Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: tàu ngầm

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn tàu ngầm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tàu ngầm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

>> Hàn Quốc phát triển tàu ngầm mang tên lửa đường đạn



Các công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering và Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc sẽ hợp tác phát triển tàu ngầm lớp KSS-III.



Tàu có lượng giãn nước 3.000 tấn và sẽ được Hải quân Hàn Quốc nhận vào trang bị sau năm 2018. KSS-III sẽ được trang bị các tên lửa đường đạn phóng thẳng đứng, các giếng phóng dành cho chúng đã được chế tạo.



Tàu ngầm Type 214 của Hải quân Hàn Quốc (defencetalk.com)


Giếng phóng tên lửa do Daewoo phát triển với sự hợp tác của Cục Phát triển quốc phòng ADD của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Loại giếng phóng này dùng cho tên lửa đường đạn mới Cheonryong có tầm bắn 500 km.

Cheonryong được chế tạo dựa trên tên lửa đường đạn Hyunmoo III-A do ADD và công ty LIG Nex1 sản xuất.

Ngoài KSS-III, Cheonryong còn là vũ khí chính của các tàu ngầm lớp Type 214 do Hyundai đóng theo giấy phép của hãng Đức HDW.

Hải quân Hàn Quốc hiện có 9 tàu ngầm diesel-điện Type 209 và 3 chiếc Type 214. Hiện chưa rõ Hàn Quốc dự định nhận vào trang bị bao nhiêu chiếc tàu ngầm KSS-III. Trước đó có tin, các tàu ngầm mới sẽ sử dụng các hệ thống đạo hàng và chỉ huy chiến đấu do ADD và Samsung Thales hợp tác phát triển.

[VietnamDefence news]


Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

>> Iran trang bị tên lửa cho tàu ngầm



Phó tư lệnh lực lượng hải quân Iran, đô đốc Farhad Amiri, cho biết, các tàu ngầm của hải quân sẽ được trang bị tên lửa trong tương lai gần.



“Việc sử dụng ngư lôi có những giới hạn nhất định. Chúng tôi đang hướng đến việc trang bị các hệ thống phóng tên lửa cho tàu ngầm”, hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời đô đốc Farhad Amiri vào hôm qua (01/5).





Vị tư lệnh hải quân cấp cao này cũng ca ngợi những thành tựu đặc biệt của Iran trong hoạt động tác chiến không theo cách thông thường và cho biết kẻ thù của Iran ngạc nhiên trước những tiến bộ của Tehran.

“Ví dụ, một số tàu cao tốc của chúng ta có khả năng xác định và phóng tên lửa vào các mục tiêu đang chuyển động ở tốc độ cao từ 50 – 60 hải lý (100km/h)”, tư lệnh Amiri nói.

Trước đó, ngày 17/4, đô đốc Amir Farhadi cho biết Tehran có kế hoạch triển khai các tàu ngầm mới do nước này sản xuất để tuần tra các vùng biển ngoài khơi phía Nam Iran.

Theo ông Farhadi, loại tàu ngầm 500 tấn nói trên sẽ được phiên chế cho hạm đội Hải quân Iran vào tháng 7/2012. Loại tàu có kích cỡ trung bình này được thiết kế chủ yếu để tuần tra các tuyến đường biển ở phía Nam Iran, đặc biệt tại vùng Vịnh Persian và Eo biển Hormuz.

Tháng 8/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi thông báo nước này đã hạ thủy bốn tàu ngầm mini Ghadir sản xuất trong nước ở Vịnh Persian. Theo ông Vahidi, loại tàu ngầm này có khả năng phóng ngư lôi và tấn công chính xác. Tehran cũng đang sản xuất hàng loạt loại tàu chiến lược này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Hải quân Iran.

Tháng trước, Iran đã đạt được bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực phòng thủ và đạt tới khả năng độc lập sản xuất các hệ thống và trang thiết bị quân sự quan trọng.

Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này đã nhiều lần cam đoan rằng sức mạnh quân sự của họ không đe dọa nước khác, và rằng học thuyết quân sự của Tehran chỉ dựa trên sự răn đe.


[Vitinfo news]


Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

>> Mỹ tăng gấp đôi tốc độ đóng tàu ngầm



Chiếc tàu ngầm thứ 2 được đặt hàng trong năm 2011 đánh dấu việc lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, Hải quân Mỹ đặt hàng nhiều hơn 1 tàu ngầm trong vòng 1 năm.



Theo thông tin ban đầu, chiếc tàu ngầm chưa được đặt tên mang số hiệu SSN-87, thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân Virginia và là chiếc thứ 14 của lớp tàu ngầm này.

Kinh phí đóng tàu là 1,2 tỷ USD, chưa bao gồm các khoản chi trả cho các thiết bị sử dụng lâu dài trên tàu ngầm, nhất là lò phản ứng hạt nhân.

Việc đóng thêm tàu ngầm là ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ, trong bối cảnh Washington liên tục đưa ra các chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách.



Tàu ngầm lớp Virginia của Hải quân Mỹ


Bản ngân sách quốc phòng với kế hoạch đóng tàu ngầm thứ 2 vừa được Quốc hội Mỹ đồng ý hồi đầu tháng 4 và chính thức phê chuẩn ngày 15/4.

Theo quy định hiện hành, giới hạn ngân sách dành cho đóng tàu ngầm của Mỹ là 2 tỷ USD, 2 năm/lần. Với 2 tàu ngầm đặt hàng trong năm 2011 và 2012, lẽ ra Hải quân Mỹ đã chạm giới hạn ngân sách nhưng Quốc hội Mỹ đã cho phép "vượt rào".

Sở dĩ Mỹ tăng được số tàu ngầm đóng trong năm là vì Hải quân Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với công ty Electric Boat để tìm cách cắt giảm chi phí đóng tàu ngầm.

Đại diện công ty Electric Boat tuyên bố: Công ty đã cắt giảm được 20% chi phí so với lần đóng tàu ngầm đầu tiên vào năm 1998.

Virginia là lớp tàu ngầm tấn công đa chức năng thế hệ mới chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.

Dự kiến chiếc tàu ngầm số hiệu SSN-87 sẽ được chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2016.


[BDV news]


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

>> Thực lực tàu ngầm của các nước châu Á -TBD



Trang tin China.com ngày 15/4 cho biết, các nước và khu vực ở châu Á đã tạo ra “làn sóng” mua sắm tàu ngầm trang bị cho quân đội.

Tổng quan về xu hướng mua sắm tàu ngầm


Theo dự tính của các chuyên gia quân sự tại khu vực châu Á, trong khoảng 10 năm tới, các nước khu vực này sẽ đầu tư trên 50 tỷ USD để mua hơn 90 tàu ngầm. Sự đầu tư này có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang không thể tránh được.

Báo cso nhận xét, một đặc trưng giống nhau cơ bản nhất của hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đều có biển bao quanh hoặc một phần lãnh thổ tiếp giáp biển. Vì vậy, những quốc gia này cần phải có một lực lượng hải quân lớn mạnh và khả năng chiến đấu cao trên biển nhằm bảo vệ lãnh hải của quốc gia đó.

Chính vì vậy, tàu ngầm được coi là một trong những vũ khí bảo vệ hiệu quả nhất và rất thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ này.



Tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga đang được sử dụng trong hải quân của rất nhiều nước trên thế giới.


Tất nhiên, khi hải quân của một nước có tàu ngầm đối đầu với hải quân không được trang bị tàu ngầm, ưu thế tác chiến và khả năng dành quyền kiểm soát chiến trường thuộc về nước sở hữu vũ khí lặn được dưới nước.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ở châu Á, một số nước có nền kinh tế khá ổn định bắt đầu xây dựng các hạm đội tàu ngầm cho riêng nước mình.

Nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột Ấn Độ (Institute of Peace and Conflict Studies) chỉ ra, trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, tàu ngầm đã trở thành lực lượng hàng đầu của Hải quân hiện đại. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có khao khát giống nhau là có thể sở hữư những chiếc tàu ngầm có khả năng chiến đấu cao. Tuy nhiên, lúc đó các khoản chi phí để chi trả cho việc mua sắm tàu ngầm, xây dựng và duy trì các hạm đội đã khiến một số nước phải đứng ngoài và mơ ước.

Hiện nay, cùng với sự ra đời của tàu ngầm động cơ diesel hiện đại hóa và giá cả hợp lý, các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tích lũy được ngân sách để đầu tư mua tàu ngầm nhằm tăng cường sức mạnh hải quân. Trong số đó, phải kể tới Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tích cực trang bị và cạnh tranh mua sắm tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân.

Bên cạnh đó còn có các nước có nền kinh tế phát triển và các nước đang phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Singapore, Pakistan, Thái Lan, Indonesia, và Australia... Xu hướng chung của các nước này là phát triển và mua các loại tàu ngầm động cơ diesel trong 10 năm tới.

Dưới đây là thông tin về lực lượng tàu ngầm của một số quốc gia trong khu vực:

Trung Quốc
Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc có hạm đội tàu ngầm lớn mạnh, có hơn 60 chiếc tàu ngầm đang phục vụ trong Lực lượng Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc đã có kế hoạch nâng cấp hiện đại hóa các trang thiết bị hiện có của Hải quân, từng bước loại bỏ những các động cơ tàu ngầm đã có tuổi thọ hơn 30 năm, và sẽ thay thế vào đó là tàu ngầm hiện đại hơn như tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạck mua tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula, và chế tạo tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 094

Ấn Độ:

 Hải quân Ấn Độ có 4chiếc tàu ngầm mua từ nhà máy đóng tàu Horvath Deutsche của Đức (HDW), 10 chiếc tàu ngầm lớp Kilo và 4 chiếc tàu ngầm lớp Foxtrot.


Hải quân Ấn Độ đang tăng cường phát triển lực lượng tàu ngầm.


Ngoài ra, Ấn Độ đang lên kế hoạch chuẩn bị nâng cấp các trang thiết bị cho Lực lượng Hải quân Ấn Độ bằng việc đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Scorpene và bổ sung thêm 6 chiếc tàu ngầm tiên tiến được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP).

Indonesia: 

Indonesia là quốc gia có các quần đảo lớn nhất thế giới, có diện tích biển rộng lớn, nhưng lại chỉ có 2 chiếc tàu ngầm Type 209 đã được nâng cấp.

Dự kiến, Bộ quốc phòng Indonesia đã lên kế hoạch trước năm 2024 sẽ mua ít nhất 12 chiếc tàu ngầm, trong đó bao gồm tàu ngầm lớp Chang Bogo do Hàn Quốc sản xuất, tàu ngầm lớp Amur, tàu ngầm lớp Kilo của Nga, tàu ngầm Type 214 của Đức.

Malaysia: 

Hải quân Malaysia hiện tại có 2 chiếc tàu ngầm lớp Scorpene do công ty DCN của Đức và Nhà máy đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha phối hợp sản xuất.

Hải quân Malaysia đang có kế hoạch để mua nhiều tàu ngầm loại nhỏ Andrsta để thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực ven biển.

Singapore:

 Hiện tại Hải quân Singapore (RSN) đang sở hữu 4 chiếc tàu ngầm lớp Sjoormen đã được cải tiến để thích ứng với điều kiện khí hậu của Singapore, số tàu ngầm này đều được mua từ Hải quân Hoàng gia Thụy Điển.

Loại tàu ngầm này sau khi được thiết kế lại và tối ưu hóa, thì thích ứng với môi trường chiến đấu dưới nước nông hơn, và còn thích hợp với các vùng biển quanh Singapore.

Bên cạnh đó, Singapore còn có dự tính mua hai chiếc tàu ngầm A-17 lớp Vastergotland của Thụy Điển, để thay thế tàu ngầm lớp Challenger.

Thái Lan: 

Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã nỗ lực để xây dựng hạm đội tàu ngầm của riêng nước mình, và có kế hoạch mua tàu ngầm lớp Amur, hoặc mua tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc.

Nhật Bản: 

Lực lượng Bảo vệ bờ biển của Nhật Bản hiện có 18 chiếc tàu ngầm lớp Harushio và tàu ngầm lớp Oyashio.


Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng cường phát triển Lực lượng phòng vệ bờ biển.


Tuy nhiên Phía Nhật cũng có kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng tàu ngầm lớp Soryu có trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP).

Hàn Quốc: 

 Hải quân Hàn Quốc có 9 chiếc tàu ngầm Type 209 thuộc lớp Chang Bogo, và 2 chiếc tàu ngầm lớp Sun Yuan Yi. Đến năm 2018, Hàn Quốc có kế hoạch sử dụng tàu ngầm tiên tiến Type 214 do Đức sản xuất.

Pakistan:

 Hải quân Pakistan hiện có 3 chiếc tàu ngầm lớp Agosta 90B, 4 chiếc tàu ngầm lớp Daphne và 2 chiếc tàu ngầm Type 70 lớp Agosta. Tuy nhiên, tàu ngầm lớp Daphne sẽ sớm bị loại thải, Pakistan đã có kế hoạch mua mới 3 chiếc tàu ngầm SSK Type-214.

Australia: 

Chính phủ Australia cũng đang có kế hoạch nâng cấp hạm đội của hải quân., và dự kiến sẽ trang bị tàu ngầm thế hệ mới để thay thế tàu ngầm lớp Collins đang trong biên chế của hải quân nước này.

Dự tính tàu ngầm lớp Collins sẽ ngừng hoạt động vào năm 2026. Giai đoạn thiết kế ban đầu của tàu ngầm thế hệ mới của Australia có sẽ bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2015.

Đây là một trong những đầu tư lớn nhất trong lịch sử của Chính phủ Australia cho lĩnh vực quân sự này, tổng chí phí có thể lên tới 25 tỷ USD và sẽ mất 17 năm để hoàn thành.

Dựa vào các số liệu trên, dự đoán thị trường tàu ngầm Châu Á trong 10 năm tới sẽ đầu tư hơn 50 tỷ USD để mua hơn 90 chiếc tàu ngầm. Việc mua bán không chỉ giới hạn ở các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel truyền thống, mà nhiều nước cũng có ý định mua tàu ngầm động cơ hạt nhân được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập và có thể duy trì khả năng chiến đấu cao hơn.


[BDV news]


Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

>> Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp hàng loạt tàu ngầm



[BDV news] Bộ Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Công ty STM của nước này đã ký hợp đồng hiện đại hoá hàng loạt các tàu ngầm cũ.

Theo đó một loạt tàu ngầm cũ sẽ được gia hạn sử dụng. Hợp đồng sửa chữa được ký chính thức vào ngày 31/3. Tổng giá trị hợp đồng hiện nay vẫn chưa được tiết lộ.

Trong khuôn khổ hợp đồng gồm kế hoạch hiện đại hoá các tàu ngầm loại S-351 Doğanay, S-352 Dolunay và Atılay.

Theo kế hoạch hiện đại hoá, các tàu loại tàu này sẽ được trang bị kính tiềm vọng mới (Zeiss SERO 400 hoặc OMS 100 thay cho Kollmorgen), hệ thống dẫn đường quán tính mới do công ty Raytheon sản xuất và tổ hợp trinh sát kỹ thuật điện tử ARES-2N do Aselsan sản xuất.



Tàu ngầm Atilay từng là loại tàu ngầm chủ lực của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ


Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch hiện đại hoá 4 ống phóng ngư lôi để bảo đảm phóng ngư lôi hạng nặng Mk48 ADCAP Mod6 AT, nhưng trong các điều kiện của hợp đồng mới không quy định điều này.

Tàu ngầm loại S-351 Doğanay và S-352 Dolunay sẽ được hiện đại hoá tại Xưởng đóng tàu của hải quân ở Gölcük trong thời hạn 4 năm.

Tàu ngầm loại Atılay (dự án 209/1200 Atilay là tàu ngầm xuất khẩu do công ty Howaldtswerke-Deutsche Werft của Đức đóng) thuộc dòng tàu ngầm lạc hậu nhất trong biên chế của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Các tàu ngầm thuộc dòng Atilay này một thời từng là loại tàu ngầm chủ lực của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, được đưa vào biên chế từ 36 năm trước. Tàu ngầm mới nhất thuộc dòng này này trang bị cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 22 năm.

Hiện nay, trong trang bị Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có 6 tàu ngầm loại Atılay. Trong số đó, sẽ có 2 tàu ngầm được cho “nghỉ hưu” khi hải quân nước này biên chế các tàu ngầm mới dự án 214.

Một số các đặc tính cơ bản của tàu ngầm Atilay:

Lượng choán nước: 1.185 tấn

Dài: 55,9m; Rộng: 6,2m; ;

Vận tốc: 11 hải lý/h; Thuỷ thủ đoàn: 38 người;

Vũ khí: 8 ống phóng ngư lôi 533mm (cơ số đạn tác chiến dự trữ - 14 ngư lôi).


>> Bắn nhau trên tàu ngầm Anh



[BDV news] Cảnh sát Anh vừa bắt một thủy thủ trên tàu ngầm nguyên tử HMS Astute đang đỗ ở cảng Southampton sau khi anh này bắn chết một đồng nghiệp và làm một người khác bị thương nặng.

Giới truyền thông Anh cho hay, vụ nổ súng xảy ra khoảng 12h12 ngày 8/4 (giờ địa phương). Nghi phạm sử dụng súng trường SA80 để “nã” hai đồng nghiệp trước khi bị khống chế và bắt giữ.

Một nhân chứng kể lại rằng, anh nghe thấy 6 loạt đạn. Sau đó một đồng nghiệp bị trúng đạn chạy vọt qua người anh.

Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh, một nạn nhân thiệt mạng ngay tại hiện trường, trong khi một người khác bị thương khá nặng. Bộ quốc phòng Anh thông báo là sẽ không công bố tên của hai nạn nhân cho tới khi gia đình họ được thông báo.

Người phát ngôn này cũng cho biết, nghi phạm là một thủy thủ làm nhiệm vụ canh gác tàu ngầm. Anh này vừa nhận súng từ kho vũ khí của tàu khi tới làm nhiệm vụ canh gác và dự kiến nhận ca trực thì xảy ra tranh cãi với một đồng nghiệp về việc sử dụng phòng vệ sinh. Ngay sau đó, sẵn có súng trên tay, anh khai hỏa về phía các đồng nghiệp.



Vụ nổ súng khiến một người thiệt mạng và một người khác bị thương.


Tàu ngầm HMS Astute hoạt động tại Scotland nhưng đang có chuyến "thăm" kéo dài 5 ngày tới Southampton. Con tàu có giá một tỷ bảng Anh này là một trong 11 tàu ngầm hạt nhân của Anh. Nó được trang bị ngư lôi Spearfish và tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, con tàu gặp phải không ít biến cố trong sự nghiệp ngắn ngủi. Theo dự kiến, HMS Astute được đưa vào sử dụng năm 2005 nhưng thời hạn này bị lùi đến năm 2010, với khoản ngân sách vượt hàng triệu USD. Đến tháng 10/2010, HMS Astute lại đâm phải đá và bị mắc kẹt gần đảo Skye ngoài khơi bờ biển phía Tây của Scotland.




Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

>> Vũ khí diệt tầu ngầm qua các thời kỳ (kỳ 3)



Nếu bom chìm, súng cối, rocket chống ngầm có tính chất phòng vệ thụ động thì máy bay, tên lửa tầm xa săn ngầm là những vũ khí tấn công tầu ngầm có tính chủ động.

>> Vũ khí diệt tầu ngầm qua các thời kỳ (kỳ 1)
>> Vũ khí diệt tầu ngầm qua các thời kỳ (kỳ 2)





Ống phóng tên lửa chống ngầm RPK-6 trên khu trục hạm Neutrasimiy của Nga.
Tên lửa tầm xa chống ngầm
Các phiên bản ngư lôi chống ngầm trang bị đầu dò tự dẫn hạng nhẹ thường được dùng làm đầu đạn trên các tên lửa đối hạm để đối phó với tầu ngầm ở khoảng cách xa.

Điển hình của dòng vũ khí này có thể kể đến tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC phóng từ tầu nổi, UUM-44 SUBROC phóng từ tầu ngầm của Mỹ và các dòng RPK của Nga như RPK-6 Vodopad, RPK-9 Medvedka phóng từ tầu nổi; RPK-2 Viyuga, RPK-7 Vorobei phóng từ tầu ngầm.

Những loại tên lửa này có thể phóng đi từ những ống phóng chuyên dụng hoặc các loại ống phóng ngư lôi 533 mm hay 650 mm; có tầm bay vượt trội so với rocket chống ngầm (UUM-44 SUBROC có tầm bay tới 55km hay tên lửa nhiên liệu rắn của hệ thống RPK-6/7 có tầm bay tới 100 km). 



 Tên lửa VL-ASROC đang được bắn thử nghiệm.

Đầu đạn sau khi phóng đến vị trí phát hiện tầu ngầm sẽ tự tách ra và được thả bằng dù xuống biển và tự tìm mục tiêu bằng thiết bị định vị âm thanh gắn kèm.

Máy bay săn ngầm
Sự phát triển của không quân trong thời kỳ hiện đại đã mang đến một giải pháp chống ngầm hữu hiệu, đó là các máy bay chống ngầm. Nhiệm vụ chủ động săn tìm và tiêu diệt tầu ngầm thường được giao cho các loại máy bay cánh cố định, có tốc độ bay vừa phải và thời gian bay lớn.

Điển hình cho loại máy bay này là máy bay săn ngầm P3C - Orion của Mỹ và Ilyushin IL-38 của Nga. P3C Orion có tốc độ bay hành trình khi làm nhiệm vụ là 610 km mỗi giờ và có thể bay liên tiếp 14 tiếng liên tục, còn thông số này đối với IL-38 là 645 km mỗi giờ trong 12 tiếng hành trình.

Các loại máy bay săn ngầm này thường có tải trọng lớn, vì bên trong chứa các thiết bị phát hiện và theo dõi tầu ngầm hiện đại như các loại sonar; radar tìm và diệt mục tiêu, cảm biến địa từ trường.



Máy bay săn ngầm P3C-Orion của Hải quân Mỹ.




Máy bay săn ngầm IL-38 của Nga đang phục vụ cho không quân Ấn Độ.

Ngoài ra, chúng cũng được trang bị các loại vũ khí như ngư lôi tự dẫn chống ngầm, bom chìm, tên lửa chống hạm (AGM-86 Harpoon trên P3C) và thậm chí là tên lửa không đối không để tự vệ như AA-11 Archer trên IL-38).

Năng lực hoạt động của những chiếc máy bay săn ngầm này rất lớn; những chiếc IL-38SD mới của Hải quân Nga có khả năng phát hiện và tấn công tầu ngầm ở khoảng cách lên đến 150 km. Nhiệm vụ của các tầu săn ngầm hay tự vệ trước tầu ngầm của những tầu chiến thông thường khác cũng được san sẻ cho những chiếc trực thăng chống ngầm trang bị đi theo tầu. Những chiếc trực thăng đảm nhận nhiệm vụ này có thể kể đến như SH-60B Seahawk của Hoa Kỳ, AW101 Merlin của Anh hay Ka-27 Helix của Nga.



Trực thăng chống ngầm AW-101 Merlin của Anh với các thiết bị điện tử chứa trong khoang bụng có hình dáng đặc trưng.




Trực thăng chống ngầm SH-60B Seahawk của Mỹ đang bắn một quả ngư lôi MK-46.




Phi đội săn ngầm tiêu chuẩn của Ka-27.

Chúng cũng được trang bị các loại radar, cảm biến điện từ trường, sonar ... để phát hiện tầu ngầm và các loại vũ khí chống ngầm như ngư lôi, bom chìm hay tên lửa chống hạm.

Phát triển kỹ thuật phát hiện và theo dõi tầu ngầm.
Phát triển song song cùng vũ khí tiêu diệt là các loại thiết bị do thám, giúp phát hiện chính xác sự hoạt động của tầu ngầm. Với mục tiêu chủ động phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các tầu ngầm đối phương, những hệ thống phao thủy âm (sonar) đơn giản như ASDIC không còn đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Dù ngày nay kỹ thuật sử dụng sonar chủ động và bị động đều có những tiến bộ vượt bậc nhưng các tầu ngầm hiện đại đều được trang bị những thiết bị khử âm hiệu quả.

Những tầu ngầm tấn công như loại Akula của Nga có lớp phủ cách âm dày đến 100 mm, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau có thể ngăn chặn âm thanh ở tất cả các tần số, giúp tiếng động nó phát ra giảm đến 100 lần. Do đó, việc sử dụng những kỹ thuật khác để phát hiện tầu ngầm là điều tất yếu.



Các phương pháp theo dõi và phát hiện tầu ngầm phổ biến hiện nay

Radar: Các tầu ngầm hoạt động bằng động cơ diesel thường có thời gian lặn liên tục kéo dài từ vài ngày đến một tuần, sau đó chúng phải nổi lên để vận hành động cơ diesel, sạc lại các bộ pin trong tầu.

Tại thời điểm này, chúng dễ bị phát hiện bởi radar gắn trên các loại máy bay săn ngầm. Dù chỉ phát hiện tầu ngầm khi chúng nổi lên trên mặt nước, nhưng radar có thể giúp phát hiện được các tầu ngầm ở khoảng cách cực kỳ xa để khoanh vùng và sử dụng các biện pháp đối phó bổ sung.

Hiện nay, một số hệ thống radar hiệu quả đang được Hải quân Mỹ sử dụng phải kể đến AN/APS-115 trên máy bay P3C Orion và AN/APS - 124 gắn trên trực thăng SH-60B Seahawk.

Cảm biến địa từ trường (MAD - Magnetic Anomaly Detector): Về nguyên tắc cơ bản, cảm biến MAD hoạt động tương tự như những thiết bị dò kim loại: Một vật làm bằng kim loại có kích cỡ lớn như tầu ngầm sẽ tạo ra một khu vực địa từ trường khác thường xung quanh nó.

Các cảm biến MAD sẽ tính toán dựa trên cường độ của điểm thay đổi địa từ trường này các thông số như kích cỡ, chất liệu vật cản để xác định đó có phải là tầu ngầm hay không.

Trước sự phát triển mãnh liệt của tầu ngầm Liên Xô, và sau này là của Nga, Trung Quốc, Mỹ đã kịp "chạy theo" những bước dài và phát triển công nghệ cảm biến điện từ trường gồm các hệ thống AN/ASQ-81 sử dụng trên máy bay săn ngầm S3B Viking và hệ thống AN/ASQ-208 trên máy bay P3C Orion.

Cảm biến điện từ: Các thiết bị cảm biến điện từ sẽ kiểm tra và phát hiện các tần số “lạ” của sóng radio phát ra khi tầu ngầm đối phương liên lạc với căn cứ. Loại cảm biến này không những gắn được trên các tầu nổi và máy bay, mà chúng thậm chí có thể gắn trên cả những tầu ngầm tấn công để phát hiện và tiêu diệt tầu ngầm đối phương.

Cảm biến hồng ngoại (IR-Infra Red sensor): Các cảm biến hồng ngoại (FLIR hay IRDS) có thể phát hiện được những vùng nước ấm tạo ra do động cơ tầu ngầm phát nhiệt khi vận hành. Đặc biệt là về đêm khi các hệ thống khác hoạt động kém hiệu quả.

Không những thế, các cảm biến hồng ngoại gắn trên máy bay săn ngầm còn có thể sử dụng để theo dõi các phương tiện hoạt động trên biển khác như tầu nổi, người nhái...

Thiết bị quan sát quang điện: Được dùng để cải thiện tầm nhìn của mắt thường, giúp dễ dàng phát hiện ra các tầu ngầm hoặc kính tiềm vọng của chúng nổi trên mặt nước.


Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

>> 10 chiếc tàu ngầm 'dị hợm' (kỳ 2)



Tàu ngầm lai, tàu ngầm cá mập, tàu ngầm chim ưng... là những mẫu còn lại trong bộ sưu tập 10 chiếc tàu ngầm "quái đản".

>>10 chiếc tàu ngầm 'dị hợm' (kỳ 1)


Tàu ngầm Hyper Sub






Hầm hố và hiện đại là từ dùng để miêu tả về chiếc siêu tàu ngầm.

Bạn có thể trải nghiệm cảm giác của chàng điệp viên James Bond khi lái chiếc siêu tàu ngầm như trong phim, nếu sẵn sàng chi ra 3,5 triệu USD. Với tên gọi Hyper-Sub, chiếc tàu ngầm hybrid đầu tiên trên thế giới, giới thiệu hồi tháng 4/2010.

Với thiết kế sang trọng và lịch lãm, tàu ngầm là sản phẩm của công ty Marion HSPD, hướng tới thị trường là các đại gia muốn sở hữu những siêu tàu ngầm xa xỉ, vừa có khả năng của một chiếc thuyền buồm thông thường.

Điểm tạo nên giá trị to lớn của Hyper Sub là toàn bộ chiếc tàu được chế tạo một cách thủ công. Với động cơ kép, tổng công suất của tàu là 880 mã lực, giúp tàu ngầm đạt vận tốc tối đa là 74,08 km/h và có thể đi quãng đường dài 800 km. Độ sâu tối đa mà tàu có thể lặn là 0,7 km.

Về thiết kế bên trong , tàu có thể chở 4 hành khách và 1 thủy thủ lái tàu. Nội thất đều được bọc bằng da giả gỗ, trang bị hệ thống GPS, tự lái và điện thoại vệ tinh.

Tàu ngầm vàng

Nổi bật với màu vàng, chiếc tàu ngầm có khoang lái chỉ chứa được 2 người .

Là một chiếc tàu ngầm cá nhân, đúng như tên gọi, nó được sơn hoàn toàn màu vàng. Không giống như Hyper –Sub hay Trilobis 65, chiếc tàu ngầm này chỉ có hai chỗ ngồi thay vì khoang tàu rộng rãi cho nhiều người làm việc thoải mái.

Khả năng lặn tối đa của tàu là 300 m trong thời gian liên tục 6 tiếng, đủ cho những chuyến tham quan đáy biển hay cho những mục đích nghiên cứu, khoa học. Hoạt động của tàu được cấp nhờ nguồn pin điện 120 V và 24 V,.

Ngoài ra, tàu được trang bị đèn halogen, radio băng tần VHF, thiết bị GPS và bầu tròn có thể thay đổi nhiệt độ. Tuy nhiên, để sở hữu chiếc tàu ngầm vàng này không phải là mức giá rẻ. 2 triệu USD là số tiền bạn phải bỏ ra.

Tàu bán ngầm EGO

Thiết kế độc đáo của EGO cùng với sự thân thiện với môi trường .

Về mặt kỹ thuật, đây không phải là một chiếc tàu ngầm, nhưng không có nghĩa, EGO không thể hoạt động dưới nước. Theo thiết kế, phần khoang lái của EGO luôn nằm dưới nước. Tuy nhiên, vì là tàu bán ngầm, nên nửa trên của con tàu luôn ở trên mặt nước.

Phần khoang lái chìm giúp cho hành khách tận hưởng cảnh quan kỳ thú dưới mặt nước một cách rõ ràng. Thêm nữa, với động cơ chạy điện, EGO hoàn toàn thân thiện với môi trường. Mất 6-10 giờ sạc, hành khách có thể du hành liên tiếp trong khoảng 4 giờ.

Những chiếc cửa sổ của EGO làm bằng chất liệu acrylic dày 20 mm giúp chống chịu tốt với áp suât của nước. Trọng lượng của EGO là 3.500 kg và trọng lượng chở tối đa là 300 kg. Vận tốc của tàu đạt 9 km/h.

Tàu ngầm cá mập Seabreacher X

Chiếc tàu ngầm giống hệt như chú cá mập lao ra khỏi mặt nước. .

Với hình dáng giống hệt như một chú cá mập, chiếc tàu ngầm Seabreacher X này có khả năng đạt tới vận tốc 80 km/h (trên mặt nước) và 25 km/h (dưới nước) nhờ động cơ mạnh 260 mã lực Rotax 1500 cc.

Loại tàu ngầm với khả năng bật khỏi mặt nước gần 4 m (nhờ hệ thống nhảy Axial Flow) trước khi lặn sâu đang trở thành thú vui ưa thích của giới thượng lưu, triệu phú với mức giá 94.000 USD.

Tàu có 2 chỗ ngồi với chiều dài 3,6 m, được trang bị nội thất sang trọng. Công nghệ cao là điểm nổi bật của loại tàu ngầm này với hệ thống GPS, màn hình LCD kết nối với camera lắp tại bộ phận thông khí cho hình ảnh “thực”, hệ thống âm thanh có cổng gắn với iPod.

Theo Rob Innes, người sở hữu quyền sáng chế của Seabreacher X, tàu ngầm là đứa con lai giữa một chiếc máy bay, tàu thủy và tàu ngầm. Phiên bản trước đó, Seabreacher J có hình một chú cá heo.

Tàu ngầm chim ưng Deep Flight Super Falcon (DFSF)

Với thiết kế như một chiếc máy bay, Falcon có khả năng như một chú chim ưng dưới mặt nước với tốc độ cao.

Là sản phẩm cuối cùng của kĩ sư Graham Hawkes, DFSF là một chiếc tàu ngầm có hình dáng của máy bay, với nguồn cấp điện đặt ở cánh, trị giá tới 1,5 triệu USD.

DFSF được trang bị một chân vị đơn gắn ở rìa khiên nó trông giống như một cánh quạt điện, giúp lái tàu cùng với nguồn điện từ pin lithium photphat 48 V.

Lớp vỏ của tàu khá dày và chắc chắn, làm từ hỗn hợp cacbon-epoxy, vòm tàu làm bằng vật liệt plexiglas. Tàu chỉ có thể chở hai hành khách trong buồng lái.

Theo kĩ sư Hawkes, con tàu có thể “bay” giống hệt như một chiếc máy bay phản lực, với động cơ điện điều khiển khả năng lộn vòng, trồi lên ngụp xuống. Tốc độ khi “bay” xuống tối đa là 60 m/phút, gấp đôi khi đi lên. Nếu di chuyển dưới nước liên tiếp, nó có khả năng hoạt động trong 5 giờ với vận tốc 7 km/h.

Ông John McCosker, viện trưởng viện khoa học California phát biểu, chiếc tàu ngầm này có thể cho phép ông và các đồng nghiệp, lần đầu tiên có thể lần theo dấu những cuộc hành trình của cá heo, cá voi và thậm chí là cả cá mập.

(bdv news)

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

>> Thụy Điển phát hiện xác tàu ngầm Liên Xô



Một công ty thăm dò đại dương của Thụy Điển đã phát hiện xác một tàu ngầm lớp Whiskey của Liên Xô, vào năm 2009.

Khi đó, Hải quân Thụy Điển đã nhanh chóng tuyên bố, kết quả cuộc tìm kiếm là một chiếc tàu ngầm đã quá cũ bị chìm và được thuyền của Nga kéo đến bãi xử lý (được tháo dỡ để bán sắt vụn).

Nhiều khả năng, xác tàu này là một trong những chiếc tàu ngầm Liên Xô bị Hải quân Thụy Điển phát hiện và tấn công vào những năm 1980.

Thời điểm đó, tàu ngầm của Liên Xô thường xuyên qua lại vùng lãnh hải của Thụy Điển để tiến hành các nhiệm vụ tình báo, do thám. Chính phủ Thụy Điển không thích thú gì hành động xâm phạm lãnh hải và cực lực phản đối.

Nước này đã cho tiến hành một số chiến dịch quân sự và nhiều người tin rằng Hải quân Liên Xô đã mất vài chiếc tàu ngầm trong các vụ đụng độ đó, hầu hết là tàu ngầm lớp Whiskey.



Những chiếc tàu ngầm lớp Whiskey đều do Liên Xô sản xuất trong giai đoạn Chiến tranh lạnh.

Với sự tiết lộ thông tin của công ty thăm dò đại dương, nhiều chính trị gia Thụy Điển kêu gọi điều tra xác tàu ngầm, với mong muốn tìm kiếm được những thứ gì hữu ích hoặc nguy hiểm (tàu ngầm lớp Whiskey được biết đến với các nhiệm vụ tấn công bằng ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân).

Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển không hứng thú với việc này, nhằm tránh làm nóng mối quan hệ láng giếng vốn không yên ả với Nga. Còn, Hải quân Thụy Điển tuyên bố, sẽ kiểm tra con tàu.

Đôi nét về tàu ngầm lớp Whiskey:
Tàu ngầm lớp Whiskey được phát triển qua 3 dự án 613, 644 và 665 của Liên Xô trong giai đoạn đầu Chiến tranh lạnh.

Từ năm 1949-1958, đã có tổng cộng 236 chiếc tàu ngầm được biên chế vào Hải quân Liên Xô. Nhiệm vụ chủ yếu ban đầu của tàu ngầm là tuần tra bờ biển với các biến thể như Whiskey I, II (được trang bị pháo hai nòng 25 mm ở tháp chỉ huy).

Từ năm 1950-1960, Liên Xô cải tiến một số tàu ngầm Whiskey, với khả năng bắn từ 1-4 tên lửa hành trình SS-N-3.

Từ năm 1960-1963, Liên Xô tiếp tục tiến hành Dự án 665, cho ra đời 6 tàu ngầm mang 4 tên lửa SS-N-3.

(bbc news)

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

>> 10 chiếc tàu ngầm 'dị hợm' (kỳ 1)



Có những chiếc tàu ngầm làm từ máng lợn, hay có hình dáng như một con trai. Đặc biệt, trong số các tàu ngầm này có một chiếc do người Việt Nam thiết kế.

Tàu lặn rocket Scubster

Toàn thân được sơn vàng, Scubster giống như quả rocket.

Trình làng trong Green Air Show tại Paris tháng 6/2010, một nhóm nghiên cứu người Pháp đã chế tạo thành công một chiếc tàu lặn độc đáo Scubster có hình thon dài như rocket. Điểm đặc biệt, người thiết kế ra nó là một người Việt Nam, có tên Trương Minh Lộc.

Toàn thân được sơn vàng, Scubster có chiều dài 4,2 m, rộng 2,4 m và cao 1,5 m. Tàu ngầm hoạt động dựa trên hệ thống bàn đạp nối với chân vịt ở bên, kết nối nhờ bánh răng và dây curoa. Vận tốc tối đa của Scubster là 10 km/h.

Để có thể di chuyển hướng lên, xuống, rẽ phải hay rẽ trái, nhà thiết kế Minh Lộc đã tạo ra một hệ thống điều khiển trong khoang lái khá đơn giản và dễ sử dụng.

Con tàu được thiết kế để tham gia cuộc đua tàu ngầm quốc tế vào tháng 6/2011 tại bang Maryland (Mỹ), tại Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh trên biển của hải quân Mỹ.

Tàu ngầm máng lợn

Chiếc tàu từ máng lợn cũ đã lặn thành công 15 phút trong lần thử đầu tiên.

Cậu bé 14 tuổi, Aaron Kreier tại bang Thurgau, Thụy Sĩ đã làm kinh ngạc nhiều người khi chế tạo thành công một chiếc tàu ngầm có thể hoạt động thực, chỉ từ một cái máng lợn cũ.

Vốn có niềm đam mê với hải quân từ nhỏ, năm 10 tuổi, cậu đã chế tạo được một chiếc tàu nạp điện bằng bàn đạp từ những vật liệu cũ trong kho của gia đình.

Chiếc tàu ngầm máng lợn của cậu được sự cho phép của cảnh sát cảng, được thử nghiệm tại bến cảng Arbon.

Cậu đã khiến mọi người thán phục khi cho tàu ngầm hoạt động trong 15 phút liên tục. Cậu dự định sẽ sử dụng chiếc tàu ngầm để thám hiểm vùng nước ngầm ở hồ Constance, một địa điểm “lý thú và kỳ bí” với cậu từ nhỏ.

Tàu ngầm xa xỉ

Với thiết kế tiện nghi, con tàu có giá "sốc' là 2,7 triệu USD.

Xứng đáng với đánh giá xa xỉ, để sở hữu một chiếc tàu ngầm VAS Nautilus, bạn phải bỏ ra tới 2,7 triệu USD, một con số không hề nhỏ.

Được thiết kế từ phiên bản tàu ngầm Nautilus quân sự, chiếc tàu ngầm đặc biệt ở khả năng trang bị Diver Lockout, cho phép bạn có thể thoát ra khỏi tàu ngầm khi đang ở dưới nước.

Phiên bản Mk II của VAS có thể chở 5 hành khách với vận tốc 11,1 km/h. Điểm khác biệt của chiếc tàu ngầm xa xỉ là được trang bị nhà vệ sinh riêng, quầy bar mini, máy chơi nhạc và video, những tấm kính trong suốt để khách có thể quan sát khung cảnh bên ngoài tàu ngầm khi lặn dưới đáy biển.

Tàu ngầm Trilobis 65

Những chiếc tàu ngầm Trilobis có thể gắn với nhau tạo thành quần đảo.

Có hình dạng một con trai, tàu ngầm Trilobis với chiều dài 20 m do nhà thiết kế Giancarlo Zema sáng tạo, với mục đích tạo một nơi ở cho khoảng 6 người dưới biển, có dạng nửa chìm nửa nổi.

Theo các đánh giá, loại tàu này rất lí tưởng cho việc sống ở các vịnh, đảo san hô hay công viên đại dương.

Thiết kế của Trilobis 65 gồm 4 tầng riêng rẽ, nối với nhau bằng cầu thang xoắn ốc. Tầng trên cùng ở độ 1,4 m trên mực nước biển, cho phép hoạt động, ra vào thoải mái.

Tầng kế tiếp nằm bên dưới mực nước biển 0,8 m, ở dạng bán chìm, sử dụng như là khu ban đêm. Còn hai tầng bên dưới, cách mặt nước 3 m, hoàn toàn chìm, sử dụng là phòng quan sát và khu vực riêng tư.

Hình dạng của Trilobis cho phép việc kết nối nhiều tàu ngầm với nhau tạo thành một khu vực liên đảo hình khuyên. Tên của tàu ngầm bắt nguồn từ Trilobiti, tên loại sinh vật nhỏ bé sống dưới biển cách đây 500 triệu năm.

Nguồn năng lượng để cấp cho hoạt động của Trilobis 65 là hydro, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và diesel. Khả năng di chuyển của Trilobis có thể đạt tới 12 km/h.

Tàu ngầm Nautilus thu nhỏ

Chiếc tàu ngầm giống như trong truyện đến từng chi tiết.

Tác giả Jules Verne, cha đẻ của cuốn truyện phiêu lưu “2 vạn dặm dưới đáy biển” chắc chắn sẽ ngạc nhiên với chiếc tàu ngầm Nautilus này.

Bob Martin, người thiết kế và chế tạo chiếc tàu ngầm dưới dạng bản sao của Nautilus, dựa trên mẫu tàu mà Disney đã làm cho bộ phim hoạt hình của họ, với tỉ lệ xích là 1:32. Chiếc tàu được điều khiển từ xa qua sóng radio.

Martin đã phải rất cần mẫn và tỉ mĩ để dựng lại từng chi tiết nhỏ nhất về thiế kế cũng như chức năng của tàu, từ hệ thống xi lanh kín nước cho tới các bình đựng chất nén để tàu có thể lặn, hệ thống điều khiển theo cơ cấu tự động. Tàu được nạp điện nhờ pin lithium ion.

(bdv news)

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

>> Lục quân Trung Quốc lớn nhất hành tinh



Trung Quốc là quốc gia có lục quân đông nhất hành tinh với 1,6 triệu binh lính, sĩ quan… Tuy nhiên, khi ra tới biển, họ chưa phải là đối thủ của Mỹ khi nước này có 336.289 binh sĩ đang triển khai trên tàu, thuyền…

Mỹ là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho quốc phòng với ngân sách là 692,8 tỷ USD trong năm 2010. Tuy nhiên, nước có tốc độ tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất lại là Trung Quốc với việc họ tăng thêm 6 tỷ USD trong năm qua.



Ngân sách quốc phòng Mỹ lớn nhất hành tinh.

Chưa dừng lại, Mỹ cũng là cường quốc số 1 thế giới về số binh sĩ không quân với quân số 340.990 người. Bên cạnh đó, Mỹ là “độc cô cầu bại” về số máy bay không người lái khi có tới 239 chiếc, về xe tăng (6.242 chiếc) và vệ tinh quân sự (55 chiếc).

Về số lượng máy bay ném bom chiến lược, Nga vẫn là nhà vô địch thế giới khi có 251 phi cơ. Ngoài ra, họ cùng với Mỹ là hai nước có số tàu ngầm nhiều nhất thế giới. Mỗi nước có 14 chiếc.

(bdv news)

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

>> Top 10 tàu ngầm thế kỷ 20



Được dùng để tìm diệt kẻ thù dưới đáy biển hay chuyên chở tên lửa hạt nhân, tàu ngầm luôn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng quân sự của các cường quốc suốt thể kỷ 20.

1. Tàu ngầm U loại VII



Tàu ngầm U loại VII được mệnh danh là "dã thú" dưới nước.

Là lớp tàu ngầm nổi tiếng nhất trong lịch sử, được mệnh danh là “dã thú” dưới nước, tàu ngầm U loại VII con át chủ bài của lực lượng tàu ngầm Đức trong chiến tranh Thế giới thứ II. Tàu có lượng giãn nước 900 tấn, trang bị 5 ống phóng ngư lôi và có kích thước nhỏ hơn các tàu khác trong hạm đội Mỹ nhưng nó luôn giành ưu thế trong các cuộc đụng độ ở Đại Tây Dương trong thế chiến II. Tuy nhiên, tổn thất của loại tàu này không phải là nhỏ, trong số 1.100 tàu được sản xuất thì có hơn 800 tàu đã bị hư hỏng, hơn 75% thủy thủ tử vong.

2. Tàu ngầm lớp Seawolf

Seawolf là tàu ngầm đắt nhất trong lịch sử.

Tàu ngầm lớp Seawolf (sói biển) có giá 4 tỷ USD thuộc loại tàu ngầm đắt nhất trong lịch sử. Chúng được thiết kế để trở thành chiến binh bất khả chiến bại trên đại dương. Loại tàu này có nhiệm vụ săn đuổi và phá hủy các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Tuy nhiên, vì chi phí sản xuất quá cao nên Seawolf đã bị đình chỉ sản xuất sau khi xuất xưởng được... ba chiếc tàu. Một trong số đó là tàu USS Jimmy Carter, sau này được chuyển thành tàu ngầm do thám.

3.Tàu ngầm lớp Gato

Tàu ngầm lớp Gato là "cơn ác mộng" của Nhật Bản.

Các tàu ngầm Mỹ lớp Gato là “cơn ác mộng” của các tàu Nhật trong chiến tranh Thế giới thứ II. Nhanh nhẹn, được trang bị vũ khí tốt, hiện đại, loại tàu ngầm này được sử dụng triệt để trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Gato có lượng giãn nước 1.500 tấn, trang bị 6 ống phóng ngư lôi phía trước và bốn ống phóng ngư lôi phía đuôi tàu. Chúng có thể chạy trên mặt nước 20 hải lý và chạy ngầm 9 hải lý một giờ.

4. Tàu ngầm lớp T

Tàu ngầm lớp T có thể mang tới 10 ống phóng ngư lôi.

Được biết đến với tên gọi tàu ngầm lớp Triton, loại tàu này là xương sống của lực lượng hải quân Anh trong suốt chiến tranh Thế giới thứ II. Có lượng giãn nước 1.500 tấn, tàu ngầm lớp T mang được 10 ống phóng ngư lôi. Tuy nhiên, chúng đều được trang bị ở phía trước, chứ không giống các tàu ngầm khác phóng ngư lôi ở cả phía trước và phía đuôi tàu.

5. Tàu ngầm USS Nautilus

Nautilus là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

USS Nautilus là tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên của thế giới có thể hoạt động lâu dưới nước. Trước đó, các loại tàu ngầm đều chạy bằng động cơ diesel nên khi chạy dưới chúng phải sử dụng năng lượng dự trữ rất hạn chế. Năm 1955, trong chuyến “công du” đầu tiên, Nautilus đã đi quãng đường 1.100 hải lý, đoạn đường dài nhất trong lịch sử tàu ngầm thời đó.

6. Tàu ngầm X-Craft

Tàu ngầm X-Craft được coi là "em út" về kích cỡ trong gia đình tàu ngầm.

Tàu ngầm X-craft của Hải quân Anh được sử dụng vào các nhiệm vụ tấn công đặc biệt tại các khu vực hải cảng Nauy, nhờ kích thước khiêm tốn của mình. Vào năm 1943, loại tàu ngầm nhỏ bé có trọng lượng 27 tấn này được các tàu lớn hơn kéo tới gần cảng , sau khi được tàu mẹ thả ra nó đã áp sát mục tiêu đặt thuốc nổ làm hư hỏng nặng ba chiếc Tirpitz của hải quân Đức rồi nhẹ nhàng quay trở về tàu mẹ.

7. Tàu ngầm lớp Sentoku

Tàu ngầm lớp Sentoku vừa là tàu ngầm vừa là tàu sân bay

Việc thiết kế một phương tiện chiến tranh vừa là tàu ngầm vừa là tàu sân bay được cho là việc kết hợp giữa một con các và một con voi. Dù vậy, các nhà đóng tàu Nhật Bản vẫn quyết tâm thử nghiệm mô hình đó. Tàu ngầm I-400 lớp Sentoku của Hải quân Hoàng gia Nhật được sử dụng trong chiến tranh Thế giới thứ II có trọng lượng 6.500 tấn, lớn gấp ba lần kích thước của tàu ngầm lớp Gato của Mỹ có trọng lượng tương đương tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân lớp George Washington đầu những năm 1960. Tàu ngầm Sentoku có thể mang theo các thủy phi cơ M6A Seiran. Những chiếc máy bay này xuất kích nhờ máy phóng máy bay, sau khi trở về tàu nó sẽ lặn xuống nước cùng với tàu mẹ.

8. Tàu ngầm lớp Typhoon

Tàu ngầm lớp Typhoon là tàu ngầm lớn nhất thế giới.

Tàu ngầm lớp Typhoon của Liên Xô là tàu ngầm lớn nhất trên thế giới, có trọng lượng 48.000 tấn (trong khi tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ chỉ nặng chưa đến 20.000 tấn còn tàu khu trục lớp Arleigh Burke chỉ nặng 9.000 tấn). Mặc dù được xem là một “người khổng lồ”, nhưng tàu Typhoons lại “yên lặng” đến ngạc nhiên và rất khó để phát hiện. Chúng mang 20 tên lửa đạn đạo SS-N-20 (mà NATO gọi là “cá tầm”), trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân cũng như ngư lôi và tên lửa chống tàu chiến khác.

9. Tàu ngầmU loại XXI

Tàu ngầm U loại XXI thực sự là một chiến binh nhanh nhẹn.

Có lẽ quân đồng minh phải thở phào nhẹ nhõm khi tàu ngầm U loại XXI ra đời muộn. Nếu nó được triển khai trước khi chiến tranh kết thúc kết cục của cuộc chiến Đai Tây Dương có thể bị đảo ngược. Tàu ngầm loại U XXI có rất nhiều tính năng vượt trội vào thời đó, bao gồm bộ dự trữ năng lượng dung lượng lớn có thể hoạt động liên tục vài ngày dưới nước. Ngoài ra, chiếc tàu còn có lớp vỏ được thiết kế kiểu dáng khí động học hợp lý và một ống thông hơi giúp tàu có thể nạp nhiên liệu dưới nước vì vậy, nó có thể di chuyển với tốc độ 17 hải lý mỗi giờ, tốc độ khiến các tàu chiến khác phải “hít khói”.

10. Tàu ngầm lớp George Washingto

Tàu ngầm lớp George Washington thực sự là lực lượng răn đe hạt nhân "đáng gờm".

Ẩn dưới làn nước và rất khó phát hiện, tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thực sự là “bức tường thành răn đe hạt nhân” vững chắc. Tàu ngầm SSBN đầu tiên trên thế giới là chiếc USS George Washington, đi vào hoạt động năm 1959. Các loại tàu ngầm của Liên Xô trước đó cũng mang tên lửa đạn đạo vũ trang hạt nhân nhưng chúng vẫn sử dụng năng lượng diesel với thời gian hoạt động hạn chế. Động cơ chạy nhiên liệu hạt nhân của George Washington giúp loại tàu này hoạt động dưới nước cả tháng trời. Mỗi một tàu lớp George Washington mang tới 16 tên lửa Polaris.

(tổng hợp bdv)

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

>> Vũ khí 'diệt tầu ngầm' qua các thời kỳ (kỳ 1)



Tầu ngầm chiến đấu từng là cơn ác mộng của mọi hạm đội hùng mạnh nhất trên thế giới, ngay từ khi ra đời. Việc phát triển các loại vũ khí để chống lại hiểm họa tầu ngầm vốn là việc làm tất yếu của mọi chuyên gia quân sự.

>> Vũ khí 'diệt tầu ngầm' qua các thời kỳ (kỳ 2)

Tháng 6/1914, trước khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra hai tháng, Percy Scott, đô đốc Anh gửi thư cho hai tòa soạn báo lớn trong nước. Lá thư thứ nhất, ông viết: “...cũng như ô tô đang thay thế dần những chiếc xe ngựa trên khắp mọi nẻo đường, tầu ngầm sẽ là phương tiện sớm thay thế các thiết giáp hạm trên chiến trường ngoài biển...”. Lá thư còn lại có nội dung: “...tầu ngầm và không quân sẽ là một cuộc cách mạng trong chiến lược hàng hải; không một hạm đội nào có thể thoát khỏi sự săn đuổi của không quân và những chiếc tầu ngầm có thể tung những đòn trí mạng một cách bất ngờ ngay giữa ban ngày...”.

Thế nhưng, những lá thư của Scott chỉ nhận được sự chế nhạo của công chúng, các đô đốc khác cũng như cả chính phủ Anh, những người này cho rằng, lý thuyết của ông đơn giản chỉ là “một giấc mơ ngu ngốc”.

Tuy nhiên, ngày 5/9/1914, người Đức đã chứng thực lời nói của Percy Scott khi chiếc tầu ngầm U-21 của nước này đánh chìm tuần dương hạm “Pathfinder” của Anh với một quả ngư lôi duy nhất; chỉ có 9 trong số 268 thủy thủ trên tầu sống sót! Khi đó, Hải quân Anh nhìn thấy bóng đen của tử thần ẩn nấp dưới biển sâu nhưng không thể làm gì nó.



Những chiếc tầu ngầm chiến đấu đầu tiên (U-boat) của Đức là cơn ác mộng của các hạm đội đồng minh trong thế chiến thứ nhất

Những câu hỏi đầu tiên về vũ khí chống ngầm đã được đặt ra. Liệu vũ khí gì có thể tiêu diệt được những chiếc tầu ngầm Đức dài 70 mét, dãn nước 1.500 tấn, có tốc độ tối đa tới 28,3 km/h, tầm hoạt động 20.300 km, trang bị 19 ngư lôi, hai khẩu pháo 150 mm với 1.000 viên đạn và hoàn toàn “vô hình”?

Bom chìm - Vũ khí chống ngầm đầu tiên của loài người
Bom chìm (Depth Charge) là thứ đầu tiên các chuyên gia quân sự có thể nghĩ đến để đối đầu với tầu ngầm. Về kết cấu, bom chìm rất đơn giản, nó chỉ là một thùng chứa thuốc nổ mạnh, được đặt một cơ cấu thủy lực cho phép quả bom này tự phát nổ ở một độ sâu nhất định.

Độ sâu của tầu ngầm sẽ được xác định bằng một hệ thống các dây tín hiệu được thả xuống dưới. Những sợi dây tín hiệu này được gọi là ASDIC - hệ thống săn tìm và phát hiện tầu ngầm của quân đội đồng minh.


Những quả bom chìm đầu tiên được chế tạo vào năm 1915 rất đơn giản, chỉ gồm một thùng thuốc nổ cùng một cơ cấu giúp nó nổ ở độ sâu nhất định.

Khi có tầu ngầm, nó sẽ làm mất tín hiệu của hệ thống ASDIC đặt tại độ sâu của nó đi qua, do đó các tầu nổi phía trên sẽ xác định được độ sâu và vị trí tầu ngầm. Khi tầu ngầm bị phát hiện, các quả bom chìm sẽ được đặt chế độ nổ, sau đó lăn xuống bằng tay, hay bằng các cơ cấu phóng thô sơ.

Cơ cấu thủy lực sẽ cho phép bom chìm có thể nổ ở độ sâu tối đa lên tới 170 mét.


NBom chìm nằm trên bệ phóng.

Mặc dù vậy, bom chìm không phát huy mấy hiệu quả do thường được thả "hú họa" trên diện rộng. Trong khi với vỏ thép dày, tầu ngầm của Đức khi đó, không hề hấn gì nếu bom chìm nổ cách tầu ngầm trên 5m. Trong suốt giai đoạn, từ năm 1915 - 1917, bom chìm chỉ phá hủy được 9 chiếc tầu ngầm U-boat trong số hơn 300 tầu ngầm của Đức.

Một số cải tiến về hệ thống dò tìm bằng từ trường cùng việc nâng cấp thiết bị phóng mới cho bom chìm, vũ khí này đã có bước cải tiến đáng kể khi đánh chìm được thêm 21 chiếc tầu ngầm U-boat nữa.

Nhiều tầu ngầm Đức trúng bom chìm, phải nổi lên mặt nước để làm mồi cho các cỡ súng từ tầu chiến đã đợi sẵn trên mặt biển, hay đơn giản là các tầu chiến khổng lồ chỉ cần chạy qua là có thể kết liễu chiếc tầu ngầm xấu số.


Một chiếc tầu săn ngầm đang rải bom chìm

Trong quá trình tồn tại và phát triển, người ta đã nghĩ ra rất nhiều ý tưởng cho bom chìm, từ tăng khối lượng đến hàng tấn cho đến cả những ý tưởng như sử dụng đầu đạn hạt nhân cho vào bom, nhằm hủy diệt cả hạm đội tầu ngầm.

Nhờ tính hiệu quả nhất định và sự bế tắc trong chiến thuật chống ngầm, bom chìm vẫn là vũ khí chống ngầm duy nhất của các tầu nổi cho đến năm 1942, khi ngư lôi tự dẫn và rocket chống ngầm dần phát triển để thay thế nó.

(tổng hợp bdv)

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

>> Các 'đại gia' sở hữu tàu ngầm



Ngoài Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc thì Ấn Độ và Brazil cũng góp phần làm phong phú các chương trình phát triển tàu ngầm quân sự trên thế giới.
Nga
Kế hoạch phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Nga được tiến hành từ những năm 1970. Trước đây, Nga có 4 cơ sở đóng tàu ngầm là: St Petersburg, Nizhny Novgorod, Severodvinsk và Komsomolsk-on-Amur. Hiện nay, tàu ngầm của Nga chủ yếu được đóng ở Severodvinsk Sevmash.




Tàu ngầm nguyên tử Yuri Dolgoruky của Nga.
Hiện, hạm đội tàu ngầm của Nga có khoảng 40 tàu trong đó có 12 tàu thuộc project 971, 6 tàu thuộc project 667BDRM, 5 tàu mang tên lửa chiến lược thuộc project 667BDR, 8 tàu mang tên lửa có cánh thuộc project 949A và 8 tàu thuộc hai project 945, 671RTMK.

Hiện nay, tàu Yuri Dolgoruky và Alexander Nevsky đã được hạ thủy. Nga đang đóng tàu ngầm Borey thuộc dự án RPLSN Project 955, tàu Vladimir Monomakh và tàu ngầm nguyên tử đa năng Ash thuộc dự án 855. Theo kế hoạch trong năm 2011, Nga sẽ hạ thủy tàu Ash.

Mỹ
Hạm đội tàu ngầm nguyên tử của Mỹ bao gồm: 14 tàu lớp Ohio trang bị tên lửa có cánh, các loại tàu ngầm lớp này sẽ được Mỹ thay thế bằng các tàu ngầm mới vào năm 2040.

Các dự án đóng tàu ngầm của Mỹ phần lớn do hãng General Dynamics và hãng Northrop Grumman đảm nhiệm. Hiện nay hai hãng này đang đóng cho Hải Quân Mỹ tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.


Kết cấu bên trong tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia.
3 tàu ngầm Seawolf, 44 tàu ngầm lớp Los Angeles và 7 tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia. Hiện nay tàu ngầm thuộc lớp Los Angeles đang được đóng.
Đến năm 2030 tất cả tàu ngầm thuộc lớp Los Angeles sẽ được thay thế bằng tàu ngầm hiện đại thuộc lớp Virginia và số lượng tàu ngầm nguyên tử đa năng sẽ giảm xuống còn 30 chiếc.

Trung Quốc
Hầu hết các tàu ngầm của Trung Quốc được đóng tại nhà máy Bác Hải trên biển Hoàng Hải. Tuy nhiên, việc đóng tàu ngầm của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn về phương diện kĩ thuật.

Hiện nay Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện kỹ thuật trên tàu ngầm để nâng cao sức chiến đấu của hạm đội tàu ngầm. Những chiếc tàu ngầm đầu tiên 091 lớp Hán của Trung Quốc không có khả năng chiến đấu vì nó có tiếng ồn lớn, hệ thống sonar không hoàn thiện và độ an toàn của các thủy thủ trong tàu không cao.


Tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn (Jin) của Trung Quốc.
Tàu ngầm 092 thuộc lớp Hạ cũng tương tự tàu 091 chỉ để “trưng bày”. Năm 2001 Trung Quốc tiến hành đóng tàu ngầm 093, là sự phát triển từ tàu ngầm lớp Hán được trang bị nhiều vũ khí hiện đại. 5 tàu ngầm lớp mới có tên là Tấn (Jin) được Trung Quốc tiến hành đóng vào năm 1999.

Đây là con tàu có lượng choán nước 10.000 tấn, trang bị 12 tên lửa đạn đạo tầm bắn hơn 800 km. Đặc biệt, nó được giới thiệu có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ dưới sự hỗ trợ của Hải quân và không quân ở Tây Thái Bình Dương. Tới năm 2020 Trung Quốc sẽ đóng tàu ngầm 096 lớp Đường (Tang), tàu này được trang bị 24 tên lửa.

Anh
Công ty BAE Systems Solutions là công ty độc quyền phụ trách việc đóng tàu ngầm cho hải quân Hoàng gia Anh. Nước này đang có kế hoạch phát triển tàu ngầm lớp Astute, đây là tàu ngầm hiện đại nhất của Anh.

Các tàu ngầm của Anh không có các bệ phóng tên lửa thẳng đứng mà sử dụng các ống phóng ngư lôi. Tuy nhiên các Chương trình đóng tàu ngầm của Anh còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Trong đó có việc cắt giảm vũ khí hạt nhân.


Tàu ngầm nguyên tử toàn năng Astute của Anh.
Pháp Pháp sở hữu hạm đội tàu ngầm bao gồm: 4 tàu ngầm nguyên tử lớp Le Triomphant được trang bị tên lửa có cánh, 6 tàu ngầm nguyên tử phá băng lớp Rubis.

Tàu ngầm này được coi là nhỏ nhất thế giới có lượng choán nước là 2.600 tấn. Pháp đang đóng mới tàu ngầm nguyên tử phi chiến lược Suffren lớp Barracuda có lượng choán nước là 5.300 tấn.

Con tàu này sẽ được Pháp sử dụng vào các hoạt động đặc biệt do có nhiều tính năng và trang bị hiện đại. Pháp được coi là nước sở hữu một hạm đội tàu ngầm mạnh nhất trong các nước thành viên NATO.


Tàu ngầm nguyên tử Le Triomphant của Pháp.

  Ấn Độ 

Chương trình phát triển tàu ngầm nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ, tuy nhiên Ấn Độ không có loại tàu ngầm nào khác ngoại trừ loại tàu Arihant được hạ thủy vào tháng 7/2009.



Sơ đồ cấu tạo tàu ngầm nguyên tử Arihant của Ấn Độ.
Chakra là con tàu mà Ấn Độ thuê của Nga. Thông qua việc này Ấn Độ đã học hỏi về kỹ thuật chế tạo tàu ngầm để tự đóng tàu riêng. Tên lửa Sagarika có tầm bắn 700 km là vũ khí chủ lực trên tàu ngầm của Ấn Độ.
Mặc dù là tàu ngầm nhưng Arihant chỉ hoạt động được trong khu vực biển nội địa của Ấn Độ do đó nước này đang đẩy nhanh tiến trình phát triển tàu ngầm hạt nhân. Dự kiến, trong một thập kỷ, tới Ấn Độ sẽ có tàu ngầm hạt nhân của riêng mình để không phải thuê tàu ngầm hạt nhân Seal của Nga.

Brazil

 Trước năm 2020 Brazil sẽ hạ thủy tàu ngầm Scorpene sử dụng động cơ diesel. Đây là con tàu được phát triển trên cơ sở kỹ thuật của tàu ngầm Barracuda/Pháp.

Đến nay, Brazil chưa được xếp vào nhóm các quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm nguyên tử Scorpene của Brazil.
Chương trình phát triển tàu ngầm hiện nay được các quốc gia đầu tư rất lớn tạo thành xu hướng mới trong lĩnh vực quân sự. Tàu ngầm nguyên tử đa năng là loại tàu được ưa chuộng trong lĩnh vực quân sự của các nước.

Tuy nhiên để sản xuất loại tàu này còn rất nhiều vấn đề về tài chính được đặt ra. Chi phí cho một tàu nguyên tử đa năng là rất lớn. Theo thống kê, tàu ngầm nguyên tử của mỹ được sản xuất với chi phí lên đến 8 tỷ USD.

(*) Ngày nay, tàu ngầm tấn công hạt nhân được phân loại theo tiêu chí như sau: Thứ 1: Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược (RPLSN, SSBN). Sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công hạt nhân trên lãnh thổ của đối phương. Thông thường những chiếc tàu ngầm này mang 12-14 quả tên lửa đạn đạo và các loại ngư lôi khác. Khả năng che giấu của tàu ngầm loại này rất cao.

Thứ 2: Tàu ngầm nguyên tử đa năng. Đây là loại tàu ngầm phổ biến nhất được biên chế các loại tên lửa như: Harpoon, Exocet, Tomahawk, Vodopad, Granat…. Nhiệm vụ chính của loại tàu này là kiểm soát tàu và tiêu diệt các mục tiêu ven biển của đối phương bằng tên lửa hành trình, riêng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa Granit được chế tạo nhằm tiêu diệt chiến hạm.

Các loại tàu ngầm này được trang bị các thiết bị thông tin và điều khiển chiến đấu tích hợp (CICS), tổ hợp điều khiển số đa năng sonar (GAK) và các trạm điều khiển phóng ngư lôi (tên lửa), ăng-ten GAK và các thiết bị vô tuyến điện nhằm thu thập tin tức của đối phương.
Phần lớn các tàu ngầm được trang bị các lò phản ứng hạt nhân có tuổi thọ kéo dài hơn so với các lớp trước từ 15-20 năm và trang bị động cơ bơm cánh quạt làm giảm tiếng ồn xuống gấp 2-3 lần ở tốc độ hành trình 15-25 hải lý/giờ.
(defence news)

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

>> Ấn Độ sẽ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm



Tên lửa K-15.

Theo mạng Đông Phương, DRDO sẽ thử nghiệm tên lửa K-15 từ tàu ngầm ở bờ biển Vishakhapatnama, vào ngày 30/1.

DRDO là cơ quan nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ.

K-15 là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hoặc B-05, có chiều dài 10m, nặng 10 tấn bao gồm 500kg trọng lượng đầu đạn và nó có thể mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Tầm bắn khoảng 700 km có độ chính xác cao.

Tên lửa K-15 trước đây được gọi là dự án Sagarika, được Ấn Độ thử nghiệm 6 lần, tuy nhiên chỉ có 2 lần là thành công còn lại 4 lần là thất bại. Đến nay, Ấn Độ đã sản xuất hàng loạt loại tên lửa này.

Tên lửa này có thể được so sánh với tên lửa Tomahawk của Mỹ, được phát triển nhằm đối trọng với chương trình tên lửa Babur của Pakistan. Theo các nguồn tin khác, Hải quân Ấn Độ chú trọng phát triển phiên bản loại tên lửa này dành cho tàu ngầm.

Trước đó, việc thử nghiệm tên lửa của Ấn Độ đã phải trì hoãn 2 lần do vấn đề chậm chễ trong việc chuẩn bị trang thiết bị. Theo kế hoạch ban đầu, ngày 16/1 Ấn Độ sẽ thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo này nhưng lại hoãn tới ngày 20/1 và cuối cùng là tới ngày 30/1. Nếu diễn ra đúng dự định, đây sẽ là lần thử nghiệm lần đầu của tên lửa từ tàu ngầm.

Nếu thử nghiệm này thành công thì Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ 6 trong nhóm các quốc gia đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm gồm: Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc.

(vtc news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang