Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

>> Nga Brazil hợp tác cạnh tranh với Hummer



[BDV news] Nga và Brazil đang tiến hành hội đàm để thành lập liên doanh sản xuất xe bọc thép cho lực lượng cảnh sát của đôi bên.

Mẫu xe bọc thép mới sẽ được phát triển dựa trên cơ sở của loại xe bọc thép GAZ-2330 Tigr của công ty máy móc thiết bị Arzamas (Nga). Công ty này đang tham gia triển lãm Hàng không quốc phòng LAAD diễn ra tại Rio de Janeiro Brazil từ ngày 12-15/4/2011.

Một đại diện của công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho biết: “Cấp giấy phép, xây dựng các cơ sở sản xuất là lắp ráp xe bọc thép một động cơ là một trong những cơ sở quan trọng để tăng cường hợp tác giữa Nga và Brazil cũng như các nước Mỹ Latinh”

Đôi nét về xe bọc thép GAZ-2330 Tigr của Nga:




GAZ-2330 có khả năng cơ động rất cao trên mọi địa hình.


GAZ-2330 Tigr là một đại diện cho dòng xe SUV (sport utility vehicle), xe thể thao tiện ích. Xe được thiết kế với mục đích phục vụ cho các hoạt động quân sự và bán quân sự, đặc biệt hữu ích trong các hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động.

Xe được thiết kế theo tiêu chuẩn phương Tây, được đánh giá là một đối thủ đáng gờm của dòng xe Hummer của Mỹ.

GAZ-2330 Tigr được trang bị động cơ diesel tăng áp mạnh mẽ, làm mát bằng không khí, động cơ 6 xy lanh, dung tích 5.9 lít, công suất 212 mã lực, mô men xoắn cực đại 5500 vòng/phút. Hộp số sàn 5 số, 4 số tiến và 1 số lùi.

Hệ thống treo thanh xoắn kết hợp thủy lực, hệ thống treo có khả năng điều chỉnh độ cao của gầm xe, giúp xe hoạt động hiệu quả trên các địa hình ghồ ghề cũng như làm giảm độ dằn khi hoạt động trên các địa hình xấu.

GAZ-2330 Tigr có khả năng việt dã rất cao, xe có thể đạt tốc độ 80km/h trên đường ghồ ghề, 140km/h trên đường nhựa. Xe có khả năng lội nước sâu 1,2m. Lốp xe có hệ thống điều chỉnh áp suất tùy thuộc vào địa hình hoạt động.

Xe được bọc thép tốt, cấp độ 3, có khả năng chịu được mảnh bom, mảnh đạn pháo, lựu đạn, mìn tự tạo IED và vũ khí cá nhân. Khả năng hoạt động rất hiệu quả trong điều kiện khắc nghiệt, theo đúng trường phái của các loại xe cơ giới khác của Nga.

Xe được vũ trang một súng máy 7,62mm hoặc súng phóng lựu AGS-17 30mm tùy phiên bản, hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Thông số cơ bản: Dài 5,7m, rộng 2,4m, cao 2,4m, trọng lượng 7.200kg, tầm hoạt động 1.000km, kíp lái 2 người cùng 10 binh sĩ với đầy đủ trang bị.

Tại triển lãm ô tô quốc tế Moscow "MIMS-2002", GAZ-2330 Tigr được vinh danh một loạt các phần thưởng khác nhau, trong đó có các đề cử "ô tô đặc biệt tốt nhất".

Dưới đây là một số hình ảnh về GAZ-2330 Tigr:


Cửa lên phía sau của GAZ-2330.


Thủ tướng Nga Putin đang kiểm tra xe GAZ-2330.


Vũ khí của GAZ-2330 thay đổi tùy theo phiên bản và yêu cầu của khách hàng.



>> Quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan đến hồi kết?



[BDV news] Ngày 11/4, Pakistan đã yêu cầu Mỹ cắt giảm mạnh số nhân viên CIA và đặc vụ hoạt động ở nước này.

Đồng thời, Islamabad đòi Mỹ chấm dứt các cuộc không kích bằng máy bay không người lái.

AFP dẫn lời một quan chức Pakistan cho biết chính Tổng tư lệnh Quân đội Pakistan Ashfaq Kayani đã đưa ra đề nghị trên.

Cụ thể, ông Kayani yêu cầu Mỹ cắt giảm 25-40% số binh sĩ thuộc Lực lượng Chiến dịch Đặc biệt Mỹ, hiện làm nhiệm vụ huấn luyện tại vùng tây bắc Pakistan, vốn là địa bàn hoạt động của Taliban và Al Qaeda.

Ông Kayani đặt ra giới hạn tối đa 120 binh sĩ đặc nhiệm được phép hoạt động tại Pakistan, đồng thời yêu cầu Mỹ chấm dứt những hoạt động ngầm của CIA và các lực lượng liên quan.

Như vậy tổng số nhân viên CIA, nhân viên hợp đồng và đặc vụ Mỹ phải rời Pakistan vào khoảng 350 người.



Raymond Davis bị bắt giữ tháng 1-2011.


Quan chức Pakistan nói ông Kayani cũng muốn Mỹ chấm dứt các vụ không kích quân du kích bằng máy bay không người lá” hoặc ít nhất là giới hạn đến mức tối đa, sau khi than phiền rằng Chính quyền Obama đã để các vụ không kích loại này vượt khỏi tầm kiểm soát.

Yêu cầu trên của Pakistan được đưa ra giữa lúc Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan (ISI), tướng Ahmed Shuja Pasha hội đàm với Giám đốc CIA Leon Panetta tại Washington.

ISI yêu cầu phía CIA cung cấp toàn bộ lý lịch, nhân thân của các nhân viên tình báo đang hoạt động tại Pakistan cũng như báo trước tất cả những vụ không kích bằng máy bay không người lái.

Tờ New York Times bình luận, đề nghị này của phía Pakistan cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang trên bờ vực sụp đổ, theo sau hàng loạt tranh cãi quanh vụ nhân viên CIA Raymond Davis bắn chết 2 người Pakistan tại Lahore hồi tháng 1/2011.

Ban đầu CIA không thừa nhận Davis là nhân viên CIA. Mãi đến khi Pakistan đã bắt giữ và kết tội giết người đối với Davis thì CIA mới vào cuộc, buộc Pakistan phải thả người này sau hàng loạt cuộc đàm phán bí mật.

Vụ Davis và yêu cầu mới nhất của Pakistan là bằng chứng nữa cho thấy cả chính phủ và người dân Pakistan đang mất dần kiên nhẫn với sự hiện diện của Quân đội Mỹ.

Người dân Pakistan, vốn cho rằng lực lượng an ninh Mỹ đang hoạt động tự do quá mức, lại càng giận dữ hơn trước phản ứng thờ ơ của các quan chức Mỹ trong vụ Davis.

Còn chính quyền Pakistan gần đây bắt đầu nghi ngờ rằng mục đích thực sự của Mỹ tại Pakistan là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Ngược lại, CIA cũng không mấy tin tưởng ISI vì cho rằng Taliban và các nhóm Hồi giáo vũ trang hoạt động ở khu vực biên giới giáp Afghanistan chính là “sản phẩm” của ISI và được cơ quan tình báo này bí mật hỗ trợ.



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

>> Mỹ, Hàn sẵn sàng 'xử lý' Triều Tiên



[BDV news] Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẵn sàng bảo vệ Seoul trong trường hợp Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động khiêu khích, Tướng Walter của Mỹ cho hay.

Tướng Walter Sharp, lãnh đạo lực lượng liên quân Mỹ, Hàn khẳng định trước Thượng viện Mỹ rằng, giới chức quân sự của Washington và Seoul đang tích cực trau dồi "kỹ năng" để có thể sẵn sàng đáp trả cũng như chặn đứng mọi động thái “gây sự” của Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đang thảo luận đến mọi khả năng khiêu khích của Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng gây hấn, Seoul sẽ lập tức đáp trả để tự vệ bởi chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho mọi phương án”, ông Walter khẳng định.

Tướng Walter cũng nhấn mạnh, những cuộc tấn công mới đây của Triều Tiên đối với Hàn Quốc cũng như sự phát triển không ngừng trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ càng khiến cho liên minh giữa Washington và Seoul thêm gắn bó.

“Sự hợp tác chặt chẽ sẽ giúp liên minh Mỹ, Hàn có thể ngăn chặn một Triều Tiên hung hăng thích gây bất ổn cho khu vực và thế giới”, ông Walter quả quyết.



Mỹ, Hàn sẵn sàng đối phó Triều Tiên. Ảnh minh họa.


Bổ sung cho bài phát biểu của Tướng Walter, Ðô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Nhưỡng cho rằng, nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đang khiến quốc gia này trở thành một mối đe dọa thực sự.

“Tôi nhất trí với quan điểm rằng, Bình Nhưỡng đang trực tiếp đe dọa đến an ninh của Mỹ”, ông Willard nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang hướng tới khả năng tấn công mục tiêu xuyên lục địa.

Ðô đốc Willard khẳng định, cộng đồng quốc tế đang ngày càng mất kiên nhẫn với thái độ thù địch và bất thường của Triều Tiên. “Vấn đề quan trọng bây giờ là Trung Quốc cần nhận thức rõ về việc thế giới không còn có thể chịu đựng và bỏ qua cho các hành động của Triều Tiên”, ông Wilard tuyên bố.

Cũng theo quan chức này, chìa khóa để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như chặn đứng nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực là một cuộc đối thoại hiệu quả với Bắc Kinh.

Ông Willard cho rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc nên tập trung làm rõ vấn đề rằng, Hàn Quốc quá chán ngán với một Triều Tiên thích gây gổ.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi. Seoul giờ không còn nhường nhịn mà ngậm ngùi nhìn Bình Nhưỡng khiêu khích. Cộng đồng quốc tế cũng vậy. Tất cả đều đã mất kiên nhẫn với Triều Tiên. Chính vì vậy, Trung Quốc cần nhận thức rõ điều này để gia tăng ảnh hưởng đối với Triều Tiên trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn”, đô đốc khẳng định.


>> Indonesia và Hàn Quốc cam kết phát triển KF-X



[BDV news] Chương trình hợp tác phát triển chung máy bay tiêm kích thế hệ mới KF-X giữa Indonesia và Hàn Quốc sẽ được ký kết trong tháng 4/2011.

Hàn Quốc và Indonesia đã ký một bản dự thảo xác định danh mục các chương trình mà hai quốc gia sẽ thực hiện trong vòng 10 năm để phát triển tiêm kích KF-X.

Bản dự thảo này được ký vào ngày 13/3/2011 trong chuyến thăm Indonesia của đoàn đại biểu cấp cao quân đội Hàn Quốc.

Đây là kết quả của biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển một máy bay tiêm kích chung giữa Hàn Quốc và Indonesia vào tháng 7/2010.

Hợp đồng chính thức cho chương trình phát triển tiêm kích chung này sẽ được ký kết trong tháng 4/2011 với các điều khoản chi tiết cho việc hợp tác phát triển tiêm kích KF-X.



Hình mẫu khí động học của tiêm kích KF-X.


Theo một báo cáo cho biết, Indonesia đã đồng ý tài trợ 20% kinh phí cho chương trình. Phía Hàn Quốc sẽ tài trợ 60% kinh phí, hai chính phủ đang hy vọng rằng phần kinh phí còn lại sẽ được tài trợ bởi các nhà thầu trong và ngoài nước quan tâm đến dự án.

Tổng kinh phí cho chương trình phát triển bản thiết kế khí động học, đánh giá tính năng cùng với sản xuất nguyên mẫu thử nghiệm là 4,1 tỷ USD. Tổng kinh phí cho toàn bộ chương trình phát triển vào khoảng 8 tỷ USD.

Hàn Quốc đã theo đuổi chương trình phát triển tiêm kích KF-X từ năm 2001, nhằm phát triển một máy bay tiêm kích hiện đại. Máy bay mới được kỳ vọng sẽ có được các đặc tính hiện đại như Rafale của Pháp, hay EF-2000 Typhoon của Châu Âu, thậm chí là có thể so sánh với F-35 Lighting II của Mỹ.


KF-X sẽ có khả năng mang vũ khí bên trong khoang để tăng khả năng tàng hình, bên cạnh đó còn có thể mang các vũ khí ở ngoài thân.


Dự kiến nguyên mẫu KF-X sẽ được trình làng vào năm 2020, tổng số lượng đặt hàng cho cả hai bên Hàn Quốc và Indonesia vào khoảng 120 chiếc, và có thể nhiều hơn tùy thuộc vào năng lực của máy bay.

Thông tin chi tiết về thỏa thuận không được tiết lộ, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, công ty hàng không vũ trụ Dirgantara Indonesia sẽ là nhà thầu chính phía Indonesia cho chương trình phát triển này. Nhiều khả năng đây cũng sẽ là cơ sở thiết kế và sản xuất chính cho chương trình tiêm kích KF-X.

Phía Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ có sự tham gia chính của Cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc DAPA. Một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Thỗ Nhĩ Kỳ đang xem xét tham gia vào chương trình KF-X.



>> Sebia và Romania tập trận Air Solution 2011



[BDV news] Ngày 12/4, Sebia và Romania đã tiến hành tập trận trên không nhằm mục đích nâng cao sự phối hợp của không quân hai nước.

Cuộc tập trận còn để đưa ra các biện pháp mới trong việc kiểm soát, bảo vệ không phận.

Tại Air Solution 2011, Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Bang Ohio (Mỹ) được mời với tư cách quan sát viên.

Theo kịch bản, máy bay vận tải An-26 của Romania đóng vai một máy bay không xác định bị 2 máy bay tiêm kích MiG-29 của Không quân Sebia đánh chặn trên không và buộc phải hạ cánh xuống sân bay quân sự Batajnica gần Belgrade.

Đồng thời, theo kịch bản tương tự, máy bay vận tải An-26 của Sebia cũng bị 2 tiêm kích Mig-21 Lancer của Romania ép hạ cánh.



Mig-21 Lancer của Romania tham gia tập trận Air Solution 2011


Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc tập trận, 2 trực thăng Mi-8 cũng tiến hành các bài tập sục sạo và giải cứu các phi công lái máy bay bị bắn rơi.

Các thiết bị kỹ thuật hàng không mua của Liên Xô vào các thời điểm khác nhau hiện vẫn còn trong biên chế của không quân nhiều nước khối Đông Âu cũ.

Trong những năm gần đây, Serbia và Romania đã nhiều lần công bố về dự định mua các máy bay tiêm kích mới, nhưng việc thực hiện các kế hoạch này tiến triển rất chậm vì các vấn đề liên quan đến tài chính.



>> Trực thăng Nga huy động vốn từ London



[BDV news] Công ty Russian Helicopters lên kế hoạch huy động vốn trên cả thị trường London để tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Russian Helicopters là công ty chuyên sản xuất máy bay trực thăng phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự của Nga, và là một phần của tập đoàn Oboronprom.

Theo lãnh đạo Russian Helicopters, công ty dự định huy động 500 triệu USD trên hai thị trường tài chính London và Nga.



Máy bay trực thăng của Nga luôn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.


“Hợp đồng mới bao gồm cả việc bán cổ phiếu của Russian Helicopters mà tập đoàn Oboronprom đang sở hữu cùng với 250 triệu USD cổ phiếu dưới dạng GDR. Tổng giá trị của hợp động sẽ lên tới hơn 500 triệu USD”, người phát ngôn của Russian Helicopters cho biết.

Ngoài thị trường tài chính London, Russian Helicopters sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch RTS và MICEX của Nga.

“Hiện tại, công ty có kế hoạch sử dụng nguồn vốn để trang trải nợ nần và tài trợ cho những hợp đồng bắt buộc mà Russian Helicopters phải chi trả để mua cổ phiếu của các công ty con”, người phát ngôn nói.

Ngân hàng Merrill Lynch, BNP Paribas và VTB Capital được chỉ định làm đối tác quốc tế và hỗ trợ phát hành.

Một số ngân hàng trong nước được chỉ định tham gia vào hợp đồng bao gồm: ngân hàng Nomos, tập đoàn RusAgro, tập đoàn Etalon. Đây đều là những đơn vị hàng đầu trong thị trường tài chính của Nga.



>> Quân đội Nga sẽ đội mũ nồi trong lễ Chiến thắng



[BDV news] Bộ Quốc phòng Nga cho biết, từ mùa xuân năm 2011 quân nhân các lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị mũ mới - mũ nồi.

Trước đây, mũ nồi chỉ sử dụng trong một vài binh chủng của quân đội Nga. Thời gian tới, loại mũ mới sẽ thay thế hoàn toàn các loại mũ calô truyền thống.

Lục quân Nga sẽ đội mũ nồi màu xanh lá cây, Hải quân Nga - mũ nồi đen (trước đây, chỉ có lực lượng lính thuỷ đánh bộ Nga mới dùng mũ nồi đen), Không quân Nga - mũ nồi màu xanh nước biển, Bộ đội Đổ bộ Đường không Nga vẫn đội mũ nồi xanh da trời như hiện nay.



Trước đây chỉ có lính dù (bộ đội đổ bộ đường không) và Hải quân đánh bộ Nga đội mũ nồi.


Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, tất cả các quân nhân Nga tham dự lễ duyệt binh chào mừng Ngày Chiến thắng sắp tới sẽ đội mũ nồi thay cho mũ calô.

Trước đây, mũ nồi màu xanh lá cây chỉ trang bị cho bộ đội biên phòng. Quân nhân có quyền đội mũ nồi màu xanh lá cây sau khi hoàn thành các tiêu chí hoặc là được khen thưởng vì đạt thành tích.

Mũ nồi được sử dụng rộng rãi trong quân đội nhiều nước trên thế giới với tư cách là loại mũ chính. Trong quân đội Nga và Liên Xô, loại mũ chính được sử dụng vào mùa ấm là mũ calô.



>> Vũ khí tương lai của quân đội Nga



[BDV news] Vài năm trở lại đây, với tình trạng nhiều hệ vũ khí đã xuống cấp và sắp hết hạn sử dụng. Nước Nga đầu tư một khoản không nhỏ để nâng cấp và để chế tạo nhiều loại vũ khí mới.

Chùm ảnh vũ khí của quân đội Nga hiện tại và tương lai:

Nước Nga có kế hoạch chi 13 nghìn tỷ rúp (tương đương 420 tỷ USD) để mua vũ khí mới dựa trên chương trình mua sắm trang thiết bị quân đội 2011-2020.


Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi PAK FA T-50 được mong đợi sẽ tăng cường sức mạnh không quân Nga. Dự kiến đưa vào sản xuất năm 2015.


Không quân Nga đang duy trì những phi đội máy bay vận tải hạng nặng IL-76, An-22, An-124. Trong ảnh: Máy bay vận tải IL-76 diễn tập tìm kiếm và cứu nạn ở Bắc cực.


Máy bay vận tải hạng nặng An-124 và chiến đấu cơ Su-27 bay trên Quảng trường đỏ trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít.


Không quân Nga sẽ sớm tiếp nhận một số loại máy bay mới, như IL-476, IL-112, An-124 và các kiểu, loại tương tự.


Các đơn vị phòng không Nga được tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumf. S-400 hoàn toàn có khả năng tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không ở độ cao lớn, tầm bắn xa, từ máy bay tới tên lửa hành trình.


S-400 Triumf sẽ được hỗ trợ thêm hệ thống tên lửa phòng không S-300 nâng cấp và tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir. Nga đang có kế hoạch phát triển S-500 và hệ thống Vityaz trong 10 năm tới. Trong ảnh: tổ hợp Pantsir-S1 (SA-22 Greyhound) diễn tập ở bãi thử Ashuluk.


Lực lượng tên lửa chiến lược Nga tiếp tục nhận hệ thống tên lửa đạn đạo di động Topol-M và RS-24. Thông qua xây dựng hầm ngầm dưới mặt đất chứa tên lửa đạn đạo.


Quân đội Nga tiếp tục hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS và Tu-160. Họ có kế hoạch phát triển máy bay ném bom chiến lược mới. Trong ảnh: một chiếc Tu-95 bay trên quảng trường đỏ trong lễ duyệt binh kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít.


Máy bay ném bom chiến lược tầm xa cánh cụp cánh xòe có khả năng bay với vận tốc Mach 2.


Hải quân Nga đang trông đợi tiếp nhận tàu ngầm chiến lược lớp Borei trang bị tên lửa đạn đạo Bulava.


Nga đang có kế hoạch đóng 15 tàu khu trục và tàu hộ tống cùng nhiều lớp tàu khác. Trong ảnh: tàu hộ tống lớp Steregustry.


Nga đang có cuộc đàm phán với Pháp mua tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Mistral.



>> Bắn cháy xuồng bằng tia laser



[BDV news] Một tia laser năng lượng cao phóng đi từ tàu chiến Hải quân Mỹ ngoài khơi California đã bắn cháy một chiếc xuống ở gần đó.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một khẩu pháo laser năng lượng cao để tiêu diệt chiếc xuồng trên biển.

Các thử nghiệm tương tự đã được tiến hành trên mặt đất, tuy nhiên, độ ẩm không khí cao trên biển đã làm giảm hiệu suất và phạm vi của tia laser.

Hải quân Mỹ cho biết, pháo laser năng lượng cao này có thể được sử dụng để bảo vệ tàu chiến trước các cuộc tấn công của các tàu nhỏ, tốc độ cao.



Hệ thống pháo laser năng lượng cao HEL bố trí trên tàu chiến Hải quân Mỹ. (HEL high-energy laser: Laser năng lượng cao.)


Hải quân Mỹ đã theo đuổi việc phát triển vũ khí laser năng lượng cao từ năm 1970. Các hệ thống laser ban đầu dựa trên các phản ứng hóa học, khối lượng của hệ thống khá đồ sộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Gần đây các nhà khoa học đã phát triển hệ thống laser năng lượng cao kết hợp với các máy phát tia nhỏ gọn, tương tự như nguyên tắc hoạt động của đèn LED.

Hệ thống pháo laser trên tàu chiến Hải quân Mỹ kết hợp một hệ thống phát điện cao tần và một hệ thống laser bán dẫn được gắn trên boong tàu.


Hình ảnh chiếc xuồng thử nghiệm bị bắn cháy bởi pháo laser năng lượng cao.


Đến nay, việc phát triển của laser năng lượng cao nhằm bắn hạ các tên lửa hoặc các mục tiêu khác trên đất liền.

Ông Peter Morrison, Văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ cho biết: “Thử nghiệm này cung cấp một cơ sở quan trọng cho việc tiến tới sử dụng năng lượng dẫn hướng trên các tàu chiến. Còn nhiều việc phải làm để hệ thống hoạt động một cách an toàn và hiệu quả”

Hệ thống pháo laser năng lượng cao hiện nay được phát triển để trang bị trên các tàu chiến. Tuy nhiên, các nhà vận tải hàng hóa đường biển cũng bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống này, để bảo vệ cho các tàu hàng trước nạn cướp biển.

Trước đó, BAE System đã sử dụng một khẩu súng laser có khả năng làm mờ mắt của bọn cướp biển trong năm 2010.

Các nhà khoa học cho rằng, pháo laser năng lượng cao vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, còn quá sớm để nói về khả năng thương mại hóa của hệ thống này.



>> Ấn Độ chế tạo máy bay không người lái tấn công



[BDV news] Tiến sĩ Prahlad cho biết, Ấn Độ đang chế tạo máy bay không người lái tấn công có khả năng thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa và bom.

Ông Prahlad là Giám đốc chương trình hàng không của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Dự án được mang tên máy bay không người lái nghiên cứu tự động (Autonomous Unmanned Research Aircraft, AURA).

“Sau khi chi 500 triệu Rupee đầu tiên (tương đương 11 triệu USD), một nhóm chuyên gia có trình độ cao, gồm 15-18 nhà khoa học đã bắt đầu thiết kế sơ bộ máy bay không người lái (UAV)”, Tiến sĩ Prahlad cho biết.



UAV cảm tử Harpy Ân Độ mua của Israel.


Theo lời tiến sĩ, UAV mới của Ấn Độ sẽ được trang bị máy tính, hệ thống liên lạc, radar điều khiển hỏa lực, hệ thống nhận biết “địch ta”, hệ thống cảnh báo đụng độ trên không.

Các UAV của Ấn Độ sẽ nặng khoảng 15 tấn và có thể bay cao hơn 9km để tiến hành các vụ tấn công bằng phương tiện tiêu diệt chính xác cao.

Ông Prahlada giải thích, khác với UAV “Predator” mà Mỹ sử dụng tại Afghanistan, thiết kế theo sơ đồ “máy bay”, UAV của Ấn Độ sẽ được thiết kế theo sơ đồ "cánh bay".

DRDO có kế hoạch thiết kế UAV tấn công đầu tiên chủ yếu dựa trên công nghệ mà Ấn Độ tự chủ phát triển. Những tư vấn hoặc sự hợp tác từ nước ngoài có thể chỉ cần đến trong lĩnh vực “tàng hình” đối với radar, cất cánh tự động và hạ cánh ở cự ly ngắn.

Không quân Ấn Độ đang sử dụng các UAV trinh sát Searcher-II và Heron, cũng như các UAV cảm tử Harpy và Harop của Israel



>> Đằng sau chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc



[Vnexpress news] Sau nhiều đồn đoán, Tân Hoa xã vừa chính thức công bố hình ảnh về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang được hoàn thiện, dựa trên phần khung sườn mua từ Ukraine.




Trung Quốc chuẩn bị đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên. Ảnh: Xinhua


Xuất xứ tàu sân bay Trung Quốc
Nguyên bản chiếc tàu sân bay Trung Quốc đang hoàn thiện mang tên Varyag được Liên Xô khởi công đóng tại Ukraine từ năm 1985. Khi hoàn thành được khoảng 70% khối lượng công việc với phần khung sườn nhưng chưa lắp đặt động cơ và hệ thống điện tử, thì Liên Xô sụp đổ và quyền sở hữu Varyag được chuyển giao cho Ukraine.

Tuy nhiên chủ mới cũng không đủ ngân sách để hoàn thiện nốt Varyag khiến việc đóng tàu bị ngừng lại hoàn toàn từ năm 1992 và bộ khung sườn khổng lồ phải nằm “đắp chiếu” tại cảng bên bờ Biển Đen. Năm 1998, Ukraine quyết định thanh lý khối sắt này bằng cách đem bán đấu giá và một khách hàng từ Trung Quốc đã giành quyền mua.

Bộ trưởng Thương mại Ukraine Roman Shpek khi đó công bố người chiến thắng trong cuộc đấu giá là một công ty du lịch tại Hong Kong và họ có ý định kéo Varyag về Macau để biến nó thành một khách sạn nổi kiêm sòng bạc. Phải mất một thời gian dài đầy khó khăn, tàu Varyag chỉ có phần vỏ mà không có động cơ mới được kéo về đến cảng Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc năm 2002 để chuẩn bị cho việc hoán chuyển chức năng sử dụng.

Sau khi về Đại Liên, khách hàng Trung Quốc vẫn cho biết khung sườn của Varyag sẽ được chuyển thành một khách sạn nổi. Nhưng sau đó vài năm con tàu này tiếp tục nằm tại cảng mà không có động tĩnh gì. Đây được coi là khoảng thời gian quân đội Trung Quốc tiến hành kiểm tra thực trạng và đi đến quyết định sẽ hoàn thiện nó như thiết kế ban đầu để trở thành một khí tài quân sự.

Tới đầu tháng 6/2005, phỏng đoán Trung Quốc sẽ hoàn thiện tàu sân bay Varyag càng được khẳng định hơn khi nó được đưa lên xưởng sửa chữa tàu trên cạn, với phần vỏ được sơn cạo lại và những dàn giáo mọc lên xung quanh. Tạp chí quân sự Mỹ Jane’s Fighting Ships cho rằng Varyag đã được đổi tên thành Shi Lang, một đô đốc thời Minh - Thanh từng chỉ huy đánh chiếm đảo Đài Loan năm 1681.

Các hãng truyền thông trong khu vực như Asahi Shimbun của Nhật cuối năm 2008 cũng đưa tin chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hoàn thiện từ khung tàu Varyag của Ukraine sắp hoàn thành. Tới tuần trước, Tân Hoa xã lần đầu tiên công bố một loạt hình ảnh về tàu sân bay này từ cảng Đại Liên với dáng vẻ gần như đã sẵn sàng cho việc ra khơi.

Global Security dẫn một báo cáo tình báo hải quân Mỹ tháng 8/2009 dự đoán tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thể bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2010 đến 2012. Trong khi một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc sẽ thử nghiệm Shi Lang vào ngày 23/4 tới, nhân kỷ niệm 62 năm ngày thành lập quân giải phóng Trung Quốc hoặc ngày 1/7, đúng dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Tàu sân bay Varyag trên đường được kéo về Trung Quốc. Ảnh: US Navy


Tàu sân bay lai tuần dương hạm
Tàu Varyag được Liên Xô thiết kế khác với quan niệm về tàu sân bay truyền thống của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp. Người Nga gọi đây là tàu TAKR (viết tắt của cụm từ tyazholiy avianesushchiy kreyser, có nghĩa là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay). Nói cách khác đây là chiếc tàu sân bay lai tuần dương hạm.

Các tàu sân bay hiện có của Mỹ có trọng tải trên 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu Varyaq của Nga có thiết kế 67.500 tấn và chạy bằng năng lượng thông thường. Ban đầu người Nga cũng có ý định cho Varyag chạy bằng năng lượng nguyên tử nhưng do vấn đề kinh phí quá lớn nên thiết kế gốc đã được điều chỉnh.

Tàu sân bay Shi Lang hoàn thiện từ Varyag được đánh giá có khả năng chứa tối đa 50 chiếc máy bay phản lực và 18 trực thăng. Nhưng theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ không sử dụng đủ số chiến đấu cơ này trong giai đoạn đầu, vì nước này có thể chỉ sử dụng tàu phục vụ công tác huấn luyện với khoảng 8 chiếc phản lực cơ và 10 trực thăng trên boong.

Hiện cũng chưa rõ Trung Quốc sẽ dùng những loại máy bay nào cho Shi Lang. Dòng máy bay hải quân chính của nước này có thể sử dụng trên tàu sân bay là J-11 tự sản xuất dựa trên công nghệ nước ngoài và những chiếc Su-27 mua từ Ukraine. Bên cạnh đó là những chiếc trực thăng hải quân như máy bay săn tàu ngầm Ka-28, máy bay cảnh báo sớm radar Ka-31 và máy bay vận tải Mi-8 đều do Nga chế tạo.

Trong khi đó, một trong những khâu nội địa hoá phức tạp nhất của Shi Lang là bộ phận động cơ tàu. Trung Quốc chưa từng sản xuất động cơ turbine khí phục vụ cho tàu sân bay và cũng chưa thấy mua của nước ngoài loại động cơ này, do đó các chuyên gia Mỹ nhận định Shi Lang sẽ được lắp các động cơ diesel tàu biển thông thường.

Những động cơ diesel nói trên có kích thước lớn hơn động cơ turbine khí và điều này có thể sẽ khiến Shi Lang chạy chậm hơn so với thiết kế ban đầu, dẫn đến chậm hơn nhiều so với tiêu chuẩn của tàu sân bay Mỹ. Vấn đề liên quan đến động cơ càng khẳng định cho phỏng đoán Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay đầu tiên cho mục đích huấn luyện hơn là tác chiến.


Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc gần hoàn thiện. Ảnh: Xinhua


Ý nghĩa chính trị hơn quân sự
Trước Varyag, Trung Quốc từng mua 3 tàu sân bay thanh lý của nước ngoài. Trong số này có tàu HMAS Melbourne do một công ty tháo dỡ tàu mua từ Australia năm 1985 và được cải tạo thành một bảo tàng. Chiếc thứ hai là tàu sân bay Minsk của Nga mua lại từ một công ty “xẻ thịt” tàu của Hàn Quốc năm 1998 và được biến thành cơ sở giải trí tại Thâm Quyến. Chiếc thứ ba mang tên Kiev mua trực tiếp của Nga năm 2000 và cũng được biến thành một điểm thăm quan.

Giới quan sát cho rằng những chiếc tàu sân bay thanh lý này đã được hải quân Trung Quốc nghiên cứu kỹ lưỡng, phục vụ cho việc hoàn thiện tàu Shi Lang cũng như lấy kinh nghiệm để tự đóng tàu sân bay nội địa sau này. Chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đang được đóng ở Thượng Hải dự kiến hoàn thành năm 2015. Do đó Shi Lang sẽ là tàu sân bay đầu tiên trong hạm đội gồm 5 chiếc tương tự trong chiến lược của hải quân Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Hạ thuỷ Shi Lang sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên triển khai tàu sân bay kể từ thời phát xít Nhật trong Thế chiến II. Tuy nhiên tại châu Á, trước đó đã có Thái Lan sở hữu tàu sân bay hạng nhỏ trọng tải 11.000 tấn Chakri Naruebet từ năm 1997. Hải quân Ấn Độ cũng đã sử dụng một tàu sân bay mang tên INS Viraat và đang có kế hoạch đưa vào khai thác chiếc thứ hai cuối năm 2011 và chiếc thứ ba năm 2015.

Trong bối cảnh một số nước châu Á cạnh tranh về sức mạnh hải quân, động thái Trung Quốc công bố hình ảnh về tàu sân bay đầu tiên được cho là mang tính chính trị hơn là quân sự. Nguyên nhân vì từ nay cho đến khi có thể phục vụ một cách đầy đủ, chiếc tàu sân bay lai tuần dương hạm của Trung Quốc còn phải mất rất nhiều năm thử nghiệm hệ thống radar và hệ thống vũ khí trên tàu.

Động thái công bố ảnh tàu sân bay cũng không khác nhiều so với sự kiện hồi tháng 1 vừa qua, khi Trung Quốc tung ra hình ảnh đầu tiên về chiếc máy bay ném bom tàng hình J-20 đang được hoàn thiện tại Tứ Xuyên, ngay trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Còn phải mất nhiều năm thử nghiệm nữa dòng máy bay này mới được bổ sung vào không quân Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời đô đốc chỉ huy quân Mỹ tại Thái Bình Dương Robert Willard đánh giá việc Trung Quốc hoàn thiện tàu sân bay có từ thời Liên Xô sẽ không gây ra mối đe doạ nào đối với Mỹ, nhưng sẽ khiến các nước trong khu vực nâng cao nhận thức về một biểu tượng mới trong sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.




Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

>> Sức mạnh Không quân Indonesia



[BDV news] Indonesia đang bắt đầu khôi phục lại các lực lượng vũ trang vốn danh tiếng một thời.

Trong kế hoạch “khoác cho quân đội bộ áo mới”, bước đầu giới chức Indonesia tập trung khôi phục lại lực lượng không quân với khoản kinh phí lên đến 150.000 tỷ rupi cho kế hoạch 5 năm tới.

Đồng thời, Indonesia không ngần ngại tuyên bố sẽ tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự trên không để nâng cao khả năng tác chiến.

Để thực hiện kế hoạch khôi phục sức mạnh cho không quân, Indonesia dự định sẽ mua sắm các loại máy bay mới, các trang thiết bị kỹ thuật quân sự của các nước châu Âu, Mỹ và Nga.

Sau đỉnh cao là khủng hoảng
Không quân Indonesia được thành lập từ năm 1946, tiền thân là một quân chủng với số lượng nhân sự và sức mạnh khá khiêm tốn.

Đầu những năm 1960, dù đảng Cộng sản Indonesia không nắm quyền, nhưng vẫn có một uy tín chính trị tương đối cao và ảnh hưởng lớn đến chính sách quốc phòng. Dựa vào đó, Indonesia đã tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc và Nga. Nhờ vậy, Indonesia đã đầu tư sức mạnh cho lực lượng không quân của mình.



MiG-17 trong biên chế Không quân Indonesia.


Cụ thể, năm 1961, Indonesia trở thành khách hàng thứ hai của Liên Xô mua máy bay ném bom Tu-16. Ngoài ra, Indonesia tích cực mua sắm các loại máy bay hiện đại khi đó, như MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21, Il-28, An-12, La-11 và trực thăng Mi-4, Mi-6... Các loại máy bay này được sử dụng trong khoảng thời gian khá lâu cùng thời với với Ту-2, B-25 Mitchel, A-26 Invader, P-51 Mustang, C-47 Dakota.

Với sức mạnh tiềm năng khá lớn (hơn 400 máy bay và trực thăng), đến cuối năm 1965, không quân Indonesia đã trở thành lưc lượng không quân có uy lực mạnh nhất ở nam bán cầu.

Tuy nhiên, thời kỳ hưng thịnh đã nhanh chóng lụi tàn vào năm 1966, khi Thiếu tướng Khadzi Mukhammed Sukharto lên nắm quyền, làm đóng băng quan hệ của Indonesia với các nước thuộc phe XHCN. Điều này khiến các lực lượng vũ trang mất đi khả năng mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật và thiết bị phụ trợ mới.

Đầu những năm 1970, Không quân Indonesia tuyên bố, chỉ 20% máy bay trong trang bị có thể thực hiện các chuyến bay, số còn lại đã không thể hoạt động và cần phải sửa chữa.

Năm 1970, tất cả các loại máy bay MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21 và Tu-16, muộn hơn nữa là B-25 và P-51 bị loại khỏi biên chế.


Những "chiến binh" tạo nên đỉnh cao sức mạnh một thời của Không quân Indonesia lần lượt bị loại khỏi biên chế. Trong ảnh là máy bay ném bom Tu-16 của Không quân Indonesia.


Trên thực tế, trong thời gian hàng chục năm, Không quân Indonesia được liệt vào loại kém nhất trong khu vực.

Tình hình có vẻ được cải thiện đôi chút vào cuối những năm 1970 khi Austrailia chuyển giao cho Indonesia một vài máy bay tiêm kích F-86 Sabre. Sau đó, Indonesia đã “tậu” được của Anh các máy bay huấn luyện chiến đấu BAE Hawk Mk.53. Cuối những năm 1980, không quân nước này đã mua của Mỹ và Israel các máy bay tấn công A-4 Skyhawk và máy bay tiêm kích F-5E/F Tiger II. Năm 1989, Indonesia mua thêm của Mỹ 12 máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

Indonesia đã tổ chức nhiều vụ thầu cung cấp máy bay chiến đấu và vận tải. Cụ thể, không quân nước này có kế hoạch sở hữu 60 máy bay tiêm kích F-16, 24 Su-30KI và một vài BAE Hawk. Nhưng kế hoạch này ngay lập tức đã bị tiêu tan vào năm 1992 khi Mỹ tuyên bố cắt đứt hợp tác quân sự với Indonesia với lý do Indonesia đã tiến hành các hoạt động quân sự tại Đông Timor, tây Papua và Achekh. Sau Mỹ, nhiều nước châu Âu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với nước này.

Cùng với lệnh cấm vận, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tước đi hoàn toàn khả năng mua sắm các trang thiết bị quân sự và thiết bị ở thị trường bên ngoài của Indonesia. Chính vì vậy, không quân Indonesia lâm vào khủng hoảng, yếu kém.

Hiện nay, trong trang bị của không quân có 330 máy bay và trực thăng huấn luyện, huấn luyện - chiến đấu, chiến đấu, vận tải. Trong số các loai máy bay trên, theo các đánh giá khác nhau, chỉ có 150-260 có thể hoàn thành các chuyến bay. Và tất cả các loại máy bay này cần sửa chữa và hiện đại hoá.

“Vươn vai thức giấc” mạnh mẽ
Năm 2005, khi Chính phủ Indonesia và lãnh đạo nhóm nổi dậy “Acher tự do” ký thảo hiệp hoà bình, Mỹ đã bãi lệnh cấm vận vũ khí cho nước này. Nhờ vậy, Không quân Indonesia có những bước khởi sắc.

Theo số liệu của Flightglobal MiliCAS, trong trang bị của Không quân Indonesia chỉ còn 194 máy bay và trực thăng có thể cất cánh (1).

Vào tháng 3/2011, Tư lệnh không quân Indonesia, Imam Sufaat tuyên bố, không quân cần tăng số lượng các trang thiết bị kỹ thuật, bởi trong 5 năm tới đất nước sẽ tiến hành nhiều chiến dịch quân sự.

Theo kế hoạch này, không loại trừ khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tham gia các chiến dịch hoà bình của Liên Hợp Quốc (2).

Với kế hoạch phát triển không quân trong 5 năm tới, Indonesia dự định chi khoản ngân sách 150.000 tỷ rupi, tương đương 17 tỷ USD. 2/3 số tiền trên sẽ lấy từ ngân sách quốc gia, số còn lại Bộ Quốc phòng sẽ nhận dưới dạng thanh toán tín dụng.


Không quân Indonesia ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng.


Với số tiền này, Indonesia sẽ mua các máy bay tiêm kích mới, máy bay vận tải quân sự, trực thăng tìm kiếm cứu hộ và hiện đại hoá các trang thiết bị kỹ thuật hàng không hiện có trong trang bị.

Không quân nước này dự định hiện đại hoá 4 Su-27SK và Su-30MK biến thể SKM và MK2, 10 máy bay tiêm kích F-16A/B, tiến hành đại tu 15 máy bay tiêm kích F-15E.

Tháng 1/2011, Indonesia đã ký hợp đồng với công ty Arinc Engineering của Mỹ hiện đại hoá 5 máy bay vận tải quân sự C-130B. Dự kiến, các máy bay này sẽ được trang bị các thiết bị hàng không mới và vỏ khác, chuyển giao cho không quân Indonesia trong thời gian 3 năm tới.

Ngoài ra, không quân Indonesia đang xem xét khả năng mua đến 6 máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan hoặc Casa CN-295. Dự kiến, việc mua sắm máy bay sẽ được thực hiện trong khuôn khổ đấu thầu.

Ngày 21/3/2011, theo thông báo, Công ty hàng không Indonesia Garuda đã bán cho không quân nước này 2 máy bay vận tải đã qua sử dụng B737-400. Không quân sẽ sử dụng để vận chuyển quân đổ bộ.


Không quân Indonesia có những bước tiến mạnh mẽ thời gian gần đây. Trong ảnh là một phi đội F-16 trong biên chế Không quân Indonesia.


Hiện nay, Indonesia tiến hành đàm phán với Mỹ mua 24 máy bay tiêm kích đã qua sử dụng F-16A/B Block 25. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã đề xuất viện trợ miễn phí cho Indonesia các máy bay này với điều kiện sau khi nhận được máy bay nước này, Indonesia phải thuê các công ty Mỹ sửa chữa và hiện đại hoá.Indonesia đã thông qua đề xuất của Mỹ và tuyên bố rằng, việc hiện đại hoá các máy bay Mỹ “cho không” sẽ rẻ hơn mua 6 chiếc F-16C/D Block 52 mới như dự kiến.

Ngoài ra, Indonesia đã gửi yêu cầu không chính thức đến Anh để mua 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon. Nếu đề xuất này được chính phủ Anh tán thành thì tổng giá trị của hợp đồng sẽ lên tới 5 tỷ bảng, tương đương 8,1 tỷ USD.

Để thực hiện kế hoạch hiện đại hoá không quân, ngoài những đối tác trên, Indonesia còn đặc biệt quan tâm đến nhà cung cấp truyền thống – Nga.


Indonesia nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30MK của Nga.


Bộ Quốc phòng Indonesia tuyên bố trong 10 năm tới sẽ mua 180 máy bay tiêm kích Sukhoi để thành lập 10 phi đội bay.

Tháng 9/2010, Indonesia tuyên bố đã mua thêm 6 tiêm kích Su-30MK2. Trong tương lai, máy bay tiêm kích của Nga sẽ là lực lượng nòng cốt trong thành phần máy bay chiến đấu của không quân Indonesia.

Tháng 6/2010, Indonesia đã ký thoả thuận tham gia dự án chung với Hàn Quốc chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình KF-X thế hệ "4++".

KF-X thế hệ "4++" sẽ được chế tạo bằng cách sử dụng công nghệ tàng hình và theo sự mô tả kỹ thuật, nó có khả năng vượt trội so với máy bay Rafale và Typhoon, tuy nhiên không thể sánh được với tiêm kích F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Với việc tham gia dự án chung với Hàn Quốc, không quân Indonesia dự định sẽ sở hữu 50 máy bay tiêm kích KF-X.

(1) Cụ thể là các loại máy bay tiêm kích F-16A, Hawk Mk.209, Mirage 2000, Su—27SK/SKM, Su-30МК/МК2, máy bay tấn công OV-10 Bronco, máy bay tuần tiễu B737MPA, CN-235MPA, máy bay tiếp dầu KC-130B, máy bay vận tải C-130B/H/L-100 Hercules, C-212 Aviocar, Casa CN-235, Fokker F-27 Friendship, Pilatus PC-6 Porter, trực thăng tấn công đa năng AS332 Super Puma, Bell 412, EC725 Super Cougar và SA330 Puma.

Ngoài ra, không quân nước này còn trang bị máy bay trực thăng huấn luyện EC120B Colibri, máy bay SF.260, F-16B, Hawk Mk.53, Hawk Mk.109, KT-1 Ungbi và T-34 Mentor.

(2) Trước đó, với tư cách là thành viên, Indonesia đã tham gia các chiến dịch của Liên Hợp Quốc tại nước Cộng hoà Dân chủ Congo, Lebanon, chiến dịch thứ nhất và thứ hai tại Somali, Bosnia và Campuchia. Ngoài ra, quân đội nước này còn tham gia chế áp du kích tại Tây Papua.


>> 'Thợ săn' Helix Ka-27, sát thủ của mọi tàu ngầm



[BDV news] Được thiết kế, chế tạo từ thời chiến tranh lạnh và trải qua nhiều phiên bản khác nhau, "thợ săn ngầm" Ka-27 vẫn tỏ ra hữu hiệu trong tác chiến chống ngầm của hải quân Nga và nhiều nước hiện nay.

Song song với việc phát triển lực lượng tầu ngầm thì chống ngầm cũng là nội dung được các nước chú trọng, bao gồm các hệ thống cảnh giới trinh sát ngầm cố định lẫn di động, và các lực lượng săn ngầm như tàu, máy bay săn ngầm... Trong đó, lực lượng máy bay săn ngầm là lực lượng cơ động, linh hoạt, có khả năng chống ngầm mạnh nhất.

Quân đội Liên Xô trước đây và quân đội Nga ngày nay có lực lượng máy bay chống ngầm mạnh gồm: các trực thăng và máy bay cánh quạt mang phương tiện trinh sát, tìm kiếm, phát hiện và các vũ khí tiêu diệt tàu ngầm như bom chìm, rocket chống ngầm, tên lửa ngư lôi và ngư lôi...

Dòng trực thăng chống ngầm Kamov là nòng cốt của lực lượng trực thăng chống ngầm của Nga. Trong thời chiến tranh lạnh, các trực thăng này đã tỏ ra có nhiều ưu việt trong việc bảo vệ vùng biển rộng lớn.



Ka-27 là loại trực thăng chống ngầm hoạt động hiệu quả nhất trong hải quân Nga.


Trực thăng Kamov Ka-27 (NATO gọi là Helix) được phát triển trên cơ sở mẫu trực thăng Ka-25, sử dụng cho hải quân Liên Xô và hiện là trực thăng chống ngầm tiêu chuẩn của hải quân Nga.

Ka-27 có nhiều phiên bản khác nhau, gồm Ka-27PL dùng để săn ngầm, được gọi là "kẻ đi săn và tiêu diệt"; Ka-27PS dùng cho tìm kiếm cứu nạn; Ka-28 để xuất khẩu; Ka-29 vừa sử dụng để chở quân, vừa sử dụng để tấn công đối phương; Ka-31 dùng để trinh sát, theo dõi.

Đặc điểm kỹ thuật
Sử dụng cánh quạt đồng trục, được làm bằng chất liệu composite và sử dụng chất chống đóng băng, Ka-27 có thể hoạt động ở xứ lạnh, cất, hạ cánh trên boong tàu trong điều kiện tàu bị lắc, tròng trành khi hành trình trên biển trong điều kiện sóng to.

Loại máy bay này còn dùng phương pháp "hai cánh quạt nâng đồng trục" nên bỏ được cánh quạt ở đuôi. Hai bộ cánh quạt quay đồng trục, ngược chiều nhau giúp triệt tiêu mômen làm quay thân máy bay. Hệ thống cánh quạt đồng trục giúp Ka-27 có thể hoạt động một cách linh hoạt, đặc biệt là trong các trường hợp di chuyển đột ngột theo nhiều hướng khác nhau.

Do Ka-27 không sử dụng cánh quạt đuôi nên rất dễ điều khiển, không bị ảnh hưởng của gió thổi ngang. Đặc biệt, nó có thể cất, hạ cánh, bay treo và hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết. Do đường kính cánh quạt nhỏ nên kích thước của Ka-27 rất gọn, có thể triển khai trên các tàu chiến loại nhỏ.


Do có kích thước nhỏ, gọn nên Ka-27 có thể cất, hạ cánh trên các tàu chiến loại nhỏ.


Do được chế tạo bằng các chất liệu chống ăn mòn và xâm thực, nên Ka-27 có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt trên biển. Trực thăng được lắp các phao hình cầu cho phép hạ cánh trên mặt nước trong điều kiện khẩn cấp.

Ka-27 được trang bị hệ thống động lực gồm hai động cơ trục tua bin TV3-117KM. Ka-28 sử dụng hai động cơ loại mạnh hơn, TV3-117VK, do đó nó có thể tăng trọng lượng cất cánh cũng như phạm vi hoạt động.

Hệ thống phát hiện tàu ngầm
Các trang bị điện tử của trực thăng Ka-27 bao gồm: radar trinh sát được đặt ngay dưới mũi máy bay, thiết bị sonar ngầm dưới biển và phao thủy âm để phát hiện tàu ngầm.

Ka-27 được trang bị hệ thống radar vừa có chức năng dò tìm, phát hiện mục tiêu ngầm, vừa có chức năng hỏi đáp, dẫn đường. Sonar ngầm VGS-3 dùng để phát hiện tàu ngầm, xác định chính xác tọa độ của tàu ngầm.

Ka-27 cũng có hệ thống dò tìm các trạng thái dị thường và máy thu để dò tìm và dẫn đường cho các trực thăng khác về phía các phao thủy âm.

Thiết bị săn ngầm của Ka-27 cho phép phát hiện mục tiêu ở độ sâu 500 m dưới mặt nước và cách xa đến 10 km. Ka-27 có thể tiến hành các hoạt động trinh sát ngầm trong điều kiện biển động cấp 5, trong phạm vi bán kính lên tới 200 km.


Ka-27 thường tác chiến theo đội hình, ít nhất hai chiếc, trong đó, một chiếc làm nhiệm vụ dò tìm, chiếc còn lại tiếp nhận thông tin và tiêu diệt mục tiêu.


Trong điều kiện chiến đấu, Ka-27 luôn hoạt động theo đội hình gồm ít nhất hai chiếc, trong đó, một chiếc làm nhiệm vụ dò tìm, phát hiện mục tiêu, truyền thông tin sang chiếc bên cạnh để tiêu diệt mục tiêu. Toàn bộ quá trình dò tìm, khóa mục tiêu được thực hiện một cách tự động. Nhiệm vụ của phi công chỉ là lựa chọn vũ khí và nhấn nút để tiêu diệt.

Hệ thống vũ khí
Về vũ khí, Ka-27 được trang bị các loại như: Ngư lôi tự dẫn 533 mm, Tên lửa ngư lôi, 10 bom chùm PLAB 250-120 và hai bom OMAB.

Ngư lôi tự dẫn 533 mm được đặt trong một khoang sấy nhằm đảm bảo độ tin cậy trong mọi điều kiện thời tiết. Cho dù loại ngư lôi 533 mm này có kích thước lớn nhưng ưu điểm của nó là có thể tiêu diệt được hầu hết các loại tàu ngầm trên thế giới.


Hệ thống điện tử chưa hiện đại nên chiếm nhiều diện tích khoang lái.


Nhược điểm duy nhất của Ka-27 nằm ở hệ thống điện tử. Do hệ thống điện tử không hiện đại nên chiếm nhiều diện tích trong khoang lái. Radar săn ngầm của Ka-27 cũng quá lớn khiến hạn chế trong việc trang bị thêm các loại vũ khí khác.


>> Hàn Quốc nhận máy bay tuần thám biển CN-235



[BDV news] Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc sẽ tiếp nhận đầy đủ 4 máy bay tuần thám biển CN-235-220 từ công ty hàng không không gian Indonesia (IAe) trong năm 2011.

Hai chiếc CN-235 đầu sẽ bắt đầu phục vụ từ tháng 4, hai chiếc còn lại vào tháng 8.

Theo tin từ hãng thông tấn Yonhap, hợp đồng mua 4 máy bay được ký kết năm 2008 trị giá 100 triệu USD.

Theo IAe, các máy bay CN-235-220 được thiết kế với cabin điều áp và lắp hai động cơ tuốc bin cánh quạt General Electric CT7-9C, mỗi cánh quạt có 4 lá.



Máy bay tuần tiễu CN-235 của Không quân Hàn Quốc.


CN-235-220 chứa lượng nhiên liệu lên tới 4 tấn, hoạt động liên tục trên không từ 8-10h. Nó có khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn, tải trọng tối đa khi cất cánh là 16.100kg.

Hiện tại, Không quân Hàn Quốc biên chế 20 máy bay CN-235. Trong đó, có 12 chiếc CN-235-100 do nhà sản xuất máy bay Tây Ban Nha CASA chế tạo và 8 chiếc do Indonesia sản xuất. Công ty Indonesia Aerospace là công ty chuyên sản xuất các phiên bản khác nhau của máy bay CN-235 và C-295.


>> Lá chắn phòng thủ cuối cùng trên chiến hạm (kỳ 1)



[BDV news] Để ngăn chặn một cách có hiệu quả hiểm họa từ tên lửa diệt hạm và máy bay, nhiều nước phát triển hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần (CIWS).

Hệ thống vũ khí tầm cực gần (Close in weapon system - CIWS) là loại vũ khí phòng không trên chiến hạm có khả năng phát hiện và tiêu diệt các loại tên lửa chống hạm hay máy bay chiến đấu ở tầm ngắn, thường bao gồm các thiết bị như: radar, máy tính và pháo bắn nhanh nhiều nòng.

Sau đây là một số hệ thống CIWS được phát triển ở Nga, Mỹ, Trung Quốc:





Hệ thống vũ khí tầm cực gần AK-630 (Nga)


Nằm trong những hệ thống CIWS đầu tiên trên thế giới, AK-630 là loại pháo tự động sáu nòng cỡ 30 mm sử dụng để bảo vệ tàu chiến chống lại các cuộc tấn công của các loại tên lửa chống hạm giống như Harpoon và Exocet.

Ngoài ra, chúng dùng để tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu cánh cố định, máy bay trực thăng, tàu chiến cỡ nhỏ và công kích mục tiêu ven biển.

Hệ thống vũ khí tầm cực gần AK-630.
AK-630 được điều khiển bởi hệ thống radar MR-123-02. Loại radar này có khả năng điều khiển đồng thời hai pháo 30 mm hoặc hai pháo 57 mm hoặc một cặp pháo 30 mm và 57 mm. Radar dò tìm mục tiêu trên không ở cự ly 4 km trong khi ở trên biển là 5 km.

Thiết bị theo dõi quang điện tử SP-521 phát hiện mục tiêu mang kích cỡ giống như máy bay MiG-21 ở khoảng cách 7 km hoặc mục tiêu kích cỡ như tàu phóng lôi ở cự ly 70 km.

Hệ thống AK-630 có trọng lượng khoảng 9.114 kg nếu lắp đặt đầy đủ đạn và hệ thống điều khiển. Tốc độ bắn khoảng 5.000 viên/phút, sơ tốc đầu đạn 900 m/giây. Tầm bắn của AK-630 khi chống lại tên lửa chống hạm là 4.000m, đối với mục tiêu trên biển là 5.000m.


AK-630 trên tuần dương hạm lớp Slava.


“Lưới lửa” AK-630 hiện nay có mặt hầu hết trên các chiến hạm của hải quân Nga. Kể cả những tàu chiến được xuất khẩu ra nước ngoài cũng trang bị hệ thống này.

Tổ hợp pháo/tên lửa tầm ngắn Kashtan (Nga)
Tổ hợp pháo – tên lửa phòng không tầm ngắn Kashtan được thiết kế để bảo vệ các tàu chiến trước mối hiểm họa là tên lửa hành trình đối hạm và máy bay. Người ta cũng dùng Kashtan tấn công mục tiêu cỡ nhỏ trên biển.


Tổ hợp pháo/tên lửa phòng không tầm ngắn Kashtan.


Kashtan là hệ thống kiểu mô đun gồm: mô đun chỉ huy và hai mô đun chiến đấu. Mô đun chỉ huy có nhiệm vụ phát hiện và theo dõi các mối nguy hiểm, truyền dữ liệu về mục tiêu cho mô đun chiến đấu. Mô đun chỉ huy bao gồm ra đa dò tìm 3-D và hệ thống điều khiển kết hợp đa tần.

Sau khi tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ mô đun chỉ huy, mô đun chiến đấu sẽ tự động tấn công mục tiêu trên không, trên biển bằng pháo và tên lửa. Mô đun này gồm:

- Hai pháo GSh-30k sáu nòng cỡ 30 mm, tầm bắn hiệu quả khoảng 500 - 4.000m, tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tối đa 3.000m.

- Hai hệ thống ống phóng tên lửa SA-N-11 (nằm ở hai bên với bốn quả mỗi bên) cùng cơ cấu tái nạp đạn tên lửa (lượng đạn dự trữ lên tới 24 quả). Tên lửa SA-N-11 có tầm bắn từ 1.500 - 10.000m, tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 6.000m. Thời gian nạp lại đạn khoảng 90 giây với bốn quả.


Kashtan trang bị hai pháo GSh-30k và 8 tên lửa đối không SA-N-11


Cũng như Ak-630, Kashtan trang bị trên nhiều chiến hạm của hải quân Nga. Nổi bật nhất là trên tuần dương hạm lớp Kirov, tàu chiến lớn nhất thế giới.

Hệ thống vũ khí tầm cực gần Type 730 (Trung Quốc)
Type 730 là hệ thống vũ khí tầm cực gần do Trung Quốc thiết kế và chế tạo trang bị trên các chiến hạm của Hải quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLAAN).

Type-730 ra đời sẽ thay thế cho các pháo phòng không Type 76A 37mm, vốn trước đây là tiêu chuẩn vũ khí phòng không trên các tàu chiến của PLAAN.


Hệ thống Type 730.


Type 730 làm nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ chống lại tên lửa hành trình đối hạm và các loại máy bay, bao gồm: pháo bảy nòng cỡ 30 mm, cơ cấu nạp đạn và điều khiển pháo, radar điều khiển hỏa lực. Trong đó:

- Pháo 7 nòng cỡ 30mm có khả năng bắn được loại đạn xuyên thép có lõi (APDS) và đạn HE. Tốc độ bắn của pháo lên tới 4.600 - 5.800 viên/phút, tầm bắn khoảng 3.000m. Tuy nhiên, thực sự thì tầm bắn hiệu quả chỉ là khoảng 1.000 - 1.500m.

- Pháo tự động bảy nòng 30 mm có hai hộp tiếp đạn 500 viên.

- Hệ thống radar điều khiển hỏa lực của Type 730 bao gồm: radar TR47C và thiết bị điều khiển quang điện. Radar TR47C phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 7 km. Trong khi đó, thiết bị điều khiển quang điện (gồm camera thường, camera hồng ngoại và laser đo xa) cho phép phát hiện mục tiêu ở tầm 5 - 6 km.


Type 730 CIWS trang bị pháo bảy nòng cỡ 30 mm


Hệ thống Type 730 hiện tại đã được lắp đặt trên một số chiến hạm kiểu 051/052/054 của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc còn tự phát triển phiên bản phòng không tầm ngắn trên đất liền của Type 730 được đặt tên là LD 2000.


Hệ thống vũ khí phòng không tầm thấp LD 2000


Hệ thống vũ khí tầm cực gần Mk 15 Phalanx (Mĩ)
Hệ thống vũ khí tầm cực gần Mk 15 Phalanx là loại vũ khí có tốc độ bắn cực nhanh, linh hoạt, cơ động cao thiết kế cho các tàu chiến của hải quân Mỹ. Phalanx đóng vai trò bảo vệ, phòng thủ chống lại sự đe dọa của tên lửa hành trình đối hạm và máy bay ở tầm gần.


Hệ thống phòng không tầm cực gần Phalanx


Phalanx là hệ thống độc lập, tự thực hiện tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu. Mỗi vị trí đặt Phalanx đều có bộ phận điều khiển hỏa lực và một pháo.

Bộ phận điều khiển hỏa lực bao gồm radar tìm kiếm, phát hiện và giám sát mục tiêu sẽ trợ giúp pháo ngắm bắn tấn công. Đặc biệt, Phalanx còn trang bị hệ thống điều khiển bắn chu trình đóng “độc nhất vô nhị” cho phép CIWS đạt độ chính xác cao khi tấn công mục tiêu di chuyển tốc độ nhanh bao gồm cả tên lửa hành trình đối hạm siêu âm.


Phalanx trang bị pháo M61A1 "hỏa thần"


Phalanx sử dụng pháo M61A1 “hỏa thần” 6 nòng cỡ 20 mm. M61A1 bắn với tốc độ 3.000 viên/phút hoặc 400 viên/phút (phiên bản cải tiến). Sơ tốc đầu đạn 1100 m/s. Hệ thống Phalanx bắt đầu phục vụ trong hải quân Mỹ từ đầu những năm 1980.


>> Hàn Quốc nhận hệ thống Phalanx mới nâng cấp



[BDV news] Công ty Raytheon đã chuyển giao hệ thống phòng thủ tầm ngắn Phalanx đầu tiên cho Hải quân Hàn Quốc trang bị trên các tàu chiến lớp Ulsan-1 thuộc chương trình FFX.

Hệ thống Phalanx Block 1B sẽ được lắp đặt trên các tàu hộ tống có lượng giãn nước 2.300 tấn. Raytheon mong đợt sẽ sớm ký kết hợp đồng bổ sung thêm 5 hệ thống Phalanx với Hàn Quốc trong tương lai gần.

“Hệ thống Phalanx có khả năng bảo vệ chống tất cả mối nguy hiểm trên mặt biển và trên không trong tác chiến trên biển,” ông Rick Nelson – phó chủ tịch dây chuyền sản xuất hệ thống vũ khí hải quân của Raytheon nói.



Hệ thống pháo phòng thủ tầm ngắn Phalanx sẽ tạo ra màn đạn dày đặc ngăn cản tên lửa của đối phương tiếp cận tàu.


Phalanx trang bị một pháo 6 nòng cỡ 20mm, có tốc độ bắn lên tới 4.500 viên/phút, sơ tốc đầu đạn 1.100m/s, tầm bắn hiệu quả khoảng 3.600m.

Phalanx Block 1B là bản nâng cấp mới nhất với cấu hình chế độ mặt biển, tăng khả năng chống mục tiêu trên không với việc lắp đặt thêm cảm biến hồng ngoại nhìn phía trước và kiểu nòng pháo tối ưu có từ biến thể Block 1A, cho phép hệ thống sử dụng để đối phó hiệu quả mối nguy hại ven biển như trực thăng hay mục tiêu tốc độ cao.

Chương trình FFX do Hải quân Hàn Quốc quản lý ra đời nhằm mục đích thay thế toàn bộ tàu hộ tống lớp Ulsan và hộ vệ hạm cỡ nhỏ Donghae/Pohang bằng loại hộ tống hạm thế hệ mới Ulsan-1.

Dự kiến, chiếc đầu tiên thuộc FFX sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011. Tàu Ulsan-1 được trang bị hệ thống Phalanx, hệ thống tên lửa đối không RIM-116, trực thăng chống ngầm Westland Lynx.


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Anh từng muốn ám sát Lenin?



[BBC vietnamese news] Gần một thế kỷ trước Anh quốc bị cáo buộc đứng đằng sau vụ mưu sát hụt Lênin và lật đổ chế độ Bolshevik. Chính phủ Anh bác bỏ, nói rằng đây chỉ là sự tuyên truyền của Liên Xô. Nhưng chứng cứ mới cho thấy chuyện này có thể có thực, như Mike Thomson, người dẫn chương trình BBC ''Document'' trên Radio 4, tìm hiểu.



Lênin trước Quảng trường Đỏ năm 1918


Trong nhiều chục năm, những gì quanh cái gọi là "Âm mưu Lockhart" được cất giữ trong thư khố của Liên Xô, được dạy trong trường, thậm chí đem ra làm phim.

Đầu năm 1918 vào những năm cuối của Thế chiến I, tân chính phủ Bolshevik ở Nga thương thuyết với Đức và rút quân đã kiệt sức của họ về.

Điều đó không làm cho London hài lòng vì làm vậy sẽ giúp Berlin dưỡng quân sau khi phải đánh trên cả hai mặt trận.

Quyết tâm kéo người Nga về lại với đồng minh, chính phủ Anh phái một nhân viên trẻ chưa ngoài 30 sang làm đại diện ở Moscow.

Tên của ông ta là Robert Bruce Lockhart.

'Chống Bolshevik'
Lockhart, người Scotland, là một nhân vật đầy sắc thái. Yêu thích rượu chát, phụ nữ và chơi thể thao, ông tự hào với khả năng đọc 5 cuốn sách cùng một lúc.

Đầu tiên Lockhart có vẻ làm được một số việc trong chuyện này, nhưng tháng Ba năm đó, Liên Xô ký hiệp ước Brest-Litovsk với Đức, chấm dứt hy vọng kéo người Nga quay lại với phe đồng minh.

Lockhart dường như không muốn bỏ cuộc.

Thay vào đó ông chuyển sang tìm hiểu cách lật đổ chế độ Bolshevik, thay bằng một chính phủ sẵn sàng đánh Đức.


Robert Bruce Lockhart năm 1955


Hồ sơ lưu trữ cho thấy, vào tháng Sáu, Lockhart yêu cầu London gởi tiền để giúp các nhóm chống Bolshevik ở Moscow.

Trong lá thư "khẩn" gửi từ Bộ Ngoại giao cho Bộ Tài chính, người ta thấy quan điểm của Bộ đối với yêu cầu của đại diện ở Moscow:

"Ý kiến của ông Balfour là đã đến lúc để có hành động cần thiết này, và tôi yêu cầu ngài sang Ủy ban Quý tộc để duyệt cho ngân khoản mà ông Lockhart có thể nhận được cho mục đích đó."

Phản cách mạng
Vào cuối tháng Năm, người Anh quyết định gởi một đạo quân nhỏ tới Archangel, miền bắc nước Nga.

Chính thức thì nhiệm vụ của số binh sĩ đó là bảo vệ hàng ngàn tấn khí cụ cung cấp cho người Nga, đừng để rơi vào tay người Đức.

Các hồ sơ từ ngày đó cho thấy có kế hoạch để cho 5.000 lính Anh vận động 20.000 lính Latvia, vốn có nhiệm vụ canh gác Kremlin, thuyết phục họ quay lại chống những người Bolshevik.

Mùa Hè năm 1918, Lockhart gởi một điện tín về London theo sau một cuộc họp với một nhân vật đối lập gọi là Savinkov:

"Đề nghị của Savinkov là làm sao, với sự can thiệp của đồng minh, các quan chức Bolshevik gộc sẽ bị ám sát và chế độ độc tài quân nhân được thành lập."

Bên dưới bức điện có ghi chú và chữ ký nháy của Lord Curzon, một thành viên của Nội các Thời chiến của Anh hồi đó.

Nội dung đoạn ghi chú như sau: "Phương pháp của Savinkoff mạnh quá, tuy nếu thành công có lẽ sẽ hiệu quả, nhưng chúng ta không thể nói gì hay làm gì cho tới khi hành động can thiệp đã được quyết định.''

'Gián điệp hàng đầu'
Lúc này Lockhart bắt tay một nhân vật cũng đầy sắc thái ở Moscow.

Đó là Sidney Reilly, một người Nga từng đổi tên thành Rosenbloom. Ông là một thương gia hào nhoáng mới tham gia làm gián điệp cho Anh.

Ông được gọi là ''Gián điệp hàng đầu'', nổi tiếng với sự mạo hiểm, thậm chí còn được cho là người đã đem lại ý tưởng cho nhà văn Ian Fleming tạo ra nhân vật James Bond, điệp viên 007.

Nhưng điều bất ngờ đang chờ đón hai người.

Cuối mùa Hè năm 1918, Lenin bị ám sát hụt ở Moscow. Ông bị bắn hai phát đạn ở cự ly gần - hung thủ là một phụ nữ trẻ người Nga.

Cơ quan mật vụ Bolshevik tức Cheka đã bắt Bruce Lockhart vài giờ sau đó và đưa về Kremlin để thẩm vấn.

Reilly trốn thoát mẻ lưới của mật vụ, nhưng bị bắn chết vài năm sau đó khi bị dụ quay trở về Nga.

Theo hồ sơ của Cheka, Lockhart thú nhận ông có dự phần trong vụ mưu sát do London đưa ra để giết Lênin và lật đổ chính quyền cách mạng.

Nhưng đến đầu tháng Mười năm 1918 ông được thả sau khi được đổi mạng với người đại diện của Nga tại London.


Hình hộ chiếu của Sidney Reilly năm 1918


'Sự thật nửa vời'
Trong cuốn sách bán rất chạy của ông, Hồi ký của một điệp viên Anh xuất bản trong thập niên 1930, Lockhart quả quyết ông không có vai trò gì trong âm mưu ám sát Lênin cũng như kế hoạch lật đổ chính quyền.

Ông nói điệp viên non tay Sidney Reilly mới là người đứng đằng sau âm mưu đảo chính.

Lockhart viết thêm ông không liên quan gì nhiều đến Reilly, người bị một số người cho là ''vô kỷ luật''.

Tuy nhiên người ta tìm thấy một lá thư của con trai Lockhart trong thư khố ở Hoa Kỳ. Theo Robin Lockhart thì cha mình không nói hết sự thật:

"Nếu như quan hệ giữa cha tôi với Reilly vẫn làm cho ai đó trong Bộ Ngoại giao bận tâm, thì rõ ràng theo như trong sách Hồi ký của một điệp viên Anh, một khi việc can thiệp vào Nga đã được quyết định năm 1918, ông đã năng động ủng hộ cho phong trào trào chống lại cách mạng, và dĩ nhiên Reilly lúc đó đang hoạt động rất năng nổ.''

"Chính cha tôi đã nói rõ với tôi là ông làm việc rất gần với Reilly, hơn là những gì ông nhìn nhận công khai..."

Người tìm ra lá thư đó là giáo sư Robert Service, người tin rằng muốn biết hết sự thật chỉ còn cách đọc lại hết nhưng hồ sơ trong giai đoạn đó.

Nhưng hơn 90 năm sau, chính phủ Anh vẫn giữ kín nhiều hồ sơ, mà theo giáo sư Service là để bảo lưu rằng London không bao giờ làm chuyện như vậy.

"Nước Anh ngày nay có chính sách cho hoạt động tình báo là công khai chống lại việc lật đổ chính quyền ngoại quốc hay ám sát các lãnh đạo chính trị ở nước ngoài,'' ông nói.

"Tôi đoán rằng ở Whitehall người ta muốn luôn luôn giả vờ như thế. Rằng người Anh bao giờ cũng trong sạch.

"Người Anh không phải lúc nào cũng trong sạch. Họ đã từng xấu xa như bất kỳ người nào khác."



Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang