Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

>> Các thủy phi cơ huyền thoại của Hải quân Xô Viết



Là sự kết hợp “kỳ quái” giữa một chiếc tàu chạy trên đệm không khí và một chiếc máy bay, những chiếc thủy phi cơ đặc biệt này được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Lạnh.

Chúng “bay lượn” trên mặt nước với vận tốc lên đến 400 km mỗi giờ, có thể mang trọng lượng hàng hóa và binh lính nhiều hơn bất kỳ một chiếc máy bay bình thường nào. Những chiếc thủy phi cơ vẫn được gọi tên là Ekranoplan được xem là phương tiện di chuyển thú vị nhất mà con người từng tạo ra.

Hầu hết những chiếc Ekranoplan do Liên Xô thiết kế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cụ thể là công ty thiết kế Rostislav Alexeev. Một số thủy phi cơ có chiều dài 100 m và nặng trên 500 tấn. Chúng di chuyển trên mặt nước với tốc độ cao, kể cả trong điều kiện bão tố và hoàn toàn “loại bỏ” được sự theo dõi của radar nhờ vào nguyên tắc khí động lực gọi là “hiệu ứng mặt đất”.

Tất cả phi công đều quen thuộc với loại hiệu ứng này, đó là khi một chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh, nó gần như bay trên không khí một vài khoảnh khắc trước khi chạm đất. Lớp không khí dồn nén giữa phần cánh và mặt đất trở thành “tấm đệm hơi” giúp máy bay có khả năng trượt một cách uyển chuyển. Đối với trường hợp thủy phi cơ, hiệu ứng này rất hiệu quả giúp nó bay thật thấp.

Dưới đây là một số thông tin về các thủy phi cơ huyền thoại của hải quân Soviet:

KM, “Quái vật biển Caspian”
KM là thủy phi cơ loại lớn có chiều dài 100m, nặng 544 tấn, sử dụng 10 động cơ tuabin phản lực Dobryin VD-7. Cho đến nay KM vẫn giữ kỷ lục cất cánh với trọng tải lớn nhất, vượt qua trọng lượng mà máy bay chở hàng lớn nhất Antonov An 225 "Mriya" có thể mang. KM “mai danh ẩn tích” trong một thời gian dài, được thử nghiệm bí mật trên vùng biển Caspian năm 1966 và bị phát hiện bởi một vệ tinh của Mỹ.












KM là thủy phi cơ giữ kỷ lục về trọng tải cất cánh.

Tuy số lượng máy bay KM ít nhưng và các phiên bản của nó khá đa dạng với chiều dài và trọng lượng khác nhau. Tất cả phiên bản của KM đều có hình dáng kỳ quặc, được thiết kế để lướt trên đại dương với tốc độ cao và tránh radar phát hiện.

Theo các nguồn tin quân sự, Chính phủ Liên Xô đã lên kế hoạch đóng tới 100 “quái vật” biển này tại thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh nhưng trên thực tế con số đó đã giảm xuống còn 24 chiếc.


Phiên bản SM-8 của "quái vật" KM.

Sau một tai nạn va chạm do nguyên nhân tầm nhìn hạn chế trong sương mù, KM đã bị cấm hoạt động trong vùng nước sâu 20 m, cản trở những nỗ lực phục hồi “quái vật biển” này. Phiên bản mới dự định sẽ thay thế KM là Orlenok, một loại thủy phi cơ tầm trung phù hợp với các nhiệm vụ vận chuyển trong quân đội.

Ấn tượng A-90 Orlyonok
Orlyonok có trọng lượng 140 tấn, dài 58 m và có chuyến bay đầu tiên vào năm 1972. A-90 chạy trên hai động cơ tuabin phản lực và một động cơ tuabin cánh quạt, có thể đạt được tốc độ 400 km mỗi giờ, khả năng di chuyển quãng đường dài 1.500 km ở độ cao từ 5 đến 10m so với mặt nước biển.







Orlyonok có ngoại hình hết sức ấn tượng.

Quân đội Liên Xô đã lên kế hoạch đóng 20 chiếc thủy phi cơ như vậy với mục đích tạo ra một hạm đội thiện chiến trên Biển Baltic. A-90 được cấp cho quân đội vào năm 1979, đến năm 1993, ba chiếc A-90 vẫn hoạt động.




Orlyonok có chở 150 binh lính và hai xe tăng.

Orlyonok có chở 150 binh lính và hai xe tăng. Sau khi Liên bang Xô Viết tan ra, nhà máy chịu trách nhiệm đóng những chiếc Orlyonok đã rơi vào tay tư nhân. Hiện Orlyonok đã đổi tên thành Volga Shipyard, và vẫn được sử dụng như máy bay cứu hộ và tìm kiếm thương mại. Trên thực tế, Orlyonok có thể vừa chở hàng hóa (với trọng lượng 50 tấn trong phạm vi 1.500 km), vừa chở hành khách (khoảng 30 người trong phạm vi 3.000 km).

VVA-14M, thủy phi cơ tầm trung
Thủy phi cơ VVA-14M là bản chuyển đổi từ máy bay VVA-14. VVA-14M có chiều dài 25, 97m, sải cánh 30 m, chiều cao 6,97 m, trọng lượng tối đa 50.000 kg với vận tốc tối đa 760 km mỗi giờ.




VVA-14M được thiết kế với mục đích triệt phá các tàu ngầm tên lửa của Hải quân Mỹ.

VVA-14M là sản phẩm của Robert Bartini, nhà khoa học và thiết kế máy bay người Nga, với mục đích triệt phá các loại tàu ngầm tên lửa Polaris của Hải quân Mỹ. Sau khi Bartini qua đời năm 1974, dự án VVA-14M sụp đổ sau 107 lần cất cánh với tổng số 103 giờ bay. Chiếc VVA-14M số hiệu 19172 duy nhất còn lại hiện đang “an dưỡng” trong bảo tàng Không quân Liên Bang Nga, Monino, Moscow. Thủy phi cơ Lun (Spasatel), “nuốt trọn” quái vật biển KM






M-160 Lun còn lớn hơn cả "quái vật" KM.

Với trọng lượng 280 tấn, chiều dài 74 m, M-160 Lun là một dòng thủy phi cơ khác cũng được ra đời từ công ty thiết kế Alexeev năm 1987 và đi vào hoạt động năm 1989. Sự khổng lồ của M-160 Lun thường được miêu tả bằng hình ảnh có thể "nuốt trọn" quái vật biển KM.


M-160 Lun được trang bị tên lửa siêu âm ZM-80 “Moskit”.
M-160 Lun được trang bị rocket siêu âm ZM-80 “Moskit” vô song, có khả năng làm chìm bất kỳ tàu địch nào. Những chiếc thủy phi cơ M-160 Lun có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với NATO nếu như không có sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết. Do thiếu nguồn kinh phí để tiếp tục nghiên cứu nên dự án này đã “lặn mất tăm” trước sự nuối tiếc của nhiều người.

Người Mỹ vào cuộc
Trước sự phát triển như vũ bão của dòng máy bay thủy phi cơ Liên Xô, người Mỹ đã không thể khoanh tay đứng nhìn. Steven Hooker, kỹ sư hàng không, đã quan sát “quái vật biển Caspian” năm 1967 và quyết định thành lập công ty Aerocon, có nhiệm vụ thực hiện giấc mơ chế tạo những chiếc thủy phi cơ lớn gấp 10 lần của Nga nhưng vẫn vượt đại dương một cách nhẹ nhàng.


Mô hình thủy phi cơ mơ ước Atlantis-1 của Mỹ.

Ngoài ra, theo thiết kế, Boeing Ultra Pelican có thể mang tới 1.400 tấn (bằng 17 xe tăng cộng thêm vài trăm binh lính) với quãng đường lên tới 16.000 km. Chiếc thủy phi cơ “khổng lồ” này có độ sải cánh 106 m và dài 152 m, với vận tốc nhanh hơn 10 lần so với những chiếc tàu chở container hiện đại.



Boeing Ultra Pelican có thể mang tới 1.400 tấn.

Loại thủy phi cơ này có thể bay với “hiệu ứng mặt đất” ở độ cao 6 m trên mặt nước biển và cũng có thể hoạt động như một chiếc máy bay bình thường ở độ cao trên 6.000 m. Nếu như không có gì cản trở, giấc mơ “triển khai một sư đoàn trong vòng 5 ngày tới bất kỳ đầu trên thế giới” của Mỹ có thể trở thành hiện thực.


Bảng so sánh về kích thước của các loại thủy phi cơ so với máy bay dân dụng.

Tuy nhiên, giấc mơ thủy phi cơ khổng lồ và dã chiến của Mỹ vẫn chưa thành hiện thực. Dù vậy, các nhà công nghệ vẫn nuôi hy vọng thiết kế được "những cánh chim biển khổng lồ" mở ra một kỷ nguyên mới trong giao thông.

(tổng hợp bdv)

>> Vũ khí diệt tầu ngầm qua các thời kỳ (kỳ 2)



Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với chiến tranh lạnh chứng kiến sự phát triển các loại vũ khí chống ngầm có tầm bắn xa, chính xác và uy lực hơn. Nổi bật là súng cối và rocket chống ngầm.


>> Vũ khí diệt tầu ngầm qua các thời kỳ (kỳ 1) 

Súng cối chống ngầm
 Bom chìm chống ngầm ra đời năm 1915 đã khiến những chiếc tầu ngầm U-boat lặn sâu dưới nước không còn là một mục tiêu “bất khả xâm phạm”. Tuy vậy, những thành tích bom chìm làm được chưa thể khiến các sĩ quan hải quân Anh và Mỹ hài lòng, bởi nó bộc lộ quá nhiều khuyết điểm khiến cho giới quân sự phải nghĩ đến phương án hiệu quả hơn.

Trong suốt giai đoạn từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918) cho đến lúc bắt đầu chiến tranh thế giới thứ hai (1939), cơn ác mộng tầu ngầm đã tạm rơi vào quên lãng khi các nước đang mải lao đao đối phó với khủng hoảng kinh tế. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, người Đức với chiến thuật tầu ngầm kinh điển của mình đã khiến Anh và Mỹ phải vắt óc tìm cách đối phó.

Tháng 11/1940, Charles Frederich Goodeve, khoa học gia dân sự làm việc cho Hải quân Anh đã dựa trên loại súng cối bắn đạn lớn hơn cỡ nòng bố trí trên tầu (vốn thiết kế với mục đích phòng không) để phát triển súng cối chống ngầm.

Sau màn trình diễn ấn tượng của hệ thống Hedgehog đầu tiên trên tầu HMS Osprey, thủ tướng Anh Winston Churchil và đô đốc Pound rất hài lòng và hệ thống Hedgehog chính thức sản xuất hàng loạt, trang bị cho tầu chiến của hải quân Hoàng gia Anh.




Charles Frederick Goodeve - Cha đẻ của súng cối chống ngầm Hedgehog.

Hệ thống súng cối chống ngầm Hedgehog gồm 24 khẩu bắn đạn lớn hơn cỡ nòng, mỗi nòng cối được nạp sẵn một quả đạn chống ngầm cỡ 183 mm chứa 14 kg thuốc nổ TNT.

Khi hệ thống sonar (thường là loại ASDIC) phát hiện ra tầu ngầm đối phương; 24 quả đạn cối được phóng đồng loạt và sẽ rơi xuống biển, tạo thành vòng tròn đường kính 70 mét phía trên khu vực nghi có tầu ngầm với tầm bắn lên đến 230 - 250 mét.

Chính vì những chiếc ống chứa thuốc phóng còn lại sau khi phóng đạn lông nhím nên hệ thống này được đặt tên là Hedgehog, tiếng Anh có nghĩa là “Con nhím”. Những thủy thủ có kinh nghiệm có thể nạp đạn lại cho hệ thống chỉ trong ba phút là có thể bắn loạt thứ hai.



Hệ thống súng cối chống ngầm Hedgehog trên tầu chiến của Canada.

So với các loại bom chìm, hệ thống súng cối chống ngầm thực sự là một cuộc cách mạng.

Đầu tiên, do đạn của hệ thống này phát hỏa theo cơ chế chạm nổ nên thủy thủ có thể bắn Hedgehog mà không cần phải tính toán độ sâu của tầu ngầm.

Thứ hai, bom chìm khi được sử dụng sẽ đồng thời phá hủy luôn hệ thống sonar phát tín hiệu cho dù có đánh trúng tầu ngầm hay không. Điều này sẽ tạo ra một khoảng thời gian “mù” lên đến 15 phút cho các tầu săn ngầm trước khi có thể thả xuống biển một hệ thống sonar khác, cho phép tầu ngầm dễ dàng bỏ chạy hoặc đánh trả. Những thủy thủ tầu ngầm U-boat có kinh nghiệm thậm chí có thể nhận biết được những biểu hiện trước khi thả bom chìm của tầu săn ngầm và tránh né hiệu quả bằng cách đổi hướng hoặc tăng tốc đột ngột.

Còn những quả đạn Hedgehog sẽ không phát nổ khi đánh trượt tầu ngầm, do đó sau loạt đạn thứ nhất, thiết bị sonar vẫn có thể theo dõi tầu ngầm và dẫn đường cho loạt đạn tiếp theo.

Ưu thế thứ ba của Hedgehog là khả năng hủy diệt của nó. Mặc dù đầu đạn chỉ chứa 14 kg thuốc nổ (rất nhỏ so với hàng trăm kg của bom chìm) nhưng nó vẫn có thể đánh hỏng tầu ngầm chỉ với quả đạn duy nhất do khoảng cách phát nổ quá gần. Nhờ những ưu thế của mình, ngay khi ra mắt Hedgehog đã mang lại thành tích chiến đấu đáng kinh ngạc. Xác suất tiêu diệt mục tiêu lớn nhất của nó lên đến 25% trong khi với loại bom chìm tốt nhất xác suất này cũng chỉ là 7%.



Đạn chạm nổ của Hedgehog mang rất nhiều ưu điểm khi so sánh với bom chìm truyền thống



Một loạt đạn của Hedgehog tạo thành một vòng tròn đường kính lên tới 70 mét, đem lại xác suất tiêu diệt mục tiêu cao gấp hơn ba lần so với bom chìm.

Nhờ việc phát minh ra thứ vũ khí hiệu quả này, Charles Goodeve đã được tặng thưởng huân chương Order of British Empire và trở thành trợ lý riêng của đô đốc Wake Walker.

Nối tiếp thành công của Hedgehog, các phiên bản tiếp theo của hệ thống này như MK.4 Squid phát triển năm 1944 gồm ba súng phóng sử dụng đầu đạn loại 90 kg; hệ thống MK NC10 Limbo sử dụng đạn 90 kg, có thể điều chỉnh được tầm bắn từ 300 - 1000 mét.

Dựa trên nguyên lý của Hedgehog, các hệ thống chống ngầm tương tự cũng được sử dụng trong hải quân Liên Xô từ cuối những năm 1940 như MBU-200 và MBU-600.



Súng cối chống ngầm Squid, phiên bản cải tiến hiện đại của Hedgehog.

Rocket chống ngầm
Dựa trên nguyên lý của Hedgehog, rocket chống ngầm đã ra đời sớm ngay sau đó, sử dụng động cơ tên lửa cho mỗi quả đạn thay vì phóng đi từ súng cối giúp vũ khí này có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn.

Trong số các hệ thống rocket chống ngầm sớm nhất phải kể đến hệ thống Mousetrap (Bẫy chuột) của Mỹ được phát triển chỉ sau Hedgehog một năm, bao gồm từ bốn đến 8 quả đạn rocket khối lượng 29 kg với đầu đạn nặng 15 kg được bắn đi từ các ray phóng.

Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả của Mousetrap cũng chỉ trong khoảng 280 mét, không khá hơn là mấy so với hệ thống Hedgehog nguyên bản.



Mousetrap của hải quân Hoa Kỳ chính là hệ thống rocket chống ngầm đầu tiên trên thế giới.


Các phiên bản rocket chống ngầm sau thế chiến thứ hai được sử dụng rộng rãi trong hải quân Mỹ và các nước thuộc khối NATO có tên chung là ASROC (Anti Submarine ROCket).

Hệ thống này được phát triển từ những năm 1960 gồm các ống phóng rocket cỡ 422 mm có thể phóng nhiều loại rocket chống ngầm khác nhau, kể cả loại ngư lôi hoặc rocket mang đầu đạn hạt nhân 10 Kiloton W-44 với tầm bắn 22 km. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đây là vũ khí cơ bản để đối phó với lực lượng tầu ngầm chiến lược hùng hậu của hải quân Liên Xô.



Hệ thống ASROC trang bị trên hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk của Mỹ.

Sự phát triển rocket chống ngầm hiện đại không thể không kể đến các hệ thống RBU-2500, RBU-1000, RBU-6000 và RBU-12000 của hải quân Liên Xô.

Ra đời sớm nhất trong series này là hệ thống RBU-2500 (Smerch-1) được trang bị trên hộ tống hạm lớp Petya từ năm 1957. Hệ thống này gồm hai hàng, 16 ống phóng rocket, đạn được nạp bằng tay với tầm bắn hơn hẳn hệ thống Hedgehog nguyên bản, lên đến 2.500 mét.

Không những thế, với sonar chủ động Pegas 24 kHz, RBU-2500 có độ chính xác cao và là hệ thống chống ngầm cực kỳ hiệu quả trong thời đại của nó.

Hiện nay, tuy không còn được sản xuất nhưng hệ thống rocket chống ngầm RBU-2500 vẫn đang được sử dụng trong lực lượng hải quân một số nước như Ấn Độ, Syria và Việt Nam.



Rocket chống ngầm RBU-2500 trang bị trên tầu chiến lớp Petya-III.




Hộ vệ hạm lớp Petya đang bắn thử rocket chống ngầm RBU-2500.

Hệ thống RBU-1000 và RBU-6000 là những hệ thống được phát triển từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước (Số hiệu 1000, 6000 ở đây dựa trên tầm bắn của vũ khí tính bằng mét) hiện là loại rocket chống ngầm phổ biến nhất trong hải quân Nga hiện nay.

Đạn rocket cỡ 300 mm (RBU-1000) hay 213 mm (RBU-6000) được phóng đi có thể được điểm hỏa do va chạm hay xuống đến độ sâu nhất định. Sau khi bắn hết một loạt đạn từ bốn đến 12 rocket, đạn rocket được nạp lại hoàn toàn tự động nhờ cơ cấu nạp phía dưới boong tầu.

Những loại rocket chống ngầm này có thể tấn công được cả tàu ngầm ở độ sâu tới 450 mét. Hiện nay, phiên bản cải tiến của RBU-6000 là RPK-8 sử dụng đạn rocket 90R có đầu dò tự dẫn có khả năng tự động bám đuổi và tấn công tầu ngầm ở độ sâu tới 1000 mét với xác suất đánh trúng lên tới 80%. Đầu nổ lõm 19,5 kg của rocket 90R cho phép nó có khả năng đánh thủng cả hai lớp thân của những tầu ngầm hiện đại nhất.

Hiện tại hệ thống RBU-6000 được sử dụng rất rộng rãi ở các nước khối Vacsava cũ và một số nước khác như Algeria, Cuba, Indonesia và Việt Nam.



Rocket chống ngầm RBU-6000 được trang bị trên khu trục hạm lớp Neutrasimiy của Nga.

Xu thế hiện nay rocket chống ngầm được sử dụng là một trong những thành phần của các hệ thống chống ngầm và chống ngư lôi; trong đó phải kể đến rocket RBU-12000 được sử dụng trong hệ thống Udav-1 của Nga trang bị trên tầu sân bay Kuznetsov hoặc hệ thống VL-ASROC của hải quân Mỹ có khả năng chống cả tầu ngầm và ngư lôi với tầm bắn xa và xác suất bắn trúng cực kỳ cao.

(bdv news)

>> Tàu sân bay thứ hai của Pháp



Dự kiến, năm 2015 tàu sân bay thứ 2 phục vụ hải quân Pháp và trở thành hàng không mẫu hạm lớn nhất nước này.

Dự án tàu sân bay thứ hai (Porte-Avions 2, PA2) có kế hoạch chế tạo hàng không mẫu hạm có lượng giãn nước 75.000 tấn, dài 283 m. Số lượng thủy thủ làm việc trên tàu lên tới 1.720 người, trong đó, có khoảng 620 thành viên phi hành đoàn và 100 sĩ quan chỉ huy.

Thiết kế tàu sân bay
Tàu sân bay thuộc PA2 có diện tích boong phóng máy bay khoảng 15.700 m2, diện tích khoang chứa máy bay là 4.700 m2, có khả năng mang 32 máy bay chiến đấu Rafale, ba máy trinh sát E-2C và 5 trực thăng NH-90.

Tàu còn trang bị máy phóng thủy lực C13-2, có thể phóng một máy bay với vận tốc tối đa 150 hải lý mỗi giờ. Và thời gian phóng một phi cơ khoảng 30 giây.





Boong phóng máy bay của HKMH Porte-Avions (PA2)

Hệ thống điều khiển
Tàu sân bay thuộc PA2 sẽ được lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc bên trong và ngoài tàu, gồm các tần số HF, UHF và VHF.

Bên ngoài tàu có thiết bị kết nối dữ liệu chiến thuật L11, L16 và L22. Các thiết bị đó cho phép việc truyền tải các dữ liệu giữa hệ thống chiến đấu của tàu và trinh sát cơ E-2 diễn ra với tốc độ cao.

Đồng thời, các thiết bị kết nối dữ liệu sẽ chịu trách nhiệm phân phối thông tin cho các đơn vị hải quân, máy bay chiến đấu và trực thăng.

Ngoài ra, tàu sân bay thuộc PA2 được lắp đặt hệ thống kiểm soát chiến đấu kết hợp (CMS), radar dò tìm trên không Héracles. Cuối cùng là các thiết bị cảm biến hồng ngoại.

Máy bay
Tàu sân bay thuộc PA2 có khả năng mang được 40 máy bay bao gồm: chiến đấu cơ Rafale, trinh sát cơ E-2 và trực thăng NH-90.

Rafale là loại máy bay chiến đấu đa năng, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tấn công mặt đất và trên biển, không chiến, trinh sát.

Rafale mang tối đa 9 tấn vũ khí trên 13 giá treo (phiên bản hải quân) với các loại vũ khí: tên lửa không đối không Mica, Magic, Sidewinder; tên lửa không đối đất Apache, AS30L, ALARM, HARM, Maverick và PGM-100; cuối cùng là tên lửa không đối hải Exocet/AM-39, Pentigum, AGM-84 Harpoon.

Máy bay E-2 C được thiết kế với vai trò chủ yếu là cảnh báo sớm trên không, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

NH-90 là trực thăng đa năng được sử dụng để làm nhiều nhiệm vụ như chống hạm, chống ngầm, vận tải và tìm kiếm cứu nạn. Trong nhiệm vụ chiến đấu, NH-90 mang được ngư lôi chống ngầm, tên lửa chống hạm và tên lửa không đối không.


Máy bay chiến đấu đa năng Rafale của hải quân Pháp.


Máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C.


Trực thăng đa năng NH-90.

Hệ thống phòng vệ
Tàu sân bay thuộc PA2 trang bị hệ thống phòng không MBDA Aster 15. Tên lửa Aster 15 được chứa trong 8 ống phóng Sylver xếp theo phương thẳng đứng. Aster 15 có tầm bắn từ 1,7 km tới 30 km, trần bay 13 km. Tên lửa sử dụng radar chủ động dẫn đường giai đoạn cuối hành trình bay.

Tàu còn được vũ trang hệ thống phòng thủ chống ngư lôi và pháo phòng không 20 mm.


Tổ hợp tên lửa phòng không MBDA Aster 15 chứa trong các ống phóng thẳng đứng Sylver

Động lực của tàu
Tàu sân bay thuộc PA2 không sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, thay vào đó là động cơ theo truyền thống.

Ban đầu, nhà thiết kế dự định dùng hai động cơ tuốc bin khí MT-30 Roll Royce. Tuy nhiên, tháng 9/2006, hải quân Pháp quyết định chọn loại động cơ mới và hệ thống động lực này sẽ tăng tốc độ của PA2 từ 26 lên 29 hải lý mỗi giờ.

Theo đó, DCN Propulsion và Alstom sẽ liên kết với General Electric phát triển thiết kế mới này, động lực của tàu sẽ dựa trên bốn động cơ tuốc bin khí LM2500+G4.

Tầm hoạt động của tàu sân bay thuộc PA2 khoảng 10.000 dặm với tốc độ trung bình 15 hải lý mỗi giờ.

(tổng hợp bdv)

>> Các căn cứ hải quân nhìn từ trên cao (kỳ 1)



Đối với các cường quốc kinh tế - quân sự trên thế giới thì sức mạnh hải quân luôn luôn được ưu ái. Họ cũng luôn coi trọng xây dựng căn cứ hải quân lớn để đáp ứng yêu cầu hậu cần.

Sau đây là các căn cứ hải quân của 5 quốc gia hàng đầu thế giới:

Căn cứ hải quân Zapadnaya Litsa (Nga)
Zapadnaya Litsa là căn cứ tàu ngầm hạt nhân rất lớn và cực kỳ quan trọng trong hải quân Nga. Zapadnaya litsa gồm bốn căn cứ liên kết là: Andreeva Bay, Bolshaya Lopatka, Malaya Lopatka, và Nerpicha.



Toàn cảnh Zapadnaya Litsa hợp thành từ bốn căn cứ liên kết.



Cầu cảng neo đậu của tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon vũ trang 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-N-20 (tầm bắn hơn 8.000km).

Mỗi căn cứ nhỏ này có vai trò nhiệm vụ khác nhau như:

- Andreeva Bay là nơi lưu trữ chất thải phóng xạ đã qua sử dụng của hạm đội Biển Bắc.

- Bolshaya Lopatka có 8 cầu tàu và nhà kho bảo quản tàu ngầm và khu sửa chữa.

- Malaya Lopatka là căn cứ được xây dựng đầu tiên trong bốn căn cứ, hiện tại ở đây có ba cầu tàu và hệ thống nâng tàu (đưa tàu lên khỏi mặt nước vào khu bảo dưỡng).

- Nerpicha là nơi neo đậu của các tàu ngầm lớp Typhoon.

Căn cứ hải quân San Diego (Mĩ)
San Diego (bang California) là một trong những căn cứ hải quân lớn nằm ở bờ biển phía tây nước Mỹ.


Căn cứ hải quân San Diego hiện đang là nơi neo đậu của 56 tàu hải quân .



Cầu cảng nơi neo đậu các tàu chiến của hạm đội Thái Bình Dương. 

Căn cứ San Diego có tất cả 13 cầu cảng trải rộng trên diện tích 395 ha đất liền và 132 ha mặt nước. Căn cứ được tách ra làm hai bộ phận riêng biệt được gọi là phần “mặt ướt” và “mặt khô”.

Phần “mặt ướt” bao gồm khu xưởng sửa chữa, điểm đỗ đậu hải quân và các tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương.

Phần “mặt khô” gồm trung tâm huấn luyện hạm đội, bệnh viện, khu thể dục và nơi dành cho sinh hoạt thường ngày.

Trong căn cứ hiện tại có khoảng 35.000 nhân viên quân sự, dân sự và nhân viên hợp đồng làm việc.
Căn cứ tàu ngầm Du Lâm (Trung Quốc)

Du Lâm là căn cứ hải quân nằm ở phía cực nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đây là một trong những căn cứ cực kỳ quan trọng của hạm đội Nam Hải.


Căn cứ tàu ngầm Du Lâm. .



Khu vực cảng ban đầu của căn cứ Du Lâm.



Khu vực cảng được mở rộng của căn cứ Du Lâm có khả năng tiếp nhận các tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn.

Du Lâm ban đầu chỉ có khả năng tiếp nhận các loại tàu ngầm thông thường, cỡ trung. Tuy nhiên, từ những năm 1990 hải quân Trung Quốc đã tiến hành mở rộng căn cứ tới tận vịnh Nha Long.

Cơ sở vật chất tại khu vực cảng này xây dựng khá hiện đại, với hai cầu tàu dài 1.000m để neo đậu tàu chiến cỡ lớn, tàu đổ bộ, tàu hậu cần. Thậm chí, cảng đáp ứng được chỗ neo đậu cho tàu sân bay.

Riêng căn cứ tàu ngầm, lần đầu tiên được tiết lộ trên trang mạng của liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (FAS) năm 2008. Theo đó, căn cứ này được bố trí ba cầu tàu tiếp nhận tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân.

Ngoài ra, còn có căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất, lối đi vào căn cứ này xác định là rộng tới 3m, thừa khả năng cung cấp chỗ chứa cho tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn. FAS còn cho hay, Du Lâm có thể là nơi neo đậu thường xuyên của các tàu ngầm hạt nhân lớp Jin (kiểu 094) vũ trang tên lửa đạn đạo JL-2 (tầm bắn 8.000km).

Căn cứ hải quân Toulon (Pháp)

  Toulon là căn cứ hải quân lớn thứ hai của Pháp, đây là nơi đóng quân của hạm đội Địa Trung Hải và là nơi đặt bộ chỉ huy hạm đội 6 (Mỹ).


Căn cứ hải quân Toulon.

Căn cứ có 11 xưởng sửa chữa và bến cảng neo đậu tàu. Khu sửa chữa có khả năng tiếp nhận các tàu cỡ trung và cỡ lớn. Trong khi các bến neo đậu thì tiếp nhận được nhiều loại tàu như tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu vận tải, tàu tuần tra.

Ngoài ra, căn cứ Toulon còn là trung tâm huấn luyện thủy thủ của hải quân Pháp và là bảo tàng hải quân với những con tàu chiến từ thế kỷ 18.

Căn cứ hải quân Her Majesty’s (Anh)
Her Majesty’s là một trong ba căn cứ hải quân lớn của nước Anh (gồm Her Majesty, Clyde và Devonport).


Căn cứ Her Majesty's đang là "nhà" của 42 tàu chiến của hải quân Anh bao gồm các tàu khu trục cỡ, tàu quét mìn, tàu tuần tra .



Trên nóc hàng không mẫu hạm hạng nhẹ lớp Invicible (lượng choán nước 20.000 tấn, mang được hơn 20 máy bay cánh cố định và trực thăng). 

Tại đây, có tới 15 khu nhà xưởng sửa chữa và nhiều nơi neo đậu tàu. Ngoài vai trò là căn cứ hải quân, Her Majesty’s được mở rộng phục vụ các mục đích thương mại như đóng tàu hay sửa chữa.

Tại căn cứ này, tàu khu trục mới lớp Daring đang được triển khai đóng để phục vụ hải quân nước này trong tương lai.

Người Anh cũng đang tính đến kế hoạch nâng cấp hải cảng này trong 10 năm tới.
( báo đất việt)

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến? (1)



Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc gần đây đối với biển Hoa Đông và Biển Đông và dọc biên giới Trung - Ấn đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Phải chăng Bắc Kinh cuối cùng sẽ chứng tỏ mong muốn đòi chiếm đất thực sự?

Phải chăng chỉ là cách thể hiện trong một thời gian ngắn của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh các lãnh đạo đang chạy đua vào các vị trí ở Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương Đảng năm 2012, hay đây là những đoạn hồi rời rạc cho thấy một sự tiếp diễn hơn là thay đổi?

Chính sách đối ngoại dựa trên phát triển hòa bình và hài hòa xã hội
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng việc đánh giá tình hình đối ngoại của chúng ta dựa trên các trụ cột cơ bản của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc, phát triển hòa bình và tạo một xã hội hài hòa. Ưu tiên cao nhất của chúng ta kể cả trong chính sách đối ngoại là củng cố các trụ cột này trong nước.



Những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là từ bên trong. Tôi không cần nhắc nhở các thành viên Ban lãnh đạo Đảng rằng mỗi năm chúng ta có hơn 20 triệu người di cư ra thành phố tìm việc làm, rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế ngày càng lớn giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Tây; rằng bức tranh dân số sẽ biến thiên nghiêm trọng trong thập kỷ tới; các vấn đề sinh thái và môi trường đang gia tăng; nguyên liệu đầu vào năng lượng và hàng hóa trong năm qua vẫn chưa chắc chắn; và chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước những bong bóng và sức nóng quá mức trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình.

Các mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng là từ bên trong, nhưng đó là nhờ các mối liên hệ bên ngoài nguy hiểm. Tôi muốn nói đến những nguy cơ của chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.

Cách đây hai năm, trong bài báo cáo của mình, tôi bắt đầu bằng vấn đề Đài Loan, nhưng nay người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã quay lưng lại với các hành động đòi độc lập nguy hiểm của chính quyền DPP tiền nhiệm, và hiện chiến lược của chúng ta nhấn mạnh tới sự phát triển hòa bình để thúc đẩy thống nhất đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trở thành những vấn đề cấp bách hơn, dù tình hình đã bình yên hơn trong một năm vừa qua tại các khu vực này.

Kiềm chế và đảo ngược các xu hướng ly khai này sẽ tiếp tục cho thấy các chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta trong bối cảnh các đồng nghiệp của tôi tại Ban Mặt trận Thống nhất và Văn phòng các vấn đề về Đài Loan đang nỗ lực bảo vệ chính sách một Trung Quốc và đề phòng một sự đảo ngược của các xu hướng có lợi trong 5 thập kỷ qua.

Chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta vận hành theo nguyên tắc phát triển hòa bình và xã hội hài hòa. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các thể chế và diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN + 3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các cuộc đàm phán sáu bên để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hoặc các cường quốc khác và bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì một xã hội quốc tế hài hòa và thế giới đa cực. Đồng thời, chúng ta sẽ khẳng định lại các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và các vùng lân cận phù hợp với sức mạnh đang lớn dần của chúng ta.

Quan hệ quan trọng nhất: Mỹ
Như Chủ tịch Hồ Cầm Đào đã tuyên bố tại cuộc gặp các Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm ngoái, cách xử lý thận trọng quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn là trụ cột chính cho một chiến lược chính sách đối ngoại thành công. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một "đối tác chiến lược" với Washington về lâu dài, dù phải thừa nhận rằng chính quyền của Obama không sẵn lòng sử dụng cụm từ này hơn Bush.

Chúng ta vẫn chống lại những lời kêu gọi của các chuyên gia nước ngoài về việc thành lập một G-2 giữa Mỹ với Trung Quốc, vì điều này sẽ đẩy chúng ta vào cái bẫy trách nhiệm quốc tế có thể không phù hợp với chủ trương phát triển hòa bình và xây dựng một xã hội hài hòa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới một chế độ quản lý chung hai cực với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, và sự nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm quyền lực quan trọng nhất ở châu Á.

Chúng ta cũng thận trọng đánh giá chính quyền Obama. Tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ ở phe đối lập, kể từ thời Nixon, đều sử dụng "quân bài Trung Quốc" - hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền hoặc Đài Loan nếu đắc cử. Các ứng cử viên McCain và Obama đã không động đến chiến lược đe dọa Trung Quốc và dường như sau khi trở thành tổng thống, Obama mới có khả năng xây dựng trên mối quan hệ ổn định mà Bush để lại.

Các dấu hiệu ban đầu từ Washington cho thấy Obama sẽ cam kết tự kiềm chế, thừa nhận gánh nặng lớn của Mỹ ở Iraq và Afghanistan và các xu hướng suy giảm trong nền kinh tế Mỹ. Obama cũng dường như lo lắng về các mâu thuẫn bên trong như hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ. Lời hứa đảm bảo chiến lược của ông và sự trì hoãn các cuộc gặp với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma, cũng như việc hoãn bán vũ khí cho Đài Loan có vẻ như cho thấy ông hiểu tương quan sức mạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng. Tuyên bố chung tháng 11/2009 với thỏa thuận tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của nhau là một thành tựu lớn trong bối cảnh chúng ta đang tìm cách ngăn cản Mỹ hoãn thực hiện Tuyên bố chung về việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hiểu sai về chính quyền Obama. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một đường lối cứng rắn hơn là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 6 vừa qua, mở lại cái được gọi là học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng Năm đã thành công, song quan điểm của chính quyền Mỹ còn cứng rắn hơn trước. Có vấn đề nhất là bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó bà đứng về phía Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Nam Hải (mà Việt Nam gọi là biển Đông - người dịch). Chúng ta sẽ có thể trung hòa Philippines trong cuộc tranh cãi này bằng cách sử dụng các kênh và quỹ thông thường, nhưng Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia dường như hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của bà Clinton và logic chiến tranh Lạnh của bà về quyền tự do hàng hải.

Cách tiếp cận mặt trận liên minh để ổn định các quan hệ với Washington cũng đang thay đổi. Trong quá khứ, cộng đồng doanh nhân Mỹ hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc và chống chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ các yếu tố bè phái hoặc chính sách ngăn chặn tại Mỹ. Nhưng gần đây, một số bộ phận trong cộng đồng doanh nhân đã tham gia học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" khi than phiền rằng các chính sách phát triển kinh tế hợp pháp, như cải tiến bản địa, là một dạng bảo hộ.


Ảnh: Telegraph.co.uk

Nói chung, chúng ta nên đánh giá sức mạnh Mỹ một cách thận trọng. Trong quá khứ chúng ta đôi lúc đã đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ - ví dụ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh - nhưng đôi khi cũng đánh giá thấp sức mạnh này. Chúng ta đã rất ngạc nhiên rằng chỉ vài năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Somalia, chính quyền Clinton đã huy động một lực lượng do NATO dẫn đầu tấn công Serbia dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự quyết và nhân quyền cho Kosovo. Đây là một tiền lệ đáng ngại.

Bài học cho chúng ta là Mỹ đã từng là một cường quốc kiên cường về lịch sử. Tình trạng suy yếu của Mỹ do tình hình tài chính hiện nay và các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan gây ra, rõ ràng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa cực. Chúng ta có thể đẩy nhanh xu hướng này, nhưng không phải là bất chấp nguy cơ đối đầu với Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào các trông chờ trong nước rằng có thể uốn Mỹ theo cách của mình.

Việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ đã đặt chúng ta vào một tình huống bấp bênh hơn nhiều so với Bộ Tài chính ở Washington. Chúng ta đã cho phép định giá lại đồng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường ấn định hay tạo ra lượng cầu hàng hóa nội địa để bù vào lãi suất tiết kiệm cao hơn của Mỹ.

Giả định thực tế của chúng ta phải là Mỹ sẽ vẫn là trung tâm quyền lực nhất trong một thế giới đa cực trong ít nhất một thập kỷ nữa và Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục trung thành với chỉ dẫn chiến lược của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời", trong khi tìm kiếm các cơ hội để "đạt được một điều gì đó".

(tổng hợp bdv)

>> 1.000 chiếc J-20 sẽ làm Nga, Mỹ điêu đứng?



Một chuyên gia quân sự của Trung Quốc đưa ra một giả thuyết rằng, nếu Trung Quốc chế tạo 1.000 máy bay J-20 Nga và Mỹ sẽ "điêu đứng".

"Trung Quốc có thật sự cần 1.000 máy bay chiến đấu J-20 và có đủ ngân sách nhà nước để phát triển hay không?", vị chuyên gia kia đặt ra câu hỏi.

Và chính ông đưa ra câu trả lời: "Đáp án là chắc chắn cần phải có, Trung Quốc còn vấn đề Đài Loan vẫn chưa giải quyết xong, ắt phải chuẩn bị cho chiến lược tương lai, chuẩn bị càng chu đáo thì khả năng giành thắng lợi càng lớn".

Dưới đây là một vài phân tích của vị chuyên gia giấu tên này:

Xét theo một góc độ khác, Trung Quốc đang phát triển sức mạnh không quân, 1.000 máy bay chiến đấu J-20 đối với Trung Quốc không phải là nhiều.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đảm bảo một số lượng lớn các máy bay chiến đấu dự phòng, 1.000 chiếc J-20 ngoài việc biên chế cho Không quân Trung Quốc còn phải bảo đảm việc dự phòng thay thế khi cần thiết.



Máy bay J-20 của Trung Quốc tạo ra "làn sóng" bình phẩm quốc tế.

Đối với vấn đề tài chính, Trung Quốc tuyên bố có đủ khả năng để phát triển 1.000 máy bay J-20. Máy bay chiến đấu F-22 có giá khoảng 240 triệu NDT, trong khi đó mỗi máy bay J-20 của Trung Quốc có giá khoảng 200 triệu NDT, 1.000 máy bay J-20 khoảng 200 tỷ NDT.

Số tiền này chỉ tính riêng các khoản nợ của Mỹ đối với Trung Quốc đã có đủ. Nếu như Mỹ không trả đủ cho Trung Quốc, Trung Quốc vẫn còn các ngân sách khác đủ để phát triển 1.000 máy bay J-20. Ngoài ra, còn chế tạo thêm một vài tàu sân bay mới để đe doạ Mỹ.

Mỹ đối phó thế nào?
Một điều dễ dàng nhận thấy rằng Mỹ, Trung Quốc và Nga đang chạy đua vũ trang.

Trung Quốc có 1.000 máy bay J-20 chắc chắn Mỹ sẽ chế tạo 1.000 hoặc 2.000 máy bay chiến đấu F-22 nhằn cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.


1.000 máy bay F-22 sẽ làm nền kinh tế Mỹ sụp đổ?

Tuy nhiên trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Mỹ đang rơi vào khủng hoảng tài chính. Nếu như chế tạo F-22 nhằm đối trọng với 1.000 máy bay J-20 chắc chắn chính phủ Mỹ phải cho in thêm tiền và điều này làm cho đồng USD rớt giá trên thị trường. Kế hoạch trang bị cho quân đội của Mỹ trong tương lai đã làm cho Bộ tài chính Mỹ phải “đau đầu”, thêm nữa Mỹ đã phải chi rất nhiều cho thương vụ F-35.

Do vậy Mỹ cứ tiếp tục chạy đua vũ trang với Trung Quốc sẽ làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Bên cạnh đó, sau khi chế tạo thành công một số lượng lớn máy bay chiến đấu để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc phía Mỹ sẽ phải tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế.

Sách lược của Nga?
Hiện nay không quân Nga đứng vị trí thứ 2 trên thế giới, nếu như Trung Quốc có 1.000 máy bay J-20 Nga cũng sẽ chế tạo 1.000 máy bay Su-T-50 hoặc các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 cùng loại để cân bằng với Trung Quốc. Đối với nền kinh tế của Nga hiện nay, việc chế tạo 1.000 máy bay T-50 sẽ làm cho nước Nga đến bên bờ vực phá sản.

Việc chế tạo 1.000 máy bay J-20 của Trung Quốc chỉ là giả thuyết, nhưng giả thuyết này rất có khả năng sẽ xảy ra vì Trung Quốc chỉ tuyên bố chế tạo 200 máy bay J-20 đã khiến cho Nga và Mỹ liên tục tăng chi phí quốc phòng. Cuộc chạy đua vũ trang một cách âm thầm này đã khiến cho nền kinh tế của Nga và Mỹ “điêu đứng”.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc chế tạo 1.000 máy bay J-20 sẽ tạo thành một cuộc chạy đua vũ trang lớn đối với Nga và Mỹ, nhưng sau đó Trung Quốc nên lùi lại vị trí thứ 2 hoặc 3 để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Nhật Bản và tại các khu vực ở Thái Bình Dương.

Chuyên gia này chỉ ra, sau khi thực hiện một cuộc chạy đua vũ trang như vậy, Nga và Mỹ sẽ khó lòng can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc vì còn phải khôi phục nền kinh tế đang trượt dốc của mình. Điều này sẽ tạo ra một sự thuận lợi lớn đối với Trung Quốc trong việc thống nhất đất nước và giải quyết các vấn đề tranh chấp.

(vitinfo news)

>> ‘Mổ xẻ’ thương vụ Bastion của Nga ở Trung Đông



Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng bán hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion được trang bị tên lửa hành trình chống tàu P-800 Yakhont cho Syria, bất chấp sự phản đối của Ai Cập và Israel cũng như tình hình bất ổn đang leo thang tại khu vực.

“Hợp đồng cung cấp tên lửa cho Syria đang trong giai đoạn thực hiện”, cơ quan thông tấn dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov.



Bộ trường quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov

Theo hợp đồng vào năm 2007, Nga đã đồng ý bán một số lượng lớn tên lửa hành trình chống tàu P-800 Yakhont cho Syria, chi tiết về hợp đồng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ vào cuối năm 2010. Bản hợp đồng này dẫn đến sự phản đối kịch liệt của Ai Cập, Israel cũng như Mỹ.

Về mặt lý thuyết Israel và Syria đang trong tình trạng chiến tranh, thêm vào đó là quốc gia này có mối quan hệ thân mật với Tehran. Nếu họ có trong tay hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion được trang bị tên lửa hành trình chống tàu P-800 Yakhont đó sẽ là một mối đe dọa lớn với các tàu chiến của Israel.

Đặc biệt, vì một lý do nào đó, hệ thống này rơi vào tay của phiến quân Hezbollah đang ẩn náu tại Lebanon, đó thực sự là một thảm họa với Israel (*).

Nhiều ý kiến cho rằng, dưới sức ép phản đối của Israel và Mỹ Nga sẽ hũy bỏ hợp đồng này như trường hợp thương vụ S-300 với Iran.

Mất trắng 10 tỷ USD?
Theo thông tin sơ bộ, hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion trị giá trên 300 triệu USD, Syria có thể tùy chọn thêm 72 tên lửa P-800 Yakhont nữa.

Bên cạnh đó, tổng giá trị các hợp đồng cung cấp vũ khí cho các nước khu vực Trung Đông lên đến 10 tỷ USD. Với tình hình bất ổn đang leo thang trong khu vực, Nga đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền này.

Tệ hại hơn nữa, đa phần các hợp đồng đều đang bước vào giai đoạn thực hiện, sản phẩm đã được sản xuất, chỉ chờ chuyển giao. Sẽ là một tổn thất không thể bù đắp với công nghiệp quốc phòng Nga nếu các hợp đồng này bị hủy bỏ.

Tất nhiên, là Nga sẽ không bó tay ngồi chờ, họ sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng có thể, bất chấp sự phản đối của các nước lân cận. Kremlin sẵn sàng chịu tiếng "đổ thêm dầu vào lửa" ở Trung Đông, còn hơn là để mất trắng cả chục tỷ USD. Đó cũng là cách để Nga duy trì thị trường vũ khí của mình tại Trung Đông.

Không dừng lại ở đó, Nga đã xúc tiến trở lại thỏa thuận cung cấp máy bay tiêm kích MiG-31, (NATO định danh là “Chó săn cáo”) từng bị hủy bỏ do sự phản đối của các nước trong khu vực. Một hợp đồng cung cấp phiên bản mới nhất tiêm kích MiG-29 cùng với hệ thống phòng không tầm thấp và xe bọc thép cũng đang được xúc tiến để chuyển giao cho Syria.

Dù các nước trong khu vực đang đối mặt với tình hình bất ổn, song họ không thể bỏ qua các mối nguy cơ với an ninh quốc phòng từ bên ngoài. Các nước trong khu vực Trung Đông luôn luôn tồn tại các bất đồng về tôn giáo và chính trị. Do đó, một quốc gia trong khu vực sở hữu hệ thống vũ khí mới, các quốc gia khác ngay lập tức cũng phải tìm kiếm sự cân bằng.

Thực hiện hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion cho Syria sẽ đẩy các nước trong khu vực vào chạy đua vũ trang, nhưng cũng là cách để Nga níu kéo các hợp đồng quân sự đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Cứu cánh cho nền công nghiệp quốc phòng
Chính phủ Nga đã thông qua chương trình tái trang bị cho quân đội với số tiền lên đến 650 tỷ USD. Để làm được điều này, Nga phải đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, cải tổ nền công nghiệp quốc phòng đang giậm chân tại chỗ.

Trung Đông cùng với châu Á - Thái Bình Dương là hai thị trường lớn nhất của vũ khí Nga. Cuộc cách mạng các loài “hoa” tại Trung Đông đẩy Nga vào thế khó. Song Nga không có nhiều lựa chọn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: “Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ mất một cái gì đó, nhưng tôi hy vọng rằng các hợp đồng và thỏa thuận mua bán vũ khí sẽ được hoàn thành”. Ông cũng khuyến nghị rằng Nga cần nỗ lực duy trì nguồn cung vũ khí cho khu vực Trung Đông bất chấp tình hình bất ổn đang leo thang tại khu vực.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga đang đẩy Mỹ vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu gia tăng các lệnh cấm vận vũ khí lên các nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện một Iran thứ 2. Còn nếu thả lỏng các hợp đồng mua bán vũ khí, Trung Đông đứng trước nguy cơ tái diễn cuộc chiến tranh vào những năm 1970.

(*) Xoa dịu sự lo lắng của Israel về việc hệ thống tên lửa P-800 Yakhont có thể rơi vào tay phiến quân Hezbollah, giới quân sự Nga tuyên bố, hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion cực kỳ phức tạp, muốn sử dụng hệ thống này đòi hỏi phải trải qua đào tạo bài bản tại Nga. Hệ thống chỉ phát huy tác dụng khi có sự trợ giúp của các máy bay trực thăng trang bị radar dẫn đường, kết hợp với hệ thống dẫn đường và kiểm soát bắn từ mặt đất. Điều này nằm ngoài khả năng của phiến quân Hezbollah.
(tổng hợp bdv)

>> Nga trang bị siêu tàu ngầm cho Hạm đội Thái Bình Dương



Itar-Tass dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdiukov ngày 28/2 cho biết, Nga sẽ biên chế chiếc tàu ngầm nguyên tử chiến lược đầu tiên lớp Borey cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Theo lời Bộ trưởng Serdiukov, trên nền của bản doanh cũ Nga đã triển khai xây dựng bản doanh mới từ năm 2007 với hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật xã hội hoàn toàn mới.

Chiếc tàu ngầm nguyên tử chiến lược đầu tiên thuộc dự án Borey mang tên Yuri Dolgoruki đã được hạ thủy vào ngày 12/2/2008 và đến nay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.



Theo kế hoạch, cuối năm nay Nga sẽ chính thức trang bị chiếc tàu ngầm siêu hiện đại này cho Hạm đội Thái Bình Dương. Không loại trừ khả năng, tàu ngầm nguyên tử đầu tiên lớp Borey sẽ được trang bị luôn cả tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava khi chính thức đưa vào biên chế.

Chiếc tàu ngầm thứ hai thuộc dự án Borey mang tên Alexandr Nevski đã được hạ thủy vào ngày 13/122010. Dự kiến, chiếc tàu ngầm này sẽ được đưa vào biên chế sau 3-4 năm nữa kể từ khi chính thức hạ thủy.

Chương trình chế tạo vũ khí quốc gia của Nga trong giai đoạn 2011-2020 đã xác định sẽ nghiên cứu, chế tạo 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử chiến lược thuộc dự án 955 để làm nòng cốt cho lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga sau năm 2018 và thay thế cho một số loại tàu ngầm đã cũ như tàu ngầm dự án 941 Akula, 667DR Kalmar và 667BDRM Delphin.

Tàu ngầm nguyên tử chiến lược lớp Borey đã được nghiên cứu, chế tạo tại phòng nghiên cứu, thiết kế Trung ương St.Peterburg mang tên Rubin. Tàu ngầm loại này sẽ được trang bị 16-20 bệ phóng trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava và 6 thiết bị phóng ngư lôi.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Borey có lượng giãn nước 24.000 tấn và có khả năng hoạt động ở độ sâu 450 m, có thể hoạt động trong phạm vi rộng và đạt tới tốc độ 29 hải lý.

(tổng hợp vtc news)

>> Sri Lankan: 2 chiến đấu cơ đâm vào nhau bốc cháy



Ngày 1/3/2011, trong lúc tham gia màn trình diễn một màn aerobic trên không 2 chiếc chiến đấu cơ của lực không quân Sri Lanka đã mất kiểm soát và đâm vào nhau bốc cháy.

Hậu quả của vụ tai nạn trên đã khiến 1 trong 2 phi công điều khiển các tiêm kích tham gia trình diễn thiệt mạng do chấn thương quá nặng.



ảnh minh họa

Các phương tiện truyền thông của Sri Lanka cho hay, mặc dù cả 2 phi công đã nhảy ra ngoài sau khi va chạm nhưng 1 người bị thương quá nặng nên đã tử vong khi đang được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Loại máy bay gặp nạn là tiêm kích Kfir do Israel nghiên cứu và chế tạo.

Vụ việc xảy ra khi các lực lượng không quân của Sri Lanka đang tiến hành tập luyện để trình diễn nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng không quân dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày mai 2/3.

Các quan chức chính quyền Sri Lanka cho biết Tổng thống Mahinda Rajapakse – người đang có mặt tại khu vực này cũng đã đến quan sát hiện trường hai chiếc phản lực gặp nạn.

Chiến đấu cơ Kfir là một trong những vũ khí chủ lực của quân đội chính quyền Sri Lanka. Các máy bay phản lực chiến đấu này cũng đã được quân đội chính phủ sử dụng trong các chiến dịch tiễu trừ phiến quân “Những con hổ Tamil” trong năm 2009.

(tổng hợp vtc news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang