Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: USA

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn USA. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn USA. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

>> Mỹ tăng số lượng hệ thống phòng không



[BDV news]Chiến dịch quân sự tại Libya đã làm nóng thị trường vũ khí thế giới, đặc biệt là thị trường tên lửa phòng không.


Ngày 31/3/2011, Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ MDA đã ký kết một bản hợp đồng cung cấp 6 tổ hợp tên lửa phòng không di động THAAD (Theatre High Altitude Area Defense) với công ty Lockheed Martin.

Tổng trị giá của bản hợp đồng lên tới 694,9 triệu USD. Dự kiến đến năm 2013 Quân đội mỹ sẽ đưa vào biên chế cho lực lượng phòng không hệ thống tên lửa di động hiện đại này.

Hiện nay trong biên chế của Quân đội Mỹ có hai tổ hợp THAAD với tên gọi Alpha. Trong đó, tổ hợp Alpha thứ nhất được biên chế cho Trung đoàn phòng không số 4, Tổ hợp Alpha thứ hai được biên chế Trung đoàn phòng không số 2 có căn cứ tại Fort Bliss bang Texas.

Tổ hợp THAAD bao gồm 3 bệ phòng với 24 tên lửa cùng với một hệ thống chỉ huy và hệ thống rađa band-X.



Tên lửa phòng không của hệ thống THAAD rời bệ phóng.


Tổ hợp THAAD thực hiện theo nguyên tắc tấn công trực tiếp các mục tiêu tên lửa, có khả năng trao đổi thông tin với các tổ hợp tên lửa đạn đạo bao gồm Aegis, tên lửa phòng không Patriot PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống phòng thủ THAAD được mệnh danh là "nỗi khiếp sợ" của tên lửa. Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm thấp, tầm trung như tên lửa Scud. Ngoài ra, THAAD cũng có khả năng tấn công lại các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Do khả năng của của hệ thống Patriot PAC-2 và PAC-3 đã không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tiên tiến, Quân đội Mỹ đã đưa ra đề xuất chính thức cho việc chế tạo hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới THAAD. Lockheed Martin được lựa chọn cho sự phát triển hệ thống phòng thủ tiên tiến THAAD.

THAAD là một phần của một mạng lưới phòng thủ tên lửa ba lớp. Trong đó, lớp phòng thủ thứ nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nếu lớp thứ nhất không ngăn chặn được thì đến hệ thống đánh chặn THAAD và lớp cuối cùng là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Patriot PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD có một phạm vi hoạt động khoảng 150-200 km và có thể đạt đến độ cao 25 km. Trong giây đầu tiên sau khi được phóng tên, lửa sẽ xoay vòng và sau đó mới tấn công mục tiêu.


THAAD là một phần của một mạng lưới phòng thủ tên lửa ba lớp.


Xe gắn bệ phóng THAAD gắn trên xe tải hạng nặng Oshkosh M1120 LHS có tính cơ động cao, mỗi xe có thể được mang được 8 ống phóng tên lửa, tên lửa có chiều dài 6,17 m, đường kính 0,34 m trọng lượng của tên lửa là 900 kg, vận tốc tối đa lên tới 100 km/h.

Xe được trang bị một động cơ diesel Detroit 8V92TA với công suất tối đa 450 mã lực.

Biên chế đủ của một đơn vị THAAD bao gồm một radar, một trung tâm kiểm soát-điều khiển và 4 xe phóng tên lửa.



>> Dự án quốc phòng Mỹ tăng 135 tỷ USD từ 2008-2011



[BDV news]Ngày 31/3, theo báo cáo của Cơ quan kiểm soát Chính phủ Mỹ (GAO), kinh phí đầu tư cho các dự án quốc phòng của Mỹ từ năm 2008 đến đầu năm 2011 đã tăng thêm 135 tỷ USD.


Mặc dù hồi tháng 2/2011, Lầu Năm Góc đã đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng theo thống kê của GAO, từ năm 2008 những dự án quốc phòng của Mỹ đã tăng từ 96 đến 98 dự án. Và tổng kinh phí để thực hiện những chương trình này ước tính lên tới 1,68 nghìn tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, ngân sách đầu tư quốc phòng của Mỹ đã tăng thêm 135 tỷ USD, trong đó bội chi 70 tỷ USD là do của việc mua sắm vũ khí.

Chỉ tính riêng năm 2008, Lầu Năm Góc đưa ra dự tính, giá trị thực hiện các hợp đồng quốc phòng là 407 tỷ USD, tuy nhiên đến năm 2010 con số này đã tăng lên mức 428 tỷ USD.

Cũng trong năm 2008, dự kiến tổng ngân sách mua sắm vũ khí mới và trang thiết bị quân sự sẽ ở mức 1,089 nghìn tỷ USD, nhưng đến năm 2010 đánh giá này đã tăng lên mức 1,219 nghìn tỷ USD.

Đặc biệt dự án chiến đấu cơ thế hệ 5, F-35 Lightning II ký kết với công ty Lockheed Martin nằm trong danh sách những dự án quốc phòng đắt nhất của Mỹ trong giai đoạn này.

Ngày từ khi khởi động chương trình F-35 từ năm 2008, quân đội Mỹ ước tính chi phí cho toàn bộ dự án chỉ ở mức 149,7 tỷ USD, nhưng trong năm 2010 con số này đã lên tới 263,7 tỷ USD. Trong khi đó, dự đoán giá một máy bay F-35 đã tăng từ 101,7 triệu USD lên 115,5 triệu USD.

Tiếp theo là chương trình đóng tàu khu trục thuộc dự án DDG 51 Arleigh Burke cũng là một trong những dự án bội chi. Tổng chi phí cho dự án này tăng từ 77,4 tỷ USD lên 94,3 tỷ USD, giá trị của một chiếc tàu khu trục loại này đã tăng từ 1,2 lên 1,3 tỷ USD.



Mô phỏng tàu khu trục DDG-1000 Zumwal.


Chương trình mua chiến đấu cơ F-22 Raptor cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tổng giá trị của chương trình này chỉ trong vòng 2 năm (2008-2010) đã tăng từ 75,2 lên 77,4 tỷ USD. Trong khi đó, giá mỗi chiếc F-22 trong giai đoạn này đã tăng từ 408,7 lên 411,7 triệu USD.

Khi đề cập đến giá thành mua mỗi sản phẩm quốc phòng, Cơ quan kiểm soát Chính phủ Mỹ không chỉ tính giá trị thực của sản phẩm mà cả tất cả những trang thiết bị và dịch vụ đi kèm bao gồm mua vũ khí, thiết bị bảo dưỡng, dịch vụ kỹ thuật đi kèm và đào tạo nhân viên.

Trong khi đó, Giám đốc chương trình thu mua và tính toán kinh phí của GAO, Michael Sullivan tuyên bố, trong 2 năm trở lại đây xuất hiện xu hướng gia tăng sự phá vỡ Quy chế Nunn-McCurdy (tổng chi phí thực tế của dự án vượt qua chi phí dự kiến 15%).

Từ năm 1997 tới nay đã ghi nhận 74 trường hợp vi phạm quy chế Nunn-McCurdy, trong đó có tới 47 dự án quân sự. Phần lớn các trường hợp vi phạm do Quốc hội Mỹ nghiên cứu xảy ra trong các năm 2001, 2005, 2006 và 2009.


Chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II.


Quy chế Nunn-McCurdy Chính phủ Mỹ ban hành từ năm 1982 và có hiệu lực vào năm 1983. Theo quy chế này, Lầu Năm Góc phải có trách nhiệm giải trình chi tiết cho Quốc hội Mỹ nếu tổng giá trị của dự án quốc phòng tăng lên hoặc giá cuối cùng của mỗi sản phẩm quốc phòng đưa ra tăng quá 15% so với dự kiến ban đầu.

Quy chế Nunn-McCurdy yêu cầu ngừng bất kỳ dự án nào do Lầu Năm Góc và các đơn vị của Lầu Năm Góc tiến hành nếu chi phí chương trình vượt quá 25% so với dự tính ban đầu.

Dự án máy bay chiến đấu F-35 đã vi phạm quy tắc Nunn-McCurdy. Lầu Năm Góc đã dự đoán một sự gia tăng chi phí cho chương trình F-35 tới 51 tỷ USD. Việc chi phí quá cao cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu trình F-35 được coi như là một kịch bản bi quan.

Lầu Năm Góc đã tổ chức một loạt các cuộc tham vấn từ Quốc hội Mỹ nhằm tiếp tục hoàn chương trình F-35. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thành công trong việc tái thiết dự án chiến đấu cơ F-35 bất chấp kinh phí phát triển dự án tăng quá 25% và chương trình này đứng trên bờ vực đóng cửa. Dự án đã được duy trì vì chứng minh được lợi ích của chương trình là quan trọng đối với an ninh quốc gia.



>> Mỹ triển khai ‘robot bay khủng khiếp’ năm 2018



[BDV news]Hải quân Mỹ đang có kế hoạch triển khai máy bay trinh sát robot và máy bay ném bom không người lái cất cánh từ tàu sân bay.




Đây được xem là những loại máy bay robot giết người khủng khiếp nhất của Mỹ.


Những máy bay chiến đấu không người lái ngày nay, nổi tiếng như Predator và các biến thể của nó, được trang bị hoả lực mạnh, có khả năng chiến đấu cao. Tuy nhiên, đối với sự phát triển của các tình huống tác chiến trên không ngày nay, những loại máy bay này còn khá yếu ớt. Thay vì sử dụng động cơ đẩy phản lực siêu âm, các loại máy bay này thường sử dụng cánh quạt tương đối chậm, trang bị vũ khí cũng hạn chế.

Vào thời điểm hiện nay, trong thời gian chiến đấu ngắn, các máy bay có người lái sẽ dễ dàng đánh bại các phương tiện không chiến không người lái kể trên.

Tuy nhiên, điều này sẽ có thể thay đổi trong khoảng 7 năm tới. Ngày 29/3, Cơ quan trang bị không quân của Hải quân Mỹ đã đưa ra thông báo về việc, lực lượng này sẽ mở thầu để các hãng quốc phòng chứng minh khả năng triển khai Hệ thống máy bay Trinh sát và Tấn công không người lái trên tàu sân bay (UCLASS) vào năm 2018.

Chương trình UCLASS cho phép các liên đội không quân hải quân triển khai máy bay trinh sát – ném bom robot trong khoảng thời gian trên, và có thể triển khai hoạt động trên các tàu sân bay hạt nhân (CVN).

Hoạt động của các hệ thống trên cho phép một tàu sân bay duy trì khả năng hoạt động 24/7 ngay cả khi tiến hành hoạt động 12 giờ liên tục trên boong. Hệ thống này cũng có thể yêu cầu khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Nhìn chung, kế hoạch trên của Hải quân Mỹ chủ yếu tập trung vào chương trình máy bay X-47B hiện tại.

Trước đó, tháng 2/2011, chiếc máy bay X-47B đầu tiên đã cất cánh từ một đường băng trên bộ bình thường. Dự kiến, máy bay X-47B sẽ được triển khai hoạt động vào cuối năm 2013.



Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

>> Lục quân Mỹ 'rót' 66 triệu USD mua XM25



[BDV news] Lục quân Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch phát triển kỹ thuật và sản xuất súng phóng lựu XM-25 và thông qua việc ký thỏa thuận với nhà sản xuất ATK mua XM-25.

Với biệt danh “The Punisher”, súng phóng lựu bán tự động XM-25 có một máy đo khoảng cách bằng laser và có thể bắn theo khoảng cách định sẵn. Điều này có nghĩa là loại súng phóng lựu này có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ bảo vệ máy bay chiến đấu của đối phương.

Súng phóng lựu XM-25 nặng 5,4kg, có thể bắn đạn 25 mm, tấn công chính xác mục tiêu trên không cách 500 mét hoặc 700 mét đối với mục tiêu trên bộ. Nhà sản xuất vũ khí ATK cũng có thể phát triển các loại đạn phá cửa và xuyên thép cho súng phóng lựu XM-25.



Súng phóng lựu tiên tiến XM-25 sẽ hỗ trợ hỏa lực đáng kể cho binh lính Mỹ.


Theo thỏa thuận thực hiện trong 30 tháng với Cục Quân huấn của Lục quân Mỹ, súng phóng lựu XM-25 sẽ được tiếp tục thiết kế và thử nghiệm để đảm bảo cho loại vũ khí này đáp ứng tất cả yêu cầu đề ra.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã tiến hành thử nghiệm súng phóng lựu XM-25 từ tháng 11/2010. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2011, Lục quân Mỹ mới chỉ có 5 súng phóng lựu XM-25.

Ngoài ra, Lục quân Mỹ muốn mua thêm 36 súng phóng lựu XM-25. Trong đó, lô súng phóng lựu đầu tiên có thể được triển khai trong năm 2011. Mặc dù quá trình sản xuất hàng loạt sẽ được thực hiện sớm nhất là sau 2013.

Từ năm 2012, quân đội sẽ đặt hàng khoảng 12.500 khẩu XM-25.

ATK là nhà sản xuất tên lửa, máy bay và vũ khí, có trụ sở tại Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ).


Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

>> Dùng bom nguyên tử... để hút thuốc



[BDV news] Dùng tên lửa để gửi thư, dùng trực thăng quân sự để làm kem hay đun nước trà bằng súng máy là những chiêu khó tin mà quân đội từng sử dụng.

Chiến tranh là chuyện nghiêm túc thực sự vì nó liên quan đến mạng sống của con người. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là nó thiếu vắng đi sự hài hước nảy ra trong khó khăn gian khổ.

Dưới đây là những ví dụ “độc nhất vô nhị” về các phát minh do người lính sáng tạo nên trong thời khắc chiến tranh.

1. Lấy máy bay quân sự làm kem





Đúng vậy, bạn hoàn toàn có thể tự làm kem bằng một chiếc máy bay. Điều này từng xảy ra trong Thế chiến thứ 2 do một phi công tên là Bill Murray nghĩ ra.

Để giảm bớt sự nhàm chán khi cứ phải ngồi chơi dưới đất, các phi công thử làm 19 l kem bằng máy bay. Người ta nối số nguyên liệu cần thiết để làm kem với một chiếc máy bay F4U Corsair. Phi công chỉ cần lái máy bay lên thật cao và khi trở về họ có hẳn một thùng kem. Tuy nhiên phương pháp này không dùng được cho các loại máy bay hiện đại.

2. Sử dụng súng máy để đun nước trà
Để giảm bớt sức nóng của nòng súng khi phải hoạt động hết công suất, người ta đặt chất lỏng, có thể là nước hay thậm chí là... nước tiểu của binh lính bên cạnh nòng súng. Nhận thấy rằng nhiệt năng của súng Vickers quá cao và lại bị lãng phí, các binh sĩ nghĩ ra sáng kiến đặt bình nước trà cạnh nòng súng để đun cho tiện. Kết quả là trà sôi chỉ trong vòng chưa đến một phút đồng hồ.

3. Dùng bom C4 để nấu ăn.
Trong chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ từng phải sử dụng bom C4 để nấu ăn. Tuy nhiên, nấu ăn bằng loại bom này có một khuyết điểm rất khó chấp nhận. Đó là nó mang lại mùi hương “kinh dị” vô cùng. Thế nhưng trong chiến tranh thì những khó khăn như thế là không thể tránh khỏi.

4. Dùng khiên chống đạn làm bàn trượt tuyết


Đây không phải là chuyện xảy ra trong thời chiến và cũng không phải phát kiến do người lính nghĩ ra. Sử dụng khiên chống đạn làm bàn trượt tuyết là một thú vui của cảnh sát Oxford.

5. Sử dụng tên lửa hành trình để chuyển thư
Tư lệnh bưu cục Mỹ thời Chiến tranh lạnh, Arthur E. Summerfield từng đề xuất lên Chính phủ giải pháp logic nhất cho vấn đề thư tín chậm chạp cuối những năm 1950. Ông là người đầu tiên dám tuyên bố:”Tàu hỏa? Sao chúng ta không dùng luôn tên lửa cho cái thứ quái đản ấy đi?” Và thế là người ta dùng tên lửa USS Barbero để chuyển phát hóa đơn tiền nước cho một khu dân cư.

6. Sử dụng bom nguyên tử để hút xì gà
Ted Taylor, một cựu quân nhân mô tả lại trải nghiệm ấn tượng nhất cuộc đời mình. Trong vụ nổ bom nguyên tử thử nghiệm tại hoang mạc Nevada bằng một quả bom hạt nhân, Ted sử dụng một tấm gương cầu lồi nhằm phản xạ lại tia phóng xạ, đồng thời dùng sức nóng của nó để đốt một điếu xì gà.


Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

>> Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đánh giá hải quân Trung Quốc



[Vietnamdefence.com]Tại phiên điều trần trước Ủy ban tài chính ngân sách Thượng viện, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead đã đưa ra đánh giá về hải quân Trung Quốc mà ông coi là “phát triển nhanh nhất thế giới”.

Theo ông, hải quân Trung Quốc đang tăng số lượng tàu ngầm, sử dụng nhiều hơn các phương tiện chỉ huy tác chiến, song tạo ra nguy cơ lớn nhất với tàu Mỹ là các tàu ngầm Trung Quốc, chứ không phải là tên lửa chống hạm DF-21D.

“DF-21D cũng chỉ là vũ khí chống tiếp cận như tàu ngầm mà thôi. Tôi xin nói ngay thế này, các vị loại khỏi vòng chiến một con tàu nhanh hơn khi làm thủng một lỗ từ bên dưới, hơn là bên trên”.

Roughead cũng nói rằng: “và kể cả DF-21 trở thành một vũ khí thực sự thì Ngoài ra, thực tế là tàu sân bay của chúng ta có thể cơ động, và chúng ta cũng có những hệ thống để đối phó với các vũ khí như thế”.

“Mục đích của tôi là không để bị ngăn chặn tiếp cận những khu vực đại dương mà chúng ta có thể hoạt động, hoặc không để bị hạn chế trong khả năng hành động của chúng ta”, Đô đốc Roughead nhấn mạnh và cam kết sẽ theo dõi sát sao để nắm ý đồ và tiến bộ của Trung Quốc.



Đô đốc Gary Roughead (navy.mil)

Trước đó, cũng tại phiên điều trần này, Đô đốc Gary Roughead đã đánh giá cao Hải quân Nga. “Hải quân Nga vẫn có những tham vọng lớn và niềm tự hào”, viên đô đốc Mỹ nói và cho biết, hạm đội Nga sẽ tiếp tục củng cố trong tương lai. Song ông Roughead không coi sự tăng cường sức mạnh chiến đấu của Hải quân Nga là một mối đe dọa tiềm tàng.

(vtc news)

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

>> Mỹ chuẩn bị thử siêu vũ khí X-51A



Không quân Mỹ đang gấp rút hoàn thành các công tác chuẩn bị cuối cùng cho thử nghiệm mới của máy bay siêu thanh không người lái X-51A.

Chuyến bay dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/3. Curtis Berger giám đốc chương trình Hypersonics tại hãng chế tạo động cơ Pratt & Whitney Rocketdyne cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về chuyến bay đầu tiên của X-51. Đồng thời, chúng tôi cũng hiểu rõ được rủi ro vốn có trong thao diễn công nghệ cao như X-51A”. Mỹ từng có 3 mẫu nghiên cứu chế tạo X-51A khác, trong đó, một chiếc đã bị phá hủy trong một cuộc thử nghiệm.

Tìm nguyên nhân thất bại của thử nghiệm trước
Chiếc X-51A đầu tiên đã làm nên lịch sử trong chuyến bay thử nghiệm ngày 26/5/2010. Được thả khỏi máy bay B-52, chiếc X-51A đã đạt được tốc độ Mach-5 với động cơ Scramjet.

Chuyến bay đã đạt được thời gian lâu hơn so với các thử nghiệm trước đó, tuy nhiên đã có sự tăng tốc không kiểm soát được khiến máy bay bị phá hủy sau 143 giây.






Lần thí nghiệm trước, mẫu thử nghiệm X-51A đã bốc cháy ngay sau khi tăng tốc.

Sau chuyến bay các kỹ sư đã tập trung phân tích các dữ liệu thu được được để xác định các lỗi đã xảy ra với sự tăng tốc đột ngột của động cơ.

Theo kỹ sư Brink, đã có 2 lỗi được xác định, chiếc X-51A đã không tăng tốc nhanh như mong đợi và đã có sự thay đổi bất ngờ của nhiệt độ và áp lực bên trong máy bay ảnh hưởng đến chuyến bay thử.

Các thử nghiệm với động cơ Scramjet trong hầm gió về nhiệt độ ở chế độ bay siêu thanh cho thấy, đã có sự giãn nở khoảng ¾ inch. Điều này chỉ ra nhiệt độ của động cơ tăng cao, dẫn đến sự mất kiểm soát.

Lần thử nghiệm này sẽ tập trung khắc phục quá trình làm mát cho động cơ và các vòi phun hạn chế sự rò rỉ khí nóng, dẫn đến sự rối loạn.

Ông Brink cho biết thêm: “Chúng tôi đã đánh giá lại thiết kế một cách hoàn chỉnh nhất, động cơ mới sửa đổi mạnh mẽ hơn nhiều. Cấu hình khí động học của X-51A cũng được sửa đổi đôi chút”.

Từ thao diễn công nghệ tới siêu vũ khí
Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi chuyến bay thử nghiệm của X-51A sửa đổi sẽ diễn ra vào ngày 22/3.

Đội bay Dryden của NASA cũng hoàn tất các công tác chuẩn bị để ghi hình trong suốt quá trình bày thử nghiệm của X-51A.


X-51A được kỳ vọng trở thành vũ khí siêu tốc trên không gian.

Hiện tại X-51A không được thiết kế để trở thành một vũ khí, các thử nghiệm đang ở mức độ thao diễn công nghệ. Song nếu thành công sẽ cho phép biến nó thành một loại siêu vũ khí, mở màn cho kỹ nguyên của máy bay tấn công siêu thanh trong tương lai.

“Hiện tại chúng tôi chỉ tập trung vào chuyến bay thử nghiệm tiếp theo để có thể đánh giá một cách đầy đủ nhất, chúng tôi hy vọng rằng chuyến bay sẽ diễn ra trong thời gian lâu hơn” ông Brink đã trao đổi thêm như vậy.

(theo AP news )

>> Mỹ tính toán phí tổn không kích Libya



Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments - CSBA) của Mỹ đã chuẩn bị một báo cáo ước tính chi phí thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya, việc sẽ đòi hòi tiêu diệt hoàn toàn hay một phần hệ thống phòng không của ông Muammar Gaddafi.



Ở phương án tiêu diệt hoàn toàn phòng không Libya, chiến dịch sẽ tiêu tốn của NATO 300 triệu USD/tuần, 6 tháng bảo đảm duy trì vùng cấm bay đòi hỏi 8,8 tỷ USD. Cuộc tấn công ồ ạt một lần vào các trận địa phòng không Libya tiêu tốn 500 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Những chi phí lớn đó là do các máy bay của Mỹ và đồng minh sẽ phải bay trên lãnh thổ thù địch với 500 mục tiêu phòng không bố trí trên một vùng rộng 680.000 dặm vuông. Để tiêu diệt 1 mục tiêu trung bình phải tốn 2 triệu USD, bởi vì nhiều mục tiêu sẽ phải tiêu hao mấy tên lửa hành trình và bom. Cần lưu ý là vùng cấm bay ở Iraq trước đây chỉ rộng 104.600 dặm vuông.

Phương án 2 là lập vùng cấm bay hạn chế, bao gồm không phận các thành phố lớn, nơi mà theo tính toán có bố trí tới 400 mục tiêu phòng không trên diện tích 230.000 dặm vuông. Lập vùng cấm bay kiểu này đòi hỏi chi 30-100 triệu USD/tuần.

Phương án 3 trù tính tiêu diệt các mục tiêu phòng không chính của ông Gaddafi bố trí ở các vùng ven biển. Việc làm “suy yếu” các mục tieu này sẽ đòi hỏi 400-800 triệu USD. Trong trường hợp này, NATO có thể sử dụng 3 tàu tuần dương AEGIS của Mỹ, các máy bay tiêm kích trang bị tên lửa không-đối-không AIM-120 và các máy bay AWACS. Phương án này không đòi hỏi tiêu diệt hoàn toàn phòng không Libya.


Trung tâm CSBA nói rằng, Mỹ và NATO cần xác định diện tích vùng cấm bay, nó (ở tất cả các phương án) đáp ứng các lợi ích của phương Tây và giúp loại bỏ Gaddafi đến mức nào.

Liên minh phương Tây phải quyết định chiến dịch quân sự như thế nào là hợp lý nhất, xác định các nguyên tắc sử dụng sức mạnh quân sự, cũng như khả năng hỗ trợ trực tiếp cho quân nổi loạn Libya.

Chi phí của chiến dịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quy mô cuộc tấn công quân sự, báo cáo viết.

(worldtribune.com, lipmantimes.com)

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

>> Tướng tình báo Liên Xô nói về những bí mật quá khứ và hiện tại



Trung tướng N.S. Leonov, nguyên cục trưởng Cục Phân tích KGB, đánh giá về chủ nhân trang WikiLeaks Julian Assange, nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, Iran, Trung Quốc...

Ngày 20.12 là tình báo Nga tròn 90 tuổi. Trung tướng về hưu Nikolai Sergeyevich Leonov, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục I (Tình báo đối ngoại) KGB (nay là Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR) từng phục vụ 33 năm trong ngành tình báo. Nhưng ông trao đổi không chỉ về những việc đã qua.

Julian Assange là người hùng máy tính Che Guevara
PV: Nikolai Sergeyevich, ông nghĩ thế nào về Julian Assange và trang web nổi danh tai tiếng của anh ta? Bởi lẽ người ta muốn gọi là Nhân vật của năm và thậm chí còn đề cử cho giải Nobel. Liệu đây có phải con mồi mà xung quanh đang diễn ra một trò chơi của các cơ quan tình báo không?

Tướng Leonov: Không có vẻ là có trò chơi ở đây. Trang web của anh ta là một sự kiện rất tồi tệ. Anh ta đã gây tổn hại to lớn cho nhiều cường quốc. Nước Nga cũng bị đụng chạm. Nhưng dính nặng nhất là Mỹ. Bởi vậy, rồi anh xem, người Mỹ sẽ trả thù anh ta. Tôi coi Assange là nhân vật bi kịch giống như Che Guevara, người mà tôi biết rất rõ. Bằng việc đăng tải một số lượng tài liệu mật như thế, Assange đã “đánh một đòn hạt nhân” trong cuộc chiến tranh thông tin. Tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới trong năm nay không đạt được kết quả như vậy.

PV: Thế còn các cơ quan tình báo Mỹ mà mùa hè năm nay đã khám phá ra 11 tình báo viên bất hợp pháp của Nga thì sao?

Tướng Leonov: Người Mỹ đã được tên phản bội Poteyev tiếp tay. Hắn thậm chí còn lấy đem đi cả hồ sơ cá nhân của Anh hùng Liên Xô Mikhail Vasenkov. Giờ thì người ta nói rằng, việc đó về mặt kỹ thuật là không thể làm được. Nhưng trong tình trạng thờ ơ, cẩu thả hiện thì tất cả đều có thể xảy ra. Chuyện phản bội vẫn thường xảy ra trong tình báo. Ta cần nhớ là cả Kim Philby, cả Molody đều là nạn nhân của những kẻ phản bội …

PV: Có đúng là các gián điệp bị bại lộ được tặng thưởng những huân chương cao quý nhất của Nga và được bố trí vào những “chỗ béo bở” không? Chẳng hạn, Anna Chapman đã trở thành cố vấn của giám đốc ngân hàng, còn một người tham gia khác của “scandal gián điệp” Nga-Mỹ ầm ĩ là Andrei Bezrukov vài ngày trước đã được bổ nhiệm làm cố vấn của Chủ tịch công ty dầu mỏ nhà nước Rosneft.



Trung tướng KGB N.S Leonov hiện nay

Tướng Leonov: Tôi muốn sửa lại một chút, đó không phải là các gián điệp mà là những cán bộ tình báo của chúng ta, không phải là bị bại lộ mà là bị phản bội. Nhà nước đang làm đúng khi quan tâm đến những người này. Nếu không thì ai sẽ còn chịu làm việc trong tình báo đối ngoại? Vì ở đó người ta phải mạo hiểm cả mạng sống.

Kẻ nào đã bán đứng Liên Xô?
PV: Nikolai Sergeyevich, xin ông nói về sự đối đầu giữa CIA và KGB. Tại sao các ông đã chịu tổn thất?

Tướng Leonov: Tổn thất cái gì?

PV: Liên Xô ấy. Chẳng lẽ không phải là Mỹ đã chiến thắng các ông trong chiến tranh lạnh sao? Thậm chí họ còn có huy chương cho sự kiện này cơ mà …

Tướng Leonov: KGB chẳng tổn thất gì. Liên Xô bị nhóm lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước bán đứng. Tôi với tư cách Cục trưởng Cục Phân tích KGB đã vô số lần báo cáo với Gorbachev là đường lối của ông ta đang dẫn tới sự sụp đổ. Bằng chứng cho điều đó là hàng chục, hàng trăm báo cáo của tôi mà kể cả hiện giờ vẫn được lưu giữ với dấu “Tuyệt mật”. Ở đó cũng có cả họ tên những điệp viên ảnh hưởng của Mỹ. Anh hãy tin là đó không chỉ có Yakovlev (Trưởng Ban Tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) và Shevardnadze (Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô) đâu…

PV: Thế thì tại sao KGB lại thụ động như thế trong tháng 8.1991?

Tướng Leonov: Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP) là nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu vãn tình hình của những con người thối nát với một tổng thống Liên Xô hoàn toàn thối nát. KGB cũng ở đó - nhưng vị thế nhỏ nhoi như chiếc nan hoa thứ bảy của cỗ xe. Trong những ngày đó, thậm chí tôi đã lệnh cho các sĩ quan dưới quyền giao nộp súng ngắn. Khi đó đã không thể cầm súng chống lại một đám đông sôi sục. Điều đó là vô nghĩa. Với một khẩu súng ngắn, anh có thể gây ra những chuyện khiến sẽ có những nạn nhân và chính anh vì thế cũng bị người ta xé xác. Tháng 8.1991 đòi hỏi ở chính quyền trí tuệ chứ không phải vũ lực. Nhưng ban lãnh đạo chính trị cấp cao đã chẳng có cái nọ lẫn cái kia.


Tướng Nikolai Sergeyevich Leonov

Sinh ngày 22.8.1928 tại làng Allmazovo, quận Gorlovsky, tỉnh Ryazan. Năm 1952, tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế Moskva. Từng làm phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha tại Nhà xuất bản Ngoại văn. Năm 1953-1956, sinh viên khoa Ngữ văn và triết học Đại học tổng hợp quốc gia Mexico. Năm 1956-1958, phiên dịch viên Nhà xuất bản Ngoại văn, nghiên cứu sinh hàm thụ Viện Lịch sử, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1958-1960, học nghiệp vụ tại Trường 101, KGB Liên Xô. Năm 1960-1961, cán bộ bộ máy trung ương Tổng cục I (PGU) KGB Liên Xô (tình báo đối ngoại). Năm 1961-1968, công tác tại Mexico dưới vỏ bọc bí thư thứ ba sứ quán. Tham gia làm việc với Fidel Castro và các nhà lãnh đạo Cuba khác với chức danh phiên dịch viên. Từ cuối năm 1968-1971, Phó trưởng phòng tại PGU. Có những chuyến công tác ngắn hạn ở Peru, Panama, Nicaragua, Afghanistan… Năm 1971-1973, Phó Cục trưởng Cục Phân tích tin PGU. Năm 1973-1984, Cục trưởng Cục Phân tích tin PGU. Năm 1984-1990, Phó Tổng cục trưởng PGU, KGB Liên Xô. Từ tháng 2-8.1991, Cục trưởng Cục Phân tích KGB Liên Xô. Năm 1991, về hưu. Năm 1994-2000, Giáo sư Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO). Năm 2003-2007, đại biểu Duma Quốc gia Nga. Trung tướng về hưu. Được tặng thưởng Huân chương Cách mạng tháng Mười, 2 Huân chương Lao động Cờ Đỏ, Huân chương Sao Đỏ, các Huân chương Che Guevara hạng nhất, Playa Giron của Cuba. Tiến sĩ sử học. Tác giả một số cuốn sách và nhiều bài báo. Đã lập gia đình và có 2 con.
Trứng cá không phải là quả táo gây bất hòa. Iran và Trung Quốc với Nga không phải là kẻ thù
PV: Những nguy cơ nào đang đe dọa nước Nga? Người ta nói tai họa sẽ đến từ phía Nam. Chúng ta có cần sự bảo vệ chống lại tên lửa của Iran không?

Tướng Leonov: Tên lửa chiến lược Iran, hơn nữa lại là với đầu đạn hạt nhân là hoàn toàn không có. Nhưng người Mỹ kiên trì lôi kéo chúng ta vào cuộc xung đột với người Ba Tư. Thế nhưng chúng ta và người Iran có chung cái gì? Trứng cá đen biển Caspie chăng? Trứng cá giờ có còn thì cũng quá ít rồi.

Nga luôn luôn hiểu rõ phương Đông Hồi giáo, còn ở Iran chúng tôi đã hoạt động từ lâu. Hãy nhớ lại lịch sử mà xem. Cuộc cách mạng ở Iran. Người Mỹ khi đó chỉ hiểu Hồi giáo lờ mờ nên đã quyết định chống lại và chém giết những người nổi dậy. Và họ đã giết hại 3 đến 5 ngàn người mỗi ngày trên đường phố Tehran! Nhưng sự việc kết thúc bằng việc quốc vương Iran bỏ chạy. Và điều đó xảy ra khi có mặt 30 ngàn cố vấn đủ loại của Mỹ ở nước này! Đối với CIA, đây là thảm họa to lớn nhất.

PV: Hiện nay, quốc gia hùng mạnh nhất sau Mỹ là Trung Quốc. Thế còn tình báo Trung Quốc có mạnh không?

Tướng Leonov: Tôi nghĩ rằng, tình báo Trung Quốc, cũng giống như các vận động viên Trung Quốc tại Thế vận hội Olympic, đang đứng ở một trong những vị trí có giải. Đặc thù công việc với Trung Quốc là ở chỗ thông tin về nước này luôn thiếu hơn thông tin về các nước khác.

Điều đó được lý giải là trong thời kỳ thành lập CHND Trung Hoa năm 1949-1951, lãnh đạo Liên Xô vì sự tốt bụng khó hiểu đã hạ lệnh giao cho lãnh đạo Trung Quốc toàn bộ lực lượng điệp viên của chúng ta mà tình báo của ta đã kỳ công xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc trong những năm dài chiến tranh với Nhật Bản và trong thời Thế chiến II. Đó là một lưới điệp báo cực kỳ rộng. Người ta đã đem cho đi mất. Không một điệp viên nào của chúng ta còn thấy được ánh sáng mặt trời nữa. Tất cả họ đã biến mất. Bởi vậy, trong thời kỳ sau chiến tranh, chúng ta không còn các nguồn tin ở Trung Quốc. Đây dĩ nhiên là một thảm kịch nghề nghiệp.

Sau đó, tất nhiên là chúng ta đã nắm được, điều gì đang diễn ra sau cái chết của Mao Trạch Đông. Còn về tình hình sức khỏe của Người cầm lái vĩ đại thì chúng tôi theo rất sát, viết báo cáo từng ngày tình hình sức khỏe của ông ta. Xuất hiện Đặng Tiểu Bình. Với ví dụ là ông này thì rõ ràng là vai trò của cá nhân trong lịch sử không được phép xem nhẹ.

Chúng tôi đã báo cáo cho ban lãnh đạo Liên Xô rằng, Trung Quốc “đã chuyển sang đường lối mới” trong phát triển kinh tế. Họ đã đưa ra những khẩu hiệu mới. Chẳng hạn, không quan trọng mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột. Nhưng ban lãnh đạo của chúng ta đã không muốn học hỏi kinh nghiệm của ông bạn láng giềng khổng lồ.

PV: Liệu có chiến tranh với Trung Quốc không?

Tướng Leonov: Theo quan điểm của tôi, trong tương lai gần chúng ta sẽ không công khai thù địch với Trung Quốc. Điều đó không nằm trong lợi ích của họ, cũng như của chúng ta. Bởi vì, trên thực tế, chúng ta là hai quốc gia tựa lưng vào nhau. Họ quay ra đại dương, ra khu vực Nam Á với cộng đồng người Hoa khổng lồ, quay sang Singapore, Malaysia, Philipinnes. Ở đó, họ có cùng một tôn giáo. Những chủng tộc giống nhau. Khí hậu. Tôi phản đối việc cổ súy thái độ bài Trung Quốc.

Tiếng chuông báo động trên quảng trường Manezhnaya
PV: Nhưng cũng có một thực tế khách quan. Trung Quốc có dân cư đông đúc, còn chúng ta có lãnh thổ rộng lớn. Liệu họ có đè bẹp chúng ta về nhân khẩu không?

Tướng Leonov: Hiện nay, nước Nga không bị ai đe dọa một cách hiện thực, trừ chính người Nga. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những sự kiện mới đây trên quảng trưởng Manezhnaya. Đó là tiếng chuông nhỏ nghiêm túc đối với chính quyền. Đừng có đùa giỡn với các cộng đồng dân Kavkaz mà làm tổn hại dân tộc Nga. Những mâu thuẫn dân tộc có thể phá tan đất nước thành những mảnh nhỏ. Mối đe dọa từ bên trong hiện thực hơn mối đe dọa từ bên ngoài.

Hiện thời, Nga có vũ khí hạt nhân. Nó có cả dầu mỏ và khí đốt. Những yếu tố đó dĩ nhiên không mang tính bất biến, nhưng nhờ chúng mà không ai, kể cả Trung Quốc, Mỹ, có khả năng lấn át nước Nga. Nhưng sau đó sẽ là cái gì? Sau 15-20 năm nữa? Từ năm 2012, các cô gái sinh sau năm 1991 sẽ bước vào lứa tuổi sinh con. Sự sụt giảm nhân số ở Nga sẽ đạt mức 1,5 triệu người/năm. Nếu sự việc sẽ cứ diễn ra tiếp như thế thì sẽ đến lúc khi mà cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ Trung Quốc, sẽ xâu xé các vùng lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Đã từng có những cuộc chiến tranh giành di sản của Tây Ban Nha, Áo-Hung.

Tuy nhiên, để nói tất cả những điều đó sẽ diễn ta ở những hình thức tổ chức nào vào ngày hôm nay thì dĩ nhiên là khó. Nhưng sự biến đổi của Nhà nước Nga là không tránh khỏi. Về mặt kết cấu quốc gia-sắc tộc. Về mặt suy thoái các thiết chế khoa học-kinh tế. Quá trình này sẽ mất bao lâu? Tôi không biết.

PV: Người ta nói rằng, quốc gia càng hùng mạnh, thì tình báo của nó càng giỏi. Vậy theo ông thì cơ quan tình báo nào là giỏi nhất?

Tướng Leonov: Đối với tôi thì dĩ nhiên là tình báo Liên Xô. Chẳng gì thì tôi cũng đã làm việc ở đó từ năm 1958 đến năm 1991. Tôi dám khẳng định: ngay cả hồi đó chúng tôi cũng không thua kém CIA.

Một việc dễ hiểu là từ giác độ kỹ thuật, người Mỹ luôn hơn chúng ta. CIA có micro tốt hơn, vệ tinh do thám tốt hơn, tình báo vô tuyến điện tốt hơn... Còn về tài chính thì chẳng còn gì để nói. Họ chi cho tình báo nhiều hơn chúng ta cả năm chục lần.

Còn liên quan đến yếu tố con người thì ở đó có thể nói là chúng ta có ưu thế trước người Mỹ nhờ những phẩm chất thiên phú của con người Nga... Chính là yếu tố con người Nga. Trong ngành tình báo, có tiếng nói quyết định và chiếm đa số áp đảo là người Nga. Mà người Nga thì có một nét đặc biệt mà Leskov đã nhận thấy rõ trong chuyện ngắn Levsha. Nét tính cách này bộc lộ đặc biệt rõ thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Từ chẳng có gì, chúng ta đã có thể làm được tất cả. Chúng ta có những nhà phân tích siêu việt nhất.

PV: Ông có thể nêu các ví dụ chứng minh không?

Tướng Leonov: Được thôi, cuộc cách mạng Cuba. Người Mỹ đã nói: vớ vẩn, tay Fidel rậm râu nào đó ư, anh ta là cái gì đâu, rồi anh ta phải lê gối đến. Còn chúng tôi nêu ra một đánh giá hoàn toàn khác: Cách mạng Cuba là một hiện tượng rất có triển vọng và thú vị. Hồi đó, tôi đã quan hệ gần gũi với Che Guevara và nhận được những thông tin từ gốc nóng hổi.

Còn Việt Nam?.. Cũng vậy. Người Mỹ có đặc điểm là dựa vào cho đến cùng những kết luận sai mà họ đi theo trong chính sách đối ngoại. Và họ làm điều đó cho đến khi chính sách đó bắt đầu có ảnh hưởng hủy hoại đối với chính nước Mỹ. Và tất cả là vì người Mỹ không có khả năng tư duy chiến lược khi nhúng mũi vào việc của các dân tộc khác. Nhân đây cũng nói là việc trao đổi thư từ của các nhà ngoại giao của họ mà Julian Assange đăng tải chứng minh rõ điều đó.

PV: Xin chúc mừng ông, Nikolai Sergeyevich! Nhân kỷ niệm 90 năm tình báo Nga.

(vietnamdefence news)

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

>> Chưa bao giờ quan hệ Việt-Mỹ tốt như hiện nay



Đại sứ Việt Nam Lê Công Phụng nhấn mạnh, quan hệ Việt-Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất trong vòng 15 năm qua khi gặp Thống đốc bang Hawaii Neil Abercrombie

Trong chuyến công tác tại bang Hawaii, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng gặp Thống đốc bang Neil Abercrombie nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nói chung và với bang Hawaii nói riêng.

Tại buổi gặp, Đại sứ Việt Nam Lê Công Phụng nhấn mạnh, quan hệ Việt-Mỹ hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong vòng 15 năm qua. Quan hệ hai nước phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, kinh tế, quân sự, giáo dục… Hai nước gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực đó.

Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ các bước cần thiết nhằm đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, trở thành đối tác chiến lược của nhau trong thời gian tới.



Đại sứ Việt Nam Lê Công Phụng nhấn mạnh, quan hệ Việt-Mỹ hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong vòng 15 năm qua.

Về phần mình, Thống đốc bang Neil Abercrombie nhấn mạnh, với vị trí địa lý nằm ở khu vực Thái Bình Dương rất gần châu Á, bang Hawaii có rất nhiều điểm tương đồng và có thể hòa quyện nhuần nhuyễn với nền văn hóa châu Á. Hawaii là bang tốt nhất giúp hài hòa quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á.

Hiện tại, Hawaii có khoảng 36.000 người Việt đang sinh sống tại đây, chiếm 3% dân số của bang. Thống đốc Abercrombie cho biết, ông rất hài lòng với những đóng góp của cộng đồng người Việt vào sự phát triển chung của bang.

Thống đốc Bang Hawaii cho biết, cộng đồng người Việt hòa nhập với cuộc sống ở đây một cách mẫu mực.

Cũng trong chuyến thăm này, đoàn công tác cũng gặp Phó Thống đốc bang Hawaii để khảo sát và tìm hiểu cơ sở hạ tầng, cùng các bước chuẩn bị của phía bạn cho Hội nghị APEC diễn ra vào tháng 11/2011.

(bdv news)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

>> Nhìn lại trận Trân Châu Cảng sau 70 năm (phần 1)



70 năm trước, vào ngày 7/12/1941, Hải quân hoàng gia Nhật Bản đã thực hiện một hành động mà không một vị lãnh đạo phương Tây nào có thể hình dung.

Đó là việc nước này khởi động một cuộc tấn công bất ngờ lên căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii.

Hơn 350 máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã tấn công thành hai đợt lớn, oanh tạc và thả bom và ngư lôi xuống căn cứ. Hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công, Hải quân Mỹ thiệt hại tương đối nặng nề. 188 máy bay bị phá hủy, 2.402 người thiệt mạng và khoảng 1.282 người bị thương.

Ngay sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ đã tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản, chính thức tham gia Chiến Tranh Thế Giới thứ 2, bắt đầu cục diện mới cho cuộc chiến.

Trong dịp kỷ niệm 69 năm, Mỹ đã khánh thành Trung tâm du lịch Trân Châu Cảng với trị giá 56 triệu USD.

Dưới đây là những hình ảnh đáng nhớ về trận chiến:





Hình ảnh chụp từ trên cao về một hàng tàu chiến trước giây phút mở màn cuộc tấn công của Nhật lên Trâu Châu Cảng vào ngày 7/12/1941.


Hình ảnh chiếc máy bay ném bom Val 99 của Hải quân Nhật chuẩn bị cất cánh từ một hàng không mẫu hạm trong buổi sáng lịch sử đó. Con tàu khổng lồ đằng sau là tàu sân bay Soryu.


Ảnh chụp tàu hàng không mẫu hạm Zuikazu của Nhật Bản, khi tướng tá vẫy tao chào chiếc máy bay thả bom Nakạima “Kate” B-5N cất cánh để tham gia đợt tấn công thứ hai.


Máy bay chiến đấu Zero của Nhật Bản, với mã số đuôi là A1-108 cất cánh từ hàng không mẫu hạm Akagi.


Ảnh chụp từ trên không đoàn tàu chiến của Mỹ bên cạnh đảo Ford sau đợt tấn công bằng ngư lôi của Nhật, trước khi chúng tiếp tục hứng chịu đợt dội bom bằng máy bay.


Cảnh chụp bãi đậu máy bay ở căn cứ hải quân của không quân Mỹ trên đảo Ford. Những đám cháy bốc lên từ những con tàu cháy ở phía xa.


Những chiếc tàu chiến “rực cháy” sau trận oanh tạc của Nhật Bản.


Pháo phòng không của Mỹ tạo nên những đốm đen trên bầu trời, phía trên những chiếc tàu đang bốc cháy ở Trân Châu Cảng.


Kho vũ khí của tàu khu trục Shaw (DD 373) phát nổ do sự oanh tạc của máy bay Nhật Bản.


Hai chiếc tàu chiến West Virginia (BB 48) và Tennessee (BB 43) cháy lớn.


Một chiếc máy bay ném bom bổ nhào trong đợt lao xuống cuối cùng do đã bị dính đạn của phòng không của Hải quân Mỹ.


Một chiếc tàu chiến khác bốc khói đen nghi ngút. Binh sĩ hoảng loạn.


Thủy thủ ở căn cứ hải quân của không quân Mỹ tại Kaneohe, Hawaii đang cố gắng cứu hộ thủy phi cơ Catalina đang cháy sau đợt tấn công.


(Boston news)

>> Mỹ điều USS Montery 'dòm' kho tên lửa Iran



Quân đội Mỹ sẽ cử một tàu chiến tới biển Địa Trung Hải trong vài tuần tới.

Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch thành lập một lá chắn phòng thủ cho châu Âu trước sự đe dọa tới từ kho tên lửa của Iran. Theo đó, tàu USS Monterey tới Địa Trung Hải trong vòng 6 tháng.

Giám đốc Tổ chức phòng thủ chống tên lửa và vũ khí hạt nhân của Mỹ, John Plumb cho biết, tàu USS Monterey sẽ rời cảng Norfolk, Virginia vào tuần tới trong nhiệm vụ tại Địa Trung Hải kéo dài 6 tháng.

USS Monterey là tàu dẫn đường tên lửa, được trang bị hệ thống Aegis nhằm phát hiện và chống tên lửa hành trình.

Với việc bổ xung thêm tàu USS Monterey, chính phủ Mỹ đã hoàn thành việc triển khai phương tiện chiến đấu cho lá chắn châu Âu trong năm 2011.




USS Monterey có trang bị hệ thống radar Aegis hiện đại, tàu sẽ thực hiện nhiệm vụ tại Địa Trung Hải trong vòng 6 tháng.

Sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chính sách phòng thủ tên lửa vào năm 2009, ông Plumb nhận xét: “Đây là bước thực hiện đầu tiên của nước Mỹ nhằm chứng minh sự cam kết cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho quân đội Mỹ, đồng minh và các đối tác tại châu Âu. Chúng tôi nói rằng sẽ làm, và bây giờ chúng tôi đang thực hiện điều đó".

Tàu USS Monterey thuộc lớp Tinconderoga, sẽ diễn tập cùng với lực lượng Mỹ có mặt tại Địa Trung Hải và hình thành “sự hiện diện thường trực” của những tàu có trang bị hệ thống hỗ trợ tương tự như USS Monterey.

Những tàu dẫn đường cho tên lửa của quân đội Mỹ được điều động tới Địa Trung Hải trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một tàu kiểu này được triển khai nhằm hỗ trợ cho hệ thống phòng thủ tên lửa.


Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa đánh chặn từ tàu chiến.

"Viên gạch" xây dựng lá chắn tên lửa cho châu Âu
Liên minh NATO đã nhất trí về lá chắn tên lửa trong cuộc họp thượng đỉnh tại Lisbon vào năm 2010. Dự án lá chắn tên lửa bị đặt nhiều dấu hỏi cho độ tin cậy của các vũ khí chống tên lửa và liệu những thiết bị đánh chặn hiện đại có thể hoàn thành nhiệm vụ đúng dự kiến hay không.

Theo ông Plumb, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai hệ thống radar trên đất liền tại nam Âu vào cuối năm 2011. Tuy nhiên quá trình này đang gặp khó khăn khi còn tồn tại rất nhiều bất đồng trong đàm phán.


Hải quân Mỹ thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3, hiện được trang bị trên một số tàu chiến của Mỹ.

Một phần trong kế hoạch lá chắn tên lửa châu Âu chính là triển khai hệ thống đánh chặn trên bờ SM-3 tại Romania và Ba Lan vào năm 2015 và 2018.

Quân đội Mỹ cũng tiếp tục phát triển phiên bản trên bờ SM-3. Hiện tại, SM-3 đã được lắp đặt trên một số tàu hải quân.

Theo chính quyền của tổng thống Obama, chương trình phòng thủ tên lửa này chủ yếu nhằm vào nguy cơ từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và kho tên lửa tầm trung đang phát triển “chóng mặt” của quốc gia này.

(Defence Talk)

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

>> Điểm mặt các vũ khí hạng nặng Mỹ đang bố trí tại châu Á



- Các loại vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ gồm máy bay F-22, B-52, B-1B, B-2, B-3, tàu ngầm nguyên tử, tàu sân bay nguyên tử USS George Washington, Carl Vinson v.v… đã, đang và sẽ tập trung bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang tạo vòng kiềm tỏa đối với Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến an ninh khu vực.




Mạng Cri - "World News" đưa tin, những năm gần đây, cùng với việc quân đội Mỹ đẩy nhanh các bước “hướng Đông” trọng tâm chiến lược toàn cầu, các loại vũ khí tấn công chiến lược của quân đội Mỹ cũng bắt đầu được điều động liên tục tới khu vực Tây Thái Bình Dương.

Có thể việc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự ở Tây Thái Bình Dương, nhưng trước tiên chính Mỹ đã chủ ý đến và làm thay đổi quy tắc trò chơi.

F-22 tiếp tục xâm nhập Đông Á

Khi báo chí đang xôn xao về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, ngày 7/1/2011 Không Quân Mỹ công bố: 15 máy bay tàng hình siêu âm F-22 sẽ được triển khai tạm thời tại căn cứ Kadena của quân Mỹ ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Tin cho biết, kể từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 5 quân đội Mỹ bố trí tạm thời máy bay F-22 tại Okinawa.

Thời gian bố trí lần này là 4 tháng. Không quân Mỹ cho biết, việc triển khai tạm thời lần này "là để làm nổi bật sự tham gia của Mỹ đối với (công việc phòng vệ của) đối tác quan trọng Nhật Bản, thể hiện quyết tâm bảo đảm ổn định và an ninh của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương".

Máy bay tàng hình siêu âm F-22 của Không quân Mỹ


Các nhà phân tích cho rằng, với tư cách là lực lượng đột kích không chiến của quân Mỹ, máy bay chiến đấu F-22 xuất hiện thường xuyên ở Okinawa, nhằm hình thành sự răn đe chiến lược đối với các nước có liên quan, tiến tới đặt nền tảng cho việc giành lấy quyền kiểm soát châu Á-Thái Bình Dương cho quân đội Mỹ.

Dựa vào tính năng tàng hình và khả năng tuần tra siêu âm của F-22, dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu, F-22 có thể xuyên thẳng tung thâm lục địa châu Á, thực hiện nhiệm vụ của hệ thống tấn công phòng không, trung tâm chỉ huy và trung tâm chính trị.

Tháng 1/2009, 12 máy bay F-22 lần đầu tiên đóng tại Căn cứ không quân Andersen ở Guam. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc tăng cường ưu thế sức mạnh quân sự cho Quân đội Mỹ. So với căn cứ Kadena, Guam cách lục địa châu Á xa hơn, ở mức độ lớn có thể tránh được sự tấn công của không quân các nước châu Á.


Máy bay ném bom chiến lược B-1B


Dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu trên không, máy bay F-22 có hành trình gần 4.000 km lại có thể độc lập trực tiếp xâm nhập, trực tiếp tấn công các mục tiêu mặt đất ở lục địa châu Á, từ đó tạo ra ưu thế đối với các nước châu Á.

Ngoài F-22, ba loại máy bay ném bom chiến lược của quân Mỹ gồm B-52, B-1B, B-2 hiện nay đều được bố trí tại căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Máy bay ném bom chiến lược với khả năng tấn công tầm xa luôn là vũ khí tác chiến lợi hại quan trọng của Quân đội Mỹ.

Chẳng hạn máy bay ném bom chiến lược B-2 có thể bay liên tục 12.000 km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, có thể mang theo vài chục quả bom dẫn đường chính xác hoặc 8 tên lửa hành trình. Ngoài ra, máy bay ném bom mới B-3 đang được quân đội Mỹ phát triển, cũng có thể sẽ được điều đến Guam.

Quân đội Mỹ từng cho biết, máy bay ném bom chiến lược này có thể mang theo một lượng lớn bom đạn, có thể triển khai hành động 24/24 giờ trong bất kỳ thời tiết nào.

Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, B-3 sẽ ra đời vào năm 2018. Các nhà phân tích cho rằng, máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu F-22 đồng thời hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tăng cường rất lớn cho quân Mỹ khả năng can dự nhanh đối với các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B


Trên biển, Mỹ bố trí nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử tại khu vực Đông Á, đã tạo ra thế bao vây ngăn chặn Hải quân Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.

Năm 2001, quân đội Mỹ đã thành lập Trung đội tàu ngầm số 15 tại căn cứ hải quân Apra trên đảo Guam, tiếp theo đó trang bị 3 tàu ngầm tấn công nguyên tử "Los Angeles", chúng luôn có khả năng rình rập xung quanh Eo biển Đài Loan, tiến hành do thám dưới nước.

Năm 2008, tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hành trình "Ohio" của Mỹ cũng được kéo vào quân cảng Apra. Là tàu ngầm được trang bị nhiều tên lửa hành trình nhất thế giới, tàu ngầm "Ohio" có thể được trang bị 154 quả tên lửa hành trình "Tomahawk", khả năng tấn công chỉ đứng sau hạm đội tàu sân bay.

Chỉ huy tàu ngầm "Ohio", Thượng tá Hale từng khoe rằng, chỉ cần từ tây Guam đi vài trăm km, tàu “Ohio” sẽ có thể tiến hành uy hiếm tầm xa đối với khu vực Eo biển Đài Loan.


Máy bay ném bom chiến lược B2


Cuối tháng 9/2010, quân cảng Apra ở Guam đã đón tiếp một “bảo kiếm” trong đội ngũ tàu ngầm nguyên tử của hải quân Mỹ, đó là tàu ngầm tấn công nguyên tử tiên tiến nhất "Hawaii" lớp Virginia.

Tàu ngầm nguyên tử này có thể lặn sâu tới 243 m, mang theo 24 quả ngư lôi nặng 2 tấn, có thể phóng tên lửa hành trình "Tomahawk". Các nhà phân tích cho rằng, với khả năng trinh sát và cơ động gần bờ mạnh, khi đến chốt giữ tại đây, tàu ngầm nguyên tử này sẽ trở thành một “người lính” bao vây, phong tỏa và do thám các loại tin tức ở vùng biển xung quanh Trung Quốc.

“Nhóm tàu sân bay” có thể đến châu Á-Thái Bình Dương

Ngay từ năm 2004, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Fargo đã đề nghị, tăng cường 1 tàu sân bay thường trú lâu dài ở một nơi nào đó tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Hawaii và Guam, nhằm duy trì một trạng thái “sẵn sàng chiến đấu cao”.


Máy bay ném bom chiến lược B-52


Trong năm 2010 vừa qua, khái niệm “nhóm tàu sân bay” từ 2 – 3 tàu sân bay, thực sự đã làm căng thẳng “dây thần kinh” an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay USS George Washington đóng tại Yokosuka, Nhật Bản đã liên tục tiến hành tập trận với 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2010. Sau khi tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng bởi sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong, Hải quân Mỹ đã liên tiếp phát đi tín hiệu tăng cường tàu sân bay tới châu Á-Thái Bình Dương.

Báo chí Mỹ gần đây cho biết, hạm đội tàu sân bay Carl Vinson (có kế hoạch thay thế tàu USS George Washington đang được nghỉ ngơi, tu sửa) đã đến vùng biển Okinawa. Tàu Carl Vinson sẽ tổ chức tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hàn Quốc.


Ý tưởng máy bay ném bom chiến lược B-3


Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ giỏi đánh “con bài tàu sân bay”, động thái phức tạp này chủ yếu là để uy hiếp tinh thần, nhằm khẳng định rằng, không thể thách thức địa vị bá chủ của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
“Ba tác hại” do quân Mỹ bày binh bố trận ở Đông Á

Các nhà phân tích cho rằng, quân đội Mỹ “gươm súng sẵn sàng” ở khu vực Đông Á đã gây ra tác hại đối với tình hình an ninh khu vực này:

Một là, làm trầm trọng hơn sự đối đầu quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các vấn đề điểm nóng tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giải quyết những vấn đề này, các bên cần đối thoại và tham vấn.


Tàu ngầm tấn công nguyên tử "Hawaii"


Mỹ muốn thông qua sức ép vũ lực để tìm cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là trực tiếp bố trí vũ khí tấn công chiến lược ở tiền duyên các điểm nóng, cho thấy quyết tâm sẵn sàng can dự bất cứ lúc nào, điều này không chỉ bất lợi cho giải quyết vấn đề, mà còn làm tăng khả năng xảy ra xung đột.

Hai là, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tồn tại các vấn đề như tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tranh giành quyền lợi biển.

Mỹ tăng cường bố trí quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm gia tăng sức ép quân sự đối với một số nước, thúc đẩy những nước này đẩy nhanh phát triển sức mạnh quân sự của mình.


Tàu sân bay nguyên tử USS George Washington

Ba là, đã làm tăng sự ngờ vực giữa một số nước. Quân đội Mỹ tiến hành “bố trí tiền duyên” ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc điều động tập trung các loại vũ khí tiên tiến, còn tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với một số nước đồng minh, biến họ thành căn cứ tiền duyên để Mỹ can dự vào các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do có Mỹ đứng sau, những nước này sẽ thừa cơ phát triển sức mạnh quân sự và mở rộng lợi ích của họ, điều này sẽ làm sâu sắc hơn sự ngờ vực của một số nước, không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

(vtc news)

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

>> Tàu sân bay Mỹ đã tiến vào biển Đông



Các chiến hạm thuộc nhóm tác chiến biên đội tàu sân bay số 1 và Hải quân Singapore đã tiến hành diễn tập tác chiến không hải quân trên Biển Đông.

Không quân hạm và tàu sân bay CVN 70.

Hoạt động diễn tập diễn ra trong 2 ngày 19-20/1, Hải quân Mỹ cho biết (*).

Trong quá trình diễn tập, 2 sĩ quan thông tin liên lạc của Hải quân Singapore lên tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và tập trung tăng cường trao đổi giữa Hải quân Singapore và Hải quân Mỹ.

Trung tá Axel Steiner, Trợ lý tác chiến của Chỉ huy Liên đội tàu khu trục số 1, phát biểu: “Mục đích chính của cuộc diễn tập là để tăng cường phối hợp tác chiến với đối tác quan trọng trong khu vực và tăng cường hợp tác giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Singapore. Singapore hiện có lực lượng hải quân rất hùng mạnh và tinh nhuệ”.

>> Điểm mặt những chú 'sư tử biển' của Hải quân Singapore
Hải quân Mỹ đang duy trì sự hiện diện tiền phương mạnh mẽ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sử dụng cả hai lực lượng hải quân triển khai tiền phương ở Nhật Bản và Guam, cũng như lực lượng triển khai thay quân luân phiên từ lục địa Mỹ và Hawaii.


Không quân hạm và tàu sân bay CVN 70.


Nhóm tác chiến biên đội tàu sân bay số 1 được chính thức thành lập ngày 1/10/2009; và tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) và tàu tuần dương Bunker Hill (CG 52) đã tiến hành các hoạt động khắc phục thiên tai và cứu trợ nhân đạo tại Haiti năm 2010.

Đây là lần Mỹ triển khai tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106). Đồng thời, đây cũng là lần triển khai đầu tiên của tàu USS Bunker Hill (CG 52) kể từ khi hiện đại hóa thành tàu tuần dương.

Kể từ năm 2005, đây là lần triển khai đầu tiên của tàu sân bay Mỹ CVN 70 đến khu vực đảm trách của Hạm đội 7 kể từ năm 2005.

(*) Các lực lượng tham gia cuộc diễn tập gồm: Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106), USS Gridley (DDG 101) và tàu tuần dương USS Bunker Hill (CG 52) cùng với Liên đội không quân hạm số 17. Về phía Hải quân Singapore, có: RSS Stalwart, RSS Tenacious, RSS Valour, RSS Vigour, RSS Brave, RSS Chieftain và 3 máy bay Fokker 50, nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng hải quân.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang