Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

>> Máy bay ném bom Trung Quốc 'biến mất'?



Từ 2008, xuất hiện xu hướng liên quan tới việc tái cấu trúc 3 sư đoàn không quân ném bom tầm xa của Trung Quốc, dẫn tới số lượng máy bay này bị giảm mạnh đột biến.


Điều này nhiều khả năng là do những thay đổi tình hình quốc tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Ngoài ra, đa số các máy bay ném bom H-6 được sản xuất trong thập niên 1980 và hầu hết sắp hết hạn sử dụng.



Máy bay ném bom H-6H.


Mặt khác, ta không thấy dấu hiệu Tập đoàn chế tạo máy bay Tây An (Xi’an Aircraft Corporation) tiến hành sản xuất quy mô lớn máy bay H-6. Rõ ràng là khả năng của không quân tầm xa của Trung Quốc đang suy giảm.

Dưới đây là quan điểm của Tạp chí Kanwa Asian Defence về vấn đề này:

Không quân Trung Quốc có 3 sư đoàn không quân tầm xa là các sư đoàn 36, 8 và 10.

Sư đoàn 10 đóng tại đại quân khu Nam Kinh và sử dựng sân bay tại An Khánh (Anqing). Trong biên chế của sư đoàn này có cả các máy bay kiểu cũ H-6H và các máy bay hiện đại nhất H-6K, nghĩa là trình độ kỹ thuật chung của các máy bay đã được nâng lên. Còn ở các sư đoàn còn lại, số lượng máy bay H-6 đã giảm mạnh.

Sư đoàn không quân 36

Sư đoàn không quân ném bom số 36 đóng tại đại quân khu Lan Châu và sử dụng các sân bay ở Wukong và Lintong. Các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 13/11/2006 cho thấy, ở Wukong có 21 máy bay ném bom, trong đó có 10 chiếc đang được sử dụng.

Năm 2003, các bức ảnh vệ tinh cho thấy, tại Wukong có 33 chiếc H-6. Tháng 8/2009, không phát hiện thấy một chiếc H-6 nào ở căn cứ Lintong, trong khi đó vào tháng 4/2009 vẫn thấy có 16 máy bay ném bom ở đây.

Có 2 lý do giải thích cho điều này. Một là, sư đoàn 36 đã bị cắt giảm, 2 trung đoàn không quân ném bom đã được sáp nhập làm một trung đoàn, điều này phù hợp với trạng thái quan hệ Nga-Trung sau chiến tranh lạnh.

Hai là, sân bay ở Lintong cần phải sửa chữa khẩn cấp nên toàn bộ máy bay được di chuyển tạm thời sang căn cứ khác. Hiện nay, Không quân Trung Quốc sửa chữa 2-3 sân bay/năm.

Sư đoàn không quân số 8

Sư đoàn không quân ném bom số 8 đóng tại đại quân khu Quảng Châu, sử dụng các sân bay Đan Dương (Dangyang) và Lôi Dương (Leiyang).

Tại sây bay Đan Dương vào tháng 1/2010, trên các bức ảnh vệ tinh không thấy có các máy bay ném bom mà chỉ có các máy bay vận tải Il-76. Trong khi vào năm 2004, vẫn thấy có 22 máy bay ném bom ở sân bay này.

Các bức ảnh vệ tinh chụp năm 2006 cho thấy, có 31 máy bay ném bom ở sân bay Lôi Dương. Sân bay này có các hầm ngầm giống như ở sân bay An Khánh của sư đoàn 10. Mỗi đường hầm có chiều rộng 10 m, trong khi đó sải cánh của các máy bay ném bom Trung Quốc tương tự sải cánh máy bay Tu-16 của Nga, tức là gần 30 m. Rõ ràng là đường hầm được dùng làm kho chứa đạn dược và nhiên liệu.

Theo giả định táo bạo của Tạp chí Kanwa, các máy bay ném bom trong các đường hầm này được trang bị vũ khí hạt nhân (tuy nhiên, phỏng đoán này trái ngược với chức năng của các đường hầm này mà Kanwa vừa nêu ra ở trên).

Sư đoàn không quân số 10

Sư đoàn không quân số 10 đóng tại đại quân khu Nam Kinh là sư đoàn duy nhất được bổ sung trang bị, và tình hình tại các sân bay Dajiaochang và An Khánh cung cấp nhiều thông tin nhất về các xu hướng mới nhất.

Một là, tại sân bay An Khánh vào tháng 6/2009 đã phát hiện 15 chiếc máy bay ném bom H-6, trong đó có 5 chiếc có lớp sơn mới. Theo Kanwa, đây là các máy bay cải tiến H-6K vừa mới được sản xuất và có thể được trang bị tên lửa hành trình CJ-10. Phải chăng các máy bay ném bom này là nhằm vào Okinawa, Đài Loan hay thậm chí Guam?

So sánh những bức ảnh này với các bức ảnh vệ tinh chụp vào tháng 3/2008 thấy rằng, hồi đó trên sân bay này chỉ có 9 chiếc H-6, còn các phần khác của sân bay không có vẻ là bị bỏ hoang. Điều đó có thể nói lên rằng, những máy bay H-6 khác đang bay.

Các bức ảnh chụp vào tháng 7/2004 cho thấy, có 20 chiếc H-6, tức là tương ứng với số lượng máy bay biên chế cho một trung đoàn. Các bức ảnh sân bay này chụp vào 3 thời điểm khác khẳng định sân bay này đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, còn các kho đạn dược và nhiên liệu được bố trí ngầm dưới đất.

Tại sân bay Dajiao (có lẽ chính là sân bay Dajiaochang) ở Nam Kinh vào tháng 8/2009, trên các bức ảnh vệ tinh thấy có 17 chiếc H-6, nhưng chỉ có 13 chiếc ở bãi đỗ và có lẽ thường xuyên được sử dụng.

Tháng 7/2007, ở đây thấy có 21 chiếc H-6, năm 2006 là 23 chiếc, tháng 1/2004 là 18 chiếc. Rõ ràng là sư đoàn 10 có 2 trung đoàn không quân ném bom.

Chúng ta hãy xem xét vấn đề sản xuất H-6. Tại trung tâm thử nghiệm Yanliang tháng 10/2009, các bức ảnh vệ tinh cho thấy có 9+1 chiếc H-6, trong đó 1 chiếc H-6 đậu ở sân đỗ riêng.

Kanwa có lần đã cho rằng, chiếc máy bay này có thể là H-6K, còn 9 chiếc còn lại có thể là là là các máy bay H-6H mới sản xuất hoặc H-6M của không quân hải quân, hoặc là một biến thể đặc biệt của H-6 có thời gian sử dụng dài hơn. Cũng có thể giả định rằng, số máy bay H-6 này là đang được cất giữ ở đây.

Dựa trên việc phân tích nhiều năm các bức ảnh vệ tinh, Kanwa cho rằng, các máy bay ném bom H-6 có phần mũi và phần đuôi được phủ bạt là các máy bay mới sản xuất. 3 trong số 9 chiếc được phủ bạt.

Các bức ảnh vệ tinh cho thấy, vào tháng 4/2009, chỉ có 2 chiếc H-6 trên sân bay này. Hai chiếc máy bay này là rất đáng chú ý vì xung quanh chúng có rất nhiều xe ô tô. Theo Kanwa, nhiều khả năng đây là 2 chiếc H-6K.

Tháng 6/2006, các bức ảnh vệ tinh cho thấy, tại sân bay này có 9 chiếc H-6, trong đó có 7 chiếc được phủ bạt. Điều này cho thấy rõ rằng, việc sản xuất H-6 là rất hạn chế.

Tóm lại, số lượng máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đang giảm đi, trong khi các máy bay ném bom mới vẫn còn chưa bắt đầu bay thử nghiệm.


[BDV news]


>> Ukraina thử nghiệm An-178 vào năm 2013



Tổ hợp khoa học - kỹ thuật hàng không Antonov của Ukraine sẽ bắt đầu thử nghiệm máy bay vận tải quân sự tương lai An-178 vào năm 2013.

Máy bay được phát triển trên cơ sở máy bay dân sự An-158 (An-158 được phát triển trên nền tảng máy bay An-148 bằng việc mở rộng thân). Ngoài ra, công ty đã bắt đầu thiết kế một máy bay vũ trang tuần tra ven biển trên cơ sở máy bay dân sự An-168.

Việc phát triển máy bay vận tải An-178 đã được tổ hợp thông báo vào tháng 2/2010. Máy bay mới sẽ dần thay thế các máy bay An-26, An-32 và An-72 đã lỗi thời (máy bay An-26 đang sử dụng trong Không quân Việt Nam). Đến thời điểm hiện tại, sự tiến triển của chương trình máy bay An-178 chưa được tiết lộ.

Vào đầu tháng 4/2010, Tổ hợp “Antonov” đã đề nghị phía Ấn Độ cùng hợp tác phát triển An-178, nhưng chính phủ Ấn Độ đã không thực hiện bất kỳ quyết định cụ thể nào.


An-178 phát triển dựa theo khung thân An-158.

Rất nhiều các đặc tính kỹ thuật của máy bay vận tải tiềm năng này vẫn chưa được biết. Theo các chuyên gia thì khả năng máy bay sẽ chở được khoảng 15-18 tấn hàng và có giá trị vào khoảng 20-25 triệu USD.

Trong tháng 4/2010, An-158 thực hiện chuyến bay đầu tiên. Trước cuối năm 2010 dự kiến sẽ hoàn thành tất cả các bài bay kiểm tra cấp giấy chứng nhận.

Thị trường của An-178 có thể được khoảng 700-800 máy bay trong vòng 10-12 năm tới (trước khi kết thúc năm 2010 thì đơn đặt hàng cho An-158 đã là 60 chiếc).

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách và kinh tế Kava Alexander, các đối thủ cạnh tranh gần nhất của An-178 là C-295 Casa nhưng chúng đắt hơn 30-40% so với máy bay của Ukraine.

[BDV news]


>> Hải quân Hàn Quốc: Khẳng định vị thế trên biển



Dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của Mỹ từ điều lệnh, cấu trúc, vũ khí, trang thiết bị đến đào tạo, tác chiến nhưng Hải quân Hàn Quốc đang nỗ lực khẳng định vị thế trên biển.

Được thành lập năm 1948, hải quân Hàn Quốc ban đầu có nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và hải đảo khỏi sự lấn át của các tàu chiến Nhật Bản. Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), vũ khí và công nghệ của hải quân nước này hầu hết dựa vào nguồn viện trợ từ Mỹ.

Kế hoạch đầy tham vọng

Trong chương trình cải tổ quốc phòng đến 2020, nhằm đáp ứng yêu cầu mới, Hàn Quốc xác định việc phát triển nhanh hải quân là một trọng tâm.

Từ nhận thức này, Hải quân Hàn Quốc đã lên kế hoạch hiện đại hóa với tham vọng sẽ nâng cấp từ lực lượng phòng vệ ven bờ thành lực lượng có khả năng chủ động bảo vệ lợi ích quốc gia trên mọi khía cạnh, không chỉ bảo vệ bờ biển và nguồn tài nguyên biển, mà còn đảm bảo an ninh quốc gia với mục tiêu trở thành một nước có lực lượng hải quân hoạt động ở vùng nước sâu vào năm 2020.

Quân số thường trực của Hải quân Hàn Quốc có khoảng 68.000 người, trong đó có 25.000 lính thủy đánh bộ, cùng 170 tàu thuyền các loại. Tuy ít hơn Triều Tiên về số lượng, nhưng đa số đều là các chiến hạm mới và hiện đại hơn với vũ khí tối tân hơn.

Hải quân được chia thành 3 hạm đội: Hạm đội thứ nhất (đảm trách biển phía Tây), Hạm đội thứ hai (bảo vệ biển phía Đông), và Hạm đội thứ ba (bảo vệ từ Đông Hải tới eo biển Hàn Quốc).



Khu trục hạm Vua Sejong của Hải quân Hàn Quốc.


Nền tảng các hạm đội của Hải quân Hàn Quốc là khu trục hạm. Trong đó, khu trục hạm lớp King Sejong được coi là “quả đấm thép”. Đây là khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển, có lượng choán nước 11.000 tấn, dài 166 m.

Tàu trang bị bốn động cơ General Electric LM2500 100.000 mã lực cho phép đạt tốc độ 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động trên 10.000 km. Hỏa lực chủ yếu trên khu trục hạm này gồm tên lửa hành trình hải đối đất Hyunmoon IIIC (tầm bắn 1.500 km, tương tự Tomahawk), 16 tên lửa chống hạm SSM-700K, tổ hợp tên lửa tầm ngắn RIM-116, 80 ống phóng thẳng đứng với tên lửa SM-2, ngư lôi chống ngầm phóng thẳng đứng K-VLS.

Nó cũng có thể chở 2 trực thăng hạng trung. Ngoài ra, tàu có trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis hiện đại nhất thế giới hiện nay. Đội tàu khu trục còn có 6 chiếc “Chungmugong” dự án KDX-2, có độ choán nước lên đến 5.520 tấn, dài 150 m và được trang bị tổng cộng 64 ống phóng, 32 trong số đó là ống phóng vạn năng, 8 tên lửa chống hạm và 21 tên lửa tầm ngắn.

Trong biên chế của Hải quân Hàn Quốc có 12 tàu ngầm. Trong đó, 3 tàu ngầm thuộc dự án 214 có lượng choán nước 1.690 tấn, có khả năng tác chiến dưới nước 2 tuần, tốc độ 20 hải lý/giờ, 8 ống phóng ngư lôi (4 trong số này có thể dùng để khởi động tên lửa “Harpoon”). Lực lượng lính thủy đánh bộ có 8 tàu đổ bộ xe tăng và 8 tàu đổ bộ hạng trung…

Niềm tự hào “Dokdo”

Tàu hiện đại và mạnh nhất là tàu đổ bộ “Dokdo”, được trang bị cho hải quân tháng 7/2007. Lượng choán nước 18.000 tấn, chiều dài 200m, có khả năng mang 15 máy bay trực thăng. Đây là chiến hạm lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc và là kết quả đầu tiên của dự án LPX do Hải quân Hàn Quốc triển khai. Tàu đổ bộ tốc độ cao “Dokdo” được xây dựng dựa trên khái niệm “tấn công từ chân trời”.



"Ngôi sao" Hải quân Hàn Quốc - Tàu đổ bộ Dokdo.


Sàn thứ nhất của “Dokdo” có thể chứa 5 máy bay trực thăng UH-60 cùng một lúc, và sử dụng để triển khai các máy bay cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng kiểu Harrier hay F-35.

Sàn thứ hai gồm cabin, phòng chỉ huy, các hệ thống hỗ trợ và nơi ở của thủ thuỷ đoàn với diện tích đủ chỗ cho 700 quân đổ bộ. Sàn thứ ba là vị trí cho 2 tàu đổ bộ không khí - LCAC, “Dokdo” có thể chứa 70 xe tăng hoặc 200 xe tải, một tiểu đoàn cơ giới.

Ở phần đuôi của tàu có cửa lớn để “đổ” quân, vũ khí và trang thiết bị quân sự. Vũ khí trên tàu “Dokdo” gồm hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 và hệ thống pháo phòng không tầm ngắn Goalkeeper.

Ngoài ra, “Dokdo” còn có chức năng như một tàu chỉ huy với hệ thống C4ISR. Nói cách khác, “Dokdo” có thể tác chiến như một “tư lệnh hạm”.

Vươn ra đại dương

Trong một phát biểu tháng 3/2001, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung khẳng định chiến lược xây dựng hải quân là để “bảo vệ lợi ích quốc gia trên tất cả các đại dương và đóng vai trò trong việc bảo vệ thế giới”.

Chiến lược này mở toang “cánh cửa” ngân sách cho quân đội Hàn Quốc. Trong tài khoá 2011, ngân sách dành cho quân đội lên tới 27,7 tỷ USD . Ngân sách cho hải quân đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây, từ 3 tỷ USD năm 2000 lên 6,5 tỷ USD năm 2006, trong đó có 2 tỷ USD dành cho đóng mới và mua sắm.

Sự đầu tư cho thấy sự ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc đối với hải quân, đồng thời xác định tầm quan trọng của hải quân trong các kế hoạch quân sự sau này.



Hải quân Hàn Quốc nỗ lực vươn ra biển lớn.

Để hiện thực hóa chiến lược trên, Hàn Quốc đang tích cực triển khai chương trình đóng tàu ngầm diesel thuộc dự án 214. Đến nay, đã có 3/6 tàu theo đơn đặt hàng đã được đưa vào sử dụng.

Năm 2008, Hàn Quốc thông qua chương trình FFX, theo đó sẽ đóng 9 tàu khu trục hiện đại hơn. 6 tàu khu trục loại FFX sẽ được lắp đặt hệ thống sonar dưới nước Thales mới do Israel chế tạo, có lượng choán nước 3.100 tấn, tốc độ 30 hải lý/giờ, dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc từ năm 2011-2014.

[BDV news]

>> 3 'mũi giáo' chống tăng hiện đại của Nga



Trực thăng chiến đấu ngày càng tỏ ra là những vũ khí chống tăng cực kỳ nguy hiểm. Trong số đó, "mũi giáo" chống tăng của trực thăng Nga chính là những quả ATGM đầy uy lực.


Dưới đây là một số "mũi giáo" như vậy:

AT-6 Spiral

Tên lửa chống tăng 9M114 Shturm (cơn bão) là tên lửa chống tăng thế hệ 3 của Nga, được NATO đặt mật danh là AT-6 “Spiral”.

Nó được phát triển tại cục thiết kế KBM, là thế hệ nối tiếp sau 3M6 (AT-1) và 9M14 (AT-3).



Mi-35 xuất khẩu với AT-6


Tên lửa 9M114 là thành phần trung tâm của hệ thống chiến đấu 9K113 Shturm-V (V – trực thăng), tích hợp trên trực thăng Mi-24V “Hind-E”.

Lúc đầu nó dự định được gắn trên trực thăng Mi-24D “Hind-D” nhưng việc phát triển đã bị đình lại và chiếc Mi-24D gắn loại tên lửa cũ hơn 9M17M (AT-2).

AT-6 vượt qua các buổi kiểm tra tính năng năm 1972 và được thấy xuất hiện trên những chiếc Mi-24V từ năm 1976. Tuy nhiên, tình báo phương Tây không tìm được gì nhiều về loại tên lửa mới này cho đến những năm 1980.



2 quả AT-6 troe trên cánh trực thăng.


AT-6 có tốc độ nhanh hơn và tầm bắn xa hơn nhiều mẫu AT-2, đây là mẫu ATGM đầu tiên đạt tầm bắn 5km trên thế giới, thiết kế của nó đặt trong ống phóng, giúp dễ dàng sử dụng và bảo quản hơn các dòng ATGM đời trước.

Dù đã ra đời khá lâu nhưng AT-6 vẫn là 1 tùy chọn gắn trên các trực thăng chiến đấu Mi-24, kể các các mẫu mới như Mi-24P “Hind-F” và mẫu Mi-35 xuất khẩu.

AT-6 sử dụng hệ dẫn đường bán chủ động, tầm bắn từ 400 – 5.000m với khả năng xuyên 600mm RHA, ngoài ra nó còn có phiên bản đầu đạn mới chuyên chống các mục tiêu gắn ERA. Các phiên bản mới hơn sau này đã được tăng tầm bắn, với 9M117M1 tầm bắn 6.000m và 9M117M2 với tầm bắn 7.000m.

AT-9 Ataka

Tên lửa 9M120 (AT-9 “Spiral-2”) của những năm 1990 là biến thể cải tiến từ mẫu tên lửa 9M114 AT-6 những năm 1970 tại cục thiết kế KBM.

Về cơ bản, cả AT-9 và AT-6 đều tương tự nhau nhưng Ataka có đầu đạn hiện đại hơn, nhanh hơn và tầm bắn xa hơn, nó cũng được dẫn đường bằng song vô tuyến nhưng đã được cải tiến so với AT-6.



So sánh giữa AT-6 và AT-9 (9M120).


Ngoài chức năng chính là chống tăng khi gắn trên máy bay trực thăng, Ataka còn có thể sử dụng cho mục đích không chiến với những mục tiêu bay tốc độ thấp, ví dụ như những chiếc trực thăng khác.

Vì là mẫu cải tiến từ AT-6, dĩ nhiên AT-9 có thể được bắn trên các máy bay Mi-24 đang sử dụng tên lửa AT-6, chúng đều sử dụng chung ống phóng và hệ thống điều khiển giống nhau, với tầm bắn 6.000m và 3 loại đầu đạn chuyên dung cho 3 mục đích khác nhau, đầu đạn HEAT chuyên dụng tiêu diệt các loại xe tăng có gắn giáp ERA, đầu đạn nhiệt áp chuyên diệt xe bọc thép hay bộ binh, đầu đạn đặc biệt chuyến dùng để không chiến. AT-9 có thể xuyên 600mm giáp thép.

Các máy bay có thể mang AT-9 Ataka là Mi-24 và Mi-28.



AT-9 trên Mi-28 Havoc.


AT-16 Vikhr

AT-16 Vikhr là loại tên lửa dẫn đường bằng laser đời mới của Nga, phát triển tại cục thiết kế KBP, được trang bị cho những chiếc Ka-50 và Ka-52.

Tầm bắn trên những chiếc Kamov này là 8km, ngoài ra AT-16 cũng có thể được sử dụng trên các máy bay cường kích Su-25/39 với tầm bắn thậm chí là 10km.



Vikhr trên Kamov


Không như AT-6/9 sử dụng chung hệ thống điều khiển, AT-16 sử dụng hệ thống riêng là Vikhr-M bao gồm: Hệ thống điều khiển tên lửa đến mục tiêu, máy vi tính kỹ thuật số, một hệ thống ổn định và nhắm tên lửa đi theo tia laser dẫn đường.

Máy ngắm tự động sẽ bắt dính mục tiêu và xác nhận mục tiêu họat động cả ngày và lẫn đêm để tự động nhắm tên lửa đến mục tiêu. Vì nó nhận sóng trực tiếp từ hệ thống phóng nên tránh được bị đối phương nhiễu sóng.

Cấu tạo của tên lửa AT-16 Vikhr , bao gồm một đầu đạn HEAT chống tăng được tích hợp với 1 thiết bị điều khiển tên lửa nổ khi gần chạm đích, một hệ thống điều khiển tên lửa, bảng mạch điều khiển, hệ thống nhận tia laser.

Việc sử dụng đầu đạn nổ gần mục tiêu nó có thể đến gần mục tiêu cỡ 5m rồi mới nổ giúp cho tên lửa có thể tham gia vào 1 cuộc không chiến với một mục tiêu đang bay ở tốc độ 500m/giây.





Ka-52 với Vikhr.


AT-16 hoàn hảo hơn AT-9 ở một điểm nữa là AT-9 có tới 3 loại đầu đạn cho mỗi mục tiêu riêng biệt, như vậy sẽ rất khó sử dụng trên chiến trường, còn AT-16 thì chỉ sử dụng một loại đầu đạn duy nhất cho cả 3 loại nhiệm vụ.

Tốc độ bay rất nhanh, 600m/giây hay Mach 1,8 khiến cho Vikhr ngoài khả năng tiêu diệt tất cả các loại xe tăng trên thế giới, thậm chí, có thể diệt luôn các hệ thống tên lửa phòng không cơ động của NATO như Chapparal, Rapier hay Roland.

[BDV news]


>> Ấn Độ chế tạo tàu ngầm lớp Arihant thứ 2



Ấn Độ bắt đầu chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp “Arihant” thứ 2 tại xưởng đóng tàu Vishakhapatname.

Hiện tại, nhà máy đóng tàu đang lắp ráp thân tàu. Dự kiến, tàu ngầm mới sẽ mang tên “Arhidaman”, được chế tạo và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào năm 2015.

Theo các báo, tàu ngầm lớp “Arihant” thứ 2 sẽ có một số thay đổi trong thết kế để khắc phục các khiếm khuyết trong quá trình thử ghiệm của chiếc đầu tiên, đã hạ thuỷ vào tháng 7/2009. Những thay đổi của chiếc tàu ngầm thứ 2 trong dự án chưa được công bố.

Trước đó, Hải quân Ấn Độ tuyên bố rằng có ý định sở hữu 6 chiếc tàu như vậy, nhưng đến thời điểm mới ký hợp đồng để xây dựng 4 tàu ngầm loại này.

Theo kế hoạch, “Arihant” sẽ được đưa vào sử dụng trong hải quân Ấn Độ từ năm 2012 sau khi hoàn thành tất cả các bài kiểm tra.

Đến nay, chiếc tàu ngầm nguyên tử “Nerpa”, trong hải quân Ấn Độ được gọi tên “Chakra” là tàu ngầm hạt nhân duy nhất trong lực lượng vũ trang Ấn Độ. Tàu ngầm này được đóng ở Nga, sau đó, Ấn Độ thuê lại từ cuối năm 2011 với thời hạn 10 năm.

Tàu ngầm lớp Arihant là dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Ấn Độ. Con tàu đầu tiên của dự án đã hạ thuỷ, 2 chiếc đang được xây chế tạo, theo kế hoạch của dự án sẽ có 5 tàu ngầm được đóng.



Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo INS Arihant đầu tiên của Ấn Độ.


Ban đầu, đây là dự án thiết kế tàu ngầm nguyên tử của riêng có tên là AVT (Công nghệ đóng tàu tiên tiến) được Chính phủ Ấn độ công bố vào năm 1985. Tàu ngầm nguyên tử của Ấn độ được phát triển trên nền tảng tàu ngầm “Skat”, project 670 của Liên Xô. Sau đó, dự án đã được định hướng lại để chế tạo thành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Năm 1998, bắt đầu đóng tàu ngầm đầu tiên với tên gọi INS Arihant, nhưng đã bị trì hoãn do vấn đề thiết kế, chế tạo lò phản ứng và mãi đến năm 2009 con tàu mới được hạ thuỷ. Theo kế hoạch, tàu được đưa vào sử dụng trong năm 2011. Tất cả tàu sẽ được xây dựng ở trung tâm đóng tàu “Vishakapatnam” trên vịnh Bengal.

Tàu ngầm lớp “Arihant” có lượng giãn nước 6.000 tấn, tốc độ lên đến 24-30 hải lý/giờ tuỳ theo các phương án khác nhau.

Vũ khí chính của tàu là 12 tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika, có tầm bắn 700 km. Tên lửa này được phóng thành công lần cuối vào ngày 26/2/2009.

Sau đó, trên tàu ngầm dự tính trang bị tên lửa đạn đạo “Agni-3”, có tầm bắn lên đến 3.500 km, tên lửa được chứa trong ống phóng chắc chắn nằm phía sau mui tàu và có hướng thẳng đứng. Trên tàu có trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.

[BDV news]


>> Trung Quốc điều UAV trinh sát biển Đông?



Trung Quốc có thể đã sử dụng máy bay không người lái có tên Silver Eagle trong cuộc tập trận của quân đội nước này ở biển Đông.


Theo trang mạng có địa chỉ tp.chinmil.com.cn được Quân đội Trung Quốc tài trợ, mẫu UAV được phóng lên từ bệ phóng di động trên xe tải và thực hiện nhiệm vụ mô phỏng một cuộc tấn công.

Mẫu Silver Eagle giống hệt với mẫu UAV ASN-209 của Quân đội Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm hàng không 2010 diễn ra tại Chu Hải.

Điểm khác biệt duy nhất giữa 2 mẫu UAV trên là 4 cánh phụ thẳng đứng trên mẫu Silver Eagle với 2 cánh phụ trên thân máy bay và mỗi chiếc còn lại ở 2 cánh chính.



Trong vùng giao tranh, Silver Eagle duy trì tốc độ 134km/h ở độ cao 3.000m. Trong ảnh, Silver Eagle cất cánh từ bệ phóng di động.


Trong chuyến bay kéo dài 3 giờ, Silver Eagle được điều khiển bằng hệ thống điều khiển từ xa dưới mặt đất với chuột và bàn phím, trang mạng trên cho biết.

Trong chuyến bay thử nghiệm, Silver Eagle đảm nhiệm vai trò phá sóng, làm gián đoạn liên lạc của đối phương đồng thời làm một nút chuyển tiếp thông tin giữa các lực lượng của quân đội Trung Quốc.

Khi một chiếc máy bay đối phương xuất hiện, hệ thống điều khiển dưới đất triển khai kế hoạch "chống giám sát" bằng cách hạ độ cao và thay đổi tần số radio nhằm tránh bị phát hiện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Silver Eagle quay trở lại điểm cất cánh và hạ cánh bằng một chiếc dù.

Tính năng kỹ chiến thuật

Theo catalogue giới thiệu của ASN-209, mẫu UAV ASN-209 có thể hoạt động được cả ban ngày và ban đêm, thực hiện trinh sát, giám sát chiến trường, vị trí mục tiêu và đánh giá thiệt hại của cuộc chiến.

ASN-209 cung cấp thông tin theo thời gian thực với thời lượng hoạt động lên đến 10 giờ trong vòng bán kính 200 km. Tuy vậy, catalogue không đề cập đến việc ASN-209 có thể hoạt động trên đại dương.

Việc Trung Quốc sử dụng Silver Eagle trong cuộc tập trận hải quân đánh dấu vai trò của UAV trong chiến thuật "từ chối truy cập" của Trung Quốc trong các cuộc đụng độ hải quân trên biển.

Hàng chục các mẫu UAV đã được trưng bày tại triển lãm Chu Hải bao gồm cả phiên bản cỡ lớn của mẫu WJ-600 có thể hoạt động ở tầm bán kính lớn.

Trên một bức tranh trên tường trong triển lãm, WJ-600 được thể hiện đang truyền tải thông tin về tàu sân bay Mỹ về cho hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển của Trung Quốc và giúp triển khai một chiếc tàu tên lửa.

Cuối tháng 6/2011, một chiếc tàu tuần tra của Nhật đã phát hiện một chiếc UAV cỡ nhỏ của Trung Quốc có vẻ như đang hoạt động xung quanh một tàu chiến của Trung Quốc.


[BDV news]


>> Tiết lộ hồ sơ về lịch sử tên lửa Liên Xô



Các nhà sử học Nga vừa công bố tài liệu tuyệt mật liên quan đến chương trình vũ trụ của Liên Xô. Tài liệu vừa được giải mật nằm trong các tài liệu đặc biệt của BCT ĐCS Liên Xô.

Tên lửa V-2 của Đức Tập tài liệu này được chuẩn bị dành riêng cho Stalin, trong đó nói về các công nghệ mới của Đức trong lĩnh vực kỹ thuật tên lửa. Theo ý kiến của các nhà sử học Nga, tài liệu này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử chương trình vũ trụ và tên lửa.


Tên lửa V-2 của Đức

Trên cơ sở các tài liệu được giải mật cho biết, các nhà bác học Liên Xô đã sử dụng công nghệ của Đức Quốc xã để chế tạo các tên lửa tầm xa đầu tiên và bắt hàng chục tù binh là các kỹ sư Đức làm việc cùng với mình.

Các thông tin trong tài liệu cho biết, Hồng quân Liên Xô đã đánh chiếm một phần chiến trường gần thành phố Debica.

Trong quá trình khám xét tại đó, Hồng quân đã phát hiện vũ khí siêu bí mật của Đức – tên lửa có tầm bắn 250km, có thể tăng tốc đến 2,4km/giây và bay đến độ cao 90.000m. Tên của vũ khí này là V-2.

Giám đốc Cơ quan Bảo tồn Lịch sử Chính trị Xã hội Quốc gia Andrei Sorokina cho biết, thông tin này đã gây sốc cho Joseph Stalin.

Sau khi đọc tất cả các tài liệu này, Stalin đã ra lệnh thành lập Uỷ ban đặc biệt đảm trách nghiên cứu máy bay phản lực chiếm được và tích hợp ý tưởng công nghệ chế tạo của Liên Xô với công nghệ chế tạo của Đức.

Kết quả, Uỷ ban này đã trình một bản báo cáo, trong đó nói rằng, các nhà bác học và tình báo Liên Xô đã phát hiện 41 tên lửa nhiên liệu rắn và 8 tên lửa nhiên liệu lỏng trên lãnh thổ Đức, Tiệp Khắc và Áo.

Ngoài ra, họ còn phát hiện 32 loại động cơ sử dụng các nhiên liệu khác nhau. Hơn nữa, Liên Xô đã bắt giữ và buộc 40 kỹ sư Đức chế tạo tên lửa V-1, 2.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là một tháng trước khi chiếm được V-2, Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Kamarov đã gửi cho các nhà lãnh đạo Liên Xô một bức thư mật. Trong bức thư này, ông Kamarov đã yêu cầu ngay lập tức cấp kinh phí cho Viện máy bay phản lực mang tên Fedorov. Nguồn kinh phí này cần cho việc khởi công chế tạo tên lửa tầm xa tương tự dự án đã được triển khai tại Anh.

[BDV news]


>> Tìm hiểu các loại xe chống mìn của NATO (kỳ 1)



Sự chống trả quyết liệt của các lực lượng nổi dậy với bom, mìn tự chế đã tạo cú hích phát triển cho dòng xe bọc thép hộ tống kháng mìn của NATO.


Các loại xe hộ tống kháng mìn (MRAP - Mine resistant Ambush protected) được sử dụng cực kỳ rộng rãi trong biên chế quân đội chiếm đóng của liên quân tại Afghanistan và Iraq. Chúng có nhiệm vụ hộ tống các đoàn xe hậu cần, tuần tra bảo vệ các căn cứ quân sự.

Được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ chống phục kích và các loại mìn ven đường, các loại xe này thường được chế tạo với gầm xe hình chữ V để phân tán lực nổ; Khoang chứa lính bọc giáp composite và các ghế ngồi đều làm bằng vật liệu chống mảnh.

Xe còn được trang bị điều hòa nhiệt độ đã trở thành tiêu chuẩn của các xe MRAP, do chúng luôn phải vận hành dưới điều kiện nhiệt độ cao của các quốc gia sa mạc.

Thêm vào đó, do yêu cầu nhiệm vụ chống phục kích, các loại xe này được trang bị các thiết bị liên lạc hiện đại, camera ngày đêm với góc bao quát lớn, các thiết bị điện tử chống mìn điều khiển từ xa và các tháp vũ khí độc lập tách rời được điều khiển từ bên trong xe.

Loạt bài này hy vọng cung cấp cho độc giả những thông tin về sự phát triển cũng như các loại xe hộ tống chống mìn mới nhất của NATO.

1. Nexter Aravis (Pháp)

Thoạt đầu, dòng xe này được nghiên cứu độc lập bởi công ty Nexter Systems vào năm 2007. Nó được thiết kế dựa trên thân xe Mercedes-Benz Unimog U-5000 4x4.

Tổng cộng công ty này đã cho ra đời ba mẫu thử vào tháng 4/2009. Những chiếc xe này đã làm hài lòng chính quyền và Cơ quan quản lý vũ khí Pháp (DGA) đã ký hợp đồng mua 15 chiếc Aravis để trang bị cho quân đội.

Bốn chiếc đã được chuyển giao ngay cho quân đội Pháp vào năm 2009 và cho tới tháng 4/2010, toàn bộ số xe đã được bàn giao.

Trong số này, 11 chiếc đã được Pháp lắp đặt hệ thống quét mìn SOUVIM-2 và trang bị cho các đơn vị công binh tại Afghanistan cùng năm chiếc Buffalo MRAP mua của Mỹ.



Xe bọc thép hộ tống kháng mìn Aravis


Những chiếc Aravis sử dụng trong quân đội Pháp được lắp đặt hệ thống ụ súng điều khiển từ xa Kongsberg với một súng máy 12,7 mm M2HB, thiết bị liên lạc PR4G của Thales, camera quan sát Exavision cùng các thiết bị điện tử tìm kiếm mìn khác.

Ngoài ra, những chiếc xe này cũng có thể được sử dụng để lắp đặt các loại vũ khí khác như tháp pháo điều khiển từ xa ARX20 của Nexter với pháo M621 20 mm và ống phóng lựu Galix cùng cụm cảm biến phát hiện mìn Margot của Thales.

Với khối lượng tuy chỉ có 13 tấn, nhưng Aravis được trang bị giáp đạt cấp IV tiêu chuẩn STANAG, có nghĩa là nó cố thể chịu được đạn xuyên cỡ 14,5 mm bắn từ khẩu KPVT của những chiếc BTR-80 hay các khẩu súng bắn tỉa chống thiết giáp. Xe cũng được thiết kế để chịu được sức công phá của 10 kg thuốc nổ cũng như mảnh văng của đạn pháo 155 mm.

Xe có thể chở theo 7 người bao gồm cả trưởng xe và lái xe trong một khoang rộng 8,3m3 được bọc giáp hoàn toàn. Xe cũng được trang bị lốp xe có khả năng tự vá, tự bơm căng khi bị thủng.

Aravis cũng rất cơ động trên chiến trường khi với động cơ Mercedes-Benz OM924 218 mã lực, nó có thể đạt tốc độ tới 100 km/h và sở hữu bình xăng 197 lít, có thể đảm bảo cho xe hoạt động với bán kính 750 km. Nếu cần thiết, Aravis hoàn toàn có thể chở trực tiếp bằng máy bay vận tải tới chiến trường.

Thêm vào đó, Nexter cũng đang bắt tay vào phát triển các phiên bản xe chỉ huy và xe cứu thương dã chiến của Aravis để cung cấp cho quân đội Pháp.


Ụ súng điều khiển từ xa Kongsberg với một súng máy 12,7 mm và nhiều loại cảm biến hiện đại.


Tháp pháo điều khiển từ xa ARX20 là lựa chọn "nặng ký" hơn cho những chiếc Aravis.


Lớp giáp composite của Aravis có thể bảo vệ binh lính bên trong khỏi đạn 14,5 mm cũng như mảnh pháo 155 mm.


2. Panhard PVP (Pháp)

Chiếc xe PVP là loại xe bọc thép nhẹ được thiết kế và sản xuất bởi công ty Panhard General Defense.

Phiên bản PVP thông thường trang bị động cơ 160 mã lực của Iveco, PVP có thể đạt được tốc độ 120 km/h và có khả năng hành trình tới 800 km.

Với khoang hành khách được bọc giáp phức hợp làm bằng thép hàn và nhôm, chiếc PVP bản thường có thể bảo vệ người lính bên trong khỏi đạn súng bộ binh hay mảnh văng của vụ nổ bởi thiết bị nổ nặng đến 50 kg ở khoảng cách 50 mét.



Một chiếc PVP-HD có thể chở theo 8 người và đạt vận tốc tối đa 105 km/h


Ngoài ra, Panhard còn có hai phiên bản PVP khác dành cho các khách hàng khó tình đó là phiên bản PVP HD (Heavy Duty) và PVP XL (Extra Large).

Phiên bản PVP HD được trang bị động cơ 163 phân khối, có thể đạt được vận tốc 105 km/h và có khả năng hành trình tới 700 km. Khoang bảo vệ của chiếc xe có thể tích 7,89m3 và chứa được 6 người ngoài tài xế và trưởng xe.

Biến thể PVP XL được trang bị động cơ tới 270 mã lực và có vận tốc cũng như khả năng hành trình tương đương với PVP bản thường. Khoang bảo vệ của PVP-XL có thể tích lên tới 9,4m3 và có thể chở được thêm 8 người ngoài lái xe và trưởng xe.

Tương tự như Aravis, PVP cũng có khả năng lắp được rất nhiều loại vũ khí khác nhau theo mô đun. Panhard PVP là loại xe nội địa thứ 2 được quân đội Pháp lựa chọn.

Là lựa chọn hạng nhẹ và rẻ tiền hơn Aravis, hợp đồng ban đầu cho thấy Pháp đã ký hợp đồng mua tới 1.544 chiếc PVP bao gồm tất cả các phiên bản: thông thường và xe chỉ huy.

Đến hết năm 2008, quân đội Pháp đã nhận được 933 chiếc PVP và tiếp theo sẽ nhận được 300 chiếc PVP mỗi năm cho tới khi hoàn thành hợp đồng vào năm 2011.






Chỗ ngồi thoải mái bên trong một chiếc PVP-XL.


Renault Sherpa (Pháp)

Xe thiết giáp chở quân hạng nhẹ Sherpa là sản phẩm mới nhất của công ty xe Renault. Chiếc xe này được trang bị động cơ 215 mã lực và có thể chở theo 10 binh lính với tổng khối lượng có thể vận chuyển từ 1,5 - 2,2 tấn.

Ngoài ra, Sherpa cũng rất dễ được hoán cải và sửa đổi thành các phiên bản riêng biệt như trinh sát, vận tải, làm nhiệm vụ đặc biệt, trong đó chiếc Sherpa “high intensity” được đánh giá cao nhất.


Chiếc Renault Sherpa có biệt danh "Humvee Pháp" vì có ngoại hình khá giông dòng xe Humvee nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Xe có khả năng bảo vệ binh lính khỏi các loại vũ khí cá nhân, mảnh pháo và IEDs (một dạng bom, mìn tự chế).

Hiện nay, các phiên bản Sherpa đã được giới thiệu và có được sự quan tâm đặc biệt của các nước khác trong khối NATO.

[BDV news]


Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

>> Hải quân Triều Tiên: Sức mạnh tiềm ẩn



Có lượng tàu chiến đông đảo, gồm tàu ngầm, tàu tên lửa, tàu phóng lôi… tổ chức thành 2 hạm đội, Hải quân Triều Tiên luôn tiềm ẩn sức mạnh không thể phủ nhận.

Ngày 9/9/1948 thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trước đó, Quân đội Triều Tiên ra đời (ngày 8/2/1948) gồm 3 quân chủng: Lục, Không và Hải quân.

Ngầm, nhanh, nhỏ, nhiều

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thực hiện chính sách “tiên quân chính trị” ưu tiên phát triển quốc phòng, đề cao vai trò quân đội. Chiến lược quân sự lấy “phòng thủ” làm hạt nhân, từng bước xây dựng khả năng “răn đe”, “tiến công”, xây dựng quân đội theo hướng “đông về quân số, nhiều về số lượng vũ khí trang bị”.

Nằm trong chủ trương này, Hải quân Triều Tiên được xây dựng theo hướng “ngầm, nhanh, nhỏ, nhiều, hiệu quả”. Lực lượng này có số lượng tàu ngầm rất lớn, khoảng 80 chiếc, góp phần cùng với Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc… biến vùng biển của nước này trở thành khu vực có mật độ tàu ngầm nhiều nhất thế giới.



Tàu ngầm Sango thường được Triều Tiên sử dụng cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.


Trong biên chế lực lượng, Hải quân Triều Tiên có 22 tàu ngầm lớp Romeo, mỗi tàu trang bị 14 ngư lôi 533mm và 24 thủy lôi. Tiếp đó là 32 chiếc lớp Sango tự đóng, làm nhiệm vụ trinh sát, chở quân tác chiến đặc biệt có nhiều thiết bị chống ngầm của Nga. Sau cùng là tàu ngầm lớp SSI có trên 20 chiếc.

Tàu ngầm của Triều Tiên thuộc loại trung bình, kích thước nhỏ, không có vũ khí uy lực, hiện đại nhưng bù lại nước này có thể chủ động sản xuất, lấy số lượng bù chất lượng. Tàu ngầm Triều Tiên còn có ưu thế phù hợp địa hình, thủy văn.




Tên lửa chống hạm P-15.


Sức mạnh thứ hai của Hải quân Triều Tiên là hơn 600 tàu mặt nước với “3 đòn chủ công” là tàu tên lửa, tàu phóng lôi và tàu đổ bộ. Đặc điểm của các tàu mặt nước của Hải quân Triều Tiên là có lượng giãn nước nhỏ (vài trăm tấn) nhưng có tốc độ cao và phần lớn là hàng “nội địa”. Điển hình là hơn 40 tàu tên lửa cao tốc mang tên lửa chống hạm cận âm P-15 (định danh NATO là SS-N-2 Styx) hay CSS-N-1 (biến thể của P-15 do Trung Quốc sản xuất); 200 tàu phóng lôi (một nửa tự đóng) mang pháo 25 và 37mm, cùng nhiều loại ngư lôi… Như vậy, vũ khí “uy lực nhất”, “hiện đại nhất” trong lực lượng tàu mặt nước của Triều Tiên là P-15, thuộc lớp tên lửa chống hạm thế hệ đầu tiên của Liên Xô, phát triển từ những năm 1950.

Nỗi ám ảnh đền từ bờ biển Triều Tiên

Hải quân Triều Tiên không tổ chức Hải quân đánh bộ nhưng có lực lượng tác chiến đặc biệt trực thuộc Bộ quốc phòng gồm 3 loại trên bộ, trên không và trên biển. Khi tác chiến trên biển, lực lượng này sẽ phối hợp với các tàu hải quân.

Ngay trong thời bình, Hải quân và lực lượng tác chiến đặc biệt trên biển thường xuyên luyện tập. Đặc biệt, có 2 lữ đoàn “bắn tỉa” trên biển trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân trang bị hiện đại từ súng, pháo đến tên lửa đối hải đối không.

Trong biên chế, Hải quân Triều Tiên có 200 tàu đổ bộ, gồm: 100 chiếc tàu đổ bộ lớp Nampo có thể chở 50 lính; 8 tàu đổ bộ cỡ trung lớp Hantae có thể chứa 3-4 xe tăng hạng nhẹ và 350 lính. Hiện nay, Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất tàu đổ bộ đệm khí lớp Kinh Bang được trang bị pháo 30 và 57mm và đã chế tạo được 125 chiếc loại này.



Triều Tiên không tổ chức hải quân đánh bộ nên các chiến dịch tác chiến đổ bộ đều phụ thuộc vào các đơn vị quân đặc nhiệm.


Lực lượng đổ bộ của Triều Tiên luôn là mối đe dọa thường trực, luôn xuất hiện trong tính toán phòng thủ của Hàn Quốc và Mỹ. Theo thông tin tình báo, từ căn cứ Goampo, Triều Tiên có thể đổ bộ vào 5 hòn đảo của Hàn Quốc, bao gồm cả Baeknyeong trong khoảng thời gian 30-40 phút với khoảng 70 tàu đổ bộ (mỗi tàu chở được 1 trung đội, di chuyển với tốc độ 90km/h). Cũng theo nguồn tin trên, Triều Tiên có 130 tàu đệm hơi khác bố trí ven biển.

Vì lý do đó, Hàn Quốc và Mỹ buộc phải thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận có mục tiêu giả định là lực lượng đổ bộ của Triều Tiên. Thậm chí, phía Hàn Quốc cân nhắc triển khai trực thăng tấn công MD-500 Defence và đầu tư mua sắm nhiều rocket có điều khiển nhằm ngăn chặn các cuộc đổ bộ trong tương lai.

Ngoài 2 binh chủng tàu ngầm và tàu mặt nước, binh chủng thứ 3 của hải quân là các trung đoàn tên lửa và pháo bờ biển, gồm các tổ hợp: SSC-2B Samlet; CSS-2 Silkworm; CSSC-3 Seersucker.

Pháo bờ biển trong lực lượng Hải quân Triều Tiên là loại có cỡ nòng 122, 130, 152mm. Ngoài ra, có nhiều đơn vị pháo phòng không yểm trợ cho các trung đoàn trên. Triều Tiên không có không quân hải quân, nhiệm vụ tuần tiễu trên không ở vùng biển do không quân đảm trách.

Tốc độ hóa, tên lửa hóa, uy lực hóa

Từ trước chiến tranh 1950-1953, Triều Tiên đã cử hàng vạn thiếu niên ra nước ngoài học tập, nhằm xây dựng lực lượng “chất xám” phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng.

Về ngân sách quốc phòng liên tục chiếm đến 17-18,7%GDP, có nền công nghiệp quốc phòng đủ khả năng sản xuất cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân, Hải quân Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu đóng tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ để thay thế lớp cũ, phát triển tiềm lực trên biển, nhất là khả năng tiến công bằng tên lửa và vũ khí sát thương cao theo hướng tốc độ hóa – tên lửa hóa – uy lực hóa.

Hải quân Triều Tiên có 2 Bộ tư lệnh hạm đội. Hạm đội Hoàng Hải ở phía Tây trên căn cứ chính Nampo và 2 căn cứ lớn Pipagat, SagonNi có 300 tàu. Hạm đội Đông Hải có 400 tàu căn cứ chính Toejo và 2 căn cứ ở phía Đông lớn Najian, Wosan, ngoài ra cả 2 hạm đội còn có 9 căn cứ khác. Hiện nay, Hải quân Triều Tiên có 46.000 người, chưa kể bán vũ trang, dự bị. Có hơn 700 tàu gồm 80 tàu ngầm, hơn 300 tàu mặt nước, hơn 300 tàu đổ bộ, phục vụ.

[BDV news]


>> Tàu sân bay duy nhất của phát xít Đức



Graf Zeppelin do giáo sư W.Hedeler thuộc Đại học Kỹ thuật Berlin thiết kế là tàu sân bay duy nhất của Đức được hạ thủy trong Chiến tranh thế giới thứ 2.


Graf Zeppelin vốn chưa bao giờ được Hitler sử dụng xung trận, nhưng nó biểu tượng cho sức mạnh của Hải quân Đức lúc bấy giờ.

Thân tàu

Graf Zeppelin được chia thành 19 ngăn kín nước, sự phân chia tiêu chuẩn dành cho mọi tàu chiến chủ lực của Hải quân Đức.

Vỏ giáp của nó có độ dày thay đổi (100mm bên trên các khoang động cơ và hầm đạn phía sau, 60 mm trên hầm đạn phía trước và 30 mm trước mũi, vỏ giáp phía đuôi 80 mm để bảo vệ bánh lái).



Bản thiết kế của Graf Zeppelin


Lớp vỏ giáp ngang có khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng bom và đạn, lớp giáp này có độ dày chung là 20 mm ngoài trừ khu vực chung quanh trục thang nâng và ống khói, nơi độ dày được tăng lên 40 mm nhằm giúp cho các thang nâng có sức mạnh cần thiết và các ống khói mang tính sống còn chống mảnh đạn tốt hơn.

Động cơ

Hệ thống động cơ của Graf Zeppelin bao gồm 16 nồi hơi La Mont áp lực cao, tương tự như kiểu dùng cho lớp tuần dương hạm Admiral Hipper.

Bốn 4 turbine hộp số được nối liền với bốn trục, được hy vọng sẽ sản sinh công suất 150.000 kW và đưa chiếc tàu sân bay đạt được tốc độ tối đa 35 hải lý/h (65 km/h). Với trữ lượng nhiên liệu tối đa 5.000 tấn dầu đốt, tầm hoạt động được tính toán của Graf Zeppelin là 9.600 dặm (15.400 km) ở tốc độ 19 hải lý/h (35 km/h).

Sàn đáp – Hầm chứa máy bay

Sàn đáp của Graf Zeppelin có cấu trúc bằng thép và được lót gỗ, dài 242 m và rộng tối đa 30 m. Sàn đáp được nâng đỡ bởi các trụ chống thép.



Tổng cộng diện tích sàn chứa máy bay được sử dụng là 5.450 m2, đủ để chứa 41 máy bay


Các sàn chứa máy bay trên và dưới của Graf Zeppelin dài và hẹp, bên hông và hai đầu không được bọc giáp.

Các xưởng sữa chữa, khoang chứa và chỗ nghỉ của thủy thủ được bố trí phía ngoài các sàn, một đặc điểm thiết kế tương tự như các tàu sân bay Anh.

Sàn chứa phía trên có kích thước 185m×16 m; trong khi sàn chứa dưới có kích thước 172m ×16 m.

Tổng cộng diện tích sàn chứa máy bay được sử dụng là 5.450 m2, đủ để chứa 41 máy bay: 18 chiếc máy bay ném bom – ngư lôi Fieseler Fi167 trong sàn chứa bên dưới; 13 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87C và 10 máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109T trong sàn chứa bên trên.



Graf Zeppelin được trang bị pháo khác nhau cho nhiệm vụ phòng không và chống tàu nổi.


Vũ khí

Graf Zeppelin được trang bị pháo khác nhau cho nhiệm vụ phòng không và chống tàu nổi.

Vũ khí đối hạm chủ yếu của nó bao gồm 16 khẩu pháo 150mm bố trí trên 8 tháp pháo nòng đôi.Vũ khí phòng không chính bao gồm 12 khẩu pháo 105 mm bố trí trên 6 tháp pháo nòng đôi, ba phía trước và ba phía sau.

Dàn hỏa lực phòng không phụ của Graf Zeppelin bao gồm 11 khẩu đội SK C/30 nòng đôi 37 mm bố trí trên các bệ nhô dọc theo mép sàn đáp: 4 khẩu đội bên mạn phải, sáu bên mạn trái và một ở phần mũi tàu. Thêm vào đó, 7 khẩu súng máy MG C/30 20 mm trên các bệ nòng đơn bố trí hai bên mạn tàu: 4 bên mạn trái và ba bên mạn phải; sau đó được đổi thành các khẩu đội bốn nòng.

Máy bay trên hạm

Nhiệm vụ dự định ban đầu của Graf Zeppelin chủ yếu là trinh sát di động trên biển, nên các máy bay được thiết kế cho nó cũng phản ảnh rõ: 20 máy bay cánh kép Fieseler Fi 167 dùng để tuần tiểu và tấn công bằng ngư lôi, 10 máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109T và 13 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87.

Do ảnh hưởng đường lối tác chiến sử dụng tàu sân bay của Nhật Bản, Anh Quốc và Hoa Kỳ (từ vai trò trinh sát thuần túy sang các nhiệm vụ tác chiến tấn công) số máy bay trên hạm của Graf Zeppelin được đổi thành 30 chiếc máy bay tiêm kích Bf 109 và 12 máy bay ném bom bổ nhào Ju 87.

Khám phá

Vào ngày 12/7/2006, chiếc RV St.Barbara, một con tàu của công ty dầu khí Ba Lan Petrobaltic, tìm thấy xác một con tàu đắm dài 265m ở gần cảng Leba (một báo cáo của BBC cho rằng cách 55 km về phía Bắc Wladyslawowo).

Sau khi phát hiện, họ cho rằng rất có thể đó là chiếc Graf Zeppelin. Ngày 26/7/2006, thủy thủ đoàn của tàu thăm dò ORP Arctowski thuộc Hải quân Ban Lan tiến hành khảo sát xác tàu đắm để xác định. Ngay ngày hôm sau, Hải quân Ba Lan chính thức xác nhận đó chính là Graf Zeppelin ở độ sâu 87m.

Năm 2009, một nhóm thợ lặn đã xin được giấy phép của Chính phủ Ba Lan để lặn xuống xác tàu đắm.

[BDV news]


>> Nghệ thuật quân sự hải quân (kỳ 6)



"Trận hải chiến vĩ đại" bị thay thế bằng những cuộc săn tìm trên biển với hiệu quả sóng còn cao hơn, là nét nổi bật của tư duy tác chiến hải quân mới.

Tư duy "trận hải chiến vĩ đại" lui dần vào lịch sử

Trước thế kỷ 20 các hoạt động trên biển hầu như chỉ là nhưng hoạt động tác chiến cấp chiến thuật, các nước phương Tây, những nước thực dân với đường lối chính trị "ngoại giao pháo hạm" và nguyên tắc tác chiến "trận hải chiến vĩ đại" đã sử dụng những hạm tàu viễn dương đánh chiếm các nước nghèo, lạc hậu thuộc chế độ phong kiến với mục đích mở rộng thuộc địa. Hầu hết các cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức và lực lượng hải quân mang tính yểm trợ, vận tải và đổ bộ.

Vào những năm 1904 – 1905 trong cuộc chiến tranh Nga Nhật các trận hải chiến giữa Hạm đội Thái bình dương và Hạm đội hải quân của Nhật đã xuất hiện những yếu tố của hải chiến hiện đại.

Hải quân Nhật phát triển vượt bậc với các thiết giáp hạm, các tàu tuần dương trọng tải lớn và pháo hạm hiện đại hơn, các khu trục hạm bọc giáp hạng nhẹ với khả năng tấn công nhanh đã làm chủ chiến trường trên mặt biển.

Các chiến dịch trong chiến tranh Nga - Nhật dù thời gian kéo dài hơn, nhưng vẫn có những nét tương đồng của các trận hải chiến lớn thời kỳ tàu buồm, với sự thất bại của hải quân Nga, do đánh giá sai lầm sức mạnh hỏa lực pháo binh Nhật bản và khả năng tấn công trực diện với tốc độ cao của các tàu khu trục hạng nhẹ, là bước phát triển cao nhất của các Thiết giáp hạm, pháo hạm và các tàu khu trục ham.

Lý thuyết hải chiến được xây dựng trên cơ sở: Để tiêu diệt một hạm đội cần có một hạm đội khác mạnh hơn, có nhiều pháo hạng nặng hơn và nhiều tàu thiết giáp tốc độ cao hơn.



Sơ đồ hải chiến Nga - Nhật.

Các giai đoạn của cuộc chiến thế giới 1 cũng cho thấy những thương vong của các thiết giáp hạm bởi các vũ khí năng động và tiết kiệm hơn và cũng là sự phát triển mạnh mẽ của tàu ngầm.

Trong tháng 9/1914, mối đe dọa thực sự từ chiến dịch săn tàu của đội tàu ngầm U-boat Đức đến các tàu chiến chủ lực đã được chứng minh bởi các cuộc tấn công thành công vào các tuần dương hạm của Anh, chiếc tàu ngầm U-9 Đức trong 1 trận đánh chìm 3 tàu tuần dương bọc thép của Anh chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ.

Thủy lôi tiếp tục chứng minh là một mối đe dọa thường trực khi chỉ 1 tháng sau đó, "siêu thiết giáp hạm" lớp Dreadnought Audacious của Anh đã đâm vào một quả thủy lôi và chìm.

Đến cuối những năm 1918 - 1920, chiến lược và chiến thuật của Anh ở Biển Bắc phải thay đổi để làm giảm sự khả năng tiêu diệt của tàu U-boat.



Sơ đồ trận hải chiến Jutland.


Tại Jutland là cuộc đụng độ lớn duy nhất của các hạm đội thiết giáp hạm trong lịch sử, kế hoạch của Đức trong trận chiến là dựa vào đội tàu U-boat để tung ra các cuộc tấn công vào hạm đội Anh, và việc hạm đội thiết giáp hạm Đức thoát khỏi hỏa lực mạnh mẽ hơn của tàu Anh là bởi các tàu tuần dương và tàu khu trục của Đức có thể áp vào gần các thiết giáp hạm của Anh, làm chúng (các thiết giáp hạm của Anh) phải di chuyển để tránh sự đe dọa của các cuộc tấn công bằng ngư lôi.

Hơn nữa những thiếu sót để cho các tàu ngầm tấn công các tuần dương hạm làm cho các tàu tuần dương bị thương vong lớn đã dẫn đến những hoang tưởng ngày càng tăng trong Hải quân Hoàng gia Anh về chỗ yếu của thiết giáp hạm.

Trận hải chiến Jutland vào cuối tháng 3/1916 giữa hạm đội của Anh và của Đức đã kết thúc tư duy chiến lược "trận đánh vĩ đại trên biển".

Trong trận hải chiến này, người Anh đã mất 14 tàu với trọng tải là 11.3570 tấn, 6.097 thủy thủ hy sinh, 510 bị thương. Người Đức mất 11 chiến hạm với trọng tải là 60.250 tấn, 2.551 thủy thủ hy sinh, 507 người bị thương.

Nhưng trận chiến lớn nhất này không kết thúc bằng sự hủy diệt của Hải quân Anh, và người Đức cũng không chiếm được vị trí thống trị trên biển. Tư duy nghệ thuật chiến dịch kết thúc bằng một trận hải chiến vĩ đại đã mất hoàn toàn giá trị hiện thực của nó.

Các cuộc săn tìm trên biển

Sau đại chiến thế giới lần thứ 1, nghệ thuật quân sự phát triển mạnh với sự phát triển của xe tăng, xe thiết giáp, pháo nòng dài, tư duy chiến dịch có chiều sâu vào các chiến dịch mà lực lượng chủ lực giải quyết chiến trường là lực lượng bộ binh, lực lượng hải quân đóng vai trò yểm trợ.

Các chiến dịch hải chiến chủ yếu có mục đích bảo vệ đường vận tải biển, tấn công tàu ngầm và chống ngầm, đồng thời phát triển mạnh binh chủng không quân hải quân.

Nghệ thuật chiến dịch tập trung giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu, bảo vệ các căn cứ kinh tế, quân sự ven biển, tấn công các tuyến đường vận tải bằng tàu ngầm bảo vệ đường vận tải và chống ngầm, tác chiến không-hải bằng lực lượng không quân và không quân hải quân với sự tham gia của các tàu sân bay.

Khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, trên các vùng nước của các cường quốc tham gia chiến tranh, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt với các chiến dịch săn tìm các đoàn tàu vận tải của đối phương, tấn công bằng tàu ngầm, các hạm đội hải chiến chủ yếu bằng tàu sân bay và không quân hải quân tấn công căn cứ hải quân của đối phương bằng lực lượng đổ bộ hải quân với sự yểm trợ hỏa lực mạnh mẽ của hải quân.



Sơ đồ trận hải chiến Matapan.


Một trong những trận đánh làm thay đổi tư duy chiến dịch của hải chiến, bắt đầu thời kỳ của khoa học công nghệ hiện đại là trận đánh ở mũi Matapan ngày 27 – 29/5/1941 giữa Hải quân Hoàng gia Anh và hải quân Italy.

Sau một thời gian dài tiến hành chiến dịch săn tìm, cuối cùng hạm đội Anh đã phát hiện một hải đoàn của hải quân Italy với kỳ hạm Vittorio Veneto, 6 tàu thiết giáp hạm hạng nặng, 2 tàu tuần dương hạng nhẹ và 13 tàu khu trục.

Không quân hải quân tàu sân bay Formideybl của Anh đã đánh thiệt hại nặng kỳ hạm và thiết giáp hạm của Italy. Cuộc chiến đấu tiếp tục diễn ra vào ban đêm, chiến hạm của Anh sử dụng radar đã nhanh chóng phát hiện ra tàu chiến của Italy và nhấn chìm 3 tàu tuần dương hạng nặng, 2 tàu khu trục.

Đặc biệt đáng kể: Hải đoàn của người Anh không có tổn thất đáng kể.



Tàu ngầm U Boat của Đức.

Là nước có nền công nghiệp phát triển mạnh, Đức đã phát triển một tư duy chiến dịch mới, đi kèm với sự phát triển của công nghệ đóng tàu ngầm U-Boat tải trọng 200 tấn, "chiến thuật bầy sói", người Đức đã tung hoành trên Đại Tây dương, tấn công các tuyến đường vận tải, các hạm tàu của các nước Đồng minh, vũ khí tấn công chủ yếu là ngư lôi, thứ yếu là pháo hạm hạng nhẹ.

Chiến thuật bầy sói đã gây rất nhiều tổn thất cho các đoàn quân sự và đoàn tàu thương mại trên biển. Sự phát triển mạnh mẽ của tàu ngầm, ngư lôi, thủy lôi và máy bay ném bom chìm, phóng ngư lôi đã xuất hiện một thế hệ các tàu chiến mới, thay thế cho các tuần dương hạm hạng nặng và thiết giáp hạm, đó là những tàu yểm trợ và đánh chặn bảo vệ tiền duyên của các đoàn tàu thương mại và vận tải, tàu khu trục phóng lôi và săn ngầm.



Hoạt động của lực lượng hải quân trên vùng biển Đại Tây Dương năm 1942.


Hàng trăm chiếc tàu khu trục của Anh, Mỹ với các thiết bị hiện đại được triển khai trên Đại tây dương và Địa trung hải với mục tiêu săn ngầm, đánh tiêu diệt các tàu ngầm Đức, với chiến dịch truy quét tàu ngầm, tập trung lực lượng từ nhiều hướng bao vây và tiêu diệt, quân đội Đồng Minh đã đánh chim kỳ hạm Bismarck và bắt đầu sự thảm bại của hải quân Đức.

Sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị radar, sonar, ngư lôi và không quân hải quân đã tạo ưu thế trên mặt nước Địa Trung hải, Hải quân Đức đã tổn thất nặng nề trong chiến dịch sử dụng tàu ngầm thống trị mặt biển, người Đức cố gắng kéo lại ưu thế bằng giải pháp thiết kế tàu ngầm mới loại Elektroboat với khả năng lặn lâu hơn, tấn công ngư lôi từ dưới mặt nước, nhưng thời gian không cho phép, khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy từ 6 đến tháng 8/1944 đó cũng là trận hải chiến cuối cùng của tàu ngầm Đức.



Vị trí các tàu ngầm U boat bị đánh chìm.


Nhìn toàn cuộc, 1.155 tàu ngầm Đức được tung vào cuộc chiến, trong đó có 725 chiếc bị đánh chìm.

Trong 6 năm, hơn 35.000 thủy thủ Đức lao vào cuộc chiến sống còn trên biển và 28.744 người không bao giờ trở về - tỷ lệ thiệt mạng 82% được xem là cao nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại.



Hoạt động tác chiến của lực lượng hải quân trên vùng biển Đại Tây Dương các nước năm 1944-1945.


Đặc điểm của các chiến dịch do các lực lượng hải quân tiến hành được thể hiện rõ nét nhất trên Chiến trường Đông Nam Á, và nổi bật là cuộc chiến tranh trên biển Philippines 1941-1945 giữa lực lượng Hải quân Nhật bản và lực lượng Đồng Minh.

Hải quân Nhật dưới quyền chỉ huy của đô đốc hải quân Isoroku Yamamoto nhận định, thời kỳ của những chiếc thiết giáp hạm và pháo hạm đã kết thúc, phương án để đánh bại một hạm đội thiết giáp hạm cần một hạm đội thiết giáp hạm lớn hơn, có vỏ thép dầy hơn và pháo nặng hơn đã không còn thực tế nữa.

Đô đốc Yamamoto chọn phương án sử dụng máy bay chiến đấu với các loại ngư lôi tấn công dưới ngấn nước, không quân hải quân và tàu sân bay là lực lượng tác chiến chủ lực của hải quân Nhật bản, do đó, lực lượng không quân hải quân và tàu sân bay của Nhật được phát triển mạnh mẽ, khả năng hải hành viễn dương rất cao và có thể hiệp đồng tác chiến quân binh chủng chặt chẽ.

Lực lượng viễn chinh chủ yếu của nhật bản dưa trên sức mạnh của những hạm đội trong đó, lực lượng tàu sân bay cảm tử kamikaze đóng vai trò chủ lực. Tuy nhiên, người Nhật luôn đánh giá cao lý luận thống trị trên đại dương bằng một trận hải chiến vĩ đại, tiêu diệt phần lớn lực lượng hải quân đối phương bằng những đòn tấn công liên tiếp, quyết liệt của không quân, sau đó mở rộng không gian tác chiến bằng những đòn đánh của lực lượng thiết giáp hạm, tuần dương hạm và tàu ngầm với vũ khí chủ đạo là ngư lôi – pháo hạm với sự yểm trợ của máy bay ném bom, kết thúc chiến dịch bằng các cuộc đổ bộ từ biển đánh sâu vào đất liền, chiếm đóng và tiêu diệt.

Để khẳng định cho lý luận quân sự này, Nhật Bản đã đưa lực lượng hải quân viễn dương hùng mạnh vào đại chiến thế giới lần thứ 2. Mở màn bằng trận tấn công Chân Trâu cảng, Hải quân Nhật đã đánh tiêu diệt hại nặng Hạm đội Thái bình dương của Mỹ do đô đốc Husband Kimmel, tư lệnh hạm đội (từ tháng 2-1941).


Cuộc xâm lược của Đế quốc Nhật Bản.


Sau cuộc tấn công Chân Trâu cảng, các chiến dịch hải chiến trong khu vực Đông Nam Á đã mở rộng, Hải quân Nhật bản với biên chế đầy đủ tàu sân bay, thiết giáp hạm, tuần dương hạm, các tàu khu trục, tàu ngầm và không quân hải quân đã vượt qua Thái Bình Dương và tiến sâu vào Ấn Độ dương, tiêu diệt 2 hạm tàu mạnh nhất của nước Anh Prince of Wales và Repulse đuổi hạm đội của Hoàng gia Anh tháo lui khỏi biển Ấn độ. Quân đội Nhật đã đánh chiếm toàn bộ Đông Nam Á. Nhưng cũng từ đó, lực lượng hải quân Nhật bản đã bộc lộ những điểm yếu dẫn đến sự thảm bại sau này.

Điểm thứ nhất: Quân đội Nhật đã quá tin tưởng vào sức mạnh hải quân, do đó, sự gắn kết chiến dịch với các lực lượng lục quân Nhật Bản không chặt chẽ. Đặc biệt là với lực lượng lục quân.

Điểm thứ hai. Quân đội Nhật được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng hệ thống thông tin trinh sát và quản lý chiến trường rất yếu. Đó là khả năng thông tin liên lạc của các hải đoàn rất kém, người Nhật không được trang bị radar, một thiết bị quân sự hiện đại, song hành cùng với điều đó, nền công nghiệp Nhật bản, đặc biệt là cụm công nghiệp tàu biển và máy bay chiến đấu, đã không đáp ứng được yêu cầu trên chiến trường.

Những hạn chế trên đã trở thành nguyên nhân chính gây ra thất bại của Hải quân Nhật bản. Sau chiến dịch tấn công Midway thất bại, lực lượng Hải quân Nhật đã rơi vào tính thế chiến đấu mà không có sự hộ trợ mạnh mẽ của nền công nghiệp quốc phòng, những tổn thất nặng nề trong chiến tranh đã không được bù đắp, và loạt chiến dịch liên tiếp trên chiến trường Philippines thất bại.

Hải quân Nhật bị tổn thất nặng nề bởi các đòn tấn công của máy bay cường kích, tàu ngầm, trận chiến vịnh Leyte đã chấm dứt mọi hoạt động của hạm đội Nhật bản với tư cách là lực lượng hải quân hùng mạnh trên biển Thái Bình dương. Nhật bản bị đánh tiêu diệt trên mặt trận Mãn Châu, bị hủy diệt bởi 2 quả bom nguyên tử, và chiến dịch Okinawa đã buộc quân đội Nhật phải đầu hàng.



Sơ đồ trận chiến Midway.




Trận chiến vịnh Leyte đánh quỵ tiềm năng cuối cùng của Hải quân Nhật Bản


Sau những thất bại đầu chiến tranh, lực lượng Đồng Minh đã học tập kinh nghiệm tác chiến chiến dịch của Nhật bản với phương pháp sử dụng không quân kải quân và tàu ngầm tác chiến độc lập.

Mỹ tập trung phát triển máy bay tác chiến trên tàu sân bay, Anh tăng cường sức chịu đựng của thiết giáp hạm trước sức tấn công của không quân hải quân, trong các chiến dịch hải chiến, với sức mạnh vượt gấp nhiều lần của nền công nghiệp quốc phòng, với khả năng có thể trang bị cho Hải quân những vũ khí và thiết bị quân sự tối tân nhất.

Lực lượng Đồng minh đã có ưu thế cả trên không và trên biển. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia tác chiến, lấy không quân hải quân, với các pháo đài bay B-17 làm chủ đạo, các máy bay cường kích mang ngư lôi và bom đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tàu ngầm, lực lượng bộ binh cơ giới.

Vượt trội hơn Nhật bản về công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và hệ thống radar, Mỹ đã tăng cường sức mạnh tối đa của không quân hải quân. Quân đội Đồng minh đã tiến hành các chiến dịch tuy quét lực lượng hải quân Nhật bản, tập trung máy bay tấn công với số lượng lớn nhằm tiêu diệt các tàu sân bay của lực lượng hải quân Nhật bản.

Đầu năm 1945, hầu hết các hạm đội của Nhật bản đều nằm sâu dưới đáy biến, Mỹ đồng thời dùng lực lượng bộ binh, không quân đánh quỵ tiềm năng chiến tranh của Nhật. Từ đó triển khai những chiến dịch tấn công đổ bộ lên đảo Okinawa, Nhật hoàng đọc tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

[BDV news]


>> Đô đốc Mỹ thăm căn cứ tên lửa Trung Quốc



Trong khuôn khổ chuyến công du đến Bắc Kinh, đô đốc Mullen đã được mời thăm cơ sở của quân đoàn pháo binh số 2

Đô đốc Mullen đã được mời thăm trụ sở của quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc vào hôm chủ nhật 10/7/2011.

Tại trụ sở của quân đoàn pháo binh số 2, ông đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với chỉ huy của quân đoàn này tướng Jing Zhiyuan.

Tướng Jing đã giới thiệu cho đô đốc Mullen đôi nét về sự hình thành và quá trình phát triển của quân đoàn pháo binh số 2.

Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm công khai minh bạch về các chương trình phát triển quân sự của mình. Đô đốc Mullen hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa lực lượng tên lửa chiến lược của hai nước.

Trong khi đó, tướng Jing cũng hy vọng hai bên nghiêm túc thực hiện sự đồng thuận , gia tăng đối thoại và trao đổi thông tin nhằm duy trì quan hệ quân sự tốt đẹp giữa hai nước.

Trong biên chế của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, lực lượng tên lửa chiến lược được gọi một cái tên khá khiêm tốn “quân đoàn pháo binh số 2”.

Sự phát triển, cơ cấu tổ chức, vũ khí trang bị của lực lượng này vẫn là một ẩn số đối với thế giới.



Phòng điều khiển của "Vạn lý trường thành" trong lòng đất (ảnh: Clubchina)


Căn cứ ngầm cho lực lượng tên lửa

Theo một số thông tin rò rỉ trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc, nước này đã hoàn thành xây dựng một “Vạn lý trường thành” trong lòng đất cho quân đoàn pháo binh số 2.

“Vạn lý trường thành” trong lòng đất này vừa là kho cất giữ và bảo quản các tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Cũng là nơi đặt các giếng phóng cố định trong lòng đất.

Cơ sở trong lòng đất này đủ khả năng để chịu đựng một cuộc tấn công bằng hạt nhân của đối phương. Đây sẽ là điểm tựa để Trung Quốc tiến hành một cuộc đáp trả lại đợt tấn công bằng hạt nhân của đối phương.

Đường hầm này được xây dựng bên trong lòng núi tại khu vực Bắc Trung Quốc. Đây được coi là một “mê cung trong lòng đất”. Đến nay, số lượng tên lửa được triển khai tại đây vẫn là một ẩn số vô cùng lớn.



Cơ sở trong lòng đất này đủ sức chịu đựng một cuộc tấn công hạt nhân của đối phương (ảnh: Clubchina)


Theo báo cáo được đăng tải bởi Nti.org, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc có khoảng 400 thiết bị phóng, cùng với khoảng 100 đầu đạn hạt nhân. Tầm tác chiến của đơn vị này đủ sức "vươn tới mọi nơi" trên toàn thế giới.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng công bố bản danh sách đầu tiên của các nhà cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội Trung Quốc. Nhằm thể hiện sự cạnh tranh trong đấu thầu cung cấp trang thiết bị vũ khí cho quân đội.

Tổng cộng có hơn 1.600 nhà thầu nằm trong danh sách. Đây cũng là một nỗ lực nữa của Trung Quốc nhằm "minh bạch hóa" hơn các chương trình mua sắm quân sự đúng vào dịp người bạn Mỹ tới thăm. Các chương trình lâu nay vẫn là một ẩn số với thế giới.



Đường hầm được thiết kế cho cả xe lửa và xe cơ giới hoạt động (ảnh: Clubchina)


Sự úp mở, không công khai và thiếu thông tin về các chương trình mua sắm quốc phòng của Trung Quốc vốn làm cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm ở đây là liệu các dự án mua sắm quốc phòng lớn của Trung Quốc có được công bố cách công khai và minh bạch như các dự án mua sắm quốc phòng của Mỹ hay không. Bởi đến nay, sự phát triển các hệ thống vũ khí của Trung Quốc đều được thực hiện theo “chiều dọc” tất cả đều nằm dưới sự chỉ đạo từ phía nhà nước.

[BDV news]


>> Malaysia tập trận quy mô lớn trên biển Đông



Malaysia lên kế hoạch tổ chức diễn tập quy mô lớn trên nhằm thể hiện sức mạnh quân sự nhằm đối phó lại những thách thức an ninh mới nổi trong khu vực Đông Nam Á.

Từ ngày 15 – 21/07/2011, tại vùng biển kéo dài từ căn cứ Hải quân Kota Kinabalu đến quần đảo Trường Sa, lực lượng hải quân Malaysia sẽ tổ chức một cuộc diễn tập tổng hợp quy mô lớn mang tên “OSTEX-2011”.

Đây là cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến giữa các Vùng hải quân có qui mô lớn nhất từ trước tới nay, do Bộ Tư lệnh Hạm đội Tác chiến Malaysia tổ chức chỉ đạo.



Tàu ngầm lớp Scorpene KD Tunku Abdul Rahman của Hải quân Malaysia.


Mục đích diễn tập nhằm nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng tác chiến trên biển giữa lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm với máy bay, phô trương lực lượng và răn đe các hành động gây hấn trong khu vực.

Lực lượng tham gia gồm khoảng trên 1.000 quân với các đơn vị tác chiến gồm 1 Đại đội tác chiến đặc biệt, 1 Đại đội lặn,1 Đại đội yểm trợ mặt nước. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có sự tham gia của 11 tàu chiến các loại gồm 2 tàu ngầm lớp Scorpene KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Razak, 5 tàu tuần dương KD Selangor, KD Kelantan, KD Terengganu, KD Perak, KD Pahang, 1 Khinh hạm KD Lekiu, 1 Tàu hộ tống KD Lekir, 2 tàu quét lôi KD Mahamiru và KD Ledang và 3 trực thăng trong đó có 2 chiếc Super Lynx và 1 Fennec.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của các máy bay không quân như F-5E/F, máy bay tuần tra CN-235, máy bay do thám biển Beech craft, trực thăng Nuri.

Địa điểm diễn tập được xác định tại khu vực các đảo mà Malaysia đang chiếm đóng ở Trường Sa, căn cứ Hải quân Kota Kinabalu/bang Sabah và khu vực Biển Đông vùng biển kéo dài từ căn cứ Hải quân Kota Kinabalu đến quần đảo Trường Sa.

Nội dung diễn tập gồm thiết lập đội hình tuần tra trên biển, phối hợp tác chiến giữa tàu chiến với máy bay, cất hạ cánh máy bay trực thăng trên boong tàu, phối hợp hiệp đồng thông tin liên lạc giữa các tàu với máy bay và căn cứ trên khu vực đảo.

Bên cạnh đó còn có các bài tập về tác chiến chống ngầm, chống xâm nhập đường biển, chế áp xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài, phối hợp chi viện giữa tàu chiến với máy bay chiến đấu của không quân và thực hành bắn đạn thật.

Tham gia chỉ huy diễn tập có Tư lệnh Bộ tư lệnh Hạm đội tác chiến; các Tư lệnh hải quân Vùng 1, 2 và 3 của Malaysia.

[BDV news]


>> Báo Trung Quốc: Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam



Mỹ đã một lần nữa tái khẳng định vai trò của mình ở châu Á-Thái Bình Dương bởi Mỹ là 1 quốc gia ở Thái Bình Dương và dĩ nhiên lợi ích của Mỹ cũng sẽ được gắn liền với khu vực.

Ngày 10/7/2011 Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã tham dự cuộc họp về an ninh hợp tác và ổn định khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương tại trường ĐH Nhân dân Trung Quốc .

Tại cuộc thảo luận, Chủ tịch tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen đã nhấn mạnh cam kết, Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của mình và duy trì sự hiện diện tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo Đô đốc Mike Mullen "Bây giờ, hơn bao giờ hết, Mỹ là một quốc gia ở Thái Bình Dương và dĩ nhiên lợi ích về kinh tế và quân sự của Mỹ cũng sẽ được gắn liền với châu Á - Thái Bình Dương”.



Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã tham dự cuộc họp về an ninh hợp tác và ổn định khu vực ở châu Á tại trường ĐH Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: AFP


Ông Mullen kêu gọi Trung Quốc nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Trung Quốc cần nhận thức về mối quan hệ quân sự và kinh tế giữa các bên là quan trọng, sức mạnh quân sự càng lớn thì cần thiết phải có trách nhiệm lớn hơn và minh bạch hơn. Mỹ luôn mong muốn giữa Mỹ và Trung Quốc có một mối quan hệ tích cực và hợp tác toàn diện.

Mỹ không bao giờ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa bởi đối với Mỹ, mà ngược lại, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ triển vọng phát triển của một Trung Quốc mạnh hơn, cũng như sự phát triển của các quốc gia khác trong khu vực.

Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen đến Bắc Kinh vào ngày 9/7/2011 theo lời mời của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức, nhằm đáp lại lời mời của ông Trần Bỉnh Đức trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5/2011.

Chuyến thăm lần này của phái đoàn quân sự cấp cao Mỹ đến Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy quan hệ quân sự Trung Quốc - Mỹ đã được cải thiện đáng kể.

Chuyến thăm của ông Trần Bỉnh Đức tới Washington hồi tháng 5/2011 là chuyến thăm của đại diện quân sự cấp cao nhất kể từ khi mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã bị rạn nứt vào đầu năm 2010 sau khi Mỹ đồng ý bán 6,4 tỷ USD vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.

Sau chuyến thăm trường ĐH Nhân dân, Đô đốc Mullen sẽ tiếp tục cuộc hội đàm với ông Trần Bỉnh Đức, và sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài ra, Đô đốc Mullen sẽ tới thăm các cơ sở công nghiệp quốc phòng, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Trung Quốc như không quân, lục quân, hải quân và pháo binh.

Động chạm nhiều vấn đề "nóng"

Trả lời một câu hỏi của phóng viên bên lề cuộc thảo luận tại ĐH Nhân dân Trung Quốc về việc Mỹ đã bán vũ khí cho Đài Loan, ông Mike Mullen khẳng định rằng, Washington luôn ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc, nhưng doanh số bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ cũng được cho phép bởi luật pháp Mỹ. Mỹ sẽ luôn cố gắng để có được sự cân bằng trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ và Mỹ - Đài Loan.

Đề cập đến một loạt các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và các nước ASEAN, ông Mike Mullen nói rằng, Mỹ sẽ không từ bỏ khu vực, mục đích của các cuộc tập trận quân sự chỉ là để mở rộng và làm sâu sắc hơn lợi ích và mối quan hệ của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Đặc biệt, đề cập đến những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền thời gian gần đây giữa Trung Quốc và một số nước như Philippines và Việt Nam, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn cho biết, xin trích đoạn: "Bất chấp những căng thẳng chưa được giải quyết về tranh chấp lãnh thổ, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này Đô đốc Mike Mullen vẫn nhấn mạnh, Mỹ vẫn sẽ cam kết hỗ trợ Việt Nam trên Biển Đông trong lĩnh vực khai thác dầu khí và đặc biệt là Philippines".

Nhận định các bài phát biểu trong chuyến thăm lần này Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc Shi Yinhong cho rằng, dù quan hệ quân sự Mỹ - Trung Quốc được cải thiện, song quan điểm của quan chức cấp cao 2 nước đã không che dấu thực tế rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang giữ lập trường đối lập trên một số vấn đề nhạy cảm quan trọng.

Ông Shi Yinhong còn rất để ý tới việc ông Mike Mullen lặp đi lặp lại cụm từ "Trung Quốc nên có trách nhiệm với các vấn đề trong khu vực", mang ý Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc làm xấu đi tình hình trong khu vực.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang