Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Mỹ

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

>> Iraq chọn mua radar pháo binh Fire Finder



Dù Mỹ giới thiệu hệ thống radar định vị pháo binh EQ-36 mới và hiệu quả hơn, nhưng Iraq từ chối và đặt hàng mua 6 hệ thống radar đời cũ là Fire Finder.

Năm 2010, trước khi gửi lời chào hàng tới Iraq, Mỹ từng đưa hệ thống radar định vị pháo và đạn cối thế hệ mới EQ-36 tới chiến trường Afghanistan để thực nghiệm khả năng. Hệ thống mới dễ sử dụng và sửa chữa cũng như đáng tin cậy hơn hệ thống tiền nhiệm là Fire Finder AN TPQ-36/37.

EQ-36 có khả năng quét 360 độ, thay vì góc 90 độ như Fire Finder với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Lục quân Mỹ có kế hoạch mua 180 hệ thống EQ-36 với giá 9 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, do ngân quỹ hạn hẹp, Mỹ chỉ có thể đặt hàng 33 chiếc.

Hệ thống Fire Finder tuy cũ và có nhiều điểm hạn chế nhưng có giá thành rẻ hơn mà vẫn đảm bảo tối thiểu nhiệm vụ. Đó là lý do Iraq chọn mua thay vì hệ thống mới tiên tiến hơn.



Với giá thành rẻ và đáng tin cậy, Iraq lựa chọn hệ thống định vị pháo Fire Finder thay vì hệ thống mới EQ-36.


Trước đây, khi trình diễn ở Iraq, hệ thống Fire Finder đã phạm phải những lỗi nghiêm trọng và không thể phát hiện đạn pháo cối bay đến. Nguyên nhân là do Fire Finder được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến trường Đông Nam Á, không phù hợp với thực tiễn mới. Sau đó, các kỹ sư Mỹ đã khắc phục lỗi này.

Biến thể mới nâng cấp của Fire Finder có có khả năng quét và phát hiện pháo trong tầm 18 km, tên lửa trong tầm 24 km với khả năng định vị 10 điểm vũ khí cùng lúc

Trong cuộc tấn công vào Iraq, hiệu quả của Fire Finder được chứng minh nên chúng được sử dụng rộng rãi. Sự gọn nhẹ trong thiết kế giúp các hệ thống có thể triển khai nhanh chóng trên các chiến trường nhờ vận chuyển đường không/đường bộ.

Hệ thống Fire Finder hoạt động dựa trên nguyên lý xác định địa điểm và thời gian của đạn bay đến, tính toán và gửi thông tin về các đơn vị quân đội, đặc biệt là pháo binh.

Biết được điểm xuất phát của pháo, quân đội sẽ tấn công dồn dập vào điểm đó. Quá trình phát hiện và tấn công chỉ khoảng 3-4 phút (có thể ít hơn với các đơn vị chuyên nghiệp và có kinh nghiệm).


[BDV news]


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

>> Cội nguồn những sự cố trên biển Hoàng Hải



Những sự cố đáng tiếc trên biển Hoàng Hải bắt nguồn từ cách giải quyết ranh giới không thỏa đáng trong lịch sử ở vùng biển này.



Lịch sử của sự tranh chấp tại Hoàng Hải



Những đội tàu chiến của cả hai miền Triều Tiên luôn tuần tiễu trên biển Hoàng Hải.


Các chuyên gia quân sự không ngạc nhiên khi những xung đột mới đây trên bán đảo Triều Tiên thường xảy trên tại vùng biển Hoàng Hải.

Cội nguồn của tranh chấp được bắt nguồn từ vị trí của “Đường giới hạn phía bắc”. Năm 1953, sau khi hiệp định đình chiến được ký kết, Liên Hợp Quốc vẽ ra đường ranh giới trên biển nằm bám theo bờ biển của Triều Tiên. Đường giới hạn phía bắc kéo dài hơn 180 km, cách bờ biển 3 hải lý (5,5 km) về phía Nam.

Do chiến tranh vẫn chưa bao giờ kết thúc, đường giới hạn tạm thời này được duy trì tới ngày nay. Triều Tiên cho rằng “Đường giới hạn phía bắc là một sự ăn cướp trắng trợn và trái luật pháp do Mỹ đặt ra” đối với vùng biển thiêng liêng của quốc gia này.

Phía Triều Tiên nhiều lần đưa ra những ranh giới thay thế nhưng vấp phải sự từ chối từ Hàn Quốc.

Lợi ích kinh tế và quân sự

Cảng Haeju là một căn cứ quân sự quan trọng của Triều Tiên.


“Đường ranh giới phía bắc” cho phép Hàn Quốc kiểm soát 5 hòn đảo nằm sát với bờ biển, đồng thời theo dõi cảng Haeju, cảng biển nước sâu duy nhất của Triều Tiên không bị đóng băng trong mùa đông.

Thế nhưng, nếu đường ranh giới bị đẩy lùi xuống phía nam, cảng Incheon – cảng biển lớn thứ 2 của Hàn Quốc lại bị đe dọa. Vì vậy Hàn Quốc luôn kịch liệt phản đối mọi nỗ lực thay đổi biên giới trên biển của Triều Tiên.

Vùng biển Hoàng Hải cũng là ngư trường quan trọng, đặc biệt đối với ngư dân Triều Tiên. Cua biển là nguồn thu chính của ngư dân Triều Tiên trên vùng biển này. Đáng tiếc, loài cua biển này có xu hướng di cư về phía Nam trong mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 6 tới tháng 9.

Ngoài ra, đây cũng là một vùng biển thông thương nhộn nhịp với hàng đoàn tàu lớn của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Giải quyết tranh chấp bằng vũ lực

Nhiều tàu đánh cá của Hàn Quốc bị hải quân Triều Tiên bắt giữ.


Hoàng Hải luôn là điểm tranh chấp nóng bỏng của hai miền Triều Tiên trong suốt hơn 60 năm qua. Theo lực lượng cảnh sát trên biển của Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắt giữ 36 tàu đánh cá trên vùng biển này vào những năm 1990.

Nhiều cuộc giao chiến giữa hai quốc gia đã diễn ra, đặc biệt nghiêm trọng là sự kiện vào năm 1999 và 2002. Sau cuộc giao chiến trên biển năm 1999, hải quân Triều Tiên luôn tránh những cuộc đụng độ lớn do tụt hậu so với hải quân Hàn Quốc.


Hải quân Hàn Quốc hiện đại hơn nhiều so với Triều Tiên.


Năm 2009, một tàu của Triều Tiên đã bốc cháy khi đụng độ với hải quân Hàn Quốc. Và trong năm, là sự kiện bắn chìm tàu chiến Cheonan và pháo kích đảo Yeonpyeong.

Hiện tại, tình hình giao tranh tại Hoàng Hải trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ khi Hàn Quốc quyết định thay đổi quy tắc giao chiến và chính sách trên biển. Thay vì hạn chế quân đồn trú tại 5 hòn đảo gần bờ biển Triều Tiên theo lộ trình cải tổ, sự tăng cường khả năng hiện diện quân sự của Hàn Quốc trên vùng biển này sẽ khiến thế giới nghẹt thở theo dõi những diến biến mới có thể xảy ra.


[BDV news]


Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

>> Cận cảnh "cỗ máy chiến tranh" NATO chống Libya



Sứ mệnh bảo vệ dân thường Libya bằng "mọi biện pháp cần thiết" của liên quân hiện đã được 4 tuần song sức mạnh của sứ mệnh này đang dần yếu đi.

Anh và Pháp hiện dẫn đầu sứ mệnh sau khi Mỹ chuyển giao quyền lãnh đạo vào 31/3. Tuy nhiên, liên quân NATO dường như đang tan rã khi cố gắng tiếp tục chặn bước tiến của lãnh đạo Libya - đại tá Gaddafi. Trong khi đó, lực lượng của Gaddafi vẫn đang bao vây Misurata và thực thi những chiến thuật khiến họ tránh được việc trở thành mục tiêu của không lực phương Tây.



Chiến đấu cơ Mirage 2000 của Pháp đang đậu ở căn cứ không quân Solenzara tại đảo Corsica hôm 5/4.



Lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh giúp thực thi lệnh phong tỏa hải quân Libya hôm 11/4.



Máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp từ căn cứ không quân Istres xếp hàng chờ tới lượt tiếp nhiên liệu trên biển Địa Trung Hải hôm 30/3



Máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Mỹ chuẩn bị bay tới Libya từ căn cứ quân sự Lakenheath ở Anh hôm 19/3.



Máy bay AWACS của không lực Mỹ cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle ở biển Địa Trung Hải hôm 24/3



Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp rời Toulon để tới Libya hôm 20/3.



Chiến đấu cơ JAS 39 Gripen của không lực Thụy Điển cất cánh khỏi Kallinge, Thụy Điển.



Phi công Pháp leo lên khoang của chiếc chiến đấu cơ Rafael tại căn cứ không quân Solenzara trên đảo Corsica




[VITINFO news]


Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

>> Tiềm năng tác chiến của tàu ngầm Trung Quốc ra sao?



Hiện nay, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng tàu ngầm diesel-điện và đứng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nga) về tiềm năng tác chiến của lực lượng tàu ngầm.

Theo ước tính, trong biên chế của Hải quân Trung Quốc hiện nay đang có khoảng 75 chiếc tàu ngầm (tính cả những chiếc vừa hòan thành trong năm 2010), trong đó có:

5 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo (1 chiếc lớp Hạ và 3-4 chiếc lớp Tấn); 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử (4 chiếc lớp Hán và 3-4 chiếc lớp Thượng); 60 chiếc tàu ngầm diesel-điện (10 chiếc lớp Nguyên, 13 chiếc lớp Tống, 17 chiếc lớp Minh, 12 chiếc lớp “Kilo” và 8 chiếc lớp Romeo).




Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn đang sở hữu 2 chiếc tàu ngầm lớp Golf và Vũ Hán để sử dụng cho mục đích thử nghiệm (thử các loại vũ khí tên lửa mới trước khi chính thức trang bị cho các lớp tàu ngầm khác trong biên chế hoặc trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt).

Tiềm năng tác chiến của lực lượng tàu ngầm Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được đánh giá theo tỷ lệ số vũ khí trang bị trên tàu ngầm so với tổng số vũ khí dự bị hiện có.

Cụ thể, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc được trang bị 36 quả tên lửa đạn đạo chống ngầm (chiếm 3,3% nguồn dự trữ tên lửa hạt nhân chiến lược), 146 tên lửa đối hạm (chiếm 9,9% nguồn dự trữ tác chiến của loại tên lửa này trong Hải quân Trung Quốc), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.068 thủy lôi (chiếm 31,5% nguồn dữ trữ tác chiến của các loại vũ khí này trong Hải quân Trung Quốc).Trong biên chế thời chiến, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc được tổ chức và biên chế thành 6 cụm tàu tác chiến chia đều cho 3 Hạm đội: Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Nam Hải.

Trong đó tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo được biên chế cho lực lượng hạt nhân chiến lược, các tàu ngầm đa nhiệm như tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm diesel-điện được biên chế cho lực lượng thông thường.

Trong biên chế thời bình, tất cả số tàu ngầm này đều được tổ chức và biên chế thành các cụm và lữ đoàn tàu ngầm, hoạt động theo sự chỉ đạo chung của Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Chỉ huy các Hạm đội.

Hạm đội Bắc Hải đảm nhiệm tác chiến ở khu vực Hoàng Hải và vịnh Bột Hải với biên chế tác chiến gồm: 2 đội tàu ngầm nguyên tử (1 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ, 2 chiếc lớp Tấn, 4 chiếc lớp Hán mang số hiệu từ 402 đến 405; 4 chiếc lớp Thượng đang triển khai tại căn cứ hải quân Syaopindao và Nanyang; 2 lữ đòan tàu ngầm diesel-điện (13 chiếc lớp Tống, Minh và Romeo) triển khai tại căn cứ hải quân Qingdao và Lushun. Ngoài ra, tại căn cứ hải quân Syaopindao hiện nay còn triển khai cả tàu ngầm thử nghiệm mang tên lửa đối hạm Vũ Hán mang số hiệu 351 và tàu ngầm mang tên lửa lớp Golf mang số hiệu 200.



Hạm đội Đông Hải đảm nhiệm tác chiến ở vùng biển phía Đông Trung Quốc, bao gồm cả eo biển Đài Loan với biên chế tác chiến gồm: 1 lữ đoàn tàu ngầm (4 chiếc tàu ngầm diesel-điện dự án 877/636, 6 chiếc lớp Tống, một vài chiếc dự án 636 EM và lớp Minh, lớp Romeo) triển khai tại căn cứ hải quân Sichugan.

Hạm đội này khi cần thiết cũng có thể sử dụng cả căn cứ hải quân ở Thượng Hải và Ninbo để bố trí và triển khai lực lượng tác chiến nhanh, kịp thời ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm năng có thể xảy ra.

Hạm đội Nam Hải.
Đây là một trong những Hạm đội được Trung Quốc tập trung đầu tư nhiều kinh phí, vũ khí, trang thiết bị quân sự nhất bởi vì nó đảm nhiệm khu vực tác chiến trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và vịnh Tonkin (vịnh Bắc Bộ).

Theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỷ tấn, chủ yếu nằm ở độ sâu từ 500 mét đến 2.000 mét. Gần đây, người ta tiếp tục phát hiện ở Biển Đông còn có một trữ lượng băng cháy (một loại năng lượng sạch cho tương lai) khổng lồ.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn dầu mỏ tại khu vực Trung Á, tuyệt đại đa số dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu từ bên ngoài đều phải vận chuyển qua đường biển, trong đó có một phần rất lớn được vận chuyển qua Eo biển Malacca. Do vậy, bảo vệ lợi ích dầu mỏ nhập khẩu là một nhiệm vụ quan trọng đối với lực lượng hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, trong vấn đề chủ quyền biển đảo, Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền với hầu hết các nước có biển giáp với Trung Quốc. Khu vực biển Đông vẫn tồn tại những điểm nóng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.



Tại khu vực biển Hoa Đông, tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về đảo Điếu Ngư đã không ít lần khiến quan hệ hai nước căng cẳng. Để giải quyết những vấn đề này, “chiến lược biển xanh" cùng với lực lượng hải quân hùng mạnh, đủ sức tác chiến tại vùng biển xa là mục tiêu Trung Quốc ráo riết theo đuổi.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” Trung Quốc nhận thấy cần tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải để bảo vệ vững chắc nguồn lợi ích kinh tế khổng lồ và vị trí địa-chiến lược ở khu vực này.

Hiện nay, trong biên chế tác chiến của Hạm đội Nam Hải gồm 1 chiến đoàn tàu ngầm (tàu ngầm diesel-điện lớp Tống, Minh, Romeo) và một vài chiếc tàu ngầm thuộc dự án 636EM triển khai tại căn cứ hải quân Lushun.

[VTC news]

>> Lật lại hồ sơ chống ‘Star War’ của Liên Xô



Trong chiến tranh lạnh, Mỹ xây dựng kế hoạch ‘Star War’ nhằm chống lại các mối đe dọa không gian từ Liên Xô. Và Liên Xô cũng có kế hoạch đối phó.

Trong những năm 1960-1980, kho vũ khí chiến lược của Liên Xô gồm tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng chống tên lửa, vệ tinh quân sự (trang bị vũ khí có khả năng phòng vệ) đã gây ra mối lo sợ lớn đối với Mỹ. Liên Xô cũng nhiều lần thử nghiệm về công nghệ tiêu diệt vệ tinh. Kế hoạch tấn công bằng vũ khí nguyên tử mang tên “Cuộc chiến hạt nhân 7 giờ” đã khiến Mỹ khởi động các chương trình phát triển hệ thống diệt vệ tinh và phòng chống tên lửa mới.




"Cuộc chiến hạt nhân 7 giờ" thể hiện khả năng triển khai tấn công hạt nhân trong thời gian ngắn. Trong đó, các vệ tinh quân sự có vai trò quan trọng.


Năm 1983, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronan Reagan đã công bố chương trình phòng thủ chiến lược mang tên “Star War”.


Từ lúc đó, rất nhiều dự án xây dựng các trạm chiến đấu ngoài không gian được tiến hành, sử dụng vũ khí động năng, lazer và nguyên tử.

Những động thái từ bên kia bờ Thái Bình Dương buộc các nhà lãnh đạo Xô Viết không thể làm ngơ. Kế hoạch triển khai các vũ khí nhằm đáp trả lại "Star War" bắt đầu.


Kế hoạch của Liên Xô bao gồm việc vô hiệu hóa khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ, đồng thời xây dựng các trạm không gian mang vũ khí tấn công.


Đây là những vệ tinh Xô Viết có tên “Polyot-1” và “Polyot”-2 được chế tạo nhằm chủ động tiêu diệt các vệ tinh gián điệp của kẻ thù.


NPO Energia – vệ tinh được trang bị tên lửa và vũ khí lazer.N PO Energia được phát triển trên nền tảng của hai hệ thống vũ khí: hệ thống 17F19 “Skif” sử dụng tia lazer và hệ thống 17F111 “Kaskad” trang bị tên lửa.


Để đưa hệ thống lên quỹ đạo, Liên Xô sử dụng tên lửa đẩy có tên: "Progress”.


Trạm không gian dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất mang các mô đun chứa các tên lửa đạn đạo.


Khi trạm trong trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ.


Một mô đun tàu con thoi “Buran”. Sức mạnh hủy diệt của nó là ở lượng bom hạt nhân bên trong. Những tàu này sau khi xác định được vị trí trên mặt đất sẽ lao về hướng mục tiêu với vai trò như một tên lửa "mẹ".


Con tàu sẽ giải phóng các trái bom là các tàu nhỏ bên trong.


Còn đây là dự án xây dựng trạm “Skif-D”. Tên lửa đẩy mang hệ thống "Stilet" lên quỹ đạo có chiều dài 40m, đường kính 4,1m và trọng lượng là khoảng 90 tấn.


Cấu tạo bên trong lõi hệ thống “Stilet”.


Một hệ thống “Stilet” trang bị trên 17F19S.


Trạm vũ trụ Hòa Bình được Liên Xô đưa vào hoạt động từ năm 1986. Ngoài chức năng nghiên cứu không gian, Mir còn phục vụ cho hoạt động quân sự.


Trạm Hòa bình có khả năng quét và theo dõi nhiều mục tiêu trên mặt đất.


Những kỹ sư Nga là những người tiên phong trong việc phát triển bản mẫu của các phương tiện quân sự không gian. Đây là những vũ khí hết sức lợi hại, có thể tiêu diệt mục tiêu mà không gặp bất cứ khả năng chống cự nào. Kế hoạch “Star War” đã khơi mào cho những bùng nổ trong công nghệ vũ khí không gian ngày hôm nay.


Tổng thống Gorbachev, người đã đặt dấu chấm hết cho Liên Bang Xô Viết, đồng thời sự tan vỡ này cũng khiến cho tham vọng thống lĩnh vũ trụ của Liên Xô bị tạm dừng.
[BDV news] 


Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

>> Công nghệ gen – vũ khí “huỷ diệt” của tương lai (P.I)



Gen là chiếc chìa khoá để giải mã sinh mệnh con người. Những thành tựu thu được từ những công trình nghiên cứu về gen sẽ giúp cho con người có thể tự nắm giữ và quyết định sinh mệnh của mình.

Sự ra đời của chú cừu Dony bằng phương pháp nhân bản vô tính và sự thành công trong việc lập ra biểu đồ giải mã gen đã làm chấn động thế giới. Đây có thể coi là "thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử loài người", "cái mốc về khoa học nghiên cứu sinh mệnh con người" nguồn tư liệu sinh động nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay". Thành công của những phát kiến mới trong lĩnh vực gen di truyền được sánh ngang với việc chế tạo thành công bom nguyên tử đầu tiên và việc con người lần đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng.





Tương tự như những phát minh khoa học quan trọng khác, lĩnh vực ứng dụng đầu tiên của công nghệ gen chính là quân sự. Sự phát triển như vũ bão của các công trình gen đã tạo ra lĩnh vực mới để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu nhằm chế tạo một loại vũ khí sinh học mới, có tính sát thương lớn với những tính năng đặc biệt.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, trong thế kỉ 21, con người có khả năng phải đối mặt với cuộc chiến tranh còn đáng sợ hơn cả chiến tranh hạt nhân đó chính là "chiến tranh gen". Nhưng về bản chất vũ khí gen là loại vũ khí sinh học thế hệ mới - vũ khí sinh học thế hệ thứ 3.

Đặc điểm của vũ khí gen
- Uy lực sát thương cực lớn, giá thành sản xuất cực rẻ

Theo Tuần báo Thames số chủ nhật (1-10-1995), các nhà khoa học Nga đã thành công trong nghiên cứu tách ADN của một loại siêu vi trùng rồi kết hợp với ADN của siêu vi trùng khác để tạo nên chất cựu độc có tên là "Nhiệt độc tố". Chỉ cần dùng đầu kim gẩy một lượng rất nhỏ độc tố này thì cũng đủ để giết chết 500.000 người, với một lượng khoảng 20g thì cũng đủ giết chết 6 tỉ người trên thế giới trong giây lát. Loại “vũ khí này” hiện vẫn chưa có thuốc giải .

Các nhà khoa học tiến hành so sánh vũ khí gen với vũ khí hạt nhân uy lực mạnh. Theo tính toán, nếu bỏ ra 50 triệu đôla Mỹ để xây dựng một kho vũ khí gen thì khả năng sát thương còn lớn hơn rất nhiều so với đầu tư 5 tỉ đô la để xây dựng một kho vũ khí hạt nhân. Phạm vi sát thương (không có vật che chắn) của một quả bom hạt nhân 1kt (tương đương với 1 triệu tấn thuốc nổ TNT) là 300 km2. Trong khi phạm vi sát thương của 10 tấn chất chiến đấu sinh học thông thường là 100.000 km2, còn đối với vũ khí gen phạm vi sát thương có thể gấp hàng chục lần thậm chí trên trăm lần chất chiến đấu sinh học thông thường.


Vũ khí nguyên tử liệu đã lạc hậu?


- "Không có thuốc chữa"
Vũ khí gen đã vận dụng những thành tựu mới nhất của những công trình nghiên cứu về di truyền. Thông qua tổ hợp gen chính, người ta đã thay đổi một số gen di truyền của vi sinh vật gây bệnh để tạo ra chất chiến đấu sinh học nguy hại rất lớn. Do phải thay đổi "mật mã gen" của siêu vi trùng, vi khuẩn trong quá trình biến đổi gen (giống như quá trình pha chế thuốc theo đơn), nên chỉ có người chế tạo mới nắm bắt được những bí quyết của quá trình đó. Do đó, trong một thời gian ngắn sẽ rất khó phá giải, cũng như phòng vệ và trị liệu. Vì thế, nó trở thành vũ khí "vô phương cứu chữa nên sẽ gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cực độ cho đối phương.

- Vũ khí giết người không cần đổ máu

Khác với những vũ khí hiện đại khác, vũ khí gen thuộc loại vũ khí phi sát thương. Người ta sẽ chẳng thấy những tập đoàn quân với những trang bị hạng nặng, hạng nhẹ ầm ầm rung chuyển cả đất trời; sẽ chẳng có cảnh nhà tan, cửa nát, khói lửa mịt mùng nhưng hậu quả của nó thật khó lường.

Chiến tranh sẽ không phải huy động nhiều người mà chỉ cần đưa những vi khuẩn gây bệnh gen xâm nhập vào lãnh thổ nước khác bằng nhiều con đường và phương pháp khác nhau. Sau đó để chúng tự khuếch tán trong tự nhiên và sinh sôi nảy nở. Nó sẽ làm cho người, súc vật trong thời gian ngắn mắc phải những "căn bệnh kì lạ" vô phương cứu chữa. Nhẹ nhất thì cũng vô cùng khó điều trị, lặng lẽ tiêu hao và tan rã khả năng kháng cự của đối phương.

Chúng ta có thể hình dung ra viễn cảnh rằng, nếu đưa "vi khuẩn sốt xuất huyết cấp tính" xâm nhập vào nguồn nước của đối phương, sẽ làm cho đa số cư dân đang sử dụng nguồn nước đó mắc bệnh, làm tiêu hao phần lớn sức lực của họ, thậm chí dẫn đến tử vong. Điều đó cho thấy khả năng sát thương của vũ khí gen có thể cao hơn vũ khí hạt nhân hàng chục lần.

Người ta có thể thay đổi gen di truyền của vi sinh vật không gây bệnh, để tạo ra những vi khuẩn gây bệnh loại mới có tính kháng thuốc cao. Ngoài ra, có thể lợi dụng sự khác biệt về đặc trưng cấu trúc sinh lí của các chủng tộc người để tạo ra những vi khuẩn chỉ gây bệnh cho một nhóm người có đặc điểm di truyền riêng biệt, nhằm sát thương có trọng điểm sinh lực địch.

Theo tuần báo Thames số chủ nhật (15-11-1998), các nhà khoa học Israel đã gây và nuôi dưỡng những gen di truyền đặc biệt của siêu vi trùng, vi khuẩn của các chủng tộc người khác nhau nhằm mục đích nghiên cứu chế tạo ra vũ khí gen chỉ tác hại đối với người Ả Rập, không nguy hại đối với người Do Thái. Tuần báo Defence của Anh còn tiết lộ rằng, các nhà khoa học Israrel đã lợi dụng một số thành quả nghiên cứu của Nam Phi để tạo ra "vũ khí nhiễm sắc thể" có tác hại tới bộ gen cấu thành của người Ả Rập đặc biệt là của người Irắc. Phía Ixaren thì một mực bác bỏ nguồn tin này và tuyên bố rằng những nghiên cứu sinh học của họ chỉ mang tính phòng vệ đơn thuần.

Hiện trạng phát triển
Do vũ khí gen có thể chế ngự hoàn toàn đối phương trong các cuộc chiến phi sát thương. Bởi vậy, trong những năm gần đây, các nước phát triển và cường quốc quân sự trên thế giới đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu vũ khí gen, trong đó Mỹ và Nga là hai cường quốc đi đầu trong lĩnh vực này.


"Vũ khí" gen đang được các cường quốc đặc biệt quan tâm


Trong kế hoạch nghiên cứu vũ khí sinh học của Bộ Quốc phòng Mỹ, có 11 đề tài nghiên cứu do quân đội trực tiếp đảm nhiệm, 32 đề tài do các cơ quan ngoài quân đội tiến hành. Tất cả các đề tài đều do Bộ Quốc phòng Mỹ bảo hộ về kỹ thuật và tài chính. Từ năm 1983 đến nay, các nhà nghiên cứu của Mỹ đã bắt đầu áp dụng những kỹ thuật hiện đại để giải mật mã gen của khuẩn lị a-míp, độc tố của khuẩn bạch hầu, khuẩn dịch tả, khuẩn bệnh than. Ngoài ra, họ còn thử đưa những gen đặc biệt cấy vào những vi khuẩn vốn không gây bệnh để biến thành những vi khuẩn gây bệnh. Cục nghiên cứu y học quân sự của Mỹ đặt tại Maryland kì thực là trung tâm chuyên nghiên cứu về vũ khí gen.

Mỹ đã lưu ý đến mối đe doạ của vũ khí sinh học đối với an toàn quốc gia và đã có sự dự trữ vác xin phòng chiến tranh sinh hoá và vác xin chống độc tố sinh học để kịp thời ứng phó với vũ khí sinh học có thể tạo ra, đặc biệt là vũ khí gen.

Đầu năm 2000, Bộ Quốc phòng Mỹ điều chỉnh chiến lược phòng chống đối với vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh hoá như: đề xuất việc xây dựng kế hoạch liên hợp quân binh chủng trong việc phòng chống vũ khí sát thương lớn, đề cao khả năng tác chiến phi truyền thống; điều chỉnh việc bố trí nhân lực và kinh phí dành cho mua sắm, nghiên cứu chế tạo và phát triển trang bị phòng hộ. Từ năm 1999 đến năm 2003, Mỹ đã đầu tư 4 tỷ 600 triệu đô la cho phòng chống vũ khí sinh hoá.

Dưới thời của Tổng thống G. Bush, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch tăng thêm chi phí cho việc nghiên cứu để sản xuất ra loại vũ khí mới trong đó có vũ khí gen. Trước năm 2003, tất cả số quân hiện đang tại ngũ và số quân dự bị đều phải tiêm vác xin phòng sinh học.

Nga cũng rất coi trọng nghiên cứu về vũ khí gen. Cuối những năm 80 của thế kỉ 20 Trung tâm nghiên cứu Siberia của Nga đã nghiên cứu đưa gen của vi khuẩn bệnh sốt cấp tính xâm nhập vào men rượu thông thường để truyền bệnh sốt cấp tính ở mức độ nặng nhất, nghiên cứu vũ khí sinh học gây bệnh tiêu chảy. Cơ quan tình báo phương Tây cho rằng loại vũ khí gen này có thể làm mất tác dụng của các thiết bị phòng hoá mà NATO đang sử dụng và loại vũ khí này đã được tiến hành thử nghiệm trong một số trung tâm bí mật của Nga. Đặc biệt "Nhiệt độc tố" là một "kiệt tác" của các nhà khoa học Nga.

Hiện nay, Nga có 4 phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về vũ khí sinh học có liên quan đến gen. Họ đã sớm bắt tay nghiên cứu gen của độc tố có trong nọc rắn, kết hợp với gen của vi khuẩn gây bệnh cúm để tạo ra một siêu vi trùng cúm mới mang trong nó cả độc tố của loài rắn. Sau khi siêu vi trùng này được phát tán, người nhiễm bệnh vừa có triệu chứng của bệnh cúm lại vừa có triệu chứng giống như bị rắn độc cắn, khiến người bệnh tê liệt và dẫn đến tử vong.

Ngoài Mỹ và Nga, các nước Anh, Đức, Ixraen…vv cũng không cam chịu “đi sau” trong lĩnh vực nghiên cứu vũ khí gen. Các trung tâm phòng dịch sinh, hóa học do chính phủ Anh quản lý đang bí mật vận dụng những kĩ thuật gen để tập trung nghiên cứu nhằm biến đổi gen của các siêu vi trùng cấp tính. Bộ quốc phòng Đức đang tiến hành nghiên cứu để biến đổi gen của những vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, dịch tả và khuẩn đại tràng.
[QDND news]



Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

>> Philippines mua tàu chiến vì Trung Quốc?



[BDV news] Quân đội Philippines thông báo là định sử dụng loại tàu mới do Mỹ chế tạo để tăng cường tuần tra. Theo RFI, thông tin này được đưa ra trong lúc Manila tỏ thái độ cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại biển Đông.

Theo Chuẩn tướng Jose Mabanta, phát ngôn viên quân đội Philippines, hải quân nước này có ý định đưa vào sử dụng tàu tuần tra loại Hamilton hiện đại mới mua của Mỹ và sẽ được giao cho Philippines vào tháng 6 tới đây.

Quân đội Philippines còn tiết lộ thêm là một nhóm lính hải quân Philippines đang tu nghiệp tại Mỹ để học cách vận hành loại tàu tuần tra mới.



Philippines mua tàu chiến. Ảnh minh họa.


Theo hải quân Mỹ, Hamilton có khả năng di chuyển đường trường, được trang bị hệ thống vũ khí thuận tiện cho việc cận chiến. Loại tàu này như vậy sẽ góp phần tăng cường hiệu năng của hải quân Philippines, vốn chỉ có một đội tàu rất nhỏ và cũ kỹ so với Trung Quốc.

Hạm đội Philippines chủ yếu bao gồm các chiến hạm cũ do Mỹ “thải ra” và được tân trang lại. Soái hạm của hải quân Philippines cũng chỉ là chiếc Rajah Humabon, một khu trục hạm hộ tống loại Cannon được đóng từ Thế chiến II và hiện là một trong chiến hạm cũ nhất trên thế giới còn đang hoạt động.

Theo RFI, Philippines ngày càng cảm thấy cần phải gia tăng sự hiện diện quân sự trong bối cảnh họ cố tránh làm “phật ý” Bắc Kinh.

Trước đó, Philippines chính thức gửi thư lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ tấm bản đồ chủ quyền hình “lưỡi bò” mà Bắc Kinh công bố.

Cũng theo RFI, bất chấp phản ứng của Philippines, Trung Quốc vẫn tiếp tục đòi hỏi độc quyền trên toàn bộ các vùng đang tranh chấp và vùng biển liền kề. Vào hôm 14/4, một lần nữa, Bắc Kinh lại lên tiếng cho rằng hành động phản đối của chính quyền Manila là điều không thể chấp nhận được.

Nhân cuộc họp báo thường kỳ, ông Hồng Lôi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng: “Chính quyền Trung Quốc không thể chấp nhận nội dung thư ngoại giao mà Chính phủ Philippines đệ trình lên Liên Hiệp Quốc”.

Lý do mà Bắc Kinh đưa ra cũng vẫn là: “Chủ quyền của Trung Quốc, các quyền liên quan và quyền quản lý hành chính tại biển Đông đều bắt nguồn từ lịch sử và dựa trên các cơ sở pháp lý”.

Theo RFI, lập luận này từng bị biết bao nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế phản bác. Dù vậy, Trung Quốc đến nay vẫn thường xuyên nhắc đi nhắc lại nhiều lần.



Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

>> Nga muốn trở lại ngôi vua chinh phục vũ trụ



[BDV news] Nga đang vạch ra nhiều dự án và kế hoạch nhằm giành lại vị trí quán quân trong thăm dò vũ trụ đã tuột vào tay Mỹ thời gian qua.

50 năm trước, chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của Yuri Gagarin, ngày 12/4/1961, đã khẳng định vị thế hàng đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trụ, khởi đầu từ vụ phóng tầu Sputnik (1957).

Người Mỹ phải mất 8 năm mới đuổi kịp và vượt người Nga khi họ đưa người lên mặt trăng năm 1969. Trong thập niên 1970 người Nga giành lại vị trí dẫn đầu bằng việc xây dựng trạm vũ trụ có người điều khiển đầu tiên trên quỹ đạo và phóng các tầu thăm dò đầu tiên đến các hành tinh sao Kim và sao Hỏa.

Trạm Hòa bình (Mir) của Nga, hoạt động từ năm 1986 đến 2001, là trạm vũ trụ có người điều khiển đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho đến năm 1998.



Trạm vũ trụ Mir, một trong những đỉnh cao chinh phục vũ trụ của Nga.


Không cam chịu là "người lái đò vũ trụ"
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, do thiếu tiền nên Nga đã “nhường” quyền lãnh đạo không gian cho Mỹ và Mỹ ký séch cho Nga xây dựng các thành phần đầu tiên của Trạm ISS, trong đó có module Zarya.

Kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng và điều khiển các trạm vũ trụ của Nga rất quan trọng đối với việc xây dựng trạm ISS, mà thành phần cốt lõi được thiết kế trên cơ sở dự án Mir-2 Nga bị bỏ dở vì thiếu tài chính.

Nga đã phải cắt xén mạnh chương trình nghiên cứu vũ trụ của mình khi ngân sách duyệt chi giảm xuống còn 300 triệu USD vào năm 2002 – chỉ đủ đưa các phi hành gia và đồ tiếp tế lên ISS. Nga bắt buộc phải tổ chức dịch vụ du lịch vũ trụ cho các khách du lịch nhiều tiền.


Tàu Soyuz TMA-21 rời bệ phóng sáng ngày 5/4/2011.


Thời hậu chiến tranh Lạnh, hợp tác quốc tế về vũ trụ thay thế cho xu thế đối đầu, chạy đua. Năm 2011 chứng kiến những lợi thế về vũ trụ của Nga được vun đắp từ nhiều thế kỷ trước. Thể hiện ở tàu không gian Soyuz phương tiện tin cậy dùng để đưa các nhà du hành vũ trụ thế giới đến trạm ISS.

Cơ quan Hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) phải nhờ cậy vào Nga để đưa người vào vũ trụ, sau tai nạn Colombia năm 2003. Trước đó, năm 1986, tàu con thoi Challenger nổ sau khi phóng 73 giây.

Theo hợp đồng giữa NASA và Roscosmos, Mỹ sẽ trả cho Nga tổng cộng 1,2 tỷ USD để dùng Soyuz đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ trong thời gian từ 2012 đến năm 2015.

Nga quyết tâm trong những năm tới giành càng nhiều càng tốt lợi phần trong ngành dịch vụ thương mại vũ trụ quốc tế. Thủ tướng Putin kêu gọi nâng tỷ lệ phóng hằng năm của Nga từ 40% lên 50% trong tương lai gần.

Trong cuộc họp gữa chính phủ với cơ quan vũ trụ để chuẩn bị lễ kỷ niệm chuyến bay mở đường của Gagarin, Thủ tướng Putin nói: “Nga không được bó mình vào vai trò “người đưa đò” vũ trụ. Chúng ta cần tăng cường sự hiển diện của mình trong thị trường vũ trụ toàn cầu… hiện có tổng giá trị khoảng 200 tỷ USD”.

Các kế hoạch lớn và táo bạo
Thủ tướng Putin cũng công bố một chương trình đầy tham vọng nhằm đẩy mạnh nỗ lực chinh phuc vũ trụ đến năm 2030.

Bất chấp tổn thất 3 vệ tinh định vị toàn cầu trong vụ nổ tên lửa năm ngoái , Nga quyết tâm hoàn thành việc triển khai hệ thống định vị toàn cầu Glonass của riêng mình trong năm 2011.


Do vấn đề ngân sách mà việc phóng thử tên lửa mới bị hoãn lại đến 2013.


Năm 2012, Nga sẽ tham gia chương trình thám hiểm mặt trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ, trong đó Nga chế tạo khoang đổ bộ mặt đất và xe thăm dò mặt trăng.

Năm 2013, Nga sẽ phóng loại tên lửa mới có tên Angara, với hai cấu hình. Đến năm 2015, Nga sẽ phóng thử loại tàu thế hệ mới, trước tiên là loại Rus-M.

Năm 2016 một sân bay vũ trụ đầu tiên tại Viến Đông, Vostochny, sẽ được đưa vào sử dụng. Khi đó, toàn bộ các cuộc phóng tầu vũ trụ sẽ chuyển về sân bay này, thay cho sân bay Baikonur, hiện đang phải thuê của Kazakhstan.

Ngoài ra, Nga đang phát triển hệ thống tên lửa đẩy bằng năng lượng hạt nhân cho tương lai để phục vụ cho các chuyến thăm dò giữa các hành tinh, một dự án mà theo Thủ tướng Putin thì “ưu tiên cho Nga là không thể tranh cãi”.


Mô hình động cơ tên lửa đẩy vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga


Roscosmos có kế hoạch bắt đầu các chuyến bay có người lái đến mặt trăng vào cuối thập niên này và xây dựng một căn cứ trên mặt trăng vào năm 2030.

Căn cứ này sẽ gửi về trái đất helium-3, một nguồn năng lượng quý giá, đồng thời sẽ đóng vai trò là tiền đồn cho một chuyến bay có người lái tới sao Hỏa, dự kiến một thập niên sau đó. Các chuyến bay đến mặt trăng và sao Hỏa có thể là các dự án quốc tế.

Để kế hoạch “đi đến nơi, về đến chốn”, ngân sách giành cho nghiên cứu vũ trụ của Nga năm 2011 sẽ vào khoảng 3,8 tỷ USD, bằng một phần so với ngân sách dự chi của Mỹ giành cho NASA, 18,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, số tiền này gấp đôi ngân sách của 10 năm trước và theo Putin, “đủ để đưa ra các mục tiêu chiến lược, thực hiện các dự án đầy tham vọng, và đặt nền móng cho tương lai".



>> Nga Brazil hợp tác cạnh tranh với Hummer



[BDV news] Nga và Brazil đang tiến hành hội đàm để thành lập liên doanh sản xuất xe bọc thép cho lực lượng cảnh sát của đôi bên.

Mẫu xe bọc thép mới sẽ được phát triển dựa trên cơ sở của loại xe bọc thép GAZ-2330 Tigr của công ty máy móc thiết bị Arzamas (Nga). Công ty này đang tham gia triển lãm Hàng không quốc phòng LAAD diễn ra tại Rio de Janeiro Brazil từ ngày 12-15/4/2011.

Một đại diện của công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho biết: “Cấp giấy phép, xây dựng các cơ sở sản xuất là lắp ráp xe bọc thép một động cơ là một trong những cơ sở quan trọng để tăng cường hợp tác giữa Nga và Brazil cũng như các nước Mỹ Latinh”

Đôi nét về xe bọc thép GAZ-2330 Tigr của Nga:




GAZ-2330 có khả năng cơ động rất cao trên mọi địa hình.


GAZ-2330 Tigr là một đại diện cho dòng xe SUV (sport utility vehicle), xe thể thao tiện ích. Xe được thiết kế với mục đích phục vụ cho các hoạt động quân sự và bán quân sự, đặc biệt hữu ích trong các hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động.

Xe được thiết kế theo tiêu chuẩn phương Tây, được đánh giá là một đối thủ đáng gờm của dòng xe Hummer của Mỹ.

GAZ-2330 Tigr được trang bị động cơ diesel tăng áp mạnh mẽ, làm mát bằng không khí, động cơ 6 xy lanh, dung tích 5.9 lít, công suất 212 mã lực, mô men xoắn cực đại 5500 vòng/phút. Hộp số sàn 5 số, 4 số tiến và 1 số lùi.

Hệ thống treo thanh xoắn kết hợp thủy lực, hệ thống treo có khả năng điều chỉnh độ cao của gầm xe, giúp xe hoạt động hiệu quả trên các địa hình ghồ ghề cũng như làm giảm độ dằn khi hoạt động trên các địa hình xấu.

GAZ-2330 Tigr có khả năng việt dã rất cao, xe có thể đạt tốc độ 80km/h trên đường ghồ ghề, 140km/h trên đường nhựa. Xe có khả năng lội nước sâu 1,2m. Lốp xe có hệ thống điều chỉnh áp suất tùy thuộc vào địa hình hoạt động.

Xe được bọc thép tốt, cấp độ 3, có khả năng chịu được mảnh bom, mảnh đạn pháo, lựu đạn, mìn tự tạo IED và vũ khí cá nhân. Khả năng hoạt động rất hiệu quả trong điều kiện khắc nghiệt, theo đúng trường phái của các loại xe cơ giới khác của Nga.

Xe được vũ trang một súng máy 7,62mm hoặc súng phóng lựu AGS-17 30mm tùy phiên bản, hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Thông số cơ bản: Dài 5,7m, rộng 2,4m, cao 2,4m, trọng lượng 7.200kg, tầm hoạt động 1.000km, kíp lái 2 người cùng 10 binh sĩ với đầy đủ trang bị.

Tại triển lãm ô tô quốc tế Moscow "MIMS-2002", GAZ-2330 Tigr được vinh danh một loạt các phần thưởng khác nhau, trong đó có các đề cử "ô tô đặc biệt tốt nhất".

Dưới đây là một số hình ảnh về GAZ-2330 Tigr:


Cửa lên phía sau của GAZ-2330.


Thủ tướng Nga Putin đang kiểm tra xe GAZ-2330.


Vũ khí của GAZ-2330 thay đổi tùy theo phiên bản và yêu cầu của khách hàng.



>> Quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan đến hồi kết?



[BDV news] Ngày 11/4, Pakistan đã yêu cầu Mỹ cắt giảm mạnh số nhân viên CIA và đặc vụ hoạt động ở nước này.

Đồng thời, Islamabad đòi Mỹ chấm dứt các cuộc không kích bằng máy bay không người lái.

AFP dẫn lời một quan chức Pakistan cho biết chính Tổng tư lệnh Quân đội Pakistan Ashfaq Kayani đã đưa ra đề nghị trên.

Cụ thể, ông Kayani yêu cầu Mỹ cắt giảm 25-40% số binh sĩ thuộc Lực lượng Chiến dịch Đặc biệt Mỹ, hiện làm nhiệm vụ huấn luyện tại vùng tây bắc Pakistan, vốn là địa bàn hoạt động của Taliban và Al Qaeda.

Ông Kayani đặt ra giới hạn tối đa 120 binh sĩ đặc nhiệm được phép hoạt động tại Pakistan, đồng thời yêu cầu Mỹ chấm dứt những hoạt động ngầm của CIA và các lực lượng liên quan.

Như vậy tổng số nhân viên CIA, nhân viên hợp đồng và đặc vụ Mỹ phải rời Pakistan vào khoảng 350 người.



Raymond Davis bị bắt giữ tháng 1-2011.


Quan chức Pakistan nói ông Kayani cũng muốn Mỹ chấm dứt các vụ không kích quân du kích bằng máy bay không người lá” hoặc ít nhất là giới hạn đến mức tối đa, sau khi than phiền rằng Chính quyền Obama đã để các vụ không kích loại này vượt khỏi tầm kiểm soát.

Yêu cầu trên của Pakistan được đưa ra giữa lúc Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan (ISI), tướng Ahmed Shuja Pasha hội đàm với Giám đốc CIA Leon Panetta tại Washington.

ISI yêu cầu phía CIA cung cấp toàn bộ lý lịch, nhân thân của các nhân viên tình báo đang hoạt động tại Pakistan cũng như báo trước tất cả những vụ không kích bằng máy bay không người lái.

Tờ New York Times bình luận, đề nghị này của phía Pakistan cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang trên bờ vực sụp đổ, theo sau hàng loạt tranh cãi quanh vụ nhân viên CIA Raymond Davis bắn chết 2 người Pakistan tại Lahore hồi tháng 1/2011.

Ban đầu CIA không thừa nhận Davis là nhân viên CIA. Mãi đến khi Pakistan đã bắt giữ và kết tội giết người đối với Davis thì CIA mới vào cuộc, buộc Pakistan phải thả người này sau hàng loạt cuộc đàm phán bí mật.

Vụ Davis và yêu cầu mới nhất của Pakistan là bằng chứng nữa cho thấy cả chính phủ và người dân Pakistan đang mất dần kiên nhẫn với sự hiện diện của Quân đội Mỹ.

Người dân Pakistan, vốn cho rằng lực lượng an ninh Mỹ đang hoạt động tự do quá mức, lại càng giận dữ hơn trước phản ứng thờ ơ của các quan chức Mỹ trong vụ Davis.

Còn chính quyền Pakistan gần đây bắt đầu nghi ngờ rằng mục đích thực sự của Mỹ tại Pakistan là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Ngược lại, CIA cũng không mấy tin tưởng ISI vì cho rằng Taliban và các nhóm Hồi giáo vũ trang hoạt động ở khu vực biên giới giáp Afghanistan chính là “sản phẩm” của ISI và được cơ quan tình báo này bí mật hỗ trợ.



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

>> Mỹ, Hàn sẵn sàng 'xử lý' Triều Tiên



[BDV news] Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẵn sàng bảo vệ Seoul trong trường hợp Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động khiêu khích, Tướng Walter của Mỹ cho hay.

Tướng Walter Sharp, lãnh đạo lực lượng liên quân Mỹ, Hàn khẳng định trước Thượng viện Mỹ rằng, giới chức quân sự của Washington và Seoul đang tích cực trau dồi "kỹ năng" để có thể sẵn sàng đáp trả cũng như chặn đứng mọi động thái “gây sự” của Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đang thảo luận đến mọi khả năng khiêu khích của Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng gây hấn, Seoul sẽ lập tức đáp trả để tự vệ bởi chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho mọi phương án”, ông Walter khẳng định.

Tướng Walter cũng nhấn mạnh, những cuộc tấn công mới đây của Triều Tiên đối với Hàn Quốc cũng như sự phát triển không ngừng trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ càng khiến cho liên minh giữa Washington và Seoul thêm gắn bó.

“Sự hợp tác chặt chẽ sẽ giúp liên minh Mỹ, Hàn có thể ngăn chặn một Triều Tiên hung hăng thích gây bất ổn cho khu vực và thế giới”, ông Walter quả quyết.



Mỹ, Hàn sẵn sàng đối phó Triều Tiên. Ảnh minh họa.


Bổ sung cho bài phát biểu của Tướng Walter, Ðô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Nhưỡng cho rằng, nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đang khiến quốc gia này trở thành một mối đe dọa thực sự.

“Tôi nhất trí với quan điểm rằng, Bình Nhưỡng đang trực tiếp đe dọa đến an ninh của Mỹ”, ông Willard nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang hướng tới khả năng tấn công mục tiêu xuyên lục địa.

Ðô đốc Willard khẳng định, cộng đồng quốc tế đang ngày càng mất kiên nhẫn với thái độ thù địch và bất thường của Triều Tiên. “Vấn đề quan trọng bây giờ là Trung Quốc cần nhận thức rõ về việc thế giới không còn có thể chịu đựng và bỏ qua cho các hành động của Triều Tiên”, ông Wilard tuyên bố.

Cũng theo quan chức này, chìa khóa để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như chặn đứng nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực là một cuộc đối thoại hiệu quả với Bắc Kinh.

Ông Willard cho rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc nên tập trung làm rõ vấn đề rằng, Hàn Quốc quá chán ngán với một Triều Tiên thích gây gổ.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi. Seoul giờ không còn nhường nhịn mà ngậm ngùi nhìn Bình Nhưỡng khiêu khích. Cộng đồng quốc tế cũng vậy. Tất cả đều đã mất kiên nhẫn với Triều Tiên. Chính vì vậy, Trung Quốc cần nhận thức rõ điều này để gia tăng ảnh hưởng đối với Triều Tiên trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn”, đô đốc khẳng định.


>> Indonesia và Hàn Quốc cam kết phát triển KF-X



[BDV news] Chương trình hợp tác phát triển chung máy bay tiêm kích thế hệ mới KF-X giữa Indonesia và Hàn Quốc sẽ được ký kết trong tháng 4/2011.

Hàn Quốc và Indonesia đã ký một bản dự thảo xác định danh mục các chương trình mà hai quốc gia sẽ thực hiện trong vòng 10 năm để phát triển tiêm kích KF-X.

Bản dự thảo này được ký vào ngày 13/3/2011 trong chuyến thăm Indonesia của đoàn đại biểu cấp cao quân đội Hàn Quốc.

Đây là kết quả của biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển một máy bay tiêm kích chung giữa Hàn Quốc và Indonesia vào tháng 7/2010.

Hợp đồng chính thức cho chương trình phát triển tiêm kích chung này sẽ được ký kết trong tháng 4/2011 với các điều khoản chi tiết cho việc hợp tác phát triển tiêm kích KF-X.



Hình mẫu khí động học của tiêm kích KF-X.


Theo một báo cáo cho biết, Indonesia đã đồng ý tài trợ 20% kinh phí cho chương trình. Phía Hàn Quốc sẽ tài trợ 60% kinh phí, hai chính phủ đang hy vọng rằng phần kinh phí còn lại sẽ được tài trợ bởi các nhà thầu trong và ngoài nước quan tâm đến dự án.

Tổng kinh phí cho chương trình phát triển bản thiết kế khí động học, đánh giá tính năng cùng với sản xuất nguyên mẫu thử nghiệm là 4,1 tỷ USD. Tổng kinh phí cho toàn bộ chương trình phát triển vào khoảng 8 tỷ USD.

Hàn Quốc đã theo đuổi chương trình phát triển tiêm kích KF-X từ năm 2001, nhằm phát triển một máy bay tiêm kích hiện đại. Máy bay mới được kỳ vọng sẽ có được các đặc tính hiện đại như Rafale của Pháp, hay EF-2000 Typhoon của Châu Âu, thậm chí là có thể so sánh với F-35 Lighting II của Mỹ.


KF-X sẽ có khả năng mang vũ khí bên trong khoang để tăng khả năng tàng hình, bên cạnh đó còn có thể mang các vũ khí ở ngoài thân.


Dự kiến nguyên mẫu KF-X sẽ được trình làng vào năm 2020, tổng số lượng đặt hàng cho cả hai bên Hàn Quốc và Indonesia vào khoảng 120 chiếc, và có thể nhiều hơn tùy thuộc vào năng lực của máy bay.

Thông tin chi tiết về thỏa thuận không được tiết lộ, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, công ty hàng không vũ trụ Dirgantara Indonesia sẽ là nhà thầu chính phía Indonesia cho chương trình phát triển này. Nhiều khả năng đây cũng sẽ là cơ sở thiết kế và sản xuất chính cho chương trình tiêm kích KF-X.

Phía Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ có sự tham gia chính của Cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc DAPA. Một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Thỗ Nhĩ Kỳ đang xem xét tham gia vào chương trình KF-X.



Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang