Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

>> Hải quân Ấn Độ tại Biển Đông: Sự khởi đầu suôn sẻ



Tạp chí “Strategic Affairs” số ra tháng 4 cho rằng sự có mặt bước đầu của Hải quân Ấn Độ tại Biển Đông là sự khởi đầu suôn sẻ trong việc giúp nước này đạt được các mục tiêu chiến lược ở khu vực.

Theo bài báo, sự đột phá hồi đầu năm nay của Hải quân Ấn Độ vào Biển Đông để từ đó tới Thái Bình Dương bắt đầu bằng cuộc tập trận với hải quân Singapore cùng với một số máy bay F-16 của không quân nước này được tiến hành từ 18-25/3.

Không như những năm trước, cuộc tập trận chung SIMBEX-2011 gồm một số tàu khu trục mạnh nhất của Ấn Độ và máy bay F-16 của không quân Singapore chỉ khai hoả giả. Cả hai nước đều thể hiện sự nhạy cảm đối với Trung Quốc, nước thời gian gần đây bắt đầu thể hiện sự bực tức trước việc các cường quốc bên ngoài tiến hành các cuộc tập trận như vậy ở vùng biển lợi ích của họ.



Các tàu chiến của Ấn Độ đã tới Biển Đông và việc tham gia cuộc tập trận Malabar với Hải quân Mỹ đầu tháng 4 tại khu vực Tây Thái Binh Dương đã thể hiện Ấn Độ như một cường quốc biển ở khu vực mà tất cả các nước vùng duyên hải hiện đều muốn có quan hệ hợp tác về hải quân.

Ngoại giao hải quân

Cuộc diễn tập Malabar tiếp tục là đỉnh điểm về mối liên kết của hải quân Ấn Độ. Các tàu của Hải quân Nhật Bản cũng dự định sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar được tiến hành luân phiên hàng năm ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhật Bản vốn tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar trong 5 năm qua song do thảm họa động đất và sóng thần đầu tháng 3 vừa qua nên đã rút các tàu này về nước. Mặc dù vậy, cuộc tập trận này vẫn được tiến hành với sự tham gia của Mỹ và Ấn Độ.

Việc các tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông hiện đã trở thành những nét nổi bật quen thuộc hàng năm được các giới phân tích chiến lược chú ý là do Trung Quốc đòi hỏi lợi ích của họ ở vùng biển này. Sau Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên Hải quân Ấn Độ có thể mạo hiểm vượt ra ngoài khu vực lợi ích của mình là Ấn Độ Dương, tới khu vực gần Biển Đông nhất. Trong số các nước ven bờ Biển Đông, Singapore là nước đầu tiên mời Ấn Độ phát triển quan hệ hợp tác giữa hải quân hai nước từ đầu những năm 1990.

Hải quân Singapore hành xử như một chủ nhà tốt và tiến hành đều đặn các cuộc diễn tập SIMBEX luân phiên hàng năm với Ấn Độ kể từ năm 1994. Điều này đã khích lệ Hải quân Ấn Độ tiến dần hơn vào Thái Bình Dương, nơi cách đây ít năm Hải quân Ấn Độ đã có các cuộc tiếp xúc với Hải quân Nhật Bản. Điều đó đã trở thành đề tài thảo luận trong các giới phân tích chiến lược khi Hải quân Ấn Độ thường xuyên tới Thái Bình Dương.

Khi Trung Quốc có những hành động hung hăng trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông, các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ đã phản ứng bằng tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã nói với Mỹ rằng họ coi Biển Đông là một trong những khu vực “lợi ích cốt lõi” của họ và chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực này.

SIMBEX 2011

Tuy nhiên, khi Singapore mời Ấn Độ tham gia cuộc tập trận SIMBEX 2011, Hải quân Ấn Độ đã phái 3 tàu khu trục hàng đầu của mình gồm INS Delhi, INS Ranvijay, INS Ranveer, tàu chở dầu INS Jyoti và tàu hộ tống INS Kirch tham gia. Một máy bay liên lạc trên biển cũng được triển khai để xác định thời gian liên lạc thực tế và các tín hiệu trao đổi và phối hợp hoạt động giữa các tàu chiến.

Gần 1.400 lính thủy Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận, trong khi Hải quân Singapore phái 4 tàu chiến, một tàu ngầm và không quân nước này đã triển khai một số máy bay chiến đấu F-16 tham gia. Cuộc tập trận kéo dài khoảng 1 tuần, trong đó bao gồm giai đoạn ven bờ biển được tiến hành tại căn cứ hải quân Changi và giai đoạn sau tiến hành trên biển ở ngoài khơi Biển Đông. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ tham gia tiếp cuộc tập trận Malabar ở Thái Bình Dương.

SIMBEX được bắt đầu từ năm 1994 như một cuộc huấn luyện tập trung cho các cuộc tập trận chống tàu ngầm và từ đó ngày càng được tăng cường về quy mô cũng như mức độ phức tạp của cuộc tập trận, đồng thời nhấn mạnh các mối quan hệ quốc phòng giữa Hải quân Hoàng gia Singapore và Hải quân Ấn Độ. Hải quân hai nước có các cuộc trao đổi thường xuyên qua một loạt các hoạt động, trong đó có các chương trình trao đổi chuyên môn, các cuộc gặp gỡ giữa lính thuỷ và sĩ quan cũng như chương trình trao đổi các lớp đào tạo, huấn luyện. Theo Chuẩn Đô đốc Singapore Leong, hai nước hiểu biết lẫn nhau và có quan hệ tiếp xúc cấp cao trong quản lý an ninh hàng hải. Cuộc tập trận này được tiến hành hàng năm và luân phiên ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Từ Biển Đông, các tàu chiến Ấn Độ đã tiến sâu hơn vào vùng biển này và đã ghé thăm hàng loạt cảng của các nước vùng duyên hải, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh quan hệ không thật hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam, việc Ấn Độ phát triển sâu sắc các mối quan hệ chặt chẽ và mở rộng quan hệ với Hải quân Việt Nam khiến giới nghiên cứu chiến lược Trung Quốc tức giận cho dù họ không công khai phản ứng trước mối quan hệ ngày càng tăng lên này.

Trung Quốc tỏ ra rất bực tức khi cách đây 5 năm Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Ôxtrâylia tiến hành cuộc tập trận ở Thái Bình Dương ngay phía trước cửa ngõ lãnh hải Trung Quốc. Sau đó, Ôxtrâylia đã rút khỏi cuộc tập trận tương tự do lo ngại phản ứng của Trung Quốc. Trên thực tế, việc dư luận nói về liên minh 4 quốc gia ở Thái Bình Dương đã làm cho Trung Quốc nổi giận và Ôxtrâylia cùng Ấn Độ cảm thấy “e ngại”. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục tham gia nhóm 3 nước trong các cuộc tập trận ở Malabar. Cuộc tập trận này ban đầu chỉ có Ấn Độ và Mỹ, sau đó Nhật Bản tham gia và chấp nhận hình thức tập trận ba bên này.

Thế nhưng, do xảy ra thảm họa sóng thần và động đất tàn phá đất nước hôm 11/3, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã không tham gia cuộc tập trận năm nay. Malabar 2011 bao gồm các hoạt động của cả tàu nổi, tàu ngầm và không quân, trong đó các máy bay lên thẳng của hải quân của nước này cất và hạ cánh xuống các tàu chiến của hải quân nước kia. Các hoạt động khám xét, tấn công, tìm kiếm và truy bắt (VBSS), trong đó các đội VBSS Ấn Độ và Nhật Bản “tấn công” lên các tàu khu trục Mỹ để mô phỏng việc tìm kiếm một tàu buôn là đỉnh điểm của cuộc tập trận.

Hoạt động ngoại giao hải quân của Ấn Độ không chỉ hạn chế ở cuộc tập trận gồm ba quốc gia này. Cũng chính các tàu chiến Ấn Độ tham gia SIMBEX 2011 và Malabar 2011 đã giao lưu và tập trận với Hải quân Nga. Cuộc tập trận này mang tên INDRA phản ánh khát vọng mạnh mẽ của Ấn Độ muốn có quan hệ đối tác năng động với hải quân tất cả các nước khu vực này và các nhóm quốc tế.

Trên thực tế, các cuộc tập trận với một loạt nước thể hiện sự chấp nhận rộng rãi coi Ấn Độ như một cường quốc hải quân tốt, ôn hoà hiện có vai trò trong chính sách hàng hải, tìm kiếm cứu hộ trên biển và bảo vệ môi trường đại dương. Vai trò của Hải quân Ấn Độ trong cuộc chiến chống cướp biển được đánh giá cao trên thế giới cũng như các nước ven bờ Ấn Độ Dương đang ngày càng đòi hỏi Hải quân nước này phải hỗ trợ cho việc đối phó với các loại hình tội phạm khác nhau trên biển.

Tại Biển Đông, Hải quân Ấn Độ cũng có quan hệ với các nước khác như Inđônêxia và Malaixia. Việc phát triển quan hệ sâu sắc với các nước ASEAN bảo đảm cho Ấn Độ cơ hội tiến hành các chuyến thăm thường xuyên ở vùng biển gần lãnh hải Trung Quốc./.
[BDV news]


>> Năm con rồng khuấy động biển cả (Kỳ 1)



Bài viết của Lyle J. Goldstein, Trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ phân tích, đánh giá chi tiết chức năng, nhiệm vụ của 5 đơn vị mà tác giả gọi là “Năm con rồng” hình thành nên lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc .

Trong thời đại mà sự phô trương lực lượng giữa các cường quốc diễn ra rất tinh vi, bảo vệ bờ biển có vai trò mới và quan trọng trên vũ đài thế giới. Khi Washington muốn thể hiện sự hối lỗi và muốn tiếp viện Gru-di-a đang bị bao vây mà không làm gia tăng căng thẳng vốn đã nóng bỏng ở quanh Hắc Hải, USCGC Dallas, một tàu tuần duyên lớn của Mỹ đã được phái đi.1 Xu hướng này đã trở nên rõ ràng từ lâu ở châu Á. Lần sử dụng các lực lượng chết người rộng rãi nhất của Tokyo sau chiến tranh thế giới II là hành động của lực lượng tuần duyên Nhật Bản chống lại một tàu thăm dò Bắc Hàn.2

Gần đây hơn, một tàu tuần duyên Nhật Bản đã đánh chìm một tàu cá Đài Loan trong một vụ va chạm gần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài đang tranh chấp ở vùng biển Hoa Đông, châm ngòi cho những tranh chấp ngoại giao tương đối nghiêm trọng.3




Những lực lượng tuần duyên hùng mạnh nhất châu Á này đang đặt ra một tiền lệ xấu. Ví dụ, Ấn Độ đã thông báo một vụ mua máy bay chiến đấu dài hạn táo bạo phục vụ cho việc tuần tra biển vào mùa thu 2008.4 Đội tuần duyên đã được cải thiện của Hàn Quốc, trong khi đó, đã mời các phóng viên nước ngoài tiến hành một chuyến du lịch gần các đảo do Hàn Quốc quản lý nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền, làm cho chuyến tham quan mang ý nghĩa hiếu chiến.5

Với những thông tin trên, cùng với sự đồng thuận rộng rãi rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những hiện tượng quan trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh quốc tế trong thế kỷ 21, điều lạ lùng là cơ cấu tổ chức, khả năng, văn hóa dịch vụ hay triển vọng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc này hầu như không được biết đến. Trong khi lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã thu hút đáng kể sự chú ý gần đây của giới học giả trong lĩnh vực này, những sự phát triển tương tự của Trung Quốc đã không được chú ý, mặc dù những tài liệu nguồn về vấn đề này ở Trung Quốc là rất dồi dào.6 Đáng chú ý là một chuyên gia hàng đầu về “phòng vệ biên giới” của Trung Quốc gần đây đã nhận định rằng công trình của ông “chỉ xem xét cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc bảo vệ biên giới đất liền của nước này…Những nghiên cứu trong tương lai nên nghiên cứu cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc phòng vệ biển.”7

Tất nhiên, các học giả cũng đã tương đối chú ý đến sự phát triển của hải quân Trung Quốc, và điều này là hoàn toàn hợp lý.8 Tuy nhiên, những nghiên cứu về sự phát triển của hải quân Trung Quốc có xu hướng tập trung vào những tình huống tranh chấp xa bờ và căng thẳng, bao gồm những cuộc khai phá dưới biển và những cuộc tập trận đổ bộ, cũng như những tiềm năng trong tương lai với việc bảo vệ đường biển mở rộng, triển khai sức mạnh và răn đe hạt nhân. Một vụ việc được biết đến rộng rãi năm 2009 liên quan đến tàu do thám Mỹ và các tàu hải giám của Trung Quốc (cùng với các tàu đánh cá Trung Quốc) cũng đã làm rõ hơn sự hiểu biết về khả năng giám sát hàng hải phi quân sự của Trung Quốc.

Nhìn chung, các vấn đề bảo vệ bờ biển và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cái được gọi là an ninh phi truyền thống đã không được xem xét đầy đủ trong bối cảnh hàng hải Trung Quốc. Nếu nhận thức của Trung Quốc về vấn đề quản lý và giám sát bờ biển, an ninh cảng, cướp biển, buôn lậu ma túy, bảo vệ môi trường, tìm kiếm và giải cứu tiếp tục ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc, hợp tác giữa các cường quốc biển Đông Á có thể cũng sẽ tiếp tục kém phát triển.9 Việc triển khai quân chưa từng có tiền lệ tháng 12 năm 2008 của hải quân Trung Quốc cùng với các lực lượng hải quân khác ở Vịnh Aden trong hoạt động chống cướp biển, không còn nghi ngờ gì nữa, là một bước tiến rõ rệt theo đúng hướng. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều có thể và nên được thực hiện để tìm ra điểm chung với Trung Quốc trong việc đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống.

Ngày nay, Trung Quốc còn khá yếu trong lĩnh vực trung tâm cực kỳ quan trọng - sức mạnh hàng hải, là sự kết hợp giữa năng lực thương mại và sức mạnh quân sự cứng và liên quan đến quản lý hàng hải, tức là thực thi luật pháp của một quốc gia và đảm bảo “trật tự tốt đẹp” ngoài khơi của quốc gia đó.10 Mặc dù đã có những tiến bộ lớn lao trong thập kỷ vừa qua, các cơ quan cưỡng chế hàng hải Trung Quốc vẫn chia rẽ và tương đối yếu. Nhiều chuyên gia Trung Quốc đã miêu tả tình trạng này một cách khá châm biếm là có quá nhiều “những con rồng khuấy động biển cả.”11 Ở Đông Bắc Á, khả năng tuần tra hàng hải yếu của Trung Quốc là ngoại lệ, đặc biệt nếu đem so sánh với khả năng tuần duyên của Nhật Bản (hay ở ngoài khu vực là Mỹ). Thật vậy, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản gần đây đã được miêu tả là gần như, nếu không muốn nói là hoàn toàn, là hải quân thứ hai của Tokyo.12

Sự yếu kém tương đối của Trung Quốc trong lĩnh vực này là một điều bí ẩn và đã đặt ra câu hỏi nghiên cứu của bài này. Tình trạng yếu kém tương đối này được nêu ở phần một của nghiên cứu. Phần hai lần lượt miêu tả và phân tích tình trạng hiện tại của năm bộ máy thẩm quyền chịu trách nhiệm giám sát và quản lý hàng hải ở Trung Quốc ngày nay. Phần ba đưa ra câu hỏi là các cơ quan này, và bất kỳ một lực lượng tuần duyên thống nhất nào của Trung Quốc trong tương lai, có mối quan hệ như thế nào đối với hải quân Trung Quốc.

Trước khi đưa ra tác động và triển vọng, phần bốn sẽ đi sâu phân tích một loạt những lý giải vĩ mô cho sự yếu kém của các cơ quan tuần tra bờ biển Trung Quốc hiện nay. Phần năm phân tích các khả năng cho việc hợp tác an ninh hàng hải trong tương lai, bằng cách xem xét kỹ sự tham gia hàng hải dân sự Mỹ-Trung giữa các thực thể tuần duyên trong thập kỷ vừa qua. Phần cuối cùng làm rõ ba gợi ý chiến lược khả thi cho việc tăng cường khả năng tuần duyên của Trung Quốc. Toàn bộ nghiên cứu này dựa trên hàng trăm nguồn tài liệu tiếng Trung, các cuộc phỏng vấn tại Trung Quốc, và đặc biệt là một điều tra rất chi tiết và cực kỳ trung thực vào năm 2007 của giáo sư He Zhonglong và ba thành viên khác tại Học viện cảnh sát tuần tra biển Trung Quốc tại Ninh Ba.13

Sự phát triển đang diễn ra của các thực thể tuần duyên Trung Quốc thành những cơ quan quản lý hàng hải đồng bộ và hiệu quả đặt ra cả thách thức và cơ hội cho an ninh và ổn định ở Đông Á. Việc mở rộng khả năng sẽ tự nhiên dẫn đến sự thực thi chặt chẽ hơn các tuyên bố biển của Trung Quốc trước các nước láng giềng.14

Tuy nhiên, một kết quả triển vọng tốt đẹp hơn là việc tăng cường khả năng quản lý hàng hải của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh sẽ sẵn sàng ủng hộ các quy tắc an ninh và an toàn hàng hải như một “nhân tố hàng hải” đủ năng lực và thiết yếu.

Sự yếu kém tương đối trong môi trường láng giềng mạnh

Những yếu kém của lực lượng tuần duyên Trung Quốc là nguồn tư liệu phong phú cho các nhà phân tích về biển Trung Quốc. Xem xét quy mô phát triển hàng hải của Trung Quốc, những nhà phân tích này cho rằng tiềm lực của lực lượng tuần duyên nước này là nhỏ bé và rời rạc. He Zhonglong và những cộng sự của ông viết: “Các lực lượng cảnh sát biển của chúng ta…không tương xứng với vị thế và hình ảnh của một siêu cường”.15

Ông và các tác giả nói thêm: “Hiện nay, trong hải đội của lực lượng tuần duyên, đa số là các tàu tuần tra có trọng tải nhỏ hơn 500 tấn, và con số trực thăng hải vận càng cho thấy lực lượng này không đạt đến những yêu cầu của một lực lượng chấp pháp trên biển toàn diện”.16 Các giáo sư của Học viện Cảnh sát Biển Ninh Ba cũng khẳng định rằng tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được: “Trung Quốc là quốc gia có dân số đông, và các nguồn tài nguyên trên đất liền của nước này là không đủ. Các đại dương có thể thay thế và bổ sung không gian cho đất liền, và đối với các nguồn tài nguyên thì biển cũng có trữ lượng tiềm năng khổng lồ cùng với ý nghĩa chiến lược.”17

Ngược lại, những cường quốc ở Thái Bình Dương khác, đặc biệt là Mỹ và Nhật, duy trì các lực lượng tuần duyên rất mạnh. Các nhà phân tích hàng hải Trung Quốc ghi nhận đầy đủ và thấu hiểu thực tế so sánh bất lợi này. Quả thật, mức độ hiểu cặn kẽ của phía Trung Quốc về tiềm lực tuần duyên Mỹ và Nhật là rất ấn tượng, điều này ngay lập tức gợi cho người ta đồng thời sự đố kỵ lẫn ngưỡng mộ.19 Ví dụ như, để minh họa cho sự yếu kém của lực lượng tuần duyên Trung Quốc, He Zhonglong đã chỉ ra rằng Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ (USCG) được trang bị 250 máy bay các loại, trong khi phía Nhật có 75 máy bay. Các đơn vị tuần duyên Trung Quốc, với tiềm lực không quân trực thuộc kém phát triển hơn, chắc chắn không thể triển khai nhiều hơn 36 máy bay các loại.20

Máy bay rất quan trọng một mặt trong việc tuần tra tầm xa và mặt khác trong các nhiệm vụ cứu hộ phức tạp. Hơn nữa, những yêu cầu mang tính chuyên nghiệp đòi hỏi lực lượng tuần duyên của một quốc gia phải duy trì các đơn vị không quân mạnh là rất lớn. Do đó, các con số kể trên phản ánh được khoảng cách rất lớn giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc và lực lượng tuần duyên của các quốc gia Thái Bình Dương khác, điều này được ghi nhận rõ ràng bởi các nghiên cứu của Học viện Ninh Ba.21

Bảng 1 minh họa rằng dù các đơn vị tuần duyên của CHND Trung Quốc (PRC) có tương đối nhiều tàu tuần tra loại nhỏ và rất nhỏ (dưới 1,500 tấn), Bắc Kinh vẫn có ít hơn cả Washington và Tokyo về số tàu loại vừa (1,500 – 3,000 tấn) và loại lớn (trên 3,500 tấn).22 Nghiên cứu của Học viện Ninh Ba chỉ thêm rằng Hàn Quốc (ROK) đã tiến hành thành công vào năm 1996 chiến dịch thống nhất các đơn vị chấp pháp trên biển riêng lẻ thành một Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc thống nhất, hùng mạnh theo mô hình của Mỹ và Nhật.23


Động lực để Bắc Kinh nâng cấp năng lực tuần duyên của mình rõ ràng liên quan đến mục tiêu chiến lược tổng thể của nước này là tăng cường tiềm lực hàng hải nói chung và do đó, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển nhanh của hải quân Trung Quốc. Quả thực, tác động của sáng kiến này đối với an ninh Đông Á là rất quan trọng và sẽ được phân tích ở phần kết luận của bài nghiên cứu này. Sắc thái trong các bài phân tích của Học viện Ninh Ba rõ ràng gợi cho chúng ta thấy tầm quan trọng của yếu tố an ninh quốc gia trong tư tưởng của người Trung Quốc về tiềm lực tuần duyên.

Ví dụ, những tác giả của phân tích kể trên nhìn nhận rằng “ngày nay, tư duy có từ thời Chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia… Vẫn có những thái độ thù địch”24. Xét đến vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông, phân tích kể trên chỉ ra rằng: “Một mặt, Trung Quốc và 10 quốc gia thuộc khối ASEAN đã ký Quy tắc ứng xử trên Biển Đông ở Phnôm Pênh, [nhưng] ở mức độ nào đó, những gì đã diễn ra đó là chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc đang tiếp tục bị xâm phạm nghiêm trọng”25.

Động cơ kể trên hoàn toàn không có gì bất ngờ và phù hợp trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang tồn tại mạnh mẽ trong giới trí thức Trung Quốc và trong các phân tích về chính sách nói chung.

Tuy nhiên, một luồng tư tưởng lớn khác liên quan đến việc xây dựng tiềm lực tuần duyên của Trung Quốc đang tồn tại rõ rệt mà nhận thức rõ về quá trình toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau càng nhiều giữa các quốc gia. Theo luồng tư tưởng này, cũng có thể tìm thấy rõ ràng và chi tiết trong phân tích của Học viện Ninh Ba, chúng ta có thể nhận thấy một khái niệm tinh tế và đáng khích lệ rằng lực lượng tuần duyên, dựa trên tính chất linh hoạt của nó, có thể hoạt động như một bước đệm giữa các lực lượng hải quân khác, hỗ trợ trong việc làm dịu đi tranh chấp giữa các quốc gia có thể xảy ra tại Đông Á.

Theo dòng tư tưởng đó, khái niệm này càng được củng cố thêm, He Zhonglong và các cộng sự kết luận: “Mọi người sống với nhau trên cùng một hành tinh, và cùng đương đầu với những đe dọa chung, và có cùng những lợi ích chung”26. Một phân tích khác cũng chỉ ra tương tự rằng những mối quan hệ quốc tế mà các lực lượng tuần duyên khác đã gầy dựng được “rất nhiều lần thành công trong việc đẩy lùi các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia”.27

Nghiên cứu của Học viện Ninh Ba cuối cùng cũng chỉ ra nguyên nhân nằm ở yếu tố tổ chức khi giải thích các yếu kém của lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc. Như các tác giả của bản nghiên cứu viết:

“Mô hình tổ chức quản lý trên biển của Trung Quốc là chưa lý tưởng. Trong khoảng thời gian rất lâu, đã tồn tại một tình trạng “nhóm rồng lũng đoạn vùng biển”: trong tất cả các tình huống, luôn có rất nhiều bên tham gia, mỗi bên có quyền lực riêng của mình, với thẩm quyền chồng chéo, cũng như những lỗ hổng rõ ràng. Về mặt bên trong, điều này gây ra những vấn đề trong việc thi hành pháp luật sao cho phù hợp, trong khi xét về bên ngoài, không thấy có sự thống nhất trong các nỗ lực. Kết quả là cho ra đời một lực lượng thụ động, yếu kém và không hiệu quả.28

Trong khi bản thân lý giải này đã là khá thuyết phục, bài phân tích sẽ xem xét thêm một số nguyên nhân tiềm năng của sự yếu kém này, bên cạnh việc nghiên cứu những triển vọng cho việc cải tổ, tiềm năng cho việc phát triển xa hơn nữa hợp tác quốc tế về an ninh biển, và các gợi ý mang tính chiến lược liên quan đến an ninh Đông Á.
[Nghiencuubiendong news]


>> Nga muốn mua máy bay siêu khổng lồ An-225 Mriya



Nhà máy hàng không Kiev sẽ hoàn thiện máy bay vận tải siêu nặng An-225 Mriya nếu có khách hàng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Motor Sich (Ukraine) Vyacheslav Boguslayev cho biết.

Theo ông này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov khi thăm Nhà máy hàng không Kiev đã quan tâm đến khả năng hoàn tất chế tạo chiếc An-225 Mriya (Ước mơ) thứ hai chế tạo dở vào cuối thập niên 1980.

Thời Liên Xô, người ta ngay từ đầu đã khởi công chế tạo 2 chiếc An-225. Một chiếc đã hoàn tất và đang được khai thác bởi công ty Antonov Airlines, thuộc tổ hợp KHKT hàng không Antonov (ANTK Antonov). Chiếc thứ hai, theo một số nguồn tin, đã hoàn thành 60-70%. Trước đó, giám đốc điều hành của hãng Antonov nói rằng, để hoàn tất chế tạo chiếc An-225, cần có gần 100 triệu USD, trong đó 25 triệu chi cho mua động cơ.

Bộ Quốc phòng Nga trước đây không công bố ý định mua An-225. Kinh phí cho việc chế tạo hoàn tất và mua máy bay không được đưa vào chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2011-2020 vốn có hiệu lực từ ngày 30.12.2010. Chương trình này có dự kiến mua các máy bay vận tải An-70 và An-124 Ruslan (An-124 sẽ được sản xuất tại Nga).

An-225 Mriya (testpilot.ru)

Năm 2004, An-225 đã được đưa vào Sách kỷ lục Guiness sau khi lập được số lượng kỷ lục nhiều nhất.

Liên đoàn hàng không quốc tế (FAI) đã ghi nhận 6 kỷ lục thế giới mà máy bay lập ngày 16, 18 và 19.6.2004, đưa số kỷ lục do máy bay lập được lên con số 240.

“Như vậy, An-225 đã lập 240 kỷ lục hàng không thế giới. Là máy bay cất cánh với trọng lượng tối đa (trọng lượng cất cánh 640,860 tấn) và lập được nhiều kỷ lục hàng không nhất, An-225 Mriya được đưa vào Sách kỷ lục Guiness”, - một đại diện ANTK cho hay.


An-225 (ANTK Antonov)

Cụ thể, các chuyên gia đã ghi nhận các kỷ lục tốc độ ở 2 hạng máy bay vận tải turbine phản lực С-1 và C-1t (trọng lượng cất cánh trên 300 tấn) trên 3 đường bay do FAI phê chuẩn. Tốc độ của An-225 trên đường bay Praha-Kiev là 684,67 km/h, Kiev-Ulyanovsk - 662 km/h, Tashkent-Kiev - 693,2 km/h.

Trước đó, ngày 11.9.2001, đã ghi nhận kỷ lục trọng tải khi máy bay đưa lên độ cao 2 km 253,82 tấn hàng. Lúc đó, tải trọng thương mại trên máy bay là 4 xe tăng do Bộ Quốc phòng Ukraine cung cấp.

Siêu máy bay vận tải An-225 được thiết kế và chế tạo năm 1984-1988, dùng để chở hàng kích thước lớn (trong khoang hàng và treo bên ngoài) trên các đường bay xa. Dự án An-225 còn là một bộ phận của chương trình phóng tàu vũ trụ từ máy bay.

An-225 Mriya là máy vận tải quân sự lớn nhất thế giới với trọng tải 250 tấn. Máy bay đã lập kỷ lục tuyệt đối chở 253,8 tấn hàng. Máy bay có khả năng đạt tốc độ bay đến 850 km/h và thường bay ở tốc độ đến 800 km/h. Tầm bay là gần 15.000 km. Máy bay được trang bị 6 động cơ có lực đẩy mỗi chiếc 229,5 kN. An-225 Mriya có mức độ tiêu chuẩn hóa cao về các hệ thống, tổ máy, tổng thành và linh kiện khung thân, động cơ và thiết bị với máy bay khổng lồ khác là An-124-100 Ruslan.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có 1 chiếc An-225.
[Vietnamdefence news]


>> Đức bắt đầu đóng frigate lớp Type 125



Ngày 9.5.2011, tại xưởng đóng tàu của hãng Blohm + Voss (Đức) đã diễn ra lễ khởi công đóng frigate đầu tiên lớp Type 125 là F125 với việc cắt những tấm thép đầu tiên.

Tàu sẽ được khởi đóng vào tháng 11.2011. Dự kiến, F125 sẽ hoàn tất và chuyển giao cho Hải quân Đức vào năm 2016.

Tháng 8.2010, có tin Bộ Quốc phòng Đức, bất chấp những biện pháp tiết kiệm ngặt nghèo, vẫn dự định mua nhiều tàu nổi và tàu ngầm cho Hải quân Đức và chuyển giao bắt đầu từ năm 2012.


F125 (naval-technology.com)


Theo kế hoạch, từ năm 2016-2019, Hải quân Đức sẽ nhận vào biên chế 4 frigate mới.

Hợp đồng phát triển, đóng và bàn giao các frigate lớp Type 125 được ký với công-xooc-xi-om Thyssen-Krupp và Lurssen vào năm 2007.

Các tàu mới sẽ thay thế các frigate cũ lớp Bremen. F125 có lượng giãn nước 7.200 tấn, chiều dài 149,5 m, chiều rộng 18,8 m, mớn nước 5 m. Tàu có thể chạy với tốc độ 26 hải lý/h, cự ly hành trình 4.000 hải lý.



F125 (ARGE F125)

F125 sẽ được trang bị 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 2 hệ thống tên lửa phòng không RAM Block II với 21 ngăn phóng mỗi hệ thống và 2 hệ thống pháo phòng không tầm gần, 1 pháo trọng lượng nhẹ 127 mm Otobreda bắn đạn tấn công mặt đất có điều khiển Vulcano tầm bắn trên 100 km, 2 pháo tự động điều khiển từ xa MLG 27 27 mm, 5 ụ súng máy điều khiển từ xa 12,7 mm Hitrole-NT và 2 súng trọng liên điều khiển bằng tay 12,7 mm.

Ngoài ra, tàu sẽ được trang bị các hệ thống tự vệ TKWA và MASS. F125 sẽ chở theo 2 trực thăng NHI NH-90.
[Vietnamdefence news]


>> 'Khoảng trống' giữa J-11 tới J-20



Những cái tên J-10, J-11 và J-20 đã xuất hiện nhan nhản và tốn không ít giấy mực của báo chí, thế nhưng sự gián đoạn giữa chúng là những khoảng tối mà Trung Quốc không muốn nhắc đến.

Kể từ lúc ngành công nghiệp sản xuất máy bay Trung Quốc chập chững những bước đầu tiên trong việc sản xuất máy bay chiến đấu, khi mày mò lắp ráp chiếc Zhong-0101- chiếc J-5 đầu tiên - từ phụ tùng máy bay Mig-17 được Liên Xô viện trợ, nước này chưa bao giờ để lại khoảng trống khi đặt tên cho những thế hệ máy bay chiến đấu của mình.

Công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc lần lượt cho ra: J-6 (bản sao Mig-19), J-7, J-8 (>> chi tiết) (bản sao, nâng cấp của Mig-21), J-9 (tiêm kích hạng nhẹ một động cơ phát triển dựa trên máy bay Mig-21, đã ngừng phát triển từ những năm 1980 để nhường chỗ cho việc nâng cấp máy bay J-8), J-10 (>> chi tiết) (máy bay thế hệ thứ tư đầu tiên của Trung Quốc tự sản xuất dựa trên thiết kế máy bay Lavi của Israel và F-16 họ nhận được từ Pakistan), J-11 (bản sao của Su-27SK). (>> chi tiết)

Tuy nhiên, kể từ J-11, bỗng dưng truyền thông Trung Quốc im ắng rồi nhảy phắt một bước tới việc công bố máy bay thế hệ thứ 5 đầu tiên với tên gọi J-20. Phải chăng họ đã từ bỏ truyền thống này để thể hiện một sự nhảy vọt? Thực tế không phải vậy, những mẫu J-12 cho đến J-19 đã và đang tồn tại, nhưng một số đã đi vào ngõ cụt, số khác đang được gấp rút hoàn thành, mang theo mình những kỳ vọng không kém "ngôi sao" J-20.

Bài viết dưới đây xin lần lượt điểm lại các mẫu máy bay ít được truyền thông Trung Quốc nhắc tới:

J-12

Đối với máy bay chiến đấu, việc yêu cầu cất/hạ canh trên đường băng ngắn luôn là một tiêu chí đáng để tiếp cận. Loại máy bay nào có khả năng cất/hạ cánh ở đường băng càng ngắn, càng có thể bố trí chiến đấu ở nhiều khu vực hơn, nhất là những đảo nhỏ không thể xây dựng được đường băng dài.

Vào đầu những năm 1970, Trung Quốc quyết tâm chế tạo ra một loại máy bay chiến đấu có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn để thay thế cho máy bay Mig-19 đang sử dụng.

Do trình độ khoa học kỹ thuật thời đó chưa đủ để chế tạo ra những động cơ mạnh, các kỹ sư Trung Quốc buộc phải là giảm khối lượng máy bay đến mức tối đa. Từ quan điểm này, J-12 ra đời tại Nhà máy Công nghiệp Không quân Nam Xương.



J-12 tại sân bay trong một buổi thử nghiệm

Xuất phát từ quan điểm chế tạo, J-12 có thể được xem là một trong những máy bay chiến đấu phản lực nhẹ nhất thế giới với khối lượng rỗng chỉ có 3,2 tấn, khối lượng cất cánh thông thường 4,5 tấn, tối đa 5,3 tấn.

Được trang bị một động cơ Wopen WP-6 (bản sao của động cơ RD-9BF của Liên Xô), J-12 chỉ yêu cầu đường băng cất hạ cánh có độ dài dưới 500m, đây là một tiến bộ lớn khi so sánh với các máy bay cùng thời.



Số phận của loại máy bay J-12 khá đen đủi, nó đi thẳng từ phòng thiết kế đến bảo tàng

Tuy nhiên, với khả năng thể hiện quá yếu kém: Tốc độ tối đa chỉ đạt 1.300 km/h; bán kính tuần tiễu 688 km; bán kính chiến đấu 405 km, khối lượng vũ khí mang theo chỉ đạt hơn 1 tấn treo trên ba mấu treo vũ khí, kém xa J-7 (bản sao của Mig-21 được Trung Quốc sản xuất đại trà sau đó nên năm 1977), dự án sản xuất J-12 đã bị đình chỉ vĩnh viễn để nhường "vốn" đầu tư cho J-7 và J-8.

J-13

Tương tự J-12, J-13 cũng là một đề án sản xuất máy bay của Trung Quốc nhằm thay thế biên đội J-6 (Mig-19) cũ kỹ của nước này vào đầu những năm 1970. Tuy nhiên, J-12 được thiết kế tại Nam Xương còn J-13 là sản phẩm của Tổng công ty máy bay Thẩm Dương.



Máy bay J-13 có thiết kế cửa hút gió hình bán cầu hẹp hai bên thân tương tự như Mirage F1 của Pháp

J-13 được thiết kế là máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ một động cơ. Ban đầu, J-13 có thiết kế tương tự như máy bay Mirage F1 của Pháp với hai cửa hút gió hai bên ép sát thân.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 1980, khi máy bay thế hệ thứ 4 xuất hiện, đội ngũ thiết kế J-13 được đặt nhiệm vụ phải tạo ra mẫu máy bay có tính năng tương đương để khắc Mig-29 của Liên Xô hay F-16 của Mỹ.

Trong giai đoạn này, phiên bản J-13V ra đời với thiết kế cửa hút gió hình chữ nhật, phía dưới thân tương tự như máy bay J-10 ngày nay.



Máy bay J-13V (phía dưới) có cửa hút gió hình chữ nhật dưới thân tương tự J-10 ngày nay

J-13 có chiều dài 17,5m, sải cánh 10,4m và có khối lượng cất cánh là 11,66 tấn. Loại máy bay này có thể mang theo 4,5 tấn vũ khí trên các giá treo ở thân và cánh. Được trang bị động cơ WS-6, J-13 có thể đạt tốc độ 3.000 km/h (Mach 2,45) với tầm hoạt động lên tới 2.340 km.

Tuy nhiên, đến khi công việc thiết kế cơ bản hoàn thành, J-13 trở lên lỗi thời, do đó chương trình phát triển J-13 bị hủy bỏ để nhường chỗ cho loại máy bay hiện đại hơn là J-10 của Nhà máy Thành Đô.

Tuy vậy, một số thành quả thiết kế của J-13 vẫn được áp dụng cho các loại máy bay sau này của Trung Quốc như kiểu cửa hút gió (áp dụng cho J-10).

J-14

J-14 là một trong những bước đầu tiên của Trung Quốc nhằm chế tạo máy bay thế hệ thứ 5. Được coi là một thiết kế rất thành công, thiết kế của J-10B đã được Xưởng thiết kế của Thành Đô sử dụng lại, sửa đổi và nâng cấp để chế tạo ra một loại máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng, có hình dáng giảm thiểu phản xạ sóng radar.


Máy bay J-10B, nguyên mẫu dùng để để thiết kế J-14

Tuy J-14 thiết kế chủ yếu dựa trên J-10, nhưng người Trung Quốc còn thêm thắt một vài kiểu dáng và một số bộ phận của MiG 1.44 MFI (Nga). Phần thân máy bay phình to về phía đuôi để chứa khối động cơ của YF-23 Black Widow.

Toàn bộ phần thân trước của máy bay có thiết kế dẹt kiểu “mũi vịt” tương tự máy bay tiêm kích - ném bom Su-34 và các cửa khoang vũ khí, càng tiếp đất có hình răng cưa giống như F-22. Để giảm thiểu thể tích khoang chứa càng tiếp đất, các ống của càng tiếp đất có thể lồng vào nhau tương tự như Eurofighter Typhoon của châu Âu.

Cửa hút khí của J-14 được thiết kế dưới phần bụng của thân trước, chỗ lồi của cửa hút khí này cũng làm giảm thiểu khả năng phản xạ sóng radar khi sóng tới từ phía trước. Tuy nhiên, việc bố trí cửa hút khí của J-14 khiến luồng khí vào động cơ sẽ bị méo nếu một động cơ gặp sự cố. Điều này dẫn tới mất an toàn cho máy bay.


J-14 có nhiều đặc điểm thiết kế vay mượn các loại máy bay khác nhằm giảm thiểu phản xạ sóng radar

Về vũ khí, J-14 dự tính được trang bị một pháo 6 nòng cỡ 23 mm tương tự pháo GSh 6-23 được lắp trên MiG-31 hay Su-24. Các vũ khí khác được đặt trong hai khoang nhỏ hai bên thân và một khoang lớn dưới bụng gồm các tên lửa đối không tầm ngắn PL-8, R-73 hay tên lửa tầm trung R-77, PL-12.

J-14 cũng được trang bị radar có khả năng bắt bám nhiều mục tiêu và hệ thống trinh sát quang điện tử FLIR, hồng ngoại IRST.

Buồng lái của J-14 cũng được thiết kế tối ưu với các thông số hiển thị trên các màn hình LCD đa chức năng (MFD). Kiểu thiết kế “bong bóng” của buồng lái cũng giúp tăng khả năng quan sát của phi công.

Ngoài ra, phi công J-14 còn được trang bị mũ bay tiên tiến với hệ thống hiển thị thông tin ngay trên mũ (HUD).


Hình vẽ tổng thể máy bay J-14

Từng xuất hiện trên báo chí vào khoảng năm 2006, nhưng đến thời điểm hiện tại các thông tin về J-14 đã mờ nhạt và gần như lãng quên. Khả năng lớn nhất là dự án này đã bị đình lại để Trung Quốc dồn toàn lực vào việc phát triển J-20 và các loại máy bay sử dụng trên tàu sân bay như J-15 hay J-18.

[BDV news]


>> ‘Phương án B’ tiêu diệt bin Laden



Quan chức cao cấp Mỹ tiết lộ, đã có hai nhóm chuyên gia dự phòng trong chiến dịch tiêu diệt bin Laden.

Theo đó, một nhóm để chôn bin Laden nếu bị giết, và nhóm thứ hai gồm có luật sư, nhân viên lấy cung và phiên dịch trong trường hợp bắt sống. Nhóm thứ hai có mặt trên tàu sân bay Carl Vinson, đậu trên Biển Bắc Arab.

Khoảng 10 ngày trước cuộc tiến công, Obama đã có buổi tổng duyệt kế hoạch và yêu cầu các sỹ quan chuẩn bị một lực lượng đủ lớn để rút êm mếu các lực lượng của Pakistan xuất hiện và cố tình can thiệp vào cuộc tấn công.

Theo sự chỉ đạo này, Mỹ cử thêm hai trực thăng và một lực lượng quân dự bị sau khi đã cử hai trực thăng đa năng Black Hawk để chở lực lượng đặc nhiệm tiến công.

Quyết định tăng quân đến Pakistan của ông Obama cho thấy tổng thống sẵn sàng chấp nhận một cuộc đụng đầu quân sự với đồng minh thân cận để bảo đảm thành công cho chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda.

Một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ nói: “Họ nhận mệnh lệnh bằng mọi cách phải tránh bất kỳ cuộc đối đầu nào. Nhưng nếu họ buộc phải bắn trả để rút lui thì họ được phép làm như vậy”.

Nếu không xảy ra cuộc đối đầu trực diện với quân Pakistan, một trực thăng đã được điều tham gia sẽ cứu giúp chiếc Black Hawk chở đội đặc nhiệm nếu gặp nạn do hạ cánh gấp.




Trong khi đó các máy bay trinh sát và giám sát của Mỹ tiếp tục theo dõi và nghe ngóng những phản ứng của lực lượng cảnh sát và quân đội Pakistan đối với cuộc đột nhập. Điều này quyết định thời gian đội đặc nhiệm có thể ở lại trên mặt đất bao lâu để tìm kiếm và thu gom các ổ đĩa cứng, USB và các tài liệu khác.

Một kế hoạch dự phòng khác cũng được vạch ra nếu xảy trạm trán giữa lực lượng hai bên. Khi đó các quan chức cấp cao Mỹ, kể cả Đô đốc Mike Mullen, sẽ liên hệ với các người đồng cấp của Pakistan để tránh một cuộc xung đột vũ trang.

Quá trình vạch kế hoạch này cho thấy mức độ tin tưởng chính phủ Pakistan của Mỹ thấp đến mức nào. Trước đó Mỹ cũng đã bác bỏ đề nghị cho người Pakistan tham gia vào vụ tấn công.

Từ khi cuộc đột kích xảy ra, quan hệ song phương Mỹ - Pakistan trở nên căng thẳng hơn. Nhà Trắng chính thức xác nhận không có kế hoạch Obama thăm Islamabad trong năm 2011, tuy nhiên chỉ ra một số phát triển tích cực gần đây.

Một trong những cố gắng để hàn gắn mối quan hệ song phương bị rạn nứt, ông Leon E. Panetta sẽ sớm gặp người đồng cấp Pakistan, Trung tướng Ahmad Shuja Pasha, trưởng ISI để “tìm cách thúc đẩy quan hệ trong cuộc chiến chung chống al-Qaeda".
[BDV news]


>> Chỉ tinh hoa mới được phục vụ tàu sân bay Trung Quốc



Một thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc đang tuyển mộ hàng loạt trí thức nhằm đầu tư nhân lực cho hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này.

Đưa tàu sân bay Thi Lang vào hoạt động là bước tiến căn bản để hải quân Trung Quốc có thể tiến ra khỏi giới hạn ven bờ.

Tại một hội nghị quân sự vào thứ hai vừa rồi, Hạ Bình, trưởng bộ phận nhân sự Hải quân Trung Quốc cho biết: “Hải quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang có kế hoạch tuyển mộ 2.000 tiến sĩ trong vòng 5 năm tới”.


Đô đốc Hải quân PLA Ngô Thắng Lợi cho biết Trung Quốc đã đào tạo hơn 1.000 nhân lực trình độ cao cho Hải quân nước này từ năm 2005 đến năm 2010.


Ông ta cho biết thêm, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2010, quân đội đã đào tạo hơn 1.000 chỉ huy và nhân viên kỹ thuật để vận hành loạt vũ khí mới của hải quân bao gồm “tàu chiến cỡ lớn”, tàu ngầm nguyên tử và máy bay loại mới. Tuy nhiên, Hạ Bình không đề cập đến các loại vũ khí trên chính xác là loại nào.

Kế hoạch tuyển mộ nhân sự trên cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng đưa hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này vào hoạt động trong năm nay.

Kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc được biết đến từ đầu năm 2009 khi Đô đốc hải quân Trung Quốc, ông Ngô Thắng Lợi thông báo về kế hoạch đóng “một loại tàu chiến cỡ lớn”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn hãng tin Xinhua, ông Ngô cho biết quân đội đang có tham vọng tăng tốc phát triển các loại vũ khí hiện đại, bao gồm các chiến hạm lớn. Tuy nhiên, ông Ngô không nói rõ về kế hoạch phát triển hàng không mẫu hạm mà chỉ nói sơ lược, sau đó được các phương tiện thông tin giải nghĩa rằng đây là loại tàu chiến có giãn nước lớn hơn 10.000 tấn.
Trương Chiêu Trùng, một giáo sư làm việc tại ĐH Quốc phòng PLA cho biết những loại tàu chiến có thể xếp vào loại này có thể là khu trục hạm cỡ lớn hoặc hàng không mẫu hạm có lượng giãn nước từ 60.000-100.000 tấn, đóng theo tiêu chuẩn Mỹ.

Khi Global Times liên hệ với Hải quân Trung Quốc để phỏng vấn về sự liên quan giữa việc tuyển mộ trí thức lần này và tiến độ đóng hàng không mẫu hạm, phía Hải quân Trung Quốc tiếp tục từ chối hoặc cung cấp rất ít thông tin. Tháng 1/2010, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn phủ nhận tin Trung Quốc đang đóng mới một hàng không mẫu hạm.

Một nhà khoa học làm việc ở Học viện Hải quân Trung Quốc, ông Lý Giải cho biết: PLA đang rất cẩn thận trong việc để lộ các thông tin liên quan đến hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, và đó là điều dễ hiểu. Việc tuyển mộ nhân lực này cũng là một trong những động thái loan tin một cách cẩn thận của họ về tiến độ đóng tàu.

Trở lại vấn đề thông tin, ông cho biết chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc ở một mức nào đó không phải theo một tiến độ cứng nhắc mà nó phụ thuộc vào tốc độ phát triển kỹ thuật nội tại của Trung Quốc, do đó, họ luôn tránh cung cấp những thông tin quá rõ ràng.



Hàng không mẫu hạm Thi Lang của Trung Quốc được dự kiến sẽ đóng xong và thử nghiệm trong năm nay


Dẫn lời một quan chức Hải quân Hoa Kỳ giấu tên, tạp chí The Diplomat, từ Tokyo cho biết: Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc là tín hiệu cho thấy nước này đã chuyển qua giai đoạn thứ 2 trong chiến lược phát triển hải quân.

Kế hoạch 2 giai đoạn bao gồm việc “Hải quân PLA phát triển từ lực lượng sẵn có, phần lớn là các phương tiện chiến đấu ven bờ thành một lực lượng có khả năng tác chiến viễn dương và gây được tầm ảnh hưởng lớn đến khu vực xung quanh”.

Quan điểm này cũng tương đồng với phát biểu của ông Lý Giải khi cho biết: Hải quân Trung Quốc cần thiết phải phát triển đủ mạnh để bảo vệ các nguồn lợi của Trung Quốc ngoài khơi xa, ví dụ như có khả năng thực hiện các cuộc diễn tập chống khủng bố tại các vùng biển xa.

Tuy nhiên theo ông Lý, Hải quân Trung Quốc hiện rất thiếu thốn nguồn nhân lực so với các binh chủng khác khi họ chỉ có trong tay 200.000 người, 10% tổng số quân Trung Quốc. Trong khi đó, các nước có lực lượng quân sự hùng mạnh, nhân sự hải quân thường chiếm tới 1/3.
[Vietnamnet news]


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

>> Thế giới lao vào cuộc đua tàu sân bay



Mặc dù xuất hiện tranh cãi ngày một lớn về chi phí và sự phù hợp của các tàu sân bay, nhưng hải quân các nước vẫn tiếp tục gia tăng đội tàu của mình với tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II.

Trình diễn sức mạnh

Mỹ - nước có số tàu sân bay nhiều hơn mọi quốc gia khác cộng lại - thiết lập được sức mạnh hải quân như Anh, Pháp và Nga đang theo đuổi. Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi cũng không ngừng tăng tốc.

"Toàn bộ ý tưởng nhằm trình diễn sức mạnh, quyền lực”, phó Đô đốc Philippe Coindreau, chỉ huy đội đặc nhiệm của hải quân Pháp dẫn đầu cuộc không kích vào Libya từ 22/3, cho biết.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Ảnh: AP


"Một tàu sân bay hoàn toàn phù hợp với các kiểu xung đột này, và con tàu ấy đã chứng tỏ nó mỗi ngày”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn thực hiện tại tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle, mang sứ mệnh tấn công vào các lực lượng của lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi kể từ cuộc can thiệp của liên quân vào Libya bắt đầu ngày 22/3.

Tàu sân bay hạt nhân trọng tải 42.000 tấn đã cùng tham gia chiến dịch với một tàu nhỏ hơn - tàu Giuseppe Garibaldi của Italy 14.000 tấn. Không có tàu sân bay nào của Mỹ tham gia cho dù lực lượng Mỹ có mặt trong cuộc chiến này ở giai đoạn đầu tiên.

Hải quân Mỹ vẫn sở hữu 11 tàu sân bay hạt nhân, hầu hết là tàu lớp Nimitz có trọng tải lên tới 100.000 tấn. “Pháo đài nổi” trở thành xương sống sức mạnh biển của Mỹ sau Thế chiến II, trình diễn sức mạnh quân sự Mỹ trong các cuộc khủng hoảng khắp thế giới như Triều Tiên, Iraq, Kosovo và Afghanistan.

Theo Lee Willett, phụ trách chương trình nghiên cứu hàng hải tại Viện nghiên cứu Royal United Services có trụ sở ở London, cho hay, cuộc chiến tại Libya đã minh chứng cho tính hữu ích của các tàu sân bay.

Pháp và Italy, hai quốc gia thành viên NATO gần gũi nhất bờ biển Bắc Phi, đã chọn cách triển khai các tàu trong chiến dịch cho dù họ có các căn cứ không quân gần hơn, ông nhấn mạnh. "Trên khắp thế giới, những cường quốc hải quân hay lực lượng hải quân chưa lớn lắm đều tìm kiếm việc tạo lập sức mạnh không quân trên biển”, Willett nói. "Họ có thể không muốn là những cường quốc toàn cầu, nhưng chắc chắn mong muốn có sức mạnh trong khu vực”.

Căn cứ không quân di động

Rất khó xác định số lượng chính xác các tàu sân bay đang hoạt động trên khắp thế giới vì sự tồn tại của các tàu này được phân thành nhiều loại khác nhau như tàu chiến đổ bộ, tàu sân bay trực thăng hay tàu khu trục - nhưng tóm lại tàu sân bay được xem như là một căn cứ không quân di động có bãi đáp cho máy bay cất cánh, hạ cánh.

Trong số này, 8 tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp trọng tải 41.000 tấn của Mỹ. Tàu lớp Mistral của Pháp; HMS Ocean của Anh và Juan Carlos I của Tây Ban Nha đều được coi là các tàu sử dụng đa mục đích, có thể mang máy bay chiến đấu, trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ cho các chiến dịch đổ bộ. Thậm chí các tàu khu trục lớp Hyuga của Nhật cũng được coi là các tàu sân bay hiệu quả. Tàu này có thể mang nhiều trực thăng trên boong và có hầm chứa máy bay phía dưới.

"Nói chung, tàu sân bay trở nên phổ biến vì đây là những nền tảng rất linh hoạt có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ, không chỉ trong chiến tranh”, Nate Hughes, giám đốc phân tích quân sự tại tổ chức cố vấn Stratfor, Mỹ cho biết.

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ giới thiệu Gerald R. Ford, tàu chỉ huy của nhóm ba 3 siêu tàu sân bay lớp mới, vào năm 2015. Mỗi chiếc có trị giá khoảng 9 tỉ USD.

Các nước khác trong NATO đang bổ sung thêm cho hạm đội tàu sân bay của họ gồm Anh, hiện đang đóng hai chiếc, và Pháp đang cân nhắc mua tàu sân bay hạt nhân thứ hai. Tây Ban Nha và Italia vừa đưa ra hai tàu sân bay mới.

Trung Quốc và Ấn Độ đều trong quá trình nâng cấp các tàu sân bay xây dựng thời Liên Xô. Ấn Độ cũng đang phát triển tàu sân bay nội địa đầu tiên. Nga sẽ hiện đại hóa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong năm tới để gia tăng thời hạn hoạt động của tàu sau năm 2030 và lên kế hoạch tậu các tàu lớp Mistral của Pháp.

Brazil đã hoàn tất quá trình nâng cấp tàu sân bay Foch gần đây mua từ Pháp, giờ đổi tên là Sao Paolo. Con tàu này giờ đây trở thành tàu đô đốc của Hải quân Brazil. “Hải quân các thành viên BRIC đặc biệt chú tâm tới tàu sân bay”, Willett nói.

Một số chuyên gia quân sự vẫn tiếp tục tranh cãi về sự phù hợp của tàu sân bay. Theo các người phê bình, khái niệm căn cứ không quân trên biển giờ đây đã lỗi thời. Họ lập luận rằng, tiến bộ trong các vũ khí chống hạm khiến cho tàu sân bay trở nên quá tốn kém và rủi ro cao trong một cuộc chiến.

Trong khi các tàu sân bay mang máy bay, tên lửa được xem là “pháo đài bất khả chiến bại”, thì thực tế là, kể từ Thế chiến II, phần lớn chúng được sử dụng trong các cuộc xung đột với những đối thủ yếu hơn nhiều. Chúng chưa từng chạm mặt những lực lượng hải quân hiện đại với tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay”, siêu ngư lôi hay tên lửa siêu thanh.

"Những công nghệ mới khiến cho các vũ khí hiện đại dễ dàng hơn trong tiếp cận mục tiêu tàu sân bay từ khoảng cách lớn hơn nhiều”, Benjamin Friedman, nhà nghiên cứu tại Viện CATO ở Washington nói. "Công nghệ ấy có khả năng tấn công nhanh hơn việc phòng thủ, nghĩa là trong hai thập niên tới, tàu sân bay có thể không tồn tại”.
[Vietnamnet news]


>> 'Quân đội Nga mạnh thứ 5 thế giới vào năm 2020?'



Chính phủ Nga quyết định: Năm 2020 sẽ hoàn thiện việc xây dựng một đội quân có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới, Tân Hoa Xã cho hay.

Nhân dịp Quân đội Nga "khoe cơ bắp" nhân Ngày lễ Chiến thắng, hãng thông tấn Tân Hoa Xã vừa có một bài bình luận về kế hoạch xây dựng và phát triển sức mạnh quân sự Nga cùng những khó khăn của nó.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết này:

Kế hoạch của Nga

Hiện nay trước sự hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của Trung Quốc và tình hình phức tạp tại phía đông dãy núi Ural, Nga đang tích cực xây dựng một đội quân gồm 40 lữ đoàn có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới.



Để làm điều này, vào năm 2020 Nga sẽ sử dụng các thiết bị quân sự hiện đại để thay thế 70% vật tư quân sự hiện tại. Đội quân này sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược hiện đại hoá quân sự tương lai của Nga.

Tổng thống Nga Medvedev đã tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu công cuộc tái vũ trang quân đội toàn diện từ năm 2011, một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với việc mở rộng của NATO về phía biên giới nước này.

Ngoài ra, Chương trình tái trang bị toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đến năm 2020 sẽ trở thành một chương trình quan trọng bậc nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga.

Tính đến năm 2011, Nga đã chi gần 140 tỷ USD cho việc mua vũ khí. Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự chi phí quân sự của Nga trong năm 2011 và 2012 sẽ đạt 53 và 61 tỷ USD.


Đến năm 2020 Nga sẽ xây dựng một đội quân có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới.


Đến năm 2020, theo kế hoạch quân đội Nga sẽ tiếp nhận: 600 máy bay chiến đấu hiện đại Su-34 và Su-35, trên 1.000 trực thăng mới chủ yếu là trực thăng vận tải Mi-26 và máy bay đa dụng Mi-8; Quân đội Nga còn bố trí hàng trăm hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 và S-500 tại các khu vực “nhạy cảm”.

Hải quân Nga được trang bị 20 tàu ngầm gồm: 100 chiến hạm các loại bao gồm: 35 tàu hộ tống và 15 tàu khu trục, 8 tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo Bulava, 2 tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral (ngoại trừ số tàu đã mua từ trước của Pháp - hợp đồng này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán).

Xe tăng thế hệ thứ 4 và thứ 5 cũng được trang bị cho Lục quân. Về vũ khí bộ binh, Nga đang hoàn thiện súng tiểu liên AK đời mới để thay cho các loại AK hiện có.

Tổng chi phí cho kế hoạch này là 650 tỷ USD.

Các vấn đề khó khăn mà Nga phải đối mặt:

1. Kinh phí

GDP của Nga năm 2010 khoảng 44,5 nghìn tỷ rub trong khi đó chi phí cho cải cách quân đội chỉ chiếm 1,5% GDP tương đương với 667 tỷ rub (22,8 tỷ USD) như vậy không thể có được 650 tỷ dollar ngay lập tức. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi hiện đại hóa quân đội sẽ kéo dài nhiều năm làm gia tăng tệ nạn tham nhũng và lấy cắp của công.

Trong khi đó ngân sách Quốc phòng của Mỹ cao hơn hẳn ngân sách quốc phòng của Nga, Trung Quốc, Ấn độ cộng lại. Năm 2010 ngân sách quốc phòng của Mỹ là 626 tỷ USD. Ngân sách quân sự của NATO năm 2010 là 994 tỷ USD. Như vậy rõ ràng ngân sách cho hiện đại hóa quân đội Nga là một con số khổng lồ so với thực tại.

Bên cạnh đó việc huấn luyện lực lượng, khai thác và sử dụng vũ khí trang bị mới là một vấn đề rất lớn đặt ra với quân đội Nga đã được chính giới lãnh đạo Nga thừa nhận nhiều lần trước đây.

Cuộc xung đột ở Chechnya (1994-1996, 1999-2004) và xung đột ở Georgia (2008) là những minh chứng cho thấy tính sẵn sàng chiến đấu và tính hiệu quả của quân đội Nga đang ở mức đáng báo động. Ngoài ra, các chi tiêu quân sự của Nga cũng không ổn định, nó phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô.

2. Tiêu cực và tham nhũng

Hiện nay, nội bộ quân đội Nga còn tồn tại những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.

Các văn kiện đều cho thấy một điều rằng, dù Nga đã nhiều lần tuyên bố cải cách quân đội nhưng các phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên chỉ trích nạn tham nhũng tràn lan, tuyển dụng không rõ ràng, quân đội vi phạm nhân quyền và các vấn đề khác…

Tuy nhiên, các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội cấp cao thường cố gắng biện hộ nhằm giảm nhẹ những áp lực bất lợi cho bản thân. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo điện Kremlin không muốn hoặc không đủ sự tự tin để làm “phật ý” lực lượng quân sự và an ninh.


Lực lượng Quân đội Nga đang phải đối mặt với vấn đề tiêu cực và tham nhũng đã ăn sâu vào tư tưởng từ thời Liên Xô cũ.


Các vấn đề như: Tham nhũng tràn lan; Nhân lực khoa học đang lão hoá; Chất lượng binh lính hợp đồng và quân nhân thấp cả về thể chất và tinh thần, thậm chí, có quân nhân nghiện rượu và ma tuý…tạo thành trở ngại nghiêm trọng đối với việc tạo ra một lực lượng hiện đại và chuyên nghiệp của điện Kremlin.

Trên thực tế, Chính phủ Moscow vẫn còn phải mất một thời gian dài để phát triển và triển khai các công tác quan trọng bao gồm: Thu thập tin tức tình báo hiện đại; Cải tiến hệ thống thông tin; Chỉ huy và phòng không; Hệ thống hướng dẫn có độ chính xác cao để đạt được trình độ quân sự phương Tây hiện đại.

Nga cần phải cải cách các tổ chức quân sự được thành lập từ thời kỳ Liên Xô, khẩn trương thay đổi phương thức làm việc để hạn chế tiêu cực và tham nhũng tràn lan. Đây là một thách thức rất lớn đối với quân đội Nga.

3. Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự

Dù các lãnh đạo trong quân đội Nga chỉ ra rằng, trọng tâm chính đối với các chiến lược phát triển của quân đội Nga chính là NATO tuy nhiên trong những năm trở lại đây, trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc với quy mô lớn, Nga đang dần chuyển hướng chú ý sang người láng giềng này.

Năm 2008 và 2009, Trung Quốc tập trận quân sự với phạm vi giả định là 2.000km, với phạm vi này Nga và Trung Á hoàn toàn nằm trong “tầm ngắm” của Trung Quốc. Năm 2010 Nga thông báo với các hãng thông tấn trong nước về mục đích các cuộc tập trận của mình chính là các “hành động giả định đối phó với Trung Quốc”.

Quan tâm đặc biệt của Quân đội Nga chính là việc phát triển và hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của Trung Quốc đã vượt qua việc bố trí quân đội của Nga trên các dải biên giới. Đặc biệt là so với các lực lượng đóng quân tại phía Đông của dãy núi Ural. Nga đang cố gắng triển khai 40 lữ đoàn tại đây để có thể kịp thời đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc và đó cũng là tâm điểm trong việc hiện đại hoá quân đội của Nga.

4. Học thuyết quân sự thiếu thực tế

Một trong những điều chỉnh quan trọng nhất trong các học thuyết quân sự của Nga là việc nhấn mạnh: “Nga có quyền sử dụng quân đội để đáp trả những hành động xâm lược chống Nga và các đồng minh, giữ gìn hòa bình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các tổ chức an ninh tập thể khác”.

Tuy nhiên, học thuyết quân sự của Nga vẫn chưa dự tính tới việc những “người hàng xóm” có thể tạo ra các xung đột quân sự. Ngoài ra, trong một báo cáo gần đây của Hội đồng An ninh Nga cho biết, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn chưa cân nhắc đến cuộc chiến tranh năng lượng trong tương lai và chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nga.


Một học thuyết quân sự thiếu thực tế trở thành trở ngại nghiêm trọng cho việc hiện đại hoá quân đội Nga.


Nhiều nhà quan sát tin rằng, lực lượng quân đội của Nga tại khu vực viễn đông đang trong tình trạng thiếu thốn về vật chất trang bị, trong khi đó điện Kremlin tiếp tục nhấn mạnh rằng cần phải phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong các học thuyết quân sự của Nga việc sử dụng vũ khí hạt nhân đánh bại hệ thống phòng không của đối phương là tiêu chí được đặt lên hàng đầu.

Nếu theo tiêu chí như vậy lực lượng bộ binh Nga sẽ ngày càng lạc hậu vì chi phí cho việc phát triển vũ khí hạt nhân là rất cao mà tệ nạn tham nhũng trong quân đội Nga vẫn chưa chấm dứt. Bên cạnh đó kinh phí chi cho việc hiện đại hoá quân đội chỉ chiếm ¼ ngân sách quốc phòng. Như vậy Nga sẽ hiện đại hoá quân đội bằng cách nào?

NATO nhận định quân đội Nga đang phải đối mặt là khí tài cũ kỹ, thiếu phương tiện vận tải và nhân lực, không có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết,. Vì thế Nga chỉ có thể đối phó những xung đột vũ trang quy mô nhỏ và vừa, khó có thể tham gia hai cuộc xung đột nhỏ cùng lúc hoặc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.

(*) Các báo cáo của Nga còn chỉ ra rằng, từ năm 2020, Không quân Nga sẽ bao gồm Lực lượng Linh hoạt, căn cứ không quân và lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ (phòng thủ tên lửa tầm xa và chống tên lửa).

Không quân Nga sẽ có 33 căn cứ, 13 lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ. Hiện nay Không quân Nga có 72 trung đoàn không quân, 14 căn cứ quân sự. Lữ đoàn Không quân số 37 sẽ chỉ huy hàng không tầm xa, lữ đoàn không quân số 61 sẽ chỉ huy hàng không vận tải quân sự.

Sau cải tổ, Không quân Nga chỉ còn lại 180 đơn vị, sỹ quan Không quân Nga sẽ giảm từ 65.000 xuống còn 38.000 người. Trong quá trình cải tổ, Nga sẽ thanh lý khoảng 1.000 máy bay và trực thăng. Sau khi quá trình được thực hiện, chỉ còn lại khoảng 2.000 máy bay và trực thăng đồn trú tại những căn cứ không quân mới.

[BDV news]


>> Nhật, Mỹ đánh giá thấp tàu sân bay Trung Quốc



Tàu sân bay của Trung Quốc gần tiếp cận tới giai đoạn bố trí nhưng lại thiếu khả năng tác chiến và không được trang bị máy bay trên tàu sân bay!

Tạp chí Ngoại giao của Nhật Bản ngày 5/5 đã đăng tải bài báo “Tàu sân bay Trung Quốc thiếu máy bay chiến đấu”, theo đó tàu sân bay này gần tiếp cận tới giai đoạn hoạt động nhưng lại thiếu khả năng tác chiến và không được trang bị máy bay trên tàu sân bay! Ngoài ra, đối với tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hiện tại và tương lai, khả năng tiếp nhiên liệu trên không và tác chiến điện tử đối mặt với nhiều hạn chế.

Theo báo cáo của phó chủ tịch hiệp hội vì hoà bình quốc tế của Mỹ Douglas H. Paal, Trung Quốc đã nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện tàu sân bay Varyga được mua từ Ukraine (*) và đã tạo ra bước đột phá lớn trong công nghệ đóng tàu quân sự của nước này.

Các chuyên gia quân sự Nhật Bản cho rằng Hải quân Trung Quốc muốn nâng cao sức mạnh của tàu sân bay phải trang bị cho con tàu này những máy bay chiến đấu tối tân và phải huấn luyện có bài bản một đội ngũ thủy thủ đoàn. Nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có những khả năng này. Chưa tính những chi phí và nguồn nhân lực rất lớn, những quy hoạch chi tiết và hỗ trợ hậu cần cần thiết cho tàu sân bay hiện đại, Trung Quốc còn thiếu một số phần cứng quan trọng.


Mô hình tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai và tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc là hai khái niệm khác nhau.


Để bảo đảm cho việc hoạt động thực tế và chiến đấu dài ngày trên biển, Hải quân Trung Quốc cần phát triển, xây dựng và triển khai hệ thống chỉ huy và kiểm soát dùng cho tàu sân bay, các loại máy bay chiến đấu, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, máy bay chiến đấu điện tử. Nếu không có những yếu tố này thì tàu sân bay và tiêm kích J-15 của Trung Quốc vẫn chỉ “nằm trên bản thiết kế” và chỉ để ứng dụng vào việc huấn luyện.

Nhìn vào tình hình ở Nga, tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" (Admiral Kuznetsov) của Hải quân Nga ("anh em” với tàu Thi Lang). Sau khi hoạt động thử nghiệm từ năm 1996, chỉ có thể sử dụng và huấn luyện (không đến 10 lần), trong đó, không có lần nào hoạt động được vài tháng. Quan trọng hơn, nó đã không bao giờ được tham chiến. Ngược lại, 11 tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã hoạt động quá 1/3 tuổi thọ 50 năm của nó và tất cả đều được sử dụng vào các hoạt động chiến đấu thực tế.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga có quá nhiều vấn đề cần phải bàn tới đó là: vốn trợ cấp của Hải quân Nga là không cố định dẫn đến việc các loại máy móc nhanh chóng bị hỏng và việc đào tạo thủy thủ đoàn cũng không được thực hiện một cách bài bản.

Đồng thời, lực lượng không quân mất đi tính thực tế, chỉ có khoảng 12 máy bay chiến đấu Su-33 và trang bị một số lượng nhỏ radar, trực thăng cùng với các thiết bị sonar. Admiral Kuznetsov đã không thể chống lại mối đe dọa thực sự của đối phương từ trên không.


Máy bay chiến đấu J-15 được cho là sẽ trang bị trên tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc.


Ngược lại, các tàu sân bay Mỹ và Pháp được trang bị các loại thiết bị hiện đại ngay sau khi hoàn thành. Họ có đơn vị không quân được đào tạo bài bản và khả năng chiến đấu ổn định.

Trên tàu được biên chế hai loại hình máy bay chính và được bổ sung thêm máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye, E/A-6B hoặc máy bay điện tử E/A-18G Growler để ngăn chặn đối phương từ trên không.

Các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ và Pháp cũng được trang bị các vòi tiếp nhiên liệu trên không để có thể vừa bay vừa tiếp nhiên liệu cho các máy bay khác. Máy bay chiến đấu Su -33 của Nga cũng có tính năng tương tự, nhưng các phi công của Nga vẫn chưa được đào tạo để có thể thực hiện được thao tác này thuần thục.

Báo cáo chỉ ra: Do thiếu các điều kiện về lực lượng không quân và tàu sân bay như Mỹ, Pháp nên tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc và tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga phải đối mặt với rất nhiều hạn chế.

Các máy bay chiến đấu không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không dẫn tới việc di chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu như chỉ có thể dựa vào radar và hệ thống hướng dẫn của tàu sân bay thì Trung Quốc sẽ rất dễ “thất thủ” trước các cuộc tấn công của đối phương.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản còn cho biết, tất nhiên là Trung Quốc cũng nhận ra các hạn chế của mình đồng thời sẽ tìm mọi biện pháp khắc phục những hạn chế này. Chính phủ Bắc Kinh đã mua hệ thống radar của Nga đồng thời cũng tiến hành thử nghiệm 8 lần. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng các máy bay trực thăng này để làm “bước đệm” nhằm nâng cao khả năng kiểm soát khống chế trên không.


Theo kế hoạch vào tháng 7 tàu Thi Lang sẽ đưa vào phục vụ nhưng Trung Quốc phải mất một thời gian dài mới có thể đưa nó vào chiến đấu.


Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Robert Willard, cho rằng tàu sân bay Thi Lang chỉ mang tính biểu tượng về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh phải mất một thời gian dài để huấn luyện, phát triển, diễn tập thì con tàu mới có thể đi vào hoạt động chính thức.

Tổng biên tập Chang của Tạp chí Kanwa cho rằng: "Sau khi chạy thử trên biển, Thi Lang phải cần ít nhất 8 năm để kiểm tra radar và các loại vũ khí, trong đó có máy bay tác chiến J-15".

Chuyên gia John Pike của trang mạng phân tích quân sự Global Security thì nhận định với Asia Times rằng, chỉ một tàu sân bay không thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Ông Pike lập luận: "Nhiều nước khác như Thái Lan và Brazil cũng có một tàu sân bay nhưng hầu như không tạo được khác biệt gì".

Chuyên gia Oliver Brauner tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cũng cho rằng sự xuất hiện tàu sân bay của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự tại eo biển Đài Loan. "Dù Trung Quốc có hoàn thiện chiếc tàu sân bay mua từ Ukraine, công nghệ của nó vẫn lạc hậu so với các tàu của các nước khác như Mỹ về phương diện chức năng lẫn trang bị", ông nói.

(*) Dự án đóng tàu Varyag bắt đầu năm 1985 nhưng bị dừng lại vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã. Khi đó, công trình đã hoàn tất hơn 60% và Nga giao Varyag cho Ukraine. Sau đó, con tàu này không được bảo trì, nhiều phần bị tháo dỡ như bánh lái và hệ thống vận hành, theo trang tin Asia Times.

Đến năm 1998, Ukraine bán đấu giá Varyag và một công ty ở Hongkong đã bỏ ra 20 triệu USD để mua con tàu này với ý định biến nó thành một sòng bạc nổi ở Macau. Tuy nhiên, Macau không phải là điểm dừng chân cuối cùng của Varyag.

Năm 2005, tàu được đưa đến cảng Đại Liên, cũng là nơi đóng trụ sở của Học viện Quân sự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tại đây vào năm 2008, nhóm binh sĩ đầu tiên bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện trở thành phi công lái máy bay tác chiến cho tàu sân bay, theo Asia Times.

Từ 2009 đến nay, Bắc Kinh không ngừng học hỏi các kỹ thuật về tàu sân bay để “tái chế” lại con tàu này thành tàu sân bay mang thương hiệu Trung Quốc và được đặt tên là “Thi Lang”.

Theo kế hoạch tháng 7/2011, tàu sân bay có lượng giãn nước 60.000 tấn này sẽ được hạ thuỷ và việc trang bị các loại máy bay chiến đấu cho con tàu này cũng sắp hoàn thành. Cuối tháng 4/2011 máy bay chiến đấu J-15 được cho là sẽ trang bị cho tàu sân bay Trung Quốc đã “lộ diện”.

Trong vài tuần qua, Hải quân Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể nhanh chóng bố trí tàu sân bay điều này thể hiện rằng Trung Quốc là một “cường quốc” về tốc độ cải tạo.


[BDV news]


>> Chương trình siêu tiêm kích F-35 đã về đích



Lockheed Martin đã bàn giao chiếc F-35 đầu tiên cho không quân Mỹ đánh dấu cột mốc quan trọng cho chương trình phát triển tiêm kích này.

Chiếc F-35A mang số hiệu AF-7 được bàn giao cho Không quân Mỹ tại nhà máy láp ráp cuối cùng trong dây chuyền sản xuất F-35 tại Fort Worth, bang Texas, Mỹ.

Sau đó, máy bay đã bay đến căn cứ không quân Edwards, bang California để tiến hành các hoạt động đánh giá khả năng hoạt động thực tế tại đây.

Việc bàn giao này đánh giấu một cột mốc quan trọng của chương trình phát triển tiêm kích tiến công kết hợp JSF.

Như vậy, phải sau 10 năm thử nghiệm, kể từ khi Lockheed Martin giành được hợp đồng cung cấp 1.763 chiếc F-35A cho Không quân Mỹ và 640 chiếc F-35B và F-35C cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, chiếc máy bay đầu tiên mới được chuyển giao cho Không quân Mỹ.

Larry Lawson, người quản lý chương trình phát triển F-35 của Lockheed Martin hồ hởi tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta bắt đầu một cột mốc quan trọng để thể hiện tầm nhìn của chính phủ chúng ta và các khách hàng quốc tế”.



Chiếc F-35A số hiệu AF-7 đang trên đường đến căn cứ không quân Edwards.

Chương trình phát triển tiêm kích tiến công kết hợp JSF từng được mạnh danh là “tiêm kích nhiều tiền, lắm tiếng”, phát triển liên tục bị trì hoãn với những lỗi trong thiết kế, còn kinh phí cho dự án liên tục bị đội lên.

Đây là chương trình phát triển máy bay có sự tham gia của nhiều quốc gia nhất từ trước đến nay, gồm 9 nước. Sự chậm trễ khiến các quốc gia tham gia liên tục phàn nàn và xem xét lại kế hoạch mua sắm vũ khí.

Quốc hội Mỹ cũng liệt chương trình JSF vào "tầm ngắm" do quá tốn kém, thậm chí, biến thể F-35B từng bị "khai tử" để chương trình sớm hoàn thành.

Với sự kiện ngày hôm nay, chương trình JSF đã đạt được những bước tiến quan trọng, vượt qua những sự chỉ trích gay gắt.

F-35A đã bước vào giai đoạn sản xuất đầu tiên, hiện tại đã có 8 trong tổng số 13 chiếc của đợt sản xuất đầu tiên được xuất xưởng. F-35B đã vượt qua các đợt thử nghiệm quan trọng, F-35C cũng đã sẳn sàng cho sản xuất loạt đầu tiên

Theo kế hoạch không quân Mỹ sẽ chính thức đưa phi đội F-35A đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2017-2018. Theo một báo cáo của Không quân Mỹ, đến cuối năm 2011, sẽ có 20 chiếc F-35A đầu tiên được sản xuất và bàn giao để huấn luyện phi công.

Song song với việc huấn luyện phi công, Không quân Mỹ sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ khả năng của máy bay. Các sửa đổi nếu có sẽ được tiến hành sau đợt đánh giá này.

Những chiếc F-35A đầu tiên này thuộc biến thể rút gọn, các thông tin về môi trường xung quanh, mục tiêu, giao diện vũ khí sẽ được hiển thị trên bảng điều khiển, thay vì mũ bay tích hợp như bản thiết kế ban đầu.

Hệ thống hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của chiếc F-35A sẽ được trang bị trong đợt sản xuất thứ hai. Lockheed Martin sẽ sản xuất F-35 theo nhiều block khác nhau, sau khi đưa vào hoạt động và đánh giá. Các thiếu sót (nếu có) sẽ được khắc phục cho block tiếp theo.

Lockheed Martin cho biết, việc hoàn thiện máy bay qua các bolck khác nhau sẽ cho kết quả tốt hơn và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn là cố gắng hoàn thiện ngay trong đợt sản xuất đầu tiên.
[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang