Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

>> Việt Nam nhận 2 hệ thống Bastion/Yakhont và trang bị BrahMos cho Su-30MK2



Với Bastion và tên lửa Yakhont, Trường Sa trở thành mục tiêu khó gặm đối với Trung Quốc. Việt Nam có thể đã nhận được 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion dùng tên lửa Yakhont. Sau Việt Nam, Indonesia, Syria, Venezuela và Iran cũng muốn mua tên lửa này - Bản tin P2 của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga).



Ngày 21.5.2010, Việt Nam đã nhận được hệ thống đầu tiên trong số các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion sử dụng tên lửa Yakhont đã đặt mua. Chưa rõ đã diễn ra việc bàn giao chính thức hay chưa.






Dư luận từ lâu đã bàn tán về việc cung cấp hệ thống Bastion cho Việt Nam. Những đồn đoán càng nhiều sau khi tạp chí Kanwa số tháng 12.2009 khẳng định hệ thống Bastion đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trước cuối năm 2009.

Qua những bàn tán đó, có thể phỏng đoán là việc chuyển giao cho đến nay chưa được thực hiện, nhưng dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian gần nhất vì dư luận cho rằng, Việt Nam đang hoặc đã chuẩn bị tới 7 khu vực triển khai các hệ thống này, trong đó dự đoán có 2 ở Hải Phòng.

Tháng 12.2009, Kanwa dựa vào nguồn tin trong ngành công nghiệp Nga cho biết, Việt Nam từ năm 2009 sẽ bắt đầu nhận hệ thống tên lửa bờ biển trang bị tên lửa Yakhont và bình luận rằng, đây là lần đầu tiên biến thể triển khai trên bộ của Yakhont được xuất khẩu. Kanwa cũng nói rằng, dường như Indonesia đã mua một số tên lửa chống hạm Yakhont triển khai trên hạm để thử nghiệm, song không nêu rõ chi tiết.

Theo Kanwa, Việt Nam đã đặt mua tổng cộng 12 bệ phóng, mỗi bệ mang 6 tên lửa hành trình siêu âm Yakhont (? ). Mỗi hệ thống được trang bị 1-2 radar phát hiện-điều khiển tên lửa ngoài đường chân trời Monolit-B. Radar này cũng có thể nhận các tín hiệu từ radar Mineral-ME và các trực thăng chỉ huy/báo động sớm Ка-31.

Tạp chí này cũng cho hay, 8 máy bay tiêm kích Su-30МК2 dành cho hải quân mà Việt Nam đặt mua tháng 1.2009 cũng sẽ được trang bị tên lửa Yakhont do liên doanh Nga-Ấn BrahMos ASM sản xuất, mặc dù hợp đồng chính thức còn chưa được ký kết.



Biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos sẽ được trang bị cho Su-30MK2 của Việt Nam

Xác nhận cho những đồn đoán này là bức ảnh chụp được ngày 21.5.2010 tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh chụp con tàu biển được cho là chở 6 xe chiến đấu của Bastion, tức là hệ thống Bastion đầu tiên. Bản thân các xe này cũng bị chụp ảnh cả ở cảng và trên đường di chuyển.



Như vậy, P. 2 cho rằng, việc chuyển giao hệ thống Bastion đầu tiên đã diễn ra bởi vì Việt Nam thường không công bố thông tin về việc chính thức tiếp nhận vũ khí trang bị. Cần cho rằng, việc tiếp nhận này đã diễn ra hoặc sắp diễn ra trong vài ngày tới.

Song một bức ảnh đăng trên mạng của Việt Nam vào cuối tháng 6.2010 cho thấy rằng, Việt Nam đã nhận được cả 2 hệ thống tên lửa chống hạm Bastion đặt mua của Nga.




Biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos sẽ được trang bị cho Su-30MK2 của Việt Nam





Việt Nam cần Bastion làm gì?
Kanwa cho rằng, các tên lửa chống hạm siêu âm nhập khẩu sẽ tăng cường mạnh mẽ hệ thống phòng thủ bở biển của Việt Nam. Khi được triển khai ở gần các thành phố ven biển ở miền Bắc Việt Nam, ví dụ như Hải Phòng, hệ thống có thể phong tỏa căn cứ hải quân Tam Á của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Hiện chưa rõ là liệu các tên lửa chống hạm Yakhont mà Việt Nam mua có thể tiêu diệt các tàu chiến đang neo đậu ở cảng hay không, nhưng theo một công trình sư tên lửa chống hạm BrahMos, điều đó không phải là vấn đề. Để làm việc đó, chỉ cần sửa đổi phần mềm và chế độ làm việc của đầu tự dẫn bởi vì tên lửa đa năng BrahMos vốn có khả năng tấn công mọi mục tiêu tàu nổi neo đậu ở cảng.

Đối với hải quân Trung Quốc, thông tin về việc Việt Nam mua Yakhont có nghĩa là các tàu sân bay và tàu nổi cỡ lớn đóng tại căn cứ Tam Á ở Hải Nam không còn được bảo vệ đủ vững chắc nữa.

Nguồn tin trong ngành đóng tàu Nga nói với Kanwa rằng, mặc dù Yakhont và BrahMos sử dụng các máy tính trên khoang và phần mềm khác nhau, nhưng Yakhont không nằm trong danh sách vũ khí được phép bán cho Trung Quốc.

Hiện Hải quân Việt Nam đã có trong trang bị các hệ thống tên lửa bờ biển Redut và Rubezh, nay có thêm cả Bastion. Quần đảo Trường Sa đã trở thành khúc xương khó gặm đối với Trung Quốc.

Lịch sử hợp đồng Bastion
Tháng 8.1999, Phó Tổng giám đốc hãng NPO Mashinostroenie Viktor Tsarev đã thông báo với báo chí rằng, hãng của ông đã hoàn tất phát triển tên lửa chống hạm Yakhont và đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu với một nước ngoài.

Tháng 1.2006, báo chí đưa tin, NPO Mashinostroenie vào đầu năm 2006 đã ký được hợp đồng cung cấp 2 hệ thống Bastion cho Việt Nam, kèm theo 16 tên lửa và toàn bộ cơ sở hạ tầng. Việc cung cấp được ấn định vào năm 2007.

Tháng 11.2006. Giám đốc Cơ quan Hợp tác KTQS Liên bang Nga Mikhail Dmitriev cho biết, hiệp định với Việt nam về hỗ trợ kỹ thuật sản xuất tên lửa chống hạm Yakhonttrị giá khoảng 300 triệu USD đang được chuẩn bị.

Tháng 8.2009, Tổng Giám đốc, Tổng công trình sư tập đoàn NPO MashinostroenieAleksandr Leonov tiết lộ với báo chí rằng, các nhà máy sản xuất Yakhont và BrahMos “đang làm việc hết công suất”. Theo ông, hàng năm có “nhiều chục quả tên lửa chống hạm Yakhont được sản xuất”.

Tháng 8.2009, có tin Bastion đã thực hiện các cuộc bắn thử thành công và đang được chuẩn bị để chuyển sang Việt Nam.

Tháng 9.2009, có tin khẳng định sự tồn tại của hợp đồng bán 2 hệ thống Bastion cho Việt Nam, nhưng phỏng đoán việc chuyển giao còn chưa được thực hiện.

Tháng 10.2009, có tin nói rằng, Nga và Belarú bắt đầu chuyển giao 1 hoặc 2 hệ thống đã đặt mua vào năm 2005, đồng thời cũng nói rằng có cả các khách hàng khác, nhưng Việt Nam là khách hàng đầu tiên.

Các hợp đồng khác mua Yakhont
Tháng 5.2001, báo chí Nga dẫn nguồn tờ Times của Anh đưa tin về các cuộc đàm phán cung cấp Yakhont cho Iran trong chuyến thăm Nga của TT Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Tháng 10.2008, Tư lệnh Hải quân Indonesia tuyên bố rằng, “Hải quân Indonesia rất muốn mua bằng tiền mặt (không phải bằng tín dụng) các tên lửa chống hạm Yakhont.

Trước đó, vào tháng 7.2008, có tin nói về chuyến thăm Moskva khẩn cấp của Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) do Nga có kế hoạch bán cho Indonesia các tên lửa chống hạm không được nêu tên, điều mà theo DRDO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường của tên lửa BrahMos. Báo chí cho biết, các cuộc đàm phán với Indonesia cho đến thời điểm đó đã diễn ra được 3 năm.

Tháng 10.2009, xuất hiện thông tin nói rằng, Indonesia đã nhận được một số lượng chưa xác định tên lửa Yakhont.

Tháng 9.2009, có tin nói rằng, Venezuela có thể mua các hệ thống Bastion.

Tháng 10.2009, báo chí Israel đưa tin nói rằng, Nga “đã đồng ý bán” cho Syria một lô tên lửa Yakhont trong khuôn khổ thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga tại quân cảng Tartus P. 2 cho rằng, việc cung cấp Yakhont cho Syria là rất có khả năng, còn cho Iran là cực kỳ khó xảy ra.

[Vietnamdefence. news]


Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

>> “Lá chắn phòng thủ tên lửa tại châu Âu không đe dọa Nga”



Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Michael Mullen khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ và NATO dự định triển khai tại châu Âu sẽ không đe dọa Nga.



Đô đốc Mullen nhấn mạnh, hệ thống này sẽ chỉ được sử dụng để bảo vệ các đối tác của Mỹ chống lại mối đe dọa tên lửa tiềm tàng từ các thể chế nguy hiểm “chẳng hạn như Iran”. Hôm 06/5, quan chức quân sự cấp cao này của Mỹ đã gặp người đồng cấp Nga, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang kiêm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Đại tướng Nikolai Makarov.

Đô đốc Mullen nói thêm, đây là quan điểm của chính phủ Mỹ. Ông đưa ra tuyên bố này trong cuộc hội đàm tại Bảo tàng Hải quân Trung ương ở St. Petersburg.



Đô đốc Michael Mullen và đại tướng Nikolay Makarov (Ảnh RIA Novosti)


Tuy nhiên, Đại tướng Nikolai Makarov nhấn mạnh, bất đồng giữa hai nước vẫn còn về mối đe dọa tiềm tàng rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mới có thể đe dọa lực lượng hạt nhân chiến lược của Moscow. Nhưng theo ông hai bên có thể đạt được sự nhất trí về một số điểm nếu họ “để ý đến những nguyên tắc chung và có quan điểm mang tính đột phá”.

Trong tuần này, Đại tướng Nikolai Makarov cho biết thỏa thuận giữa Washington và Bucharest về việc triển khai các tên lửa đánh chặn của Mỹ trên lãnh thổ Romania vào trước năm 2015 đạt được trước khi có sự nhất trí giữa Nga và NATO về phòng thủ tên lửa.

Trước đó, Moscow khẳng định rằng NATO phải cung cấp sự đảm bảo rằng hệ thống lá chắn của họ không chống lại lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Hôm 06/5, các quan chức quân sự cấp cao Mỹ và Nga cũng đã thảo luận về hợp tác quân sự giữa Moscow và Washington cũng như tình hình tại thế giới Ả Rập và Bắc Phi. Họ cũng đã kí kết bản ghi nhớ về hành động chung chống khủng bố. Theo đô đốc Mullen, việc trao đổi thông tin là cần thiết trong cuộc cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố.

Chuyến công du của đô đốc Mullen sẽ kéo dài cho tới hôm nay (07/5). Theo lịch trình, phái đoàn Mỹ sẽ tới thăm tàu hộ tống Steregushchy và tàu ngầm St. Petersburg tại căn cứ hải quân Leningrad.

[Vitinfo news]


>> Mỹ đột kích chỉ huy Al-Qaeda



Phi cơ không người lái của Mỹ hôm qua tấn công nhằm tiêu diệt một chỉ huy cao cấp của Al-Qaeda tại Yemen nhưng bất thành, chỉ ít ngày sau vụ biệt kích bắn chết trùm tổ chức khủng bố này là Bin Laden.





Anwar al-Awlaki đang chỉ huy chi nhánh của al Qaeda trên bán đảo Ảrập. Ảnh: AP.


BBC dẫn lời Bộ Quốc phòng Yemen cho biết, máy bay Mỹ bắn tên lửa vào một chiếc xe hơi chở hai người đàn ông tại tỉnh Shabwa. Giới chức Mỹ thì tiết lộ với kênh truyền hình CBS rằng mục đích của vụ oanh kích là tiêu diệt Anwar al-Awlaki, một trong những thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất trong Al-Qaeda.

Nhưng cảnh sát Yemen xác định al-Awlaki không ngồi trong chiếc xe. Hai người đàn ông thiệt mạng vì tên lửa bắn là anh em ruột và đều là chỉ huy cấp trung của mạng lưới Al-Qaeda. Các nguồn tin khác cho biết, máy bay không người lái bắn 3 tên lửa vào chiếc xe của al-Awlaki ngày 5/5, nhưng không trúng. Sau đó ông ta đổi xe cho hai anh em và họ đã bị giết trong cuộc tấn công hôm qua.

Hồi tháng 5/2010, máy bay Mỹ từng bắn vài quả tên lửa vào một xe hơi vì tưởng al-Awlaki ngồi trong đó, song người thiệt mạng là một phái viên của tổng thống Yemen. Tháng 9 cùng năm, Ngoại trưởng Yemen tuyên bố những vụ tấn công bằng phi cơ không người lái của Mỹ sẽ không được phép thực hiện nữa.

Anwar al-Awlaki sinh tại Mỹ là một giáo sĩ cấp tiến người Yemen được coi là "gian ác" hơn cả trùm khủng bố Osama bin Laden mới bị tiêu diệt. Hiện ông ta đứng đầu chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Ảrập và là chi nhánh thực hiện nhiều vụ khủng bố nhất của Al-Qaeda.

Trước đó vài ngày, biệt kích Mỹ đã âm thầm từ Afghanistan sang đột kích khu nhà tại thị trấn Abbottabad của Pakistan, tiêu diệt Osama bin Laden, mà không thông báo cho giới chức nước chủ nhà. Sau đó Mỹ đưa xác Bin Laden ra biển Ảrập để thuỷ táng và không cho công bố các bức ảnh liên quan. Vụ đột kích đang gây chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan.


[BDV news]


>> Peru tiếp tục nhận trực thăng từ Nga



Do điều kiện địa lý, máy bay trực thăng của Nga luôn là vũ khí được ưa thích của các quốc gia Nam Mỹ.



Không quân Peru sẽ nhận thêm 3 trực thăng chiến đấu từ Nga trong tuần tới. Những máy bay trực thăng này được sử dụng để chống khủng bố và các băng nhóm buôn lậu ma túy.

Tháng 7/2010, bộ quốc phòng Peru và tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport đã ký hợp đồng mua 6 chiếc trực thăng vận tải Mi-171Sh Hip và 2 chiếc trực thăng chiến đấu Mi-35P Hind E. Hợp đồng này có trị giá lên tới 107,9 triệu USD.

“Ba máy bay trực thăng mới của Nga sẽ tới Peru vào ngày 9 và 10/5, sau đó sẽ thực hiện các nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy tại thung lũng song Apurimac và Ene”, bộ trưởng bộ quốc phòng Peru Jaime Thorne tuyên bố. Theo kế hoạch, 3 chiếc trực thăng còn lại sẽ được bàn giao cho Peru vào cuối năm nay.



Điều kiện địa lý của Peru khiến cho máy bay trực thăng từ Nga trở thành những phương tiện chiến đấu thuận lợi nhất.


Peru cùng Columbia và Bolivia những quốc gia được coi là “vùng sản xuất ma túy lớn” tại Nam Mỹ. Tháng 8/2009, vùng lưu vực sông Apurimac và Ene được đưa vào tình trạng báo động quân sự khi chiến sự ác liệt giữa quân chính phủ và quân du kích “con đường sáng” xảy ra. “Con đường sáng” là tên của lực lượng du kích có mối quan hệ mật thiết với những băng nhóm buôn lâu ma túy. Nhóm du kích này được Mỹ và các nước phương Tây liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nguy hiểm.

[BDV news]


>> Trung Quốc và liên minh tập trận chống khủng bố



Trung Quốc, Kyrgyzstan và Tajikistan - các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đã tổ chức một cuộc diễn tập chống khủng bố quy mô lớn tại Kashi, thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, hôm qua.





Mang tên "Tianshan-II (2011)", cuộc tập trận có sự tham gia của các lực lượng an ninh và các nhà lập pháp từ 3 nước, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt khủng bố ở vùng biên giới.


Cuộc diễn tập bao gồm 3 phần: quyết định và chỉ huy, giải thoát con tin và thu dọn hiện trường.


Nhằm tăng cường khả năng đối phó với khủng bố dưới mọi hình thức, cuộc diễn tập được tiến hành khi ba thế lực: khủng bố, ly khai và cực đoan đang cấu kết với lực lượng East Turkistan hoành hành ở vùng biên giới trong những năm gần đây.


Phát ngôn viên văn phòng chống khủng bố quốc gia của Trung Quốc cho hay các lực lượng này đang chờ thời cơ để gây rối loạn vùng biên giới và luôn là một mối đe dọa chung với các nước thành viên SCO.


Đây là cuộc tập trận chống khủng bố thứ hai mà Trung Quốc tham dự trong khuôn khổ SCO.


Tháng 8/2006, các cơ quan hành pháp và lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc và Kazakhstan cũng tổ chức một cuộc tập trận chống khủng bố ở Tân Cương.


Được thành lập tại Thượng Hải năm 2001, SCO bao gồm 6 nước thành viên: Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.


Meng Hongwei, Chủ tịch Ủy ban chống khủng bố khu vực thuộc SCO, tuyên bố cuộc diễn tập đã diễn ra thành công tốt đẹp.


Meng Hongwei, cũng là Thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, cho biết cuộc diễn tập minh chứng sự quyết tâm và khả năng của ba nước nói riêng và SCO nói chung, trong việc chiến đấu chống lại 3 thế lực thù địch: khủng bố, ly khai và cực đoan trong khu vực.


Ông Meng cũng bổ sung rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi và hợp tác với các nước SCO để đảm bảo an ninh và ổn định cho mọi nước thành viên và cả khu vực nói chung.


Các binh lính đặc nhiệm diễn tập đột nhập vào một ngôi nhà giả định có khủng bố.


Những tên khủng bố giả định bị tóm gọn.


Lính đặc nhiệm di chuyển trên một chiếc xe quân sự đặc biệt.


Những cỗ xe tham gia cuộc diễn tập.


Khói lửa bùng lên tại bãi tập với tình huống giải thoát con tin trên một xe buýt.


Một lính đặc nhiệm với trang phục che kín mặt.




[BDV news]


>> Chiến hạm Nga thăm Đà Nẵng



10h sáng nay (7/05/2011), tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), bắt đầu chuyến thăm và giao lưu tại thành phố này.






Tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương thăm Đà Nẵng. Ảnh: Minh Nhật.


Đội tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương do Trung tá hải quân Kovalev Ivan Alexandrovich làm chỉ huy. Theo lịch trình, từ ngày 7/5 đến 11/5, chỉ huy, sĩ quan, thủy thủ đoàn sẽ tổ chức thi đấu bóng chuyền hữu nghị với đội bóng của Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân và tham quan một số danh lam thắng cảnh của thành phố Đà Nẵng…

Đặc biệt, vào ngày 9/5 sẽ diễn ra lễ bàn giao bia tưởng niệm các quân nhân Nga hy sinh tại Việt Nam và lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố Đà Nẵng do Công ty Vietsovpetro và phía Nga tổ chức.


Thủy thủ trên tàu sẽ có các hoạt động giao lưu với các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân. Ảnh: Minh Nhật.


Chuyến thăm lần này của tàu Hải quân Nga góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, quân đội hai nước nói riêng.

Cụm tàu này vừa hoàn tất chuyến hộ tống an ninh cho các tàu hàng Nga tại khu vực châu Phi trở về.

[Vnexpress news]


Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc: 'Chiến tranh nhân dân đã lỗi thời'



Theo quan điểm thống nhất chung của giới lãnh đạo Trung Quốc, một quốc gia mạnh không thể tồn tại mà không có một quân đội hùng mạnh và hiện đại.



Theo Chính phủ Trung quốc, khái niệm chiến tranh nhân dân đã không còn khả năng bảo vệ vững chắc nên an ninh quốc gia cũng như đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, khái niệm này so với thời đại chiến tranh công nghệ cao hiện nay đã trở nên lỗi thời và không đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ đất nước.

Hiện nay trong biên chế của lực lượng vũ trang Trung quốc có tới 2.300.000 binh sỹ. Hàng năm chính phủ Trung Quốc đã dành một khoản ngân sách khổng lồ chi cho hiện đại hoá quân đội trong đó tập trung cho huấn luyện binh lính và trang bị vũ khí hiện đại, với mục tiêu “sẵn sàng đương đầu với bất kỳ các cuộc tấn công quy mô lớn và nguy cơ đe doạ đến nền anh ninh quốc gia, chủ quyền của trung Quốc”.

Chính phủ Trung Quốc muốn hướng đến phát triển một quân đội hiện đại, trước những nguy cơ đe doạ bằng chiến tranh công nghệ cao, không chỉ là các loại vũ khí siêu hiện đại phá huỷ trực tiếp mà cả những cuộc chiến tranh mạng, chiến tranh kỹ thuật số.

Trung Quốc cho rằng những nguy cơ đó mới đáng lo ngại vì vậy đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo tinh nhuệ về chiến tranh vũ trụ, tập trung đào tạo lực lượng hải quân, lực lượng vệ tinh - định vị, và đặc biệt là lực lượng chiến tranh mạng.

Để đáp ứng với yêu cầu này, Chính phủ Trung Quốc cho rằng cần phải xác định cả các nhiệm vụ cụ thế khác của từng lực lượng trong quân đội, cần phải xác định nhiệm vụ nhất quán không chỉ sẵn sàng chiến đấu trên chiến trường quân sự mà còn trong cả lĩnh vực chính trị.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang hiện đại của Trung Quốc cũng đặt ra kế hoạch sẵn sàng đẩy lui và xoá sổ các âm mưu khủng bố, ý đồ phá hoại cũng như các hoạt động lật đổ để bảo vệ sự ổn định và hòa hợp của xã hội.




Trước nguy cơ gia tăng xung đột trên thế giới, Trung Quốc đã đẩy nhanh hiện đại hoá quân đội.


Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng quốc phòng, phê chuẩn nguồn ngân sách khổng lồ chi cho việc hiện đại hoá quân đội Trung Quốc với việc tăng thêm 12,7 % chi phí ngân sách quân sự.

Theo đó, ngân sách quân sự hiện có của Trung Quốc vào khoảng 601 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 66 tỷ euro. Một con số đáng kinh ngạc, khiến nhiều quốc gia phải sửng sốt.

Theo giới chuyên gia phân tích quân sự trên thế giới, với con số này, Trung Quốc đã đứng vào vị trí thứ hai trên thế giới về ngân sách chi cho các hoạt động quân sự trong năm 2011. Trong đó, 1/3 ngân sách sẽ được chi cho việc đào tạo binh lính và mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại cũng như đầu tư chế tạo vũ khí.

Ngoài tập trung phát triển quân sự, Trung Quốc còn bổ sung chi phí hỗ trợ các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc, cũng như hỗ trợ cuộc chiến chống cướp biển.

Trong những năm gần đây, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động chống cướp biển Somalia. Hoạt động này đã giúp quân đội Trung Quốc tích luỹ thêm kinh nghiệm, nâng cao khả năng chiến đấu. Cụ thể, vào tháng 12/2010 hải quân của Trung Quốc đã gửi 7 tàu chiến để hộ tống an toàn 3.139 tàu chở hàng.

Trung Quốc luôn theo dõi mọi diễn biến tại các điểm nóng trên toàn cầu. Tình hình đang diễn ra cũng khiến Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc có thể mất hàng loạt hợp đồng với các quốc gia tại các khu vực này lên tới 20 tỷ USD. Những gì đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông khiến Trung Quốc ngày càng giành nhiều sự quan tâm cho việc phải đẩy nhanh hiện đại hoá quân đội.

Theo Tổ chức quốc tế Heritage Foundation, trong tháng 12/2010, lượng tài chính của Trung Quốc đổ vào các nước thuộc thế giới Arab ước tính khoảng 37 tỷ USD, ở các quốc gia châu Phi lên tới 43 tỷ USD, tại Tây Á - 45 tỷ USD, còn ở Đông Nam Á - 36 tỷ USD, ở khu vực Thái Bình Dương - 61 tỷ USD và ở châu Âu - 34 tỷ USD.

Rõ ràng, việc bảo vệ các kênh đầu tư thương mại trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng chính trị leo thang tại những điểm nóng này cũng nằm trong phạm vi và nhiệm vụ quốc phòng mà sách trắng của Trung Quốc đề cập đến.


Việc Trung Quốc đầu tư mạnh cho quân sự khiến nhiều quốc gia phải lo ngại.


Sự khác biệt chính trong lần công bố Sách trắng quốc phòng lần này là đề cập đến các nhân tố xấu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng phát triển quốc phòng của Trung Quốc, điều này cũng khiến Trung Quốc lo ngại về gia tăng các nguy cơ rủi ro cho nền an ninh Trung Quốc.

Song song là sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh quân sự trên thế giới. Nhiều nước đang tích cực theo đuổi và áp dụng chiến lược toàn cầu, mở rộng phạm vị chiến trường ra cả không gian và các vùng cực. Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại bởi sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hàng loạt các động thái tăng cường liên minh quân sự và can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực với nhiều vẫn đề như cuộc xung đột ở hai miền Triều Tiên cho đến tình hình tại Afghanistan…

Với những thực tế này, Trung Quốc cần phải xây dựng một “vũ khí” riêng. Mới đây, Trung Quốc liên tục tiền hành nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm các loại vũ khí tối tân và trang bị thêm nhiều máy bay hiện đại, tàu hỗ tống, tàu ngầm và tàu khu trục, hơn nữa còn tăng cường công tác đào tạo huấn luyện binh lính, tăng cường số quân.

Mặc dù Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng khá kín đáo tuy nhiên cũng thông qua đây Trung Quốc cũng muốn thị uy sức mạnh quân sự, tạo ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, và ngầm cảnh báo với một số nước đang đối đầu với Trung Quốc.

[BDV news]


>> Các loại bom uy lực trong thế chiến 2



Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bom được cho là vũ khí chiến đấu hiệu quả nhất, và cuộc chiến này giống như một cuộc chạy đua của các loại bom.



Dưới đây là một số "vận động viên" trong cuộc đua đó:

Tallboy và Grand Slam: bom mạnh nhất trong Thế chiến 2
Tallboy và Grand Slam là hai quả bom do kỹ sư thiết kế máy bay ném bom người Anh Barney Uellis chế tạo thành công vào năm 1942.

Là một kỹ sư hàng không nhưng Barney Uellis ít được biết đến trong vai trò này và không để lại nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, ông trở nên nổi tiếng khi trở thành tác giả của các loại bom mạnh nhất Thế chiến 2.

Những kinh nghiệm và kiến thức về khí động học đã cho phép ông chế tạo thành công loại bom có sức công phá khủng khiếp Tallboy vào năm 1942.



Bom Tallboy và Grand Slam của Anh.


Nhờ việc thiết kế theo mô hình khí động học mới, quả bom Tallboy đã nhanh chóng đạt được tốc độ và thậm chí đã vượt qua cả những rào cản âm thanh. Được ném xuống từ độ cao hơn 4 km, Tallboy có thể xuyên thủng khối bê tông dày 3 m và khoan sâu vào lòng đất tới 35 m, sau vụ nổ Tallboy để lại trên mặt đất một hố sâu có đường kính lên tới 40m.

Chính vì vậy, hai lần quân đồng minh đã sử dụng những quả bom Tallboy để tấn công vào các mục tiêu kiên cố của Đức. Loại bom này còn đánh hỏng thiết giáp hạm Tirpitz của Đức, khi đang hoạt động trong vịnh Na Uy. Theo thống kê, trong cuộc chiến này, phe đồng minh đã sử dụng hơn 854 quả bom Tallboy để tấn công các mục tiêu của quân đội Đức.

Thành công này đã khiến nhà chế tạo Barney Uellisu trở nên nổi tiếng, từ đó, ông tiếp tục cho ra đời bom Grand Slam có sức công phá tương đương thậm chí còn mạnh hơn cả Tallboy, vào năm 1943. Grand Slam được phát triển dựa trên thiết kế của Tallboy, điểm khác biệt của loại bom này là có thể xuyên thủng và phá huỷ mục tiêu được che chắn bởi lớp bê tông dày 7m.

Sau chiến tranh, bom Grand Slam tiếp tục được trang bị và phục vụ trong Không quân Hoàng gia Anh, tuy nhiên lực lượng này sử dụng Grand Slam ít dần vì chi phí chế tạo quá cao.

Hiện, Không quân Hoàng gia chỉ còn lại những bản sao của Grand Slam như bom Halifax và Lancaster.

Grand Slam có trọng lượng: 5,4 tấn; Khối lượng thuôc nổ: 2,4 tấn; Bom có chiều dài: 6,35 m; Đường kính lên tới 0,95 m

Fritz-X: bom có điều khiển đầu tiên trên thế giới
Vào năm 1943, trước sức tàn phá của máy bay ném bom của quân đồng minh, Đức đã ngay lập tức đáp trả bằng việc nghiên cứu và chế tạo thành công bom có điều khiển Fritz-X.


Bom Fritz-X của Đức.


Sở dĩ, Fritz-X được gọi là bom có điều khiển nhờ tích hợp hệ thống dẫn đường FuG 203/230. Thông qua hệ thống này, người điều khiển có thể tấn công chính xác mục tiêu của đối phương.

Trong Thế chiến 2, song song với việc phe đồng minh nhanh chóng phát triển các loại vũ khí mới thì người Đức cũng đã đẩy mạnh việc sản xuất các loại bom thông minh hơn.

Bom có trọng lượng: 1,362 tấn; Khối lượng thuốc nổ: 320kg; Fritz-X có chiều dài : 3,32m; Đường kính: 0,84m;

Ngoài ra, phải kể tới bom chùm SD Schmetterling của người Đức, được chế tạo thành công vào năm 1939. Đây là loại bom có sức phá huỷ lớn và bán kính sát thương rộng. Bề ngoài của SD2 Schmetterling là một quả bom cỡ lớn, tuy nhiên bên trong là hàng trăm quả bom con cỡ nhỏ.

Bom chùm đã được chứng minh khả năng phá huỷ hiệu quả tại chiến trường châu Âu và Bắc Phi những năm trước đó. Không quân Đức cũng đã sử dụng bom chùm cassette SD2, có chứa 108 quả bom nhỏ để phá huỷ các mục tiêu của quân đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2.

[BDV news]


>> Tính năng của tiêm kích Su-35



Su-35 là máy bay tiêm kích đa năng siêu cơ động hiện đại hóa thế hệ 4++.






Su-35S sản xuất loạt bay thử lần đầu tiên (knaapo.ru)


Su-35 sử dụng các công nghệ của tiêm kích thế hệ 5, cho phép nó có ưu thế vượt trội so với các máy bay cùng loại

Công ty Sukhoi đã bắt đầu thử nghiệm bay cho tiêm kích đa năng Su-35S sản xuất loạt đầu tiên. Máy bay đã cất cánh từ sân bay của Liên hiệp sản xuất máy bay mang tên Gagarin ở Komsomolsk trên sông Amur (KnAAPO).

Trong vòng 1,5 giờ, máy bay đã thử các chế độ làm việc khác nhau của động cơ và hệ thống điều khiển, kiểm tra các đặc tính ổn định và khả năng điều khiển máy bay.

Kết quả thử nghiệm cho thấy các động cơ, các hệ thống và thiết bị đều hoạt động tốt. Người lái máy bay là phi công thử nghiệm công huân Nga Sergei Bogdan. Ông cũng là người lái mẫu chế thử Su-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 19.2.2009.


Sử dụng các công nghệ của tiêm kích thế hệ 5, Su-35 có ưu thế vượt trội so với các máy bay cùng loại (knaapo.ru)


Lịch sử:

- Do Viện thiết kế OKB Sukhoi phát triển dựa trên Su-27.

- Chuyến bay đầu tiên: 1988.

- Bắt đầu sản xuất loạt: 1995.

- Nửa cuối thập niên 1990, chương trình bị đình hoãn.

- Nối lại sản xuất (biến thể cải tiến): 2006.

- Chuyến bay đầu tiên: 2008.

- Biến thể dành cho Không quân Nga có ký hiệu Su-35S. Đến năm 2015, Không quân Nga sẽ nhận được 48 chiếc Su-35S.

Máy bay tiêm kích siêu cơ động Su-35

- Thế hệ: 4++

- Tổ lái: 1 người.

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 34,5 tấn.

- Tốc độ tối đa (ở độ cao lớn): 2.500 km/h.

- Tầm bay: 3.600 km.

- Trần bay thực tế: 18 km.

- Kích thước: Chiều dài x chiều cao x sải cánh, m: 21,9 x 5,9 x 14,7.

Vũ khí:

- Tải trọng chiến đấu: đến 8 tấn.

- 12 điểm treo vũ khí.

- 1 pháo 30 mm.

- Các vũ khí không-đối-không và không-đối-diện có hiệu quả cao.

Những đặc điểm chính:

- Khả năng siêu cơ động.

- Hệ thống thiết bị avionics dựa trên hệ thống thông tin-điều khiển số.

- Radar có tầm phát hiện xa, cho phép bám và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu hơn.

- Động cơ có điều khiển vector lực kéo, công suất lớn. Độ bộc lộ radar nhỏ.

[VietnamDefence news]


>> Tên lửa chống tăng mới Karakal



Belarus đã ký hợp đồng đầu tiên bán các hệ thống tên lửa cơ động mới Karakal, Chủ tịch Ủy ban công nghiệp quốc phòng nhà nước Belarus, ông Sergei Gurulev cho hay.



“Hệ thống này do Belarus và Ukraine sản xuất, song nền tảng là Belarus”, - ông Gurulev nói, nhưng không tiết lộ khối lượng bán, giá trị và khách hàng.

Hệ thống Karakal lắp trên ô tô bọc thép nhẹ, gồm 2 khoang tách biệt, một dành cho kíp xe gồm 2 người, 1 cho module chiến đấu.




Hệ thống tên lửa chống tăng Karakal (armyrecognition.com)


Trong thành phần của Karakal gồm có bệ phóng lắp 4 tên lửa chống tăng sẵn sàng phóng. Karakal đã được công ty Beltech của Belarus trưng bày tại triển lãm vũ khí IDEX-2011 diễn ra ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 2.2011. Hợp đồng xuất khẩu đầu tiên đã được ký chính tại đây.

Tại triển lãm, một đại diện của Beltech cho biết, Karakal được chế tạo dựa trên hệ thống tên lửa chống tăng mang vác Skif.

Khi trang bị đầy đủ, hệ thống có thể mang tới 12 tên lửa chống tăng và một hệ thống nạp đạn tự động.

Tại IDEX-2011, Belarus cũng tìm được khách hàng cho hệ thống tên lửa chống tăng Skif. Dự kiến, hợp đồng bán Skif sẽ được ký vào tháng 9.2011. Khách hàng mùa Skif vẫn chưa được tiết lộ.

Tên lửa chống tăng Skif dẫn bằng tia laser, tự động bám mục tiêu. Hệ thống cũng được trang bị khí tài ảnh nhiệt, cho phép tác chiến ban đêm. Skif có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm từ 100 m đến 5.000 m ban ngày và từ 100 m đến 3.000 m ban đêm. Tên lửa Skif có đường kính 130 mm.

[VietnamDefence news]


>> Đình chỉ bay toàn bộ F-22



Bộ chỉ huy Không quân Mỹ (USAF) đã tạm dừng bay đối với tất cả các tiêm kích F-22 Raptor do các hệ thống tạo oxy trên khoang có khả năng bị lỗi.



Quyết định cấm bay toàn bộ 165 chiếc F-22 trong trang bị của USAF được đưa ra từ hôm 3.5, nhưng 2 hôm sau mới được thông báo chính thức. USAF không tiết lộ thời hạn cấm bay là đến bao giờ.

Cuối tháng 3.2011, USAF do trục trặc của các hệ thống tạo khí oxy trên khoang OBOGS đã áp đặt độ cao bay giới hạn cho F-22, khi cấm bay cao quá 7.600 m khi thực hiện các chuyến bay tập thông thường. Như vậy, trong trường hợp hệ thống tạo oxy bị hỏng, phi công vẫn còn 10 s trước khi bị ngất.





F-22 Raptor (USAF)


Khi bay ở độ cao đến 7.600 m, trong vòng 10 s, phi công sẽ kịp hạ máy bay xuống độ cao 5.400 m là độ cao có thể thở không cần mặt nạ dưỡng khí.

Quyết định hạn chế độ cao bay đưa ra tháng 3.2011 chỉ áp dụng đối với các chuyến bay tập, chứ không áp dụng đối với các máy bay F-22 thực hiện phi vụ chiến đấu.

Còn lệnh đình chỉ bay vừa ban hành thì áp dụng đối với tất cả các máy bay F-22 Raptor.


[VietnamDefence news]


>> Sứ quán Mỹ điều tra vụ bạo động Mường Nhé



Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói đang kiểm chứng thông tin nói có người chết trong vụ bạo động của người Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên.







Trong khi đó, giới phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam nói họ không được phép tới khu vực đang xảy ra sự kiện mà nhiều người cho là bất ổn sắc tộc quy mô nhất từ sau cuộc biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.

Một số nguồn tin nói với BBC rằng cho tới ngày thứ Sáu 06/05 vẫn còn đông người Hmong tụ tập tại Mường Nhé, trong khi chính quyền vẫn đang tìm cách giải tán họ.

Hôm thứ Năm, ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, được Thông tấn xã Việt Nam trích lời, nói người Hmong tụ tập từ đầu tháng ở Mường Nhé vì tin rằng "một thế lực siêu nhiên sẽ tới mang họ đến Miền Đất Hứa".

Ông nói việc một số người Hmong kêu gọi thành lập vương quốc riêng đã gây bất ổn trong khu vực và rằng sau khi được vận động một số người đã trở về nhà.

Ông Đô được dẫn lời nói chính quyền "đang tìm cách giải quyết để sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào".

Điều này cũng có nghĩa hiện sự việc chưa được giải quyết xong.

Một số tổ chức ở nước ngoài thì cáo buộc đã có thương vong trong vụ bất ổn.

Trung tâm Phân tích Chính sách Công, nhóm hoạt động ở Washington, nói 28 người Hmong thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.

BBC không kiểm chứng được thông tin này.

Tuy nhiên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ra thông cáo nói họ đang điều tra và "kêu gọi các bên liên quan không sử dụng bạo lực, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và theo đúng luật pháp Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền đã được quốc tế công nhận".

Thông tin báo chí

Sau nhiều ngày im lặng, hôm thứ Năm báo chí Việt Nam đồng loạt đăng bản tin do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp dẫn lời ông Lê Thành Đô như đã nói ở trên.

Bản tin nói "lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, kẻ xấu đã phao tin lừa bịp", kích động "gây mất trật tự, an ninh, an toàn".

Hãng thông tấn của Nhà nước Việt Nam cũng trích lời quan chức Điện Biên nói "chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống vận động, thuyết phục bà con không nên tin vào những thông tin bịa đặt lừa bịp, cùng các luận điệu sai trái đối với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước".

Không thấy có báo nào cho hay đã cử phóng viên lên Điện Biên tìm hiểu tình hình.

Một nguồn tin giấu tên nói với BBC tình hình tại Mường Nhé hiện "gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Một nguồn tin khác cho rằng "Hiện tại chính quyền cấp tỉnh của các tỉnh Tây Bắc Việt Nam có đông đảo người dân Mông sinh sống như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai... đã nhận được chỉ thị cấm người Hmong đi khỏi địa phương".

Lý do, như lời giải thích là "nhằm tránh sự liên kết và tổ chức" của họ và thời điểm nhạy cảm trước bầu cử Quốc hội 22/5.


Người Hmong ở tỉnh Điện Biên


Phóng viên nước ngoài thì than phiền bị khước từ yêu cầu tới khu vực này.

Hãng AFP khi đề đạt nguyện vọng lên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được trả lời: "Không ai lên đó cả".

Bà Nguyễn Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Báo chí, nói với hãng này: "Tình hình không tốt cho các ông lên đó", với lý do thời tiết xấu, đường xá khó khăn và quan chức địa phương đang bận việc tổ chức kỷ niệm ngày lễ chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05.

Bà Nga cũng nói tình hình Mường Nhé đã "ổn định".

Các số điện thoại của giới hữu trách ở huyện Mường Nhé đều không liên lạc được trong ngày thứ Sáu.

Tình hình phức tạp

Vụ bạo động của hàng nghìn người Hmong tại Mường Nhé bắt đầu xảy ra khoảng 30/04.

Ngoài việc đòi thành lập vương quốc riêng, được biết người Hmong còn yêu sách cải thiện tự do tôn giáo.

Mường Nhé nằm cách thành phố Điện Biên 200km, là một huyện nghèo với trên 52.000 người. Đa số người Hmong theo đạo Tin Lành.

Một người Hmong ở trong khu vực nói với BBC rằng nhiều người Hmong theo đạo một cách "cuồng tín" và tình hình tại đây rất phức tạp.

Người này không trả lời thẳng khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng vụ bạo động này có liên quan nước ngoài hay không, nhưng nói trong tiếp xúc, ông thấy những người chủ đạo đều có địa chỉ và số điện thoại của các lãnh đạo người Hmong ở ngoài.

Ông cũng nói việc đời sống khổ cực và dân trí thấp khiến cho niềm tin có phần "cực đoan".

"Họ theo đạo Vàng Chứ, nhưng mà họ cũng không biết sâu xa triết lý của đạo này."

Báo đài Việt Nam gần đây có đăng bài chỉ trích việc người dân tộc thiểu số theo đạo Vàng Chứ, mà họ gọi là một phiên bản của đạo Tin Lành "gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân miền núi".

Báo chí cũng phê phán việc lan truyền những thông tin hoang đường trong cộng đồng người Hmong về một 'Miền Đất Hứa' khiến họ lơi là cuộc sống lao động.


Các hãng thông tấn nói vụ bất ổn xảy ra tại Nậm Kè



[Theo nguồn bbc Vietnamese news]


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

>> Nâng sức chiến đấu cho MiG-21 Việt Nam sở hữu



MiG-21 là một trong những chiến đấu cơ thành công nhất trên thế giới. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ngày nay vẫn còn hơn 30 quốc gia trên thế giới (Ấn Độ, Cuba, Việt Nam, Trung Quốc…) duy trì mẫu tiêm kích ‘huyền thoại’ này.



Mặc dù vậy, trải qua thời gian dài thì công nghệ quân sự thế giới hiện tại đã tiên tiến hơn rất nhiều so với thời điểm cuối những năm 1950.

Tiêm kích hạng nhẹ MiG-21 đã trở nên lạc hậu so với thời đại, hầu hết những quốc gia có “khả năng” đều đã tìm cách mua mới thay thế MiG-21. Tuy nhiên, không ít quân đội nhiều nước vẫn phải chấp nhận sử dụng MiG-21 do nền kinh tế không cho phép thay thế đồng loạt ngay lập tức.

Vì vậy, giải pháp “nâng cấp, hiện đại hóa” MiG-21 sẽ trở thành lựa chọn kinh tế dành cho quốc gia “ít tiền”. Từ đầu những năm 1990, nước Nga (nơi “khai sinh” ra MiG-21) đã tiến hành nâng cấp MiG-21 cho Ấn Độ thành tiêu chuẩn MiG-21 Bison khá thành công. Quốc gia Đông Âu Rumani tự hiện đại hóa MiG-21 của mình theo chuẩn Lancer.






Máy bay tiêm kích MiG-21-2000.


Israel dù không trực tiếp biên chế MiG-21 trong trang bị không quân và cũng không là “cha đẻ’ MiG-21. Tuy nhiên, họ cũng tích cực tham gia nâng cấp MiG-21 với dự án mang tên MiG-21-2000.

MiG-21-2000 tập trung vào việc cải tiến buồng lái, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của MiG-21-2000 thực hiện thành công ngày 24/5/1995.

Buồng lái “thân thiện”

Các chuyên gia quân sự phương Tây luôn luôn chê MiG-21 có buồng lái khá đơn giản, chật chội, thiếu tiện nghi dành cho phi công. Điều này được các kỹ sư Israel khắc phục trên MiG-21-2000.



Buồng lái sau khi nâng cấp của MiG-21-2000.


Buồng lái được “xếp đặt” thân thiện với phi công, nó được trang bị màn hình hiển thị trước mắt (HUD), màn hình màu đa chức năng, thanh điều khiển HOTAS, cặp thiết bị bán dẫn camera.

Đặc biệt, MiG-21-2000 trang bị hệ thống tín hiệu hiển thị trên mũ phi công (DASH). Thiết bị này hiển thị mọi thông tin quan trọng ví dụ như: tình trạng tên lửa, thông tin bay, dữ liệu cảnh báo.

Hệ thống điện tử hiện đại

MiG-21-2000 lắp đặt radar kiểm soát hỏa lực đa chế độ tiên tiến EL/M-2032. Loại radar này trong chế độ không đối không cho phép phát hiện mục tiêu tầm xa và theo dõi (cự ly hoạt động 150km). Chế độ không đối đất thì nó tạo ra bức ảnh mặt đất độ phân giải cao sử dụng radar khẩu độ tổng hợp (cư ly hoạt động 150km). Cuối cùng, chế độ không đối hải thì EL/M-2032 phát hiện và phân loại được mục tiêu với tầm dò 300km.

Trên máy bay cũng sẽ thiết kế hệ thống định vị quán tính mới (INS), định vị toàn cầu (GPS), máy tính xử lý dữ kiện không khí dạng số đảm bảo tăng khả năng định vị và độ chính xác dùng vũ khí.

Hệ thống vũ khí

Nguyên bản MiG-21 ban đầu trang bị các tên lửa đối không tầm ngắn AA-2 Atoll có tầm bắn dưới 10km.

Gói nâng cấp MiG-21-2000 cho phép máy bay mang các loại tên lửa tiên tiến hơn do Israel sản xuất như Python 4. Đây là loại tên lửa không đối không thế hệ thứ tư do Israel tự phát triển. Điểm đáng lưu ý là Python 4 kết hợp được với hệ thống hiển thị tín hiệu trên mũ phi công (DASH).



Tên lửa không đối không tầm ngắn Python 4.


Python 4 đạt tầm bắn tối đa 15km, tốc độ bay Mach 3,5 hoặc hơn nữa. Tên lửa thiết kế đầu dò đa tần số tiên tiến cùng với khả năng chống các biện pháp đối phó trả đũa điện tử máy bay đối phương.

Đối với nhiệm vụ không đối đất, MiG-21-2000 chỉ có thể mang được bom không điều khiển. Tuy nhiên, nó sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phần mềm CCIP (continuously computed impact point/Hệ thống được sử dụng để thả bom không điều khiển). Do đó, MiG-21-2000 công kích mục tiêu mặt đất đạt độ chính xác cao hơn.

Hợp đồng Gói nâng cấp MiG-21-2000 hội tụ nhiều yếu tố mới đem lại sức chiến đấu cao hơn cho MiG-21. Mặc dù vậy, không có nhiều quốc gia đặt hàng Israel Aircraft Industries nâng cấp MiG-21.

Chính phủ Campuchia đã từng có kế hoạch ký hợp đồng với Israel Aircraft Industries để nâng cấp 9 chiếc MiG-21bis và 2 MiG-21UM lên tiêu chuẩn MiG-21-2000, nhưng sau đó do những khó khăn về tài chính mà dự định này đã không thể hoàn thành.

Rất may, Israel đã ký hai hợp đồng nâng cấp với hai quốc gia Châu Phi. Đầu tiên là Uganda với hợp đồng nâng cấp 6 MiG-21bis/U lên tiêu chuẩn mới. Sau đó, chính phủ Zambian cũng ký thỏa thuận hiện đại hóa 9 MiG-21MF thành MiG-21-2000.


MiG-21 của Không quân Uganda sau khi được Israel Aircraft Industries nâng cấp đang chuẩn bị lên đường “hồi hương”.


[Bee news]


>> Chiến hạm lớn nhất Đông Nam Á



“Kỷ lục” chiến hạm lớn nhất hoạt động ở khu vực Đông Nam Á thuộc về hai khinh hạm lớp Knox biên chế trong Hải quân Thái Lan. 

Lớp tàu Knox là loại tàu khinh hạm thiết kế cho nhiệm vụ chống ngầm, phòng thủ bờ biển và bảo vệ các tàu thương mại.

Knox bắt đầu được Mỹ chế tạo từ năm 1965, đã có khoảng 46 chiếc được đóng. Hầu hết chúng đều đã bị loại ra khỏi thành phần trang bị hải quân Mỹ. Một số chiếc được bán ra nước ngoài, và đã có hai chiếc “lọt vào tay” hải quân Thái Lan.

Tàu chiến lớp Knox có chiều dài 134 mét, lượng choán nước 4.200 tấn, thủy thủ đoàn 240 người. Nếu so với các chiến hạm chủ lực trong khu vực Đông Nam Á như: Formidable (Singapore), Lekiu (Malaysia), Gepard 3.9 (Việt Nam), Van Speijk (Indonesia), Nakhodam Ragam (Brunei)… thì không có một lớp tàu nào có lượng choán nước ngang tầm Knox. Nên có thể coi, Knox là chiến hạm lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.




Khinh hạm Phutthayotfa Chulaok thuộc lớp tàu Knox của hải quân Thái Lan.


Hai chiến hạm Knox của Thái Lan mang tên: HTMS Phutthaloetla Naphalai (mua năm 1993), HTMS Phutthayotfa Chulalok (mua năm 1999).

Trước khi chuyển giao, hai chiếc tàu này đều trải qua đợt đại tu nâng cấp, thay đổi vũ khí theo yêu cầu của phía Thái Lan. Cả hai tàu đều hoạt động tích cực trong biên chế Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Hệ thống vũ khí


Khinh hạm Knox được thiết kế cho nhiệm vụ săn ngầm nên đầu tiên phải kể đến là hệ thống vũ khí săn ngầm.

Knox trang bị 8 tên lửa chống ngầm RUR-5 ASROC, loại vũ khí này được quân đội Mỹ phát triển vào những năm 1950. Tên lửa ASROC dài 4,5m, đường kính 422mm. ASROC không mang đầu đạn thuốc nổ thông thường mà nó mang ngư lôi Mark 46 hoặc bom phá tàu ngầm. ASROC trang bị động cơ rocket nhiên liệu rắn, tầm bắn 22km, tốc độ hành trình cận âm.



Khinh hạm Phutthayotfa Chulaok (số hiệu 461) và Phutthaloetla Naphalai (số hiệu 462) neo đậu tại cảng. Ngay sau tháp pháo là cụm ống phóng tên lửa chống ngầm ASROC.


Khi chiến hạm, máy bay tuần tra, trực thăng chống ngầm phát hiện tàu ngầm đối phương bằng hệ thống định vị siêu âm hoặc cảm biến thì sẽ chuyển tọa độ mục tiêu tới tàu chiến trang bị hệ thống ASROC. Chiến hạm sẽ bắn tên lửa ASROC mang ngư lôi chống ngầm hoặc bom phá tàu ngầm hướng tới mục tiêu. Ở một vị trí định sẵn trên quỹ đạo đường bay, ngư lôi sẽ tách khỏi tên lửa và rơi xuống biển bằng dù hãm, việc này sẽ giúp giảm thiểu tối đa âm thanh khi rơi xuống nước.

Thông thường, các tàu chiến lớp Knox do hải quân Mỹ đóng đều trang bị ngư lôi Mark 46. Tuy nhiên, khi được chuyển giao cho Hải quân Thái Lan thì Knox sử dụng ngư lôi chống ngầm Mark 44 (tầm bắn 5,4km).



Cận cảnh tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon.


Knox trang bị hỏa lực chống hạm tên lửa hành trình RGM-84 Harpoon (4 quả), tên lửa lắp hai động cơ (động cơ đẩy nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cho hành trình bay chính), sử dụng radar chủ động dẫn đường giai đoạn cuối hành trình bay, tốc độ tên lửa 864km/h, tầm bắn 124km.



Tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx “phun lửa”.


Knox của Hải quân Thái Lan trang bị tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần (Close – in wepon system – CIWS) Phalanx. Tổ hợp Phalanx lắp pháo M61 6 nòng cỡ 20mm, tốc độ bắn 4.500 viên/phút, tầm bắn hiệu quả 3,6km. Phalanx sử dụng cho nhiệm vụ phòng không hoặc đánh chặn tên lửa chống hạm.



Pháo hạm 127mm khai hỏa.


Boong trước Knox lắp pháo hạm hiện đại Mark 45 cỡ 127mm dùng để chống hạm, phòng không và pháo kích bờ biển hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ. Pháo có tầm bắn khoảng 24km. Pháo kết hợp với hệ thống kiểm soát hỏa lực AN/SPG-53.

Hệ thống điện tử


Khinh hạm lớp Knox lắp đặt radar tìm kiếm trên không tầm xa AN/SPS-40B, radar tìm kiếm trên biển AN/SPS-67, hệ thống định vị thủy âm lắp trên thân tàu SQS-26CX, hệ thống định vị thủy âm kéo rê theo phía sau tàu SQR-18.

Ngoài ra, còn có hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 kết hợp thiết bị phóng mồi bẫy Mk36. Số lượng bệ phóng tùy thuộc vào kích cỡ của tàu.

Động cơ
Knox trang bị động cơ tuabin hơi nước cho phép đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50km/h).

Trực thăng
Ở đuôi tàu có sàn đỗ trực thăng và nhà chứa, các tàu lớp Knox trong hải quân Mỹ đều dùng trực thăng săn ngầm SH-2. Tuy nhiên, với hải quân Thái Lan có thể họ trang bị trực thăng khác.



Trực thăng hạng nhẹ hạ cánh trên boong tàu khinh hạm Phutthayotfa Chlaok.


Ngoài sở hữu kỷ lục chiến hạm lớn nhất Đông Nam Á, Thái Lan còn “giành kỷ lục” là quốc gia đầu tiên và duy nhất có hàng không mẫu hạm ở Đông Nam Á. 

>> Tình báo Nga hết phép



Các phương pháp của Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR không còn phù hợp với các nhiệm vụ của nó.





Hồ sơ vụ án đại tá Poteyev bán đứng cho Mỹ 10 tình báo viên Nga đã được chuyển sang tòa án


Hôm 3.5, hồ sơ vụ án cựu đại tá SVR Aleksandr Poteyev, người được coi là thủ phạm gây ra sự đổ vợ của nhóm tình báo Nga hoạt động ở Mỹ, đã được chuyển sang tòa án, Trung tâm quan hệ xã hội của FSB Liên bang Nga cho hay.

Poteyev bị buộc tội theo điều 275 và mục 1 của điều 338 bộ luật hình sự Liên bang Nga (tiết lộ bí mật nhà nước và đào ngũ). Mức án cao nhất cho các điều này là 20 năm tù.

Tháng 7.2010, 10 người Nga bị tình nghi làm gián điệp cho Nga đã bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Tất cả những người này đã có nguy cơ bị truy cứu hình sự và tịch thu tài sản vì tội gián điệp và rửa tiền. Tuy nhiên, cả 10 tình báo viên Nga đã tránh được sự trừng phạt vì được Mỹ đánh đổi với 4 người đang chịu án ở Nga vì tội làm gián điệp cho nước ngoài.

Nguyên nhân chính thức gây ra sự đổ vỡ của các tình báo viên Nga là có phản bội. Theo phóng đoán của các cơ quan đặc vụ Nga, người đã “bán đứng” các tình báo viên này chính là Aleksandr Poteyev.

Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR, vốn mới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập vào tháng 10.2010, hiện vẫn là cơ quan đặc vụ duy nhất của Nga chưa bị cải tổ sau khi tiếp nhận vào tháng 12.1991 quy chế cơ quan kế thừa Tổng cục I - KGB Liên Xô. Tuy nhiên, các nhiệm vụ hiện nay đặt ra cho cơ quan tình báo đối ngoại Nga trái ngược hẳn với những nhiệm vụ mà chính phủ Liên Xô từng đặt ra cho các cơ quan đặc vụ Liên Xô.

Chính sự không phù hợp của các phương pháp và cơ cấu đã có 60 năm nay với những nhiệm vụ hôm nay đã dẫn SVR tới hàng loạt những đổ vỡ mới đây, chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực tính báo, Andrei Soldatov nhận định.

Ông cho rằng, mặc dù cố gắng xây dựng, quảng bá trên báo chí hình ảnh “tự do”, SVR vẫn rất gắn bó với các truyền thống thời Liên Xô. Chuyện còn đi đến mức khôi hài là trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm vào tháng 12.2010, ban lãnh đạo SVR đã khánh thành bảng tưởng niệm Kim Philby, người mà nói cho chặt chẽ là chẳng có liên quan gì với tình báo đối ngoại Liên Xô.

*** - Tờ Svpressa (SP): Đây là phát biểu bất ngờ. Kim Philby được các độc giả của chúng tôi biết đến từ thời ngồi ghế nhà trường chính là với tư cách điệp viên của Liên Xô …

- Andrei Soldatov (AS): Ông ấy là điệp viên của tình báo Quốc tế Cộng sản, cũng giống như các thành viên còn lại của “Bộ năm Cambridge”. Toàn bộ các thành viên của nhóm này là những chiến sĩ cộng sản kiên định và hoạt động vì sự thắng lợi của các lý tưởng cộng sản trên toàn thế giới. Những nhiệm vụ, kể cả những nhiệm vụ được chính phủ Nga chính thức đặt ra cho các cơ quan đặc vụ hơi khác điều đó, đúng không?

- SP: Nhân đây nói về các nhiệm vụ. Vậy thì chức năng của tình báo đối ngoại ở Liên bang Nga là gì khi mà Nga trong học thuyết quân sự của mình không hề nêu tên một cường quốc hiện tại nào là kẻ địch tiềm tàng?

- AS: Các nhiệm vụ này được ông Vladimir Putin xác định vào năm 2007 khi ông ấy là Tổng thống Nga tiến cử ông Mikhail Fradkov vào vị trí Giám đốc SVR. Ngoài đấu tranh chống khủng bố quốc tế, các nỗ lực của tình báo đối ngoại, theo ông Putin, “cần phải tập trung vào bảo đảm cho tiềm lực công nghiệp và quốc phòng của đất nước. Tình báo đối ngoại phải có khả năng đánh giá kịp thời và thích đáng những thay đổi cục diện kinh tế quốc tế, tính toán những hậu quả của chúng đối với kinh tế đất nước và tất nhiên là cần phải bảo vệ tích cực hơn các lợi ích kinh tế của các công ty của chúng ta ở nước ngoài”.

- SP: Nghĩa là SVR chuyển thành cơ quan tình báo công nghiệp à?

- AS: Không nên hiểu hẹp như thế. Ngoài tình báo kinh tế, tổ hợp nhiệm vụ này còn bao gồm, chẳng hạn, bảo đảm cho các doanh nhân Nga các điều kiện thuận lợi trong các thương vụ quốc tế. Và chính ở đây, chúng ta cũng vấp phải những mâu thuẫn giữa chức năng hiện thời của SVR với những phương thức còn tồn tại mà cơ quan này kế thừa. Nói một cách đơn giản, ông Fradkov và đội của mình đang cố giải quyết những nhiệm vụ mới bằng những phương pháp cũ, điều này tất yếu dẫn tới những vụ đổ vỡ tai tiếng giống như vụ đổ vỡ của nhóm Mikhail Vlasenkov, hay được biết đến nhiều hơn với cái tên nữ nhân vật nổi bật nhất là Anna Chapman.

7 trong 10 điệp viên bị Mỹ bắt vào tháng 6.2010 là các tình báo viên bất hợp pháp được ‘đánh’ vào nước Mỹ từ nhiều năm trước và hóa ra là trong suốt những năm đó đã nằm dưới sự giám sát của các cơ quan đặc vụ Mỹ vốn chỉ chờ lý do để ra tay một lần là tóm gọn cả lưới. Thật khó nghĩ ra cách nào tốt hơn để chứng minh tính không hiệu quả của chiến thuật dựa vào các điệp viên bất hợp pháp trong hoạt động của tình báo hiện đại.

- SP: Nhưng tại sao các lưới tình báo bất hợp pháp vốn từng hoạt động hiệu quả như thế thời Liên Xô bỗng mất hết tác dụng?

- AS: Hiệu quả của các tình báo viên bất hợp pháp là huyền thoại mà ban lãnh đạo tình báo đối ngoại của cả Liên Xô và Nga cố ý nuôi dưỡng. Trong những năm 1940-1950, các tình báo viên bất hợp pháp Xô-viết chỉ cố lặp lại thành công của tình báo Quốc tế Cộng sản mà nền tảng cán bộ của nó là những người Anh, người Mỹ, người Đức… thật sự, hoạt động vì động cơ lý tưởng và thường là không có lợi lộc gì cho bản thân. Khi Quốc tế Cộng sản bị giải thể, còn Liên Xô dù là trên lời nói từ bỏ việc “xuất khẩu cách mạng” và bành trướng tư tưởng cộng sản, tình báo Liên Xô đã bắt đầu đi theo con đường chậm chạp và tốn kém của việc cài cắm kéo dài trong nhiều năm các điệp viên Nga trước đó đã được huấn luyện nhiều năm không kém và tốn kém.

Thậm chí chẳng có ai hỏi ngân sách Nga đã và đến nay đang tốn kém bao nhiêu để duy trì các mạng lưới cồng kềnh như thế. Mà hiệu quả của chúng trong mọi trường hợp tỏ ra là rất đáng ngờ. Thậm chí để chứng tỏ hiệu quả, người ta nêu ra cả bản thân sự tồn tại của nó.

Trong khi đó, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc thì cả sự cần thiết điều chỉnh nhiệm vụ của tình báo đối ngoại Nga về các điệp viên bất hợp pháp cũng biến mất. Làm gì phải mất nhiều năm huấn luyện một sĩ quan Nga đóng vai một doanh nhân Canada đang lobby cho một thương vụ của các tập đoàn Nga và Anh, sau đó chật vật cài cắm anh ta và chẳng biết phải mất bao nhiêu tiền và thời gian cho việc duy trì điệp viên ở trạng thái “nằm vùng” khi mà sẽ đơn giản (và rẻ tiền!) hơn nhiều là thỏa thuận với một doanh nhân Canada thật sự vốn sẵn lòng lobby cho các lợi ích của Nga mà bản thân không bị thiệt thòi?

- SP: Thế còn nhiệm vụ khác - đấu tranh chống khủng bố quốc tế - đặt ra cho SVR thì sao?

- AS: Sẽ khó nói hơn về những thành tựu của các cơ quan đặc vụ của chúng ta trên lĩnh vực này, bởi lẽ người ta sẽ chỉ biết đến các hành động của tình báo qua những thất bại của nó. Tuy nhiên, ngay cả ở đây cũng có thể nhớ lại ít ra là biến cố năm 2003, thời gian mở đầu chiến tranh Mỹ-Iraq. Khi tiến vào Baghdad, người Mỹ đã phát hiện được những bằng chứng cho thấy các điệp viên của các cơ quan đặc vụ của Saddam Hussein đã được SVR đào tạo.

Việc chúng ta đào tạo các điệp viên thậm chí chẳng phải là tồi tệ mà tồi tệ là ở chỗ việc đào tạo đã không được chấm dứt cho đến thời điểm cuối khi mà rõ ràng là thứ nhất, Mỹ chắc chắn sẽ đánh Iraq, hai là Saddam sẽ bại trận. Trong khi đó, SVR đã chẳng tiên liệu được cả vấn đề nọ, cũng như vấn đề kia, có nghĩa là rõ ràng không có sự dự báo dài hạn cần thiết cho mọi cơ quan tình báo.

Lãnh đạo SVR đã không rút ra bài học gì từ những vụ đổ vỡ năm 2003 và 2010, không có ai thậm chí bị kỷ luật dù là mang tính hình thức. Mà điều đó có nghĩa là cần phải thừa nhận rằng, sắp tới, chờ đợi tình báo đối ngoại Nga sẽ là những đổ vỡ mới.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang