Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Libya

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Libya. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Libya. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

>> Thổ Nhĩ Kỳ muốn điều chiến hạm tới Libya



Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất triển khai các chiến hạm để giúp NATO thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya, báo chí thế giới dẫn nguồn tin từ NATO ngày 23/3 cho hay.

Trước đó, hôm 17/3 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh thiết lập vùng cấm bay đối với Libya và cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường tránh các cuộc tấn công của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào các thành phố do lực lượng nổi dậy kiểm soát.

Theo báo chí quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất sẽ triển khai 5 chiến hạm, bao gồm 4 khinh hạm và một tàu phục vụ, cùng với một tàu ngầm để giúp thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya.




Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến hạm tới tham gia phong tỏa Libya.


Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối sự can thiệp quân sự tại Libya. Hiện vẫn chưa có sự xác nhận chính thức của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về đề xuất triển khai số tàu chiến này.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Pháp đã đạt được thoả thuận rằng NATO cần phải giữ vai trò chính trong chiến dịch quân sự tại Libya.

Vào ngày 22/3, Cao ủy Liên minh châu Âu ông Catherine Ashton phụ trách Chính sách Ngoại giao và An ninh đã xác nhận rằng cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang tiến hành.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO đã hoàn thành kế hoạch về vùng cấm bay và việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí tại Libya. Đồng thời tất cả các thành viên của liên minh quân sự NATO đã “cam kết thực hiện trách nhiệm của mình theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực không thể chấp nhận được đối với thường dân Libya.”

Mỹ đã đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 14 công ty Libya thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, mà Mỹ cho là “trung tâm của hệ thống dầu khí quốc gia Libya” và là “nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho chế độ Gaddafi.”

Mới đây, đài truyền hình quốc gia Libya đưa tin có ít nhất 60 thường dân thiệt mạng và hơn 150 người khác bị trọng thương trong các cuộc không kích liên tiếp của lực lượng Liên quân NATO.


>> Mount Whitney - Tàu chỉ huy Mỹ trong chiến dịch Libya



[Vnexpress news] Trong chiến dịch tấn công Libya, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ huy động 11 tàu hải quân các loại và tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của Đô đốc Samuel Locklear từ tàu USS Mount Whitney.

USS Mount Whitney là loại tàu chỉ huy lớp Blue Ridge là đầu não ra mệnh lệnh của Hạm đội 6 hải quân Mỹ. Kể từ khi được hạ thủy năm 1969, chiếc tàu có trọng tải 18.400 tấn này đã trải qua hơn 4 thập kỷ hoạt động tại rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Bản thân tên của tàu chỉ huy này cũng có xuất xứ thú vị. Mount Whitney (Đỉnh Whitney) là một đỉnh núi tuyết thuộc dãy Sierra Nevada của bang California. Đặc biệt hơn, Mount Whitney chính là đỉnh núi cao nhất Hoa Kỳ lục địa (không tính tiểu bang Alaska) với độ cao 4.421 m.



Một binh sĩ đang thao tác với máy tính trên tàu USS Mount Whitney. Ảnh: Life.

Không chỉ gây chú ý từ cái tên đặc biệt, USS Mount Whitney còn thực sự là một tàu hải quân được trang bị tối tân. Tàu có thể truyền và nhận một lượng lớn dữ liệu an ninh trên khắp thế giới thông qua các kênh liên lạc đa dạng. Tính năng ưu việt này giúp USS Mount Whitney trở thành một trung tâm đầu não xử lý các thông tin tình báo và hỗ trợ cho việc ra quyết định một cách chính xác.

Với chiều dài 189 mét và rộng 33 mét, chiếc tàu hải quân 42 năm tuổi này từng là nơi làm việc và sinh hoạt của 600 người cho tới tận năm 2004, trước khi số lượng này được tinh giảm xuống còn 12 sĩ quan hải quân, 150 binh nhì và 155 thủy thủ dân sự. USS Mount Whitney cũng chính là chiếc tàu đầu tiên của hải quân Mỹ có sự tham gia phục vụ lâu dài của nữ giới.

USS Mount Whitney được trang bị 2 hệ thống phòng thủ tên lửa chống tàu, 2 khẩu pháo M242 Bushmaster 25 mm, 4 súng máy tự động và nhiều hỏa tiễn Mark 36 SRBOC. USS Mount Whitney hiện có kèm theo một trực thăng cơ động SH-60 Knight Hawk. Trong 90 ngày liên tiếp, tàu hải quân này không cần phải tiếp thêm lương thực và thậm chí có thể vận chuyển hàng hóa cũng như thực phẩm các loại để cứu trợ khẩn cấp cho khoảng 3.000 người.

Kể từ năm 1971 tới năm 2004, USS Mount Whitney lần lượt hoạt động tại Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Caribbean, Ấn Độ Dương và Vùng Sừng Châu Phi với nhiều nhiệm vụ khác nhau trước khi tới Gaeta (Italia) vào năm 2005. Kể từ đây, tàu hải quân này mang tên chính thức là USS Mount Whitney và đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy Hạm đội 6 thay cho tàu hải quân USS La Salle.


Tàu USS Mount Whitney. Ảnh: Clker.


Tháng 08/2008, USS Mount Whitney trở thành tàu hải quân đầu tiên của NATO cập cảng Poti (Gruzia) để tham gia công tác viện trợ nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến 10 ngày giữa Nga và Gruzia. Gần đây nhất, USS Mount Whitney trở thành cơ quan chỉ huy của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến dịch tấn công Libya.

Tính từ tháng 02/2005 khi cập cảng Gaeta và trở thành tàu chỉ huy của Hạm đội 6, USS Mount Whiney đã trải qua hơn 32.000 dặm ngang dọc khắp các hải phận với nhiều nhiệm vụ đa dạng. Nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch tấn công Libya chính là một cột mốc tiếp theo đánh dấu tầm quan trọng của chiếc tàu này đối với hải quân Mỹ nói riêng và quân đội nước này nói chung.


>> Khám phá 'sào huyệt' của đại tá Gadhafi



Hiện không ai có thể biết đại tá Muammar Gadhafi ở đâu, nhưng nhà lãnh đạo của Libya chắc hẳn sẽ rất nhớ khu Bab al-Azizia, nơi được coi là "sào huyệt" của ông suốt nhiều năm qua.

Trong tiếng Ảrập, Bab al-Azizia có nghĩa là "Chiếc cổng tráng lệ". Đây là trung tâm đầu não của chế độ Gadhafi và luôn được ví như một biểu tượng tranh đấu của nhà lãnh đạo đất nước Libya. Không chỉ phục vụ mục đích quân sự, Bab al-Azizia đồng thời cũng là nơi ở của gia đình Gadhafi và rất nhiều bữa tiệc linh đình đã được tổ chức tại đây.

Tuy nhiên, so với những dinh thự nguy nga của các ông hoàng Ảrập hay những gia tộc giàu có ở vùng Vịnh, đại bản doanh của đại tá Gadhafi có phần khiêm tốn hơn rất nhiều.




Cảnh đại tá Gadhafi thề chống lại Mỹ và phương Tây hôm 22/02, với nền phía sau là "Ngôi nhà kháng chiến" đổ nát. Ảnh: Shahidulnews.

Sở hữu khối tài sản được ước tính lên tới vài chục tỉ USD nhưng nhà lãnh đạo Libya không thể rảnh tay xây cho mình một lâu đài nguy nga bên bờ Địa Trung Hải. Vốn là cái gai từ lâu trong mắt Mỹ và nhiều nước phương Tây, Gadhafi luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công và sẽ chẳng ích gì khi cố sức xây một lâu đài khi biết rằng nó sẽ liên tục bị đánh phá.

Rộng 6 km2 và nằm cách không quá xa sân bay quốc tế Tripoli, Bab al-Azizia là một mục tiêu không quá khó để xác định trong các cuộc không kích. Ngày 15/4/1986, nhận lệnh trực tiếp từ cựu Tổng thống Ronald Reegan, 13 máy bay Mỹ đã ném bom khu nhà ở của gia đình Gadhafi ở khu vực trung tâm Bab al-Azizia.

Đây là hành động trả đũa của Mỹ sau vụ đánh bom tại một sàn nhảy ở Berlin khiến 2 công dân nước này thiệt mạng, vụ tấn công mà Libya bị cáo buộc thực hiện. Tuy nhiên, được sự cảnh báo từ Malta và Italia, Gadhafi đã kịp thoát khỏi khu nhà và chỉ bị thương nhẹ. Ngoài việc khu nhà bị phá hủy một phần, tổn thất đáng kể được Gadhafi khẳng định đó là cô con gái nuôi 15 tháng tuổi Hana thiệt mạng và 2 trong số những người con trai của ông bị thương.

Mặc dù vậy, sự thật về Hana vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi nhiều thông tin khẳng định cô con gái nuôi này của Gadhafi chỉ là câu chuyện được dựng lên nhằm tuyên truyền lòng căm thù Mỹ và phương Tây trong dân chúng Libya.

Cho tới nay, khu nhà này vẫn chưa được xây lại. Tuy nhiên, nó đã được mang một cái tên mới là "Ngôi nhà kháng chiến". Ngay phía trước khu nhà, Đại tá Gadhafi cho dựng lên một tượng đài lớn có hình cánh tay trái màu vàng đang bóp nát một chiến đấu cơ của Mỹ. Kể từ đó, "Ngôi nhà kháng chiến" thường xuyên được Gadhafi sử dụng làm nền cho những lần xuất hiện trên truyền hình, như khi ông lên tiếng phản đối phán quyết vụ Lockerbie vào năm 2001 hay gần đây là những tuyên bố chống lại Mỹ và phương Tây hồi tháng trước.

Cũng chính tại tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng này, nhiều thường dân Libya đã đến tụ tập và có những hành động thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Gadhafi. Họ được coi là lá chắn sống để bảo vệ nhà lãnh đạo Libya trước các cuộc không kích của liên quân.

Chếch lên phía tây bắc khoảng 400 mét so với "Ngôi nhà kháng chiến" là căn lều theo kiểu du mục Ảrập của nhà lãnh đạo 68 tuổi. Đây là 1 trong số 4 nơi ở chính của ông trong suốt hơn 4 thập kỷ nắm quyền tại Libya. Năm 2004, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Shroeder từng có mặt trong căn lều này khi thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức tới Libya.

Vụ không kích diễn ra tuần trước của liên quân đã đánh sập hầu như toàn bộ một tòa nhà chỉ huy trung tâm cao 50 mét và chỉ cách căn lều kể trên vài bước chân. Lực lượng liên quân cho hay họ coi tòa nhà này là mục tiêu đánh phá, nhằm cắt đứt liên lạc giữa Gadhafi và lực lượng quân đội trung thành với ông.

Ở phía đông nam của Bab al-Azizia là một sân bóng đá dành cho các gia đình sinh sống gần đó. Theo mô tả của BBC, khu nhà ở của các gia đình này gợi lại hình ảnh của những trại tập trung người tị nạn tại dải Gaza. Người ta cho rằng nhiều khả năng những ngôi nhà này không chỉ phục vụ mục đích dân sinh mà có cả mục đích quân sự.



Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

>> Tên lửa phòng không cơ động và vác vai của Libya còn sống sót


[Vietnamdefence news] Một số phương tiện chiến đấu của phòng không Libya, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không cơ động SA-6 (Kvadrat) và SA-8 (Osa) đã tránh khỏi bị tiêu diệt sau cuộc tấn công đầu tiên chống các hệ thống phòng không tĩnh tại.


Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống phòng không và radar báo động sớm của Libya đã bị tiêu diệt, Phó đô đốc Mỹ Bill Gortney cho biết.

Ông cũng cho biết, đang có sự “suy giảm hoạt động đáng kể của các radar phát hiện mục tiêu bay của Libya”.

Kinh nghiệm các chiến dịch quân sự trước đó cho thấy, việc phát hiện và tiêu diệt một số hệ thống phòng không cơ động có thể mất nhiều thời gian. Mặc dù, các hệ thống này đang không hoạt động ở chế độ chiến đấu, việc sử dụng các máy bay tác chiến điện tử EA-18G sẽ giúp chế áp, ngăn chặn sử dụng các hệ thống đó nếu như Libya cố sử dụng chúng. Phạm vi sử dụng sức mạnh quân sự khắt khe có lẽ sẽ tạo ra những hạn chế trong sử dụng tên lửa chống radar nhằm vào các đài radar và trong trường hợp này nhiễu sẽ được sử dụng.

Việc triệu hồi các tiêm kích-bom Tornado GR4 của Không quân Anh đang thực hiện một cuộc tập kích tầm xa cho thấy mức độ hạn chế trong sử dụng sức mạnh quân sự. Lý do hủy bỏ cuộc tấn công là việc phát hiện có dân cư trong khu vực mục tiêu.

Ông Gortney cũng cho biết, Libya còn một số lượng lớn tên lửa phòng không vác vai SA-7 (Strela). Trong khi đó, Qatar đã thông báo việc 4 tiêm kích Mirage 2000 của họ tham gia thiết lập vùng cấm bay ở Libya




>> Nhật, Libya rối loạn đem lại nhiều lợi ích cho Nga


[BDV news]Nguồn cung dầu lớn là Libya bị ngừng trệ và Nhật thiếu năng lượng do đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân khiến các bên liên quan càng cần dầu, khí đốt của Nga.

Châu Âu thiếu dầu
 Libya là nước sản xuất dầu lớn thứ 18 thế giới với thị trường chủ yếu là châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Đức. Do đó, khi tình hình Libya bất ổn, nguồn cung dầu từ Libya cũng bị ngưng trệ, châu Âu rơi vào cảnh thiếu năng lượng.



Dầu từ Libya chủ yếu chảy sang châu Âu.


Nhiều nước xuất khẩu dầu khác như Arabia Saudi…trấn an châu Âu, rằng họ sẽ tăng sản lượng để bù đắp vào khoản thiếu hụt này.

Tuy nhiên, thực tế thì dầu thô của Libya có chất lượng cao, phần lớn lượng dầu có trong 1,5 triệu thùng/ngày xuất ra bên ngoài là dầu nhẹ và ngọt (có lượng lưu huỳnh thấp, dễ lọc và sản xuất thành xăng và diêzen nhiên liệu).

Chỉ có 25% dầu của thế giới có cùng chất lượng như vậy. Do đó, thâm hụt từ Libya có nghĩa là thâm hụt 9% của loại dầu này. Dầu thô của Arab Saudi là loại dầu nặng và chua, nên dù có sản xuất ra cũng không thể là một thay thế hoàn hảo cho dầu của Libya. Nói cách khác, Libya bất ổn, nguồn cung bị ngưng trệ, châu Âu rơi vào cảnh thiếu năng lượng.

Bằng chứng dễ thấy nhất là cuối tháng trước, Italy phải đề nghị công ty năng lượng của Nga là Gazprom tăng lượng khí đốt từ mức 30 triệu m3 một ngày lên 48 triệu m3 một ngày sau khi công ty năng lượng của Italy là ENI phải đóng một đường ống chính vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Libya về Italy.


Hàng loạt nhà máy hạt nhân phải đóng cửa.

Tình hình ở Nhật còn tồi tệ hơn khi nước này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân, nơi cung cấp khoảng 30% nguồn năng lượng cho toàn đất nước mặt trời mọc. Cộng với nhu cầu có thêm năng lượng sản xuất, tái thiết…Nhật càng cần năng lượng từ bên ngoài và xung quanh họ, chỉ có Nga mới có thể đáp ứng yêu cầu này.

Xét trên quy mô toàn cầu, từ khi xảy ra khủng hoảng hạt nhân ở Nhật, hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ... khẳng định sẽ xem xét lại chiến lược năng lượng nguyên tử. Thậm chí, Đức còn đóng luôn 7 lò phản ứng hạt nhân cũ nhất của họ.

Một nhà phân tích của ngân hàng Deutsche của Đức cho rằng, chỉ cần 10% số nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới đóng cửa vì lý do an toàn, loài người cần thêm 7 tỷ m3 khí thiên nhiên một ngày.

Nhiều nhà phân tích khẳng định, khủng hoảng hạt nhân ở Nhật làm xói mòn niềm tin của loài người vào năng lượng nguyên tử nhưng điều này lại là tín hiện tốt cho khí đốt như là nguồn năng lượng thay thế hợp lý.

Khí đốt có khả năng lên ngôi.


Thời cơ vàng của Nga
Chỉ cần điểm qua vài nét như trên, dễ thấy là năng lượng hạt nhân sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu không muốn nói là sẽ thụt lùi. Tuy nhiên, đây lại là thời cơ của các loại năng lượng khác, nhất là khí đốt.

Tranh thủ thời cơ này, Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller khẳng định: "Chúng tôi có thể bơm thêm 50-70 triệu m3 sang châu Âu” dù quyết định cuối cùng phụ thuộc vào các nhà tiêu dùng.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết là Gazprom dự định tăng nguồn cung khí đốt hóa lỏng sang Nhật thêm 100.000 tấn trong hai tháng 4 và 5; bên cạnh kế hoạch “chuyển” cho Nhật 6.000 megawatt điện trong tương lai gần.

Còn tính về lâu dài, Nga định tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu sang Nhật trong năm nay lên mức 18 triệu tấn và tăng lượng sản phẩm dầu khí 28,5% lên mức 4,5 triệu tấn nhằm giúp Nhật vượt qua khó khăn.

Nhật là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 thế giới và chủ yếu họ phải nhập khẩu. Mỗi năm, họ tiêu thụ hết khoảng 80 tỷ m3 khí thiên nhiên, chiếm 15% tổng nhu cầu nhiên liệu của họ. Nhật cũng là nước nhập khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Phó giám đốc điều hành của Gazprom là Alexander Medvedev tuyên bố, việc Nga, Nhật cùng hợp tác trong khai thác hai mỏ Kovykta và Chayanda sẽ giúp Nhật giải quyết các khó khăn năng lượng mang tính chiến lược.

Phó Thủ tướng Igor Sechin thông báo, Nhật cũng lên kế hoạch hợp tác với hãng sản xuất dầu lớn nhất của Nga là Rosneft nhằm xây một cơ sở chế biến dầu tại Viễn Đông.

“Chúng tôi cũng đề nghị Nhật hợp tác với Nga trong các dự án lọc dầu. Tôi có thể nói là hai bên sắp đạt được hiệp định. Chúng tôi cũng thống nhất tăng nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn cho Nhật”, ông Sechin chia sẻ.


Ông Putin "biến" Nga thành Arabia Saudi về khí đốt tự nhiên, đủ sức tự mình ổn định thị trường thế giới.


Tổng giám đốc điều hành công ty khí đốt và dầu ENI của Italy Paolo Scaroni nhận định, khủng hoảng ở Nhật và bất ổn tại Libya sẽ củng cố vị thế của Nga tại thị trường năng lượng châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Một quan chức của Gazprom từ chối bình luận về tác động của các sự kiện ở Nhật, Libya với họ nhưng ông cũng thừa nhận là đây là tin tốt cho các nhà sản xuất năng lượng, trong đó có Gazprom.

Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng Oxford Jonathan Stern tỏ ý nghi ngại rằng, chưa chắc châu Âu tăng cường nhập khí đốt của Nga bởi Nga hay “bắt chẹt” họ; điển hình là trong vụ tranh cãi với Ukraine năm 2009, Nga ngừng chuyển khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại không cho châu Âu và Nhật nhiều sự lựa chọn. Ai cũng cần có năng lượng để hoạt động. Do đó, không sớm thì muộn, ai cũng phải đi mua dầu, khí đốt; chỉ có điều là làm sao thương thảo để mua được với giá rẻ nhất mà thôi.

Tuy nhiên, Nga cũng biết rõ lợi thế của mình nên tiến trình ký kết hợp đồng sẽ không đơn giản. Thậm chí, họ sẽ tiếp tục dùng năng lượng như một công cụ để gây sức ép với các đối tác.

Và như Thủ tướng Vladimir Putin vừa hồ hởi tuyên bố, sang năm tới, Nga sẽ đạt mức GDP thời trước khủng hoảng và đóng góp không nhỏ vào sự hồi sinh này chắc chắn là giá dầu.

>> Vì sao Mỹ dùng vũ lực với Libya, còn Yemen và Bahrain thì không?


[BDV news] Cả ba nước đều sử dụng vũ lực để "xử lý" các cuộc biểu tình nhưng Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Hai nước còn lại chỉ bị phản đối bằng lời bởi họ là đồng minh của Mỹ.

Khi cuộc nổi dậy lan ra khỏi Bắc Phi thì Washington tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước bởi sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ dường như quan trọng hơn là hy vọng của Mỹ về các phong trào phản kháng.

Cụ thể, Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Obama phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Nói cách khác, “Mỹ rất sợ rằng nếu ông Saleh đi, Yemen sẽ sụp đổ”, bà Marina Ottaway, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington nhận định. Tương tự, ở Bahrain, Mỹ có căn cứ hải quân lớn nên cũng không phản ứng quân sự.

“Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo. Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”, bà Marina khẳng định.



Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Ảnh minh họa.

Ngay cả với Libya, sự thận trọng mới cũng đang được thể hiện. Chính quyền ngần ngại một thời gian trong việc ủng hộ quyết định áp dụng vùng cấm bay, bởi lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thứ ba của My tại một quốc gia Hồi giáo, sau Afghanistan và Iraq.

Và Mỹ chỉ quyết định việc này sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Arab và các đồng minh châu Âu.

Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp quân sự tới mức nào đối với khu vực cấm bay được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, cũng như chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Gaddafi thành công trong việc níu giữ quyền lực.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử và làn sóng biểu tình tràn qua khu vực, người ta có thể nói rằng thận trọng là một chính sách hợp lý, nếu nhìn từ quan điểm Mỹ.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

>> VN nói cuộc tấn công Libya là 'tiền lệ xấu'






[BBC Vietnamese] Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại trước các diễn biến mới nhất ở Libya, trong khi Đảng Cộng sản nói việc liên quân tấn công là "không thể chấp nhận được".




Nhanh không kém nước lớn láng giềng Trung Quốc, vốn đã ngỏ ý "tiếc" về hoạt động quân sự của liên quân phương Tây tại Libya, hôm Chủ nhật 20/03, Chính phủ Việt Nam tuyên bố qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao:

"Việt Nam lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libya với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân Libya và hòa bình, ổn định ở khu vực."

Trước đó, cũng trong ngày Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nói nước này luôn phản đối việc "sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Nga và một số nước khác cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Bắc Kinh bày tỏ hy vọng "Libya sẽ sớm khôi phục ổn định và tránh thương vong cho người dân", đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc tôn trọng "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Bắc Phi.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia.”

Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không đề cập tới thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Libya và phe nổi dậy, mà các binh lính trung thành với Đại tá Gaddafi bị cáo buộc vi phạm.

'Khoác áo bảo vệ nhân quyền'
Trong khi đó, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm thứ Hai 21/03 chạy bài xã luận chỉ trích chiến dịch quân sự của Anh-Pháp-Mỹ tại Libya là "hành động quân sự khoác áo bảo vệ nhân quyền".

Bài xã luận viết rằng cuộc tấn công vào Libya, "một nước độc lập, có chủ quyền" đang "gây đau thương và chết chóc cho người dân vô tội".

Báo Nhân dân đặt câu hỏi: "Phải chăng đây chỉ là cái cớ để can thiệp tình hình nước này?" và trích dẫn một số phân tích gia nói rằng mục đích cuối cùng của chiến dịch quân sự hiện thời là "thiết lập một chính quyền thân phương Tây, tạo ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực".

Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công Libya là sự xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Ðây là điều không thể chấp nhận được vì tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.

Xã luận báo Nhân dân
Bài xã luận cũng nói "dư luận quốc tế tỏ rõ nghi ngờ mục tiêu chiến dịch quân sự" của phương Tây tại Libya.

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công Libya là sự xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền".

"Ðây là điều không thể chấp nhận được vì tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế."

Phản ứng của Việt Nam được cho là không bất ngờ vì Tripoli lâu nay giữ quan hệ khá mật thiết cả về chính trị và ngoại giao với Hà Nội.

Việt Nam và Libya có cơ chế tham khảo chính trị, cùng chia sẻ nhiều quan điểm chung về tình hình quốc tế, nhất là vai trò của Mỹ và các nước phương Tây.

Cũng là quốc gia 'Xã hội Chủ nghĩa', Libya của Đại tá Gaddafi và Việt Nam cùng phản đối can thiệp của nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực dân chủ-nhân quyền.

Truyền thông Việt Nam cũng cho hay đại sứ quán Việt Nam tại Tripoli vẫn an toàn tuy có thể sẽ sơ tán sang một nước láng giềng nếu bạo lực leo thang.


Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

>> Pháp điều tàu sân bay đến Libya



Paris hôm nay điều tàu sân bay Charles de Gaulle để tăng cường lực lượng cho cuộc tấn công chống lực lượng của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi.

Con tàu hàng đầu của hạm đội hải quân Pháp khởi hành từ cảng hải quân Toulon vào lúc 12h GMT (19h Hà Nội) hôm nay, chở 20 máy bay chiến đấu, hầu hết là Rafale và Super Etendard, cùng các trực thăng chiến đấu và hai máy bay trinh thám loại E-2.

Các quan chức Pháp cho hay, tàu sân bay còn cách Libya 24 giờ tàu chạy, tuy nhiên nó cần từ 36 đến 48 giờ để cho máy bay và các thiết bị đổ bộ lên tàu.




Teen lwar Tomahawk của Mỹ bắn đi từ ven biển Bahamas nhằm vào Tripoli. Ảnh: AFP

Tàu sân bay được ba tàu chiến khác hộ tống, gồm tàu chống tàu ngầm, tàu phòng không và tàu đa nhiệm tàng hình. Ngoài ra còn một tàu tiếp liệu. Toàn bộ nhóm này được bảo vệ bởi một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó các máy bay chiến đấu của Pháp tiếp tục quần thảo trên bầu trời Libya, trong chiến dịch can thiệp của liên quân phương tây và một số quốc gia Arập.

Các chiến đấu cơ của Pháp tối qua đã thực hiện bốn vụ tấn công xuống lãnh thổ Libya, với mục tiêu phá hủy các chiến xa, xe bọc thép của quân đội trung thành với nhà lãnh đạo chính phủ Libya Gadhafi. Cùng lúc, hơn 110 tên lửa hành trình của Mỹ và Anh từ các tàu chiến xung quanh Libya nã vào thủ đô Tripoli của nước này.

Chính quyền Gadhafi cho hay, 48 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào Tripoli. Ông Gadhafi tuyên bố quyết tâm chống lại "cuộc xâm lăng trắng trợn" này, và đe dọa một cuộc chiến kéo dài khắp khu vực Địa trung hải.

Hôm nay, tham mưu trưởng quân đội Mỹ Michael Mullen phát biểu khẳng định rằng giai đoạn đầu của chiến dịch quốc tế nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Libya đã "thành công".

Chiến dịch không kích Libya được Pháp, Anh, Mỹ và các nước đồng minh thực hiện sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết cho phép áp dụng vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Libya, mở đường cho những cuộc không kích. Giai đoạn đầu này của chiến dịch là nhằm tiêu diệt khả năng phòng không của quân đội Libya, sau đó các phi cơ của liên quân sẽ triển khai ngày đêm nhằm đảm bảo không một máy bay quân sự hay dân sự nào của Libya được phép cất cánh nếu không được phép của ủy ban cấm bay.

Nga, Trung Quốc, Venezuela đã lên tiếng phản đối hoặc "lấy làm tiếc" về chiến dịch của liên quân do Pháp, Anh và Mỹ đứng đầu chống chính quyền Libya.

(vnexpress.net)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang