Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

>> 'Trục tam giác' Trung-Nhật-Hàn xoay vần thế giới?



Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang “oằn mình” khắc phục thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ.


Dù vẫn còn những bất đồng trong tranh chấp lãnh thổ song những động thái của các nhà lãnh đạo cấp cao thể hiện trong Hội nghị lần này cho thấy, ba nước đang nỗ lực xích lại gần nhau và xây dựng mối quan hệ “kiềng ba chân” vững chãi tại khu vực Đông Á và trên trường quốc tế.

Hóa giải bất đồng

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn tổ chức lần đầu năm 2008 với hy vọng kết giao quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước.

Trải qua ba lần tổ chức, Hội nghị lần này thực sự đạt được những thỏa thuận chiến lược, giúp ba nước hóa giải phần lớn những bất đồng, căng thẳng trước đây; đồng thời, tập trung tái khẳng định kế hoạch thành lập Ban Thư ký thường trực cho hội nghị thượng đỉnh trong năm 2011, nhằm từng bước thúc đẩy hợp tác ba theo hướng cơ chế hóa.

Kế hoạch này được ghi trong Bản ghi nhớ tại hội nghị năm 2010 theo đề xuất của ông Lee Myung-bak.


Trong Hội nghị lần này, quan hệ hợp tác Trung - Nhật - Hàn không chỉ có tầm ảnh hưởng với khu vực Đông Bắc Á, mà còn mở rộng ra tầm quốc tế.

Ba nước cũng thảo luận và đạt được những thỏa thuận chung về Hiệp định Khu vực thương mại tự do Nhật - Trung - Hàn. Trên thực tế, ba nước ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước khác, nhưng giữa họ với nhau - vẫn ở thì tương lai?

Đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, những thỏa thuận chiến lược trong Hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ “kiềng ba chân” giữa những nền kinh tế tiêu biểu - nước công nghiệp hóa mới nổi (Hàn Quốc), nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và lớn thứ ba thế giới (Nhật Bản) phát huy tối đa tác dụng vì sự thịnh vượng chung của khu vực và toàn thế giới.

Cùng với việc các nguồn năng lượng tự nhiên ngày càng khan hiếm và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong Hội nghị lần này, các nước hướng tới phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và bảo vệ môi trường. Đây là một hướng đi đúng đắn vì lợi ích quốc gia cũng như bảo vệ mái nhà chung của trái đất.

Chung tay tái thiết Nhật Bản

Một thỏa thuận quan trọng cũng được nêu ra trong tuyên bố chung của Hội nghị là hợp tác ba bên tái thiết nước Nhật sau thảm họa và đảm bảo an toàn năng lượng hạt nhân.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan ngày 21/5 tới thăm Đông Bắc Nhật Bản để động viên người dân và bày tỏ ủng hộ đối với những nỗ lực phục hồi sau thảm họa kép hồi tháng 3 của nước này.


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gửi lời sẻ chia và động viên tinh thần tới người dân Nhật Bản.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba nước láng giềng gần kề nhau nên hợp tác, chung tay vực dậy Nhật Bản sau thảm họa là nghĩa vụ và trách nhiệm của ba nước.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, khả năng tái thiết nhanh chóng của Nhật Bản và nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác trong công cuộc tái thiết của Nhật Bản.

Đặc biệt, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Naoto Kan và Tổng thống Lee Myung-bak ngày 22/5, phía Hàn Quốc cam kết cử đoàn đại biểu gồm các quan chức Chính phủ và nhà doanh nghiệp tới Nhật Bản, hội đàm với nội các và các tập đoàn kinh tế Nhật về các phương án khôi phục đất nước.

Lần lượt, những tuyên bố chung về việc ba nước chung tay hợp tác trong lĩnh vực tái thiết Nhật Bản sau thảm họa được công khai trước giới truyền thông. Theo Tân hoa xã, ba nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường các biện pháp ngăn chặn thiệt hại do những đồn thổi về hàng hóa nhiễm xạ của Nhật Bản; đồng thời, tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, thiết lập cơ chế thông tin sớm về các trường hợp khẩn cấp liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân, bắt đầu thảo luận về trao đổi chuyên gia… nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, đảm bảo an toàn trong vận hành và xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân.

Theo nhận định của các nhà quan sát, động thái sẵn sàng chung tay hợp tác của Bắc Kinh và Seoul là đột phá giúp ba nước hóa giải những “khục khặc” trong vấn đề xử lý, khắc phục thảm họa và hình thành một mặt trận thống nhất ba bên trong công cuộc tái thiết nước Nhật.

Như vậy, những tuyên bố chung, những thỏa thuận đạt được sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 này là dấu hiệu mới cho quan hệ chiến lược ở khu vực Đông Á nói riêng và cả châu Á nói chung.

Sự hợp tác ba bên này không chỉ chuyển tải tới thế giới thông điệp về một nước Nhật vẫn trong vòng an toàn, mà còn khẳng định sự vững chãi và tầm ảnh hưởng sâu rộng của mối quan hệ Trung - Nhật - Hàn trên toàn thế giới.

[BDV news]


>> Chủ lực hạm Missouri và khúc khải hoàn của Hải quân Mỹ



Nếu số phận Yamato gắn với sự sụp đổ của một đế chế thì chủ lực hạm Missouri lại gắn liền với vinh quang và sự trỗi dậy của siêu cường số một thế giới.

Chủ lực hạm Missouri thuộc lớp Iowa, được khởi xướng phát triển từ năm 1938. Chiến hạm đầu tiên thuộc lớp này được đưa vào trang bị ngày 29/5/1944, Trong lịch sử, có tất cả 4 chiếc loại này được hoàn thành.

Missouri là chủ giáp hạm được sử dụng lâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, tới tận năm 1992. Từ năm 1998, tất cả các chủ lực hạm thuộc lớp Iowa được ngưng sử dụng và trở thành điểm tham quan cho du khách.

Tuy không đồ sộ như Yamato của Nhật, chủ lực hạm Missouri vẫn được coi là một pháo đài trên biển, với hệ thống hỏa lực cực mạnh.

Chủ lực hạm Missouri được trang bị 9 pháo hạm hạng nặng cỡ nòng 410mm, pháo hạm này có thể bắn đạn xuyên giáp với cự ly tối đa là 32km. Ngoài ra, phải kể tới 20 pháo hạm 130mm, 80 khẩu pháo phòng không 40mm, 49 khẩu pháo phòng không 20mm.




Chủ lực hạm Missouri biểu tượng đầy uy lực của Hải quân Mỹ.


Chủ lực hạm Missouri được bọc giáp dày 500mm ở vỏ tàu phía trước tháp pháo, giáp dày 310mm ở thân tàu, dày 290mm tại các vách ngăn giữa tàu, còn lại là lớp vỏ thép dày 290-440 mm ở tháp pháo, thép dày 190mm ở boong tàu.

Để di chuyển, Missouri sử dụng hệ thống động lực gồm 8 nồi hơi, 4 động cơ tuabin hơi nước với tổng công suất lên tới 212.000 mã lực, 4 chân vịt, tốc độ tối đa theo lý thuyết là 36 hải lý/giờ, tốc độ trung bình 31 hải lý/giờ. Tốc độ tối đa thực tế của chủ lực hạm Missouri được ghi nhận là 35,2 hải lý/giờ vào năm 1968.

Thông số cơ bản: Dài 271 mét, rộng 33 mét, mớn nước 11 mét, tải trọng tiêu chuẩn 45.000 tấn, tải trọng đầy tải 52.000 tấn, thủy thủ đoàn 2.700 người.

Lịch sử tham chiến

Là thiết giáp hạm chủ lực của Hải quân Mỹ trong những năm chiến tranh thế giới thứ 2, chủ lực hạm Missouri tham gia tất cả các trận chiến lớn của Hải quân Mỹ chống lại Đế quốc Nhật Bản.



Mỗi lần chủ lực hạm Missouri khai hỏa tạo pháo hạm 410mm, một vùng nước phía trước họng súng bị lõm xuống.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2, Chủ lực hạm Missouri hoạt động trong biên chế của Hạm đội 3 với tư cách là soái hạm, đảm đương nhiệm vụ bảo vệ nhóm tác chiến của các tàu sân bay, yểm trợ và chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.

Do là soái hạm, nên chủ lực hạm Missouri không tham gia vào các trận đấu súng trực tiếp với tàu chiến của đối phương.

Tại mặt trận Thái Bình Dương, chủ lực hạm Missouri góp phần quan trọng trong việc đánh bại lực lượng Nhật Bản đồn trú trên đảo Okinawa.

Trong lịch sử tồn tại của mình, chủ lực hạm Missouri ghi dấu là nơi tổ chức và chứng kiến buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng của đế quốc Nhật, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.



Đô đốc Douglas MacArthur ký kết văn kiện đầu hàng của Đế quốc Nhật trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức cao cấp của quân đội đồng minh ngay trên boong của Chủ lực hạm Missouri.


Trong chiến tranh Triều Tiên giai đoạn 1950-1955, chủ lực hạm Missouri tiếp tục đảm đương vai trò soái hạm, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ của Mỹ lên bán đảo. Khi đó, Missouri sử dụng các pháo hạm 410mm của mình, pháo kích dữ dội lên lực lượng quân đội Triều Tiên.

Trong chiến tranh Việt Nam, Missouri được điều động sang phục vụ tại Hạm đội 7. Do yêu cầu nhiệm vụ lúc đó, toàn bộ pháo phòng không trên tàu được tháo bỏ, chỉ giữ lại các pháo hạm 410mm và 130mm.

Nhiệm vụ của chủ lực hạm Missouri trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam là pháo kích các mục tiêu dọc bờ biển. Đặc biệt là khu vực các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Ngệ An.

Năm 1984, chiến hạm này được tái trang bị, toàn bộ pháo phòng không bị tháo bỏ, thay vào đó tổ hợp 8 tên lửa chống hạm Harpoon, cùng với 32 tên lửa hành trình Tomahawk, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx. Các hệ thống điện tử được lắp mới để tương thích vớ hệ thống vũ khí hiện đại.

Năm 1991, Missouri tham chiến ở Iraq. Trong chiến dịch này, chủ lực hạm Missouri đã bắn 28 quả tên lửa Tomahwk, cùng 759 quả đạn pháo 410mm.



Chủ lực hạm Missouri bắn tên lửa chống hạm trong chiến tranh Iraq 1991.

Biểu tượng của sức mạnh tổng lực

Nếu có một cuộc “so găng” giữa chủ lực hạm Missouri và Yamato, trong cùng thời kỳ lịch sử của chúng, phần thắng nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Yamato. Xét trên tất cả các chỉ số, thiết giáp hạm Yamato đều vượt trội.

Tuy nhiên, trên thực tế, Missouri luôn thể hiện vai trò là “người săn đuổi”, còn Yamato tuy đầy "sức mạnh" nhưng lúc nào cũng ở vào cái thế của “kẻ bị săn đuổi”.

Điều làm nên sự vẻ vang cho chủ lực hạm Missouri đến từ sức mạnh tổng lực của quân đội Mỹ. Bản thân là soái hạm, lại được bảo vệ chặt chẽ bởi đội tàu hộ tống đông đảo. Missouri luôn được rảnh tay để thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả tác chiến cũng vì thế mà tăng lên.

Missouri cũng là nơi chứng kiến “ngày tàn” của một đế chế, điều đó cho thấy một điều: Chiến thắng trong mọi cuộc chiến phải dựa vào sức mạnh tổng lực của cả một quân đội, một dân tộc.
[BDV news]


>> A-55 và A-57 - Siêu thủy phi cơ bí mật của Liên Xô



Thời kỳ hoàng kim, giới hàng không Liên Xô đã cho ra đời hàng chục ý tưởng siêu việt, nhưng đaphần vẫn chỉ là các dự án nằm trên giấy.


Năm 1952, nhà toán học Robert Lyudvigovich Bartini thuộc Viện nghiên cứu hàng không Siberia đã cho ra đời bản thiết kế dự án thủy phi cơ mang mật danh T-203.

Là một nhà toán học thiên tài, ông Bartini đã cho ra đời một bản thiết kế với hình dáng khí động học "có một không hai".

Năm 1955, ông nộp bản vẽ thiết kế của mình cho các quan chức quân đội, bản thiết kế thủy phi cơ ném bom chiến lược siêu âm tầm trung mang tên A-55.

Theo thiết kế, thủy phi cơ A-55 có thể được tiếp nhiên liệu trên biển từ các tàu ngầm gần bờ biển của đối phương.

Thủy phi cơ A-55 có cấu hình khí động học rất đặc biệt, toàn bộ máy bay trông như một mũi tên. Cánh của thủy phi cơ xuôi rất sát về phía sau, cánh đuôi ổn định nằm ngay trên cánh chính.



Bản vẽ thiết kế ban đầu của A-55/57, bản vẽ này thể hiện một quan điểm thiết kế hoàn toàn mới.

A-55 dự định sử dụng 4 động cơ phản lực nằm giữa khoảng trống của hai cánh đuôi ổn định, cửa hút gió được bố trí phía trên để phù hợp với điều kiện hoạt động trên biển.

Được đầu tư nhiều tâm huyết, nhưng A-55 không được giới lãnh đạo quốc phòng Liên Xô chấp nhận. Năm 1957, nhóm thiết kế của Bartini tiếp tục sửa đổi A-55 thành đề án A-57.

Ở đó, cánh chính được thiết kế dài và xuôi hơn, rìa cánh được kéo dài về phía trước nhiều hơn, thân máy bay được mở rộng hơn. A-57 có các cánh đuôi ổn định thấp hơn và xuôi về phía sau nhiều hơn.



Bản vẽ sửa đổi của A-57 vào năm 1957, thân máy bay được mở rộng hơn.


Điểm khác với A-55, A-57 được bổ sung cũng có thể cất cánh từ đường băng thông thường bằng cách thêm các bánh xe rời. Khi máy bay đạt tốc độ cần thiết để cất cánh, các bánh xe sẽ được tách ra.

A-57 được thiết kế với tốc độ tối đa là 2.500km/giờ, trần bay khoảng từ 18-23km, phạm vi hoạt động khoảng 15.000km. Thủy phi cơ A-57 có trọng lượng cất cánh khoảng 250 tấn.

Phi hành đoàn của A-57 có 3 người, khoang máy bay được thiết kế với phòng ngủ và nhà vệ sinh, đảm bảo các yêu cầu cho nhiệm vụ tầm xa.

Thủy phi cơ A-57 được thiết kế là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, phần phía trên động cơ có các giá treo gắn tên lửa hành trình. Khoang bom của máy bay được thiết kế đặc biệt với hệ thống ổn định nhiệt độ để có thể mang theo bom nhiệt hạch trọng lượng 3.000kg.

Nếu xảy ra một cuộc chiến với Mỹ, A-57 có thể được sử dụng như một quân bài chiến lược.

Khi đó, A-57 sẽ được các tàu chiến kéo đến gần bờ biển đối phương. Từ đây, thủy phi cơ này sẽ cất cánh và đánh đòn chiến lược với lực lượng mặt đất của Mỹ. Khả năng hạ cánh trên biển cho phép A-57 nhanh chóng tái nạp nhiên liệu, vũ khí và trở lại tham chiến.

Dù bản thiết kế đã được thông qua, tuy nhiên Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô cùng các quan chức quân đội cho rằng bản thiết kế của A-57 so với công nghệ lúc đó là thiếu thực tế, độ rủi ro tương đối cao. Kết quả, siêu thủy phi cơ A-55, A-57 mãi mãi nằm trên giấy tờ và chưa bao giờ được triển khai.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định rằng, nếu dự án được thông qua, có thể Liên Xô sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng lớn trong thiết kế chế tạo máy bay.

Bản thân các bản vẽ khí động học của A-55, A-57 thể hiện một phong cách thiết kế táo bạo, một lối đi hoàn toàn mới lạ, song cũng chính vì tính quá đột phá và không giống ai, dự án A-55, A-57 đã bị “chết” ngay trên giấy.
[BDV news]


Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

>> Đặc nhiệm Nga suýt thủ tiêu Saakashvili



Gần 3 năm trước, toán đặc nhiệm của tình báo quân sự GRU và trung đoàn đặc nhiệm Bộ đội đổ bộ đường không Nga (VDV) đã chờ sẵn ở ngoại ô Tbilisi chỉ chờ lệnh là ra tay bắt giữ Tổng thống Gruzia, ông Mikhail Saakashvili

Bắt sống hoặc thủ tiêu

Chúng tôi đã có thông tin về vị trí, thời gian và lực lượng bảo vệ của “mục tiêu”. Nhiệm vụ đặt ra là tùy khả năng bắt giữ đối tượng hoặc tiêu diệt. Đồng thời phải tiến hành đánh lạc hướng để không có những chứng cớ trực tiếp về sự dính líu của Quân đội Nga vào vụ việc, một sĩ quan thuộc toán đặc nhiệm VDV tiết lộ.

Lính đặc nhiệm Nga đã sẵn sàng hành động ở ngay "trái tim" của Gruzia.

Các toán đặc nhiệm được bố trí trong các ngôi nhà dân ở ngoại ô thủ đô Gruzia. Các sĩ quan của GRU (Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga) được phối thuộc cho lực lượng đặc nhiệm liên tục theo dõi sự di chuyển của Tổng thống Gruzia bằng các phương tiện kỹ thuật.

Vào phút cuối cùng, khi tất cả đã sẵn sàng để các toán đặc nhiệm lên đường tới địa điểm tiến hành chiến dịch thì Moskva gửi tới lệnh hủy bỏ chiến dịch.

Các toán đặc nhiệm bí mật rời khỏi thành phố, quay về các địa điểm đóng quân tạm thời. Lực lượng của GRU quay về Nam Ossetia, đặc nhiệm VDV trở về căn cứ ở Gudautu, Abkhazia.

Lý lịch của ông Mikhail Saakashvili được cho là có nhiều khoảng tối khó hiểu.


Các toán đặc nhiệm Nga không phải là lực lượng duy nhất sẵn sàng tiến vào Tbilisi. Trong các đội hình chiến đấu của bộ đội xe tăng và lục quân Nga, các sĩ quan lúc đó đã nói toạc ra rằng, điểm dừng chân tiếp theo là thủ đô Tbilisi.

Các đoàn xe tăng đỗ chỉ cách Thủ đô Gruzia 3 giờ hành quân. Các bản đồ Tbilisi đã được phân phát, tiến hành huấn thị thêm và hiệp đồng chiến đấu giữa các kíp xe tăng.

Mối liên hệ với KGB?

Vì sao Moskva đã không dám đi đến cùng để lật đổ ông Saakashvili?

Ở đây, cần trở lại đôi chút quá khứ của Tổng thống Gruzia. Trong tiểu sử của ông ta có không ít những khúc quanh và khoảng trống bí ẩn.

Do Saakashvili không thể trụ lại Tbilisi, người cậu ruột là Timur Alasanya liền tìm cách đưa cháu vào học Đại học Quan hệ quốc tế, thuộc Đại học tổng hợp Kiev mang tên Т. Shevchenko, lò đào tạo chủ yếu các phiên dịch cao cấp cho Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương.

Hai bộ này chịu sự giám sát chặt chẽ của 2 tổng cục của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô KGB phụ trách tình báo đối ngoại và an ninh nội địa - phản gián.

Không rõ, cơ quan nào đỡ đầu cho Mikhail Saakashvili. Chỉ biết, ông ta đã phục vụ 2 năm trong Bộ đội biên phòng KGB và rời quân ngũ với quân hàm binh nhất. Giống như ông cậu T. Alasanya, Mikhail ban đầu làm việc ở Bộ Ngoại giao Gruzia (thuộc Liên Xô), sau đó là ở trụ sở Liên Hợp Quốc.

Lúc đó, Moskva đã chán ngán Tổng thống Gruzia lúc đó là E. Shevardnadze, đồng thời cũng không thể tha thứ Shevardnadze vì tội làm tan vỡ Liên Xô. Vì thế, họ quyết định thay thế ông ta, vấn đề chỉ còn là ứng cử viên là ai. Cuối cùng, Saakashvili trẻ trung đã được lựa chọn.

Saakashvili dường như là “quân mình”, đồng thời cũng đã học ở Mỹ và Pháp. Vì thế, phương Tây cũng “OK” ứng cử viên này.

Ngoài ra, ông cậu của Saakashvili cũng lao vào vận động rất ráo riết cho cháu thông qua các quan hệ rất cao cấp trong Bộ Ngoại giao Nga. Thế là Mikhail bước lên ngai vàng.

Cuối cùng, Nga đã quyết định không xuống tay trừ khử ông Saakashvili trong cuộc chiến tháng 8/2008. Người ta cho rằng, các tổng thống Nga và Mỹ đã móc ngoặc thỏa hiệp với nhau về vấn đề này.
[BDV news]


>> Nga, Mỹ chạy đua phát triển trực thăng tốc độ cao



Tại “HeliRasha-2011”, Phó chủ tịch Sikorsky, Frank de Pasquale cho biết, hãng đang phát triển máy bay trực thăng tốc độ cao S-97 "Raider".


Theo ông Frank de Pasquale, phát triển mới sẽ được dựa trên công nghệ của trực thăng X2, một sản phẩm của Sikorsky.

Tháng 9/2010, trực thăng X2 đã phá kỷ lục với tốc độ 400 km/h, con số này đáng kể nếu so với tốc độ trực thăng truyền thống là 150-200 km/h. Hai tuần trước, X2 đã giúp công ty đã nhận được giải thưởng “Cúp Kolier”.

Frank de Pasquale cho biết: "Chúng tôi phát triển S-97 với chi phí của riêng mình và đầu tư 200 triệu USD để xây dựng 2 nguyên mẫu. Trong chương trình khung này. Cuối năm 2011, công ty sẽ lên kế hoạch chế tạo và bảo vệ thiết kế sơ bộ".

Chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu dự kiến diễn ra vào năm 2014, được coi là sẽ mở ra tương lai cho quân đội Mỹ.


Mẫu thử nghiệm sẽ được trang bị động cơ T700 do General Electric sản xuất.


Trong khi đó, tại Nga, việc phát triển các máy bay trực thăng tốc độ cao đang trong giai đoạn đầu. Công ty “Kamov” và “Miles” phát triển dưới hai nền tảng trái chiều.

Giám đốc điều hành của công ty cổ phần “Máy bay trực thăng của Nga”, ông Dmitry Petrov cho biết: “Năm 2011, chúng tôi tích cực phát triển máy bay trực thăng tốc độ cao. Cả hai công ty Kamov và Miles đều được tài trợ.

Ông Petrov cho biết thêm: “Theo kế hoạch của chúng tôi, nguyên mẫu sẽ được lựa chọn vào cuối năm 2012, sau đó dự án sẽ tiếp tục nhận đượctài trợ để phát triển".
[BDV news]


>> Ấn Độ hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp



Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông qua kế hoạch hiện đại hóa quy mô lớn lực lượng tăng thiết giáp của mình.


Theo kế hoạch chương trình hiện đại hóa quy mô lớn lực lượng tăng thiết giáp sẽ bắt đầu vào năm 2012. Chương trình hiện đại hóa sẽ chú trọng nâng cấp toàn diện tất cả các hệ thống trên tất cả các loại tăng thiết giáp của quân đội Ấn Độ.

Trong đó, Ấn Độ đặc biệt chú trọng đến nâng cấp hệ thống điện tử và vũ khí, trước hết sẽ ưu tiên nâng cấp 2000 chiếc T-72 trong biên chế. Ngoài ra, công suất động cơ được tăng lên khoảng 1.000 mã lực, lớp giáp bảo vệ cũng được tăng cường, hệ thống điều khiển hỏa lực và thiết bị liên lạc được thay mới.

Trong kế hoạch, loại xe tăng nội địa Arjun được nâng cao tốc độ sản xuất, dù mới được đưa vào biên chế. Bên cạnh đó, xe tăng Arjun vẫn được xem xét để cải thiện khả năng hoạt động.


Tăng chiến đấu chủ lực nội địa Arjun.


Sửa đổi hệ thống điện tử, hệ thống trao đổi dữ liệu, lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động, thay thế pháo chính để tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.

Đối với loại tăng chủ lực T-90 Bhishma, sản phẩm hợp tác sản xuất với Nga cũng sẽ có nhiều thay đổi trong hệ thống, đặc biệt là thiết bị hồng ngoại nhìn đêm mới sẽ được biến đổi để tương thích với điều kiện môi trường khắc nghiệt tại Ấn Độ.

Cũng theo kế hoạch, 900 chiếc T-55 sẽ được nâng cấp bao gồm thay thế pháo D-10T 100mm bằng pháo L-7 105mm do Ấn Độ mua giấy phép sản xuất từ Anh. Xe còn được thay thế các thùng nhiên liệu, sửa đổi khung gầm.

Tuy nhiên, dự án nâng cấp 900 chiếc tăng T-55 không phải là ưu tiên. Chương trình nâng cấp có thể chỉ được thực hiện cuối cùng. Sau khi nâng cấp, số tăng T-55 này sẽ được đưa vào bảo quản trong kho, dành cho trường hợp xảy ra chiến tranh tạo sự áp đảo về số lượng.

Mặc dù đã lỗi thời, song T-55 vẫn tỏ ra khá hiệu quả trong việc chống lại các phương tiện bọc giáp nhẹ và trung bình.

Ngoài xe tăng, kế hoạch của Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn chú ý tới việc hiện đại hóa 1.600 xe chiến đấu bộ binh BMP. Các nâng cấp bao gồm thay thế động cơ mới mạnh hơn, hệ thống giám sát thông tin liên lạc và kiểm soát bắn...

Chương trình hiện đại hóa này thể hiện tham vọng rất lớn của Ấn Độ trong việc cân bằng lực lượng tăng thiết giáp với các nước láng giềng là Trung Quốc và Pakistan. Trước đó, đã có những lo ngại trong giới quân sự Ấn Độ rằng lực lượng tăng thiết giáp của họ đang tụt hậu so với Trung Quốc.
[BDV news]


>> 'NATO đẩy Nga quay lại thời Chiến tranh Lạnh'



Thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới nếu Mỹ quyết định theo đuổi kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu.


Đây là lời khẳng định của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Nikolai Makarov trong cuộc gặp gỡ với các nhà quân sự nước ngoài vào ngày 20/5 vừa qua.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ không lấy gì làm mặn nồng sau khi nỗ lực của cả hai bên trong việc giải quyết vấn đề xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu không có tiến triển.



Câu trả lời cho những nỗ lực của Nga và NATO vẫn đang bỏ ngỏ.

Tướng Nikolai Makarov kêu gọi Washington nên thay đổi kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO tại châu Âu để không đe dọa đến lực lượng hạt nhân của Nga. “Nếu Mỹ cứ khăng khăng thực hiện kế hoạch của mình thì Nga buộc phải dùng các biện pháp đối phó và tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang mới”, ông Makarov nói.

Theo ông Makarov, vào năm 2015, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ càng có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga và đến 2020, thế cân bằng hạt nhân bị phá vỡ. Đương nhiên, Nga sẽ tìm cách chống lại hệ thống đó. Vì vậy, các quốc gia châu Âu sẽ phải tăng chi tiêu cho quốc phòng.

Tướng Makarov cũng khẳng định, khoảng 5-6 năm nữa, một cuộc chạy đua vũ trang tồi tệ sẽ bắt đầu và cuộc đua này có thể sẽ không có điểm dừng, không xác định kẻ thắng người thua.

Cảnh báo của ông Makarov có nội dung tương tự như những lời cảnh báo được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố nhiều lần. Theo ông Medvedev, thế giới có thể quay lại thời Chiến tranh Lạnh nếu NATO không “mềm mỏng” trong việc hợp tác với Nga về vấn đề lá chắn tên lửa.

Nga coi kế hoạch lá chắn phòng thủ tên tên lửa của NATO do Mỹ khởi xướng là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của nước này.

Mùa thu năm 2010, Nga đã chấp thuận xem xét đề xuất của NATO về việc hợp tác xây dựng lá chắn tên lửa chung, nhưng yêu cầu trong việc quản lý hệ thống này hai bên phải có quyền như nhau, nghĩa là có thể sử dụng chung.

Trước yêu cầu của Nga, NATO đã ngay lập tức bác bỏ và hiện nay thoả hiệp về vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
[BDV news]


>> Iran xây căn cứ tên lửa bí mật sát nách Mỹ



Iran đã trả tiền cho Venezuela để xây dựng căn cứ tên lửa tầm trung trên bán đảo Paraguana của quốc gia Nam Mỹ này, theo tiết lộ của báo Đức Die Welt.

Dẫn thông tin từ “nguồn tin cậy từ các cơ quan an ninh phương Tây”, Die Welt cho biết: Iran đang xúc tiến xây dựng một căn cứ cho loại tên lửa tầm trung Shahab-3 trên bán đảo Paraguana, Venezuela.

Một nhóm kỹ sư đến từ Công ty Khatam al-Anbia thuộc sở hữu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã đến Paraguana từ tháng 2/2011.

Đích thân người đứng đầu lực lượng Không quân của Vệ binh Cách mạng Amir al-Hadschisadeh đã xúc tiến kế hoạch.

Theo đó, Iran sẽ xây dựng tại đây một khu phức hợp, bao gồm các bệ phóng tên lửa và các hệ thống kiểm soát. Một hệ thống hầm ngầm chứa tên lửa sâu đến 20m cùng trại lính, tháp canh và lô cốt cũng được xúc tiến xây dựng.



Tên lửa Shahab-3



Vị trí đặt căn cứ tên lửa


Các chi phí của Quân đội Venezuela sẽ được Iran chi trả bằng lợi nhuận từ việc bán dầu. Chi phí khởi động dự án, theo Die Welt mô tả là “lên đến nhiều triệu USD”, đã được Iran trả bằng tiền mặt.

Bán đảo Paraguana nằm trên bờ biển Venezuela và chỉ cách Colombia – đồng minh chính của Mỹ - khoảng 120km.

Theo Die Welt, thỏa thuận ngầm giữa 2 chính phủ có điều khoản Venezuela sẽ dùng căn cứ để bắn tên lửa vào các kẻ thù của Iran trong trường hợp quốc gia này bị tấn công.

Tên lửa Shahab-3 có thể được phóng bằng các giàn phóng di động giống tên lửa Scud hoặc phóng từ các bệ phóng cố định.

Giới quân sự Mỹ đang lo ngại một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân tương tự cuộc khủng hoảng ở Cuba năm 1962 có thể tái diễn, bởi với tầm bắn lên đến 2.000km thì loại tên lửa này có thể bắn xa đến bang Miami (Mỹ). Iran cũng có thể sẽ triển khai thêm các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn với tầm bắn xa hơn như Sejjil, khi đó tầm bắn còn có thể mở rộng hơn nữa.

Iran và Venezuela cũng sẽ thỏa thuận hợp tác chế tạo một loại tên lửa tầm trung nhằm trang bị cho Quân đội Venezuela trong tương lai.
[BDV news]


>> Soái hạm Yamato - Niềm tự hào 1 thời của Hải quân Nhật Bản



Là chủ lực hạm hùng mạnh nhất từng được chế tạo, Yamato gắn liền với trận hải chiến lớn nhất lịch sử.


Trong lịch sử quân sự thế giới, Yamato là đỉnh cao huy hoàng cũng là khởi đầu cho sự suy tàn của vai trò chủ lực hạm trong tác chiến trên biển.

Từng được kỳ vọng là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong tác chiến hải quân. Các nước lớn trên thế giới đua nhau cho ra đời các chủ lực hạm khổng lồ, với trang bị hỏa lực cực mạnh, được mệnh danh là “chúa tể của đại dương”. Trong số đó, có soái hạm - chủ lực hạm Yamato của Hải quân Nhật.

Tuy nhiên, những chủ lực hạm hùng vĩ nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu chết người: Nặng nề, xoay xở chậm, chi phí hoạt động quá tốn kém, trong khi đó lại dễ bị tiêu diệt từ trên không.

Thời gian tại vị của “chúa tể của đại dương” ngày tương đối ngắn, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Hải quân các nước trên thế giới đã dần loại bỏ các chủ lực hạm ra khỏi biên chế. Tuy nhiên, tại thời điểm tại vị, những chủ lực hạm đã để lại dấu ấn lớn với những trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử.

Sau đây là câu chuyện bi hùng về chủ lực hạm nổi tiếng nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2:

Chủ lực hạm Yamato (Nhật Bản)

Cùng với người "anh em" là Musashi, Yamato là chủ lực hạm mạnh nhất, lớn nhất từng được chế tạo. Tải trọng của Yamato lên đến 72.800 tấn (đầy tải), nặng hơn cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga hiện nay.



Yamato là nỗ lực rất lớn của Nhật trong cân bằng sức mạnh với Hải quân Mỹ. Bản vẽ thiết kế của Yamato, khu vực thượng tầng bố trí dày đặc các pháo phòng không.


Đây thực sự là một pháo đài trên biển với hệ thống hỏa lực cực mạnh bao gồm: 9 pháo hạm cỡ nòng 460mm, loại pháo hạm lớn nhất từng được trang bị trên tàu chiến, tầm bắn 42km. Chỉ tính riêng tháp pháo và 6 khẩu pháo hạm 460mm ở trước mũi đã có tải trọng lên đến 3.000 tấn.

Ban đầu Yamato được trang bị 12 pháo hạm 155mm, tuy nhiên sau lần sửa chữa vào năm 1944, giảm xuống còn 6 khẩu. Ngoài ra, phải kể tới 12 pháo hạm 127mm, 24 pháo phòng không 25mm. Sau sửa chữa năm 1944, số pháo phòng không 25mm trên tàu tăng lên 162 khẩu, 4 súng máy phòng không 13,2mm.

Thân tàu được bọc giáp dày 650mm ở phía trước tháp pháo, thép dày 410mm ở hai bên hông, 200mm ở sàn tàu trung tâm, 230mm ở sàn tàu phía ngoài.



Chủ lực hạm Yamato đang được chế tạo tại quân cảng Kure.


Yamato có thể mang theo 7 máy bay chiến đấu với 2 máy phóng ở cuối boong tàu. Thông số cơ bản: Dài 263 mét, rộng 36,9 mét, mớn nước 11 mét, tải trọng tiêu chuẩn 69,900 tấn tiêu chuẩn, đầy tải 72.800 tấn, thủy thủ đoàn lên đến 2800 người.

Để có thể đẩy chiếc chủ lực hạm khổng lồ này di chuyển trên biển với tốc độ tối đa là 27 hải lý/giờ, các nhà thiết kế Yamato bố trí 12 nồi hơi, 4 động cơ tuabin hơi nước. Tổng công suất của hệ thống động lực lên đến 150.000 mã lực với 4 chân vịt với đường kính là 6m.

Yamato là soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản trong suốt những năm chiến tranh thế giới thứ 2, chính thức tham chiến lần đầu tiên trong trận hải chiến tại Midway, quần đảo Hawaii.

Ngày 19/3/1945, Yamato chứng minh bản lĩnh của một trong những chủ lực hạm hàng đầu lúc đó. Dù phải hứng chịu đợt không kích dữ dội từ các máy bay chiến đấu cất cánh từ các tàu sân bay USS Enterprise, Yorktown và Intrepid nhưng nó chỉ bị hư hại nhẹ, hệ thống hỏa lực phòng không dày đặc, cùng với vỏ tàu bọc thép cực dày đã phần nào làm giảm thiệt hại từ đối phương.



Trong suốt thời gian tồn tại và tham chiến, Yamato luôn phải hứng chịu những đợt không kích dữ dội như thế này.

Thế nhưng, điều gì phải đến đã đến. Ngày 6/4/1945, trong cuộc hành quân Ten-go, sau khi rời cảng khỏi căn cứ Kure, Nhật Bản, Yamato có nhiệm vụ neo gần eo biển thuộc quần đảo Okinawa và chiến đấu như một pháo đài nổi.

Tuy nhiên, chủ lực hạm Yamato đã bị đánh chìm trước khi thực hiện dự định dùng pháo hạm 460mm trên tàu để "trút lửa" lên quân đội Mỹ đóng quân ở Okinawa. Tổng cộng đã có 380 máy bay chiến đấu của Mỹ được huy động trong 2 đợt không kích đã đánh chìm Yamato.

Chiếc chủ lực hạm uy lực nhất của mọi thời đại, biểu tượng của sức mạnh đế quốc Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2 bị đánh chìm tại tọa độ 30,22 độ vĩ Bắc, 128,04 độ kinh Đông. Trong tổng số 2.700 thủy thủ chiến đấu trên Yamato, 2.489 người đã thiệt mạng, trong đó có Phó đô đốc Seiichi Ito và Tư lệnh đệ nhị Hạm đội và Hạm trưởng của Yamato Kosaku Aruga.

Giá trị chiến lược

Là chủ lực hạm lớn nhất, từng được chế tạo trong lịch sử hải quân thế giới, Yamato là chủ lực hạm nổi tiếng nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên điều đó cũng chính là bất lợi lớn cho Yamato.

Do quá nổi tiếng, Yamato luôn là mục tiêu săn lùng số 1 của Không quân và Hải quân Mỹ. Đối với Mỹ, việc tiêu diệt Yamato có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến. Mỗi lần Yamato xuất hiện, quân đội Mỹ luôn huy động một lực lượng khổng lồ máy bay và tàu chiến để tiêu diệt chiếc chủ lực hạm mạnh nhất này.



Khối đạn dược bên trong Yamato bị kích nỗ sau khi trúng ngư lôi, vụ nỗ cắt đôi chủ lực hạm này và nó mãi mãi nằm dưới đáy đại dương.

Xét theo góc nhìn khác, sự có mặt của Yamato trong biên chế Hải quân Nhật mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là giá trị chiến lược. Yamato không có nhiều cơ hội và không gian để thể hiện uy lực của mình. Lần duy nhất chiến hạm này dùng tới các pháo hạm 460mm đầy uy lực của mình là trong trận hải chiến ngoài khơi Samar, một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử.

Yamato đã góp phần quan trọng trong việc đánh chìm 1 tàu hộ tống và 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ. Đây được xem là chiến tích lẫy lừng nhất trong thời gian tồn tại của Yamato.

Trong những trận hải chiến có sự tham gia của soái hạm Yamato, Hải quân Nhật chưa một lần giành chiến thắng. Do kích thước khổng lồ và không thể nhầm với chủ lực hạm khác. Yamato luôn bị phát hiện sớm từ xa bởi các máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ, và họ có đủ thời gian và lực lượng để "truy sát" Yamato.

Sự kết thúc vai trò của chủ lực hạm

Ngày 7/4/1945, 10 quả ngư lôi cùng 7 quả bom đã đánh trúng Yamato, hầm đạn của nó nổ tung từ bên trong.

Sự kiện chủ lực hạm uy lực nhất của mọi thời đại bị đánh chìm từ trên không cũng chính là hồi chuông báo hiệu cho “ngày tàn” của chủ lực hạm trong tác chiến hải quân. Kể từ sau sự kiện này, không một nước nào đóng mới những tàu chiến tương tự.



Hình ảnh cuối cùng của Yamato trước khi bị chìm.(ảnh National Archives)

Những chiếc chủ lực hạm còn lại trong biên chế hải quân các nước một phần được sử dụng, một số bị “xẻ thịt” bán sắt vụn, một số chiếc được sử dụng làm hiện vật trưng bày. Vào cuối những năm 1980, tất cả chủ lực hạm trên thế giới đều bị ngưng sử dụng.

Trong suốt thời gian tồn tại của mình, những chiếc chủ lực hạm luôn là đề tài tranh cãi của giới quân sự về vai trò và giá trị chiến lược của chúng.

Thực tế cho thấy rằng, để đóng mới, vận hành, duy trì, bảo dưỡng những chiếc chủ lực hạm là vô cùng tốn kém. Những chiếc chủ lực hạm, mang ý nghĩa phô trương sức mạnh quân sự và khoa học kỹ thuật nhiều hơn là tác chiến hiệu quả.
[BDV news]


>> 'Ngàn hạt cát' Trung Quốc và cỗ máy tình báo khổng lồ



Các cơ quan phản gián Mỹ đã tiến hành bắt và tuyên án một số lượng ngày càng tăng các điệp viên Trung Quốc tại Mỹ.

Phát hiện hàng loạt các vụ gián điệp công nghiệp

Vụ bắt giữ gần đây nhất là Sixing Liu, kỹ sư của một công ty sản xuất hệ thống định vị cho quân đội Mỹ.

Liu được nuôi dưỡng ở Trung Quốc và sống hợp pháp tại Mỹ, bị băt vì thực hiện chuyến đi bí mật về Trung Quốc vào cuối tháng 11/2011. Trong chuyến đi, anh ta báo cáo các dự án mà công ty của mình làm cho Bộ Quốc phòng Mỹ tới các quan chức Trung Quốc.

Đã có một số ví dụ tương tự về về kiểu đánh cắp thông tin kiểu này. Năm 2010, một nhà phân tích gốc Hoa làm việc trong Lục quân Mỹ tên Liangtian Yang bị bắt khi chuẩn bị bay bay sang Trung Quốc bằng vé một chiều. Yang giữ trong mình một file điện tử về tài liệu mật của Lục quân Mỹ.


Gần đây, xuất hiện bản cáo trạng dành cho Kexua Huang, sinh ra tại Trung Quốc, vì ăn cắp bí mật thương mại cách thức sản xuất thuốc trừ sâu hữu cơ mới (trị giá 300 triệu USD). Điểm đáng lưu ý, công nghệ này được sử dụng để tạo ra độc tố sử dụng cho chiến tranh hóa học.

Trước đó một chút, năm 2009, Dongfan Chung bị tuyên án 30 tù giam vì đã nhiều thập kỷ làm gián điệp cho Trung Quốc. Công dân Mỹ gốc Hoa này đã đến Đài Loan năm 1948 sau đó chuyển sang sinh sống ở Mỹ vào năm 1962. Sau đó, người này làm việc trong các công ty hàng không vũ trụ, chủ yếu là hãng Boeing, trước khi bị bắt vào năm 2006.

Các tài liệu tìm thấy ở nhà ông ta nêu rõ mối quan hệ giữa ông với Hoa Nam tình báo cục. Theo đó, Dongfan Chung đã chuyển cho Trung Quốc các chi tiết kỹ thuật của tàu con thoi, vệ tinh Delta IV, máy bay chiến đấu F-15, máy bay ném bom B-52, máy bay trực thăng CH-46/47, và một số hệ thống quân sự khác... Khi bị bắt, Chung là cố vấn cho Boeing.

“Ngàn hạt cát”

Trên đây là các ví dụ về việc Trung Quốc sử dụng gián điệp công nghiệp để biến quốc gia này thành một cường quốc quân sự trên thế giới. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã cố gắng để đạt được điều mà Liên xô chưa thực hiện được: ăn cắp công nghệ phương Tây và sử dụng chúng để vượt trước phương Tây.

Liên xô thiếu nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ cần thiết như ở phương Tây và chưa bao giờ có thể có đầy đủ mọi thứ cần thiết để bắt kịp thành quả kỹ thuật của phương Tây. Chẳng hạn, Liên Xô đã copy máy tính của Mỹ nhưng thiết kế ra các cỗ máy cồng kềnh cồng kềnh, độ tin cậy thấp ơn và ít tính năng tác dụng hơn. Tương tự đối với máy bay chiến đấu, xe tăng và tàu chiến của họ.

Trung Quốc đánh cắp công nghệ bằng cách tạo thuận lợi cho các công ty phương Tây thành lập nhà máy tại Trung Quốc. Tại đây, các quản đốc và công nhân của họ có thể được dạy cách thức sản xuất sản phẩm. Cùng lúc đó, Trung Quốc cho phép các sinh viên tốt nhất của họ sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Hầu hết các sinh viên này sẽ ở lại Mỹ, nơi có nhiều cơ hội và công việc hơn. Sau đó, một số hồi hương mang về kỹ năng kinh doanh và kỹ thuật.

Cuối cùng Trung Quốc tích cực sử dụng phương pháp “ ngàn hạt cát” để làm gián điệp. Điều này liên quan đến việc Trung Quốc cố gắng thuyết phục tất cả người dân Trung Quốc ra nước ngoài và con cháu những Hoa Kiều này sẽ làm gián điệp cho Trung Quốc.

Cỗ máy tình báo khổng lồ

Biện pháp làm gián điệp này không có gì là mới. Các quốc gia khác đã sử dụng hệ thống tương tự trong nhiều thế kỷ. Vấn đề bất thường ở chỗ là quy mô nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Hậu thuẫn cho các hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc là Bộ máy Tình báo chỉ đạo từ lục địa, với đội ngũ nhân viên đông đảo gần 100.000 người. Họ có nhiệm vụ liên tục theo nhiều Hoa kiều ở nước ngoài và những gì mà họ có thể, nên là tìm mọi cách ăn cắp công nghệ về cho Tổ quốc.

Trung Quốc có hơn 100.000 sinh viên đi du học nước ngoài mỗi năm. Số lượng đi du lịch và làm ăn còn lớn hơn. Hầu hết những người này không bị yêu cầu phải làm gián điêp nhưng đơn giản, họ có thể chia sẻ với các quan chức chính phủ (những người không bao giờ nhận mình là nhân viên tình báo) về bất kỳ thông tin nào mà họ có.

Giống như Nga, Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp truyền thống, sử dụng những người có quyền miễn trừ ngoại giao để tuyển mộ điệp viên, sử dụng tiền bạc, mỹ nhân kế hoặc bất cứ chiêu thức nào có thể, để thuyết phục người khác bán thông tin cho họ. Việc làm này vẫn còn hiệu quả và khi kết hợp với các biện pháp “ngàn hạt cát” đã mang về cho Trung Quốc rất nhiều bí mật.

Biện pháp cuối cùng là hình thức vận hành vốn đầu tư mạo hiểm bí mật, đôi khi gọi là Dự án 863. đó là cung cấp tiền cho các công ty Trung Quốc chuyển đổi công nghệ đánh cắp thành ứng dụng thực tế. Nếu bạn trở về Trung Quốc mang theo bí mật, bạn sẽ được cấp nhà và giàu có.

Nhưng có một số vấn đề liên quan đến luật pháp. Khi Trung Quốc đánh cắp một số công nghệ và sản xuất ra một sản phẩm nào đó thi các nạn nhân phương Tây có thể chứng minh là bị mất trộm (qua bằng sáng chế và sử dụng trước công nghệ). Các hành động pháp lý có thể sẽ gây rất khó khăn hoặc cản trở Trung Quốc bán bất kỳ sản phẩm sử dụng công nghệ đánh cắp ra nước ngoài.

Với lý do này, Trung Quốc muốn đánh cắp công nghệ quân sự. Loại sản phẩm này hiếm khi rời khỏi Trung Quốc. Tại Trung Quốc, tòa án làm những gì họ được chỉ đạo từ trên và hiếm khi quan tâm đến tuyên bố về bằng sáng chế của nước ngoài.
[BDV news]


Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

>> Pháp sắp bán được tiêm kích Rafale



Ngày 20.5.11, TT Pháp Nicolas Sarkozy đã gặp Thái tử Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed Bin Zayed Al Nahyan.

Theo dư luận, trong cuộc gặp này, hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc bán 60 tiêm kích Rafale cho UAE.


Ngày 20.5.11, TT Pháp Nicolas Sarkozy và Thái tử UAE Mohamed Bin Zayed Al Nahyan


Nếu thông tin là chính xác thì hợp đồng có thể được ký kết trong mấy tuần tới, chẳng hạn vào ngày khai mạc Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Le Bourget lần thứ 49 diễn ra vào ngày 20.6.

Có tin hai nước đã thống nhất được về cấu hình trang bị cho số tiêm kích sẽ mua bán. Trên cơ sở đó, hai bên đang đàm phát về giá trị hợp đồng.

Có 2 yếu tố giải thích vì sao không quân UAE muốn mua tiêm kích Pháp.

Một là việc mua sắm Rafale cho phép UAE giữ được vị thế độc lập với Mỹ. UAE không muốn trở thành “công cụ quân sự đơn thuần” trong tay Mỹ giống như đang xảy ra với Saudi Arabia. Hai là, chiến dịch quân sự ở Libya là bằng chứng sinh động cho thấy, Rafale là máy bay chiến đấu rất hiệu quả.



Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là Pháp bảo đảm trang bị cho các máy bay này 100% vũ khí, khí tài trinh sát và tác chiến điện tử do Pháp sản xuất phục vụ cho tất cả các loại hình chiến đấu, điều đó sẽ cho phép UAE không phải cầu cạnh sự giúp đỡ của Mỹ.





Bên cạnh đó, một số nguồn tin quân sự, trong đó có blog Ấn Độ LiveFist, diễn đàn Key Publishing Aviation và Rafale News đã đăng tải hình ảnh 3 D của biến thể Rafale tàng hình.

Máy bay có 2 cánh đứng đuôi nghiêng ra ngoài và các thùng treo có bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ, trong đó chứa vũ khí, giống như biến thể mới F/A-18 Silent Hornet của tiêm kích Mỹ F/A-18. Hoàn toàn có khả năng tiêm kích tàng hình Rafale sẽ xuất hiện sau năm 2020.
[BDV news]


>> Tình báo Nga hậu KGB



KGB vốn là một lực lượng tình báo lừng danh thế giới của Liên Xô trước đây với những điệp viên thượng hạng và những phi vụ động trời tưởng như đã lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng, việc cách đây chưa lâu Mỹ bắt giữ và trục xuất 10 điệp viên của Nga dưới những tấm vỏ bọc đa dạng và khó phát hiện cho thấy, lực lượng tình báo Nga hậu KGB vẫn rất đặc biệt.


Dưới thời Liên Xô cũ, KGB luôn là một lực lượng đáng nể đầy bí hiểm. KGB có quy mô hoạt động rất rộng với mạng lưới các điệp viên nằm vùng trong hầu hết các lĩnh vực có thể làm vỏ bọc. Các phi vụ do KGB thực hiện ở khắp nơi luôn rất ấn tượng và luôn gây những bất ngờ lớn trong làng tình báo thế giới. Thế nhưng, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người đã nghĩ rằng, sức mạnh của KGB đã không còn nữa. Trong chiến tranh Lạnh, KGB kiểm soát tất cả các hoạt động tình báo của nước này cả trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, KGB đã có những thành công vượt trội so với các cơ quan tình báo và chính trị của Mỹ và các nước châu Âu.



Cựu Tổng thống Vladimir Putin, vốn là một trung tá KGB trước đây, mong muốn củng cố FSB và đưa nó trở thành cơ quan an ninh quan trọng nhất nước Nga

Giáo sư Andrei Soldatov, Tổng biên tập một trang web chính trị của Nga và tác giả cuốn “The New Nobility: The restoration of Russia‘s Security State and the enduring legacy of the KGB”. (Sự phục hồi của cơ quan an ninh Nga và di sản của KGB), cho rằng vào năm 1991, Boris Yeltsin – vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga đã quyết định phá vỡ tổ chức KGB bằng cách chia KGB thành nhiều đơn vị an ninh nhỏ. Ông Yeltsin cũng quyết định thành lập hai cơ quan tình báo riêng biệt: SVR để kiểm soát hoạt động tình báo ở nước ngoài và FSB - cơ quan phản gián nội vụ có thẩm quyền cao nhất chuyên trách các vấn đề tình báo trong nước.

Kế thừa sức mạnh

Khi Liên Xô không còn, nghĩa là KGB cũng sẽ không tồn tại. Bởi thế, các quan chức hàng đầu KGB đã chuyển sang một số công việc khác, một số người thì ra nước ngoài, một số người lại viết sách và bán những hồi ức của mình. Trong khi đó, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) mới được thành lập cũng không còn đủ hấp dẫn để thu hút những người muốn làm việc ở đây như trước. Theo giáo sư Andrei Soldatov, trước đây, nhân viên của KGB có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng như được hưởng các đặc quyền đặc lợi khác bởi tổ chức này thực sự có quyền lực rộng khắp. Tuy nhiên, sau năm 1991, tình hình hoàn toàn đổi khác bởi người dân cho rằng lĩnh vực kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn và nó khiến FSB bắt đầu thiếu nhân viên. Hơn nữa, cơ quan này cũng bị mất đi một số ảnh hưởng trong chính trường Nga.

Mặc dù mục đích của Boris Yeltsin trước đây là cố gắng kiểm soát KGB bằng cách chia nhỏ KGB và sau đó kích thích sự cạnh tranh giữa các tổ chức này nhưng cựu Tổng thống Vladimir Putin, vốn là một trung tá KGB trước đây, lại mong muốn củng cố FSB và đưa nó trở thành cơ quan an ninh quan trọng nhất nước Nga. Như vậy, tính cạnh tranh giữa các tổ chức an ninh nhỏ hoàn toàn bị xóa bỏ. Vào tháng 7/2010, Thủ tướng Nga Putin đã chào mừng sự hồi sinh của cơ quan tình báo Nga sau khi nó bị chống phá rất mạnh mẽ vào những năm 1990. Ngày nay, FSB đã thực sự trở nên vững mạnh với khả năng khôi phục hoạt động, phân tích cũng như chiến đấu không hổ danh là lực lượng kế cận KGB.

Sau năm 1991, trong suy nghĩ của phương Tây, có thể họ cho rằng chiến tranh Lạnh đã kết thúc và lực lượng một thời đã làm họ mất ăn mất ngủ KGB cũng sẽ tự nhiên tan rã. Thế nhưng, phải chăng quan điểm ấy quá ngây thơ trước những cách thức hoạt động mới của tình báo Nga bởi ngay sau đó, lực lượng SVR và FSB được thành lập. Từ đây, từ “kẻ thù” trong phương châm hoạt động của KGB trước đây đã được chuyển thành một từ nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại cụ thể hơn, đó là các “mục tiêu”.

Những mục tiêu mới

Một điều thú vị mà Sergei - một cựu sĩ quan tình báo cao cấp của KGB và SVR, nhận thấy là với sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ có thể đã trở nên rất kiêu ngạo và có phần lơ đãng khi được họ tự nhiên không còn đối thủ. Sergei cho rằng đây chính lại là cơ hội tốt cho Nga bởi chỉ với giá của một bữa ăn ngon ở New York, nhiều điệp viên của họ đã có thể moi được thông tin từ cơ quan tình báo Mỹ. Ví dụ, khi Canada mua một hạm đội tàu ngầm của Mỹ, Sergei có thể thuyết phục được một quan chức cao cấp trong chính phủ Canada cung cấp tất cả các số liệu kỹ thuật mà các công ty Mỹ bàn giao cho Canada để bán tàu ngầm. Như vậy, chỉ sau một đêm, Nga có thể biết được công năng của tàu ngầm Mỹ. Điều này rất khó thực hiện được trong thời kỳ KGB tồn tại và chiến tranh Lạnh đang nóng.

Tuy nhiên, khó khăn mà Sergei nêu ra về những thay đổi trong hoạt động tình báo Nga cũng là việc khó khăn nhất trong quy trình điều hành mạng lưới gián điệp. Đó là cách thức trả lương cho điệp viên. Sau khi nước Nga được thành lập, SVR đã đưa vào quy định cách thức trả lương điệp viên. Ví dụ, nếu họ có điệp viên ở Nga, họ chỉ hỏi điệp viên đó đang làm công việc gì, nếu câu trả lời là ‘tôi đang làm kinh doanh bao bì’ hoặc bất cứ ngành gì, tình báo Nga sẽ yêu cầu công ty của họ ở Mátxcơva, một bình phong cho SVR, sẽ thuê hoặc trả lương cho điệp viên với tư cách một cố vấn. Trên thực tế, khoản tiền thanh toán là cho các thông tin gián điệp nhưng dưới lớp vỏ bọc một hợp đồng hợp pháp.

Cơ quan tình báo Nga hiện muốn thăm dò hai loại tin tức. Thứ nhất là tin tức tình báo về khoa học công nghệ quân sự. Thành công lớn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh của KGB là việc họ lấy được kế hoạch chế tạo bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ. Sau đó Nga đã chế tạo thành công mô hình bom nguyên tử đầu tiên giống hệt của Mỹ. Tình báo Nga đã hoàn thành khoảng gần 1.000 nhiệm vụ thu thập các tin tức tình báo khoa học và công nghệ, phần lớn nguồn thông tin này liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng. Loại tin tức tình báo thứ hai là những thông tin về kinh tế thương mại. Một ví dụ điển hình cho điều này là vụ hơn 10 điệp viên Nga mới bị Mỹ trục xuất về nước. Những người này đã vượt qua các khâu kiểm tra để trở thành người Mỹ thực thụ với những vỏ bọc thật bất ngờ để họ thuận tiện hoạt động tình báo. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào cho thấy thông tin những người được gọi là điệp viên này thu thập có hữu ích hay không.

Các phi vụ gây tranh cãi

Trong giới tình báo Nga có hai vụ đầu độc nổi tiếng nhất. Vụ thứ nhất xảy ra từ hồi Chiến tranh Lạnh, một người đàn ông bị đâm bằng mũi kim có tẩm thuốc độc được gắn lên đầu một chiếc ô. Đó là một viên thuốc nhỏ có lớp sáp bọc ngoài. Khi nhiệt độ cơ thể làm tan lớp sáp, chất độc ricin được giải phóng và người điệp viên này sẽ chết. Vụ thứ hai chính là trường hợp của Litvinenko ở Luân Đôn. Điệp viên này bị đầu độc bằng chất plutonium. Tất nhiên theo tin đồn, kẻ chủ mưu vụ đầu độc là FSB nhưng sự thực thế nào, vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn.

Một vụ nữa gần đây cũng được đồn thổi và thêu dệt lên nhiều giả thuyết khi nữ nhà báo nổi tiếng Anna Politkovskaya bị cho là đã bị đầu độc trong ngôi nhà cô từng sống ở Mátxcơva. Chính nhà báo này đã có các cuộc điều tra và ghi chép lại được nhiều thông tin liên quan đến lực lượng quân đội Nga tại Chesnia và cũng chính nhà báo này đã vào Nhà hát Mátxcơva, nơi phiến quân đã bắt giữ hàng trăm con tin trong một vụ bắt giữ con tin ở Nga.

FSB đã lấy lại gần như mọi quyền lực và sức mạnh trước đây, giống như KGB trong thời Liên Xô. Có người đã ví rằng FSB phần nào giống như chim phượng hoàng, một con phượng hoàng chưa bao giờ chết và đã hồi sinh trở lại.

[Bee news]


>> Israel tuần tra biên giới bằng công nghệ cao



Mục đích chính là phát hiện những phần tử khủng bố Palestine muốn vượt qua biên giới để đặt bom tấn công lực lượng tuần tra của Israel.

Từ trước đó, khu vực biên giới của Israel thuộc khu vực Gaza dài 51 km với địa hình chủ yếu là sa mạc và bán hoang mạc. Nước này canh gác biên giới nhờ sử dụng phương tiện quân sự và quân đội; còn tại các điểm gần cửa khẩu được gác nhờ tháp canh có người.

Hệ thống tháp canh Sentry-Tech có chiều cao 5 m và đường kính 2 m. Trên đỉnh tháp là chòi canh thiết giáp, trang bị súng máy điều khiển từ xa.

Loại súng máy 12,7 mm có tầm bắn 2.000 m, còn một số tháp sử dụng súng máy 7,62 mm với tầm bắn 800m.



AvantGuard giúp Israel kiểm soát tốt hơn vùng biên giới Gaza. Hàn Quốc cũng đang phát triển một phương tiện không người lái riêng.


Ngoài ra, để bảo vệ khu vực dải Gaza, Israel còn triển khai các phương tiện vũ trang điều khiển từ xa hỗ trợ cho các khu vực tháp canh và tuần tra, đặc biệt tại các nơi có "điểm mù".

Tiêu biểu trong số đó là phương tiện Avant Guard sử dụng cảm biến và phần mềm với súng máy 7,62 mm, camera trang bị nhìn mọi hướng và hệ thống nhận dạng mối đe dọa tiềm tàng. Avant đặc biệt hiệu quả trong hoạt động ban đêm vì khả năng nhìn đêm và di chuyển lặng lẽ.

Với trọng lượng 1,3 tấn, Avant Guard được an toàn trước đạn súng trường và mảnh đạn cối, mảnh bom.

Với kinh nghiệm trên từ Israel, Hàn Quốc đang tính chuyện phát triển phương tiện không người lái riêng để triển khai tại DMZ.
[BDV news]


>> Hạm đội Thái Bình Dương tròn 280 tuổi



Ngày 21/5/2011, đánh dấu một cột mốc quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội lâu đời nhất của Nga tròn 280 tuổi.

Ngày 21/5/1731, Thượng nghị viện Nga lúc đó quyết định thành lập một đội tàu quân sự tại cảng Okhotsk nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ của Nga tại vùng Viễn Đông. Đó là cơ sở quan trọng để xây dựng lực lượng hải quân Nga tại khu vực này, sau này đội tàu phát triển và được đổi tên là Hạm đội Thái Bình Dương.

Từ đó đến nay, ngày 21/5 trở thành ngày truyền thống của Hạm đội lâu đời nhất Hải quân Nga. Buổi lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng bắt đầu lúc 9h00 (giờ địa phương), đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm của Hạm đội Thái Bình Dương.

Đến buổi chiều cùng ngày, tại cầu tàu số 33, hạm đội sẽ tổ chức đón tiếp đoàn tàu khu trục vừa hoàn thành sứ mệnh tại Vinh Aden về dự lễ kỷ niệm 280 năm thành lập.

Trải qua 280 năm xây dựng và phát triển, từng tham gia nhiều cuộc chiến trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những năm tháng căng thẳng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đến hôm nay, Hạm đội Thái Bình Dương cùng với Hạm đội Biển Bắc là 2 hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga.

Hiện tại, căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương đặt tại Vladivostok, ngoài ra còn có các căn cứ tàu ngầm khác tại Vilyuchinsk. Trước đây, Hạm đội Thái Bình Dương từng đặt căn cứ tại Cam Ranh, Việt Nam.

Hạm đội Thái Bình Dương được Quân đội Nga ưu ái trang bị vũ khí nhiều hiện đại, trong đó có Soái hạm: Tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag lớp Slava, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy I/II, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Akula, Oscar-II, tàu ngầm tấn công lớp Kilo.

Không quân hải quân của hạm đội trang bị các máy bay ném bom chiến lược như Tu-22M3,Tu-142, đánh chặn Mig-31, chiến tranh chống ngầm IL-39, KA-27, KA-31, vận tải An-12/24/26.

Sau đây là một số hình ảnh về một số vũ khí tiêu biểu trong biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương:



Soái hạm, Tuần dương hạm Varyag.



Tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy.



Tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny.



Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III.



Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula.



Tàu ngầm tấn công lớp Kilo.



Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.



Tiêm kích đánh chặn Mig-31.



Trực thăng chống ngầm Ka-27PS.

[BDV news]


>> HQ-16 - Bản sao ‘Buk-M2’ của Nga


Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu tên lửa HQ-16, được chế tạo dựa trên cơ sở hệ thống phòng không “Buk-M2” của Nga, theo Strategy Page.

Tổ hợp xuất khẩu của Trung Quốc có tên là LY-80, các thông số kỹ thuật chính xác của tổ hợp vẫn còn chưa rõ. Không loại trừ khả năng tổ hợp của Trung Quốc cũng có các đặc tính kỹ thuật tương tự Buk-M2E của Nga.

Hệ thống tên lửa có điều khiển Buk-M2E của phòng không Nga có trọng lượng 328 kg và có khả năng tấn công các mục tiêu ở phạm vi tối đa 50 km. Radar của tổ hợp có thể phát hiện các mục tiêu ở phạm vi lên tới 150 km.


Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-16.

Trước đó, trang mạng China Defence tiết lộ, tổ hợp tên lửa phòng thủ HQ -16 do ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc liên doanh với Nga phát triển. Nó được ghi nhận là thiết kế dựa trên Buk-M1.

Biến thể tổ hợp tên lửa của Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa trong các ống phóng thẳng đứng. Tổ hợp được trang bị lần đầu cho quân đội Trung Quốc vào năm 2005, trong một phần của dự án Frigate Type 054A-II.

Trước đó, Trung Quốc chế tạo tổ hợp tên lửa HQ-17 (dựa trên các-Buk M1B) với tầm bắn trúng đích lên đến 90 km. HQ-17 là một phát triển hơn nữa của dự án HQ-16.

[BDV news]


Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

>> 'Chi phí sản xuất F-35 là không thể kham nhổi'



Theo quan chức quốc phòng Mỹ chi phí sản xuất F-35 là “không kham nổi” và kêu gọi xem xét là toàn bộ dự án, dù chương trình này đạt được những tiến bộ rõ rệt.


“Sau một thập kỷ thực hiện chương trình thì giá của mỗi máy bay trong tổng số 2.443 chiếc F-35 mà chúng ta dự định sản xuất đã tăng gấp đôi”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carton nói.

Ông Carter cho rằng nếu cứ tiếp tục chương trình như hiện nay thì chi phí sẽ đội lên đến một mức “không thể chấp nhận được, và cũng không thể kham nổi”.

Chi phí dành cho F-35 đã đội lên đến 385 tỷ USD, tức là 103 triệu USD cho mỗi máy bay nếu tính theo giá trị đồng USD không đổi hoặc 113 triệu USD nếu tính theo giá trị đồng USD trong tài khóa 2011.


Mẫu máy bay F-35 được giới thiệu năm 2006


Ước tính tổng chi phí dành cho chương trình F-35 bao gồm thiết kế, sản xuất, mua, vận hành và sửa chữa máy bay sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nhận xét mức giá trên “thật sự đáng lo ngại”, nếu xét rằng chi phí ban đầu chỉ là 69 triệu USD cho mỗi máy bay. “Đã đến lúc chúng ta ít nhất phải tìm kiếm một giảm pháp thay thế”, ông McCain tuyên bố.

“Những số liệu liên quan tới chương trình này thật sự đáng lo ngại. Không có bất cứ chương trình nào nên được phép tiếp tục với một "bản lý lịch" như vậy, nhất là trong tình hình tài chính của chúng ta hiện nay”, ông nói.

Dự án máy bay F-35 hay máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) được phát triển bởi hãng Lockheed Martin, giờ đây đã trở thành dự án vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc. Chỉ riêng chi phí nghiên cứu phát triển đã ngốn hết 51 tỷ USD, con số mà Thượng nghị sĩ Carl Levin mô tả là “đáng sợ”.

Những khoản chi quá tay, việc trì hoãn liên tục để bổ sung 2 phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và cất cánh theo kiểu thẳng đứng, cũng như bổ sung thêm hệ thống giảm độ bộc lộ radarr và nhiều chi tiết phức tạp khác, theo Thứ trưởng Carter. Ông Carter cũng đổ lỗi cho "văn hóa chi tiêu" vô tội vạ của Lầu Năm Góc kể từ sau sự kiện 11/9.

Tờ Huffington Post nhận xét, dù các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates hay Thứ trưởng Carter vẫn bảo vệ dự án F-35 như một sự lựa chọn “không thể thay thế” và là “tương lai của năng lực tấn công chính xác của Quân đội Mỹ”, ngày càng có nhiều nhà chính trị Mỹ đặt dấu hỏi về dự án này.

Từng được hứa hẹn là loại máy bay “kinh tế” với chi phí bảo dưỡng chỉ bằng 1/3 so với máy bay F-16, giờ đây chi phí cho máy bay F-35 là 16.425 USD cho 1 giờ bay – đắt gấp 1,2 lần so với loại máy bay F-16 C/D, theo một báo cáo vừa rò rỉ ngày 12/5 của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Rõ ràng tương lai của loại máy bay chủ lực đang ngày càng trở nên phức tạp như bản thiết kế của nó vậy.

[BDV news]


>> Kim Jong Un thăm Trung Quốc



Hôm nay, Hãng Thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, con trai út của người đứng đầu CHDCND Triều Tiên, Đại tướng Kim Jong Un đã chính thức đến thăm Trung Quốc.


Theo Yonhap, đại tướng Kim Jong Un, người được cho là sẽ kế nhiệm cha mình đã qua cầu bắc trên sông Tuman sang đất Trung Quốc, bắt đầu chuyến công du vốn được báo chí quốc tế tốn giấy mực khá nhiều, vào sáng ngày 20/5.

Về lộ trình tiếp theo cũng như các đối tượng mà Đại tướng Kim Jong Un sẽ gặp gỡ tiếp xúc hiện nay chưa được tiết lộ.

Vào tháng 11/2010, theo thông báo, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và con trai Kim Jong Un viếng thăm Trung Quốc.

Đại tướng Kim Jong Un. Ảnh: AFP

Lời mời được chuyển thông qua một quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc tham dự lễ duyệt binh được tổ chức ngày 10/5/2010 tại Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng cầm quyền tại Triều Tiên.

Các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây và Hàn Quốc cho rằng, Kim Jong Un sẽ là người kế nhiệm cha mình.

Trong 2 năm gần đây, Kim Jong Un liên tiếp được bổ nhiệm nắm các vị trí chủ chốt trong giới lãnh đạo Triều Tiên (Quốc hội, Quân đội và Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên).

Ngoài ra, vị tướng trẻ tuổi này thường xuyên được các phương tiện thông tin đại chúng chính thống Triều Tiên đề cập đến.


[BDV news]


>> Nga phóng tên lửa 'dằn mặt' NATO



Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Sineva từ một tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong bối cảnh có những bất đồng với NATO.


Đây là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Sineva thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng. Giới quân sự phương Tây cho rằng, đây là một động thái “dằn mặt” NATO xung quanh vấn đề xây dựng lá chắn tên lửa tại Đông Âu.

Theo Defence News, tên lửa Sineva được phóng từ một tàu ngầm hạt nhân chiến lược ngoài khơi biển Barent và đã đánh trúng mục tiêu giả định trên bán đảo Kamchatka nằm trong vùng Viễn Đông của Nga.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Igor Konashenkov cho biết: “Tên lửa được phóng đi từ một tàu ngầm dưới mặt nước, đầu đạn đã đánh trúng mục tiêu giả định theo kế hoạch thử nghiệm”.



Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sineva đang được phóng lên từ tàu ngầm dưới mặt nước.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sineva là một bổ sung mới cho kho vũ khí hạt nhân chiến lược phóng từ tàu ngầm của Quân đội Nga.

Tên lửa đã hoàn thành các công tác thử nghiệm vào năm 2008, mỗi tên lửa Sineva có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân tấn công 10 mục tiêu cùng lúc, tên lửa có tầm bắn 10.880 km.

Quân đội Nga cho biết, các vụ thử nghiệm tên lửa hạt nhân hạng nặng là để nâng cấp các hệ thống đã lạc hậu, đồng thời bổ sung và thử nghiệm các tính năng mới cho hệ thống tên lửa chiến lược này.

Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm tên lửa này lại diễn ra trùng hợp với những căng thẳng ngoại giao với phương Tây. Trước đó, Nga đã thu hẹp quy mô của các thử nghiệm như là một phần trong hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Start-2.

Hiện tại, Moscow bày tỏ sự giận dữ đối với Washington xung quanh việc xây dựng lá chắn tên lửa cho châu Âu.


Việc xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu đang gây ra những quan ngại sâu sắc đối với an ninh của Nga.


Nga cho rằng, họ phải được quyền tiếp cận việc xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu, các biện pháp bảo vệ an ninh cũng như cách mà Mỹ xác nhận hệ thống này là vì hòa bình và ổn định lâu dài. Song cả Washington và NATO đều từ chối cho Nga tiếp cận việc xây dựng này, cũng như từ chối các biện pháp để bảo vệ Nga.

Theo giới quân sự Nga, việc xây dựng lá chắn tên lửa này đang đe dọa an ninh của nước này, đích thân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: “Nếu Washington không giải quyết thỏa đáng mối quan tâm của Nga về lá chắn tên lửa, điều này có thể kích động một cuộc chiến tranh lạnh mới”.

Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga tướng Nikolai Makarov nhấn mạnh: “Hệ thống lá chắn tên lửa này đặt ra một thách thức trực tiếp đối với an ninh của Nga khi nó được hoàn thành vào năm 2015. Điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang dữ dội, và một cuộc chạy đua vũ trang mới là điều không cần thiết cho đôi bên”.
[BDV news]


>> NATO không kích cảng Tripoli, Lybia



NATO cho hay, đêm qua máy bay tiêm kích của liên minh đã không kích 7 tàu của Hải quân Lybia. Còn phía Libya cho biết NATO đang chặn nguồn cung cấp lương thực của nước này.


Mục tiêu các cuộc không kích của NATO nhằm vào là các tàu thuộc sở hữu của ông Gaddafi đang đồn trú tại cảng Tripoli, Al- Humes và Sirte. Dù vậy NATO tiếp tục tuyên bố, mục tiêu tấn công của liên quân đêm qua chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự.


Tàu tại cảng Tripoli bốc cháy dữ dội sau cuộc không kích của NATO


Theo nhân chứng, tại cảng Tripoli xảy ra 4 tiếng nổ lớn làm nhiều tàu bốc cháy dữ dội. Các phóng viên của AFP có mặt tại hiện trường lại không dám khẳng định chắc chắn con tàu cháy là tàu dân sự hay quân sự.

Phía phía NATO cho rằng, chiến dịch đêm qua được thực hiện để bảo vệ dân thường và an ninh của NATO trên biển.

Theo lời người đại diện NATO, liên minh buộc phải tấn công các tàu của người đứng đầu Lybia vì trong tuần qua lực lượng trung thành với ông Gaddafi thường xuyên có những hành động ngăn cản các dòng viện trợ nhân đạo từ bên ngoài vào cảng Misurata để cứu giúp người dân Lybia.

Trước hành động này của NATO, phát ngôn viên chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim chính thức lên tiếng, gọi cuộc tấn công trên của NATO là một hàng động muốn dồn ép quốc gia Lybia tới bước đường cùng.

Ông còn khẳng định, các cảng bị tấn công là nơi tiếp nhận thực phẩm và các nhiều nhu yếu phẩm khác của đất nước. “Cả đất nước Lybia có nguy cơ chết đói vì cuộc không kích của NATO”, ông Ibrahim nói.

Hiện khu vực cảng bị tấn công ở Tripoli vẫn đang trong tình trạng bất ổn. Ông Ibrahim lên tiếng: “Tổng thống Mỹ Barack Obama quá ảo tưởng. Chúng tôi cho rằng, những lời dối trá của ngài vẫn đang lan tràn khắp thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngài (Obama) làm gì có quyền quyết định sự ra đi của nhà lãnh đạo Lybia. Quyền quyết định vấn đề này là của chính người dân Libya”.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang