Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

>> A-201 - Điệp viên siêu đẳng




>> Phạm Xuân Ẩn và huyền thoại nghề báo khiến Mỹ 'chết sặc'


Ông là điệp viên duy nhất của tình báo Liên Xô trong Gestapo và là người duy nhất báo tin chính xác ngày giờ Đức xâm lược Liên Xô.

Điệp viên Wilhem Lehmann 12 năm dài đơn độc đối mặt với phản gián Đức.

Tháng 6/2009, Cục Tình báo đối ngoại Liên bang Nga SVR giải mật hồ sơ, lần đầu tiên công bố tên tuổi điệp viên A-201/Breitenbach - Willi Lehmann, một trong những nguồn tin quý giá nhất của Liên Xô thời Thế chiến II ở Đức.

Trong suốt 12 năm, Lehmann đã mạo hiểm tính mạng báo cáo về Moskva những tin tức đặc biệt giá trị về sự phát triển và củng cố chế độ phát xít, quy mô chuẩn bị chiến tranh nhằm nô dịch thế giới, tăng cường tiềm lực quân sự và các công trình nghiên cứu kỹ thuật tối tân của nước Đức phát xít.


Điệp viên Wilhem Lehmann.


Nhờ có Lehmann, tình báo Liên Xô đã nắm được những thông tin quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, phương thức hoạt động của các cơ quan đặc vụ Đức.

Tình nguyện hợp tác

Siêu điệp viên A-201, mật danh Breitenbach của tình báo Liên Xô tên thật là Wilhelm (Willy) Lehmann. Ông sinh năm 1884 trong gia đình nhà giáo nghèo ở ngoại ô Leipzig.

Năm 17 tuổi, ông tình nguyện gia nhập và phục vụ trong Hải quân Đức 12 năm. Năm 1913, Willy giải ngũ, quay về Berlin và với sự giúp đỡ của người bạn cũ Ernst Kour làm việc trong cảnh sát chính trị mật, ông vào làm việc cho cảnh sát Berlin. Năm 1914, ông chuyển sang phòng phản gián cho đến khi cách mạng nổ ra ở Đức năm 1918.

Tháng 4/1920, Đức tái lập cảnh sát chính trị mật, Lehmann được đề bạt làm phó phòng, thực chất là người lãnh đạo phòng phản gián của sở cảnh sát Berlin.

Năm 1927, Lehmann sang làm ở bộ phận hồ sơ, nơi tập trung toàn bộ tin tức về các nhân viên sứ quán nước ngoài lọt vào tầm mắt của sở cảnh sát Berlin.

Năm 1929, Lehmann tình nguyện hợp tác với tình báo Liên Xô vì động cơ vật chất (ông cần tiền chu cấp cho vợ Margaret, cô bồ Florentina trẻ hơn vài chục tuổi và mê đánh cá ngựa, bản thân Lehmann bị bệnh đái đường nặng), vì ông có thiện cảm với người Nga và sau này là vì động cơ chính trị. Ông bắt đầu hoạt động với bí số А-201 và mật danh Breitenbach

Những tin tức vô giá

Từ năm 1930, một trong các nhiệm vụ của Breitenbach tại phòng phản gián Berlin là điều tra các nhân viên của cơ quan đại diện Liên Xô và chống tình báo kinh tế Liên Xô tại Đức. Tin tức do Breitenbach cung cấp đã cho phép tình báo Liên Xô nắm được các kế hoạch của phản gián Đức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa bảo vệ các tình báo viên Liên Xô và các nguồn tin của họ.

Khi tình hình ngày càng phức tạp, bọn quốc xã chuẩn bị lên nắm quyền ở Đức, Breitenbach đã bắt quen với những tên đầu sỏ của đảng quốc xã, trong đó có Ernst Julius Röhm, chỉ huy các đơn vị xung kích quốc xã SA.

Sau khi Hitler lên nắm quyền vào tháng 2/1933, Breitenbach theo giới thiệu nhân vật số 2 của chế độ quốc xã trùm phát xít Hermann Goering, khi đó là thủ tướng Phổ, được chuyển sang Gestapo làm việc ngay từ khi cơ quan này được thành lập vào tháng 4/1933.

Tháng 5/1934, ông tình nguyện gia nhập SS và trở thành đảng viên quốc xã năm 1937. Ngày 30/6/1934, ông giúp Goering tổ chức thực hiện chiến dịch đẫm máu “Đêm của những con dao dài” thủ tiêu Ernst Röhm, các thủ lĩnh khác của SA vì thế ông được bọn quốc xã đầu sỏ rất tín nhiệm.

Thậm chí, nhân dịp năm mới 1937, ông cùng với 3 nhân viên Gestapo khác được tặng thưởng bức chân dung Adolf Hitler đóng khung bằng bạc có chữ ký của trùm phát xít.

Breitenbach đã trở thành lá chắn bảo vệ an toàn cho tình báo Liên Xô ở Đức. Ông đã kịp thời báo trước về tất cả các hành động của Gestapo, các vụ bắt giữ và khiêu khích có thể thực hiện đối với các đại diện, các tình báo viên vỏ bọc công khai và bất hợp pháp Liên Xô nên tình báo Liên Xô trong suốt thời gian này không hề biết đến đổ vỡ là gì.

Ông thường xuyên báo cho tình báo viên Liên Xô trực tiếp chỉ đạo ông là Vasily Zarubin về tất cả những thay đổi tình hình an ninh nội địa Đức, các hành động chính trị dự kiến, cuộc đấu tranh ngầm trong nhóm đầu sỏ phát xít.

Qua quan hệ với các nhân vật hàng đầu Gestapo, Breitenbach đã thu thập và báo cáo hồ sơ cá nhân chi tiết của các nhân vật phát xít đầu sỏ như Heinrich Muller, Walter Schellenberg, Heinrich Himmler, Reinhard Heydrich và các chỉ huy tình báo Đức khác.

A-201 đã cung cấp những tin tức đặc biệt giá trị về cơ cấu tổ chức, nhân sự của Gestapo (Cục IV, Tổng cục An ninh đế chế RSHA), hoạt động của Gestapo và tình báo quân sự Abwehr, hoạt động xây dựng quân đội Đức, các kế hoạch và ý đồ của Hitler đối với các nước láng giềng, khóa mã các mật điện liên lạc trong nội địa và hải ngoại của Gestapo. Nhờ vậy, tình báo Liên Xô có thể đọc được nội dung liên lạc nội bộ của Gestapo.

Hoạt động tình báo của Lehmann chuyển sang giai đoạn mới khi ông được chuyển sang phòng phản gián Gestapo phụ trách phản gián cho công nghiệp quốc phòng và xây dựng quân đội Đức.

Thời gian này, Đức đã chế tạo và bắt đầu thử nghiệm các loại tên lửa của nhà khoa học lừng danh Werner von Braun vào năm 1934 ở gần Berlin. Nhờ có Lehmann, Liên Xô đã nắm được thông tin về các tên lửa Max và Moritz, sau này dựa vào đó Đức chế tạo các tên lửa lừng danh FAW-1 và FAW-2.

Cuối năm 1935, Breitenbach đích thân tham dự thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Đức sử dụng nhiên liệu lỏng FAW-1 tại trường thử ở Penemunde.

Năm 1940, các tên lửa này đã oanh tạc nước Anh. Breitenbach đã báo cáo chi tiết về các vụ thử tên lửa và thông tin mật về tên lửa này. Trên cơ sở đó, tình báo Liên Xô ngày 17/12/1935 đã soạn và gửi Stalin và ủy viên dân ủy quốc phòng Voroshilov báo cáo phân tích tình trạng ngành chế tạo tên lửa của Đức.

Trong giai đoạn này, Breitenbach còn cung cấp thông tin về các chương trình đóng tàu ngầm, chế tạo xe ô tô bọc thép, sản xuất các mặt nạ phòng độc mới, các nghiên cứu về xăng tổng hợp, cao su nhân tạo.

Hè năm 1936, Breitenbach được giao phụ trách phản gián cho nhiều hướng công nghiệp quốc phòng mới. Điệp viên bắt đầu cung cấp những tin tức quan trọng về sự phát triển công nghiệp quốc phòng Đức như việc bắt đầu đóng cùng lúc hơn 70 tàu ngầm và xây dựng nhà máy bí mật sản xuất chất độc quân sự thế hệ mới.

Điệp viên đã giao cho Zarubin bản sao chỉ thị mật liệt kê 14 loại vũ khí tối tân đang sản xuất hoặc thiết kế. Ông cũng lấy được bản sao báo cáo mật “Về tổ chức quốc phòng Đức năm 1937”. Tất cả các tài liệu này đã cho phép lãnh đạo Liên Xô đánh giá khách quan sức mạnh tấn công của quân đội Đức.

Ông cũng cung cấp tin về hoạt động của bọn quốc xã ở Áo, dự thảo hiệp ước hợp tác quân sự Đức-Nhật; mùa xuân 1941, ông báo tin Đức sắp xâm chiếm Nam Tư.

"Chiến tranh bắt đầu lúc 3 giờ sáng"

Cuối những năm 1930, tình hình ngày một căng thẳng khi Hitler đang chuẩn bị thôn tính các nước châu Âu và chuẩn bị chiến tranh thế giới mới. Thời gian này, ông hợp tác với Liên Xô chủ yếu vì động cơ lý tưởng, chứ ít quan tâm đến khía cạnh vật chất, dù với tính cách Đức, ông không từ chối các khoản thù lao.

Trong giai đoạn lịch sử khẩn thiết như vậy, ông hầu như mất liên lạc với tình báo Liên Xô. Năm 1937, Zarubin, sĩ quan tình báo đến Đức từ tháng 12/1933 để chỉ đạo ông, phải ngừng liên lạc với Breitenbach vì bị triệu hồi về nước.

Chiến dịch thanh trừng đối với tình báo Liên Xô đã bắt đầu. Tổ tình báo Berlin lúc đó chỉ còn lại duy nhất một cán bộ là Aleksandr Agayants.

Cuối tháng 11/1938, Agayants liên lạc lần cuối cùng với Breitenbach. Đầu tháng 12, Agayants phải nằm viện và không lâu sau thì qua đời. Ông mất liên lạc cho đến tháng 9/1940 khi ông gặp được Aleksandr Korotkov mới đến Berlin làm phó chỉ huy tình báo NKVD.



Đức mở màn xâm lược Liên Xô bằng chiến dịch Barbarossa.


Ngày 9/9/1940, tổ tình báo nhận được chỉ thị từ đích thân Ủy viên dân ủy Beria, trong đó nhấn mạnh: “Không được giao bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cho Breitenbach. Tạm thời phải lấy hết những gì nằm trong khả năng trực tiếp của anh ta và ngoài ra là tất cả những gì anh ta viết về hoạt động chống Liên Xô của các cơ quan tình báo, ở dạng tài liệu và báo cáo riêng của nguồn tin”.

Người chỉ đạo trực tiếp A-201 là Boris Nikolayevich Zhuravlev, một cán bộ tình báo trẻ vừa mới đến Berlin sau khi tốt nghiệp trường tình báo.

Breitenbach bắt đầu cung cấp một số lượng lớn tài liệu cho thấy Đức đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống Liên Xô. Tháng 3/1941, ông báo cáo rằng, “Tổng đội III - Berlin”, đơn vị phụ trách hoạt động tình báo chống Liên Xô của tình báo quân sự Đức Abwehr đã được mở rộng khẩn cấp.

Trong phiên liên lạc ngày 28/5, A-201 báo cáo với Zhuravlev rằng, ông được lệnh khẩn cấp lên lịch trực suốt ngày đêm cho đơn vị mình.

Ngày 19/6, Lehmann gọi gặp khẩn cấp Zhuravlev và báo cáo: “Chiến tranh rồi. Tất cả đã được quyết định, không thể thay đổi được nữa. Chủ nhật, ngày 22. Ngay từ sáng sớm, lúc 3 giờ sáng. Trên toàn tuyến biên giới, từ nam lên bắc. Tuyên chiến sẽ chỉ là hình thức, cùng với quả bom đầu tiên”, sau đó xiết chặt tay Zhuravlev nói: “Vĩnh biệt đồng chí” rồi bước đi.

Ông Zhuravlev kể lại phiên liên lạc cuối cùng với Lehmann: “Tôi đã gặp Lehmann ở Berlin ngày 19/6/1941. Lần này, anh ấy rất lo lắng và ngay sau khi chào hỏi đã nói ngay là Gestapo đã nhận được mệnh lệnh nói rằng, ngày 22/6, lúc 3 giờ sáng, Đức sẽ khai chiến chống Liên Xô. Tôi cũng rất lo lắng khi tiếp nhận tin này, hai chân tôi thậm chí khuỵu xuống. Sau đó, chúng tôi chia tay, tôi lao về sứ quán, sau khi xử lý, tin này được gửi về Moskva”.

Đáng tiếc là khi nhận được bức điện này, Stalin đã viết bằng mực xanh lên báo cáo tình báo của Lehmann mấy chữ “thông tin giả”.

Sáng 22/6/1941, tòa nhà đại sứ quán Liên Xô trên phố Unter den Linden ở trung tâm Berlin đã bị nhân viên Gestapo vây kín. Tình báo Liên Xô mãi mãi mất liên lạc với Wilhelm Lehmann.

Cái chết bi tráng

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chỉ huy tổ tình báo NKVD ở Đức Aleksandr Korotkov được giao nhiệm vụ tìm hiểu số phận của các điệp viên giá trị của NKVD bị mất liên lạc trong thời gian chiến tranh ác liệt, trong số đó có Breitenbach và các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ”.

Giữa tháng 6/1945, khi Berlin hoang tàn vẫn còn nghi ngút khói lửa, Korotkov tìm đến căn hộ của Margaret Lehmann và được bà cho biết, Willy Lehmann chồng bà đã mất tháng 12/1942, chỉ còn lại bình tro cốt và vật dụng cá nhân của ông. Bà không biết chi tiết gì về cái chết của chồng.

Tình báo Liên Xô, khi sục tìm các tài liệu trong trụ sở đổ nát của Gestapo tại số 8, phố Prinz Albrechtstrasse, đã phát hiện một phiếu hồ sơ cháy xém đề tên Wilhelm Lehmann, trên có ghi chú ông đã bị Gestapo bắt vào tháng 12/1942, nhưng không nêu nguyên nhân bắt giữ.

Dựa vào phiếu hồ sơ này cùng với các tài liệu thu được khác, Trung ương tình báo ở Moskva nhanh chóng xác định được nhân viên Gestapo bị xử tử chính là điệp viên Breitenbach.

Qua điều tra, tình báo đối ngoại Liên Xô đã biết được hoàn cảnh cái chết của A-201. Tháng 5/1942, điệp viên Beck (đảng viên cộng sản Đức Robert Bart, tự đầu hàng Hồng quân) của tình báo Liên Xô được tung vào Berlin để nối lại liên lạc và tiếp tục làm việc với Breitenbach. Nhưng Gestapo nhanh chóng lần ra tung tích và bắt giữ Beck. Không chịu nổi đòn tra, Beck đã khai ra quy ước liên lạc và những thông tin nhận diện điệp viên Breitenbach.

Gestapo lập tức báo cáo việc phát hiện điệp viên Liên Xô cho Heinrich Muller. Nhưng cả Himmler và Muller đã không dám báo cáo với Hitler việc một thanh tra hình sự kỳ cựu, đại úy SS chui sâu hoạt động cho Liên Xô hàng chục năm trời ngay trong lòng Gestapo.

Ngay trước lễ Giáng sinh năm 1942, Breitenbach bị triệu khẩn cấp tới cơ quan và mãi mãi không trở về. Ông đã bị Gestapo bí mật bắt giữ và thủ tiêu để tránh gây ra scandal ầm ĩ.

Trong bản tin nội bộ của Gestapo ngày 29/1/1943 có đăng thông báo “thanh tra hình sự Wilhelm Lehmann đã cống hiến đời mình cho quốc trưởng và đế chế vào tháng 12/1942”.

Một trong những điệp viên xuất sắc nhất của tình báo Liên Xô đã hy sinh bi thảm như thế. Wilhelm Lehmann không phải là người cộng sản, nhưng ông có cảm tình với nước Nga và nhân dân Nga. Cuộc đời, công lao đóng góp của ông vào chiến thắng chung trước chủ nghĩa phát xít xứng đáng sự thừa nhận và tưởng nhớ biết ơn.

Năm 1969, bà Margaret Lehmann, vợ của điệp viên A-201 đã được trao tặng tại Moskva chiếc đồng hồ vàng với dòng chữ “Kỷ niệm từ những người bạn Xô-viết”.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng Vĩ đại, ở Nga đã xuất bản cuốn sách “Điệp viên siêu đẳng” của sử gia tình báo Teodor Gladkov viết về điệp viên A-201/Breitenbach.

Và năm nay, đúng ngày Chiến thắng 9/5/2011, truyền hình Nga đã phát bộ phim truyền hình “Điệp viên A-201 - người của chúng ta trong Gestapo”.


[BDV news]


>> Nghệ thuật quân sự hải quân (kỳ 2)





Lực lượng Hải quân từ nhiệm vụ yểm trợ và tác chiến độc lập, đã hình thành lực lượng tác chiến mang tính chiến lược.

Chiến lược hải quân thời bình và thời chiến phản ánh trung thành đường lối chính trị của quốc gia, dân tộc với mục tiêu phát triển và bảo vệ lợi ích biển, đại dương.

Những yếu tố lịch sử của nghệ thuật quân sự Hải quân

Những thành tố đầu tiên của nghệ thuật quân sự Hải quân được hình thành từ rất lâu, khi xuất hiện các hạm đội và hoàn thiện cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, vũ khí trang bị và các mô hình tác chiến.

Thời kỳ chiếm hữu nô lệ, ở các nhà nước Hy Lạp cổ đại, La mã cổ đại và các nước khác, hạm đội được hình thành từ những tàu có mái chèo do nô lệ chèo thuyền. Chiến lược chiến tranh của các nước cổ đại đã để lực lượng hải quân như là lực lượng hỗ trợ và các hoạt động tác chiến của hải quân chủ yếu là vùng bờ biển.

Phương pháp tác chiến cổ điển vẫn là dùng mũi nhọn thân tầu để đâm và đổ bộ, đánh chiếm tàu đối phương. Chiến thuật duy nhất là các tàu chiến dàn hàng ngang và lao vào nhau, khả năng dành ưu thế ban đầu là kỹ năng điều khiển tàu của thuyền trưởng.

Một sự cố gắng đầu tiên trong xây dựng nghệ thuật quân sự Hải quân là tác phẩm của Vegetius thế kỷ thứ 5, có tên "Bản tóm tắt những đề xuất về tác chiến”. Trong bản tóm tắt này cùng với những hoạt động tác chiến khác ông đã đưa ra những giới thiệu sơ lược về phương pháp chiến đấu trên biển.



Trận hải chiến châu Âu thời phong kiến.


Châu Âu vào thời kỳ tiền phong kiến (đến thế kỷ thứ 10) hạm đội và nghệ thuật tác chiến trên biển chưa có những phát triển đáng kể.

Do sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, trong thời kỳ chế độ phong kiến phát triển rực rỡ nhất ở châu Âu, kỹ thuật đóng tàu đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Thế kỷ thứ 10 và 11 xuất hiện các tàu buồm, đồng thời là các thiết bị dẫn đường trên biển (la bàn, kính lục phân - dụng cụ đo độ cao mặt trời, để xác định vị trí con tàu, bàn đồ biển) cho phép tàu có thể đi dài ngày trên biển rộng. Từ thế kỷ 14, trên các tàu buồm được trang bị pháo thần công. Từ thế kỷ 15 – 16 bắt đầu chuyển hướng từ tàu có mái chèo sang sử dụng các tàu buồm, quá trình này kết thúc vào giữa thế kỷ 17.

Chiến lược quân sự hải quân hình thành vào thế kỷ 15 – 16, trong quân đội các nước thực dân như Italy, Bồ Đào Nha, sau đó là Anh, Pháp, và Hà Lan. Chiến lược xâm lược thuộc địa bằng hải quân đã nâng cao vị trí của hải quân trong chiến tranh, thay đổi tính chất sử dụng hải quân, đồng thời đặt lên vai của Hải quân nhiệm vụ độc lập như tiến công tàu hàng, chống cướp biến, cắt đứt các đường giao thông, liên lạc và vận tải đường biển, đồng thời bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của quân mình. Tuy nhiên, nghệ thuật tác chiến chưa phát triển, vẫn gần giống với nghệ thuật tác chiến thời La mã cổ đại.



Thiết giáp hạm - buồm.


"Ngoại giao pháo hạm" thúc đẩy sự phát triển của hải quân

Thế kỷ thứ 17, đánh dấu sự hình thành các hạm đội thường trực chiến đấu, trở thành công cụ quan trọng cho chính sách "ngoại giao pháo hạm" của các nước phát triển.

Sự phát triển mạnh mẽ của pháo hạm, sử dụng hạm đội pháo hạm như một vũ khí quan trọng chính trong các cuộc chiến đấu trên biển trong chiến tranh Anh – Hà Lan thế kỷ 17, làm thay đổi căn bản tận gốc về biên chế lực lượng, cơ cấu tổ chức của hạm đội tàu buồm và nghệ thuật tác chiến của hải quân.

Đòn tấn công chủ lực dành cho các thiết giáp hạm có trang bị pháo cỡ nòng lớn và số lượng nhiều, các tàu khu trục frigate nhỏ, các thuyền có mái chèo trang bị pháo nhỏ và các tầu hỏa công (fire – ship) đóng vai trò hỗ trợ trong các cuộc chiến đấu trên biển và phong tỏa trên biển.

Cơ cấu tổ chức hạm đội đã phức tạp hơn, các tàu đã liên kết lại thành các liên đội tàu dưới sự chỉ huy thống nhất của một tàu chỉ huy (Flagship) liên đội. Đội hình tác chiến của liên đội trong hải chiến và của hạm đội là tuyến cơ động chiến đấu, cho phép các tầu có thể cơ động trong tuyến cơ động của liên đội.

Phương án tác chiến này cho phép sử dụng hiệu quả hỏa lực của pháo hạm được bố trí nhiều hành bên sườn tàu. Đâm tàu vào nhau sử dụng ngày càng ít hơn, phương pháp đổ bộ lên tàu đối phương vẫn được áp dụng khi sử dụng tàu buồm, tác chiến theo phương pháp tuyến cơ động chiến đấu được sử dụng trong suốt thế kỷ 17 và 18.

Một đóng góp quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật quân sự Hải quân là nghệ thuật tác chiến của Hải quân Nga vào ¼ đầu thế kỷ 18 trong cuộc chiến tranh Bắc Âu, (Great Northern War năm 1700—1721) chống lại lực lượng Hải quân hùng mạnh của Thụy Điển.

Thay vì cùng với lực lượng của các nước phương Tây đổ bộ lên bờ, đánh phá đường vận tải của đối phương và một cuộc chiến tổng lực của các hạm đội. Vua Peter I đã áp dụng chiến thuật kiên quyết và chắc chắn, kết hợp tác chiến chặt chẽ giữa hải quân và lục quân đánh chiếm căn cứ hải quân của đối phương, lợi dụng hướng gió cơ động nhanh, tấn công hạm đội đối phương từ phía bên sườn, chia cắt đội hình tàu địch, bao vây và đổ bộ chiếm tàu.

Chiến thuật của vua Peter I đã được ghi vào "Điều lệnh tác chiến Hải quân năm 1720".

Giữa thế kỷ 18, pháo hạm đã có sự phát triển vượt bậc (tầm bắn xa hơn, khả năng xuyên và nổ phá mạnh hơn của đạn pháo, khả năng bắn chính xác hơn) do đó, đã xuất hiện những mâu thuẫn đối kháng trong tác chiến bằng phương thức tuyến cơ động chiến đấu cổ điển.



Vận động tác chiến của chiến hạm chống lại tuyến cơ động chiến đấu.


Đô đốc G.A.Spiridov, đô đốc F.F.Usacov (Nga) là 2 đô đốc đầu tiền trong thực tế hải chiến đã từ bỏ phương án tác chiến tuyến cơ động chiến đấu và đặt những bước đầu tiên cho phương án tác chiến hạm đội mới, vận động tác chiến chiều sâu.

Nghệ thuật hải chiến mới có đặc điểm khác hẳn so với phương án tác chiến trước đây là tính năng động cao trong tác chiến, quyết tâm đạt mục tiêu đã đặt trước, có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng trong liên đội và đã có những thành công trong các trận hải chiến ở Kênh Chios năm 1770, Tendra 1790, và Mũi Hảo vọng năm 1971.

Những thử nghiệm đầu tiên của lý thuyết nghệ thuật quân sự Hải quân vận động tác chiến được phản ánh khá sâu sắc trong tác phẩm của người Anh J. Clerk "Kinh nghiệm hải chiến”, chương 1-4 xuất bản năm 1790 – 1797, được dịch ra tiếng Nga với tiêu đề " Hạm đội vận động chiến” năm 1803.

Trong tác phẩm ông đã tổng kết những nguyên nhân dẫn đến những thất bại của Hạm đội Anh trong nhưng trận đánh giữa thế kỷ 18, đề xuất những kiến nghị thay đổi chiến thuật tuyến cơ động chiến đấu bằng những chiến thuật vận động chiến trong Hải chiến.

Nhưng trong nghệ thuật tác chiến Hải quân của những cường quốc biển ( Anh, Pháp, Italy, Hà lan) chiến thuật tuyến vận động chiến đấu vẫn được áp dụng chủ đạo đến cuối thế kỷ 18.



Chiến thuật vận động tác chiến và tác chiến độc lập của chiến hạm.



Chiến thắng của đô đốc người Anh G. Nelson ở Aboukir năm 1798, Trafalgar năm 1805, đô đốc người Nga ở trận "Battle of Athos” với sự áp dụng chiến thuật vận động tác chiến linh hoạt đã khẳng định tính ưu việt của chiến thuật vận động tiến công.

Chiến thuật này được xem xét cùng với quá trình vận động tiến cồng của liên đội hạm tàu để sử dụng triệt để hỏa lực pháo hạm và phá hủy khả năng điều khiển hải lực của hạm đội đối phương, đã phát huy tối đa khả năng độc lập tác chiến của chiến hạm.

Chiến thuật vận động đã bổ xung thêm nội dung tác chiến độc lập của hải thuyền và xuất hiện những đòi hỏi rất cao đối với thuyền trưởng trong nghệ thuật điều khiển tàu và sử dụng hỏa lực pháo binh trong hải chiến.

[BDV news]


>> Trung Quốc khoe tên lửa chống hạm mới





Các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đang xôn xao về một tên lửa chống hạm mới được cho là tốt hơn cả tên lửa của Nga.


Theo đó loại tên lửa chống hạm mới có tên gọi là YJ-85 hay C-805, giới quân sự Trung Quốc tự hào cho rằng, loại tên lửa chống hạm mới này còn ưu việt hơn cả các tên lửa chống hạm hiện đại nhất của Nga.

Qua thông tin kỹ thuật được công bố, điều làm cho tên lửa chống hạm C-805 đặc biệt nguy hiểm chính là tốc độ. Loại tên lửa chống hạm này được cho là có tốc độ lên đến Mach 3,5, do đó, việc đánh chặn tên lửa này gần như là điều không thể.

Về cấu hình khí động học của tên lửa C-805 tương tự như các biến thể trước đó của gia đình tên lửa chống hạm YJ8. C-805 là một biến thể nâng cấp của tên lửa chống hạm C-802A.



Tên lửa C-805 trong một lần bắn thử, cấu hình khí động học của C-805 hoàn toàn giống với tên lửa C-802A.


Tên lửa C-805 được giới thiệu là thiết kế theo công nghệ hiện đại và rất đa năng, có thể phóng từ máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và bệ phóng di động trên bờ. Không chỉ vậy, độ chính xác chính là một điểm nỗi bật của loại tên lửa này.

Ngoài chức năng chính là chống hạm, tên lửa C-805 còn có thể sử dụng như một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất, các căn cứ quân sự và kho tàng ven biển.

Theo công bố, qua 8 lần thử nghiệm, C-805 đạt hiệu suất tiêu diệt mục tiêu 100%, tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình rất cao. Các loại radar hiện đại nhất gần như không bắt được tín hiệu của loại tên lửa này.

Giới quân sự Trung Quốc cho rằng, tên lửa chống hạm C-805 là một đối thủ đáng gờm của loại tên lửa Brahmos Nga - Ấn Độ hợp tác phát triển. "Nếu Brahmos là niềm tự hào của Ấn Độ, thì C-805 chính là niềm tự hào của người Trung Quốc", một ý kiến trên mạng Trung Quốc nhận xét.



Tên lửa C-805 thực ra là bản nâng cấp của C-802A (trong ảnh tên lửa C-802A tại triển lãm Chu Hải năm 2006)


Các thông số kỹ thuật được công bố cho thấy, tên lửa C-805 có đường kính 670mm, dài 8 mét, trọng lượng 3 tấn, tầm bắn hiệu quả 380km.

Tên lửa C-805 mang theo đầu đạn nặng 300kg, hệ thống dẫn đường được trang bị bộ cảm biến tinh vi, có khả năng phát hiện và bám theo các mục tiêu liên tục thay đổi vị trí. Tên lửa chống hạm C-805 được phát triển bởi Học viện công nghệ điện cơ khí HaiYing.

Theo một số thông tin rò rỉ trên trang Deagel, tên lửa chống hạm C-805 sử dụng hệ thống dẫn đường dựa kết hợp hệ thống định vị toàn cầu kiểu GPS và một radar có khả năng lập bản đồ để bay theo kiểu men theo địa hình TERCOM.

Sự phát triển của C-805 được cho là để đối phó lại với chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa của Mỹ. Nhiều khả năng loại tên lửa chống hạm mới này đã được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc vào năm 2010. Theo một báo cáo được đăng tải bởi Afcea, tên lửa chống hạm C-805 đã được trang bị cho tàu khu trục Type-052C.

Với sự ra đời của tên lửa chống hạm C-805, giới quân sự Trung Quốc tự tin tuyên bố: "C-805 đã “soán ngôi” của tên lửa chống hạm P-270 Moskit được trang bị trên các tàu khu trục hạng Sovremenny mà Trung Quốc mua từ Nga. Đồng thời, C-805 trở thành loại tên lửa chống hạm tốt nhất trong biên chế Hải quân Trung Quốc, và là loại tên lửa chống hạm tốt nhất khu vực. Cùng với Nga, Trung Quốc là nước sản xuất nhiều biến thể tên lửa chống hạm nhất thế giới".

Có thể nói, tung ra các thông số "khủng" về uy lực của vũ khí nội địa (tự thiết kế, sản xuất dựa vào các mẫu tương tự của nước ngoài) trở thành "truyền thống" của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và là nét đặc trưng của các mạng quân sự nước này. Trong quá trình đó, các thành tựu của công nghệ quốc phòng Nga thường được đem ra làm mốc so sánh. Mỗi lần vượt được người thầy, người bạn đã dìu dắt mình (trên mạng ảo), người Trung Quốc lại thấy rất tự hào. Cách thể hiện hẳn là liều thuốc tinh thần được nhiều cư dân mạng Trung Quốc ưa chuộng.

[BDV news]


>> Mỹ kết án tử hình với 'Bóng ma trên biển'





Hải quân Mỹ đã quyết định cắt làm sắt vụn chiến hạm độc đáo Sea Shadow (Bóng ma trên biển), được đóng trong thập niên 1980 theo công nghệ tàng hình.


Sea Shadow là tàu chiến tàng hình đầu tiên trên thế giới. Công nghệ tàng hình đòi hỏi tạo ra cho vật thể hình dáng hình học sao cho tán xạ tối đa sóng radar. Ngoài ra, còn có các vật liệu đặc biệt để bảo vệ tàu tàng hình trước radar. So với các tàu thông thường, tầm phát hiện tàu tàng hình chỉ bằng 1/3 nên tạo ra ưu thế chiến lược trong tác chiến.

Hai mạn của tàu Sea Shadow được thiết kế nghiêng tạo một góc 45 độ và tựa trên các phao ngầm dưới nước, đáy tàu được nâng lên trên mặt nước. Tàu được trang bị thiết bị bảo vệ tăng cường, tạo ra quanh tàu một đám mây bụi nước, làm cho nó khó bị radar và các sensor nhiệt phát hiện. Tất cả các mối hàn trên thân cũng được phủ bằng hợp chất đặc biệt.

Sea Shadow đã được thử nghiệm ban đêm để tránh các vệ tinh do thám của Liên Xô. Nhưng Hải quân Mỹ đã không thể giữ kín hoàn toàn bí mật của mình. Năm 1995, một trong các kỹ sư tham gia chế tạo Sea Shadow đã bị bắt và kết án vì bán bí mật quân sự.


Sea Shadow xuất cảng.


Sau mấy năm thử nghiệm, Lầu Năm góc kết luận, dù chỉ chạy ở tốc độ thấp, tàu này cũng dễ bị radar phát hiện, các bức màn nước cũng chẳng giúp ích gì. Vì thế với chi phí đóng và khai thác 195 triệu USD, Sea Shadow bước vào ngõ cụt trong phát triển công nghệ hải quân.

Sea Shadow nổi danh khi được sử dụng trong thập niên 1990 để quay bộ phim “Ngày mai không lụi tàn” (Tomorrow never dies) trong loạt phim về điệp viên 007 James Bond, phát hành năm 1997. Theo cốt chuyện, một tàu tàng hình thuộc về trùm truyền thông Elliot Carver và khi ở trong hải phận Trung Quốc đã được sử dụng để khiêu khích một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Anh.

Sau bộ phim này, con tàu thử nghiệm Sea Shadow chẳng dùng được vào việc gì nữa. Hải quân Mỹ đã hy vọng một tư nhân nào đó mua lại con tàu, song cuối cùng họ chẳng tìm được khách hàng nào mặc dù tuyên bố tiêu hủy con tàu đã thu hút nhiều sự quan tâm.



Mô hình của tàu quái dị Sea Shadow.

Dù có sẵn tiền thì chẳng phải tư nhân nào cũng có thể mua Sea Shadow. Người ta không thể để nó trong sân một ngôi nhà bình thường vì nó dài gần 48m, rộng hơn 30m và nó cũng không được bảo quản cẩn thận cho lắm.

Một đại diện của nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết, trong 4-5 năm gần đây, con tàu không hề được bảo quản, sửa chữa vì thế việc tu sửa nó phải do khách mua tàu tự lo.

Năm 2009, người ta đã thảo luận vấn đề chuyển giao tàu Sea Shadow cho bảo tàng, song không bảo tàng hải quân nào tỏ ý muốn nhận lấy vật trưng bày độc đáo này. Dẫu sao hiện thời chưa phải là mất tất cả vì đại diện Hải quân Mỹ Chris Johnson nói rằng, cho đến phút cuối vẫn có thể tìm ra người mua.


[BDV news]


>> Nhật, Mỹ công bố chương trình hợp tác quốc phòng mới





Nhật và Mỹ vừa tuyên bố tiếp tục hợp tác trong chương trình phòng thủ tên lửa và những vấn đề an ninh chung.


Nhật Bản và Mỹ vừa ký cam kết tiếp tục hợp tác với nhau trong chương tình phòng thủ tên lửa, an ninh mạng, lĩnh vực không gian cũng như mở rộng chia sẻ thông tin tình báo, giám sát và các hoạt động thăm dò.

"Chúng tôi đã nhất trí về một khung hợp tác sản xuất để chuyển phòng thủ tên lửa đánh chặn cho các bên thứ ba, tăng cường hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như lĩnh vực không gian và an ninh mạng", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói trong cuộc họp ngày 21/6.




Trong chương trình lá chắn tên lửa, bộ trưởng Quốc Phòng của Nhật và Mỹ quyết định sẽ nghiên cứu kỹ thêm các vấn đề trước khi chuyển bản thiết kế tên lửa chống tên lửa SM-3 Block IIA cho các công ty sản xuất. Hai nước đồng ý cử ra Ủy ban chung về vũ khí và kỹ thuật quân sự để giám sát các hoạt động chuyển giao này.

Nhật và Mỹ cũng đồng ý thúc đẩy đối thoại về đa dạng hóa nguồn cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng, vật liệu bao gồm năng lượng và đất hiếm.

Tuyên bố của Ủy ban tư vấn an ninh Mỹ - Nhật cũng cho biết 2 bên đồng ý mở rộng các hoạt động đào tạo, tập huấn chung cũng như tiếp tục các hoạt động nghiên cứu chung của 2 bên.

Ngoài ra, 2 nước tiếp tục mở rộng và chia sẻ thông tin tình báo, các dữ liệu giám sát và trinh sát để ngăn chặn và chủ động đối phó với các tình huống khác nhau trong khu vực.

Mỹ cũng tái khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản cũng như hòa bình và an ninh trong khu vực bằng cả những cách thông thường và lực lượng hạt nhân. Cụ thể, Mỹ cam kết sẽ điều chỉnh thế trận phòng thủ khu vực để giúp Nhật giải quyết những thách thức như sự gia tăng của công nghệ hạt nhân, tên lửa đạo đạo và các mối đe dọa đang phát triển khác đến từ không gian, đại dương và internet.

Trong lĩnh vực không gian, 2 quốc gia thừa nhận tiềm năng hợp tác trong tương lai trong việc xây dựng hệ thống vệ tinh dẫn đường, nâng cao nhận thức về không gian dưa trên các vùng hàng hải và việc sử dụng các bộ cảm biến. 2 Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường khả năng phục hồi các cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm cả việc bảo mật hệ thống thông tin.

Đặc biệt, nhiều thỏa thuận chiến lược giữa Nhật và Mỹ có liên quan đến các hoạt động gần đây của Trung Quốc và Triều Tiên. Theo đó, Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay mà Mỹ xem là mối đe dọa cho hải quân nước này. Đồng thời, Triều Tiên cũng được xem có những bước thành công trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, 2 bên cũng đặt nhiều sự quan tâm tới các thử nghiệm của hệ thống chống vệ tinh của Trung Quốc trong những năm gần đây.


[BDV news]


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

>> Ấn Độ chi 100 tỷ rupee mở rộng căn cứ hải quân





Hải quân Ấn Độ đã sẵn sàng chi khoảng 100 tỷ rupee cho dự án mở rộng căn cứ hải quân chiến lược Karwar tại bang Karnataka. Tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu ngầm tấn công Scorpene các một số tàu chiến khác dự kiến sẽ được đặt tại căn cứ này trong tương lai.


Tuyên bố được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ đang phải đối mặt với khả năng Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển nước sâu Gwadar tại Pakistan làm nơi triển khai tàu chiến. Cảng Gwadar của Pakistan được Trung Quốc giúp đỡ xây dựng từ thập kỷ trước và kéo dài cho tới bây giờ.




Trước đó, thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Ahmed Mukhtar khẳng định khi công khai tuyên bố Islamabad đã yêu cầu Bắc Kinh xây một căn cứ hải quân tại Gwadar, tạo ra lối vào trực tiếp tới khu vực vùng Vịnh.

Mặc dù, Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng phủ nhận không quan tâm gì đến việc thiết lập một căn cứ hải quân tại Gwadar, nhưng vai trò lo lớn của Bắc Kinh trong việc xây dựng các cảng ở Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka lại khẳng định nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai” của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương.

Pakistan có 5 căn cứ hải quân và cảng biển lớn tại Gwadar, Ormara, Karachi, Pasni và Jiwani, trong khi đó căn cứ Karwar của Ấn Độ là căn cứ hải quân lớn thứ ba sau Mumbai và Visakhapatnam, thuộc bờ biển phía Đông.

“Sau một thời gian trì hoãn, Bộ quốc phòng đã chuẩn bị một báo cáo giải trình cho Ủy ban An ninh Nội các (CCS) về giai đoạn 2A của dự án “Seabird” tại Karwar sau khi điều chỉnh báo cáo dự án chi tiết”, một quan chức cho hay.

Dự án Seabird vẫn còn nhùng nhằng do sự trì hoãn lâu dài, và rắc rối khác liên quan đến vấn đề ngân sách kể từ khi được phê duyệt vào năm 1985 với chi phí ban đầu là 3,5 tỷ rupee. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng chi phí là 2,63 tỷ rupee, cho phép hải quân đặt 11 tàu chiến tại Karwar.

Trong gia đoạn 2, ngoài vai trò là cảng cho tàu neo và cập bến, Karwar còn là một căn cứ không quân, kho vũ khí, xưởng sửa chữa và đóng tàu, và hầm chứa tên lửa. Mục tiêu cuối cùng nhằm đặt khoảng 50 tàu chiến lớn tại Karwar sau khi giai đoạn 2B hoàn tất.

Sau khi hoàn tất công việc xây dưng, Hải quân Ấn Độ sẽ triển khai hai nhóm chiến đấu trên tàu sân bay INS Vikramaditya 44.570 tấn và tàu sân bay nội địa 40.000 tấn, dự kiến sẽ được biên chế vào 2015. Karwar là một căn cứ quan trọng cho hoạt động của lực lượng hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.


[Vitinfo news]


>> Học giả quốc tế bác bỏ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc





Nhiều học giả quốc tế phản bác các lập luận của Trung Quốc về "cơ sở lịch sử" của đường lưỡi bò, trong Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông đang diễn ra tại Washington, Mỹ.


Sau khi ông Su Hao, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, có bài phát biểu về tuyên bố chủ quyền cũng như chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban Thư ký ASEAN, lên tiếng: "Tôi không cho rằng Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền".

Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN.


Theo Vietnamplus, giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò liên quan tới lịch sử. Ông nói: "Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS."

Tiến sỹ Dutton cũng nói rằng việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.

Cũng liên quan đến khía cạnh luật quốc tế, bà Caitlyn Antrim, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, khẳng định tuyên bố đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ.

Bà Antrim nói: "Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Đối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó."

Trong phiên thảo luận buổi chiều 20/6, các học giả Bonnie Glaser của Mỹ, Trần Trường Thủy của Việt Nam, Carl Thayer của Australia và Ian Storey của Singapore đã trình bày về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đưa ra cách giải thích cho các sự kiện này.

Trước câu hỏi của học giả Trung Quốc về việc tại sao các sự kiện giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này, tiến sĩ Trần Trường Thủy nói: "Đây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-la".

Tại hội thảo, ngoài các học giả còn có bài phát biểu của Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte và một số quan chức của Mỹ.

Về tình hình tại Biển Đông, Thượng nghị sĩ McCain nói: "Một trong nhưng nguyên nhân chính làm xấu thêm những căng thẳng tại Biển Đông và khiến cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại đây trở nên khó khăn hơn là thái độ hiếu chiến của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc muốn thúc đẩy."

Hội thảo sẽ tiếp tục trong buổi sáng ngày 21/6 với các phiên thảo luận về tính hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế an ninh trên biển hiện nay cho Biển Đông và các đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy an ninh trong khu vực.

[Vnexpress news]



>> Radar Nga 'kết án tử’ máy bay tàng hình Mỹ





Thành trì công nghệ cao vững vàng trong hàng thập kỷ qua của Không quân Mỹ có thể sụp đổ trong vài năm nữa.

Ngày nay, công nghệ Stealth (tàng hình) mang lại cho các máy bay Mỹ khả năng dễ dàng xâm nhập qua hệ thống phòng không đối phương. Nhưng chẳng bao lâu nữa, Không quân Mỹ sẽ mất đi ưu thế này - đó là tuyên bố chấn động nêu trong báo cáo của cựu Barry Watts, cựu Giám đốc Chương trình Phân tích và đánh giá (Program Analysis and Evaluation) thuộc Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và nay là chuyên viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments).

Theo ông, việc hoàn thiện các cảm biến phòng không có thể vô hiệu hóa những ưu thế của công nghệ Stealth, điều này đặc biệt có liên quan tới các máy bay tàng hình có người lái.

Một tuyên bố như vậy có vẻ rất choáng bởi lẽ Không quân Mỹ chủ yếu dựa vào công nghệ tàng hình và dự định chi cho các công nghệ này 500 tỷ USD trong 30 năm tới.

Dựa trên các đánh giá chuyên gia, ông Barry Watts cho rằng, trong tương lai sắp tới, tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ radar sẽ triệt tiêu hoàn toàn ưu thế độ bộc lộ radar thấp của các máy bay như B-2, F-22 và F-35.



Mẫu máy bay F-117A đã "xưng hùng, xưng bá" vào thời kỳ đầu của công nghệ tàng hình.


Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang phát triển các loại radar VHF và UHF, có khả năng phát hiện và bám các máy bay tàng hình. Các chuyên gia Czech cũng chế tạo các hệ thống thụ động (không phát bức xạ) phát hiện bức xạ của radar, máy thu hình, điện thoại di động và các tín hiệu khác phản xạ từ bề mặt máy bay tàng hình.

Những hệ thống phát hiện tương tự có thể triệt phá hoàn toàn ưu thế kéo dài 30 năm qua của Mỹ trong đột phá phòng không mà họ tạo lập được sau khi đưa vào trang bị máy bay F-117 vào cuối thập kỷ 1980 và sau đó củng cố ưu thế đó bằng các máy bay B-2 và F-22.

Hiện nay, USAF có vài trăm máy bay tàng hình và dự định mua hơn 1.700 tiêm kích tàng hình F-35 và 100 máy bay ném bom tàng hình mới. Ở ý nghĩa nào đó, chỉ tới lúc này, khi quân đội được trang bị ồ ạt kỹ thuật mới, công nghệ Stealth mới đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên đỉnh cao này lại trùng với sự xuất hiện của các phương tiện phát hiện mới khiến người ta nghi ngờ tính xác đáng của việc hy sinh những tính năng chiến đấu quan trọng để đổi lấy độ bộc lộ thấp (tàng hình).

Khác với Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ tiếp cận vấn đề đột phá phòng không theo một cách khác: Dựa vào tác chiến điện tử và tiêu diệt nhanh chóng các phương tiện phát hiện của kẻ địch bằng tên lửa có điều khiển. Chính vì vậy, Hải quân Mỹ ưa thích sử dụng các tiêm kích cũ trang bị nặng. Tuy nhiên, ngay cả Hải quân Mỹ cũng dự định mua sắm tiêm kích tàng hình F-35C, loại máy bay rút cục có thể không có hiệu quả như trù định.



F-35C, thiết kế lận đận của công nghệ quốc phòng Mỹ.


Dĩ nhiên, giới quân sự Mỹ đang cố gắng tìm cách loại trừ mối đe dọa xuất phát từ các thiết kế mới của Nga và Trung Quốc.

Trước hết, đó là khả năng trong tương lai của thiết bị điện tử hàng không của F-35 sẽ cho phép điều chỉnh ở thời gian thực quỹ đạo bay để đáp lại mối đe dọa bất ngờ. Cả F-117 và B-2 đều không có tính năng này.

Trên thực tế, F-35 phải phát hiện nhanh radar và bay vòng qua khu vực nguy hiểm hoặc ra tay sử dụng vũ khí tấn công phủ đầu. Thật khó nói, thủ đoạn này sẽ ứng phó ra sao với các hệ thống phát hiện thụ động, ngoài ra ưu điểm chính của công nghệ Stealth là “lọt qua” trường radar dày đặc của đối phương mà không bị phát hiện cũng mất đi.

Một biện pháp khác để “cứu vãn” F-35 là khả năng dùng radar của nó với anten quét điện tử (anten mạng pha) để chế áp phòng không đối phương: rải nhiễu và thậm chí phát tán phần mềm độc hại vào hệ thống điều khiển/chỉ huy.

Tuy nhiên, đó là trong tương lai, hơn nữa, không khả năng nào trong số đó giải thích được vậy thì chế tạo ra cấu trúc bộc lộ thấp mà vì nó người ta phải hy sinh nhiều tính năng quan trọng cho một máy bay quân sự như tải trọng chiến đấu và dự trữ nhiên liệu để làm gì.




Công nghệ tàng hình của Mỹ chỉ thích hợp với các máy bay như Х-47B.


Barry Watts lưu ý rằng, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu chương trình chế tạo tiêm kích tàng hình của họ, nhưng theo ông, sự suy giảm vai trò của máy bay tàng hình có người lái sẽ là tất yếu cùng với nhiều thay đổi to lớn khác trên chiến trường tương lai gần. Rõ ràng, ông muốn nói đến tiềm năng của các máy bay tiến công không người lái dạng như Х-47B hay Phantom Ray.

Chỉ có máy bay không người lái mới có khả năng hiện thực hóa tối đa tiềm năng của độ bộc lộ thấp dù dù chỉ vì kích thước của chúng và những yêu cầu không thật cao về các phẩm chất bay.

[BDV news]


>> 86% dân mạng Trung Quốc hiểu sai về Việt Nam




Trung Quốc cho rằng, căng thẳng trên biển Đông bắt nguồn từ Việt Nam, hàng ngàn cư dân mạng nước này đã đề xuất 2 phương án để đối phó với Việt Nam.


Dù căng thẳng trên biển Đông bắt nguồn từ những hành động xâm phạm chủ quyền và gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên đa phần người dân Trung Quốc lại hiểu sai bản chất vấn đề, họ cho rằng Việt Nam cùng với một số quốc gia khác trong ASEAN đang là những nước gây căng thẳng tình hình biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đã tổ chức một cuộc thăm dò trực tuyến đối với 13.000 người tham gia, trong đó có 86% hiểu sai về Việt Nam và không hiểu rõ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Cuộc khảo sát này còn đưa ra các kiến nghị liên quan đến tình hình biển Đông, theo đó, dân mạng Trung Quốc cho rằng, tùy thuộc vào tình hình, cần sẵn sàng chuẩn bị cho 2 phương án:

- Thương lượng với Việt Nam cho một giải pháp hòa bình trên biển Đông
- Đáp trả các “khiêu khích” bằng các hành động chính trị, kinh tế, thậm chí là cả quân sự cho các tranh chấp trên biển Đông.

Đa phần các ý kiến nghiêng về phương án hai, vấn đề còn lại và tùy thuộc vào thái độ của Việt Nam trên biển Đông.



Dân mạng Trung Quốc rất tự tin vào sức mạnh hải quân của nước này.


“Việt Nam đang có những hành động nguy hiểm trên biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi tên biển Đông), chiếm 29 đảo của Trung Quốc, đã đạt được một số lợi ích nhất định từ khí đốt và dầu mỏ tại biển Đông” là một trong hàng ngàn các ý kiến gởi về Thời Báo Hoàn Cầu.

Họ còn cho rằng, "các hành động của Việt Nam đã đẩy tới giới hạn “lợi ích và phẩm giá” của người Trung Quốc".

Thậm chí, dân mạng Trung Quốc coi hành động xâm phạm chủ quyền của các tàu, thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và phá hoại tàu thuyền Việt Nam là điều hoàn toàn đúng đắn, bất chấp thực tế, chính các tàu thuyền Trung Quốclà nhân tố gây hấn trên biển Đông chứ không phải là Việt Nam.

Nếu truyền thống của Trung Quốc là “gác lại các tranh chấp, cùng nhau phát triển” vậy hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và phá hoại các hoạt động hợp pháp của Việt Nam nên hiểu như thế nào? Hay đây chỉ là một truyền thống khác của người Trung Quốc: “truyền thống bắt nạt và gây hấn”.

Trung Quốc đã phát tín hiệu cứng rắn, theo đó, nước này sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trên biển Đông. Các ý kiến trên mạng tiếng Trung lớn tiếng: "Cần phải hiểu rằng, nếu Trung Quốc quyết định tấn công, sẽ lấy lại tất cả các hòn đảo mà Việt Nam chiếm đóng trước đây. Nếu Việt Nam muốn bắt đầu một cuộc chiến với Trung Quốc, Bắc Kinh đã có đủ sự tự tin để tiêu diệt các tàu chiến Việt Nam, bất chấp sự phản đối có thể có từ cộng đồng quốc tế".

Trên mạng Trung Quốc cũng cho đăng ý kiến của ông Zhuang Guotu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại ĐH Hạ Môn nói với Thời báo Hoàn Cầu: “ Mấu chốt của vấn đề đang nằm trong tay Việt Nam và Trung Quốc, Trung Quốc cần phải kiềm chế, duy trì quan hệ tốt với láng giềng là lợi ích của Trung Quốc, tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải chủ động giảm bớt các căng thẳng, tôn trọng Tuyên bố ứng xử trên biển Đông đã ký giữa các bên liên quan”.

Có thể ông Zhuang đã phát biểu điều này mà lờ đi tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Singapore, yêu cầu Bắc Kinh làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông. Hành động “mơ hồ” trong tuyên bố chủ quyền và lợi ích trên biển Đông khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN không thể không lo lắng.

Nhưng không, ông Zhuang cũng nhắc tới Singapore trong một phát ngôn cho rằng, tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Singapore đứng về phía Mỹ trong vấn đề tranh chấp biển Đông, lôi kéo lực lượng bên ngoài vào ASEAN, cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

[BDV news]


>> Philippines sẽ chi gần 1 tỷ USD hiện đại hóa quân sự




Chính phủ Phillipines sẽ chi 40 tỷ peso (tương đương hơn 914 triệu USD) để nâng cấp các trang thiết bị quân sự trong vòng 5 năm bắt đầu từ năm 2012.

Quyết định được đưa ra giữa lúc căng thẳng trên biển Đông đang dâng cao. Như vậy, kể từ năm sau, ngân sách quân sự bổ sung mỗi năm của đảo quốc này sẽ là 8 tỷ peso thay vì 5 tỷ như hiện nay.

Tướng Brig.Gen.Roy Deveraturde, người đứng đầu lực lượng vũ trang Phillipines (AFP) khi trả lời tờ Manila Standard Today cho biết: “Nâng cấp trang thiết bị không phải là sự chuẩn bị cho bất cứ xung đột nào, cũng không phải chạy đua cho một cuộc chiến tranh”.

Người đứng đầu hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexandra Pama cho biết việc phân bổ kinh phí vẫn đang được cân nhắc nhưng hải quân sẽ chiếm một phần lớn của chương trình này.

“Những thiết bị của chúng tôi đã quá cũ nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng chúng để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Pama nói thêm khi trả lời đài phát thanh dzPH.

Phillippines có 53 tàu chiến trong biên chế nhưng chỉ có 26 tàu hoạt động hiệu quả. Những con tàu này có tuổi thọ trung bình là 36,4 tuổi. Các tàu lớn hơn – như tàu khu trục Humabon đã 66 - 67 tuổi.Trong số 7 tàu vận tải của hải quân nước này, chỉ có 3 tàu 15 tuổi hiện đang sử dụng, tất cả những tàu không hoạt động được đều đã 64 tuổi.


Tuần duyên hạm Hamilton - Một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Philippines


Với nguồn kinh phí bổ sung, quân đội Philippines sẽ trang bị các thiết bị mới như trực thăng tuần tra bằng cảm biến, trực thăng tìm kiếm cứu nạn, máy bay vận tải, nâng cấp tàu biển và cải tạo tuần duyên hạm Hamilton... nhằm củng cố và nâng cao sức mạnh hải quân, bảo vệ lãnh thổ.

Tuy nhiên ít nhất 7 nhà lập pháp phản đối kế hoạch tăng ngân sách quân sự. Ông Teodoro Casino – đại biểu Đảng Bayan Muna cho rằng mức chi ngân sách như vậy là quá lớn.

"Tại sao chính phủ lại chi hàng tỷ cho tàu chiến, máy bay, trong khi chúng ta thậm chí không có đủ giáo viên, sách, ghế cho trường học? Năm 2011, chính phủ cũng đã phải thừa nhận thiếu khoảng 100.000 giáo viên, 150.000 lớp học, 13.500.000 ghế, và 95.500.000 sách giáo khoa".

Ông Casino đề xuất ý kiến chính phủ nên kiểm kê lại các nguồn quỹ, xem xét các cáo buộc tham nhũng thông qua các hợp đồng mua bán quân sự suốt hàng thập kỷ qua. "Xung đột với Trung Quốc và các bên liên quan về biển đảo có thể được giải quyết một cách hòa bình, " ông Casino nói.

Trước những nghi ngại trên, tướng Deveraturde khẳng định: “Ngân sách chương trình hiện đại hóa quân sự sẽ không bị lãng phí, tôi có thể hứa như vậy. Đây là một nguồn hỗ trợ lớn. Chúng tôi sẽ sử dụng thích hợp, hồ sơ mua bán luôn minh bạch và bất cứ ai nhìn vào đều có thể thấy rõ điều đó”.

[BDV news]


>> TNS John McCain: Mỹ phải giúp các nước ASEAN





“Mỹ phải giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á xây dựng hệ thống phòng thủ trên biển để đối phó với những hành động “hung hăng” của Trung Quốc tại biển Đông”

Nước Mỹ cũng nên viện trợ cho 10 quốc gia ASEAN “xây dựng hệ thống phòng thủ và phát triển các các hệ thống cơ bản như radar cảnh báo sớm và tàu an ninh ven biển”, ông McCain phát biểu tại Hội nghị An ninh Hàng hải trên biển Đông.

Hội nghị do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS tổ chức trong hai ngày 20 – 21/6 với sự tham gia của các học giả và giới chính khách đến từ nhiều quốc gia Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ...

Căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp biển Đông đã gia tăng liên tục trong tháng qua. Việt Nam và Philippines đã lên tiếng tố cáo các tàu Trung Quốc quấy phá tàu thăm dò dầu khí của các quốc gia này.

Ông McCain, Thượng Nghị sĩ người tiểu bang Arizona, thành viên Đảng Cộng hòa, đồng thời thành viên của Ủy ban Quân sự Thượng viện thẳng thừng nói: “Những hành vi và những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc đang làm cho căng thẳng trên biển Đông ngày càng trầm trọng”.


Thượng nghị sĩ John McCain: “Mỹ phải giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á xây dựng hệ thống phòng thủ trên biển để đối phó với những hành động “hung hăng” của Trung Quốc tại biển Đông”.


“Những biến động đang diễn ra tại khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có vai trò quyết định đến sự phát triển của thế kỷ này”, ông McCain nhấn mạnh.

Do vậy, ông kêu gọi Tổng thống Barack Obama xác lập vị trí của nước Mỹ tại khu vực tranh chấp và có những hành động hỗ trợ cho các nước trong khu vực.

Hôm 13/6, ông Jim Webb, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Virginia, hiện là Chủ tịch Tiểu ban Thượng viện về chính sách của Mỹ với Đông Á và ông James Inhofe, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Oklahoma cũng đã lên án những hành vi “sử dụng vũ lực” của các tàu Trung Quốc.

[BDV news]


>> Phạm Xuân Ẩn và huyền thoại nghề báo khiến Mỹ 'chết sặc'





Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên huyền thoại, ông - không ai khác - chính là Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.

Khi ông Phạm Xuân Ẩn mất, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Hương (tức ông Mười Hương) vinh danh ông là niềm tự hào của ngành tình báo Việt Nam; còn thế giới thì đánh giá ông là 1 trong những điệp viên cừ khôi nhất của thế kỷ XX.

Nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn

Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa và mất ngày 20/9/2006 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.

Phạm Xuân Ẩn gia nhập cách mạng từ những ngày đầu cuộc chiến năm 1945 và hoạt động với vai trò tình báo chiến lược. Năm 1957, ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam và sống ở California trong hai năm. Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An, như mọi cuốn kỷ yếu của các trường học. Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952.



Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên nhị trùng huyền thoại, ông – không ai khác – chính là Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.


Trở về nước, ông bắt đầu sự nghiệp trong thập niên 1960 cho hãng tin Reuters, rồi đến Herald Tribune của New York và The Christian Science Monitor. Cuối cùng, trở thành người Việt chính thức duy nhất của tạp chí Time suốt 11 năm, chứ không phải cộng tác viên địa phương.

Những người cùng thời nhận xét, nhà báo Phạm Xuân Ẩn được giới báo chí miền Nam Việt Nam trong những thập niên 60-70 cực kỳ kính nể với nguồn tin bài phong phú và cách đánh giá nhìn nhận nhiều chiều. Theo Laura Palmer, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông.

Trong suốt thời gian hoạt động tại Sài Gòn đến những năm giải phóng 1975, Phạm Xuân Ẩn bằng những mối quan hệ rộng lớn của một nhà báo, cùng khả năng khai thác và phân tích thông tin của mình, đã bí mật gửi cho Trung ương những tin tức tình báo quý giá, góp phần làm nên những thắng chiến thắng lịch sử của dân tộc ta như: trận Ấp Bắc 1963, trận Khe Sanh 1968, trận Đường 9 Nam Lào 1971 …; đồng thời, đập tan Kế hoạch chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Báo chí Mỹ từng viết: "Bây giờ chúng ta mới biết được đó chỉ là phân nửa công việc của Ẩn với tư cách một phóng viên. Và chưa phải là phân nửa đáng nói. Ẩn còn gửi đều đều những tài liệu quân sự mật và thông tin viết bằng mực vô hình cho Bắc Việt, bây giờ được khóa kín trong văn khố của tình báo Việt Nam. Dùng chiếc máy đánh chữ hiệu Hermes mà cơ quan tình báo Bắc Việt mua cho, Ấn đánh tài liệu, có lúc dài đến hàng trăm trang vào lúc nửa đêm. Sau đó, ông chụp phim, cuộn tròn, gửi đến Củ Chi, nơi đặt tổng hành dinh trong lòng đất của Việt Cộng. Từ năm 1952, cứ cách vài tuần Ẩn lại rời văn phòng Sài Gòn, lái xe khoảng 20 dặm đi về hướng bắc để đến Hố Bò, rồi lẩn vào những đường hầm để nghiên cứu về chiến thuật cho phe Cộng sản. Từ Củ chi, tài liệu của Ẩn được quân hộ tống đưa đến núi Bà Đen ở biên giới Campuchia, rồi tới Nam Vang, từ đây được đưa bằng máy bay đến Guangzhou (Quảng Đông) ở phía Nam Trung Hoa và rồi được chuyển nhanh về cho bộ chính trị ở Bắc Việt Nam..."



Đánh giá về những tin tức tình báo của Phạm Xuân Ẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”.


Đánh giá về những tin tức tình báo của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”. Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ những tin tức đánh giá sắc sảo của Phạm Xuân Ẩn, mà “giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”. Tổng bí thư Lê Duẩn sau khi nhận được báo cáo của ông đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”.

Quá hiểu địch!

Những đánh giá phân tích sắc gọn và tinh tế của Phạm Xuân Ẩn là kết quả của nhiều năm miệt mài học tập tại nước Mỹ, tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt nhất những gì ông nắm bắt được về đất nước con người Mỹ; kết hợp với những năm tháng chiến đấu trong lòng Sài Gòn, giữa một bên là chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam và một bên là đế quốc thực dân kiểu mới. Ông có một lợi thế không ai sánh bằng!

Trong vai trò là nhà tình báo chiến lược, những báo cáo kế hoạch của ông sinh động và chính xác đến không ngờ. Chính ông trong giai đoạn 1963 – sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị đảo chính – đã khẳng định Mỹ chưa chịu ngừng tay ở Việt Nam, cho dù nhiều cấp trên của ông đã nghĩ khác. Phải đến tận năm 1965, Mỹ mới chính thức công bố tiếp tục tăng viện cho miền Nam Việt Nam. Sở dĩ Phạm Xuân Ẩn tự tin như vậy vì ông hiểu người Mỹ hơn ai hết.

Tuyệt vời hơn, khi bước sang giai đoạn 1972-1975, khi miền Bắc Việt Nam còn chút do dự sau những tổn thất nặng nề của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, Phạm Xuân Ẩn tin chắc thời cơ lật đổ chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã điểm. Ông phân tích dựa trên những dữ kiện mình có trong tay về nước Mỹ: chiến dịch Linebacker ném bom phá hoại miền Bắc không làm nhụt ý chí chiến thắng của dân tộc, Nixon sau đó mất chức, Henry Kissinger thua trên bàn đàm phán Paris trong cuộc đấu trí với Lê Đức Thọ, phong trào phản chiến đang lan rộng trên thế giới; đây là lúc để kết thúc cuộc chiến. Đúng như ông đã báo cáo, tháng 4 năm 1975, cuộc tổng tiến công giải phóng Sài gòn đã đập tan hơn 1 triệu lính miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã giành toàn thắng.

Người Mỹ nói về Phạm Xuân Ẩn

Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông. Đến hôm nay họ quay lại đất nước này vẫn tìm ông để mong có câu giải đáp vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam. Vì sao một trí thức giỏi và sống có nhân cách theo “kiểu Mỹ” như ông Ẩn lại có thể là người đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy? Có những người Mỹ là bạn cũ trong giới báo chí của ông, nay đã mất nhưng dặn lại con cái họ sang Việt Nam hãy tìm đến ông Ẩn. Họ nói sẽ học được nhiều ở con người đó...



Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông?


David Halberstam, bạn của Ẩn khi còn là phóng viên của Time tại Việt Nam nói: "Câu chuyện của Ẩn làm tôi sực nhớ ngay đến Graham Greene. Nó đề cập đến tất cả những câu hỏi căn bản: trung thành là gì? yêu nước là gì? sự thật là gì? anh là ai khi anh nói ra những sự thật đó? và có một sự mâu thuẫn trong con người Ẩn mà chúng ta hầu như khó tưởng tượng được. Nhìn lại, tôi thấy ông là người bị chẻ làm đôi”.
Trong một quyển sách viết về Việt Nam xuất bản năm 1965, tự đề “Sự hình thành một vũng lầy”, Halberstam mô tả Ẩn như một cây đinh chốt “nhỏ nhưng rất quan trong trong một mạng lưới tình báo của các nhà văn và nhà báo. Anh ta có những đầu mối tiếp cận giới quân sự tốt nhất trong xứ này”. Bây giờ khi Halberstam biết rõ câu chuyện của Ẩn, anh ta có tức giận không? Không! Anh phản ánh đúng quan điểm của của hầu hết mọi đồng nghiệp của Ẩn: “Đây là một câu chuyện phức tạp. Nhưng tôi vẫn yêu Ẩn! Tôi không cảm thấy bị phản bội. Anh ta phải cư xử như một người Việt Nam trong giai đọan bi thương của lịch sử đất nước mình. Không thể nào làm khác hơn được".

[BDV news]


Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

>> Philippines sắp mua tàu ngầm





Hải quân Philippines dự định trong 9 năm tới mua 1 tàu ngầm để bảo đảm an ninh quốc gia, Jane's Navy International cho hay.

Quyết định này phù hợp xu hướng xây dựng quân đội trong khu vực - trong 2 năm gần đây, các nước láng giềng của Philippines như Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đều đã bắt tay vào xây dựng và củng cố hạm đội tàu ngầm.

Đại diện hải quân Phillipines tiết lộ với Jane's, hiện nay họ đang tiến hành các nghiên cứu nhằm xác định các yêu cầu của nước này đối với tàu ngầm và đánh giá luận cứ cho các kế hoạch này. Trên cơ sở các nghiên cứu này, hải quân Phillipines dự kiến sẽ chuẩn bị đề xuất với Bộ Quốc phòng trong năm tới.

Đại diện hải quân Phillipines cho biết, hiện còn quá sớm để nói đó sẽ là một tàu ngầm mới hay là tàu ngầm đã qua sử dụng. Những khó khăn kinh tế của Philippines nhiều khi đã thúc đẩy họ mua các loại vũ khí trang bị đã qua sử dụng. Chẳng hạn, chiếc tàu cũ của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ USCGC Hamilton sẽ được chuyển giao trong năm nay để làm kỳ hạm mới của hải quân Phillipines.

Hải quân Phillipines cần có 1 tàu ngầm để mở rộng khả năng tuần tra các vùng biển mà dự đoán là có trữ lượng dầu khí lớn. Các vùng biển này lại có sự tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực và tất cả các nước này đều hoặc là mới mua sắm hoặc chuẩn bị mua sắm tàu ngầm.

Việc mua sắm tàu ngầm là bộ phận của “Kế hoạch hải quân năm 2020” (Sail Plan 2020) xác định chiến lược cân bằng có tính tới những khó khăn tài chính của đất nước của hải quân Philippines. Theo các tài liệu của hải quân Philippines, kế hoạch xác định các nhu cầu của họ về khả năng phản ứng nhanh hơn với các mối đe dọa, xây dựng “các mục tiêu hải quân tin cậy” và xây dựng “các khả năng hải quân hiện đại” vào cuối thập kỷ.

Việc chuyển giao Hamilton cũng là một phần của kế hoạch hiện đại hóa cũng như việc mua sắm các tàu đốc đổ bộ vốn đang ở giai đoạn đàm phán giữa hải quân Philippines và hãng đóng tàu Indonesia PT Pal. Trong số các nhu cầu của hải quân Philippines có bao gồm 1 máy bay tuần tra của không quân bờ biển, 2 tàu tuần tra ven bờ và ít nhất 2 trực thăng đa dụng.

Kinh phí cho các vụ mua sắm này được dự trù trong “Chương trình nâng cao khả năng của Philippines” (Philippines' Capability Upgrade Program). Chương trình gồm 3 giai đoạn, trùng với các nhiệm kỳ tổng thống: 2005-2010, 2011-2016 và 2017-2022. Giai đoạn 2 hiện nay trù tính chi 1 tỷ USD cho mua sắm quốc phòng.

Các đại diện Bộ Quốc phòng Philippines cũng cho biết, quy mô kinh phí có thể tăng lên nhờ lấy từ các khoản chi phi quân sự.

Chi phí quân sự của các nước Đông Nam Á khác trong những năm gần đây bị hạn chế (ngoại trừ Singapore), mặc dù điều đó cũng không ảnh hưởng đến các kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm của khu vực. Malaysia đã mua 2 tàu ngầm Scorpene và đưa vào trang bị năm 2009; tháng 6.2009, Singapore đã nối lại việc mua sắm 1 trong 2 tàu ngầm lớp Västergötland (A 17); Việt Nam năm 2009 đã ký với Nga hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Projekt 877EKM (?); Indonesia, nước đang sở hữu 2 tàu ngầm lớp Type 209 đã công bố ý định mua thêm 2 tàu ngầm của Hàn Quốc hoặc Nga.

Kế hoạch của hải quân Thái Lan mua đến 6 tàu ngầm diesel cũ lớp Type 206A của Hải quân Đức đã được Bộ Quốc phòng này thông qua năm 2011. Tuy nhiên, họ không kịp nhận kinh phí cho chương trình này trước khi giải tán quốc hội và bầu cử ấn định vào ngày 3.7. Hiện nay, dự kiến hải quân Thái Lan sẽ chuẩn bị kế hoạch mua sắm quốc phòng mới để đệ trình chính phủ mới trong năm nay hoặc đầu năm sau.

[Vietnamdefence news]


>> Ba phép thử cho xung đột Biển Đông





Nói như nhiều nhà quan sát, đằng sau vụ tàu Bình Minh và mới đây là tàu Viking bị cắt cáp là mũi tên của Bắc Kinh nhắm vào nhiều đích.

Một, xác quyết chủ quyền với đường lưỡi bò. Hai, xem thái độ của các nước cùng tranh chấp xung quanh. Và ba, răn đe các nước khác có tranh chấp như Nhật qua đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nhưng không chỉ từ phía Trung Quốc, đối với các nước cùng chia sẻ lợi ích tại Biển Đông, sự kiện này cũng đặt lên bàn cờ những phép thử khác. Với Mỹ là định lại bức tranh chiến lược còn nhiều góc khuất. Với ASEAN là đi tìm một đồng thuận chung. Còn với Việt Nam là cuộc sát hạch về chiến lược, lựa chọn hiện tại để hình dung tương lai.

Siêu cường giữa những ngả rẽ

Là một cường quốc Thái Bình Dương, và tiếp tục muốn đảm bảo vị trí này, trước những động thái leo thang gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do lưu thông hàng hải, nước Mỹ đứng trước những lựa chọn: (1) ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng (inshore balancer) và (3) giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài (offshore balancer) bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng. Thực tế cho thấy chính sách Washington qua nhiều đời tổng thống là một chiến lược hỗn hợp. Điểm khác biệt nằm ở liều lượng chính sách và mức độ ưu tiên trong những cung thời điểm.

Kể từ khi George W. Bush nắm quyền, Mỹ ưu tiên cho các giải pháp đơn phương nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Song song với đó là tăng cường khả năng quân sự với mục tiêu chống khủng bố. Tuy nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi phong cách lãnh đạo đa phương hơn là đơn phương, hợp tác, thương lượng hơn là gây sức ép, chính phủ của tổng thống Obama cho đến nay vẫn cảm thấy khó khăn khi chấp nhận tham gia vào một cơ chế giải quyết đa phương trong bài toán Biển Đông. Một mặt, quá trình này sẽ ràng buộc khung hành động chính sách, một mặt sẽ không có ý nghĩa nếu không thuyết phục được Trung Quốc từ bỏ quan điểm song phương hiện nay cùng tham gia.



Tàu Viking II do PetroVietnam thuê bị tàu Trung Quốc tấn công


Nếu một cơ chế đa phương mang tính pháp lý chưa được hình thành, việc giảm bớt hiện diện quân sự như chủ thuyết "cân bằng lực lượng bên ngoài" đề xướng sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Khoảng trống quyền lực không những nằm ở chỗ hiện nay ở Đông Á vẫn chưa có cường quốc khu vực nào đủ sức về mặt quân sự đối trọng với Bắc Kinh - dẫu cho đó là tiếng nói từ Tokyo, Seoul hay tất cả các nước ASEAN, mà còn nằm ở việc phân tầng lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc khiến cho một liên minh thống nhất cùng thời điểm khó khả thi. Điểm mạnh của việc cân bằng bên ngoài đảm bảo thu hẹp ngân sách về quốc phòng, thúc đẩy phát triển thế hệ vũ khí hiện đại, tạo sức mạnh từ xa, nhưng cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt mức độ tham gia cũng như ảnh hưởng trực tiếp của nước Mỹ vào các hồ sơ nóng, điều mà về lợi ích của Mỹ thỏa mãn trong ngắn hạn, cân nhắc trong dài hạn.

Trong tư thế bá cường, sức mạnh sẽ trở thành bạo lực nếu không tồn tại sự chính đáng. Bài toán làm giới lãnh đạo Mỹ đau đầu nhiều năm nay là sự hiện diện "như vị khách không mời". Nay sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc đã giúp đáp số rõ ràng hơn. Lựa chọn giữ vai trò "người cân bằng tại chỗ" dường như đang cùng chiều với lợi ích với nhiều nước trong vùng. Kết quả Đối thoại Shangri- La năm ngoái và năm nay đều cho thấy mức độ chấp nhận sự hiện diện của chính phủ Washington như một người cầm nhịp.

ASEAN và chính sách ba "không"

Một sự đồng thuận của ASEAN trong thời điểm này cần phải vượt qua những lực cản nào? Có ít nhất ba "không" làm tâm điểm. Thứ nhất, đồng thuận ASEAN không phải là liên minh chống Trung Quốc. Do mức độ phân tảng về gắn kết địa lý, văn hóa, chủng tộc và đặc biệt là thương mại kinh tế, một con đường chung mang tên ASEAN liên quan đến Trung Quốc không dễ thực hiện.

Chưa kể những quốc gia không liên quan lợi ích trực tiếp đến khu vực Biển Đông (hiện nay Myanmar đã công khai theo lập trường của Bắc Kinh), giữa những quốc gia cùng hội cùng thuyền, việc bẻ bánh lái theo hướng nào vẫn là câu chuyện hạ hồi phân giải. Không lâu để có thể quên câu chuyện chính phủ Philippines chọn cho mình lối đi riêng năm 2004, ký một thỏa thuận với Trung Quốc về khảo sát địa chấn chung ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Góc nhìn đó, liên minh ASEAN về hồ sơ Biển Đông cần hình thành trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối thiểu cho tất cả các thành viên thông qua tiêu chí loại trừ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp trên toàn bộ Biển Đông.



Tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phá hoại cáp của tàu địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam


Thứ hai, đồng thuận ASEAN không nên quy định những vấn đề tranh chấp trực tiếp giữa các nước thành viên. Tiếp cận riêng rẽ về góc nhìn, dẫn đến riêng lẻ về phương thức hành động, nhất là khi trên con thuyền cùng ra khơi vẫn không phải chỉ là những thuyền viên đồng nhất hoàn toàn về lợi ích. Đừng quên rằng, giữa các nước ASEAN với nhau vẫn tồn tại mâu thuẫn trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền.

Trong khi những thí dụ gần đây cho thấy, một hợp tác giữa các nước ASEAN thành lập một tiếng nói chung là hoàn toàn có thể qua thỏa thuận trong hồ sơ đăng ký thềm lục địa vào tháng 5/2009 giữa Việt Nam và Malaysia, thì quyết định của Philippines phản đối cả hồ sơ của Việt Nam lẫn hồ sơ chung Việt Nam - Malaysia lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) lại chỉ ra màu xám còn lại của bức tranh. Một vấn đề trở nên cốt lõi của ASEAN và cơ chế hoạt động của tổ chức này là sự lệch pha giữa chủ quyền quốc gia và tính "ASEAN hóa" trong quá trình hình thành các quyết định dẫn đến một lệch pha khác trong việc thống nhất lập trường chung trên các hồ sơ quan trọng.

Thứ ba, nếu "không" có bước đi cụ thể hóa, "con đường ASEAN" mãi chỉ là lời nói nằm trên giấy. Sau những động thái gần đây đánh động dư luận về việc leo thang từ phía Trung Quốc, một cái nhìn trung hạn cần tính tới. Ba đích ngắm nhắm tới hội nghị cấp cao Đông Á (East Asian Community - EAC) sắp tới do Indonesia chủ trì vào tháng 9. Một, là ủng hộ đề nghị đưa các vấn đề an ninh địa chính trị vào khung làm việc. Dẫu gọi tên là cộng đồng kinh tế hay cộng đồng chung, thì một môi trường không xung đột đóng vai trò tiên yếu.

Hai, cần đẩy nhanh tiến độ mở rộng thêm tổ chức, cụ thể là bỏ phiếu đồng thuận Hoa Kỳ và Nga từ tư cách quan sát viên trở thành thành viên chính thức. Sự gắn kết thành viên mới không chỉ mang ý nghĩa của chính trị thực ở quan điểm cân bằng lực lượng, mà còn tạo cơ hội để xác tính lại chuẩn tắc, mục đích và viễn kiến của tổ chức đang hướng tới. Một cộng đồng hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung cho toàn châu lục tham vọng trình làng với thế giới vào 2015 phải thể hiện ý muốn và có khả năng thiết lập được cơ chế dung hòa và giải quyết mâu thuẫn giữa các nước thành viên. Và đó cũng là mục tiêu thứ ba khi chuyển hóa chuẩn tắc thành khung pháp lý mang tính ràng buộc với việc khởi động vòng đàm phán để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trong thời gian ngắn nhất.

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Giữa ba phép thử trên, Việt Nam trong một tư thế đặc biệt, vừa ảnh hưởng lợi ích trực tiếp, vừa có thể đóng vai trò thúc đẩy hay hạn chế ở mức độ tương đối những chuyển động trên bàn cờ. Trực tiếp qua thái độ phản đối dứt khoát với mọi phép thử của Trung Quốc, gián tiếp qua việc xây dựng các biện pháp cân bằng và đối trọng an ninh thông qua Hoa Kỳ và cộng đồng chung ASEAN. Sự hiện diện của Mỹ về mặt quân sự đối với các nước trong khu vực giữ cho sợi dây cân bằng, nhưng kinh nghiệm "chơi" với Mỹ cũng cho thấy, một hợp tác dựa vào tiêu chí lợi ích sẽ mang tính ngắn hạn và có khả năng bị thay đổi rất nhanh vì chuyển biến lợi ích từ chính trị đối nội bên trong.




Kíp lái tàu HQ 641 thuộc Hải đội 413 (vùng D Hải quân) trong chuyến ra các hải đảo.
Ảnh TTXVN


Một hợp tác mà nền tảng bền vững vừa dựa trên lợi ích nhưng cũng vừa phải vượt trên các yếu tố lợi ích. Cho đến nay, một "định chế cứng" ở dạng liên minh quân sự, theo đó, các nước ràng buộc với nhau bằng một cam kết bảo vệ an ninh lẫn nhau (và có thể chống lại một đe dọa đến từ phe thứ ba) vẫn chưa phải là lựa chọn của Việt Nam.

Một "định chế mềm", tuy vậy, vẫn có thể khả thi qua hình thức đối thoại chiến lược về an ninh - quốc phòng hay các mô thức hợp tác hải quân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian gần đây. Câu hỏi đặt ra sẽ nằm ở việc thúc đẩy mô hình liên minh này tới đâu thông qua xúc tiến các định chế hóa. Song phương trong mối quan hệ đối tác chiến lược, đa phương trong việc thiết lập khung cơ chế an ninh tập thể, sao cho lợi ích của hai bên thuận chiều. Định chế hóa một lập trường chung về hồ sơ Biển Đông giữa các nước ASEAN cũng là bước đi ngoại giao quan trọng mà Việt Nam cần ủng hộ.

Hiện nay, đoàn kết nội khối đang cần một lực đẩy mà động thái càng ngày càng leo thang gần đây từ Trung Quốc có thể là chất xúc tác. Ra khơi trên cùng một chiếc thuyền, xây dựng lòng tin giữa những thuyền viên với nhau phải nghĩ về đại cuộc trong một khung cảnh rộng lớn hơn. Nhiều đề nghị đã nhấn mạnh một COC trước hết giữa các nước ASEAN với nhau làm nền tảng mở đường. Một mặt thể hiện quyết tâm chính trị về một cộng đồng ASEAN thống nhất, một mặt là bước đầu tiên đánh giá mô hình giải quyết xung đột vùng với ASEAN như một lực đẩy trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. Vừa là người bị đặt trước phép thử, cũng là người phải giải quyết nó, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Một chiến lược tổng thể cho Biển Đông hơn bao giờ hết cần lập tức đặt lên bàn nghị sự...

[Vitinfo news]


>> Philippines lên kế hoạch nâng cấp quân đội




Chính quyền Tổng thống Aquino sẵn sàng thực hiện dự án hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng trị giá 40 tỷ peso cho lực lượng vũ trang Philippines (AFP) trong vòng 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2012, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thổ của nước này tại biển Đông.





Bộ trưởng Ngân sách Florencio Abad tiết lộ, bắt đầu từ năm sau, chính phủ sẽ phân bổ 8 tỷ peso cho chương trình hiện đại hóa AFP kéo dài 5 năm nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Theo ông Abad, kế hoạch này sẽ giúp Philippines bảo vệ lãnh thổ, bao gồm cả những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đồng thời ngăn chặn sự bắt nạt từ các quốc gia khác trong biển Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Calamba, Laguna, tham mưu trưởng AFP Eduardo Oban Jr. cho biết khoản ngân sách dùng cho việc hiện đại hóa mới sẽ giúp quân đội cải thiện khả năng.

“Chúng tôi sẽ phải mua thêm trang thiết bị. Chắc chắn 40 tỷ peso đã sẵn sàng sử dụng cho những yêu cầu ngay lập tức. Chúng tôi sẽ lên danh sách những trang thiết bị ưu tiên cần mua… Đó là khả năng cơ bản mà AFP thực sự cần phải cải thiện”, ông nói với cánh phóng viên.

Trong số 330 tỷ peso được ấn định cho chương trình hiện đại hóa AFP kéo dài 15 năm (1995-2010), chỉ có khoảng 33 tỷ peso (10% tổng số tiền) thực sự được phân bổ đến lực lượng AFP.

“Đó thực sự là một ngân sách lớn. Và chúng tôi đang xem xét những khả năng cơ bản mà AFP cần phải phát triển. Trong một số trường hợp, chúng tôi phải tổ chức lại và chuyển sự tập trung nhất định từ việc bảo vệ lãnh thổ sang bảo vệ những vấn đề nội bộ trong nước”, ông Oban nói.

Người đứng đầu AFP còn nhấn mạnh, Tổng thống Aquino nhận thức rất rõ về thiếu khuyết của AFP và vui mừng vì 8 tỷ peso đã sẵn sàng cho chương trình hiện đại hóa này.

[Vitinfo news]


>> Khai mạc triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget tại Pháp





Tại sân bay Le Bourget, cạnh thủ đô Paris của nước Pháp, một triển lãm hàng không truyền thống được cho là sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực hàng không quốc tế đã khai mạc hôm nay (20/6) vào lúc 9:30 giờ địa phương.




Theo thông báo trên website chính thức của triển lãm, lần đầu tiên trong lịch sử, triển lãm Le Bourget đã thu hút hơn 2100 công ty tham gia.

Triển lãm Le Bourget diễn ra 2 năm một lần và đây là lần diễn ra thứ 49. Cũng như những năm trước, trong 3 ngày đầu tiên, triển lãm sẽ chỉ mở cửa dành để dành cho các doanh nhân thăm quan triển lãm, còn khách thông thường yêu thích trang thiết bị hàng không có thể đến tham dự triển làm từ ngày 24-26/6.

Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm, dự kiến sẽ có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Ngoài ra, theo truyền thống, ở triển lãm Le Bourget sẽ diễn ra chương trình bay. Năm nay, ngoài những máy bay như các năm còn có cả Sukhoi Superjet 100 và thủy phi cơ Be-200 của Nga.

Theo tờ Vedomosti của Nga, ngành công nghiệp hàng không quân sự của Nga sẽ giới thiệu sản phẩm ở một trong những gian trưng bày lớn nhất của triển lãm. Theo RIA, Nga sẽ cử 59 công ty và cơ quan nghiên cứu sản xuất đưa sản phẩm đến Pháp tham gia một triển lãm hàng không quốc tế trong đó có 27 công ty quốc phòng. Dự kiến, các công ty Nga sẽ đưa đến những sản phẩm máy bay quân sự và một số phụ kiện có liên quan.

Theo ban tổ chức triển lãm, dự kiến có khoảng 205 phái đoàn đến từ 88 quốc gia khác nhau trên thế giới sẽ đến và tham dự triển lãm công nghệ hàng không đặc biệt này.

Theo Vedomosti, triển lãm sẽ hứa hẹn ký kết hợp đồng cung cấp 10 máy bay SuperJet. Khách hàng nào mua hiện chưa được thông báo. Ngoài ra, Pháp có thể ký hợp đồng mua 4 chiếc thủy phi cơ Be-200 – hợp đồng này được ký nhằm đáp lễ việc Nga đã ký hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng với Pháp hôm 17/6 tại Saint Peterburg trước sụ chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Tại triển làm năm 2009, các công ty của Nga đã ký các hợp đồng trị giá 3 tỷ USD.

[Vitinfo news]


>> Nhật ký tàu Trung Quốc qua biển Đông





Báo chí Trung Quốc vừa công bố loạt ảnh ghi lại quá trình rời cảng Cao Lan, Quảng Đông tới Singapore của Hải tuần 31 - tàu tuần tra hàng hải lớn nhất nước này.

Hải tuần 31 được trang bị trực thăng với hệ thống chỉ huy hiện đại, có thể hoạt động liên tục ở ngoài khơi 40 ngày. Điểm khác biệt duy nhất với các tàu chiến là Hải tuần 31 không trang bị vũ khí hạng nặng.

Theo Tân Hoa xã, đây là tàu tuần tra biển có tải trọng 3.000 tấn, dài 112 m, rộng 13,8 m, có tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ, hải trình cơ động liên tục 6.000 hải lý. Đặc biệt, Hải tuần 31 có thể hoạt động bình thường trong điều kiện bão cấp 11.


Hải tuần 31 được biết đến là tàu tuần tra lớn nhất Trung Quốc được trang bị trực thăng với hệ thống chỉ huy hiện đại.


Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: "Hôm 15/6, Hải tuần 31 chính thức khởi hành từ cảng Cao Lan, Quảng Đông tới Singapore".

Ông này cũng nêu rõ mục đích của chuyến đi này của tàu Hải tuần 31 là giám sát các tuyến hàng hải, thanh tra các vùng đang thăm dò dầu khí và bảo vệ an ninh hàng hải.

Tân Hoa xã cho biết, Hải Tuần 31 dự kiến tới Singapore vào ngày 23/6 sau chặng đường dài 2.600km và sẽ lưu lại quốc đảo này 6 ngày trước khi quay trở lại Trung Quốc.

Đây là loạt ảnh ghi lại quá trình khởi hành của Hải tuần 31 từ cảng Cao Lan, Quảng Đông tiến vào lãnh hải Singapore:




Thành viên tàu trong lễ khởi hành tại cảng Cao Lan, Châu Hải, Quảng Đông ngày 15/6.



Thành viên đoàn sẵn sàng trên boong tàu, chuẩn bị rời cảng Cao Lan, Quảng Đông ngày 15/6.




...hoàn tất mọi công tác kiểm tra trước khi rời cảng Cao Lan ngày 15/6...



...chính thức khởi hành...



Hải Tuần 31 dự kiến tới Singapore vào ngày 23/6 sau chặng đường dài 2.600km.



Hải tuần 31 trang bị trực thăng.



Cận cảnh trực thăng trên Hải tuần 31.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang