Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

>> Đài Loan - khách hàng đầu tiên mua trực thăng Apache phiên bản mới nhất



Defense News dẫn lời đại diện Lực lượng Lục quân Mỹ cho biết, Đài Loan sẽ nhận 30 trực thăng phiên bản mới nhất AH-64D Block-3 Apache Longbow trong khuôn khổ hợp đồng ký kết với chính quyền Mỹ.



Trực thăng AH-64D Apache của Mỹ. (Ảnh: Wikipedia)


Theo đánh giá của Flight International, hợp đồng tỏ rõ việc duy trì chính sách ủng hộ quân sự Đài Loan của Mỹ bất chấp sự phản đối gay gắt của Bắc Kinh.

Theo tuyên bố của giám đốc dự án AH-64, đại tá Shane Openshaw, việc sản xuất trực thăng đầu tiên dành cho Lực lượng Vũ trang Đài Loan sẽ được bắt đầu vào tháng 10 trong khuôn khổ giai đoạn sản xuất quy mô nhỏ trực thăng AH-64D Block 3 Apache dành cho Lục quân Mỹ. Dự kiến, việc cung cấp tất cả trực thăng Mỹ cho Đài Loan sẽ kết thúc trong năm 2012-2013.

Chương trình mua trực thăng AH-64D Apache Block-3 được biết đến ở Đài Loan với tên gọi Sky Eagle.

Tháng 10/2008, Cơ quan hợp tác quốc phòng và an ninh (DSCA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo lên Quốc hội Mỹ kế hoạch bán 30 trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow cho Đài Loan trong chương trình “Mua bán quân sự nước ngoài” trị giá 2,532 tỷ USD kèm theo vũ khí và thiết bị. Trực thăng AH-64D cần được trang bị tên lửa chống tăng AGM-114L Hellfire Longbow và tên lửa “không đối không” Stinger Block 1.

Đài Loan đã trở thành khách hàng nước ngoài chính thức đầu tiên mua trực thăng Apache phiên bản mới nhất. Tháng 10/2010, DSCA cũng thông báo lên Quốc hội việc khả năng bán cho Ả Rập Xê út 36 trực thăng AH-64D Block-3.

Trực thăng AH-64D Block-3 là phiên bản mới nhất của dòng trực thăng Apache.

Thỏa thuận máy bay trực thăng này “chắc chắn giúp tăng cường khả năng tác chiến hải quân, chống đổ bộ và tác chiến mặt đất” vào cả ban ngày lẫn ban đêm cũng như duy trì cân bằng quân sự trong khu vực.

Công ty Boeing dự định cung cấp trực thăng đầu tiên AH-64D Block-3 cho Lục quân Mỹ vào tháng 10/2011. Hiện nay, công ty đang hoàn thành việc lắp ráp 3 trực thăng đầu tiên. Đến năm 2026, Lực lượng Lục quân Mỹ có kế hoạch đưa 699 trực thăng phiên bản mới nhất vào sử dụng. Trong số này có 643 chiếc sẽ có được nhờ vào việc nâng cấp những trực thăng đang vận hành và 56 chiếc sẽ được chế tạo mới.



>> Trung Quốc cảnh báo bên ngoài tránh xa tranh chấp Biển Đông



Hãng Reuters vừa dẫn tin từ Nhật báo quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc kịch liệt phản đối sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.



http://nghiadx.blogspot.com


Bình luận đăng ở nhật báo trên nhắc lại cảnh báo của Bắc Kinh rằng, những nước khác “không liên quan” nên đứng ngoài. "Tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình thông qua hiệp thương hữu nghị giữa hai bên liên quan”, tờ báo nhấn mạnh. "Vì thế, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào không liên quan tới vấn đề Biển Đông can thiệp vào tranh chấp, và phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ lên cao vào năm ngoái sau khi chính quyền Obama ra tuyên bố chính thức về quan điểm của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định, Mỹ có lợi ích quốc gia trong giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông và ủng hộ một giải pháp tập thể.

Bắc Kinh vẫn khăng khăng theo đuổi con đường song phương để giải quyết tranh chấp. Một chiến lược mà nhiều nhà phê bình mô tả là cách “chia để trị”.

Theo hãng Reuters, bình luận trên báo Trung Quốc dường như nhằm vào bất kỳ sự dính líu nào của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông.

Hôm qua (13/6), các Thượng nghị sĩ Jim Webb và James Inhofe đã đệ trình lên Thượng viện Mỹ nghị quyết lên án các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông . Nghị quyết ủng hộ việc tiếp tục các hoạt động của lực lượng Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và thúc giục Mỹ tạo điều kiện cho một tiến trình đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Hãng AP hôm nay dẫn lời ông Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện, nói trong một hội nghị ở Washington rằng, Mỹ cần lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông khẳng định: “Điều này không có nghĩa là đối đầu quân sự, nhưng chúng ta cần có một tín hiệu rõ ràng”.

Trước đó, ngày 10/6, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã tuyên bố. "Chúng tôi lo lắng bởi những báo cáo gần đây về tình hình Biển Đông và tin tưởng rằng, nó chỉ làm gia tăng căng thẳng, không góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao…và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Ông nhấn mạnh, Mỹ và cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ lợi ích chung trong duy trì an ninh hàng hải ở khu vực thông qua tự do hàng hải, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Gần đây, cả Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc hành xử gây hấn ở Biển Đông, làm căng thẳng thêm leo thang ở vùng biển vốn luôn có tranh chấp này.

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cụ thể vào ngày 26/5 và 9/6, các tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, quan chức Philippines cáo buộc lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền kể từ tháng 2 tới nay, và bắn vào các ngư dân Philippines trong ít nhất một vụ việc.

Trước tình hình này, ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo rằng, có những “quan ngại ngày càng gia tăng” về hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á. Ông nói tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh cấp cao châu Á: “Tôi e rằng nếu không có quy tắc và phương pháp tiếp cận thống nhất để giải quyết những vấn đề này thì còn sẽ có đụng độ”.

[BDV news]



>> Lực lượng tên lửa chiến lược Nga bị đe dọa



Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ không còn duy trì được lợi thế và khả năng răn đe cũng như đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào năm 2015.

Cuộc hội đàm song phương giữa Bộ quốc phòng Nga và NATO đã không đạt được bất kỳ sự thống nhất nào về lá chắn tên lửa mà khối quân sự này đang xây dựng tại châu Âu.

NATO đã bác bỏ đề xuất của Moscow về xây dựng một lá chắn tên lửa chung châu Âu, cũng như từ chối đưa ra đảm bảo bằng văn bản đối với lá chắn này không đe dọa đến Nga.

Về nguyên tắc cho dù có một sự đảm bảo bằng văn bản cũng không thể cho Nga một sự tin tưởng rằng lá chắn tên lửa này không đe dọa an ninh Nga.

Mỹ và NATO có thể cung cấp các bảo lãnh nhưng đảm bảo lợi ích cốt lõi của họ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Không có gì để đảm bảo một cuộc tấn công nhằm vào Nga sẽ không xảy ra.


Việc xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu đang gây ra mối lo ngại sâu sắc cho Nga.


Trong tình hình như vậy, sự đảm bảo chỉ có thể đến từ quân đội Nga, họcó đủ khả năng để đáp trả và gây tổn thất không thể chấp nhận được cho kẽ thù hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov phát biểu một cách đầy thất vọng sau cuộc hội đàm “Chúng tôi chưa nhận được một câu trả lời tích cực và rõ ràng, sự lo ngại của chúng tôi với lá chắn tên lửa này không hề giảm đi chút nào, NATO đã không quan tâm đến đề nghị của chúng tôi. NATO nhấn mạnh đến việc tạo ra 2 hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập, nếu như vậy, đến năm 2020 hệ thống này sẽ loại bỏ khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược Nga”.



Mỹ và NATO sẽ triển khai đến 900 tên lửa đánh chặn vào năm 2015, trong ảnh hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD.


Trong trường hợp thỏa thuận với NATO không đạt được, Nga sẽ buộc phải cải thiện khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược của mình lên một tầm cao mới, với khả năng đột phá lá chắn tên lửa của NATO, đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, họ không đồng ý với ý kiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung giữa châu Âu và Nga.

Mặc dù tình hình khá bế tắc song cả hai bên đều nhất trí sẳn sàng đàm phán tiếp về vấn đề này.

Nhận định của giới chuyên môn Nga

Theo chuyên gia quân sự Constantine Sivkova, Phó Chủ tịch Học viện Chính trị Nga cho rằng: “Phát biểu của Tổng thư ký NATO Rasmussen về lá chắn tên lửa là muốn nhắc nhở Nga không nên chuẩn bị cho một cuộc chay đua vũ trang hay các hành động làm nóng thêm tình hình. Đó là sự lựa chọn của Mỹ bằng cách sử dụng một cuộc chiến tranh để làm thế giới quên đi các vấn đề về tài chính của họ và có được một sự đảm bảo an ninh”.



Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ mất khả năng răn đe và đáp trả hạt nhân nếu lá chắn tên lửa tại châu Âu được hoàn thành.


Trong khi đó giáo sư Pavel S. Zolotarev phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada của Viện Hàn Lâm khoa học Nga, giáo sư của Học viện Khoa học Quân sự Nga cho rằng: “Hãy nhớ rằng, nhiều lực lượng đang muốn kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn nhằm làm suy yếu nền kinh tế của chúng tôi.

Đáp ứng các nhu cầu trên mặt trận ngoại giao, trì hoãn việc triển khai lá chắn tên lửa, cố gắng hợp tác sâu rộng hơn với NATO. Mặc khác, Nga cần phải đặt cược vào sự phát triển của một hệ thống vũ khí hiện đại chính xác”.

Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại nhà nước của Duma quốc gia Lev Kalashnikov cho biết: “Việc xây dựng lá chắn tên lửa sẽ được hoàn thành vào năm 2015, lúc đó Mỹ sẽ triển khai tới 900 tên lửa đánh chặn, trong đó có tới 400 tên lửa SM-3. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga, hệ thống này sẽ cho phép vô hiệu hóa khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Đối tượng của lá chắn tên lửa này là ai?

Rõ ràng Mỹ và NATO đang thổi phòng mối đe dọa về tên lửa từ Triều Tiên và Iran, thực tế Iran chưa có vũ khí hạt nhân, không có tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.

Triều Tiên chỉ có hạn chế một vài tên lửa tầm trung, ngay cả khi Bình Nhưỡng và Tehran hợp tác cùng nhau để tạo ra từ 15-30 tên lửa ICBM để đe dọa Israel châu Âu và Mỹ, 2 quốc gia này cũng chẳng dại gì mà bắn các tên lửa này vào Israel hay Mỹ. Điều đó sẽ khiến họ tự tay tiêu diệt đất nước mình. Khả năng của những tên lửa này là không đủ mạnh để có thể vượt qua được lá chắn tên lửa trên các tàu khu trục Aegis của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đang dự định triển khai đến 900 tên lửa đánh chặn vào năm 2015, vậy hệ thống đánh chặn khổng lồ này sẽ nhắm vào ai? Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ thống này được tạo ra để ngăn chặn lực lượng tên lửa chiến lược của Nga và một phần của Trung Quốc.

Đây là hệ thống đánh chặn tên lửa với khả năng cơ động rất cao. Đơn cử như hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD có khả năng kiểm soát đến một nửa khu vực của lá chắn tên lửa phức hợp này. Chúng có thể nhanh chóng được triển khai đến gần biên giới, bờ biển hoặc các căn cứ quân sự của Mỹ và đủ khả năng để can thiệp sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương.

Ngoài ra, Mỹ liên tục trau chuốt khả năng đánh chặn của các tên lửa, tuy rằng hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD chỉ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở tầm trung, nhưng các tên lửa SM-3 của hệ thống chiến đấu Aegis không ngừng được mở rộng tầm bắn và nâng cao độ chính xác.

Trong một kịch bản xấu nhất, hệ thống đánh chặn khổng lồ này đủ khả năng để vô hiệu hóa các ICBM của Nga ngay bên trong lãnh thổ để tạo điều kiện cho các tên lửa hạt nhân của họ tấn công.

Ngoài ra, cần phải xét đến khả năng to lớn từ hệ thống tên lửa hành trình tấn công chính xác như Tomahawk của Mỹ hay Storm Shadow của NATO, một cuộc tấn công đầu tiên bằng các tên lửa hành trình này có thể phá hủy một phần của hệ thống đánh chặn tên lửa của Nga.

Cho dù có đạt được sự đồng thuận với NATO hay không, Nga vẫn phải đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí tinh vi hơn để loại bỏ mối đe dọa từ lá chắn tên lửa này.


[BDV news]



>> Thách thức Biển Đông và 'chiếc nỏ thần' Việt Nam



Dân tộc Việt Nam có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác.


Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được.

Những biến động dồn dập gần đây ở Biển Đông với hành động phi đạo lý của Trung Quốc trong xâm phạm chủ quyền của Việt Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ chứa đựng không chỉ tham vọng vô đáy của Trung Quốc trong vùng biển xung yếu này mà cả sự đánh giá rất thấp (nếu không nói là coi thường) khả năng ứng xử chiến lược của nhà nước và sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.

Đây là một nước cờ sâu và táo bạo. Có lẽ những người đi nước cờ này đã trù tính kỹ tới ba phản ứng sau đây của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không tiếc tiền, vội vã mua sắm vũ khí, tăng cường phòng thủ. Điều này sẽ làm ngân sách quốc gia kiệt quệ, kinh tế vĩ mô chao đảo, kinh tế suy yếu.

Thứ hai, người dân Việt Nam sẽ rất bức xúc trong khi nhà nước bối rối lo ngại nên tăng cường kiểm soát và kìm chế. Kết quả là, người Việt Nam sẽ mất đi tính sáng suốt của sự đồng lòng; và do đó không còn tâm trí nào cho một nỗ lực cải cách sâu rộng.

Thứ ba, giới doanh nhân Việt Nam sẽ mất đi quyết tâm và nhuệ khí trong thâm nhập thị trường Trung Quốc, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước thua thiệt và yếu kém nhất trong các nước châu Á trong quan hệ thương mại với thị trường khổng lồ và tăng trưởng nhanh chóng này.

Thế nhưng, những người chơi nước cờ sâu và táo bạo nói trên có thể không lường hết sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam. Dân tộc này có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được. Thách thức Biển Đông có lẽ là một vận hội vô giá, nó buộc người Việt Nam chúng ta phải dùng đến chiếc "nỏ thần" kỳ diệu này.

Chúng ta cần hiểu Trung Quốc hơn

Để vượt qua thách thức nghiệt ngã hiện nay, Việt Nam cần hiểu rõ hơn Trung Quốc. Đây là một dân tộc có nền văn hóa lớn, lâu đời, với nhiều thành quả huy hoàng trong quá khứ nhưng đã bị kìm nén nặng nề trong hàng trăm năm qua do chính sách đóng cửa và não trạng mê muội. Từ khi có cải cách do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng họ đã đi được những bước khổng lồ, làm thế giới thán phục, với động lực chủ đạo là ý chí và tham vọng rất lớn, trọng dụng nhân tài, tầm nhìn rộng, và mưu kế sâu sắc. Xu thế này hiện còn rất mạnh mẽ và có thể còn kéo dài.



Đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ảnh: Chu Thanh Vân.


Việt Nam cũng như nhiều nước khác cần thấu hiểu cục diện này và chuẩn bị thật tốt để có thể sống bên một người láng giềng khổng lồ, hùng mạnh, tham vọng, mưu sâu, và có thể có những hành vi nhẫn tâm trong khẳng định quyền thế nhờ sự trỗi dậy của mình.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần biết rõ những điểm yếu rất dễ tổn thương của Trung Quốc. Thứ nhất, đó là nội tình phức tạp với nhiều yếu tố bất ổn từ trong cốt lõi. Mức độ ổn định chính trị và kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc rất thấp so với hầu hết các nước (theo khảo sát thường niên của Ngân hàng Thế giới). Trung quốc sẽ không thể rảnh tay làm mưa gió trên thế giới nếu người dân Trung Quốc thấy chính phủ mình thua kém Việt Nam và các nước láng giềng trong nỗ lực cải cách-phát triển. Khi đó Trung Quốc sẽ phải quay về giải quyết vấn đề nội bộ.

Thứ hai, hình ảnh nhân văn của Trung Quốc trên trường quốc tế còn rất thấp. Từ thực tế châu Phi đến Biển Đông, họ chưa chứng tỏ được mình là một quốc gia có trách nhiệm cao trong kiến tạo hòa bình và phồn vinh cho thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc để lại nhiều ấn tượng chưa đẹp về tính trung thực và sự nhất quán giữa hành động và lời nói, từ chất lượng sản phẩm đến đường lối kinh tế và chính sách ngoại giao.

Một mặt khác, Trung Quốc là một quốc gia có lãnh đạo giỏi, tầm nhìn xa. Trên thực tế, họ rất ngại và kiêng nể các quốc gia có hội đủ ba yếu tố: thượng tôn các qui luật của tạo hóa, trọng dụng nhân tài, và dốc sức khai phát sức mạnh dân tộc. Bởi họ biết dân tộc này sẽ là một quốc gia hùng cường. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình. Trong khi đó, họ có thể hành xử rất ngạo mạn với những quốc gia mê muội, giáo điều, hắt hủi hiền tài, phân liệt nhân tâm. Bởi họ biết đất nước này đang ở vào thế suy vi.

Trung Quốc đã qua giai đoạn trỗi dậy hòa bình và bước vào giai đoạn khẳng định uy lực của mình. Họ sẽ không ngại đối đầu trên những điểm mạnh của họ, đặc biệt là về thực lực kinh tế và quân sự. Tuy nhiên họ sẽ phải chùn lại nếu sự đụng độ khoét sâu các điểm yếu nêu trên: ổn định chính trị thấp, hình ảnh nhân văn hạn chế, ấn tượng về hành xử thiếu văn minh và trách nhiệm.

Việt Nam: Chiếc "nỏ thần" và phương cách sử dụng

Từ bài học từ cha ông

Binh pháp cổ có tổng kết rằng, muốn làm nên một chiến thắng hiển hách, cần có khả năng làm kinh ngạc đối phương. Đây là chiếc "nỏ thần" kỳ diệu mà người Việt Nam qua bao thế hệ đã dùng đến mỗi khi đất nước bị lâm nguy hoặc ngoại xâm giày xéo. Ông cha ta đã để lại những bài học quí giá khi dùng đến vũ khí chiến lược này.

Bài học của Đức Trần Hưng Đạo chỉ ra rằng cách bảo vệ tổ quốc tốt nhất là chủ động tiến công vào những yếu kém của chính mình. Theo tư tưởng này, ngài thảo ra hịch tướng sĩ, khích lệ tướng sĩ thấy nỗi nhục quốc gia mà bỏ thói hư tật xấu, quyết chí một lòng, xả thân vì nước.

Ngài chỉ rõ, nếu để mất nước thì: "chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến ngàn năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận."

Và nếu giữ được nước thì: "trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền."

http://nghiadx.blogspot.com/


Nguyễn Trãi nêu ra những nguyên lý cao cả để dân tộc vượt lên mọi sự bạo ngược:


Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trăn trở tìm kiếm người hiền tài ra giúp nước: "Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến... Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương." (Chiếu cầu hiền)

Đến nỗ lực hôm nay

Sẽ cần những nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng khắp trong nhân dân để tìm ra đủ phương cách để Việt Nam có thể vượt lên bằng những nỗ lực làm kinh ngạc thế giới, buộc đối phương phải rút về thế phòng thủ - hòa hoãn. Ba hướng đi lớn cho các nỗ lực có thể là:

1. Xác lập ý chí cải cách của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
2. Cả nước trên dưới một lòng toàn tâm toàn ý khai phát sức mạnh tiềm tàng của dân tộc.
3. Toàn xã hội thành tâm coi giá trị nhân văn và lòng nhân bản làm nền tảng phát triển và hướng đích cho dân tộc đi đến phồn vinh.

Theo hướng đi này chúng ta có quyền đòi hỏi và kỳ vọng một số hành động sau đây.

+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe bàn luận để thấy hết nguy cơ mà đất nước nhân dân sẽ phải gánh chịu trong tương lai không xa nếu đất nước tiếp tục tụt hậu.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quây quần cùng đại diện mọi tầng lớp nhân dân, ngày đêm họp bàn tìm phương kế cải cách, đưa nhanh đất nước đến hùng cường.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chính sách sử dụng hiền tài, đưa đất nước vượt lên trên mọi lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến củng cố quốc phòng, từ dân chủ hóa đất nước đến xây dựng thiết chế nền tảng cho phát triển bền vững, từ cải cách giáo dục đến nâng cấp tiềm lực khoa học công nghệ, từ hợp tác quốc tế đến gia cường vị thế và hình ảnh Việt Nam.
+ Có những bước đi đột phá táo bạo; đặc biệt là xây dựng một số đặc khu kinh tế nhằm huy động sức mạnh tổng lực của dân tộc, là hình mẫu của Việt Nam năm 2045, với sức đuổi vượt mạnh mẽ làm thế giới khâm phục và kính nể.
+ Mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu hãy tự giác góp phần tạo nên hình ảnh một dân tộc có phẩm chất cao quí: thành tâm trong hợp tác, cầu thị trong học hỏi, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Việt Nam cần trở thành một điểm sáng, có sức tương phản và thu hút mạnh mẽ trong hun đúc những phẩm chất cao quí này.


[BDV news]


>> Ukraine ồ ạt bán công nghệ quân sự cho Trung Quốc



Trong những năm gần đây, Kiev đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật quân sự, mà đúng hơn là "bán tống bán tháo" công nghệ quân sự Liên Xô cho Trung Quốc.


Xu hướng này còn được thể hiện cả trong lĩnh vực công nghệ vũ khí trang bị hải quân, máy bay quân sự và chế tạo động cơ.

Đó là vì hai lý do: một là, Trung Quốc nay đã không thể nhận được từ Nga cái mà họ từng dễ dàng nhận được trước đây, trong khi nhu cầu du nhập công nghệ cao vẫn cao như cũ; và hai là, Bắc Kinh có khả năng chi trả, còn Kiev lại cần tiền.

Kiev không phải láng giềng của Trung Quốc nên việc Trung Quốc gia tăng nhanh sức mạnh quân sự chẳng phải là vấn đề đối với họ.

Xin điểm lại một số hợp tác trong lĩnh vực vũ khí trang bị không quân:

Trung Quốc đang hợp tác với hãng Antonov tiến hành hàng loạt chương trình hợp tác: thiết kế máy bay chở khách phản lực tầm khu vực ARJ 21, hiện đại hóa máy bay vận tải Y8. Bắc Kinh quan tâm đến cả các máy bay An-148 và An-158, sửa chữa các máy bay An-12, An-24, An-26, An-30 mà họ hiện có.

Hai năm trước, hãng ANTK Antonov và Trung Quốc đã ký “Biên bản về việc hỗ trợ Trung Quốc phát triển các máy bay vận tải quân sự hạng nặng”. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Ukraine, Trung Quốc đang xây dựng một hầm khí động lớn để thử nghiệm các máy bay vận tải quân sự hạng nặng. Đây sẽ là phòng thí nghiệm khí động lớn nhất Trung Quốc.

Bắc Kinh dự định với sự giúp đỡ của Ukraine sẽ sản xuất một loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng nội địa. Ukraine đang hợp tác với Trung Quốc trong chương trình chế tạo máy bay huấn luyện chiến đấu mới của Trung Quốc L-15. Theo hợp đồng, năm 2011-2012, Kiev sẽ chuyển giao cho Trung Quốc lô đầu tiên động cơ sản xuất loạt AI-222-25F dành cho L-15. Cũng có khả năng sẽ có các đơn đặt hàng mới và hợp tác hai bên sản xuất các động cơ này.



Tàu sân bay Thi Lang đang trong quá trình nâng cấp hoàn thiện.


Hợp tác trong lĩnh vực trang bị hải quân:

Công ty quốc doanh trách xuất khẩu vũ khí Ukraine (Ukrsetexport) đang tích tham gia chương trình đóng tàu sân bay nội địa của Trung Quốc và phát triển trang thiết bị mới cho tàu sân bay Thi Lang (tàu Varyag sửa chữa và nâng cấp).

Mặc dù ban đầu, tàu này được mua từ Ukraine (nó được đóng ở Nilolayev) với lý do giả mạo là làm casino, cuối cùng nó sẽ trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với chức năng chính là tàu huấn luyện với khả năng chiến đấu nhất định.

Rõ ràng là Trung Quốc đã có được toàn bộ tài liệu kỹ thuật - thiết kế con tàu này. Vậy là Liên Xô lại là “cha đẻ” của hạm đội tàu sân bay Trung Quốc.

Cái tên Trung Quốc của nó có tính tượng trưng cao - Thi Lang, tên vị đô đốc vào năm 1861 đã thống nhất đảo Đài Loan với Hoa lục. Dĩ nhiên là chính quyền Đài Loan chẳng vui vẻ gì với những thông tin đó.

Thi Lang sẽ được trang bị các động cơ Ukraine. Họ đã chuyển giao công nghệ sản xuất turbine khí DN80 cho phía Trung Quốc. Nhà máy Harbin sẽ là cơ sở chủ yếu ở Trung Quốc sản xuất động cơ cho tàu quân sự.

Tàu sân bay Thi Lang sẽ được trang bị các tiêm kích trên hạm J-15 Cá mập bay được chế tạo dựa trên mẫu chế thử Su-33 của Nga mà Bắc Kinh mua được từ Kiev vào năm 2005.



Tiêm kích trên hạm J-15.


Trên cơ sở tổ hợp mặt đất huấn luyện phi công tàu sân bay NITKA của Ukraine, Trung Quốc đã xây dựng được một tổ hợp huấn luyện phi công tàu sân bay.

Một mô hình tàu sân bay đủ kích thước bằng bê tông với đường băng cất/hạ cánh và tháp chỉ huy đã được xây dựng cách không xa thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Hai trung tâm tương tự nữa đang được xây dựng ở các tỉnh Liêu Ninh và Thiểm Tây - chúng bắt đầu được khởi công vào năm 2010.

Kiev sẽ bán cho Trung Quốc 4 (theo các nguồn khác là 2) tàu đổ bộ đệm khí Zubr, 2 chiếc đóng ở Ukraine, 2 chiếc ở Trung Quốc với sự tham gia của các chuyên gia đóng tàu Ukraine. Phía Trung Quốc muốn học cách thiết kế các tàu kiểu như Zubr. Trên các tàu này sẽ lắp đặt vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực do Trung Quốc sản xuất.

[BDV news]



>> Arab Saudi muốn mua tàu khu trục Aegis của Mỹ



Arab Saudi đã bày tỏ mong muốn sở hữu tàu khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, với khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.


Để đáp ứng quá trình hiện đại hóa hải quân, Arab Saudi muốn mua loại tàu khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis thực thụ với khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Trước đó, Hải quân Arab Saudi đã mua của Mỹ một số tàu duyên hải có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, cấu hình đơn giản.

Vào cuối tháng 5/2011, Hải quân Mỹ đã thông báo cho các quan chức Arab Saudi rằng, các tàu khu trục mới sẽ mạnh hơn bất cứ con tàu nào đang phục vụ trong biên chế hải quân nước này.



Tàu khu trục lớp Arleigh Burke là những chiếc tàu khu trục duy nhất trên thế giới hội tụ đủ khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Dự kiến, tàu tuần duyên của Arab Saudi có tải trọng thiết kế là 3.000-4.000 tấn, có thể được trang bị biến thể hạng nhẹ của radar SPY-1F, tương tự loại radar Aegis nhẹ trên tàu khu trục của Na Uy.

Radar SPY-1F thiếu năng lực và phần mềm để thực hiện khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, hệ thống điện trên tàu không đáp ứng được nhu cầu cho một radar có khả năng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Hiện tại các tàu khu trục Aegis của Mỹ có tải trọng 9.100 tấn, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. Có khoảng 20 tàu tuần dương và tàu khu trục được trang bị radar SPY-1D, hệ thống Aegis nâng cấp để thực hiện nhiêm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Tương lai, 60 tàu khu trục Arleigh Burke cùng với 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga sẽ được trang bị khả năng phòng thủ tên lửa hoàn thiện. Hệ thống Aegis trên đất liền cũng đang được triển khai hoạt động tại châu Âu trong kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa xuyên lục địa.

Đại úy Cate Mueller, phát ngôn viên của phòng quản lý mua sắm Hải quân Mỹ cho biết, các tàu chiến mặt nước giao hàng cho Arab Saudi với khả năng đối không trung bình, tích hợp khả năng phòng thủ tên lửa, cùng với một số máy bay trực thăng, tàu tuần tra và hệ thống cơ sở ven bờ.

Hiện, Hải quân Arab Saudi thông qua một kế hoạch hiện đại hóa với chi phí lên đến 23 tỷ USD. Một đại diện của Lockheed Martin cho biết “Các tàu khu trục Aegis mới cho Arab Saudi sẽ cung cấp một khả năng phòng thủ tên lửa đáng kể, có thể vượt qua bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào kể cả Israel”.

“Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke được xem là tốt nhất thế giới hiện nay, nếu Arab Saudi có được các tàu này, đây sẽ là một cột mốc rất quan trọng” ,một chuyên gia hải quân Mỹ khẳng định.

Hiện tại, các tàu khu trục Aegis chỉ được xuất khẩu cho 2 đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc xuất khẩu tàu khu trục Aegis cho Arab Saudi có thể gặp phải cản trở từ Quốc hội bởi những lo lắng về rò rỉ công nghệ cao, nhất là từ đầu năm 2011 đến nay các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi gặp bất ổn chính trị.

Một số ý kiến cho rằng, việc xuất khẩu tàu khu trục Aegis cho Arab Saudi là để đối phó lại với mối đe dọa về tên lửa từ Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích không lạc quan và cho rằng, nếu có thì các tàu này chỉ được trang bị ở mức tối thiểu và chắc chắn sẽ không có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.


[Vitinfo news]



>> Mỹ đầu tư cho các chương trình Internet 'ma'



Mỹ đang đầu tư tiền xây dựng mạng Internet tàng hình nhằm giúp người dùng có thể kết nối Internet mà không thông qua cổng kết nối của các chính phủ.


Chính phủ Mỹ đang đầu tư tiền vào mạng Internet tàng hình và một hệ thống điện thoại di động có thể giúp người dùng vượt qua sự cản trở bằng kiểm duyệt.

Các hạng mục được chính phủ Mỹ đầu tư bao gồm cả những dự án bí mật để xây dựng các mạng di động độc lập trong nội bộ các quốc gia khác cũng như tiền đầu tư cho việc thiết kế các thiết bị có thể bỏ vừa vào 1 chiếc vali để có thể kết nối với các mạng di động này.

The New York Times cho biết một nhóm các chuyên gia trẻ đang làm việc trên tầng 5 một tòa nhà ở đường L, Washington được Bộ ngoại giao Mỹ tài trợ 2 triệu USD để chế tạo các thiết bị chứa trong vali như trên.

Nỗ lực của Mỹ trong việc tạo dựng mạng Internet tàng hình được The New York Times thu thập được qua nhiều cuộc phỏng vấn, và các tài liệu cho thấy khá rõ quy mô, giá thành cũng như sự tinh tế của chương trình mà Chính phủ Mỹ theo đuổi.

Nhiều dự án trong đó liên quan đến các vấn đề kỹ thuật được Mỹ phát triển trong khi một số khác đã và đang được các tin tặc phát triển trong một công nghệ có tên phong trào giải phóng công nghệ toàn cầu.



Các tình nguyên viên xây dựng mạng Internet không dây ở Jalalabad, Afghanistan bằng máy phát điện tự chế và các vật liệu địa phương sử dụng công nghệ phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: New York Times


Một trong các dự án internet "ma" là mạng di động độc lập ở Afghanistan sử dụng các tháp tín hiệu được bảo vệ trong các quân cứ quân sự. Dự án này được Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc nước đầu tư 50 triệu USD, lập ra nhằm giảm thiểu khả năng Taliban tấn công các dịch vụ liên quan đến Internet ở Afghanistan.

Không những thế, Chính phủ Mỹ cũng lên kế hoạch chôn giấu điện thoại di động gần biên giới Triều Tiên để những người vượt biên ở quốc gia này có thể sử dụng, The New York Times tiết lộ.

Nỗ lực của Mỹ bắt đầu từ việc Chính phủ của tổng thống Hosni Mubarak cắt hoàn toàn mạng internet ở Ai Cập trong biến cố chính trị của nước này. Trong một động thái tương tự, Chính phủ Syria cũng tạm thời tắt phần lớn mạng internet của đất nước này nhằm hạn chế liên lạc của những người biểu tình.

Các nỗ lực của chính phủ Obama có ý nghĩa trên mặt trận ngoại giao được gọi là để "bảo vệ quyền tự do ngôn luận" cũng như "nuôi dưỡng nền dân chủ". Trước đó, Washington cũng hỗ trợ phát triển các phần mềm giúp người dùng ở các nước như Trung Quốc thoát khỏi khỏi sự điều tra của chính phủ.



Sơ đồ hoạt động của mạng Internet tàng hình: các máy tính sử dụng kết nối từ điện thoại di động của những mạng di động độc lập để kết nối với Internet thay vì sử dụng đường kết nối thông qua các cổng kết nối thông thường vốn bị kiểm soát bởi các chính phủ.


Việc đầu tư xây dựng mạng internet "ma" nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Bộ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton. Bà Clinton cho biết: "Chúng tôi muốn thấy nhiều người hơn nữa trên toàn cầu sử dụng Internet, điện thoại di động và các công nghệ khác để họ có thể nói về các bất công họ gặp phải cũng như tìm cách giúp thực hiện nguyện vọng của họ".

Thế nhưng, việc phát triển các mạng điện thoại độc lập cũng gặp những khuyết điểm khá lớn như các chính phủ có thể dò theo sóng và bắt giữ người sử dụng hoặc đơn giản hơn là bắt họ khi người sử dụng mang các thiết bị này qua biên giới. Nguy hiểm hơn, công nghệ trên có thể bị nhóm khủng bố sử dụng để liên lạc trong các nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia phát triển mạng internet "ma" cho rằng những khuyết điểm này khó có thể so sánh với những ưu điểm mà mạng lưới này đem lại.

Ông Sascha Meinrath, chuyên gia đứng đầu dự án "internet trong chiếc vali", giám đốc dự án Công Nghệ Mở ở quỹ New America cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng một cơ sở hạ tầng riêng biệt cho phép công nghệ hầu như không thể bị tắt hay kiểm soát. Việc này giúp con người thực hiện quyền đơn giản nhất của họ là được nói".



Internet trong chiếc vali giúp người sử dụng có thể kết nối Internet qua mạng không dây nhanh chóng.



Mô hình chiếc vali chứa Internet với các thiết bị giúp tạo lập một mạng Wifi tại chỗ và kết nối với Internet mà không qua các cổng kết nối của chính phủ.
Ảnh: New York Times




[BDV news]



>> Mỹ phát triển 'đòn tấn công nhanh toàn cầu'



Phòng thí nghiệm Không quân Mỹ AFRL đã công bố yêu cầu cung cấp thông tin về các dự án phát triển vũ khí động học hoặc phi động học.


Tất cả để thực hiện “đòn tấn công nhanh toàn cầu”.

AFRL chỉ nêu rằng, các hệ thống vũ khí mới phải đem lại khả năng thực hiện các đòn tấn công nhanh, chính xác cao chống các mục tiêu đối phương ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, không phụ thuộc vào việc ở khu vực đó có các căn cứ quân sự Mỹ hay không.

Đơn dự thầu đã được các công ty Northrop Grumman và Boeing của Mỹ nộp. Không loại trừ sẽ có cả sự tham gia của Lockheed Martin. Hiện chưa rõ, các công ty Mỹ sẽ đưa ra các loại vũ khí nào để dự thầu.

Boeing đang hợp tác với Không quân Mỹ phát triển tên lửa siêu vượt âm X-51A Waverider với động cơ phản lực không khí dòng thẳng siêu vượt âm. Lockheed Martin thì đang nghiên cứu chế tạo thiết bị bay siêu vượt âm Falcon HTV-2.



X-51A Waverider chuẩn bị lắp lên B-52 phóng thử nghiệm.


Hơn nữa, do trong bản giới thiệu cuộc thầu của AFRL không hề nhắc đến từ “siêu vượt âm” nên có thể người ta nói đến cả các tên lửa đường đạn mang đầu đạn thông thường.

Tháng 4/2010, có tin dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Mỹ, người ta đang phát triển tên lửa đường đạn xuyên lục địa mang đầu đạn thông thường dùng để tấn công bất cứ vị trí nào trên trái đất trong vòng 1 giờ. Loại vũ khí mới sẽ được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, còn các bệ phóng lại có thể mở cửa cho các thanh sát viên nước ngoài.

Dự đoán, loại tên lửa mới có biên dạng bay thay đổi của Mỹ sẽ được nhận vào trang bị sớm nhất là vào năm 2015. Năm 2011, Mỹ chi cho việc chế tạo vũ khí này 240 triệu USD.

Cần lưu ý là Mỹ sẽ phải đàm phán đồng thời với một số nước trước khi đưa tên lửa mới vào trang bị. Bởi lẽ, việc phóng một tên lửa đường đạn mang đầu đạn thông thường trên lãnh thổ Mỹ song bay ra ngoài biên giới nước này có thể đánh động hệ thống báo động tấn công tên lửa trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc.


[BDV news]



Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

>> Hải giám - tàu quân sự trá hình



Đó là những tàu được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc, chuyên quấy nhiễu vùng biển thuộc chủ quyền nước khác.

Gần hai thập niên trở lại đây, nhằm mở rộng chiến lược năng lượng và tìm mọi cách để bành trướng trên biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh đội tàu mang tên Trung Quốc Hải Giám (thuộc cơ quan Giám sát Hàng hải Trung Quốc - China Marine Surveillance). Thực chất đây là phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự thực hiện các nhiệm vụ quấy nhiễu và xâm phạm vào vùng biển của các nước khác.

Được trang bị vũ khí và huấn luyện bởi hải quân

Đội tàu hải giám được chính thức thành lập năm 1998 và bắt đầu triển khai các hoạt động quấy nhiễu trên biển từ năm 1999. Đó là loại tàu bán quân sự nhằm mục đích tuần tra các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển của Trung Quốc, bảo vệ môi trường biển, các nguồn tài nguyên, các thiết bị dẫn đường và công trình biển, khảo sát biển và trong trường hợp khẩn cấp tham gia việc tìm kiếm và cứu trợ.

Nếu đội tàu này hoạt động trong các vùng nước của Trung Quốc phù hợp với UNCLOS 1982 thì có lẽ không có gì đáng nói nhưng chúng đã hoạt động ra ngoài phạm vi vùng nước phù hợp UNCLOS 1982, quấy nhiễu và cản trở các hoạt động khai thác tài nguyên biển của các nước khác.


Tàu hải giám 84 đang ở trên đà, sắp hạ thủy.


Với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật đóng tàu và sự đầu tư của chính quyền Trung Quốc, đội tàu hải giám đã liên tục tăng trưởng. Tính đến thời điểm năm 2011 có 300 tàu với 30 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 4.000 tấn và 10 máy bay (trong đó có bốn máy bay trực thăng). Cơ quan hải giám có mục tiêu tăng thêm 36 tàu trong năm năm tới. Năm 2011, đội tàu hải giám này tuyển thêm 1.000 nhân viên mới nâng số nhân viên làm việc lên tới trên 10.000 người có kỹ năng sử dụng vũ khí.

Lực lượng tàu hải giám được phân thành bốn cấp bao gồm ba đội tàu cấp khu vực, 10 đội tàu cấp tỉnh, 46 đội cấp TP và 142 đội cấp quận, huyện. Ba đội tàu cấp khu vực bao gồm: Đội tàu Bắc Hải (hoạt động trong các vùng biển phía Đông Bắc của Trung Quốc), Đội tàu Đông Hải (hoạt động trong các vùng biển phía Đông và Đông Nam Trung Quốc) và Đội tàu Nam Hải (hoạt động ở vùng biển phía Nam Trung Quốc - biển Đông Việt Nam). Trong đó ba tàu 17, 72, 84 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quấy nhiễu và cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh 02.

Tàu hải giám 84 được đóng mới năm 2009, lượng dãn nước 1.740 tấn, dài 88 m, rộng 12 m, vận tốc 18 hải lý/giờ. Nó có tầm hoạt động 5.000 hải lý, 40 ngày liên tục. Đây là chiếc tàu có tính năng điều động khá tốt với mũi thon hình quả lê, chân vịt phụ mũi và lái cùng hệ thống vây giảm lắc ngang cho phép hoạt động trong vùng nước có sóng gió lớn.


Tàu hải giám 83 (3.000 tấn) trang bị máy bay trực thăng.


Các tàu hải giám thực chất không phải là tàu dân sự làm nhiệm vụ điều tra, khảo sát và nghiên cứu cũng như tìm kiếm và cứu trợ. Các tàu hải giám được trang bị vũ khí và máy bay trực thăng, làm các nhiệm vụ của một tàu cảnh sát và tuần tra biển. Nhiều tàu có khả năng chạy với tốc độ cao, trên 30 hải lý/giờ. Các tàu cỡ nhỏ 500, 600 tấn được cải trang giống tàu đánh bắt cá nhưng cơ cấu tổ chức trên tàu như là một tiểu đội hải quân, thuyền viên được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc, được trang bị súng AK 59 và 81 và cả súng trường tự động.

Ngoài các tàu mang tên Trung Quốc Hải Giám, Trung Quốc còn có các tàu khác giống hệt tàu dân sự nhưng thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát các vùng biển không thuộc về Trung Quốc. Ví dụ các tàu mang tên Hướng Dương Hồng. Trong đó, tàu Hướng Dương Hồng 09 vào điều tra thăm dò vùng biển quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa của Nhật.

Xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền nước khác

Hoạt động của đội tàu hải giám nằm trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc và đồng thời với hoạt động của các cơ quan khác. Vì là tàu quân sự trá hình, các tàu hải giám được lệnh đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác để quấy nhiễu và phá hoại thiết bị khai thác tài nguyên khoáng sản. Chúng hoạt động rộng khắp ở nhiều vùng biển mà Trung Quốc đơn phương cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Ví dụ vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (được cho là có tranh chấp giữa ba nước Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc), đảo Okinotori (Nhật) và vùng biển Đông (Philippines, Việt Nam và các nước khác).




Vũ khí trang bị trên tàu hải giám (súng 14,5 ly).





Binh lính tàu hải giám luyện tập bắn súng.


Tháng 8-2001, tàu Hướng Dương Hồng 09 xâm nhập vào khu vực biển xung quanh quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa của Nhật. Những năm gần đây, các tàu hải giám, ngư chính và đánh cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, gây ra nhiều sự kiện liên tiếp. Mới đây nhất là sự kiện tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên của Nhật vào ngày 7-9-2010.

Ở vùng biển Đông Việt Nam, các tàu hải giám Trung Quốc liên tục quấy nhiễu. Ví dụ đầu năm 2011, tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm vùng biển của Philippines xung quanh khu vực bãi đá ngầm Iroquois chỉ cách bờ Palawan 125 hải lý. Đội tàu hải giám và ngư chính (kể cả tàu hải quân) Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam từ vùng biển vịnh Bắc Bộ cho đến các vùng biển khác thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trong cuộc tọa đàm giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho rằng hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. Tuy nói là tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 nhưng thực tế Trung Quốc đơn phương coi biển Đông như là “ao nhà” và có những hành động gây hấn.

Ông Liệt còn nói thêm: “Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra” (tức sự kiện tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam). Cách nói này là cách từ chối trách nhiệm của Trung Quốc.

Bằng việc sử dụng các tàu thuyền vỏ bọc dân sự, Trung Quốc dùng thủ thuật tạo một bộ mặt hòa bình để phục vụ những mục đích bành trướng của mình. Những quốc gia liên quan cần có những đối sách thích hợp để tránh sự bất cân xứng khi Trung Quốc lạm dụng đội tàu hải giám cho những mục đích quân sự. Việt Nam cần có những biện pháp đối phó bao gồm cả một chiến lược lâu dài và trước mắt nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ các nhà đầu tư và ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển Đông.

Trong các trường hợp như vừa qua, cần đặc biệt chú ý đến việc dùng thiết bị ghi lại các sự xâm phạm vùng biển chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; hồ sơ hóa các vụ xâm phạm của tàu nước ngoài (nhất là các tàu hải giám, quân sự) để dùng cho các công bố quốc tế, đàm phán, tranh cãi, kiện tụng sau đó.


[Vitinfo news]



>> "Hàng khủng""hàng khủng" USS G.Washington dạo Thái Bình Dương



Hôm qua (12/6), tàu sân bay hạt nhân USS George Washington đã rời căn cứ Yokozuka của Hải quân Mỹ ở tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) để tham gia cuộc tuần tra quốc tế chung ở Tây Thái Bình Dương.


Hạm trưởng David Lausman cho biết, sứ mệnh lần này của George Washington dự kiến kéo dài trong vài tháng, là hoạt động phối hợp với các nước đồng minh tuần tra các vùng biển Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Hoạt động diễn ra giữa lúc các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines đang đưa ra những cảnh báo gia tăng lo ngại về sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc ở khu vực này.



Được mệnh danh là ngôi sao Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, trở về sau khi tham gia hỗ trợ Nhật Bản khắc phục thảm hoạ kép 11/3, George Washington đã tham gia khoá huấn luyện và liên lạc với các đồng minh, trong đó có Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản.



USS George Washington là tàu sân bay hạt nhân thứ 6 thuộc lớp Nimitz, và là con tàu thứ 4 của Hải quân Hoa Kỳ, được đặt tên theo tên gọi của vị Tổng thống Mỹ đầu tiên.

Con tàu này do hãng Newport News đóng ra và được đưa vào biên chế Hải quân Hoa Kỳ từ ngày 4 tháng 7 năm 1992.




Tàu có chiều dài 333m, rộng 78m, cao 74m, có thể đỗ khoảng 80 máy bay nhờ diện tích lên tới 18.000m². Trên tàu có 4 thang máy để chuyển máy bay từ kho chứa lên sân đỗ, rộng 360m².

Tàu nặng 97.000 tấn và có thể chở tới 6.250 thuỷ thủ. Vào năm 2007, chi phí để sản xuất tàu lên tới 4,7 tỷ USD.











[VTC news]



>> Cách mạng khoa học trong quân sự và sự tác động đến phương thức tác chiến



Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ vào những năm cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21 đã tác động mạnh mẽ, tạo ra một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ triệt để ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ để phát triển hàng loạt các trang bị quân sự mới, vũ khí công nghệ cao (VKCNC).




Tên lửa hành trình Tô-ma-hốc được phóng lên từ tàu nổi của Anh. Ảnh: Internet

Sự xuất hiện của các loại vũ khí “thông minh” được điều khiển từ xa, có tầm hoạt động xuyên quốc gia, có khả năng tự tìm mục tiêu với độ chính xác cao, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được phóng đi từ ngoài vùng hỏa lực đánh trả của đối phương… trong chiến tranh vùng Vịnh-1991 được xem là sự mở đầu của kỷ nguyên chiến tranh VKCNC. Ngoài tên lửa Pa-tri-ốt, tên lửa Tô-ma-hốc là vũ khí phòng không mặt đất kiểu mới, trong chiến tranh vùng Vịnh, lần đầu tiên Mỹ cho “trình làng” loại tên lửa không đối đất Slam... Trong chiến tranh Nam Tư (1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (2001), chiến tranh I-rắc (2003) và hiện tại là cuộc chiến tranh Li-bi, các loại VKCNC, nhất là tên lửa hành trình liên tục được cải tiến. Sau cải tiến, mỗi loại tên lửa đều có những tính năng ưu việt hơn, được bổ sung thêm những đầu đạn mới, cự ly phóng xa hơn và độ chính xác cao hơn...

Đáng chú ý, trong số các tên lửa hành trình mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh I-rắc, đa số là mang đầu đạn xuyên phá các công trình ngầm, kiên cố và các phương tiện cơ giới bọc thép... Từ thế hệ tên lửa đầu tiên đến nay, đã xuất hiện nhiều loại tên lửa Tô-ma-hốc. Điển hình phải kể đến là tên lửa hành trình Tô-ma-hốc BGM-109 phóng từ tàu ngầm, tàu nổi dùng để tiến công các mục tiêu trên đất liền. Các tên lửa Tô-ma-hốc chiến thuật, mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, được cải tiến và ký hiệu từ A đến D...

Trong các cuộc chiến tranh do Mỹ và liên quân tiến hành gần đây có sự xuất hiện của tên lửa hành trình Tô-ma-hốc nâng cấp từ Block-I đến Block-IV sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, máy thu vệ tinh có khả năng kháng nhiễu cao, đầu đạn nhẹ hơn, tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn... Mặc dù phía liên quân xác nhận mục tiêu đánh phá không nhằm vào cá nhân nào, nhưng máy bay của họ đã không kích có định vị vào các căn cứ quân sự của chính quyền Ca-đa-phi. Các loại tên lửa được sử dụng trong các cuộc không kích của NATO vào Li-bi đều sử dụng hệ thống định vị GPS. Cuộc không kích trúng nhà con trai út của ông Ca-đa-phi đêm 30-4 vừa qua có thể xem là một minh chứng…

Ngoài tên lửa, một số nước còn nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí tiến công từ xa mới có khả năng tác chiến ban đầu tốt, nhất là độ chính xác và khả năng sát thương. Điển hình như thiết bị tung rải tự động AFDS do Đức và Mỹ phối hợp sản xuất; thiết bị tung rải DWS 24/39 trên máy bay do Đức và Thụy Điển hợp tác sản xuất… Sự ra đời của nhiều loại vũ khí mới đã tạo thành một hệ vũ khí với nhiều tính năng, tác dụng khác nhau.

Sự phát triển nhanh chóng của VKCNC đã tác động làm thay đổi hẳn phương thức tác chiến. Sau chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ và một số nước đồng minh đưa ra khái niệm tác chiến mới: Tác chiến phi tiếp xúc. Khái niệm này được hiểu là: Tác chiến thoát ly tiếp xúc, đánh trả gián tiếp, bên tiến công có thể phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ đối phương mà không cần xâm phạm không phận và lãnh thổ của bên bị tiến công…

Qua các cuộc chiến tranh gần đây, tác chiến phi tiếp xúc đã thực sự trở thành biện pháp tác chiến chiến lược quan trọng, phổ biến và được vận dụng trong tất cả các giai đoạn chiến tranh, rõ nhất là trong giai đoạn tiến công hỏa lực. Trong tác chiến truyền thống, muốn tiêu diệt một chiếc xe tăng hoặc một khẩu pháo, một hầm ngầm… phải dội hàng chục tấn bom đạn, thì hiện nay bằng tác chiến phi tiếp xúc chỉ cần một quả tên lửa hoặc một quả đạn pháo được điều khiển với độ chính xác cao là có thể diệt gọn. Tương tự, nếu trong tác chiến truyền thống muốn phá hủy các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ đối phương, bên tiến công phải dùng không quân hoặc bộ binh xâm phạm không phận, lãnh thổ của đối phương. Nhưng trong tác chiến phi tiếp xúc, bằng các loại VKCNC, từ không phận, lãnh thổ của mình bên tiến công có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương… Có thể thấy, ưu điểm nổi bật của tác chiến phi tiếp xúc là, áp dụng được nhiều thủ đoạn, tổn thất sinh lực thấp, nhờ tiến công đối phương từ xa. Mặt khác bằng tác chiến phi tiếp xúc, bên tiến công có thể thoải mái lựa chọn mục tiêu đánh phá, vì thế hiệu quả tác chiến rất cao, mà tổn thất phụ lại thấp; có thể đánh bất cứ lúc nào, trong mọi điều kiện thời tiết…

Tuy đánh trúng tất cả các mục tiêu quan trọng nhưng VKCNC vẫn có những sai số dù rất nhỏ (theo tổng kết của NATO từ 7 đến 9%). Trong cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999, không quân Mỹ và NATO đã tốn khá nhiều bom, đạn do oanh kích vào các mục tiêu giả, trận địa giả do Nam Tư tạo ra. Hay gần đây nhất trong cuộc chiến tranh Li-bi không dưới hai lần máy bay của liên quân không kích nhầm vào mục tiêu của lực lượng nổi dậy… Qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây, đặc biệt là sự chống trả của Nam Tư, I-rắc; Áp-ga-ni-xtan… cho thấy phương thức tác chiến này cũng bộc lộ những hạn chế. Đáng chú ý là, tác chiến phi tiếp xúc khó đạt hiệu quả cao ở địa hình rừng núi; khó phân biệt thật giả nếu không có một hệ thống truyền tin, tình báo, trinh sát tốt, hệ thống định vị và tác chiến điện tử mạnh; các vũ khí, phương tiện tiến công phi tiếp xúc phải bay một quãng đường xa đến hàng nghìn km, tốc độ không lớn và quỹ đạo bay khá ổn định; công tác bảo đảm chiến đấu phức tạp v.v..

Khi đề cập đến giải pháp đối phó với VKCNC và tác chiến phi tiếp xúc, các quốc gia trên thế đã phân tích khá kỹ những hạn chế trên. Đặc biệt là kinh nghiệm phòng tránh, đánh trả của Nam Tư trong cuộc chiến tranh Cô-xô-vô. Bằng chủ động phòng tránh; tăng cường khả năng cơ động; thực hiện ngụy trang, nghi binh và gây nhiễu… kết hợp với tích cực đánh trả bằng màn hỏa lực dày đặc, quân đội Nam Tư đã bắn rơi hơn 40 máy bay, đánh chặn được hơn 180 tên lửa hành trình… của NATO. Khi mà các nước tiến công dựa vào VKCNC đã thay đổi phương thức tác chiến cũ bằng tác chiến phi tiếp xúc, thì các nước bị tiến công cũng phải nghiên cứu tìm phương thức tác chiến mới cho phù hợp với tình hình. Đó là quy luật tất yếu của chiến tranh.


[BDV news]



>> 'Khát dầu', Trung Quốc phiêu lưu ở Biển Đông



Một đất nước với dân số lên đến 1,341 tỷ người, tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc loại nhanh nhất thế giới, năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 10,3%.


Điều đó đã đặt ra những áp lực ghê gớm đối với việc đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế bền vững cũng như các vấn đề ổn định nền kinh tế vĩ mô, các giải pháp an sinh xã hội.

Để đáp ứng năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, Bắc Kinh không ngừng mở rộng và tăng cường khai thác tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho nền kinh tế.

Ngoài việc tăng cường hết công suất các dự án khai thác tài nguyên trong nước, Bắc Kinh còn nhanh chóng vươn ra khắp thế giới để tăng cường khai thác tài nguyên, đặc biệt là khu vực châu Phi.

Đầu năm 2011, biến cố chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là cuộc chiến NATO gây ra ở Libya khiến Bắc Kinh chịu nhiều thiệt hại kinh tế to lớn.

Chiến sự biến quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 khu vực châu Phi rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu. Đã 3 tháng sau khi chiến dịch không kích Libya được bắt đầu, tình hình ở đây ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Theo số liệu được công bố bởi China Africa Real Story, trước khi xảy cuộc không kích của NATO chống lại chính quyền của Tổng thống Libya Gaddafi: Có khoảng 36.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Libya cùng với 75 công ty đang triển khai các dự án khai thác dầu mỏ và các dịch vụ liên quan. Tổng cộng có hơn 125 công ty, với 50 dự án lớn cùng với 60.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại các quốc gia Bắc Phi.

Cuộc nội chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy, tiếp đến là chiến dịch không kích Libya khiến toàn bộ dự án đang dang ở của Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác phải đóng cửa.

Toàn bộ số lao động nói trên buộc phải sơ tán khỏi Libya để trở về Trung Quốc, tạo thêm áp lực để giải quyết công ăn việc làm cho số lao động này. Hơn 75 công ty Trung Quốc đang làm việc tại Libya buộc phải để lại số tài sản có giá trị tại đây.



Việc phải di tản khỏi Bắc Phi đã tạo ra một cú "sốc" với kinh tế Trung Quốc.


Theo một báo cáo, cuối năm 2010, Trung Quốc hợp tác đầu tư nước ngoài với 16.000 công ty trên khắp thế giới, hơn 1.400.000 lao động đang làm việc, tổng giá trị tài sản nước ngoài đạt hơn 1.200 tỷ USD. Hiện tại, Trung Quốc chưa có biện pháp cụ thể nào để bảo vệ số tài sản này trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Số tài sản này gần như mất trắng bởi chiến tranh tại đây, chưa hết thiệt hại to lớn hơn cả đó là nguồn cung cấp dầu thô từ Libya gần như bị cắt đứt. Các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc bị “đói nguồn cung”

Biến cố này có thể coi là một cú “sốc” đối với nền kinh tế Trung Quốc, cùng với đó, sự can thiệp quân sự ngày càng sâu rộng của NATO tại Libya khiến cơ hội quay trở lại với các dự án khai thác dầu mỏ dang dở tại đây gần như bằng 0.



Việc thiếu kho dự trữ dầu mỏ chiến lược khiến nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương từ việc gián đoạn nguồn cung. Ảnh minh họa

Hiện tại, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, nhưng khác với Washington, Bắc Kinh thiếu một kho dự trữ dầu mỏ chiến lược đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nguồn cung như Mỹ hay EU.

Theo một báo cáo được đăng tải bởi Financial Times, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược với trữ lượng khoảng 500 triệu thùng. Đủ dùng cho khoảng 100 ngày sau khi gián đoạn nguồn cung.

Thế nhưng, phải đến tận năm 2020, kho dự trữ chiến lược này mới hoàn thành. Ngay cả vậy, các chuyên gia kinh tế dự đoán, kho dự trữ này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 75-85 ngày sau nhập khẩu. Biến cố tại Libya đã làm cho kế hoạch này bị gián đoạn và chưa biết khi nào mới hoàn thành.

Theo Economist, trước khi xảy ra chiến tranh Libya, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 150.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Libya, chiếm 3% tổng sản lượng dầu thô của Libya. Con số này sẽ tăng cao hơn nữa sau khi các dự án mới hoàn thành.

Việc nguồn cung dầu mỏ từ Libya bị cắt đứt càng làm cho áp lực năng lượng cho phát triển kinh tế của Trung Quốc thêm trầm trọng.




Áp lực năng lượng cho phát triển kinh tế khiến Bắc Kinh trở nên liều lĩnh hơn, trong ảnh tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam.


Việc công bố chủ quyền đường “lưỡi bò” chiếm 80% diện tích biển Đông đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia ASEAN đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh về chủ quyền biển đảo.

Khi tham vọng của mình chưa đạt được, Bắc Kinh trở nên “nóng mặt” khi thấy các quốc gia ASEAN tăng cường các dự án khai thác tài nguyên ở nơi đây.

Tài nguyên khoáng sản trên biển là có giới hạn, Bắc Kinh hiểu rõ điều này, và họ bất chấp thủ đoạn để cản trở hoạt động khai thác hợp pháp của các nước khác, thậm chí sử dụng tới các giải pháp “nhỏ nhen” là phá rối các hoạt động thăm dò dầu khí.Chỉ trong thời gian ngắn, tàu hải giám và tàu cải trang thành tàu đánh cá của Trung Quốc đã 2 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để phá hoại hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Mưu đồ của Bắc Kinh là quá “thô thiển”, cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, kéo dài quá trình triển khai khai thác dầu khí. Tạo tâm lý ức chế cho Việt Nam và hòng làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài đang hợp tác với PetroViet Nam.

Bắc Kinh đang cố tình biến phần biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ một vùng biển bình yên thành nơi sóng gió.

Vì vậy, đối phó với “mưu đồ” này của Trung Quốc, ASEAN cần thể hiện tinh thần đoàn kết hơn nữa, hợp tác chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung. Cần có các chính sách hợp lý để bảo vệ tài sản của quốc gia cũng như của nhà đầu tư nước ngoài.



[BDV news]



>> Tàu đổ bộ của Trung Quốc mới sử dụng đã xuống cấp



Tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc chưa sử dụng được bao lâu đã xuống cấp khá nghiêm trọng.


Tàu đổ bộ Type-071 lớp Ngọc Chiêu (Yuzhao), là loại tàu đổ bộ lớn nhất và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, chiếc đầu tiên được khởi đóng vào năm 2006 tại nhà máy đóng tàu Hồ Đông (Hudong), Thượng Hải. Chiếc thứ 2 cũng đang được gấp rút hoàn thành. Chưa đầy 2 năm sau, ngày 12/5/2007, tàu đổ bộ này đã hoàn thành và biên chế vào Hải quân Trung Quốc.

Hoạt động trong Hạm đội Nam Hải, chiếc Ngọc Chiêu thứ nhất mang số hiệu 998 Côn Lôn. Đây được xem là một bước tiến nhảy vọt cả về công nghệ và tốc độ đóng tàu của công nghiệp hàng hải Trung Quốc. Tàu đổ bộ Type-071 có thông số cơ bản như sau: Dài 210 mét, rộng 28 mét, mớn nước 7 mét, tải trọng tiêu chuẩn 20.000 tấn.

Theo nhà sản xuất, Ttàu được đóng theo công nghệ khá hiện đại, có thể chở từ 500-800 binh sỹ, 15-20 xe bọc thép lội nước, được trang bị 4 hệ thống đổ bộ khí đệm, 2 hệ thống đổ bộ cơ giới. Sàn đáp và nhà chứa máy bay có khả chở 2-4 trực thăng hạng nặng Z-8 Super Frelon.

Tàu đổ bộ Type-071 được trang bị hệ thống vũ khí có nguồn gốc từ Nga, 1 pháo hạm AK-176 76mm, 4 pháo bắn nhanh AK-630 30mm, 4 hệ thống phóng mồi bẫy.

Sự ra đời của tàu đổ bộ Type-071 được xem là một nỗ lực lớn của Trung Quốc trong việc tăng cường năng lực đổ bộ cho hải quân nước này. Type-071 được cho là có thể so sánh với tàu đổ bộ lớp San Antonio của Hải quân Mỹ, nhưng chi phí xây dựng chỉ bằng 1/3 so với tàu đổ bộ của Mỹ.

Tuy nhiên, chiếc tàu đổ bộ hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc chưa sử dụng được bao lâu đã bị xuống cấp.

Một số hình ảnh được đăng trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy, con tàu này đã bị ăn mòn khá nghiêm trọng cho dù thời giàn hành hải của nó chưa được bao lâu.

Dù lớp sơn ở phía trên từ mặt nước trở lên vẫn còn mới, nhưng phần từ mặt nước trở xuống đã bị ăn mòn khá nghiêm trọng.

Một số thành viên trên các trang mạng Trung Quốc nhận định rằng, do chạy theo tốc độ hiện đại hóa quá nhanh mà vấn đề chất lượng của các con tàu cũng như các trang thiết bị đi kèm chưa được chú trọng một cách triệt để.



Phần đuôi tàu bị ăn mòn khá nghiêm trọng, con tàu hiện đại này được đóng trong vòng chưa đầy 2 năm.



Phần mũi tàu cũng bị ăn mòn tương tự, cho dù phần sơn phía trên còn rất mới.



[BDV news]



Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang