Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

>> Nga trả nợ Hàn Quốc bằng vũ khí và công nghệ



Trang bị phòng không Nga là đối tượng quan tâm
của Hàn Quốc (RIA Novosti)

Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc và Nga đã bắt đầu giai đoạn đàm phán thứ ba về khả năng chuyển giao cho Seoul các hệ thống và công nghệ quốc phòng trong khuôn khổ thanh toán nợ nhà nước của Nga, hãng Yonhap cho hay.

Đại diện Cơ quan chương trình mua sắm quốc phòng DAPA thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận, việc đàm phán về vấn đề chuyển giao công nghệ đã diễn ra và sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhưng không nói rõ là các công nghệ nào của Nga. Trị giá thương vụ ước 400 triệu USD.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn không nêu tên trong quân đội nước này cho biết, trong danh sách các công nghệ chuyển giao có công nghệ đài radar phát hiện tầm xa và hệ thống bảo vệ chống xung điện từ.

Trong số các trang thiết bị khác mà Hàn Quốc quan tâm có acquy tàu ngầm và động cơ máy bay.

Khoản tín dụng cấp cho Nga ban đầu năm 1991 trị giá 1 tỷ USD, nhưng tính cả lãi nay đã lên tới 1,3 tỷ USD. Hiện tại, khoản nợ của Nga chưa thanh toán cho Hàn Quốc được cho là 560 triệu USD.

Trong hai giai đoạn trước của dự án, Nga đã thanh toán gần 740 triệu USD bằng cung cấp cho Hàn Quốc các xe tăng chủ lực Т-80U, hệ thống tên lửa chống tămng Metis-M, trực thăng Ка-32, các vũ khí khác, nhôm và uranium làm giàu để dùng làm nhiên liệu hạt nhân. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang hợp tác với Hàn Quốc tiến hành các chương trình vũ trụ.

Tuy nhiên theo tờ Dni (Nga), thì Hàn Quốc muốn nhận được từ Nga các công nghệ quốc phòng tiên tiến để trừ khoản nợ 1,3 tỷ USD mà Nga nợ họ trong 20 năm qua.

Khoản tín dụng Hàn Quốc cấp cho Nga trong thập niên 1990 trong khuôn khổ hiệp định hợp tác kinh tế đến năm 2025 là 1,5 tỷ USD.

Đầu những năm 2000, hai bên thỏa thuận khoản nợ sẽ được thanh toán vào năm 2010, một nửa trong số đó, Nga sẽ trả bằng tiền mặt, phần còn lại bằng công nghệ quân sự và hàng quân sự thành phẩm.

Nga đã sử dụng phương thức thanh toán này 2 lần. Năm 1998, Nga đã đề nghị thanh toán cho Hàn Quốc một phần khoản tín dụng bằng tàu ngầm diesel Varshavyanka và hệ thống tên lửa phòng S-300.

Năm 2001, nợ tín dụng của Nga tính cả lãi đã lên tới gần 2 tỷ USD. Hai bên đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ quân sự Nga và trong vài năm sau đó, Hàn Quốc đã nhận được vũ khí Nga trị giá 267 triệu USD.

Sau đó, hai nước còn thực hiện một thương vụ nữa, theo đó Seoul đã nhận được các xe tăng Т-80U, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, tên lửa phòng không vác vai Igla, trực thăng Ка-32, máy bay Il-103 và các hệ thống tên lửa chống tăng Metis-M.

Hàn Quốc quan tâm nhất là các thành phần của hệ thống phòng không. Seol đang muốn Nga chuyển giao các radar phát hiện tầm xa và hệ thống chống tấn công điện từ.

Một phương án trả nợ khác được xem xét là Nga đầu tư hiện đại hóa đường sắt liên Triều và sau đó liên kết nó với tuyến đường xuyên Siberia.

(vtc news)

>> Nga tức giận với hàng nhái Su-33 của Trung Quốc



Tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga

Ngày 1.7.2010, tại cuộc họp báo của công ty Rosoboronoexport ở Moskva, trưởng đoàn Nga A. Emelyanov đã trả lời câu hỏi của phóng viên Kanwa về J-15 như sau: “Chúng tôi đã chú ý tới quá trình phát triển máy bay này. Chúng tôi bất bình với sự việc này và chúng tôi phản đối cách làm đó. Nhưng chúng tôi có thể làm gì?”

Trước đó, khi trả lời câu hỏi này, quan chức Nga cao cấp nhận xét thẳng thừng, rằng “đồ rởm luôn kém hơn đồ thật”.

Ông А. Emelyanov tiếp tục: “Các đại diện công nghiệp quốc phòng nước ngoài cũng thường xuyên nêu lên vấn đề Trung Quốc làm nhái vũ khí Nga. Họ cũng lưu ý tiến độ lan rộng của việc này, nhưng câu trả lời của chúng ta vẫn không thay đổi. Xin mời, hãy chỉ dùng hàng thật”.

Một chuyên gia hàng không của công ty Rosoboronoexport cho biết, ông đã bị sốc khi biết Trung Quốc đã sao chép được Su-33 trong một thời gian ngắn như thế. Ông thực lòng thừa nhận rằng, “chúng tôi đã xử lý rất kém vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi. Hiệp định Nga-Trung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ký tháng 12.2008 đã tỏ ra không hiệu quả. Bởi vậy, chúng tôi đã đưa hiệp định này sang hàng thứ yếu. Hiện tại, hiệp định chỉ có vài trang, và các điều khoản nó có tính chung chung. Chúng tôi đang tính cách cụ thể hóa các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ của chúng tôi và những bước đi hiệu quả nào cần thực hiện để kiểm soát tình hình”.

Dường như Nga lại sẵn sàng nêu ra vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ. “Phía Trung Quốc không bao giờ trao đổi với chúng tôi về vấn đề J-15 và không bao giờ giải thích chuyện đang diễn ra. Không lần nào”. Ông cũng thừa nhận một cách im lặng rằng, việc bán vũ khí Nga cho Trung Quốc ở giai đoạn này đang gần chấm dứt.


Hàng rởm J-15 của Trung Quốc

Cũng tại cuộc họp báo, ông А. Emelyanov cũng nêu ra rằng, “Công ty Rosoboronoexport đã không thảo luận với phía Trung Quốc về tiêm kích J-15, và việc đó cũng không thuộc thẩm quyền của công ty. Chúng tôi chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan liên bang hữu quan về những sự kiện mới nhất và sự tiến triển tình hình, còn vấn đề cần phải được giải quyết ở cấp chính phủ phù hợp của hai nước”.

Trao đổi với Kanwa Asian Defence về tình hình xung quanh J-15, tất cả các chuyên gia vũ khí Nga đều bày tỏ sự thất vọng và bất bình. Theo họ, “khác với câu chuyện tiêm kích J-11B, việc sao chép J-15 lại xảy ra ngay sau khi ký kết hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.

Việc Trung Quốc tiếp tục sao chép tiêm kích trên hạm Su-33 cũng thu hút sự chú ý của công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu. Trả lời câu hỏi của Kanwa, một chuyên gia của công ty Mỹ Raytheon nhận xét: “Làm cách nào mà Trung Quốc sao chép được Su-33 trong một thời gian ngắn như thế? Ngay cả Mỹ, với trình độ giáo dục cao, tinh thần đổi mới, kinh nghiệm thiết kế và nền sản xuất hiện đại nhất thì việc sao chép Su-33 cũng không phải là việc dễ dàng. Chuyện là như thế bởi vì công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu dựa trên các dự án đổi mới, chứ không dựa trên việc sao chép”.

Sự lo ngại gia tăng của các công ty quốc phòng châu Âu đối với việc Trung Quốc làm nhái J-15 là tín hiệu rõ ràng cho thấy họ đã bắt tay nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các vũ khí của họ. Châu Âu đang trì hoãn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Một trong những yếu tố then chốt cho việc đó là các công ty quốc phòng châu Âu không khả năng vận động mạnh. Một chuyên gia kỹ thuật của Raytheon đặt ra nhiều câu hỏi về J-15 hơn cả các đại diện các công ty quốc phòng Nga.

[…] Sự bất bình của Nga với việc sao chép Su-33 không chỉ dừng ở các tuyên bố. Trước đó Kanwa đưa tin, công nghiệp quốc phòng Nga đang xem xét khả năng đóng băng hoặc thậm chí chấm dứt hoàn toàn hiệu lực của hiệp định chuyển giao công nghệ tiêm kích J-11 (Su-27) cho Trung Quốc. Cho đến tháng 7.2010, hiệp định vẫn còn có hiệu lực và theo các điều khoản của nó, Nga phải cung cấp cho Trung Quốc một số bộ phận, linh kiện, trong đó có các động cơ AL-31F và các hệ thống khác cho máy bay tiêm kích Su-27SK, J-11 và J-11A. Đề nghị “đóng băng hiệu lực của hiệp định” có nghĩa là Nga có thể áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu các động cơ AL-31F. Nói cách khác, Nga có thể giảm số lượng động cơ AL-31F xuất sang Trung Quốc hoặc đơn giản là ngừng bán.

Theo một nguồn thạo tin trong công nghiệp quốc phòng Nga, “chúng tôi đang xem xét các hình thức có thể thể hiện lập trường của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng, theo hiệp định, một số lượng đáng kể động cơ AL-31F mà Trung Quốc mua đã không được sử dụng cho các máy bay được quy định. Thay vào đó, chúng đã được lắp cho các tiêm kích J-11B và cho J-15 tương lai”. Nga đã bắt đầu thi hành các biện pháp trả đũa. Tháng 7.2010, trên một bài báo đăng trên tờ Độc lập (Nga), chủ tịch các công ty Sukhoi và MiG M. Pogosyan đã đề nghị chính phủ Nga đóng băng hợp đồng năm 2005 cung cấp 100 động cơ RD-93 cho Trung Quốc, theo đó đến năm 2010, Nga phải cung cấp 57 động cơ RD-93 cho Trung Quốc.

Một nguồn tin tại công ty Rosoboronoexport nói với Kanwa rằng, việc đình chỉ hợp đồng sẽ không đụng chạm đến các động cơ đã chuyển giao. Logic của bài báo của ông M. Pogosyan là để tránh sự cạnh tranh giữa MiG-29SMT của Nga và JF-17 của Trung Quốc trên các thị trường quốc tế. Ngay khi hiệp định bị đình chỉ, việc xuất khẩu JF-17 sang các nước như Pakistan sẽ cực kỳ khó khăn.

Vì sao phải đóng băng hợp đồng bán RD-93? Trong các bài báo trước đó, Kanwa đã chỉ ra rằng, đó là vì xuất khẩu MiG-29. Nhưng nay Kanwa cho rằng, đó là nỗ lực của công nghiệp quốc phòng Nga bày tỏ sự tức giận của họ đối với J-11B và J-15, hoặc thậm chí là một sự cảnh cáo đối với người Trung Quốc.
(vtc news)

>> Philippines mua tuần duyên hạm lớp Hamilton của Mỹ



Tuần duyên hạm lớp Hamilton của Mỹ

Hãng tin AFP ngày 23/1 đưa tin Philippines đang đàm phán với Mỹ để mua một tuần duyên hạm lớp Hamilton nhằm nâng cấp hạm đội cũ kĩ của nước này.

Tuy nhiên, chiếc tàu mà Philippines muốn mua lại chỉ là một chiếc tuần dương hạm đã qua sử dụng. Tư lệnh Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Alexander Pama cho biết tàu tuần duyên lớp Hamilton dài 115 mét sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tuần tiễu các đảo của nước này, song không cho biết tên của con tàu.

Chuẩn Đô đốc Alexander Pama nói: "Chúng tôi đang thảo luận tích cực với chính phủ Mỹ về khả năng mua tàu lớp Hamilton. Chúng tôi cần tăng cường an ninh trong khu đặc quyền kinh tế của mình". Theo ông Pama, tàu tuần duyên lớp Hamilton là loại tàu lớn nhất hiện được lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sử dụng.

Dự kiến Mỹ sẽ bàn giao cho Philippines con tàu này trong nửa đầu năm nay để thay cho tàu chỉ huy BRP Raja Humabon của Hải quân Philippines. Tàu BRP Raja Humabon là tàu khu trục hộ tống lớp Cannon, được coi là một trong những chiến hạm cũ nhất thế giới.

(vtc news)

>> Radar Triều Tiên 'bắt bài' máy bay tàng hình Mỹ



>> Triều Tiên triển khai tàu ngầm quái dị

Sau khi xảy ra vụ việc xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã bố trí các loại máy bay tàng hình tại khu vực này nhằm đối phó với Triều Tiên.


Theo tình báo quân sự của Hàn Quốc, Triều Tiên đã bố trí tại khu vực giới tuyến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên các loại radar đặc chủng nhằm mục đích theo dõi máy bay tàng hình của Mỹ.

Dẫn lời của người phụ trách tình báo liên minh Mỹ - Hàn, Triều Tiên đã cải tạo một số radar được nhập khẩu từ Nga, và bố trí tại khu vực giới tuyến của Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo đó, các radar này sẽ xác định vị trí và tốc độ của máy bay.

Sau khi xảy ra xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, tàu sân bay George Washington và quân đội Mỹ đã cùng quân đội Hàn Quốc diễn tập, máy bay tàng hình F-22 cũng bay từ Nhật Bản sang để tham gia cuộc diễn tập này.

Đài truyền hình MBC cho biết, máy bay tàng hình F-22 Khi bay qua Triều Tiên đã bị các radar chống tàng hình của Triều Tiên phát hiện. Lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-il đã có nhiều thông tin về F-22, dựa vào hệ thống radar trên.


Hệ thống radar đi kèm của S-125. Ảnh minh họa

Chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng, thông tin Triều Tiên phát triển loại hình radar mới là đáng tin cậy. Bởi hàng tháng Triều Tiên thường công bố số lần máy bay trinh sát của Mỹ và Hàn Quốc vi phạm vào lãnh thổ của Triều Tiên, điều này cho thấy khả năng theo dõi của radar Triều Tiên là rất cao.

Một chuyên gia phân tích Hàn Quốc cho biết, để không bị các radar của Triều Tiên phát hiện, trong lúc làm nhiệm vụ, máy bay tàng hình của Mỹ phải chấm dứt mọi liên lạc, hoặc là phải tắt hoàn toàn các loại radar trên không của mình. Điều này sẽ làm cho sức mạnh tác chiến bị giảm đáng kể.

Ngoài việc nghiên cứu các loại radar chống tàng hình mới, Triều Tiên còn phát triển một kỹ thuật tàng hình của riêng để đối phó với các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc.

Năm 2010, Quân đội Hàn Quốc đã thu thập được rất nhiều thông tin cho rằng, Triều Tiên sẽ trang bị cho tàu chiến, máy bay chiến đấu, các loại xe bọc thép khả năng hấp thụ sóng tàng hình của radar, tới 95%.

Tuy nhiên, cũng có nghi ngờ về khả năng phát hiện máy bay tàng hình của của Triều Tiên.

Nhật báo Trung ương Hàn Quốc cho biết, nếu như F-22 thâm nhập vào Triều Tiên thì các loại radar của Triều Tiên chỉ có thể phát hiện ra trong trường hợp cụ thể, tức là xảy ra xung đột, điều chưa hề diễn ra từ trước đến nay. F-22 phải ở trong cự li 20-30km thì các radar này mới có khả năng phát hiện, nguồn tin khẳng định.

(vtc news)

>> Vì sao Trung Quốc xây đường sắt cao tốc qua Việt Nam?




Để nâng cao khả năng giao thương giữa các tỉnh miền phía Nam, ngày 21/1 Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc từ khu tự trị Choang, Quảng Tây tới Singapore, trong đó có đoạn đi qua Việt Nam.

Sự hình thành của “Con đường tơ lụa sắt”

Tại Hội nghị các bộ trưởng Giao thông - Vận tải ASEAN lần thứ 6 ở Brunei hồi tháng 10/2000, các nước trong khu vực và Trung Quốc đã thông qua tuyến đường đi qua bảy nước. Theo đó, tại Việt Nam sẽ có hai đoạn nằm trong dự án hệ thống đường sắt cao tốc.

Một là tuyến nối TP.HCM với Lộc Ninh sang Campuchia, có chiều dài khoảng 130km, đang được nghiên cứu xây dựng theo khổ đường sắt 1m, có 12 ga, với điểm đầu là ga Dĩ An ở Bình Dương và điểm cuối là ga biên giới Hoa Lư. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3.918 tỷ đồng. Tuyến đường sắt thứ hai là Vũng Áng - Mụ Gia, Hà Tĩnh với Lào. Tuyến này có chiều dài khoảng 119km, khổ đường 1m, với 12 ga, 7 hầm và 24 cầu, tổng mức đầu tư khoảng 4.523 tỷ đồng.

Hệ thống đường sắt cao tốc nêu trên có tổng chi phí trên 3 tỷ USD sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên, sẽ được khởi công từ giữa năm 2011, tuyến đường này sẽ nối thủ phủ Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây với thành phố Bình Hương của tỉnh Giang Tây, ở gần biên giới Trung - Việt.

Kế hoạch lớn của ASEAN là hy vọng hệ thống đường sắt cao tốc sẽ tạo ra một tuyến đường nhiều hướng vươn tới Trung Quốc. Trong bối cảnh những nền kinh tế châu Á mong muốn hợp tác thương mại với các nước trong khu vực nhiều hơn là với phương Tây để phát triển kinh tế trong tương lai, thì đây là một kế hoạch lớn có thể biến khu vực ASEAN thành một trung tâm kinh tế có khả năng vận chuyển dễ dàng.

Mục đính chính của “Con đường tơ lụa sắt”

Tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Ủy ban Cải cách Phát triển, cho biết tuyến đường sắt cao tốc trên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nam Ninh trong 5 năm tới, sẽ làm tăng lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Với mục đích chính là nâng cao khả năng giao thương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, Bắc Kinh cũng đặt nhiều hy vọng vào việc củng cố vị thế ở khu vực này. Trang mạng FastCompany nhận định Bắc Kinh thông báo tin xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vào thời điểm Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Báo này cũng cho rằng trong bối cảnh Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa kết thúc, rõ ràng là Trung Quốc muốn duy trì vị trí thống lĩnh của mình trong khu vực, cho dù không phải là thành viên chính thức của hiệp hội này.
(vtc news)

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

>> Hải quân Thái Lan lạc hậu với tàu ngầm



Hải quân Thái Lan không có nhiều kinh nghiệm làm việc với tàu ngầm.

Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) muốn mua 2 tàu ngầm đã qua sử dụng với mức giá khoảng 6 – 7 tỉ baht.

Quyết định này đã được đệ trình lên nội các để chờ phê chuẩn. Hải quân Thái Lan đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Các đặc điểm kỹ thuật của hai chiếc tàu ngầm này chưa được định rõ, nhưng Hải quân Thái Lan dự định sẽ mua tàu từ các nhà cung cấp châu Âu, có thể là Đức.

Hải quân Thái Lan nhấn mạnh đến nhu cầu sở hữu tàu ngầm bởi vì lính hải quân Thái Lan có rất ít kiến thức về công nghệ tàu ngầm, trong khi công nghệ này được nâng cấp liên tục

“Một số nước láng giềng còn thanh lý cả tàu ngầm vậy mà lính hải quân Thái Lan chưa khi nào được tiếp xúc với tàu ngầm. Chúng tôi vẫn lạc hậu về công nghệ tàu ngầm”, nguồn tin cho biết.

Hải quân Thái Lan nhận thấy rằng, hầu hết ngân sách quốc gia cần chi cho lĩnh vực kinh tế, vì thế lực lượng này sẽ đề xuất mua tàu ngầm đã qua sử dụng.

Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Đô đốc Kamthorn Phumhiran cho biết, chính phủ phải quyết định xem liệu có chi tiền cho kế hoạch mua tàu ngầm hay không. Dự án này là một phần của kế hoạch 10 năm nhằm tái biên chế lực lượng vũ trang.

Đô đốc Kamthorn cho biết thêm, họ cũng cần mua một hạm đội khinh hạm mới để thay thế số khinh hạm đã sử dụng 15 - 30 năm. Các khinh hạm hiện tại phải tiến hành sửa chữa nhiều lần.

Kế hoạch mua tàu ngầm nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người muốn Quân đội Thái Lan cải thiện khả năng tác chiến để đối phó với những đe dọa trong và ngoài nước.

Các Tư lệnh Lục quân, Hải quân và Không quân Thái Lan được yêu cầu chuẩn bị trình kế hoạch mua sắm vũ khí lên chính phủ chờ phê chuẩn. Nguồn tin còn cho biết thêm, các kế hoạch mua sắm vũ khí của Quân đội Thái Lan ước tính sẽ lên tới 400 tỷ baht.

(vtc news)

>> Triều Tiên triển khai tàu ngầm quái dị



Báo chí Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên đã bắt đầu triển khai loại bán tàu ngầm mới trang bị ngư lôi sản xuất trong nước.

Một nguồn thạo tin cho biết, Triều Tiên đã bắt đầu bí mật triển khai các tàu ngầm mới ở căn cứ hải quân Nampho. Ngay lập tức, Hải quân Hàn Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp đối phó với "mối đe dọa" mới. Hiện nước này nghiên cứu xem loại tàu mới có thể trang bị loại ngư lôi nào.

Các hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ Nampho cho phép xác định rằng, trong trang bị của hải quân Triều Tiên có các tàu kiểu này với tên Harmony-B.

Một bán tàu ngầm đời đầu của Triều Tiên.

Loại tàu này có chiều dài 17m, chiều rộng 4m, mạn phải lắp “các vật thể hình trụ” dài 4m có thể xem là các ống phóng lôi cỡ nhỏ.

Các nguồn tin cũng phỏng đoán rằng, các tàu này đã được cải tiến động cơ và hệ thống đạo hàng (dẫn đường hàng hải).

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy có các tàu ngầm mẹ kiểu như Sea Diamond dài 32-35 m để vận chuyển các tàu ngầm này. Trong lực lượng hải quân của mình, Triều Tiên còn có tàu ngầm mẹ VEGA-1.

Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng, loại tàu có cấu tạo như thế có thể sử dụng để tấn công tàu chiến của Hàn Quốc.

Một chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận hải quân “cường độ cao” Mỹ - Hàn mới đây cũng có một mục đích là nghiên cứu các biện pháp phát hiện và ngăn chặn những cuộc tấn công của tàu ngầm này.

(vtc news)

>> Il-78 Midas và A330 MRTT 'đối đầu' ở Ấn Độ



Ấn Độ đang vận hành một phi đội gồm 6 máy bay tiếp nhiên liệu Il-78.

Đơn hàng mua máy bay tiếp nhiên liệu trị giá 2 tỷ USD của không quân Ấn Độ đang đi tới hồi kết với các nhà thầu tới từ Nga và châu Âu.

Theo tạp chí quốc phòng India Strategic, hai mẫu máy bay Il-78 Midas của Nga và A330 MRTT của Airbus là đối thủ cạnh tranh cho hợp đồng đặt mua sáu máy bay tiếp nhiên liệu của không quân Ấn Độ (IAF).

Trước đó, mẫu máy bay mới của Boeing – thế hệ tiếp theo của Boeing 747 cũng được coi là một đối thủ tiềm năng. Tuy nhiên, Boeing đã không kịp nộp hồ sơ thầu vào hạn cuối là ngày 12/1. Theo các chuyên gia, những rắc rối trong hợp đồng chế tạo 179 máy bay tiếp liệu với không quân Mỹ nên Boeing đã bỏ qua vụ thầu trên.

Theo ước tính, hợp đồng mua máy bay của Ấn Độ trị giá 2 tỷ USD.

A330 MRTT được chế tạo dựa trên nguyên mẫu máy bay thương mại A330.

Không quân Ấn Độ đang vận hành một phi đội gồm 6 máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 của Nga. Tuy nhiên, phía Ấn Độ tỏ ra không hài lòng với dịch vụ hậu mãi của Nga và gặp nhiều trở ngại trong việc mua phụ tùng thay thế và chi phí bảo dưỡng đắt.

Máy bay A330 MRTT (máy bay vận chuyển nhiên liệu đa nhiệm) được EADS sản xuất dựa trên mẫu máy bay thương mại A330. Trong hợp đồng thắng thầu, EADS sẽ chuyển giao chiếc A330 MRTT đầu tiên sau 3 năm và 5 chiếc còn lại trong vòng 15 tháng sau đó.

(vtc news)

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

>> Ấn Độ đặt phi đội máy bay trinh sát giáp Pakistan



Ngày 17/1, Hải quân Ấn Độ đã biên chế phi đội máy bay không người lái thứ hai tại căn cứ hải quân Porbander, nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát.

Tiến sĩ Kamla, Thủ hiến bang Gujarat, đã chủ trì lễ biên chế phi đội máy bay không người lái thứ hai của Hải quân Ấn Độ tại căn cứ hải quân Porbander.
Nhiệm vụ chính của phi đội là tiến hành các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát trên biển. Phi đội được biên chế hai loại máy bay không người lái (UAV) do Israel sản xuất, gồm Searcher và Heron.

Biên chế một phi đội máy bay không người lái của hải quân ở Porbander trở nên rất quan trọng, vì thị trấn duyên hải này gần với Pakistan và là cơ sở của một căn cứ hải quân và không quân.

Vị trí căn cứ Hải quân ở Porbander, Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng hải quân tinh nhuệ trên thế giới. Việc triển khai các phi đội máy bay không người lái để thực hiện nhiệm trinh sát và giám sát trên biển.

Phát ngôn viên của Hải quân Ấn Độ phát biểu với báo giới: “Mỗi UAV sẽ được trang bị hệ thống radar, máy ảnh, các thiết bị thông tin liên lạc và tình báo, dựa vào đặc tính của các nhiệm vụ trinh sát trên không được tiến hành dọc bờ biển bang Gujarat”.

UAV Heron.

Khi UAV thực hiện nhiệm vụ, nó sẽ được điều khiển bằng bộ điều khiển lắp đặt trên bờ biển. Đồng thời, tất cả các dữ liệu thu thập được bao gồm cả hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác sẽ được chuyển trực tiếp vào bờ, nơi đặt bộ điều khiển.

Dựa trên các dữ liệu nhận được từ UAV gửi về, Hải quân Ấn Độ sẽ đối sách thích ứng sau khi phân tích mức độ nhạy cảm của vấn đề, phát ngôn viên hải quân cho biết thêm.
(vtc news)

>> Thực hư quanh chuyện dỡ cột mốc cũ ở biên giới Việt - Trung



Bài viết liên quan đến việc Trung Quốc đào cột mốc biên giới Việt - Trung theo Công ước Pháp - Thanh (1887) đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Một bài bài viết đăng trên mạng Hoàn Cầu (Trung Quốc) với nội dung và hình ảnh liên quan đến việc thu hồi các cột mốc biên giới cũ có từ sau Công ước Pháp - Thanh đã dược dịch ra tiếng Việt, đăng tải trên internet. Tuy nhiên, bài viết phản ánh thông tin không chính xác về biên giới, lãnh thổ, không giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng và khách quan nhất về tình hình cắm mốc biên giới hiện nay.

Thậm chí, một số phần tử chống đối lợi dụng thông tin chưa đầy đủ, thiếu chính xác trên và sự thiếu thông tin của người dân để tung tin đồn thất thiệt. Một số bài viết và ý kiến cho rằng Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền biên giới Việt Nam, còn phía Việt Nam không có động thái phản ứng nào, thậm chí còn giúp phía vận chuyển cột mốc về bảo tàng của Trung Quốc.

Vậy thực hư của vấn đề này ra sao?


Chuyển cột mốc lên vị trí cắm. Ảnh: ngoaivuhagiang.gov.vn.



Một cột mốc Pháp - Thanh. Ảnh: internet


Lịch sử cột mốc theo Công ước Pháp - Thanh

Công ước Pháp - Thanh 1887 hay còn có tên là Công ước Constans 1887 được thực hiện giữa Pháp và nhà Thanh nhằm thi hành Điều khoản 3 của Hòa ước Thiên Tân 1885 mà hai bên đã ký năm 1885. Nội dung của công ước này nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc. Đây cũng là một tiền đề lịch sử để cả Việt Nam và Trung Quốc lấy làm mốc trong công tác phân định biên giới sau này.

Theo Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ký kết ngày 30/12/2009), hai nước sẽ tiến hành thay thế nhiều cột mốc cũ bố trí theo Công ước Pháp - Thanh 1887.

"Hệ thống mốc giới này chưa thực sự khoa học và có nhiều điểm hạn chế như: các mốc được đánh số theo từng đoạn nhỏ liên tục, không theo một hướng thống nhất, đoạn thì đánh từ Đông sang Tây, đoạn thì đánh từ Tây sang Đông, mẫu thiết kế và kích thước mốc không thống nhất trên toàn tuyến, nội dung chữ khắc trên mốc giữa các đoạn không giống nhau, khoảng cách giữa các mốc giới trên toàn tuyến phân chia không đều nhau…

Mặt khác trải qua hơn 100 năm tồn tại với những biến động của thời gian, thời tiết, biến cố lịch sử, một số mốc giới đã bị hư hỏng, mất mát, thậm chí bị xê dịch không còn phù hợp với tình hình thực tế".

Nguyên nhân thay thế do có cột mốc đã bị hư hại theo thời gian, có cột mốc bố trí không khoa học...

Ngày 20/9/2010, Bộ chỉ huy Biên phòng, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Ban ngoại vụ - Kiều vụ huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cùng lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương hai nước tiến hành dỡ bỏ đập Pạc Chì nằm trên suối biên giới Bá Kết, khu vực mốc Quốc giới 111, thuộc thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Theo Biên bản Hội đàm ký ngày 27/4/2010 giữa Đoàn đại biểu Uỷ ban liên hợp biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc và Biên bản Hội đàm ký ngày 26/6/2010 giữa Sở ngoại vụ và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lào Cai với Ban Ngoại vụ - Kiều vụ huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc):

Đập Pạc Chì (tổng chiều dài 29,8m, mặt rộng 2,5m, chiều cao 1,5 m và mái nghiêng ra đến chân đập 3m) sau khi phân giới đã quy thuộc về Việt Nam 9,8 m chiều dài đập. Trước đó, trên toàn tuyến biên giới Lào Cai cũng đã tiến hành triển khai dỡ bỏ mốc cũ có từ Công ước Pháp - Thanh 1887 (Việt Nam dỡ bỏ móc mốc chẵn, Trung Quốc dỡ bỏ mốc lẻ).

Như vậy, cả Việt Nam và Trung Quốc đều nắm giữ 1/2 số lượng cột mốc cũ và không có chuyện Trung Quốc “âm thầm” gỡ bỏ cột mốc mà không thông báo cho Việt Nam như một số trang mạng đưa.

Việt Nam, Trung Quốc đều có triển lãm cột mốc

Đồng thời với việc thu hồi, cả 2 nước đều tiến hành triển lãm các cột mốc cũ, khác với những thông tin không chính xác lan truyền trên internet theo đó, chỉ Trung Quốc mới tổ chức triển lãm các cột mốc.

Tại Việt Nam, triển lãm lần đầu tiên tổ chức ngày 7/4/2009 có tên "Việt - Trung biên giới hòa bình, hữu nghị", giới thiệu gần 300 tư liệu, hiện vật về công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước.

Triển lãm do Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Bảo tàng Biên phòng, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Biên phòng) và Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) phối hợp, diễn ra tại 45 Tràng Tiền (Hà Nội).

Triển lãm thứ hai diễn ra từ ngày 6/10/2009, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng cách mạng Việt Nam với tên gọi “Công tác Biên giới lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.



Ảnh trưng bày tại triển lãm "Việt - Trung biên giới hòa bình, hữu nghị" ngày 7/4/2009. Ảnh: Vnexpress.



Cột mốc tại triển lãm “Công tác Biên giới lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngày 6/10/2009. Ảnh: Bienphong.com.vn


Có thể nhận thấy, Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam đã tổ chức những hoạt động hết sức công khai, minh bạch về tình hình biên giới, lãnh thổ và quá trình cắm mốc phân định chủ quyền. Việc thu hồi cột mốc cũ (cắm từ Công ước Pháp - Thanh) để làm hiện vật bảo tàng là hoàn toàn bình thường, và cả hai nước đều đã làm.

Biên giới Việt - Trung hiện tại được phân định bởi 1.970 cột mốc đã ghi rõ trong Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và không có gì thay đổi.
Theo Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký kết ngày 30/12/2009 thì:

- Hai bên đã cắm 1.970 cột mốc, bao gồm 1.627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi và 111 cột mốc ba. Trong các cột mốc giới đơn chính, cột mốc mang số mốc lẻ do phía Trung Quốc cắn, cột mốc mang số mốc chắc do phía Việt Nam cắm.

- Trong các cột mốc giới đôi và cột mốc giới ba, các cột mốc nằm trong lãnh thổ Việt Nam do phía Việt Nam cắm, các cột mốc nằm trong lãnh thổ Trung Quốc do phía Trung Quốc cắm.

"Hệ thống mốc giới này chưa thực sự khoa học và có nhiều điểm hạn chế như: các mốc được đánh số theo từng đoạn nhỏ liên tục, không theo một hướng thống nhất, đoạn thì đánh từ Đông sang Tây, đoạn thì đánh từ Tây sang Đông, mẫu thiết kế và kích thước mốc không thống nhất trên toàn tuyến, nội dung chữ khắc trên mốc giữa các đoạn không giống nhau, khoảng cách giữa các mốc giới trên toàn tuyến phân chia không đều nhau…

Mặt khác trải qua hơn 100 năm tồn tại với những biến động của thời gian, thời tiết, biến cố lịch sử, một số mốc giới đã bị hư hỏng, mất mát, thậm chí bị xê dịch không còn phù hợp với tình hình thực tế".
(vtc news)

>> Điểm mặt các vũ khí hạng nặng Mỹ đang bố trí tại châu Á



- Các loại vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ gồm máy bay F-22, B-52, B-1B, B-2, B-3, tàu ngầm nguyên tử, tàu sân bay nguyên tử USS George Washington, Carl Vinson v.v… đã, đang và sẽ tập trung bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang tạo vòng kiềm tỏa đối với Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến an ninh khu vực.




Mạng Cri - "World News" đưa tin, những năm gần đây, cùng với việc quân đội Mỹ đẩy nhanh các bước “hướng Đông” trọng tâm chiến lược toàn cầu, các loại vũ khí tấn công chiến lược của quân đội Mỹ cũng bắt đầu được điều động liên tục tới khu vực Tây Thái Bình Dương.

Có thể việc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự ở Tây Thái Bình Dương, nhưng trước tiên chính Mỹ đã chủ ý đến và làm thay đổi quy tắc trò chơi.

F-22 tiếp tục xâm nhập Đông Á

Khi báo chí đang xôn xao về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, ngày 7/1/2011 Không Quân Mỹ công bố: 15 máy bay tàng hình siêu âm F-22 sẽ được triển khai tạm thời tại căn cứ Kadena của quân Mỹ ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Tin cho biết, kể từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 5 quân đội Mỹ bố trí tạm thời máy bay F-22 tại Okinawa.

Thời gian bố trí lần này là 4 tháng. Không quân Mỹ cho biết, việc triển khai tạm thời lần này "là để làm nổi bật sự tham gia của Mỹ đối với (công việc phòng vệ của) đối tác quan trọng Nhật Bản, thể hiện quyết tâm bảo đảm ổn định và an ninh của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương".

Máy bay tàng hình siêu âm F-22 của Không quân Mỹ


Các nhà phân tích cho rằng, với tư cách là lực lượng đột kích không chiến của quân Mỹ, máy bay chiến đấu F-22 xuất hiện thường xuyên ở Okinawa, nhằm hình thành sự răn đe chiến lược đối với các nước có liên quan, tiến tới đặt nền tảng cho việc giành lấy quyền kiểm soát châu Á-Thái Bình Dương cho quân đội Mỹ.

Dựa vào tính năng tàng hình và khả năng tuần tra siêu âm của F-22, dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu, F-22 có thể xuyên thẳng tung thâm lục địa châu Á, thực hiện nhiệm vụ của hệ thống tấn công phòng không, trung tâm chỉ huy và trung tâm chính trị.

Tháng 1/2009, 12 máy bay F-22 lần đầu tiên đóng tại Căn cứ không quân Andersen ở Guam. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc tăng cường ưu thế sức mạnh quân sự cho Quân đội Mỹ. So với căn cứ Kadena, Guam cách lục địa châu Á xa hơn, ở mức độ lớn có thể tránh được sự tấn công của không quân các nước châu Á.


Máy bay ném bom chiến lược B-1B


Dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu trên không, máy bay F-22 có hành trình gần 4.000 km lại có thể độc lập trực tiếp xâm nhập, trực tiếp tấn công các mục tiêu mặt đất ở lục địa châu Á, từ đó tạo ra ưu thế đối với các nước châu Á.

Ngoài F-22, ba loại máy bay ném bom chiến lược của quân Mỹ gồm B-52, B-1B, B-2 hiện nay đều được bố trí tại căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Máy bay ném bom chiến lược với khả năng tấn công tầm xa luôn là vũ khí tác chiến lợi hại quan trọng của Quân đội Mỹ.

Chẳng hạn máy bay ném bom chiến lược B-2 có thể bay liên tục 12.000 km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, có thể mang theo vài chục quả bom dẫn đường chính xác hoặc 8 tên lửa hành trình. Ngoài ra, máy bay ném bom mới B-3 đang được quân đội Mỹ phát triển, cũng có thể sẽ được điều đến Guam.

Quân đội Mỹ từng cho biết, máy bay ném bom chiến lược này có thể mang theo một lượng lớn bom đạn, có thể triển khai hành động 24/24 giờ trong bất kỳ thời tiết nào.

Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, B-3 sẽ ra đời vào năm 2018. Các nhà phân tích cho rằng, máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu F-22 đồng thời hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tăng cường rất lớn cho quân Mỹ khả năng can dự nhanh đối với các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B


Trên biển, Mỹ bố trí nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử tại khu vực Đông Á, đã tạo ra thế bao vây ngăn chặn Hải quân Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.

Năm 2001, quân đội Mỹ đã thành lập Trung đội tàu ngầm số 15 tại căn cứ hải quân Apra trên đảo Guam, tiếp theo đó trang bị 3 tàu ngầm tấn công nguyên tử "Los Angeles", chúng luôn có khả năng rình rập xung quanh Eo biển Đài Loan, tiến hành do thám dưới nước.

Năm 2008, tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hành trình "Ohio" của Mỹ cũng được kéo vào quân cảng Apra. Là tàu ngầm được trang bị nhiều tên lửa hành trình nhất thế giới, tàu ngầm "Ohio" có thể được trang bị 154 quả tên lửa hành trình "Tomahawk", khả năng tấn công chỉ đứng sau hạm đội tàu sân bay.

Chỉ huy tàu ngầm "Ohio", Thượng tá Hale từng khoe rằng, chỉ cần từ tây Guam đi vài trăm km, tàu “Ohio” sẽ có thể tiến hành uy hiếm tầm xa đối với khu vực Eo biển Đài Loan.


Máy bay ném bom chiến lược B2


Cuối tháng 9/2010, quân cảng Apra ở Guam đã đón tiếp một “bảo kiếm” trong đội ngũ tàu ngầm nguyên tử của hải quân Mỹ, đó là tàu ngầm tấn công nguyên tử tiên tiến nhất "Hawaii" lớp Virginia.

Tàu ngầm nguyên tử này có thể lặn sâu tới 243 m, mang theo 24 quả ngư lôi nặng 2 tấn, có thể phóng tên lửa hành trình "Tomahawk". Các nhà phân tích cho rằng, với khả năng trinh sát và cơ động gần bờ mạnh, khi đến chốt giữ tại đây, tàu ngầm nguyên tử này sẽ trở thành một “người lính” bao vây, phong tỏa và do thám các loại tin tức ở vùng biển xung quanh Trung Quốc.

“Nhóm tàu sân bay” có thể đến châu Á-Thái Bình Dương

Ngay từ năm 2004, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Fargo đã đề nghị, tăng cường 1 tàu sân bay thường trú lâu dài ở một nơi nào đó tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Hawaii và Guam, nhằm duy trì một trạng thái “sẵn sàng chiến đấu cao”.


Máy bay ném bom chiến lược B-52


Trong năm 2010 vừa qua, khái niệm “nhóm tàu sân bay” từ 2 – 3 tàu sân bay, thực sự đã làm căng thẳng “dây thần kinh” an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay USS George Washington đóng tại Yokosuka, Nhật Bản đã liên tục tiến hành tập trận với 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2010. Sau khi tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng bởi sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong, Hải quân Mỹ đã liên tiếp phát đi tín hiệu tăng cường tàu sân bay tới châu Á-Thái Bình Dương.

Báo chí Mỹ gần đây cho biết, hạm đội tàu sân bay Carl Vinson (có kế hoạch thay thế tàu USS George Washington đang được nghỉ ngơi, tu sửa) đã đến vùng biển Okinawa. Tàu Carl Vinson sẽ tổ chức tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hàn Quốc.


Ý tưởng máy bay ném bom chiến lược B-3


Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ giỏi đánh “con bài tàu sân bay”, động thái phức tạp này chủ yếu là để uy hiếp tinh thần, nhằm khẳng định rằng, không thể thách thức địa vị bá chủ của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
“Ba tác hại” do quân Mỹ bày binh bố trận ở Đông Á

Các nhà phân tích cho rằng, quân đội Mỹ “gươm súng sẵn sàng” ở khu vực Đông Á đã gây ra tác hại đối với tình hình an ninh khu vực này:

Một là, làm trầm trọng hơn sự đối đầu quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các vấn đề điểm nóng tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giải quyết những vấn đề này, các bên cần đối thoại và tham vấn.


Tàu ngầm tấn công nguyên tử "Hawaii"


Mỹ muốn thông qua sức ép vũ lực để tìm cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là trực tiếp bố trí vũ khí tấn công chiến lược ở tiền duyên các điểm nóng, cho thấy quyết tâm sẵn sàng can dự bất cứ lúc nào, điều này không chỉ bất lợi cho giải quyết vấn đề, mà còn làm tăng khả năng xảy ra xung đột.

Hai là, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tồn tại các vấn đề như tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tranh giành quyền lợi biển.

Mỹ tăng cường bố trí quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm gia tăng sức ép quân sự đối với một số nước, thúc đẩy những nước này đẩy nhanh phát triển sức mạnh quân sự của mình.


Tàu sân bay nguyên tử USS George Washington

Ba là, đã làm tăng sự ngờ vực giữa một số nước. Quân đội Mỹ tiến hành “bố trí tiền duyên” ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc điều động tập trung các loại vũ khí tiên tiến, còn tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với một số nước đồng minh, biến họ thành căn cứ tiền duyên để Mỹ can dự vào các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do có Mỹ đứng sau, những nước này sẽ thừa cơ phát triển sức mạnh quân sự và mở rộng lợi ích của họ, điều này sẽ làm sâu sắc hơn sự ngờ vực của một số nước, không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

(vtc news)

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

>> Việt Nam có thể mua tiêm kích thế hệ 5 năm 2018



Tiêm kích thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga bay thử

Việt Nam là ứng cử viên sáng giá nhất mua tiêm kích thế hệ 5 T-50/FGFA khi máy bay này được xuất khẩu.

Biến thể xuất khẩu của tiêm kích thế hệ 5 Т-50/FGFA sẽ được chào bán ra thị trường thế giới không sớm hơn năm 2018-2020, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) Konstantin Makienko nhận định.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của Nga đã thực hiện chuyến bay thử thứ hai ngày 12.2.2010. T-50 cất cánh lần đầu ngày 29.1.2010. Т-50 sẽ thực hiện một loạt chuyến bay thử nữa ở Komsomolsk trên sông Amur, sau đó sẽ chuyển đến sân bay Zhukovsky ở Viện Viện Nghiên cứu bay mang tên Gromov (LII), ngoại ô Moskva để tiến hành các thử nghiệm chính.

Ngày 21.12.2010, trong chuyến thăm Ấn Độ của TT Nga Dmitri Medvedev, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 295 triệu USD cho việc thiết kế phác thảo biến thể tiêm kích dành cho Ấn Độ.

Giá sẽ là bao nhiêu?

“Điều đó có nghĩa là bất kỳ dự báo nào về triển vọng xuất khẩu máy bay sang các nước thứ ba, ngoài Nga và Ấn Độ, theo đúng nghĩa sẽ không chính xác do không thể nói trước thế giới sẽ ra sao lúc đó. Nhưng ngay hôm nay đã hoàn toàn có thể mô tả những yếu tố then chốt quy định tiềm năng xuất khẩu của Т-50/FGFA, - ông Makienko nói.

Các yếu tố quan trọng nhất trong số đó, theo ông Makienko, sẽ là giá cả máy bay Nga-Ấn, tiến độ chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc và sự phát triển của các hệ thống máy bay không người lái. Cũng trong số các yếu tố này, còn có các yếu tố cơ bản đối với thị trường vũ khí nói chung như mức độ xung đột tiềm ẩn và tình trạng nền kinh tế thế giới.

Giá của máy bay tiêm kích sẽ được xác định dựa trên cơ sở yếu tố các nước tương đối không lớn sẵn sàng trả tiền bao nhiêu cho nó.

Hiện nay, phỏng đoán rằng, tính theo thời giá năm 2010, đơn giá của Т-50 sẽ là 80-100 triệu USD. Trong trường hợp đó, máy bay này sẽ vừa túi tiền tất cả các khách hàng mua Su-30 của Nga hiện nay, ưu thế hơn tiêm kích F-35 của Mỹ về tiêu chí giá cả và vẫn có khả năng cạnh tranh tốt đối với máy bay giả thiết của Trung Quốc.


T-50 trong nhà máy

Khối lượng xuất khẩu

Khối lượng xuất khẩu Т-50 cũng sẽ phụ thuộc vào tiến độ chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc. Máy bay Trung Quốc đối với T-50 có thể sẽ trở thành đối thủ thậm chí nguy hiểm hơn so với F-35 của Mỹ. Vũ khí Nga đang được bán chủ yếu sang các nước có đường lối đối ngoại và quốc phòng độc lập, những nước thường thích mua vũ khí trang bị không phải của Mỹ, ông Makienko nêu ý kiến.

Trong khi Trung Quốc chẳng có sản phẩm máy bay chiến đấu chào bán nào thật sự ra hồn, trên thị trường các nước đó, Nga có vị thế hoặc hầu như độc quyền hoặc đã phải cạnh tranh với châu Âu. “Điều dễ hiểu là sự xuất hiện của hệ thống máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự cạnh tranh thẳng thừng và trực tiếp giữa Т-50 và máy bay tương lai của Trung Quốc”, - ông Makienko nói.

Cuối cùng, khối lượng thị trường sẽ được xác định bởi các xu thế công nghệ mới mà sự phát triển của chúng có thể làm giảm vai trò của máy bay chiến đấu có người lái, vị chuyên gia nhận định. Hiện nay, nguy cơ chủ yếu thuộc loại đó là sự tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống UAV tiến công.

“Vẫn còn hy vọng là đến năm 2020, yếu tố này vẫn chưa kịp gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêm kích có người lái”, - ông Makienko nhận xét.

Những khách hàng nhiều khả năng mua Т-50 nhất trước hết là các nước đang sở hữu các tiêm kích hạng nặng Su-27, Su-30 của Nga, ngoại trừ Trung Quốc.

“Một tin xấu là khi thay thế Su-30, các thương vụ mua sắm Т-50 chắc chắn được thực hiện không phải với tỷ lệ 1 đổi 1 mà may lắm là 1 đổi 1,5”, - ông Makienko nói.

Thị trường tiêu thụ

Theo ông Makienko, các thị trường triển vọng nhất của T-50 là các nước Đông Nam Á, những quốc gia này vì lý do chính trị sẽ không xem xét khả năng mua máy bay Trung Quốc. Đó trước hết là Việt Nam, cũng như Malaysia và Indonesia. Ông Makienko cho rằng, với độ tin chắc cao Algeria cũng sẽ chung thủy với vũ khí Nga.


T-50 đang bay thử nghiệm

“Với một khách hàng truyền thống mua vũ khí Liên Xô như Libya, có một sự bất định liên quan đến định hướng chính trị tương lai không rõ ràng của nước này một khi nhà lãnh đạo không còn trẻ nữa của họ ra đi vì lý do tự nhiên”, - ông Makienko nói.

Ông Muammar al-Gaddafi đã lãnh đạo Libya từ năm 1969.

Ông Makienko dự báo, do nguy cơ cao thay đổi chế độ và chấm dứt dự án cách mạng Bolivar của TT Venezuela hiện nay Hugo Chavez, cũng khó dự báo các đơn đặt hàng của Venezuela sau năm 2020. Một khi chính phủ cánh tả tiếp tục tồn tại ở nước này, Nga sẽ đụng độ với công nghiệp hàng không Trung Quốc, vốn đã giành thắng lợi ở đây trong phân khúc máy bay huấn luyện.

“Cuối cùng, có thể hy vọng rằng, thị trường tự nhiên của máy bay Nga sẽ là cả một số nước cộng hòa hậu Liên Xô, trước hết là Kazakhstan và Belorussia”, - ông Makienko nhận định.

Ông lấy làm tiếc là các thị trường tiềm năng của Nga như Iran và Sirya chắc chắn sẽ lọt vào tầm kiểm soát của Trung Quốc.

“Dẫu sao thì ban lãnh đạo chính trị nước Nga, sau khi đã hủy các hợp đồng bán các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander-E sang Sirya và hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 sang Iran, đang tích cực tạo điều kiện cho chính kịch bản đó”, - ông Makienko nhấn mạnh.

Mặt khác, ông cho rằng, sau 10-20 năm nữa, các thị trường hiện cho là khó có khả năng sẽ có thể mở ra đối với Nga. Từng có lần Thái Lan suýt nữa mua máy bay Su-30.

“Sau 20-30 năm, có thể tiềm năng kinh tế khổng lồ đang ngủ vùi hiện nay của Myanmar sẽ mở rộng”, - vị chuyên gia lưu ý.

Đối với Argentina, việc mua Т-50 là sự đáp trả đối xứng đối với kế hoạch của Brazil mua 36, và trong tương lai là 120 tiêm kích Rafale của Pháp.

“Hiện nay, có một điều rõ ràng là liên minh Nga-Ấn sẽ nhất định là một trong 3 đấu thủ trên thị trường tiêm kích thế hệ 5 thế giới. Mà điều đó có nghĩa là Nga đã bảo đảm giữ được cho mình vị thế cường quốc công nghiệp hàng không thế giới trong suốt nửa đầu thế kỷ XXI”, - ông Makienko nói.

(vtc news)

>> Những câu chuyện cảm động về loài chó trung thành



- Hai ngày không ăn, không ngủ, chú chó Leao nằm phủ phục bên ngôi mộ chủ nhân của nó vừa mới qua đời trong trận lũ và lở đất lịch sử tấn công Brazil.

Leao đã nằm phục bên mộ chủ nhân của nó trong suốt những ngày qua

>Khắp Teresópolis, một trong những khu vực ảnh hưởng nặng nhất do thiên tai tuần trước ở Rio de Janeiro, Brazil, đâu đâu cũng là cảnh tang thương chết chóc. Nhưng sự nghẹn ngào cảm động của mọi người không chỉ hướng tới các nạn nhân của trận lở đất, lũ lụt mà còn rớt nước mắt cảm động khi chứng kiến cảnh tượng chú chó Leao nằm phủ phục bên cạnh ngôi mộ của chủ nhân nó suốt vài ngày qua.

Cristina Maria Cesario Santana đã thiệt mạng hôm 15/1 vì lở đất. Thi thể của bà đã được tìm thấy ngay trong ngày và được an táng tại nghĩa trang địa phương. Nhưng kể từ lúc bà được tìm thấy, Leao không hề rời bước khỏi chủ nhân của nó.

Thậm chí, khi ngôi mộ của bà được dựng lên, Leao vẫn tiếp tục nằm phục ở đó hai ngày hai đêm không hề ăn uống hay bỏ đi xa. Có lẽ nó vẫn nghỉ Santana chỉ ngủ lâu hơn thường ngày một chút và chờ đợi bà thức dậy chơi cùng với nó như mọi ngày.


Chó Leao trung thành

Đây không phải là bằng chứng đầu tiên chứng minh cho lòng trung thành của những con chó đối với chủ nhân được biết tới trên thế giới. Còn có một câu chuyện về lòng trung thành của chú chó Nhật Bản cũng đã làm rớt nước mắt của biết bao nhiêu người trong gần một thế kỷ qua.

Câu chuyện xảy ra vào năm 1925.

Mỗi buổi sáng, giáo sư Ueno Eizaburo thường đi bộ tới nhà ga Shibuya để bắt tàu điện đi giảng dạy tại Đại học Hoàng Gia (nay là Đại học Tokyo). Theo sau ông luôn là chú chó trung thành Hachi hay còn được gọi là Hachiko.

Hachiko không được phép theo giáo sư tới nơi giảng dạy nên nó chỉ tiễn ông tới nhà ga và chiều chiều đúng 3 giờ nó lại có mặt ở đó để đón giáo sư cùng về nhà.

Nhưng ngày 12 tháng 5 năm đó, giáo sư Eizaburo đột ngột qua đời vì một cơn đột quỵ khi đang đứng trên bục giảng của trường đại học và mãi mãi không thể trở về đúng giờ như đã hẹn với Hachiko hay kịp nói một câu vĩnh biệt với nó.

Nhưng Hachiko không biết được điều đó. Ngày hôm đó, nó vẫn đến nhà ga Shibuya vào đúng lúc 3 giờ chiều để đón chủ nhân của mình. Dù thời điểm 3 giờ đã qua rất lâu, nhiều chuyến tàu đi qua hay thậm chí đã tối khuya mà vẫn không thấy bóng giáo sư Ueno Eizaburo, Hachiko vẫn không nản lòng. Nó vẫn đến đúng nhà ga đó, đúng giờ đó và chờ đợi từ ngày này qua ngày khác.


Tượng Hachiko tại nhà ga Shibuya

Không lâu sau, những người đi tàu bắt đầu để ý tới sự chờ đợi vô vọng của Hichiko với người chủ nhân đã qua đời từ lâu. Những người quen cũ của giáo sư Eizaburo tới thông báo với Hachiko rằng nó không phải chờ đợi nữa vì giáo sư sẽ mãi chẳng thể trở về. Nhưng không có ai làm lung lay được lòng trung thành của nó.

Quen với điều đó, người làm vườn cũ của giáo sư Eizaburo, các nhân viên tại nhà ga Shibuya thay nhau chăm sóc cho Hachiko. Họ cho nó ăn và tìm nơi trú ẩn cho nó. Tiếng lành đồn xa, Hachiko bắt đầu trở thành chú chó nổi tiếng khắp nước Nhật và trở thành biểu tượng về lòng trung thành của loài vật gần gũi nhất đối với con người.

Nhiều người đã chọn du lịch tới nhà ga Shinuya chỉ để được gặp Hachiko, để cho nó một chút thức ăn hay thậm chí là chỉ để được chạm tay xoa đầu nó với hy vọng lấy cho mình được một chút may mắn.

Hachiko cứ đợi chủ nhân của nó tại nhà ga Shibuya đúng hẹn tới nhiều năm sau đó. Dù bị bệnh viêm khớp, khó khăn đi lại nhưng nó vẫn không sai hẹn ngày nào. Cuối cùng, nó chỉ thôi chờ đợi khi qua đời vào ngày mùng 7 tháng 3 năm 1935 – gần 10 năm tròn kể từ ngày chia tay giáo sư Eizaburo. Chú chó trung thành được tìm thấy chết ở bên ngoài nhà ga, nơi nó đã đứng vài giờ trước đó chờ đợi giáo sư.

Thông tin về cái chết của Hachiko được tất cả các tờ báo của Nhật Bản thời bấy giờ đồng loạt đưa lên trang nhất. Hàng triệu người dân Nhật Bản đã dành một ngày làm lễ tang cho Hachiko.

Nhà điêu khắc Ando Takeshi còn được thuê tạc một bức tượng đồng của Hachiko để đặt tại đúng nơi nó từng đứng rất lâu chờ đợi chủ nhân của mình bằng số tiền do những người ngưỡng mộ lòng trung thành của nó đóng góp.

Trong những năm chiến tranh, bất cứ kim loại có sẵn cũng được trưng dụng nấu chảy để làm vũ khí nhưng riêng bức tượng Hachiko vẫn còn được giữ nguyên vẹn.


Leao bên ngôi mộ của chủ nhân

Năm 2007, một con chó nòi Đức tên là Rocky bị bắt cóc khi đang đi nghỉ ở ở bãi biển thuộc thành phố Salerno cùng với chủ nhân của nó là Ibrahim Fval, vốn là cư dân thành phố Tuscan, Carrara (Ý).

Không lâu sau đó, Rocky đã tìm cách thoát khỏi tay những kẻ bắt cóc và được một gia đình ở Salerno nhận nuôi.

Tuy nhiên, những người chủ mới khẳng định Rocky luôn tìm cách bỏ trốn trong suốt thời gian ở với họ và đã thành công vào tháng 11 năm 2009.

Tới tháng 1/2010, Fval nhận được một cuộc gọi từ thành phố Pisa. Một bác sĩ thú y trong lúc chăm sóc cho con chó cái lang thang, nhếch nhác và gầy nhom đã vô tình tìm thấy vết xăm có ghi địa chỉ người chủ sở hữu thực sự của nó.

Sau 3 năm lưu lạc, vượt qua 700 km, Rocky đã tìm lại được chủ nhân của nó.

(vtc news)

>> Moldova bán đấu giá 6 chiếc MiG -29 hỏng


Ngày 20/1, Bộ quốc phòng Moldova đã lên tiếng xác nhận rằng nước này đã lên danh sách bán 6 chiến đấu cơ phản lực MiG – 29A Fulcrum đang trong tình trạng bị hư hỏng.

MiG - 29 (ảnh minh họa: Ria Novosti).

Bộ trưởng quốc phòng Moldova cho biết tất cả các tiêm kích được trang bị trong lực lượng không quân nước này sẽ được bán với hình thức đấu giá bắt đầu từ ngày 1 tháng 2 tới đây với giá 8,5 triệu USD.

Nhà chức trách nước này cũng cho biết, năm ngoái 2010, 3 phiên đấu giá tương tự đã thất bại do không có khách hàng nào tỏ ý muốn mua các chiến đấu cơ loại này.

Sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Moldova đã được thừa hưởng 32 máy bay chiến đấu MiG 29A do Liên Xô cũ sản xuất.

Tuy nhiên, hầu hết số máy bay này đã bị nhà cầm quyền Moldova bán cho phía Mỹ, quốc gia không muốn số vũ khí trên rơi vào tay các nước “không thân thiện” đối với Mỹ.
Chiến đấu cơ MiG 29A được nghiên cứu và sản xuất hàng loạt vào năm 1988, cập nhật nhiều tính năng mới vào những năm 90 tại Belarus.

>> Tàu sân bay Mỹ đã tiến vào biển Đông



Các chiến hạm thuộc nhóm tác chiến biên đội tàu sân bay số 1 và Hải quân Singapore đã tiến hành diễn tập tác chiến không hải quân trên Biển Đông.

Không quân hạm và tàu sân bay CVN 70.

Hoạt động diễn tập diễn ra trong 2 ngày 19-20/1, Hải quân Mỹ cho biết (*).

Trong quá trình diễn tập, 2 sĩ quan thông tin liên lạc của Hải quân Singapore lên tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và tập trung tăng cường trao đổi giữa Hải quân Singapore và Hải quân Mỹ.

Trung tá Axel Steiner, Trợ lý tác chiến của Chỉ huy Liên đội tàu khu trục số 1, phát biểu: “Mục đích chính của cuộc diễn tập là để tăng cường phối hợp tác chiến với đối tác quan trọng trong khu vực và tăng cường hợp tác giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Singapore. Singapore hiện có lực lượng hải quân rất hùng mạnh và tinh nhuệ”.

>> Điểm mặt những chú 'sư tử biển' của Hải quân Singapore
Hải quân Mỹ đang duy trì sự hiện diện tiền phương mạnh mẽ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sử dụng cả hai lực lượng hải quân triển khai tiền phương ở Nhật Bản và Guam, cũng như lực lượng triển khai thay quân luân phiên từ lục địa Mỹ và Hawaii.


Không quân hạm và tàu sân bay CVN 70.


Nhóm tác chiến biên đội tàu sân bay số 1 được chính thức thành lập ngày 1/10/2009; và tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) và tàu tuần dương Bunker Hill (CG 52) đã tiến hành các hoạt động khắc phục thiên tai và cứu trợ nhân đạo tại Haiti năm 2010.

Đây là lần Mỹ triển khai tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106). Đồng thời, đây cũng là lần triển khai đầu tiên của tàu USS Bunker Hill (CG 52) kể từ khi hiện đại hóa thành tàu tuần dương.

Kể từ năm 2005, đây là lần triển khai đầu tiên của tàu sân bay Mỹ CVN 70 đến khu vực đảm trách của Hạm đội 7 kể từ năm 2005.

(*) Các lực lượng tham gia cuộc diễn tập gồm: Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106), USS Gridley (DDG 101) và tàu tuần dương USS Bunker Hill (CG 52) cùng với Liên đội không quân hạm số 17. Về phía Hải quân Singapore, có: RSS Stalwart, RSS Tenacious, RSS Valour, RSS Vigour, RSS Brave, RSS Chieftain và 3 máy bay Fokker 50, nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng hải quân.

>> Nâng cấp F-16 cho Đài Loan, Mỹ lợi đôi đường



Theo một báo cáo không chính thức, Mỹ sẽ trợ giúp Đài Loan nâng cấp 150 chiếc F-16 của không quân Đài Bắc lên chuẩn mới hiện đại hơn.

Nâng cấp F-16 cho Đài Loan, Mỹ đạt được nhiều mục đích trong "ván cờ" với Trung Quốc và Đài Loan.

Cụ thể 150 máy bay chiến đấu F-16 A/B Block 20 được đưa vào sử dụng từ năm 1992 sẽ được tiến hành hiện đại hóa sâu rộng bao gồm: Trang bị hệ thống điện tử hiện đại cho buồng lái; Động cơ đã được cải tiến; Radar mới có năng lực mạnh hơn;

Radar mới cho phép sử dụng tên lửa đối không tầm trung AIM-120 phiên bản C5 và C7, cung cấp khả năng không chiến ngoài tầm nhìn, nâng cao khả năng chống gây nhiễu điện tử,

Một số nguồn tin tại Đài Loan cho hay thông tin chi tiết về chi phí và lịch trình nâng cấp sẽ được công bố vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại cho rằng thời gian thực hiện vẫn chưa được xác định.

Thông tin chi tiết về việc F-16A/B đạt đến tiêu chuẩn nào trong cấu hình tùy chọn của F-16 vẫn chưa được tiết lộ.

Nâng cấp F-16 cho Đài Loan, Mỹ đạt được nhiều mục đích trong "ván cờ" với Trung Quốc và Đài Loan.
Đài Bắc đang tiếp tục nỗ lực không ngừng vận động Washington bán cho họ 66 chiếc F-16 C/D Block 52 Plus, phiên bản hiện đại nhất trong gia đình F-16. Ngoài ra, Đài Bắc còn quan tâm đến việc mua tiêm kích tàng hình thế hệ 5, F-35. Tất nhiên nỗ lực này gặp phải sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh. Hiện tại và tương lai rất khó cho Đài Bắc có được các chiến đấu cơ hiện đại.

Tuy nhiên một số nhà phân tích quân sự cho rằng, để làm yên lòng Đài Bắc, xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh, thay vì cung cấp các chiến đấu cơ mới, Mỹ sẽ hiện đại hóa và nâng cấp các chiến đấu cơ F-16 mà Đài Bắc hiện có lên tới chuẩn F-16C/D Block 52 Plus.

Như vậy, Đài Bắc tạm yên lòng, còn Bắc Kinh cũng chẳng có lý do gì để phản đối sự hiện đại hóa này.

Nếu 150 chiếc F-16 A/B của Đài Loan được nâng cấp tới chuẩn F-16C/D Block 52 Plus, cán cân quân sự hai bờ eo biển Đài Loan cũng không quá chênh lệch.

Hiện tại Bộ Quốc phòng Đài Loan từ chối bình luận về thông nói trên, xem ra nước cờ “Giả chết bắt quạ” của ông Mã Anh Cửu bắt đầu phát huy tác dụng.

>> 'Mặt nạ' âm thanh làm 'mù' các 'sát thủ tàu ngầm'



Các nhà khoa học Mỹ vừa giới thiệu công nghệ có khả năng làm cho tàu ngầm trở nên vô hình với các loại sonar âm thanh khác.

Một lớp của "mặt nạ" âm thanh.

Công trình được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Illinois (Mỹ), do giáo sư Nicholas Fang là trưởng nhóm.

Loại "mặt nạ" âm thanh này được làm bằng siêu vật liệu nhân tạo, bao gồm một hình trụ hai chiều với 16 vòng tròn đồng tâm có các mạch âm thanh để dẫn hướng sóng âm. Mỗi vòng tròn như vậy lại có một chỉ số khúc xạ âm thanh khác nhau, có nghĩa là sóng âm thanh sẽ thay đổi tốc độ và tần số từ các vòng ngoài vào đến bên trong.

Nói một cách đơn giản, mặt nạ âm thanh sẽ làm thay đổi tần số âm thanh của sóng âm tác động vào nó. Khi các loại tín hiệu sonar tiếp xúc với mặt nạ âm thanh này, chúng sẽ không xác định được một tần số âm thanh cụ thể nào dội lại, do đó vật thể được bọc loại mặt nạ này sẽ trở nên vô hình, còn các thiết bị dò tìm tàu ngầm trở nên bị "mù".
Giáo sư Fang giải thích thêm: “Về cơ bản, những gì bạn nhìn thấy là một mảng các lỗ hỗng khác nhau được kết nối bởi các kênh khác nhau. Sóng âm thanh sẽ được truyền đi trong các kênh này, các lỗ hổng được thiết kế để làm chậm tốc độ di chuyển của sóng âm. Khi đi vào bên trong các vòng tròn, sóng âm thanh sẽ đạt tốc độ nhanh hơn, tuy nhiên sự tăng tốc độ này lại triệt tiêu bớt một phần năng lượng của sóng âm, làm cho chúng yếu đi. Các cấu trúc mạch âm thanh sẽ bẻ cong tần số sóng âm và giữ chúng chạy lòng vòng bên trong mặt nạ âm thanh này đến khi chúng bị triệt tiêu hết năng lượng”.

Mặt nạ âm thanh mới này vừa có khả năng che chắn âm thanh từ bên trong phát ra, vừa ngăn cản các loại sonar âm thanh khác tiếp xúc với vật thể được vật liệu này bao bọc. Kết quả các cuộc thửu nghiệm cho thấy, các máy dò âm thanh hoàn toàn vô dụng.

Khám phá này mở ra khả năng tàng hình cho các tàu ngầm trong tương lai, các tàu ngầm sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Vấn đề đang được các nhà khoa học quan tâm là giá thành và khả năng sản xuất đại trà của loại mặt nạ âm thanh mới này như thế nào.

(defence update)

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

>> Trung Quốc hoàn tất phục hồi tàu sân bay Varyag



Trung Quốc hầu như đã hoàn thành việc phục hồi tàu sân bay cũ của Liên Xô Varyag mà họ mua từ Ukraine năm 1998.


Tàu này sẽ được dùng để huấn luyện và làm mẫu cho tàu sân bay nội địa tương lai của Trung Quốc, AFP dẫn nguồn Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defence Review Andrei Chang.

Varyag được khởi đóng tại Nhà máy đóng tàu Biển Đen ở Nikolayev (Ukraine) vào đầu thập niên 1980.

Từ tháng 1.1992, do thiếu tiền, việc đóng tàu bị đình chỉ, năm 1994, Nga từ chối hẳn việc tham gia đóng hoàn thiện tàu này.

Năm 2000, tuần dương hạm chở máy bay Varyag (khối lượng công việc đã thực hiện đạt 76%) đã được một công ty Trung Quốc có trụ sở ở Macao mua lại của Ukraine với giá 20 triệu USD để cải tạo thành sòng bạc nổi.

Theo các chuyên gia, khi mua tàu, Trung Quốc đã nhận được toàn bộ hồ sơ thiết kế, kỹ thuật của tàu này.

Từ năm 2002, Varyag được neo tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên. Về mặt chính thức, Trung Quốc chưa bao giờ nói họ đang sửa chữa tàu này. Nhưng theo đánh giá của ông Chang, hiện tại phần bên trong của tàu đã được phục hồi 100%. Quá trình cải tạo bao gồm lắp đặt các nồi hơi, các hệ thống năng lượng và điện tử, khôi phục các phòng ở và các động cơ. Thân và boong tàu cũng được sửa chữa.

Ông Chang cho biết, việc khôi phục Varyag tiến hành với tốc độ rất nhanh. Hiện tại chỉ còn việc hoàn tất lắp đặt radar.

Trung Quốc hiện đang tiến hành thử nghiệm các tiêm kích trên hạm dự kiến bố trí trên tàu Varyag. Ông Chang nhận định, tàu sân bay này có thể ra khơi trong thời gian sắp tới.

Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự gia tăng khiến thế giới ngày càng lo ngại. Ngày 11.1.2011, mẫu chế thử máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Theo Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc M. Mullen, “Trung Quốc đang đầu tư vào các công nghệ có hàm lượng khoa học hiện đại, nhiều công nghệ trong số đó có thể tập trung chỉ để đối phó với Mỹ”.

>> Mỹ ngỏ ý mời Việt Nam tham gia tập trận CARAT


Việt Nam muốn tham gia cuộc diễn tập CARAT của Mỹ hay không là tùy thuộc vào nhu cầu của mình, đô đốc Patrick M. Walsh cho biết.

Binh sĩ nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tham gia các cuộc tập trận CARAT.

Ông Walsh đang trong chuyến thăm Đông Nam Á. Trước khi đến Malaysia, ông Walsh đã thăm Singapore và Indonesia.

CARAT là cuộc diễn tập thường niên được Mỹ tổ chức, với sự tham gia của các quốc gia Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Campuchia và Bangladesh. Đây là hoạt động quân sự nằm trong chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Để bảo vệ ưu thế và khả năng cơ động của quân đội Mỹ trong khu vực, lãnh đạo quân sự nước này kêu gọi và ủng hộ các nước trong khu vực ASEAN tham gia các cuộc tập trận.

(Theo Xinhua news)

>> Ấn Độ phát triển tên lửa đánh chặn ngoài không gian



DRDO (1) đang nghiên cứu cải tiến để cho ra đời một hệ thống tên lửa BMD (2) có khả năng đánh chặn ngoài không gian.



Đây là một nỗ lực lớn của Ấn Độ nhằm tăng cường khả năng bảo vệ đất nước trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo của đối phương.

Vào những năm 1990, Trung Quốc đã có những bước đột phá thành công trong phát triển các tên lửa đạn đạo, đặc biệt là ICBM. Ấn Độ cảm thấy sự cần thiết phải có một hệ thống phòng thủ tên lửa đủ mạnh.

Ấn Độ đã ngỏ ý mua hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow-II của Israel, nhưng thương vụ này đã bị Mỹ ngăn cản. Vì vậy, Ấn Độ buộc phải đầu tư phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa cho riêng mình.

Công việc phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa BMD chịu nhiều thất bại nghiêm trọng với tên lửa Prithvi-I và Agni, tỷ lệ thành công đạt được chỉ có 50%.

DRDO đã hợp tác với Israel để cải tiến và nâng cao hiệu suất cho các tên lửa. Phát triển biến thể tên lửa Prithvi-II, hay còn gọi là PAD, phát triển một tên lửa đánh chặn AAD hoàn toàn mới, cho phép tác chiến ở độ cao dưới 30km.

Hệ thống triển khai bao gồm nhiều xe phóng, radar, trung tâm kiểm soát bắn LCC (Launch Control Center), trung tâm chỉ huy MCC (Missile Control Center), tất cả được kết nối với nhau qua mạng lưới thông tin an toàn.

Radar trang bị cho hệ thống BMD của Ấn Độ dựa trên radar dùng cho hệ thống Arrow-II của Israel, có tầm phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 800km, có khả năng theo dõi các vật thể nhỏ như một quả bóng cricket. DRDO đang cải tiến để nâng tầm phát hiện của radar lên 1.500km vào năm 2011.

BMD của Ấn Độ sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn hai tầng Prithvi-II có khả năng đánh chặn ở độ cao từ 30-80km. Cơ quan này hy vọng sẽ cải tiến và nâng độ cao của tên lửa lên 80-150km trong tương lai.

Hệ thống được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 11/2006, tên lửa thử nghiệm Prithvi-II đã đánh chặn thành công một mục tiêu giả định ở độ cao 40km, đưa Ấn Độ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển và xây dựng thành công hệ thống phòng thủ tên lửa cùng với Nga, Mỹ và Israel.

Hệ thống đang được thử nghiệm và phát triển, nếu thành công sẽ mang lại một khả năng hoàn toàn mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ. DRDO cho biết, cơ quan đang tiến hành các thử nghiệm để đánh giá hệ thống. Dự kiến BMD của Ấn Độ sẵn sàng hoạt động vào năm 2015.
(1) Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ.
(2) BMD - Ballistic Missile Defence: Sự phòng chống tên lửa đường đạn (đạn đạo).


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang