Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Afghanistan

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Afghanistan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Afghanistan. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

>> Iraq chọn mua radar pháo binh Fire Finder



Dù Mỹ giới thiệu hệ thống radar định vị pháo binh EQ-36 mới và hiệu quả hơn, nhưng Iraq từ chối và đặt hàng mua 6 hệ thống radar đời cũ là Fire Finder.

Năm 2010, trước khi gửi lời chào hàng tới Iraq, Mỹ từng đưa hệ thống radar định vị pháo và đạn cối thế hệ mới EQ-36 tới chiến trường Afghanistan để thực nghiệm khả năng. Hệ thống mới dễ sử dụng và sửa chữa cũng như đáng tin cậy hơn hệ thống tiền nhiệm là Fire Finder AN TPQ-36/37.

EQ-36 có khả năng quét 360 độ, thay vì góc 90 độ như Fire Finder với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Lục quân Mỹ có kế hoạch mua 180 hệ thống EQ-36 với giá 9 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, do ngân quỹ hạn hẹp, Mỹ chỉ có thể đặt hàng 33 chiếc.

Hệ thống Fire Finder tuy cũ và có nhiều điểm hạn chế nhưng có giá thành rẻ hơn mà vẫn đảm bảo tối thiểu nhiệm vụ. Đó là lý do Iraq chọn mua thay vì hệ thống mới tiên tiến hơn.



Với giá thành rẻ và đáng tin cậy, Iraq lựa chọn hệ thống định vị pháo Fire Finder thay vì hệ thống mới EQ-36.


Trước đây, khi trình diễn ở Iraq, hệ thống Fire Finder đã phạm phải những lỗi nghiêm trọng và không thể phát hiện đạn pháo cối bay đến. Nguyên nhân là do Fire Finder được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến trường Đông Nam Á, không phù hợp với thực tiễn mới. Sau đó, các kỹ sư Mỹ đã khắc phục lỗi này.

Biến thể mới nâng cấp của Fire Finder có có khả năng quét và phát hiện pháo trong tầm 18 km, tên lửa trong tầm 24 km với khả năng định vị 10 điểm vũ khí cùng lúc

Trong cuộc tấn công vào Iraq, hiệu quả của Fire Finder được chứng minh nên chúng được sử dụng rộng rãi. Sự gọn nhẹ trong thiết kế giúp các hệ thống có thể triển khai nhanh chóng trên các chiến trường nhờ vận chuyển đường không/đường bộ.

Hệ thống Fire Finder hoạt động dựa trên nguyên lý xác định địa điểm và thời gian của đạn bay đến, tính toán và gửi thông tin về các đơn vị quân đội, đặc biệt là pháo binh.

Biết được điểm xuất phát của pháo, quân đội sẽ tấn công dồn dập vào điểm đó. Quá trình phát hiện và tấn công chỉ khoảng 3-4 phút (có thể ít hơn với các đơn vị chuyên nghiệp và có kinh nghiệm).


[BDV news]


Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

>> Mỹ sắm 400 'bộ giáp' cho xe HEMTT



Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vừa trang bị 400 bộ giáp chìm cho những chiếc xe tải kéo cứu hộ 8 bánh HEMTT.

Việc trang bị nhằm đảm bảo an toàn trước bom và mìn khi thực hiện cứu hộ các MRAP ở Afghanistan.

HEMTT: Xe tải kéo cứu hộ hạng nặng chiến thuật cơ động cao
MRAP: Xe chống phục kích, chống mìn (*)


Khi trúng bom và mìn, MRAP rất dễ hư hỏng, dẫn đến thiệt hại lớn. Giá thành của một chiếc MRAP đắt gấp 5-10 lần một chiếc hummer.

Theo thống kê, trên chiến trường Afghanistan có hàng nghìn chiếc MRAP với vai trò phương tiện chiến đấu vũ trang chứ không đơn thuần là phương tiện vận tải giống như dòng xe hummer hoặc xe tải, nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động.

Năm 2007, Lục quân và Thủy quân lục chiến đã bỏ ra 20 tỷ USD để mua 20.000 chiếc MRAP để phục vụ cho tình hình quân sự tại Iraq.

Tuy nhiên, việc sử dụng MRAP ngày càng gặp phải nhiều chỉ trích do chi phí quá lớn cũng như dễ bị hỏng hóc khi trúng bom.

Chưa ở chiến trường nào mà Mỹ đối mặt với thiệt hại lớn từ bom mìn cài bên đường như ở Iraq và Afghanistan

Cứu hộ các MRAP hư hỏng trên các tuyến đường trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các xe tải kéo.

Những chiếc HEMTT nặng tới 17 tấn là những "lực sĩ" duy nhất đủ to lớn và sức khỏe để có thể xử lý những chiếc MRAP bị hỏng hóc.

Hiện nay, quân đội Mỹ có khoảng 14.000 xe tải 8 bánh, là xương sống cho lực lượng vận tải.

Dòng xe tải kéo HEMTT có 5 biến thể khác nhau với các nhiệm vụ chủ yếu: chở hàng (phiên bản M977 với cần trục MHC, có thể chở trên xe 10 tấn hàng, kéo thêm 10 tấn trên xe moóc); chở nhiên liệu (phiên bản M978 có khoang chứa có thể tích 10.500 lít). HEMTT có tốc độ tối đa 90 km/h, tầm hoạt động là 480 km (với 1 thùng nhiên liệu).



Dòng xe tải kéo hạng nặng HEMTT cần trang bị "áo giáp" để tránh các nguy cơ từ bom, mìn trên đường ở Afghanistan và Iraq khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ MRAP.


Chịu nhiều thiệt hại trên chiến trường, cộng vào đó là chi phí bảo dưỡng và vận hành của MRAP cũng tốn kém hơn Hummer nên Lục quân Mỹ đang tính đến chuyện bán bớt MRAP cho các đối tác có nhu cầu sau khi chấm dứt hoạt động tại Iraq hay Afghanistan


[BDV news]


Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

>> Đức mua 39 xe bọc thép cho chiến trường Afghanistan



Công ty Krauss-Maffei (Đức) nhận được hợp đồng sản xuất và cung cấp bổ sung cho lục quân nước này 39 xe bọc thép chở quân Dingo 2 GE.

Theo các điều kiện của hợp đồng, đến tháng 11/2011 nhà sản xuất sẽ chuyển giao cho bên đặt hàng các xe bọc thép mới.

Hiện nay, trong trang bị của Lục quân Đức có khoảng 300 Dingo 2. Dực kiến, đến năm 2013, số lượng xe này sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, vào năm 2010, Lục quân Đức đã nhận được 85 xe bọc thép chở quân Dingo 2.



Xe bọc thép chở quân Dingo 2 của Lục quân Đức


Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Đức, tất cả các loại xe này sẽ được chuyển đến Afghanistan.

Thực tế, các loại xe bọc thép mà Lục quân Đức mua đều thuộc dòng xe chở quân, xe trinh sát (trinh sát sinh học vô tuyến, y tế) và xe chỉ huy.

Dingo 2 có thể tăng tốc đến 90km/h, nguồn nhiên liệu dự trữ của xe khoảng 1.000 km. Dingo 2 được trang bị vỏ bảo vệ cải tiến, có khả năng chịu tác động trực tiếp từ các vụ nổ do mìn và bộc phá gây nên.

Trên nóc xe Dingo 2 có thể lắp đặt súng máy cỡ nòng 7,62m, 12,7mm hoặc súng phóng lựu tự động.
[BDV news]



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

>> Ấn Độ chế tạo máy bay không người lái tấn công



[BDV news] Tiến sĩ Prahlad cho biết, Ấn Độ đang chế tạo máy bay không người lái tấn công có khả năng thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa và bom.

Ông Prahlad là Giám đốc chương trình hàng không của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Dự án được mang tên máy bay không người lái nghiên cứu tự động (Autonomous Unmanned Research Aircraft, AURA).

“Sau khi chi 500 triệu Rupee đầu tiên (tương đương 11 triệu USD), một nhóm chuyên gia có trình độ cao, gồm 15-18 nhà khoa học đã bắt đầu thiết kế sơ bộ máy bay không người lái (UAV)”, Tiến sĩ Prahlad cho biết.



UAV cảm tử Harpy Ân Độ mua của Israel.


Theo lời tiến sĩ, UAV mới của Ấn Độ sẽ được trang bị máy tính, hệ thống liên lạc, radar điều khiển hỏa lực, hệ thống nhận biết “địch ta”, hệ thống cảnh báo đụng độ trên không.

Các UAV của Ấn Độ sẽ nặng khoảng 15 tấn và có thể bay cao hơn 9km để tiến hành các vụ tấn công bằng phương tiện tiêu diệt chính xác cao.

Ông Prahlada giải thích, khác với UAV “Predator” mà Mỹ sử dụng tại Afghanistan, thiết kế theo sơ đồ “máy bay”, UAV của Ấn Độ sẽ được thiết kế theo sơ đồ "cánh bay".

DRDO có kế hoạch thiết kế UAV tấn công đầu tiên chủ yếu dựa trên công nghệ mà Ấn Độ tự chủ phát triển. Những tư vấn hoặc sự hợp tác từ nước ngoài có thể chỉ cần đến trong lĩnh vực “tàng hình” đối với radar, cất cánh tự động và hạ cánh ở cự ly ngắn.

Không quân Ấn Độ đang sử dụng các UAV trinh sát Searcher-II và Heron, cũng như các UAV cảm tử Harpy và Harop của Israel



Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

>> Quân Mỹ ở Afghanistan nhận đạn cối 120 mm siêu chính xác



[VietnamDefence news]  Trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí ARDEC, Lục quân Mỹ, đã bắt đầu cung cấp cho quân đội Mỹ các lô thử nghiệm đầu tiên loại đạn cối dẫn bằng GPS dùng cho pháo cối 120 mm M120.




Đạn cối thông minh thử nghiệm APMI XM395 120 mm (army.mil)



Loại đạn mới có độ chính xác được khẳng định là cao hơn 7-13 lần so với các loại đạn tương tự nhưng không có khả năng tự định vị trên địa hình.

Hệ thống đạn cối thông minh APMI (Accelerated Precision Mortar Initiative) là loại đạn cối tiêu chuẩn dành cho cối M120, được lắp thêm sensor GPS và cánh ổn định ở phần đầu đạn điều khiển bằng máy tính.

Đạn cối thông thường có sai số vòng tròn xác suất trung bình khi bắn ở tầm đối đa từ 76-136 m. Vì thế, pháo cối thường chỉ dùng để tiêu diệt sinh lực đối phương ở địa hình trống trải. Còn đạn cối mới APMI, theo tài liệu kỹ thuật, có sai số vòng tròn xác suất không quá 10 m. Còn quan chức Cục mua sắm đạn dược (Program Executive Office Ammunition - PEO Ammo), Bộ Quốc phòng Mỹ, Peter Burke thì sai số của APMI trong thực tế là không quá 3 m.

Tháng 4.2011, APMI đã được trang bị cho một lữ đoàn bộ binh đóng tại Afghanistan, còn trong nửa năm tới sẽ bắt đầu trang bị cho 7 lữ đoàn nữa.

Việc sử dụng cối cỡ nòng lớn tại các khu phố gặp khó khăn vì đây là loại vũ khí dùng để đánh mục tiêu diện, khi mà độ chính xác điểm chạm của đạn được bù đắp bằng bán kính văng mảnh lớn theo quỹ đạo là là mặt đất.

Các tay súng đang lợi dụng đặc điểm này bằng cách ẩn náu trong các khu dân cư với hy vọng là quân đội sẽ không thể dễ dàng lôi cổ họ khỏi đó.

Trước đây, theo ông Peter Burke, trong những trường hợp đó, người ta buộc phải cử các phân đội lính đến khiến họ chịu thêm rủi ro.

Lục quân Mỹ không định dùng đạn APMI thay thế các đạn cối thường. APMI sẽ chỉ sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu điểm, nhằm giảm tổn thất phụ hoặc bắn các mục tiêu ở gần quân nhà.

Chuyên gia này cũng cho biết, giới quân sự hiện chưa dự định hiện đại hóa các đạn cối cỡ nhỏ hơn (81 và 60 mm).

Theo các chuyên gia, sử dụng đạn cối mới sẽ cho phép tiêu diệt chắc chắn và nhanh chóng các mục tiêu điểm như các hầm trú ẩn, hầm ngầm, xe bọc thép nhẹ.

Một máy tính vi hình nhận dữ liệu từ sensor GPS trên suốt quỹ đạo bay cho đến khi chạm mục tiêu. Trước khi bắn, hệ thống nhận thông tin tọa độ trận địa bắn nơi đặt pháo cối.

Việc ứng dụng hệ thống này sẽ cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng pháo cối hiện có tại các đơn vị. Thông thường, việc tính toán phần tử bắn là một nhiệm vụ phức tạp, biến việc bắn pháo thành một nghệ thuật.

Các thế hệ lính pháo binh đã từng sử dụng các công thức, bảng tính, các máy tính cơ và điện tử, nhưng không thể nhận thông tin tọa độ chính xác của quả đạn đang bay ở thời gian thực.

Nay thì việc dẫn quả đạn đến mục tiêu không chỉ có các khẩu đội pháo của các hệ thống tối tân nhất có thể làm được mà cả khi sử dụng các hệ thống vũ khí cũ đã được thời gian kiểm nghiệm.


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

>> Vũ khí “tia sét” trị ác mộng mìn tự tạo



[Vietnamdefence news] Bom mìn tự tạo (IEDs) là vũ khí gây thương vong nhiều nhất cho lính Mỹ và liên quân tại Iraq và Afghanistan thời gian qua. Quân đội Mỹ đang đau đầu đối phó với mối đe dọa phi đối xứng này.





IEDs là ác mộng đối với binh lính Mỹ, NATO tại Iraq và Afghanistan (wired.com)


Trong nhiều năm qua, Lầu Năm góc và Tổng thống Mỹ đã trách móc các nhà báo về việc tiết lộ thông tin về một loại vũ khí thần diệu dùng để phá hủy các bom mìn tự tạo bằng sét nhân tạo. Năm 2006, TT Mỹ George Bush kêu ca việc các nhà báo đăng tải “thông tin chi tiết về các công nghệ chống mìn tự tạo mới” và rằng “chúng tôi không thể cho phép kẻ thù biết được những gì chúng tôi đang làm để không cho kẻ thù có được ưu thế”.

Mặc dù vũ khí này chưa thể sử dụng chiến đấu và thất bại trong hàng loạt thử nghiệm, Mỹ tiếp tục chi tiền cho chương trình mật này. Các nhà thiết kế đã thuyết phục được Bộ Quốc phòng Mỹ chi 30 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu chế tạo “thiết bị vô hiệu hóa mìn tự tạo” JIN (Joint IED Neutralizer). JIN sử dụng các xung laser cực ngắn tạo ra trong không khí các kênh dẫn điện. Một dòng điện được đưa vào các kênh này và kích nổ mìn tự tạo từ khoảng cách an toàn.

JIEDDO (Joint IED Defeat Organization), cơ quan chuyên trách về chống mối đe dọa mìn tự tạo (IEDs) của Lầu Năm góc cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự về công nghệ xử lý bom mìn bằng tia sét.

Điều này thật lạ bởi vì cho đến lúc này, công nghệ này đã thất bại trong hàng loạt thử nghiệm. Các nhà khoa học tham gia các vụ thử đã nói rằng, thiết bị này sẽ vô dụng trong đất ẩm ướt và bụi.



Một xe quân sự Mỹ trúng mìn tự tạo (wired.com)


Năm 2006, JIN cũng đã được triển khai ở Afghanistan, nhưng các thử nghiệm thực chiến cũng thất bại thảm hại. Xe vận tải lắp JIN đã rất khó khăn khi chạy trên địa hình núi non, được bảo vệ kém, thậm chí có tin nói rằng, thiết bị còn “tự ý” phóng ra các tia sét, ngay cả khi công tắc trên bàn điều khiển đã ngắt. JIN đã không thể hoàn thành chức năng chính của nó vì để kích nổ bom mìn, người ta đã phải đưa thiết bị gần như sát vào thiết bị nổ, điều đó làm cho việc sử dụng JIN trở nên hầu như vô nghĩa.

Tuy nhiên, việc tiết lộ về JIN đến nay không hề bị Lầu Năm góc chỉ trích, còn tiền thì tiếp tục được chi ra. JIEDDO, Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) và các nhà đầu tư quốc gia đã chi tổng cộng gần 2 triệu USD để tích hợp JIN với dàn bánh xe phá mìn vốn đang được sử dụng rộng rãi và hiệu quả ở Afghanistan. Sự kết hợp này được gọi là JOLLER và từ tháng 10.2010, USMC đã sử dụng thử “thiết bị kích nổ bằng tia sét” này.


Hệ thống JOLLER của USMC (wired.com)


Bức ảnh chụp vào tháng 5.2009 và được USMC giới thiệu cho thấy cấu tạo của JOLLER gồm thiết bị tạo tia sét giống như quả cầu của Nikola Tesla và một dàn bánh lăn phá mìn.

Toàn bộ các thiết bị được lắp trên khung gầm một xe tải quân sự, máy phát được lắp trên thùng xe. Chắc chắn, thiết bị này sẽ lại bị các chuyên gia JIEDDO đang làm việc ở Afghanistan chỉ trích. Trước hết, đó là vì kíp xe và các thiết bị của xe không được bảo vệ đúng mức, còn kích nổ bom dưới quả cầu có lẽ sẽ làm hỏng cả hệ thống đắt tiền.

Tuy vậy, những nhược điểm của JIN có lẽ đã được khắc phục nên giới quân sự Mỹ hy vọng thiết bị công nghệ cao dị kỳ này sẽ giải quyết được vấn đề mìn tự tạo mà phiến quân Afghanistan cài tới 1.300 quả/tháng.

Hiểm họa bom mìn tự tạo là một đặc điểm chính của các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Loại vũ khí tiêu hao gây khiếp đảm này đang được Taliban sử dụng hiệu quả chống lính Mỹ và NATO tại Afghanistan.

Trong tháng 7, 8, 9.2010 tổng số vụ nổ bom tự tạo là 1.374-1.391 quả, so với tháng 6.2010 là 1.314 quả. Theo thống kê của Mỹ, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra 1.063 vụ tấn công thành công bằng bom tự tạo nhằm vào lính Mỹ, liên quân, so với 820 vụ trong 8 tháng đầu năm 2009. Riêng trong tháng 11.2010, 1.508 quả bom tự tạo đã phát nổ, giết hại 24 lính Mỹ, NATO, lính chính phủ Afghanistan, làm bị thương 301 người; so với 1.415 quả trong tháng 10.2010, làm chết 52 lính và bị thương 297 người. Tháng 1.2011, có 1.344 quả bom bị phát hiện hoặc phát nổ ở Afghanistan.




Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

>> Lục quân Mỹ 'rót' 66 triệu USD mua XM25



[BDV news] Lục quân Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch phát triển kỹ thuật và sản xuất súng phóng lựu XM-25 và thông qua việc ký thỏa thuận với nhà sản xuất ATK mua XM-25.

Với biệt danh “The Punisher”, súng phóng lựu bán tự động XM-25 có một máy đo khoảng cách bằng laser và có thể bắn theo khoảng cách định sẵn. Điều này có nghĩa là loại súng phóng lựu này có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ bảo vệ máy bay chiến đấu của đối phương.

Súng phóng lựu XM-25 nặng 5,4kg, có thể bắn đạn 25 mm, tấn công chính xác mục tiêu trên không cách 500 mét hoặc 700 mét đối với mục tiêu trên bộ. Nhà sản xuất vũ khí ATK cũng có thể phát triển các loại đạn phá cửa và xuyên thép cho súng phóng lựu XM-25.



Súng phóng lựu tiên tiến XM-25 sẽ hỗ trợ hỏa lực đáng kể cho binh lính Mỹ.


Theo thỏa thuận thực hiện trong 30 tháng với Cục Quân huấn của Lục quân Mỹ, súng phóng lựu XM-25 sẽ được tiếp tục thiết kế và thử nghiệm để đảm bảo cho loại vũ khí này đáp ứng tất cả yêu cầu đề ra.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã tiến hành thử nghiệm súng phóng lựu XM-25 từ tháng 11/2010. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2011, Lục quân Mỹ mới chỉ có 5 súng phóng lựu XM-25.

Ngoài ra, Lục quân Mỹ muốn mua thêm 36 súng phóng lựu XM-25. Trong đó, lô súng phóng lựu đầu tiên có thể được triển khai trong năm 2011. Mặc dù quá trình sản xuất hàng loạt sẽ được thực hiện sớm nhất là sau 2013.

Từ năm 2012, quân đội sẽ đặt hàng khoảng 12.500 khẩu XM-25.

ATK là nhà sản xuất tên lửa, máy bay và vũ khí, có trụ sở tại Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ).


Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

>> Mỹ nâng cấp hệ thống C-RAM



[BDV news] Quân đội Mỹ đã thông qua kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ Centurion C-RAM, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các căn cứ, cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ tại hai điểm nóng chiến sự Iraq và Afghanistan.


C-RAM là hệ thống phòng thủ tầm gần được thiết kế để bảo vệ binh lính hay các cơ sở hạ tầng quan trọng trước các cuộc tấn công bằng tên lửa, pháo binh và súng cối.

Khái niệm thiết kế C-RAM xuất hiện trong chiến tranh Iraq, khi lực lượng chống đối luôn tìm cách tiến công bất ngờ, lén lút vào các căn cứ của quân đội Mỹ bằng pháo binh, súng cối. Hay còn gọi là chiến thuật chiến tranh phi đối xứng, kiểu đánh này gây ra những tổn thất không nhỏ cho lực lượng Mỹ đồn trú tại đây.

Centurion C-RAM được xây dựng trên nền tảng của hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20mm được trang bị trên các chiến hạm của hải quân Mỹ. Hệ thống C-RAM đầu tiên được đưa vào sử dụng tháng 7/2005, quá trình thử nghiệm cho kết quả rất khả quan.

Hệ thống Centurion C-RAM bao gồm:

- Radar AN/TPQ-36 dùng để phát hiện và định vị pháo binh hoặc tên lửa tầm trung. Radar có khả năng xác định chính xác vị trí bắn của pháo binh trong phạm vi 18km, với tên lửa là 24km.

- Radar AN/TPQ-37 dùng để định vị pháo binh tầm xa. Phạm vi xác định chính xác vị trí bắn của pháo binh, tên lửa được mở rộng đến 50km, cảm biến thu nhận mục tiêu ảnh nhiệt FLIR.

- Radar AN/TPQ-48 để định vị và phát hiện theo dõi, nhắm mục tiêu là các loại đạn cối, cung cấp trường quan sát 360 độ.

- Pháo bắn siêu nhanh 20-mm với tốc độ bắn 4.500viên/phút. Đạn pháo có khả năng đạt cự ly 1.800m trong vòng 3 giây, 2.000m trong 3,69 giây, máy phát điện, phòng điều khiển trung tâm.

Tất cả các hệ thống được nối mạng với nhau thông qua hệ thống điều khiển trung tâm tạo nên một hệ thống khép kín và hoạt động hoàn toàn tự động, cung cấp khả năng bảo vệ 24/7. Hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải quân sự hạng nặng M-977 để tăng khả năng cơ động.



Hệ thống Centurion C-RAM.

Theo thống kê qua các lần thử nghiệm, Centurion C-RAM có khả năng đánh chặn tất cả các loại đạn pháo, tên lửa, đạn cối với xác suất tiêu diệt mục tiêu 70-80%. Một hệ thống C-RAM có khả năng bảo vệ các mục tiêu trong phạm vi 1,2km2 . Hệ thống có khả năng bao quát 306 độ, góc nâng gần 90 độ.

Một số hệ thống C-RAM đã được triển khai hoạt động tại Iraq và Afghanistan. Trong thời gian đó, C-RAM đã đánh chặn thành công hơn 100 mục tiêu là đạn pháo và đạn cối các loại bắn vào.

Lần nâng cấp này dự định thay thế các loại radar trên bằng radar thu nhận mục tiêu và điều khiển hỏa lực EQ-36. EQ-36 có độ nhạy rất cao, ngay lập tức định vị chính xác vị trí bắn của pháo binh, súng cối hay tên lửa ngay khi đạn rời khỏi nòng súng.

Sử dụng pháo bắn nhanh cải tiến M-167A1/A2, sơ tốc đầu nòng lên đến 1.100m/s, đạn pháo được thiết kế để tự hủy sau 3,8 giây nhằm tránh các thương vong đáng tiếc do đạn không bắn trúng mục tiêu.

Nâng cấp bộ vi xử lý, tăng tốc độ phản ứng với mục tiêu, phần mềm điều khiển được thiết kế lại để có thể nhận dạng và tấn công mục tiêu từ nhiều hệ thống radar khác nhau, cảm biến thu nhận mục tiêu ảnh nhiệt FLIR nâng cấp.

Các cải tiến cho phép hệ thống tham chiến với nhiều mục tiêu hơn, tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu nhờ sự cải tiến của các hệ thống cảm biến. Kích thước và khối lượng hệ thống được thu gọn lại tăng khả năng cơ động trên chiến trường.

Raytheon cũng đã thử nghiệm một hệ thống vũ khí chùm laser điện tử nhằm bổ sung cho hệ thống Centurion C-RAM. Dự kiến sau khi thử nghiệm thành công, hệ thống vũ khí chùm laser điện tử sẽ trở thành cốt lõi của hệ thống phòng thủ tầm gần trên các chiến hạm của Hải quân Mỹ.


Hệ thống phòng thủ NBS

Ngoài Mỹ, Đức cũng mua công nghệ để phát triển hệ thống C-RAM trong nước mang tên NBS.

NBS thay thế pháo bắn nhanh M61A2 bằng pháo Rheinmetall's 35 X 228mm, pháo có sơ tốc đầu nòng 1.000m/s, tốc độ bắn 1.000 viên/phút. Hai radar định vi và tìm kiếm mục tiêu băng tần X, cảm biến điện quang, trung tâm chỉ huy.

Israel cũng phát triển hệ thống đánh chặn Iron Dome trên cơ sở nguyên tắc hoạt động của hệ thống C-RAM. Thay thế pháo bằng tên lửa Tamir được trang bị đầu dò quang điện tử, cung cấp khả năng đánh chặn pháo binh và tên lửa với phạm vi từ 5-70km. Mỗi hệ thống Iron Dome có khả năng kiểm soát một khu vực lên đến 100km2.


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

>> Kho vũ khí của quân đội Libya



[vnexpress news] Những năm tháng bị cấm vận đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quân đội Libya. Kho vũ khí của nhà lãnh đạo Gadhafi hiện giờ chủ yếu là những xe tăng, máy bay và khẩu pháo có từ thời Liên Xô.





Xe tăng T-72 bị chiến đấu cơ của Pháp phá hủy trong cuộc không kích tại Shat al-Bedin, cách Benghazi 50 km về phía tây.

T-72 được đưa vào sử dụng trong những năm 1970 và trở thành lực lượng chủ đạo trong quân đội các nước Tây Âu những năm 1980. Nó không so sánh được với xe tăng Abrams của Mỹ nhưng vẫn được coi là một đối thủ mạnh mẽ trên chiến trường.



Một chiến binh nổi dậy đứng bên cạnh xác xe tăng T-55 thuộc lực lượng của nhà lãnh đạo Gadhafi. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều nước phương Tây đã bán T-55 cho các quốc gia như Libya.



Một loại phương tiện cũ kỹ vẫn được khai thác tại Libya là T-54. Với tháp pháo hình tròn và khẩu súng có nòng 100 mm, xe tăng T-54 giống với dòng xe tăng T-34 của Nga dùng chủ đạo trong Thế chiến 2. Rất nhiều phiên bản đã được phát triển kể từ khi ra mắt vào năm 1949. Nhưng dù nâng cấp đến đâu thì cũng không giấu được tuổi tác của nó và T-54 ngày nay chủ yếu chỉ là cổ vật so với các xe tăng đương thời.



Xe tăng T-90 về cơ bản là phiên bản cải tiến của xe tăng T-72 do Nga sản xuất. Mọi đặc điểm của có ở T-72 đều được nâng cấp. Trong số đó, T-90 có một khẩu súng 125 mm, động cơ mới và đèn hồng ngoại.



Xe tăng T-62 được sử dụng rộng rãi vào những năm 1960. Nó được coi như đối trọng của Nga cho các xe tăng của NATO như Centurion và M48 Patton. Nhưng ngay sau đó phương Tây đã tung ra một loạt mẫu ưu việt hơn như Chieftain, AMX-30 và M60.



Trước chiến dịch ném bom cuối tuần trước, Libya được ghi nhận là có 426 máy bay chiến đấu cũng như 52 trực thăng có vũ trang thuộc nhiều chủng loại. Cũng giống như đơn vị xe tăng của nước này, hầu hết lực lượng phòng không đều gồm các loại máy bay cũ kỹ, do Liên Xô sản xuất. Chẳng hạn như như máy bay ném bom siêu thanh Tupolev 22 này, đã bị loại bỏ khỏi phi đội của Nga vào những năm 1990, nhưng vẫn có mặt tại các kho vũ khí của những khách hàng cũ như Libya.



Lực lượng chủ đạo trong quân đội Mỹ tại chiến tranh Việt Nam, xe bọc thép M113 là một phương tiện vận chuyển quân đội vững chắc. Tuy nhiên một bất lợi lớn đối với phương tiện này là vỏ bọc quá mỏng của nó khó có thể chống đỡ những quả đạn rocket hay các loại vũ khí chống tăng khác.



Chiếc xe bọc thép BTR-50/-60 ra mắt đầu tiên vào những năm 1961. Trong lần tham chiến đầu tiên tại Afghanistan những năm 1980, vỏ mỏng của nó đã trở thành điểm yếu trước những chiến binh Afghanistan với đạn rocket. Ngoài ra, một lỗi kỹ thuật cũng khiến nòng súng không điều chỉnh được để bắn lên tầm cao hơn.



SA-13, còn được gọi là Strela 10, là loại tên lửa phòng không thế hệ kế tiếp của SA-9. Tên lửa này có thể đạt tốc độ gần với chiến đấu cơ Mach 2, trong đó có hệ thống dẫn đường điện quang học để nhằm đúng mục tiêu.



Ra đời vào năm 1970, MIG-23 là loại chiến đấu cơ của Liên Xô. Tuy nhiên, máy bay này chiến đấu khá kém so với các loại chiến đấu cơ của phương tây. Trong cuộc chiến năm 1982 ở Lebanon, Israel đã hạ hơn 80 máy bay của Syria - trong đó 30 chiếc là MIG-23.



Máy bay đánh chặn siêu thanh MIG-25 là câu trả lời của Nga trước sự thống trị bầu trời của Mỹ những năm 1960 - 1970. Phi cơ này có khả năng đạt tới tốc độ tối đa tương đương chiến đấu cơ Mach 2.83.



Các loại trực thăng tấn công của Libya bao gồm Mi-24, Mi-25 và Mi-35, được thiết kế vào những năm 1970. Chúng được quân đội Xô Viết sử dụng rộng rãi tại Afghanistan cho đến khi lực lượng ở nước Trung Á này được trang bị tên lửa Stinger.



Một loại tên lửa đất đối không khác thuộc thời kỳ Xô Viết, SA-2 có từ giữa những năm 1950. Nó gây được sự chú ý đầu tiên khi Xô Viết sử dụng một chiếc SA-2 để hạ máy bay do thám U-2 năm 1960.



Tên lửa SA-3 được thiết kế để nhằm các mục tiêu ở tầm thấp hơn so với loại SA-2. Được khai thác vào giữa những năm 1960, loại vũ khí này được Ai Cập và Syria sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến năm 1973 với Israel.


>> Tàu sân bay lớn nhất châu Âu tham chiến Libya



[vnexpress news] Charles De Gaulle, tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Pháp và là lớn nhất châu Âu, đang trên đường tới tham gia chiến dịch tấn công Libya.




Charles De Gaulle là một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, được khởi đóng vào 3/2/1986 tại nhà máy đóng tàu của Tập đoàn DCNS, tàu được hạ thủy vào ngày 7/5/1994, trải qua quá trình thử nghiệm kéo dài hơn 6 năm, tàu chính thức phục vụ trong biên chế của hải quân Pháp vào ngày 18/5/2001. Đầu tiên tàu được đặt tên là Richelieu, đến năm 1987 tàu được đổi tên thành Charles De Gaulle. Ảnh: FAS



Thiết kế
Tàu sân bay Charles De Gaulle có thiết kế khí động học tương tự tàu sân bay lớp Nimitz của hải quân Mỹ nhưng ngắn hơn và tải trọng thấp hơn. Đây là tàu sân bay hạt nhân lớn nhất đang hoạt động tại châu Âu không tính các tàu sân bay của Mỹ. Tàu có chiều dài 261m, rộng 64,36m, mớn nước 9,34m, lượng giãn nước 37.085 tấn tiêu chuẩn, 42.000 tấn đầy tải, diện tích boong tàu 12.000 m2.

Trong ảnh, tàu sân bay Charles de Gaulle (phải) sóng đôi cùng tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ. Ảnh: Bassin.



Tàu có được trang bị hệ thống phóng máy bay Type C13 của Mỹ, đường băng dài 195 m, tần suất thực hiện việc phóng máy bay là một chiếc mỗi phút, phần đường băng được kéo dài thêm khoảng 4,4m để các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2C Hawkeye có thể cất và hạ cánh.

Nhà chứa máy bay được trang bị hai thang máy kích thước 19x13m, tải trọng 36 tấn, nhà chứa có kích thước sàn 140x30m, chiều cao 6,1m, có khả năng chứa 25 máy bay.

Tàu được trang bị hệ thống ổn định SATRAP được điều khiển bằng máy tính, giúp các máy bay có thể cất, hạ cánh dễ dàng hơn trong điều kiện biển động.

Trong ảnh, tàu sân bay Charles de Gaulle rời cảng nhà Toulon đến Địa Trung Hải ngày 20/3, tham gia chiến dịch tấn công Libya. Ảnh: AFP.



Khả năng chuyên chở
Mặc dù là tàu sân bay lớn nhất đang hoạt động của Châu Âu, song khả năng mang máy bay của tàu sân bay Charles De Gaulle vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với các tàu sân bay của Mỹ.

Trong ảnh, hàng hóa và thiết bị đang được chuyển lên tàu trước khi nó rời cảng đi tham chiến Libya. Ảnh: AFP.



Tàu sân bay có khả năng chở 40 máy bay bao gồm các tiêm kích Rafale M, Super Etendard, 3 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye, cùng một số trực thăng AS 565 Panther hoặc trực thăng NH 90.

Trong ảnh, máy bay tiêm kích Rafale M cất cánh trên tàu sân bay Charles de Gaulle. Ảnh: Naval-technology.



Điện tử và vũ khí
Tàu sân bay được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu Senit, hệ thống có khả năng quản lý đến 2000 mục tiêu. Radar tìm kiếm mục tiêu DRBV 26D, DRBV 15C, DRBJ 11 B, hệ thống chiến tranh điện tử ARBR 21 Detector, ARBB 33, hệ thống phóng mồi bẫy ARBG2 MAIGRET.

Tàu được vũ trang với 4x8 khối phóng tên lửa đối không Aster-15 tầm bắn 30km, tầm cao 13km, 2x6 khối phóng tên lửa đối không tầm thấp Mistral, tầm bắn 5,3km, 8 pháo bắn nhanh Giat 20F2-20mm.

Trong ảnh, trực thăng Super Frelon cất cánh từ boong tàu sau khi đã nhận hành khách. Ảnh: Aviation News


Động lực
Tàu được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân PWR Type K15, công suất 150MV mỗi chiếc, các thanh nhiên liệu của lò phản ứng có khả năng hoạt động liên tục trong 5 năm trước khi cần phải tiếp nhiên liệu, 4 máy phát điện diesle, chân vịt hai trục, tốc độ tối đa 27 hải lý/ giờ.

Thủy đoàn của tàu sân bay khoảng 1.150 người trong đó có khoảng 550 phi công thường trực làm nhiệm vụ, 50 nhân viên hỗ trợ không lưu, ngoài ra tàu có thể cung cấp chổ ở tạm thời cho khoảng 800 binh lính thủy quân lục chiến. Tàu có khả năng hoạt động liên tục 45 ngày trên biển trước khi cần phải tiếp tế nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.

Trong ảnh, một trực thăng thuộc biên đội của Charles de Gaulle thực hành hạ cánh trên một tàu chiến Mỹ. Ảnh: AFP.

Lịch sử


Tàu sân bay Charles De Gaulle đã có lịch sử tham gia khá nhiều các hoạt động cùng với hải quân Mỹ và các đồng minh khối Nato, ngày 21/11/2001, tham gia các hoạt động hỗ trợ chống Taliban tại Afghanistan, tham gia các hoạt động tuần tra với hải quân Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan năm 2002, tham gia các hoạt động của chiến dịch Tự do Bền vững năm 2005 tại Afghanistan.

Trong ảnh, thủy thủ đoàn kéo quốc kỳ trước khi tàu rời cảng Toulon. Ảnh: AFP.




Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

>> Kỷ nguyên 'Dân chủ Tomahawk'



[Vietnamdefence] Libya đang là nạn nhân tiếp theo của chính sách bạo lực cường quyền dưới chiêu bài đạo đức giả hiệu. Tên lửa Tomahawk trở thành phương tiện “truyền bá, cưỡng ép dân chủ” hữu hiệu của thế giới tự do.




Libya - thêm một cuộc chiến tranh có mùi dầu lửa

Thế kỷ XVII, thời trị vì của Vua Pháp Louis XIV (1661-1715), Hồng y áo xám khét tiếng Armand Jean du Plessis de Richelieu đã hạ lệnh khắc trên tất cả khẩu đại bác đúc tại Pháp dòng chữ Ultima ratio regum (Lý lẽ cuối cùng của các ông vua).

Một thế kỷ sau, Vua Phổ Friedrich II cũng cho dập dòng chữ Ultima ratio regis (Lý lẽ cuối cùng của nhà vua) trên các khẩu đại bác của Phổ.

Đó chính là triết lý của người phương Tây trong các cuộc chiến phong kiến tương tàn ở châu Âu khi mà các vị quân chủ tranh giành đất đai, của cải và quyền lực bằng lý lẽ, ngoại giao không được phải chuyển sang dùng binh đao, phải vận dụng “lý lẽ” cuối cùng là đại bác.

Người Pháp cũng có câu ngạn ngữ: “Muốn giết chó thì bảo chó điên”, tức là muốn gia hại ai đó thì chỉ cần tạo ra cớ.

Người Mỹ vận dụng rất giỏi và linh hoạt ngạn ngữ này.

Lúc Mỹ chia cắt và xâm lược Việt Nam thì họ nói để “ngăn chặn hiểm họa cộng sản, bảo vệ thế giới tự do”. Để có cớ đưa không quân ra đánh phá miền Bắc Việt Nam, họ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Năm 1999, Mỹ và NATO không kích Nam Tư với cớ Nam Tư vi phạm nhân quyền ở Kosovo.

Sau sự kiện 11.9.2001, Mỹ dùng chiêu bài “chống khủng bố” hết đánh Afghanistan, lại đi bắt cóc người trên khắp thế giới, tra tấn, hành hạ, ngược đãi họ trong những nhà tù chính thức và bí mật; cả thế giới bó tay để Mỹ tung hoành, tác oai tác quái.

Để xâm chiếm Iraq và loại bỏ ông Saddam Hussein năm 2003, Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây đồng thanh quy kết Iraq phát triển vũ khí hủy diệt lớn.

Và nay, họ lại đánh Libya tơi bời với cớ bảo vệ dân lành chống lại sự đàn áp của ông Gaddafi, thúc đẩy dân chủ ở nước này.

Tóm lại, khi kẻ mạnh muốn đánh kẻ yếu thì không thiếu lý do, nếu có thật thì tốt, còn không thì có thể ngụy tạo ra vô số.

Một điều lạ là tuy Libya bị chiến tranh thông tin của báo chí phương Tây tấn công mãnh liệt, họ lại có rất ít “bằng chứng” về sự tàn bạo, dã man của chế độ Gaddafi, trái ngược hẳn với những “bằng chứng” ấn tượng và phong phú, phần nhiều là ngụy tạo ở Nam Tư.

Phương Tây chỉ cần những thông tin báo chí nghèo nàn, định kiến, ác ý và thiếu bằng cớ đó, cộng với những lời kêu cứu thê thảm của phe đối lập nổi dậy ở Benghazi là đủ cho ra lò 1 Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, mở đường cho chiến dịch quân sự chống Libya khai diễn vào tối 19.3.2011.

Ô, thế thì vì sao mà các nhà dân chủ lại thích dùng bom với tên lửa để “dân chủ hóa” nước khác thế nhỉ?!

Mỹ và các nước phương Tây suốt ngày và ở đâu cũng “tụng kinh” dân chủ. Dân chủ đã trở thành bài học dạy đời đặc quyền của các ông thầy đạo đức này, đã trở thành thứ giáo lý, thứ tôn giáo thật sự.

Nhưng sự đời oái oăm là những “nhà truyền giáo” hiện đại có lượng từ bi hải hà này mà tấm lòng chỉ đăm đăm lo cho tương lai nhân loại và quyền lợi con người không hiểu sao lại hay dụng võ, lại hay dùng chiêu “truyền giáo bằng thanh kiếm”, hay nói một cách hình tượng và cập nhật hơn là bằng “tên lửa Tomahawk” đến thế.

Tên lửa Tomahawk đã trở thành “lý lẽ cuối cùng” của Mỹ và phương Tây trong vài chục năm trở lại đây và có lẽ còn như vậy trong nhiều năm nữa.

Nếu thế kỷ XVIII-XIX, người ta nói nhiều đến kỷ nguyên của “Ngoại giao pháo thuyền” trong quan hệ quốc tế, thì từ cuối thể kỷ XX, chúng ta chứng kiến sự ra đời một biến tướng của nó, của kỷ nguyên “Dân chủ Tomahawk”.



Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

>> Những phi cơ Anh sẽ đưa vào chiến dịch Libya



Quân đội Anh đang huy động các loại máy bay hiện đại nhất của mình như Typhoon và Tornado, chuẩn bị cho chiến dịch đảm bảo lệnh cấm bay trên toàn không phận Libya.

Cùng với Pháp và Mỹ, Anh là nước ráo riết nhất trong việc kêu gọi lập vùng cấm bay tại Libya, nhằm ngăn chặn quân của đại tá Gadhafi tấn công người chống đối. Kế hoạch này đã được Liên Hợp Quốc ủng hộ, cho phép bắn hạ tất cả các máy bay của quân đội Libya vi phạm.

Để thực hiện quyết định trên, các nước tham gia sẽ phải huy động lực lượng không quân để đảm bảo vùng cấm bay có hiệu lực. Dưới đây là những loại chiến đấu cơ và máy bay do thám mà BBC nhận định quân đội Anh sẽ sử dụng để cùng Pháp và Mỹ áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này.

Typhoon - Eurofighter


Máy bay chiến đấu Typhoon. Ảnh: BBC

Máy bay chiến đấu Typhoon của không quân hoàng gia Anh, hay còn gọi là Eurofighter, có tốc độ nhanh vượt trội có thể được sử dụng với mục đích chiến đấu không đối không nếu không quân Libya cố tình "xé rào" lệnh cấm bay.

Typhoons được chế tạo theo tiêu chuẩn do không quân Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy đặt ra, nhằm thay thế cho những chiếc Tornado. Loại phản lực cơ này trang bị công nghệ tàng hình và hệ thống vũ khí phong phú, từ các loại tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung đến nhiều loại vũ khí oanh tạc mục tiêu mặt đất.

Chiến đấu cơ Typhoon được không quân Anh đưa vào sử dụng từ năm 2003, với căn cứ chính đặt tại Coningsby thuộc hạt Lincolnshire và Leuchars tại Scotland. Kể từ tháng 9/2009, loại máy bay một chỗ ngồi này cũng bắt đầu hoạt động từ quần đảo Falkland ở Nam Mỹ.

Tornado GR4

Máy bay Tornado GR5. Ảnh: AP


Đây là một trong những trụ cột của lực lượng không quân Anh kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 1980. Trước đây Tornado từng được huy động phục vụ chiến dịch áp đặt vùng cấm bay tại Iraq.

Tính năng chính của Tornado là oanh kích mặt đất hay tấn công tiêm kích máy bay đối phương. Đây có thể là vũ khí đóng vai trò chính trong màn đánh phủ đầu để tiêu diệt hệ thống tên lửa đất đối không của Libya.

Những loại vũ khí trang bị như tên lửa hành trình Storm Shadow khiến Tornado có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách xa đáng kể. Bộ Quốc phòng Anh mô tả đây là loại tên lửa được thiết kế "thâm nhập sâu, bắn tầm xa và độ chính xác cao" trong việc tấn công sở chỉ huy và các hầm điều khiển của đối phương.

Ngoài ra, loại máy bay này còn được gắn tên lửa Brimstone, một loại vũ khí xuyên giáp hiệu quả, đồng thời có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết hoặc làm nhiệm vụ trinh sát cả ngày lẫn đêm. So với Typhoon có một chỗ ngồi và tốc độ 2 Mach, Torado có hai chỗ ngồi và tốc độ 1.3 Mach.

Nimrod R1

Máy bay do thám Nimrod. Ảnh: AFP


Máy bay trinh sát Nimrod R1 được phát triển từ phiên bản máy bay tuần tra trên biển được dự đoán sẽ tham gia chiến dịch do thám khi áp đặt lệnh cấm bay tại Libya.

Hệ thống theo dõi trên máy bay được sử dụng để trinh sát và thu thập thông tin tình báo điện tử. Nimrod R1 có khả năng bay với tốc độ thấp trong một thời gian dài, giúp nó có thể "neo đậu" trên một khu vực nhất định để do thám. Hoạt động này được kéo dài liên tục hơn nhờ khả năng tiếp nhận dầu trên không.

Mỗi "cỗ máy tình báo" Nimrod R1 có phi hành đoàn 29 người.

Sentinel R1

Máy bay do thám Sentinel R1. Ảnh: Crown


Có chức năng tương tự Nimrod R1 là Sentinel R1, từng được sử dụng trong các chiến dịch tình báo tại Afghanistan và cũng được dự đoán sẽ được huy động cho hoạt động ở Libya. Sentimel R1 là một phần của hệ thống do thám Sentinel bao gồm các bộ phận hỗ trợ trên không và trên mặt đất.

Máy bay do thám này được hoán chuyển từ loại máy bay vận tải Bombardier Global Express, được trang bị radar và hệ thống theo dõi có thể lần theo vị trí và xác định mục tiêu lực lượng đối phương trên mặt đất.

Quân đội Anh có kế hoạch giải thể những chiếc Sentinel R1, loại máy bay có phi hành đoàn 5 người, sau khi rút quân từ Afghanistan về nước.


(theo vnexpress news )

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

>> Nâng cấp khả năng tấn công chính xác của B-1



Ngày 15/3, chiếc máy bay ném bom B-1 cuối cùng trong phi đội máy bay B-1 tại căn cứ Không quân Dyess đã được trang bị hệ thống ngắm bắn Sniper hiện đại.

Chương trình do Đội Bảo dưỡng số 7, căn cứ không quân Dyess bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2010.

Hệ thống ngắm bắn Sniper hiện đại được trang bị trên các máy bay ném bom B-1 gồm hai phần cải tiến. “Hệ thống ngắm bắn Sniper sẽ cho phép máy bay B-1 có khả năng tấn công mục tiêu chính xác tuyệt vời,” Charles Rivezzo, sĩ quan không quân tại căn cứ Dyess, phát biểu.

Hệ thống ATP Sniper, do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển, được trang bị sử dụng trên các máy bay khác trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Công nghệ này cho phép các nhân viên phi hành đoàn xác định mục tiêu và phân biệt bạn/thù cũng như mục tiêu là thường dân. Trước đây, các nhân viên phi hành đoàn đã phải xác định mục tiêu dựa vào hệ thống radar.



Hệ thống ATP Sniper trên máy bay B-1/

Chưa hết, công nghệ video tầm xa của hệ thống cũng cung cấp cho lực lượng lục quân các dữ liệu trinh sát thông qua khả năng truyền tải video tới máy tính của lực lượng trên mặt đất.

Công nghệ này cho phép các loại vũ khí có điều khiển khóa mục tiêu di động, đồng thời, xác định mục tiêu cho hệ thống vũ khí không điều khiển. Với khả năng xác định rõ mục tiêu, các nhân viên phi hành đoàn có thể trực tiếp phát lệnh khai hỏa tấn công.

Hệ thống ATP Sniper gồm các cảm biến hình ảnh gắn ở càng của máy bay và bộ phận kết nối 2 màn hình với nhau, gồm màn hình mục tiêu được kiểm soát qua máy tính xách tay và màn hình bên trong máy bay.


Hệ thống ATP Sniper trong phòng thiết kế.

“Máy bay ném bom B-1 được kết hợp trang bị với hệ thống chỉ thị mục tiêu kiểm soát qua máy tính xách tay là một oanh tạc cơ hoàn hảo,” Jon Looper, trưởng nhóm điện tử không quân thuộc Đội Bảo dưỡng số 7, phát biểu trong buổi họp báo.

“Hiện nay, chúng tôi có thể thực hiện các phi vụ tấn công chính xác chưa từng thấy so với trước đây”, trưởng nhóm Looper cho biết.

Ông Looper cũng cho biết hệ thống ngắm bắn mục tiêu có thể xác định tọa độ mục tiêu của đối phương, khiến các máy bay ném bom B-1 có khả năng hoạt động hiệu quả hơn trong tác chiến yểm trợ tầm gần.

Trước đó, Không quân Mỹ đã phát triển hệ thống ngắm bắn Sniper từ năm 2007, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp của Bộ Tư lệnh Trung tâm thuộc Không quân Mỹ. Từ năm 2008, hệ thống Sniper đã được sử dụng tại chiến trường Iraq.

Tướng lục quân David Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan nhận định, việc nâng cấp này giúp B-1 trở thành một lực lượng cơ bản không thể thiếu của Quân đội Mỹ. “Một chiếc B-1 có khả năng linh hoạt, hoạt động trong mọi điều kiện, có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao bằng các loại vũ khí mang theo. Đặc biệt, có thể cung cấp số liệu tình báo, giám sát và trinh sát”, ông David Petraeus giải thích.

Không quân Mỹ đang sở hữu 66 chiếc B-1. Riêng căn cứ không quân Dyess có phi đội máy bay B-1 lớn nhất, với 36 chiếc.

(Reporter news)

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

>> SWATS - Khắc tinh của xạ thủ



Bộ binh Mỹ tại chiến trường Afghanistan vừa được trang bị thiết bị dò tìm xạ thủ SWATS (*), nhằm hạn chế một trong những mối đe dọa hàng đầu với người lính tại đây.

SWATS: Hệ thống định vị xạ thủ qua âm thanh của tiếng súng, có thể đeo trên người.
Theo Bộ quốc phòng Mỹ, đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 1.500 lính được trang bị thiết bị này.

Với trọng lượng chỉ 183 g, thiết bị gồm 2 phần: một cảm biến gắn trên vai, một thiết bị điều khiển có kích thước bằng chiếc di động với màn hình LCD nhỏ đeo phía trước giúp người lính dễ dàng quan sát nhờ một cái liếc mắt.

Với mức giá khoảng 2.000 USD, thiết bị SWATS có thể phát hiện hướng của đường đạn (từ khi xuất hiện tiếng nổ) trong khoảng 1/10 giây. Nó có thể được lắp ráp trên các phương tiện khác nhau và hoạt động tốt dù chạy vận tốc lớn hơn 80 km/h.

Những thiết bị tương tự như SWATS đã xuất hiện trong nhiều năm nay nhưng quân đội Mỹ nhận thấy, thiết bị dò tìm xạ thủ thực sự rất hữu ích. Nhờ nó mà chỉ khoảng 4.500 lính Mỹ tại Afghanistan dính đạn (đa phần chỉ bị thương). Nếu không có SWATS, con số này có thể tồi tệ hơn nhiều. Bởi vì nếu phát hiện hướng đạn, đội quân có thể nhanh chóng chuyển hướng sang kẻ bắn tỉa và tấn công chính xác, dồn dập.



Phát hiện nhanh xạ thủ nhờ cảm ứng và phát hiện hướng phát hỏa lực của thiết bị dò tìm SWATS.

Một trong những thiết bị phát hiện xạ thủ đầu tiên và hữu dụng nhất là Boomerang do Bộ Quốc Phòng Mỹ yêu cầu nghiên cứu, phát triển năm 2004.

Sau 2 năm trì hoãn thử nghiệm, Boomerang mới được lắp đặt lên các phương tiện quân sự, có tuổi thọ khoảng 5 năm và giá 5.000 USD. Hiệu quả của hệ thống này được chứng minh bằng việc 10.000 đơn vị ứng dụng. Hiện tại, chúng được nâng cấp 2 lần nhằm kéo dài thời gian phục vụ.

Trong suốt thập kỷ qua, các thiết bị dò tìm hướng điểm hỏa dựa vào âm thanh ngày càng phát triển. Hơn 60.000 chiếc được chuyển tới chiến trường Iraq và Afghanistan. Những nhà sản xuất tập trung vào nâng cấp khả năng xử lý máy tính, chất lượng cảm biến, phát triển phần mềm để giảm tối thiểu khả năng báo động sai.

Cảnh sát các nước Anh, Mỹ, Pháp, Israel cũng được trang bị những hệ thống này, với khả năng và giá thành khác nhau. Nhờ vậy, giá của SWATS đã giảm dần, thay vì mức giá lên tới 200.000 USD như ngày đầu.

Bên cạnh thiết bị dò tìm độc lập, Mỹ còn phát triển một số hệ thống tích hợp, gồm cả robot.

Hãng iRobot của Mỹ đã chế tạo loại robot chiến đấu PackBot có tên gọi REDOWL. Nó được trang bị camera cảm ứng nhiệt hồng ngoại, thiết bị đo khoảng cách bằng laser và thiết bị dò tìm tiếng súng nhờ âm thanh, giúp cho quân đội nhanh chóng chế áp đối phương.

Trong các bài thử nghiệm, REDOWL đạt độ chính xác 94%. Một số chuyên gia muốn trang bị cho REDOWL súng máy để khai hỏa tự động khi phát hiện. Tuy nhiên, quân đội Mỹ chưa sẵn sàng sử dụng loại robot vũ trang mà tự động nhận dạng và bắn vào mục tiêu.

Một hệ thống khác là Pilar, hoạt động tương tự như REDOWL nhưng tầm phát hiện xa tới hàng nghìn mét, gấp đôi của REDOWL. Tuy nhiên, mức giá cho Pilar quá đắt, 65.000 USD nên khó có thể sử dụng rộng rãi. Israel cũng sản xuất được hệ thống tương tự là SADS (Hệ thống phát hiện vũ khí nhỏ).

(bdv news)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

>> Các vũ khí trong tầm ngắm của Lầu Năm Góc



Trong vòng một thập kỷ ngân sách quốc phòng của Mỹ đã tăng 375 tỷ USD tính từ năm 2001.

Sau khi sự kiện 11/9/2001, Mỹ đã chi gần gấp đôi cho các hoạt động quân sự của Lầu Năm Góc. Trong số đó không bao gồm chi phí trang trải cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Tổng số ngân sách quốc phòng đã tăng khoảng 375 tỷ USD, tính từ năm 2001 đến 2010.

Gần đây, Mỹ đã công bố các kế hoạch trong chương trình mua sắm vũ khí của mình. Trong đó, có cả các kế hoạch sẽ được quân đội Mỹ từ bỏ.

Các vũ khí được duyệt chi
Đầu tư 9,7 tỷ USD mua 32 máy bay tàng hình F-35 do Lockheed Martin Corp (LMT.N) sản xuất. Năm 2010 Mỹ đã đầu tư 11,8 tỷ USD để mua 43 máy bay mới.

Nhà trắng còn đầu tư cho quân đội Mỹ 5,4 tỷ USD, phục vụ mua sắm tàu ngầm trong đó chi 4,9 tỷ USD mua tàu ngầm lớp Virginia do General Dynamics Corp (GD.N) và Northrop sản xuất.




Tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia của Mỹ.

Việc này sẽ làm tăng kinh phí từ 1,8 tỷ USD lên 2,2 tỷ USD cho việc mua tàu mới Littoral Combat do Lockheed và Austal (ASB.AX) của Austraylia chế tạo. Tổng chi phí cho công nghiệp đóng tàu sẽ là 14 tỷ USD.

Lockheed Advanced High Frequency sẽ cung cấp cho quân đội mỹ các loại vệ tinh mới tổng trị giá là 975 triệu USD. Ngân sách tài chính trong năm 2012 cho các hệ thống vũ trụ sẽ là 10 tỷ USD.


Vệ tinh mới của Mỹ.

Việc nâng cấp các loại xe bọc thép nhằm bảo vệ các binh lính tổng cộng khoảng 593 triệu USD. Tổng chi phí cho các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ là khoảng 10,7 tỷ USD. Năm 2010 là 9,45 tỷ USD, năm 2011 là 10,7 tỷ USD.

Không quân cho biết sẽ bắt đầu chế tạo thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới dự định năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động. Tổng chi phí cho chương trình này khoảng 3,7 tỷ USD.

Các kế hoạch bị hủy bỏ
Không quân quyết định giảm từ 22 xuống còn 11 các phiên bản mới nhất của máy bay Global Hawk không người lái do Northrop Grumman Corp (NOC.N) sản xuất.

Các tàu đổ bộ được thiết kế bởi General Dynamics Corp (GD.N) có tổng chi phí khoảng 14 tỷ USD được loại bỏ ra khỏi danh mục mua sắm của Lầu Năm Góc.

Điều này sẽ tiết kiệm được 293 triệu USD trong ngân sách quốc phòng năm 2012 và 12 tỷ USD trong năm 2013.

Quân đội sẽ hủy bỏ việc mua sắm tên lửa tầm trung đất đối không SLAMRAAM đang được phát triển bởi Raytheon Co (RTN.N). Ngoài ra cũng hủy bỏ việc trang bị tên lửa đất đối không SM-2 IIIB cho Hải quân.


Tên lửa SLAMRAAM bị loại khỏi danh sách mua sắm của Mỹ.

Lầu Năm Góc cho biết, sẽ tạm dừng tài trợ chương trình phòng thủ tên lửa Mỹ - châu Âu trị giá nhiều tỷ USD sau năm 2013. Kể từ năm 2007 Lầu Năm Góc cho biết đang tìm cách chấm dứt sản xuất máy bay vận tải Boeing C-17.

Lầu Năm Góc muốn hủy bỏ kế hoạch chế tạo 180 máy bay loại này tuy nhiên các nhà lập pháp lại liên tục duy trì kinh phí cho chương trình, đưa tổng số đơn đặt hàng đến 223 máy bay.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tái khẳng định sự phản đối của mình với chương trình thay thế động cơ F-35 được phát triển bởi General Electric (GEA.N) và Rolls-Royce Group (RR.L) của Anh.

Ông cho biết sẽ sử dụng tất cả các quyền hạn của mình để kết thúc chương trình này một lần nữa nếu các nhà lập pháp vẫn tài trợ cho chương trình.
(Reuter news)

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến? (1)



Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc gần đây đối với biển Hoa Đông và Biển Đông và dọc biên giới Trung - Ấn đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Phải chăng Bắc Kinh cuối cùng sẽ chứng tỏ mong muốn đòi chiếm đất thực sự?

Phải chăng chỉ là cách thể hiện trong một thời gian ngắn của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh các lãnh đạo đang chạy đua vào các vị trí ở Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương Đảng năm 2012, hay đây là những đoạn hồi rời rạc cho thấy một sự tiếp diễn hơn là thay đổi?

Chính sách đối ngoại dựa trên phát triển hòa bình và hài hòa xã hội
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng việc đánh giá tình hình đối ngoại của chúng ta dựa trên các trụ cột cơ bản của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc, phát triển hòa bình và tạo một xã hội hài hòa. Ưu tiên cao nhất của chúng ta kể cả trong chính sách đối ngoại là củng cố các trụ cột này trong nước.



Những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là từ bên trong. Tôi không cần nhắc nhở các thành viên Ban lãnh đạo Đảng rằng mỗi năm chúng ta có hơn 20 triệu người di cư ra thành phố tìm việc làm, rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế ngày càng lớn giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Tây; rằng bức tranh dân số sẽ biến thiên nghiêm trọng trong thập kỷ tới; các vấn đề sinh thái và môi trường đang gia tăng; nguyên liệu đầu vào năng lượng và hàng hóa trong năm qua vẫn chưa chắc chắn; và chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước những bong bóng và sức nóng quá mức trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình.

Các mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng là từ bên trong, nhưng đó là nhờ các mối liên hệ bên ngoài nguy hiểm. Tôi muốn nói đến những nguy cơ của chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.

Cách đây hai năm, trong bài báo cáo của mình, tôi bắt đầu bằng vấn đề Đài Loan, nhưng nay người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã quay lưng lại với các hành động đòi độc lập nguy hiểm của chính quyền DPP tiền nhiệm, và hiện chiến lược của chúng ta nhấn mạnh tới sự phát triển hòa bình để thúc đẩy thống nhất đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trở thành những vấn đề cấp bách hơn, dù tình hình đã bình yên hơn trong một năm vừa qua tại các khu vực này.

Kiềm chế và đảo ngược các xu hướng ly khai này sẽ tiếp tục cho thấy các chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta trong bối cảnh các đồng nghiệp của tôi tại Ban Mặt trận Thống nhất và Văn phòng các vấn đề về Đài Loan đang nỗ lực bảo vệ chính sách một Trung Quốc và đề phòng một sự đảo ngược của các xu hướng có lợi trong 5 thập kỷ qua.

Chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta vận hành theo nguyên tắc phát triển hòa bình và xã hội hài hòa. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các thể chế và diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN + 3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các cuộc đàm phán sáu bên để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hoặc các cường quốc khác và bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì một xã hội quốc tế hài hòa và thế giới đa cực. Đồng thời, chúng ta sẽ khẳng định lại các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và các vùng lân cận phù hợp với sức mạnh đang lớn dần của chúng ta.

Quan hệ quan trọng nhất: Mỹ
Như Chủ tịch Hồ Cầm Đào đã tuyên bố tại cuộc gặp các Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm ngoái, cách xử lý thận trọng quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn là trụ cột chính cho một chiến lược chính sách đối ngoại thành công. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một "đối tác chiến lược" với Washington về lâu dài, dù phải thừa nhận rằng chính quyền của Obama không sẵn lòng sử dụng cụm từ này hơn Bush.

Chúng ta vẫn chống lại những lời kêu gọi của các chuyên gia nước ngoài về việc thành lập một G-2 giữa Mỹ với Trung Quốc, vì điều này sẽ đẩy chúng ta vào cái bẫy trách nhiệm quốc tế có thể không phù hợp với chủ trương phát triển hòa bình và xây dựng một xã hội hài hòa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới một chế độ quản lý chung hai cực với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, và sự nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm quyền lực quan trọng nhất ở châu Á.

Chúng ta cũng thận trọng đánh giá chính quyền Obama. Tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ ở phe đối lập, kể từ thời Nixon, đều sử dụng "quân bài Trung Quốc" - hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền hoặc Đài Loan nếu đắc cử. Các ứng cử viên McCain và Obama đã không động đến chiến lược đe dọa Trung Quốc và dường như sau khi trở thành tổng thống, Obama mới có khả năng xây dựng trên mối quan hệ ổn định mà Bush để lại.

Các dấu hiệu ban đầu từ Washington cho thấy Obama sẽ cam kết tự kiềm chế, thừa nhận gánh nặng lớn của Mỹ ở Iraq và Afghanistan và các xu hướng suy giảm trong nền kinh tế Mỹ. Obama cũng dường như lo lắng về các mâu thuẫn bên trong như hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ. Lời hứa đảm bảo chiến lược của ông và sự trì hoãn các cuộc gặp với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma, cũng như việc hoãn bán vũ khí cho Đài Loan có vẻ như cho thấy ông hiểu tương quan sức mạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng. Tuyên bố chung tháng 11/2009 với thỏa thuận tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của nhau là một thành tựu lớn trong bối cảnh chúng ta đang tìm cách ngăn cản Mỹ hoãn thực hiện Tuyên bố chung về việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hiểu sai về chính quyền Obama. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một đường lối cứng rắn hơn là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 6 vừa qua, mở lại cái được gọi là học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng Năm đã thành công, song quan điểm của chính quyền Mỹ còn cứng rắn hơn trước. Có vấn đề nhất là bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó bà đứng về phía Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Nam Hải (mà Việt Nam gọi là biển Đông - người dịch). Chúng ta sẽ có thể trung hòa Philippines trong cuộc tranh cãi này bằng cách sử dụng các kênh và quỹ thông thường, nhưng Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia dường như hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của bà Clinton và logic chiến tranh Lạnh của bà về quyền tự do hàng hải.

Cách tiếp cận mặt trận liên minh để ổn định các quan hệ với Washington cũng đang thay đổi. Trong quá khứ, cộng đồng doanh nhân Mỹ hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc và chống chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ các yếu tố bè phái hoặc chính sách ngăn chặn tại Mỹ. Nhưng gần đây, một số bộ phận trong cộng đồng doanh nhân đã tham gia học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" khi than phiền rằng các chính sách phát triển kinh tế hợp pháp, như cải tiến bản địa, là một dạng bảo hộ.


Ảnh: Telegraph.co.uk

Nói chung, chúng ta nên đánh giá sức mạnh Mỹ một cách thận trọng. Trong quá khứ chúng ta đôi lúc đã đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ - ví dụ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh - nhưng đôi khi cũng đánh giá thấp sức mạnh này. Chúng ta đã rất ngạc nhiên rằng chỉ vài năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Somalia, chính quyền Clinton đã huy động một lực lượng do NATO dẫn đầu tấn công Serbia dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự quyết và nhân quyền cho Kosovo. Đây là một tiền lệ đáng ngại.

Bài học cho chúng ta là Mỹ đã từng là một cường quốc kiên cường về lịch sử. Tình trạng suy yếu của Mỹ do tình hình tài chính hiện nay và các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan gây ra, rõ ràng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa cực. Chúng ta có thể đẩy nhanh xu hướng này, nhưng không phải là bất chấp nguy cơ đối đầu với Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào các trông chờ trong nước rằng có thể uốn Mỹ theo cách của mình.

Việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ đã đặt chúng ta vào một tình huống bấp bênh hơn nhiều so với Bộ Tài chính ở Washington. Chúng ta đã cho phép định giá lại đồng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường ấn định hay tạo ra lượng cầu hàng hóa nội địa để bù vào lãi suất tiết kiệm cao hơn của Mỹ.

Giả định thực tế của chúng ta phải là Mỹ sẽ vẫn là trung tâm quyền lực nhất trong một thế giới đa cực trong ít nhất một thập kỷ nữa và Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục trung thành với chỉ dẫn chiến lược của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời", trong khi tìm kiếm các cơ hội để "đạt được một điều gì đó".

(tổng hợp bdv)

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

>> Xu hướng ngụy trang quân sự thế kỷ 21



Trong tương lai không xa, những bộ quân phục rằn ri, sọc hổ hay mầu đất, gỗ sẽ nhường chỗ cho thế hệ áo ngụy trang công nghệ cao.

Ngụy trang kỹ thuật số
 Ở chiến trường Iraq và Afghanistan, Lực lượng liên quân NATO đã lần đầu mặc những chiếc áo có hoa văn gồm các mảng tập hợp từ các ô màu vuông kiểu điểm ảnh kỹ thuật số, thay cho những đốm màu to tròn trên áo vải trước đây.

Quân đội Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều phát triển phiên bản của riêng mình, nhưng đều dựa trên hiểu biết về hệ thần kinh và môn khoa học “thống kê hỗn loạn”, nghiên cứu khả năng xác định và nhận dạng đồ vật.

Canada là quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên ngụy trang số. Phá vỡ những thiết kế truyền thống với mẫu đồng phục CADPAT. Trong các thử nghiệm, những mẫu họa tiết số phá vỡ nguyên tắc fractal, một nguyên tắc dựa trên hình học mô phỏng kết cấu và những họa tiết bất quy tắc thường thấy trong thiên nhiên. Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đã dựa trên mẫu CADPAT để phát triển loại đồng phục chiến đấu MARPAT.

Từ đó, ước mơ về khả năng ngụy trang thích ứng đang dần trở thành hiện thực. Quân đội Đức sử dụng loại đồng phục Flecktarn với các kiểu họa tiết ngụy trang 3, 4, 5 hoặc 6 màu. Loại họa tiết ngụy trang này của Đức được nhiều nước khác sử dụng với các biến thể khác nhau: Sever (của Nga), Type II (của Nhật), Plateau Type 03 (Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng).




Quân phục ngụy trang kiểu truyền thống.



Quân phục ngụy trang kiểu kỹ thuật số



Ngụy trang kỹ thuật số thể hiện ưu việt.



So sánh các mẫu họa tiết ngụy trang.



Không chỉ quân phục, vũ khí cá nhân cũng được ngụy trang kỹ thuật số.



Trực thăng Ấn Độ ngụy trang kiểu kỹ thuật số.



Xe tăng chủ lực Trung Quốc ngụy trang kiểu kỹ thuật số.

Ngụy trang kiểu tắc kè hoa
 Tại phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, bang New Mexico (Mỹ), các nhà khoa học đang làm việc tích cực để biến giấc mơ từ lâu: khả năng ngụy trang thích ứng với môi trường thay đổi như loài tắc kè hoa, trở thành hiện thực.

Tiền đề nghiên cứu của các nhà khoa học là những chú cá đặc biệt, dễ dàng thay đổi màu sắc và hoa văn để hòa trộn với môi trường xung quanh. Bản chất vấn đề nằm ở những protein nhỏ trong các tế bào của loài này có tính chuyển biến cao, giúp sắp xếp lại các tinh thể sắc tố trên da.


Nhà nghiên cứu tại Sandia đang quan sát những tế bào với protein động cơ, giúp cho việc nghiên cứu vật liệt tự đổi màu.

Các nhà khoa học tại Sandia ứng dụng nguyên lý trên để tạo ra vật liệu tổng hợp phỏng sinh học, đạt được khả năng thay đổi màu sắc như loài vật.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Geogre Bachand phát biểu: "Mục tiêu cuối cùng là tạo ra loại trang phục ngụy trang quân sự có thể biến đổi với nhiều dạng môi trường mà không cần tác động của nguồn năng lượng bên ngoài”.

Ý tưởng này không mới, nhưng để thực hiện, nhóm nghiên cứu đã vượt qua 2 trở ngại lớn về kỹ thuật mà những người đi trước phải dừng bước.

Thứ nhất, họ đã thành công trong việc đơn giản hóa việc cung cấp năng lượng cần thiết để làm cho các protein trở nên linh hoạt. Tiếp theo, tăng khả năng điều khiển sự ngụy trang với cấu trúc hiệu quả.

Tuy nhiên, nhận định về tương lai của cải tiến dựa trên phỏng sinh học, công nghệ nano và biến đổi gene, các nhà khoa học cho rằng, phương pháp ngụy trang tắc kè hoa rất ấn tượng nhưng cần mất ít nhất 5-10 năm nữa để có thể tạo ra lợi thế rõ rệt cho những người lính trên chiến trường.

 Ngụy trang nhiệt
Ngày nay, các lực lượng quân sự không chỉ bị phát hiện dưới ánh sáng ban ngày, mà còn cả vào ban đêm bằng các khí tài quan sát tầm nhiệt.

Nhờ giá thành hạ xuống, những nhóm nổi dậy, khủng bố có thể chi tiền để mua các thiết bị quan sát loại này, tăng thêm sự nguy hiểm cao cho lực lượng an ninh.

Chính vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu những loại vật liệu mới nhằm tạo ra lớp mặt nạ hấp thụ và triệt tiêu các dấu hiệu nhiệt từ người lính và cả trang thiết bị vũ khí.


Hình ảnh so sánh giữa việc một người lính mặc quần áo thường và quần áo hấp thụ nhiệt trong ảnh chụp từ thiết bị nhìn đêm.

Ceno Technologies, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, đang mở rộng ý tưởng với việc chế tạo một loại sơn ngụy trang, giúp triệt tiêu phát nhiệt từ tay, mặt của người lính. Công nghệ ngụy trang mới này cũng đã được áp dụng trên các chiến trường Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, việc ngụy trang nhiệt cho con người chỉ là một ứng dụng đầu tiên. Ngụy trang nhiệt cho một chiếc xe tăng hay các phương tiện chiến đấu vũ trang lạiphức tạp hơn. Rất nhiều dự án đang triển khai trên thế giới đang tập trung hoàn thiện kỹ thuật này.

Những chuyên gia quốc phòng Hy Lạp đã phát triển một loại bọt cách nhiệt có khả năng giảm thiểu lượng nhiệt năng phát ra bên ngoài. Nếu phủ một lớp mỏng lên những chiếc APC, lượng nhiệt chúng phát ra chỉ như ống xả của xe máy trước những thiết bị nhìn đêm.

Các nhà nghiên cứu của Học viện kỹ thuật New Jersey (Mỹ) lại tiếp cận theo cách khác. Họ phát triển các tấm cách nhiệt có thể được áp dụng cho những phương tiện để thay đổi hình dạng tại những địa điểm chiến lược. Khi đó, chiếc xe tăng chỉ giống như chiếc ô tô thông thường trong các thiết bị quan sát chuyên dụng.

Áp dụng nhiều tiến bộ khoa học như phỏng sinh học, nhận thức thần kinh, công nghệ nano và khoa học vật liệu, sự phát triển của ngụy trang sẽ ngày càng hiện đại, giảm thiểu nguy hiểm rủi ro cho người lính tại các chiến trường.

(tổng hợp)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang