

Hải quân Mỹ cũng vừa triển khai tàu USS Chung-Hoon, một khu trục hạm có trang bị tên lửa, đến khu vực Biển Đông và Biển Sulu (tây nam Philippines ) trong tuần này để kiểm tra việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng biển này.

Về mặt chính thức, theo thông báo của đại sứ quán Mỹ ở Manila, USS Chung-Hoon là một trong những chiến hạm của Hải quân Mỹ được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Mỹ-Philippines trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng song phương.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas Jr. vừa lên tiếng bảo đảm là Mỹ sẽ yểm trợ Philippines “chống lại mọi đe dọa đối với an ninh của nước này”.


[Vitinfo news]



>> Iran phóng thử thành công 2 hệ thống phòng không nội địa



Ngày 12/6, một tư lệnh cao cấp quân đội Iran công bố, nước này đã bắn thử thành công và triển khai hai hệ thống phòng không nội địa mới, mang tên Mersad và Shahin.



Tên lửa Shahin của Iran

"Các phiên bản tên lửa Mersad và Shahin đầu tiên đã được bàn giao cho Căn cứ Không quân al-Anbiya Khatam và hiện đang được thử nghiệm và [sẽ được] triển khai," Tư lệnh Căn cứ Không quân al-Anbiya Khatam, Tướng Farzad Esmaili, nói với hãng thông tấn IRNA của Iran hôm Chủ nhật.

Ông cho biết thêm rằng tên lửa Mersad đã được bắn thử thành công và đã được ngành công nghiệp quốc phòng Iran bàn giao cho căn cứ không quân này.

"Các tên lửa Mersad và Shahin đã gia nhập hệ thống phòng không của đất nước," Tướng Farzad Esmaili tuyên bố.

Ông cho biết thêm rằng hệ thống radar của Iran đã được đánh giá rất lạc quan và hiện đang trong điều kiện "rất phù hợp".

Trước đó, ông Esmaili đã cho biết rằng hệ thống phòng không Mersad có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 150km, hệ thống này đã phóng hai quả tên lửa Shahin và đã bắn trúng các mục tiêu được xác định trước.

Trong những năm gần đây, Iran đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực quốc phòng và có thể tự chủ trong việc sản xuất các thiết bị và hệ thống quân sự cần thiết.

Hồi tháng 1, Iran đã bắn thử thành công tên lửa đất đối không, tầm trung Hawk và Bộ Quốc phòng Iran đã bàn giao các hệ thống tên lửa hành trình mới cho Hải quân nước này.

Các hệ thống này, do các chuyên gia Iran thiết kế và sản xuất, có khả năng phát hiện và tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau trên biển.

Trong năm 2010, Iran cũng đã công bố chiếc máy bay không người lái (UAV) tầm xa, được sản xuất trong nước đầu tiên.


[BDV news]



>> Đài Loan sẽ triển khai tàu mang tên lửa tại Trường Sa



Ngày 12/6, một phát ngôn viên quân sự Đài Loan cho biết, quân đội nước này có kế hoạch sẽ triển khai các tàu chiến mang tên lửa tại Biển Đông và xe tăng trên các hòn đảo đang tranh chấp khi căng thẳng đang leo thang tại khu vực.




Tàu chiến lớp Seagull của Đài Loan


Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay, họ lo ngại lực lượng bảo vệ bờ biển của họ hiện đang đóng quân tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và Quần đảo Đông Sa (Pratas), đang tranh chấp với Trung Quốc, có thể không được trang bị đủ mạnh để đối phó với các cuộc xung đột có thể xảy ra.

"Hiện tại, các lực lượng bảo vệ bờ biển ở Trường Sa và Đông Sa chỉ được trang bị các loại vũ khí hạng nhẹ," phát ngôn viên Bộ quốc phòng Đài Loan David Lo nói với hãng thông tấn AFP.

"Các tàu mang tên lửa và xe tăng là một lựa chọn mà chúng tôi cung cấp cho các lực lượng bảo vệ bờ biển," ông tiết lộ nhưng không nói rõ số lượng tàu. Ông cho biết thêm rằng lực lượng bảo vệ bờ biển vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, sự hiện diện của các tàu chiến mang tên lửa sẽ là sự răn đe trên vùng biển này.

Mỗi chiếc tàu chiến lớp Seagull 47 tấn của Đài Loan được trang bị hai quả tên lửa Hsiungfeng I, loại vũ khí hạm đối hạm có tầm bắn khoảng 40 km (24 dặm).

Tuyên bố trên diễn ra khi Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú và liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và Philippines, sau nhiều năm tương đối im lặng.

Hôm 11/6, Đài Loan đã nhắc lại tuyên bố chủ quyền của họ đối với Quần đảo Trường Sa, cùng với 3 nhóm đảo khác trên Biển Đông.

Xét cả về lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế, cả Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đều thuộc chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ giữa thế kỷ trước, còn Quần đảo Trường Sa cũng đang bị Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei tranh chấp và tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần quần đảo. Trong số các nước trên, chỉ có Brunei là không có sự hiện diện quân sự tại khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn này.

Hiện tại, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan có 130 binh lính đang đồn trú tại đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất tại Quần đảo Trường Sa. Đài Loan đã xây dựng một đường băng tại đây để tiếp tế hậu cần được thuận lợi.

Hồi tháng 4, Quân đội Philippines cũng đã tuyên bố kế hoạch sử dụng một chiếc tàu chiến mua của Mỹ để tăng cường tuần tra tại vùng biển tranh chấp này, sau khi một chiếc tàu thăm dò dầu khí của chính phủ Philippines bị các tàu tuần tra của Trung Quốc quấy rối tại khu vực mà Philippines cho là thuộc chủ quyền của họ.


[BDV news]



>> Tàu sân bay Mỹ tới Tây Thái Bình Dương



Hàng không mẫu hạm George Washington (G.W) đã rời căn cứ Yokozuka của Hải quân Mỹ ở tỉnh Kanagawa lúc 10 giờ sáng nay (12/6).
.





Theo mạng tin “Asahi Shimbun”, George Washington dự kiến sẽ đi tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong thời gian lưu lại tại cảng Yokozuka từ 30/5-9/6, Hải quân Mỹ đã tổ chức Huấn luyện đỗ máy bay mặt đất (FCLP – Field Carrier Landing Practice) tại làng Ogasawara (Tokyo) trước khi tiến hành bước tiếp theo là Huấn luyện tư cách đỗ hạm (CQ – Carrier Qualification) trên GW.

Hai bài huấn luyện trên được cho là nằm trong quy trình gồm hai bước huấn luyện quan trọng là tiếp cận và đỗ máy bay trên hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ.

Trước khi rời Yokozuka, thuyền trưởng USS Goerge Washington, Đại tá David Lausman, cho biết: “Trong thời gian huấn luyện vừa qua, USS George Washington đã có cơ hội huấn luyện và liên lạc với các đồng minh, mà trước tiên là Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản.”

Khi phóng viên “Asahi Shimbun” hỏi : “Nếu xảy ra một trận động đất tương tự như vừa qua ở ngay Tokyo và Yokohama, GW có khả năng xảy ra hỏng hóc, các trang thiết bị trong cảng bị hư hại nặng và nguồn năng lượng hạt nhân trên mẫu hạm mất khả năng làm mát. Tàu USS George Washington đã tính đến giải pháp an toàn trong tình huống này chưa?”, thuyền trưởng Rausman đã cho hay: “Con tàu này được thiết kế đặc biệt để chịu được bất cứ hình thức tấn công nào, kể cả thiên tai, và lò phản ứng bên trong tàu đặc biệt kiên cố. Ngay cả khi có động đất, tàu vẫn đủ khả năng ứng phó tốt mà không gặp bất cứ rắc rối nào”.


[BDV news]



Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

>> Con số thực đầu đạn hạt nhân của các cường quốc



Số lượng đầu đạn hạt nhân của các cường quốc hạt nhân phần nào thấy rõ tổng thể bức tranh hạt nhân trên toàn thế giới và mối đe doạ tiềm tàng của nó trong tương lai.


Theo báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stokholm (SIPRI), các cường quốc hạt nhân trên thế giới hiện có 5.027 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai. Ngoài ra, các quốc gia này có 15500 đầu đạn hạt nhân hiện chưa đưa vào sẵn sàng chiến đấu.

Theo số liệu của SIPRI, các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay bao gồm, Nga có 2.427 đầu đạn, Mỹ có 2.150, Pháp có 290 và Anh có 160. Tổng cộng có 20.530 đầu đạn hạt nhân được trang bị cho các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới.

Các đầu đạn này đã được lắp đặt cho các loại tên lửa cũng như hiện đang nằm tại các kho của các quốc gia nói trên. Năm 2009, con số này là 22.600 đơn vị so với tổng số 20.530 đơn vị đầu đạn hạt nhân hiện nay.

Cũng theo các số liệu của Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stokholm, hiện tại ngoài các cường quốc lớn nói trên, một số các quốc gia khác cũng đã có sự phát triển về đầu đạn hạt nhân như, Trung Quốc đã có 200 đầu đạn hạt nhân, Ấn Độ có khoảng 80-110, Pakistan 90-110 và Israel có khoảng 80 đơn vị.

Các nước này đang bảo quản các đầu đạn hạt nhân trong các kho, chưa đưa vào sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 22/3/2011, Nga và Mỹ đã trao đổi các thông tin về thành phần và các vị trí bố trí các vũ khí hạt nhân chiến lược. Việc trao đổi các thông tin được tiến hành trong khuôn khổ hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START-3.

Theo các thông tin mới được công bố đầu tháng 6/2011 vừa qua, hiện nay Mỹ có 1.800 đầu đạn trang bị cho các lực lượng vũ trang, còn Nga có 1.537 đầu đạn.

Theo đánh giá của SIPRI, triển vọng về việc giải trừ vũ khí đầy ý nghĩa trong một tương lai gần là không cao trong bối cảnh tất cả 8 quốc gia nói trên không ngừng cải thiện hoặc duy trì các chương trình hạt nhân của mình và vẫn tiếp tục đầu tư vào các hệ thống vũ khí mới.

SIPRI cũng nhấn mạnh, 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân được công nhận hợp pháp theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đang triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới hoặc thông báo ý định sẽ làm như vậy.

Do đó, theo ông Daniel Nord Giám đốc SIPRI, việc giải trừ vũ khí hạt nhân khó có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần, mối đe doạ hạt nhân vẫn ở mức cao.

Đồng thời, ông Daniel Nord còn đưa ra nhận định rằng, Nam Á là nơi mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan dường như thường xuyên căng thẳng, là khu vực duy nhất trên thế giới xảy ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Hai quốc gia này đang tiếp tục nghiên cứu các loại tên lửa có cánh mới, mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn đến các kho đạn hạt nhân của nhau. Báo cáo của SIPRI quả quyết rằng, cả 2 nước này cũng đã mở rộng khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Nord cho rằng, Pakistan đã mất quyền kiểm soát một phần kho vũ khí hạt nhân của nước này vào tay một tổ chức khủng bố

Trong khi đó, Israel chưa bao giờ khẳng định mình sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng nước này đã được công nhận là nước sở hữu hạt nhân.

SIPRI nhấn mạnh Israel dường như muốn đánh giá chương trình vũ khí hạt nhân của Iran phát triển như thế nào. Ông Daniel Nord tỏ ra lo lắng về hậu quả có thể xảy ra nếu như Mỹ và Israel quyết định phải can thiệp hoặc làm một điều gì đó đối với chương trình hạt nhân ở Iran.

Về phần mình, Tehran vẫn liên tục khẳng định chương trình hạt nhân của nước này không nhằm mục đích quân sự. Msố cường quốc yêu cầu thanh sát chặt chẽ hơn các cơ sở hạt nhân ở Iran để kiểm chứng tuyên bố này.

Bên cạnh đó, bản báo cáo còn nêu, Triều Tiên được cho là đã sản xuất đủ plutonium để chế tạo một số ít đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chưa có thông tin xác nhận liệu nước này có vũ khí hạt nhân sẵn sàng sử dụng hay không.


[BDV news]



>> Hải quân Indonesia: Xứng với xứ “Vạn đảo”



Để duy trì môi trường an ninh biển hòa bình và ổn định, cùng hợp tác và phát triển, các nước ASEAN đang từng bước củng cố lực lượng hải quân của mình.

Tự hào nội lực

Sự đầu tư cho công nghiệp quốc phòng cho hải quân của Indonesia đã “đơm hoa, kết trái” với nhiều thành tựu đáng kể.

Tháng 4/2011 đánh dấu nhiều mốc quan trọng với nền quốc phòng Indonesia khi hải quân nước này liên tiếp thông báo những tin vui. Đầu tiên, cuộc phóng thử tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont từ tàu KRI Oswald Siahaan (số hiệu 354) đã tiêu diệt mục tiêu là 1 tàu cũ ở cự ly 250km.

Chuẩn đô đốc Iskandar Sitompul nói: “Vũ khí thử nghiệm thành công và hải quân chúng tôi thu được kinh nghiệm thực tế quý giá”.

Thế nhưng có một thành công mà ngài Chuẩn đô đốc không nhắc đến là Hải quân Indonesia đã cải tiến các tàu chiến mua của Hà Lan, trong đó có việc đảm bảo đáy tàu chịu được phản lực của tên lửa Yakhont trong mỗi lần phóng.



Nắp ống phóng thẳng đứng của tên lửa chống hạm Yakhont đặt trên tàu chiến Indonesia.

Cũng vào cuối tháng 4/2011, Hải quân Indonesia hạ thủy chiến hạm nội địa KRI Clurit trong một buổi lễ có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro tại cảng hàng hóa Ampar Batu, Batam, tỉnh Riau Islands (>> chi tiết). Đây là chiến hạm cao tốc mang tên lửa, do Tập đoàn PT Palindo Marine thiết kế và chế tạo.

Đặc biệt, tàu sử dụng nhiều trang, thiết bị nội địa và quá trình phát triển KRI Clurit có sự tham gia của các sinh viên tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Surabaya, có trụ sở ở “thủ đô đóng tàu” của Indonesia. “Hiện nay, chúng ta đã có điều để tự hào vì nguồn nhân lực của Indonesia có khả năng đóng được tàu chiến.

Với chiến hạm KRI-Clurit, Indonesia sẽ bảo vệ vùng biển của mình bằng tàu hải quân được đóng trong nước. Chúng ta sẽ không cần nhận viện trợ tàu hải quân từ nước ngoài”, Bộ trưởng Yusgiantoro phát biểu.

Cội nguồn của thành công

Thành công kể trên có nguồn gốc từ nền công nghiệp quốc phòng đã phát triển hơn 70 năm của Indonesia, đặc biệt từ giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ giữa những năm 1970, khi nước này tập trung đầu tư cho ngành đóng tàu quân sự và các công nghệ cao khác.

Năm 1974, Indonesia đặt nền móng cho công nghệ hàng hải quân sự bằng việc đầu tư máy móc cho công ty đóng tàu PAL Indonesia, chuyên đóng, sửa chữa và bảo trì các chiến hạm. Hoạt động của công ty đã tạo xương sống cho quân đội và nhà nước với 9 cơ sở sản xuất các loại tàu cỡ nhỏ và vừa, lớn nhất là xưởng đóng tàu ở Surabaya (do Hà Lan xây dựng từ 1899) với đội nhân sự hùng hậu (8.000 thợ lành nghề và 3.000 kỹ sư).

Ban đầu, trên cơ sở thiết bị còn lại sau khi giành lại độc lập vào năm 1945, xưởng này làm nhiệm vụ sửa chữa là chủ yếu. Đến cuối thế kỷ 20 đã tiến bộ vượt bậc, chế tạo được 60% trang thiết bị tàu.



Chiến hạm KRI Clurit, niềm tự hào của Hải quân Indonesia trong lễ ra mắt.

Bên cạnh việc tự đóng tàu, Indonesia chủ trương đa phương hóa các nguồn vũ khí mua từ nước ngoài. Điển hình là các hợp đồng đóng chiến hạm lớp Vanspejk với Hà Lan, máy bay tuần tra trên biển tầm trung CN-235-100, tàu ngầm lớp Type 209/1200 Cakrra, tàu hộ tống Parchim, tàu quét mình, đổ bộ từ Đức, Nga, Mỹ...

Phương châm vừa tự đóng vừa đóng theo chuyển giao công nghệ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành tựu mới cho Hải quân Indonesia. Theo Tư lệnh Hải quân Indonesia, thời gian tới, ông sẽ hội đàm với lãnh đạo Bộ Quốc phòng để xác định loại tàu ngầm disel có trị giá 700 triệu USD. Trong đó, hai ứng viên nặng ký là Kilo thuộc Project 636 của Nga và Type-208 của Hàn Quốc. Dự kiến, việc lắp ráp chiếc tàu thứ hai sẽ được thực hiện tại các xưởng đóng tàu của công ty PT Pal tại Indonesia.

Qua mấy chục năm phát triển, nay nhìn lại, thấy từng bước đi của ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia là đúng hướng, thiết thực, hiệu quả. Thật không thừa khi nhấn mạnh rằng nhiều các thành tựu tuy phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây nhưng sự phôi thai đã có từ rất lâu, do người Indonesia ý thức được hiện trạng của quốc gia – hải đảo và thiên nhiên rất đa dạng.

Sức mạnh và các hợp đồng quốc phòng đầy tham vọng

Ngày nay, Hải quân Indonesia được Chính phủ đầu tư phát triển thành một lực lượng khá mạnh trong khu vực. Toàn bộ Hải quân Indonesia có 74.000 quân nhân phục vụ, được trang bị hơn 130 tàu các loại gồm cả tàu ngầm tấn công trang bị tên lửa diệt hạm. Lực lượng tàu chiến chủ lực của Indonesia hiện tại gồm 6 tàu khu trục lớp Van Speijk do Hà Lan chế tạo được mua từ những năm 1980, 16 tàu hộ tống lớp Parchim và một vài chiến hạm khác mua từ những năm 1990.

Để tăng cường sức mạnh hải quân tương xứng với quốc gia có hơn 17.000 hòn đảo, Hải quân Indonesia liên tiếp mua mới nhiều tàu hiện đại. Tháng 3/2009 Indonesia tiếp nhận chiếc thứ tư trong hợp đồng mua bốn 4 hộ tống Sigma 9113 do Hà Lan chế tạo. Tàu Sigma 9113 có lượng choán nước khoảng 1.700 tấn, dài 90,7m và trang bị tên lửa chống hạm MM40 Exocet, tên lửa phòng không MBDA Mistral Tetral.


Tên lửa chống hạm Yakhont phóng đi từ chiến hạm KRI Oswald Siahaan.

Ngày 16/8/2010, Bộ Quốc phòng Indonesia tiếp tục hợp tác với Hà Lan qua đồng giữa PT PAL Indonesia và Damen Schelde chế tạo khu trục hạm Sigma 10514. Đây là lớp tàu cải tiến có lượng choán nước tới 2.400 tấn, dài 105m. Chiến hạm này sử dụng vũ khí đối hải tương tự tàu lớp Sigma 9113 nhưng có thêm pháo hạm 100mm, hệ thống phòng không sử dụng ống phóng thẳng đứng, pháo phòng cao tốc không tầm cực gần Phalanx, rocket chống ngầm SR375A cùng nhiều thiết bị điện tử tiên tiến. Dự kiến, năm 2014 chiếc đầu tiên sẽ hoàn thiện và chuyển giao cho Indonesia. Đây sẽ là những “quả đấm thép” của Hải quân xứ “Vạn đảo”.

Thế nhưng tham vọng nhất phải kể tới các kế hoạch đóng những chiến hạm cỡ lớn. Tháng 12/2004, Indonesia ký hợp đồng với Hàn Quốc trị giá 150 triệu USD mua 2 tàu đổ bộ có boong đỗ máy bay lớp Makassar (chở được 218 lính, 2 tàu đổ bộ đệm khí và 5 trực thăng, lượng giãn nước 7.300 tấn), cùng công nghệ sẽ được chuyển giao. Dựa vào đó, PT PAL sẽ đóng mới 2 tàu Makassar. Ngoài ra, cũng có một số nguồn tin cho rằng Indonesia còn có tham vọng chế tạo tàu chở trực thăng dài 190m, lượng giãn nước 35.000 tấn.

Trong tương lai, những dự án quốc phòng của Indonesia còn “khủng” hơn thế với các kế hoạch sở hữu 180 tiêm kích Sukhoi (trong vòng 20 năm nữa), mua 1.000 tên lửa tầm bắn 15km và đóng đủ 39 tàu ngầm. Theo lời Tư lệnh phó Hải quân Indonesia, Phó đô đốc Marset, có đủ 39 tàu ngầm mới đảm bảo việc tuần tra lãnh hải và bảo vệ chủ quyền của Indonesia.

Theo đánh giá của Janes, ngân sách quốc phòng của Indonesia trong những năm 2013-2014 sẽ tăng thêm 80%. Cụ thể, từ mức 4,8 tỷ USD năm 2010 sẽ lên tới con số 8,8 tỷ USD trong tài khóa 2014.


[BDV news]


>> Xung đột trên biển Đông và quan điểm của Nga



Nhân sự kiện Trung Quốc 2 lần cắt cáp tàu ngư chính của Việt Nam khiến cho tình hình trên Biển Đông trở nên căng thẳng và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây, VITINFO xin giới thiệu ngắn gọn bài của chuyên gia Grigory Lokshnin nói về quan điểm của Nga đối với xung đột trên Biển Đông và các đề xuất giải quyết tận gốc xung đột này.

Căng thẳng leo thang

Theo tác giả Grigory Lokshnin, tình hình trên Biển Đông đang lâm vào trạng thái rất nguy hiểm. Một số chuyên gia tham dự chuyên đề khoa học quốc tế tại Hà Nội năm 2009 còn so sánh diễn biến tình hình trong khu vực này với cuộc khủng hoảng Berlin năm 1948, còn Biển Đông được gọi là “Địa Trung Hải tương lai của châu Á” vì sự xung đột lợi ích của cả những quốc gia gần bờ và không gần bờ tại khu vực này. Chính vì sự xung đột lợi ích nên đây dần dần trở thành “điểm nóng” mới của hành tinh. Và thật đáng tiếc, “sức nóng của điểm nóng mới” này lại không ngừng tăng lên.

Biển Đông nhìn từ Mũi Né (Ảnh: Wikipedia)


Chuyên gia Lokshnin nhận định, tại khu vực này, cuộc chạy đua vũ trang và quân sự hóa những đảo thuộc Biển Đông – những hòn đảo đang trong vòng tranh chấp quyền sở hữu – vẫn đang tiếp tục. Đó là những đảo san hô và đá ngầm, và điều quan trọng nhất là tranh chấp thềm lục địa gần bờ khiến tình trạng va chạm, đầu mối xung đột, có tiềm năng biến thành xung đột và trong điều kiện nhất định có thể sẽ mở rộng hơn về thành phần tham gia và quân số lực lượng tham dự cũng như không gian bao trùm rộng lớn hơn là điều không thể tránh khỏi.

Vấn đề tranh chấp Biển Đông xuất hiện cách đây không lâu, khoảng 30-40 năm trước. Trong suốt khoảng thời gian từ đó đến nay, không có bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam, Philippines và những quốc gia quan tâm khác thuộc ASEAN, kể cả “sự gia cố” của Trung Quốc vào Công ước của LHQ năm 1982 về luật biển, thậm chí tuyên bố 2002 về những nguyên tắc hoạt động trên Biển Đông – tất cả đều không thể làm dịu bớt tình hình phức tạp tại đây. Diễn biến tình hình tại đây có khi “đóng băng” nhưng lại có lúc “trỗi dậy” cực kỳ nguy hiểm.

Căng thẳng lại leo thang bắt đầu từ tháng 5/2009, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là bắt nguồn từ phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc đối với đăng ký về ranh giới thềm lục địa của Việt Nam lên Ủy ban Ranh giới Biển của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề diễn ra ở Hà Nội, Giáo sư đến từ Viện Quan hệ quốc tế của Trường Đại học tổng hợp Côn Minh, Li Jinming viện dẫn rằng, Biển Đông thuộc loại biển bán mở và vì những điều kiện địa chính trị, những quốc gia gần bờ không cần phải tham vọng đạt được ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của đặc khu kinh tế (EEZ). Vì thế, tất cả những đảo được công nhận (không tính những bãi san hô riêng rẽ) đều cần có đặc khu kinh tế rộng 200 hải lý và ranh giới thềm lục địa của mình. Theo ông, điều này khiến các đăng ký ranh giới thềm lục địa của các nước có tham vọng nhìn chung đều không được thỏa mãn, vì thế những đề xuất của các nước chồng chéo lên nhau.

Tuy nhiên, dự thảo luật đưa những đảo chính thuộc Biển Đông vào diện tích lãnh thổ quốc gia tại các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông đã được thông qua và chúng dần trở thành một biểu tượng dân tộc nào đó và thậm chí trở thành điều kiện nhất định khẳng định tính chính thống của chính quyền, đối với họ những đảo này cần được bảo vệ bằng mọi giá.

Tất cả những điều trên khiến tình hình ngày càng trở nên không xác định, không rõ ràng, khó giải quyết và không thể lường trước. Và mặc dù tất cả những bên tham gia tranh chấp, theo đánh giá của các nhà khoa học, đều hiểu rất rõ những nguy hiểm và hậu quả tiêu cực nếu sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết xung đột và cố gắng giải quyêt vấn đề bằng chính sách ngoại giao nhưng lịch sử dạy rằng, trong những điều kiện nhất định, người ta thường quên những công ước như trên.

Chuyên gia Nga đưa ra cách tiếp cận giải quyết xung đột trên Biển Đông chia làm 3 giai đoạn:

- Soạn thảo và thực hiện biện pháp gây dựng lòng tin
- Xây dựng cơ cấu ngoại giao phòng ngừa
- Thỏa thuận và thực hiện các biện pháp giải quyết những xung đột cụ thể.

Tất cả đều đòi hỏi sự kiên nhẫn thực sự, ý chí chính trị vững vàng và nỗ lực to lớn. Rõ ràng, việc kí Tuyên bố 2002 về hành động của các bên trên Biển Đông đã mất khoảng 10 năm nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên ASEAN; còn hội đàm Nga – Trung về vấn đề này cũng kéo dài trong khoảng 30 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, phụ thuộc lẫn nhau mà ở đó không ai có mong muốn sử dụng vũ lực.

Xung đột trên Biển Đông và quan điểm của Nga

Chuyên gia Lokshni dánh giá rằng, trong những công trình khoa học công bố tại nhiều quốc gia khác nhau về vấn đề này thì thực tế không có công trình nào nhắc đến những lợi ích, vai trò và quan điểm của Nga trong khu vực tranh chấp.

Những ý kiến đưa ra tại Hội nghị ở Hà Nội năm 2009 về sự hiện diện những lợi ích sống còn của Nga trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, về quyền của Nga với tư cách là một quốc gia có lãnh hải lớn nhất thế giới và về việc sẵn sàng thực hiện những lợi ích mà không làm tổn hại đến ai đã nhận được sự quan tâm rõ rệt. Bởi lẽ trong lĩnh vực hợp tác, Nga là đối tác chiến lược của Việt Nam và Trung Quốc cũng như với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và APEC. Thực tế, Nga quan tâm không ít hơn những quốc gia khác trong việc nhằm ổn định khu vực có giá trị quốc tế bền vững này cũng như Nga quan tâm đến việc đảm bảo tự do hàng hải và giao thương trên biển ở khu vực này. Có cả những lợi ích kinh tế quan trọng của những công ty dầu khí của Nga đã nhiều năm hợp tác thành công với Việt Nam.

Nga có quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam như là một đối tác chiến lược. Hợp tác chiến lược là hình thức tổ chức hoạt động chung của các quốc gia trong những lĩnh vực cơ bản, có tính đến tương lai lâu dài dựa trên sự công nhận những lợi ích của nhau, tôn trọng và tuân thủ những lợi ích của nhau và hướng tới đạt được những mục đích chung hoặc những mục đích quan trọng sống còn.

Vì thế, Nga cũng như những quốc gia khác trong khu vực rất quan tâm đến diễn biến tình hình tại Biển Đông.

Tháng 7/2009, phát biểu trước sinh viên tại trường Đại học tổng hợp Bangkok sau khi kết thúc phiên họp của diễn đàn ARF tại Phuket, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Nga ủng hộ cấu trúc an ninh bình đẳng và hợp tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương dựa trên những cơ sở tập thể và những nguyên tắc được công nhận và những nguyên tắc về quyền quốc tế và sử dụng đối thoại, thảo luận, hội đàm như là công cụ giải quyết những vấn đề phức tạp. Và khi ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng khẳng định, không ai yêu cầu mỗi nước phải có ưu thế quân sự, củng cố sức mạnh quốc phòng, làm suy yếu an ninh của những quốc gia khác, xây dựng căn cứ quân sự và những liên minh quốc phòng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng lực lượng hệ thống phòng thủ khu vực có khả năng gây mất cân bằng chiến lược. Theo ông, nên xây dựng cấu trúc thông qua ngoại giao đa phương, phát triển mối liên hệ giữa các tổ chức và các diễn đàn khu vực và điều quan trọng nhất – thông qua sự tin tưởng và tính đến những lợi ích của nhau.


[Vitinfo news]


>> Hải quân Thái Lan: Nước đầu tiên có sân bay ở Đông Nam Á



Để duy trì môi trường an ninh biển hòa bình và ổn định, cùng hợp tác và phát triển, các nước ASEAN đang từng bước củng cố lực lượng hải quân của mình.

Từ năm 1932, Thái Lan đã có Cục Hải quân trong Bộ Quốc phòng. 65 năm sau, họ trở thành nước đầu tiên trong khu vực sở hữu tàu sân bay.

Người Thái không quên Vịnh Thái Lan từng là chiến trường nóng bỏng trong đại chiến thế giới 2. Sự kiện Không quân Nhật Bản đã đánh chìm tuần dương hạm Anh vào ngày 10/2/1941 luôn nhắc nhở Thái Lan phải xây dựng Hải quân tương xứng.

"Niềm vinh quang của Vương triều Chakri"

Sau nhiều năm chờ đợi, tháng 8/1997, tàu sân bay A. Chakri Naruebet, do hãng Badaneron của Tây Ban Nha đóng, đã được biên chế trong lực lượng Hải quân Thái Lan với số hiệu 911. Việc này đánh dấu mốc Thái Lan chính thức trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á, thứ 2 châu Á (sau Ấn Độ), và thứ 9 trên thế giới sở hữu tàu sân bay.


http://nghiadx.blogspot.com
Tàu sân bay Chakri Naruebet lướt sóng cùng 2 tàu hộ tống.

Với lượng giãn nước khi đầy tải lên tới 11.480 tấn, có đường băng dài 174,6m, rộng 27,5m, vũ khí chính của tàu là 15 máy bay (9 máy bay cánh cố định cất cánh đường băng ngắn AV-8S Harrier, 6 trực thăng S-70B Sea Hawk). Vũ khí khác là hệ thống tên lửa phòng không Mk41 LCHR với tên lửa Sea Sparrow, 3 ống phóng tên lửa Mistral, 4 bệ pháo 6 nòng 20mm Vuncan, 2 bệ pháo 30mm…

Thủy thủ đoàn trên tàu Naruebet gồm 455 quân nhân hải quân, 146 quân nhân không quân hải quân. Từ khi được biên chế, Naruebet đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quân sự và dân sự.

Đặc biệt ưu tiên hải quân

Để lực lượng trên nhanh chóng tiếp quản, làm chủ và vận hành tàu Naruebet, Hải quân Thái Lan phải trải qua quá trình phát triển lâu dài, tính từ năm 1932 khi Bộ Quốc phòng nước này thành lập Cục Hải quân với quân số 2.000 người với con số không ngừng tăng. Đến năm 1939, có tới 10.000 quân nhân phục vụ cho Hải quân Thái Lan. Những năm 1950-1960, Thái Lan có 27 hải đội, hàng trăm tàu chiến lớn nhỏ, quân số chiếm 22% quân đội. Cuối năm 1971, Hải quân Thái Lan có 25.000 người, trong đó, có lực lượng hải quân đánh bộ biên chế thành 2 trung đoàn.

Giữa những năm 1980, Thái Lan thực hiện chương trình mua sắm vũ khí được coi là “lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử”. Giai đoạn 1983-1986, Hải quân nước này nhận được hàng chục máy bay tiêm kích, trực thăng chống ngầm, một số tàu khu trục, đổ bộ, quét mìn, tuần duyên. Đến năm 1990, trong số 220 tàu của Hải quân Thái Lan có đến 129 tàu chiến đấu.


http://nghiadx.blogspot.com
Chiến đấu cơ lên thẳng cánh cố định Harrier. Trên tàu sân bay Chakri Naruebet có 9 chiến đấu cơ loại này túc trực.

Bên cạnh hoạt động mua sắm, ngành công nghiệp quốc phòng Thái Lan cũng thu được những kết quả khả quan trong lĩnh vực hải quân như nghiên cứu, cải tiến thành công các tên lửa hải đối hải Harpoon, Sea Sparrow, Exocet, thủy lôi Stinger, đóng tàu tuần tiễu cỡ nhỏ, tàu đổ bộ cỡ trung và nhỏ, đặc biệt tàu đổ bộ xe tăng 3.000 tấn... Giai đoạn 1991 đến nay, cứ 3-5 năm, Hải quân Thái Lan lần lượt thay vũ khí phù hợp với chiến tranh công nghệ cao. Đặt trong bối cảnh Thái Lan tiến hành giảm quy mô lực lượng vũ trang, có thể thấy hải quân nước này nhận được đãi ngộ và ưu tiên đặc biệt.

“Từ ven bờ ra đại dương"

Đến nay, Hải quân Thái Lan có chính thức 63.000 quân nhân, chịu sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hạm đội tác chiến (3 hải đội và 10 đội tàu phục vụ, hoạt động trên 3 vùng hải quân, 3 ban chỉ huy trên sông), Bộ tư lệnh Hải quân đánh bộ (1 sư đoàn, 1 trung đoàn độc lập, lực lượng đặc biệt…), Bộ Tư lệnh Phòng không và Bảo vệ bờ biển (3 trung đoàn), Bộ chỉ huy Không quân Hải quân (1 sư đoàn, 1 trung đoàn độc lập, 1 trung đoàn tác chiến điện tử…), Bộ tư lệnh Cảnh sát biển (2 tiểu đoàn dù, 22 đại đội cảnh sát đặc biệt, 70 đại đội cảnh sát biên phòng).

Theo kế hoạch quốc phòng 10 năm của Thái Lan, từ 2009-2018, hải quân nước này sẽ thực hiện chương trình “từ ven bờ ra đại dương”. Để làm điều đó, Thái Lan sẽ phát triển binh chủng tàu ngầm (vốn bị trì hoãn do cuộc khủng hoảng kinh tế 1997), đồng thời tiếp tục đầu tư mua sắm tàu khu trục, hộ tống.



http://nghiadx.blogspot.com
Tàu sân bay Chakri Naruebet (trên) song hành cùng tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ.

Dựa vào tiềm lực của mình, Thái Lan chủ trương tự đóng các chiến hạm và tàu đổ bộ cỡ nhỏ. Với 3 cơ sở công nghiệp quốc phòng: Nhà máy đóng tàu Hoàng gia RTN (có khả năng đóng các pháo hạm, nâng cấp vũ khí nhập ngoại, nghiên cứu đóng tàu ngầm cỡ nhỏ), Ital – Thái Marine (đóng tàu đổ bộ cỡ trung, có thể đóng chiến hạm mang tên lửa có lượng giãn nước 1.000 tấn), Nhà máy Bankok (đóng tàu trinh sát, tàu nghiên cứu biển, tàu đổ bộ nhỏ), Thái Lan hy vọng sẽ vừa trang bị cho hải quân đồng thời, tìm đường xuất khẩu chiến hạm ra thị trường vũ khí thế giới.

Để chuẩn bị “ra biển lớn”, Thái Lan còn cho nâng cấp các căn cứ hải quân như Bangkok, Shongkhla, Phanga, Phuket và Mataphut… Trong đó, trọng tâm là căn cứ Satahip cho phép tàu quân sự trên 10.000 tấn ra vào thuận lợi, cùng các căn cứ khác.

Bên cạnh đó, Hải quân nước này tiếp tục hoàn thiện cơ cấu chỉ huy và chất lượng quân đội, bổ sung học thuyết quân sự phù hợp với tình hình mới, chú trọng hệ thống kiểm tra, thông tin liên lạc, tăng cường huấn luyện diễn tập với 1 bên và nhiều bên.

Hiện nay, Hải quân Thái Lan có 190 tàu các loại, trong đó, tàu chiến đấu mặt nước là 20 (1 tàu sân bay, 10 tàu hộ vệ, 8 tàu tên lửa, 9 tàu hộ tống), 90 tàu tuần tiễu trên biển và ven bờ, 20 tàu quét mìn, 40 tàu và phương tiện đổ bộ (có 6 tàu độ bộ xe tăng LST), 15 tàu phục vụ.
Lực lượng Không quân Hải quân Thái Lan có 110 chiếc (15 chiếc trực chiến trên tàu sân bay, 95 chiếc còn lại trú tại các căn cứ ven bờ)
Hải quân đánh bộ Thái Lan có 60 xe thiết giáp chở quân, 50 pháo 155mm và 105mm, 30 bệ tên lửa chống tăng…
Cảnh sát biển Thái Lan có 140 tàu xuồng (20 tàu ven bờ, 3 tàu xa bờ, 30 xuồng ven biển và 85 xuồng trên sông).


[BBCVietnamese news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang