Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Ông Gaddafi đồng ý giải pháp 4 điểm



[BDV news] Tuyên bố trên được ông Ramtane Lamara, đặc phái viên của Liên minh Châu Phi và ông Musa Ibrahim, người phát ngôn Chính phủ Libya đưa ra sau cuộc gặp giữa phái đoàn của Liên minh Châu Phi với ông Gaddafi tại Tripoli ngày 10/4.

Đề xuất của Liên minh Châu Phi không đi kèm yêu cầu ông Gaddafi từ chức, tuy nhiên có 4 điểm cơ bản sau:

- Ngừng bắn ngay lập tức;

- Chính phủ Libya sẽ hợp tác trong nỗ lực cứu trợ nhân đạo khẩn cấp;

- Bảo vệ công dân nước ngoài ở Libya;

- Khởi động đàm phán giữa các bên liên quan tại Libya, với mục đích thiết lập một “giai đoạn chuyển tiếp” để tiến hành “cải cách chính trị nhằm xóa bỏ những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại”;

Bản đề xuất đã được ông Gaddafi phê chuẩn và nhấn mạnh giải pháp cuối cùng phải “đáp ứng nguyện vọng của người dân Libya”.

Không có thời gian biểu cụ thể nào được đưa ra, cũng như mốc thời gian thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, tuy ông Gaddafi cũng ủng hộ thiết lập “một cơ chế giám sát đáng tin cậy”.

“Lãnh đạo Muammar Gaddafi đặt trọn niềm tin vào khả năng của Liên minh Châu Phi trong việc tái lập nền hòa bình ở Libya”, tuyên bố chung nói rõ.




Phe nổi dậy nói sẽ không chấp nhận việc ông Gaddafi giữ quyền lực.


Đại diện phe nổi dậy Guma al-Gamaty tuyên bố sẽ xem xét kỹ đề xuất từ Liên minh Châu Phi, tuy nhiên nhấn mạnh phe nổi dậy sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào cho phép ông Gaddafi hoặc con trai ông tiếp tục nắm quyền.

Các lãnh đạo phe nổi dậy cũng không thật sự tin tưởng vào sự trung gian của Liên minh Châu Phi, vốn nhận được sự ủng hộ về tài chính và chính trị của ông Gaddafi trong suốt nhiều năm qua. Hiện, chính quyền Libya có 15 ghế trong Hội đồng hòa bình và an ninh thuộc Liên minh Châu Phi.

Ông Lamara cho biết sự ra đi của ông Gaddafi cũng là một nội dung trong cuộc đàm phán, tuy nhiên từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Chiến sự tiếp diễn ác liệt
Các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ngày 10/4, trong đó đáng chú ý là việc phe nổi dậy đã giành lại quyền kiểm soát nhiều phần của thị trấn Ajdabiya đang bị quân đội của ông Gaddafi vây chặt.

Cùng ngày, NATO tuyên bố đã tiêu diệt 25 xe tăng của quân đội Libya trong 2 cuộc không kích tại thành phố Misrata và thị trấn Ajdabiya. Tuy nhiên, tướng Charles Bouchard của NATO nhìn nhận tình hình tại Misrata và Ajdabiya vẫn “rất tuyệt vọng” với phe nổi dậy.

Về phần mình, Chính phủ Libya cho biết đã bắn hạ 2 trực thăng của phe nổi dậy xâm phạm vùng cấm bay Liên Hợp Quốc đặt ra.

Trong ngày 10/4, quân đội Libya đã pháo kích dữ dội các vị trí của quân nổi dậy tại Adjabiya và Misrata.




>> Nga sắp kiện Trung Quốc sao chép vũ khí?



[BDV news] Gần đây, chính phủ Trung Quốc tiết lộ dự định đưa ra thị trường vũ khí thế giới tên lửa đạn đạo chiến thuật M20.

M20 là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Trung Quốc tự phát triển, lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm IDEX ở Abu Dhabi (UAE). Cũng tại đây, 17 công ty quốc phòng Trung Quốc đã trưng bày nhiều sản phẩm nội địa của mình.

Ngoài mô hình minh họa, Trung Quốc không tiết lộ bất kỳ thông tin nào của loại tên lửa đạn đạo chiến thuật M20. Tên lửa M20 chứa trong hai ống phóng đặt trên xe tự hành.

Có một điều dễ nhận thấy ở M20 là nó khá giống hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander (9K720) của Nga. Nếu M20 mang quá nhiều đặc điểm của Iskander thì không loại trừ khả năng sẽ xảy ra vụ kiện tụng lớn.



Mô hình tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 tại triển lãm Abu Dhabi.

Cách đây không lâu, Trung Quốc từng có ý định xuất khẩu chiến đấu cơ J-11B (sao chép công nghệ Su-27 của Nga) và ngay lập tức đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Nga.

Nga đã không ít lần cảnh báo giới chức quân sự Trung Quốc về việc sao chép “lậu” công nghệ vũ khí Nga và bán ra nước ngoài.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander được phát triển giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh lạnh. Iskander phóng thành công lần đầu năm 1996 và chính thức đi vào phục vụ trong Quân đội Nga năm 2006.

Trọng lượng phóng của tên lửa là 3,8 tấn, sử dụng động cơ rocket nhiên liệu rắn. Iskander đạt tầm bắn tối đa 400km, tốc độ hành trình bay siêu âm Mach 6-7.

Iskander có thể lắp nhiều loại đầu đạn khác như: đầu đạn thuốc nổ mạnh phân mảnh, đầu đạn nhiệt áp và đầu đạn xung điện từ. Tên lửa Iskander thiết kế với hệ thống dẫn đường tiên tiến cho phép đạt độ chính xác cực cao (CEP 5-7m).

Circular Error Probability: Sai số vòng tròn xác suất (50% số điểm chạm có thể nằm trong hoặc ngoài đường tròn khi ném bom, bắn tên lửa hoặc pháo kích); xác suất sai số tuần hoàn của tổ hợp vũ khí

Nga cũng chế tạo biến thể xuất khẩu mang tên Iskander E có tầm bắn 280km. Ban đầu, các nước Syria, Kuwait, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Singapore và UAE bày tỏ sự quan tâm tới việc nhập khẩu Iskander.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại chỉ có Iran là thực sự muốn mua, nhưng quốc gia Hồi giáo này đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây.




Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

>> Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào tháng 4



[VietnamDefence news]  Trung Quốc sẽ sớm triển khai chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ và là quốc gia đầu tiên ở Đông Bắc Á làm như vậy.

Hôm 7.4, phó đô đốc về hưu Lan Ninh-li, một cựu quan chức tình báo hải quân Đài Loan hàng đầu cho biết, tàu sân bay này có thể được biên chế cho hạm đội Nam Hải của Trung Quốc và điều đó có thể đe dọa Đài Loan, đặc biệt là bờ biển phía đông.

Tuy nhiên, ông Lan cũng nói rằng, chưa thể nói bao giờ tàu này có khả năng chiến dấu khi mà các hệ thống thiết yếu như radar thậm chí vẫn chưa được lắp đặt, chứ chưa nói là thử nghiệm. Trung Quốc vẫn chưa lựa chọn được loại tiêm kích nào có thể triển khai trên tàu sân bay khi mà Trung Quốc vẫn đang đàm phán với Nga để mua máy bay.

Tàu sân bay Varyag đóng dở của Liên Xô được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998, năm 2001 được kéo về Trung Quốc và tân trang lại tại một xưởng đóng tàu ở Đại Liên từ năm 2002, đã gần hoàn tất, Tân Hoa xã cho biết.



Nay tàu sân bay này đã được đặt tên là Thi Lang, tên vị đô đốc đã chinh phục Đài Loan năm 1681.

Tàu sân bay này dự định được thử nghiệm vào 23.4 - ngày thành lập hải quân Trung Quốc, hoặc 1.7 - nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng cộng sản Trung Quốc.

Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược hải quân và tìm cách mở rộng địa bàn chiến lược tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã triển khai 3 tàu hải quân tới vùng biển ngoài khơi Somalia kể từ 2008 và tiến hành một cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn từ tháng 4 năm ngoái, trong đó, tàu chiến nước này vượt qua vùng biển phía nam Nhật và đi vào tây Thái Bình Dương. Một chiếc tàu sân bay là yếu tố then chốt để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược này.

Một chuyên gia chính trị quốc tế ở trường đại học Bắc Kinh cho biết: "Khi sự quan tâm của Trung Quốc mở rộng khắp toàn cầu, thì chiến lược hải quân vốn chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia - bị hạn chế ở lãnh hải Trung Quốc - sẽ không còn phù hợp. Do đó, nước này cần tàu sân bay để mở rộng vùng hoạt động khắp thế giới".

Tính năng kỹ-chiến thuật của tàu Varyag:

Lượng giãn nước, tiêu chuẩn/đầy đủ, tấn: 55.000 / 70.500

Kích thước: chiều dài / chiềurộng theo mớn nước / mớn nước / chiều rộng boong bay, m: 304,5 / 38,0 /10,5 / 75,0

Công suất động cơ turbine hơi nước, mã lực: 4х50.000

Tốc độ: tiết kiệm/tối đa, hải lý/h: 18,0 / 32,0

Cự ly hành trình chạy ở chế độ tiết kiệm, hải lý: 8.000

Số máy bay trên tàu: 26

Số trực thăng trên tàu: 24

Dự trữ nhiên liệu máy bay, tấn: 2.500

Thủy thủ đoàn, người (sĩ quan): 1980 (520)


Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc phát triển tàu sân bay để bảo đảm an toàn cho tuyến đường nhập khẩu dầu từ Trung Đông. Trung Quốc dường như lo ngại an ninh năng lượng của họ sẽ bị đe dọa nếu có trường hợp khẩn cấp ở Ấn Độ Dương, Biển Đông và vùng biển phía đông nước này - vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của Hải quân Mỹ. Trung Quốc hiện dựa vào nhập khẩu dầu để đáp ứng 60% nhu cầu trong nước.

Hiện thời, Tàu Thi Lang dường như chỉ được dùng để thử nghiệm các công nghệ máy bay chiến đấu trên hạm trong khi Trung Quốc đang phát triển chiến lược sử dụng tàu sân bay.

Theo một báo cáo của Lầu Năm góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc công bố tháng 8.2010, Trung Quốc đã thành lập đội phi công trên hạm đầu tiên gồm 50 người. Dự đoán, tàu Thi Lang sẽ dùng để tập luyện thao tác cất/hạ cánh trong 4-5 năm, còn đến năm 2020, họ sẽ cố gắng thành lập hơn 1 cụm tàu sân bay xung kích.

Tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Varyag (đến năm 1990 gọi là Riga) được khởi đóng vào năm 1985 tại Nhà máy đóng tàu Biển Đen ở Nikolayev, hạ thủy ngày 25.11.1988. Tháng 3.1998, chiếc tàu đóng dở được bán cho công ty Chong Lot Tourist and Amusement Agency ở Macao với giá 20 triệu USD (trong khi giá của một tàu sân bay hiện đại là 2-4,5 tỷ USD) để cải tạo thành casino, nhưng ngay từ năm 1998, báo chí đã đưa tin thực chất chính phủ Trung Quốc là người mua tàu này.

Với lượng giãn nước đầy đủ 70,5 ngàn tấn và chiều dài 304,5 m, Varyag có thể mang 26 máy bay, 24 trực thăng. Varyag cùng lớp với tàu Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga hiện nay. Trên tàu Kuznetsov hiện triển khai các tiêm kích trên hạm Su-33.

Tháng 6.2010, Kanwa Asian Defence đưa tin, Trung Quốc đã lắp ráp được một tiêm kích J-15 sao chép máy bay Su-33 của Nga. J-15 được làm nhái dựa trên máy bay T10K, một trong những mẫu chế thử đầu tiên của Su-33 mà Trung Quốc mua từ Ukraine năm 2005.

Dựa vào kinh nghiệm cải tiến Varyag, Trung Quốc đang đóng 1 tàu sân bay nội địa ở Thượng Hải. Tàu sân bay mới này sẽ được triển khai vào 2015 hoặc 2016. Nước này còn dự định phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vào 2020.

Một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết: "Dựa trên những kiến thức công nghệ thu thập được từ việc cải tạo Thi Lang, Trung Quốc sẽ đóng 2 hoặc 3 tàu sân bay thông thường và 1 tàu sân bay động lực hạt nhân"


>> Quân Mỹ ở Afghanistan nhận đạn cối 120 mm siêu chính xác



[VietnamDefence news]  Trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí ARDEC, Lục quân Mỹ, đã bắt đầu cung cấp cho quân đội Mỹ các lô thử nghiệm đầu tiên loại đạn cối dẫn bằng GPS dùng cho pháo cối 120 mm M120.




Đạn cối thông minh thử nghiệm APMI XM395 120 mm (army.mil)



Loại đạn mới có độ chính xác được khẳng định là cao hơn 7-13 lần so với các loại đạn tương tự nhưng không có khả năng tự định vị trên địa hình.

Hệ thống đạn cối thông minh APMI (Accelerated Precision Mortar Initiative) là loại đạn cối tiêu chuẩn dành cho cối M120, được lắp thêm sensor GPS và cánh ổn định ở phần đầu đạn điều khiển bằng máy tính.

Đạn cối thông thường có sai số vòng tròn xác suất trung bình khi bắn ở tầm đối đa từ 76-136 m. Vì thế, pháo cối thường chỉ dùng để tiêu diệt sinh lực đối phương ở địa hình trống trải. Còn đạn cối mới APMI, theo tài liệu kỹ thuật, có sai số vòng tròn xác suất không quá 10 m. Còn quan chức Cục mua sắm đạn dược (Program Executive Office Ammunition - PEO Ammo), Bộ Quốc phòng Mỹ, Peter Burke thì sai số của APMI trong thực tế là không quá 3 m.

Tháng 4.2011, APMI đã được trang bị cho một lữ đoàn bộ binh đóng tại Afghanistan, còn trong nửa năm tới sẽ bắt đầu trang bị cho 7 lữ đoàn nữa.

Việc sử dụng cối cỡ nòng lớn tại các khu phố gặp khó khăn vì đây là loại vũ khí dùng để đánh mục tiêu diện, khi mà độ chính xác điểm chạm của đạn được bù đắp bằng bán kính văng mảnh lớn theo quỹ đạo là là mặt đất.

Các tay súng đang lợi dụng đặc điểm này bằng cách ẩn náu trong các khu dân cư với hy vọng là quân đội sẽ không thể dễ dàng lôi cổ họ khỏi đó.

Trước đây, theo ông Peter Burke, trong những trường hợp đó, người ta buộc phải cử các phân đội lính đến khiến họ chịu thêm rủi ro.

Lục quân Mỹ không định dùng đạn APMI thay thế các đạn cối thường. APMI sẽ chỉ sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu điểm, nhằm giảm tổn thất phụ hoặc bắn các mục tiêu ở gần quân nhà.

Chuyên gia này cũng cho biết, giới quân sự hiện chưa dự định hiện đại hóa các đạn cối cỡ nhỏ hơn (81 và 60 mm).

Theo các chuyên gia, sử dụng đạn cối mới sẽ cho phép tiêu diệt chắc chắn và nhanh chóng các mục tiêu điểm như các hầm trú ẩn, hầm ngầm, xe bọc thép nhẹ.

Một máy tính vi hình nhận dữ liệu từ sensor GPS trên suốt quỹ đạo bay cho đến khi chạm mục tiêu. Trước khi bắn, hệ thống nhận thông tin tọa độ trận địa bắn nơi đặt pháo cối.

Việc ứng dụng hệ thống này sẽ cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng pháo cối hiện có tại các đơn vị. Thông thường, việc tính toán phần tử bắn là một nhiệm vụ phức tạp, biến việc bắn pháo thành một nghệ thuật.

Các thế hệ lính pháo binh đã từng sử dụng các công thức, bảng tính, các máy tính cơ và điện tử, nhưng không thể nhận thông tin tọa độ chính xác của quả đạn đang bay ở thời gian thực.

Nay thì việc dẫn quả đạn đến mục tiêu không chỉ có các khẩu đội pháo của các hệ thống tối tân nhất có thể làm được mà cả khi sử dụng các hệ thống vũ khí cũ đã được thời gian kiểm nghiệm.


>> Xe tăng Israel gầm rú trên cao nguyên Golan



[BDV news] Từ ngày 6/4, Israel bắt đầu mở một cuộc diễn tập lớn trên cao nguyên Golan. Cuộc tập trận huy động nhiều xe tăng hiện đại có trong biên chế quân đội nước này.

Tham gia cuộc diễn tập có các loại xe tăng Mk 2, 3, 4 và xe tăng M60 – 8 (Magach 8). Các lữ đoàn sẽ được thi thố khả năng dựa trên một số nội dung như mức độ thuần thục của tổ lái, khả năng định hướng, khả năng xử lý mục tiêu với Hệ thống kiểm soát trận đánh (BMS) và thao tác pháo trên xe tăng nhắm tới mục tiêu gần (bộ binh, vũ khí chống tăng) và mục tiêu xa (trên 5km).

Kết quả, các binh sĩ Israel đều thao tác đạt yêu cầu bất chấp điều kiện thời tiết mưa lớn, bùn lầy và tầm nhìn hạn chế.

Kỹ năng thao tác pháo trên xe tăng là một nội dung được quân đội Israel quan tâm, với việc mở các khóa học “Pháo thủ xuất sắc”, nhằm tuyển chọn các chuyên gia về thao tác pháo trên xe tăng phục vụ cho việc đào tạo pháo thủ và làm nòng cốt cho các đơn vị chiến đấu.

Cũng trong cuộc thao diễn lần này Israel đã tung ra phiên bản mới nhất của xe tăng Merkava Mk 4M, với hệ thống phòng vệ chủ động Rafale Trophy ASPRO-A cùng nhiều cải tiến nhỏ khác.

Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc diễn tập xe tăng trên cao nguyên Golan:






Cận cảnh hệ thống phòng vệ chủ động Rafale Trophy ASPRO-A lắp đặt trên xe tăng Merkava Mk-4M. Trong đợt thao diễn này quân đội Israel đưa ra 5 xe tăng Merkava Mk-4M.


Hệ thống phòng vệ chủ động Rafale Trophy ASPRO-A gồm: radar (hình oval phía trước), thiết bị nạp đạn tự động, khiên bảo vệ người chỉ huy khỏi mảnh đạn có, bộ phận đánh chặn dùng cho diễn tập.







Xe tăng Merkava Mk-2 khai hỏa.


Xe tăng Merkava Mk-3 trình diễn.


Một binh sĩ trên xe tăng Merkava Mk-2 nạp đạn khói trước khi bước vào diễn tập tấn công


Vừa "ra lò" cách đây một tuần, xe tăng Merkava Mk-4 đã đạt điểm số cao trong các nội dung thao tác pháo, kỹ năng của tổ lái


Một xe tăng M60 - 8 (Magach 8) tham gia diễn tập, sử dụng thiết bị tạo khói trên xe tăng để phòng thủ. Kể từ 2006 quân đội Israel thay thế dần các loại xe tăng Magach bằng Merkava. Xe tăng Magach 8 được trang bị pháo 105mm.


Xe tăng Merkava Mk-2 đánh dấu mục tiêu. Các mục tiêu được bố trí khác nhau cho mỗi đội, trong khoảng cách từ vài trăm m tới hơn 5km.


Một binh sĩ trên xe tăng Merkava Mk4B


Xe tăng Merkava Mk4B khai hỏa trên cao nguyên Golan



>> Trung Quốc công bố hình ảnh hàng không mẫu hạm đầu tiên



[Vnexpress news] Những hình ảnh về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vừa được hãng tin Tân Hoa xã đăng tải.





Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã


Chiếc tàu sân bay Varyag hiện được gấp rút hoàn thiện tại một xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (phía đông bắc Trung Quốc). Theo Tân Hoa xã, chiếc tàu này sẽ giúp giấc mơ sở hữu tàu sân bay suốt 70 năm qua của người Trung Quốc trở thành hiện thực.

Hãng tin Trung Quốc đăng lại những bức ảnh chụp tàu sân bay được lấy từ một diễn đàn quân sự trực tuyến của nước này. Những hình ảnh cho thấy quá trình nâng cấp chiếc tàu đã gần hoàn tất, ngoại trừ hệ thống radar. Nhiều khả năng tàu Varyag sẽ ra khơi trong năm nay.

Việc Trung Quốc có tàu sân bay đầu tiên đã thu hút được sự chú ý từ lâu nay. Nó sẽ giúp Trung Quốc triển khai được nhiều khí tài không quân hơn mà không phụ thuộc vào giới hạn địa lý trên bộ.

Tàu sân bay Varyag thuộc lớp Admiral Kuznetsov được khởi công đóng từ năm 1985. Công việc hoàn thiện tàu bị ngừng lại năm 1992 với những bộ phận cơ bản đã xong nhưng chưa được lắp đặt hệ thống điện tử. Khi Liên Xô tan rã, quyền sở hữu con tàu này cũng được chuyển cho Ukraina và nó đã được đem bán đấu giá sau đó.

Trung Quốc mua lại chiếc tàu sân bay có trọng tải 67.500 tấn này từ Ukraina năm 1998 với giá khoảng 200 triệu USD. Ban đầu, Bắc Kinh định sử dụng chiếc tàu như một khách sạn nổi trên đại dương. Nhưng ý định này nhanh chóng thay đổi và tàu Varyag được người Trung Quốc hoàn thiện nốt đúng theo thiết kế ban đầu như một tàu sân bay phục vụ quân sự.

Một vài hình ảnh về hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc















Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

>> F-22 luyện tập đánh J-10?



[VietnamDefence news] Không quân Mỹ đã điều một số máy bay huấn luyện Т-38 Talon tới căn cứ không quân Holloman, nơi bố trí các tiêm kích thế hệ 5 F-22 trong 6 tháng.




Т-38 được phát triển dựa trên tiêm kích F-5, sẽ đóng vai trò đối thủ của F-22 và có khả năng thực hiện 3 chuyến bay/ngày với chi phí khai thác thấp. Yếu tố này khiến nó có lợi thế hơn so với F-15, ngoài ra, T-38 cũng có bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ.

Theo đại tá không quân Mỹ Molloy, Т-38 có kích thước nhỏ, sức cơ động cao và khó phát hiện nó trên không. Bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ và bức xạ điện từ yếu có thể giúp phi công Т-38 “trừng phạt” phi công F-22 nếu anh ta phạm sai lầm khi luyện tập không chiến.

Xuất hiện câu hỏi việc huy động Т-38 để huấn luyện phi công F-22 có phải nhằm mục đích huấn luyện họ không chiến với các máy bay tiêm kích J-10 của Trung Quốc hay không?




>> Mỹ bắt tay chế tạo trực thăng AH-64 Block III



[BDV news] Tập đoàng Boeing bắt đầu chế tạo khung thân đầu tiên của trực thăng vũ trang thế hệ mới AH-64 Block III tại nhà máy lắp ráp ở bang Arizona.

Dự kiến, “Thổ dân” AH-64 Block III đầu tiên sẽ rời dây chuyền sản xuất vào mùa thu năm 2011, trung tá Dan Bailey – giám đốc quản lý chương trình sản xuất AH-64 cho biết.

Hai chiếc AH-64 Block III đầu tiên sẽ được sử dụng cho nghiên cứu, thử nghiệm, sau đó mới dùng để huấn luyện phi công trong các đơn vị quân đội.

Theo sĩ quan cấp cao Quân đội Mỹ, mẫu AH-64 mới sẽ bắt đầu phục vụ vào cuối năm 2012.



Trực thăng tấn công AH-64D, tiền thân của AH-64 Block III.


Trực thăng tấn công AH-64 Block III được thiết kế với động cơ General Electric T700-701D mạnh hơn, đáng tin cậy hơn.

Ngoài ra, các cánh quạt làm bằng vật liệu compostie, cải tiến hệ thống điện tử hàng không và tăng độ cơ động so với phiên bản AH-64 hiện tại.

Quân đội Mỹ có kế hoạch đặt hàng 690 trực thăng AH-64 Block III tính tới năm 2026, với tốc độ sản xuất 2 tiểu đoàn/năm từ tài khóa 2013.




>> Tên lửa S-500 sẽ kiểm soát không gian ngoài khí quyển



[BDV news] Dù chưa chính thức xuất hiện nhưng hệ thống tên lửa phòng không S-500 của Nga đã nhận được nhiều sự chú ý đặc biệt, vì khả năng kiểm soát không gian của nó.

"Tầm với" ngoài khí quyển
Nga là một trong những nước sản xuất các hệ thống phòng không hàng đầu thế giới và trong tương lai gần, sẽ tạo ra thêm một phiên bản hoàn hảo hơn loại vũ khí này, đó là S-500.

Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin tuyên bố trong phiên họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước SNG diễn ra tại Astrakhan ngày 16/9 vừa qua rằng, Nga sẽ sớm có trong tay hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-500.

Báo Tầm nhìn đã thử tìm ra những thách thức và cơ hội của hệ thống mới này so với những hệ thống hiện nay.




Một hệ thống Phòng thủ Không gian mới đang được chế tạo tại Nga


S-500 đã được phương Tây nhắc đến với tên gọi tạm thời là "kẻ độc tôn", theo đó, hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung với hành trình đến 3.500 km và khoảng cách đánh chặn thích hợp nhất được ấn định khoảng 370 - 400 km (trong một số tài liệu khác cho rằng, nó dùng để đánh chặn trong phạm vi 1.300 km).

Một tính năng quan trọng cơ bản tiên quyết của hệ thống là nó có khả năng phá hủy cả những vật thể trong khu vực không gian vũ trụ gần trái đất.


Đội xe trang thiết bị hỗ trợ, với một xe đặc chủng mang tên lửa .


Thực tế sự phát triển của ngành hàng không đã tạo ra những yêu cầu và nhiêm vụ khác nhau cho các đơn vị phòng không hiện đại, cụ thể là các khái niệm về nhiệm vụ, gồm phòng thủ và tác chiến đánh chặn.

Nhiệm vụ phòng thủ (ký hiệu là O) có ba mức: Phòng không (ПВ О); Phòng thủ Tên lửa (ПР О); Phòng thủ Không gian (ПК О);

Còn việc tác chiến - đánh chặn (ký hiệu là П) cũng có ba mức: đánh chặn tầm gần, máy bay; đánh chặn Tên lửa (ПР П); đánh chặn trong Không gian (ПК П);

Không gian ở đây là tầm ranh giới giữa hai môi trường: khí quyển và ngoài khí quyển, tương đương với độ cao của các vệ tinh tầm thấp.


Hệ thống Radar hiện đại đi kèm .


Nhiệm vụ của S-500
Trước đây, S-500 có nhiệm vụ “làm việc” với các “đối tượng” trong không gian, là kế hoạch đã được xem xét khá lâu. Nhiệm vụ này từng được giao cho các hệ thống phòng không S-400 Triumf (Grau - 40R6), cụ thể, một vài đơn vị tên lửa đã triển khai làm nhiệm vụ bảo vệ các Khu công nghiệp Trung ương của Nga.

Tuy nhiên, hệ thống mới không được trang bị nhiều loại tên lửa mới, mà vẫn sử dụng tên lửa thiết kế cho hệ thống S-300 như 48N6E, 48N6E2, 48N6E3 S-300PM - 1/-2. Chỉ có tên lửa 9M96E2 được thiết kế riêng cho S-400 và được cho là chuyên sử dụng để đánh chặn ngoài không gian.


Hệ thống tên lửa mới vẫn sử dụng các tên lửa của hệ thống cũ.



Một đơn vị tên lửa được triển khai có khả năng theo dõi và tiêu diệt đồng thời 10 mục tiêu .


Đồng thời, tiêu chí đặt ra khi thiết kế các loại tên lửa này là nhắm đến nhiều mục tiêu hơn, bắn chính xác hơn, chứ chưa tính đến khả năng hoạt động ở độ cao cao hơn. Ở phiên bản cuối cùng của S-400, tất cả các cải tiến đặc biệt chú trọng tới phòng thủ không gian mới được đưa vào, giúp nâng tên lửa lên một cấp độ cao hơn, trở thành hệ thống có chức năng chuyên để chống tên lửa (ПРО).

Như vậy, hệ thống tên lửa S-400 có thể hoàn toàn đảm nhận được nhiệm vụ phòng không trong một phạm vi rộng nhưng để chống lại những tên lửa đạn đạo và có khả năng phòng thủ không gian ở mức cao hơn thì cần có một hệ thống phòng không chuyên biệt hơn.

Đó là lý do S-500 ra đời, với mục đích hoàn toàn để phòng thủ tên lửa, chống lại các vật thể bay, bảo tồn các cơ sở, mục tiêu quan trọng và để tự vệ. Tóm lại, nếu như với S-400, thông số ưu tiên là đánh chặn tầm xa, thì tới đây S-500 ưu tiên cho mục tiêu ở tầm cao.




>> Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp hàng loạt tàu ngầm



[BDV news] Bộ Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Công ty STM của nước này đã ký hợp đồng hiện đại hoá hàng loạt các tàu ngầm cũ.

Theo đó một loạt tàu ngầm cũ sẽ được gia hạn sử dụng. Hợp đồng sửa chữa được ký chính thức vào ngày 31/3. Tổng giá trị hợp đồng hiện nay vẫn chưa được tiết lộ.

Trong khuôn khổ hợp đồng gồm kế hoạch hiện đại hoá các tàu ngầm loại S-351 Doğanay, S-352 Dolunay và Atılay.

Theo kế hoạch hiện đại hoá, các tàu loại tàu này sẽ được trang bị kính tiềm vọng mới (Zeiss SERO 400 hoặc OMS 100 thay cho Kollmorgen), hệ thống dẫn đường quán tính mới do công ty Raytheon sản xuất và tổ hợp trinh sát kỹ thuật điện tử ARES-2N do Aselsan sản xuất.



Tàu ngầm Atilay từng là loại tàu ngầm chủ lực của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ


Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch hiện đại hoá 4 ống phóng ngư lôi để bảo đảm phóng ngư lôi hạng nặng Mk48 ADCAP Mod6 AT, nhưng trong các điều kiện của hợp đồng mới không quy định điều này.

Tàu ngầm loại S-351 Doğanay và S-352 Dolunay sẽ được hiện đại hoá tại Xưởng đóng tàu của hải quân ở Gölcük trong thời hạn 4 năm.

Tàu ngầm loại Atılay (dự án 209/1200 Atilay là tàu ngầm xuất khẩu do công ty Howaldtswerke-Deutsche Werft của Đức đóng) thuộc dòng tàu ngầm lạc hậu nhất trong biên chế của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Các tàu ngầm thuộc dòng Atilay này một thời từng là loại tàu ngầm chủ lực của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, được đưa vào biên chế từ 36 năm trước. Tàu ngầm mới nhất thuộc dòng này này trang bị cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 22 năm.

Hiện nay, trong trang bị Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có 6 tàu ngầm loại Atılay. Trong số đó, sẽ có 2 tàu ngầm được cho “nghỉ hưu” khi hải quân nước này biên chế các tàu ngầm mới dự án 214.

Một số các đặc tính cơ bản của tàu ngầm Atilay:

Lượng choán nước: 1.185 tấn

Dài: 55,9m; Rộng: 6,2m; ;

Vận tốc: 11 hải lý/h; Thuỷ thủ đoàn: 38 người;

Vũ khí: 8 ống phóng ngư lôi 533mm (cơ số đạn tác chiến dự trữ - 14 ngư lôi).


>> Bắn nhau trên tàu ngầm Anh



[BDV news] Cảnh sát Anh vừa bắt một thủy thủ trên tàu ngầm nguyên tử HMS Astute đang đỗ ở cảng Southampton sau khi anh này bắn chết một đồng nghiệp và làm một người khác bị thương nặng.

Giới truyền thông Anh cho hay, vụ nổ súng xảy ra khoảng 12h12 ngày 8/4 (giờ địa phương). Nghi phạm sử dụng súng trường SA80 để “nã” hai đồng nghiệp trước khi bị khống chế và bắt giữ.

Một nhân chứng kể lại rằng, anh nghe thấy 6 loạt đạn. Sau đó một đồng nghiệp bị trúng đạn chạy vọt qua người anh.

Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh, một nạn nhân thiệt mạng ngay tại hiện trường, trong khi một người khác bị thương khá nặng. Bộ quốc phòng Anh thông báo là sẽ không công bố tên của hai nạn nhân cho tới khi gia đình họ được thông báo.

Người phát ngôn này cũng cho biết, nghi phạm là một thủy thủ làm nhiệm vụ canh gác tàu ngầm. Anh này vừa nhận súng từ kho vũ khí của tàu khi tới làm nhiệm vụ canh gác và dự kiến nhận ca trực thì xảy ra tranh cãi với một đồng nghiệp về việc sử dụng phòng vệ sinh. Ngay sau đó, sẵn có súng trên tay, anh khai hỏa về phía các đồng nghiệp.



Vụ nổ súng khiến một người thiệt mạng và một người khác bị thương.


Tàu ngầm HMS Astute hoạt động tại Scotland nhưng đang có chuyến "thăm" kéo dài 5 ngày tới Southampton. Con tàu có giá một tỷ bảng Anh này là một trong 11 tàu ngầm hạt nhân của Anh. Nó được trang bị ngư lôi Spearfish và tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, con tàu gặp phải không ít biến cố trong sự nghiệp ngắn ngủi. Theo dự kiến, HMS Astute được đưa vào sử dụng năm 2005 nhưng thời hạn này bị lùi đến năm 2010, với khoản ngân sách vượt hàng triệu USD. Đến tháng 10/2010, HMS Astute lại đâm phải đá và bị mắc kẹt gần đảo Skye ngoài khơi bờ biển phía Tây của Scotland.




>> Pháp 'tung hoành' ở châu Phi



[BDV news] Trong các cuộc xung đột ngoài lãnh thổ hiện nay, Mỹ đang có một đối thủ “tương tầm”: đồng minh thân cận Pháp đang tích cực tham gia hai chiến dịch nhằm lật đổ chế độ cầm quyền ở châu Phi.

Thứ nhất, dưới sự hỗ trợ Anh và các nước thuộc khối NATO, Pháp là “kẻ đứng mũi chịu sào”có trách nhiệm không kích vào các căn cứ của lực lượng trung thành với đại tá Moammar Gaddafi tại Libya.

Thứ hai, quân đội Pháp tích cực tham gia vào các hoạt động tại Cote d’Ivoire theo sự uỷ quyền của Liên Hiệp Quốc. Trực thăng yểm trợ của Pháp tấn công vào các kho vũ khí hạng nặng và thiết bị kỹ thuật bọc thép của Tổng thống thất cử Laurent Gbagbo.

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sau khi được Liên Hiệp Quốc uỷ quyền, Pháp không kích không chỉ sân bay quốc tế ở Abidjan, mà còn một số khu vực tại thành phố được cho là thành trì của ông Gbagbo.



Máy bay của không quân Pháp chuẩn bị không kích Libya.


Thực tế, hiện nay Pháp là người đứng đầu phương Tây, tham gia vào cả hai cuộc xung đột. Trước thời điểm này, Pháp muốn đứng ngoài cuộc trong vấn đề nội bộ của Cote d’Ivoire khi mâu thuẫn giữa phe đối lập và chế độ Gbagbo xảy ra.

Đồng thời, dù trên danh nghĩa chỉ huy tấn công Libya nhưng thực tế trong giai đoạn đầu chiến dịch tấn công Libya, Mỹ mới chính là chỉ huy chiến dịch.

Nhưng vào thứ hai vừa qua, Paris chính thức tiếp quản trách nhiệm chỉ huy chiến dịch quân sự tại cả hai quốc gia châu Phi. Quân đội Pháp tại Cote d’Ivoire đập tan các ưu thế chiến lược quan trọng của chế độ Gbagbo trong cuộc xung đột chống lại lực lượng nổi dậy Ouattara, còn các máy bay của không quân Pháp tại Libya đã gánh gác trọng trách tiến hành các hoạt động tác chiến.

Tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây, quân đội của Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara đã sẵn sàng mở các cuộc tấn công tiếp theo vào quân đội của chế độ cầm quyền.

Tình huống tương tự cũng xảy ra tại Cote d’Ivoire. Không quân Pháp đã yểm trợ trên không cho quân đội của ông Alassane Ouattara vào thời điểm quan trọng, khi tất cả sẵn sàng tấn công đòn quyết định vào căn cứ của quân đội chính phủ tại Abidjan.

Ý định thực của Pháp được thể hiện rõ trong cuộc điện đàm hôm 4/4/2011 giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy và người đứng đầu phe đối lập Cote d’Ivoire, ông Ouattara.


Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

>> Siêu xe tăng T-90AM chuẩn bị biểu diễn



[BDV news] Công ty Uralvagonzavod cho biết, xe tăng thế hệ mới T-90AM sẽ ra mắt trong cuộc Triến lãm vũ khí được tổ chức trong nửa đầu tháng 9/2011.

Hãng URA.RU cho biết, T-90AM là biến thể cải tiến của xe tăng T-90.

Theo lời Tổng giám đốc Công ty Uralvagonzavod, ông Oleg Sienko, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiết lộ mẫu xa tăng mới và thậm chí cho mọi người chứng kiến tận mắt siêu xe tăng có một không hai này.

Ông Oleg Sienko cho biết thêm, xe tăng đã được cải tiến dựa trên những ý kiến đóng góp của Bộ Quốc phòng Nga.



T-90 AM có đặc điểm phía sau tháp pháo phía sau to và vuông.


Tổng giám đốc Công ty Uralvagonzavod cho biết, trong cuộc họp tổ chức ngày 8/12/2009, các nhà quân sự Nga đã lên tiếng “chỉ trích” T-90AM. Họ cho rằng động cơ, hộp truyền động và hàng loạt các thiết bị khác của T-90AM không đáp ứng các tiêu chuẩn.

Hiện nay, T-90AM được cải tiến động cơ và có công suất lên đến 1.300 mã lực. Ngoài ra, T-90AM còn được nâng cấp các thiết bị điện tử, trang bị pháo chính và súng máy hiện đại.

Ông Oleg Sienko tuyên bố, Công ty Uralvagonzavod sẽ tiếp tục hoàn thiện xe tăng T-95, dù hiện nay Bộ Quốc phòng Nga không mấy quan tâm đến sự phát triển của dự án này.

Tháng 4/2010, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin tuyên bố, Bộ Quốc phòng đã ngừng cung cấp tài chính để chế tạo T-95. Tuy nhiên, ông Oleg Sienko lại cho rằng, dự án T-95 có rất nhiều khả quan.

Công ty Uralvagonzavod là công ty sản xuất các thiết bị kỹ thuật quân sự và thùng xe tải các loại lớn nhất ở Nga.


>> Typhoon chuyển từ giám sát sang tấn công



[BDV news] Anh đã quyết định chuyển 4 chiếc máy bay chiến đấu Typhoon sang vai trò tấn công mặt đất thay vì chỉ giám sát vùng cấm bay như trước đây.

Phát ngôn của Bộ quốc phòng Anh nói: “Được sự đồng thuận với NATO, Anh quyết định thay đổi nhiệm vụ của 4 chiếc Typhoon của Không lực Hoàng gia tham gia nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất thay vì vao trò phòng không và thi hành vùng cấm bay. Đây là động thái nhằm củng cố khả năng tấn công mặt đất của liên quân NATO”.

Trước đó, những chiếc Typhoon đậu tại Căn cứ ở Gioi del Colle, phía Nam Italy được giao nhiệm vụ cảnh giới vùng cấm bay, trong khi những đồng nghiệp, chiến đấu cơ Tornado tham gia tấn công lực lượng quân đội của chính quyền Gaddafi.



Không quân Hoàng gia Anh sẽ chuyển nhiệm vụ chiến đấu cơ Typhoon từ giám sát vùng cấm bay sang tấn công mặt đất.


Động thái của Anh nhằm phản ứng trước việc, thủ lĩnh của quân nổi dậy tại Libya, Abdelfatah Yunis cáo buộc những máy bay của NATO không làm gì trước hành động tấn công của quân đội Libya vào thường dân tại thành phố Misrata.

Yunis nhấn mạnh trước báo giới rằng, NATO để người dân Misrata thiệt mạng hàng ngày. Trong khi đó, phát ngôn của NATO, ông Carmen Romero khăng khăng, Misrata là “ưu tiên số 1 của liên quân”.

Ngày 4/4, trong chuyến thăm căn cứ quân sự ở Gioia del Colle, thủ tướng Anh, David Camero cũng cam kết gửi thêm 4 chiếc máy bay chiến đấu Tornado tham gia chiến dịch.

Cho tới nay, Anh đã cam kết đưa 20 máy bay chiến đấu tham gia vào chiến dịch của Liên Hợp Quốc với mục tiêu bảo vệ người dân Libya trước lực lượng của Gaddafi.




>> Phóng tên lửa chống tăng từ hệ thống phòng không



[BDV news] Lục quân Mỹ đã lần đầu tiên thử nghiệm phóng loại tên lửa Hellfire từ hệ thống tên lửa phòng không biến đổi Avenger.

Cuộc thử nghiệm diễn ra tại Căn cứ không quân Eglin ở bang Florida.

Phill Hillman, quản lý chương trình Avenger thuộc bộ phận Hệ thống chiến thuật và mạng lưới của Boeing phát biểu: “Những bệ phóng của Avenger có khả năng phóng tên lửa Hellfire, giúp cho người lính có thể tăng cường sức mạnh của hỏa lực mặt đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích hợp và thử nghiệm những khả năng khác cho hệ thống".

Ngoài ra, theo ông Hillman, việc nâng cấp Avenger thay vì phát triển một hệ thống mới giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. "Điều này vô cùng quan trọng trong tình hình căng thẳng về ngân sách như hiện nay”, ông Hillman nói.



Hệ thống tên lửa phòng không Avenger sẽ được dùng để phóng tên lửa tấn công mặt đất.


Cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá độ tin cậy của việc biến đổi hệ thống Avenger thích hợp với tên lửa Hellfire. Trong đó, Boeing chịu trách nhiệm nghiên cứu làm thế nào để phóng tên lửa Hellfire từ bệ phóng Avenger. Đây thực sự là bước tiến đáng kể. Bởi vì, thiết kế nguyên gốc của Avenger là hệ thống phòng không.

Các ống phóng trong hệ thống Avenger có thể đặt trên nhiều loại phương tiện, bao gồm cả các xe cơ giới được thiết kế bảo vệ chống mai phục và chống mìn (MRAP), các xe tự hành khác hoặc lắp cố định.


>> Trung Quốc tự chế tạo trực thăng cảnh báo sớm



[BDV news] Trên mạng Trung Quốc xuất hiện những bức ảnh về trực thăng Changhe Z-8 được trang bị tổ hợp chỉ huy và cảnh báo sớm bằng radar lắp đặt bên ngoài.

Có thông tin cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo biến thể trực thăng tương tự trực thăng chỉ huy và cảnh báo sớm Ka-31 của Nga.

Dự đoán, trực thăng này sẽ được trang bị cho tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.



Hình ảnh trực thăng Changhe Z-8 xuất hiện trên mạng Trung Quốc.

Trên hình ảnh nhận thấy, anten của radar được lắp đặt sau khoang tải. Khi làm việc, anten có thể hạ thấp, cho phép quan sát 360 độ tương tự như hệ thống Horizon AEW của Pháp lắp đặt trên trực thăng Aerospatiale Super Puma Mark 2.

Theo giả thuyết khác, đây là loại radar SAR mà quân đội Trung Quốc thường sử dụng.

Dù trong trường hợp nào, đây là một sự kiện hết sức đáng quan tâm.

Tự chế tạo trực thăng chỉ huy và cảnh báo sớm, Trung Quốc có thể không phải tiếp tục mua trực thăng Ка-31 của Nga nữa.

Thực tế là tàu sân bay Varyag không thể triển khai hoạt động cho các máy bay cảnh báo sớm kiểu KJ-2000 mà Trung Quốc đang sở hữu. Trong khi đó việc đàm phán mua trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 của Nga đang gặp khó khăn.

Do đó, Trung Quốc đã quay sang giải pháp phát triển trực thăng cảnh báo sớm trên cơ sở của trực thăng vận tải.


Trực thăng Super Puma Mark II của Pháp.

Z-8 là trực thăng vận tải hạng trung được sao chép từ trực thăng vận tải SA 321 Super Frelon của Pháp, phát triển trong giai đoạn những năm 1980, thời kỳ "trăng mật" giữa Trung Quốc và Pháp.

Tuy nhiên, bản thân Z-8 thiếu khả năng hoạt động trên các sàn đáp của tàu chiến. Không rõ hiện tại giới quân sự Trung Quốc đã cải thiện vấn đề này như thế nào.


>> Hà Lan chuyển F-16 'dư thừa' cho Chile



[BDV news] Ngày 6/4, BQP Hà Lan đã chuyển giao cho Không quân Chile lô hàng thứ hai gồm 6 chiếc F-16 Fighting Falcon (*) từ kho dự dự trữ của Không quân Hà Lan.

Lô hàng đã được chuyển từ căn cứ không quân Volkel bằng máy bay vận tải IL-76 và được hộ tống bằng các máy bay chiến đấu.

Chile đã mua từ Hà Lan 18 máy bay chiến đấu F-16. Các lô hàng đầu tiên đã được chuyển giao chỉ vào giữa tháng 11/2010.

Theo dự kiến, chiếc máy bay F-16 Fighting Falcon cuối cùng Chile sẽ nhận được vào tháng 09/2011.

Đây là hợp đồng thứ hai, được ký kết giữa Hà Lan và Chile.





 F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm.

Vào năm 2006 Chile cũng đã mua tới 18 máy bay loại này. Với việc tiếp nhận các lô máy bay F-16 này, Chile dự tính sẽ biên chế cho khoảng 40 đơn vị trong lực lượng vũ trang.

Bộ quốc phòng Hà Lan bắt đầu bán các thiết bị quân sự dư thừa từ năm 2007, vì khi đó Bộ quốc phòng thông qua chiến lược mới cho sự phát triển các lực lượng vũ trang.

Trong tài liệu chiến lược quốc phòng này có đưa ra mục tiêu hạn chế số lượng các hoạt động quân sự của Không quân Hà Lan. Ngoài ra, một số các máy bay chiến đấu cũng được chuyển sang cho Lực lượng Pháo binh.

Cũng vào giữa tháng 3/2011 Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo rằng sẽ cắt giảm 80 xe tăng Leopard và Leopard 2. Nếu quyết định được thông qua, những chiếc sẽ tăng này cũng sẽ được đưa ra chào bán.

(*) F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm do công ty General Dynamics và Lockheed Martin phát triển dành cho Không quân Mỹ.

Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm thành công. Sự linh hoạt là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu, hiện F-16 đang hoạt động tại 24 quốc gia.

F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.000 máy bay đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. Dù không Mỹ không chế tạo để tiếp cho Không quân Mỹ nưa nhưng nó vẫn được chế tạo dành cho xuất khẩu.

F-16 Fighting Falcon đã rất thành công trong các cuộc tấm công tầm gần và tầm thấp, nhờ những ưu thế cải tiến như buồng lái hoàn toàn kính giúp tăng tầm quan sát, thanh điều khiển bên giúp dễ dàng điều khiển trong điều kiện trọng lực và lực cản cao, và ghế phi công ngửa giúp giảm áp lực lên phi công.

Hơn nữa, máy bay có khả năng tăng đạt tốc cực tốt.

Dù tên chính thức của F-16 là "Fighting Falcon", nó thường được các phi công Mỹ gọi là "Viper” (rắn hổ lục). F-16 Fighting Falcon còn có các biến thể như F-16A/B, F-16C/D, F-16E/F và một số phiên bản khác.

F-16 Fighting Falcon đã được bán rất chạy ở Trung Đông. Do đơn đặt hàng lên tới hàng tỷ USD, theo đó hãng Lockheed Martin thông báo rằng, sẽ vẫn tiếp tục duy trì sản xuất máy bay tiêm kích F-16 cho tới năm 2013-2015.

Đây là máy bay được trang bị một động cơ, vũ khí bao gồm một súng M61Vulcan và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder. Các phiên bản nhất có thể được trang bị tên lửa AIM-120 AMRAAM. Nó cũng có thể được trang bị rất nhiều kiểu tên lửa từ không đối không và đất đối đất, rocket hay bom.


>> Trực thăng 'cá sấu' chính thức tới Peru



[BDV news] Nga đã bàn giao hai máy bay trực thăng tấn công Mi-35P Hind E cho phía Peru.

Đây là một phần của hợp đồng mua bán vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh của Không quân Peru để đối phó với các băng đảng ma túy và khủng bố.

Những chi tiết riêng biệt của trực thăng được chuyển tới Peru bằng máy bay không vận An-124-100 condor.

“Quá trình lắp ráp các máy bay đang được các kỹ thuật viên người Nga tiến hành. Những trực thăng này sẽ có chuyến bay thử đầu tiên vào vài ngày nữa, sau đó sẽ chính thức được chuyển giao cho Không quân Peru,” ông Igor Korotchenko – giám đốc trung tâm phân tích mua bán vũ khí của Nga cho biết.

Trực thăng đã được sơn màu truyền thống dành cho Không quân Peru, phần đầu của máy bay giống hàm cá mập. Thường thì như những máy bay Su-22 và Su-25 của Nga hiện đang trang bị cho Không quân Peru cũng có hình con thú được cách điệu hóa ở phần đầu của máy bay.



Máy bay trực thăng Mi-35P mà Nga chuyển giao cho Peru.


Mi-35 là bản nâng cấp của trực thăng chiến đấu Mi-24 nổi tiếng với hỏa lực mạnh và khả năng chuyên chở tốt.

Mi-24 là loại máy bay ít có khả năng chiến đấu hiệu quả vào ban đêm, còn máy bay Mi-35P hiện đại hơn có khả năng tấn công hiệu quả hơn vào ban đêm.

Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga và bộ quốc phòng Peru đã kí hợp đồng trị giá 108 triệu USD. Nội dung của hợp đồng này là 6 trực thăng đa nhiệm Mi-171 Hip H và 2 trực thăng Mi-35 vào tháng 6/2010.

Những máy bay này được sử dụng để chống khủng bố và buôn lậu ma túy tại thung lũng sông Apurimac và Ene. Chính phủ Peru đã đặt khu vực này là vùng chiến sự vào tháng 8/2009 sau khi giao tranh giữa chính phủ và quân du kích Sendero Luminoso trở nên nghiêm trọng.

Sendero Luminoso bị Chính phủ Peru coi là một tổ chức khủng bố có liên hệ mật thiết với các nhóm buôn bán ma túy.

Mi-35 là trực thăng tấn công đa chức năng có thể tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và trên không, hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị bộ binh với vận tốc tối đa lên tới 330 km/h, tầm hoạt động 500km, trần bay thực tế - 5700m. Mi-35 có thể thực hiện nhiệm vụ cả ban đêm và trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Hiện tại, Peru đang lên kế hoạch thực hiện chương trình hiện đại hóa hạm đội tàu mua từ thời Liên Xô.


Máy bay trực thăng Mil Mi-24D.


Năm 2005 Peru cũng đã ký kết với công ty Rosoboronexport để nâng cấp 13 máy bay trực thăng Mi-17. Tổng giá trị của hợp đồng nâng cấp lên tới 13 triệu đô la.

Vào năm 2007, Peru đã tiến hành hiện đại hóa 70 máy bay trực thăng, 21 máy bay tiêm kích, 50 máy bay ném bom do Liên Xô sản xuất. Chương trình hiện đại hóa các hạm đội dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011.

Mi-35P là trực thăng vũ trang hiện đại nhất của Nga được phát triển liên tục từ các thế hệ của dòng Mi hiện được Không quân nhiều nước ưa chuộng. Theo ghi nhận, hiện tại ít nhất có 53 quốc gia sử dụng trực thăng vũ trang dòng Mi trong huấn luyện và tác chiến.

Hỏa lực và các tính năng chiến thuật của trực thăng vũ trang MI-35P được phát triển và nâng cấp từ nền tảng hỏa lực, tính năng chiến thuật của phiên bản Mi- 24, Mi-28 và các loại trực thăng vũ trang hiện đại của Nga hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, Mi-35P đã đánh bại các đối thủ là trực thăng vũ trang hiệu TIGER của châu Âu và dòng Mangusta hiện đại của Italy có hàng loạt đơn đặt hàng của các nước

Trên phương diện phòng thủ, khoang lái của Mi-35P được thiết kế theo bố cục trục dọc và được bảo vệ bởi kính chống đạn.

Mi-35P được trang bị pháo hai nòng 30mm được bố trí phí bên phải của buồng lái thay cho súng máy hạng nặng 4 nòng 12,7mm

Ngoài ra, hai cánh phụ của Mi-35P có trang bị tên lửa chống tăng AT-9 có độ xuyên giáp lên tới 80 cm. Bên cạnh đó, Mi-35P còn được trang bị ống phóng tên lửa và ống phóng lựu tự động.


>> Đài Loan lập hải đội tàu tên lửa mới



[BDV news]Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu chào mừng sự ra đời của đội tàu tên lửa mới vào ngày 7/4.

Tổng thống Mã Anh Cửu đích thân tham dự buổi lễ khai trương tại quân cảng Suao, đông bắc Đài Loan.

Ông Mã Anh Cửu cam kết tăng cường tiềm lực quân sự nhằm đối phó với sức mạnh quân sự từ Trung Quốc.

Hải đội bao ngồm 10 tàu tên lửa được chế tạo tại Đài Loan.



Tên lửa Hsiungfeng II được trang bị cho đội tàu mới.

Ông Mã Anh Cửu có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh và cho rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã “nồng ấm” hơn nhiều kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2008. Tuy nhiên, tổng thống Đài Loan không từ bỏ các biện pháp đề phòng Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố Đài Loan là một phần đất thuộc chủ quyền của quốc gia này. “Chúng ta không thể ngơi nghỉ trong quá trình xây dựng quân đội”, ông Mã Anh Cửu nói.

Ông Mã phủ nhận ý kiến cho rằng Đài Loan đang chạy đua vũ trang với Trung Quốc, do có sữ khác biệt rất lớn trong qui mô kinh tế giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục.


Tàu lớp Seagull lỗi thời sẽ được thay thế hoàn toàn bằng thế hệ tàu mới.


Dù vậy, “Đài Loan vẫn duy trì một lực lượng tự vệ nhỏ nhưng tinh nhuệ, hoạt động theo đường lối “chiến tranh phi đối xứng”, ông Mã nói.

“Chiến tranh phi đối xứng” là thuật ngữ để chỉ chiến tranh giữa hai phe với tương quan lực lượng khác nhau. Phía yếu hơn sử dụng chiến thuật và chất lượng để cân bằng với số lượng.

Hải quân Đài Loan tiết lộ, sẽ chế tạo thêm 10 tàu tên lửa và bàn giao vào cuối năm 2011. Khi đó, Hải quân Đài Loan sẽ có khoảng 30 tàu loại này.

Những tàu tên lửa này được sử dụng để thay cho tàu lớp Seagull nặng 50 tấn đã lỗi thời. Mỗi tàu chiến này nặng 171 tấn, được trang bị 4 tên lửa Hsiungfeng II.


>> Israel nhìn nhận vai trò của Iron Dome



[BDV news] Từ phê phán dự án tốn kém, báo chí Israel đã nhìn nhận sự cần thiết của hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm sắt).

Ngày 4/4/2011 Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết, Không quân Israel có kế hoạch triển khai 6 khẩu đội của hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome trong 2 năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Barak, khẩu đội mới sẽ được đưa vào chiến đấu với sự hỗ trợ tài chính từ phía Mỹ.

Vào tháng 5/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đồng ý cung cấp cho Israel 205 triệu USD chi cho việc triển khai hệ thống Iron Dome.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết: “Hiện tại Israel đã có 4 khẩu đội, với sự giúp đỡ tài chính của Chính phủ Mỹ, chúng tôi hy vọng tới năm 2013 Israel sẽ có 6 khẩu đội hoạt động.

Khẩu đội pháo đầu tiên của hệ thống trị giá hàng tỷ USD này được triển khai ở phía Bắc ngoại ô Beer Sheva, thành phố hoang mạc nhiều ngày sau khi thành phố này bị trúng 3 quả rocket Grad phóng đi từ Dải Gaza giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và khu vực của Palestine.

Ông Barak cho biết thêm, khẩu đội thứ hai sẽ sớm đi vào hoạt động tại vùng biên giới giữa Israel và Dải Gaza.



Hệ thống radar của Iron Dome.

Theo các quan chức quân sự Israel, hệ thống trên vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa thể chống đỡ được hàng trăm quả rocket từ Dải Gaza vào khu vực miền nam Israel. Theo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu , hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn chưa thể hoàn toàn bảo vệ đất nước khỏi bị tấn công tên lửa.

Mỗi năm Mỹ viện trợ quân sự cho Israel lên đến 3 tỷ USD. Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Israel dự định sẽ triển khai 20 khẩu đội Iron Dome.

Hệ thống Iron Dome, do Công ty quốc doanh Rafael Advanced Defense Systems của Israel sản xuất với sự giúp đỡ tài chính của Mỹ, được thiết kế để chặn các tên lửa và đạn pháo tấn công từ cự ly 4-70 km.

Cấu trúc của một khẩu đội "Iron Dome" bao gồm một radar đa năng EL/M-2084, trung tâm kiểm soát tên lửa và ba bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir AMM với đầu dò cảm biến quang điện tử, với khả năng cơ động rất cao. Tổ hợp có khả năng bảo đảm phòng thủ cho một khu vực có phạm vi 150 km.

Nếu dữ liệu tính toán cho thấy quỹ đạo bay của tên lửa đối phương có thể gây ra mối nguy hiểm, hệ thống lập tức được triển khai để đánh chặn tên lửa ngay từ ngoài vùng nguy hiểm.

Việc bàn giao những khẩu đội Iron Dome cho Quân đội Israel sẽ phải hoàn tất vào cuối năm 2013.


Mô phỏng hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome.


Trước đó tháng 11/2010 báo chí Isarel đánh giá hệ thống Iron Dome quá phức tạp để có thể hoạt động đầy đủ như một thứ vũ khí phòng thủ hiệu quả.

Nhiều ý kiến chỉ trích hệ thống Iron Dome có chi phí phát triển quá tốn kém, hệ thống vận hành phức tạp. Tên lửa Tamir có giá thành lên đến 50.000 USD/quả, nếu dùng để đánh chặn một quả đạn rocket thông thường xem ra quá lãng phí. Tuy nhiên sau các vụ tấn công bằng rocket và tên lửa của Hezbollah thì dư luận nhìn nhận lại sự cần thiết phải phát triển hệ thống đắt tiền này.

Theo kế hoạch, hệ thống đầu tiên sẽ được triển khai dọc theo khu vực giáp ranh với lực lượng Hamas tại dải Gaza, nơi các chiến binh du kích đã bắn rất nhiều tên lửa tự chế khiến Israel phải mở một cuộc tấn công kéo dài 22 ngày vào năm 2008.

Các hệ thống tiếp theo sẽ được triển khai dọc biên giới với Lebanon, nơi các chiến binh Hezbollah đã bắn hơn 4.000 quả tên lửa và đạn pháo vào miền Bắc Israel trong cuộc chiến năm 2006. Đây chính là những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển Iron Dome.

Israel cho rằng, lực lượng Hezbollah có khoảng 40.000 quả rocket. Và việc triển khai Iron Dome cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow trong chương trình tên lửa nhiều tầng nhiều lớp nhằm mục đích bảo vệ các thành phố của Israel khỏi các cuộc tấn công bằng rocket và tên lửa từ Lebanon, Dải Gaza, Syria và Iran.


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang