Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Lục quân Nga

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lục quân Nga. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lục quân Nga. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

>> 'Quân đội Nga mạnh thứ 5 thế giới vào năm 2020?'



Chính phủ Nga quyết định: Năm 2020 sẽ hoàn thiện việc xây dựng một đội quân có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới, Tân Hoa Xã cho hay.

Nhân dịp Quân đội Nga "khoe cơ bắp" nhân Ngày lễ Chiến thắng, hãng thông tấn Tân Hoa Xã vừa có một bài bình luận về kế hoạch xây dựng và phát triển sức mạnh quân sự Nga cùng những khó khăn của nó.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết này:

Kế hoạch của Nga

Hiện nay trước sự hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của Trung Quốc và tình hình phức tạp tại phía đông dãy núi Ural, Nga đang tích cực xây dựng một đội quân gồm 40 lữ đoàn có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới.



Để làm điều này, vào năm 2020 Nga sẽ sử dụng các thiết bị quân sự hiện đại để thay thế 70% vật tư quân sự hiện tại. Đội quân này sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược hiện đại hoá quân sự tương lai của Nga.

Tổng thống Nga Medvedev đã tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu công cuộc tái vũ trang quân đội toàn diện từ năm 2011, một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với việc mở rộng của NATO về phía biên giới nước này.

Ngoài ra, Chương trình tái trang bị toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đến năm 2020 sẽ trở thành một chương trình quan trọng bậc nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga.

Tính đến năm 2011, Nga đã chi gần 140 tỷ USD cho việc mua vũ khí. Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự chi phí quân sự của Nga trong năm 2011 và 2012 sẽ đạt 53 và 61 tỷ USD.


Đến năm 2020 Nga sẽ xây dựng một đội quân có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới.


Đến năm 2020, theo kế hoạch quân đội Nga sẽ tiếp nhận: 600 máy bay chiến đấu hiện đại Su-34 và Su-35, trên 1.000 trực thăng mới chủ yếu là trực thăng vận tải Mi-26 và máy bay đa dụng Mi-8; Quân đội Nga còn bố trí hàng trăm hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 và S-500 tại các khu vực “nhạy cảm”.

Hải quân Nga được trang bị 20 tàu ngầm gồm: 100 chiến hạm các loại bao gồm: 35 tàu hộ tống và 15 tàu khu trục, 8 tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo Bulava, 2 tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral (ngoại trừ số tàu đã mua từ trước của Pháp - hợp đồng này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán).

Xe tăng thế hệ thứ 4 và thứ 5 cũng được trang bị cho Lục quân. Về vũ khí bộ binh, Nga đang hoàn thiện súng tiểu liên AK đời mới để thay cho các loại AK hiện có.

Tổng chi phí cho kế hoạch này là 650 tỷ USD.

Các vấn đề khó khăn mà Nga phải đối mặt:

1. Kinh phí

GDP của Nga năm 2010 khoảng 44,5 nghìn tỷ rub trong khi đó chi phí cho cải cách quân đội chỉ chiếm 1,5% GDP tương đương với 667 tỷ rub (22,8 tỷ USD) như vậy không thể có được 650 tỷ dollar ngay lập tức. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi hiện đại hóa quân đội sẽ kéo dài nhiều năm làm gia tăng tệ nạn tham nhũng và lấy cắp của công.

Trong khi đó ngân sách Quốc phòng của Mỹ cao hơn hẳn ngân sách quốc phòng của Nga, Trung Quốc, Ấn độ cộng lại. Năm 2010 ngân sách quốc phòng của Mỹ là 626 tỷ USD. Ngân sách quân sự của NATO năm 2010 là 994 tỷ USD. Như vậy rõ ràng ngân sách cho hiện đại hóa quân đội Nga là một con số khổng lồ so với thực tại.

Bên cạnh đó việc huấn luyện lực lượng, khai thác và sử dụng vũ khí trang bị mới là một vấn đề rất lớn đặt ra với quân đội Nga đã được chính giới lãnh đạo Nga thừa nhận nhiều lần trước đây.

Cuộc xung đột ở Chechnya (1994-1996, 1999-2004) và xung đột ở Georgia (2008) là những minh chứng cho thấy tính sẵn sàng chiến đấu và tính hiệu quả của quân đội Nga đang ở mức đáng báo động. Ngoài ra, các chi tiêu quân sự của Nga cũng không ổn định, nó phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô.

2. Tiêu cực và tham nhũng

Hiện nay, nội bộ quân đội Nga còn tồn tại những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.

Các văn kiện đều cho thấy một điều rằng, dù Nga đã nhiều lần tuyên bố cải cách quân đội nhưng các phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên chỉ trích nạn tham nhũng tràn lan, tuyển dụng không rõ ràng, quân đội vi phạm nhân quyền và các vấn đề khác…

Tuy nhiên, các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội cấp cao thường cố gắng biện hộ nhằm giảm nhẹ những áp lực bất lợi cho bản thân. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo điện Kremlin không muốn hoặc không đủ sự tự tin để làm “phật ý” lực lượng quân sự và an ninh.


Lực lượng Quân đội Nga đang phải đối mặt với vấn đề tiêu cực và tham nhũng đã ăn sâu vào tư tưởng từ thời Liên Xô cũ.


Các vấn đề như: Tham nhũng tràn lan; Nhân lực khoa học đang lão hoá; Chất lượng binh lính hợp đồng và quân nhân thấp cả về thể chất và tinh thần, thậm chí, có quân nhân nghiện rượu và ma tuý…tạo thành trở ngại nghiêm trọng đối với việc tạo ra một lực lượng hiện đại và chuyên nghiệp của điện Kremlin.

Trên thực tế, Chính phủ Moscow vẫn còn phải mất một thời gian dài để phát triển và triển khai các công tác quan trọng bao gồm: Thu thập tin tức tình báo hiện đại; Cải tiến hệ thống thông tin; Chỉ huy và phòng không; Hệ thống hướng dẫn có độ chính xác cao để đạt được trình độ quân sự phương Tây hiện đại.

Nga cần phải cải cách các tổ chức quân sự được thành lập từ thời kỳ Liên Xô, khẩn trương thay đổi phương thức làm việc để hạn chế tiêu cực và tham nhũng tràn lan. Đây là một thách thức rất lớn đối với quân đội Nga.

3. Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự

Dù các lãnh đạo trong quân đội Nga chỉ ra rằng, trọng tâm chính đối với các chiến lược phát triển của quân đội Nga chính là NATO tuy nhiên trong những năm trở lại đây, trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc với quy mô lớn, Nga đang dần chuyển hướng chú ý sang người láng giềng này.

Năm 2008 và 2009, Trung Quốc tập trận quân sự với phạm vi giả định là 2.000km, với phạm vi này Nga và Trung Á hoàn toàn nằm trong “tầm ngắm” của Trung Quốc. Năm 2010 Nga thông báo với các hãng thông tấn trong nước về mục đích các cuộc tập trận của mình chính là các “hành động giả định đối phó với Trung Quốc”.

Quan tâm đặc biệt của Quân đội Nga chính là việc phát triển và hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của Trung Quốc đã vượt qua việc bố trí quân đội của Nga trên các dải biên giới. Đặc biệt là so với các lực lượng đóng quân tại phía Đông của dãy núi Ural. Nga đang cố gắng triển khai 40 lữ đoàn tại đây để có thể kịp thời đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc và đó cũng là tâm điểm trong việc hiện đại hoá quân đội của Nga.

4. Học thuyết quân sự thiếu thực tế

Một trong những điều chỉnh quan trọng nhất trong các học thuyết quân sự của Nga là việc nhấn mạnh: “Nga có quyền sử dụng quân đội để đáp trả những hành động xâm lược chống Nga và các đồng minh, giữ gìn hòa bình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các tổ chức an ninh tập thể khác”.

Tuy nhiên, học thuyết quân sự của Nga vẫn chưa dự tính tới việc những “người hàng xóm” có thể tạo ra các xung đột quân sự. Ngoài ra, trong một báo cáo gần đây của Hội đồng An ninh Nga cho biết, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn chưa cân nhắc đến cuộc chiến tranh năng lượng trong tương lai và chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nga.


Một học thuyết quân sự thiếu thực tế trở thành trở ngại nghiêm trọng cho việc hiện đại hoá quân đội Nga.


Nhiều nhà quan sát tin rằng, lực lượng quân đội của Nga tại khu vực viễn đông đang trong tình trạng thiếu thốn về vật chất trang bị, trong khi đó điện Kremlin tiếp tục nhấn mạnh rằng cần phải phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong các học thuyết quân sự của Nga việc sử dụng vũ khí hạt nhân đánh bại hệ thống phòng không của đối phương là tiêu chí được đặt lên hàng đầu.

Nếu theo tiêu chí như vậy lực lượng bộ binh Nga sẽ ngày càng lạc hậu vì chi phí cho việc phát triển vũ khí hạt nhân là rất cao mà tệ nạn tham nhũng trong quân đội Nga vẫn chưa chấm dứt. Bên cạnh đó kinh phí chi cho việc hiện đại hoá quân đội chỉ chiếm ¼ ngân sách quốc phòng. Như vậy Nga sẽ hiện đại hoá quân đội bằng cách nào?

NATO nhận định quân đội Nga đang phải đối mặt là khí tài cũ kỹ, thiếu phương tiện vận tải và nhân lực, không có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết,. Vì thế Nga chỉ có thể đối phó những xung đột vũ trang quy mô nhỏ và vừa, khó có thể tham gia hai cuộc xung đột nhỏ cùng lúc hoặc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.

(*) Các báo cáo của Nga còn chỉ ra rằng, từ năm 2020, Không quân Nga sẽ bao gồm Lực lượng Linh hoạt, căn cứ không quân và lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ (phòng thủ tên lửa tầm xa và chống tên lửa).

Không quân Nga sẽ có 33 căn cứ, 13 lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ. Hiện nay Không quân Nga có 72 trung đoàn không quân, 14 căn cứ quân sự. Lữ đoàn Không quân số 37 sẽ chỉ huy hàng không tầm xa, lữ đoàn không quân số 61 sẽ chỉ huy hàng không vận tải quân sự.

Sau cải tổ, Không quân Nga chỉ còn lại 180 đơn vị, sỹ quan Không quân Nga sẽ giảm từ 65.000 xuống còn 38.000 người. Trong quá trình cải tổ, Nga sẽ thanh lý khoảng 1.000 máy bay và trực thăng. Sau khi quá trình được thực hiện, chỉ còn lại khoảng 2.000 máy bay và trực thăng đồn trú tại những căn cứ không quân mới.

[BDV news]


Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

>> Vũ khí Nga trong ngày Chiến Thắng 9.5.2011



Trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng 9.5.2011 sẽ có sự tham gia của tất cả các quân binh chủng, xe tăng-thiết giáp và máy bay.



Tổng cộng sẽ có 20.000 quân nhân từ các nhà trường quân sự và các đơn vị quân đội, cũng như các cơ quan sức mạnh khác tham dự.

Bảo đảm âm nhạc cho cuộc duyệt binh là dàn quân nhạc gồm 1.500 nhạc công.

Chỉ huy cuộc duyệt binh là Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov, chủ trì là Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov.

Ngoài ra, còn có 100 phương tiện kỹ thuật, trong đó có các xe tăng Т-90, xe bọc thép chở quân BTR-80, xe trinh sát chiến đấu Tigr, pháo tự hành Msta-S, các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M, hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander, hệ thống tên lửa đường đạn chiến lược Topol-M và hệ thống tên lửa phòng không tầm trung-xa Triumf S-400 và hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1.




Hệ thống tên lửa chiến lược Topol-M trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa 15Zh65. Tầm bắn tối đa 11.000 km. Tên lửa mang 1 đầu đạn nhiệt hạch, đương lượng nổ 550 kT. Topol-M được triển khai trong giếng phóng và trên bệ phóng tự hành bánh lốp.



Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung-xa Triumf S-400 dùng để tiêu diệt tất cả các loại máy bay và phương tiện tiến công đường không-vũ trụ hiện đại. Mỗi hệ thống có thể đồng thời bắn 36 mục tiêu và dẫn 72 tên lửa đến các mục tiêu này. Tầm phát hiện mục tiêu 600 km, tầm bắn 400 km, độ cao tác chiến tối đa 30 km.



Hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander dùng để tiêu diệt các phương tiện hỏa lực, phương tiện phòng thủ tên lửa và phòng không, các sở chỉ huy và đầu mối thông tin cảu đối phương, máy bay và trực thăng trên các sân bay và các mục tiêu hạ tầng dân sự trọng yếu. Tên lửa có trọng lượng phóng 3.800 kg, chiều dài 7,2 m, đường kính 0,92 m. Trọng lượng phần chiến đấu 480 kg. Tầm bắn tối thiểu/tối đa: 50 - 500 km.



Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1-2 dùng để bảo vệ quân đội và các mục tiêu trên chiến trường trong quá trình tác chiến tiến công và phòng ngự chống các đòn tấn công cảu máy bay, trực thăng đối phương. Tầm phát hiện mục tiêu không dưới 100 km, đồng thời phát hiện 24 mục tiêu và bắn 10-12 mục tiêu trong số đó. Thời gian phản ứng 15 s.



Hệ thống pháo-tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1 dùng để bảo vệ các mục tiêu dân sự và quân sự chống tất cả các loại phương tiện tiến công đường không hiện đại. Vũ khí gồm các pháo tự động và tên lửa có điều khiển dẫn bằng lệnh vô tuyến. Hệ thống còng có thể tác chiến chống mục tiêu mặt đất bọc thép nhẹ, cũng như sinh lực đối phương. Tốc độ bắt mục tiêu tối đa là 10 mục tiêu/phút. Kíp chiến đấu 3 người. Trọng lượng 20 tấn. Thời gian triển khai 5 phút. Thời gian phản ứng 4-6 s.



Lựu pháo tự hành Msta-S dùng để tiêu diệt các vũ khí hạt nhân chiến thuật, các trận địa pháo/cối, xe tăng và xe bọc thép, vũ khí chống tăng, sinh lực, phương tiện phòng không, phòng thủ tên lửa... của đối phương. Tốc độ bắn 7-8 phát/phút. Cơ số đạn pháo 50 viên. Tầm bắn đến 30 km. Trọng lượng 42 tấn. Kíp chiến đấu 5-7 người. Cỡ nòng pháo: 152,4 mm. Tốc độ tối đa trên đường nhựa 60 km/h.



Tăng chủ lực Т-90 có trọng lượng chiến đấu 46 tấn, chiều dài thân 6,8 m, chiều rộng 3,4 m, trang bị 1 pháo nòng trơn 125 mm với cơ số đạn 45 viên. Tốc độ tối đa trên địa hình chia cắt 60 km/h. Kíp xe 3 người. Giáp dày 800-830 mm.



Xe bọc thép chở quân BTR-80 được sử dụng rộng rãi. Trọng lượng 13,6 tấn. Kíp xe 3 người, số lính chở theo 7 người. Giáp dày 7-10 mm. Tốc độ tối đa trên đường nhựa 80 km/h.



Xe ô tô địa hình bọc thép quân dụng Tigr là biến thể của ô tô GAZ-2330 Tigr. Được sản xuất tại Nhà máy ô tô Gorky và Nhà máy chế tạo máy Arzamas. Trọng lượng chiến đấu 5,3 tấn, chở được 2-10 người. Tốc độ tối đa 125-140 km/h.


Tham gia bay duyệt binh là 5 trực thăng vận tải chiến đấu Mi-8 mang theo quốc kỳ Liên bang Nga, quân kỳ quân đội Nga và quân kỳ của các quân chủng Hải, Lục, Không quân.

[VietnamDefence news]


Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

>> Xuất hiện tăng Armada thay thế T-95



Năm 2015, Nga sẽ nhận vào trang bị tăng chủ lực mới có tên quy ước Armada, Trung tướng Yuri Kovalenko cho biết.

Trung tướng Yuri Kovalenko là cựu Phó chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục Ô tô-tăng thiết giáp, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Theo đó, Armada sẽ là phương tiện chiến đấu chủ lực của Lục quân Nga, trong tương lai gần.




T-90, xe tăng chủ lực trong Lục quân Nga thời điểm hiện tại.


“Từ năm 2015, trong Quân đội Nga sẽ xuất hiện tăng chủ lực mới, với các tính năng kỹ - chiến thuật hoàn toàn mới, máy nạp đạn tự động mới, các loại đạn mới, kíp xe ngồi tách biệt, đạn được đưa ra ngoài”, Trung tướng Kovalenko nói tại hội nghị bàn tròn về tăng chủ lực Т-90.

Ngoài ra, trong máy nạp đạn tự động của Armada sẽ chứa 32 quả đạn pháo có chức năng khác nhau, xe tăng mới sẽ có thể bắn trong khi khành tiến.

Ngoài ra, Armada sẽ ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các dự án khác, trong đó có dự án Đại bàng đen, loại tăng từng dự kiến được lắp máy nạp đạn tự động chứa 32 quả đạn ở phía sau tháp.


Thiết kế của "Đại bàng đen".


Tháng 10/2010, tờ Sao đỏ của quân đội Nga đưa tin: Nga đang phát triển “bệ mang hạng nặng chuẩn hóa” có tên Armata (dự án họ xe thiết giáp mới cho Lục quân Nga có tên như vậy) để thay thế dự án phức tạp về kỹ thuật và bất lợi về kinh tế là Objekt 195 (được dự kiến chế tạo ra T-95). Phỏng đoán Armata sẽ đơn giản và rẻ tiền hơn Т-95, nhưng lại kế thừa được nhiều công nghệ của T-95.

Objekt 195 được phát triển để thay thế tăng chủ lực Т-90 của Nga. Theo thiết kế, T-95 có kíp xe được bố trí trong khoang biệt lập, các hệ thống quan sát và điều khiển hỏa lực mới, hệ thống thông tin - chỉ huy, hệ thống phòng vệ tích cực và các động cơ mới.

Bộ Quốc phòng Nga đã ngừng tài trợ cho dự án phát triển Т-95 vào năm 2010 với lý do xe tăng này quá phức tạp và đắt tiền.

Đầu tháng 4/2011, hãng Uralvagonzavod vào tháng 9/2011 sẽ trưng bày biến thể mới của tăng T-90A Vladimir là T-90AM tại triển lãm vũ khí ở Nizhny Tagil.

T-90AM được trang bị máy nạp đạn tự động, các khí tài quan sát, hệ thống bảo vệ và pháo mới. T-90AM sẽ dần thay thế các xe T-90 các đời trước.


[BDV news]


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Trung Quốc khoe xe tăng thế hệ thứ 4



Cùng với tàu sân bay của hải quân và máy bay tàng thế hệ 5 của không quân, lục quân Trung Quốc mới đây đã giới thiệu xe tăng bậc nhất thế giới.

Thập niên thứ hai của thế kỷ 21, để khẳng định sức mạnh của một đất nước đang khát khao vị trí siêu cường, Trung Quốc đã đưa thế giới đi từ hết ngạc nhiên này đến hết ngạc nhiên khác.

Ngay từ đầu năm 2011, những tin tức dồn dập về máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J-20 cho đến tầu sân bay Shi Lang đã cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn.

Bên cạnh hải quân và không quân, Lục quân Trung Quốc, vốn bị coi chậm hiện đại hóa nhất, vẫn lấy số lượng để bù đắp chất lượng cũng không chịu bị lép vế. Ngay từ cuối năm 2010, những tin tức không chính thống từ báo mạng Trung Quốc đã hé lộ loại xe tăng mới nhất đang thử nghiệm của lục quân PLA: Type-99KM.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tự tin giới thiệu: “Một Type-99KM tương đương với ba xe tăng T-90 hay M1A2”; “ xe tăng Type-99KM đã đi trước thế giới đến cả chục năm”.

Đi sau Nga, Mỹ hay một số nước châu Âu trong cuộc đua chế tạo tầu sân bay hay máy bay thế hệ thứ 5, lần này Trung Quốc quyết đi đầu trong việc phát triển xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 4. Loại xe tăng thế hệ mới này phải đáp ứng được các yêu cầu như: tàng hình trước các phương tiện trinh sát và dò tìm của đối phương như hồng ngoại, radar; có súng chính cỡ nòng lớn (135 - 155 mm), có khả năng bắn các loại đạn xuyên (APFSDS), đạn nổ (HEAT) cũng như tên lửa chống tăng; có vỏ giáp hỗn hợp (composite, ERA...) , giáp trước phải chịu được các loại đạn pháo cũng như tên lửa chống tăng hiện đại); có hệ thống phòng vệ chủ động hoạt động hiệu quả và cuối cùng là phải có hệ thống điều khiển vi tính hóa với các cảm biến hiện đại, có khả năng nhận dạng mục tiêu từ xa, dành ưu thế khai hỏa trước bất kể ngày đêm, thời tiết.

Từ năm 2008, hình ảnh một mẫu thiết kế xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc đã rò rỉ lên internet với ngoại hình bên ngoài khá giống với xe tăng M1 Abram của Mỹ. Mẫu thiết kế này được cho biết có trang bị vỏ giáp hỗn hợp composite, với giáp trước có khả năng chống chịu được đạn xuyên APFSDS 120 mm với lõi uran nghèo (DU) hiện đại nhất của Hoa Kỳ là M829E3. Không những thế, pháo chính trang bị trên xe tăng này với cỡ nòng 140 - 152 mm có khả năng xuyên thủng bất kỳ giáp trước của bất kỳ loại xe tăng nào hiện có trên thế giới.





Mẫu thiết kế xe tăng thế hệ thứ 4 của Trung Quốc lộ diện năm 2008, với ngoại hình khá giống xe tăng M1 Abrams của Hoa Kỳ


Không giống như năm 2008, loại xe tăng mới chỉ dừng lại ở những hình ảnh và phỏng đoán, đầu năm 2011, Type-99KM đã được loan báo với các thông số kỹ thuật khá rõ ràng.

Theo đó, Type-99KM có khối lượng 75 tấn, nặng hơn cả phiên bản xe tăng nặng nhất thế giới hiện nay là M1A2 SEP đã trang bị TUSK (*) - 70 tấn. Type-99KM sử dụng pháo chính có cỡ nòng lên tới 155 mm, có khả năng bắn được các loại đạn APFSDS có sơ tốc cao hơn (do nạp được liều thuốc phóng nhiều hơn) và các loại tên lửa chống tăng có đầu nổ lớn hơn.

Vỏ giáp của Type-99KM sẽ được trang bị loại giáp composite thế hệ mới nhất với các tấm gia cố làm bằng corundum - nhôm oxit dạng tinh thể, có độ cứng hầu như chỉ thua kim cương.

(*) Tank Urban Survival Kit - Trang bị giúp tăng khả năng sống sót của xe tăng trong chiến trường đô thị)


Xe tăng Type-99KM (xuất hiện năm 2011) có các thông số kỹ thuật được công bố vượt xa các loai xe tăng hiện đại đang được vận hành trên thế giới


Không những thế, điểm nổi bật của Type-99KM là hệ thống phòng vệ laser JD-4. Hệ thống đặc biệt này chuyên để chống lại các thiết bị trinh sát quang học, tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại hay laser của đối phương.

Theo lý thuyết, khi bị chiếu laser, tháp pháo của Type-99KM sẽ ngay lập tức quay về phía nguồn chiếu, khi đó, hệ thống JD-4 sẽ chiếu một dải laser năng lượng thấp để xác định chính xác đối phương. Khi đối phương đã bị xác định, JD-4 sẽ chiếu một chùm laser năng lượng cực cao tới, phá hủy mọi khí tài trinh sát quang học hay dẫn đường, thậm chí ngay lập tức làm mù người vận hành thiết bị này.

Ngoài ra, Type-99KM cũng được trang bị cả hệ thống phòng vệ chủ động (APS) có khả năng bắn hạ tên lửa đang nhắm tới xe tăng tương tự như hệ thống Arena của Nga hay Trophy của Israel.


Hệ thống phòng vệ laser hiện được trang bị trên xe tăng Type-99, tiền thân của hệ thống JD-4 hiện đại hơn nhiều trang bị trên Type-99KM.


Cũng theo lời giới thiệu của các trang mạng Trung Quốc, Type-99KM được trang bị động cơ công suất 2.100 mã lực, mạnh hơn rất nhiều so với động cơ của các loại xe tăng hiện đại ngày nay (1.500 mã lực của M1A2, Leclerc, 1.100 mã lực của T-90 hay 1.200 mã lực của Challenger-2).

Type-99KM có thể đạt được tốc độ tối đa trên đường tới 80 km/h (vượt xa cả “xe tăng bay T-80U” vốn “chỉ” có tốc độ 70 km/h). Với dự trữ nhiên liệu lớn, Type-99KM có bán kính hoạt động tới 870 km, cũng vượt xa các loại xe tăng hiện đại khác.


Theo đúng kế hoạch, đến năm 2015, lục quân Trung Quốc sẽ được trang bị lượt Type-99KM đầu tiên gồm 200 chiếc.


Tuy nhiên, dù cho thông số kỹ thuật của Type-99KM được giới thiệu có thể hoàn toàn chính xác và "áp đảo" mọi đối thủ trên thế giới thì loại xe tăng này cũng chưa hẳn là bất khả xâm phạm.

Lớp giáp trước dày cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa cá nhân tấn công từ nóc xe như FGM-148 Javelin của Hoa Kỳ hay các loại tên lửa khác bắn từ trực thăng khác.

Hệ thống JD-4 cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa dẫn đường laser mới như AT-14 Kornet hay AT-16 Vikhr vì chùm laser được chiếu vào cảm biến ở đuôi tên lửa để điều chỉnh độ lệch chứ không chiếu trực tiếp vào xe tăng.

Hệ thống phòng vệ chủ động APS cũng “bó tay” trước những loại súng chống tăng thế hệ mới với đạn mồi giả như RPG-30.

Theo kế hoạch, có khả năng đến năm 2015, Trung Quốc sẽ sản xuất lô Type-99KM đầu tiên với 200 chiếc để bổ sung cho lực lượng lục quân khổng lồ của mình. Tới lúc đó, mới có thể bình luận thêm về khả năng thực chiến của Type-99KM.

Tham vọng chế tạo xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng là thật. Song mong muốn là một chuyện, khả năng thực hiện là một chuyện hoàn toàn khác. Riêng chuyện khoe khoang 1 chiếc Type-99KM bằng 3 chiếc M1A2 hay T-90, hay những tính năng 'trên trời' là rất hoang đường.

Thứ nhất, Trung Quốc chưa bao giờ là một cường quốc về thiết kế xe tăng. Đến nay, các xe tăng của họ, kể cả những loại hiện đại nhất hiện nay, phần lớn là sao chép các xe tăng T-54/T-55, T-72 của Liên Xô, rồi cải tiến chút ít. Các cường quốc xe tăng như Đức, Mỹ, Nga, Ukraine, Israel... vẫn không dám có hoặc phải từ bỏ chương trình phát triển xe tăng thế hệ mới mà vẫn chỉ là nâng cấp liên tục xe tăng thế hệ 3.

Thứ hai, những điểm yếu cơ bản hiện nay của công nghiệp xe tăng Trung Quốc là động cơ, pháo tăng - đạn pháo tăng, hệ thống điều khiển hỏa lực, vỏ giáp. Các xe tăng hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn sao chép phần lớn các giải pháp thiết kế của xe tăng Liên Xô (pháo 125 mm, tên lửa phóng qua nòng pháo, máy nạp đạn tự động... sao chép từ T-72 có thể có sự giúp đỡ của Nga, Ukraine), động cơ xe tăng công suất lớn vẫn phải mua từ Ukraine.

Vì thế, chuyện Trung Quốc làm được động cơ... 2.100 mã lực, hay pháo tăng 135-155 mm là không thể có.



[BDV news]


Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

>> T-90AM: Xe tăng thế hệ mới hay T-72 cải tiến lần thứ 18?



Bộ Quốc phòng Nga đã chấp thuận giải mật xe tăng T-90AM và UVZ sẽ giới thiệu xe tăng thế hệ mới này tại triển lãm vũ khí ở Nizhny Tagil diễn ra từ ngày 8-11.9.2011.

Đó là tiết lộ của ông Oleg Sienko, Tổng giám đốc Tập đoàn khoa học-sản xuất (NPK) Uralvagonzavod (UVZ), nhà sản xuất xe tăng duy nhất của Nga hiện nay, hôm 7.4.2011. Vậy thực hư thế nào?




T-90 là xe tăng chủ lực tối tân nhất của quân đội Nga hiện nay


Không phải thế hệ mới!
Vài năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga thay đổi hẳn quan điểm mua sắm vũ khí khi mà nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) hùng mạnh một thời của Nga không thể đáp ứng nhu cầu của quân đội về các loại vũ khí công nghệ cao, phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại.

Nga không chỉ đã, đang và sẽ mua các vũ khí công nghệ cao như máy bay không người lái của Israel, tàu đổ bộ và pháo tàu của Pháp mà cả xe thiết giáp, pháo binh, vũ khí bộ binh vốn là thế mạnh của Nga qua các trường hợp mua xe ô tô bọc thép (của Italia), vỏ giáp (của Đức), pháo tàu (của Pháp), súng bắn tỉa, thậm chí, giới quân sự Nga đã nói đến sự hết thời của loại súng huyền thoại AK. Báo chí Nga còn bàn luận đến cả khả năng mua xe tăng Leopard của Đức hay Merkava của Israel thay cho T-90, mua súng Galil thay cho AK…


T-90S đang là mặt hàng bán chạy trên thị trường thế giới


Nga đang ở hoàn cảnh không thiếu tiền để mua vũ khí, song CNQP Nga không có khả năng đáp ứng các yêu cầu cả về chất lượng, số lượng, tiến độ...

Vì thế, việc giới quân sự Nga chỉ trích vũ khí nội địa và tìm cách mua sắm vũ khí phương Tây đi kèm chuyển giao công nghệ là một biện pháp gây áp lực đối với tổ hợp CNQP Nga buộc họ phải đổi mới, động não, đầu tư cho công nghệ vũ khí mới thay vì loanh quanh cải tiến vũ khí được phát triển, sản xuất từ thời Liên Xô.

Trong bối cảnh vũ khí Nga, xe tăng, xe bọc thép nói riêng bị các cấp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội Nga chê trách kịch liệt như thế, việc ông Sienko dán mác “xe tăng thế hệ mới” cho T-90AM cũng là điều dễ hiểu.

Một mặt, ông Oleg Sienko khẳng định: “Chúng tôi đang có một xe tăng thế hệ mới... Т-90АМ sẽ được giới thiệu tại triển lãm vũ khí ngày 8-11.9.2011”, song sau đó, ông lại nói gần như trái ngược rằng, “đây là sự hiện đại hóa rất sâu Т-90”.

Những câu nói đầy mâu thuẫn của ông Sienko cho thấy, T-90AM không hề là xe tăng thế hệ mới mà chỉ là biến thể mới nhất của T-90, vốn là T-72BM đổi tên sau màn trình diễn tệ hại của T-72 trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 mà thôi.





T-90AM có gì mới?
Cứ theo như lời ông Sienko, T-90AM thực ra là xe tăng Т-90A được UVZ nâng cấp theo tất cả các yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga nêu ra vào tháng 12. 2009.

“Tại hội nghị năm 2009, chúng tôi đã nghe thấy nhiều lời chỉ trích của quân đội đối với chúng tôi, tôi cho rằng, sự chỉ trích là hoàn toàn công bằng. Họ đã chỉ ra những nhược điểm của xe tăng - đó là động cơ, hộp số, đạn pháo, khả năng quan sát vòng tròn và nhiều thứ khác, - ông Oleg Sienko nói. - Sau đó, chúng tôi đã lập một nhóm công tác và trong vòng 5 tháng đã khắc phục được tất cả các khiếm khuyết nêu ra - chúng tôi đã tăng công suất động cơ, chế tạo được nòng pháo đáp ứng các yêu cầu, chế tạo động cơ có công suất mạnh hơn 130 mã lực, tạo được khả năng quan sát toàn cảnh, chế tạo một ụ súng máy được bảo vệ hoàn toàn khác và nhiều thứ khác. Đó còn là một tổ hợp kỹ thuật-phần mềm có khả năng hiển thị bức tranh chiến trường hoàn toàn khác tới trưởng xe và mang lại những khả năng hoàn toàn khác, đó là máy nạp đạn tự động cải tiến và nhiều thứ, cho phép đưa xe tăng lên một trình độ mới”.


Hình ảnh được cho là của T-90AM/T-90M


Có thể tóm tắt là: đến nay ở T-90AM tất cả những điểm yếu mà Bộ Quốc phòng Nga nêu ra tháng 12.2009 như động cơ yếu, hộp số lạc hậu, nòng pháo hao mòn nhanh, súng máy thiếu sự bảo vệ, không có hệ thống quan sát toàn cảnh, máy nạp đạn tự động không phù hợp với loại đạn có uy lực mạnh hơn... đã được khắc phục. Chưa biết những cải tiến đó hiệu quả đến đâu, nhưng chỉ việc công suất động cơ chỉ tăng thêm 130 mã lực (động cơ của T-90A hiện có công suất 1.000 mã lực) cho thấy, T-90AM vẫn chỉ là “chú lùn” so với các xe tăng hiện đại khác về sức cơ động (Xe tăng M1 Abrams, Leopard 2, Merkava trang bị động cơ 1.500 mã lực, ngay các kiểu tăng T-84 của Ukraine cũng có động cơ 1.200 mã lực), đừng có trông mong có gì đột phá ở xe tăng này.

UVZ là hãng phát triển và sản xuất xe tăng duy nhất còn lại của Nga hiện nay, do nhà nước sở hữu 100% và là một trong những hãng sản xuất tăng lớn nhất thế giới.

Т-90 là tăng chủ lực của quân đội Nga, được phát triển từ giữa thập niên 1980 trên cơ sở hiện đại hóa Т-72B, ban đầu có ký hiệu Т-72BM, năm 1992 được nhận vào trang bị với tên Т-90 theo sắc lệnh của TT Nga Boris Yeltsin.

Xe có hệ thống động lực và bộ phận vận hành tương tự Т-72, nhưng có các trang thiết bị hiện đại hơn, hệ thống vũ khí có điều khiển tối tân và hệ thống bảo vệ mạnh hơn, trong đó có các hệ thống chế áp điện tử và phòng vệ tích cực.

Vũ khí của Т-90 gồm 1 pháo nòng trơn 125 mm, 1 súng máy đồng trục 7,62 mm và 1 súng máy phòng không NSVT 12,7 mm.


Chiến tranh ở Libya - màn quảng cáo tồi tệ của T-72 và xe tăng Nga


Khi bình luận thông tin về T-90AM, Trung tướng dự bị Yuri Kovalenko, cựu Phó chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục xe tăng-ô tô Bộ Quốc phòng Nga, người đã được giải thưởng về phát triển và đưa vào sử dụng Т-90 đánh giá, ưu điểm của Т-90 là tầm bắn của tên lửa có điều khiển trên Т-90 xa hơn gần 2 lần tầm bắn của các xe tăng nước ngoài, cho phép tiêu diệt mục tiêu ngoài tầm hỏa lực của đối phương. Nhưng T-90 có điểm yếu là khả năng sống còn tương đối thấp do đạn pháo được bố trí trong khoang chiến đấu, không được cách ly với kíp xe nên khi đạn nổ sẽ phá hủy cả xe cùng kíp xe.

Theo tướng Kovalenko, các công trình sư của UVZ đã tìm ra các giải pháp xử lý các nhược điểm này. Họ đã nghiên cứu đưa đạn dược ra khỏi thân xe, ra khỏi khoang điều khiển, phát triển các cơ cấu nạp đạn cho phép bảo vệ kíp xe chống đạn pháo bị nổ, tìm ra một số biện pháp chống cháy nổ hiệu quả cho xe.

Ông khẳng định: “Về khả năng sống còn và khả năng bảo vệ, chúng ta hiện vượt trước các nước phương Tây - cả về hệ thống phòng vệ tích cực, chúng ta cũng đang đi trước, cả vỏ giáp phản ứng nổ lắp liền của chúng ta cũng hoàn thiện hơn và tin cậy hơn nhiều. Trong các vấn đề này, chúng ta có ưu thế đối với kẻ địch tiềm tàng”.

Ông Kovalenko cũng nói, “đến nay, tiềm năng hiện đại hóa Т-90 vẫn chưa hết” và cho biết: “Trình độ hiện tại của Viện thiết kế Ural cho phép làm tất cả những gì quân đội mong muốn. Người ta dọa chúng ta bằng các loại tăng Abrams và Leopard, nhưng chúng ta đang giữ thế quân bình với chúng”. Theo ông, “chỉ cần bổ sung đôi chút khả năng chỉ huy/điều khiển để làm sao bằng các khí tài điều khiển, chúng ta có thể phân phối các mục tiêu, giao nhiệm vụ rất nhanh để tiêu diệt các phương tiện hỏa lực đối phương. Nếu chúng ta đạt được, chúng ta sẽ tiến lên trình độ tiên tiến”.


Hình ảnh giả định của T-95 (tank-t-90.ru)


Mặc dù, báo chí Nga nói rằng, tất cả các tính năng của T-90AM vẫn được giữ bí mật và mặc dù ông giám đốc UVZ nói, Т-90АМ là “sự hiện đại hóa rất sâu Т-90, cho phép tiến về trước một bước so với tất cả các mẫu xe tăng hiện đại hiện có trên thế giới”, chúng ta hay chờ xem “danh có phù kỳ thực không”.

Bản thân ông Sienko cũng thành thật nói rằng, UVZ chẳng muốn hiện đại hóa cái đã được sản xuất 30 năm, còn bất cứ cái gì mới đều tốt hơn. Ông cũng khẳng định tuy đã “đẽo gọt” lại hoàn toàn Т-72, nhưng xe tăng này vẫn là xe tăng thế hệ trước.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tướng lĩnh, công trình sư xe tăng Nga vẫn tiếc nuối dự án siêu xe tăng T-95 bị Bộ Quốc phòng Nga hủy bỏ.

Theo Tổng giám đốc UVZ Oleg Sienko thì Nga lẽ ra phải sản xuất xe tăng thế hệ mới từ ngày hôm qua.

Liên quan đến dự án Objekt-195 (T-95), ông Sienko đánh giá xe tăng này có tiềm năng khá tốt và có lẽ chúng tôi sẽ mạo hiểm hoàn thiện xe tăng này.


Hình ảnh được cho là của T-95 (tank-t-90.ru)


Màn quảng cáo thê thảm ở Libya


Sau các cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và thứ hai, đến lượt chiến tranh của NATO chống Libya hủy diệt danh tiếng của xe tăng Nga.









Xác những chiếc T-72, cha đẻ của T-90, cháy lăn lóc, tháp văng khắp nơi sẽ đặt ra nghi vấn đối với hiệu quả chiến đấu và khả năng sống còn của chính T-90.





Những hình ảnh này có buộc quân đội Nga trở lại với dự án phát triển xe tăng thế hệ mới và quân đội các nước xem xét lại vai trò của xe tăng trên chiến trường hiện đại?


[Tổng hợp]


>> 'Siêu tăng' T-95 bị chết yểu?



Giới quân sự Nga và thế giới từng kỳ vọng chứng kiến sự xuất hiện của “siêu tăng” T-95 tuy nhiên mong muốn này có thể không bao giờ thành hiện thực.

Tháng 12/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popotkin thông báo: Quân đội Nga sẽ chấm dứt tài trợ cho dự án phát triển loại tăng chiến đấu chủ lực mới được biết đến với tên gọi T-95. Tuyên bố trên làm thất vọng toàn bộ giới quân sự Nga và thế giới.

Rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi, tại sao một dự án được ấp ủ gần hai thập kỷ qua bỗng dưng chấm dứt một cách khó hiểu. Trước đó, từng có những tin đồn loại “siêu tăng” này đã hoàn tất giai đoạn phát triển cuối cùng.



Chiếc xe tăng đang trùm bạt này được cho là chở mẫu nghiên cứu của T-95.


Nguồn gốc và kỳ vọng về T-95
Dự án phát triển T-95 được gọi là Objekt 775, được manh nha phát triển từ thời Liên Xô. Ban đầu, mẫu tăng mới này dự định đưa và sử dụng trong những năm 1995. Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô khiến dòng vốn tài trợ cho dự án bị cắt đứt, dự án rơi vào tình trạng không xác định thời hạn.

Vào những năm 2000, Lục quân Nga đối mặt với tình trạng khủng hoảng xe tăng nghiêm trọng. Objekt 775 hay 195 được khởi động trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của giải pháp tạm thời T-90.

Theo dự kiến, sự xuất hiện của T-95 cùng với T-90 và những biến thể nâng cấp của T-80MU2 sẽ là nòng cốt cho lực lượng tăng thiết giáp của Nga. Dự kiến, T-95 sẽ trải qua thử nghiệm và trang bị cho quân đội vào năm 2010.


Hình ảnh thực sự về T-95 vẫn chưa xuất hiện bao giờ.


Theo một số thông tin rò rỉ từ giới quân sự Nga, T-95 là mẫu thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với các loại tăng hiện có.

Tháp pháo được trang bị pháo với cỡ nòng lên đến 135mm (thậm chí, có thể là 152mm), tích hợp khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, tháp pháo được điều khiển từ xa với cơ chế nạp đạn hoàn toàn tự động.

Được thiết kế theo kiểu phương Tây, tháp pháo có khả năng bảo vệ kíp xe trong trường hợp khối đạn dược bị kích nổ.

Giá xe thấp hơn tiêu chuẩn để tăng khả năng tàng hình, hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, dựa trên cơ chế tự động hóa cao.

T-95 được trang bị giáp thế hệ mới với khả năng chống chịu các loại đạn chống tăng hiện đại, cùng với đó là hệ thống phòng vệ chủ động tối ưu.

T-95 được cho là có khối lượng đến 50 tấn, trang bị động cơ 1.800 mã lực, tốc độ tối đa lên đến 75km/giờ, kíp xe 3 người. Ở bên trong, buồng lái được thiết kế phù hợp với công thái học, tạo sự thoải mái cho kíp xe.

Giới quân sự Nga tự hào cho rằng T-95 sẽ là một loại “siêu tăng” không có đối thủ. Tuy nhiên, “siêu tăng” sẽ không bao giờ xuất hiện, hoặc nếu có sẽ là một mẫu thiết kế khác với mong đợi về T-95.

Nguyên nhân hủy bỏ dự án
Lý giải cho sự hủy bỏ của dự án “siêu tăng” T-95 một số nhà phân tích quân sự Nga và các nước cho rằng: Ý tưởng về T-95 hay Objekt 775/195 ra đời hơn 2 thập kỷ. Dù vào thời điểm xây dựng, phát triển mẫu thiết kế là cực kỳ hiện đại và không có đối thủ nhưng T-95 không còn phù hợp với quan điểm tác chiến của chiến tranh hiện đại.

Theo như trình bày, T-95 là một mẫu thiết kế cực kỳ phức tạp, và có chi phí chế tạo cực kỳ đắt đỏ, tương tự như trường hợp của T-64 trước đây. Nền công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga rất khó để đảm đương được điều này. Nếu chế tạo hàng loạt, Nga sẽ không đủ kinh phí để có thể sản xuất T-95 trên quy mô lớn.


Xe tăng dù hiện đại đến mấy cũng rất khó có cơ hội sống sót trước những loại trực thăng chuyên làm nhiệm vụ chống tăng như AH-64D Apache.


Một góc nhìn khác, sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí chống tăng, đặc biệt là các tên lửa chống tăng được trang bị trên các máy bay chiến đấu khiến cho T-95 hiện đại đến mấy, được bảo vệ tốt đến mức nào, cũng có thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ bằng một phát bắn từ trên không.

Trong tác chiến hiện đại, vai trò của xe tăng đang ngày càng giảm dần, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí cho chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Ở đó, xe tăng là phương tiện dễ bị tiêu diệt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong môi trường tác chiến đô thị, nơi khả năng quan sát của xe tăng rất hạn chế.

Nếu biên chế T-95 trong Quân đội Nga cũng không thay đổi thực tế này. Khi đó, chế tạo hàng loạt T-95 sẽ là sự đầu tư lãng phí và kém hiệu quả so với giải pháp tạm thời T-90.

Mở rộng ra, nếu nhìn vào chiến lược hiện đại hóa quân đội Nga, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược được chú trọng đầu tư phát triển hơn. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của các lực lượng nói trên quyết định thành bại chứ không phải là xe tăng như thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia khác cũng không chú trọng đầu tư nhiều cho việc phát triển những mẫu tăng chiến đấu chủ lực mới, đơn giản là chỉ nâng cấp những mẫu tăng hiện có mà thôi. Do đó, việc hủy bỏ dự án “siêu tăng” T-95 cũng là một phần của xu hướng chung của giới quân sự thế giới.


[BDV news]


Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

>> So sánh siêu tăng T-90 và Leopard-2A



[BDV news] Quân đội hiện đại không thể không có các phương tiện chiến đấu và vũ khí hiện đại, trong đó phải kể đến các loại tăng, thiết giáp hạng nặng.

Mặc dù, hiện nay các chuyên gia dự đoán rằng, trong tương lai gần xe tăng sẽ biến mất khỏi chiến trường nhưng xét một cách toàn diện, đôi lúc nó vẫn đóng vai trò quyết định trong các cuộc chiến.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế chúng ta có thể gặp nhiều bài viết bình luận về khả năng của xe tăng T-90 của Nga và Leopard-2A của Đức.

Nhiều người tỏ ra chê bai T-90. Họ cho rằng, về hình dạng bên ngoài T-90 không đáp ứng các yêu cầu của xe chiến đấu hiện đại. Theo quan điểm này, Leopard-2A hiện nay là cỗ xe tăng tốt nhất trên thế giới, không có loại nào sánh được.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại ủng hộ “con cưng” của lực lượng tăng thiết giáp của Nga. Vậy, T-90 hay Leopard-2A mới là “nhà vô địch”?

Khả năng bảo vệ


Xe tăng T-90 của Nga


Hình dạng thân xe và các thành phần của T-90 so với T-72 thực tế không có nhiều thay đổi, nhưng khả năng bảo vệ cao hơn nhiều so với thế hệ trước, nhờ vật liệu chế tạo vỏ xe được cải thiện.

T-90 có vỏ giáp chống đạn khá khác biệt. Vật liệu chủ yếu để chế tạo thân xe tăng là thép chất lượng cao. Để bảo vệ mặt trước của tháp và thân, nhà sản xuất còn sử dụng giáp phức hợp nhiều lớp.

Các dữ liệu chính xác về vỏ thiết giáp của xe hiện nay chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong các cuộc thử nghiệm, vỏ thép của xe có thể chống lại các loại đạn xuyên.

Ngoài vỏ thép truyền thống và khả năng bảo vệ động lực học. Đặc biệt, xe được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động - tổ hợp chế áp quang - điện tử hiện đại “Shtora-1”. Nhiệm vụ chính của tổ hợp này là bảo vệ xe tăng trước các đòn tấn công bằng tên lửa chống tăng có điều khiển.


Leopard-2A của Đức


So với T-90, khả năng bảo vệ của Leopard-2A ở mức thấp hơn. Trước hết, điều này liên quan đến yêu cầu của giới chức quân đội Đức trong kế hoạch bảo đảm tổng trọng lượng của xe chỉ ở mức 50 tấn.

Khả năng bảo vệ của Leopard-2A chủ yếu nhờ việc bao bọc bởi vỏ thép nhiều lớp. Ngoài ra, xe tăng được trang bị lựu đạn khói có màu đặc biệt.

Nhận thức điểm yếu của xe tăng thường ở trên nóc xe và tháp pháo nên nhà sản xuất đã tăng độ dày vỏ thép ở phía trước.

Một trong những ưu điểm dễ nhận thấy của Leopard-2A là khả năng bảo vệ kíp lái ngay cả khi vỏ giáp bị phá huỷ. Đó là do nhà sản xuất bố trí khoang chứa đạn và nhiên liệu độc lập với kíp lái.

Cụ thể, thùng nhiên liệu được bố trí ở phía trước bộ phận bảo vệ trên bánh. Điều này giảm xác suất thương vong cho lái xe khi bị hoả lực địch tấn công. Ngoài ra, thân xe còn được bảo vệ bổ sung bởi các tấm cao su được tăng độ cứng bằng các tấm thép.

Hỏa lực tấn công
Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 2A46M 125mm, cùng súng máy đồng trục, được ổn định bởi hệ thống 2E42-4 “Jasmine”.

Pháo được trang bị bộ nạp tự động, có khả năng bắn các tên lửa có điều khiển, dẫn hướng bằng laser. Tầm bắn tối đa bằng đạn xuyên là 4.000m, tên lửa có điều khiển là 5.000m. Việc dẫn hướng tên lửa được thực hiện bằng laser ở chế độ bằng tay hoặc bán tự động.


Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 2A46M 125mm


Để tiến hành ngắm bắn trong điều kiện quan sát kém và ban đêm, xe tăng sử dụng thiết bị ngắm bắn Essa, trong đó tích hợp khí tài ảnh nhiệt Catherine-FC (Pháp). Tổ hợp ngắm bắn gồm các camera quan sát nhiệt gia cố trên 2 mặt phẳng.

Với sự hỗ trợ của camera, trưởng xe và pháo thủ có thể quan sát thường xuyên địa hình từ các màn hình riêng và tiến hành điều khiển chính xác vũ khí với sự hỗ trợ của hệ thống ngắm bắn chính xác. Trong khi đó, vũ khí chính của Leopard-2A là pháo nòng trơn 120mm. Chiều dài nòng pháo là 5.520mm, tầm ngắm bắn ở trạng thái tĩnh là 3.500m, khi hành tiến là 2.500m.

Thiết bị ngắm bắn chính của xe tăng là EMES-12 do công ty Carl-Zeiss chế tạo (chuyên cho mẫu xe này). Thiết bị ngắm bắn gồm thiết bị đo xa bằng laser và kính lập thể. Sự phối hợp của 2 thiết bị đo xa khác nhau cho phép nâng độ chính xác và tin cậy khi đo cự ly đến mục tiêu.


Vũ khí chính của Leopard-2A là pháo nòng trơn 120mm


Xạ thủ có thể sử dụng kính tiềm vọng loại TZF-1A để làm thiết bị bổ trợ. Còn người chỉ huy có thể sử dụng kính tiềm vọng toàn cảnh loại PERI-R-12 có trường nhìn ổn định.

Trưởng xe có khả năng độc lập điều khiển pháo bằng cách sử dụng cơ chế đồng bộ hoá trục nòng pháo và trục thiết bị ngắm bắn quang học.

Để quan sát trong điều kiện không thuận lợi và ban đêm, xe tăng sử dụng thiết bị quan sát có gắn bộ khuếch đại quang - điện tử và khí tài hồng ngoại nhìn đêm.

Xe dựa vào máy tính FLER-H tính toán các thông số liên quan đến điều kiện khí hậu, vị trí của của xe tăng, loại đạn... để điều khiển bắn.

Động cơ
T-90 lắp đặt động cơ công suất 840 mã lực có khả năng làm mát bằng chất lỏng V-84MS. Động cơ này là loại động cơ đa nhiên liệu, có thể chạy bằng diezel, dầu hoả, xăng.

Leopard-2A được trang bị động cơ diezel 4 kỳ công suất 1.500 mã lực MV-873.

Kết quả
Về khả năng bảo vệ và vũ khí, T-90 vượt trội cỗ xe tăng Đức Leopard-2A. Ưu thế của T-90 trước Leopard-2A rõ ràng hơn khi tính đến các yêu tố như cự lý bắn (5.000m, còn Leopard-2A chỉ 3.000m).

Về sự cơ động, Leopard-2A hơn hẳn T-90. Ngoài ra, Leopard-2A chỉ mất 15 phút để thay động cơ, trong khi đó, T-90 phải mất khoảng 6 giờ.

Bên cạnh đó, cần phải tính đến yếu tố giá thành. Theo các chuyên gia quân sự Nga, giá của T-90 rẻ hơn Leopard-2A 2 lần.

Như vậy, ở thời điểm này, có thể đánh giá, T-90 có nhiều điểm ưu hơn so với Leopard-2A.


Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

>> Nga Brazil hợp tác cạnh tranh với Hummer



[BDV news] Nga và Brazil đang tiến hành hội đàm để thành lập liên doanh sản xuất xe bọc thép cho lực lượng cảnh sát của đôi bên.

Mẫu xe bọc thép mới sẽ được phát triển dựa trên cơ sở của loại xe bọc thép GAZ-2330 Tigr của công ty máy móc thiết bị Arzamas (Nga). Công ty này đang tham gia triển lãm Hàng không quốc phòng LAAD diễn ra tại Rio de Janeiro Brazil từ ngày 12-15/4/2011.

Một đại diện của công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho biết: “Cấp giấy phép, xây dựng các cơ sở sản xuất là lắp ráp xe bọc thép một động cơ là một trong những cơ sở quan trọng để tăng cường hợp tác giữa Nga và Brazil cũng như các nước Mỹ Latinh”

Đôi nét về xe bọc thép GAZ-2330 Tigr của Nga:




GAZ-2330 có khả năng cơ động rất cao trên mọi địa hình.


GAZ-2330 Tigr là một đại diện cho dòng xe SUV (sport utility vehicle), xe thể thao tiện ích. Xe được thiết kế với mục đích phục vụ cho các hoạt động quân sự và bán quân sự, đặc biệt hữu ích trong các hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động.

Xe được thiết kế theo tiêu chuẩn phương Tây, được đánh giá là một đối thủ đáng gờm của dòng xe Hummer của Mỹ.

GAZ-2330 Tigr được trang bị động cơ diesel tăng áp mạnh mẽ, làm mát bằng không khí, động cơ 6 xy lanh, dung tích 5.9 lít, công suất 212 mã lực, mô men xoắn cực đại 5500 vòng/phút. Hộp số sàn 5 số, 4 số tiến và 1 số lùi.

Hệ thống treo thanh xoắn kết hợp thủy lực, hệ thống treo có khả năng điều chỉnh độ cao của gầm xe, giúp xe hoạt động hiệu quả trên các địa hình ghồ ghề cũng như làm giảm độ dằn khi hoạt động trên các địa hình xấu.

GAZ-2330 Tigr có khả năng việt dã rất cao, xe có thể đạt tốc độ 80km/h trên đường ghồ ghề, 140km/h trên đường nhựa. Xe có khả năng lội nước sâu 1,2m. Lốp xe có hệ thống điều chỉnh áp suất tùy thuộc vào địa hình hoạt động.

Xe được bọc thép tốt, cấp độ 3, có khả năng chịu được mảnh bom, mảnh đạn pháo, lựu đạn, mìn tự tạo IED và vũ khí cá nhân. Khả năng hoạt động rất hiệu quả trong điều kiện khắc nghiệt, theo đúng trường phái của các loại xe cơ giới khác của Nga.

Xe được vũ trang một súng máy 7,62mm hoặc súng phóng lựu AGS-17 30mm tùy phiên bản, hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Thông số cơ bản: Dài 5,7m, rộng 2,4m, cao 2,4m, trọng lượng 7.200kg, tầm hoạt động 1.000km, kíp lái 2 người cùng 10 binh sĩ với đầy đủ trang bị.

Tại triển lãm ô tô quốc tế Moscow "MIMS-2002", GAZ-2330 Tigr được vinh danh một loạt các phần thưởng khác nhau, trong đó có các đề cử "ô tô đặc biệt tốt nhất".

Dưới đây là một số hình ảnh về GAZ-2330 Tigr:


Cửa lên phía sau của GAZ-2330.


Thủ tướng Nga Putin đang kiểm tra xe GAZ-2330.


Vũ khí của GAZ-2330 thay đổi tùy theo phiên bản và yêu cầu của khách hàng.



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

>> Quân đội Nga sẽ đội mũ nồi trong lễ Chiến thắng



[BDV news] Bộ Quốc phòng Nga cho biết, từ mùa xuân năm 2011 quân nhân các lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị mũ mới - mũ nồi.

Trước đây, mũ nồi chỉ sử dụng trong một vài binh chủng của quân đội Nga. Thời gian tới, loại mũ mới sẽ thay thế hoàn toàn các loại mũ calô truyền thống.

Lục quân Nga sẽ đội mũ nồi màu xanh lá cây, Hải quân Nga - mũ nồi đen (trước đây, chỉ có lực lượng lính thuỷ đánh bộ Nga mới dùng mũ nồi đen), Không quân Nga - mũ nồi màu xanh nước biển, Bộ đội Đổ bộ Đường không Nga vẫn đội mũ nồi xanh da trời như hiện nay.



Trước đây chỉ có lính dù (bộ đội đổ bộ đường không) và Hải quân đánh bộ Nga đội mũ nồi.


Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, tất cả các quân nhân Nga tham dự lễ duyệt binh chào mừng Ngày Chiến thắng sắp tới sẽ đội mũ nồi thay cho mũ calô.

Trước đây, mũ nồi màu xanh lá cây chỉ trang bị cho bộ đội biên phòng. Quân nhân có quyền đội mũ nồi màu xanh lá cây sau khi hoàn thành các tiêu chí hoặc là được khen thưởng vì đạt thành tích.

Mũ nồi được sử dụng rộng rãi trong quân đội nhiều nước trên thế giới với tư cách là loại mũ chính. Trong quân đội Nga và Liên Xô, loại mũ chính được sử dụng vào mùa ấm là mũ calô.



Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

>> Siêu xe tăng T-90AM chuẩn bị biểu diễn



[BDV news] Công ty Uralvagonzavod cho biết, xe tăng thế hệ mới T-90AM sẽ ra mắt trong cuộc Triến lãm vũ khí được tổ chức trong nửa đầu tháng 9/2011.

Hãng URA.RU cho biết, T-90AM là biến thể cải tiến của xe tăng T-90.

Theo lời Tổng giám đốc Công ty Uralvagonzavod, ông Oleg Sienko, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiết lộ mẫu xa tăng mới và thậm chí cho mọi người chứng kiến tận mắt siêu xe tăng có một không hai này.

Ông Oleg Sienko cho biết thêm, xe tăng đã được cải tiến dựa trên những ý kiến đóng góp của Bộ Quốc phòng Nga.



T-90 AM có đặc điểm phía sau tháp pháo phía sau to và vuông.


Tổng giám đốc Công ty Uralvagonzavod cho biết, trong cuộc họp tổ chức ngày 8/12/2009, các nhà quân sự Nga đã lên tiếng “chỉ trích” T-90AM. Họ cho rằng động cơ, hộp truyền động và hàng loạt các thiết bị khác của T-90AM không đáp ứng các tiêu chuẩn.

Hiện nay, T-90AM được cải tiến động cơ và có công suất lên đến 1.300 mã lực. Ngoài ra, T-90AM còn được nâng cấp các thiết bị điện tử, trang bị pháo chính và súng máy hiện đại.

Ông Oleg Sienko tuyên bố, Công ty Uralvagonzavod sẽ tiếp tục hoàn thiện xe tăng T-95, dù hiện nay Bộ Quốc phòng Nga không mấy quan tâm đến sự phát triển của dự án này.

Tháng 4/2010, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin tuyên bố, Bộ Quốc phòng đã ngừng cung cấp tài chính để chế tạo T-95. Tuy nhiên, ông Oleg Sienko lại cho rằng, dự án T-95 có rất nhiều khả quan.

Công ty Uralvagonzavod là công ty sản xuất các thiết bị kỹ thuật quân sự và thùng xe tải các loại lớn nhất ở Nga.


Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

>> Nga trang bị hệ thống rocket phóng loạt thế hệ mới Tornado



[VietnamDefence news] Năm 2011, Lục quân Nga sẽ mua một số hệ thống rocket phóng loạt Tornado-G, đại diện cục báo chí Bộ Quốc phòng Nga về Lục quân Sergei Vlasov cho biết.





Hình ảnh được cho là của hệ thống rocket phóng loạt Tornado


Theo ông Vlasov, Tornado-G sẽ thay thế các hệ thống Grad và có "hiệu quả hơn nhiều các loại trước đó nhờ tăng uy lực đạn đối với mục tiêu, áp dụng các hệ thống dẫn và ngắm tự động hóa, trắc đặc và đạo hàng, cho phép hoạt động độc lập”.


Hình ảnh được cho là của hệ thống rocket phóng loạt Tornado





Chưa rõ cụ thể khi nào hệ thống mới được nhận vào trang bị. Hiện có rất ít thông tin về Tornado-G.

Hệ thống này dùng để tiêu diệt và chế áp sinh lực, tăng-thiết giáp, các trận địa pháo/cối và sở chỉ huy của đối phương. Dự đoán, Tornado-G là hệ thống rocket 2 cỡ, có khả năng bắn đạn 122 mm và 300 mm, lắp trên khung gầm ô tô MAZ-543M.

Các hình ảnh được cho là của hệ thống rocket phóng loạt Tornado

Cũng có nguồn tin nói rằng, hệ thống Tornado hiện có 2 biến thể Tornado-G bắn đạn 122 mm và có hiệu quả chiến đấu cao hơn 2,5-3 lần so với hệ Grad, và Tornado-S bắn đạn 300 mm và có hiệu quả chiến đấu cao hơn hệ Smerch 3-4 lần.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang