Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

>> Brazil tiết lộ dự án UAV đình đám



Quan chức Brazil vừa hé lộ về cuộc thử nghiệm đầu tiên dành cho Avibras Falcao, dự án UAV tham vọng nhất của đất nước Nam Mỹ trong quý II/2011.

Chuyến bay đầu tiên của Falcao đánh dấu cho giai đoạn 2 của dự án VANT (tên viết tắt của UAV theo tiếng Bồ Đào Nha).

Theo đó, UAV Falcao sẽ được lắp đặt và thử nghiệm hệ thống cất cánh/hạ cánh tự động do Phòng công nghệ và khoa học hàng không thuộc Không quân Brazil (CTA) phát triển.

Flavi Araripe, giám đốc dự án VANT không tiết lộ chi tiết công nghệ tự động sử dụng cho Falcao, gồm có các thiết bị đo độ cao, radar với các thiết bị GPS khác nhau.

Falcon có thể chở được 150 kg, lắp đặt hệ thống ăng ten vệ tinh, cảm biến điện - quang… Nhờ thế, Falcao có thể hoạt động trong phạm vi 2.500 km.

Falcon được giới thiệu có khả năng hoạt động liên tục trong 15 giờ ở độ cao 4.570 m, có thể sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát.



Mô hình đúng kích cỡ của UAV Falcao tại trụ sở của Avibras. CTA đang thiết kế Falcao có các chức năng khác phục vụ không quân.


Trước đó, giai đoạn 1 kéo dài 2 năm, Phòng công nghệ và khoa học hàng không thuộc Không quân Brazil CTA đã tiến hành 59 cuộc bay thử với UAV Harpia nhằm kiểm nghiệm phần mềm điều khiển chuyển động trung tâm của UAV Falcao.

Không quân Brazil đang sử dụng UAV khác là Hermes 450. Theo Araripe, phi đội UAV đầu tiên của không quân sẽ thành lập vào cuối tháng 4 với 2 chiếc Hermes.

Tuy nhiên, các giới lãnh đạo quân sự quan ngại về tầm hoạt động của UAV Hermes, bởi đây là một trong những yêu cầu tối quan trọng đối với đất nước rộng lớn như Brazil. Hermes chỉ có tầm hoạt động là 150 km, trong khi Không quân cần con số gấp 10 lần.

Công ty quốc phòng AEL (sản xuất Hermes 450) và Embraer đã liên doanh để cùng nghiên cứu giải quyết bài toán trên.


[BDV news]


>> Nguồn gốc xung đột ở Ta Muen Thom, Ta Kwai



Theo Đài phát thanh Trung Quốc ngày 25/4, trong cuộc xung đột lần này, cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau xâm phạm vào lãnh thổ cua mình.

Quân đội Campuchia đã cáo buộc Quân đội Thái Lan sử dụng vũ khí hóa học và bom chùm tuy nhiên phát ngôn viên bộ Ngoại giao Thái Lan đã phủ nhận những cáo buộc này và gọi những cáo buộc là “vô căn cứ”.

Hai ngôi đền Ta Muen Thom và Ta Kwai là hai đại diện tiêu biểu cho văn hóa Khmer, được xây dựng từ thời Khmer thịnh vượng. Đây là hai công trình bằng đá lớn có kiến trúc độc đáo, kiên cố. Chúng được xây dựng trên vách đá cao hơn 10m.

Đây cũng là hai ngôi đền ở “vị trí nhạy cảm” giữa biên giới Thái Lan - Campuchia và cũng là nơi ẩn tàng một sự tranh chấp lớn giữa hai quốc gia này.

Kể từ khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Thái Lan và Campuchia đã nhiều lần tranh chấp quyền sở hữu 3 ngôi đền này.



Hai ngôi đền này cách đền Preah Vihear khoảng 150 km về phía tây. Các ngôi đền đều có chung một ngồn gốc lịch sử và vị trí địa lí hùng vĩ.


Phía Thái Lan chủ trương căn cứ theo bản đồ địa giới được vẽ năm 1947 thì hai ngôi đền Ta Muen Thom và Ta Kwai thuộc tỉnh Surin của Thái Lan.

Tuy nhiên, phía Campuchia kiên quyết bác bỏ lập trường này của Thái Lan và cho rằng 2 ngôi đền này thuộc tỉnh Adobe Meanchey của Campuchia.

Mùa hè năm 2008, Thái Lan đưa quân đội vào ngôi đền Ta Muen Thom, điều này dẫn tới sự phản đối kịch liệt từ phía Campuchia.

Tháng 8/2008 hai nước đã đạt được thỏa thuận rút quân theo từng bộ phận tại ngôi đền này.

Ủy ban Biên giới Liên hợp giữa hai nước đã bắt đầu công tác khảo sát, thăm dò và cắm mốc tại khu vực này cách đây 10 năm. Thế nhưng, đến nay sự phối hợp chưa đưa ra được một bản đồ địa giới thống nhất.


[BDV news]


>> Trung Quốc 'bắt mạch' xung đột Campuchia - Thái Lan



Cuộc xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia tiếp tục leo thang quanh hai ngôi đền Ta Muen Thom và Ta Kwai.

Trong một cuộc phỏng vấn với chuyên gia Đông Nam Á của Trung Quốc, ông Tùng Thanh Khánh cho rằng ngoài những mâu thuẫn xung quanh các đền thờ, những tình trạng bất ổn ở Campuchia - Thái Lan trước cuộc bầu cử của hai nước cũng là một trong những lý do của sự xung đột.

Cuộc xung đột quân sự giữa hai nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến các người dân. Trong những ngày gần đây, để thoát khỏi tiếng súng, khoảng 25.000 người dân Thái Lan đã được sơ tán đến 6 nơi trú ẩn tạm thời.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, đạn pháo Thái đã bắn vào các ngôi làng cách biên giới Campuchia - Thái Lan khoảng 21 km điều này làm cho hàng ngàn hộ gia đình trong những ngôi làng này của Campuchia buộc phải sơ tán.

Theo ước tính của ngành du lịch Thái Lan, xung đột biên giới gần đây đã gây ra thiệt hại khoảng 300.000 USD về thương mại.




Đã có tổng cộng hơn 10 binh sĩ thiệt mạng và 43 người khác bị thương trong cuộc xung đột Thái Lan-Campuchia gần đây.


Ông Tùng Anh Khánh nói rằng, xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia trong tương lai có thể đi theo xu hướng những cuộc xung đột nhỏ tiếp diễn nhau. Chính phủ hai nước đều muốn lợi dụng các cuộc xung đột biên giới để giải quyết các bất ổn nội bộ và làm giảm áp lực lên chính quyền cai trị.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay khi mà cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi đang nóng lên từng ngày. Đặc biệt, tình hình tại Libya là tâm điểm chú ý của cả thế giới, các cuộc xung đột tại biên giới Thái Lan - Campuchia lại xảy ra.

Điều này cho thấy, hai nước đều hy vọng cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý tới vấn đề xung đột Thái Lan - Campuchia.

Ví dụ, xung đột Thái Lan và Campuchia xảy ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thì vấn đề xung đột Thái Lan - Campuchia có thể trở thành “chiến tranh” trong đại hội.

Nhưng chính phủ hai nước không muốn đưa các cuộc xung đột nhỏ trở thành “chiến tranh”. Bởi hai nước đều không có khả năng, hoặc không có sự chuẩn bị về tâm lý, quân sự để tiến hành một cuộc chiến tranh và điều này cũng không phù hợp với sự phát triển hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đối với tình hình hiện nay mà nói, Liên Hiệp Quốc và ASEAN không thể xoa dịu được ngay cuộc xung đột Thái Lan - Campuchia.

Giải pháp duy nhất là cả Thái Lan và Campuchia phải tiến hành đàm phán một cách bình tĩnh giải quyết các mâu thuẫn trong lịch sử giữa hai nước và cuộc xung đột thực tế.


[BDV news]


>> 'Siêu tăng' T-95 bị chết yểu?



Giới quân sự Nga và thế giới từng kỳ vọng chứng kiến sự xuất hiện của “siêu tăng” T-95 tuy nhiên mong muốn này có thể không bao giờ thành hiện thực.

Tháng 12/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popotkin thông báo: Quân đội Nga sẽ chấm dứt tài trợ cho dự án phát triển loại tăng chiến đấu chủ lực mới được biết đến với tên gọi T-95. Tuyên bố trên làm thất vọng toàn bộ giới quân sự Nga và thế giới.

Rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi, tại sao một dự án được ấp ủ gần hai thập kỷ qua bỗng dưng chấm dứt một cách khó hiểu. Trước đó, từng có những tin đồn loại “siêu tăng” này đã hoàn tất giai đoạn phát triển cuối cùng.



Chiếc xe tăng đang trùm bạt này được cho là chở mẫu nghiên cứu của T-95.


Nguồn gốc và kỳ vọng về T-95
Dự án phát triển T-95 được gọi là Objekt 775, được manh nha phát triển từ thời Liên Xô. Ban đầu, mẫu tăng mới này dự định đưa và sử dụng trong những năm 1995. Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô khiến dòng vốn tài trợ cho dự án bị cắt đứt, dự án rơi vào tình trạng không xác định thời hạn.

Vào những năm 2000, Lục quân Nga đối mặt với tình trạng khủng hoảng xe tăng nghiêm trọng. Objekt 775 hay 195 được khởi động trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của giải pháp tạm thời T-90.

Theo dự kiến, sự xuất hiện của T-95 cùng với T-90 và những biến thể nâng cấp của T-80MU2 sẽ là nòng cốt cho lực lượng tăng thiết giáp của Nga. Dự kiến, T-95 sẽ trải qua thử nghiệm và trang bị cho quân đội vào năm 2010.


Hình ảnh thực sự về T-95 vẫn chưa xuất hiện bao giờ.


Theo một số thông tin rò rỉ từ giới quân sự Nga, T-95 là mẫu thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với các loại tăng hiện có.

Tháp pháo được trang bị pháo với cỡ nòng lên đến 135mm (thậm chí, có thể là 152mm), tích hợp khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, tháp pháo được điều khiển từ xa với cơ chế nạp đạn hoàn toàn tự động.

Được thiết kế theo kiểu phương Tây, tháp pháo có khả năng bảo vệ kíp xe trong trường hợp khối đạn dược bị kích nổ.

Giá xe thấp hơn tiêu chuẩn để tăng khả năng tàng hình, hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, dựa trên cơ chế tự động hóa cao.

T-95 được trang bị giáp thế hệ mới với khả năng chống chịu các loại đạn chống tăng hiện đại, cùng với đó là hệ thống phòng vệ chủ động tối ưu.

T-95 được cho là có khối lượng đến 50 tấn, trang bị động cơ 1.800 mã lực, tốc độ tối đa lên đến 75km/giờ, kíp xe 3 người. Ở bên trong, buồng lái được thiết kế phù hợp với công thái học, tạo sự thoải mái cho kíp xe.

Giới quân sự Nga tự hào cho rằng T-95 sẽ là một loại “siêu tăng” không có đối thủ. Tuy nhiên, “siêu tăng” sẽ không bao giờ xuất hiện, hoặc nếu có sẽ là một mẫu thiết kế khác với mong đợi về T-95.

Nguyên nhân hủy bỏ dự án
Lý giải cho sự hủy bỏ của dự án “siêu tăng” T-95 một số nhà phân tích quân sự Nga và các nước cho rằng: Ý tưởng về T-95 hay Objekt 775/195 ra đời hơn 2 thập kỷ. Dù vào thời điểm xây dựng, phát triển mẫu thiết kế là cực kỳ hiện đại và không có đối thủ nhưng T-95 không còn phù hợp với quan điểm tác chiến của chiến tranh hiện đại.

Theo như trình bày, T-95 là một mẫu thiết kế cực kỳ phức tạp, và có chi phí chế tạo cực kỳ đắt đỏ, tương tự như trường hợp của T-64 trước đây. Nền công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga rất khó để đảm đương được điều này. Nếu chế tạo hàng loạt, Nga sẽ không đủ kinh phí để có thể sản xuất T-95 trên quy mô lớn.


Xe tăng dù hiện đại đến mấy cũng rất khó có cơ hội sống sót trước những loại trực thăng chuyên làm nhiệm vụ chống tăng như AH-64D Apache.


Một góc nhìn khác, sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí chống tăng, đặc biệt là các tên lửa chống tăng được trang bị trên các máy bay chiến đấu khiến cho T-95 hiện đại đến mấy, được bảo vệ tốt đến mức nào, cũng có thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ bằng một phát bắn từ trên không.

Trong tác chiến hiện đại, vai trò của xe tăng đang ngày càng giảm dần, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí cho chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Ở đó, xe tăng là phương tiện dễ bị tiêu diệt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong môi trường tác chiến đô thị, nơi khả năng quan sát của xe tăng rất hạn chế.

Nếu biên chế T-95 trong Quân đội Nga cũng không thay đổi thực tế này. Khi đó, chế tạo hàng loạt T-95 sẽ là sự đầu tư lãng phí và kém hiệu quả so với giải pháp tạm thời T-90.

Mở rộng ra, nếu nhìn vào chiến lược hiện đại hóa quân đội Nga, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược được chú trọng đầu tư phát triển hơn. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của các lực lượng nói trên quyết định thành bại chứ không phải là xe tăng như thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia khác cũng không chú trọng đầu tư nhiều cho việc phát triển những mẫu tăng chiến đấu chủ lực mới, đơn giản là chỉ nâng cấp những mẫu tăng hiện có mà thôi. Do đó, việc hủy bỏ dự án “siêu tăng” T-95 cũng là một phần của xu hướng chung của giới quân sự thế giới.


[BDV news]


>> Nga hạ thủy tàu tuần tra của Hải quân Việt Nam



Ngày 22/4/2011, hãng đóng tàu Almaz ở St.Petersburg, Nga đã hạ thủy tàu tuần tra lớp Projekt 10412 Svetlyak đóng cho Hải quân Việt Nam.

Chiếc tàu vừa hạ thủy có số hiệu nhà máy 044. Ba ngày trước đó, công tác chuẩn bị cho việc hạ thủy đã được tiến hành.

Việc hạ thủy bắt đầu ngày từ đầu giờ sáng. Sau thủ tục kiểm tra, tàu kéo RBT-5 tiến lại từ phía đuôi tàu, chở theo một phụ nữ có tên Yulia đóng vai trò ‘mẹ đỡ đầu’ thực hiện thủ tục đập vỡ chai champagne vào thân tàu.

Sau đó, tàu được đưa khỏi đốc nổi và neo bên bến cảng nhà máy để tiếp tục đóng hoàn thiện. Chưa rõ khi nào tàu sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam.





Hải quân Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 4 tàu tuần tra Projekt 10412 (biến thể xuất khẩu của Projekt 10410 Svetlyak). Hai tàu đầu tiên cùng lớp đã được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam. Hai tàu cuối đang đóng theo hợp đồng ký vào tháng 7/2009.

Trước đó có tin, trị giá của hợp đồng ước khoảng 60 triệu USD.

Tàu chiến lớp Projekt 10412 có lượng giãn nước 375 tấn, có khả năng chạy với tốc độ 30 hải lý/h, cự ly hành trình 2.200 hải lý.

Tàu được trang bị 1 ụ pháo tự động 6 nòng 30 mm АК-306, 1 ụ pháo 76,2 mm АК-176М, 16 hệ thống tên lửa Igla-1М và 2 súng máy 14,5 mm.


[BDV news]


Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

>> Nga mua 60 máy bay An-70 của Ukraine



Bộ Quốc phòng Nga dự định bắt đầu mua máy bay vận tải quân sự An-70 của Ukraine từ năm 2015-2016.

Ngày 20/4 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã tuyên bố rằng, Nga sẽ mua 60 máy bay vận tải quân sự mới. Kế hoạch này nằm trong chương trình vũ khí quốc gia Nga giai đoạn 2011-2020.

Bộ Quốc phòng Nga đang thực hiện chương trình thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận quốc gia cho loại máy bay An-70. Đây là dự án chung giữa Nga và Ukraine đang trong giai đoạn hoàn tất.

Theo đó, việc cung cấp lô máy bay An-70 sẽ được bắt đầu sớm nhất vào năm 2013.

Theo kế hoạch trước đó, máy bay bắt đầu được cung cấp vào năm 2012. Việc lùi thời gian bắt đầu cung cấp máy bay là do cần phải tu sửa An-70 cho phù hợp với những yêu cầu của Quân đội Ukraine và Nga.



Máy bay An-70 là loại máy bay vận tải quân sự do Nga và Ukraine hợp tác sản xuất.


Việc chế tạo máy bay An-70 được thực hiện với sự đóng góp kinh phí chung của Nga và Ukraine. Đến năm 2013, Nga cần chi 85,1 triệu USD cho chương trình phát triển An-70, còn Ukraine sẽ đóng góp 60,2 triệu USD.

Ngoài ra, nhân chuyến thăm Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov cũng cho biết, trong 5 năm tới Bộ Quốc phòng Nga dự định cấp các máy bay vận tải An-124 Ruslan hiện có, còn giai đoạn từ năm 2015-2016, Nga bắt đầu mua những máy bay hiện đại hóa tại Ukraine.

Trước đó vào năm 2002, Nga và Ukraine đã đồng ý một thỏa thuận sản xuất với tỷ lệ chia sẻ rủi ro 50/50. Đặc biệt, có những kế hoạch nhằm thiết lập việc sản xuất hàng loạt phiên bản này tại cả Ukraine và Nga. Chính phủ Nga đã tỏ ý quan tâm tới việc mua 160 chiếc máy bay này cho lĩnh vực quân sự của họ.

Antonov An-70 là thế hệ máy bay vận tải tầm trung hiện đại sử dụng bốn động cơ Progress D-27, đây cũng là máy bay đầu tiên sử dụng loại động cơ này.

An-70 được phát triển bởi phòng thiết kế Antonov, máy bay được chế tạo để thay thế loại máy bay vận tải quân sự đã lỗi thời An-12. Công việc thiết kế và chế tạo An-70 đã bắt đầu từ đầu thập kỷ 1990.

Chuyến bay đầu tiên của mẫu thiết kế này diễn ra ngày 16/12/1994 tại Kiev, Ukraine.

Máy bay vận tải quân sự An-70 có khả năng bay với vận tốc 780 km/h và tầm bay xa là 7800 km. An-70 có thể chở được 300 lính đổ bộ hoặc 47 tấn trang thiết bị.

Phi đoàn bay gồm 3-5 người, chiều dài của thân máy bay 40,7 m.

An-70 có các đặc tính buồng lái được trang bị các màn hình hiển thị và sử dụng hoàn toàn vật liệu Composite.


[BDV news]


>> Mỹ phát triển trí tuệ nhân tạo cho UAV



Không quân Mỹ đang phát triển một phần mềm mới giúp UAV có khả năng tư duy như được điều khiển bởi một phi công thực thụ.

Phần mềm mới có tên là Get Closer. Giám đốc điều hành của chương trình phát triển phần mềm mới cố gắng đưa trí tuệ nhân tạo vào công việc điều khiển UAV, giúp phương tiện này có thể tư duy như con người.

Chương trình phát triển dựa trên các thuật toán dạng tìm kiếm và so sánh cho phép UAV có thể dự đoán đường bay của máy bay khác, giúp tránh tình huống tại nạn giữa máy bay không người lái và các máy bay có người lái.

Nếu chiếc UAV có thể dự đoán được hành động của viên phi công trên máy bay, nó có thể thiết lập quỹ đạo bay khác để tránh va chạm.



Các UAV tương lai sẽ có khả năng tư duy và xử lý các tình huống như phi công thực thụ.


Điều đó cũng tương tự như chúng ta đang chuẩn bị rẽ vào đường cao tốc, bên cạnh là hai chiếc SUV đang chạy. Chắc chắn lúc đó bạn cần phải suy nghĩ và phán đoán để có thể vào làn đường một cách hợp lý nhất, nhà khoa học Dick Stottler của công ty Stottler Henke Associates, giải thích.

Công ty đã nhận được một khoản kinh phí trị giá 100.000 USD để phát triển thí điểm hệ thống phân tích ý định, xác định mô hình các hành vi trong thực tế và dự báo tình huống như: cất cánh, cơ động, tiếp đất, tích hợp thông tin từ kiểm soát không lưu, tình trạng của các đường băng, dự báo các mối nguy hiểm.

Các thuật toán được giới thiệu là thông minh tới mức giúp UAV nhận định về một máy bay bị hư hỏng, hoặc một máy bay đang trong tình huống khó khăn, dự đoán các hành vi có thể đi chệch khỏi các mô hình tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, Dick Stottler thừa nhận, các thuật toán sẽ không nhận định được các hành vi sai trái. Hiện tại, chương trình đang xây dựng ở mức độ để tránh va chạm, chưa phát triển cho các mục đích khác trong chiến đấu.


[BDV news]


>> Mỹ điều 'thần chết' giám sát Trung Quốc



Các UAV MQ-9 Reaper và RQ-1 Predator được điều từ Iraq và Afghanistan tới châu Á - Thái Bình Dương để giám sát các hoạt động quân sự của Triều Tiên, Trung Quốc.

Kế hoạch tăng cường số máy bay không người lái đến khu vực này nhằm đảm bảo khả năng giám sát trên không của Hải quân Mỹ đang đồn trú tại khu vực.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, các UAV này sẽ được rút từ chiến trường Iraq và Afghanistan, Pakistan để thực hiện nhiệm vụ trên.



Hiện tại, chưa rõ sẽ có bao nhiêu chiếc UAV được điều động đến khu vực châu Á.


Lầu Năm Góc đang có kế hoạch xây dựng mạng lưới UAV trên toàn thế giới tăng cường thêm 33 chiếc RQ-1 Predator (Thú ăn thịt) và 32 chiếc MQ-9 Reaper (Thần chết), cùng với đội ngũ nhân viên hỗ trợ lên đến 12.000 người, kế hoạch này tiêu tốn khoản ngân sách lên đến 5 tỷ USD.

Đơn giá cho mỗi chiếc RQ-1 Predator khoảng 5 triệu USD, còn MQ-9 Reaper khoảng 10,5 triệu USD. Các UAV này có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ, với tốc độ tối đa khoảng 740km/h.

Ngoài chức năng giám sát, cung cấp thông tin tình báo, các UAV này còn được vũ trang các tên lửa không đối đất chính xác, có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tình huống khẩn cấp. Dự kiến số UAV được điều động tới đây sẽ đóng quân tại các căn cứ ở Hàn Quốc và Okinawa của Nhật Bản.

Năm 2010, Mỹ đã điều động máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk đến căn cứ trên đảo Guam. Cùng với các UAV giám sát toàn cầu RQ-4, MQ-9 Reaper và RQ-1 Predator sẽ nâng cao năng lực giám sát các hoạt động quân sự tại khu vực châu Á.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc điều động thêm các UAV đến khu vực này, Mỹ đang muốn kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quân sự, đặc biệt là các hoạt động của Hải quân Trung Quốc.


[BDV news]


>> Mẫu nghiên cứu thứ 2 của J-20 cất cánh



Mẫu nghiên cứu thứ 2 của chiếc tiêm kích gây tranh cãi J-20 đã có chuyến bay thử nghiệm tiếp theo thành công.

Sự xuất hiện của mẫu nghiên cứu được cho là tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng tranh cãi, bàn tán xôn xao trên các trang mạng quân sự.

mẫu nghiên cứu đầu tiên mang số hiệu 2001 đã có chuyến bay thử nghiệm kéo dài 18 phút trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào tháng 1/2011.

Kể từ đó đến nay, giới quân sự thế giới không ngừng theo dõi về sự phát triển của loại tiêm kích còn nhiều điều hoài nghi này.

Theo một thông tin được đăng tải bởi Military.globaltimes, các nhân chứng đã chứng kiến một chuyến bay khác của một mẫu tiêm kích được cho là J-20.

Chuyến bay được khởi hành lúc 4h25 và hạ cánh lúc 5h50 (giờ địa phương) ngày 17/4, tại sân bay thử nghiệm của Viện thiết kế máy bay Thành Đô, tại tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc.





Mẫu nghiên cứu thứ 2 của J-20 đang được kiểm tra lần cuối trước khi cất cánh.


Xu Yongling một trong những phi công thử nghiệm hàng đầu của Trung Quốc cho biết Nếu chuyến bay thử nghiệm hôm Chủ Nhật là đúng sự thật, điều đó có nghĩa rằng J-20 đã tiến gần hơn tới việc sản xuất loạt.

“Cần có ít nhất từ 10-20 chuyến bay thử nghiệm từ chuyến bay thử đầu tiên để hiệu chỉnh toàn bộ hệ thống. Bao gồm sự ổn định về khí động học, chất lượng và hiệu suất của các chuyến bay. Toàn bộ quá trình này sẽ phải mất nhiều năm để hoàn thành” phi công Xu đã trao đổi như vậy với Globaltimes sáng ngày 19/4/2011.

Động cơ của J-20 vẫn là ẩn số
Đến thời điểm hiện tại, đã hơn 3 tháng trôi qua sau chuyến bay đầu tiên của J-20, loại động cơ cho tiêm kích này vẫn là một ẩn số. Điều đó tiếp tục là đề tài cho những sự đồn đoán về loại động cơ được trang bị cho J-20.


Động cơ WS-10 và các biến thế sau của nó vẫn chưa hội đủ các yếu tố cần thiết để sử dụng cho tiêm kích thế 5.(ảnh China-defence)


Lin Zuoming, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc AVIC phát biểu trong buổi lễ rằng. Sẽ thúc đẩy sự phát triển của một thế hệ máy bay mới với sự đột phá công nghệ trong phát triển động cơ đẩy.

“Đến năm 2015, các nghiên cứu và thiết kế của tất cả các mô hình chính sẽ được hoàn thành” Tổng giám đốc Lin đã phát biểu như vậy tại buổi lễ, ông cũng thừa nhận rằng, động cơ cho máy bay đang là một cái “nút cổ chai” đối với sự phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Tổng giám đốc Lin cho biết AVIC đã đầu tư số tiền 10 tỷ Nhân dân tệ (1,52 tỷ USD) để phát triển một loại động cơ cho máy bay chiến đấu mới. Số tiền này tương đương với lợi nhuận năm 2010 của AVIC.

Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các dự án phát triển động cơ cho tiêm kích thế hệ 5, thì số tiền nêu trên chẳng thấm vào đâu. Hãng động cơ Pratt & Whitney của Mỹ đã phải chi tới 4 tỷ USD cho dự án phát triển động cơ F135 cho tiêm kích thế hệ 5 F-35.

Với số tiền đầu tư khiếm tốn như vậy, cộng thêm với kết quả còn quá nhiều bất ổn của chương trình phát triển động cơ máy bay chiến đấu như WS-10 cho làm xuất hiện một câu hỏi lớn: Liệu động cơ mới này có hội đủ các yếu tố của động cơ cho tiêm kích thế hệ 5 hay không?

J-20 đã thực sự phát triển đầy đủ hay chỉ để quảng bá?
Một điều khá trùng hợp, các chuyến bay được công bố của J-20 đều trùng hợp hợp với các sự kiện lớn.

Chuyến bay thử nghiệm vừa qua trùng với một buổi lễ được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân Dân Bắc Kinh vào hôm 18/4/2011, kỷ niệm 60 ngày truyền thống của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Trong khi chuyến bay đầu tiên diễn ra trong tháng 1/2011 trùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Trung Quốc.

J-20 đã thực sự được phát triển một cách đầy đủ hay chưa? Hay đây chỉ là động thái nhằm quãng bá cho sự phát triển lớn mạnh của công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là công nghiệp hàng không Trung Quốc.


Vẫn còn quá nhiều ẩn số xung quanh sự phát triển của J-20 và các mẫu tiêm kích khác như J-15, J-18 của Trung Quốc. Ảnh: China-defence


Thời gian gần đây rộ lên tin đồn về sự xuất hiện của một mẫu tiêm kích J-18. Mẫu tiêm kích này có khả năng cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng.

Theo một báo cáo được trích dẫn bởi tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), J-18 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại một căn cứ nằm sâu bên trong khu tự trị Nội Mông.

Báo cáo cho biết, mẫu nghiên cứu J-18 có kiểu thiết kế tương tự như Su-33 của Nga, cánh máy bay có thể gập lại được. Điều này dẫn đến những liên tưởng đến việc loại máy bay này sẽ được sử dụng trên tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ding Zhiyong, phát ngôn viên của AVIC đã bác bỏ thông tin cho rằng họ đang phát triển mẫu nghiên cứu của J-18.

Có thể nhận thấy rằng, thời gian qua, Trung Quốc liên tục công bố các mẫu thử nghiệm phát triển máy bay chiến đấu mới. Từ tiêm kích trên hạm J-15, đến tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20, rồi gần đây là tiêm kích cất hạ cánh ngắn J-18.

Thực hư của các chương trình phát triển này vẫn là một ẩn số lớn. Trung Quốc đã đạt được sự thành công ban đầu trong việc tạo ra sự lo lắng và quan ngại trong cộng đồng quốc tế về các chương trình phát triển vũ khí của họ.


[BDV news]


>> Liên Hợp Quốc kêu gọi Thái - Campuchia ngừng bắn



Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang kêu gọi Campuchia và Thái Lan tuyên bố ngừng bắn, sau khi 10 binh sĩ của hai bên thiệt mạng trong hai ngày giao tranh dữ dội vừa qua.





Binh sĩ Campuchia gần khu vực biên giới tranh chấp với Thái Lan. Ảnh: AFP


Ông Ban cho rằng tranh chấp biên giới giữa hai nước Đông Nam Á này sẽ không thể giải quyết được bằng quân sự và hai bên cần phải đi đến đối thoại một cách thực sự. BBC dẫn lời phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho biết thêm: "Tổng thư ký kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và có các biện pháp ngay lập tức để thực hiện một lệnh ngừng bắn hiệu quả".

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và nỗ lực làm trung gian cho một thoả thuận hoà bình lâu dài giữa Campuchia và Thái Lan, trước đó cũng kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt bạo lực.

Các cuộc giao tranh đẫm máu giữa binh sĩ Campuchia và Thái Lan nổ ra tại khu vực phía tây ngôi đền tranh chấp ở biên giới Preah Vihear từ hôm thứ sáu. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau đã châm ngòi cho vụ đọ súng và pháo khiến mỗi bên tổn thất 3 binh sĩ này.

Sang thứ bảy, giao tranh bằng súng và pháo vẫn tiếp diễn khiến thêm một binh sĩ Thái Lan và 3 binh sĩ Campuchia thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong hai ngày đụng độ lên con số 10. Hiện trường giao tranh cũng là nơi từng xảy ra đọ súng gây thương vong hồi tháng hai vừa qua.

Sau căng thẳng hồi tháng hai, một lệnh ngừng bắn không chính thức được áp dụng tại khu vực gần ngôi đền 900 tuổi Preah Vihear. Tuy nhiên việc duy trì hoà bình tại vùng biên giới tranh chấp này khó thực hiện do binh sĩ hai bên đóng quá gần nhau. Hàng nghìn người địa phương của cả hai bên phải rời bỏ nhà cửa do căng thẳng.


[Vnexpress news]


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

>> Tàu chiến Nga thăm Đà Nẵng



Đây là các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa hoàn tất chiến dịch hộ tống các tàu hàng của Nga tại khu vực Sừng châu Phi trở về.

Interfax trích lời người phát ngôn của Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đại úy Roman Martov: “Hiện biên đội tàu hải quân Nga đang có mặt ở Ấn Độ Dương, khu vực biển Laccadive gần Ấn Độ. Trên đường trở về, biên đội tàu này sẽ thăm cảng Đà Nẵng từ ngày 7.5”.

Tờ Sự thật Moskva cũng dẫn lời Đại úy Roman Martov cho biết: “Biên đội tàu sẽ ghé thăm và làm việc tại Đà Nẵng từ ngày 7-12.5. Tại Đà Nẵng, thủy thủ đoàn sẽ tham dự các sự kiện kỷ niệm Ngày chiến thắng (9.5) trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”.





Chiến hạm Đô đốc Vinogradov là tàu săn ngầm cỡ lớn lớp Projekt 1155 của Liên Xô, được đóng từ năm 1987 và đưa vào biên chế Hạm đội Thái Bình Dương từ ngày 1.5.1989. Tàu có chiều dài 163 m, chiều rộng 19 m, chiều cao 7,8 m và có lượng giãn nước 7.480 tấn. Tàu có thủy thủ đoàn 293 người, được trang bị ngư lôi Rastrub, hệ thống tên lửa phòng không Kinzhal và mang theo 2 trực thăng Ka-27.

Mới đây, Nga tuyên bố sẽ chi hơn 150 tỷ USD cho việc hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương trong 10 năm tới. Giới chuyên gia cho rằng, một trong những lý do Nga bỏ tiền hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương là vì Moskva muốn cho Trung Quốc thấy Nga vẫn có lợi ích ở các vùng chiến lược ở châu Á.

[Vietnamdefence news]



>> Góc nhìn về vấn đề Libya từ châu Phi



Libya sẽ đi đâu về đâu? Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng chính trị quân sự tại đây? Đó là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Ngày 19/3/2011, Pháp, Anh, Mỹ mở màn cuộc không kích chống lại quân đội của Tổng thống Gaddafi theo Nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới tin rằng, hành động can thiệp quân sự với mục đích bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công của quân đội chính phủ, cải thiện tình hình nhân đạo tại đây, sẽ cho kết quả ngược lại.

Động cơ nào của hành động quân sự?

Một số nhà phân tích cho rằng, phương Tây có mục đích khác đằng sau việc thực thi vùng cấm bay để bảo vệ thường dân theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Abdullatif Haj Hussein, một nhà phân tích chính trị người Sudan nói với Tân Hoa Xã rằng, thực hiện nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ là cái cớ cho hành động can thiệp quân sự vào Libya.

“Chúng ta đã nhận thấy bài học từ Iraq và Afghanistan, can thiệp quân sự vào các quốc gia này có liên quan mật thiết với lợi ích kinh tế và chính trị. Lượng dầu mỏ của Libya chiếm 2/3 nhu cầu của các quốc gia đang tiến hành can thiệp quân sự vào Libya, các quốc gia này đang tìm kiếm một giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích về dầu mỏ của họ tại Libya”, Ông Hussien đã nói.

Ông cũng lưu ý thêm rằng: “Tham vọng to lớn của các cường quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi đường đi của các cuộc biểu tình tại Libya và các quốc gia khác. Các nước lớn đang tìm cách vẽ một bản đồ mới tại Bắc Phi và Địa Trung Hải và Nghị quyết số 1973 là cơ hội lớn để thực hiện điều này”.



Vùng cấm bay chỉ là cái cớ cho hành động can thiệp quân sự vào Libya.


Abdul-Rahim al-Sunny một nhà phân tích trị người Sudan khác cho biết: “Mục tiêu đằng sau sự can thiệp quân sự tại Libya là chia nước này thành hai miền phía Đông và phía Tây và đưa đất nước này trở lại thời kỳ đã tồn tại dưới sự cai trị của vua Al –Sanousi”

Ông Abdul-Rahim al-Sunny cho biết thêm: “Một khía cạnh nữa giải thích cho động cơ can thiệp quân sự vào Libya là để bán vũ khí, thúc đẩy chính phủ các nước trên tiếp tục rót vốn cho các chương trình phát triển vũ khí. Đó là lợi ích cốt lõi của phương Tây, họ sẽ kéo dài cuộc chiến tại Libya càng lâu càng tốt, và dường như họ không quan tâm đến việc lật đổ ông Gaddafi. Tôi tin rằng, các nước phương Tây lọ ngại người Hồi Giáo sẽ kiểm soát Libya nếu ông Gaddafi bị lật đổ”

Các chuyên gia cho rằng, tầm quan trọng của dầu mỏ tại Libya không nằm ở số lượng mà ở chất lượng của dầu mỏ tại đây. Hiện tại, Libya đang sản xuất 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và đang có kế hoạch tăng sản lượng lên đến 3 triệu thùng mỗi ngày trong những năm tới. Năm 2010, các công ty dầu mỏ tại Libya phát hiện ra hơn 24 mỏ dầu mới.

Liên minh châu Phi và nhiều quốc gia trên thế giới phản đối sự can thiệp quân sự để giải quyết tình hình tại Libya. Can thiệp quân sự làm chiến sự trở nên phức tạp hơn, kéo dài và đó sẽ tạo ra một cuộc khủng khoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Nghị quyết 1973 ra đời nhằm bảo vệ thường dân trước các cuộc tấn công của quân đội chính phủ ông Gaddafi. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy chiều hướng ngược lại, vùng cấm bay được lập ra để bảo vệ thường dân tại các khu vực do lực lượng nỗi dậy kiểm soát, nhưng lại gây hại cho thường dân tại các khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát.

Với lực lượng nỗi dậy, thiếu vũ khí hạng nặng, binh sĩ không có kinh nghiệm chiến đấu. Rõ ràng, họ không thể dành chiến thắng nếu không có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Anh, Pháp, Italy đã điều động cố vấn quân sự đến Libya hỗ trợ cho lực lượng nỗi dậy. Điều đó càng khẳng định họ đang muốn chia Libya thành hai miền, phía Tây do Tổng thống Gaddafi quản lý và phía Đông do Hội đồng chuyển tiếp quốc gia TNC đại diện cho lực lượng nỗi dậy kiểm soát.

Cần lưu ý rằng, phía Đông là khu vực giàu dầu mỏ nhất của Libya.

Liên minh châu Phi AU tin rằng, một giải pháp chính trị là chìa khóa cho cuộc xung đột tại Libya. Chủ tịch AU cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi tin rằng, tình hình tại Libya chỉ có thể giải quyết bằng một giải pháp chính trị”. Tuy vậy, Bruce Jones, Giám đốc của Trung tâm hợp tác quốc tế ĐH New York cho biết, vẫn chưa thấy các hoạt động xúc tiến cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa đôi bên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị tin rằng, bất kỳ giải pháp chính trị nào cần phải được kiểm soát bởi chính người dân Libya. Họ chứ không phải ai khác mới chính là những người có quyền quyết định về vận mệnh của đất nước mình. Thực tế cho thấy rằng, phương Tây đã không thành công trong việc tái thiết Iraq và Afghanistan sau chiến tranh.


[BDV news]


>> Trung Quốc phát triển máy bay như 'gà đẻ trứng'



Phát triển quá nhiều mẫu máy bay chiến đấu trong cùng một thời gian, liệu Trung Quốc có thu được một kết quả khả quan?

Trung Quốc có thể đã âm thầm thử nghiệm mẫu tiêm kích J-18 Red Eagle có khả năng cất hạ cánh ngắn, thẳng đứng.

Các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đã có sự bàn tán xôn xao về thực hư của vấn đề này. Thực lực của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là không rõ ràng và rất khó để minh chứng qua những gì được thể hiện trên internet.

Sự xuất hiện của mẫu tiêm kích thử nghiệm máy bay tàng hình thế hệ 5 J-20 hồi đầu tháng 1/2011 đã gây cho giới quân sự phương Tây nhiều điều ngạc nhiên.

Bây giờ lại xuất hiện các tin đồn về sự xuất hiện của tiêm kích cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng J-18.

Theo báo cáo của tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, J-18 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại một căn cứ nằm sâu bên trong khu tự trị Nội Mông.



Trung Quốc đang ầm thầm phát triển một mẫu tiêm kích tương tự như F-35B của Mỹ?


Máy bay được cho là có hình dáng tương tự như máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự đang băn khoăn, nếu cấu hình khí động học của máy bay J-18 tương tự như tiêm kích trên hạm Su-33 thì nó sẽ cất hạ cánh trên đường băng ngắn như thế nào?

Năm 2005, một nguồn tin công nghiệp quốc phòng cho biết, Tổng công ty máy bay Thành Đô đang xem xét phát triển một chương trình máy bay tiêm kích tương tự như F-35B của Mỹ.

Richard Fisher phó chủ tịch Trung tâm chiến lược quốc tế Washington nhận định: “Với tham vọng to lớn của Quân đội Trung Quốc (PLA) đặc biệt là hải quân, hoàn toàn có cơ sở để nhận định rằng, một chương trình máy bay tiêm kích cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng VSTOL đang được phát triển”.

Có rất nhiều chương trình phát triển các mẫu tiêm kích khác nhau được giới thiệu trong giới blogger và các trang mạng Trung Quốc.

Bao gồm mẫu tiêm kích J-16 được Tập đoàn máy bay Thẩm Dương phát triển, được giới thiệu là phiên bản tiêm kích tấn công tàng hình của J-11B.

Đây là một mẫu tiêm kích đa chức năng, với radar quét mảng pha điện tử chủ động được sản xuất trong nước, hệ thống vũ khí được bố trí bên trong khoang, được cho là sẽ xuất hiện trong mùa hè 2011.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng dự định thử nghiệm một mẫu tiêm kích trên hạm J-15, sao chép từ mẫu nghiên cứu T-10 của Su-33. J-15 được cho là đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2009.

Chưa hết, các trang mạng của Trung Quốc còn cung cấp các báo cáo sơ bộ về sự phát triển của một số mẫu khác như J-17 và J-19.

Trong đó J-17 là một mẫu máy bay chiến đấu tầm xa và ném bom, tương tự như loại tiêm kích-ném bom Su-34 của Nga. Còn J-19 là một mẫu tiêm kích đa chức năng hạng nặng dựa trên mẫu tiêm kích J-11B.


Hình ảnh đồ họa về tiêm kích tàng hình J-16.


Thời gian qua, Trung Quốc là nơi xuất hiện của nhiều mẫu máy bay chiến đấu nhất thế giới. Tuy nhiên, tất cả đều ở trong tình trạng thực hư lẫn lộn, ngoại trừ J-20 đã tiến hành hai chuyến bay thử nghiệm được công bố trong đó có cả đoạn băng video ghi hình quá trình cất hạ cánh các mẫu máy bay còn lại vẫn chỉ là tin đồn.

Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn án binh bất động trước những lời bàn tán về các chương trình phát triển máy bay chiến đấu của họ.

Nếu Trung Quốc có nhiều chương trình phát triển máy bay chiến đấu đúng như các trang mạng đã đưa tin. Các nhà phân tích nhận định rằng, sẽ rất khó để tạo ra một mẫu máy bay chất lượng.

Hiện tại, các nước có ngành công nghiệp hàng không vững chắc như Mỹ và Nga cũng chỉ theo đuổi các chương trình phát triển mẫu máy bay rất hạn chế (Mỹ với F-35, Nga với PAK FA T-50).

Với 4 chương trình phát triển máy bay lớn cùng lúc, J-20, J-16 phục vụ cho không quân, J-18 và J-15 phục vụ cho hải quân, PLA đang thể hiện một tham vọng cực kỳ to lớn nhằm thu hẹp khoảng cách với Nga, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Điều đó làm xuất hiện một câu hỏi lớn, nền công nghiệp hàng không non trẻ của Trung Quốc sẽ xoay xở như thế nào khi có tới nhiều chương trình phát triển máy bay lớn như vậy. Và chất lượng của các mẫu thiết kế này sẽ như thế nào?


[BDV news]


>> UAE đặt mua 218 tên lửa Sidewinder



Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đặt hàng của Mỹ 218 tên lửa không đối không AIM-9X-2 Sidewinder.

Cơ quan Hợp tác Quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình đơn đặt hàng trên lên Quốc hội. Nếu Quốc hội Mỹ thông qua, Công ty Raytheon của Mỹ sẽ đảm nhiệm việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng này có trị giá khoảng 251 triệu USD. Thời điểm chuyển giao tên lửa cho bên đặt hàng chưa được công bố chính xác.



Tên lửa AIM-9X-2 Sidewinder. Ảnh: Aviation News


Trong đơn đặt hàng mà DSCA trình lên Quốc hội Mỹ nói rằng, UAE có kinh nghiệm trong việc sử dụng các tên lửa tương tự và việc cung cấp tên lửa AIM-9X-2 cho nước này sẽ không làm thay đổi sự cân bằng quân sự tại khu vực.

Theo đánh giá của DSCA, vũ khí mới cho phép UAE tham gia vào các chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài và yểm trợ trên không.

Ngoài 218 tên lửa AIM-9X-2, UAE còn đặt mua 48 tên lửa huấn luyện, 18 hệ thống dẫn đường chiến thuật AIM-9X-2 WGU-51/B, 8 hệ thống dẫn đường huấn luyện CATM-9X-2 WGU-51/B và các thiết bị phụ kèm.


[BDV news]


>> Iraq chọn mua radar pháo binh Fire Finder



Dù Mỹ giới thiệu hệ thống radar định vị pháo binh EQ-36 mới và hiệu quả hơn, nhưng Iraq từ chối và đặt hàng mua 6 hệ thống radar đời cũ là Fire Finder.

Năm 2010, trước khi gửi lời chào hàng tới Iraq, Mỹ từng đưa hệ thống radar định vị pháo và đạn cối thế hệ mới EQ-36 tới chiến trường Afghanistan để thực nghiệm khả năng. Hệ thống mới dễ sử dụng và sửa chữa cũng như đáng tin cậy hơn hệ thống tiền nhiệm là Fire Finder AN TPQ-36/37.

EQ-36 có khả năng quét 360 độ, thay vì góc 90 độ như Fire Finder với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Lục quân Mỹ có kế hoạch mua 180 hệ thống EQ-36 với giá 9 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, do ngân quỹ hạn hẹp, Mỹ chỉ có thể đặt hàng 33 chiếc.

Hệ thống Fire Finder tuy cũ và có nhiều điểm hạn chế nhưng có giá thành rẻ hơn mà vẫn đảm bảo tối thiểu nhiệm vụ. Đó là lý do Iraq chọn mua thay vì hệ thống mới tiên tiến hơn.



Với giá thành rẻ và đáng tin cậy, Iraq lựa chọn hệ thống định vị pháo Fire Finder thay vì hệ thống mới EQ-36.


Trước đây, khi trình diễn ở Iraq, hệ thống Fire Finder đã phạm phải những lỗi nghiêm trọng và không thể phát hiện đạn pháo cối bay đến. Nguyên nhân là do Fire Finder được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến trường Đông Nam Á, không phù hợp với thực tiễn mới. Sau đó, các kỹ sư Mỹ đã khắc phục lỗi này.

Biến thể mới nâng cấp của Fire Finder có có khả năng quét và phát hiện pháo trong tầm 18 km, tên lửa trong tầm 24 km với khả năng định vị 10 điểm vũ khí cùng lúc

Trong cuộc tấn công vào Iraq, hiệu quả của Fire Finder được chứng minh nên chúng được sử dụng rộng rãi. Sự gọn nhẹ trong thiết kế giúp các hệ thống có thể triển khai nhanh chóng trên các chiến trường nhờ vận chuyển đường không/đường bộ.

Hệ thống Fire Finder hoạt động dựa trên nguyên lý xác định địa điểm và thời gian của đạn bay đến, tính toán và gửi thông tin về các đơn vị quân đội, đặc biệt là pháo binh.

Biết được điểm xuất phát của pháo, quân đội sẽ tấn công dồn dập vào điểm đó. Quá trình phát hiện và tấn công chỉ khoảng 3-4 phút (có thể ít hơn với các đơn vị chuyên nghiệp và có kinh nghiệm).


[BDV news]


Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

>> Trung Quốc chú trọng phát triển chất lượng quân nhân



Quân đội Trung Quốc (PLA) đã thông qua kế hoạch hiện đại hóa quân đội trong bước tiến xa hơn.

PLA đang sở hữu một số vũ khí và khí tài công nghệ cao, điều này đặt ra vấn đề: Chất lượng đội ngũ cán bộ và binh lính của họ tụt hậu so với tốc độ hiện đại hóa của vũ khí.

Do đó, kế hoạch 8 điểm được xác định để tối ưu hóa năng lực cán bộ bao gồm, tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng quân sự công nghệ cao, tìm kiếm thông tin tình báo nước ngoài, giáo dục tài năng chất lượng cao, đào tạo sử dụng vũ khí, khí tài trang bị mới, chiến tranh không gian mạng, đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Quân đội Trung Quốc đang cố gắng phát triển và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực cao hơn, có khả năng kiểm soát và xử lý tốt các vũ khí, khí tài hiện đại, và biến họ thành những bậc thầy trong chiến tranh thông tin đến năm 2020.

Kế hoạch này đã được sự nhất trí thông qua của Chủ tịch quân ủy trung ương Hồ Cẩm Đào, và đã được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, các trường cao đẳng, các học viện phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo cán bộ. Tu luyện các tài năng, thúc đẩy sự ra đời một số lượng lớn các tài năng chất lượng cao cho quân đội.

Ông nhấn mạnh rằng, kế hoạch tuyển dụng là chìa khóa cho sự thay đổi của quân đội trong tương lai. Các tài năng quân sự sẽ là trụ cột cho sự phát triển của khoa học quân sự của Trung Quốc.

Kế hoạch cũng hoan nghênh sự tham gia đóng góp của các nhân tài nước ngoài.

Tổng cục Chính trị PLA sẽ giám sát việc thực thi kế hoạch 8 điểm này không đưa ra bất cứ bình luận gì về điều này.



Nhân lực chất lượng cao là một trong những mục tiêu hàng đầu xây dựng quân đội của Trung Quốc.


Hiện tại, chất lượng của đội ngũ sỹ quan của PLA đã được cải thiện đáng kể, với 80% có bằng cử nhân, 20% có học vị Thạc sỹ. Tuy nhiên, hiệu suất quản lý tổng thể vẫn còn khá nghèo nàn, cùng với những bất cập trong hoạch định chính sách đào tạo và nguồn lực.

Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tiến độ xem xét lại các hoạt động quân sự, tập trung vào việc đào tạo tin học và công nghệ cao.

Liu Yong một biên tập viên cao cấp nhận định trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, quân đội sẵn sàng tiếp thu các thành tựu của trí tuệ bên ngoài, và đó là một phần trong kế hoạch quân sự này của Trung Quốc. Điều đó chứng minh rằng, quân đội sẽ không đóng cửa với bên ngoài.

"Các quan chức cấp cao của quân đội nhận thấy tầm quan trọng của các bài học kinh nghiệm từ bên ngoài có thể thúc đẩy sự phát triển của Quân đội Trung Quốc, đặc biệt là trong các chương trình nghiên cứu", ông Liu nói.

Tuy nhiên, ông Liu tin rằng, Trung Quốc sẽ phải mất một thời gian để hoàn thành một mạng lưới với khả năng phát huy hết hiệu quả của các vũ khí tiên tiến và thiết bị công nghệ cao.

Li Jie một nhà nghiên cứu tại Học viện Hải quân Trung Quốc cho biết, Trung Quốc bắt đầu chuyển từ việc gia tăng số lượng binh sĩ sang chú trọng vào chất lượng của các binh sĩ nhằm đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh công nghệ cao.

"Trung Quốc đã nỗ lực để làm tăng khả năng sáng tạo khoa học và công nghệ của mình trong những năm gần đây, bao gồm đẩy mạnh phát triển vũ khí mới và công nghệ cao, mà cần phải được làm chủ bởi các tài năng công nghệ" ông Li Jie đã nói

Để nâng cao năng lực tác chiến, hiện tại, quân đội Trung Quốc đang tập trung xây dựng đội ngũ chiến sỹ tài năng. Họ không chuyên trong một lĩnh vực cụ thể nào, nhưng có thể thành thạo trong các hoạt động chung của 3 lực lượng Hải, Lục, Không quân.

Thế nhưng, ông Li Jie đánh giá thấp khả năng tuyển dụng chuyên gia nước ngoài trên quy mô lớn bởi những lo ngại về an ninh thông tin.

Với kế hoạch 8 điểm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, binh sĩ chất lượng cao, PLA đang nuôi tham vọng đưa quân đội của mình lên một tầm cao mới.


[BDV news]


>> Tàu khu trục mới của Hàn Quốc gây thất vọng



Hàn Quốc đã quyết định đầu tư mạnh cho lực lượng hải quân bằng chương trình tàu khu trục FFX.

Sau khi hạ thủy và đưa vào sử dụng chiếc tàu khu trục Aegis thứ 3 thuộc chương trình KD III hay tàu khu trục lớp Sejiong Đại đế. Được đánh giá là một trong những chiếc tàu khu trục hiện đại bậc nhất khu vực châu Á.

Nhà máy đóng tàu Hyundai Heavy Industries tiếp tục bận rộn với chương trình đóng tàu khu trục đa chức năng lớp FFX. Theo giới thiệu của giới quân sự Hàn Quốc, các tàu khu trục của chương trình FFX sẽ thay thế cho các tàu khu trục thế hệ cũ đang hoạt động trong Hải quân Hàn Quốc.




Thiết kế ban đầu của FFX.


Cụ thể FFX sẽ thay thế cho các tàu khu trục lớp lớp Ulsan, tải trọng 2.200 tấn, tàu khu trục lớp Pohang tải trọng 1.200 tấn, và tàu hộ tống lớp Donghae tải trọng 1.000 tấn. Chiếc đầu tiên của chương trình đang được gấp rút hoàn thành, nhiều khả năng chiếc đầu tiên sẽ được hạ thủy vào đầu tháng 5/2011.

Qua các bức ảnh được công bố trên các trang mạng quân sự của Hàn Quốc, chiếc tàu khu trục đầu tiên của chương trình FFX khiến giới quân sự Hàn Quốc không mấy hài lòng.


Chiếc tàu khu trục FFX đang đóng với thiết kế gây thất vọng.


Ban đầu, giới quân sự Hàn Quốc kỳ vọng, các tàu khu trục FFX sẽ được đóng mới theo công nghệ hiện đại và có khả năng tàng hình. Thế nhưng, khả năng tàng hình của tàu không được như mong đợi.

Tàu được đóng với cấu hình khí động học thông thường, hai bên mạn tàu được thiết kế hơi nghiêng để làm giảm mặt cắt radar theo chiều ngang. Tuy nhiên, cấu trúc thượng tầng lại thiết kế theo kiểu truyền thống. Ngân sách hạn chế là lời giải thích cho những thiết kế bất cập trên.

Hải quân Hàn Quốc cho biết sẽ mở rộng năng lực của chương trình FFX trong các biến thể được phát triển sau.

Theo kế hoạch, Hải quân Hàn Quốc sẽ nhận được lô 6 chiếc sản xuất trong loạt đầu tiên của tàu khu trục lớp FFX vào năm 2015, hơn 14 chiếc sẽ được nhận vào trang bị cho đến năm 2018.

Tổng số của chương trình FFX sẽ vào khoảng 24 chiếc với 3-4 cấu hình khác nhau. Tính năng cơ bản của FFX

Các tàu khu trục trong chương trình FFX có tải trọng đầy tải là 3.200 tấn, được thiết kế dựa trên công nghệ bản địa của Hàn Quốc, trang bị hệ thống vũ khí hiện đại uy lực mạnh, hệ thống điện tử hiện đại với các radar 3D tầm xa.

Hệ thống điện tử dựa trên radar mảng pha đa chức năng 3D LIG Nex-1, radar kiểm soát bắn Saab CEROS 200 hoặc một loại tương tự được sản xuất trong nước. Hệ thống theo dõi mục tiêu quang-điện tử EOTS, hệ thống theo dõi mục tiêu hồng ngoại IRST được sản xuất bởi liên doanh Samsung-Thales.

Các tàu khu trục lớp FFX được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh, với pháo hạm WIA KMK-45 126mm, tổ hợp tên lửa đối không đa năng MK31 hay RIM-116.

Tổ hợp 8 tên lửa chống hạm SSM-700K Hae Sung I tầm bắn 150km và hệ thống ngư lôi chống ngầm 324mm.

Đây là tàu khu trục đầu tiên của Hàn Quốc được trang bị hệ thống phòng thủ tầm cực gần cải tiến Phalanx Block 1B.

Các biến thể được xây dựng sau này sẽ thay thế hệ thống RIM-116 bằng hệ thống phóng tên lửa đối không thẳng đứng Aster-15 hoặc Aster-30. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng chống ngầm.

Tàu được trang bị 2 động cơ đẩy tua bin khí GE LM2500 cùng 2 động cơ diesel MTU-12V 1164 TB83. Tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý.

Thông số cơ bản: Dài 114m, rộng 14m, tải trọng 3.200 tấn đầy tải, thủy thủ đoàn 145 người.

Dưới đây là một số hình ảnh về tàu khu trục FFX tại nhà máy đóng tàu Hyundai Heavy Industries:


Cấu trúc thượng tầng của FFX.



Chiếc tàu khu trục FFX đầu tiên đang được gấp rút hoàn thành.



Sàn đáp và nhà chứa máy bay trực thăng phía đuôi tàu.



Các thiết bị quan trọng đang được lắp ráp.



Phần mũi tàu và vị trí lắp đặt pháo chính.



[BDV news]


>> Hệ thống tên lửa chống tăng mới Stugna-P của Ukraine



Hệ thống tên lửa chống tăng mới Stugna-P đã được nhận vào trang bị của quân đội Ukraine theo sắc lệnh số 203 của Bộ trưởng Quốc phòng Mikhail Ezhel.

Hiện chưa rõ số lượng Stugna-P sẽ được cung cấp cho quân đội.

Ngoài Stugna-P, quân đội Ukraine còn nhận được các hệ thống tổng đài thông tin viễn thông cố định và các bộ đầu cuối hội nghị video của hệ thống chỉ đạo hoạt động hàng ngày của quân đội.

Tháng 10.2010, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đặt hàng Viện thiết kế Luch ở Kiev 10 hệ thống Stugna-P để thử nghiệm. Việc thử nghiệm dự kiến kết thúc trong năm 2011.

Hệ thống Stugna-P dùng để tiêu diệt các mục tiêu thiết giáp cơ động hoặc tĩnh tại, các mục tiêu nhỏ như các hỏa điểm kiên cố, trực thăng bay treo.

Stugna-P và tên lửa được phát triển với sự tài trợ của Viện Luch và công ty Ukrspetsexport.


Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Stugna-P (kiev.prostogorod.com)


Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine, Stugna-P có tính năng chiến-kỹ thuật không thua kém, thậm chí có một số thông số vượt trội so với các mẫu của nước ngoài và là sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới.

Các tên lửa có điều khiển của Stugna-P được chế tạo dựa trên tên lửa Stugna vốn dùng để phóng qua nòng pháo tăng. Các tên lửa này được sản xuất với cỡ 100 và 125 mm.

Stugna-P cho phép bắn ở cự ly từ 100 m đến 4.000 m. Tên lửa Stugna-P có khả năng xuyên giáp dày đến 800 mm. Tên lửa được dẫn bằng tia laser hoặc kênh truyền hình từ vị trí ẩn nấp được chuẩn bị sẵn.


[VietnamDefence news]


>> Indonesia bắn thử tên lửa Yakhont



Hải quân Indonesia theo kế hoạch (20.4) tiến hành bắn thử tên lửa chống hạm Yakhont dự kiến ở vịnh Zond.



Kiểm tra các nắp hầm phóng tên lửa Yakhont trên tàu chiến KRI Oswald Siahaan-354. Surabaya, 16.4.2011


Phỏng đoán, Indonesia đã lắp được Yakhont cho các bệ phóng thẳng đứng. Việc thử nghiệm có thể cũng còn là để kiểm nghiệm độ tin cậy của giải pháp này xem đáy của những con tàu non trẻ của Indonesia có chịu được hay không.

Theo tuyên bố hôm 19.4 của Đô đốc Indonesia Tri Prasodjo, tàu mục tiêu trong quá trình thử nghiệm dự định sẽ là tàu Teluk Bayur bị loại khỏi trang bị, ở cách xa frigate KRI Oswald Siahaan-354 là tàu sẽ phóng Yakhont, 200 km. Vị đô đốc còn cho biết, Indonesia mua các tên lửa Yakhont với giá 1,2 triệu USD/quả, song không nói số lượng tên lửa đã mua. Ông nói: “Hiển nhiên là chúng tôi đã mua không chỉ một quả. Vì thế, nếu cần, chúng tôi sẽ bắn lại”.

Cùng với các tên lửa Yakhont, Hải quân Indonesia sẽ thử cả tên lửa chống hạm Exocet MM-40 và các vũ khí khác. Tham gia đợt bắn thử có gần 1.000 binh sĩ Hải quân Indonesia và các chuyên gia Nga. Có tin, các nhà lãnh đạo như Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh và Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia cũng có mặt.

Đợt bắn thử có ý nghĩa quan trọng đối với hãng NPO Mashinostroenia của Nga vì việc lắp đặt Yakhont đã tốn rất nhiều công sức, khiến thời hạn thử nghiệm bị trì hoãn.

Xét tới yếu tố tên lửa Yakhont mới đây đã được Việt Nam đưa vào trang bị trong biên chế hệ thống tên lửa bờ biển Bastion, nên uy tín của sản phẩm này trên thị trường Đông Nam Á đầy triển vọng, nơi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang gia tăng, có thể phụ thuộc vào kết quả đợt bắn thử ở Indonesia. Hơn nữa, Indonesia còn phóng thử cả loại tên lửa đối thủ cạnh tranh của Yakhont là tên lửa chống hạm Exocet của Pháp.

[Vietnamnet news]


>> Su-35 áp sát biên giới Trung Quốc



Tạp chí Kanwa dẫn nguồn tin quân sự ẩn danh ở Moskva cho biết, ít nhất một lô trong số 48 máy bay tiêm kích Su-35 mà Không quân Nga đặt mua sẽ được triển khai tại căn cứ không quân số 6968 ở thành phố Komsomolsk trên sông Amur, chỉ cách biên giới Nga-Trung 300 km.




Siêu tiêm kích Su-35


Nguồn tin cho biết, Không quân Nga sẽ bắt đầu nhận được những chiếc Su-35 đầu tiên vào năm 2012. Su-35 sẽ là tiêm kích thế hệ 4++ tiên tiến nhất. Về mặt chính thức, Không quân Nga chưa thông báo Su-35 sẽ được trang bị cho những đơn vị nào.

Trước đó, Kanwa cũng đã đưa tin, 2 trung đoàn không quân Nga Ttrung đoàn 23 đóng tại căn cứ 6987 ở Dzemgi và Trung đoàn 22 ở căn cứ 6989 Uglovaya) được trang bị các tiêm kích Su-27SM. Các căn cứ này cách tương ứng biên giới với Trung Quốc 308 và 61 km. Như vậy, toàn bộ các tiêm kích Su-27SM và lô Su-35 đầu tiên sẽ được triển khai tại quân khu phía Đông, giáp giới Trung Quốc.

Nguồn tin nhận xét, “trung thực mà nói thì không quân Trung Quốc, cũng như quân đội Trung Quốc nói chung, là mạnh nhất trong số các láng giềng của Nga. Giữa Nga và NATO còn có vùng đệm tự nhiên là Belorussia và Ukraine, chính vì vậy sự chú ý đặc biệt đối với vùng Viễn Đông xem ra là tự nhiên đối với Không quân Nga. Ngoài ra, Su-27SM và Su-35 cũng đang được sản xuất ở Viễn Đông, vì vậy, việc bố trí chúng ở cùng khu vực giúp đơn giản hóa công tác bảo dưỡng và thử nghiệm, điều này cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất”.


Su-27SM


Sau khi triển khai Su-35 tại Viễn Đông, khoảng cách công nghệ giữa Không quân Nga và không quân Trung Quốc sẽ tăng thêm và Không quân Nga với Su-35 sẽ có thể giành lại ưu thế trên không.

Radar Irbis trên Su-35 có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 400 km và khi hoạt động trên lãnh thổ Nga, chúng có thể bao quát lãnh thổ các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm, cũng như một phần tỉnh Liêu Ninh.

Thời Liên Xô, các sân bay của không quân chiến thuật và máy bay ném bom chiến lược được bố trí gần biên giới Xô-Trung. Ví dụ, căn cứ Ukrainka của các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 chỉ nằm cách biên giới 105 km.

Từ thập niên 1990, quân đội Trung Quốc bắt đầu trang bị lại bằng hệ thống rocket phóng loạt 12 nòng Type 03 AR02 cỡ 300 mm có tầm bắn 150 km và tên lửa đất-đối-đất DF-11A, tạo ra mối đe dọa lớn cho các căn cứ không quân Nga.

[Vietnamdefence news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang