Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

>> Trung Quốc triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo 8.000km




Ngày 28/6, báo Ming Pao xuất bản ở Hồng Kông đưa tin, Trung Quốc đã triển khai một chiếc tàu ngầm diesel mới được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể phóng tới tất cả các khu vực của nước Mỹ, để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào 01/7.

Dẫn lời một nguyệt san ở Hồng Kông, báo Ming Pao cho biết chiếc tàu ngầm lớp Ching được Trung Quốc sản xuất bằng chính công nghệ của họ đang neo đậu tại một cảng ở gần Thượng Hải.


Ảnh minh họa

Chiếc tàu ngầm này có thể mang được sáu quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm chiến lược, mang tên "Jwirang-2", có tầm bắn 8.000km, tờ báo cho biết.

Theo các chuyên gia, chiếc tàu ngầm này có thể được chuyển đổi thành một tàu ngầm được trang bị tới 42 quả tên lửa hành trình có tầm bắn 1.500km. Có nghĩa là tàu ngầm cũng có khả năng hoạt động tại các vùng biển gần Trung Quốc.

Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thêm các tàu ngầm lớp Ching do chúng có chi phí hợp lý, các chuyên gia cho biết.

Hải quân Trung Quốc đã triển khai ba chiếc tàu ngầm lớp Ching, mỗi chiếc tại Hoàng Hải, Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Vì tàu ngầm chạy bằng diesel được cho là không gây nhiều tiếng ồn, nên Hải quân Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn tàu ngầm loại này tại các vùng biển gần đó, các chuyên gia cho biết thêm.

Kể từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã tăng cường sản xuất tàu ngầm với nỗ lực nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và các tuyến đường biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

[BDV news]


>> Sự đối đầu giữa MiG-21 và F-4 trong chiến tranh Việt Nam




Cuộc chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam đã trở thành cuộc đối đầu trên không lớn và bi thảm nhất sau năm 1945. Hai bên đã đưa hàng chục máy bay các loại để tham chiến. Tuy nhiên, gánh nặng chính của cuộc đối đầu trên không giữa là máy bay MiG-21 và Phatom. Tác giả Vladimir Ilyin trong bài “MiG-21 chống lại Phatom” đăng trên website Topwar.ru có đôi điều lý giải về thất bại của máy bay Mỹ trước MiG-21 của Nga trong chiến tranh tại Việt Nam.

MiG-21 kém F-4?

F-4 Phantom II (Con Ma ) là một loại máy bay tiêm kích-ném bom tầm xa siêu âm hai chỗ ngồi hoạt động trong mọi thời tiết được hãng McDonnell Douglas thiết kế chế tạo vào năm 1958 trước tiên cho Hải quân Hoa Kỳ.

F-4B ở trên vùng trời Việt Nam. (Ảnh: Wikipedia)


Vận tốc bay tối đa của F-4 là 2.260km/h, trần bay thực tế 16.600-17.900m, tầm bay xa thực tế không có thùng dầu phụ là 2380km

F-4 được trang bị radar mạnh, cũng như vũ khí có một không hai như 4 quả tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder và 4 tên lửa AIM-7 Sparrow tầm trung gắn trên thân.

Các phiên bản nâng cấp của F-4 có khả năng mang các loại tên lửa đối không: AIM-120 AMRAAM, AAM-3, IRIS-T, Skyflash. Có đến 8.480kg (18.650 lb) vũ khí gắn trên 9 đế trên cánh và thân, bao gồm bom thông thường, bom chùm, bom dẫn đường bằng laser, rocket, tên lửa đối đất, tên lửa đối hạm, vũ khí hạt nhân.

Phantom II đã được dùng trong quân đội Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 1996, và là máy bay tiêm kích ưu thế trên không chủ yếu cũng như là máy bay chiến đấu ném bom chính của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam. F-4 cũng được trang bị cho quân đội của nhiều nước khác, và cho đến năm 2001 vẫn còn hơn 1.000 máy bay F-4 đang được sử dụng ở 11 nước trên toàn thế giới.

Đối thủ chính của Phantom trong chiến tranh Việt Nam – máy bay tiền tuyến MiG-21 cũng được chế tạo vào năm 1958. Khác với máy bay Mỹ, máy bay MiG-21 của Nga có tầm hoạt động ngắn. Tải trọng cất cánh thông thường của các biến thể được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam – dưới 8 tấn và có tầm bay xa nhỏ đáng kể - khoảng 1500km. Tuy nhiên, những đặc điểm bay còn lại của MiG-21 không hề thua kém đối thủ Mỹ: vận tốc bay tối đa – 2175-2300km/h, trần bay thực tế - 18000-19000m. Thành phần vũ khí của MiG-21 cũng yếu hơn đáng kể so với Phantom của Mỹ: - 2 (sau đó là 4) tên lửa không đối không tầm trung R-3S (Vympel K-13) tự dẫn bằng tia hồng ngoại cũng như 1 pháo 23 hoặc 30mm (trong hàng loạt biến thế không được trang bị pháo này).



Rõ ràng, MiG-21 và F-4 là những máy bay rất khác nhau, được chế tạo để thực hiện những nhiệm vụ cũng khác nhau.


Chiến tranh tạo ra những anh hùng

F-4 tham gia chiến tranh Việt Nam và là máy bay chiến đấu cuối cùng của Mỹ trong thế kỷ 20 tạo nên "Át" (phi công bắn rơi được từ 5 máy bay địch trở lên): Trong chiến tranh Việt Nam, Không quân có 1 phi công và 1 sĩ quan hệ thống vũ khí, và Hải quân có 1 phi công và 1 sĩ quan theo dõi radar (RIO: Radar Intercept Officer) đạt danh hiệu "Át".

Những chiếc F-4C của Không quân Hoa Kỳ ghi được chiến công không chiến đầu tiên trước một chiếc MiG-17 của Bắc Việt Nam vào ngày 10 tháng 7 năm 1965, sử dụng tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, một chiếc Phantom thuộc Phi đội Tiêm kích Chiến thuật 47 tạm thời bố trí tại Việt Nam đã trở thành chiếc máy bay Hoa Kỳ đầu tiên bị tên lửa đất-đối-không (SAM) bắn hạ, và vào ngày 5 tháng 10 năm 1966 một chiếc F-4C thuộc Không đoàn Tiêm kích Chiến thuật 8 trở thành chiếc máy bay phản lực Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn hạ bởi tên lửa không-đối-không do một chiếc MiG-21 bắn ra.

Phải công nhận rằng, cuộc cạnh tranh của máy bay MiG và Phatom trên bầu trời Việt Nam đã kết thúc với thất bại hoàn toàn thuộc về phía máy bay của Mỹ: trong suốt thời gian chiến tranh từ năm 1966 đến 1972, 54 chiếc MiG-21 đã bị tiêu diệt bởi chiến đấu cơ F-4, cũng trong giai đoạn này, “20 chiếc MiG-21 đầu tiên” đã tiêu diệt được 103 chiếc Phantom. Ngoài ra, khi mất một máy bay Phatom cũng đồng nghĩa với việc 2 phi công bị chết hoặc bị bắt làm tù binh.

Vì vậy, việc máy bay MiG-21 của Nga bắn trúng F-4 của Mỹ được giải thích không phải lỗi của các nhà chế tạo mà là Mỹ thiếu chiến đấu cơ chuyên môn hóa hạng nhẹ có khả năng đối đầu ngang hàng với MiG-21 của Nga.

Kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành chế tạo máy bay quân sự ở Mỹ cũng như ở Liên Xô. Mỹ đã đáp trả thất bại của Phantom trong những trận chiến trên không bằng việc chế tạo máy bay có tính cơ động cao thế hệ 4 – F-15, F-16 được cho là hơn hẳn MiG-21 trong những trận chiến cơ động gần.

Tuy nhiên, sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, sự cạnh tranh giữa MiG và Phatom trên bầu trời vẫn chưa chấm dứt. MiG-21 và F-4 lại đối đầu trên kênh đào Suez, trên bầu trời Sinai, ở châu thổ sông Nile, và Syria năm 1973, ở Lebanon vào cuối thập niên 70 – đầu thập niên 80, vào những năm 80-88 của cuộc chiến tranh Iran – Iraq.

[BDV news]


>> Máy bay trong suốt của Airbus




Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã đề xuất ý tưởng về một máy bay chở khách vô cùng hiện đại với thân máy bay hoàn toàn trong suốt.


Với chiếc may bay mới này, hành khách trong khoang máy bay có thể nhìn ra ngoài bầu trời và ngắm nhìn được toàn bộ quang cảnh mặt đất ngay dưới chân họ.

Theo Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu, đây là một trong những ý tưởng độc đáo nhất được đưa ra với mục đích chế tạo những mẫu máy bay mới và hiện đại cho tương lai.

Tuy nhiên, ý tưởng đổi mới này của hãng Airbus còn độc đáo ở chỗ thiết kế ghế ngồi của hành khách dựa trên những vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tự làm sạch bụi bẩn.

Ngoài ra, hãng Airbus còn đưa ra đề xuất làm cho ghế có thể xoay trên trục, hoặc ngả về phía sau theo ý muốn của hành khách, để hành khách có thể có được phạm vi quan sát nhiều nhất và cảm giác thoải mái nhất.

Với những chiếc máy bay thông thường, hành khách chỉ có thể quan sát được quang cảnh qua ô của sổ máy bay, với ý tưởng đột phá về máy bay trong suốt, hành khách có thể quan sát được với góc nhìn 360 độ.

Theo nhận định, nếu sản phẩm dộc đáo này ra đời, Airbus có thể thu hút được các nhà đầu tư mua máy bay dân dụng và thu hút được nhiều hành khách lựa chọn sử dụng loại máy bay này.

Lớp vỏ ngoài của thân máy bay được bao bọc bởi chất liệu gốm trong suốt có độ đàn hồi và chịu lực cao. Sau khi cơ trưởng nhấn nút, một xung điện sẽ chạy khắp lớp vỏ khiến thân máy bay trở nên trong suốt.

Ngoài ra, máy bay có thể hoàn toàn tránh được những đám mây có tích điện trường cao hoặc có sét và có khả năng cách điện rất tốt. Hơn nữa, thiết kế nội thất hiện đại và tiện nghi cho hành khách.

Độ trong suốt của kính có cấu tạo rất đặc biệt là có khả năng thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Vì vậy, nó có thể giảm ánh sáng lóa của mặt trời, hoặc hành khách có thể chiêm ngưỡng những đám mây đẹp lúc hoàng hôn hay bầu trời sao vào ban đêm.

Ngoài ra, phía trước của ghế hành khách sẽ được tích hợp màn hình không gian ba chiều, do đó hành khách có thể theo dõi được các tin tức hoặc chơi các trò chơi, và đàm thoại Email…

Các mặt của máy bay sẽ thay đổi màu sắc tùy theo điều kiện ánh sáng. Hơn thế, trên chiếc máy bay hiện đại này, còn có một hệ thống giải trí, chơi game và thu hình ảnh bằng cảm ứng nhiệt của con người và kết nối internet. Trong máy bay còn có cả sân golf.

Khung của máy bay được thiết kế theo cấu trúc sinh học giống hình xương chim, bao bọc bởi một lớp kính đặc biệt. Với thiết kế này, người ta vừa ứng dụng được sức bay vừa giúp hành khách có thể nhìn ngắm bầu trời khi đang bay.

Theo giám đốc nghiên cứu và công nghệ của Airbus Krein Axel, dự kiến nguyên mẫu đầu tiên xẽ được công bố vào năm 2020 và máy bay có thể cất cánh vào năm 2050.

Ông Krein Axel còn cho biết, có khả năng hãng hàng không Airbus sẽ thiết kế cho mỗi hành khách hoặc nhóm hành khách với cabin của cá nhân và không gian riêng khi bay trên những chuyễn bay hiện đại này của Airbus.

Dưới đây là một số hình ảnh mô phỏng chiếc máy bay tương lai của Airbus.



Phó Giám đốc Kỹ thuật của hãng Airbus Charles Champion mới thuyết trình giới thiệu về loại máy bay mới trong suốt.




Lớp vỏ máy bay trong suốt được thiết kế tinh vi hơn so với lớp vỏ truyền thống. Nó làm giảm khối lượng phi cơ, giảm chi phí nhiên liệu đồng thời cho phép hành khách ngắm nhìn bầu trời theo góc 360 độ.




Chiếc máy bay thương mại mới của Airbus sử dụng nhiên liệu hydrogen và động cơ khí động học và được gắn vào thân may bay thay vì gắn vào cánh như hiện nay nhằm giảm tiếng ồn.




Đi trên chiếc máy bay trong suốt của Airbus sẽ khiến hành khách có cảm giác như đang bay giữa bầu trời, nhìn thấy rõ mọi thứ trên không trung, không có sự ngăn cách.




Trong máy bay còn có cả sân golf.


[BDV news]


>> Công thức 4K cho Biển Đông




Quan sát những diễn biến gần đây trên Biển Đông, TS Giáp Văn Dương cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược mang tính định hướng cho vấn đề này, có thể được khái quát thành công thức ngắn gọn: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì, gọi tắt là 4K.


Căng thẳng Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của nhiều giới nhiều ngành, cả trong nước lẫn quốc tế. Với người Việt Nam thì sự quan tâm này càng lớn gấp bội khi trong một khoảng thời gian ngắn, Trung Quốc liên tục gây hấn và xâm phạm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như đã thấy trong các sự kiện gần đây.




Sự leo thang của căng thẳng Biển Đông dường như ngày càng rõ khi Trung Quốc công khai thể hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông; tăng cường tranh chấp trên mọi lĩnh vực, bằng mọi phương tiện.

Để đối phó với thực tế đó, cần phải có một chiến lược định hướng cho phản ứng của Việt Nam nói chung và mỗi người Việt nói riêng trước mỗi diễn biến mới trên Biển Đông sao cho nhanh, chính xác và hiệu quả nhất có thể.

Sự định hướng từ bên trong này sẽ là chỗ dựa tinh thần giúp cho mỗi người Việt, dù trực tiếp hay chỉ gián tiếp liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thêm bền gan vững chí trong sự nghiệp trường kỳ này.

Quan sát những diễn biến gần đây trên Biển Đông thì thấy, nội dung chính của chiến lược định hướng này có thể được khái quát thành công thức ngắn gọn: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì, gọi tắt là 4K.

Kiên định là mỗi người - đặc biệt là những người có trọng trách, có liên quan trực tiếp đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo - luôn luôn ghi nhớ mục tiêu, giữ vững lập trường bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước; không lung lay dao động khi có tác động từ bên ngoài, bất kể đó là tác động từ nguồn nào, dưới dạng nào. Chủ quyền quốc gia là tối thượng. Không hy sinh hay thỏa hiệp đối với chủ quyền.
Kiên định cũng giúp loại bỏ những tạp luận đủ thể loại để tập trung vào mục tiêu chính, từ đó phát huy được tuệ giác của mình nhằm tìm ra những giải pháp khôn ngoan nhất, sáng suốt nhất; đồng thời tránh được bẫy khiêu khích của đối phương và chủ động tìm đường đi nước bước, tránh bị động.

Trong lịch sử, sự kiên định về chủ quyền biển đảo đã có lúc không được chú trọng và cẩn trọng đúng mức ở một số thời điểm, nên bị Trung Quốc lợi dụng khai thác dẫn tới hệ lụy phải mất nhiều thời gian và tâm sức mới có thể khắc phục được.

Kiên quyết là lời nói và việc làm cần phải quyết đoán, mạch lạc, nhất quán, nhất là ở những cơ quan hữu quan và những người có trọng trách. Kiên quyết ở lời nói và hành động sẽ chuyển được sự kiên định từ trong tâm trí ra ngòai, nên dễ nhận biết, dễ nắm bắt, do đó có tác dụng đoàn kết toàn dân hướng đến một mục tiêu chung.

Kiên cường là không lùi bước, không khuất phục trước khó khăn và đe dọa, xứng đáng với truyền thống giữ nước đã bao lần sáng chói trong lịch sử. Khi đã kiên định và kiên quyết thì kiên cường bảo vệ chủ quyền đất nước là một sự tất yếu.

Kiên cường là phẩm chất đáng quí của dân tộc Việt Nam, đã được kiểm chứng trong suốt chiều dài lịch sử. Còn nhớ năm 1988, khi Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa, các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã nắm tay nhau thành một vòng tròn, nước ngập thắt lưng, thà hy sinh để khẳng định chủ quyền chứ không chịu rời đảo.

Nhưng kiên cường không phải là một thứ của trời cho, tự nhiên có, mà cần được chú tâm bồi đắp và hun đúc không ngừng.

Kiên trì là bền bỉ không lơ là, không nản chí với sự nghiệp trường kỳ này. Chí đã quyết, lòng đã bền thì dù mười năm, một trăm năm hay lâu hơn nữa cũng không nản lòng. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, người này tiếp nối người khác không ngừng nghỉ.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ, và không có dấu hiệu giảm đi trong thời gian ngắn. Vì thế kiên trì bền bỉ đấu tranh bảo vệ chủ quyền là điều tất yếu.

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Trong tương quan so sánh, Việt Nam hiện tại còn yếu so với Trung Quốc, nhưng tương lai một Việt Nam hùng cường hoàn toàn có thể đạt được, nếu lãnh đạo và nhân dân đồng thức tỉnh, tăng cường đoàn kết trong ngoài vì mục tiêu phát triển đất nước. Do đó, kiên trì đấu tranh để chờ thời cơ đòi lại những gì đã mất là điều cần thiết.

Trong công thức 4K này, Kiên định đóng vai trò định hướng. Muốn có Kiên quyết, Kiên cường, Kiên trì trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thì trước hết cần Kiên định, không chủ quan lơ là, không ảo tưởng mơ hồ, không sa vào các tạp luận trong vấn đề này.

Nếu triển khai đồng bộ và hiệu quả công thức này, Việt Nam nói chung và mỗi người Việt nói riêng, sẽ có khả năng phản ứng nhanh, chính xác và hiệu quả trước mỗi diễn biến mới trên Biển Đông. Kết hợp cùng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo không có lý do gì để thất bại. Hòa bình và Công lý cho Biển Đông cũng vì thế mà có thể đạt được, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho tất cả những nước liên quan.

[BDV news]



Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

>> Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng Quân đội Mỹ




Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ có sở chỉ huy đóng tại căn cứ Lục quân George G. Meade, tổng quân số 21.000 nhân viên, sỹ quan và binh lính.

Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ do Tướng Keith B. Alexander (*) làm chỉ huy. Bộ Tư lệnh được tổ chức thành 4 đơn vị, bao gồm: Tập đoàn Tác chiến mạng Lục quân số 2, Tập đoàn Tác chiến mạng Không quân số 24, Hạm đội Tác chiến mạng Hải quân số 10 và Lữ đoàn Tác chiến mạng của Hải quân đánh bộ.



Tướng Keith B. Alexander chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ.


Tập đoàn Tác chiến mạng Lục quân số 2

Tập đoàn Tác chiến mạng Lục quân số 2 được biên chế thành ba đơn vị lẻ, hoạt động độc lập đó là, Quân đoàn Công nghệ thông tin mạng số 9, Lữ đoàn Tác chiến thông tin mạng số 1, Quân đoàn An ninh và Tình báo mạng.

Quân đoàn Công nghệ thông tin mạng số 9 với biên chế khoảng 16.000 quân, Quân đoàn này có nhiệm vụ lập kế hoạch, thiết kế, lắp đặt, phối hợp, bảo vệ và tác chiến mạng của Lục quân.

Quân đoàn này tiếp tục được chia nhỏ thành các đầu mối đơn vị như, Sư đoàn Tác chiến thông tin mạng chiến lược số 5 đảm nhiệm tác chiến mạng cấp chiến lược toàn châu Âu.

Trong đó có, Lữ đoàn tín hiệu số 2 với biên chế 5 Tiểu đoàn và Cụm yểm trợ công nghệ thông tin dân sự 6981 đóng vai trò chủ đạo, bên cạnh đó còn có Lữ đoàn tín hiệu số 7 với biên chế 3 Tiểu đoàn.

Ngoài ra, trực thuộc quân đoàn còn có Sư đoàn thông tin số 7, Sư đoàn thông tin số 311 Thái Bình Dương, Sư đoàn thông tin số 335 Trung Đông.

Sư đoàn thông tin số 7 được chia nhỏ thành các đơn vị viễn chinh, tác chiến mạng cấp chiến thuật, các đơn vị xâm nhập mạng và đánh chặn mạng, các đơn vị này được trang bị chủ yếu các phương tiện như, máy tính, máy truyền số liệu, máy phát xung, đài vô tuyến và hệ thống cáp mạng.

Đối với Lữ đoàn Tác chiến thông tin mạng số 1 được biên chế các đơn vị như, phòng nhân sự S1, phòng tình báo S2, phòng tác chiến S3, phòng hậu cần S4, phòng tự động hóa S6, phòng quản lý các dự án.

Các tiểu đoàn số 1, số 2 đảm nhiệm chức năng phân tích, hỗ trợ và giải quyết các thách thức về môi trường thông tin mạng, quản lý thiệt hại mạng và hỗ trợ huấn luyện và lập kế hoạch tác chiến mạng máy tính. Ngoài ra, còn có Lực lượng dự bị và huấn luyện.

Đối với Quân đoàn An ninh và Tình báo mạng được biên chế gồm, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 66, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 300, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 500, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 501, Lữ tình báo mạng quân sự số 704.



Văn phòng tác chiến mạng của Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng Quân đội Mỹ.


Tập đoàn Tác chiến mạng Không quân số 24

Tập đoàn Tác chiến mạng Không quân số 24 là đơn vị thứ hai trực thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ. Lực lượng này chủ yếu được biên chế các phi đội trinh sát và máy bay không người lái như: Phi đội số 11, Phi đội số 12, Phi đội số 15, Phi đội số 30, Phi đội yểm trợ tác chiến mạng số 107 với trang bị máy bay RQ-4 Global Hawk, máy bay MQ-1 Predator, RQ-170 Sentinel, F-16C/D và A-10. Ngoài ra còn có máy bay C-130H Hercules, máy bay KC-135;

Hạm đội Tác chiến mạng Hải quân số 10

Hạm đội này được biên chế khoảng 4.500 quân, Hạm đội này có nhiệm vụ, hỗ trợ tác chiến cho Hải quân trên toàn thế giới, hỗ trợ thông tin, máy tính, tác chiến điện tử và không gian mạng.

Các đơn vị trực thuộc gồm, Trung tâm Tác chiến mạng và không gian, Trung tâm Tác chiến mạng thông tin hạm đội, Trung tâm phòng thủ mạng và Cụm an ninh mạng hỗn hợp Hải quân.

Lữ đoàn Tác chiến mạng Hải quân Đánh bộ

Lữ đoàn Tác chiến mạng Hải quân Đánh bộ với biên chế khoảng 800 quân trực thuộc các đơn vị như, Trung tâm tác chiến an ninh mạng, Đại đội hỗ trợ kỹ thuật mật mã, Đại đội hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật.
(*) Trung tướng Keith B. Alexander sinh năm 1952 ở Syracuse, New York, năm 1978 Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ tại Westpoint sau đó ông tốt nghiệp Trường học viện Hải quân với học vị thạc sĩ trong cả hai lĩnh vực Hệ thống Công nghệ và Vật lý.

Ngoài ra, ông Alexander còn có bằng thạc sĩ về Quản trị Kinh doanh của ĐH Boston và bằng Chiến lược An ninh Quốc gia của Học viện Quốc phòng Mỹ.

Ông từng trải qua các lớp đào tạo cấp cao trong các lĩnh vực như: tình báo quân sự, chỉ huy tham mưu, đã từng giữ các chức vụ như Phó Chánh văn phòng Nhân viên trụ sở quân đội Mỹ; chỉ huy tình báo và an ninh tại Fort Belvoir thuộc quân đội Mỹ.

Ngày 30/7/2005, Trung tướng Keith B. Alexander đã được chọn làm giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, thay thế Trung tướng Michael V. Hayden.

Ngày 23/6/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã chính thức tuyên bố thành lập lực lượng tác chiến mạng (USCYBERCOM) và bổ nhiệm chức vụ Tổng chỉ huy lực lượng này cho Trung tướng Keith B. Alexander.


[BDV news]


>> Thư tịch Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam




Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”.

Theo các tài liệu lịch sử chính thống "thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX).

Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên thực tế đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.

Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư Phiên Chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam).

Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.



Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy, thuật lại chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.


Đời nhà Đường có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam).

Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.

Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam.

Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương).

Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407).



Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan.


Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh).

Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”.

Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”.

Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII.

Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX.

[BDV news]


>> Hình ảnh hiếm hoi về lực lượng 'huyền thoại' Navy SEAL




Lực lượng đặc biệt trên thế giới luôn tạo nên các chiến công huyền thoại và SEAL của Mỹ cũng là một trong những lực lượng như vậy.


Là lực lượng thủy quân chiến đấu đặc biệt trực thuộc Hải quân Mỹ hay SEAL còn gọi là Navy SEAL, được giao cho một số nhiệm vụ khó khăn mà các lực lượng thông thường không thực hiện được ở trong và ngoài nước Mỹ.

Đơn vị tiền thân của SEAL có từ Chiến tranh thế giới thứ II là lực lượng chuyên phá huỷ mục tiêu của đối phương do hải quân Mỹ tổ chức, với kỹ năng chiến đấu đặc biệt là tấn công từ tàu đổ bộ tàu. Lực lượng này từng tham gia cuộc tiến chiếm Bắc Phi năm 1942.

Sự phát triển được coi là bước ngoặt của Navy SEAL đánh dấu bởi sự kiện Tổng thống Mỹ John Kennedy công bố gói kinh phí trị giá 100 triệu USD, nhằm tăng cường sức mạnh các đơn vị đặc nhiệm của nước này trong những năm 1960.

Những năm gần đây, lực lượng SEAL thường xuyên tham gia các sứ mệnh tại chiến trường Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, vai trò của biệt đội này trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan hồi đầu tháng 5 vừa qua sẽ là chương đặc biệt trong lịch sử đặc nhiệm Mỹ, do biệt đội tinh nhuệ nhất của SEAL là SEAL Team 6 thực hiện.

Tính bí mật của đội SEAL còn được thể hiện qua việc rất ít người bên ngoài quân đội Mỹ biết được chính xác đội này gọi là gì. Tên mà người ta hay dùng để gọi SEAL là NAVSPECWARDEVGRU. Đây là những chữ cái viết tắt cho từ Nhóm Phát triển Chiến tranh Đặc biệt của hải quân và thường được gọi vắn tắt là DEVGRU.

SEAL là lực lượng đột kích mạnh nhất của Mỹ và cũng được coi là mạnh nhất trên thế giới. Lực lượng này bao gồm những binh sĩ có khả năng chiến đấu đột kích tinh nhuệ. Điểm đặc biệt của lực lượng này là hoạt động chiến đấu đột kích đêm, nên yêu cầu thị lực rất cao.

Hầu hết các thành viên của SEAL đều thông thạo ngoại ngữ. Thông qua những ngoại ngữ họ được trang bị thông thạo có thể bí mật thâm nhập vào bất kỳ môi trường nào.

Không có gì ngạc nhiên khi những lính biệt kích trong Lực lượng đặc biệt SEAL phải trải qua quá trình tập luyện vô cùng gian khổ. Chế độ tập luyện khắc nghiệt và nguy hiểm chính là để chuẩn bị cho các thành viên của đội biệt kích luôn sẵn sàng cho các cuộc chiến thực sự.

Tất cả những thông tin về các thành viên của SEAL luôn được giữ bí mật. Công chúng, hoặc giới báo chí hiếm khi có cơ hội để tiếp cận và theo dõi các hoạt động huấn luyện của các binh sỹ thuộc lực lượng này.

Dưới đây là một vài hình ảnh có được trong một cơ hội đặc biệt hiếm hoi mà nhà báo Stephanie Freid-Perenchio được tiếp cận từ một cuốn sách viết về Lực lượng đặc biệt Navy SEAL của Mỹ, cuốn sách có tựa đề “Những hy sinh thầm lặng”.

Để được đăng tải quá trình đào tạo Navy SEAL, nhà báo Stephanie Freid-Perenchio đã được sự cho phép của Phó Đô đốc Robert Harward:




Các binh sỹ thuộc lực lượng SEAL tiến hành các bài tập nhảy xuống biển từ máy bay, sau đó bơi đến thuyền khu vực chờ đợi nhận nhiệm vụ tiếp theo tại một bãi huấn luyện ở Thái Bình Dương.



Thực hành đột kích mục tiêu ven biển.



Luyện tập cơ động trên cát là một bài tập nằm trong kế hoạch huấn luyện hàng ngày trong chương trình đào tạo của Lực lượng đặc biệt SEAL.



Bất kỳ ứng viên nào muốn gia nhập vào Lực lượng đặc biệt SEAL đều phải bắt đầu bằng các bài tập cơ bản dưới nước, thực hiện nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu dưới nước. Được biết, thường có đến 80% số ứng viên không hoàn thành được các bài tập cơ bản này.



Tại lễ tốt nghiệp, hai ứng cử viên suất sắc nhất được giao nhiệm vụ rung chuông để báo hiệu rằng một lực lượng SEAL tiềm năng đã sẵn sàng phục vụ chính thức cho Navy SEAL.



Các binh sỹ thuộc Navy SEAL đang tiến hành bài tập cơ động trên đồi tuyết.



Các binh sỹ thuộc Navy SEAL đang thực hành tiêu diệt mục tiêu với súng trường M16 tại một căn căn cứ trên đảo San Clemente, California.



(Hình ảnh bên trái) là bài tập thực hành leo dây tốc độ cao là một kỹ năng đặc biệt quan trọng cần trang bị cho các binh lính thuộc lực lượng này. (Ảnh bên phải), là bài tập cơ động đổ bộ bằng dây từ trên máy bay. Đây là bài tập nguy hiểm nhất mà SEAL phải thực hiện.



Các ứng viên thuộc SEAL phải thực hành kỹ thuật trong các bài tập duy trì sống sót dưới nước.



Các binh sỹ đang chuẩn bị cho bài tập lặn dưới nước.



Một cậu bé đang đứng chờ đợi cha của mình trở về tại một căn cứ không quân ở California, cha của cậu bé là một binh sỹ trong lực lượng đặc biệt SEAL đang làm nhiệm vụ ở Afghanistan.



[BDV news]


>> Lực lượng tác chiến đặc biệt của Trung Quốc




Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) là lực lượng chuyên thực hiện các nhiệm vụ khó khăn phức tạp trong các điều kiện đặc biệt.


Cơ cấu tổ chức

Trung Quốc có 7 Đại quân khu. Trong mỗi Đại quân khu của Trung Quốc đều có 1 trung đoàn tác chiến đặc biệt trực thuộc Bộ Tư lệnh Đại quân khu. Đồng thời, ở mỗi cấp đều có các đơn vị đặc nhiệm riêng.

Đại Quân khu Thẩm Dương có đơn vị đặc nhiệm “Hổ Đông Bắc”, Đại Quân khu Bắc Kinh – “Thanh kiếm thần phía đông”, Đại Quân khu Nam Kinh – “Rồng bay” (thành lập năm 1992), Đại Quân khu Quảng Châu – “Thanh kiếm sắc phía Nam Trung Quốc” (thành lập năm 1988), Đại Quân khu Lan Châu – “Hổ đêm”, Đại Quân khu Tế Nam – “Diều hâu”, Đại Quân khu Thành Đô – “Chim ưng” (thành lập năm 1992).

Ngoài ra, các lực lượng tác chiến đặc biệt PLA còn có các đơn vị đổ bộ đường biển “Đổ bộ tấn công đường biển”, đổ bộ đường không “Thanh kiếm sắc của bầu trời xanh”, các đơn vị chống khủng bố “Con báo” và “Sói tuyết” và nhiều đơn vị khác.

Trong đó, đơn vị đặc nhiệm “Sói tuyết” đã từng đảm nhiệm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008.



Trong mỗi Đại quân khu của Trung Quốc đều có 1 trung đoàn tác chiến đặc biệt trực thuộc Bộ Tư lệnh Đại quân khu


“Tinh hoa” của lực lượng tác chiến đặc biệt Trung Quốc là đơn vị chống khủng bố “phía Đông”. Đơn vị này được thành lập năm 1982, được bố trí bên cạnh sân bay Bắc Kinh. Tên gọi đầy đủ của đơn vị này là phân đội cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố №722 ISB thuộc trường chuyên đào tạo lính đặc nhiệm.

Trong thời gian tồn tại, trường này đã đào tạo được hơn 1.000 người, đa số trong số họ đều trở thành giảng viên dạy lính đặc nhiệm.

Ngoài lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội, Trung Quốc còn có các đơn vị tác chiến đặc biệt của Lực lượng Công an Vũ trang (một bộ phận của các lực lượng vũ trang Trung Quốc) và các đơn vị đặc nhiệm của lực lượng an ninh xã hội trực thuộc Bộ Công an.

Vũ khí

SOF của Trung Quốc được trang bị các loại vũ khí hiện đại hơn so với các lực lượng quân đội thông thường. Mỗi người lính đều được trang bị súng trường tấn công Type-95, súng bắn tỉa Tpe-88, súng máy Type-64, Type-79, súng lục Type-92 và súng phóng lựu chống tăng phản lực. Một trong số các loại vũ khí trên được trang bị hệ thống giản thanh để tham gia các chiến dịch đặc biệt.



SOF của PLA được trang bị các loại vũ khí hiện đại.

Ngoài ra, SOF của PLA còn được trang bị áo chống đạn, trạm vô tuyến liên lạc nội bộ để liên lạc giữa các thành viên trong nhóm và người chỉ huy với trung tâm, thiết bị nhìn đêm, hệ thống truyền hình xách tay, thiết bị đo xa bằng laser và hệ thống GPS/GLONASS…

SOF sử dụng trực thăng để tiến hành chuyển quân vào hậu phương địch với thời gian triển khai ngắn, các phương tiện vận tải siêu tốc để tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng, các loại máy bay hoạt động ở tầm cực thấp để thâm nhập vào lãnh thổ đối phương.

Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội và công an được tiến hành theo các phương pháp huấn luyện của Bộ Tổng tham mưu PLA. Tùy theo tính đặc thù của mỗi lực lượng mà đưa ra chương trình huấn luyện phù hợp với khả năng tâm lý và thể lực của người học.

Giới lãnh đạo SOF cho rằng, hiện nay trên thế giới không có chương trình huấn luyện chung về chuyên môn nghiệp vụ, tâm lý và thể lực của lính đặc nhiệm. Chương trình huấn luyện lính đặc nhiệm (đào tạo cơ bản và chuyên sâu), gồm tất cả các khâu mục: Rèn luyện thể lực, khả năng linh hoạt nhạy bén, tự vệ khi không có vũ khí, các kỹ năng nâng cao khả năng sống còn trong điều kiện chiến trường, dựng lều bạt, đào hầm trú ẩn dưới đất và tuyết, tự băng bó vết thương, cứu hộ, phương pháp phục kích và tấn công, đổ bộ, hoạt động trong điều kiện rừng núi dưới nước…



Và cơ động bằng các phương tiện chuyên dụng


Mặc dù không thuộc biên chế SOF, nhưng các tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu bao gồm tiểu đoàn 162 (trực thuộc tập đoàn quân 54), 163 (trực thuộc tập đoàn quân 21) và 149 (trực thuộc tập đoàn quân 13) có trách nhiệm huấn luyện các chương trình đào tạo cơ bản cho SOF với chương trình huấn luyện phức tạp hơn chương trình huấn luyện binh lính thông thường của PLA.

Chịu trách nhiệm huấn luyện các bài tập khó cho SOF là tập đoàn quân số 1 (Hàng Châu, Đại Quân khu Nam Kinh), tập đoàn quân 38 (89.000 người, Bảo Định, Đại Quân khu Bắc Kinh), tập đoàn quân số 39 (75.000 người, Dinh Khẩu, Đại Quân khu Thẩm Dương) và Tập đoàn quân 54 (89.000 người, Tân Hương, Đại Quân khu Tế Nam) thuộc lực lượng phản ứng nhanh (thời gian sẵn sàng từ 2-7 ngày đêm). Đảm nhiệm huấn luyện giai đoạn cuối cho SOF là 3 Tập đoàn quân tinh nhuệ, được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất của Trung Quốc.

Huấn luyện các kỹ năng sống còn

Mỗi nhóm huấn luyện gồm 6 người. Trang bị vũ khí gồm giày, dao, súng trường và mặt nạ. Mỗi người lính có thể mang theo 1kg gạo, 5 miếng bánh, muối và diêm. Trước khi lên đường, cả nhóm phải trải qua cuộc kiểm tra kỹ lưỡng, khám xét từ túi quần túi áo, không được mang các đồ vật thừa như tiền và nước.

Điều kiện hành quân và về đích: sau 7 ngày đêm nhóm phải băng qua cánh rừng nguyên sinh dài hơn 200km (một số nguồn cho là 300km). Gần 3 ngày đường phải đi vượt qua các ngọn núi ở độ cao 2.700m so với mực nước biển.



Luyện tập trong môi trường khắc nghiệt


Ở địa hình như vậy, nên đa số các nguồn nước đều không có lợi cho sinh hoạt, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng nếu sử dụng. Binh lính cần xác định các nguồn nước để sử dụng theo các dấu vết của chim và động vật hoặc lấy nước từ cây và thực vật.

Khó khăn hơn nữa là, mặc dù trời rất nóng nhưng binh lính vẫn phải che, bịt kín các phần cơ thể bởi vì có rất nhiều rắn và côn trùng độc. Đoạn đường hành trình vượt núi gần 3 ngày đường, nhóm phải ăn những loại thức ăn như kiến, chuột và rắn. Ngoài ra, trên đường đi nhóm phải hoàn thành gần 20 bài tập (tấn công, vòng tránh các điểm phục kích của đối phương…). Các đợt diễn tập như vậy có thể được tổ chức từ 3-6 tháng/năm.

Huấn luyện thể lực của SOF được gọi một cách trìu mến là “xuống địa ngục”. Học viên dậy vào lúc 4h30 để luyện khí công. Sau đó đến 6h sáng, leo núi hoặc chạy dài.

Khi chạy, mỗi người mang theo ba lô chứa 10 viên gạch. Quãng đường chạy là 5km với khoảng thời gia hạn chế không được quá 25 phút… Sau đó nghỉ ngơi ăn sáng và thực hiện các bài tập theo chương trình huấn luyện. Vào buổi chiều, học viên phải chạy việt dã, trồng cây chuối 30 phút/ ngày… Lực lượng tác chiến đặc biệt

[BDV news]


>> 'Gió giật', siêu vũ khí dưới nước của Liên Xô (kỳ 1)




Những khái niệm của chiến thuật tàu ngầm đã có những thay đổi khá lâu, bằng một vũ khí bí mật.

Vào cuối những năm 1970, lực lượng tàu ngầm Hải quân Xô viết được trang bị loại vũ khí, mà nếu so sánh nghệ thuật tác chiến của nó với các loại ngư lôi thông thường với kỹ thuật tác chiến thông thường khấp khiễng như so sánh cung tên thời Robin Hood với súng trường tự động lắp ống kính quang học loại Reminton.

Nhưng điều được nhớ lại về vũ khí bí mật (ngư lôi - tên lửa) được báo chí gây lên một vụ scandan khá ồn ào xung quanh vụ gián điệp công nghệ quân sự. Công dân Mỹ Edmund Pop gia nhập Hải quân Mỹ năm 1969. Sau 25 năm phục vụ, ông này nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Sau đó ông trở thành cố vấn bộ phận khoa học của trường An ninh thuộc bộ Hải Quân Mỹ.

Năm 2000, ông bị bắt tại thành phố Niznovgrog (Nga) vì cố gắng lấy cắp bản thiết kế công nghệ sản xuất siêu tên lửa - ngư lôi "Gió giật/Shkval". Cùng năm E.Pop bị xét xử tại Moscow và bị kết án 20 năm tù. Sau này Tổng thống Putin đã ký lệnh ân xá cho Pop.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngư lôi Shkval VA-111 không phải là loại vũ khí siêu bí mật, Trung Quốc có tới 40 đầu đạn được mua từ Kazakhstan (thực tế là mua lại của Ucraina), Iran cũng công bố thử nghiệm thành ngư lôi loại này.

Và loại tên lửa ngư lôi này đã được trưng bầy nhiều lần tại các triển lãm quân sự Abu Dhabi và Nga sẵn sàng bán loại vũ khí siêu bí mật một thời.



"Cuối cùng, tên lửa đã xuống dưới nước"

Shkval không phải là vũ khí loại mới. Ngư lôi siêu khoang được bắt đầu nghiên cứu phát triển vào những năm 1960.

Thời gian này, mọi sự quan tâm đều được đặt vào tên lửa, dường như tên lửa sẽ bảo vệ vững chắc Liên Xô. Mọi loại vũ khí đều giảm bớt, nhưng tên lửa thì phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Tên lửa được phát triển mạnh mẽ ở khắp mọi không gian chiến trường, các đơn vị tên lửa được xây dựng trên sa mạc, trong rừng taiga, trên những vùng đất băng giá, trên không trung và vũ trụ. Nhưng tên lửa chưa có ở dưới nước và Liên Xô quyết định phải có tên lửa dưới biển.

Nghị quyết số 111-463 ngày 13/10/1960 của Hội đồng bộ trưởng Liên Xô đặt nhiệm vụ cho các nhà khoa học phải chế tạo tên lửa dưới nước. Tên lửa có tính năng đa dụng, là ngư lôi để tiêu diệt các tàu ngầm và tàu nổi, hoặc là phương tiện mang đầu đạn hạt nhân đến bờ biển của đối phương.

Các loại vũ khí hạt nhân thời điểm có sức công phá khủng khiếp và tên lửa ngầm chính là phương tiện rất khó để phát hiện, đối phó. Học thuyết "Chiến tranh giữa các vì sao" và các phương tiện phòng không chống tên lửa của Tổng thống Mỹ Ronal Regan không có giá trị với loại tên lửa này.



Thiết kế tên lửa ngư lôi được phê chuẩn vào năm 1963. Loại tên lửa ngư lôi này có một tốc độ không thể tưởng tượng nổi 100m/giây và tất cả các ngư lôi khác chậm hơn nó đến 3 lần.

Tháng 5/1966 mô hình tên lửa - ngư lôi đã được đưa lên tàu ngầm Diezel S-65 và tiến hành phóng thử nghiệm tại khu vực Pheodosia (gần bán đảo Crym-Ukraina).

Mẫu thử nghiệm tên lửa - ngư lôi có mã hiệu M-4. Do mẫu M-4 tồn tại 1 số nhược điểm nên chương trình bị dừng lại đến năm 1972. Nhưng ngay sau đó mô hình M-5 đã khắc phục được hầu hết các nhược điểm của M-4 và có nhiều tính năng vượt trội.

Ngày 29/11/1977 quyết định của Hội Đồng Bộ trưởng Liên Xô đưa tổ hợp chống ngầm " Gió giật/Shkval" với Ngư lôi M-5 vào trang bị cho Hải Quân Liên xô, tổ hợp nhận được mã hiệu VA-111.

Giải pháp "túi bọt khí"

Bản thiết kế ra tên lửa - ngư lôi " Gió giật/Shkval" không chỉ là vấn đề tìm ra lý thuyết có một không hai về giải pháp chuyển động trong túi khí bao quanh. Mà còn là việc tạo ra động cơ tên lửa hiệu suất cao sử dụng năng lượng an toàn.

Thành quả được tạo ra bởi nhóm viện sĩ nghiêm cứu chuyên sâu dưới sự lãnh đạo của các viện sĩ Hàn lâm khoa học Liên Xô Nicholas Silin, Vladimir Eugene Shahidzhanov và Ivashkov.

Trọng lượng hỗn hợp của tên lửa - ngư lôi khiến nó chuyển động không hề dễ dàng trong nước với tốc độ từ trước tới nay trên thế giới chưa từng có 200 hải lý/giờ.

Hơn thế nữa tên lửa - ngư lôi phải thắng tải thủy năng phát sinh trên thân vỏ như các lực xoáy, ma sát nước... . Giám đốc thiết kế ED Rakov đã nghiên cứu các yếu tố, phương pháp trên đề án thiết kế kết hợp với tính toán các yếu tố thực tế.

Cuối cùng thì kết quả nghiêm cứu dựa trên các cơ sở khoa học và thực nghiệm cho phép tạo ra 1 loại tên lửa - ngư lôi chuyển động trong nước được bao bởi túi bọt khí khổng lồ, trượt theo tên lửa như lớp da cá.

Chương trình phát triển tổ hợp chống ngầm "Gió giật/Shkval" nhận được sự hậu thuẫn của những người uy tín trong Hải quân LX và Viện hàn lâm Khoa học như Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Liên Xô S.G Gorshkov, viện sĩ A.P Alexandrov, viện sĩ V.N Trapeznikov và phó đô đốc B.D Kostygov.

Phiên bản đầu tiên được thử nghiệm trên bãi thử nghiệm hồ Issyk-Kul, năm sau, mẫu tên lửa – ngư lôi Shkval được thử nghiệm trên tàu ngầm diezen ở Pheodosia. Những tàu ngầm đầu tiên được trang bị loại ngư lôi này là 945 Barrakuda, 671RTM Shouka, 885Yashen.

[BDV news]


>> 'Tê giác xám', tinh hoa quân sự Đức và Nhật




Một trong những “ông hoàng chiến trường” nổi tiếng khắp châu Á, thậm chí trên thế giới là “Tê giác xám” Type-90 của “Đất nước Mặt trời mọc”.


Lịch sử ra đời

Năm 1976, Công ty Mitsubishi đã bắt đầu chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới để thay cho các loại xe tăng đã quá lạc hậu Type-61 và Type-74.

Tham gia vào công trình chế tạo xe tăng mới, ngoài các kỹ sư Nhật Bản còn có các chuyên gia của các công ty Đức (Mac và Krauss-Maffei), những người đã từng tham gia chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Leopad.

Chính vì vậy, xe tăng mới của Nhật chịu một số ảnh hưởng bởi các ý tưởng của người Đức. Điều này được thể hiện rõ nhất là ở hình dạng bên ngoài.

Năm 1989, sau khi đưa vào thử nghiệm và hoàn thành, xe tăng mới được đưa vào trang bị cho Cục Phòng vệ Nhật bản với mã số Type-90.

Bắt đầu từ năm 1992, Type-90 được sản xuất hàng loạt. Cho đến năm 2010, trong trang bị của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có 341 xe tăng Type-90. Theo kế hoạch, nhu cầu ban đầu về số lượng Type-90 của lực lượng tăng thiết giáp Nhật Bản được ước tính khoảng 600 chiếc.



Các chuyên gia đánh giá Type-90 là một trong các loại xe tăng tốt và đắt nhất trên thế giới


Kết cấu

Type-90 được thiết kế theo sơ đồ cổ điển với bộ phận động cơ - truyền động nằm ở phía sau, khoang lái nằm bên trái, khoang chứa đạn nằm bên phải, khoang chiến đấu nằm chính giữa thân xe. Type-90 có thể nạp đạn tự độn nên giảm số lượng kíp chiến đấu.



Type-90 "ngụy trang" hợp địa hình thực tế


Giáp trang bị cho xe là loại giáp nhiều lớp kết hợp giáp gốm do công ty gốm sứ Kyoto sản xuất. Trọng lượng xe tăng nặng 50,2 tấn.

Trên cơ sở xe tăng chiến đấu chủ lực Type 90, Nhật Bản đã chế tạo xe sửa chữa – sơ tán bọc thép BREM 90 và xe tăng Type-91.

Hiện nay, các chuyên gia đánh giá Type-90 là một trong các loại xe tăng tốt và đắt nhất trên thế giới. Chính phủ Nhật Bản cho biết, giá mỗi chiếc Type-90 khoảng 8-9 triệu USD.

Vũ khí

Tháp pháo của Type-90 được lắp pháo nòng trơn 120mm Rh-M-120 sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép và công nghệ của công ty Rheinmetall (Đức).

Pháo có thể bắn tất cả các loại đạn 120mm (đạn dùng cho pháo trên xe tăng “Leopad-2” của Đức và M1A1 “Abrams” của Mỹ).



Vũ khí chính của Type-90 là pháo nòng trơn 120mm Rh-M-120


Vũ khí phụ của xe tăng bao gồm súng máy 7,62mm (được lắp đặt đồng trục với pháo) và súng máy phòng không 12,7mm (được lắp đặt trên tháp pháo).

Ở mặt tháp gần phía sau lắp thêm ống phóng lựu đạn khói. Ngoài ra, trên xe tăng còn bố trí thiết bị chuyên dụng tạo màn khói dày đặc cho nhiệm vụ ngụy trang.

Động cơ "khủng"

Type 90 được lắp động cơ diesel 10 xilanh do Công ty Mitsibishi sản xuất. Động cơ được trang bị hệ thống tăng áp, hệ thống làm mát, có thể tăng công suất tối đa 1.500 mã lực. Vận tốc tối đa khi hành tiến trên đường nhựa là 70km/h, khi lùi – 42km/h.

Nhờ có công suất động cơ lớn, nên xe có thể vượt quãng đường 200m trong khoảng 20 giây. Type-90 có thể vượt qua đoạn hào rộng 2,7m và vượt qua tường thẳng đứng cao 1m. Dự trữ nhiên liệu cho hành trình lên tới 350km, thùng nhiên liệu đầy là 1.100 lít.

Hệ thống điều khiển hỏa lực

Hệ thống điều khiển hỏa lực do (FCS) công ty Mitsubishi sản xuất được cho là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới gồm các thiết bị quan sát có trường nhìn rộng, dẫn đường cho chỉ huy xe tăng và xạ thủ, thiết bị đo xa bằng laser.



FCS bảo đảm khả năng tự động theo dõi mục tiêu trên cơ sở hoạt động của thiết bị quan sát hồng ngoại.


“Trái tim” của FCS là máy tính đường đạn kỹ thuật số 32 bit. Khi tính toán tiêu diệt mục tiêu, máy tính này sẽ điều chỉnh tham số bắn có cân nhắc tốc độ và hướng gió, nhiệt độ môi trường xung quanh (các dữ liệu được truyền từ các bộ cảm biến bố trí trên tháp xe tăng)...

Xe tăng có thể khai hỏa ở trạng thái cố định hoặc khi hành tiến trong bất kỳ thời gian nào, tiêu diệt mục tiêu dù là mục tiêu di động hay cố định.

Thiết bị ngắm bắn của xạ thủ do Công ty Nikon Corporation chịu trách nhiệm sản xuất, còn thiết bị ngắm bắn cho chỉ huy do Công ty Fuji sản xuất.

Thiết bị ngắm bắn của người chỉ huy chỉ có 1 kênh quang học nhìn đêm, cho phép phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trực tiếp hoặc “chuyển” các mục tiêu do mình phát hiện cho xạ thủ, để sục sạo tìm các mục tiêu mới.


[BDV news]


>> Tạp chí Quân sự châu Á đánh giá hải quân khu vực (kỳ 2)




Tạp chí Quân sự Châu Á (số ra tháng 5/2011) đã đưa ra con số thống kê lực lượng hải quân các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

>> Tạp chí Quân sự châu Á đánh giá hải quân khu vực (kỳ 1)

Australia

Hải quân Hoàng gia Australia có quân số thường trực 14.000 người trang bị 58 tàu các loại.

Khinh hạm chiến đấu chủ lực gồm: 8 tàu lớp Anzac và 4 tàu lớp Adelaide.

Đơn vị tàu ngầm gồm: 3 tàu ngầm điện – diesel lớp Collin. Đây được coi là loại tàu ngầm truyền thống lớn nhất thế giới và là thiết kế "đầu tay" của Australia.


Khinh hạm chiến đấu chủ lực lớp Anzac của Australia.


Tàu quét mìn gồm: 6 tàu lớp Huon, 2 tàu MSA và 2 tàu CDT.

Tàu chiến cỡ nhỏ gồm: 14 tàu tuần tra cỡ nhỏ lớp Armidale chuyên làm nhiệm vụ tuần tra ven biển, bảo vệ ngư trường.

Tàu đổ bộ gồm: 6 tàu lớp Balikpapan, 1 tàu lớp Tobruk, 2 tàu lớp Kanimbla (vận chuyển binh lính và trực thăng). Australia đang đóng 2 tàu đổ bộ có boong phóng máy bay lớp Canberra (lượng giãn nước tới 27.800 tấn). Dự kiến chúng đi vào phục vụ năm 2014-2016.

Tàu hậu cần gồm hai tàu tiếp dầu thuộc lớp Durance và Sirius.

Theo sách trắng quốc phòng Australia công bố năm 2009 thì họ có kế hoạch thay thế tất cả tàu tuần tra, tàu quét mìn bằng 20 tàu đa năng với tổng giá trị chương trình khoảng 1,5 tỷ USD.

Bangladesh

Hải quân Bangladesh tổ chức với 19.000 quân thường trực (gồm 4.000 nhân viên dân sự), chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra ven biển.

Khinh hạm chủ lực có: 1 tàu BNS Bangabandhu, 1 tàu mang tên Khalid Bin Walid (thiết kế DW2000H của Hàn Quốc), 2 tàu lớp Jianghu (Trung Quốc đóng), 1 tàu lớp Salibury (mua lại từ Anh) và 2 tàu lớp Leopard (mua của Anh).

Tàu chiến đấu cỡ nhỏ gồm: 2 tàu tuần tra ven biển lớp Castle, 5 tàu lớp Island, 1 tàu tuần tra lớp Sea Dragon, 1 tàu lớp Hainan, 2 tàu lớp Haizhui, 2 tàu lớp Karnaphuli, 3 tàu cao tốc lớp Huangfen, 5 tàu cao tốc mang tên lửa lớp Hegu, 4 tàu tuần tiễu lớp Huchuan, 4 tàu cao tốc lớp Shanghai II và 4 tàu cao tốc lớp Sea Dolphin.



BNS Bangabandhu - chiến hạm chủ lực hiện đại nhất Hải quân Bangladesh.


Tàu quét mìn gồm: 4 tàu lớp Shapla và 1 chiếc lớp T43.

Tàu đổ bộ gồm: 2 tàu lớp Shah Poran, 3 tàu lớp Yuchin, 3 tàu LCVP.

Theo một số nguồn tin, Bangladesh bày tỏ mối quan tâm tới 3 tàu lớp Pohang (Hàn Quốc) và 2 tàu F-22P của Trung Quốc.

Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ được xếp vào hàng lớn trên thế giới với 67.000 quân thường trực và 170 tàu các loại. (>> xem thêm)

Tàu sân bay có: 1 tàu sân bay hạng nhẹ Viraart (phục vụ tới năm 2018), 1 tàu Vikramaditya (đang được phía Nga nâng cấp hoàn thiện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2013) và 1 tàu sân bay tự đóng (dự kiến hoàn thành năm 2015).

Khu trục hạm gồm: 3 tàu lớp Delhi (3 chiếc đang đặt hàng), 5 tàu lớp Rajput, 4 tàu lớp Kolkata đang đóng.

Khinh hạm gồm: 3 tàu lớp Talwar (3 chiếc đang đặt hàng), 3 tàu lớp Brahmaputra, 4 tàu lớp Godvari, 4 tàu lớp Nilgiri và 1 tàu lớp Shivalik (2 chiếc đang đặt hàng).

Hộ vệ hạm gồm: 6 tàu lớp Suyanka (trong đó có một tàu trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn Dhanush), 4 tàu lớp Khukri, 4 tàu lớp Kora, 4 tàu lớp Durg (hay còn gọi là lớp Nanuchka của Nga), 12 tàu lớp Veer (Taratul I), 2 tàu lớp Prabal (Taratul IV), 4 tàu lớp Abhay (Pauk II) và 4 tàu săn ngầm tàng hình lớp Kamorta đang chế tạo.



Khinh hạm tàng hình Shivalik.


Hạm đội tàu ngầm gồm: 10 tàu ngầm lớp Sindhughosh (Kilo), 4 tàu lớp Shishumar, 1 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Arihand (5 chiếc đang đặt hàng), 1 tàu Akula II (Ấn Độ thuê của Nga), 2 tàu DSRV và 6 tàu ngầm Scorpene đang đóng.

Tàu chiến đấu cỡ nhỏ gồm: 5 tàu lớp Super Dvora II, 4 tàu lớp Trinkat, 4 tàu SD Mk2/3M và 4 tàu Sankalp.

Tàu quét mìn gồm: 12 tàu lớp Pondichery (đã được nâng cấp thiết bị của Thales), 6 tàu lớp Mahe và 2 tàu lớp Osprey (mua lại của Mỹ). Ngoài ra, Ấn Độ lên kế hoạch đóng 8 tàu quét mìn chị giá 1,4 tỷ USD.

Tàu đổ bộ gồm: 1 tàu đổ bộ có boong phóng máy bay lớp Jalashwa, 5 tàu lớp Polnocny, 3 tàu đổ bộ tank lớp Shadul, 2 tàu đổ bộ tank lớp Magar và 6 ca nô đổ bộ.

Nhật Bản

Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản được đánh là một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lớn thứ hai ở châu Á. Quân số thường trực của quân phòng vệ khoảng 46.000 người với 110 tàu các loại.

Hải quân phòng vệ biên chế 2 tàu chở trực thăng loại 18.000 tấn lớp Hyuga. Nó có thể chở 11 trực thăng cùng đơn vị đổ bộ.

Khu trục hạm gồm: 2 tàu lớp Atago, 2 tàu lớp Kongo (chuẩn bị lắp hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3), 2 tàu lớp Hatakaze, 1 tàu lớp Tachikaze, 2 tàu lớp Shirane (tương lai sẽ thay thế bởi loại 22DDH), 2 tàu lớp Haruna, 5 tàu lớp Takanami, 6 tàu lớp Murasame, 7 tàu lớp Asagiri, 9 tàu lớp Hatsuyuki.

Khinh hạm gồm: 2 tàu lớp Yubari và 6 tàu lớp Abukuma.



Tàu chở trực thăng lớp Hyuga.



Hạm đội tàu ngầm gồm: 3 tàu ngầm tấn công lớp Soryu (4 chiếc đang đóng), 11 tàu lớp Oyashio (sẽ được nâng cấp để kéo dài tuổi thọ) và 2 tàu lớp Harushio (dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ).

Tàu quét mìn gồm: 2 tàu lớp Uraga, 3 tàu lớp Yaeyama, 7 tàu lớp Uwajima, 3 tàu lớp Hirashima và 12 tàu lớp Sugashima.

Tàu chiến đấu cỡ nhỏ có 6 chiếc lớp Hayabuss.

Tàu đổ bộ gồm: 3 tàu đổ bộ tank lớp Osumi, 2 tàu đổ bộ phục vụ lớp I-Go, 2 tàu đổ bộ lớp Yura.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm từ 16 lên 20-22 chiếc và nâng số khu trục lên 47-48 chiếc.

Triều Tiên

Hải quân Triều Tiên được tổ chức quân số thường trực 46.000 người và trang bị 708 tàu các loại. Tuy nhiên, hầu hết chiến hạm đều nhỏ, cũ, thiết bị lạc hậu.

Khinh hạm lớn nhất của Triều Tiên gồm: 2 tàu lớp Najin và 1 tàu lớp Soho.

Hạm đội tàu ngầm gồm: 25 tàu lớp Romeo, 4 tàu lớp Whiskey, 20-25 tàu lớp Sang-O, 4-8 tàu lớp Sang-O II và 40-50 tàu lớp Yugo.



Khinh hạm lớp Najin trang bị hai tên lửa diệt hạm CSS-N-1.



Lực lượng tàu chiến đấu nhỏ của Triều Tiên là bộ phận lớn nhất gồm: 18 tàu cao tốc tên lửa lớp Soju, 12 tàu tên lửa lớp Osa, 10 tàu tên lửa lớp Komar, 9 tàu tên lửa lớp Sohung, 24 tàu phóng lôi P-6, 6 tàu tuần tra lớp Hainan, 18 tàu phóng lôi lớp Anju, 62 tàu lớp Chaho, 52 tàu lớp Chong Jin, 13 tàu lớp Shang hai II, 18 tàu lớp Sinpo/Sinnam, 12 tàu lớp Tae Chong, 12 tàu lớp Iwon, 37 tàu lớp Sin-Hung, 88 tàu lớp Ku Song, 4 tàu lớp Sariwan, 15 tàu lớp SO1.

Tàu đổ bộ gồm: 8 tàu đổ bộ phục vụ lớp Hantae, 16 tàu lớp Hungnam, 100 ca nô đổ quân lớp NamPo, 7 xà lan đổ bộ tự hành hạng trung lớp Hanchon và 70 tàu đổ bộ đệm khí lớp Songiong.

Hàn Quốc

Quân số thường trực của Hải quân Hàn Quốc khoảng 68.000 người, được trang bị 170 tàu các loại. Tuy ít hơn Triều Tiên về số lượng tàu nhưng đây đều là các chiến hạm hiện đại hơn rất nhiều.

Khu trục hạm gồm: 3 tàu lớp Sejong Daewang (1 chiếc đang hoàn thiện), 6 tàu lớp Chungmugong Yi Sun Shin (dự kiến 6 tàu nữa sẽ tiếp tục chế tạo và lắp hệ thống chiến đấu Aegis), 3 tàu lớp King Kwanggaeto. (>> xem thêm)

Khinh hạm gồm: 8 tàu lớp Ulsang (sẽ sớm được thay thế bằng chương trình FFX) và 3 tàu lớp Ulsan I.

Hộ vệ hạm có 22 chiếc lớp Pohang, loại tàu này trong tương lai sẽ thế bằng chương trình FFX Ulsan-I.



Tàu khu trục vua Sejong của Hải quân Hàn Quốc.



Tàu chiến đấu cỡ nhỏ gồm: 14 tàu cao tốc lteen lửa lớp Yoon Young Ha-Ham và 80 tàu pháo cao tốc lớp Chamsuri.

Hạm đội tàu ngầm gồm: 3 tàu ngầm lớp Son Won II (6 chiếc đang đặt hàng), 6 tàu lớp Chang Bogo (Type 209), 3 tàu lớp Tolograe và 7 tàu lớp Cosmos.

Tàu đổ bộ gồm: 1 tàu đổ bộ có boong phóng máy bay lớp Dokdo (kế hoạch đóng thêm 3 chiếc), 4 tàu đổ bộ tank lớp Gojun, 4 tàu lớp Alligator và 1 tàu LSMR.

Tàu quét mìn gồm: 3 tàu lớp Yangyang-AM, 6 tàu Ganggyeong và 8 tàu MSC.

Pakistan

Khinh hạm chiến đấu chủ lực gồm: 3 tàu Type 21 của Anh chế tạo (Pakistan gọi là lớp Tariq), 6 tàu lớp Zulfiquar (F-22P) và 1 tàu lớp Almgir (vốn là khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ).

Tàu ngầm gồm: 3 tàu lớp Khalid (Agosta 90B), 2 tàu lớp Hashmat (Agosta 70) và 3 tàu SX 404.



"Thanh gươm" Zulfiquar do Trung Quốc chế tạo.


Tàu chiến đấu cỡ nhỏ gồm: 1 tàu lớp Larkana, 2 tàu lớp Quwwat và 2 tàu lớp Jalalat II.

Tàu quét mìn có ba chiếc lớp Mujahid.

Tháng 2/2011, trong một cuộc thử nghiệm trên biển thì khinh hạm Alamgir gặp tai nạn và hỏng hoàn toàn. Pakistan đề ra kế hoạch mua 4 khinh hạm săn ngầm Jiangkai I (Type 054) của Trung Quốc và 6 tàu ngầm lớp Yuan (Type 041).

Đài Loan

Hải quân Đài Loan có quân số thường trực khoảng 38.000 người.

Khu trục hạm có 4 chiếc thuộc lớp tàu Kidd do Mỹ đóng (Đài Loan đặt lại tên là Kee Lung).

Khinh hạm gồm: 8 tàu lớp Chengkung (sửa đổi cải tiến từ thân tàu Oliver Hazzard Perry của Mỹ), 6 tàu lớp Kang Dinh (cải tiến từ lớp La Fayette của Pháp) và 8 tàu lớp Chi Yang (mua lại của Mỹ).



Khinh hạm hiện đại lớp Kang Dinh.

Tàu chiến đấu cỡ nhỏ gồm: 12 tàu tuần tra ven biển lớp Ching chiang, 35 tàu cao tốc tên lửa lớp Hai Ou, 2 tàu cao tốc tên lửa lớp Lung ching và 2 tàu lớp Sui Kiang, 9 tàu tuần pháo tuần tiễu lớp Hai Ou.

Tàu ngầm có 2 tàu ngầm lớp Hailung (mua lại của Hà Lan) và 2 tàu lớp Hai Shih chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ.

Tàu quét mìn gồm 2 tàu lớp Ospry, 5 tàu lớp Yung Feng, 4 tàu lớp Yung yang và 4 tàu lớp Adjutant.

Tàu đổ bộ và hậu cần gồm: 2 tàu đổ bộ tank lớp Chungho, 1 tàu đổ bộ có boong hạ cánh máy bay lớp Shui Hai, 1 tàu vận tải lớp Yuen Feng, 1 tàu chở dầu lớp Wu Yi.

[BDV news]


Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

>> 'Địch mạnh hơn ta': Lùi một... tiến ba bước!




Nếu Lý Thường Kiệt chọn công để lấn át khí thế quân thù, thì Trần Hưng Đạo lại chọn cách rút lui để lật ngược tình thế


Theo đó, vị Quốc công nhà Trần chủ động tránh sức mạnh địch, kéo địch vào trận tuyến chiến tranh toàn dân và đại phá...

Trước sức mạnh xuất quỷ nhập thần của quân Mông Cổ, những kẻ yếu bóng vía như Trần Nhật Hiệu, được Vua Trần Thái Tông hỏi thì chỉ lấy nước viết bên mạn thuyền hai chữ 'Nhập Tống', để mong nhờ "Thiên triều" che chở.

Trong khi Thái Sư Trần Thủ Độ lại thưa rằng, 'Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo...', Trần Hưng Đạo được cử đốc suất tả hữu tướng quân chống giặc và với tài điều binh khiển tướng tài tình, quân xâm lược Mông Cổ bị đánh thua phải chạy dài, không dám cướp phá và vĩnh viễn từ bỏ "mộng xâm lược" Đại Việt.

Binh lược "xoay chuyển tình thế"


Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trong Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo viết: “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng”. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối cùng mới là điều quan trọng nhất. Thế nên, cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới thời trung đại - của quân dân nhà Trần, dưới sự chỉ đạo của ông, được tiến hành theo một phương thức rất đặc biệt.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã nhanh chóng thay đổi chiến lược: chuyển từ trực tiếp đối đầu với khí thế hung hãn của quân Nguyên, sang lui binh. Hạ lệnh cho tất cả các cánh quân rút lui, ông cùng với hai vua Trần thu quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Giặc truy kích đến Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo lại đưa quân về Thăng Long. Khi giặc đuổi theo đến Thăng Long, ông điều binh rút về Thiên Trường (Nam Định). Cứ thế, quân ta tránh đụng độ với giặc trong nhiều tháng.

Ở đây, một chiến thuật có vẻ bất thường nhưng lại là một trong những điểm đặc sắc nhất thể hiện óc chiến lược sắc sảo của Trần Hưng Đạo. Với sức mạnh áp đảo, quân Nguyên muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Bị chúng lấn át ngay trong những đợt tấn công đầu tiên, ông hiểu rằng, đối đầu ngay tức thì không phải là một chiến thuật đắc dụng trong tình huống này vì những đội quân muốn đánh nhanh thắng nhanh thường có một nhược điểm chí tử: đó là công tác hậu cần. Và thất bại của quân Nguyên Mông năm 1258 góp phần chỉ rõ điểm mấu chốt đó.

Với Trần Hưng Đạo, thay vì tiến hành những cuộc tiến công trực diện ít có cơ hội chiến thắng, đánh vào điểm yếu này của địch sẽ là cách tốt nhất lấy đi sức mạnh của chúng. Áp dụng chiến lược lui binh, ông khiến cho địch không thể đánh theo cách đánh của chúng, nói theo cách khác, ông chủ động kéo dài cuộc chiến đấu. Khi đó, thiếu lương thực, địch tự làm chúng suy yếu.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Ngay từ nhỏ, cha của ông, Trần Liễu đã kén những thầy giỏi dạy cho Quốc Tuấn, ký thác cho con hội đủ tài võ. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh, xuất chúng, đọc rộng các sách cả văn lẫn võ. Trong đời mình, Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước. Nhưng ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùng cứu nước

Nắm được chìa khoá tiêu diệt địch, khi quân Nguyên lần thứ ba đưa quân sang xâm lược Đại Việt (1287- 1288), Trần Hưng Đạo đã tự tin tâu với vua Trần: "Thế giặc năm nay dễ phá". Và quả nhiên, sau khi tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đội binh lương của quân địch tại Vân Đồn (cuối năm 1287), quân địch lại rơi đúng vào tình huống ngặt nghèo về lương thảo, đã từ thế chủ động tấn công sang tình trạng dần mất phương hướng và rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta.

Tuy nhiên, nếu coi chiến lược lui binh của Trần Hưng Đạo là khởi đầu của một kế hoạch xoay chuyển tình thế: khoét sâu nhược điểm, đẩy giặc vào tình thế khốn đốn và lấy lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, thì cuộc chiến của nhân dân mỗi nơi giặc đến chính là bước thứ hai - sự phản công nắm chắc phần thắng. Vì thế mới nói sự phối hợp ăn ý giữa việc lui binh của quân triều đình với các cuộc tiến công tại chỗ của nhân dân khắp nơi (chiến tranh du kích) là yếu tố quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự điều binh, khiển tướng tài tình của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

“Hình dáng trận như chữ nhân, tiến cũng là chữ nhân, thoái cũng là chứ nhân, họp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người, một người làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một trận”, Trần Hưng Đạo nói về sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Trần Hưng Đạo

Nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (ngày 16/9/2000), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài viết, Đất Việt trích đăng:

"Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là một nhà chính trị-quân sự đại tài được vua Trần tin yêu, giao quyền tiết chế, thống suất tất cả vương hầu, tôn thất, tướng lĩnh, điều động binh nhung, khí giới. Khi quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ nhất (1258), ông được chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc.

Bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở quyết tâm diệt địch và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất, ông vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, quân xâm lược đã chiếm được nhiều địa bàn trọng yếu, trong đó có cả kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường, nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần đã có người nao núng, hàng giặc, Trần Quốc Tuấn vẫn hiên ngang bất khuất, giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi. Câu nói bất hủ của ông: "Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã", đã nêu một tấm gương lớn về tinh thần quyết chiến và ý chí "Sát Thát" trước triều đình, trước toàn quân và toàn dân ta.

Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở chỗ ông nhận thức rất rõ nhân dân là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông chủ trương: "Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước".

Ông xem, việc đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên thắng lợi, ông xác định: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức" là nhân tố đã làm cho "quân địch phải chịu bị bắt" (bỉ tựu tự cầm). Ông rất coi trọng đoàn kết quân và dân, đoàn kết trong quân đội "như cha con một nhà".

Chính nhờ nguồn sức mạnh đó mà dân tộc Việt Nam đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng khốc liệt do đế quốc Nguyên Mông gây ra.

Cái tài giỏi của Trần Quốc Tuấn là biết chuyển tình thế từ hiểm nghèo thành thuận lợi, xoay chuyển thế trận, tạo nên thời cơ. Và khi thời cơ đến thì chuyển sang phản công; tiến công; chọn đúng hướng; đúng mục tiêu; đánh những trận quyết định; khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị thất bại.

Tài thao lược của Trần Quốc Tuấn nổi bật là tính chủ động và linh hoạt, "biết người, biết mình", chủ động điều địch, chủ động đánh địch, xem xét quyền biến... tùy thời mà làm"... Và theo đó, một học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại phong kiến đã hình thành, học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước. Chính trên cơ sở này, Lê Lợi - Nguyễn Trãi phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giải phóng; Nguyễn Huệ tiếp tục phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong khởi nghĩa của nông dân, trong chiến tranh giữ nước...

Với tài năng chính trị quân sự kiệt xuất, tấm lòng tận trung với vua, với nước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần lên hàng triều đại thịnh trị trong lịch sử trung đại, để lại những bài học lịch sử có giá trị về dựng nước và giữ nước. Những thành tựu về võ công và văn trị, những giá trị vật chất và tinh thần thời Trần đã làm vẻ vang lịch sử dân tộc và là niềm tự hào lớn lao cho Tổ quốc.

Sau lần xâm lược thất bại ở Đại Việt năm 1258, quân Nguyên không dám khinh suất. Trong các đợt xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), vua Nguyên là Hốt Tất Liệt phái đi những đạo quân đông gấp cả chục lần so với lần đầu và lần sau chuẩn bị chu đáo hơn lần trước (lần thứ 2, quân Nguyên có tới 50 vạn quân, lần thứ 3 quân Nguyên có 30 vạn quân, trong đó có cả thuỷ binh và chưa tính đội quân chở lương).

Tướng giặc Ô Mã Nhi đã thẳng thừng đe dọa quan quân nhà Trần rằng: "Chỉ trong chốc lát, núi sông (các ngươi) sẽ thành đất bằng, vua tôi (các ngươi) sẽ ra cỏ mục". Địch mong muốn dùng sức mạnh ào ạt khiến quân ta khiếp đảm, tan tác, nhưng cuối cùng đều bị Trần Hưng Đạo chỉ huy bị bẻ gãy nhanh chóng.


[BDV news]


>> Hùng Phong 'xịt', Đài Loan 'ngượng' với Trung Quốc




Hôm thứ 3 (28/6), Bộ quốc phòng Đài Loan chính thức xác nhận vụ thử tên lửa hành trình đối hạm Hùng Phong (Hsiung Feng) III đã thất bại.


Tên lửa hành trình đối hạm siêu âm Hsiung Feng III đã không đánh trúng mục tiêu trên biển trong một cuộc diễn tập hải quân thường niên. Bộ quốc phòng nước này giải thích việc thất bại này là do lỗi trục trặc của hệ thống máy tính.

Đài Loan bắt đầu triển khai Hsiung Feng III trên chiến hạm từ năm 2011 để đáp trả lại sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng Hải quân Trung Quốc.

Nhưng giới lãnh đạo Quân đội Đài Loan đã được phen “đỏ mặt” khi hai vụ thử tên lửa đều thất bại đầu năm nay và phải nhận sự chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Mã Anh Cửu.



Sát thủ diệt hạm Hsiung Feng III tiếp tục "tịt ngòi".


Theo tờ China Times (trụ sở tại Đài Bắc), vụ thử tên lửa mới nhất bị thất bại này đã gây sự “lúng túng” cho Hải quân Đài Loan, bởi nó “trùng” với sự kiện Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở trên biển Đông (Trung Quốc và Đài Loan gọi là Nam Hải) vào giữa tháng 6.

Mối quan hệ Đài Loan và Trung Quốc đã được cải thiện nhiều kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên làm Tổng thống năm 2008. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực để thu hồi.

Tên lửa hành trình tầm xa Hsiung Feng III do Đài Loan tự thiết kế và chế tạo. Hsiung Feng III có tầm bắn tối đa lên tới 300km, tốc độ bay siêu âm 2.300km/h. Tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính kết hợp radar dẫn đường chủ động ở pha cuối.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang