Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

>> Vai trò của Mistral trong Hải quân Nga



Phía Nga tuyên bố: Hợp đồng tàu chiến Mistral là phù hợp với học thuyết phát triển quân sự của Nga và không hề đe dọa đến Mỹ và các nước đồng minh.

Dưới đây là bài phân tích của Tiến sĩ Kirill Nourzhanov – Giảng viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Arabvà Hồi giáo, ĐH quốc gia Australia – về vấn đề này:



Tiến sĩ Kirill Nourzhanov.

Ngày 17/6/2011, Nga và Pháp ký hợp đồng mua bán 2 tàu sân bay trực thăng đổ bộ lớp Mistral với trị giá lên tới 1,2 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD). Những chiếc tàu đầu tiên sẽ được giao vào năm 2014 và đợt hai là vào năm 2015.

Thương vụ này là kết quả của 3 năm đàm phán song nó đã gây ra nhiều tranh cãi, cả trong và ngoài nước Nga.

Ở trong nước, những lời chỉ trích tập trung vào mức chi phí cao đáng nghi ngờ. Một số nhà bình luận của cho rằng các dự án, vận động hành lang cá nhân của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev chỉ vì mục tiêu chính trị chứ không thực sự nhằm xây dựng hệ thống quốc phòng quốc gia.

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ileana Ros-Lehtinen cũng chỉ trích Pháp, dù là một thành viên của NATO nhưng “đã phớt lờ mối nguy hiểm hiển hiện trước mắt, bán các tàu chiến hiện đại cho Nga ngay cả khi Nga có những bước đi thù địch đối với Mỹ, thậm chí là với các nước châu Âu”.

Chính phủ Georgia và Latvia cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.

Tuy nhiên một cách nhìn mới đây cho thấy các hợp đồng tàu chiến Mistral là phù hợp với học thuyết phát triển quân sự của Nga và không hề đe dọa đến Mỹ và các nước đồng minh.

Nga đã bắt tay vào một chương trình tái vũ trang đầy tham vọng nhằm mục đích 70% vũ khí và các trang thiết bị quân sự sẽ được hiện đại hóa vào năm 2020. Hải quân cũng không nằm ngoài kế hoạch này.

Trong 2 thập kỉ qua Nga chỉ mua 4 tàu mặt nước dựa trên những thiết kế từ thời Liên Xô. Trong 10 năm từ 2010 - 2020, quốc gia này sẽ nhận khoảng 50 tàu mới.

Hồi tháng 12/2009, Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố rằng đây sẽ là “một bước đột phá về chất lượng trong ngành công nghiệp đóng tàu quân sự”. Việc mua tàu Mistral chắc chắn sẽ tăng cường tiềm lực quân sự cốt lõi của Nga.

Mistral là một thiết kế của Pháp khá thông dụng. Nó kết hợp các tình năng của tàu sân bay trực thăng, tàu chỉ huy, kiểm soát và bệnh viện nổi. Những nhà máy đóng tàu của Nga chưa thể tự hoàn thành một con tàu hiện đại như vậy một cách nhanh chóng trong thời điểm hiện tại.

Dự kiến, tàu Mistral sẽ được lắp ráp tại Brest với khoảng 20 - 40% các bộ phận được sản xuất bởi các nhà thầu Nga. Cũng nằm trong nội dung thỏa thuận mua bán giữa Nga và Pháp lần này Moscow đã có giấy phép xây dựng 2 tàu nội địa tương tự trong tương lai.

Vai trò của Mistral trong Hải quân Nga

Hai chiếc tàu Mistral đầu tiên sẽ được giao cho Hạm đội Thái Bình Dương – Hạm đội đang được phát triển thành lực lượng mạnh nhất của Hải quân Nga và cũng là bộ phận quan trọng của Bộ tư lệnh Chiến dịch Chiến lược Miền Đông thành lập năm 2010.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga chịu trách nhiệm về vũ khí, trong những năm tới hệ thống thông tin chiến đấu SENIT-9 mới là nhu cầu cần thiết chứ không phải là khả năng chiến đấu.

Tàu Mistral sẽ hoạt động như một tàu dẫn dường cho các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, đồng thời kiểm soát hoạt động của các tàu nổi, tàu ngầm, phòng thủ ven biển từ Vladivostok đến Chukotka.

Trong thời gian qua, các nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra thông tin chi tiết về việc triển khai chiến thuật và nhiệm vụ cụ thể của các tàu Mistral. Không có gì bất ngờ khi những chiếc tàu này sẽ bảo vệ quần đảo Nam Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản.

Năm 2010, ông Medvedev đến thăm quần đảo Nam Kuril và đã rất sửng sốt khi phát hiện ra lực lượng Nga tại khu vực này vẫn đang vận hành những thiết bị cũ kĩ từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ tốt quần đảo Kuril, tàu Mistral còn bảo vệ các cơ sở hạ tầng dầu khí, tuần tra các tuyến đường thương mại, phòng chống các hoạt động cướp biển và khủng bố, tìm kiếm cứu nạn ở những khu vực biển tiềm ẩn nguy cơ núi lửa phun trào và sóng thần.

Nga sẽ không sử dụng Mistral để mở rộng tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi vùng Viễn Đông. Dấu hiệu của sự khôi phục hải quân Nga không phải là sự thách thức đối với Mỹ. Trong thực tế, Nga đã tạm ngưng vận hành các tàu tuần dương hạng nặng hay những “sát thủ tàu sân bay” chuyên biệt.

Triển khai tàu Mistral ở Thái Bình Dương còn nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Kể từ thời Gorbachev, Nga đã cẩn trọng tránh không nhắc tới Trung Quốc như một kẻ thù quân sự tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn có một ngoại lệ hiếm hoi.

Năm 2009, Tham mưu trưởng Quân đội Nga khi trả lời câu hỏi phỏng vấn đã nói: “Nếu chúng ta nói về phía Đông, ngay sau đó có thể là một đội quân hàng triệu người chiến đấu với những cách tiếp cận truyền thống ”.

Cuộc tập trận Vostok của Nga hồi tháng 6/2011 chính là một phản ứng cho những mối đe dọa từ phía Đông chưa được gọi tên đích xác. Đây là sự kiện quân sự lớn nhất của Nga kể từ năm 1991 đến nay.

Nga không thể cạnh tranh với Trung Quốc về lực lượng mặt đất thông thường. Nga sẽ dựa vào tiềm lực vũ khí hạt nhân và hải quân mạnh mẽ để đối phó với mối đe dọa tiềm năng Bắc Kinh ở vùng Siberia và vùng Viễn Đông.

[BDV news]


>> Phó Thủ tướng Đức chia sẻ về 'nguồn gốc Việt Nam'



Trong buổi phỏng vấn với Spiegel, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rosler thổ lộ ông từng mơ mình là một hoàng tử Việt Nam.

Bộ trưởng Kinh tế Đức gốc Việt, Philipp Rosler, được gia đình Đức nhận nuôi từ khi còn thôi nôi, tuy nhiên ông khẳng định chưa bao giờ gặp rắc rối về xuất thân của mình. Ông đã thẳng thắn trả lời phỏng vấn trên Spiegel về nguồn gốc Việt Nam, sự hòa nhập và ý nghĩa khi trở thành một người Đức của mình.

- Thưa Bộ trưởng Rosler, ông được sinh ra ở Việt Nam và được bố mẹ người Đức nhận nuôi khi mới 9 tháng tuổi. Khi nào ông bắt đầu chú ý rằng mình khác biệt so với những đứa trẻ Đức khác?

- Khi tôi lên 4 hay 5, cha tôi đặt tôi đứng trước gương cùng ông và nói: “Hãy nhìn vào con, sau đó nhìn cha, chúng ta khác nhau. Nhưng dù cho mọi người có nói gì và có điều gì xảy ra thì cha vẫn là cha con”.


Ông Rosler từng mơ mình là hoàng tử Việt Nam.


- Lúc nhỏ ông có bị trêu chọc vì bề ngoài hay không?

- Không, không bao giờ. Thỉnh thoảng tôi còn mơ mình là một hoàng tử Việt Nam bị mất tích. Ý tưởng này đã xuất hiện trong đầu tôi, tôi còn hỏi cha mình là liệu ở Việt Nam có hoàng tử hay không. Ông nói rằng Việt Nam cũng từng có vua nhưng không còn nữa, lúc đó là vào những năm 1980.

- Với bề ngoài khác biệt của mình, đã bao giờ ông tưởng tượng có ngày mình trở thành Phó Thủ tướng Đức chưa?

- Liệu một thiếu niên có thể tưởng tượng mình sẽ trở thành Phó thủ tướng hay không? Tôi nhận ra rằng người Đức rất khoan dung và có thể chấp nhận sự thật rằng trông tôi khác với những người Đức bình thường. Còn trên thế giới, điều này cũng gây được sự chú ý. Gần đây, khi tôi hộ tống Thủ tướng tới Washington và khi chúng tôi tới Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã rất tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.



Ông luôn cởi mở và thân thiện.


- Việt Nam có phản ứng như thế nào khi ông trở thành Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (FDP), liên minh với Đảng của Thủ tướng Angela Merkel và trở thành Phó Thủ tướng Đức?

- Tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các chính phủ, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến tôi rất hạnh phúc.

- Người dân Việt Nam có tự hào về Philipp Rosler?

- Những chiếc xe du lịch tour của Việt Nam thường dừng trước Bộ của tôi và đối với nhiều người Việt Nam, điều này rất đặc biệt. Nếu một người con nuôi Đức được làm việc trong chính phủ Việt Nam thì người Đức cũng cảm thấy thích thú.



Gia đình hạnh phúc của Bộ trưởng Rosler.


- Là một Bộ trưởng Kinh tế, ông có kế hoạch nới lỏng luật nhập cư vào Đức hay không?

- Tôi sẽ ủng hộ Đức đi theo chiều hướng trên. Đức cần một bộ phận người nhập cư chất lượng và sẽ vô lý khi Đức bỏ nhiều tiền để đào tạo các sinh viên nước ngoài rồi sau đó họ tốt nghiệp và chỉ ở lại đây một năm.

- Ở Đức, cộng đồng người châu Á được xem là hòa nhập tốt nhất. Tại sao lại như vậy?

- Cha mẹ người Việt, cũng giống như các bậc phụ huynh nước ngoài khác, luôn muốn con cái mình được hưởng nền giáo dục tốt nhất.

- Bản thân ông có bao giờ gặp rắc rối trong chính trị bởi vì người có nguồn gốc châu Á luôn thân thiện và dễ gần?

- Tại sao thân thiện và dễ gần lại trở thành một vấn đề nhỉ?



Ông được xem là "cánh tay phải" của Thủ tướng Đức.

- Ông có biết chi tiết về nguồn gốc Việt Nam của mình hay không?

- Tôi có biết. Trong một sự kiện ở thị trấn Holzminden, có một người đàn ông đã hỏi chính xác nơi tôi sinh ra là ở đâu. Tôi nói cho ông ấy biết tên ngôi làng nơi tôi sinh ra, được ghi trong giấy khai sinh. Người đàn ông này cho biết đây quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì con gái ông cũng đến từ nơi đó...




Ông Rosler luôn để lại một hình ảnh gần gũi trong lòng người dân.


- Điều gì ông thích nhất về Việt Nam?

- Cảnh vật ở đây rất đẹp và thức ăn cũng rất tuyệt vời. Khi bạn tới một nhà hàng châu Á ở Đức, tất cả đã được Đức hóa. Nhiều người châu Á thậm chí cũng không muốn tới đây vì đơn giản là hương vị không được như ở quê nhà.

- Ông có phải là hình mẫu lý tưởng cho những người nước ngoài ở Đức?

- Rất nhiều người xem tôi là hình mẫu. Khi tôi mới trở thành Bộ trưởng, trong buổi gặp mặt ở nhà hàng Bundestag, một người đàn ông da đen đã tới gặp tôi và nói: “Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi có một người trong chúng ta có thể thành công”.

- Ông có hài lòng không?

- Tất nhiên rồi, bởi vì những lời nói đó rất chân thật và xuất phát từ trái tim.

- Cảm ơn Bộ trưởng vì cuộc phỏng vấn thú vị này.

[BDV news]


>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 2)



Hệ thống pháo cối tự hành hiện đại không những chỉ được đặt lên xe thiết giáp mà còn trang bị thêm hệ thống giảm giật, máy tính đường đạn, thậm chí là khả năng bắn các loại đạn pháo.

>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 1)

Tuy các hệ thống như M-106, M-125, 2S4 Tyulpan đã đưa pháo cối thành phương tiện chiến đấu có tính cơ động cao nhưng chúng vẫn chưa thể xứng đáng với tên gọi “pháo cối tự hành” vì nhiều nguyên nhân:

+ Pháo cối và thân xe vẫn chưa tích hợp với nhau thành một hệ thống đồng nhất;
+ Vẫn cần có một tổ vận hành pháo riêng, việc điều chỉnh, ngắm bắn và bắn pháo vẫn thực hiện bằng sức người nên độ chính xác của pháo chưa cao;
+ Pháo cối khi bắn vẫn thiếu sự che chắn bảo vệ.

Chính vì yêu cầu của chiến trường hiện đại, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu thế hệ pháo cối 120 mm mới, được tích hợp hệ thống chống giật hiện đại. Không những thế, một số loại pháo cối mới còn có thể được sử dụng làm hỏa lực bắn thẳng nhờ sử dụng đạn pháo bên cạnh đạn cối thông thường. Đây là tính năng rất hữu hiệu khi các hệ thống cối tự hành này phải tác chiến trong đô thị.

Ở đó, hệ thống pháo cối hiện đại thường đi kèm với tháp pháo riêng biệt, giúp kíp vận hành luôn ở trong tình trạng được bảo vệ. Ngoài một số hệ thống vẫn nạp đạn bằng tay, một số hệ thống pháo cối tự hành khác cũng đã trang bị hệ thống nạp đạn tự động có khả năng lựa chọn loại đạn khi bắn như loại 2S31 Vena của Nga.

Thêm nữa, các loại pháo cối tự hành hiện đại còn tích hợp thêm các khí tài trinh sát điện tử cùng hệ thống điều khiển bắn vi tính hóa khiến vai trò của chúng trên chiến trường ngày một quan trọng. Dưới đây là những loại pháo cối tự hành thuộc thế hệ này trong quân đội một số nước trên thế giới.

PLL-05 (Trung Quốc)

Pháo cối tư hành PLL-05 là sản phẩm của Tổng công ty công nghiệp Phương Bắc (NORINCO) dựa trên thân xe thiết giáp lội nước WZ-551, vốn là thân xe đã được Trung Quốc sử dụng để tích hợp rất nhiều loại vũ khí. Hệ thống này đã được trang bị tại Sư đoàn bộ binh cơ giới hạng nhẹ số 127, quân đoàn 54 của Trung Quốc từ năm 2008.

PLL-05 được trang bị một pháo cối 120 mm có khả năng bắn cả hai chế độ thẳng và bắn cầu vồng trong một tháp pháo chứa 36 viên đạn, bắn 2 loại đạn nổ phá và đạn HEAT chống tăng bắn ở chế độ bắn thẳng có tầm hiệu quả tới 1.200 mét.

Ở chế độ bắn cầu vồng, pháo có thể bắn 2 loại đạn nổ phá và đạn chùm - mang theo 30 quả đạn con với tầm bắn 8,5 km. Nếu sử dụng đạn pháo 120 mm ở chế độ này, PLL-05 đạt tầm bắn 9,5 km với đạn thường và 12,8 km với đạn có hỗ trợ động cơ tên lửa.



Pháo cối tư hành PLL-05 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm quốc khánh lần thứ 60 của Trung Quốc.



Với khả năng nâng nòng pháo lên một góc tới 85 độ, kết hợp với tầm bắn thẳng 1,2 km; PLL-05 cực kỳ hữu hiệu trong việc tiêu diệt các mục tiêu trên các tòa nhà cao tầng trong tác chiến đô thị



PLL-05 cũng được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động, giúp pháo có thể đạt tốc độ bắn 6-8 phát/phút với đạn pháo và 10 phát/phút đối với đạn cối. Hệ thống PLL-05 có tổng khối lượng chiến đấu là 16,5 tấn, có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h trên đường và 8 km/h khi ở chế độ lội nước. Hiện nay, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu phát triển loại đạn cối “thông minh” dẫn hướng bằng laser.

TDA 120 2R2M (Pháp)
Công ty TDA Armements (Pháp) đã tham gia vào việc thiết kế, phát triển và sản xuất rất nhiều hệ thống pháo cối cũng như đạn cối trong nhiều năm.

Trong đó, hệ thống pháo cối nòng xoắn 120mm MO 120-RT của công ty đã được sử dụng trong lực lượng của quân đội 25 nước, bao gồm cả lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Hệ thống pháo cối tự hành 120 2R2M đã được công ty bắt đầu nghiên cứu từ năm 1990 và cho đến năm 1993 thì ý tưởng thiết kế đã hoàn thành. Đến năm 1994, hệ thống 120 2R2M thử nghiệm đầu tiên đã hoàn thành và được tích hợp trên thân xe MOWAG Piranha 8x8 hay thân xe FNSS IFV của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi thế của hệ thống 120 2R2M là cả hệ thống có khối lượng chỉ nặng 1.500 kg cùng với hệ thống chống giật hiện đại khiến 120 2R2M có thể đặt trên các khung xe thiết giáp cỡ từ 10-15 tấn.

Hệ thống 2R2M được đặt trên đế riêng biệt có thể quay một góc 220 độ cùng một hệ thống nạp đạn bán tự động tích hợp giúp tóc độ bắn của hệ thống đạt từ 6-10 phát/phút.



Biến thể pháo cối tự hành 120mm 2R2M đặt trên thân xe Renault 6x6 xuất khẩu cho Oman.



Biến thể 2R2M đặt trên xe thiết giáp ACV-S của FNSS (Thổ Nhĩ Kỳ) được bán cho Malaysia với giá 2,4 triệu USD/xe.


Tầm bắn của 2R2M biến đổi tùy thuộc vào loại đạn. Tầm bắn tối đa của hệ thống khi sử dụng đạn HE tiêu chuẩn là 8,1 km và 13 km nếu sử dụng loại đạn được tăng lực tên lửa.

Hiện tại, chỉ hệ thống 2R2M với pháo cối nòng trơn mới có thể tích hợp được trên các thân xe tự hành. Tuy nhiên, theo TDA họ sẽ sớm cải tiến để đưa hệ thống MO 120-RT nòng xoắn lên xe thiết giáp vì đây là phiên bản có độ chính xác cao hơn.

Cho đến năm 2010, đã có 120 hệ thống 2R2M đã được xuất khẩu, thêm 30 hệ thống đã được ký hợp đồng nhưng chưa chuyển giao. 120 hệ thống trên đã được chuyển giao cho Oman năm 2008 để lắp đặt trên các xe thiết giáp Renault.

Tại châu Âu, Italy cũng mua 2 hệ thống lắp đặt trên xe Dardo và Freccia 8x8 với mục đích thử nghiệm. Ngoài ra, quân đội Malaysia cũng mua 8 hệ thống 2R2M 120mm kèm xe thiết giáp FNSS của Thổ Nhĩ Kỳ để lắp đặt. Toàn bộ gói hợp đồng này trị giá 19 triệu USD.

Rak (Ba Lan)

Hệ thống pháo cối tự hành 120 mm Rak của Ba Lan được phát triển bởi công ty vũ khí trong nước Huta Stalowa Wola (HSW), vốn đã có nhiều kinh nghiệm phát triển các hệ thống tên lửa và pháo cối.

Hệ thống này có tầm bắn 8 km với đạn thông thường và 12 km với đạn tăng tầm hỗ trợ động cơ tên lửa.

Được trang bị hệ thống nạp đạn tự động hoàn toàn, Rak có thể đạt tốc độ bắn tối đa từ 10 tới 12 phát/phút.



Hệ thống Rak được đặt trên thân xe bọc thép OT-64 Rys cũng do Ba Lan sản xuất.


Biến thể khác của Rak được đặt trên thân xe MT-LB của Nga.


Với cơ số đạn mang theo tới 60 viên, Rak có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ bắn áp chế địch trong thời gian dài. Với hệ thống điều khiển bắn điện tử Topaz, Rak vẫn có khả năng đạt độ chính xác cao ở cự ly bắn xa.

Hiện tại, hệ thống Rak có thể được lắp đặt trên thân xe MT-LB của Nga, AMV của Thụy Điển hoặc OT-64 Rys sản xuất trong nước.

[BDV news]


Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 1)



Trong những năm trở lại đây, pháo cối ngày càng được tăng thêm uy lực khi gắn trên các thân xe tự hành, hệ thống điều khiển bắn điện tử và đạn thông minh.


Pháo cối là loại vũ khí bắn đạn theo cầu vồng đã được phát minh ra hơn 300 năm về trước. Trong chiến tranh hiện đại, pháo cối đóng vai trò rất quan trọng nhờ khả năng chi viện cho bộ binh ở cự ly ngắn và trung bình, lấp chỗ trống cự ly giữa lựu pháo tầm xa và vũ khí bắn thẳng, giá thành rẻ, vận hành đơn giản dễ dàng.

Hơn nữa, nhờ quỹ đạo đạn đặc trưng, pháo cối là phương tiện hữu dụng để tấn công mục tiêu trên các địa hình hiểm trở trên các cao điểm, trong thung lũng, dưới hầm hào hay đằng sau các vật cản, công sự kiên cố.


Một tổ chiến đấu của lính Mỹ sử dụng pháo cối trên chiến trường.


Trước đây, pháo cối chủ yếu được mang vác bằng bộ binh, với các loại cỡ nòng lớn thì dùng xe kéo vào trận địa, mất một thời gian chuẩn bị không nhỏ mới có thể sẵn sàng chiến đấu.

Không những thế, những trận địa pháo cối này thường phải có lực lượng bảo vệ không nhỏ, rất khó cơ động và nếu bị tấn công thì dễ bị thiệt hại. Vì thế, theo xu hướng chung với pháo tự hành, các khẩu pháo cối cũng được cơ động hóa, mở ra một kỷ nguyên mới của loại vũ khí này.

Pháo cối tự hành nhóm 1

Những nỗ lực đầu tiên đơn thuần là đặt các khẩu pháo cối thông thường lên trên thân xe thiết giáp để tăng tính cơ động, tăng số lượng đạn mang theo, giảm khối lượng vận chuyển cho binh lính và tăng khả năng mang các loại pháo cối cỡ nòng lớn vào chiến trường.

Về cơ bản, việc ngắm bắn, nạp đạn và bắn của cối tự hành thế hệ đầu tiên vẫn độc lập với thân xe mang nó và được thực hiện bởi kíp vận hành pháo cối riêng biệt với kíp lái của xe.

Một trong những hệ thống pháo cối đầu tiên thuộc thế hệ này là M-106 và M-125 của quân đội Hoa Kỳ phát triển dựa trên thân xe thiết giáp M-113.




Pháo cối tự hành M-106 với pháo cối M30 107 mm của sư đoàn bộ binh số 4 Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam. Bộ phận đế của pháo cối được treo ở thành xe để khi cần có thể gỡ pháo cối ra khỏi xe để bắn.


Sự khác biệt của hai loại pháo cối tự hành này là M-125 được trang bị một pháo cối M29 81mm còn M-106 trang bị pháo cối M30 107mm.

Pháo cối trên M-106 và M-125 được đặt trên một bệ có thể quay được để điều chỉnh hướng và có thể tháo rời khỏi xe để bắn như những khẩu đội cối thông thường.

Pháo cối M29 81mm có tầm bắn tối đa 5.000 mét và có thể bắn 30 phát/phút trong phút đầu đầu tiên, 4-12 phát/phút trong những loạt tiếp theo.

Trong khi đó, pháo cối M30 107mm có tầm bắn từ 770-6.800 mét, có tốc độ bắn 18 phát/phút trong phút đầu tiên và 3 phát/phút trong những loạt tiếp theo.

Ngoài hỏa lực chính là pháo cối, hai loại cối tự hành trên đều trang bị thêm súng máy hạng nặng 12,7 mm M2HB với nhiệm vụ tự vệ chống bộ binh.

Kíp vận hành M-106 và M-125 thường bao gồm từ 4-5 người bao gồm lái xe, trưởng xe và kíp vận hành cối.

Cơ số đạn của M-106 là 90 đạn còn M-125 là 144 đạn bao gồm chủ yếu là đạn nổ (HE), ngoài ra còn có các loại đạn khói, đạn cháy phốt pho trắng tùy theo nhiệm vụ.




Pháo cối tự hành M-125 do Quân đội Australia sử dụng trên chiến trường Việt Nam.





Vận hành pháo cối 81 mm bên trong chiếc M-125.


Tương tự hai hệ thống trên của Hoa Kỳ, Liên Xô cũng có hệ thống pháo cối 2S24 sử dụng pháo cối 2B14 Podnos 82mm được đặt trên thân xe thiết giáp MT-LB. Hệ thống này có thể mang theo 83 đạn và có tầm bắn từ 80- 4.280 mét.

Pháo cối không những có thể đặt trên thân xe thiết giáp mà còn có thể đặt trên các thân xe quân sự 4x4.

Một trong những loại pháo cối này là loại cối 81mm tự động đặt trên thân xe Dong Feng 4x4 của Trung Quốc do Norinco sản xuất.




Pháo cối tự động 81mm đặt trên thân xe Dong Feng 4x4 của Trung Quốc do Norinco sản xuất.



Khẩu cối 81 mm đặt trên xe là loại cối tự động do Trung Quốc sản xuất nhái theo pháo cối Vesilek của Nga với khả năng nạp đạn theo từng kẹp đạn mang bốn viên đạn. Hệ thống nạp đạn kiểu này giúp cho pháo cối khai hỏa cực nhanh, có thể bắn hết kẹp đạn 4 quả trong 2 giây.

Theo thông số Norinco công bố, pháo cối 81 mm này có tầm bắn tối đa tới 6,2 km đối với đạn HE.

Ngoài ra, nó cũng có thể bắn được các loại đạn khác như đạn khói, pháo sáng hay đạn hóa học. Thân xe Dong Feng 4x4 có tổng khối lượng 4,7 tấn, được trang bị động cơ 125 mã lực và có tốc độ tối đa trên đường tới 135 km/h.

Pháo cối tự hành nhóm 2

Pháo cối tự hành nhóm này sử dụng pháo cối chuyên dụng thay vì pháo cối thông thường gắn trên thân xe. Chúng thường là những loại pháo cối có cỡ nòng lớn, nạp đạn từ đuôi (thay vì từ nòng súng như pháo cối thông thường) và phải sử dụng các hệ thống thủy lực tách pháo cối ra khỏi xe, để cố định pháo cối trên mặt đất trước khi bắn.
Về nhóm này, có thể kể đến loại pháo cối tự hành cỡ nòng 240 mm nổi tiếng của Liên Xô trước kia là 2S4 Tyulpan.




Pháo cối tự hành 2S4 Tyulpan với cấu hình khi hành quân.


Hệ thống cối tự hành 2S4 Tyulpan được phát triển từ những năm 1960 và lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 1971.

Vũ khí chính của hệ thống là một khẩu pháo cối cỡ nòng 240 mm được phát triển từ pháo cối M-240. Khẩu pháo cối này có thể bắn những viên đạn nổ thông thường (HE), đạn hóa học, mìn hay thậm chí là đạn nguyên tử với tầm xa tối đa 9,6 km với đạn thông thường và 20 km với đạn hỗ trợ động cơ tên lửa.

Ngày nay, các hệ thống 2S4 Tyulpan còn được trang bị thêm những loại đạn dẫn đường laser chính xác tương tự như đạn pháo Krasnopol sử dụng trong các pháo tự hành.

Hệ thống 2S4 Tyulpan có thể mang theo 40 viên đạn các loại (thường là 20 viên thường và 20 viên có động cơ tên lửa) chứa trong các hộp đạn hình trống.

Do kích cỡ và khối lượng đạn quá lớn, hệ thống này chỉ có thể bắn với tốc độ 1 phát/phút.




Pháo cối tự hành 2S4 Tyulpan ở cấu hình chiến đấu. Khẩu pháo cối 240 mm này có thể bắn cả những viên đạn nguyên tử đi khoảng cách 20 km.


Tất cả hệ thống pháo cối và đạn trên được đặt trên thân xe thiết giáp tương tự xe phóng của tên lửa phòng không 2K11 Krug với tổng khối lượng 27,5 tấn.

Trên xe còn được trang bị một súng máy 7,62 mm với cơ số đạn 1.500 viên nhằm mục đích tự phòng vệ. Xe được lắp động cơ V-59, 520 mã lực giúp nó có thể đạt tốc độ tối da 62 km/h và tầm hoạt động 500 km.

Nhẹ nhàng hơn 2S4 Tyulpan, hệ thống pháo cối 120 mm cùng loại gồm pháo cối Hirtenberger M12 của Áo lắp đặt trên thân xe Achleitner Mantra. Chiếc Mantra là loại xe không bọc giáp có tổng khối lượng 6 tấn, có thể đạt tốc độ 110 km/h với dự trữ hành trình 700 km.



Chiếc Achleitner Mantra với cối 120 mm Hirtenberger M12 gắn kèm tại triển lãm Eurovision 2010.


Phần khoang chứa lính đằng sau chiếc Mantra, vốn có thể chở thêm 6 người đã được cải biến có để có thể chứa một khẩu pháo cối 120 mm cùng giá chứa đạn để chứa 48 quả đạn 120 mm.

Hai phiên bản pháo cối Hirtenberger M12 có thể lắp đặt trên thân xe này bao gồm loại M12-1385 với nòng súng dài 1,75 m, khối lượng 255 kg, có tầm bắn tối đa 8,8 km và loại M12-1535 với nòng súng dài 1,9 m, khối lượng 260 kg và tầm bắn tối đa 9,2 km.

Phiên bản pháo cối tự hành này xuất hiện lần đầu tại triển lãm Eurosatory 2010.

[BDV news]


>> Nhà giàn DK: Cột mốc chủ quyền trên biển



Đây là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...


22 năm qua tại vùng biển của Tổ quốc, những cơn sóng cao từ 13m đến 15m, có sức tàn phá khủng khiếp đã đánh đổ, nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực. 13 cán bộ chiến sĩ chốt giữ nhà giàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Nhiều người phải lênh đênh trôi dạt trên biển hàng chục giờ trong cái nắng cháy da, cái đói, cái rét thấu xương. Thế nhưng, nhà giàn này đổ lại có nhà giàn khác được xây lên, lớp trước ngã xuống lại có lớp sau tiếp bước. Đó là sự hình dung ngắn gọn nhất về những nhà giàn DK1 ở vùng biển thềm lục địa - những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.


Nhà giàn sừng sững trên biển Đông khẳng định chủ quyền Tổ quốc.


22 năm qua, với việc dựng lên những nhà giàn DK1 hiên ngang giữa trùng khơi sóng gió, người Việt hôm nay tiếp tục dựng lên những cột mốc chủ quyền mà mọi thế hệ người Việt đã dựng xây và gìn giữ. Lòng yêu nước của người Việt xuyên qua mọi thời gian, chưa bao giờ vơi cạn.

Ở vào thời điểm này, càng thấy ý nghĩa cực kỳ quan trọng của dấu mốc. Ngày 5/7/1989 - ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định dựng nhà giàn. Quyết định đó đã thể hiện tầm nhìn xa trong việc xác lập chủ quyền của Tổ quốc.

"Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi - Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu..."

Đoạn văn trên được trích từ cuốn Đảo Chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa và vị Tư lệnh được nhắc đến trong đó là Tư lệnh Giáp Văn Cương - Tướng chỉ huy Hải quân duy nhất cho đến nay được phong hàm Đô đốc ở Việt Nam và là người mà khi nhắc đến những cột mốc chủ quyền trên Biển Đông không thể không nhắc đến tên ông. Cũng như trong ký ức của rất nhiều người, ông là "vị tướng của Trường Sa", của Nhà giàn.



Đô đốc Giáp Văn Cương.


Nhiều người đã nói đến "tầm nhìn Giáp Văn Cương", "ý chí Giáp Văn Cương" trong việc phòng thủ Trường Sa và khai sinh những nhà giàn DK1 ngày đêm bảo vệ thềm lục địa phía Nam.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Lê Kế Lâm (nguyên Tham mưu phó tác chiến Quân chủng Hải quân): "Nếu không có tầm nhìn và sự quyết đoán trong hành động của Đô đốc Giáp Văn Cương, Trường Sa có thể khó khăn hơn bây giờ, không toàn vẹn như bây giờ".

Ở vào thời kỳ ấy, vị Tư lệnh với tầm nhìn của mình đã sớm dự báo: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân Việt Nam".

Và kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa trong 2 năm 1986 - 1987 mà ông đề xuất với Bộ Chính trị là nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi, đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay, đưa quân ra những đảo chìm thuộc chủ quyền VN nhưng chưa có quân đồn tru, và cùng với đó là các nhà giàn ra đời.

22 năm qua, bao thế hệ cán bộ chiến sĩ đã sống trong những nhà giàn chỉ vài chục đến 100 m2, thiếu thốn đủ bề, gian khổ đủ bề. Không ai quên trận bão số 8 năm 1998, Nhà giàn DK1 cụm Phúc Nguyên bị bão cuốn phăng, 9 chiến sĩ bị cuốn trôi giữa biển, tàu trực chiến chỉ cứu được 6 người, 3 chiến sĩ chìm vào biển cả...

Có một nhà văn bảo rằng có một Nghĩa trang ở trong lòng biển, không tượng đài, bia mộ. Rộng dài hàng trăm hải lý, hồn thiêng các anh qui tụ ở chỗ nào?

Trên một vùng thềm lục địa thiêng liêng đã được xác lập chủ quyền của Tổ quốc, đang hiên ngang những cột mốc mang tên Nhà giàn DK1. Và cũng như mọi cột mốc chủ quyền ở khắp các dải biên cương, những người lính vẫn đang trụ bám, trông coi, gìn giữ.

Họ - những người lính hải quân quanh năm sống trong những nhà giàn DK1 vài chục m2, xung quanh là trời, là biển, là kẻ thù nhòm ngó, là gió, là bão, là bất kể lúc nào cũng có thể hi sinh...

Cho nên, giá mà bớt cho họ những thiếu thốn không đáng có khác như thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh thì tốt biết bao nhiêu. (Gần đây nhờ chương trình Chung tay thắp sáng Nhà giàn DK1 do báo Tuổi trẻ khởi xướng nên các nhà giàn không còn cảnh thiếu điện suốt đêm).

[BDV news]


>> Hạ thủy tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 9003



Ngày 18/7 tại Đà Nẵng, Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) đã bàn giao và hạ thủy thành công tàu kéo cứu hộ mang số hiệu CSB 9003 cho Cục Cảnh sát Biển Việt Nam.

Tàu CSB 9003 do Tập đoàn Damen-Hà Lan thiết kế. Đây là con tàu thứ 3 do Công ty Sông Thu đóng (trước đó là tàu CBS 9002 và CBS 9002), có công suất 3.500 CV, dài 52,4m, rộng 12m, chiều cao mạn 5,5m, lượng giãn nước 1.400 tấn.

Theo thiết kế, tàu có thể hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết, mọi cấp sóng với thời gian hoạt động liên tục 30 ngày đêm trên biển.



Tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 9003. Ảnh: baodanang


Việc đóng mới và cung cấp các tàu kéo cứu hộ công suất lớn cho lực lượng Cảnh sát Biển nhằm đáp ứng yêu cầu tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngư dân; tuần tra, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Dự kiến vào năm 2012, Công ty Sông Thu sẽ tiếp tục bàn giao tàu kéo cứu nạn khác mang số hiệu CBS 9004 cho cảnh sát biển Việt Nam.

[BDV news]


>> Trung Quốc nhập khẩu động cơ số lượng lớn



Trung Quốc đã ký tiếp một hợp đồng mới mua thêm 250 động cơ phản lực AI-222-25F từ Ukraine, để trang bị cho máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc sản xuất.


Ông Vyacheslav Boguslayev tổng giám đốc của nhà máy OJSC Motor Sich cho biết

“Chúng tôi đã ký một hợp đồng lớn với Trung Quốc cho động cơ phản lực AI-222-25F, đây là bước khởi đầu cho một cuộc hành trình dài trong khuôn khổ chương trình hợp tác của chúng tôi với nhà máy NPO Saturn”.

Theo Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu TSAMTO của Nga, trước đó Trung Quốc cũng đã ký một hợp đồng cung cấp 200 động cơ AI-222-25F.

Một số động cơ này đã được chuyển giao vào năm 2010, để trang bị trên mẫu thử nghiệm của máy bay huấn luyện L-15. Số động cơ còn lại được lên kế hoạch cho giai đoạn 2011-2013.

Hiện nay các công tác sửa đổi động cơ AI-222-25 thành động cơ AI-222-25F có đốt sau vào máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc sản xuất đang được tiếp tục.

Chuyến bay trình diễn đầu tiên của L-15 diễn ra vào ngày 20/10/2010. Đây là biến thể sửa đổi của mẫu thử nghiệm L-15 được trang bị động cơ phản lực có đốt sau, buồng lái cải tiến và một radar mới.



Gần như tất cả các mẫu máy bay của Trung Quốc đều phải nhập khẩu động cơ từ nước ngoài.


Thân của biến thể L-15 mới được kéo dài hơn để có thể lắp đặt một radar có ăng ten mảng pha từng giai đoạn. Buồng lái sửa đổi được trang bị thêm 3 màn hình hiển thị đa chức năng, phần đuôi và cánh tà được thiết kế lại bằng vật liệu composite.

Biến thể L-15 mới được trang bị 2 động cơ AI-222-25F có đốt sau của nhà máy OJSC Motor Sich. Một biến thể khác sử dụng một động cơ cũng sẳn sàng sản xuất trong năm 2011.

Động cơ AI-222-25F sửa đổi cung cấp lực đẩy có đốt sau lên đến 4200kg mỗi động cơ, máy bay huấn luyện L-15 được trang bị đông cơ này có khả năng đạt tốc độ đến Mach-1.6.

Động cơ có kích thước dài 2,2 mét, rộng 0,86 mét, cao 1,09 mét, tuổi thọ trung bình của động cơ là 3.000 giờ bay, trọng lượng rỗng 440kg. Động cơ AI-222-25F tích hợp khả năng điều khiển kỹ thuật số hoàn toàn FADEC, giúp giảm khối lượng công việc cho phi công bằng cách thực hiện các hoạt động máy lái tự động.

L-15 là mẫu máy bay huấn luyện cao cấp của Trung Quốc, thân máy bay được thiết kế với 25% vật liệu carbon composite. Tuổi thọ của máy bay khoảng 10.000 giờ bay hoặc 30 năm, dự định làm máy bay huấn luyện cao cấp cho phi công của các tiêm kích J-10, J-11 và một số máy bay khác.

Máy bay dài 12,27 mét, sải cánh 9,48 mét, trọng lượng cất cánh 9.800kg, trần bay 16,5km, tốc độ tối đa khoảng Mach-1,6. Theo các nhà thiết kế, chi phí của L-15 sẽ rẽ hơn nhiều so với các đối thủ.

Các nhà phân tích quân sự dự đoán L-15 sẽ là một đối thủ đầy tiềm năng trên thị trường xuất khẩu máy bay huấn luyện cao cấp. Sự phát triển của L-15 được cho là sao chép từ máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130 của Nga.

Như vậy có thể thấy rằng, từ máy bay chiến đấu cho đến máy bay huấn luyện, Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung động cơ phản lực từ nước ngoài, cụ thể là từ Nga và Ukraine. Một mẫu động cơ phản lực nội địa đủ mạnh và đáng tin cậy vẫn là niềm mơ ước chưa thành của người Trung Quốc.

[BDV news]


>> Mỹ - Trung vẫn căng thẳng sau chuyến thăm của ông Mullen



Chuyến thăm Trung Quốc của Đô đốc Mỹ Mike Mullen dường như đã "thành công tốt đẹp" ở phương diện đáp lễ chuyến thăm Mỹ của tướng Trần Bình Đức.


Sau khi rời Trung Quốc, ông Mike Mullen dường như "trắng tay" vì giữa 2 nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng, khoảng cách giữa các quan điểm vẫn còn nhiều chênh lệch. Thậm chí, chuyên gia Trung Quốc còn có những lời lẽ "tiễn khách" không mấy thân thiện.

Chuyến thăm của tướng Trần Bỉnh Đức, tới Mỹ vào tháng 5 và chuyến thăm của đô đốc Mullen tới Trung Quốc vào tháng 7 đã giúp cải thiện nhiều trong mối quan hệ quân sự giữa 2 nước, vốn căng thẳng sau công bố bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ vào đầu năm 2010.

Tuy nhiên, trong bài viết được đăng trên tờ Nhật Báo Trung Quốc số ra ngày 18/7/2011, tác giả Zhang Wenzong đến từ Viện Nghiên cứu Mỹ với Học viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho hay nhiều sự kiện liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông gần đây vẫn làm tồn tại những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.



Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, đô đốc Mullen có dịp đi thăm nhiều căn cứ quân sự của nước này.


Trong đó, tác giả Zhang Wenzong đề cập đến 3 cuộc xung đột chính giữa 2 bên liên quan đến biển Đông.

Đầu tiên, lập trường khác nhau về "định hướng tự do". Hai quốc gia vẫn không thống nhất được quan điểm về khái niệm “tự do hàng hải” (free navigation). Trung Quốc coi khái niệm “tự do hàng hải” chỉ có hiệu lực đối với các tàu thuyền thương mại còn Mỹ muốn mở rộng khái niệm này để áp dụng cho cả các chiến hạm làm nhiệm vụ tuần tra của mình.

Điều thứ 2, Mỹ củng cố sự hiện diện của nước này trong khu vực Đông Nam Á cũng như tổ chức các hoạt động chung với các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Các hành vi của Mỹ trong những thời điểm nhạy cảm có thể được xem như cách nước này chọn đứng về phe nào. Trong đó, phía Trung Quốc nhận định, hành động tập trận trong thời điểm nhạy cảm như trong thời điểm này có thể coi là Mỹ đặt sự ủng hộ vào một bên tranh chấp.

Điều thứ 3, Trung Quốc luôn quả quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền phải được thỏa thuận qua các cuộc đàm phán song phương, tuy nhiên, Mỹ và các bên còn lại quyết giữ vững lập trường phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, có sự giám sát của các tổ chức quốc tế.

Cũng trong bài viết của mình, tác giả Zhang Wenzong cũng tiếp tục lặp lại luận điệu nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam và Philippines đã xâm chiếm Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) nhưng với sức mạnh ngày càng tăng, Trung Quốc hy vọng sẽ duy trì và giành lại cái gọi là "quyền hợp pháp" của mình.

Zhang Wenzong còn cho rằng Mỹ có kế hoạch tập trung mối quan tâm chiến lược tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sử dụng vấn đề "tranh chấp lãnh thổ" làm lý do để nước này quay trở lại khu vực. Bài viết có đoạn: "Một số nước láng giềng Trung Quốc đã chọn giải pháp đứng về phía Mỹ".

Thực tế, với sức mạnh quân sự ngày một gia tăng, Trung Quốc muốn dùng điều này làm áp lực để hòng độc chiếm biển Đông nhưng sự hiện diện của các nước có quyền lợi kinh tế liên quan trong khu vực đã làm Bắc Kinh phải e dè.

Tác giả này cũng cho hay quân đội Trung Quốc đã quyết tâm tăng cường lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách đưa Đô đốc Mike Mullen đến thăm trụ sở chính của lực lượng Pháo binh số 2 (lực lượng tên lửa) ở Bắc Kinh, căn cứ không quân cũng như quân sự ở Quảng Đông và mời Đô đốc tham dự cuộc tập trận chống khủng bố của quân đội Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang.

Dù tỏ vẻ cởi mở để tăng cường niềm tin nhưng Trung Quốc vẫn giữ thái độ cương quyết với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, thậm chí, phải "tránh xa khu vực biển Đông". Bài viết của ông Zhang Wenzong có đoạn: "Bằng cách kết thúc tuần tra trinh sát, Mỹ sẽ kết thúc được vấn đề với Trung Quốc tận gốc và ngăn chặn bất kỳ khả năng bùng phát xung đột nào giữa hải quân và không quân của hai nước. "Là một quan chức có kinh nghiệm hoạt động hải quân tại Mỹ, Mullen chắc chắn có một sự hiểu biết sâu sắc về chiến lược hải quân, hải quân và an ninh hàng hải".

Cuối bài viết, tác giả Zhang Wenzong cũng cho hay trong thời đại toàn cầu hóa, Mỹ và Trung Quốc phải phụ thuộc vào nhau để cùng phát triển, sẽ là 1 thảm họa nếu bất kỳ xung đột nào xảy ra giữa 2 nước và sẽ là rất khó để 1 siêu cường như Mỹ chấp nhận sự nổi lên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một khi Mỹ nhận ra các hậu quả của cuộc đối đầu chiến lược và chấp nhận giá trị cốt lõi của 2 bên thì sẽ không có lý do cho hai bên để trở thành đối thủ. Nước Mỹ cần thông minh và tỉnh táo để tạo ra mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa 2 bên và quân đội 2 bên có thể nỗ lực để giúp 2 bên giành được "chiến thắng" này.

Trong thời đại toàn cầu hóa, Mỹ và Trung Quốc đều phải dựa vào nhau để duy trì sự phát triển của hai nước và cả thế giới. Vì thế, việc xung đột giữa hai quốc gia có thể là một thảm họa toàn cầu. "Có thể việc phát triển như vũ bão của Trung Quốc khiến Mỹ khó chịu, tuy nhiên, khi nước Mỹ nhận ra hậu quả của việc đối đầu với Trung Quốc và tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc thì sẽ không có lý do gì để hai bên trở thành kẻ thù của nhau. Hai nước cần bình tĩnh và sáng suốt để hai bên cùng có lợi và quân đội hai nước sẽ là lực lượng chủ chốt để đảm bảo điều đó", bài viết của ông Wenzong kết thúc với giọng điệu vừa dụ dỗ lôi kéo Mỹ "hợp tác" ảnh hưởng tới khu vực theo luật chơi của Trung Quốc, lại vừa có ý cảnh cáo nếu Mỹ không hùa theo Bắc Kinh.

[BDV news]


>> Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự 2011



Tạp chí Globalfire Power đã công bố bảng xếp hạng sức mạnh quân sự của 50 nước trên thế giới. Trong đó, có 11 quốc gia lần đầu được đưa vào danh sách, gồm: Ethiopia, Thụy Sĩ, Bỉ, Yemen, Jordan, Algeria, Qatar, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Malaysia và Singapore.


Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về sức mạnh và chi tiêu cho quân sự, tuy nhiên các vị trí còn lại đã có nhiều thay đổi so với đánh giá của năm 2010. Những chương trình phát triển vũ khí và hiện đại hóa quân đội của chính phủ Nga đã làm tăng sự đánh giá của GFP về sức mạnh lực lượng vũ trang này. Theo ,đó Nga đã lấy lại vị trí thứ 2 từ tay Trung Quốc và đẩy Trung Quốc xuống vị trí thứ 3.

Dù Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh cho quốc phòng, phát triển nhiều hệ thống vũ khí mới trong đó phải kể đến sự xuất hiện của mẫu thử nghiệm tiêm kích J-20 và tàu sân bay Thi Lang sắp hoàn thành, tuy nhiên, GFP đánh giá khá thấp sức mạnh chiến đấu của PLA.

Nếu đem so với bản đánh giá của năm 2009, vị trí của Ấn Độ tăng đến 4 bậc, cụ thể là Ấn Độ đã chiếm vị trí thứ 4 của Anh. Chương trình cắt giảm quốc phòng quy mô lớn của Anh đã đẩy sức mạnh quân sự và khả năng chiến đấu của đảo quốc sương mù xuống vị trí thứ 5.

Cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đánh giá về sức mạnh quân sự của các nền kinh tế khu vực đồng euro. Những thành công gần đây của nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa sức mạnh quân sự của họ chiếm vị trí thứ 6 từ tay của Pháp. Pháp tụt xuống vị trí thứ 8, trong khi đó Đức tụt xuống đến vị trị thứ 13. Thậm chí Italy còn tụt xuống đến vị trí thứ 17.

Bảng xếp hạng năm 2011 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền quân sự khu vực châu Á. Theo đó, Hàn Quốc đã leo lên vị trí thứ 7. Nhật Bản do ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần nên bị tụt xuống vị trí thứ 9.

Bảng xếp hạng năm nay cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Israel, so với năm 2009, Israel tăng đến 7 bậc từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 10.

Trong bảng xếp hạng năm nay khu vực ASEAN có 5 quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Phillippine, Thái Lan, Singapore. Theo đánh giá của GFP, sức mạnh quân sự của Indonesia là cao nhất. Cụ thể Indonesia đứng ở vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng, tiếp theo là Thái Lan vị trí thứ 19.

Phillippines ở vị trí thứ 23, Malaysia ở vị trí thứ 27, Singapore. Điều đáng nói, dù là quốc gia có chi tiêu cho quân sự lớn nhất khu vực ASEAN, nhưng GFP chỉ xếp Singapore ở vị trí thứ 41 về sức mạnh chiến đấu.

Bảng danh sách của GFP dựa trên nhiều chỉ tiêu khác nhau và từ nhiều nguồn khác nhau, thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí, sự phát triển của các hệ thống vũ khí tại quốc gia sở tại, chi tiêu cho quân sự, quân số có trong biên chế, sức mạnh chiến đấu...

Mặc dù GFP cho rằng bản đánh giá của họ là không thiên vị nhưng đây là một bản đánh giá mang nhiều tính chủ quan. Bởi vũ khí trang bị, chi tiêu cho quân sự, quân số không hoàn toàn đánh giá được hết năng lực chiến đấu của quân đội nước đó.


Danh sách xếp hạng của GFP.


[BDV news]


Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

>> Hải quân Nga không cần tên lửa bờ biển chiến thuật?



Sau khi hoàn tất phát triển và bắt đầu sản xuất loạt các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển Bastion và Bal, Nga đã trở thành nước dẫn đầu trên thị trường thế giới về lĩnh vực các hệ thống vũ khí này.





“Hải quân Liên bang Nga đang cực kỳ cần có các hệ thống vũ khí hiện đại
để chống các mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ và trung bình” (Andrei Sedykh)


Hải quân Nga chỉ mua sắm và trang bị hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion dùng để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước cỡ lớn và xem nhẹ việc mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật Bal kém uy lực hơn. Xét tới thực tế là xung đột cục bộ ở các vùng ven bờ nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc chiến quy mô lớn thì chính sách đó của Hải quân Nga xem ra là kém nhìn xa trông rộng.

Các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển hiện đại là các hệ thống vũ khí khá mạnh, có khả năng không chỉ giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển mà còn tiêu diệt các mục tiêu trên biển ở cự ly cách bờ hàng trăm kilômet. Thường được trang bị các phương tiện chỉ thị mục tiêu dành riêng, có khả năng hoạt động và cơ động cao, hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại có độ bền vững chiến đấu cao và khó bị tổn thương kể cả khi đối phó với kẻ địch ghê gớm nhất. Các bối cảnh đó là một trong những nguyên nhân của sự chú ý bùng nổ mà ta chứng kiến trên thị trường vũ khí thế giới đối với các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới. Khả năng đang được tạo ra nhằm sử dụng các hệ thống tên lửa bờ biển làm vũ khí tên lửa tấn công mặt đất chính xác cao cũng tạo ra thêm những triển vọng mới.
Các hệ thống vũ khí chủ yếu của nước ngoài

Hiện nay, trên thị trường thế giới có mặt nhiều hệ thống tên lửa bờ biển, được trang bị hầu như tất cả các loại tên lửa chống hạm.

Harpoon (Boeing, Mỹ): Mặc dù phổ dụng trên thế giới, tên lửa chống hạm này chỉ được sử dụng cho hệ thống tên lửa bờ biển ở một số ít quốc gia: Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ai Cập và Hàn Quốc. Riêng Đan Mạch tự chế tạo hệ thống tên lửa bờ biển bằng cách sử dụng lại các bệ phóng tên lửa Harpoon gỡ từ các frigate bị loại bỏ vào đầu thập niên 1990.

Exocet (MBDA, Pháp): các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm thế hệ 1 Exocet ММ38 trước đây từng có trong trang bị của Anh (hệ thống Excalibur ở Gibraltar, năm 1994 được bán cho Chile) và Argentina (kiểu cải tiến, được sử dụng trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982), hiện được sử dụng ở Chile và Hy Lạp. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng các tên lửa hiện đại hơn Exocet ММ40 hiện có trong trang bị của Hy Lạp, Síp, Qatar, Thái Lan, Saudi Arabia (được chuyển giao vào nửa cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990) và ở Chile (tự sản xuất).

Otomat (MBDA, Italia) được sử dụng cho các hệ thống tên lửa bờ biển chuyển giao trong thập niên 1980 cho Ai Cập và Saudi Arabia.

RBS-15 (Saab, Thụy Điển): Hệ thống này ở biến thể bờ biển RBS-15K hiện có trong trang bị của Thụy Điển và Phần Lan (được chuyển giao trong thập niên 1980), còn ở Croatia, tên lửa chống hạm RBS-15 đang được sử dụng trong thành phần hệ thống tên lửa bờ biển nội địa MOL vốn được phát triển trong thập niên 1990. Saab đang tiếp tục tiếp thị hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng biến thể tên lửa mới nhất RBS-15 Mk 3.

RBS-17 (Saab, Thụy Điển) - biến thể cải tiến của tên lửa chống tăng Mỹ Hellfire. Sử dụng các bệ phóng hạng nhẹ trên bờ hiện có trong trang bị của Thụy Điển và Nauy.

Penguin (Kongsberg, Nauy): Từ những năm 1970, tên lửa chống hạm này được sử dụng cho các bệ phóng cố định của lực lượng phòng thủ bờ biển Nauy. Hiện nay, hệ thống này đã lạc hậu và đang bị loại khỏi trang bị.

NSM (Kongsberg, Nauy): Tên lửa chống hạm mới của Nauy, được chào bán cả dưới dạng một biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động. Cuối năm 2008, Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 145 triệu USD để mua 1 tiểu đoàn tên lửa bờ biển NSM, chuyển giao năm 2012. Đây là hợp đồng đầu tiên được biết đến mua bán hệ thống tên lửa bờ biển của Tây Âu trong một thập kỷ gần đây. Sau này, có thể cả Nauy cũng mua biến thể tên lửa bờ biển NSM.

SSM-1A (Mitsubishi, Nhật Bản): Tên lửa chống hạm của Nhật, trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Type 88 của Nhật và không được xuất khẩu.

Hsiung Feng (Hùng Phong, Đài Loan): Họ tên lửa chống hạm mà Đài Loan sử dụng trong các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động và tĩnh tại cùng tên để phòng thủ bờ biển từ những năm 1970. Biến thể đầu tiên của tên lửa bờ biển này là Hsiung Feng I (HF-I) được chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm cải tiến Gabriel Mk 2 của Isael.

Từ năm 2002, Đài Loan nhận vào trang bị hệ thống tên lửa bờ biển dạng cơ động HF-II, sử dụng tên lửa tầm xa hơn do Đài Loan phát triển. Sau này, không loại trừ khả năng Đài Loan chế tạo hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm tối tân nhất của Đài Loan là HF-III. Các hệ thống này không được xuất khẩu.

HY-2 (Trung Quốc): Tên lửa chống hạm Trung Quốc (còn gọi là С-201), là mẫu cải tiến của tên lửa P-15 ra đời trong những năm 1960 của Liên Xô. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng HY-2 từ thập niên 1960 đã cấu thành nền tảng lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc, đồng thời được xuất khẩu sang Iraq, Iran, CHDCND Triều Tiên và Albania.

HY-4 (Trung Quốc): Biến thể cải tiến của HY-2, sử dụng động cơ turbine phản lực, được sử dụng trong lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc từ thập niên 1980. Sau năm 1991, các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng HY-4 đã được bán cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các mẫu tương tự tên lửa này dùng cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển được sản xuất ở Iran (có tên là Raad) và Triều Tiên (Mỹ đặt tên là AG-1 và KN-01). Tên lửa này nay đã quá lạc hậu.

YJ-62 (Trung Quốc), còn gọi là С-602 - biến thể chống hạm của họ tên lửa hành trình hiện đại СJ-10, tương tự Tomahawk của Mỹ. Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động С-602 được đưa vào trang bị trong những năm gần đây và là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển chủ lực. Hiện chưa có thông tin về việc xuất khẩu tên lửa này.

YJ-7 (Trung Quốc) - họ tên lửa chống hạm hạng nhẹ hiện đại, bao gồm các tên lửa từ С-701 đến С-705. Iran đang sản xuất theo giấy phép С-701 với tên gọi Kosar, kể cả biến thể tên lửa bờ biển, và С-704 với tên gọi Nasr.

YJ-8 (Trung Quốc) - dòng tên lửa đối hạm hiện đại của Trung Quốc, bao gồm các tên lửa С-801, С-802 và С-803. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng С-802 hiện có trong trang bị của Trung Quốc, năm 1990-2000 được cung cấp cho Iran và theo một số nguồn tin là cho cả CHDCND Triều Tiên.

Có tin Thái Lan hiện đang dự định mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển này. Iran đã tổ chức sản xuất theo giấy phép tên lửa С-802 với tên Noor, các hệ thống tên lửa bờ trang bị tên lửa này đã được chuyển giao cho Syria và tổ chức Hezbollah ở Lebanon và đã được Hezbollah sử dụng trong cuộc chiến tranh Israel-Lebanon năm 2006.

Tình hình phát triển tên lửa bờ biển ở Liên Xô và Nga

Thời Liên Xô

Liên Xô thường rất chú ý đến việc nghiên cứu chế tạo các hệ thống tên lửa bờ biển, bởi vì chúng được xem là phương tiện phòng thủ bờ biển quan trọng trong điều kiện phương Tây chiếm ưu thế về hải quân. Đặc biệt, Liên Xô chế tạo các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng không chỉ các tên lửa chống hạm chiến thuật mà cả tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm bắn trên 200 km.

Năm 1958, hệ thống tên lửa bờ biển cơ động đầu tiên của Liên Xô là 4К87 Sopka với tên lửa S-2 có tầm bắn đến 100 km (chi nhánh phân Viện thiết kế OKB-155, nay là MKB Raduga thuộc công ty “Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật [KTRV]ư, phát triển). Các tên lửa này đã được sử dụng cả cho các hệ thống tên lửa bờ biển cố định, kiên cố Strela (Utes), được xây dựng ở các hạm đội Biển Đen và Phương Bắc. Hệ thống Sopka là nền tảng lực lượng tên lửa-pháo bờ biển Liên Xô trong thập niên 1960 và được cung cấp cho nhiều nước thân hữu, nhưng đã bị loại bỏ hoàn toàn trong thập niên 1980.







Hệ thống tên lửa bờ biển Rubezh


Để thay thế hệ thống Sopka, Viện thiết kế chế tạo máy KGM ở Kolomna đã phát triển và đưa vào trang bị của Hải quân Liên Xô vào năm 1978 hệ thống tên lửa bờ biển cơ động 4К40 Rubezh, sử dụng loại tên lửa chống hạm phổ dụng của hải quân là P-15М có tầm bắn đến 80 km của Viện MKB Raduga.

Hệ thống Rubezh hoàn toàn tự hoạt và có bệ phóng và radar chỉ thị mục tiêu Garpun được lắp tích hợp trên cùng một xe ô tô (khung gầm MAZ-543М) theo đúng khái niệm “xuồng tên lửa trên bánh xe”.

Rubezh đã được hiện đại hóa trong thập niên 1980 và đến nay vẫn là hệ thống tên lửa bờ biển chủ lực của Hải quân Nga.

Trong thập niên 1980, biến thể xuất khẩu Rubezh-E đã được cung cấp cho CHDC Đức, Ba Lan, Rumani, Bulgaria, Nam Tư, Algeria, Libya, Syria, Yemen, Ấn Độ, Việt Nam và Cuba.


Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa hưởng một số hệ thống này, còn sau khi Nam Tư tan vỡ, các hệ thống Rubezh-E của họ thuộc quyền sở hữu của Montenegro và được nước này bán cho Ai Cập vào năm 2007.

Hiện nay, Rubezh được xem là đã lạc hậu hoàn toàn.

Liên Xô đã phát triển hệ thống tên lửa bờ biển 4К44B Redut trang bị tên lửa siêu âm P-35B có tầm bắn đến 270 km của OKB-52 (Nay là công ty NPO Mashinostroenia) với tư cách hệ thống cấp chiến dịch-chiến thuật cho Hải quân Liên Xô và đã nhận vào trang bị vào năm 1966.

Hệ thống sử dụng khung gầm cơ bản BAZ-135MB.



Hệ thống tên lửa bờ biển Redut


Sau này, Redut được hiện đại hóa và sử dụng tên lửa hiện đại hơn là 3M44 của hệ thống Progress vốn được nhận vào trang bị vào năm 1982 thay cho tên lửa P-35B.

Các hệ thống tên lửa bờ biển cố định Utes cũng được trang bị các tên lửa P-35B, sau đó là 3М44.

Trong thập niên 1980, các hệ thống Redut-E được cung cấp cho Bulgaria, Syria và Việt Nam.

Trong Hải quân Nga, Syria và Việt Nam, các hệ thống này tuy đã lạc hậu, song đến nay vẫn còn trong trang bị, trong đó các hệ thống của Việt Nam sau năm 2000 đã được hãng NPO Mashinostroenia hiện đại hóa theo chương trình Modern.

Hiện nay

Trong những năm 1980, để thay thế các hệ thống Redut và Rubezh, Liên Xô đã bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới sử dụng các tên lửa chống hạm tương lai (đó là các hệ thống Bastion và Bal), tuy nhiên do Liên Xô sụp đổ, mãi gần đây Nga mới hoàn thành các hệ thống này. Sau khi bắt đầu sản xuất loạt các hệ thống này, Nga đã trở thành nước dẫn đầu trên thị trường hệ thống tên lửa bờ biển và rõ ràng là sẽ giữ được ưu thế này trong thập niên tới, nhất là khi xét đến khả năng xúc tiến ra thị trường các hệ thống còn hiện đại hơn là Club-M và Bal-U.

Hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion do NPO Mashinostroenia phát triển sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm mới dòng 3М55 Oniks/Yakhont có tầm bắn đến 300 km. Hệ thống được chào bán dưới dạng cơ động (K300P Bastion-P) và cố định (Bastion-S), khi xuất khẩu hệ thống được trang bị tên lửa K310 Yakhont có tầm bắn đến 290 km.

Một hệ thống (tiểu đoàn) Bastion-P được biên chế 4 xe bệ phóng sử dụng khung gầm MZKT-7930 (mỗi bệ lắp 2 tên lửa), 1 xe điều khiển, cũng như có thể bố sung thêm các xe chỉ thị mục tiêu trang bị radar Monolit-B và các xe tiếp đạn.



Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion


Năm 2006, Nga đã ký các hợp đồng bán 1 tiểu đoàn Bastion-P cho Việt Nam (giá khoảng 150 triệu USD) và 2 tiểu đoàn cho Syria (gần 300 triệu USD), đồng thời hợp đồng với Việt Nam cũng hầu như bù đắp chi phí cho phần nghiên cứu hoàn tất. Hệ thống Bastion-P với tên lửa yakhont đã được NPO Mashinostroenia chuyển giao cho cả hai khách hàng vào năm 2010.

Năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với NPO Mashinostroenia hợp đồng cung cấp 3 hệ thống 3K55 Bastion-P với các tên lửa Oniks/Yakhont để trang bị cho Lữ tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, đóng ở khu vực Anapa. Cuối năm 2009-đầu năm 2010, lữ đoàn này được biên chế 2 hệ thống Bastion-P (trong cơ cấu quân đội Nga “diện mạo mới” chúng được gọi là các đại đội và được sát nhập thành 1 tiểu đoàn trong biên chế lữ đoàn), còn năm 2011, lữ này sẽ nhận hệ thống (đại đội) thứ ba.

Dự kiến hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật Rubezh trong Bộ đội tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga sẽ được thay thế bằng hệ thống tên lửa bờ biển cơ động 3К60 Bal sử dụng tên lửa chống hạm dưới âm, cỡ nhỏ 3М24 Uran có tầm bắn đến 120 km do hãng FGUP KB Mashinostroenia (nhà thầu chính) và các xí nghiệp thuộc KTRV nghiên cứu chế tạo.

Hệ thống Bal được biên chế 4 xe bệ phóng 3S60 lắp trên khung gầm MZKT-7930 (mỗi xe lắp 8 tên lửa); 2 đài điều khiển và liên lạc (SKPUS) với radar chỉ thị mục tiêu Garpun-Bal, lắp trên cùng loại khung gầm; 4 xe tiếp đạn. Tổng cơ số đạn tên lửa của hệ thống sẽ là 64 quả tên lửa chống hạm.

Để thử nghiệm và hoàn thiện, Nga đã sản xuất 1 hệ thống Bal ở cấu hình tối thiểu (1 xe SKPUS, 2 bệ phóng và 1 xe tiếp đạn), đã hoàn thành tốt đẹp thử nghiệm nhà nước vào mùa thu năm 2004. Hệ thống này được chuyển giao cho Hải quân Nga sử dụng thử và đang nằm trong biên chế Lữ đoàn tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, mặc dù nó không có cơ số đạn tên lửa 3М24. Mặc dù được chính thức nhận vào trang bị vào năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa ký các hợp đồng sản xuất loạt hệ thống Bal. Biến thể xuất khẩu của hệ thống là Bal-E trang bị tên lửa xuất khẩu 3M24E đang được chào bán ra nước ngoài, nhưng cũng chưa có hợp đồng xuất khẩu hệ thống này được ký kết, mặc dù nhiều nước tỏ ra quan tâm đến Bal-E.



Hệ thống tên lửa bờ biển Club-M


Một hệ thống tên lửa bờ biển khác do OKB Novator (thuộc Tập đoàn phòng hông Almaz-Antei) đề xuất là hệ thống cơ động Club-M sử dụng các tên lửa hành trình họ Club (Kalibr) là 3М14E, 3М54E và 3М54E1 với tầm bắn đến 290 km. Hệ thống đang được chào bán xuất khẩu ở dạng cơ động, sử dụng các loại khung gầm khác nhau mang 3-6 tên lửa trên một bệ phóng (kể cả dạng container), nhưng hiện chưa có đơn đặt hàng mua các hệ thống này.

Một thiết kế khác được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2006 là biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động của loại tên lửa hạm-đối-hạm xuất khẩu nổi tiếng Moskit-E, trang bị tên lửa siêu âm 3М80E tầm bắn đến 130 km của KTRV (MKB Raduga). Các nhược điểm của hệ thống này là sự cồng kềnh của các tên lửa không còn là mới nữa và tầm bắn không đủ xa. Hệ thống tên lửa bờ biển Moskit-E cũng chưa có khách hàng.

Triển vọng trang bị cho Hải quân Nga

Được xem là hệ thống tên lửa bờ biển tương lai cơ bản của Hải quân Nga là hệ thống vạn năng Bal-U đang được phát triển với NPO Mashinostroenia là nhà thầu chính, dự kiến sử dụng các dòng tên lửa Oniks/Yakhont và Kalibr (có khả năng thay thế lẫn nhau) phối hợp với các phương tiện chỉ thị mục tiêu mới. Rõ ràng là trong khi chờ đợi hệ thống Bal-U sẵn sàng, Bộ Quốc phòng Nga không chịu đặt mua thêm các hệ thống tên lửa bờ biển Bastion và không mua sắm các hệ thống Bal với tên lửa 3М24.

Cần lưu ý là nếu nhận vào trang bị hệ thống Bal-U làm hệ thống tiêu chuẩn của các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga thì toàn bộ vũ khí tên lửa của ác đơn vị này đều là các hệ thống chiến dịch-chiến thuật. Và trong mọi tình huống, người ta sẽ sử dụng các tên lửa chống hạm uy lực mạnh, cực kỳ đắt tiền (với đầu đạn hạng nặng), siêu âm (ở trường hợp hệ thống Kalibr là với tầng siêu âm), dùng để tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn.
Về nguyên tắc, Hải quân Nga sẽ không có các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật. Lựa chọn đó khó có thể coi là tối ưu cả từ giác độ quân sự, lẫn kinh tế.

Một khi xảy ra cuộc xung đột quy mô lớn thực sự, khó có khả năng các tàu chiến lớn của đối phương (ví dụ các tàu tuần dương và khu trục Mỹ trang bị hệ thống AEGIS, chứ chưa nói đến các tàu sân bay) xuất hiện trong vùng biển ven bờ biển Nga, tức là tự đặt mình vào tầm bắn của tên lửa bờ biển Nga. Đã qua từ lâu cái thời của phong tỏa đường biển gần, còn việc tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa hành trình phóng từ biển của Hải quân Mỹ sẽ chỉ có thể thực hiện từ cự ly cách khá xa bờ, nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa bờ biển hiện có của Nga. Rõ ràng là, các cụm tàu sân bay chiến đấu và tàu chiến lớn của đối phương chỉ có thể tiến vào vùng biển gần của Nga sau khi đối phương giành được ưu thế hoàn toàn trên biển và trên không và chỉ sau khi tiêu diệt được các lực lượng phòng thủ bờ biển bằng vũ khí hàng không chính xác cao và tên lửa hành trình trong một chiến dịch tác chiến không-hải.

Những cũng phải nói rằng, tầm bắn khá xa vốn được coi là một trong những ưu điểm chính của các hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật, sẽ khó đạt được một khi đối đầu với một địch thủ mạnh hơn do khó bảo đảm chỉ thị mục tiêu ở khoảng cách xa. Đối phương nếu như không ngăn chặn phá vỡ thì cũng sẽ gây khó khăn tối đa cho việc chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống tên lửa bờ biển ở cự ly xa được bảo đảm bằng các phương tiện bên ngoài.

Ở phương án tồi tệ nhất, các hệ thống tên lửa bờ biển sẽ chỉ còn cách dựa vào các phương tiện radar của mình mà tầm hoạt động bị hạn chế bởi đường chân trời radar, tức là triệt tiêu các ưu thế mong đợi khi ta sử dụng các tên lửa tầm xa, đắt tiền.

Như vậy, các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chiến dịch-chiến thuật uy lực lớn, vốn định hướng để dùng chủ yếu trong các cuộc xung đột quy mô lớn chống các mục tiêu trên biển cỡ lớn và “công nghệ cao”, trên thực tế trong điều kiện xung đột như vậy sẽ vấp phải những hạn chế lớn về hiệu quả và hoàn toàn có khả năng là sẽ không thể hiện thực hóa đầy đủ tiềm lực chiến đấu của mình. Việc sử dụng các tên lửa Oniks để bắn các mục tiêu nhỏ trên biển trong các cuộc xung đột hạn chế rõ ràng là không hợp lý.

Trong khi đó, sự phát triển hiện nay của hải quân các nước láng giềng của Nga, cũng như các xu hướng tiến triển chung của các phương tiện chiến đấu hải quân nước nông cho ta căn cứ để dự đoán các phương tiện chiến đấu nhỏ (trong đó có các xuồng chiến đấu cỡ nhỏ và trong tương lai là các phương tiện chiến đấu không người lái) sẽ có vai trò gia tăng khi tác chiến ở vùng biển gần. Kể cả Hải quân Mỹ cũng chú ý ngày càng nhiều hơn đến việc phát triển các phương tiện đó. Như vậy, trong các vùng biển ven bờ của Nga, kịch bản căn bản có khả năng nhất đối với Hải quân Nga có vẻ không phải là sự hiện diện của “một số lượng nhỏ các mục tiêu lớn” mà là sự hiện diện của “một số lượng lớn các mục tiêu nhỏ”. Rõ ràng là Hải quân Nga đang rất cần các hệ thống vũ khí để đối phó với các mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ và trung bình ở vùng biển gần, đặc biệt là ở các biển nội địa.

Một trong các hệ thống vũ khí chính để giải quyết loại nhiệm vụ đó phải là các tên lửa chống hạm dưới âm, cỡ nhỏ, rẻ tiền. Nga hiện có một hệ thống tên lửa đối hạm rất thành công và tin cậy là Uran với các tên lửa 3М24, cũng như biến thể bờ biển của nó là Bal.

Coi nhẹ việc mua sắm các hệ thống này cả dạng triển khai trên hạm tàu lẫn trên bờ là hoàn toàn không nhìn xa, trông rộng.

Việc tái định hướng Hải quân Nga sang đối phó với không chỉ các lực lượng lớn, mà cả các lực lượng nhỏ và xuồng (ít ra là ở Biển Đen, biển Baltic và biển Nhật Bản) phải được phản ánh trong việc xây dựng tất cả các binh chủng và lực lượng của Hải quân Nga, cả lực lượng hạm tàu, lẫn không quân hải quân và các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển. Với lực lượng tên lửa-pháo bờ biển, tối ưu nhất là kết hợp mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion-P và Bal-U với các tên lửa chống hạm uy lực mạnh và tốc độ cao Oniks và các hệ thống chiến thuật Bal với các tên lửa như Uran.

Cũng cần chỉ ra là giá của một quả tên lửa Oniks/Yakhont 3М55 đắt hơn một quả tên lửa Uran 3М24 khoảng 3-4 lần. Một đại đội tên lửa bờ biển Bastion-P với cơ số đạn tiêu chuẩn 16 tên lửa có giá gần tương đương (đúng ra là đắt hơn) một đại đội tên lửa bờ biển Bal với cơ số đạn tiêu chuẩn 64 tên lửa. Đồng thời, nếu để gây “tắc nghẽn” cho các kênh mục tiêu của các hệ thống phòng không hạm tàu hiện đại, thì một loạt 32 quả tên lửa dưới âm sẽ hiệu quả hơn là một loạt 8 quả tên lửa siêu âm.

Trên thực tế, giá cả cao của các hệ thống Bastion và Bal-U chắc chắn sẽ hạn chế việc mua sắm chúng hoặc kéo dài hơn thời gian chuyển giao chúng. Kết quả là nếu hải quân Nga không mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật thì các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga sau cả một thập kỷ nữa vẫn sẽ được trang bị chủ yếu là các hệ thống Redut và Rubezh, vốn sẽ hoàn toàn trở thành các “hiện vật trưng bày bảo ràng” vào lúc đó với hiệu quả chiến đấu không đáng kể. Cũng phải thấy rằng, tên lửa 3М24, như việc hiện đại hóa tên lửa này gần đây cho thấy, có tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho phép với chỉ phí không lớn nâng cao đáng kể tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng các hệ thống vũ khí tên lửa trang bị các tên lửa này.

[BDV news]


>> Hồ sơ cụm tàu sân bay chiến đấu Trung Quốc (kỳ 2)



Việc xây dựng năng lực phòng không hạm đội và chống ngầm đã hoàn thành, tuy nhiên việc xây dựng hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay đang gặp nhiều vấn đề nan giải.

Xây dựng hạt nhân của nhóm tác chiến

Với nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu sân bay chính là hạt nhân của nhóm quan trọng. Tàu sân bay vừa là nơi cất hạ cánh vừa là nhà chứa bảo quản và sửa chửa cho máy bay, cũng là nơi tiếp tế nhiên liệu, đạn dược cho các máy bay. Sau cùng, là khu nghỉ ngơi cho các phi công sau những giờ bay căng thẳng.

Có thể nói, tàu sân bay chính là một căn cứ không quân di động với đầy đủ trang thiết bị và hạ tầng cơ sở kỹ thuật cần thiết. Điều quan trọng hơn cả, không thể gọi một nhóm tác chiến là nhóm tác chiến tàu sân bay nếu thiếu vắng sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm.



Hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc chưa thể thử nghiệm vì những lý do không rõ ràng.


Để hiện thực hóa cho tham vọng sở hữu nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc đã mua lại một tàu sân bay hạng nhẹ bị loại khỏi biên chế của Hải quân Hoàng gia Australia trong những năm 1980 để nghiên cứu.

Đến những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đàm phàn và mua lại tàu sân bay đóng dở dưới thời Liên Xô là chiếc tàu sân bay Varyag, thuộc sở hữu của Ukraine.

Năm 2004, Trung Quốc chính thức kéo tàu sân bay đóng dở này về cảng Đại Liên và hồi sinh. Trước khi được bán cho Trung Quốc tàu sân bay Varyag đã hoàn thành cơ bản phần khung, chỉ thiếu vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử.

Công việc cải tạo tàu sân bay này có vẽ như đang diễn ra một cách hết sức thuận lợi, khi Trung Quốc đã phát triển một hệ thống radar mảng pha đa chức năng mới cho tàu sân bay này.

Cùng với đó, Trung Quốc đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống vũ khí cho tàu sân bay Varyag. Tàu sân bay này đã khoác lên mình một tấm áo mới cùng với một cái tên đầy ẩn ý là Thi Lang, tên 1 nhân vật lịch sử giúp vua triều Thanh của Trung Quốc chiếm Đài Loan.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc đã gặp phải một bài toán hết sức nan giải. Để đóng động cơ cho tàu sân bay, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thiếu những công nghệ cần thiết, nhất là bài toán chế tạo động cơ tuabin khí và tuabin hơi nước, và động cơ diesel đủ mạnh.

Bởi hệ thống động lực có thể đẩy được chiến hạm có lượng giãn nước hàng chục ngàn tấn hoàn toàn khác với hệ thống tương tự ở các tàu cỡ nhỏ. Nếu không có được động cơ đẩy đủ mạnh, tàu sân bay Thi Lang sẽ không đạt được tốc độ cần thiết để có thể hoạt động một cách hiệu quả.

Bất chấp những khó khăn chưa thể giải quyết, Trung Quốc đã chính thức công bố việc đóng tiếp 1 tàu sân bay nội địa. Điều đó cho thấy, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc xây dựng 1 nhóm tác chiến tàu sân bay, dù theo tuyên bố của giới lãnh đạo Quân đội Trung Quốc, Thi Lang chỉ để luyện tập.

Phát triển tiêm kích trên hạm

Nếu tàu sân bay là hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay, tiêm kích trên hạm sẽ là quân xung kích của nhóm này.

Tiêm kích trên hạm, cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay cho phép chiếm ưu thế trên không trong các cuộc giao tranh, tiến hành các cuộc tiến công phủ đầu chớp nhoáng ở những vùng biển xa xôi và vào sâu bên trong đất liền.

Đây là bài học rất thành công của Hải quân Mỹ. Lực lượng này luôn chú trọng phát triển và đưa năng lực tinh vi nhất cho các tiêm kích trên hạm của mình.


Khả năng hoạt động trên hạm của J-15 vẫn là một ẩn số quá lớn.


Sau khi mua lại tàu sân bay Varyag, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán với Nga để mua tiêm kích trên hạm Su-33, một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, công tác đàm phán mua tiêm kích này gặp nhiều khó khăn, giới giới quân sự Nga đã phản đối sự hợp tác này do những lo lắng Trung Quốc sẽ sao chép Su-33 như trường hợp của Su-27.

Không "bó tay chịu trói", Trung Quốc tìm đến Ukraine và sở hữu T-10, mẫu nghiên cứu của Su-33. Trung Quốc nghiên cứu T-10 và sao chép thành J-15.

Hiện nay, sau khi Nga phát triển thành công tiêm kích trên hạm Mig-29K với những công nghệ tối tân hơn, nước này ngỏ ý bán Su-33 cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn mua số lượng rất hạn chế, chủ yếu là để nghiên cứu công nghệ, trong khi Nga chỉ muốn bán với số lượng lớn, do đó, cuộc đàm phán vẫn chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục gặp phải một bài toán hóc khác, động cơ phản lực cho tiêm kích. Dù, Trung Quốc đã sao chép động cơ phản lực AL-31F của Nga thành mẫu WS-10A và WS-10G, tuy nhiên những động cơ này đều không đạt được độ tin cậy và tạo được lực đẩy cần thiết.

Động cơ cho tiêm kích trên hạm tuy nhỏ nhưng có đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều so với động cơ cho tàu sân bay, bởi động cơ này phải tạo lực đẩy đủ mạnh để máy bay cất cánh trên đoạn đường băng rất ngắn.

Vấn đề này càng trở nên bức thiết với riêng trường hợp tàu sân bay Trung Quốc, kể cả Thi Lang và tàu sân bay nội địa sắp tới (được cho là sao chép mẫu thiết kế của Siêu tàu sân bay Lênin) cùng sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” không có sự hỗ trợ của máy phóng.

Như vậy, sự hình thành của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đang gặp phải 2 “nút thắt”, đều liên quan đến vấn đề động cơ. Trung Quốc sẽ mở những nút thắt này như thế nào vẫn là câu chuyện dài nhưng họ sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu.

[BDV news]


>> Tuần dương hạm Pyotr Veliky bị rút ruột



Soái hạm của hạm đội Biển Bắc tàu tuần dương hạm nguyên tử Pyotr Veliky đã bị rút ruột nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa vào năm 2010.

Theo một báo cáo điều tra của công tố viên quân sự Nga cho biết, có đến 256 triệu Rúp kinh phí phân bổ cho việc sửa chửa tàu tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng này đã bị tham nhũng.

Theo đó, trong tổng số tiền 356 triệu Rúp chi cho việc sửa chửa lò phản ứng hạt nhân và một số thiết bị liên quan của tàu đô đốc Pyotr Veliky. Thực tế chỉ có chưa đầy 100 triệu Rúp được chi cho công tác sửa chửa thực tế, số tiền còn lại đã chảy vào túi các quan chức.

Hiện tại, giới chức quân sự Nga mở rộng điều tra hành vi tham ô của tổng giám đốc cơ sở kỹ thuật công nghiệp đặc biệt ZAO tại trung tâm sửa chửa The Star. Nơi trực tiếp tiến hành công tác sửa chửa cho tuần dương hạm Pyotr Veliky.


Vấn nạn tham nhũng diễn ra ở ngay những vũ khí mang tầm cở chiến lược.


Trưởng công tố viên quân sự của Nga Fyodor Barashko đã gửi báo cáo lên cơ quan thực thi pháp luật của Bộ Quốc phòng Nga về hành vi tham nhũng trong quá trình sửa chữa tàu tuần dương hạm nguyên tử Pyotr Veliky. Điều đó có thể ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của tàu.

Ông Yevgeny Tkachuk một kiểm soát viên quân sự của Hạm đội Biển Bắc cho biết, trung tâm bảo dưỡng The Star đã nhận được đơn hàng để sửa chửa lò phản ứng hạt nhân cho tàu tuần dương hạm nguyên tử Pyotr Veliky cùng với một tàu ngầm hạt nhân khác. Tuy nhiên, trên thực tế thì trung tâm này không có thẩm quyền để tiến hành các công tác sửa chữa như vậy, báo cáo cho biết.

Tàu tuần dương hạm nguyên tử đô đốc Pyotr Veliky không chỉ là soái hạm của Hạm đội Biển Bắc mà còn là biểu tượng sức mạnh đầy uy lực của hải quân Nga trên biển. Đây là loại tàu tuần dương hạm có một không hai trên thế giới, và là loại tàu tuần dương hạm lớn nhất thế giới đang hoạt động.

Việc tham nhũng rút ruột trong quá trình sửa chữa lò phản ứng hạt nhân tại một trung tâm không có thẩm quyền tiến hành các công này có thể gây ra những hiểm họa khôn lường trong quá trình hoạt động của tàu.

Hiện tượng tham nhũng trong quân đội là một trong những vấn nạn lớn của quân đội Nga hiện nay, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hiệu quả của quân đội Nga nói chung và Hạm đội Biển Bắc nói riêng, một trong hai hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga hiện nay.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang